Phật nói kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật
Đời Đường, Ngài Tam Tạng Pháp Sư, hiệu Nghĩa Tịnh dịch từ chữ Phạn ra chữ Nho
(Nho của Trung Hoa)
Ngài Thái Hư Pháp Sư giảng yếu tại hội Cư Sĩ Lâm, Quảng Châu, ngươn đán năm Dân quốc 25
Thay lời tựa
Mỗi khi nhắc đến đức Tổ Tuyên Linh (Lê Khánh Hòa) thì, các quí Phật tử ai cũng liên tưởng đến quí Sư cụ: Cố Pháp chủ (Thích Huệ Quang) và tân Pháp chủ (Thích Khánh Anh) là ba vị đầu tiên có công lao trong phong trào chấn hưng Phật học tại miền Nam này.
Cũng như mỗi khi chúng ta đến Vĩnh Bình (Trà Vinh), thấy cơ sở hội Lưỡng Xuyên Phật học thì, ai cũng nhớ đến: Tạp chí Duy Tâm, Liên đoàn Phật học xã, Từ Bi Âm, v.v… là những di tích của quí Đức Cụ Thọ đã dày công xây dựng từ xưa, đấy cũng là mỗi cái đà trước để cho nền xương minh Phật giáo tiến triển, phổ biến ngày nay.
Đức cố Pháp chủ và Tổ Tuyên Linh đã về cõi Phật, hiện nay chỉ còn Sư cụ tân Pháp chủ thay thế cho hai Sư cụ mà nắm giềng mối đạo mạch của Phật giáo hiện tại: vừa làm Pháp chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, vừa làm Thượng thủ Giáo Hội Tăng Già toàn quốc và làm chứng minh Đạo sư của hội Phật học Nam Việt, mặc dù tuổi già thân bịnh mà, cũng chẳng từ nan một Phật sự nào!
Chúng tôi là bổn đạo chùa Phước Hậu (Trà Ôn) là ngôi chùa mà Sư cụ đương ở hiện nay, nhận thấy Sư cụ là một vị cao cả trong đạo mà ở ngôi chùa quá cũ kỹ lại đến thời kỳ hư hoại; đôi khi chúng tôi nghĩ đến, cũng bùi ngùi buồn tủi cho Tổ đình của mình mà, chẳng biết làm sao!
Nhân tiện, thấy Sư cụ biên dịch rất nhiều kinh sách, nên chúng tôi yêu cầu Sư cụ ban giúp:
1. “Bổn Kinh Di Lặc Há Sinh Thành Phật”
2. “Làm Thế Nào Để Được Đến Dự Long Hoa Tam Hội”
để in phát hành, trước là truyền bá giáo pháp trong xã hội Phật hóa được phần nào, sau yêu cầu các quí Phật tử hoan hỷ thỉnh giùm, để giúp vào quỹ tu bổ chùa Phước Hậu.
Vậy rất mong các quí Đạo hữu nam cũng như nữ đồng tâm hưởng ứng vào việc công đức này.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát
Ban Tu Bổ Chùa Phước Hậu Đồng Hiệp Thập Khuyến Thỉnh
HUYỀN LUẬN
1- Thích Danh Đề
Giáp. THÍCH KINH ĐỀ
Rằng “Phật nói kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật” đây là, chính đức Phật Thích Ca Mưu Ni nói; còn động cơ(1) thì, nhân Tôn giả Xá Lợi Phất đến xin hỏi về vị Bồ Tát “Nhứt sanh bổ xứ” là ngài Di Lặc, qua đời đương lai(2) cái tình hình vì thành thục cho chúng hữu tình mà, giáng sanh xuống cõi Diêm Phù Đề phía nam núi Tu Di, để thành Phật thuyết pháp như thế nào?
Thuyết ra kinh này là, chính khi Phật Thích Ca ở tại núi Linh Tứu. Nên kinh này đầu tiên nêu “Phật thuyết”, tức chỉ rõ đức Thích Ca Mưu Ni nói kinh đây.
Phật là tiếng gọi chung cả chư Phật ở mười phương. Đọc đủ là Phật Đà, hoặc Phù Đồ, cũng chép là Phật Đà Da, dịch là Giác Giả. Nhưng chữ Giác ở đây nghĩa nó chẳng đồng với chữ Giác ở danh từ bồ đề dịch ra, vì với bồ đề mà dịch ra Giác là, chỉ nói về “pháp”, còn Phật Đà mà dịch ra Giác là chính nói về “nhân”; bởi pháp thì nó ở nơi vị trí pháp, không có cái tánh nhân cách, còn nhân là do sự hòa hợp, giả tạm có cái tánh nhân cách.
Lại, nghĩa chữ Giác của Giác giả đây, phi như chữ Giác chẳng thiết thực của hạng thường nhân mà chính là chữ Giác đã thành bực vô thượng chánh đẳng biến chánh giác.
Do đã thành tựu bực Giác đây, nên đối với cả tánh lẫn tướng của các pháp giữa vũ trụ, đều được giác ngộ một cách triệt để chân thực thì, gọi là tự giác; lại hay rao nói cái pháp đã tự chứng tự giác đó ra, khiến cho chúng sanh, cũng chứng vào cái sở chứng, giác ngộ vào sở giác như mình, gọi là giác tha; do cái giác hạnh: phần tự giác, và phần giác tha, đều được viên mãn, mới gọi là bực Phật Đà Da vô thượng biến chính giác.
Mặc dầu Bồ Tát ở ngôi thánh bực đại thừa cũng có thể tự giác giác tha, nhưng mà công hạnh đều chưa được viên mãn và vô thượng; nên đấng nào đã đắc vô thượng biến chánh giác là: ba giác tròn, muôn đức đủ, đấy mới là Phật.
Phật nói, Phật thì vốn không pháp khá nói, nhưng vì giác ngộ cho người mà, phải dùng lời phương tiện quyền xảo để giác ngộ, nên nói có sở thuyết. Do vì Phật ngài đã tự chứng pháp giới tánh, là nhứt chân viên mãn, đối với nhứt chân viên mãn, thì chỗ mà tâm nghĩ, lời nói lấy làm tuyệt mù, vô phương nghị luận, hẳn phi cái tướng văn tự ngữ ngôn để hình dung ra được. Kinh Pháp Hoa bảo: “tướng vắng lặng của chư pháp, chẳng thể dùng lời để rao bày ra được”.
Song, chư Phật nhân thấy chúng sanh mê muội cái chân lý của tánh tướng các pháp(3) mà, vọng động gây ra các hoặc nghiệp(4), thế, mãi từ vô thỉ đến nay, trôi lăn dòng sanh tử , để luống uổng chịu mọi điều tội khổ, nên ở nơi nhân địa(5) xưa là những thời kỳ tu hành, đã từng phát đại nguyện, ắt đem cái giáo pháp ra giác ngộ cho chúng sanh. Đã thỏa mãn được bổn nguyện mà xứng với lòng hoài bão từ xưa, nên với trong không phân biệt, với trong không ngôn thuyết mà có ngôn thuyết, thành thử tam tạng giáo điển từ đó sản xuất ra giữa vũ trụ, khắp khiến cho chúng sanh đời sau, vâng theo giáo pháp để học và tu, đồng chứng vào cảnh giới đại giác.
Kinh giáo của Phật thuyết rất rộng, mà trong đây, tức là Phật nói việc tối thắng của đức Di Lặc há sanh thành Phật.
Di Lặc là họ của Bồ tát, như Phật nay họ là Thích Ca; tên là A Dật Đa, dịch: không ai hơn, là tiêu biểu cái từ tâm rất quảng đại không ai có thể vượt hơn được. Di Lặc, dịch: Từ, cũng như Thích Ca, dịch: Năng nhân, gọi tắt là Năng, mà với Di Lặc đọc đủ là Từ thị.
Đức Di Lặc mà dùng Từ làm họ đó, là đủ nhân duyên lớn, nên chẳng những trong thời nhân địa tu hành lấy Từ làm họ mà, ngay đến thời chứng quả vị cũng còn tên là Di Lặc nữa.
Đến cái nhân duyên Từ thị thì, trong các kinh luận nói đã rõ lắm.
Kinh Tâm địa quán nói: “Đức Di Lặc Bồ tát Từ thị tôn, từ lúc mới phát tâm tu, đã chẳng ăn thịt”; tức hai câu ấy đã rõ rành cái do lai đắc danh của Di Lặc rồi.
Số là đức Di Lặc từ kiếp lâu xa lại, ngài thường tu pháp từ tâm tam muội, quán xét tất cả chúng sanh bản tánh bình đẳng, chính chỗ bảo: “thịt ta thịt chúng sanh, tên khác thể không khác”. Bởi thế, rốt trước mới phát tâm, liền chẳng ăn thịt.
Chẳng ăn thịt tức là từ tâm, là cái cơ sở căn bản của đệ tử Phật để tu dưỡng Phật tâm.
Song mấy chỗ mà Phật pháp đã lưu hành ngày nay như: Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bổn, Thái Lan, Tích Lan và Miến Điện v.v… nhân phong tục của họ có sai khác mà, Phật đồ các nước ấy phần nhiều người ăn thịt; duy chỉ Phật đồ Trung Hoa thì, tố thực(6), vì rất trọng cái điều “giới sát phóng sanh”; phàm những kẻ chẳng ăn thịt, đều có thể gọi là tu cái từ hạnh của đức Di Lặc cả.
Nhân chẳng ăn thịt đó, nên Phật đồ Trung Hoa cũng đặc biệt có duyên với đức Di Lặc Bồ tát, thành thử với sự tích ứng hóa của Bồ tát, mỗi mỗi khá tìm xét:
Như thời đại lục triều(7) Bồ tát ngài thị hiện ra thân cư sĩ tại huyện Nghĩa Ô(8), giả danh là Phó Hấp, thuyết pháp cho Lương Vũ Đế nghe, có trứ tác ra: Tâm Vương minh, và Pháp Thân tụng, vẫn được truyền tụng mãi xưa nay.
Thuở triều Ngũ Đại(8), tại tỉnh Phước Kiến, huyện Bồ Điền(9) Bồ tát hiện thân, kế đó cũng ứng hóa ra ngài Bố Đại Hòa thượng ở huyện Phụng Hóa(10) tỉnh Chiết
Giang, tên là Trường Đinh Tử(11), cũng tên là Khế Thử; pháp thị là Định Ứng đại sư.
Đức Di Lặc Bồ tát ngài ứng hóa thân ra, đã dẫn một vài sự tích như trên, đủ chứng rằng: Bồ tát ngài có cái duyên đại thắng với chúng sanh nước Trung Hoa lúc bấy giờ.
Há sanh thành Phật là, nói đối với Thưởng sanh Đâu suất. Trong kinh Thưởng sanh Đâu suất, Phật nói rõ ngài Di Lặc như thế nào từ nơi nhân gian diệt, để sanh lên cung trời Đâu Suất thành một vị Bồ tát nhứt sanh bổ xứ; còn kinh đây thì, Phật ngài nói rõ Di Lặc như thế nào từ trời kia diệt, mà xuống sanh nơi nhân gian cõi đây, là vị tối hậu thân Bồ tát, nhẫn đến thành Phật.
Song, trong kinh Thưởng sanh, Phật vẫn cũng đã nói rõ: “sau 12 năm nữa ngài Di Lặc sanh lên cõi trời thứ tư là Đâu Suất Đà là 1 trong 6 trời dục của hạ giới, trải qua 4.000 năm của cõi trời Đâu Suất(12), mới xuống sanh nơi châu nam Diêm Phù Đề, để thành Phật thuyết pháp độ sanh.
Nói rằng thành Phật, mà cứu cánh thành Phật như thế nào? Thông thường nói: “tức thân thành Phật: thành Phật ngay nơi thân này”, hoặc nói: “lập địa thành Phật: lập một chỗ thành Phật”, mà xét ra chỉ vào thành Phật bằng cách nào?
Phải biết chỗ mà bảo rằng thành Phật, chẳng phải nói chỉ vào tướng hảo, cũng chẳng phải nói chỉ vào phép thần thông. Vì, nếu lấy tướng hảo nói thành Phật thì, các ông Luân vương và, các vị Thiên vương đều đã thành Phật được; còn nếu nói thành Phật bằng các phép thần thông thì, các vị Thần quỉ có 5 thần thông kia cũng đã thành Phật được rồi.
Thế nên, với sự thành Phật, nói một cách chắc chắn là tức thành đức Phật bằng “phúc trí lưỡng túc tôn”, thành ông Phật bằng “Vô thượng chánh biến giác”.
Chừa bậc thành Phật như thế ấy, ngoài ra, dẫu như quả vị còn ở trước khi thành Phật là, tối hậu thân Bồ tát, cũng còn thuộc về cái thân dị thục báo thay, huống hồ là những hạng dưới ấy ru!
Mà nay nói rằng đức Phật của ngài Di Lặc sở thành đó, chính là nói: ngài Di Lặc ngồi trên tọa Kim Cang tại gốc cây Long Hoa bồ đề là, tối hậu thân thành quả vị Phật cứu cánh viên mãn cả phước trí, chứ phi như rằng thành Phật mà thông thường người ta thường nói kia.
Nhân thành Phật một cách chân chánh, ít nhứt cũng phải là vị độc tôn giáo hóa trong một cõi tam thiên đại thiên thế giới, quyết phi việc dễ dàng mau như lật bàn tay mà thành, xuôi hai tay mà đặng đâu.
Lệ thông thường làm lễ kỷ niệm vía Phật đản, đều dùng ngày giáng sanh, như kỷ niệm đức Phật Thích Ca, ắt là ngày 8 tháng 4 âm lịch. Chắc thực đúng ra, phải kỷ niệm vào ngày ngài thành Phật (tức 8-12 âm lịch)(13), bởi ngày ngài giáng sanh đó, bấy giờ còn là vị Bồ tát tối hậu thân, hãy chưa thành Phật, chưa sáng suốt hoàn toàn 3 giác, vì còn một điểm vi tế hoặc, tỷ như mặt trăng đêm 14, vì còn chưa được thực tròn; đến thành Phật một cách chân chính là, ở về quả bồ đề viên mãn 4 trí của tự thụ dụng thân cùng thanh tịnh pháp giới không sai khác, vạn đức trang nghiêm, sáng rỡ rõ bày, như mặt trăng đêm rằm, ánh sáng tỏa trùm muôn hình tượng.
Nên chi kỷ niệm phi chẳng phải với ngày Ngài giáng sanh, bất quá cái thân Ngài trong ngày giáng sanh, còn là cái tối hậu thân của vị bồ Tát mà, cái thân của Ngài trong ngày thành Phật là do cái dị thục báo đã không, thành ra cái vô lậu thiện thường là cái thân Đại Mưu Ni, đắc cái chưa từng đắc, cả người lẫn trời đồng bái khánh, với đó mà kỷ niệm mà khánh chúc, mới có nghĩa thù thắng.
Thích Ca là người năng thuyết, kinh Di Lặc há sanh là nghĩa sở thuyết, cũng tức là nghĩa lý sở thuyên; mà văn tự năng thuyên diễn ra nghĩa lý sở thuyên đây, nhóm thành một bộ, gọi đó là kinh.
Kinh, tiếng phạn Sùtra (tu đa la), dịch là khế kinh, tức với trên thì khế hợp cái chân lý sở thuyết của thập phương chư Phật, với dưới thì khế hợp cái căn cơ sở thích nghi của cửu giới chúng sanh.
A. THÍCH DỊCH ĐỀ
Với kinh đây, trong tạng có 3, 4 bản dịch, về Phạn văn thì, nguyên bổn Phạn tự chỉ có 2 thứ:
- Do ông A Nan thỉnh hỏi mà Phật thuyết ra,
2. Do ông Xá Lợi Tử xin hỏi mà Phật nói. Về sở thuyết, dù bổn tường, bổn lược chẳng đồng, chứ đại ý thì phản phát nhau.
Với 2 món nguyên Phạn bổn, Trung Hoa đều có dịch bản. Kinh đây nêu rằng “Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh phụng chế dịch” đó, chính là dịch ra tại thời đại Trung Tôn hoàng đế đời Lý-Đường, mà dịch giả là Ngài Nghĩa Tịnh Tam Tạng Pháp Sư.
Tam Tạng tức là Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, Pháp Sư đây học hỏi đã cùng ba tạng, lấy pháp tự làm thầy, lại hay làm thầy người, vì tuyên truyền cả pháp tam tạng cho chúng học tu, do đó mà đắc danh là Tam Tạng Pháp Sư.
Nghĩa Tịnh Tam Tạng ra đời, sau ngài Huyền Tảng (người ta đọc sai: Huyền Trang) vài chục năm, nhân kính mến cái cao phong của ngài Huyền Tảng, nên dõi bước theo sau phương trần(14), chỏi gậy qua Tây vực, để hỏi cầu Pháp; khi về mang theo kinh sách Phạn bổn, rồi tòng sự phiên dịch.
Những bổn của ngài dịch rất nhiều đó, là tạng luật giữa tam tạng, như luật Nhứt thế hữu bộ, v.v… Trong giới phiên dịch, sau Ngài Huyền Tảng Pháp Sư tức suy nhượng Nghĩa Tịnh đứng bực nhứt.
Mà thuở phiên dịch, cũng phi ở tư nhân phát khởi, bèn là vâng lời chiếu chế của nhà vua đương thời, tại trong công cộng dịch trường, công khai dịch ra.
Do đây, đề cử tên của dịch giả, tức có thể chứng minh kinh này chính Phật tự miệng nói ra, mà chính tay Phật tử phiên dịch là cụ thể hóa để mở lòng tín ngưỡng của đời sau.
2- Minh đại y
Đức Thích Tôn thuyết pháp, nguyên vì khế lý khế cơ: khế lý thì pháp sở thuyết cùng với Phật trước Phật sau về chỗ đồng chứng đồng thuyết, nên là phần chung; khế cơ thì chư Phật thuyết pháp đều riêng biệt hợp với căn cơ, như kinh đây là vì khế hợp với căn cơ của chúng sanh cõi Diêm Phù Đề mà Phật nói ra, nên là phần riêng.
Vả y cứ nơi kinh đây, nói về ý riêng khế cơ, lược rõ hai món:
- a) Kinh đây trước nói rõ y chính trang nghiêm của đời Phật Di Lặc, cõi nước tốt, bóng, rỡ, sạch như thế nào, căn lành của chúng sanh hậu bạc như thể nào, và khi ngài giáng sanh tướng hảo ra sao, đệ tử đông nhiều là bao vân vân, khiến cho chúng nghe ai cũng phơi phới nảy lòng tín ngưỡng khen mến phát nguyện quy y. Như thông thường gọi rằng “Long hoa tam hội nguyện tương phùng”, mở tiến niềm chính tín, dẫn vào Phật trí, ấy là nghĩa thứ nhứt.
- b) Trong kinh này nói: “ở trong pháp của Phật Thích Ca mà những chúng sanh: hoặc giữ giới hoặc tu pháp thiền định, hoặc tu pháp niệm Phật, hoặc bố thí cúng dường, hoặc cung kính lạy Phật, nhẫn đến đối trước tượng Phật mà hoặc chắp tay, hoặc cúi đầu, thế đều đã là gieo chút căn lành rồi mà chưa đắc độ, đến Long Hoa tam hội, đều có thể được nghe Pháp chứng quả cả.
Do vì đức Di Lặc là Phật sẽ tiếp tục bổ lên ngôi thế Phật Thích Ca tại thế giới này thì, những sự nghiệp mà đức Thích Ca chưa rồi, vì chúng tu trể nãi, bao chúng sanh chưa được độ vì phát tâm muộn màng, Phật ngài đều phó thác dặn dò cho đức Di Lặc cả; nên chúng sanh là bọn ta đây, mỗi người bất luận tu về hạnh môn pháp nào mà, tự lực chưa sung, hoặc nguyện vãng sanh về Tịnh độ phương khác, đức Di Lặc ngài đều có thể dùng phép thần thông nguyện lực tán trợ, dẫn dắt khiến cho thành tựu.
Do đó, khá biết: với đức Di Lặc là chỗ đại quy y trong đời mà đức Thích Ca để pháp lại, đó là ý chỉ thứ hai của bổn kinh.
THÍCH KINH
Giáp. 1- phần chứng tín phát khởi
Ất. 1- chứng tín tự
Tôi nghe như vầy: một thời nọ, đức Bạt Già Phạn, cùng chúng đại bật sô, đều hội tại trên đảnh núi Linh Tứu gần thành Vương Xá.
Với phần chứng tín tự đây, xưa nay các nhà giải có hai cách:
- a) Bộ Đại trí độ luận của ngài Long Thụ, giải làm 6 món thành tựu: 1. Như thị, là tín thành tựu; 2. Ngã văn, là văn thành tựu; 3. Nhứt thời, là thời thành tựu; 4. Bạt Già Phạm, là thuyết chủ thành tựu; 5. Vương Xá thành Linh Tứu sơn, là thuyết xứ thành tựu; 6. Dữ đại bật sô chúng cu, là thính chúng thành tựu.
- b) Bộ luật Phật địa kinh của ngài Thân Quang, giải là 5 lớp chứng tín, nghĩa là: nói như thị (như vầy) là ý nghĩa nó chỉ suốt xuống trọn bộ kinh, đây đã là chỉ suốt thì, chẳng tách đứng riêng, đến Ngã văn (tôi nghe) là chứng tín rằng gần sát bên Phật nghe pháp; nhẫn đến cùng với chúng đại bật sô cu hội là chứng tín rằng cả chúng đồng nghe, chứ phi một A Nan nghe.
Cốt là đoạn văn đây chính người kiết tập kinh điển sắp để, hoặc 5 thành tựu, hoặc 6 thành tựu, đều để dứt cái tâm ngờ của người đời sau mà chúng thành lòng tín nhận.
Danh từ Ngã của Ngã văn, bèn là nhà kiết tập kinh này tự xưng, rằng bổn kinh như thế này là, chính nơi miệng Phật thân thuyết, đích tôi thân văn, chớ phi như nghe dọc đường, nói ngoài sá, lần lựa do kẻ khác nói lại mà mình mới nghe đâu.
Nhứt thời, là cái thời mà căn cơ tiếp xúc nhau với giáo lý, kẻ nói người nghe đều chu tất; bởi những thời Phật thuyết pháp: lúc thì nói nơi thiên thượng, khi thì nói nơi nhân gian, v.v… không nhứt định thời nào được, thành thử chẳng quyết định năm nào, tháng nào ngày chi; huống đương thời nhựt lịch của mỗi nước mỗi khác, nếu ghi ngày giờ nói kinh, e lại có kẻ hiểu lầm lộn, nên chỉ ghi rằng nhứt thời, nghĩa là một thuở nọ thôi.
Bạt Già Phạn, cộng có 6 nghĩa mà, nghĩa rất rõ rệt hơn hết là Thế Tôn, rằng Phật là thánh trên các thánh, trời trên các trời(15), là bậc rất tột cao quí trên thế gian và xuất thế gian.
Đảnh núi Linh Tứu, thành Vương Xá, tức núi Tứu Phong gần thành Vương Xá, nước Ấn Độ, là xứ sở Phật thuyết pháp.
Vương Xá thành, do nguyên xưa là chỗ đất trống hoang, đầu tiên bởi nhà vua kiến thiết Cung xá ở đó, rồi nhân dân qui tụ ở an nên đô thành, do đó mà đặng tên Vương Xá thành.
Linh Phong sơn, cũng chép Linh Tứu sơn, do chót núi có cái mỏm hình nhọn gie ra giống như cái mỏ chim Điêu Tứu.
Bật sô, là dịch âm, cùng đồng với Tỳ kheo, mà dịch có các nghĩa: khất sĩ, phá ác và bố ma, mà dùng nghĩa khất sĩ làm chủ; khất sĩ: là khất thực để nuôi sống thân mạng, khất pháp để trưởng dưỡng huệ mạng.
Tóm lại, đề cử lên các văn trên ấy, đều chẳng ngoài đều chứng tín.
Ất. 2- phát khởi tự
Bấy giờ, bậc đại trí, Xá Lợi Tử là vị tối cao giữa hàng pháp tướng, thương xót chúng thế gian, nên ông từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai áo bên hữu, gối hữu quì đất, chắp tay cung kính thưa Phật rằng: “Đức Thế Tôn! Con nay có chút chuyện thưa hỏi, xin giủ lòng hứa cho”. Phật bảo Xá Lợi Phất: “tùy ý ngươi hỏi ta sẽ vì nói”.
Đây là phần phát khởi tự. Trước kia nói phần chứng tín tự, là để khiến cho việc kiết tập lưu thông qua đời sau tin nhận; đây phần phát khởi tự là, ghi rõ cái động cơ làm duyên khởi cho Phật nói kinh này.
Cái nhân duyên khởi sự của chư Phật thuyết pháp vốn không nhứt định: Có kinh, nhân có đệ tử thỉnh hỏi mà Phật thuyết ra; có kinh: thì Phật phóng quang ra hiện điềm ra trước, rồi Phật mới thuyết pháp sau; có kinh thì, không ai hỏi mà Phật nói ra. Đức Thích Ca ngài thuyết ra kinh đây, thì do con bà Xá Lợi xin hỏi mà Phật nói ra.
Sâriputra (Xá Lợi Tử) là đọc chung tiếng Phạn và Hoa. Sâri (Xá Lợi) dịch là chim thâu, tên của mẹ Xá Lợi Tử; Tử, tức tiếng Phạn là putra (phất). Nên nương theo tên mẹ mà đặng tên là Xá Lợi Tử, như nói: con của người ấy. Xá Lợi Tử đây là bực trí huệ đệ nhứt trong hàng đệ tử của Phật, năng đem Phật pháp chiến dẹp ma quân(16), nên nói là “vị tối thắng giữa hàng pháp tướng” của pháp.
“Mích trống vai áo bên hữu, gối hữu quì xuống đất” là cái nghi thức lạy Phật thời xưa của Ấn Độ, đều là để tiêu biểu cái thân nghiệp thanh tịnh; cung kính bạch Phật, là biểu hiện cái khẩu nghiệp thanh tịnh; hai chữ cung kính, cũng là nêu cái ý nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp đều thanh tịnh, nhứt tâm chí thành, lại là thương tưởng chúng sanh ở thế gian, để cầu Phật thuyết pháp, nên có thể cảm được Phật khen hứa cho.
Giáp. 2- phần Già Đà thỉnh nói
Ất. 1- kệ văn thỉnh nói
Chừ Xá Lợi Tử, liền thốt Già Đà, thỉnh Thế Tôn nói: “Đại sư chỗ thụ ký, đương lai Phật há sanh, kia hiệu là Từ Thị, như các kinh đã nói; cúi xin Nhân Trung Tôn, nói kệ lặp phân biệt, thần thông uy đức kia, con nay ưa muốn nghe”.
Đọc đủ là Già Đà, đọc tắt là kệ, dịch: tụng, hoặc 5 chữ vào 1 câu, 7 chữ vào 1 câu v.v… không nhứt định. Như những bài thi xưa của Trung Quốc, dù không bình, trắc, chớ vần luật cũng chia tày lắm.
Đây có hai thứ: rằng Trùng tụng, rằng Cô khởi tụng; Trùng tụng là ở sau văn Trường hàng, mà kinh này chưa nói Trường hàng, đã nói kệ tụng đó, tức là Cô khởi tụng.
Đại sư, là Xá Lợi Tử đối với Phật mà Tôn xưng, Phật làm Đạo sư cả 3 giới, từ phụ cả 4 sanh nên đệ tử xưng Phật là Đại sư.
Tại trong các kinh, luật trước và sau, Phật đã nói về sự thụ ký ngài Từ Thị thành Phật đó, đã chẳng một lần, hai lần, chỉ với sau khi ngài Từ Thị há sanh, những thần thông uy đức, y chính trang nghiêm như thế nào thì, Xá Lợi Tử cả đại chúng hãy còn chẳng được biết, nên Xá Lợi Tử bèn đại biểu cho toàn thể đại chúng, xin ưa muốn nghe, cầu Phật giải nói.
Ất. 2- kệ thuyết
Bính. 1- Răn hứa
hật bảo Xá Lợi Tử: “phải chí tâm lóng nghe, đương lai đức Từ Thị, ta vì ngươi nói rộng”.
Phật ngài cảm cái niềm bi nguyện của Xá Lợi Tử, vì thương chúng sanh, thỉnh cầu nói pháp, nên Phật liền hứa khả, và răn dặn chăm nghe; chăm nghe tức như thực mà nghe, như lý để ý.
Bính. 2- chính thuyết
Đinh. 1- y chánh trang nghiêm
Mậu. 1- quốc giới trang nghiêm
“Lúc đó, nước dưới biển cả dần dần giựt giảm ba ngàn, ba trăm thâu thiện na (dặm), vì cạn để bày rõ, con đường của Luân Vương.
“Châu Thiệm Bộ bề ngang, dọc vạn thâu thiện na, chúng sanh ở trong châu, chỗ nào cũng đầy nhẩy.”
“Quốc thổ đều giàu thạnh, nhân dân không bị phạt vạ, không bị tai ách; các chúng nam nữ kia, đều do các nghiệp lành, mà sanh ra ở đó.
“Mặt đất không gai gốc, chỉ sanh cỏ xanh mềm, tùy chơn người bước đi, dụ như bông cây vải.
“Tự nhiên mọc lúa thơm, đầy đủ mùi ngon đẹp. Các cây sanh y phục, các vẻ đều rực rỡ; cây cao 3 câu xá (dặm), bông trái thường đông đặt.
“Thuở người trong nước kia, đều sống 8 muôn tuổi, chẳng có các bịnh khổ, khỏi buồn thường an vui; đủ tướng mạo tốt đẹp, nhan sắc sức đầy đủ; sanh mạng sắp cuối cùng, tự đi đến thi lâm.
“Thành tên diệu tràng tướng, chỗ Luân Vương đóng đô, dọc 12 do tuần, rộng chừng 7 do tuần, những kẻ ở trong đó, đều đã trồng nhân mầu; thành đây có đức tốt, người ở đều vui mừng.
“Lâu đài và khước dịch, bằng 7 báu dựng thành; ngõ khóa và cửa sân, mỗi món báu trau giồi; quanh thành mương, ao, lũy, đều xây bằng ngọc báu.
“Hoa đẹp đều đầy đủ, chim tốt thẩy liệng đậu”.
“7 hàng cây đa la, giáp vòng mà quanh vây, các món báu trang nghiêm, đều treo lưới linh chuông; gió mầu thổi cây báu, reo ra các tiếng hay, dường diễn nhạc bát âm, ai nghe đều hoan hỉ”.
“Mỗi chỗ có ao hồ, hoa sen màu khắp che, vườn huê kiểng rừng thơm, trang nghiêm thành quách ấy”.
Trên đó, cộng có 14 rưỡi bài tụng, rộng ghi rõ món y báo trang nghiêm là cảnh vật quốc thổ của Phật Di Lặc.
Quốc thổ đương thời đức Di Lặc thành Phật, cái lượng nước biển cả giảm ít, đất liền thêm rộng.
Như nay địa cầu Nam Diêm Phù Đề, hai phần ba là nước, một phần là lục địa(17), mà chỉ có 7 ngàn du thiến na, qua tương lai (tiểu kiếp thứ 10 thuở Di Lặc ra đời) thì, trái lại, lượng nước đã giảm 3 ngàn 3 trăm du thiến na, bề ngang dọc châu Nam Thiệm Bộ, tức tăng đến một vạn du thiến na, nên có thể rõ bày con lộ của Luân Vương(18) giữa đáy bể.
“Du thiến na”, tức do tuần, một do tuần như một trạm đất đời xưa của Trung Hoa. Một do tuần bằng 80 dặm hoặc 60 dặm, và 40 dặm của Trung Hoa, vì có ba hạng do tuần: thượng, trung và hạ.
Thiệm Bộ Châu tức Diêm Phù Đề, dịch: Tối thắng kim, vì sản xuất thứ vàng tốt hơn vàng của ba châu kia.
Luân Vương tức Chuyển Luân Thánh vương, riêng có 4 là: Kim Luân vương, Ngân Luân vương, Đồng Luân vương, và Thiếc Luân vương. Vì Thiếc Luân vương chủ trị 1 châu thiên hạ; Đồng Luân vương chủ trị 2 châu thiên hạ; Ngân Luân vương kiêm trị 3 châu thiên hạ; Kim Luân Vương thống trị 4 châu thiên hạ là: Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu và, Bắc Cu Lư châu.
Đến thời Phật Di Lặc tức có vị Luân Vương ra đời, cõi nước giàu thạnh, hẳn không các điều: phạt vạ, thiên tai, nhân họa, vì bấy giờ chúng sanh đều do cái phước lực 10 nghiệp lành(19) kết quả mà đắc sanh ở trong đất đai.
Thế, phúc báo đã lớn, nên tưởng áo có áo hiện đến, tưởng ăn có món ăn hóa ra, muốn chi tưởng có nấy để dùng, tự nhiên có lúa thơm hiện đều no khẳm, các thứ cây lùm rừng thảy đều hóa sanh ra y phục, hễ đời nay cả những cơn: đói khát, rách rét là vấn đề y thực mà nhân dân tranh chấp đó, thì đời Di Lặc đều giải quyết được tất cả.
Lại nữa, thân cây cao chừng ba câu xá, mỗi người tuổi sống đều 8 muôn năm. Câu Xá cũng chép Cu Lô Xá, một Cu Lô Xá là một dặm, song, so với dặm của Trung Hoa thì dặm kia lớn hơn, như một dặm của Nhật Bản bằng 6 dặm của Trung Hoa, một dặm của nước Anh bằng 3 dặm của nước Tàu, thế khá thấy cõi Phật Di Lặc cây rất cao lớn thay.
Chí như cái sanh mạng của mỗi người sống lâu tăng đến 8 vạn tuổi, đấy chính là cái thời vua Kim Luân ra đời, mỗi nhân dân đều do cái thiện nghiệp mà cảm được cái thiện báo, nên không tật bịnh khổ não, mà lại thường được an vui: vã lại đến khi mạng sắp cuối cùng, cũng tự có phần nắm chắc trong tay là, biết trước, tự đi đến nơi thi lâm(20) để từ trần, chứ phi như chúng ta hiện ở đây, với giờ chết, không biết gì ráo, sau khi chết rồi, phải cần nhọc sức bà con di linh cửu táng an phần mộ!
Trên gom nói những sự vật tốt đẹp rực rỡ trong cõi nước rất hoàn chỉnh, từ thành Diệu Tràng Tướng nhẫn xuống, là nói rõ cái đại thành đô trong thế giới ấy. Bề tung (dọc, đứng) của thành 12 do tuần, gần bằng ngàn dặm của Trung Hoa, bề rộng của thành 7 do tuần, gần bằng 6 trăm dặm của nước Tàu.
Khước dịch, tức là trên đầu thành có xây dựng một nóc chuẩn bị để đẩy lui kẻ địch, như là cái tháp canh, cái đài giác.
Thất Bửu: tức kim, ngân, lưu ly, pha lê, san hô, mã não, hổ phách.
Điệp, tức trỉ diệp: là vòng tường xây trên thành, Hoàng tiệm: tức là bờ sông nước chạy vòng giáp ngoài thành.
Bát âm, tức Như Lai có 8 thứ âm thanh: 1. Cực hảo âm, vì đức rộng lớn, khiến chúng nghe đều tiến vào đường tốt. 2. Nhu nhuyến âm, vì đức của Phật là từ thiện, khiến chúng nghe mừng vui, đều xả cái tánh cang cường mà tự nhiên tiến vào hành luật. 3. Hòa thích âm, Phật ở nơi lý trung đạo, nên âm thinh đều điều hòa, khiến đều dung hòa tự lãnh hội nơi lý. 4. Tôn huệ âm, Phật có đức tôn cao, nên ai nghe cũng tôn trọng, trí hiểu mở sáng. 5. Bất nữ âm, Phật an trú trong định Thủ Lăng Nghiêm, có cái đức ly dục, âm thanh siêu khác tất cả, các chúng thiên ma, ngoại đạo đâu chẳng qui phục. 6. Bất ngộ âm, Phật có trí tròn sáng, chiếu rõ không lầm, khiến các kẻ nghe, mỗi mỗi đều được chánh kiến, xa lìa những tri kiến tà phi của 95 thứ ngoại đạo. 7. Thâm viễn âm, Phật có trí như thực tột mé, hạnh vị rất cao, âm thanh do từ nơi cái rún phát sanh thấu suốt mười phương, khiến kẻ ở gần nghe phi lớn, người ở xa nghe phi nhỏ, mà đều chứng được lý thậm thâm. 8. Bất kiệt âm, đức Như Lai bực quả vị rất tột, hạnh nguyện vô biên, do trụ nơi pháp tạng vô tận, nên chi âm thanh cũng thao thao bất tận, cái vang chẳng hết, khiến cho có thể tìm nghĩa nơi lời nói, mà đắc quả vô tận thường trú.
Nay nói cây Bối Đa La (dịch: cây kiên cố) có treo các thứ chuông linh có cái lưỡi ở trong, bằng các chất báu đúc trau, gió nhiệm mầu thổi rung, tiếng nó reo ra như tấu nhạc bát âm, chính xiết sánh bằng nhau với cảnh giới Cực lạc bên Tây Phương.
Lại, bát âm đây, nếu đem bát âm của Trung Hoa để nói: tức tiếng kim, tiếng thạch, tiếng ty, tiếng túc, tiếng bào, tiếng thổ, tiếng cách và tiếng mộc. Mà nước Phật Di Lặc, có thứ gió nhiệm mầu thổi rung cây báu lưới linh, là reo ra âm nhạc thiên nhiên.
Mậu. 2- Quốc chủ trang nghiêm
Trong nước có vua thánh, tên ngài là Hướng Khư (Nhương Gia) Kim Luân trị bốn châu, giàu thạnh nhiều uy lực. Vua có phúc đức nghiệp, mạnh khỏe gồm 4 binh; 7 báu đều đầy đủ, sanh đủ ngàn vương tử, bốn biển đều trong lặng, không có nạn chiến tranh; chánh pháp trị quần sanh, giáo hóa đều bình đẳng.
Vua có 4 kho lớn, đều ở trong các nước, mỗi mỗi kho đều có, trăm vạn ức châu báu: kho tên Bảng Kiệt La, ở nước Yết Lăng Già; kho lớn Bát Trục Ca, ở nước Mật Si La; kho Y La Bát La, ở An Xứ Kiền Đà; kho tên là Hướng Khư ở Bà La Nê Tư. Các kho phục tàng đây, đều thuộc vua Hướng Khư. Giúp hưởng cả trăm phước, quả báu đều thành tựu.
Vị đại thần phục quốc, Thiện Tịnh Bà la môn, đều hiểu thông 4 minh, nghe nhiều làm quốc sư; rổng suốt các tạp luận, khéo dạy có nghe giữ, dạy rõ và thanh minh, ai chẳng đều xét rồi.
Đây nói vị quốc chủ, tên là Hướng Khư (Nhương Gia), dịch: Bối: tỏ rằng vị Kim Luân vương sở hữu công đức đủ các món bửu bối.
Kim Luân vương hay thống trị cả 4 bộ châu lớn nơi đông, tây, nam và bắc, số là vua đây ra đời gom 4 đại châu làm nhứt thống, để tự quản lảnh, tức là thống nhứt cả tứ đại bộ châu tức 4 địa cầu.
Nhân vua trong thời tạo nhân, rộng tu thập thiện nghiệp đạo, nên thời kết quả hưởng đủ các công đức.
Bốn binh là: tượng binh, xa binh, thặng binh và mã binh(21), đều để biểu chương rằng vua đây sẵn đủ cả uy đức như thế đó, chứ phi dùng để mà chiến tranh.
Thất bửu đây là 7 báu của Kim Luân vương(22), chẳng đồng với 7 món báu: kim, ngân, lưu ly, v.v… trước kia, tức là: 1. Luân bửu, 2. Tượng bửu, 3. Mã bửu, 4. Nữ bửu, 5. Tướng quân bửu, 6. Chủ tạng bửu, 7. Như ý bửu, thực thế.
Vua chẳng những chỉ có thất bửu, vả lại, còn có ngàn vương tử(23). Không những chỉ có ngàn vương tử, và còn có 4 kho bửu tạng lớn: 1. Trong nước Yết Lăng Già, cũng chép làm Ca Lăng tần gia quốc, có bửu tạng tên là “băng yết la”, kho đây là do tên của Quỉ tử mẫu, vì kho này có vị Thần Quỉ tử mẫu thủ hộ nên gọi tên ấy; 2. Mật Si La, dịch: nước này nhiều hưu nai; có bửu tạng tên “bát trục ca”, cũng chép là bán trạch ca, dịch: bất nam hoàng môn(24), tức có người Hoàng môn giữ gìn nên dùng tên ấy; 3. Nước Kiền Đà có “kho Y La Bát La”, Y La Bát La là tên vị Rồng, tức Long thần này thủ hộ kho đó; 4. Cảnh Bà La Nê Tư, tức nước Ba La Nại, có kho ở gần chỗ vua, nên được tên là Hướng Khư. Bốn bửu tạng đây, đều vật sở hữu của vua gọi rằng: đủ trăm phước để dùng, vì quả báo thành tựu.
Trên ghi rõ phước bảo thù thắng của Luân Vương, dưới có 8 câu ghi rõ kẻ phụ dực của nhà vua.
Nước Ấn Độ xưa có giai cấp 4 họ: là Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Đà và Thủ Đà La.
Bà La Môn tộc là nhân vật đứng số một, dịch: Tịnh Dệ, (cháu chắt dòng Phạm: Tịnh) họ tự nói: “từ nơi miệng của Phạm Thiên sanh ra”, thanh tịnh không ai sánh, được cầm quyền thao túng tất cả; đệ nhị đẳng Sát Đế Lợi tộc, từ nơi hai vai của Phạm Thiên sanh ra, năng lấy vũ lực để bảo hộ quốc quyền được hoàn chỉnh; cấp thứ ba là Phệ Đà tộc, từ nơi rún của Phạm Vương sanh ra, để rõ rằng làm mỗi mỗi sự nghiệp tư sanh; thứ tư là dòng Thủ Đà, rằng từ nơi gót chơn của Phạm Thiên sanh ra, chủng tánh là hạng hạ liệt, bị làm nô lệ để sanh hoạt; ấy là điều bất bình đẳng giai cấp giữa 4 họ của Ấn Độ xưa, nên được sự sản sanh của Phật giáo sau này.
Vị đại thần tên Thiện Tịnh ấy tức là dòng giống thanh tịnh Bà La Môn, người suốt thông các bộ luật bác học tứ minh.
Bàn về các khoa học của Ấn Độ nguyên có ngũ minh, tức 1. Nội minh, 2. Nhân minh, 3. Công xảo minh, 4. Thanh minh, và 5. Y phương minh. Mà trên đây nói tứ minh, chính là tứ Phệ Đà của Bà La Môn (Phệ Đà, dịch: Minh, 1. Lê cu phệ đà, 2. Dạ nhu phệ đà, 3. A thát bà phệ đà, 4. Sa ma phệ đà), thanh minh là một trong ngũ minh(25) khoa học.
Đinh. 2- Phật pháp hưng hóa
Mậu. 1- Giáng thế thị sanh
Cô gái tên Tịnh Diệu, làm phu nhân đại thần, tiếng đồn tướng đoan nghiêm, ai thấy đều vui mến.
Văn trước ghi rõ quốc thổ trang nghiêm trước khi Phật hạ sanh, văn này ghi rõ thuở Phật há sanh, những tình hình thuyết pháp độ sanh. Phật đã há sanh, và lại thuyết pháp, tự nhiên chẳng không người vâng giáo pháp để tu hành, thế cả Tam bảo phước điền chừ đây đủ hiện nơi thế gian.
Lúc bấy giờ toàn cõi Diêm Phù Đề, tất cả chúng sanh, trước đã rộng tu thập thiện, nên kết quả nay được quốc gia trang nghiêm thanh tịnh hẳn không bị có các khổ bịnh hoạn, thành thử cảm được đức đại thánh Từ Thị há sanh.
Bà Tịnh Diệu tức là phu nhân của ông Thiện Tịnh đại thần, mà Bà là sanh mẫu của đức Từ Thị; Bà là người hoan hỉ bố thí, của giàu bằng nhà nước, tướng mạo đoan trang, ai thấy cũng đều khâm kính!
Đức Từ Đại Trượng Phu, từ biệt trời Hỉ Túc, xuống gá thai phu nhân, làm chỗ sanh hậu thân. Đã nghén đại thánh ấy, đầy đặn đủ mười tháng, bấy giờ mẹ Từ Tôn, dạo viếng vườn Diệu Hoa, đi đến trong vườn kia, chẳng ngồi cũng chẳng nằm, sẽ đứng vịn cây hoa, bỗng sanh đức Thắng Từ. Bấy giờ đức Tối Thắng, ra sườn hữu mẹ rồi, như Nhật ra khỏi mây, khắp phóng ánh đại quang! Chẳng nhiễm chạm bào thai, như hoa sen khỏi nước; quang chiếu trong 3 giới, đều cảm ánh Đại Từ.
Đại Trượng Phu là một trong mười hiệu Phật, cũng là “Vô thượng Trượng phu Điều Ngự sĩ”, để rõ rằng Phật đủ những tinh thần đại hùng đại lực, để gánh đội lấy sự nghiệp, đủ những nguyện hạnh đại trí đại bi, để cứu độ cả chúng sanh; Đại Trượng Phu đây là chỉ đức Từ Thị.
Trời Hỉ Túc, cũng dịch là trời Tri Túc, tức Đô sử đà thiên, cũng chép là Đâu Suất Đà Thiên, nhân vì trong cõi trời ấy tất cả chúng sanh đều được tự tại khoái lạc.
Song, thuở xưa, đức Thích Ca giáng sanh vào cung Quốc vương, chừ đức Di Lặc do sao lại giáng sanh nhà Quốc sư? Số là đức Thích Ca sanh ra đời nhằm kiếp giảm, chúng sanh tâm tánh cang cường, rất khó điều phục, nên phương tiện phải sanh vào nhà Đế vương, mượn cái uy thế để xuất gia, dễ cảm hóa chúng sanh; nay đây ngài Di Lặc sanh ra đời nhằm kiếp tăng, thế giới rất thanh bình, nhân dân rất vui lành, nên ngài sanh vào nhà Quốc sư, lấy sự giáo hóa làm chủ, chẳng dùng đến vũ lực, uy thế, độc tôn.
Đức Di Lặc đã giáng sanh đầu thai rồi, do phước lực đạo lực sẵn sàng nên, đức Bà Tịnh Diệu phu nhân cũng như đức Bà Ma Da phu nhân là: tay đưa lên vịn cành mà từ nơi hữu híp đó đản sanh(26) ra đức Thế Tôn. Tỉ như mặt nhật vẹt mây hiện ra, ánh sáng chiếu suốt bốn phương; cũng như hoa sen mọc lên khỏi bùn sình, sạch sẽ không chi sánh, nên có thể kinh động cả ba giới, trời, người đồng tán thán kính ngưỡng.
Với khi đương giáng sanh, Đế Thích chủ ngàn mắt, tự thân đỡ Bồ tát, mừng gặp Lưỡng Túc Tôn! Với lúc này Bồ tát tự nhiên đi 7 bước, với chỗ chơn bước đi, đều mọc hoa sen báu. Khắp xem cả mười phương, bảo các chúng trời, người: “Ta nay thân tối hậu, vô sanh chứng Niết Bàn”.
Rồng mưa nước trong mát, tắm gội thân Đại bi; Trời rải hoa tốt lạ, tuôn bay khắp hư không; các trời cầm lọng trắng, che mát Đại Từ Tôn; đều sanh tâm hi hữu, hầu giữ hộ Bồ tát.
Bảo(27) mẫu bồng Bồ tát, thân ba mươi hai tướng, đủ các hào quang sáng, ẵm đến trao thánh mẫu.
Thị ngự tiến liễn xa, trang nghiêm đều châu báu, mẫu tử lên ngồi trong, chư thiên đều đẩy xe; ngàn món nhạc tiếng hay, hộ tống trở về cung.
Từ Thị vào đô thành, trời tuôn hoa như mưa. Ngài Từ Tôn giáng đản, các thể nữ hoài nhâm, cả đặng thân yên lành, đều sanh trai trí huệ.
Thiện Tịnh cha Từ Tôn, thấy thân con lạ tốt, đủ ba mươi hai tướng, nẩy lòng đại hoan hỉ! Cha nương pháp xem xét, biết con có hai tướng: ở tục làm Luân Vương, xuất gia thành chính giác.
Đế Thích tức vị thiên chủ cõi trời Đao Lợi (dịch: 33 trời)(28) đọc đủ tiếng Phạm: Sakradevànàmlndra (tân dịch: Thích Ca Đề Bà Nhân Đạt Ra – cựu dịch: Thích Đề Hoàn Nhân). Đây rằng: Năng Thiên Chủ. Đủ một ngàn con mắt là dùng hay quan sát một trong bốn châu thiên hạ, dường như thiên nhãn Quan Âm.
Đương khi đức Di Lặc giáng sanh, trời Đế Thích lãnh đao chư thiên, Đế Thích dùng tự tay đỡ bồng Di Lặc Bồ tát trao lên cho mẹ của Bồ tát, in tường như kẻ tiếp sanh (Bà mụ đỡ).
Đã thoát thai rồi, Chư Thiên, Thần, Chúng lại reo âm nhạc, để ủng hộ mẹ con hoàn cung.
Ngày Bồ tát đản sanh, đồng thời ắt có những đấng tùy tòng thác thai(28) vào các cung nữ cũng theo đản sanh mà, nhân phước lực của Bồ tát, nên các cung phi thể nữ hoài nhâm kia đều được an nhiên sản sanh ra các Bé cu đều đủ cả trí huệ.
Ông Thiện Tịnh (Bà la môn) là thân phụ của Bồ tát, trước đã nói: “với tứ minh đều quán thông, hiểu suốt các kinh luận”, nên rất hay chiếm tướng xét biết, vừa thấy tướng mạo của con, liền biết rằng: ở đời thì làm vua Chuyển Luân, vào đạo thì thành Phật, Đại Giác.
Mậu. 2- xuất gia thành Phật
Bồ tát đã lớn khôn, thương yêu cả quần sanh, với trong các khổ nạn, bị luân hồi chẳng thôi.
Thân ánh vàng ngời sáng âm thanh giọng Đại phạm, mắt bằng lá sen xanh, bốn chi vóc tròn đầy, thân dài tám mươi chẩu, lượng vai hai mươi chẩu, mặt rộng nửa lượng vai, trăng đầy tướng đoan nghiêm.
Bồ tát rành các nghề, khéo dạy kẻ thụ học, bọn đồng môn xin học, tám vạn bốn ngàn người.
Bồ tát đã trưởng đại thành lập, nhân thường tu pháp từ tâm tam muội, nên hay thương xót chúng sanh bị ở trong hiểm nạn luân hồi.
Hình tướng rất tốt đoan nghiêm không ai bằng, nhan sắc như kim quang, tiếng như tiếng trời Đại phạm, con mắt như lá hoa sen xanh(29). Thân dài 80 thước tay(30), hai vai lượng rộng 20 thước tay, mặt rộng 10 thước tay. Một thước tay bằng hai thước rưỡi của Trung Hoa, thân dài một trượng 80 chẩu, tức bề cao có đến 32 trượng.
Nhân vì đương thời nhân loại mỗi người đều sống đủ 8 vạn tuổi, chứ phi như sanh mạng vắn vỏi của chúng ta ở kiếp giảm này, nên thân lượng cao rộng, cũng là sự đương nhiên với tuổi sống, thực thế.
Lại nữa, Bồ tát giáng sanh nhà vị đại thần là, lấy việc giáo hóa làm chủ, cha ngài đã hay khoa học tứ minh, nên Bồ tát cũng học thuộc các nghệ học, nhân đó chúng đồng mông theo thụ học nghiệp, lấy số nhiều mà nói, cũng có 4 vạn 8 ngàn người.
Lúc vua Hướng Khư kia xây dựng tràng (cột phướng) 7 báu, tràng cao 70 tầm, rộng tầm 60 thước; tràng báu tạo thành rồi, vua phát tâm đại xả, thí cho Bà la môn, mở hội đồng vô cha (không ngăn ngại).
Thuở ấy các Phạm Chí, kể có một ngàn người, đều giành tràng Diệu bảo, trong giây phút phá gãy; Bồ tát thấy thế rồi, nghĩ thói đời đều thế! Khổ sanh tử khớp lồng(31), lo tìm đường xuất li, bỏ tục mà xuất gia, cầu thành đạo tịch diệt; giữa sanh, lão, bịnh, tử, độ chúng khiến đặng ra.
Ngày Từ Tôn phát nguyện, 8 vạn 4 ngàn người, đều nẩy lòng nhàm lìa, cùng theo tu phạm hạnh. Với đêm mới phát tâm, hi sanh cả, xuất gia, cũng với trong đêm đó, chứng lên bực Đẳng giác.
Thuở có cây bồ đề, gọi tên rằng long hoa, cao 4 du thiến na tươi tốt tàn sum sê, nhánh cọng tủa bốn phía, che mát 6 do tuần; đức Từ Thị đại bi, tại đây thành chánh giác.
Đây nói về nhân duyên xuất gia của Di Lặc Bồ tát: Nhân vì đương thời vua Hướng Khư phát khởi cái tâm đại xả thí, lấy các món trân bửu kiến trúc lên cây bửu tràng cao rộng ước có 6, 7 mươi tầm (1 tầm: 8 thước), mở một đại hội vô cha(32), để bố thí các Bà la môn, Phạm Chí(33); chẳng dè các Phạm Chí, lòng tham muốn càng hừng, mỗi muốn đặng, giành nhau, bèn đem cây bửu tràng(34) tốt rỡ xinh đẹp ấy, phá gãy trong chốc lát.
Bồ tát thấy thế, cảm ngộ cả pháp tướng huu vi của thế gian đều như cây bửu tràng ấy bại hoại vô thường, nên phát động cái niệm xuất trần, hi sanh triệt để, xả tục xuất gia, tìm đạo tịch diệt. Đạo tịch diệt, tức là năm trú hoặc(35) hết một cách cứu cánh, hai cái tử((36) vẫn không luôn, mà chứng đắc cái quả bồ đề Niết bàn vẫn bất sanh bất diệt.
Đồng thời có rất nhiều chúng sanh nhân xúc cảm Bồ tát xuất gia cũng đều theo xuất gia luôn, ngay nơi đêm sơ phát tâm, được chứng lên quả địa Đẳng Giác.
Song, đời của Phật Thích Ca, với sự tu hành chứng quả thì, Phật và chúng sanh, phải trải qua mỗi mỗi khổ hạnh mà, nay đây đức Di Lặc và chúng sanh thành Phật sao lại rất chóng thế?
Chỉn bởi về kiếp giảm thì chúng sanh phước huệ mỏng yếu, nên cần như Thích Ca phải trải qua 6 năm hoặc 10 năm khổ hạnh mới thành đạo được; chừ đây là ở vào kiếp tăng, nên được đương ngày phát tâm xuất gia liền chứng Phật quả, tức lên các bực vô thượng chánh giác, vì thời kỳ kiếp tăng, ít ma chướng phiền não. Đức Di Lặc Bồ tát, đến ngồi nơi cội cây long hoa bồ đề, mới thành quả Phật vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Mậu. 3- thuyết pháp độ sanh
Kỷ. 1- nghe pháp đắc quả
Canh. 1- sơ văn pháp xuất gia
Thắng Tôn giữa chúng nhân, đủ 8 thứ tiếng Phạn, thuyết pháp độ chúng sanh, khiến lìa các phiền não. Khổ và chỗ sanh khổ, tất cả đều trừ diệt; năng tu 8 đường chánh, lên ngàn Niết bàn kia. Vì các thanh nam, tín nữ, nói 4 chân đế đây, được nghe pháp như thế, phải chí thành vâng giữ.
Tại trong vườn Diệu Hoa, các chúng như mây nhấm, đầy trong trăm do tuần, quyến thuộc đều đông đủ, kia Luân Vương Hướng Khư, nghe pháp thâm diệu rồi, xả hết các trân bửu, tâm cầu mộ xuất gia; chẳng luyến tiếc cung vua, chí thành cầu ra khỏi; tám vạn bốn ngàn chúng đều theo vua xuất gia.
Lại tám vạn bốn nghìn, đồng tử Bà la môn, nghe vua xả trần tục, cũng đều cầu xuất gia; trưởng giả tôi chủ tạng, tên gọi là Thiện Tài, cùng với ngàn quyến thuộc, cũng đến xin xuất gia; Bửu nữ Tỳ Xá Khư, với các kẻ tùy tòng, tám muôn bốn nghìn chúng, cũng đến xin theo tu; lại kể có trăm ngàn, thiện nam và tín nữ, nghe Phật nói diệu pháp, cũng xin cho xuất gia.
Thắng Tôn giữa chúng nhân là chỉ đức Di Lặc; nhân vì Di Lặc chừ đã thành Phật, nên làm đấng Tối Tôn Thắng giữa chúng nhân. Khi ngài thuyết pháp, đủ 8 giọng tiếng Phạn, 8 giọng tiếng Phạn tức bát âm đã giải trước kia.
Pháp sở thuyết đây, chẳng ngoài khổ, tập, diệt, đạo; khổ, tức khổ đế. Chỗ sanh khổ, tức là tập đế, là nói rõ cái khổ bèn do phiền não tích tập mà thành ra khổ. Muốn diệt cái nhân phiền não của tập đế, muốn đoạn trừ cái quả khổ đế ấy thì, phải tu cái đạo đế, đạo đế, nói cách dón gọn là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh định và chánh huệ.
Vì tu đạo đế, tức chứng được diệt đế; diệt trừ được tất cả phiền não của khổ quả, tập nhân, thì chứng đắc cái cảnh giới vô dư(37) Niết bàn. Đấy, gọi là 4 chân đế.
Từ sau khi Phật thuyết 4 chân đế ấy, chúng nghe được rồi, rất cảm tưởng Phật pháp khó gặp được, nên thảy đều cùng nhau phát tâm xuất gia: Trước thì vua Hướng Khư và quyến thuộc xuất gia, thứ thì các nhà học giả Bà la môn và quyến thuộc xuất gia, thứ nữa thì đại phú trưởng giả là đại thần chủ kho và quyến thuộc xuất gia, rốt sau thì nữ chúng cả quyến thuộc cũng xuất gia; đấy, khá thấy Phật hóa cảm được nhân tâm rất sâu rộng.
Canh. 2- Tu hành đắc quả
Vô thượng, Thiên Nhân Tôn, Đại Từ Bi Thánh chủ, khắp xem tâm chúng rồi, mà diễn ra pháp yếu. Bảo chung: “Chúng nên biết! Đức Từ Bi Thích Ca, dạy chúng hành chánh đạo, nay sanh trong pháp ta; (thuở đó cả chúng nhân) hoặc đem: hương, hoa, mang, tràng, phan, lọng nghiêm sức cúng dàng Mưu Ni Chủ, nên sanh trong pháp ta; hoặc uất kim, trầm thủy các hương bột lau thoa, cúng dàng tháp Mưu Ni, nên sanh trong pháp ta; hoặc quy y Tam bảo, cung kính thường thân cận, sẽ tu các hạnh lành, nên sanh trong pháp ta; hoặc với trong pháp Phật, thụ trì các chỗ học, khéo giữ không khuyết phạm, nên sanh trong pháp ta; hoặc với tăng bốn phương, cúng y phục ẩm thực, và dâng y dược hay, nên đến sanh pháp ta; hoặc với 4 ngày chay, và ở tháng thần thông, thụ trì bát quan trai, nay cũng sanh pháp ta”.
Vô thượng, Thiên Nhân Tôn, Đại Từ Bi Thánh Chủ, đều là chỉ đức hiệu Phật Di Lặc cả, Vô thượng tức là vô thượng trượng phu trong 10 hiệu, Thiên Nhân tức Thiên Nhân Sư trong 10 hiệu, Tôn, tức Thế Tôn trong 10 hiệu thực thế.
Đại Từ bi, chính là nói rõ Phật đủ đại từ đại bi. Song, với tâm từ bi, cũng có phẩm lượng khác nhau giữa rộng hẹp, sâu cạn, thân sơ, hậu bạc: như phàm phu chúng sanh cử tâm động niệm, mỗi niệm đều lấy tư ngã làm trung tâm điểm, nên thấy có người khác đối lập với mình, nếu tu pháp Từ bi quán, đem từ tâm xem chúng sanh, đấy là từ trong tâm phân biệt mà hiển hiện ra từ bi, thế là gọi sanh duyên từ; nếu có người tu pháp nhị thừa, hoặc Bồ tát tu pháp đại thừa, do ngã chấp, pháp chấp đều đã không còn hiển hiện ra tâm từ bi, thế gọi là pháp duyên từ; chí ư từ bi của Phật thì, không năng sở, tuyệt đối đãi, phổ biến xem tất cả dường như hư không, thế gọi là “vô duyên đại từ , đồng thể đại bi”; nên chi xưng Phật là “Đại từ bi Thánh chủ”.
Đại từ bi Thánh chủ đây là đức Di Lặc, ngài đã vì chúng sanh khai thị pháp yếu rồi, lại bảo lấy vấn đề lai lịch của chúng sanh sanh trong hội Long Hoa đây, là do đã ở nơi trong pháp Phật Thích Ca, nỗ lực tu hành rồi, thành thử mới đắc cái kết quả dự hội Long Hoa đây, đấy tức là cái ý dạy cho chúng sanh phải biết như ẩm thủy tư nguyên (uống nước nhớ nguồn).
Song các chúng sanh dù đồng cảm được cái quả dự hội Long Hoa, mà họ đã ở trong pháp Phật Thích Ca, đều đã tự tu nhân, đâu chẳng sai khác: hoặc ở đời Phật Thích Ca Văn, chúng được thân cận dâng hương thơm, hoa tốt, tràng phan, bửu cái để cúng Phật, nên nay được đến sanh trong pháp của Phật Di Lặc; hoặc sau khi Ca Văn Phật nhập diệt, người thì dùng các thứ hương: uất kim(38), hương trầm thủy, hương nê(39), v.v… để cúng dàng, hoặc đắp, vẽ, đúc tượng Phật, dựng tháp miếu, do đó mà nay được sanh trong đời Phật Di Lặc; hoặc có kẻ đã quy y Tam bảo, tu đủ các pháp: ngũ giới, thập thiện, tứ nhiếp, lục độ cả hạnh môn, do đó mà nay được sanh trong pháp của Phật Di Lặc; hoặc trong đời Phật Thích Tôn, họ đã thụ trì luật Tỳ ni và các chỗ học, giữ giới luật rất tinh nghiêm, do đó mà nay được sanh trong pháp Di Lặc; hoặc đã bố thí y thực cho vân thủy tăng ở tứ phương (như nay dấy tùng lâm, mở hải đơn, rộng kết lương duyên) và cung phụng y dược, ngọa cụ, do đó mà nay được sanh trong pháp của Phật Di Lặc; hoặc đã ăn chay mỗi tháng 4 ngày (tức mùng 8, ngày rằm, 23 và 30; y theo tập quán của Trung Hoa thì: mùng một, 15, mùng 8 và 23. – Hoặc thêm ngày 14, 29 là gọi 6 ngày chay. – Lại, gia ngày 1, 13, 28, 18 là gọi ngày thập trai), do công đức ấy mà nay được sanh trong pháp của Phật Di Lặc; hoặc với tháng thần thông (cõi Nam Diêm Phù Đề trong mỗi năm tháng giêng, tháng 5, tháng 9, là 3 tháng thần thông, kêu là niên tam trường trai, nhân vì 3 tháng ấy, vì thiên chủ trời Đao Lợi cùng bốn vì thiên vương, dùng phép thần thông, xem xét chúng sanh ở châu nam Diêm Phù Đề làm thiện làm ác mà thưởng thiện phạt ác, nên ăn chay cả 3 tháng ấy được công đức bội phần hơn các tháng khác) thụ trì 8 chi trai giới (tức bát quan trai): 1. Bất sát, 2. Bất đạo, 3. Bất dâm, 4. Bất vọng ngữ, 5. Bất ẩm tửu, 6. Bất tọa cao quảng đại sàng, 7. Bất quan hí kiêu vũ, 8. Bất hương hoa đồ thân; gia Bất quá ngọ thực là “trai”, 8 giới đây là để riêng cho chúng tại gia nam nữ hoặc thụ ngũ giới, hoặc thụ tại gia Bồ tát giới, đồng tạm thời thụ trì giới xuất gia (Bát quan trai) trong ba tháng thần thông ấy, hoặc trong mỗi ngày chay trong mấy tháng kia, do nhân duyên đó mà nay được sanh trong pháp của đức Di Lặc; thế các cách tu kể trên là đều nói sự sai khác tu nhân của chúng sanh.
Hoặc dùng 3 phép thần thông: thần cảnh, ký, giáo thụ, hóa đạo chúng Thanh Văn, đều khiến trừ phiền não.
Nhẫn trên từ “hoặc dùng hương, hoa mang, v.v…” cả 6 bài tụng, là chung noi chúng nhân hiện ở tại hội Long Hoa đây nguyên đời trước đã quy y Tam bảo, y pháp tu hành mà nay được vãng sanh hội này; còn một bài tụng đây bèn là tụng đức Di Lặc vì đại chúng hiện tiền, mà ngài hiện ra 3 món thần thông để giáo hóa:
- Hoặc ngài dùng thân nghiệp luân mà hiện ra phép thần cảnh thông, để khiến cho chúng trông thấy đặng đoạn hoặc chứng quả.
2. Hoặc ngài dùng ý nghiệp luân mà hiện ra phép ký tâm thông, để khiến cho chúng ghi nhớ đặng đoạn hoặc chứng chân.
3. Hoặc ngài dùng khẩu nghiệp luân mà hiện ra phép giáo giới thông, để khiến cho chúng nghe hiểu đặng đoạn hoặc chứng quả.
Tức là dùng tam luân bất tư nghị hóa, để hóa độ các Thánh Thanh Văn dứt trừ phiền hoặc.
Thanh văn, tức là nghe âm thanh của Phật thuyết pháp mà giác ngộ đạo ấy; nói rộng nghĩa thì, phàm hễ là nghe âm thanh của Phật thuyết pháp mà được giác ngộ đạo đó, là đều gọi Thanh văn cả.
Phiền: tức là “phiền não chướng”; hoặc: tức là “sở tri chướng”, đó là nói về nghĩa hẹp; nếu nói về nghĩa rộng thì, là chỉ chung cho hễ đoạn trừ tất cả phiền não, đều là hoặc chứng chân, tức đoạn hoặc chứng quả, mà hoặc cũng tức kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc, chứ không chi hạ, hoặc hay phiền não cũng chỉ Vọng tâm, Chân tức là Chân tâm.
Hội thứ nhứt nói pháp, rộng độ các Thanh văn, chín mươi sáu ức người, khiến khỏi phiền não chướng; hội thứ 2 nói pháp, rộng độ các Thanh văn, chín mươi bốn ức người, khiến qua biển vô minh; hội thứ 3 nói pháp, rộng độ các Thanh văn chín mươi hai ức người, khiến tâm khéo điều phục.
Ba bài tụng đây, chính đích thuyết về Long Hoa tam hội: Sơ hội thuyết pháp, kể độ Thanh văn chín mươi sáu ức người, tức chỉ chúng nhân trước kia do vua Hướng Khư làm Thượng Thủ. Ức: có mười vạn làm một ức, có vạn vạn làm một ức; mười vạn làm một ức thì, chín mươi sáu ức tức có chín trăm sáu mươi vạn người; nếu vạn vạn làm một ức thì, có chín mươi sáu vạn vạn người, đó là gấp bội kể lên. Xuất lìa phiền não, tức chứng vào quả vị Thanh văn.
Tái hội thuyết pháp, cũng độ 94 ức người, đồng ra khỏi biển cả vô minh sanh tử, tức đoạn sở tri chướng, chứng vào quả thánh Bồ đề.
Trải qua hai lần hội, còn có chúng sanh chưa độ tận, nên lại đệ tam hội thuyết pháp, rộng độ Thanh văn 92 ức người, khéo khiến tâm họ điều phục. Tâm khéo điều phục ấy là: từ nơi địa vị phàm phu phát tâm tu Bồ tát đạo, suốt đến quả vị cực cứu cánh; Thiện: tức khiến tâm thuận thiện; Điều: tức chúng thiện công đức, điều luyện được thành thục, vì với quấy lỗi của các điều ác, chỉ thiện là có thể dứt dẹp được, thế gọi là cái năng sự của thiện cứu cánh điều phục.
Kỷ. 2- Suất chúng phổ hóa
Ba lần chuyển pháp luân, trời, người đều thuần tịnh; đem các chúng đệ tử, vào thành để khất thực.
Đã vào thành Diệu Tràng, đường, hẻm đều nghiêm sức, vì để cúng dường Phật, Trời rải bông mạn đà.
Tứ Thiên Vương, Phạm Thiên, và các chúng chư thiên, hương, hoa mang cúng dường, giúp hầu Đại Bi Tôn.
Các Trời uy đức lớn, đem y phục tốt rải, bay sa khắp thành ấp, ngửa xem Đại Y Vương.
Đem hương hoa báu tốt, rải rưới các ngã đường, đi bước đạp lên trên, mềm như là bông vải.
Âm nhạc các tràng phan, dọc đường kèm hàng lối, chúng người, trời Đế Thích, xưng tán Đại Từ Tôn:
“Nam mô Thiên Thượng Tôn! Nam mô Sĩ Trung Tôn! Thiện Tại Bạt Già Phạm! Hay thương xót thế gian”.
Có trời Đại uy đức, đương làm chúng Ma vương, quy y chắp tay lạy, ngữa xem đức Đạo Sư.
Phạm Vương các trời chúng, quyến thuộc vi nhiểu Phật, đều dùng tiếng trời Phạm, xiễm dương pháp nhiệm mầu.
Thuyết pháp 3 hội đây, tức là ba lần chuyển pháp luân nơi Long Thụ, cũng như đức Thích Ca ba lần chuyển pháp luân nơi Lộc Uyển.
Di Lặc Như Lai ngài nói pháp trong 3 hội rồi, bèn thống lãnh chúng đệ tử đi vào thành thị để khất thực, đồng thời để đi giáo hóa luôn.
Bấy giờ vua và nhân dân, đều đã chịu Phật độ thoát rồi, nên vừa thấy Phật và đệ tử vào thành, liền trần thiết chưn dọn cả các đường dọc, ngã ngang rất là trang nghiêm mỹ thuật, để tỏ cái ý thành kính hoan nghinh.
Đồng thời có 4 vị Thiên Vương cùng trời Phạm Vương, trời Đế Thích cả chư Thiên Vương chúng, cũng hướng dẫn các Thiên thần, rải hoa cúng Phật, như bông mạn đà, tức thứ bông rất nhu nhuyến thích theo ý muốn của mỗi người ưa.
Vã tán thán Phật là: Thiên Thượng Tôn, là Sĩ Trung Thắng, xin thương xót thế gian, chuyển đại Pháp luân.
Nam mô: tức là nghĩa quy y, quy mạng, nghĩa là: lễ bái, độ tôi, cứu tôi.
Đại Bi Tôn: vì Phật đủ tâm đại bi thương xót, cứu giúp tất cả chúng sanh.
Đại Y Vương: vì Phật ngài dùng các pháp dược, để trị lành cái chứng bịnh vô minh sanh tử của chúng sanh.
Một bài kệ tụng “Hữu đại uy đức thiên v.v…” tức là tụng xưng vị trời Ma vương có đủ uy đức lớn. Ma: tiếng Phạn gọi đủ là Mâra (mala), đây dịch là: Sát giả, ma khí rối loạn, nó hay sát hại cái giới thân, huệ mạng của chúng sanh; đây nó cảm kính ân đức của Phật, nên trước đến qui tâm tán ngưỡng nơi Phật.
Với trong thế giới đây, phần nhiều là La Hán, trừ sạch nghiệp hữu lậu, lìa hẳn khổ phiền não; Người, Rồng, Thần, Quỉ, Kiền Thát, A tu la, La sát và Dược xoa, đều hoan hỉ cúng dường.
Từ sau khi thụ Phật hóa, chúng sanh giữa thiên thượng nhân gian, phần nhiều đã chứng A la hán quả.
A la hán: đây dịch là Vô sanh, với phiền não của tam giới đã dứt, chẳng chịu cái thân hậu hữu sanh tử nữa; Cũng dịch: Sát tặc là, giết thứ giặc vô minh phiền não nó làm hại giới thân huệ mạng của chúng sanh; Cũng dịch: Ứng cúng: xiết đáng làm ruộng phước cho thiên thượng nhân gian, nên ưng chịu trời người cúng dường A la hán: là chỉ bực đại A la hán, phần mình đã đắc độ rồi lại hay tế độ kẻ khác nữa, sở dĩ đại A la hán đây là thông đồng đến Phật quả.
Trời, Rồng, Dược xoa, Kiền thát bà, A tu la, Ca lâu la, Cẩn na la, Ma hầu la già, gọi là 8 bộ chúng nhân và phi nhân(40). Kiền thát bà: dịch là Tầm hương. A tu la, dịch là Phi thiên: có hưởng phước trời, mà không đức hạnh trời. Dược xoa, dịch: Dũng tiệp, là vị thần bay đi trên không. La sát: tức là quỉ khá sợ, thuộc về một loại Dược xoa. Trong thế giới này, sở hữu các chúng sanh, phần nhiều đã chứng đặng quả A la hán, nên cả 8 bộ chúng đều đến hoan hỉ cúng dường, thế là đem ngay cả
Trời, Thần, Quỉ lẫn người hóa thành nhứt thống làm một Phật quốc vậy.
Thuở kia các đại chúng, dứt chướng trừ nghi hoặc, vượt khỏi dòng sanh tử, khéo tu hạnh thanh tịnh.
Các đại chúng thuở kia, lìa đắm bỏ của báu, tâm không ngã, ngã sở, khéo tu hạnh thanh tịnh.
Khi đó các đại chúng, hủy phá lưới tham ái, tâm tịnh lự viên mãn, khéo tu hạnh thanh tịnh.
Ba bài tụng đây, rõ sau khi thuyết pháp, đại chúng cùng tu cái hạnh thanh tịnh, đặng để liễu sanh thoát tử. Nhưng về cái thời tu có thể có ba hạng khu biệt nhau.
- Là vì khéo tu cái hạnh trí huệ, nên đoạn trừ được nghi hoặc, siêu việt đường sanh tử; là dứt được “phiền não chướng”, tức là vượt qua khỏi dòng “phần đoạn sanh tử”, dứt “sở tri chướng”, tức vượt khỏi dòng “biến dịch sanh tử”(41), nguồn ác đã lấp, dòng trược tự khô.
- Là vì tu cái hạnh vô ngã, nên rõ cái sắc thân ngũ uẩn như dương diệm(42) luống dối, tánh nó chẳng thực; đã tự vô ngã, thì còn có thứ gì đâu để làm vật sở hữu của ngã? Quán ba vầng thể không, nên xả bỏ được của quí báu, để hành cái hạnh bố thí, đi đến chứng quả.
- Là vì tu hạnh thiền định, xé tan được cái lưới ràng tham ái mà, đắc tâm an thân khinh tự tại. Trong đây, cõi Dục giới những hạnh tu trì đều không thiền định, nếu đắc thiền định là liền siêu lên cõi Sắc, cõi Vô Sắc, do Sắc giới, từ Sơ thiền đến Nhị thiền, cho đến cái pháp định diệt thụ tưởng của Vô Sắc, tức có thể gọi cái tâm tịnh lự được viên mãn. Tịnh lự, tức cái danh từ dịch thiền na của Phạn ngữ.
Mậu. 4- Hóa mãn pháp trú
Đức Từ Thiên Nhân Tôn, thương xót chúng hữu tình, suốt kỳ sáu vạn tuổi, thuyết pháp độ chúng sanh;
Hóa mãn bách thiên ức, khiến qua biển phiền não, có duyên đều được cứu, mới vào thành Niết bàn.
Đức Từ Đại Bi Tôn, sau khi vào Niết bàn, chánh pháp lưu ở đời, cũng đủ sáu vạn năm.
Đây rõ đức Từ Thị vì thương xót chúng hữu tình, nên ngài thuyết pháp độ sanh, mãn thời kỳ một đời là trải qua 6 vạn năm. Thời đó, mỗi người sống đủ 8 vạn tuổi, đã trải trước khi đức Di Lặc xuất gia thành Phật hết 2 vạn năm rồi, nên chỉ nói còn 6 vạn tuổi; đi hết 6 vạn năm ấy, giáo hóa đã đầy đủ chúng sanh rồi, mới vào Niết bàn, là chỗ bảo: “tức hóa qui chân”.
Niết bàn, Niết: là bất sanh; Bàn: là bất diệt, bất sanh bất diệt, vô trụ mà trụ, trụ nơi viên tịch, thực thế.
Phật đã Niết bàn, vì lợi ích cho chúng hữu tình, nên để chánh pháp ở đời cũng 6 vạn năm, so ra, chánh pháp của đức Thích Ca trụ ở đời chỉ có một ngàn năm, thì chánh pháp của đức Di Lặc đã nhiều lại quá nhiều.
Song, Phật pháp trụ đời, nguyên có 3 thời kỳ: là thời kỳ Chánh pháp, thời kỳ Tượng pháp và thời kỳ Mạt pháp; mà trong đây, chỉ nói thời Chánh pháp là, gần luôn thời Tượng và Mạt cũng như thế cả.
Bính. 3- Kiết khuyến
“Hoặc với trong pháp ta, thâm tâm tín thụ, kiếp sau ngày há sanh, ắt hầu Đại Từ Tôn.
Nếu có kẻ thông huệ, nghe nói việc như thế, ai chẳng dấy mừng ưa, nguyện gặp Từ Thị Tôn?
Nếu người cầu giải thoát, mong gặp hội Long Hoa, thường cúng dường Tam bảo, phải siêng chớ buông lung!”
Đức Thích Ca đã nói sự của Di Lặc giáng sanh, xuất gia thành Phật, thuyết pháp độ sanh rồi, lại bảo chư nhân rằng: “Các người! Nếu ở trong pháp ta mà ưa muốn tin chịu, qua kiếp sau ắt gặp đức Từ Tôn; các người phi kẻ ngu si vô trí, nghe sự thù thắng đây, ai lại chẳng mừng nẩy lòng muốn cầu ư? Chỉ cốt là hằng ngày vâng thờ ngôi Tam bảo, thân cận cúng dường, siêng chớ buông lung, thu nhiếp phóng tâm lại, là có thể được tiến đến hội Long Hoa, đắc Đại Giải thoát.
Đấy là cúng dàng Tam bảo, tinh tiến, chẳng buông lung, dứt ác, hành thiện, chỉ 5 sự tu nhân đó, đều là những điều kiện “tiền phương tiện” để đưa đến Long Hoa tam hội.
Giáp. 3- Phần lợi ích tín phụng
Ất. 1- Văn pháp lợi ích
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Xá Lợi Tử và cả đại chúng, ghi nói tự sự của Từ Thị ở đời Đường lại rồi, Phật ngài lại bảo Xá Lợi Tử: “Nếu có các người thiện nam, tín nữ nghe pháp đây rồi, thụ trì đọc tụng, lại vì nói cho người nghe nữa, cùng nhau y như lời mà tu hành, đem hương hoa cúng dàng, biên chép kinh này; thì những người ấy, qua đời đương lai, ắt được gặp được đức Từ Thị há sanh, với trong ba hội, đều đặng cứu độ.”
Bấy giờ Phật nói kinh đây, đồng thời cũng tức là vì các đệ tử như các ông: Xá Lợi Phất v.v… mà Phật thụ ký cho sự đương lai (tiểu kiếp thứ 10) thành Phật, lại vì chúng sanh đời sau (sau khi Phật nhập diệt) mà Phật riêng mở con đường tắt tu hành.
Gọi rằng đường tắt tu hành đó, chẳng ngoài kinh đây: 1. Thư thả, 2. Cúng dàng, 3. Thí hóa, 4. Đế Thích, 5. Dở đọc, 6. Thụ trì, 7. Giảng diễn, 8. Phúng tụng, 9. Tư duy, 10. Tu tập là mười pháp hạnh.
Trong đây, các hạnh pháp: thụ trì, đọc tụng, v.v… văn sơ lược mà nghĩa bao hàm, lẽ phải đủ 10 hạnh; tức kinh Pháp Hoa gọi hạnh môn của “Năm phẩm pháp sư” –
- Tùy hỉ phẩm, 2. Đọc tụng phẩm, 3. Thuyết pháp phẩm, 4. Kiêm hành lục độ phẩm, 5. Chính hành lục độ phẩm – cũng thu nhiếp vào trong đây.
Người mà năng tu các hạnh môn đây, sẽ bảo đảm đều đưa đến Long Hoa tam hội: hoặc với đệ nhứt hội được ngộ nhập; hoặc với đệ nhị hội được ngộ nhập; hoặc với đệ tam hội được ngộ nhập, vì cái nhân tu hành có thắng liệt, nên cái quả ngộ nhập có trước sau, “chỉ tranh lai tảo dữ lai trì” thế thôi.
Ất. 2- Kiết chúng phụng tín
Bấy giờ Phật nói tụng ấy rồi, Xá Lợi Tử và các đại chúng, hoan hỉ tín thụ, cúi lạy vâng làm.
Đây nói sau khi nghe pháp, chúng hoan hỉ tín phụng, nếu chẳng hoan hỉ, tức chẳng tín phụng; đã chẳng tín phụng, lại đâu có thể cúi lạy phụng hành ư? Thế nói chúng nghe hoan hỉ, thì biết là đã được lợi ích thấm nhuần pháp thủy rồi.
Số là, pháp Phật như biển cả, phi tín thì chẳng thể thâm nhập đặng; mà với cái tâm “tín ngưỡng chân chánh”, lại cần với lãnh ngộ được rồi, hoan hỉ mới phát sanh.
Nay đã giảng kinh đây viên mãn, cũng hi vọng các vị tại tọa, cũng không khác như nghe Phật tại núi Tứu vì Xá Lợi Tử cả pháp hội mà ngài nói kinh đây, cũng sau khi nghe rồi hoan hỉ tín thụ đảnh đới phụng hành, khiến cho pháp đây triển chuyển lưu thông vĩnh viễn vô tận, mới chẳng cổi phụ cái sơ trung(42) của Như Lai thuyết pháp mà, với Long Hoa tam hội cũng có thể nắm được tả khoán(43) nữa.
CHÚ THÍCH
- Động cơ: máy động, cái máy rất nhỏ (như dây thiều gió) phát động. Âm Phụ kinh chép: “động cái máy thì, muôn điều biến hóa an bài”. Sách Liệc Tử chú: Cơ là cái đầu tiên của quần hữu, cái chỗ chủ của cử động. Động cơ đây là chỉ Xá Lợi Tử làm đương cơ đương sự thỉnh Phật nói về sự Di Lặc giáng sanh vân vân.
- Đời đương lai: đức Thích Ca ở về tiểu kiếp thứ 9 này tức đời hiện tại; đức Di Lặc ở về tiểu kiếp thứ 10, nên gọi là đời đương lai. Từ đức Thích Ca đến đức Di Lặc ra đời, cách nhau bằng con số: một ngàn bốn trăm bốn mươi triệu năm (1.440.000.000) của nhân gian. Hiện nay (1959) Thích Ca nhập diệt đã qua 2503 năm rồi, thì đối con số trên đã trừ hết 2503 năm.
- Các pháp: là lời nói bao gồm cả sự lý của vạn hữu, pháp: là nghĩa của tự thể, là nghĩa của qui tắc, sự lý của vạn hữu, mỗi mỗi có tự thể, đủ qui tắc, nên gọi là pháp. Nhẫn đến lông rùa, sừng thỏ là danh từ tất cánh không mà cũng gọi là Phật, do cái qui tắc của có và không, cái tự thể của có và không nơi vạn hữu kia. Nên so với các lời: vạn vật, vạn sự, vạn hữu của ngoại điển, thì lời nói chư pháp hay vạn pháp của nội điển này rất rộng hơn. Như nói “vũ trụ vạn hữu” đâu bằng “pháp giới vạn pháp”.
- Hoặc nghiệp: Hoặc là cái tâm mê vọng, vì mê mờ nơi cảnh sở đối mà điên đảo nơi sự lý, nên gọi là hoặc. Là cái tên gọi chung cả phiền não tham, sân, si, v.v… – y cứ nơi cái hoặc ấy mà tạo tác ra có thiện có ác gọi là nghiệp, do những nghiệp của thân 3 khẩu 4 và ý 3 đó làm nhân mà, chiêu cảm lấy các khổ của thân sanh tử giữa 3 giới, thì gọi là hoặc nghiệp khổ. Duy thức luận 28 nói: “cái thân sanh tử tương tục mãi là do hoặc, nghiệp, khổ, cái hoặc nó dấy ra nghiệp tư nhuận cái thân sanh, hoặc nó hay chiêu cảm cái thân hữu thân khẩu ý ra làm các nghiệp thì gọi là nghiệp. Nghiệp nó dẫn sanh ra các khổ thì gọi là khổ”.
- Nhân địa: cái địa vị trong thời kỳ tu hành Phật đạo, gọi rằng nhân địa, còn cái địa vị trong thời kỳ đã chứng Phật đạo, gọi rằng quả địa. Kinh Viên Giác nói: “thuyết cái pháp hạnh từ bổn khởi nhân địa thanh tịnh của Như Lai”. Kinh Lăng Nghiêm 5 nói: “nguyên cái nhân địa của ta là lấy tâm niệm Phật mà chứng vào Vô sanh nhẫn”.
- Tố thực: tục lệ lấy ăn cơm rau, dầu 2 hay 3 bữa trong mỗi ngày thì gọi là tố thực. Sách Nho, kinh Lễ nói: “phạn tố thực”, tức ăn cơm với rau cải không dùng đến cá thịt. Kinh Thi cũng nói tố thực, Hán thư cũng nói tố thực. Luật Phật dạy: chỉ ăn rau mà ngọ thực, không ăn chiều và tối, mới gọi là trai thực: tức ăn chay; thế biết rằng: hằng ngày suốt đời, ăn ngày 2, 3 bữa bằng rau cải mà gọi là tố thực thì phải, còn gọi là ăn chay trường thì không phải.
- Thời đại lục triều: ước chừng đời Ngô (dương lịch, năm 200, là năm Canh Thìn, Ngô Tôn Quyền lên ngôi hoàng đế đóng đô đất Kiến Nghiệp, Giang Đông). Đời Đông Tán, đời Tống, đời Tề, đời Lương, và đời Trần (dương lịch, năm 588 là năm Mậu Thân là hết đời Trần).
- Triều ngũ đại: Đời Đường gọi Tống, Tề, Lương, Trần, và Tùy là tiền ngũ đại; đời Tống lấy hậu Lương, hậu Đường, hậu Tấn, hậu Hán và hậu Châu là hậu ngũ đại.
- Huyện Bồ Điền: Huyện Bồ Điền, vị trí tại phía đông nam huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến, nay là Hạ Môn tỉnh Phước Kiến.
- Huyện Phụng Hóa: thuộc phủ Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Đời Dân quốc cải là huyện Lê Thọ.
11. Trường Đinh Tử: Trường Đinh, là huyện Trường Đinh, nay thuộc về đạo đinh chương, tỉnh Phước Kiến. Ngài Bố Đại Hòa Thượng xuất thân tại huyện này, nên lấy danh Trường Đinh Tử là ông ở huyện Trường Đinh.
- Trời Đâu Suất: một ngày của cung trời Đâu Suất bằng một ngàn năm của nhân gian; một tháng của trời bằng ba chục ngàn năm (30.000) của nhân gian; một năm của trời bằng ba trăm sáu chục ngàn năm (360.000) của nhân gian; 10 năm của trời ấy bằng ba triệu sáu trăm ngàn năm (3.600.000) của nhân gian; 100 năm của trời ấy bằng ba mươi sáu triệu năm (36.000.000) của nhân gian; 1000 năm của trời ấy bằng ba trăm sáu mươi triệu năm (360.000.000) của nhân gian; bốn ngàn năm trên trời Đâu Suất, bằng một ngàn bốn trăm bốn mươi triệu năm (1.440.000.000) của nhân gian.
Với con số 1.440.000.000, là kể hồi Phật Thích Ca còn tại thế, đến đức Di Lặc há sanh; còn hiện nay (1959) thì đã trừ ra hết hai ngàn năm trăm lẻ ba năm rồi, vì Phật lịch đã qua 2503 năm. Trong số 2503 năm của nhân gian đây, bằng 2 ngày 1 buổi của trời Đâu Suất, vì một ngày trển bằng một nghìn năm dưới nhân gian.
- Ngày ngài thành Phật: các kinh luận nói chẳng đồng nhau, vì kinh Trường A Hàm quyển 4 và kinh Nhân Quả đều ghi là ngày 8 tháng 2, kinh Quán Phật và kinh Phương Đẳng Nê Hoàn đều chép là ngày 8 tháng 4, sách Tây Vực ký thì nói là ngày 8 tháng 3, hay nói ngày 15 tháng 3. Luận Cu Xá Bửu Sớ, Chánh Tông ký, Phật Tổ thống ký, đều dùng cái thuyết ngày 8 tháng 2. Bên Trung Hoa dùng ngày 8 tháng 12 đó, là sách Tăng Sử hội họp nói rằng: “tháng chạp là tháng 2 của nhà Châu”. Nhà Châu kiến tý, nên tháng 2 của nhà Châu, tức là tháng 12 của nhà Hạ kiến dần (tức như âm lịch ngày nay).
- Theo sau phương trần: sách Thập Di ký nói: “cháu tòng tử của Thạch Lặc là Thạch Hổ, kiến thiết cái lầu cao 4 chục trượng, dùng các thứ hương trầm thơm lạ, nghiền làm bột, hễ khi nổi gió, trên lầu đem bột hương ấy dê rải bay tứ tán, gọi là phương trần, nghĩa là bụi thơm. Ý rằng hột bụi thơm bay sau dấu chơn của ngài Trần Huyền Tảng, là cũng như Hậu Trân v.v…
- Trời trên các trời: Phật là Thánh trên các Thánh, như các Thánh trong ba thừa, tức Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, đều là học trò của Phật, gọi Phật là Thánh sư, nên nói Phật là Thánh trên các Thánh – một, Danh thiên cũng gọi thế gian thiên, vị vua trong nhân dân ở thế gian, xưng là Thiên vương, Thiên tử, vì giả danh là trời. Hai là Sanh thiên: như Tứ Thiên vương thiên, nhân đến Phi phi tưởng thiên, là chỗ trời mà chúng sanh có thể sanh lên ở đó, tức thiên thú trong sáu thú. Ba tịnh thiên: là các Thánh trong tam thừa. Bốn nghĩa thiên: là Phật và cõi Niết bàn của Phật sở chứng, nên nói Phật là trời trên các trời.
16. Chiến dẹp Ma quân: quân binh của ác ma. Khi Phật sắp thành đạo, trời thứ sáu (Tha hóa tự tại thiên) là Ma vương thống lãnh quyến thuộc xuống toan làm chướng ngại việc thành đạo, Phật dùng thần lực đều chiến thắng cả. Lại, tất cả ác sự làm trở ngại đạo Phật là Ma quân. Trí độ luận năm nói: “ta dùng tên trí huệ, tu sức định trí huệ, tồi phá Ma quân bay”.
- Lục địa: Đất liền, Lục là đất cao ráo bằng phẳng. Lời xưa nói: tam sơn, tứ hải, nhứt phần điền. Nghĩa là 3 phần núi, 4 phần biển, chỉ 1 phần ruộng.
- Con lộ Luân vương: Kinh nói: lúc bấy giờ, nước biển giảm cạn, bày con đường giữa đáy biển, lộ ấy bằng vàng chạy giáp vòng cả bốn biển; trước khi lên ngôi, có cái xe bằng báu tự nhiên hiện ra, vua lên xe ấy, nó tự động chạy bay trên con đường ấy, chỉ một ngày mà giáp vòng cả bốn châu thiên hạ, rồi mới tức vị Chuyển Luân Thánh Vương, nên gọi Kim Luân Vương.
- Phước lực 10 nghiệp lành: Phước lực: có cái sức tu làm phước, nên cảm được cái hạnh nghiệp phước đức. Phước: nghĩa là phú nhiêu, vì làm nghiệp lành, nên kết quả an vui giữa nhân thiên, gọi là phước – 10 nghiệp lành: chẳng phạm 10 điều ác (thân 3, khẩu 4, ý 3) thì gọi là 10 lành. Ngài Thiên Thai nói: “có hai thứ thập thiện: một là thôi, hai là làm. Thôi thì chỉ thôi mười điều ác, không làm khổ não đến kẻ khác, làm thì tu hành đức tốt (chẳng sát sanh mà mãi mạng phóng sanh, chẳng trộm cắp mà làm bố thí, chẳng tà dâm mà dạy người đừng làm tà dâm sẽ được quả vợ chồng trinh chánh v.v…) lợi ích tất cả. Hai ấy đồng bảo thiện, là thiện: lấy tùy thuận làm lợi ích cho chúng, tức là nghĩa của chữ thiện”.
- Thi lâm: Rừng bỏ thây, cũng như nghĩa địa. Phạn ngữ là Slta-vana (thi đa bà na) thi đa, dịch: hàn (lạnh), bà na, dịch: lâm (rừng), chỗ bỏ tử thi, gọi là hàn lâm. Huyền Ứng âm nghĩa bảy nói: “rừng này âm u mù mịt, mà lạnh lắm vì khí hậu, ở gần thành Vương Xá, quanh vùng hễ người chết thì đều đem bỏ đấy. Tây Vực ký chép: thuở Phật còn tại thế, Tỳ kheo tịch, đem táng nơi thi đà lâm”.
- Tứ binh: Kinh Trường A Hàm 6 chép rằng: “Luân Vương có 4 thứ binh là: 1. Tượng binh, 2. Mã binh, 3. Xa binh, 4. Bộ binh”.
- Luân Vương thất bửu: Thời kiếp tăng, thuở mà cả nhân loại mỗi người đều sống lên hai vạn tuổi dĩ thượng, thì Luân Vương ra đời; còn ở về kiếp giảm, khi mà mỗi người đều chỉ còn tám vạn tuổi, thì Luân Vương ra đời. Cu Xá Luận 12 nói: “Luân Vương xuất hiện, tự nhiên có thất bảo cũng thiên nhiên xuất hiện: 1. Kim luân bảo xa, 2. Con bạch tượng bằng báu, 3. Con ngựa bằng báu, 4. Viên ngọc ma ni báu lớn bằng bắp vế người, 5. Người nữ thân bằng ngọc báu, 6. Quan chủ tạng thân bằng ngọc báu, 7. Quan chủ binh thần thân bằng ngọc báu. Các nhân vật trên bằng chất báu chất ngọc mà biết đi, đứng, ăn, nói, đủ mưu trí hành động, chứ không phải bằng máu thịt và vô tri giác, chừa kim luân bảo, ma ni bảo.
- Luân Vương Thiên Tử: Kinh Trường A Hàm cuốn 6 Chuyển Luân Thánh Vương tu hành phẩm chép: “vua Chuyển Luân có đủ một ngàn vương tử, đều dũng kiện hùng mãnh”. Kinh Niết Bàn 12 nói: “Kim Luân Vương có thất bảo thành tựu, thiên tử cụ túc”, con Luân Vương đây, sanh nở bằng cách hóa sanh, nên mới có nhiều như thế, là vì do phước lực mười lành mà tự nhiên biến hóa, chứ phi như sanh đẻ bằng cách thai sanh như các hạng chúng sanh thiếu phước thường tình.
- Bất nam Hoàng môn: 5 thứ người Hoàng môn, chẳng có năm căn. Tiếng Phạn: pândka (Ban đồ ca), dịch: Hoàng môn,
- Ngũ minh học: các học giả trong giới nội điển, ngoại điển bên Tây vực, đều ắt phải lấy ngũ minh làm chỗ tập học. Có 5 minh, nên gọi ngũ minh xứ: 1. Thanh minh: học rõ rành tiếng nói, bộ phận của văn tự (danh cú, văn thân); 2. Công xảo minh: học rõ rành tất cả công nghệ, kỹ thuật, toán pháp, lịch số; 3. Y phương minh: học rõ rành mạch lạc, thuốc men cả cao, đơn, hoàn, tán; 4. Nhân minh: học rõ rành, xét định lý pháp nào chánh nào tà, luận xét nào chân nào ngụy, là chỗ gọi rằng luận lý học; 5. Nội minh: học rõ rành tông chỉ trong nhà đạo của mình. Bốn minh trước thì ta cùng người đồng học, còn một nội minh thì cùng ta với người các học khác nhau, như Bà la môn lấy 4 bộ Phệ đà (dịch: minh trí) luận làm nội minh, Phật giáo lấy 3 tạng 12 bộ giáo làm nội minh. Minh: nghĩa là xiển minh, đều mở toang cái chánh lý ra để chứng minh, nên nói là minh. Minh là tên khác của trí, đều nương nơi học mà đắc cái trí, nên nói là minh.
- Đản sanh: Đản: là sanh dục. Có bốn cách sanh: thai sanh, thấp sanh, noãn sanh và hóa sanh. Chư Phật, Bồ tát thì hóa sanh, nghĩa là các ngài vì tế độ chúng sanh, nên dùng thần lực biến hóa sanh ra, chứ phi như thai sanh, rằng gá nương không nhứt định một chỗ nào, thoạt nhiên mà sanh ra như chư thiên ở trung giới, thượng giới, chúng sanh ở Tịnh độ, ở địa ngục, và thân trung hữu, đều tùy phước, hoặc tùy nghiệp mà, tự nhiên hóa sanh ở thế giới này, hồi ban đầu kiếp trụ chúng sanh cũng hóa sanh. Đức Thích Ca đức Di Lặc đây hóa sanh, là tùy cái đạo lực và phước lực mà được thế, nên nói do nơi hữu hiếp của mẹ đản sanh. Lão Tử bên Tàu xưa cũng hóa sanh, vì ngài y thác nơi tả hiếp để sanh. Bên Ấn Độ, bà Nại Nữ hóa sanh nơi cây mít.
- Bảo mẫu: Cương bảo: đan sợi thành một cái tấm bề ngang 8 tấc, bề dài 1 trượng 2 thước, để buộc mang đứa bé trên lưng. Bảo: là tấm nệm của tiểu nhiều. Bảo mẫu: là bà mang em giữ nuôi.
- Tùy tòng thát thai: đức Di Lặc ở Tịnh độ nội viện cung trời Đâu Suất, giáo hóa chư thiên, đủ bốn ngàn năm (năm trên trời ấy) rồi xuống sanh ra cõi nhân gian (cũng nước Ấn Độ) này thì, cả chư thiên thụ giáo với ngài cũng theo xuống giáng sanh, để rồi được dự hội thứ nhứt v.v…
- Mắt như lá sen xanh: tiếng Phạn: Utpàla (ưu bát la), hoa sen sắc xanh, kinh Pháp Hoa phẩm Diệu Âm nói: “mục như quảng đại thanh liên hoa điệp” kinh Duy Ma phẩm Phật Quốc nói: “mục tịnh tu quảng như thanh liên”. Lời chú, ngài Tăng Triệu nói: “nước Thiên Trúc có thứ hoa sen xanh, lá dài mà rộng, xanh trắng phân minh, có cái tướng mắt của người lớn, nên dùng để tỷ dụ mắt của Phật”.
- Thước tay: Chẩu: cánh chỏ, cùi chỏ, từ chỗ cùi chỏ ra đến đầu ngón tay giữa, người ta gọi là một thước tay. Theo số thước của Ấn Độ xưa. Cu Xá Luận 12 nói: “7 hột mạch làm 1 lóng tay, 3 lóng (tiết) làm 1 ngón tay, trải ngang ra thì 24 ngón làm một chẩu”. Tây vực ký nói: “một thước 8 tấc, nhẫn đến một thước 4 tấc làm một chẩu, thân lượng của Phật gấp bội hơn”
- Khớp, lồng: Cơ, tức ky – mi, nghĩa: kiểm chế, như cái dây khớp dàm ngựa. Lung: lồng, để giam hãm chim. Là nói: cái thân của chúng sanh bị nghiệp khổ nó lung lao, tỷ như ngựa chim bị nhốt bị khớp!
- Đại hội vô cha: tiếng Phạn: Pancavàrsika (ban cha bà lộc ca sử), dịch ngay là: ngũ niên hội: mỗi 5 năm thiết lập một đại trai hội. Dịch nghĩa là: vô cha hội, là do bố thí tất cả hạng người mà không cha khiển. Huyền ứng âm nghĩa 17 nói: “ban cha, dịch: ngũ, Bà lật sử cà, dịch: niên, là 5 năm một đại hội. Sau Phật nhập diệt một trăm năm, vua A Thu Ca lập đại hội này”. Dục Vương kinh nói: ngũ niên công đức hội. Khai nguơn lục nói: ngũ niên nhứt thế đại hội. Tham Huyền ký nói: vô cha đại hội, nghĩa là một pháp hội thực hành bình đẳng bố thí cả tài lẫn pháp, không phân biệt thánh hiền, đạo tục, quí tiện, thượng hạ giai cấp tục bên Ấn Độ 5 năm một hội; bên Tàu Lương Vũ Đế năm đại thông nguơn niên, họp một hội. Trần Vũ Đế tập 4 bộ, lập vô cha đại hội, đều thấy ghi ở nam sử.
- Phạm Chí: là một trong 4 thời kỳ Bà la môn. Lại, chí cầu về phép Phạm Thiên, nên nói là Phạm Chí. Du già luận ký 19 nói: “Phạn là tiếng Ấn Độ, dịch là tịch tịnh; Chí là tiếng phương đây, là chí câu học tu phạm hạnh, nên nói là Phạm Chí. Tăng Nhứt A Hàm kinh 41 nói: Sa môn, gọi là tức tâm, là các ác vẫn đã dứt hết; Phạm Chí gọi là thanh tịnh, dẹp bỏ các loạn tưởng”. Cu Xá Quang ký 12 nói: “Bà la môn, đây rằng Phạm Chí”. Lại, đối với phái Ni Kiền Tử, gọi kẻ Bà la môn tại gia là Phạm Chí. Pháp Hoa văn cu 9 nói: kẻ tại gia mà chuyên sự thanh tịnh gọi là Phạm Chí, kẻ xuất gia bên phái ngoại đạo đồng gọi là Ni Kiền”. Lại, kẻ xuất gia bên tất cả ngoại đạo, đều gọi là Phạm Chí.
- Bửu tràng: lấy các thứ ngọc báu, chưn gắn nơi cây cột phướng, gọi là bửu tràng. Kinh Đại Nhựt số 5 nói: “trên đầu cây cột phướng, có để ngọc như ý, nên nói là bửu tràng”.
- Ngũ trú hoặc: tức ngũ trú địa hoặc – căn bản phiền não (tham, sân, si) nó năng sanh ra chi mạt phiền não, nên gọi là “trú địa”. Trú địa phiền não có 5 thứ: 1. Kiến nhất xứ trú địa, là thân kiến, biên kiến v.v là kiến hoặc của tam giới, đến khi chứng vào ngôi “kiến đạo” đoạn được cái nhứt xứ này, nên nói kiến nhứt xứ. 2. Dục ái trú địa: giữa phiền não của dục giới, chừa ra kiến hoặc và vô minh hoặc, còn cái lỗi ái trước quá nặng, nên nêu cái tên “ái” ra. 3. Sắc ái trú địa: giữa phiền não của Sắc giới, chừa ra kiến hoặc và vô minh hoặc, còn cái lỗi ái trước quá nặng, nên riêng nêu cái tên “ái”. 4. Hữu ái trú địa: giữa phiền não của Vô sắc giới, chừa ra cái kiến hoặc và vô minh hoặc, còn cái lỗi ái trước quá nặng, nên nêu cái tên ái. Nghĩa sanh tử hữu vi của “hữu ái”, Vô sắc giới ái trước cái quả báo sanh tử, là cái ái trước cuối cùng, nên gọi “hữu ái”. 5. Vô minh trú địa: vô minh hoặc của tất cả tam giới, vô minh là cái tâm thể si ám, nó không có huệ minh, chính là căn bản của tất cả phiền não, nên biệt lập làm một trú địa.
kiến hoặc tam giới… kiến nhứt xứ trú địa
chi mạt
dục giới… dục ái trú địa
tư hoặc
sắc giới… sắc ái trú địa
vô sắc giới… hữu ái trú địa
căn bản… tam giới… vô minh trú địa
Đại thừa nghĩa chương 5 nói: “gốc làm chỗ dựa cho ngọn, gọi là “trú” gốc hay sanh ngọn, nên gọi là “địa”. Thắng mạng bửu khốt trung nói: “năng sanh là “địa”, khiến cho chỗ sở sanh được thành lập, nên gọi là “trú”.
- Hai cái Tư: tất cả chúng sanh đều bị cái vô minh hoặc, kiến hoặc và tư hoặc mà, khởi ra cái nghiệp 10 ác, hoặc 10 thiện, rồi chiêu cảm lấy cái thân 5 uẩn sanh và tử, tử và sanh kinh Lăng Nghiêm nói: “sanh tử tử sanh, sanh sanh tử tử, như cái vòng tròn quây lửa”. 1. Phần đoạn sanh tử: sanh tử bằng cái thân phần đoạn. Các cái nghiệp thiện, bất thiện của các thân hữu lậu, do cái phiền não chướng trợ duyên mà cảm thụ lấy cái thân quả báo giữa tam giới lục đạo. Vì cái thân quả báo có từ phần từ đoạn sai khác, nên nói phần đoạn, tức là chúng phàm phu đủ kiến hoặc tư hoặc. 2. Biến dịch sanh tử: sanh tử bằng cái thân biến dịch; những các nghiệp lành vô lậu, y nơi cái sở tri chướng trợ duyên mà chiêu cảm lấy thân quả báo ở Tịnh độ ngoài tam giới, là các vị A la hán nhẫn lên, đã dứt hết kiến tư hoặc, sanh tử của các thánh giả. Biến dịch: không phân hình sắc thắng hay liệt, mạng sống dài hay ngắn, chỉ cái mê tưởng diệt dần, sự chứng ngộ tăng dần, sự mê ngộ ấy nó đổi dời, gọi là biến dịch. Lại, 1. Sanh tử tử: cái chết của thân sanh tử của lực phàm trong tam giới. 2. Niết bản tử: cái đắm vui ở cảnh giải thoát thâm khanh, sanh không Niết bản của tứ quả Thanh văn ngoài tam giới vì quả đắm vui trong cảnh Niết bàn đó, nên gọi là Niết bàn tử. Trái lại, thì chúng phàm phu chết đắm trong cảnh ngũ dục khoái lạc. Nghĩa là: chúng sanh chết nơi cái “có”, Thanh văn chết nơi cái “không” chết: nghĩa là mê say, quá ư cố chấp, thành kiến.
- Vô dư Niết bàn: Vô dư: không còn cái sống thừa, không còn cái uẩn thừa. Nghĩa là tiến đến chỗ chí cực của sự lý. Vô dư Niết bàn, tân dịch: Vô dư y Niết bàn, là cảnh Niết bàn này thơm và trí như lửa tắt, tro diệt.
Niết bàn – Cựu dịch: diệt, diệt độ, tịch diệt, bất sanh, vô vi, an lạc, giải thoát. Tân dịch: viên tịch – Diệt: là diệt cái nhân quả sanh tử – Diệt độ: là diệt nhân quả sanh tử, độ cái dòng bạo sanh tử – Tịch diệt: là Tịch thì có nghĩa vô vi, không tịch, an ổn; Diệt: là cái đại hoạn của sanh tử đã diệt rồi – Bất sanh: cái nhân quả của sanh tử nó không tái sanh nữa – vô vi: là không tạo tác cái hoặc nghiệp nhân duyên nữa – an lạc: an ẩn khoái lạc – giải thoát: là xa lìa các quả báo. - Hữu dư Niết bàn: hữu lậu nương nơi thân, đối với cái hoặc cái nghiệp mà nói là dư; là: đã hết những hoặc nghiệp là cái nhân sanh tử, hãy còn cái khổ quả hữu lậu nương nơi thân nên gọi là hữu dư Niết bàn.
- Vô dư Niết bàn: lại diệt sanh không còn mảy khổ quả gì nương nơi thân nữa.
Hai cái cảnh Niết bàn đây, vẫn đồng là một thể. Người tu tam thừa, với khi mới thành đạo, dù chứng đặng đó, mà cái cảnh Vô dư Niết bàn được hiện ra, là ở nơi khi mạng chung nó mới thực hiện.
- Uất kim: là một thứ cỏ thơm.
- Hương nê: dùng các danh hương tán bột, hòa nước nhựa nhồi nhuyễn tô trong vách chánh điện chỗ thờ Phật để tôn phụng cúng dường.
- Phi nhân: Nhân phi nhân: là tên riêng của thần Cẩn Na La, vì giống người mà chẳng phải người Pháp Hoa văn cú 2 nói: “Cẩn Na La, đây rằng Nghi thần, vì tợ hồ người mà phi người, bởi trên đầu có một cái sừng, nên gọi là nhân phi nhân – Thiên Long cả Bát bộ chúng, đều gọi chung là nhân phi nhân, do các vị ấy, vốn chẳng phải người mà đến chỗ Phật đều hóa hiện ra thân thể người. Xá Lợi Phất vấn kinh nói: “bát bộ thần, đều nói là nhân phi nhân” – Pháp Hoa kinh nghĩa sơ 2 nói: “Bát bộ quỉ thần, vốn đều phi nhân, mà biến hóa làm thân người đến nghe nói pháp, nên nói nhân phi nhân”.
- Biến dịch sanh tử: xem số 37: Vô dư Niết bàn trên.
- Dương diệm: một trong 10 dụ của đại thừa, lại là dương quang, sách Trang Tử bảo là “dã mã trần ai”. Nghĩa là: đầu mùa xuân, ngoài đồng nội, ánh sáng của mặt trời dọi bụi vi trần phấp phới bay tứ tán, loài hưu nai khát nước trông thấy tưởng là nước chạy đến uống, té ra chẳng phải thực nước. Kinh Duy Ma phẩm Phương tiện nói: “thân như dương diệm, từ khát ái sanh”. Nghĩa là tỷ dụ kẻ vô trí nhận cái giả cho là thực.
Lại, 42. Sơ trung: nghĩa đồng với: Sơ tâm, bổn tâm, bổn hoài.
- Tả khoán: khoán là khế ước, phân làm tả, hữu đều cầm một tờ, để làm tin. Sử ký Điền kính Cung thế gia nói: “thường cầm tả khoán, để trách nhà Tần, nhà Hán”. Cũng như tả khế, Lão Tử nói: “Thế nên thánh nhân cầm tả khế mà chẳng khiển trách người”.