PHẬT NÓI KINH DUYÊN KHỞI
BÀ-LA-MÔN ĐẠI KIÊN CỐ1
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN I
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn cùng đông đủ đại chúng ở tại thành Vương xá, trong núi Thứu. Khi ấy có vương tử Càn-thát-bà tên là Ngũ Kế, qua khỏi nửa đêm, khi trời gần sáng, đến chỗ Phật, ánh sáng nơi thân của vị ấy phát ra chiếu soi khiến núi Thứu càng tươi sáng, rực rỡ. Vị ấy đến chỗ Phật, đầu mặt lễ dưới chân Ngài, đứng qua một bên, bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, có một thời con ở tại cõi trời Ba mươi ba, thấy chủ trời Đế-thích, vua trời Đại phạm và chúng trời cùng nhóm họp tại giảng đường Thiện pháp, có điềugiảng luận, tự thân con nghe, tự thân con nhận lãnh. Nghĩa ấy như thế nào, cúi mong Đức Thế Tôn chỉ dạy khiến con biết rõ. Đức Phật dạy vương tử Càn-thát-bà Ngũ Kế:
–Những điều ông được nghe, được nhận lãnh ở giảng đường Thiện pháp, tại cõi trời Ba mươi ba, từ chủ trời Đế-thích, vua trời
Đại phạm và chúng trời tụ tập. Ta nay tùy chỗ thích ứng sẽ có lời chỉ dạy cho ông, khiến ông được rõ. Khi ấy vương tử Càn-thát-bà Ngũ Kế bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, con một thời ở cõi trời Ba mươi ba, có chủ trời Đế-thích, vua trời Đại phạm và chúng trời cùng tụ tập tại giảng đường Thiện pháp. Lúc bấy giờ có vị trời do nhân duyên mới sanh ở cõi trời ấy, đồng thời cũng có những vị trời khác sanh ra trước đó, thấy các vị mới sanh có đủ năm việc rất đáng ưa thích: được sống lâu, được sắc đẹp, được tiếng tăm, được an lành, được quyến thuộc nơi cõi trời. Bạch Đức Thế Tôn, lúc ấy có một Thiên tử nói: “Chư Hiền, các vị hãy xem, những vị trời mới sanh kia và cũng có các vị sanh trước đó, có đủ năm việc rất đáng ưa thích, đó là: được sống lâu, sắc đẹp, tiếng tăm, an lành và quyến thuộc nơi cõi trời”.
Lại có một số vị Thiên tử nói: “Chư Hiền, các vị trời mới sanh này đều là người tu hành thanh tịnh trong pháp Thanh văn của Đức Thế Tôn, sau khi thân hoại mạng chung cảm quả báo tốt đẹp mà sanh đến cõi trời Ba mươi ba này. Đồng thời cũng có các vị trời sanh trước đó đều có đủ năm thứ rất đáng ưa thích”.
Lại có một số Thiên tử nói: “Vui sướng thay! Chư Hiền, nếu có bốn Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian, giảng nói các pháp đem lại lợi ích cho trời người, giảm bớt chúng A-tu-la, khiến chư Thiên tăng trưởng lợi ích.
Khi ấy lại có một số Thiên tử nói: “Thôi đi! Chư Hiền, chẳng nói chi có bốn Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian. Vui thích thay! Chư Hiền, nếu có ba Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian, giảng nói các pháp đem lại lợi ích cho trời người, giảm bớt chúng A-tu-la, tăng trưởng lợi ích cho chư Thiên”.
Lại có một số Thiên tử nói: “Thôi đi! Này chư Hiền, chẳng nói chi có ba Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian. Vui thích thay! Chư Hiền, nếu có hai Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, giảng nói các pháp đem lại lợi ích cho trời người, giảm bớt chúng A-tu-la, tăng trưởng lợi ích cho chư Thiên”.
Các việc như vậy mong Đức Phật vì chúng con giảng nói.
Lúc ấy, trời Đế-thích, vua trời Đại phạm đang có mặt trong chúng hội của Phật. Phật đem việc này bảo trời Đế-thích và chư Thiên:
–Các vị nên biết, cùng trong một thời không khi nào có hai Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế
gian, giảng nói các pháp. Trời Đế-thích và chư Thiên nghe Phật dạy như vậy, đều sanh tâm vui mừng, thích thú.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhận thấy trời Đế-thích và các Thiên chúng đều sanh hoan hỷ, liền bảo đại chúng:
–Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, đầy đủ tám pháp hy hữu, các vị nếu muốn được nghe, trước hết phải sanh tâm hoan hỷ và khởi ý ưa thích. Tức thời Đức Phật bảo thiên chủ Đế-thích:
–Này Kiều-thi-ca, ông nay nên vì chư Thiên, tùy thuận khéo nói tám pháp hy hữu của Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi ấy trời Đế-thích vâng lời Phật dạy, giảng nói tám pháp hy hữu của Đức Như Lai.
–Này chư Hiền, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác tùy thuận chúng sanh xuất hiện thế gian, quyết định làm giảm bớt chúng A-tu-la, tăng trưởng Thiên chúng, khiến cho nhiều người được lợi ích an lạc, lợi lạc như vậy thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, nói pháp giáo hóa đem lại lợi ích cho trời người. Ấy là pháp phá các kiến chấp, pháp xa lìa nhiễm ô, pháp thuận quán sát, pháp trong sạch, pháp biết rõ các thọ, pháp trừ tâm kiêu mạn, pháp điều phục dòng nước khát ái, pháp phá trừ vô minh, pháp đoạn trừ mọi nương tựa, pháp lìa tham ái, pháp vắng lặng, pháp Niết-bàn, giảng nói các pháp như vậy thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, vì các hàng Thanh văn chỉ dạy các pháp cần tu học. Ấy là nên tu các pháp hạnh không sân hận. Do nhân duyên này nên Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, thường luôn giáo hóa chỉ dạy những vị tu hành nên ở các nơi trống vắng, tịch tĩnh tu hạnh không tranh cãi, hoặc khi đi, đứng, nằm, ngồi, nên xa nơi ồn ào, giảm bớt bạn bè, tự mình nương tựa thân mình, tự mình vui với mình, tự mình thương lấy mình, không xa lìa người khác mà tự mình nên tu hành. Những lời chỉ dạy như thế thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, tùy thuận thọ nhận các món ăn thức uống. Đức Như Lai trong khi ăn cảm nhận được thượng vị, cũng được chánh vị, được hương vị thứ nhất, được mùi vị không ly tán.
Lại nữa, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác thọ nhận đồ ăn uống xa lìa kiêu mạn, không có sự chấp trước, thường lìa lỗi lầm, sanh khởi trí tuệ chân chánh, thường hướng tới giải thoát, lại dùng pháp này giáo hóa chỉ dạy tất cả, thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ởđời đầy đủ thần thông, vì các hàng Thanh văn nói pháp thần thông, dạy dỗ, khai bày, hướng dẫn, khiến họ tu hành. Giáo hóa chỉ dạy như vậy thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác hiện ra ở đời, xa lìa các nẻo nghi ngờ, mê lầm, cũng lìa việc luận bàn về nghi hoặc, ở trong pháp thiện đạt được điều không sợ hãi. Lìa nghi như vậy thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời đối với các pháp, như điều đã giảng nói mà thực hành, như điều đã thực hành mà giảng nói. Lại đem các pháp đó chỉ dạy khai mở dẫn dắt khiến người tu hành, chỉ dạy như vậy thật là hy hữu.
Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác. Do vậy Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác hiện ra ở đời, giảng dạy chỉ bày Niết-bàn và con đường đi vào Niết-bàn, làm tăng trưởng sung mãn không cùng tận. Ví như nước sông Căng-già, nước sông Diễm-mâu-na chảy về biển lớn, tăng trưởng không cùng tận, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy, giảng dạy chỉ bày Niết-bàn và con đường đi đến Niết-bàn, khéo giảng nói các pháp Niết-bàn và khéo an lập, khiến cho người tu hành tăng trưởng không cùng tận. Giảng dạy chỉ bày như vậy thật là hy hữu.
Này chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở đời đầy đủ tám pháp hy hữu như vậy, cho nên ta không thấy ở quá khứ và hiện tại có sự sai khác.
Bấy giờ các Thiên tử nghe lời trên xong, lại càng sanh hoan hỷ hơn trước, tâm ý vui thích, thưa với chủ trời Đế-thích:
–Thưa Thiên chủ, xin vì chúng tôi nêu giảng lại tám pháp hy hữu của Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Khi ấy trời Đế-thích vì các Thiên chúng nói lại lần thứ hai tám pháp hy hữu:
–Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác tùy thuận chúng sanh xuất hiện ở đời, quyết định làm giảm bớt chúng A-tu-la, khiến chư Thiên được tăng trưởng lợi ích an lạc. Lợi lạc như vậy thật là hy hữu.
Chư Hiền, cho nên Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở thế gian, ta không thấy ở quá khứ cũng như hiện tại có sự sai khác… Như trên đã rộng nói, cho đến câu… Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, giảng dạy chỉ bày Niết-bàn và con đường dẫn đến Niết-bàn, tăng trưởng sung mãn không cùng tận. Ví như nước sông Căng-già, nước sông Diễm-mâu-na chảy về biển lớn không cùng tận, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng như vậy, chỉ dạy Niết-bàn và con đường đi đến Niết-bàn, khéo giảng nói pháp Niết-bàn và khéo an lập, khiến người tu hành tăng trưởng không cùng tận. Giảng dạy chỉ bày như vậy thật là hy hữu.
Này chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở đời đầy đủ tám pháp hy hữu như vậy, cho nên ta không thấy ở quá khứ hay hiện tại mà có sai khác.
Nghe xong lời ấy, các vị Thiên tử ấy lại càng sanh tâm hoan hỷ hơn trước, tâm ý vui thích.
Bấy giờ Đức Thế Tôn sau khi đã biết chư Thiên đã sanh tâm hoan hỷ hơn trước, lại bảo vua trời Đế-thích:
–Kiều-thi-ca, ông nay nên nói lại lần nữa tám pháp hy hữu của Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc ấy trời Đế-thích vâng lời Phật dạy, nói lại lần thứ ba, tám pháp hy hữu:
–Lại nữa, chư Hiền, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác tùy thuận chúng sanh xuất hiện ở đời, quyết định làm tổn giảm chúng A-tu-la, tăng trưởng lợi ích cho Thiên chúng, khiến nhiều người được lợi ích an lạc. Lợi lạc như vậy thật là hy hữu.
Chư Hiền, cho nên Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở đời, ta không thấy ở quá khứ và hiện tại mà có sai khác… Như trên đã rộng nói, cho đến câu… Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời chỉ dạy Niết-bàn và con đường để vào Niết bàn, tăng trưởng sung mãn không cùng tận. Ví như nước sông Căng già, nước sông Diễm-mâu-na chảy về biển lớn tăng trưởng không cùng tận, Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy, chỉ dạy Niết-bàn và con đường đi đến Niết-bàn, khéo giảng nói pháp Niết-bàn và khéo an lập, khiến người tu hành tăng trưởng không cùng tận. Giảng dạy chỉ bày như vậy thật là hy hữu.
Này chư Hiền, Đức Như Lai, Đấng Đại Sư xuất hiện ở đời đầy đủ tám pháp hy hữu như vậy, cho nên ta không thấy ở quá khứ hay hiện tại mà có sai khác.
Nói như vậy xong, lúc ấy Đại Phạm thiên vương biết chư Thiên đều sanh hoan hỷ, tâm ý vui thích hơn trước, liền nói kệ:
Chủ trời Đế-thích cùng Thiên chúng
Như vậy đều sanh tâm hoan hỷ
Quy mạng xưng tán Đức Như Lai
Khéo nói pháp hy hữu của Phật.
Trước thấy chư Thiên kẻ mới sanh
Đầy đủ sắc tướng và oai quang
Do đã lâu tu hành phạm hạnh
Được sanh cõi trời đủ lực lớn.
Khi ấy tất cả chư Thiên nơi cõi trời Ba mươi ba nghe kệ rồi đều sanh hoan hỷ hơn trước, tâm ý vui thích.
Bấy giờ vua trời Đại phạm biết chư Thiên sanh tâm hoan hỷ hơn trước rồi, liền bảo chúng trời:
–Các vị nếu ưa muốn nghe việc Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí tuệ lớn, ở trong nẻo sanh tử tạo được nhiều lợi ích an lạc, những việc như thế này thì cần phải sanh tâm hoan hỷ hơn trước, phát khởi ý ưa thích. Thiên chúng cùng nhau thưa với vua trời Đại phạm:
–Lành thay! Đại Phạm thiên vương, kính mong rộng nói về việc Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí tuệ lớn, ở trong nẻo sanh tử tạo được nhiều lợi ích an lạc.
Khi ấy vua trời Đại phạm liền rộng giảng nói về nhân duyên trí tuệ của Đức Như Lai ở thời xa xưa. Đại Phạm thiên vương thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, trong đời quá khứ có một quốc vương tên là Vực Chủ. Thời ấy có một vị Bà-la-môn tên Kiên Cố, nhậm chức phụ tướng, làm quân sư cho nhà vua, trí tuệ thông minh, đầy đủ tài ba thao lược khéo việc trị nước. Vua có thái tử tên là Lê-nỗ, vua rất yêu mến, thông minh trí lớn, lại có nhiều tài, khéo biết mọi việc, vua thường thương nhớ. Thái tử Lê-nỗ kia có sáu người bạn trẻ dòng Sát-đế-lợi kết làm bạn thân, thường gặp gỡ nhau nhóm cát làm vui. Phụ tướng Bà-la-môn Kiên Cố cũng có một người con tên là Hộ Minh, tài trí lanh lợi, thông thạo mọi công việc, được cha yêu mến. Bạch Đức Thế Tôn, phụ tướng tham gia chính sự trải qua nhiều năm, sau một thời gian bỗng nhiên mạng chung. Vua nghe phụ tướng Bà-la-môn Kiên Cố đã mạng chung thì buồn rầu ảo não, rơi nước mắt, vin gối bàng hoàng, mê man tuyệt vọng nói:
–Vị phụ tướng của ta là bậc tài trí, tham gia giúp việc điều hành quốc chánh tốt đẹp, lại thường cùng ta vui thích, nay bỗng qua đời khiến ta rất đau khổ.
Khi ấy thái tử nghe vua cha vì phụ tướng Bà-la-môn Kiên Cố mạng chung mà ưu sầu áo não, liền đến chỗ vua cha thưa:
–Phụ vương không nên lo buồn than khóc, chớ có tuyệt vọng, đau khổ. Vì sao vậy? Phụ vương nên biết Bà-la-môn Kiên Cố có một trưởng tử tên là Hộ Minh, gồm đủ tài trí, thông minh hơn người, nếu được thừa kế địa vị của cha, khả năng hiểu biết về chính sự, việc của người cha rõ, người con này thảy đều biết rõ. Nay có người như thế, sao vua cha lại lo buồn? Phụ vương nên ra lệnh triệu vào cung tùy việc chỉ dạy, đem trách nhiệm của cha giao phó cho người con.
Vua cha nghe lời, liền gọi sứ giả đến bảo:
–Ngươi đến chỗ của đồng tử Hộ Minh truyền lại lời này: “Vua nay triệu ông nên mau đến đây.” Sứ giả nhận lệnh, tức thời đi đến chỗ của đồng tử Hộ Minh, đến nơi, tuyên lại đủ lệnh của vua: Vua triệu Hộ Minh mau vào cung. Đồng tử Hộ Minh nghe sứ giả nói, liền đi đến chỗ vua, thân hành cung kính ngồi qua một bên. Nhà vua rất hoan hỷ, an ủi vỗ về và nói:
–Ta nay thật sự chỉ dạy cho ông: Thân phụ ông qua đời, tuy rất đáng buồn nhưng ta nay ra lệnh cho ông thừa kế địa vị của cha lãnh chức phụ tướng. Ông khéo cùng ta sửa trị việc nước. Đồng tử Hộ Minh nhận lệnh của vua, thừa kế địa vị của cha làm phụ tướng, cùng vua sửa trị việc nước như công việc của người cha. Tất cả cách thức ứng xử công việc đều giống như cha mình, không có sai sót.
Bấy giờ trong nước, các hàng Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ, nhân dân biết được sự việc ấy, đều nói:
–Quý hóa thay đồng tử Hộ Minh! Cha ngài ngày xưa tên là Kiên Cố, con nay kế vị. Hãy mở rộng sự nghiệp của người đi trước!
Chúng tôi sẽ gọi ngài là Đại Kiên Cố. Tên của Ngài trước đây là Hộ Minh, nay phát xuất từ sự nhiệt tình của mọi người mà có hiệu khác. Từ nay về sau đều gọi ngài là Đại Kiên Cố.
Bạch Đức Thế Tôn, bấy giờ phụ tướng Bà-la-môn Đại Kiên Cố làm việc không bao lâu, liền đi đến chỗ sáu vị đồng tử Sát-đế-lợi và bảo:
–Này các đồng tử, các vị nên đến thăm thái tử Lê-nỗ, thưa với ông ấy: “Thái tử nếu gặp cảnh khổ não chúng tôi và ngài cùng chịu, nếu được vui thích chúng ta cùng hưởng. Người có chỗ hướng về nương, tôi cũng có chỗ trở về. Nay phụ vương của ngài đã quá già nua, đi đứng yếu đuối, tuổi thọ chẳng còn bao lâu, một mai vua qua đời, chúng ta về đâu? Ngài nay nên biết, cần có các đại thần phò tá, cùng nhau bàn luận, sau khi đức vua băng hà, tất sẽ giúp ngài nhận lễ quán đảnh làm vua. Người nếu đã nối thừa vương vị, nên đem quốc độ cùng với chúng tôi phân ra để cùng sửa sang cai quản.”
Sáu vị đồng tử nghe phụ tướng Bà-la-môn Đại Kiên Cố nói như vậy liền cùng nhau đi đến chỗ thái tử Lê-nỗ, trình bày đầy đủ như trên. Khi đó thái tử nói:
–Này các đồng tử, nếu ta còn sống đến ngày đó, và có các đại thần phò tá, lập ta lên kế vị cùng trao lễ quán đảnh, ta khi ấy sẽ không quên các ông, quốc độ phân chia ra để cùng các ông cai trị. Nếu có điều vui chúng ta cùng hưởng.
Sau đó, trải qua một thời gian dài vua Vực Chủ bỗng nhiên mạng chung. Bấy giờ các đại thần phò tá đến chỗ thái tử cùng thưa:
–Thái tử nên biết, chúng tôi là các đại thần xin trao lễ quán đảnh cho ngài, nay đã đến lúc ngài thừa kế vương vị. Thái tử Lê-nỗ nói với các đại thần phò tá:
–Các ông nếu thấy ta gánh vác được mà lập lên kế tục vương vị, nay chính đúng lúc.
Khi ấy các quan phò tá liền thiết lập tòa sư tử tốt đẹp. Thái tử lên ngồi trên tòa, họ dùng nước thơm rưới trên đảnh và cùng nhau tôn xưng:
–Thưa Thiên tử, ngày nay đã đến lúc thừa kế vương vị, chúng tôi quần thần xin tôn vua quán đảnh. Vua làm lễ quán đảnh xong thì dốc lòng lo việc trị nước.
Bạch Đức Thế Tôn, vua Lê-nỗ lên ngôi thời gian chưa bao lâu, tùy ý thỏa thích vui đùa trong năm dục.
Khi ấy phụ tướng Bà-la-môn Đại Kiên Cố đi đến chỗ của sáu vị đồng tử bảo:
–Các ông nên biết, thái tử đã thọ lễ quán đảnh, đang ở vương vị thời gian chưa bao lâu, vui trong năm món dục, tùy ý thỏa thích.
Lúc trước vua có nói cùng các vị phân chia đất nước để cai trị, các vị nay nên đến chỗ vua Lê-nỗ mà thưa: “Đức vua trước đây có hứa với chúng tôi phân đất để cai trị, đức vua nay còn nhớ không?”
Bấy giờ sáu vị đồng tử nghe phụ tướng Đại Kiên Cố nói xong, liền cùng nhau đi đến chỗ vua Lê-nỗ, nói lại đủ như trên.
Bạch Thế Tôn, khi ấy vua Lê-nỗ bảo sáu vị đồng tử:
–Lời hứa trước đây như thế nào, ta đều nhớ cả. Ta nay sẽ đem quốc độ này chia làm bảy phần cấp cho các ông, để mỗi người đều có đất trị vì.
Nghe dạy như vậy, sáu vị đồng tử đều tâu vua:
–Vua đã phán lời như thế thật là tốt đẹp, mong đức vua triệu phụ tướng Bà-la-môn Đại Kiên Cố, khiến ông ta như lời vua phán dạy thân hành phân chia cương giới cảnh vực. Ông ấy thông minh, trí tuệ thấu đạt, có thể phân chia đúng đắn.
Vua Lê-nỗ bèn ra lệnh cho sứ giả:
–Ông đến chỗ của phụ tướng Bà-la-môn Đại Kiên Cố thưa: “Vua có lệnh triệu, mau đến chỗ vua”.
Sứ giả vâng mạng, liền đi đến chỗ ở của phụ tướng Bà-la-môn Đại Kiên Cố. Sau khi đến nơi liền nói lại lời triệu của đức vua:
–Ngài nên nhanh chóng đến yết kiến đức vua.