KINH KIM SẮC ĐỒNG TỬ NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa-môn Duy Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Bấy giờ, thương chủ Nhật Chiếu vượt qua biển lớn, hoàn thành chuyến đi, đã thu được lợi. Một ngày nọ, ông trở về thành Vương xá. Khi vừa vào thành, bỗng thấy hiện tượng không tốt, thương chủ Nhật Chiếu kinh sợ, run rẩy, hai mắt máy động. Hiện tượng đó là: Chim tụ tập thành bầy bay ở trước, lớn tiếng kêu liên tục. Thương chủ vốn hiểu được điềm này, nên suy nghĩ: “Như hôm nay, theo điềm này, ta thấy thật không tốt, chắc chắn Đồng tử Kim Sắc con ta đang có việc không an, theo như tướng pháp nói, ắt có chia ly.” Khi ấy, thương chủ nói kệ:

Như hai mắt ta đều máy động
Bầy chim dữ bay kêu liên tục
Chắc chắn con ta vào lúc này N
ỗi khổ chia ly đang gần kề.
Lại như thân thể phát run sợ
Tâm buồn bực, không an, kinh hãi
Nhất định chia lìa con thân yêu
Tướng ác hiện trước, ắt không xa.

Nói kệ xong, trong lòng rất run sợ, thương chủ Nhật Chiếu suy nghĩ trăm ngàn việc vô nghĩa bất lợi, ngờ ngợ trong lòng, đi quanh quẩn không biết nơi ngừng. Lại suy nghĩ: “Nay vì sao ta lại đến thành này.” Suy nghĩ, cho tới khi nghe tiếng mọi người kêu gào. Nghe rồi, thương chủ lại vừa đi vừa nghĩ tiếp, đến ngả tư, lại thấy nhiều người như bị quỷ La-sát khủng bố, ai cũng có nỗi đau khổ xa lìa. Thấy một người đứng trước, thương chủ bèn hỏi:

–Này Nhân giả! Vì sao mà có việc như vậy?

Người kia đáp:

–Con của thương chủ Nhật Chiếu tên là Đồng tử Kim Sắc, tướng mạo khôi ngô, đầy đủ các đức, nhưng Đồng tử ấy lại giết hại nàng kỹ nữ Ca-thi Tôn-na-lợi trong khu vườn nhà mình. Nay vua quan không chịu xét kỹ việc ấy, lại giao cho người chấp pháp, Đồng tử sắp bỏ mạng nên khắp các ngả tư, ngõ hẻm, mọi người đều nghe biết. Không bao lâu nữa Đồng tử ấy sẽ bỏ mạng nơi rừng bỏ thây chết.

Nghe nói rồi, thương chủ Nhật Chiếu do khổ chia lìa con làm cho đau đớn nên ngất xỉu, ngã lăn xuống đất. Được mọi người rưới nước lên mặt, hồi lâu thương chủ mới tỉnh, lần vịn đứng dậy, khóc lớn, nước mắt như mưa, quay nhìn bốn phía nói:

–Khổ thay! Đồng tử Kim Sắc con ta nay ở đâu?

Lúc ấy, thương chủ liền đi nhanh đến khắp các ngả đường tìm kiếm, mới thấy vợ mình tóc xõa, mê loạn, than khóc kêu gào, lang thang khắp nơi vì nỗi khổ lìa con. Thương chủ thấy rồi lòng đau đớn, nghẹn ngào, đi lần tới. Thấy chồng, người vợ càng thêm đau buồn, như tên bắn vào tim, nước mắt ròng ròng, vội vàng đến trước mặt chồng, ngã lăn xuống đất. Lúc ấy, thương chủ Nhật Chiếu nắm tay vợ, lớn tiếng than khóc. Người vợ cố gắng bước tới trước cung kính, thưa:

–Này phu chủ! Xin cứu thiếp. Cứu thiếp. Thiếp mong cầu chàng hãy cứu đứa con yêu quý. Xin chàng hãy thương xót. Rồi bà nói kệ:

Nay xin phu chủ an ủi thiếp
Thiếp không phước nên không vui vẻ
Thiếp đang bị xa cách con yêu
Rất đau khổ đến phải than khóc.
Phu chủ nên biết khi hai ta
Sinh được con là niềm vui lớn
Nay vì sao đứa con yêu quý
Không bao lâu sẽ phải chịu chết.
Con thiếp hiền hòa, không ngang ngược
Thông suốt tất cả các kinh sách
Tướng mạo tuấn tú không ai bằng
Người con có trí sắp bỏ mạng.
Đoạn dòng giống trong tộc họ ta
Phá nguồn gốc của tộc họ ta
Đuốc sáng an lành trong tộc họ
Ánh sáng chiếu soi bị tiêu diệt.
Con là của báu trong tâm thiếp
Là đứa con thiếp thương yêu mãi
Trong chúng, con thiếp là mắt sáng
Bị quan chấp pháp sắp hành hình.
Tất cả việc làm đều vì con
Mất con cũng như mù đôi mắt
Con quý trong tâm cũng mất luôn
Vì sao nay sắp bị giết hại.
Chàng nên mau gắng sức dũng mãnh
Vì con mà tìm mọi cách hay
Người nào có thể cứu con thiếp
Tất cả châu báu, thiếp đều cho.
Thiếp thấy con chúng ta lúc này
Chưa bị hình phạt, mạng còn sống
Theo ý chàng muốn và suy nghĩ
Hãy mau tìm cách cứu con mình.

Bấy giờ, tuy bị nỗi khổ xa lìa con làm cho đau đớn giày vò, nhưng thương chủ vẫn cố tỉnh táo, gắng sức giữ gìn thân tâm, thương chủ Nhật Chiếu lần đến trước chỗ mọi người, chắp tay, nói:

–Này các Nhân giả! Các ông nghe lời toi nói. Tôi đang gặp lúc ách nạn nguy khốn. Vì sao các ông không tìm chút ít phương cách để cứu giúp giải thoát cho con tôi? Nếu sự việc ở nơi vắng vẻ thì khó có ai thấy rõ. Nay sự việc ở giữa cung thành vua, lẽ nào các ông không thấy, huống chi con tôi rõ ràng có đức tốt. Vì sao lại giao cho quan chấp pháp đưa con tôi đến chỗ chết? Vì sao các ông không có một chút lòng thương nào để gắng sức cứu giúp nó? Vì sao nhà vua có nhiều pháp luật mà không xem xét kỹ? Vì sao các vị không mở lòng ra để hiểu rõ về con tôi?

Khi ấy, trong đám đông có một người nói:

–Thưa thương chủ! Đồng tử con ông các đức đầy đủ, chúng tôi

đều biết. Vả lại, hôm nay, chẳng phải riêng một mình ông đau khổ, mà tất cả người trong và ngoài thành như chúng tôi cũng đều đau khổ. Song chúng tôi chưa tìm ra phương cách nào để làm cho Đồng tử được thả ra. Vì thế, chúng tôi đều rất lo âu, bứt rứt.

Thương chủ nói:

–Các ông nên biết! Đồng tử con tôi hoàn toàn làm việc thiện, luôn có tâm Từ bi, có oai đức lớn, rất ưa thích chánh pháp, thương mến chúng sinh, đối với việc vô nghĩa, không lợi ích cũng không thể phát tâm làm, huống chi là làm việc tà ác như vậy. Xin các Nhân giả hãy mau xem xét kỹ sự việc này. Nếu Đồng tử thật không có tội xin được giải thoát khỏi ách nạn ấy. Này các ông! Nếu các ông xét rõ sự việc thì cùng nhau làm chứng, tất cả mọi người sẽ làm theo lời các ông, sẽ không có điều gì là sai lầm cả. Ngoài điều này ra, không có cách gì thể hiện tâm thương xót rõ ràng. Nếu được như vậy thì các ông đúng là những người có tâm thương yêu hiền lành, kính mến người có đức.

Nếu các ông phát tâm thương xót rồi, nên đến chỗ nhà vua cầu xin ban lệnh cho các quan, đúng như lời tâu trình sự việc của các ông, ngoài ra không nên tin nghe điều gì khác.

Các ông nên biết! Tôi sắp xa lìa con nên vô cùng đau khổ. Xin cứu giúp cho tôi. Người nào cứu được thì tôi sẽ cho hết tất cả châu báu. Xin các ông làm ơn cứu giúp, vì Đồng tử này mà xét đúng sự thật.

Khi nghe thương chủ nói, mọi người đều hiểu ý, cùng nói với nhau:

–Đồng tử này các đức đều đầy đủ, thật đáng kính mến.

Họ liền chọn lựa hai ba người có trí, thông minh, hiểu được lý lẽ đi đến cung vua, tâu lên nhà vua đầy đủ sự việc. Nếu vua vì Đồng tử Kim Sắc, ra lệnh các quan xem xét kỹ lại sự việc cho rõ ràng, thực hư thế nào thì những người dân chúng tôi sẽ dâng lên nhà vua mười vạn tiền vàng. Vua y theo lời tâu.

Bấy giờ, người có trí đại diện đi đến chỗ quan tư pháp là đại thần Dũng Lệ để trình bày làm rõ sự việc. Từ xa trông thấy hai ba người đi đến, đại thần Dũng Lệ liền hỏi:

–Các ông không có việc gì, vì sao đến đây?

Các người ấy đáp:

–Chúng tôi, dan chúng ở thành Vương xá đều thương xót thưa: Thưa đại nhân! Đồng tử Kim Sắc tướng mạo khôi ngô tuấn tú, các đức đầy đủ, được nhiều người yêu mến. Người ấy sắp phải chết rồi. Tất cả dân chúng trong thành Vương xá đều rất đau khổ. Hơn nữa, người này thường ưa chánh pháp, pháp luật… đức hạnh không thiếu. Người ấy không có một chút tội lỗi nào, mọi người đều tin tưởng. Vua ra lệnh cho đại nhân, vì Đồng tử Kim Sắc, tra xét lại sự việc trước đây. Chúng tôi đã đem mười vạn tiền vàng dâng lên nhà vua. Thương chủ Nhật Chiếu cũng tự bày ra đầy đủ các loại châu báu để dâng lên nhà vua, làm cho kho của cải báu nhà vua càng thêm nhiều.

Nghe như vậy, đại thần Dũng Lệ nổi giận, nói:

–Sự việc quyết định đã lâu rồi. Vì sao các ông lại muốn tra xét lại? Hơn nữa, sao lại nói đem dâng mười vạn tiền vàng để cho kho báu nhà vua tăng thêm. Lẽ nào ta lại nhận của phi lý để làm giàu cho kho báu của nhà vua sao? Các ông thật là không biết ý nhà vua. Dân chúng các ông ở mọi nơi khéo bày ra mưu kế muốn cho nhà vua làm việc vô nghĩa. Đây chẳng phải là đúng cách mà chính các ông đã phỉ báng nhà vua. Chỉ vì một việc khác mà muốn khiến cho nhà vua cùng xét đến việc này để thấy nhiều người đều bị hại.

Đại thần Dũng Lệ quở trách những người đại diện kia rồi, liền cho gọi bốn hạng người ác. Nghĩa là:

  1. Người làm nghiệp rất ác.
  2. Người không biết nhịn nhục.
  3. Người không có lòng thương xót.
  4. Người không có lòng lành.

Khi họ đến rồi, đại thần Dũng Lệ ra lệnh:

–Các ngươi hãy dẫn các đao phủ kia ra khỏi thành. Theo lệnh ta, đúng phép vua giết Đồng tử này. Các người chớ có tự ý thả ra, các quan khác có nói gì cũng không được thả. Các người y theo lệnh ta làm thì rất tốt, nếu không nghe lời ta mà có ý khác thì ta và các người sinh ra oán thù lớn đấy!

Các người kia đáp:

–Chúng tôi xin vâng lệnh.

Sau khi nhận lệnh, bốn quan giám sát đều cầm kiếm bén dẫn đường đi trước.

Khi ấy, các đao phủ suy nghĩ đến trăm cách mưu kế. Họ dẫn Đồng tử đi bộ từ từ lòng vòng khắp các ngả tư, ngõ hẻm, muốn để cho tất cả mọi người đều hay đều biết, bèn nói:

–Khổ thay! Nay ta phải có mưu kế gì để Đồng tử thoát khỏi nạn này. Lẽ nào chúng ta phải làm việc vô nghĩa ấy.

Khi ấy, bốn quan giám sát cầm kiem bén đến trước các đao phủ nói:

–Các người nên vâng lệnh của đại quan, mau thi hành việc ấy. Nếu các người không mau ra khỏi thành, theo lệnh giết Đồng tử này thì ta sẽ giết các người ngay.

Bốn quan giám sát rất hung ác, đều cầm kiếm bén, bộ dạng đáng sợ, giương đôi mắt giận dữ nhìn các đao phủ kia.

Các đao phủ nghĩ đến mạng sống, nên đều sợ hãi, cùng nói:

–Khổ thay! Bây giờ chúng ta không còn phương cách nào để cứu Đồng tử, mà phải tuân lệnh đem Đồng tử đi giết.

Nói xong, nước mắt tuôn rơi, đau xót. Khi ấy, các quan giám sát lại hối thúc mau kéo Đồng tử Kim Sắc ra ngoài thành. Khi Đồng tử ra khỏi thành, có vô số trăm ngàn người chạy theo nhìn ngắm, rồi đau đớn than khóc và đều nói:

–Khổ thay, khổ thay! Vật báu lớn của thương chủ Nhật Chiếu tan mất. Dòng họ tôn quý của thương chủ Nhật Chiếu nay đến lúc sắp đoạn tuyệt. Ngọn đuốc sáng trong dòng tộc của thương chủ Nhật Chiếu sắp bị tắt. Hạt ngọc trên búi tóc của thương chủ Nhật Chiếu sắp rơi xuống. Đôi mắt sáng của thương chủ Nhật Chiếu sắp bị hư. Sự tốt đẹp trang nghiêm của thương chủ Nhật Chiếu phải bị tan hoại. Tâm của thương chủ Nhật Chiếu rất đau đớn giống như bị mổ xẻ ra. Sự sống trong thân thể của thương chủ Nhật Chiếu đang dần chết. Khổ thay! Vì sao để Đồng tử ấy đến chỗ đồng trống, hiu quạnh ngoài thành, bơ vơ, quay cuồng, hoảng hốt, không nơi nương tựa, không người cứu giúp. Ở trong thành Vương xá, Đồng tử này là bậc cao quý nhất, giống như mặt trăng sáng bị La-hầu nuốt, giống như mặt trời trong thành lớn Vương xá giữa ban ngày mà bị tối đen, mọi người ở trong thành lớn Vương xá như mất con mắt sáng, mê mờ lạc phương hướng. Mọi người ở trong thành lớn Vương xá đành phải xa lìa lòng thương mến nhau đã có rất lâu. Sự tốt đẹp quý báu của mọi người ở trong thành Vương xá nay đành phế bỏ. Hạt châu trong búi tóc của mọi người ở thành Vương xá đã rơi xuống đất. Vật báu yêu mến của mọi người ở trong thành Vương xá đã bị phá hoại. Con mắt của mọi người ở trong thành Vương xá đã mất ánh sáng, làm sao để nhìn. Chúng ta chứng kiến việc này rồi làm sao có thể vui vẻ được, tâm ý chúng ta thật không có chỗ nương tựa!

Bấy giờ, Đồng tử Kim Sắc đã ra ngoài thành, các quan giám sát kia sai người đến báo với đại thần Dũng Lệ, là Đồng tử đã ra ngoài thành Vương xá. Nghe rồi, đại thần Dũng Lệ rất vui lòng.

Lúc này, những người dân ở trong và ngoài thành đã thấy, nghe việc ấy đều buồn rầu không vui, hoang mang không biết làm thế nào, bèn đi hỏi lại những người thông minh được bầu chọn đến gặp vua lúc trước. Những người nay trình bày đầy đủ sự việc trên. Dân chúng nghe rồi buồn rầu vô cùng, không biết làm sao nên cùng nhau bàn nói:

–Các người nên biết! Quốc chủ chúng ta, vua A-xà-thế là một vị vua ác, không tuân theo lẽ chánh đáng, xưa kia giết cha, nay làm việc phi pháp. Người kia có oai đức, tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, được mọi người yêu mến, trí tuệ hơn người mà bị giết hại. Khổ thay! Nhà vua lại rất ác, không có tâm thương xót. Khổ thay! Nhà vua không biết người có đức. Nhà vua và các quan không có hiểu biết đúng đắn. Vì sao không dựa vào pháp luật chân chánh xem xét rõ ràng đối với người hiền lành, lại xem thường vứt bỏ, hay là do thời vận nên khiến sự việc như vậy. Chánh pháp chìm mất, phi pháp tăng trưởng, ở trong đời xấu ác tin theo lời người ác, nên làm cho người phước đức hiền lành phải chịu khổ chia lìa. Khổ thay! Khổ thay!

Thật là vô lý.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12