SỐ 292
KINH ĐỘ THẾ PHẨM
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 3
Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Trí hỏi Bồ-tát Phổ Hiền:
–Sao gọi là nẻo hành hóa tạo tác của Bồ-tát như ban đêm có ánh sáng? Vì sao gọi tâm Bồ-tát như kim cương, chí Đại thừa như áo giáp? Sao gọi là Đại thừa? Sao gọi là thông suốt sự đại tinh tấn? Sao gọi là niềm tin không hoại? Sao gọi là thọ kí? Sao gọi là khuyến gốc đức? Sao gọi là nhập Thánh? Sao gọi là Bồ-tát phát tâm, bên trong tâm ấy rộng lớn không lường? Sao gọi là Bồ-tát tạng? Sao gọi là theo hộ trì? Sao gọi là tự tại? Sao gọi là cảm ứng? Sao gọi là các biến hóa? Sao gọi là nghiêm tịnh cõi nước? Sao gọi là kinh pháp tùy thời? Sao gọi là nguyện biến? Sao gọi là biến hóa? Sao gọi là tuệ biến hóa? Sao gọi là thần thông biến hóa? Sao gọi là thần túc biến động? Sao gọi là các lực biến động? Sao gọi là pháp lạc? Sao gọi là cảnh giới? Sao gọi là mười Lực? Sao gọi là Vô úy? Sao gọi là pháp Bất cộng của chư Phật? Sao gọi là nghiệp? Sao gọi là thân Bồ-tát?
Bồ-tát Phổ Hiền đáp:
–Lành thay, lành thay! Việc hỏi này thật có ý nghĩa! Vì để khai hóa cho tất cả và ban phát cho vị lai, việc hỏi của ông hôm nay như mặt trời soi khắp thiên hạ, như đêm tối có trăng sáng, như vào biển cả nhặt ngọc sáng, như thầy thuốc chế dược liệu, như đói tìm ăn, như khát có uống. Hỡi những người đến pháp hội, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe!
Chúng hội đều thưa:
–Xin thọ giáo.
Bồ-tát Phổ Hiền dạy:
–Bồ-tát có mười việc như đêm tối có ánh sáng. Những gì là mười?
1. Tâm lượng của Bồ-tát ấy biến khắp vô số cõi Phật, tâm như
hư không; gặp chư Như Lai thì liền đảnh lễ, quy y, chỗ bước đi của Bồ-tát lúc đó, cũng như đầu đêm sắp thành Chánh giác.
2. Lại nữa, Bồ-tát ấy theo vô lượng Phật, được nghe kinh điển, đọc tụng thọ trì, chuyên tâm tư duy, kiến giải rộng lớn và ngày càng tăng thêm sự chuyển hóa. Tâm Bồ-tát ấy biến khắp mười phương không có ngằn mé.
3. Lại nữa, Bồ-tát ấy đối với cõi Phật này thì chưa từng biến mất. Sinh ra ở cõi khác mà vẫn thị hiện thân ấy, thường biết Phật pháp, chưa từng quên bỏ.
4. Lại nữa, Bồ-tát ấy dùng một pháp hành mà rõ tất cả pháp. Vì mọi người, dần dần ban tuyên kinh đạo, dùng tất cả nghĩa mà đi vào một nghĩa.
5. Lại nữa, Bồ-tát ấy dứt sạch mọi phiền não, cũng có thể cởi bỏ mọi ái dục, cũng có thể biết dục nhiều, dục ít. Tu hạnh Bồ-tát, việc làm kiên cố, không ở nơi bản tế mà tạo tà chứng. Xem các Độ vô cực là tối bậc nhất. Bồ-tát ấy ở nơi bản tế mà hiểu rõ chân đế và phương tiện thiện quyền xảo, đầy đủ bản nguyện, chỗ hành rốt ráo, thân không mệt mỏi.
6. Lại nữa, Bồ-tát ấy tâm vào các tưởng, không xứ trú chẳng phải không xứ mà giả thuyết việc xứ phi xứ, cũng không chốn hành. Nẻo hành ấy cũng không có chỗ tư niệm mà khai hóa chúng sinh.
7. Lại nữa, Bồ-tát ấy dùng một sự tự nhiên mà kiến giải tất cả các pháp không có tự nhiên, cũng chẳng nhiều, chẳng ít, chẳng tính chẳng lường, vô sắc vô tướng còn không có một huống nữa là nhiều.
8. Bồ-tát ấy hiểu rõ pháp chư Phật, pháp Bồ-tát, pháp Duyên giác, pháp Thanh văn, pháp phàm phu, pháp thiện ác là pháp thế gian, pháp độ thế, pháp tội, pháp vô tội, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi.
9. Bồ-tát ấy cũng như chư Phật Thế Tôn đắc đạo mà chẳng đắc đạo, vì thực không có pháp chúng sinh, không bỏ sở nguyện, khai hóa chúng sinh, hiểu rõ các pháp. Vì sao? Vì Bồ-tát đều biết tha nhân, thấu rõ tâm niệm, nhân duyên, việc làm của trăm họ. Lại cũng biết rõ nên trao truyền, dạy dỗ, khiến cho mọi người đều đến diệt độ, sở nguyện đủ đầy.
10. Lại nữa, Bồ-tát ấy lại hiểu rõ việc có thể nhìn thấy tâm niệm chúng sinh, biết rõ chỗ về và phương tiện quyền biến tùy thời mà hiện; thuyết pháp dạy luật, không rời chân chánh, không theo điên đảo. Bồ-tát hiểu rõ các pháp nên đều trú bình đẳng ở ba đời, vốn chẳng bất động, đứng nơi bản tế không thấy chúng sinh đã được khai hóa, không khai hóa cũng chẳng phải không khai hóa; không theo luật giáo cũng không hành dụng, phân biệt chỗ về, pháp không thủ đắc, sinh đó diệt đó. Chỗ thệ nguyện ấy không hề hư vọng, ở nơi tất cả pháp vĩnh viễn không còn chấp trước. Lại nữa, Bồ-tát ấy gặp vô số chư Phật Thế Tôn, mỗi một Như Lai diễn thuyết kinh điển thì liền nghe nhận và thọ trì vô số nẻo hành hóa, tên gọi khác nhau, chỗ tư niệm bất đồng. Ở nơi các kiếp ấy Bồ-tát đều biết rõ mỗi một gốc ngọn các kiếp đến vô số kiếp, mà luôn được nghe pháp và nhớ biết không hề quên mất, cũng không mê lầm. Bồ-tát nghe các Đức Như Lai không thể nghĩ bàn thì liền một tâm thọ trì. Nẻo hành trì của họ có nguyện lực siêu vượt, khai hóa chúng sinh khiến đều thành tựu đạo Tối chánh giác Vô thượng Chánh chân, sở nguyện đạt thành, hiểu rõ pháp giới.
Đó là mười việc vâng tu và du hành như đêm có ánh sáng của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười việc tâm như kim cương, chí Đại thừa như áo giáp. Những gì là mười?
1. Bồ-tát phát tâm chẳng trụ ở đây, cũng không bờ cõi, rõ tất cả pháp, với việc trong ba đời không một gì mà không thông đạt. Đó là tâm như kim cương mặc áo giáp đại đức.
2. Mỗi một lỗ chân lông không thể tính đếm mà Bồ-tát có thể trang nghiêm tất cả, huống nữa là đối với tất cả pháp giới chúng sinh. Bồ-tát mặc áo giáp công đức, miệng tự nói: “Ta sẽ giáo hóa, dẫn dắt tất cả chúng sinh đến nơi đạo Vô thượng Chánh chân”.
3. Lại nữa, thế giới chư Phật không bờ mé, không thể lường tính; các Bồ-tát phát nguyện: “Ta sẽ tịnh trị đạo pháp Vô thượng Chánh chân ở nơi các cõi Phật, cho nên làm thanh tịnh các cõi Phật”.
4. Lại nữa các chúng sinh không bờ đáy, không số lượng; nếu có Bồ-tát khuyến trồng gốc đức rộng lớn như vậy thì chiếu soi tất cả chúng sinh đến vô thượng Đại thừa. Chư Phật Thế Tôn không có hạn lượng, việc trồng gốc đức của chư Bồ-tát cũng là như vậy, thường gặp chư Phật, khuyến chúng sinh bố thí mà có thể đạt được đạo Vô thượng Chánh chân, làm Tối chánh giác. Nếu có Bồ-tát được gặp chư Phật, nghe thuyết kinh điển, tâm được hoan hỷ không cậy nơi ta người, không dựa Như Lai, không gần cũng không xa với Như Lai, không có cũng chẳng không, không chấp sở hữu, cũng không có sở hữu, không có thân tướng, không có vẻ đẹp nơi sắc tướng. Biết rõ thể của Như Lai thì không sinh khởi cũng chẳng phải không sinh khởi, không hình tướng cũng chẳng phải không hình tướng, không xứ sở cũng không phải không xứ sở, không khởi thân Như Lai cũng không chỗ hủy hoại; dùng thân Như Lai thể nhập vô sở hữu, ở nơi chỗ hành mà không chốn hành. Vì sao? Vì đều nhận lãnh tất cả pháp số như nhiên.
5. Lại nữa, chư Bồ-tát luôn luôn thương xót chúng sinh; bị chặt đầu, tay chân, xẻ tai mũi, móc hai mắt, bị mắng chửi, hủy báng, bị đả thương bằng gạch đá, cây gậy, chê trách trêu chọc… mà Bồ-tát đều có thể nhẫn chịu, không hề khởi nóng giận, cũng không ôm thù hận, mặt chẳng biến sắc. Các vị tu Hạnh Bồ-tát trong vô số kiếp mà chưa từng dấy tâm xả bỏ tất cả chúng sinh.
6. Lại nữa, Bồ-tát đối với tất cả các pháp luôn thấy bất nhị. Dùng các kiến giải này nên không hề sân hận, siêng giúp chúng sinh, nhẫn chịu tất cả khổ não hoạn nạn, thân gặp sự đau đớn, tổn hại cũng đều nhẫn chịu. Các việc sắp đến không có bờ mé mà cũng không ngăn ngại, trú ở tín lạc. Như vậy mà nói thì Bồ-tát phát tâm từ hôm nay cho đến vị lai, rốt ráo pháp giới, trú ở hư không giới, Bồ-tát đều ở nơi mỗi một thế giới chư Phật, khai hóa chúng sinh. Như đã hành dụng ở một thế giới thì mười phương cõi Phật cũng lại như vậy.
7. Độ khắp pháp giới, tận hư không giới mà đầy đủ sự không sở hữu, chẳng hoảng sợ, cũng chẳng lo lắng, làm việc như vậy khắp cả ba đời. Vì sao? Bồ-tát Đại sĩ vì dùng tất cả chỗ có thể đi đến mà phụng trì hạnh Bồ-tát, nương vào tâm Bồ-tát, tin chắc vào đạo Vô thượng Chánh chân; chí tánh thanh tịnh, tích lũy gốc đức, đầy đủ thệ nguyện mà được tự tại ở nơi Phật đạo. Theo sở nguyện ấy cũng được tự chủ nên muốn thành Chánh giác thì liền được thành như ý, sở hành vô lượng mà luôn rốt ráo. Đoạn trừ tất cả không còn mảy may các thọ, năm ấm. Chốn hành ấy mà ỷ lại vào chư Phật thì không thành Chánh giác. Vì sao? Vì sở nguyện đầy đủ, hạnh Bồ-tát tròn đầy mà khai hóa chúng sinh, hộ trì các cõi Phật.
8. Lại nữa, Bồ-tát ấy không thủ đắc nơi chư Phật, không thủ đắc nơi đạo, cũng không thủ đắc các xứ sở của Bồ-tát và tất cả xứ sở của chúng sinh; cũng chẳng thủ đắc tâm ý, các hạnh; cũng chẳng thủ đắc tất cả chúng sinh hữu vi, vô vi trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Chốn hành hóa của Bồ-tát an nhiên như vậy mà thâm diệu lồng lộng, tịch định sáng trong và đều vô sở đắc. Hành ấy bất nhị, không sự tranh tụng, thanh tịnh giải thoát, tự nhiên như vậy, diệt độ như vậy. Tu như bản tế, tâm không hư vọng, đã lập thệ nguyện thì không hề biếng nhác.
9. Tâm Nhất thiết trí, các hạnh Bồ-tát khai hóa chúng sinh; các Độ vô cực dạy chúng sinh tuân theo luật đạo, phụng kính chư Phật, thuyết pháp giải nghĩa. Trang nghiêm thế giới với sự tinh tấn chưa từng lười nhác. Vì sao? Các việc như vậy và sự đạt đến của đại nguyện thì đều biết rõ tất cả các pháp và pháp tướng như vậy.
10. Nuôi lớn Từ bi, công đức vô lượng, hiểu rõ tuệ nghĩa, thương xót chúng sinh, thường hiểu tất cả danh tự các pháp. Phàm phu ngu tối không hiểu rõ điều này nên không thể biết rõ các pháp như nhiên thì ta sẽ khai ngộ khiến họ đạt được sự hiểu biết đó. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều không hành vắng lặng, do đó chư Phật vì họ mà thuyết giảng kinh điển, dấy lên tình thương vô cực, không hề bỏ tâm Từ mà khai hóa họ. Cớ sao chúng ta lại chán ghét đại Bi mà bỏ chúng sinh? Giả như chẳng được thành Phật, kinh điển không đủ, đại nguyện không thành mà bố thí chúng sinh bằng pháp thí vô thượng thì từ gốc sơ phát tâm đã lập thệ nguyện chân thành để làm thanh tịnh chúng sinh. Giá như không thể học đại nguyện chánh yếu, phát tâm vào đạo thì đó là dối trá chư Phật. Phải vì tất cả mà phát tâm đạo, trồng các gốc đức để khuyến giúp họ vào chỗ trí tuệ thâm diệu. Vào khắp tất cả nơi chốn chúng sinh mà tâm luôn bình đẳng, do vậy mà đại nguyện được tròn đủ.
Đó là mười việc tâm như kim cương, mặc áo giáp Đại thừa của Bồ-tát. Bồ-tát trú ở đây thì mau chóng thành tựu thần thông Như Lai vô cực bền chắc như kim cương.
Bồ-tát đại tinh tấn có mười việc. Những gì là mười?
1. Ta phải phụng kính, cúng dường, quy y chư Phật, tích lũy và huân tu các gốc đức của chư Phật.
2. Ta vì các Như Lai sau khi nhập Bát-niết-bàn mà trang nghiêm chùa chiền, cúng dường các loại hương hoa, danh hương, bột hương, tạp hương, hương xoa, y phục, cờ phướn, lọng báu… ta sẽ nắm giữ chánh pháp để hộ trì, dạy dỗ và khai hóa tất cả chúng sinh, khiến họ phát đạo tâm Vô thượng Chánh chân, không hề trái luật đạo. Trang nghiêm tất cả cõi nước của chư Phật và an ổn cõi giới vô thượng.
3. Lại nữa, tâm Bồ-tát tự nghĩ: “Ở các kiếp vị lai, trong mỗi một thế giới, có một người cùng tất cả người chưa được độ thì không thể bỏ sót. Ta vì những người ấy nên tu hạnh Bồ-tát.
4. Cũng lại như vậy, họ hưng khởi đại Bi, kiến lập chúng sinh nơi chánh đạo Phật, trải qua vô số khổ nạn mà chưa từng có phút chốc biếng nhác, thường tu Phật pháp. Đó là chư Phật Thế Tôn ở trong vô số kiếp hiện tại và vị lai.
5. Người ấy cúng dường mỗi một Như Lai như cúng dường một Đức Phật, phụng thờ chư Như Lai đều bình đẳng không sai khác.
6. Sau khi chư Như Lai diệt độ trong vô số kiếp thì cúng dường xá lợi, tất cả cờ phướn, lọng báu, chuông linh. Vì mỗi một Đức Phật trong vô cõi nước mà hưng lập miếu tự, tu đắp hình tượng; chỗ tôn tạo hình tướng biến khắp tất cả cõi nước không thể nghĩ bàn. Ngày đêm tinh tấn, không hề xả bỏ dù một giây phút.
7. Họ vì Phật pháp tạng mà phụng thờ chư Phật, khai hóa chúng sinh, phụng tuyên giáo pháp, tu theo chánh pháp thì dần dần gần gũi với đại đạo.
8. Do các gốc đức mà Bồ-tát đắc thành đạo Vô thượng Chánh chân, làm Tối chánh giác. Vâng theo sự bình đẳng của tất cả Như Lai mà về nơi cõi Phật. Thành Chánh giác rồi thì ở trong vô số kiếp mà ban tuyên kinh đạo, biến khắp cõi Phật; chư Phật biến hóa, hiển bày thần thông không thể nghĩ bàn, Bồ-tát chẳng lấy làm chán mệt; thân, khẩu, ý của Bồ-tát ấy cũng không kể lao nhọc.
9. Lúc phát tâm, Bồ-tát ấy hướng thẳng đến pháp môn, tùy thời phụng kính chư Phật, hành chí nguyện lớn, hóa độ chúng sinh, lấy đại Bi làm đầu. Về nơi đại Từ, lễ pháp vô tướng, trú nơi giáo nghĩa thành tín, các pháp tròn đủ lấy làm chỗ chứng đắc, tất cả không mệt, chỗ tạo hành nghiệp không có tranh chấp.
10. Quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật thể nhập một nghĩa, hướng vào pháp giới, dung thông với cái không, siêu việt pháp vô tướng, không hành mà chẳng phải không hành khiến cho tất cả đến chỗ rốt ráo mà chưa từng chán sợ. Pháp của chư Phật đến sở nguyện vô cực, thi hành Phật sự, khuyến hóa chúng sinh.
Đó là mười việc đại cần mẫn của Bồ-tát. Bồ-tát trú ở đó thì thành tựu đạo tuệ vô thượng của Như Lai.
Bồ-tát có mười việc thông suốt đại tinh tấn. Những gì là mười?
- Phụng kính tất cả Như Lai Chánh chân và tự quy y.
- Mời gọi các chúng sinh, tùy thời theo hộ.
- Hướng cầu Phật pháp, cốt ở tinh chuyên.
- Tích lũy gốc đức không lấy làm mệt.
- Hưng long Thánh điển khiến lưu truyền khắp.
- Đầy đủ tất cả đại nguyện vô cực.
- Chí mộ ân cần các Hạnh Bồ-tát.
- Thường gặp thiện hữu, luôn theo học hỏi.
- Đến khắp mười phương gặp chư Như Lai.
- Nghe thuyết kinh điển, vào đạo tràng Phật.
Đó là mười việc thông suốt đại tinh tấn của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười niềm tin bất hoại. Những gì là mười?
- Tin mười phương Phật không có hai tâm.
- Ưa thích pháp Phật chưa từng trái bỏ.
- Ưa thích Thánh chúng không sinh tâm khác.
- Vui thích Bồ-tát tâm không hoài nghi.
- Thường kết hợp cùng các thiện hữu.
- Thương xót chúng sinh, không bỏ muôn loài.
- Phụng hành tất cả nguyện các Bồ-tát.
- Phụng hành đầy đủ các hạnh Khai sĩ.
- Phụng kính, đảnh lễ, quy y chư Phật, khai hóa chúng sinh, đều độ thoát họ.
- Bồ-tát hành dụng bằng phương tiện thiện quyền không bỏ thuần tín.
Đó là mười niềm tin bất hoại của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười việc thọ ký. Những gì là mười?
- Vui thích hạnh thuần tín, thọ ký cho tánh hạnh của mình.
- Tâm đạo tu tập, mang lại gốc đức.
- Hạnh ấy rộng lớn, thọ ký phương đẳng, thọ ký trước mắt, thọ ký bí mật.
- Tâm được tự tại.
- Đạt đến giác ngộ bình đẳng.
- Chứng đắc pháp nhẫn, sau đó thọ ký.
- Khai hóa chúng sinh.
- Thọ ký gốc ngọn.
- Trừ sạch hết tất cả vọng tưởng.
- Thị hiện tất cả chốn hành, công đức của Bồ-tát rồi mới thọ ký.
Đó là mười việc thọ ký của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười việc khuyến trợ gốc đức. Những gì là mười?
- Đem gốc đức này đồng nhất với chí nguyện.
- Ở nơi sinh trưởng, thường đồng sự cùng bạn lành, cùng nhau như thế chẳng hề đổi khác.
- Dùng gốc đức này, đồng tâm sinh sống cùng bạn lành chẳng hề thay đổi.
- Chỗ thường sinh sống đầy đủ các nguyện; cùng với thầy giỏi dùng gốc thiện ấy.
- Nơi chỗ sinh sống có chí đồng, đạo hợp với chư Bồ-tát.
- Nhờ hạnh phước ấy mà chỗ ở đời đời đều cùng chung với bậc minh trí.
- Chỗ ở hiện tại một tâm chuyên nhất không rời Thánh đạt; nơi chỗ đi ở thường bình đẳng thanh tịnh và đồng tâm với người trí.
- Chỗ ở đời đời đức hạnh nương nhờ cùng với bạn lành.
- Ở đời vị lai, cùng minh sư hội ngộ, thể nhập một sự bình đẳng.
- Dùng nguồn đức này cùng với thầy lành hưng khởi nghĩa lý không hai.
Đó là mười việc khuyến trợ gốc đức của Bồ-tát.
Bồ-tát vào tâm Thánh có mười việc. Những gì là mười?
- Hành bố thí rộng, thể nhập trí tuệ.
- Ưa thích tất cả đạo pháp của chư Phật.
- Thể nhập nghĩa trung đạo vô lượng của chư Như Lai.
- Dùng văn tuệ giải quyết các nghi kết, biết rõ nghĩa lý.
- Nhập vào Thánh tuệ, phân biệt rõ tất cả lời dạy từ kim khẩu của Như Lai Chánh chân.
- Thuần tín Phật pháp, hiện các sở hữu, năng lực còn mỏng ít thì chư Phật dấy lên vô lượng gốc đức.
- Ưa thích Như Lai, kiến giải đủ đầy nghĩa lý sáng tỏ của Như Lai, đầy đủ tất cả hành tuệ của Bồ-tát không thể nghĩ bàn.
- Khi phát tâm Bồ-tát thể nhập các cõi Phật nhiều vô hạn, không hề ngăn ngại.
- Rõ được một niệm tuệ thì sáng rõ tất cả việc đạo của chư Phật.
- Vào các pháp giới, nghe Phật thuyết pháp thì đều có thể phụng trì, vào trọn chừng ấy âm thanh Như Lai.
Đó là mười việc thể nhập tuệ của Bồ-tát.
Có mười việc phát tâm quảng đại vô lượng của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Lúc phát tâm thì tâm chí bên trong ấy rất rộng lớn, tư niệm đến vô lượng Phật.
- Phát tâm vô hạn vào nơi chúng sinh.
- Nhập vào pháp giới, đi trong chúng sinh.
- Biết rõ không hai.
- Quán sát các pháp bình đẳng như hư không, thấu rõ khắp hạnh Bồ-tát.
- Tư duy về tội phước ở ba đời.
- Vào chỗ không thể nghĩ bàn của tất cả chư Phật.
- Quán các cõi Phật đều là thanh tịnh.
- Vào khắp tất cả đạo tràng chư Phật.
- Cũng đều quán sát và đi vào âm hưởng ngôn từ của chư Như Lai.
Đó là mười việc Bồ-tát vào khắp bên trong sự phát tâm quảng đại vô lượng.
Bồ-tát có mười việc tàng chứa. Những gì là mười?
- Tàng chứa tất cả pháp tu tinh tấn.
- Hiểu rõ các pháp đều không chỗ sinh.
- Soi tỏ và phụng trì chỗ cốt yếu kinh điển của chư Phật.
- Ban tuyên biện tài gốc ngọn các pháp.
- Hiểu rõ tùy thời, các nghĩa vô lượng đều không thủ đắc.
- Mắt thấy khắp sự biến hóa của thần thông chư Phật.
- Dùng phương tiện điều phục tạo bình đẳng nơi các pháp.
- Thường gặp chư Phật chưa từng xa cách.
- Biết rõ và khéo quyền biến về các tưởng huyễn khó nghĩ bàn.
- Thường gặp chư Phật và chúng Bồ-tát, đạt đến pháp tạng hân hoan vui sướng.
Đó là mười việc tàng chứa của Bồ-tát.
Có mười việc cần theo hộ trì của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Không hề bài báng pháp đạo chư Phật.
- Tâm Bồ-tát luôn tin chắc vào lời dạy của Đại thánh và theo hộ trì, chưa từng biến đổi.
- Nhập vào chúng Bồ-tát và thường mang tâm cung kính.
- Thường gặp các bạn lành, chan hòa với chí tánh của họ.
- Không huân tập theo hành niệm của tất cả Thanh văn và Duyên giác.
- Theo hộ những công hạnh hành dụng của Bồ-tát mà chưa từng thoái chuyển.
- Thương xót chúng sinh mà chưa từng tổn hại.
- Cứu xét thấu suốt tất cả gốc đức.
- Hàng phục chúng ma, khước từ ngoại địch.
- Đầy đủ tất cả các Độ vô cực.
Đó là mười việc cần theo hộ trì của Bồ-tát.
Có mười việc về sự tự tại của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Thọ mạng của Bồ-tát ấy trong vô số kiếp mà không cùng tận.
- Tâm ấy tự đi vào chỗ hưng khởi của định lực, vào nơi Thánh tuệ không thể suy lường.
- Hành nghiệp của Bồ-tát tự tại, đi vào các cõi Phật, trang nghiêm vô lượng, muốn hiển bày và kiến lập nghĩa lý của đạo tràng.
- Bồ-tát tự tại nơi công hạnh, thị hiện tùy lúc về sự báo ứng của thế gian.
- Tự du hành vào chỗ sinh ra, hiện khắp mười phương cõi nước chư Phật, ý vui tự tại.
- Thấy khắp tất cả thế giới chư Phật, thấy sở nguyện và sở thích tự tại của chư Như Lai.
- Ở nơi cõi Phật nào thành Tối chánh giác thì thần túc tự hiện bày diệu dụng và có thể thị hiện oai thần biến hóa.
- Tự tại nơi pháp, hưng hiển cùng khắp.
- Chỉ bày vô số pháp môn bên trong.
- Tự tại nơi tuệ, nơi mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy nên hiện khắp đạo tràng của chư Phật.
Đó là mười việc tự tại của Bồ-tát. Bồ-tát an trú ở đấy thì đều có thể đầy đủ các Độ vô cực.
Có mười việc về sự cảm ứng của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Chúng sinh biến hóa tùy theo tính tội phước nên Bồ-tát nghiêm trị cõi nước mỗi một không đồng.
- Kinh pháp quyền biến.
- Tùy thời giáo hóa.
- Chỗ ở của thân ấy hiện ra tại chỗ.
- Sở nguyện tự tại.
- Tạo lập nghĩa đạo.
- Chốn hành tự tại, chỗ vào biến khắp.
- Hành dụng theo Thánh tuệ để chỉ bày tất cả thần thông biến hóa, không một ai mà không độ thoát.
- Thần túc biến hóa không đâu là không cảm ứng.
- Tu tập oai đức đạt đến mười lực của Như Lai.
Đó là mười việc cảm ứng của Bồ-tát.
Bồ-tát biến hóa chúng sinh có mười việc. Những gì là mười?
- Diễn nói cho chúng sinh đều vô sở hữu vì tất cả muôn loài do tưởng mà tạo lập.
- Vì các chúng sinh tùy thời thuyết pháp.
- Giáo hóa muôn người bỏ các tự đại.
- Hộ giúp từng bước cho tất cả mọi người khiến họ được an ổn, không có sự nhiễu hại nhau.
- Thị hiện khắp cùng tất cả thế giới mà kiến lập chúng sinh.
- Ở cõi chúng sinh hiển hiện Đế Thích, Phạm thiên cùng Tứ Thiên vương.
- Đi vào muôn loài, tùy thời hiện thân hình tướng, sắc mạo Thanh văn và Duyên giác.
- Cũng lại hiện thân hiển bày hạnh Bồ-tát.
- Biết rõ cảnh giới sở tại của các chúng sinh, không đâu mà không thấu đạt.
- Giác ngộ và biến khắp tất cả đạo lực, sắc thân, tướng tốt và vô số sự trang nghiêm.
Đó là mười việc về sự biến hóa nơi chúng sinh của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười việc nghiêm tịnh cõi nước. Những gì là mười?
- Tất cả cõi Phật là một cõi Phật, tạo sự biến nhập khiến tất cả cõi Phật vào một lỗ chân lông.
- Chỗ vào vô tận tất cả cõi Phật.
- Tất cả cảnh Phật khai thông một nghĩa.
- Bồ-tát hiển hiện một hạnh của mình mà thấy tận thân mình vào khắp cõi Phật.
- Tất cả chúng sinh ở các cõi Phật không thể lay động, cũng không hoảng sợ.
- Lại nữa, làm trang nghiêm tất cả cõi Phật thì hiện ra một nước Phật.
- Một cõi Phật nghiêm tịnh thì biến khắp các cõi Phật nghiêm tịnh.
- Tất cả cõi Phật tức là một chúng hội đạo tràng của Như Lai.
- Một thân Như Lai biến khắp cõi chúng sinh, khiến mọi chúng sinh vào nơi sự vi diệu, vô cực lồng lộng, thâm diệu rộng khắp, trừ tà quy chánh, bình đẳng với tha nhân và điều phục các phương diện.
- Các Bồ-tát đều có thể thị hiện lưới báo ứng trùm khắp trọn vẹn.
Đó là mười việc nghiêm tịnh của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười việc giảng nói kinh pháp tùy thời. Những gì là mười?
- Chế ngự tất cả pháp, khiến vào một pháp, tức là dùng một pháp hóa ra tất cả pháp, giáo hóa tâm tánh chúng sinh, khiến họ không còn tranh chấp.
- Bồ-tát khiến tất cả pháp đều thuận nhập Bát-nhã ba-la-mật, giáo hóa tất cả qua bờ bên kia.
- Tất cả các pháp vào nơi chúng sinh thì xả bỏ tất cả pháp tưởng, khiến tất cả pháp vào nơi một nghĩa. Diễn dạy vô số kiếp không thể cùng tận.
- Dùng tất cả pháp thể nhập vào trăm ngàn vô số pháp môn.
- Thấy tâm chúng sinh nên đều thuyết giảng đầu đuôi gốc ngọn.
- Lại nữa, tất cả pháp phổ môn luân tự đều hiểu rõ tùy thời.
- Tất cả các pháp vào một pháp môn không chỗ tranh chấp, giảng nói vô số kiếp nghĩa cũng không thể hết.
- Vào đạo chư Phật dùng tất cả pháp giáo hóa chúng sinh.
- Tất cả pháp Phật hiện ra vô số chánh giáo Phật đạo.
- Tất cả các pháp đều vào bản tế, vô lượng duyên khởi đan xen, hiện vô số kiếp dứt trừ tổn hại chúng sinh.
Đó là mười việc tùy thời.
Bồ-tát có mười việc biến hóa thân. Những gì là mười?
- Kiến lập chúng sinh vào nơi thân mình mà được giải thoát.
- Cũng dùng thân mình nghĩ đến thân chúng sinh mà kiến lập cho họ.
- Tất cả thân Phật vào nơi một thân Phật, dùng một thân Phật vào các thân Phật mà thị hiện.
- Kiến lập thân mình ở tất cả cõi Phật, vì chúng sinh mà thị hiện biến hóa.
- Lãnh hết ba đời biến khắp một Pháp thân.
- Một thân định ý mà tu Tam-muội, hiện vô số thân, tức dùng một thân.
- Hiện vô số thân Bồ-tát, rõ đạo Chánh giác.
- Dùng thân chúng sinh hợp làm một thân.
- Dùng thân một người hiện khắp các thân.
- Dùng thân chúng sinh, hiển nhập Pháp thân, cũng dùng Pháp thân thị hiện thân chúng sinh.
Đó là mười việc biến hóa thân của Bồ-tát.
Bồ-tát có mười việc kiến lập sở nguyện. Những gì là mười?
- Lấy nguyện chư Bồ-tát làm sở nguyện của mình.
- Lấy Chánh giác chư Phật làm sở nguyện đạo lực của mình.
- Tùy căn tánh chúng sinh mà hiển bày hạnh Bồ-tát, thuần thục nơi đó khiến họ thành đạo Vô thượng Chánh chân, làm Tối chánh giác.
- Trừ sạch ý niệm tham cầu trong vô lượng kiếp.
- Ra khỏi thức thân, kiến lập tuệ thân. Sở nguyện tự tại mà hiện các thân.
- Bỏ hình tướng của mình mà thị hiện thân đầy đủ, thân đầy đủ ấy khai hóa chúng sinh khuyến tấn các nguyện.
- Dùng thân Bồ-tát hiện bày khắp tất cả niệm, số kiếp các hành mà chẳng đoạn dứt.
- Dấu tích công đức còn lưu lại là việc hành Tối chánh giác. Vì nguyện lực hiện hữu khắp vô số cõi Phật.
- Thị hiện thân ấy với hình tướng. Diễn thuyết một câu pháp mà hiện bày khắp tất cả pháp giới vô biên, hưng khởi mây đại pháp và mưa cam lồ.
- Dùng tuệ giải soi thấu pháp chân đế, dùng tiếng sấm vang khiến chúng sinh no đủ, thành tựu nguyện vô cực và đủ đầy pháp lạc.
Đó là sự kiến lập sở nguyện của Bồ-tát.
Bồ-tát hóa hiện lại có mười việc. Những gì là mười?
- Tuân tu pháp giới là để thị hiện.
- Tại cõi chúng sinh vui hành Phật sự mà thị hiện khắp các ma cung.
- Bồ-tát hành cõi vô vi mà đoạn dứt hành sinh tử.
- Hành trì Nhất thiết trí mà chẳng xả sự khởi dụng của Bồ-tát.
- Lại nữa, Bồ-tát luôn vắng lặng, an nhiên, chỉ bày chúng sinh, khẩn thiết tu học, chẳng hề loạn động, không tinh tấn cũng không biếng trễ, không đôi không chiếc, không nói không tưởng, không có sở hữu, không có dấy khởi, hình như hư không.
- Bồ-tát như vậy mà lại thị hiện ở các tưởng điên đảo của chúng sinh, khởi các chốn hành, chẳng cùng trần tục, tịnh tu công hạnh.
- Cũng đều thị hiện các chỗ hành hóa.
- Hiểu rõ chúng sinh, biết rõ vốn không có chúng sinh và chúng sinh hiện tại mà khai hóa họ.
- Tu trí ba đạt thần thông của thiền giải thoát.
- Hiện tại sống ở mười phương cõi nước Phật, thành tựu hạnh Như Lai, đầy đủ sự nghiêm tịnh của Phật, hiển bày các thừa Thanh văn và Duyên giác, hành oai nghi, lễ tiết vô niệm.
Đó là mười việc hóa biến của Bồ-tát.
Có mười việc dùng tuệ biến hóa của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Ban tuyên đạo tuệ, biện tài vô tận, thành tựu các môn Tổng trì.
- Diễn thuyết vô lượng ánh sáng, biện tài khéo giải.
- Giảng thuyết khắp nơi, thâu phục căn tánh chúng sinh và dùng Thánh tuệ biến hóa mà độ thoát họ.
- Dùng tâm vô vi quán thấy ý tha nhân, tức dùng nhất tâm thấy biết chí tánh của chúng sinh và chỗ hành tâm niệm.
- Biết rõ chí tánh, sự ràng buộc, các bệnh trần lao của cõi chúng sinh mà tùy bệnh cho thuốc, khiến bệnh chóng thuyên giảm.
- Trong một lúc mà sáng rõ, thấu đạt đầy đủ mười lực của Như Lai có thể vào chỗ hành ba đời của chúng sinh.
- Kiếp số có hạn, vô hạn thì đều thị hiện và khai hóa họ.
- Tâm ấy rỗng lặng không hề ngăn ngại, thành Tối chánh giác độ khắp chúng sinh.
- Dùng trí tuệ của một hóa thân mà luôn tự tại, quán sát chúng sinh biết rõ chỗ tạo nghiệp thiện ác, tội phước của họ.
- Dùng một âm thanh, thông suốt tất cả âm hưởng nơi muôn loài.
Đó là mười việc về tuệ biến hóa của Bồ-tát.
Có mười việc thần thông biến của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Dùng một thân biến hiện tất cả cõi Phật.
- Một hội Như Lai đều có thể cùng tuyên giảng các đạo tràng chư Phật, Bồ-tát.
- Dùng một tâm hạnh mà khai hóa tất cả các đạo hạnh tu tập.
- Dùng một âm thanh mà nói khắp mười phương thế giới của chư Phật, khiến cho tất cả tâm niệm chúng sinh đều được nghe biết.
- Dùng một tâm định mà điều có thể thấy được chốn hành, thiện ác, họa phước của chúng sinh trong vô số kiếp của đời trước để độ thoát họ.
- Dùng thần thông trang nghiêm tất cả cõi nước chư Phật.
- Cũng dùng thần thông rõ thấy ba đời bình đẳng không sai biệt, biết tất cả chỗ kiến lập hạnh của chư Phật, Bồ-tát.
- Diễn thuyết ánh sáng mà soi sáng họ.
- Cũng dùng thần thông thấy biết tất cả chư Thiên long. thần, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương, Thanh văn, Duyên giác, chư hạnh Bồ-tát, mười Lực Như Lai.
- Gốc đức của Bồ-tát, không đâu mà không hộ trì. Bồ-tát bình đẳng, làm vắng lặng các âm hưởng, tức dùng bình đẳng thu phục chúng sinh.
Đó là mười việc thần thông biến của Bồ-tát.
Có mười việc về thần túc biến hóa của Bồ-tát. Những gì là mười?
- Đem vô số thế giới vào nơi một vị trần, lại dùng một vi trần mà biến khắp các pháp giới, đó là thần túc biến.
- Hiện một cõi Phật, khiến tất cả nước biển vào trong một lỗ chân lông.
- Các pháp giới rộng lớn nhập vào các cõi Phật, khiến các chúng sinh không bị nhiễu hại.
- Đem vô lượng thế giới nhập nơi thân mình.
- Dùng thần thông tuệ hiện khắp chỗ hành trì và đem các Thiết vi sơn, Đại thiết vi sơn không thể nghĩ bàn vào trong một lỗ chân lông.
- Dạo quán các cõi Phật khiến khắp chúng sinh chẳng phải lo sợ.
- Dùng vô số kiếp thị hiện làm một kiếp, hoặc một ngày, hoặc dùng một kiếp hiện vô số kiếp. Tiến thoái hợp thành, hiển bày sự hóa độ chúng sinh không chỗ nhiễu hại.
- Hiện các thế giới bị thủy tai, hoặc gặp thủy hỏa tai biến để khiến chúng sinh quán biết sự vô thường; thần túc biến hiện mà không nhiễu hại tất cả thế giới.
- Không, thủy, hỏa, phong hợp thành tai biến thì biến hóa chúng thành tất cả tài sản, sự nghiệp, cung điện, nhà cửa đủ đầy sung mãn. Tức dùng thần thông hóa hiện ra vô số chúng sinh không thể nghĩ bàn. Đem các cõi Phật đặt vào tâm bàn tay phải, dời đến đặt vào vô lượng thế giới Phật mà không hề hao tổn.
- Thị hiện các cõi Phật tự nhiên như hư không để khai thị chúng sinh.
Đó là mười thần túc biến của Bồ-tát.
Các lực biến hóa của Bồ-tát có mười việc. Những gì là mười?
- Lực cảm động chúng sinh mà khai hóa họ, chưa từng trái bỏ.
- Cảm động các cõi nước, dùng vô số việc trang nghiêm, thị hiện nơi ấy.
- Pháp lực biến hóa có các thân mà nhập vào nơi vô thân.
- Lực biến hóa với các kiếp số không dứt.
- Sự biến hóa của Phật lực làm tỉnh ngộ kẻ ngủ say.
- Sự cảm hóa của hành lực thu giữ lấy tất cả các hạnh của chúng sinh.
- Lực giáo hóa của Như Lai có thể cứu độ mọi cảnh giới chúng sinh.
- Sức giáo hóa của tự tại làm cho các pháp đạt đến tự nhiên, thành Tối chánh giác.
- Lực Nhất thiết trí thì dùng các tuệ thông Thánh trọn vẹn để đạt đến đạo bình đẳng.
- Lực biến hóa của đại Bi thì không bỏ chúng sinh.
Đó là mười lực biến hóa để hóa độ chúng sinh của Bồ-tát. Bồ-tát nếu có mười Lực biến động này thì không bị ngăn ngại, mau chóng thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân làm bậc Tối chánh giác. Lúc phát tâm thì đắc Phật đạo, sở hành không mất. Vì sao? Vì tuyên dương đại thệ nguyện nên Bồ-tát thành tựu vô lượng pháp môn, hiện khắp các gốc đức.
Có mười pháp lạc của Bồ-tát. Những gì là mười? Bồ-tát dùng thân chúng sinh kiến lập quốc thể, phân biệt chỗ hướng về của muôn người, đó là pháp lạc thứ nhất. Lại nữa, Bồ-tát dùng thân tứ đại kiến lập chúng sinh, không làm cho đất nước bị hao tổn, đó là pháp lạc thứ hai. Bồ-tát tùy thời biến hiện thân Phật Chánh giác, hiện thân Thanh văn, Duyên giác thì thị hiện việc phi thường của Như Lai, đó là pháp lạc thứ ba. Bồ-tát ấy thị hiện thân Thanh văn, Duyên giác, thân Phật, lồng lộng, vi diệu, không chấp vào ba phẩm pháp huấn, đó là pháp lạc thứ tư. Lại nữa, Bồ-tát ấy thị hiện thân hành dụng, thân Tối chánh giác; không chấp trụ vào thân hành dụng và cũng không đoạn lìa, đó là pháp lạc thứ măm. Bồ-tát ấy thị hiện nẻo hành thân đạo Chánh giác, không chấp dựa vào Chánh giác, đó là pháp lạc thứ sáu. Bồ-tát ấy hiện cõi Niết-bàn, nương vào sinh tử mà không chấp trước ở Niếtbàn, đó là pháp lạc thứ bảy. Bồ-tát ấy thường hiện nơi sinh tử và lại hiện sự diệt độ, không ở nơi Niết-bàn mà vĩnh viễn diệt độ, đó là pháp lạc thứ tám. Bồ-tát ấy dùng định vĩnh hằng, thị hiện khắp các hành, qua lại khắp vòng, đi đứng, kinh hành mà không xả Tam-muội, đó là pháp lạc thứ chín. Lại nữa, Bồ-tát ấy nghe thuyết chánh pháp từ một Như Lai mà không thấy thân biến mất, hộ trì định Tam-muội và mỗi một Phật sự đều phân biệt rõ ở đạo tràng Như Lai. Các thân từ trú xứ ấy không chỗ hoại diệt, không loạn Tam-muội. Theo chư Như Lai nghe thuyết pháp, vừa nghe xong thì tin nhận phụng hành Tam-muội chánh thọ, không đoạn mất tâm tôn kính nơi chỗ cốt yếu của kinh điển và chẳng thấy thân diệt cùng chư Như Lai. Mỗi một Tam-muội đều điều phục các hạnh môn, vào vô số định, vì vậy Tam-muội Bồ-tát trong kiếp tận hoại chưa từng dứt hết pháp môn định ý, đó là pháp lạc thứ mười. Đó là mười pháp lạc của Bồ-tát. Bồ-tát trú ở đấy thì đạt thành tuệ lạc Như Lai vô thượng.
Có mười việc về cảnh giới Bồ-tát. Những gì là mười?
- Bồ-tát vì các chúng sinh mà thị hiện nhập vào vô lượng môn, tất cả thế giới, có vô số sự trang nghiêm để khai dẫn chúng sinh.
- Điều phục cõi chúng sinh mà không hề tự đại, giảng thuyết những chỗ tạm bày.
- Như Lai Chánh chân vào trong thân Bồ-tát, dùng thân Bồ-tát nhập vào thân Như Lai.
- Dùng cõi hư không, dẫn vào các cõi Phật, dùng các cõi Phật dẫn vào cõi hư không.
- Dùng gốc sinh tử thị hiện nguồn Niết-bàn, dùng nguồn cội Niết-bàn hiện gốc sinh tử.
- Dùng tiếng một người mà giảng nói các pháp Phật, khiến mỗi mỗi đều vào cảnh giới ấy.
- Dùng vô lượng môn mà hiện nơi một thân, tức dùng một thân mà kiến lập vô số thân.
- Lại dùng một thân biến hiện khắp các pháp giới.
- Chúng sinh phát tâm thì dùng một trí.
- Điều ngự vô lượng môn, thành tựu Tối chánh giác.
Đó là mười việc mà Bồ-tát trú ở đấy thì được vào nơi đại tuệ vô thượng của Như Lai.
Bồ-tát có mười Lực. Những gì là mười?
- Lực chí tánh phụng hành, không đồng với trần cảnh nơi thế gian.
- Lực tu thanh tịnh, an hòa, không chấp nơi pháp Phật.
- Lực tùy thời thị hiện khắp xứ sở, phương tiện của Bồ-tát.
- Dùng lực Thánh tuệ thì biết tâm niệm, chốn hành của muôn loài.
- Lực thệ nguyện, có thể thông đủ lực nơi chốn hành của bản nguyện viên mãn.
- Lực tu các thừa thì không đoạn bản tế, hiển hiện tất cả thừa mà không xả Đại thừa.
- Các lực biến hóa của tất cả chư Phật thì thanh tịnh mười phương cõi, mỗi mỗi đều hiển bày chỗ hộ trì hành dụng.
- Lực nghĩa đạo làm phát khởi tâm chúng sinh, không rời Chánh giác.
- Lực chuyển pháp luân tuyên bày một pháp. Âm thanh không một chỗ nào mà không có đầy đủ, không có cái rộng khắp ấy thì ấy mới là âm thanh rộng khắp.
- Lực điều phục tất cả tâm niệm chúng sinh.
Đó là mười Lực, Bồ-tát an trú ở đây thì đạt thành mười lực phổ trí vô thượng.
Có mười việc về sự vô úy của Bồ-tát. Những gì là mười? Bồ-tát đều nhận tất cả, được nắm giữ các âm thanh, huống gì là Bồ-tát mà không nghĩ: “Ta ở phương Đông, Nam, Tây, Bắc đi đến đây, có người đến hỏi trăm ngàn tập yếu vô cực mà họ không thể nhận lãnh được lời đáp về đại pháp thì Bồ-tát đều biết rõ và không thấy có sự bất cập. Bồ-tát dùng đại vô úy và pháp Độ vô cực để độ tất cả chúng sinh. Những người đến hỏi tùy ý muốn nghe những chỗ cần hỏi thì Bồ-tát dũng mãnh giảng thuyết không hề lười nhác, đó là vô úy thứ nhất. Ở nơi văn tự ngôn từ mà diễn thuyết lần lượt như nước chảy. Nhờ oai thần của Như Lai, biện tài vô ngại, theo chốn Độ vô cực, Bồ-tát ấy chẳng nghĩ: “Những người đến từ phương Đông, Tây, Nam, Bắc mà không nhận được lời dạy bảo là điều chưa từng có, Bồ-tát không thấy có sự bất cập mà luôn dũng mãnh vô úy. Tất cả chúng sinh tùy ý muốn hỏi thì Bồ-tát tự tại, chẳng hề lo ngại chán sợ, đó là vô úy thứ hai. Một mình dạo vào pháp không mà Bồ-tát chưa từng khởi tâm nghi ngờ. Nói đến chỗ làm của mình thì đã chuyển hóa, nói về thọ mạng của con người thì đã lìa năm ấm, các nhập, sáu mươi hai nghi tà kiến. Tâm ấy rộng lớn, bình đẳng như hư không, nên dùng sự vô niệm này mà không thấy có sự quấy nhiễu nơi thân, khẩu, ý. Bồ-tát không có cái thấy bất cập này. Vì sao? Vì các Chánh sĩ ấy đã lìa tướng ngã, nhân, không hiện các tướng, cất bước đại phương tiện, dũng mãnh, bền chắc, đó là vô úy thứ ba. Bồ-tát ấy đứng trên chỗ Phật kiến lập, trú nơi Phật lực mà vẫn ở nơi oai nghi, lễ tiết của Như Lai, không hề vọng tưởng và chẳng nghĩ: “Mọi người sẽ không tìm sở trường, sở đoản và oai nghi chưa đủ của mình thì chưa từng có điều này; không thấy sự bất cập mà dũng mãnh cất bước, ban tuyên kinh đạo ở nơi đại chúng, thân, khẩu, ý luôn thanh tịnh, đó là sự vô úy thứ bốn. Lại nữa, Bồ-tát ấy phải nghĩ đến sự tẩy trừ hạnh ác, tu học thanh tịnh và từ hòa chăng? Cũng chẳng có ý niệm này, hoặc có người tìm chỗ khuyết điểm ở thân, khẩu, ý của mình thì Bồ-tát lại dùng đại dũng mãnh vì chúng sinh mà giảng thuyết kinh đạo, đó là vô úy thứ năm. Bồ-tát ấy luôn được sự hộ trì của thần Kim cang cầm chày Kim cang, chư Thiên, Long, Thần, A-tu-luân thấy được liền quy y; Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương cũng đều thờ phụng và chư Phật cũng đều gia hộ. Cho nên Bồ-tát ấy không có khởi ý là sợ chúng ma, thiên ma, các ngoại đạo dị học. Vì sự mê hoặc của các tà không thể nhiễu loạn và không bao giờ thấy được người ấy. Bồ-tát phải dùng đại dũng mãnh và chốn Độ vô cực để khuyến phát tâm đầy đủ các hạnh Bồ-tát, đó là sự vô úy thứ sáu. Bồ-tát lại được tuệ niệm của Phật, chưa từng quên mất, các căn thường định; luôn vì chúng sinh thuyết pháp, diễn bày Thánh điển để họ hiểu nghĩa Phật đạo. Chỗ giảng nói pháp đó của Bồ-tát cũng như sự giảng nói từ kim khẩu của Phật, không bị ngăn ngại, mà Bồ-tát chẳng dấy lên ý nghĩ thấy sở đoản của họ và luôn phụng hành lời dạy của Như Lai, đó là sự vô úy thứ bảy. Bồ-tát sáng rõ trí tuệ phương tiện, sáu Độ vô cực, tiến thoái một mình mà chỉ dạy cho chúng sinh, không hề câu nệ. Dùng nguyện Phật đạo và Thánh tánh vô cực mà phát khởi đại Bi vô tận, thương xót chúng sinh. Giả sử sinh ra ở chốn phiền não xấu, ác, thế giới uế trược thì có thể bao dung hết với tâm hoan hỷ và việc lớn đi cùng là dạy dỗ chúng sinh. Không khởi niệm là sẽ không có kẻ hủy báng tịnh hạnh trong sạch của Phật đạo, đoạn tuyệt định ý và cửa giải thoát chánh thọ, Tổng trì, biện tài; cũng không hề thấy có. Vì sao? Vì Bồ-tát Đại sĩ ở nơi tất cả các pháp được tự tại thì không thể đình chỉ đạo hạnh tu tập. Bồ-tát ấy ở nơi mười phương không hề phạm lỗi mà luôn theo sự đại dũng mãnh, ở nơi cõi Phật trừ bỏ các ác và luôn giữ chánh niệm, đó là sự vô úy thứ tám. Bồ-tát không xả Nhất thiết trí tâm, khéo trú nơi nghĩa đạo, ưa thích Đại thừa. Dùng sức kiến lập của các thông tuệ, vì các Thanh văn, Duyên giác thị hiện các oai nghi, lễ tiết không thể bì kịp. Bồ-tát không khởi niệm: “Ta sẽ không lầm lạc vào đạo Thanh văn, Duyên giác, dùng đại tinh tấn hiển bày tất cả thừa, các Độ vô cực, chỉ thích Đại thừa và chốn hành tròn đủ”. Đó là sự vô úy thứ chín. Bồ-tát khéo tích tập các pháp thanh tịnh, tập họp các gốc đức, đầy đủ thần thông, không bỏ nẻo giác ngộ dùng Phật đạo cũng như hạnh Bồ-tát mà hóa độ; dùng phổ trí của tất cả các chư Phật để giáo hóa chúng sinh, không mất chánh hạnh, không hoại kinh pháp. Tâm Bồ-tát không nghĩ: “Chúng sinh không có các căn thuần thục, ta soi sáng không tới; hiện bày cảnh giới Phật mà vẫn chưa có sự cảm ứng này”. Bồ-tát dùng đại dũng mãnh, quán căn cơ nơi chúng sinh để hiển bày Phật địa. Tuy giáo hóa chúng sinh nhưng chốn hành hóa và đại nguyện vô cực của Bồ-tát không có khuyết sót. Đó là sự vô úy thứ mười. Bồ-tát trú ở đấy thì đạt đến bốn Vô sở úy của Như Lai.
Bồ-tát có mười việc về pháp Bất cộng của chư Phật. Những gì là mười? Bồ-tát tinh cần, không từ đâu sinh ra, độ chúng sinh qua đến bờ giác, vui thích bố thí trừ hết bỏn sẻn, giới cấm thanh tịnh, không phạm các ác, thành tựu đầy đủ pháp nhẫn nhục, bỏ các sân hận; tu đại tinh tấn, việc tu Chánh giác chưa từng thoái chuyển, Thiền định kiên cố, bỏ các ý loạn, từ trí tuệ sinh ra, xa rời tà kiến, không hề ngôn thuyết. Sao gọi là không từ đâu sinh ra? Vì thường siêng năng phụng hành sáu Độ vô cực, đó là bậc nhất vô ngôn của Bồ-tát.
Bồ-tát hiểu rõ các pháp độ qua bờ giác, thu giữ các cảnh giới của chúng sinh. Bố thí thì dùng tục thí và giảng nói pháp thí, nét mặt vui vẻ. Nói với kẻ đáng nói thì dùng ngôn ngữ âm thanh từ hòa, mọi người nghe được thì không ai mà không vui lòng. Nghĩa lý đúng thời, hiểu rõ Phật đạo, tâm không thiên lệch, bè nhóm mà bình đẳng nghĩ về chúng sinh. Chỗ tu trì của Bồ-tát không từ đâu sinh, dùng vô ngôn mà cứu tế chúng sinh đến cảnh giới tu tập. Đó là pháp thí thứ hai của Bồ-tát.
Chốn tu trì của Bồ-tát là từ bi trí tuệ, không hề vọng tưởng, không thích thế tục, dẫn dắt chúng sinh vào Phật đạo. Hành định tu tập của Bồ-tát không bỏ Thánh tuệ của Như Lai Chánh chân, chỉ rõ diệu dụng nơi chúng sinh mà khuyến giúp họ bằng vô sở thuyết, đó là Bồ-tát không có ngôn thuyết, tu các gốc đức, ngưỡng cầu Phật tuệ, vì chúng sinh mà bố thí thì đó là sự vô ngôn thứ ba của Bồ-tát.
Hành nghiệp Bồ-tát có hạnh thứ nhất là phương tiện quyền biến, tùy theo sở thích của chúng sinh mà không hề chán ghét. Dạo trong thế tục, tại các nơi phóng túng, xấu ác, những chỗ của Thanh văn, Duyên giác, tất cả muôn loài mà khai hóa họ chứ không cầu an cho riêng mình. Thiền định, Tam-muội giải thoát, chánh thọ thì biết rõ tiến lùi, đắc định tự tại, không hề mỏi mệt. Quán nơi sinh tử thì cũng như mặt trời chiếu khắp, hủy diệt các cung điện ma, hiện khắp nơi xứ sở của Phạm thiên, Đế Thích, Tứ Thiên vương. Thường soi sáng, thấy các hàng Dị học mà đều thấu biết tất cả kinh thư, điển tịch, văn thơ, toán thuật, sáu việc bản thân của tất cả thế tục. Lại còn thấu biết điển tịch của vua, điêu khắc hoa văn, in gấm thêu hoa, trau chuốt ngôn từ, âm thanh hoan lạc, sáu món cờ bạc hơn cả thiên hạ. Lại cũng hiểu rõ sự tiến dừng của người nữ, sự hoạt động của nam nhi, dự đoán được điềm lành, thiên văn địa lý, nhật nguyệt tinh tú, các sự thiên tai và pháp độ thế.
Nếu Thanh văn, Duyên giác đến hỏi thì không có việc gì mà không sáng rõ. Các việc độ thế thì Bồ-tát một mình hành dụng không ai sánh cùng, tất cả thiên hạ đều cùng kính ngưỡng. Hiển bày oai nghi lễ tiết và chỗ không thể đạt đến của các thừa Thanh văn, Duyên giác và không xả Đại thừa. Lúc phát tâm, biết chỗ thị hiện của chư Như Lai, không đoạn kinh điển. Bồ-tát tuân theo phương tiện quyền xảo cũng không đoạn dứt. Bồ-tát phụng tu gốc đức vắng lặng; dùng tuệ pháp lạc, một mình tự tại, ở nơi vô vi mà hiện ra cõi sinh tử, đến chỗ không nhân tướng mà giáo hóa chúng sinh chưa từng trái bỏ. Ở nơi chúng sinh mà luôn thanh tịnh an nhiên, thị hiện nơi đại phiền não cấu uế, tức là dùng nhất phẩm của thân pháp tuệ thị hiện nơi vô số thân chúng sinh, vô hạn nơi chốn, giống như hư không. Dùng đại trí tuệ, vì chúng sinh mà thị hiện niềm vui nơi tất cả trần dục, vui nơi nhất phẩm lạc. Hiện ở ba cõi khai hóa chúng sinh, không rời vọng tưởng; ở với trăm ngàn Ngọc nữ thì thường dùng pháp lạc mà tự vui sướng, dùng tướng tốt và trăm ngàn công đức mà tự trang nghiêm nơi chỗ sinh sống. Thường tu hành thanh tịnh, chẳng có lỗi lầm, hiện sinh nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; ở nơi trí tuệ Phật đạo và các Độ vô cực mà không hề động xả tuệ thân Bồ-tát. Trí tuệ như vậy không có bờ cõi. Vì vậy Bồ-tát đều hiểu rõ Thanh văn, Duyên giác, huống gì là kẻ phàm phu ngu tối. Đó là sự vô ngôn thứ năm của Bồ-tát.
Hành thân, miệng, ý thì lấy tuệ làm đầu. Chỗ tu trì của Bồ-tát hành dụng trong sáng, đầy đủ từ tâm thương xót chúng sinh; luôn lìa bỏ các việc: sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác, nói thêu dệt, ganh ghét, sân si, tà kiến… Nẻo hành của Bồ-tát, tu hạnh chánh kiến cũng đều vô ngôn, hành thân, khẩu, ý với trí tuệ ứng thời. Đó là việc thứ sáu.
Không bỏ chúng sinh, ấy là Bồ-tát phụng tu tâm Từ không ngăn ngại, thấy chúng sinh khổ não, thân năm ấm gặp hoạn nạn thì hành dụng, lời nói càng phải từng trải, hưng hiển gốc đức; vì chúng sinh mà ở tại địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà chịu nhiều khổ đau, chẳng hề biếng trễ; giáo hóa chúng sinh khiến họ an vui. Ở nơi tất cả dục và những chỗ vui thích mà chẳng đổi dời tâm, càng thêm tinh tấn nhằm độ thoát chúng sinh ra khỏi các khốn khổ độc hại. Cũng chẳng dùng các chỗ rèn tập của Bồ-tát mà chỉ chí nguyện nơi đại Bi, làm theo điên đảo lực. Đó là việc thứ bảy khiến tất cả cá loài đều phụng kính, vui thích.
Cho đến Bồ-tát, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương đều cùng hộ niệm, nên tất cả muôn dân nhìn thấy đều hoan hỷ, chúng sinh nghĩ đến công đức thì tâm chẳng rời hoài bão. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy nơi túc mạng xa xưa đã phụng hành thanh tịnh, không có lỗi lầm, cho nên mọi người chưa gặp Bồ-tát thì không biết dừng đủ; Bồ-tát cũng dùng vô ngôn mà giáo hóa, ấy là pháp thứ tám. Tâm Bồ-tát kiên cố, ở nơi các thông tuệ khéo mặc áo giáp công đức, ấy mới là Bồ-tát. Sở dĩ rất khó là vì Bồ-tát ấy phải ra sức siêng năng hành tập; vào nơi Thanh văn, Duyên giác mà tâm Nhất thiết trí luôn thanh tịnh sáng rỡ, không chỗ quên mất. Giống như đại minh châu có tên là Tịnh phục tịnh, nó luôn làm nước đục được lắng trong. Giả sử có hồ nước rất nhơ bẩn, dùng minh châu này đặt vào trong đó thì nước đục này liền lắng trong mà không hề đục trở lại. Cũng vậy, giả sử Bồ-tát cùng sống với kẻ ngu si, nối kết đến trọn đời nhưng Bồ-tát chưa từng bỏ mất Nhất thiết trí thanh tịnh sáng trong, trí tuệ vô cực, trừ sạch ái dục, tà kiến, phiền não uế trược của chúng sinh. Trú ở Nhất thiết trí sáng trong thanh tịnh mà cũng dùng vô ngôn. Tuy ở nơi kẻ ác, Thanh văn, Duyên giác mà không hề bỏ đại đạo, đó là pháp thứ chín.
Trí tuệ của Bồ-tát là pháp tôn quý đã qua bờ giác, ấy là tuệ Bồ-tát được tự tại đầy đủ không thiếu, là bậc Nhất sinh bổ xứ mặc áo lìa cấu uế, đội khăn mão pháp, đeo giây tơ đạo ấn, chẳng rời sự khuyên dạy của bạn lành. Phụng kính Như Lai; chưa từng khinh mạn thì cũng dùng vô ngôn. Bồ-tát chưa từng có tu mà khai hóa chúng sinh, không rời chư Phật và thường thuận theo Như Lai, khiêm cung tự quy. Đó là sự giáo hóa vô ngôn thứ mười. Bồ-tát an trú ở đây thì đạt thành vô ngôn vô thượng của Thế Tôn.
Bồ-tát có mười nghiệp. Những gì là mười?
- Làm thanh tịnh khắp thế giới, trang nghiêm cõi Phật.
- Hưng lập tất cả đạo nghiệp của chư Phật.
- Lấy bạn lữ Bồ-tát làm đầu, đồng chung gốc đức.
- Bồ-tát chỉ dạy nơi cảnh giới chúng sinh, thâu giữ từ gốc đến ngọn và các nghiệp đời sau.
- Nghĩa là dùng thần túc biến khắp cảnh giới chư Phật nơi mười phương.
- Tuy hiện hữu khắp mười phương nhưng không rời khỏi cảnh giới của mình.
- Bồ-tát dùng ánh sáng diễn khắp vô lượng ánh sáng, mỗi một ánh sáng đều có hoa sen, trên các hoa sen ấy đều có chư Bồ-tát hiện thân ngự tọa, chẳng đoạn Tam bảo.
- Sau khi Phật diệt độ thì Bồ-tát phụng hành tuyên thuyết, dạy dỗ không có tự đại, dạo khắp mười phương khai hóa chúng sinh.
- Vì họ thuyết pháp và khiến họ tuân theo luật giáo, tu bát chánh đạo.
- Nếu họ ở tà nghiệp thì vì họ mà thị hiện các nguyện khiến mọi người đều tròn đủ.
Đó là mười việc, Bồ-tát an trú ở đây thì thành tựu vô thượng đạo của Như Lai.
Thân Bồ-tát có mười việc. Những gì là mười?
- Bồ-tát vị lai, hiểu rõ tất cả thân đều không chỗ thành, cũng vô sở hữu.
- Thân Bồ-tát cũng như thân mọi người đều không thể thủ đắc.
- Thân Bồ-tát, không có chân đế, tùy theo tập khí của chúng sinh mà thị hiện đó thôi.
- Thân Bồ-tát thì không thể xâm tổn nhưng tùy theo thế tục mà hiển bày chân đế.
- Thân Bồ-tát cũng không cùng tận, ở các đời vị lai không hề đoạn mất.
- Thân ấy kiên cố, các ma không thể hủy hoại.
- Thân ấy dũng mãnh, tất cả tà học, ngoại đạo không thể hủy hoại.
- Thân ấy vô tướng mà lại thị hiện các tướng thanh tịnh, trăm phước công đức.
- Thân ấy không đẹp vì lấy pháp tướng làm đẹp, cúi đầu làm lễ; thân ấy không nơi nào mà không vào.
- Các Như Lai Chánh chân quá khứ, hiện tại, vị lai đều cùng một thân.
Đó là mười thân của Bồ-tát. Bồ-tát an trú ở đây thì thành tựu Pháp thân Như Lai vô cực không cùng tận.
Khi giảng nói lời này xong thì tam thiên thế giới đều chấn động lớn; đại ánh sáng ấy biến khắp mười phương; trời tuôn mưa hoa, đàn sáo nhạc khí không tấu mà tự vang. Các người đến nghe pháp mỗi mỗi đều rất vui mừng vì may mắn được gặp đạo sáng vô cực.
Họ đều hỏi:
–Muốn gặp pháp này thì tu cái hạnh gì?
Bồ-tát đáp:
–Phụng kính các pháp, một tâm nghe kinh, cúng dường Thánh chúng, khiêm cung và tôn kính Pháp sư như tôn kính Phật. Thương xót chúng sinh như thương xương tủy của mình. Ở tại ba cõi mà như hoa sen trong nước, như ánh sáng soi tỏa của mặt trời, mặt trăng chiếu đến các nơi u tối. Hành giả như vậy thì mau chóng đắc thành chánh pháp. Lúc giảng nói pháp này thì vô số người đều phát tâm đạo.