KINH PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA TẠO TƯỢNG CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Đề-cù-trí
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật đang ở nơi cõi Tam thập tam thiên, dưới cây Ba-lợi chất-đa-la cùng với vô lượng chúng đại Tỳ-kheo và vô lượng chúng Đại Bồ-tát hội đủ. Đại Bồ-tát Di-lặc làm thượng thủ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trên cõi trời ấy ba tháng an cư thuyết pháp cho mẹ, làm nhiều lợi ích cho chư Thiên, làm cho vô lượng chư Thiên giải thoát xa lìa đau khổ vô lượng chư Thiên đều mong cầu pháp lợi ích được phước báo lớn. Lúc ấy, trong chúng có một Thiên tử, tuổi thọ sắp hết năm tướng si hiện ra, nhờ nghe được thần lực của giáo pháp, sau khi mạng chung sinh trở lại cõi trời này, vĩnh viễn xa lìa không rơi vào đường ác.
Bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề không có Đức Như Lai, ví như đêm tối tăm không có mặt trăng, như nước không có vua, như nhà không có chủ, tất cả các thứ ưa thích đều ngừng lại. Lúc ấy, chúng sinh bơ vơ không nơi nương tựa, đều nghĩ đến Đức Như Lai, ôm lòng luyến mộ, sinh sầu lo lớn, như mất cha mẹ, như bị tên bắn vào tim, cùng đến chỗ Đức Thế Tôn từng ở, khu vườn, tinh xá đều vắng bóng Đức Phật, trong lòng họ dường như càng tăng thêm sự thương tiếc Như Lai.
Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên ở trong cung điện luôn có lòng thương nhớ khát ngưỡng đối với Phật. Đối với phu nhân, thể nữ, những thứ ưa thích, nhà vua đều không để tâm. Vua lại suy nghĩ như vầy: “Hôm nay, ta lo buồn, không bao lâu nữa sẽ chết. Làm thế nào khi ta chưa bỏ mạng mạng sống cõi nhân gian mà gặp được Đức Phật. Lại suy nghĩ: Ví như có người tâm đã ưa thích mà không được thấy nếu được thấy chỗ ở và người giống như vậy thì có thể hết sầu não. Lại suy nghĩ: Hôm nay, ta đến chỗ Đức Phật ở trước đây mà không gặp Đức Phật, nên buồn rầu thảm thiết muốn chết. Ta xem ở thế gian này không có người nào có trí tuệ, công đức, sắc tướng bằng Như Lai. Làm thế nào khiến cho ta gặp được vị ấy để dứt trừ sầu não?”
Nghĩ vậy rồi vua liền tư duy: “Hôm nay, ta phải tạo hình tượng Phật để lễ bái cúng dường. Lại sinh ra ý niệm này: “Nếu ta tạo hình tượng mà không giống Đức Phật thì sợ sẽ làm cho ta bị vô lượng tội. Lại suy nghĩ: Giả sử trong thế gian, những người có trí tuệ đều tuyên dương công đức của Như Lai thì vẫn không thể cùng tận. Nếu có người tùy theo khả năng khen ngợi sự uy nghi đẹp đẽ của Phật thì cũng được phước đức vô lượng. Hôm nay, ta cũng vậy, nên thuận theo việc làm ấy.”
Lúc đó, liền ban sắc lệnh cho tụ tập những người thợ giỏi trong nước đến. Khi thợ đã đến rồi, vua liền nói:
–Ai có thể làm hình tượng Phật cho ta? Ta sẽ đem châu báu quý giá mà ban thưởng.
Những người thợ giỏi tâu với nhà vua:
–Hôm nay nhà vua đã ra lệnh làm một việc rất khó, tướng tốt của Đức Như Lai thế gian không sánh bằng. Hôm nay, thần làm sao có thể tạo hình tượng Phật. Giả sử trời Tỳ-thủ-yết-ma mà có thể làm được thì cũng không thể giống Đức Như Lai. Hạ thần nếu vâng lệnh tạo hình tượng Phật, thì chỉ có thể làm viên ngọc trên bói tóc giống như tướng bạch hào được một ít, còn các tướng tốt, ánh sáng, oai đức thì ai có thể làm được ư? Đức Thế Tôn sẽ từ trên cõi trời đi xuống. Sự tạo hình tượng nếu có thiếu sót sai lầm thì danh tiếng của chúng thần đều sẽ mất hết. Họ tính toán như vậy nên không dám làm.
Lúc ấy, nhà vua lại bảo:
–Ta đã hạ quyết tâm rồi, chớ có từ chối. Như người khát nước muốn uống nước sông, đâu có thể vì sự uống không hết mà không uống chăng?
Lúc ấy, mọi người nghe nhà vua nói, đều quỳ trước mặt tâu:
–Bệ hạ! Chúng thần sẽ tuân theo sắc lệnh đã ban hành nhưng xin nhà vua chấp nhận cho chúng thần đêm nay suy nghĩ kỹ rồi mới làm.
Họ lại tâu với vua:
–Hôm nay, nhà vua tạo hình tượng Phật nên dùng loại gỗ chiênđàn tịnh khiết, thể chất của nó đẹp gọn chắc chắn nhưng hình tượng ấy ngồi hay đứng, cao thấp như thế nào?
Nhà vua đem lời này hỏi các quan thần. Có một vị quan trí tuệ đến trước vua thưa:
–Tâu đại vương! Nên làm tượng của Như Lai ngồi. Vì sao? Vì tất cả chư Phật đều chứng đắc đại Bồ-đề, chuyển bánh xe chánh pháp, thị hiện thần thông lớn, thu phục ngoại đạo, làm Phật sự lớn thảy đều là hình ngồi. Cho nên phải làm tượng Phật ngồi kiết già trên tòa sư tử.
Bấy giờ, trời Tỳ-thủ-yết-ma từ xa trông thấy việc ấy, biết rõ ý nhà vua muốn tạo hình tượng Phật. Ngay trong đêm ấy, vị trời ấy suy nghĩ: “Ta biết làm vịêc ấy bằng kỹ xảo nhất, trong thế gian không ai bằng ta. Nếu ta làm thì cũng được giống Phật phần nào.”
Vị ấy biến hình làm người thợ mộc. Đem các vật dụng sáng sớm đi đến bên cửa của nhà vua, vị ấy nhờ người giữ cửa tâu lại với nhà vua:
–Hôm nay, tôi muốn tạo hình tượng Phật cho nhà vua, công nghệ kỹ xảo của tôi trong đời không ai bằng. Muôn tâu đại vương, chớ có sai người khác.
Nhà vua nghe nói như vậy rất vui mừng truyền lệnh cho vào xem mặt thì biết người này là thợ mộc giỏi. Vua suy nghĩ: “Trong thế gian làm gì có người này, hay là vị trời Tỳ-thủ-yết-ma hoặc là đệ tử của vị trời ấy đến đây chăng?”
Lúc ấy, nhà vua liền cởi chuỗi ngọc đang đeo trên thân ra, tự tay đeo vào cổ vị kia và hứa cho vô số, vô lượng các vật châu báu. Nhà vua cùng với vị quan chủ kho, ở trong kho cùng chọn lựa cây thơm, tự mình gánh vác, khiêng đỡ với vị thợ trời. Lại nói rằng:
–Lành thay! Nhân giả nên dùng cây này làm hình tượng Phật cho tôi, làm hình tượng cho giống Đức Như Lai.
Khi ấy, vị thợ Trời tâu với nhà vua:
–Công nghệ điêu luyện của tôi tuy nói là đệ nhất nhưng tạo hình tượng Phật thì hoàn toàn không thể trọn vẹn. Ví như có người dùng cục than vẽ mặt trời nói là giống, điều này không thật có. Giả như dùng vàng ròng để làm hình tượng Phật cũng như vậy. Có ngoại đạo Phạm chí tạo tất cả thế gian nhưng cũng không thể tạo hình tượng Phật với hết các tướng tốt. Nhưng công nghệ điêu luyện của tôi là hơn hết trong đời. Cho nên hôm nay tôi làm cho nhà vua. Sáng ngày mai, tức là ngày mồng tám tháng giêng, khi sao Phất-sa hợp với Tỳ-bà-ha-để xuất hiện lúc Đức Phật Đản sinh thì có ứng hiện. Ngày này tốt lành rất thích hợp để làm tượng.
Nói lời này rồi, vị ấy liền cầm cái búa đẵn cây, tiếng vang thấu đến cõi Tam thập tam thiên, đến chỗ Đức Phật. Nhờ thần lực của Phật tiếng vang đến chỗ nào mà chúng sinh nghe được thì tội cấu phiền não đều tiêu trừ. Bấy giờ, Đức Như Lai liền mỉm cười, khen ngợi vô số công đức của vị vua ấy, thậm chí từ xa thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, chủ cõi Tam thập tam thiên bạch:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay ở nhân gian có còn người nào mà ở kiếp trước đã từng làm tượng Phật không?
Đức Phật bảo:
–Này Thiên chủ! Những người trong các cõi mà đã từng làm hình tượng Phật, thì trong quá khứ đã giải thoát, trong cõi trời không có huống chi là nơi khác. Chỉ có cửa phía Bắc có con Tỳ-sa-môn là Na-lý-sa-bà, thuở xưa đã từng tạo hình tượng Bồ-tát, nhờ phước đức này cho nên đời sau được làm vua, tên là Tần-bà-sa-la. Lại nhờ được gặp ta, hôm nay được sinh lên cõi trời có thế lực lớn, vĩnh viễn xa lìa đường ác. Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Nan-đề Ca-diếp. Thuở xưa đã từng tu sửa giảng đường của Phật, nhờ nhân duyên này hoàn toàn được giải thoát. Kiều-phạm Bà-đề kiếp trước làm thân trâu tìm cỏ nước, quay quanh bên phải tinh xá ăn các thứ cỏ tre, nhờ thấy tôn dung của Đức Thế Tôn nên phát tâm hoan hỷ, nương vào phước ấy cho nên hôm nay được giải thoát. Thi-tỳ-la đã từng cầm lộng báu cúng dường tượng Phật. A-dật-lâu-đà chỉ thắp một cây đèn để cúng dường Phật. Thâu-tỳ-na đã từng quét dọn giảng đường của Phật. Abà-ma-na ở trước tượng Phật thắp đèn bố thí sự sáng sủa. Tỳ-kheo Nan-đà ưa thích, tôn trọng dung nghi của Phật, dùng hương thơm tắm rửa. Có vô lượng các bậc A-la-hán như vậy, đều đã từng ở trước tượng Phật đem vật mọn cúng dường. Cho đến hàng thấp nhất như Na-ca-bà-la, ngồi trước tượng Phật dùng một ít màu vàng, màu đỏ vẽ một hình tượng Phật để cúng dường. Nhờ phước đức này mà các vị ấy xa lìa sự đau khổ, được giải thoát. Này Thiên chủ! Nếu có người có thể đối với giáo pháp của ta khi chưa diệt hết, nên tạo hình tượng Phật thì ở trong hội đầu tiên của Phật Di-lặc được giải thoát. Nếu có chúng sinh chẳng phải vì mình mà cầu giải thoát cho đến muốn đạt được Vô thượng Bồ-đề mà tạo hình tượng Phật thì nên biết đây là nhân của ba mươi hai tướng, có thể làm cho người ấy mau được thành Phật.
Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên tự suy nghĩ: “Làm thế nào khiến cho việc ta tạo hình tượng Phật mau được thành tựu?” Suy nghĩ rồi, vua nói với người thợ mộc ấy:
–Ngươi có thể cố gắng thêm nữa, mau hoàn tất, để ta sớm được chiêm ngưỡng, lễ bái, cung kính.
Khi ấy, vị trời thợ mộc vận dụng công nghệ điêu luyện, chăm chú siêng năng ngay ngày ấy hoàn thành. Tượng ấy ngồi kiết già, chiều cao bảy thước, mặt và tay chân đều là màu hoàng kim.
Lúc ấy, vua Ưu-đà-diên thấy tượng đã thành tựu, tướng tốt trang nghiêm nên sinh lòng tin thanh tịnh đạt được nhẫn nhu thuận, đã được nhẫn này rồi càng thêm sự lợi ích vui mừng. Những nghiệp chướng và các phiền não đều được tiêu trừ. Ví như mặt trời vừa xuất hiện, thì sương mù đều tan mất, chỉ trừ một nghiệp mà thân đang chịu, vì đã từng đối với Thánh nhân phát ra lời nói ác.
Bấy giờ, nhà vua liền đem các vật châu báu ban thưởng cho vị thợ mộc trời ấy. Khi đó, vị thợ mộc trời liền cung kính, tâu với vua:
–Tâu bệ hạ, hôm nay, nhà vua tạo hình tượng Phật tâm tôi rất tùy hỷ, nguyện cùng với đại vương đồng tu tập phước này. Hôm nay, những vật mà nhà vua đã ban cho, tôi không dám thọ nhận, nếu cần đem cho thì đợi qua ngày tốt khác. Nói lời này rồi, liền trong đêm ấy bay trở lại cõi trời.
Bấy giờ, các nước lớn như vua A-xà-thế… trước đây đều có lòng ngưỡng mộ Đức Phật, nghe vua Ưu-đà-diên tạo hình tượng Phật, công đức đã thành tựu đều phát tâm vui mừng cùng đến chỗ vua, đem vô lượng hoa thơm cúng dường tượng Phật. Lại dùng vô số các vật châu báu dâng tặng cho nhà vua. Họ đều cảm tạ nói:
–Đại vương đã làm hình tượng Phật thật là điều hiếm có, có thể nhổ được mũi tên độc hại ưu sầu cho tôi.
Lúc đó, Đức Như Lai đang ở trong cõi trời ấy thuyết pháp cho mẹ và làm cho chúng chư Thiên đều được lợi ích, an vui. Những việc làm này đều đã làm xong. Phật bảo các chúng trời:
–Này Thiên tử! Chư Phật Thế Tôn là thân thường trụ, đối với các chúng sinh có thể độ được thì liền xuất hiện giáo hóa giảng nói giáo pháp, nếu việc đã làm xong, lại không còn ai có thể thọ nhận giáo pháp thì Như Lai không xuất hiện nữa. Người không trí tuệ cho rằng Đức Phật quả thật đã diệt độ. Pháp thân của Như Lai là thân thường trụ, thân chân thật không có diệt độ. Này các Thiên tử! Tất cả các pháp của chư Phật đều như vậy. Vì giáo hóa chúng sinh nên có hiện hoặc không hiện.
Bấy giờ, Đức Như Lai lại nói:
–Các ông nên biết, các vị chư Thiên đáng được hóa độ thì đều đã được độ rồi. Hôm nay, Như Lai sẽ trở lại cõi Diêm-phù-đề. Các ông chư Thiên nếu có nhớ ta thì phải siêng năng tinh tấn chớ có buông lung. Vì sao? Vì tội buông lung sẽ làm cho các ông không đạt được quả Vô thượng Bồ-đề. Nhưng các ông nhờ đời trước đã gieo trồng căn lành, hôm nay được ở đây thọ nhận sự vui sướng của cõi trời, lại tham đắm buông lung, không tu làm phước, thì các sự sung sướng này không thể thuận theo mãi, một khi đã bị tổn giảm thì đọa vào trong đường ác luân hồi. Lại nữa, chư Thiên các ông phiền não rất nặng, thấy có ai hơn mình lại sinh ganh ghét, chưa từng nghĩ rằng sự an vui thù thắng của vị trời ấy là nhờ cảm được rất nhiều phước nghiệp, nếu ta siêng năng tu tập, chắc chắn cũng được như vậy. Lại nữa, hôm nay các ông có ánh sáng của sắc thân như mặt trời mới mọc, nếu ôm tâm ganh ghét thì bị tối tăm giống như than cháy. Lại nữa, nó sẽ làm cho đọa vào địa ngục hắc ám, cho đến không thể thấy được lòng bàn tay của mình. Sau đó, các ông sẽ làm con quỷ ăn đồ nhơ uế. Lại nữa, chư Thiên các ông thọ các phước báo, thân tướng trang nghiêm thanh tịnh, oai lực dũng mãnh, do vì ganh ghét nên bị làm thân người nữa, vĩnh viễn bỏ mất cái năng lực mạnh mẽ của trượng phu. Này các Thiên tử! Ta nhớ lúc xưa có vô lượng các vị vua, đều bị tâm ganh ghét các ngươi, đã gây hại vô lý. Này các Thiên tử! Thuở xưa, có vị vua của loài A-tu-la tên là Ổ-la, tu hành khổ hạnh, giữ giới thanh tịnh, mà chư Thiên các ông, sai một Thiên nữ tên là Ổbà-thi làm mê hoặc tâm vị vua ấy, làm cho giảm bớt hạnh thanh tịnh. Vị vua ấy đã say đắm ô nhiễm, cho nên oai đức bị tổn giảm nên bị trời Na-la-diên sát hại và vô lượng chúng A-tu-la đồng thời bại diệt. Trời Na-la-diên ấy đã giết hại vị vua này. Sau khi giết chúng rồi, vị trời ấy liền thâu nhận Thiên nữ Ổ-bà-thi đem về cung trời. Lại có một vị vua tên là Na-ha-thọ, nghe lời chư Thiên các ông nói lời điên cuồng nên giúp cho các chư Thiên đi đánh dẹp A-tu-la. Sau khi đánh dẹp A-tu-la rồi, chư Thiên các ông lại giết hại vị vua ấy. Lại nữa, chư Thiên các ông vì phu nhân Xá-chi cho nên sinh giận dữ, ganh ghét, dèm pha, chê bai, làm cho Tiên nhân A-già-bà vô cớ bị chê bai nên khởi lên ý nguyện xấu ác. Lại nữa, chư Thiên các ông đã từng làm việc cuồng hoặc bảo vua Ê-trà rằng: “Chỗ của Tiên nhân có nhiều vàng.”
Nhà vua tin lời đó, ép buộc đưa ra, do đó Tiên nhân sinh tâm giận dữ, tức thì lửa cháy mạnh thiêu đốt giết vị vua ấy. Thuở xưa, lại có một vị vua tên là Đề-bà từng thiết lập đại hội để cúng dường. Nhờ phước nghiệp đó nên được oai đức tự tại, ở cõi trời hưởng thọ sự vui sướng cõi trời. Chư Thiên các ông có tâm ganh ghét, làm cho từ trên cõi trời Đao-lợi các ông thoái lui xuống cõi Diêm-phù-đề, thế lực đã có đều bị tan mất, như mặt trăng không có ánh sáng, như dòng sông không có nước. Này các Thiên tử! Ở đời, có người được oai đức tự tại hoặc đạt được các thiền định, hoặc đạt được thần thông, hoặc đã thành tựu bốn Thần túc… Nếu tâm họ khởi lên một niệm ganh ghét thì công đức này tức thời bị mất, giống như Đề-bà-đạt-đa ngu si sâu dày, mới đối với ta sinh tâm ganh ghét, tức thời bị mất năm thứ thần thông.
Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, con còn nghi ngờ, có điều muốn thưa hỏi. Làm thế nào gọi là ganh ghét.
Lại thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh thấy người khác hơn mình thì sinh tâm suy nghĩ: Làm thế nào khiến cho ta đạt được điều như của người ấy? Tâm như vậy gọi là ganh ghét chăng?
Phật bảo:
–Không phải. Đây gọi là tâm tham, không phải tâm ganh ghét.
Này Thiên chủ! Ganh ghét là do mình cầu danh lợi, không muốn người khác có. Đối với người đã có lại sinh tâm oán hận thì gọi là ganh ghét.
Lúc ấy, chúng chư Tiên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, quỳ gối chắp tay hướng về Đức Phật đảnh lễ, thưa:
–Thưa Thế Tôn! Đức Phật đã chỉ dạy, chư Thiên chúng con đều phụng hành. Như Lai, Thế Tôn là bậc cha, là vị chủ, là bậc tôn trọng, là bậc tối thắng, có tâm Từ bi đối với chúng con nên mới đến nơi này. Hôm nay, chư Thiên chúng con đều đạt được lợi ích nhưng sở nguyện của chúng con vẫn chưa viên mãn. Có một việc muốn thưa thỉnh Đức Như Lai.
–Bạch Thế Tôn! Người ở thế gian đối với chư Thiên chúng con có nhiều khinh mạn. Vì sao? Vì chư Phật, Như Lai sinh trong loài người, lại thành Chánh giác trong loài người, ở trong loài người có nhiều vị chứng đắc các quả vị A-la-hán. Các vị có oai đức lớn như Bích-chi-phật, lại xuất hiện trong nhân gian. Hôm nay, Như Lai nếu không ở lại nơi đây mà trở về cõi Diêm-phù-đề, người ở nhân gian cho là chư Thiên chúng con không biết Như Lai có oai đức lớn đáng được chư Thiên cúng dường như pháp. Họ lại cho chư Thiên chúng con không thể cúng dường chư Phật Thế Tôn. Nguyện xin Như Lai ở lại thời gian ngắn thọ nhận sự cúng dường nhỏ mọn của chúng con, làm cho nhân gian biết sự cúng dường chư Thiên chúng con đối với Đức Phật.
Lúc đó Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ, Đức Phật bảo tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
–Ông có thể trở về cõi Diêm-phù-đề trước, thăm hỏi bốn chúng, nói như vầy: Tất cả chúng sinh chớ nghĩ đến ta đều nên tập hợp ở nước Tăng-ca-thi, sau bảy ngày sẽ gặp ta.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đảnh lễ nơi chân Phật, đảnh lễ nơi chân Phật rồi, trong khoảnh khắc đến cõi Diêm-phù-đề, đem lời Đức Phật dặn bảo cho bốn chúng. Lúc ấy, vua Ưu-đà-diên và tất cả chúng sinh nghe Đức Phật nói lời này, thân tâm hết sức vui mừng, đều hết trừ các sầu não, được thanh tịnh.
Bấy giờ, bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều cùng nhau đi đến nước Tăng-ca-thi. Trước hết họ đều vâng tập trong thành Vương xá, bàn với nhau:
–Như Lai Thế Tôn trở về cõi Diêm-phù-đề, ai có thể được phép cung kính lễ bái trước? Đến đời vị lai giáo pháp diệt tận thường làm vị thượng thủ. Bấy giờ, Đại Ca-chiên-diên nghe lời nói này rồi, tâm không vui, sợ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni làm bậc Thượng thủ. Vì sao? Vì trong chúng ấy có hai vị Tỳ-kheo-ni là Ưu-ba-nan-đà và Liên Hoa Sắc có thể thông đạt hoàn hảo tạng pháp của chư Phật. Vì cả hai đã đạt được thần thông, chỉ trừ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ra không ai sánh bằng. Nghĩ như vậy rồi, họ dùng nhiều lời chê trách chúng Tỳkheo-ni.
Lúc đó, Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc bảo với chư ni rằng:
–Chư vị chúng ta đối với thế tục thường được tôn trọng, dù là người thuộc dòng họ thấp kém nhưng vẫn được người đàn ông cung kính, tôn trọng, phục vụ, cúng dường. Các Tỳ-kheo-ni ở trong giáo pháp của chư Phật thì phần nhiều cha mẹ, quyến thuộc đều thuộc dòng họ vua chúa, siêng năng giữ giới, không phạm oai nghi, đầy đủ các công đức nhưng vẫn lễ kính Tỳ-kheo mới thọ giới, mà nay lại bị Tôn giả Ca-chiên-diên dùng nhiều lời trách mắng. Vì các ngươi, ta bày các phương tiện, làm cho các Tỳ-kheo-ni vượt hơn ấy, nói lời này rồi, cùng bốn chúng liền đi đến thành Tăng-ca-thi.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, vua A-xà-thế và vua Nghiêm Xí… nước Tỳ-xá-ly đều dẫn bốn binh lính đi theo trước sau, dùng xe voi, xe ngựa có sức lực mạnh mẽ. Dùng vô số vật báu trang nghiêm, phướn, lọng, hoa thơm và các âm nhạc, oai nghi, dung mạo trang nghiêm giống như chư Thiên, đều cũng đến thành Tăng-ca-thi.
Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên chuẩn bị bốn binh lính đi theo hầu, xe voi trắng lớn trang hoàng bằng châu báu tự mình cỡi voi trắng lớn trang sức vật báu và đội tượng Phật vừa làm ra với hoa, phướn, âm nhạc đem theo cúng dường từ nước của mình hướng về thành Tăngca-thi.
Bấy giờ, trời Tỳ-thủ-yết-ma và chúng chư Thiên biết Đức Phật sắp trở về cõi Diêm-phù-đề nên làm ba con đường báu nối từ thành Tăng-ca-thi cho đến cõi trời Đao-lợi. Con đường ở giữa được làm bằng ngọc lưu ly. Đường hai bên đều làm bằng vàng ròng, dưới bước chân đi thì trải bằng bạc trắng, bảy báu của chư Thiên thì trang trí ở khoảng giữa.
Bấy giờ, Đế Thích sai sứ giả đi đến các trời Dạ-ma, Đâu-suấtđà, Hóa lạc, Tha hóa tự tại và đến cõi Phạm thế báo rằng:
–Như Lai chẳng bao lâu nữa sẽ trở về cõi Diêm-phù-đề, ai muốn cúng dường thì đem đến đây. Đế Thích lại sai sứ giả đến chỗ Tứ đại Thiên vương và những vị như vua rồng trong biển lớn, Cànthát-bà, Khẩn-na-la, Dạ-xoa… nói rằng:
–Hôm nay Đức Thế Tôn sắp trở lại cõi Diêm-phù-đề. Ai có thể đem các vật của mình đến đây cúng dường. Lúc ấy, chư Thiên sắp sửa trở về, tất cả chư Thiên trước sau vây quanh oai đức mạnh mẽ, ánh sáng rực rỡ, giống như trăng tròn giữa bầu trời có các vì sao bao quanh, giống như ánh sáng mặt trời mới mọc phát ra rực rỡ. Khi ấy, chúng hội của Phật cũng như vậy.
Bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề, nhờ oai thần của Đức Phật, có năm việc hy hữu:
- Làm cho chư Thiên không thấy đồ vật bất tịnh trong nhân gian.
- Làm cho các người nữ thấy Thiên nam thì không có dục tưởng.
- Cũng làm cho người nam thấy các Thiên nữ cũng không sinh tâm đắm nhiễm.
- Làm cho nhân gian từ xa nhìn thấy các loại cúng dường của chư Thiên.
- Thân của chư Thiên có ánh sáng trong suốt vi diệu mà người thường không nhìn thấy được nhưng nhờ thần lực của Đức Phật hiển bày rõ ràng đều có thể thấy được.
Khi Đức Thế Tôn từ cõi trời bắt đầu bước xuống bậc thềm báu thì Phạm vương ở bên tay phải cầm lọng trắng, Đế Thích bên tay trái cầm phất trần trắng, các chư Thiên khác đều nương vào hư không đi theo Đức Phật xuống. Cùng một lúc họ tấu lên vô số âm nhạc. Mỗi một người tự cầm cờ, phướn, lọng báu, rải hoa cúng dường, còn các vị trời ở cõi Tịnh cư đứng đầy hư không, có vô lượng trăm ngàn chư Thiên, thể nữ cầm chuỗi ngọc báu, tán thán công đức của Phật. Lại có chư Thiên ở giữa hư không mưa xuống vô số hương và vô số hoa, các rồng phun nước ra nước mưa nhỏ thơm. Lúc ấy, ở giữa hư không trong suốt sáng rực không có mây, vang lên tiếng sấm vi diệu người nghe đều ưa thích, thần Càn-thát-bà, thần Khẩnna-la tấu lên những khúc nhạc vi diệu của Đề-bà-na-ca, ca ngợi sự ra đời của Đức Như Lai. Lúc ấy, trong cõi Diêm-phù-đề, vua và thần dân cùng bốn chúng… vây quanh khắp thành Tăng-ca-thi, hoặc rải hoa thơm, hoặc cầm phướn lọng, thổi ốc tù và, vô số âm nhạc hướng về hư không để cúng dường chắp tay chiêm ngưỡng Đức Phật. Các loài hoa cõi trời, cõi người chen nhau rơi xuống, ngập đến đầu gối. Các chúng ngoại đạo thấy việc này đều phát tâm quy y đảnh lễ cung kính.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bước đi trên thềm báu dần dần đi xuống được nửa đường, có bốn chúng Thiên vương bày đồ cúng dường, lần cúng dường này rất thù thắng, từ trước đến nay chưa từng có.
Khi ấy, Đức Như Lai thọ nhận sự cúng dường của Thiên vương xong, cùng với đại chúng từ trên thềm báu bước xuống. Khi đến nơi bậc cuối sắp bước xuống mặt đất thì Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền biến thân hình mình làm Chuyển luân thánh vương thống lãnh bốn binh chủng, cầm bảy báu dẫn đường đi trước, từ hư không hạ xuống, nhanh chóng đến chỗ Đức Phật. Các quốc vương đều sinh ý nghĩ vị Chuyển luân vương này từ chỗ nào đến đây? Khi ấy, Tôn giả Tu Bồđề đang ở trong phòng của mình, thấy Đức Thế Tôn đi xuống, liền sửa y phục chỉnh tề, từ xa cúi mình đảnh lễ cung kính. Lúc ấy, Tỳkheo-ni Liên Hoa Sắc bỏ thân Chuyển luân vương trở lại thân hình như cũ, vôi vàng đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng vô số lời trách mắng, nói rằng:
–Hôm nay ngươi có biết không? Tu-bồ-đề đã đảnh lễ ta trước. Ngươi nghe lời ai chỉ dạy mà biến thành Chuyển luân vương dù ngươi xuất gia thọ giới Cụ túc, phần ấy đối với ngươi đã nhiều rồi nhưng trí tuệ thấp kém của ngươi thì giả dối vô biên, lòng Từ bi báo ân như một giọt sương móc, làm sao có thể ở trong giáo pháp của ta mà làm bậc Thượng thủ.
Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc nghe Đức Phật dạy sinh tâm hổ thẹn, thưa:
–Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay, con biết lỗi của mình không phải là ít. Từ nay trở về sau con không dám tái phạm biến hiện thần thông.
Bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề có quốc vương, đại thần và bốn chúng đều đã đem vô số đồ vật đến cúng dường lên Đức Thế Tôn. Lúc ấy trên đỉnh đầu vua Ưu-đà-diên đội một tượng Phật và các vật châu báu quý giá đến chỗ Đức Như Lai để cúng dường. Thân hình Phật tướng hảo đầy đủ trang nghiêm, sáng rực rỡ, ở giữa chư Thiên ví như mặt trăng tròn xa lìa các áng mây. Tượng Phật tạo đối với Đức Phật giống như đống cát lớn so với núi Tu-di không thể dụ được, nhưng có bối tóc xoắn ốc và viên ngọc ở giữa đôi chặng mày có hơi giống Đức Phật nên làm cho bốn chúng biết là tượng Phật.
Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên bạch:
–Bạch Thế Tôn! Quá khứ của Như Lai đã ở trong sinh tử, vì mong cầu đạo Bồ-đề cho nên tu hành vô lượng, vô biên khổ hạnh khó làm, đạt được thân vi diệu tối thượng này không ai sánh bằng. Con đã tạo hình tượng không giống Đức Phật, tự mình suy nghĩ là tội lỗi rất nặng.
Đức Thế Tôn bảo nhà vua:
–Chẳng phải là tội lỗi. Hôm nay, ngươi đã tạo hình tượng được vô lượng công đức, không ai sánh bằng ngươi, hôm nay ngươi đối với ta là người đầu tiên làm phép tắc trong Phật pháp. Do nhân duyên này cho nên làm vô lượng chúng sinh được lợi ích lớn, hôm nay ngươi đã đạt được vô lượng phước đức căn lành rộng lớn.
Lúc ấy, trời Đế Thích lại bảo nhà vua:
–Hôm nay, nhà vua đối với việc này chớ có lo sợ. Đức Như Lai, trước đây khi ở cõi trời, nay ở nhân gian này, đều khen ngợi công đức tạo hình tượng của nhà vua, các chư Thiên cũng đều hoan hỷ. Trong đời vị lai có người nào tin hiểu, nhờ nhà vua nên tạo hình tượng Phật thì nên đạt được phước báo. Hôm nay, nhà vua hết sức vui mừng.
KINH PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA TẠO TƯỢNG CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Đề-vân Bát-nhãn.
QUYỂN HẠ
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi trên tòa Sư tử nơi đạo tràng thuộc thành Tăng-ca-thi. Lúc ấy tâm của bốn chúng đều suy nghĩ: Chúng con nguyện Đức Như Lai diễn thuyết về công đức tạo hình tượng. Nếu có chúng sinh tạo hình tượng Phật, dù cho không giống thì được bao nhiêu phước?
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc biết được tâm niệm ấy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai bên phải, quỳ gối chắp tay bạch:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay vua Ưu-đà-diên làm hình tượng Phật, nếu Phật ở đời hoặc đã Niết-bàn, người có lòng tin có thể tạo theo tượng như vậy thì đạt được công đức. Nguyện xin Thế Tôn giảng nói rõ ràng về tướng ấy.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Ghi nhớ kỹ, ta sẽ giảng nói cho ông! Nếu thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, đối với công đức của Phật chuyên cần buộc niệm, luôn quan sát công đức tự tại của Như Lai, đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ đại Bi, trí của Nhất thiết trí, đủ ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp, mỗi mỗi lỗ chân lông đều có vô lượng màu ánh sáng sai khác, có trăm ngàn ức thứ công đức thành tựu trang nghiêm thù thắng, có vô lượng trí tuệ thông đạt sáng suốt, có vô lượng Tam-muội, vô lượng Pháp nhẫn, vô lượng Đà-la-ni, vô lượng Thần thông, có tất cả công đức như vậy đều không thể lường hết, xa lìa lỗi lầm không ai sánh bằng. Người này suy nghĩ kỹ như thế phát sinh lòng tin sâu xa, nương vào các tướng tốt để làm tượng Phật, công
đức rộng lớn vô lượng, vô biên không thể kể xiết.
Này Bồ-tát Di-lặc! Nếu có người đem các màu sắc trang sức vẽ trên tấm lụa, hoặc đúc bằng các loại vàng, bạc, đồng, sắc, chì, thiết, hoặc còn điêu khắc gỗ thơm chiên-đàn, hoặc bằng ngọc trân châu thêu dệt vào lụa trắng đủ năm màu, hoặc bằng đất đỏ, tro trắng, hoặc bùn hoặc gỗ, các vật như thế tùy theo năng lực của mình để làm tượng Phật, thậm chí nhỏ như một ngón tay cái, có thể làm cho người khác thấy biết là tôn dung Phật, thì phước báo của người ấy, ta sẽ giảng nói.
Này Bồ-tát Di-lặc! Người như vậy trong sinh tử tuy còn luân hồi, nhưng hoàn toàn không sinh vào nhà nghèo khổ thiếu thốn, không sinh vào nhà cõi biên địa thấp kém, gia đình cô quạnh, lại cũng không sinh vào những nhà làm nghề hung ác, buôn bán đắc giá, làm nghề mổ heo, cho đến không sinh vào nhà bần tiện làm nghề hèn hạ, giòng họ không trong sạch, ngoại đạo tà kiến khổ hạnh, ngoại trừ do năng lực phát nguyện ra đều không sinh vào nơi ấy. Người này luôn sinh ra nơi nhà Chuyển luân thánh vương, hoặc dòng họ có thế lực lớn, hoặc sinh vào nhà của Bà-la-môn tu hạnh thanh tịnh, hoặc nhà giàu có tự tại không có lỗi lầm, đã sinh vào những nơi ấy luôn gặp Đức Phật phụng sự cúng dường, hoặc được làm vua, có thể giữ gìn chánh pháp, đem chánh pháp giáo hóa cho người, không thực hành trái với đạo, hoặc cho Chuyển luân thánh vương, thành tựu bảy báu đầy đủ ngàn đứa con, như con chim đại bàng đi khắp bốn thiên hạ, đời sống tự do ưa thích vui cho đến khi qua đời; hoặc làm Đế Thích, vua Dạ-ma thiên, vua Đâu-suất thiên, vua Hóa lạc thiên, vua Tha hóa tự tại thiên, đều thọ nhận sự vui sướng của trời, người, phước báo như vậy nối nhau không gián đoạn, sinh ở nơi nào luôn làm bậc Trượng phu không thọ nhận thân người nữ, cũng không thọ thân Huỳnh môn nửa nam nửa nữ ty tiện, thọ nhận không có các điều xấu ác, mắt không mù lòa, chột, tai không điếc, mũi không cong quẹo, miệng không méo lệch, môi không trề ra, cũng không ngắn gãy, sần sùi, răng không thiếu gãy, không đen, không vàng, lưỡi không ngắn hẹp, trán không bướu nhọt, thân không gù lưng, nước da không xanh xao, tay không ngắn cụt, chân không đi cà thọt, không gầy ốm cũng không quá mập, không dài lắm, cũng không ngắn lắm, tất cả những tướng không đáng ưa này đều không thể có. Thân vị ấy đoan trang, mặt mày tròn trịa, tóc màu xanh biếc, mềm mại óng ánh, môi đỏ như trái Tần-bà, mắt như hoa sen xanh, tướng lưỡi dài rộng, răng trắng bằng khít, lời nói im dịu làm cho mọi người nghe đều ưa thích, cánh tay thon dài, bàn tay bằng phẳng, đùi chân tròn đầy, ngực rộng lớn, tay chân mềm mại như lụa Đâu-la, các tướng đầy đủ không chỗ nào khuyết giảm, như trời Na-la-diên có nhiều sức mạnh.
Này Bồ-tát Di-lặc! Ví như có người bị rơi vào hố nhà xí rồi được thoát ra sau đó dùng nước sạch tẩy rửa phân hôi thối, đem hương thơm xoa thân, mặc quần áo sạch sẽ. Người này sánh với người đang còn ở trong hầm xí vẫn chưa ra được thì sạch, nhơ, thơm, thối cách nhau như thế nào? Nhưng việc này cách xa không bao nhiêu. Nếu người nào ở trong sinh tử, có thể phát tâm tin hiểu tạo hình tượng Phật, so với lúc chưa tạo tượng thì cách xa nhau, cũng như vậy; nên biết người này sinh bất cứ ở nơi nào đều thanh tịnh trừ hết các nghiệp chướng, đối với tất cả các kỹ thuật không có thầy dạy mà vẫn tự biết rõ, dù sinh vào cõi người cũng đạt được sáu căn của cõi trời, nếu sinh vào cõi trời thì vượt hơn chúng trời, đã sinh vào nơi nào cũng không có bệnh tật, khổ đau, không có ghẻ lở, bệnh hủi, không có ung thư, không bị ma quỷ dựa nhập, không có điên cuồng, khô gầy, các bệnh dịch tả, sốt rét, táo bón, mụt nhọt mọc cả thân, thổ tả, kiết lị, ăn uống quá điều độ bị thương hàn, bại liệt nửa thân, cử đông đau đớn, có bốn trăm lẻ bốn thứ bênh lác như vậy, đều không có, cũng không bị thuốc độc, binh lính, hổ, sói, sư tử, nước lửa, giăc cướp, các duyên như vậy gây hại, thường đạt được an ổn, không phạm các tội.
Này Bồ-tát Di-lặc! Nếu có chúng sinh đời trước đã tạo nghiệp ác, cho nên phải thọ nhận vô số các việc khổ não, do đó nên bị gông cùm xiềng xích trói buộc, đanh đập, mắng chửi, thiêu, nướng, lột da, nhổ tóc, treo ngược lên cao, tậm chí hoặc bị phân ra từng khúc, nếu phát tâm tin hiểu tạo hình tượng của Phật, đều không phải bị như vậy, nếu giặc cướp phá hoại xâm lấn thành ấp, các tinh biến hóa những điều quỷ quái, đói khát, bệnh tật, ung dịch thì người ấy không sinh vào những chỗ như vậy. Nếu nói người sinh vào đó thì đây là không thật.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch:
–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai luôn giảng nói về thiện nghiệp và bất thiện đều không bị hoại mất. Nếu chúng sinh nào tạo các tội nặng thì sẽ sinh vào nhà dòng họ thấp hèn, nghèo cùng khốn khổ, bệnh tật hành hạ, mạng sống ngắn ngủi. Sau khi phát tâm tin hiểu tạo hình tượng Phật những tội báo này sẽ còn phải thọ lấy hay không?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Ông hãy lắng nghe! Ghi nhớ ta sẽ giảng nói cho ông. Nếu chúng sinh nào tạo các tội ấy rồi, phát tâm tạo hình tượng mong cầu thiết tha, bày tỏ ăn năn cương quyết chấm dứt hết, thề không có tái phạm thì tội đã tạo đều được tiêu diệt. Hôm nay ta vì ông mà giảng nói việc làm này rõ ràng.
Này Bồ-tát Di-lặc! Ví như có người đời trước keo kiệt, do nhân duyên đó mà chịu sự bần cùng khốn khổ, không có các thứ tài sản vật báu đắt giá. Bỗng nhiên, gặp vị Tỳ-kheo đang nhập Diệt tận định, rồi từ định ấy xuất ra, liền đem thức ăn uống cung kính cúng dường vị Tỳ-kheo ấy. Người này đã cúng dường rồi thì không bao giờ bần cùng khốn khổ nữa, phàm có mong cầu gì cũng đều được như ý của mình. Này Bồ-tát Di-lặc! Nghiệp ác đời trước của người bần cùng ấy đã tạo nhưng hiện tại được quả báo tốt là do đâu?
Bồ-tát Di-lặc thưa:
–Bạch Thế Tôn! Do cúng dường thức ăn cho nên nghiệp ác đời trước thảy đều tiêu diệt hết, vĩnh viễn xa lìa sự nghèo khổ, được giàu có đầy đủ.
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Như lời ông đã nói, nên biết người này cũng như vậy, do tạo hình tượng cho nên các nghiệp xấu ác ấy đều dứt sạch không còn sót, sự thọ nhận báo ứng thì không còn nhận nữa. Này Bồ-tát Di-lặc! Nghiệp có ba loại:
- Hiện thọ.
- Sinh thọ.
- Hậu thọ.
Ba loại nghiêp này, trong mỗi mỗi nghiệp đều có định và bất định. Nếu người tín tâm tạo hình tượng Phật thì chỉ có chịu định nghiệp của hiện tại một phần ít, ngoài ra đều không còn phải chịu.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai luôn giảng nói có năm loại nghiệp sâu nặng, chắc chắn phải đọa vào địa ngục Vô gián. Đó là tội giết cha, hại mẹ, giết A-la-hán, đem tâm ác nghịch làm thân Phật chảy máu, phá sự hòa hợp của Tăng chúng, nếu có chúng sinh đời trước đã tạo tội này đời sau đối với Đức Phật sinh tâm tin hiểu thanh tịnh, tạo hình tượng Phật, người này bị đọa vào địa ngục hay không đọa?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Hôm nay, ta sẽ giảng nói ví dụ này cho ông. Ví như có người tay cầm cung tên ở giữa rừng cây, bắn lên chiếc lá, mũi tên ấy xuyên suốt, chẳng bị trở ngại. Nếu có chúng sinh phạm tội nghịch này, đời sau tạo hình tượng Phật, thành tâm tỏ bày ăn năn đạt được “Vô căn tín”, ngã tưởng mỏng cạn thì tuy đọa vào địa ngục, liền được ra khỏi, như mũi tên không dừng lại, cũng như vậy. Lại nữa, như Tỳ-kheo đạt được Thần túc thông, từ bờ bên này đến bờ bên kia, xoay vòng khắp bốn châu, cũng không bị ngăn ngại, người này cũng vậy. Do tội đời trước đã phạm, tạm thời đọa vào địa ngục, không phải nghiệp đời trước làm chướng ngại hẳn.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thân của chư Phật Như Lai là pháp tánh, chẳng phải là sắc tướng, nếu lấy sắc tướng làm thân Phật thì Tỳ-kheo Nan-đà cùng Chuyển luân thánh vương đều sẽ thành Phật, vì đều đầy đủ các tướng tốt, hoặc có chúng sinh hủy hoại Pháp thân của Phật, chánh pháp nói không phải chánh pháp, không phải chánh pháp nói là chánh pháp, nhưng sau đó phát tâm tin hiểu tạo hình tượng Phật, thì tội nặng này được tiêu diệt hay không tiêu diệt?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Nếu chúng sinh ấy đối với chánh pháp nói chẳng phải là chánh pháp, không phải là chánh pháp nói là chánh pháp, tuy nói bằng miệng mà không phá chánh kiến, sau đó tin thích tạo hình tượng Phật, thì nghiệp ác trước đây chỉ ở nơi thân hiện tại thọ quả báo nhẹ, không đọa vào đường ác nhưng vẫn còn ở trong sinh tử chưa được giải thoát.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh trộm cướp vật trong chùa chiền hoặc trộm cướp vật của chúng Tăng, vật của Tăng bốn phương, hoặc của Tăng hiện tiền, tự mình lấy dùng, đem cho người khác, tưởng như vật của mình.
Bạch Thế Tôn! Đã thường giảng nói người dùng vật của chùa chiền, vật của chúng Tăng thì tội rất nặng, nhưng chúng sinh ấy tạo tội này rồi lại tự mình hết sức ăn năn hối hận, phát khởi tâm tin thanh tịnh mà tạo hình tượng Phật. Những tội như vậy có tiêu diệt không?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Nếu chúng sinh ấy đã từng dùng vật này, sau đó tự mình quán sát rõ ràng có lòng hổ thẹn bày tỏ ăn năn, tùy theo số ấy mà đền trả lại gấp bội, thề không dám trái phạm. Hôm nay ta sẽ nói rõ một ví dụ cho ông. Như có một người nghèo khổ, đời trước bị thiếu nợ nhiều, bỗng gặp được kho của cải có vô số vật báu, đem về trả hết nợ ấy rồi, mà của cải ấy vẫn còn dư. Nên biết người này cũng như vậy, đã trả gấp bội lần ấy. Lại nữa, tạo hình tượng Phật là thoát khỏi các nạn khổ đau, vĩnh viễn được an vui.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch:
–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã giảng nói ở trong giáo pháp của Phật, phạm Ba-la-di thì không còn được sống chung, hoặc có người đã tạo tội ấy rồi, nên phát tâm nhớ nghĩ công đức của chư Phật mà tạo hình tượng Phật, ở trong giáo pháp của Phật có được sống lại không? Lại nữa, trong đời sống này, được tái sinh lại lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư có chứng đắc được pháp chăng?
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Ví như có người thân bị năm dây trói ràng buộc, nếu được thoát ra như chim thoát ra khỏi lưới đến nơi an ổn không có ngăn ngại. Người này cũng vậy, nếu phát tâm tin hiểu mà nhớ nghĩ công đức của Phật, tạo hình tượng Phật, tất cả nghiệp chướng đều được tiêu trừ, ở trong sinh tử được thoát ra một cách mau chóng không bị chướng ngại. Bồ-tát Di-lặc nên biết! Xe có ba loại: Đó là xe của hàng Thanh văn, xe của hàng Độc giác, xe của chư Phật, người này thích nương vào xe nào thì phát khởi nguyện đó, liền nhờ xe đó mà được giải thoát, nếu chỉ cầu thành Phật mà không cầu quả báo gì khác thì tuy có tội chướng nặng vẫn mau được diệt trừ; tuy ở trong sinh tử mà không bị khổ nạn, cho đến sẽ được chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Đạt được cõi thanh tịnh đầy đủ các tướng tốt, mạng sống và tuổi thọ được lâu dài.
Bấy giờ, ở trong hội chúng những người chưa phát tâm Đại thừa, đều sinh tâm nggi ngờ: Thời quá khứ Như Lai có tạo hình tượng Phật hay chưa tạo hình tượng Phật? Giả như đã tạo thì tại sao tuổi thọ sống có giới hạn, có bệnh tật, có khổ đau như thế? Ở trong cõi nước có nhiều thứ nhơ bẩn không được sạch sẽ.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nương theo oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con thấy các căn tướng tốt của Như Lai và các dòng họ đều là đệ nhất nên tâm đã chắc chắn không có điều gì nghi ngờ. Nhưng có lúc Đức Thế Tôn đã từng bị mảnh ván gỗ làm chân Phật bị thương. Lại có lúc bị Đề-bà-đạt-đa trên núi xô đá xuống làm chân Phật chảy máu, trước đây cũng có lúc Ngài nói có bệnh, sai Kỳ-bà-điều lấy thuốc chữa bệnh kiết lị, lại có lúc từng bị bệnh đau lưng, bảo Đại Ca-diếp tụng bảy lần pháp Bồ-đề phần để dứt trừ sự đau khổ ấy. lại có lúc từng có các bệnh hoạn, sai A-nanđà đến nhà Bà-la-môn xin sữa bò, cũng có lúc trong thôn Bà-la-môn an cư ba tháng chỉ ăn lúa của ngựa ăn, lại có lúc đi khất thực mang bát không trở về. Như Thế Tôn nói: Nếu có người nào tạo hình tượng Phật thì các nghiệp chướng đã tạo đều được tiêu diệt, xa lìa các khổ não, không còn có bệnh tật. Đức Thế Tôn đời trước đã từng tạo tượng hay không? Nếu ở đời trước đã từng tạo tượng Phật, vậy vì sao lại có những việc như vậy?
Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
–Hãy lắng nghe, lắng nghe! Ghi nhớ kỹ, Như Lai sẽ giảng nói rõ ràng cho Đại vương!
Này Đại vương! Ta ở đời trước vì mong cầu quả Bồ-đề, đem các vật báu bằng gỗ chiên-đàn họa vẽ tạo hình tượng Phật, vô số lượng ấy nhiều hơn trời người ở trong hội này, nhờ phước đức ấy, tuy ở trong sinh tử chưa dứt hết các hoặc nghiệp nhưng đã thọ thân vững chắc, giống như Kim cang không bị tổn hoại. Này Đại vương! Ta nhớ ở trong quá khứ vô lượng kiếp sinh tử đã tạo hình tượng Phật. Lúc ấy, tuy vẫn còn tham lam giận dữ, vô lượng phiền não xen lẫn, nhưng ta chưa từng lúc nào bị các nghiệp bệnh khổ, bốn đại không điều hòa và quỷ thần xấu ác, các vật cần dùng luôn luôn đầy đủ. Huống chi ngày nay, ta đã chứng đắc Vô thượng Bồ-đề mà còn có việc không vừa ý như vậy hay sao?
Này Đại vương! Nếu xưa kia ta đã tạo hình tượng Phật, nay còn chút dư nghiệp để thọ quả báo này thì làm sao ta tuyên bố bằng lời không sợ hãi rằng tạo hình tượng Phật chắc chắn có thể dứt hết các nghiệp ác.
Này Đại vương! Ở trong quá khứ ta đã bố thí vô lượng thức ăn uống, của báu. Vì sao hôm nay đi khất thực xin không được nên ăn lúa của ngựa. Nếu việc hôm nay có thật. Vì sao ta trong vô lượng kinh điển khen ngợi vô số Bố thí ba-la-mật? Giảng nói phước nghiệp ấy hoàn toàn có kết quả tốt. Này Đại vương! Ta là người nói lời chân thật, không nói lời dối, nếu ta mà nói dối thì người khác như thế nào? Này Đại vương! Từ lâu ta đã đoạn dứt nghiệp ác, đã xả bỏ những việc khó bỏ, có thể thực hành những điều khó làm, đã xả bỏ thân mạng qua hơn bảy trăm ngàn ức kiếp, đã tạo vô lượng hình tượng chư Phật, đã sám hối vô lượng các tội ác nghiệp báo, làm sao có thể bị nhưng việc như chê bai, thương tích, đau khổ, bệnh tật, đói khát và ăn lúa của ngựa? Nếu đã từng chứng đắc hôm nay lại thoái lui thì cần gì siêng năng tu tập các phước thiện này? Này Đại vương! Pháp thân thường trụ của chư Phật Như Lai, vì độ thoát chúng sinh cho nên hiện ra việc này mà chẳng phải là sự thật, bị thương ở chân, đau lưng, xin sữa uống thuốc cho đến Niết-bàn, phân chia xá-lợi lưu truyền xây dựng tháp đều là phương tiện quyền xảo của Như Lai nên làm cho các chúng sinh thấy tướng như vậy.
Này Đại vương! Ở trong thế gian, ta hiện ra các việc bệnh hoạn như vậy nhằm chỉ dạy nghiệp báo không mất của chúng sinh, làm cho họ lo sợ, để đoạn trừ các tội lỗi, tu tập các hạnh lành, nhưng sau đó biết rõ thân là thường còn, Pháp thân, tuổi thọ mạng sống không có giới hạn, ở nước thanh tịnh.
Này Đại vương! Chư Phật Như Lai không có hư vọng, đại Bi thuần nhất, trí tuệ thiện xảo, cho nên có thể dùng vô số sự thị hiện như vậy.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nghe lời nói này rồi hết sức vui mừng, cùng vô lượng trăm ngàn chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Bồđề.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc bạch:
–Bạch Thế Tôn! Có những người nữ, ý chí nhỏ hẹp, phần nhiều ôm lòng ganh ghét, sân giận, xem nhẹ, dua nịnh, còn ân hận không xả bỏ, nhận biết ân mà không báo đáp, dù mong cầu Bồ-đề những không thể bền chắc, luôn tham muốn, mê hoặc tất cả chúng sinh, cũng làm mê hoặc người khác.
Bạch Thế Tôn! Nếu người nữ này tạo hình tượng Phật, các nghiệp như vậy có được tiêu trừ không? Đời vị lai có được làm người nam mạnh mẽ mong cầu quả Phật không? Đối với pháp sinh tử có thể nhàm chán xa lìa không? Nếu không vì duyên nguyện lực thì sẽ không thọ thân người nữ như Cù-đàm-di và phu nhân Ma-gia mẹ của Phật không?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Nếu có người nữ nào có thể tạo hình tượng của Phật thì vĩnh viễn không còn thọ thân người nữ nữa, giả sử có thọ thân ấy, thì làm người nữ báu tôn quý đệ nhất. Các người nữ có năm thứ đức, nhưng người nữ này thì vượt hơn những người nữ kia. Những gì là năm?
- Mang thai sinh con.
- Dòng họ giàu có.
- Bản tánh lương thiện.
- Thân hình thể chất đặc biệt.
- Dáng dấp xinh đẹp.
Này Bồ-tát Di-lặc! Tất cả người nữ có loại nhân duyên nên luôn làm thân người nữ. Những gì là tám?
- Ưa thích thân người nữ.
- Tham muốn về dục của người nữ.
- Miệng luôn khen ngợi dung mạo đẹp đẽ của người nữ.
- Tâm không chánh trực che giấu các hành động.
- Chán thân chồng mình.
- Nhớ đến người khác.
- Biết người có ân với mình nhưng mình vẫn phản bội.
- Tà ngụy trau chuốt nhằm mê hoặc người khác.
Nếu ai có thể vĩnh viễn đọa dứt tám việc này mà tạo hình tượng Phật thì cho đến thành Phật, luôn được làm bậc Trượng phu, nếu thọ lại thân nữ thì điều ấy không thật có.
Này Di-lặc! Có bốn loại nhân duyên làm cho người nam thọ thân người nữ. Những gì là bốn?
- Giả tiếng người nữ, cười cợt gọi chư Phật, các Bồ-tát và tất cả Thánh nhân.
- Đối với người nữ giữ giới thanh tịnh đem tâm chê bai nói là phạm giới.
- Ưa thích việc dua nịnh làm dối trá mọi người.
- Thấy người khác hơn mình sinh tâm ganh ghét.
Nếu có người nam làm bốn việc này thì sau khi mạng chung chắc chắn thọ thân người nữ, lại còn trải qua vô lượng các đường ác khổ đau. Nếu họ phát tâm tin hiểu sâu xa, bày tỏ ăn năn những gì trước đây đã làm, mà tạo hình tượng Phật thì tội ấy đều được tiêu diệt, nhất định không thọ quả báo người nữ.
Này Di-lặc! Có bốn loại nhân duyên, khiến cho các người nam
thọ thân huỳnh môn. Những gì là bốn?
- Giết hại người khác, cho đến loài súc sinh.
- Giữ giới Sa-môn mà giận dữ, cười chê, hủy báng.
- Tâm tánh phần nhiều là tham dục, cho nên tâm phạm giới.
- Gần gũi với người phạm giới còn bảo người khác phạm giới.
Có người nam nào đời trước đã làm việc này, sau đó phát tâm tin hiểu tạo hình tượng Phật, cho đến khi thành Phật, không thọ quả báo này, luôn làm bậc Trượng phu các căn đều đủ.
Này Di-lặc! Có bốn loại nghiệp có thể làm cho người nam thọ thân hai hình trong tất cả loài người, làm người thấp hèn nhất. Những gì là bốn?
- Đối với nơi tôn trọng cung kính gây nhơ uế.
- Đối với thân người nam, đắm nhiễm nơi phi xứ.
- Đối với thân mình làm việc dâm dục.
- Buôn bán gái cho người khác.
Nếu những chúng sinh đã từng làm việc này, tự mình hối hận tỏ bày ăn năn trước đây đã sai phạm, khởi tâm tin thanh tịnh tạo hình tượng Phật và đến khi thành Phật, không thọ thân này.
Này Di-lặc! Lại có bốn duyên làm cho tâm của những người nam, luôn sinh tâm ưa muốn sự ái dục như người nữ, ưa thích người khác đối với mình làm việc của người nam. Những gì là bốn?
- Hoặc hiềm khích, hoặc giễu cợt, hủy báng đối với người khác.
- Thích làm người nữ mặc quần áo lộng lẫy.
- Gần gũi với người nữ bà con mà làm điều dâm dật.
- Quả thật không có phước đức mà nhận người lễ bái.
Vì nhân duyên này làm cho các người nam khởi lên phiền não khác biệt như vậy, nếu tỏ bày ăn năn những tội trước đây đã phạm, không dám tạo tội mới, sinh tâm tin thích tạo hình tượng Phật, tội ấy đã diệt thì tâm này cũng chấm dứt.
Này Bồ-tát Di-lặc! Có năm thứ keo kiết có thể làm hủy hoại chúng sinh. Những gì là năm?
- Keo kiết đối với chỗ ở làng xóm, do đó sinh vào chốn hoang vắng.
- Keo kiết chỗ ở, nhà cửa, nên phải làm côn trùng luôn ở trong phân nhơ.
- Tham tiếc sắc đẹp đoan trang, phải cảm nhận thân hình xấu xí, vô tri.
- Keo kiết của cải giàu có, sẽ thọ nhận sự bần cùng, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc.
- Keo kiết đối với pháp đã hiểu biết, sẽ thọ nhận quả báo ngu đần của loài súc sinh, nếu tỏ bày ăn năn nghiệp đời trước của mình mà tạo hình tượng Phật, thì vĩnh viễn xa lìa tâm keo kiết trước đây đã có.
Này Bồ-tát Di-lặc! Lại có năm loại duyên, làm cho các chúng sinh sinh vào nơi biên địa và chỗ không có Phật pháp. Những gì là năm?
- Đối với Tam bảo là ruộng phước lành không tin thanh tịnh.
- Trái với sự thật, ngược với lý lẽ, thực hành sai lầm theo lời dạy.
- Sự không đúng như lý mà đem trao truyền.
- Phá sự hòa hợp của chúng Tăng làm cho thành hai bộ.
- Thậm chí ít nhất làm cho hai Tỳ-kheo, không hòa hợp.
Nếu vĩnh viễn đoạn dứt nghiệp này, tạo hình tượng Phật thì luôn gặp Đức Phật và thường nghe chánh pháp.
Này Bồ-tát Di-lặc! Chúng sinh có năm loại nhân duyên, thường bị người chán ghét, xua đuổi, thậm chí người chí thân cũng không thích gặp. Những gì là năm?
- Hai lưỡi.
- Ác khẩu.
- Nhiều tranh cãi.
- Nhiều giận dữ.
- Lời nói khéo léo nhưng để hủy báng.
Sau đó, nếu phát tâm tạo hình tượng Phật, ăn năn hối cãi nghiệp ác đời trước, thề không dám làm những tội đã tạo thì được trừ diệt, làm cho tất cả mọi người ưa thích cung kính. Vì sao? Vì chư Phật có vô lượng, vô biên phước đức thù thắng, vô lượng, vô biên đại trí tuệ, vô lượng, vô biên Tam-muội giải thoát, vô số pháp công đức hiếm có.
Này thiện nam! Giả sử có người mang tam thiên đại thiên cõi nước nghiền thành vi trần, lại đập vụn từng hạt vi trần ấy. Vi trần của tam thiên đại thiên cõi nước và có số vi trần của tam thiên đại thiên cõi nước như vậy, nếu như có người lấy một hạt vi trần ấy, bằng diệu lực Thần thông đi đến phương Đông, trong khoảng một sát-na vượt qua hai lần, ba lần số tam thiên đại thiên cõi nước nhiều như số vi trần ấy, mỗi sát-na sau đó cũng đều như vậy, cho đến tận cùng kiếp số như số vi trần ấy, trong những kiếp đó, có bao nhiêu sát-na, mỗi một sát-na đều là một kiếp, trải qua nhiều kiếp sát-na sát-na như vậy, đều vượt qua như trước, vượt qua bằng số vi trần của tam thiên đại thiên cõi nước, mới thả một vi trần người này trở lại lấy một hạt vi trần, rồi đi đến phương Đông vượt qua gấp đôi lần trước, thả hạt vi trần đó trở lại, cho đến vi trần của lần thứ ba thì nhiều hơn lần thứ hai, lần lượt như vậy nhiều gấp bội số lần trước, cho đến hết số vi trần nghiền nát này.
Như nói phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc cũng đều như vậy những chỗ mà người này đã trải qua trong bốn phương, tất cả cõi nước nhiều như số vi trần. Các vi trần này tất cả chúng sinh cùng nhau tính toán đo lường cũng có thể biết hết. Nhưng với thân của Như Lai, công đức ở mỗi một lỗ chân lông thì không thể biết hết. Vì sao? Vì công đức của chư Phật Như Lai không có hạn lượng, không thể nghĩ bàn.
Này thiện nam! Giả sử trí tuệ của Xá-lợi-phất nhiều như những số vi trần như trước, nhưng vẫn không bằng trí trong một niệm của Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai ở trong mỗi niệm có thể phóng ra Tammuội, Giải thoát, Tổng trì… hơn số vi trần như trước, vô số, vô lượng công đức thù thắng. Công đức của chư Phật đối với tất cả Thanh văn và Bích-chi-phật cũng không thể biết được danh tự ấy cho nên nếu có lòng tin thanh tịnh tạo hình tượng Phật thì tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, đạt được công đức vô lượng, vô biên, thậm chí sẽ thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhổ sạch tất cả khổ não của chúng sinh. Đức Phật giảng nói kinh này rồi, Bồ-tát Di-lặc, chư Thiên cõi Tam thập tam, vua Ưu-đà-diên, tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà… nghe Đức Phật đã giảng nói, đều hết sức vui mừng tin hiểu phụng hành.