SỐ 237
KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Trần, Tam tạng Pháp sư Chân Đế, người xứ Thiên Trúc.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo trụ ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xávệ.
Bấy giờ, vào buổi sáng, Thế Tôn đắp y cầm bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành, Ngài theo thứ lớp khất thực xong trở về trú xứ thọ thực rồi xếp y, rửa bát, rửa chân, như thường lệ trải tọa cụ, ngồi kiết già ngay ngắn, chánh niệm tại chỗ. Khi ấy các Tỳ-kheo đều đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, nhiễu bên phải ba vòng rồi ngồi qua một bên.
Lúc đó Tịnh mạng Tu-bồ-đề đang ngồi trong đại chúng, liền đứng dậy, trịch vai áo bên phải, quỳ gối phải sát đất, đảnh lễ Phật rồi chắp tay bạch Phật:
–Thật hiếm có, bạch Thế Tôn! Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Giác Tri khéo hộ niệm cho các Đại Bồ-tát được lợi ích vô thượng; khéo phó chúc cho các Đại Bồ-tát được giáo nghĩa vô thượng.
Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm Vô thượng Đẳng chánh giác hành Bồ-tát đạo thì nên an trụ thế nào? Tu hành thế nào? Và phát khởi tâm Bồ-tát thế nào?
Đức Thế Tôn bảo Tu-bồ-đề:
–Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề! Như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các Đại Bồ-tát đạt lợi ích vô thượng, khéo phú chúc cho các Đại Bồ-tát đạt giáo nghĩa vô thượng. Này Tu-bồ-đề! Ông hãy nhất tâm lắng nghe, cung kính và khéo léo suy nghĩ, ta sẽ vì ông mà giảng.
Nếu như Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo thì nên an trú như vầy, tu hành như vầy, phát tâm như vầy.
Tu-bồ-đề thưa:
–Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Đức Phật dạy Tu-bồ-đề:
–Này Tu-bồ-đề! Người thiện nam, thiện nữ nào khi phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo, thì nên phát tâm như vầy: “Đối với tất cả các loài chúng sinh như trứng sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh; loài có hình sắc, loài không hình sắc; loài có tưởng, loài không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, cho đến chúng sinh với những tên gọi khác nhau, ta đều làm cho họ được an ổn nơi Niết-bàn vô phiền não.” Tuy vô lượng chúng sinh đã nhập Niết-bàn, nhưng không một chúng sinh nào nhập Niết-bàn. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát có tưởng chúng sinh, thì không được gọi là Bồ-tát, vì tất cả Bồ-tát không có tưởng ngã, tưởng nhân, tưởng chúng sinh, tưởng thọ giả.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không chấp trước vào các loài chúng sinh trên mà thực hành bố thí, không chấp trước vào những gì của mình và của người trong lúc bố thí, không chấp trước vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà thực hành bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồtát phải nên hành bố thí như vầy: “Không chấp trước vào các tưởng tướng trong lúc bố thí.” Vì sao? Vì nếu Bồ-tát trong lúc bố thí, không có tâm chấp trước thì phước đức tụ hội không tính kể.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì hư không ở phương Đông có thể tính được không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể tính được!
Đức Phật nói:
–Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Hư không ở các phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn góc, trên dưới, mười phương có thể tính được không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể tính được!
Đức Phật nói:
–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát không để tâm chấp trước trong lúc hành bố thí thì phước đức tụ hội không thể tính kể. Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì có thể dựa vào oai đức thù thắng của thân tướng mà thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể được! Vì sao? Vì Như Lai dạy oai đức thù thắng của thân tướng chẳng phải là oai đức thù thắng của thân tướng.
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, cái gì không có tướng là chân thật. Do các tướng là không tướng, cho nên thấy Như Lai.
Tịnh mạng Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Ở đời hiện tại và vị lai, có nhiều Bồ-tát nghe thuyết đúng về các tướng và văn nghĩa trong kinh này như vậy, có sinh lòng tin chân thật không?
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Ông chớ nói như vậy. Ở đời hiện tại và vị lai, có nhiều Bồ-tát được nghe kinh này liền sinh lòng tin chân thật.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ở đời vị lai, sau khi chánh pháp diệt, năm trăm năm sau, có các Đại Bồ-tát trì giới, tu hành phước đức và có trí tuệ. Này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát này gieo trồng thiện căn và làm Phật sự chẳng phải ở nơi một vị Phật, mà ở vô lượng trăm ngàn vị Phật.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, tín nữ nào nghe thuyết về
các tướng và văn nghĩa trong kinh này, dù chỉ một niệm mà sinh lòng tin chân thật, thì Như Lai đều biết người này và thấy người này. Này Tu-bồ-đề! Thiện nam, tín nữ này phát sinh phước đức vô lượng. Vì sao? Vì các Bồ-tát không tưởng có ngã, có nhân, có chúng sinh, có thọ giả; không tưởng có pháp, không tưởng phi pháp, tưởng không, chẳng tưởng không. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu các Đại Bồ-tát này tưởng có pháp, tức là còn chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì vậy, Bồ-tát không nên ôm giữ lấy pháp và phi pháp. Do nghĩa như vậy, nên Như Lai thường dạy người tu hành phải quán sát và hiểu rằng kinh ví như chiếc bè, chánh pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không? Như Lai có thuyết pháp không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu nghĩa của Đức Phật dạy, thì không có pháp gì để Như Lai chứng đắc Vô thượng Đẳng chánh giác; cũng không có pháp để chấp lấy, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì tất cả Thánh nhân đều dựa vào pháp chân như vô vi mà hiển hiện.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? nếu có người đem bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, nhờ đó người ấy có được nhiều phước đức không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều! Người thiện nam, thiện nữ đó nhờ sự bố thí mà được phước đức rất nhiều. Vì sao? Vì phước đức tức chẳng phải phước đức, cho nên Như Lai mới gọi là phước đức.
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nào thọ trì kinh này, dù chỉ bốn câu kệ, giảng giải đúng ý nghĩa kinh này cho người khác nghe, thì người này phước đức phát sinh nhiều hơn người kia vô lượng vô số.
Vì sao? Vì Như Lai thành Vô thượng Bồ-đề là do phước đức này, chư Phật Thế Tôn cũng sinh ra từ phước này. Vì sao? Vì nói Phật pháp tức chẳng phải Phật pháp, nên mới gọi là Phật pháp.
Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn có nghĩ: “Ta đắc quả Tu-đà-hoàn” không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không! Vì sao? Vì thật ra không có chỗ nào để đạt đến Dự lưu, mới gọi là Tu-đà-hoàn; cho đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy. Tư-đà-hàm tên gọi là Nhất lai, thật ra không có chỗ để qua lại, nên mới gọi là Tư-đà-hàm. A-na-hàm tên gọi là Bất lai, thật ra đâu có chỗ nào để mà không đến, nên mới gọi là A-na-hàm.
Đức Thế Tôn hỏi:
–Như vậy, theo ông, A-la-hán có nghĩ: “Ta đắc quả A-la-hán” không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không có! Vì sao? Vì sự chân thật không có sở hữu nên mới gọi là A-la-hán. Nếu A-la-hán nghĩ như vậy tức là còn chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Ứng Cúng là Bậc Chánh Biến Tri thường khen ngợi con thành tựu định Vô tránh là bậc nhất trong mọi người. Con nay tuy đã đắc A-la-hán, ra khỏi dục của ba cõi, nhưng con không nghĩ rằng mình chứng đắc A-la-hán. Nếu con nghĩ như vậy, thì Đức Như Lai sẽ không thọ ký cho con đắc pháp định Vô tránh, là bậc nhất trong mọi người. Thật ra không trụ ở định Vô tránh tức là trụ ở định Vô tránh.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vào thời Phật Nhiên Đăng, Đức Như Lai, Ứng Cúng, bậc Chánh Biến Tri có nhận lấy một pháp nào không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không có nhận lấy một pháp gì. Vì đâu có pháp nào để Như Lai nhận lấy vào thời Phật Nhiên Đăng.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát nói như vầy: “Ta sẽ làm trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, thì Bồ-tát đó nói lời giả dối.” Vì trang nghiêm cõi Phật, Như Lai bảo chẳng phải trang nghiêm, nên mới gọi là trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Do đó Bồ-tát không nên sinh tâm trú trước như vậy. Cũng không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm; nên không chỗ trụ mà sinh tâm.
Này Tu-bồ-đề! Ví như có người thân thể to lớn như núi Tu-di. Ý ông thì sao, thân tướng như vậy có to lớn không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất to lớn! Vì sao? Vì Như Lai dạy:
–Chẳng có thân gọi là có thân, thân này chẳng phải có nên mới gọi là thân.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Trong sông Hằng có rất nhiều cát, cứ mỗi hạt cát là một sông Hằng. Vậy số cát trong những sông Hằng ấy có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Cát trong một sông Hằng đã nhiều rồi, huống chi cát trong nhiều sông Hằng ấy.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Như Lai sẽ nói cho ông rõ! Như Lai sẽ giảng cho ông hiểu! Có những thế giới cũng nhiều như số cát ở nhiều sông Hằng vậy; nếu có thiện nam, tín nữ đem bảy thứ báu cúng dường Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, theo ý ông thì sao, người này phước đức có nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều! Người này nhờ đó mà phước đức phát sinh rất nhiều.
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam, tín nữ nào đem bảy báu đầy khắp thế giới như cát sông Hằng ấy mà bố thí. Hoặc lại có thiện nam, tín nữ khác thọ trì kinh điển này, dù chỉ bốn câu kệ mà cung kính thọ trì lại giảng giải đúng đắn cho người khác, thì người này phước đức phát sinh nhiều hơn người kia vô lượng vô số.
Này Tu-bồ-đề! Bất kỳ chỗ nào nếu có người thọ trì kinh này, dù chỉ bốn câu kệ nhưng rất cung kính, lại còn đọc tụng giảng thuyết cho người nghe kinh này. Nên biết chỗ ấy, tuy là thế gian nhưng có linh miếu, tất cả Trời, Người, A-tu-la… đều phải cung kính, huống chi người hết lòng đọc tụng kinh điển này. Nên biết người này tương ứng với pháp vô thượng hiếm có. Tại chỗ đó, như có Đức Phật và các bậc đáng tôn trọng.
Đức Phật thuyết như vậy xong, Tịnh mạng Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Kinh điển này tên là gì? Chúng con phải phụng trì thế nào?
Đức Phật dạy Tu-bồ-đề:
–Kinh này gọi là Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật. Các ông cứ theo tên gọi đó mà phụng trì. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-lamật này, Như Lai nói chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Có pháp gì để Như Lai nói không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không có pháp nào để Như Lai nói.
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Số vi trần trong thế giới rất nhiều. Vì số vi trần này, Như Lai nói chẳng phải vi trần, nên mới gọi là vi trần. Các thế giới này, Như Lai nói chẳng phải thế giới, nên mới gọi là thế giới.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông nghĩ sao? Có thể dựa vào ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân để thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không thể được! Vì sao? Vì ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân này, Như Lai bảo chẳng phải tướng, nên mới gọi là ba mươi hai tướng.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, tín nữ nào xả bỏ thân mạng để bố thí nhiều như số cát trong những sông Hằng, đồng thời có người thọ trì kinh này dù chỉ bốn câu kệ nhưng rất cung kính, thọ trì, còn giảng giải đúng đắn cho người khác, thì người này phát sinh phước đức nhiều hơn người kia vô số lượng.
Bấy giờ Tịnh mạng Tu-bồ-đề do nghe kinh này, thấy lợi ích của kinh, bèn xúc động, rơi lệ mà thưa Phật:
–Hiếm có thay, bạch Thế Tôn! Hiếm có thay, bạch Thiện Thệ! Đối với kinh điển Như Lai thuyết như vậy, từ khi con đắc Thánh tuệ đến nay, chưa từng được nghe. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Giảng Bátnhã ba-la-mật tức chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật, nên mới gọi là giảng Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Thế Tôn! Người nghe thuyết kinh này liền sinh thật tưởng, người này cùng tương ưng với pháp vô thượng hiếm có. Thật tưởng ấy thật ra chẳng phải có tưởng, cho nên Như Lai nói là thật tưởng, nên mới gọi là thật tưởng. Bạch Thế Tôn! Việc này đối với con chẳng phải hiếm có, vì khi Thế Tôn giảng kinh này con liền sinh lòng tin hiểu thọ trì.
Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, nếu có chúng sinh nào cung kính, thọ trì kinh này và giảng giải cho người thì người này cũng tương ưng với pháp vô thượng hiếm có. Vì người này không có tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Vì sao? Vì tưởng ngã, tưởng chúng sinh, tưởng nhân, tưởng thọ giả chẳng phải tưởng. Chư Phật Thế Tôn giải thoát hoàn toàn các tưởng, không còn sót lại điều gì, cho nên dạy như vậy.
Đức Phật dạy Tu-bồ-đề:
–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Nên biết người này cũng tương ưng với pháp vô thượng hiếm có. Người này nghe giảng kinh này không kinh ngạc, không hoảng hốt, không sợ hãi. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì Như Lai giảng nói kinh này là Ba-la-mật đệ nhất. Như Lai giảng nói Ba-la-mật này, vô lượng chư Phật cũng đã giảng nói như vậy, cho nên gọi là Ba-la-mật đệ nhất.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Như Lai nói Nhẫn nhục ba-la-mật, tức chẳng phải Nhẫn nhục ba-la-mật. Vì sao? Vì xưa kia ta bị vua Calăng-già chặt đứt thân thể, xương tan, thịt nát; nhưng lúc đó ta không có tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả; chỉ tưởng không, tưởng chẳng phải không. Khi đó nếu ta tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì tưởng sân hận sẽ phát sinh.
Này Tu-bồ-đề! Ta nhớ thời quá khứ, năm trăm đời làm vị Tiên lớn tên là Thuyết Nhẫn. Trong những đời đó, tâm ta không khởi có tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Cho nên, khi Đại Bồ-tát phát khởi tâm Vô thượng Bồ-đề, phải xa lìa tất cả tưởng; không nên sinh tâm trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc; không nên sinh tâm trụ nơi pháp, không nên sinh tâm trụ nơi chẳng phải pháp, không nên sinh tâm có chỗ trụ. Vì sao? Vì nếu tâm có chỗ trụ tức chẳng phải là trụ. Như Lai nói Bồ-tát khi thực hành bố thí, tâm nên không có chỗ trụ.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành bố thí như vậy vì lợi ích tất cả chúng sinh. Nếu tưởng chúng sinh ấy tức chẳng phải tưởng; như vậy Như Lai nói tất cả chúng sinh tức chẳng phải là chúng sinh. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn đã lìa tất cả tưởng.
Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chân thật, đúng đắn, không hư dối. Pháp này Như Lai đã giác ngộ, pháp này Như Lai đã nói, pháp này chẳng phải thật, chẳng phải hư.
Này Tu-bồ-đề! Ví như có người ở trong bóng tối, không thấy gì. Bồ-tát rơi vào tướng hành, tướng bố thí cũng phải như vậy. Nếu người có mắt mà bị bóng tối che cũng chẳng thấy gì. Nếu ánh sáng mặt trời chiếu vào thì thấy tất cả mọi sắc. Bồ-tát rơi vào tướng hành, tướng bố thí cũng phải biết như vậy.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ở đời vị lai, nếu có thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng, tu hành, giảng giải cho người khác kinh này thì Như Lai biết rõ người này, thấy rõ người này và phước đức sinh trưởng vô lượng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, tín nữ nào buổi sáng bố thí thân mạng nhiều bằng số cát trong những sông Hằng như trên đã nói. Buổi trưa, buổi chiều cũng bố thí như vậy, cho đến vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp đều đem thân mạng để bố thí. Lại có người nghe kinh điển này mà không phỉ báng, thì phước đức người này nhiều hơn người kia vô số lượng. Huống chi có người học tập, biên chép, thọ trì, đọc tụng, dạy người khác tu hành và giảng giải ý kinh.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Kinh điển này chẳng thể nghĩ bàn, không thể suy lường, không gì sánh bằng. Như Lai vì thương xót, lợi ích cho người mà siêng năng hành Vô thượng thừa, hành Tối thượng thừa nên nói ra. Nếu có người nào ở đời vị lai thọ trì, đọc tụng, giảng dạy cho người khác tu hành theo đúng kinh này, thì Như Lai thấy rõ người này, biết rõ người này sẽ thành tựu phước đức vô số lượng tương ứng, bất khả tư nghị, không gì sánh bằng. Những người như vậy có thể gánh vác Vô thượng Bồ-đề của ta. Vì sao? Vì kinh điển như vậy, nếu không có người ưa thích, không có tâm nguyện mà chỉ thấy có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, những người như vậy đối với kinh này không thể lắng nghe, không thể tu tập, đọc tụng và dạy người khác tu hành được.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tùy theo chỗ nào, nơi nào mà có giảng giải, làm sáng tỏ kinh này thì tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la… đều nên làm lễ cúng dường, nhiễu quanh bên phải. Nên biết những nơi đó như có linh miếu. Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, tín nữ nào thọ trì, đọc tụng, giảng dạy người khác tu hành kinh này… mà hiện tại bị người khác khinh chê, là do người này đã tạo nhiều ác nghiệp trong đời quá khứ, đáng lẽ phải chịu quả báo nơi đường ác; đời nay, tuy bị người khinh chê, nhưng nghiệp tội và quả báo đời trước sẽ được tiêu diệt, sẽ đắc Vô thượng Bồ-đề.
Này Tu-bồ-đề! Ta nhớ thuở quá khứ, ở chỗ Phật Nhiên Đăng với vô lượng, vô số đại kiếp không thể tính. Ta gặp tám vạn bốn trăm ngàn chư Phật Như Lai, đều cúng dường, thờ phụng, cung kính, không bỏ sót. Nếu có người nào ở đời mạt pháp, sau năm trăm năm, mà thọ trì đọc tụng, dạy người khác tu hành theo đúng kinh này thì người ấy sẽ gặt hái nhiều phước đức. Đem công đức cúng dường, phần trăm, phần ngàn, phần vạn ức, phần tính đếm cùng cực cũng chẳng sánh bằng một phần; cho đến so sánh về oai lực, phẩm loại, thí dụ cũng không bằng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam, tín nữ nào về sau, ở đời mạt pháp, mà thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức ấy nếu ta nói ra hết hoặc có người nghe, nhớ nghĩ công đức ấy thì tâm liền mê loạn, bị điên cuồng.
Này Tu-bồ-đề! Kinh điển này là chẳng thể nghĩ bàn, nếu có người tu hành và đạt được thì kết quả cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Lúc bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, tín nữ nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hành Bồ-tát đạo thì nên trụ thế nào?
tu hành thế nào? Phát khởi tâm Bồ-tát thế nào?
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Thiện nam, tín nữ nào phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên sinh tâm như vầy: “Ta nên làm cho tất cả chúng sinh được an lạc để vào Vô dư Niết-bàn”. Tuy vô lượng chúng sinh đã nhập Niết-bàn, nhưng không có một chúng sinh nào đã nhập Niết-bàn! Vì sao? Vì nếu Bồ-tát còn tưởng có chúng sinh, thì không gọi là Bồ-tát. Này Tu-bồ-đề! Thật ra không có pháp gì là hành thượng thừa Bồ-tát.
Này Tu-bồ-đề! Ý ông thì sao? Vào thời Phật Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không có pháp gì để Như Lai chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vào thời Phật Nhiên Đăng.
Đức Phật nói:
–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Vào thời Phật Nhiên Đăng, không có pháp gì để Như Lai chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu Như Lai có pháp để chứng đắc thì Phật Nhiên Đăng sẽ không thọ ký cho ta là: “Này Bà-la-môn! Ông sau này sẽ thành Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni, bậc Ứng Cúng, Như Lai Chánh Biến Tri.”
Này Tu-bồ-đề! Vì không có pháp gì để Như Lai chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta như vậy. Vì sao? Vì Như Lai là tên khác của chân như.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì người này nói lời không thật. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Như Lai thật sự không có chứng đắc pháp gì gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu-bồ-đề! Pháp mà Như Lai chứng đắc không thật, không hư, nên Như Lai nói tất cả đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp là chẳng phải tất cả pháp, Như Lai gọi là tất cả pháp, cũng giống như có người biến thân rất to lớn.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Theo lời Như Lai dạy, có người biến hóa thân rất to lớn, tức chẳng phải thân, nên gọi là biến hóa thân to lớn.
Đức Phật nói:
–Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát nói rằng: “Ta sẽ đưa tất cả chúng sinh vào Niết-bàn”, thì không nên gọi đó là Bồ-tát. Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì có pháp gì gọi là Bồ-tát không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không có pháp để gọi là Bồ-tát.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Thế nên, Như Lai nói tất cả pháp không ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát nào nói rằng: “Ta sẽ trang nghiêm thanh tịnh Phật độ.” Bồ-tát nào nói lời như vậy là hư vọng. Vì sao? Vì Như Lai dạy trang nghiêm Phật độ tức chẳng phải là trang nghiêm, nên mới gọi là trang nghiêm Phật độ. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thấy tin các pháp vô ngã, và các pháp vô ngã, thì Như Lai gọi đó là Bồ-tát, đúng là Bồ-tát.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có Nhục nhãn không?
Ngài Tu-bồ-đề đáp:
–Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Như Lai có Nhục nhãn!
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có Thiên nhãn không?
Tu-bồ-đề nói:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có Thiên nhãn.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có Tuệ nhãn không?
Ngài Tu-bồ-đề nói:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có Tuệ nhãn!
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có Pháp nhãn không?
Ngài Tu-bồ-đề nói:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có Pháp nhãn!
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có Phật nhãn không?
Ngài Tu-bồ-đề nói:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn!
Đức Phật hỏi:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Trong sông Hằng có rất nhiều cát. Cứ mỗi hạt cát là một sông Hằng. Vậy số thế giới như số cát trong những sông Hằng ấy có nhiều không?
Ngài Tu-bồ-đề đáp:
–Bạch Thế Tôn! Số thế giới này rất nhiều.
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Đối với những chúng sinh trong các thế giới ấy, ta đều thấy biết nhiều loại tâm hành của chúng sinh liên tục trụ vào các chủng loại khác nhau. Vì sao? Vì tâm trụ liên tục nối tiếp nhau nên Như Lai nói chẳng phải tâm trụ nối tiếp nhau, nên mới gọi là tâm trụ nối tiếp.
Này Tu-bồ-đề! Vì quá khứ, tâm không thể nắm bắt được; vị
lai, tâm không thể nắm bắt được; hiện tại, tâm không thể nắm bắt được.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao, nếu có người đem bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí thì người đó, nhờ việc làm ấy có được nhiều phước đức không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!
Đức Phật dạy:
–Đúng vậy! Này Tu-bồ-đề! Người đó được phước đức rất nhiều. Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức nhiều chỉ gọi là nhiều, thì Như Lai tất sẽ không nói phước đức nhiều, nên mới gọi là phước đức nhiều.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Có thể dựa vào sắc thân hoàn hảo mà thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không thể dựa vào sắc thân hoàn hảo mà thấy được Như Lai. Vì Như Lai dạy, sắc thân hoàn hảo này chẳng phải là sắc thân hoàn hảo, nên Như Lai mới gọi là sắc thân hoàn hảo.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Có thể dựa vào các tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Không thể được. Vì Như Lai dạy, các tướng hoàn hảo chẳng phải tướng hoàn hảo, nên Như Lai mới gọi là tướng hoàn hảo.
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có nghĩ: “Ta thật sự có thuyết pháp” không? Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nào nói Như Lai thật sự có thuyết pháp, thì ông nên biết, người đó do hiểu biết sai lầm và dùng tà chấp nổi lên để phỉ báng ta. Vì sao? Vì ta nói thuyết pháp, thật sự không có pháp gì để thuyết, nên mới gọi là thuyết pháp.
Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, có chúng sinh nào nghe giảng về các tướng và văn nghĩa như vậy trong kinh này, mà thật sự sinh lòng tin không?
Đức Phật dạy:
–Này Tu-bồ-đề! Chẳng có chúng sinh nào, chẳng phải chẳng có chúng sinh nào. Vì sao? Vì Như Lai dạy, chúng sinh đó chẳng phải là chúng sinh, chẳng phải là phi chúng sinh, nên mới gọi là chúng sinh.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có chứng đắc pháp gì gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Không, bạch Thế Tôn! Như Lai không có chứng đắc một pháp nào được gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
–Đúng vậy! Này Tu-bồ-đề! Dù chỉ pháp nhỏ như vi trần, Như Lai cũng xả bỏ, cho nên Như Lai chứng đắc, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác một cách bình đẳng.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Chư Phật, giác ngộ không có khác nhau, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Do pháp không có ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả nên pháp đó bình đẳng gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do thiện pháp thật sự viên mãn hoàn hảo, nên đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồđề! Chỗ gọi là thiện pháp, thiện pháp ấy Như Lai dạy chẳng phải là thiện pháp, nên mới gọi là thiện pháp.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có người đem bảy báu chất bằng núi Tu-di trong tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí. Hoặc lại có người trì tụng và vì người giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật, dù chỉ bốn câu kệ thì phước đức rất nhiều. Đem công đức trên so với công đức này thì phần trăm, phần ngàn, phần vạn ức cũng chẳng bằng một, cho đến dùng oai lực, phẩm loại, với các thí dụ chẳng thể sánh bằng.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có nghĩ rằng: “Ta
hóa độ chúng sinh” không? Này Tu-bồ-đề! Ông không nên nghĩ như vậy. Vì sao? Vì thật ra không có chúng sinh nào để Như Lai hóa độ cả. Nếu có chúng sinh để Như Lai hóa độ, tức là còn chấp vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói tất cả những chấp này, tức chẳng phải chấp trước. đó là chỗ chấp trước của phàm phu chúng sinh. Này Tu-bồ-đề! Phàm phu chúng sinh ấy, Như Lai nói chẳng phải là chúng sinh, nên mới gọi là phàm phu chúng sinh.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Có thể dựa vào tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Theo nghĩa lý của Phật giảng, thì con hiểu không thể dựa vào tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai được.
Đức Phật dạy:
–Đúng vậy! Này Tu-bồ-đề! Không thể dựa vào tướng hoàn hảo mà thấy được Như Lai. Nếu dựa vào tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai thì chẳng lẽ Chuyển luân thánh vương cũng là Như Lai sao? Cho nên không dựa vào tướng hoàn hảo mà thấy Như Lai.
Ngay lúc ấy Thế Tôn liền nói kệ:
Nếu dùng mắt thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người đó hành đạo tà
Chẳng thể thấy được ta.
Do pháp nên thấy Phật
Pháp điều ngự là thân
Pháp này ngoài thức cảnh
Sâu xa khó thấy được.
Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Như Lai có dựa vào tướng hoàn hảo mà đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không? Này Tu-bồ-đề! Ông chớ thấy như vầy: Như Lai dùng tướng hoàn hảo mà đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Như Lai không dùng tướng hoàn hảo để đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu ông nghĩ Như Lai nói có người hành Bồ-tát đạo, có pháp có thể diệt. Này Tu-bồ-đề! Ông đừng thấy như vậy. Vì sao? Vì Như Lai không nói có người hành Bồ-tát đạo và pháp có thể bị hoại diệt và vĩnh viễn đoạn trừ.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, tín nữ nào đem bảy báu đầy khắp thế giới, nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. Hoặc lại có Bồtát đối với tất cả pháp vô ngã, vô sinh mà đắc Vô sinh pháp nhẫn; do nhân duyên này mà phước đức của vị này nhiều hơn vị kia; vì vị này thực hành Đại thừa, không chấp thủ phước đức.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Phước đức này có thể nhận lãnh không?
Đức Phật nói:
–Này Tu-bồ-đề! Phước đức này có thể nhận lãnh, không nên chấp thủ, nên mới nói là phước đức có thể nhận lãnh.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như Lai đi, đứng, nằm, ngồi thì người ấy không hiểu lời ta nói. Vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên mới gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Giác Tri.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam, tín nữ nào đem vi trần của đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới mà thiêu thành tro bụi, rồi viên thành mực xếp thành một làng vi trần. Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao, làng hư trần đó có nhiều không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Vì sao? Vì nếu làng hư trần đó là thật có thì Thế Tôn không gọi là làng hư trần. Vì sao? Vì Thế Tôn nói đó chẳng phải là làng hư trần cho nên gọi là làng hư trần. Như Lai thuyết tam thiên đại thiên thế giới tức chẳng phải là thế giới, nên mới gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Nếu thế giới này là thật có, thì sự tập hợp này Như Lai nói chẳng phải là tập hợp, nên mới gọi là tập hợp.
Đức Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:
–Này Tu-bồ-đề! Sự tập hợp này, chỉ do thế gian gọi. Này Tubồ-đề! Pháp này chẳng có thể nói là pháp, vì phàm phu hay chấp lấy lời nói một cách thiên lệch.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói Như Lai thuyết ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến. Này Tu-bồ-đề! Theo ý ông thì sao? Người đó nói có chính xác không?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn, không chính xác! Bạch Thiện Thệ, không chính xác! Vì sao? Vì Như Lai nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến tức chẳng phải là kiến, nên mới nói là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.
Này Tu-bồ-đề! Người nào hành Bồ-tát đạo nên biết, nên thấy, tin tất cả pháp đúng như vậy mà tu hành, để pháp tưởng không có chỗ sinh khởi. Vì sao? Vì pháp tưởng ấy, Như Lai nói chẳng phải tưởng, nên mới gọi là pháp tưởng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nào đem bảy báu đầy khắp vô lượng, vô số thế giới mà bố thí. Hoặc lại có thiện nam, tín nữ thọ trì, đọc tụng dạy người khác tu hành, giảng rộng Bát-nhã ba-la-mật dù chỉ bốn câu kệ, thì thiện nam, tín nữ đó được phước đức nhiều hơn người kia vô lượng, vô biên.
Này Tu-bồ-đề! Sao gọi là giảng rõ kinh này? Do không có sự giảng rõ, nên mới gọi là giảng rõ.
Chân như bất động
Luân thuyết lời chân
Nên quán pháp hữu vi
Như màng mắt, ánh đèn
Như bọt nước, sương, huyễn
Như điện chớp, mây, mộng.
Khi Đức Thế Tôn thuyết kinh này xong, Đại đức Tu-bồ-đề tâm rất hoan hỷ. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Người, A-tu-la… tất cả thế gian đều vui mừng hớn hở, tín thọ phụng hành.
*********
Tam tạng Pháp sư Chân Đế hiệu là Câu-na-la-tha, người nước Ưu-thiền-ni ở miền Tây Thiên trúc.
Vào thời vua Lương Võ đế, ngài đi xứ xa để tiếp rước kinh này, từng qua đến nước Mân, nước Việt, tạm nghỉ tại Lương An. Thái thú Vương Phương Dư siêng năng với chánh pháp, tính thích Đại thừa, bèn xây dựng già-lam, thỉnh ngài giảng rộng kinh điển. Pháp sư không trái bản nguyện, ba lần thỉnh mới im lặng nhận lời. Ngài tìm hiểu kinh cũ, thấy có nhiều chỗ sai lầm. Vào ngày 01 tháng 05 năm Nhâm ngọ, ngài theo văn Thiên trúc, phiên dịch lại và dựa vào luận Bà-tẩu để giải thích. Pháp sư vì thông hiểu ngôn ngữ ở đây, cho nên không mất công lao nhiều. Ngài chú tâm vào lời văn sâu xa ở đó, đã tuyên thuyết sơ bộ nghĩa thậm thâm ở đây. Các Pháp sư ở tông phái khác, như Pháp sư Pháp Kiền đều cùng nhau ghi chép thọ trì. Đến ngày 25 tháng 09 thì văn nghĩa hoàn chỉnh. Kinh gốc thì một quyển, chú nghĩa thì mười quyển. Mỗi ngày mỗi ngày, Pháp sư Pháp Kiền nguyện viết một trăm bộ để cúng dường, truyền bá và giảng giải khắp mười phương, nguyện cầu cho tất cả chúng sinh, nghe thuyết đúng kinh này mà mau chóng đến Niết-bàn. Rất mong được lưu truyền, giáo hóa thường xuyên.