KINH ÐẠI THỪA PHƯƠNG QUẢNG TỔNG TRÌ
Hán dịch: Đời Dao Tần, Tam tạng Đàm-ma-gia-đà-da-xá.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật cùng sáu vạn hai ngàn đại Tỳ-kheo, tám vạn ức Đại Bồ-tát và sáu mươi ức Ưu-bà-tắc với trăm ngàn người Ma-gia-đà ở núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương xá.

Bấy giờ, sau khi an cư, Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, đang nhập vào Tam-muội như pháp. Khi ấy, cả tam thiên đại thiên thế giới đều được trang hoàng bằng phướn lọng, treo cờ rực rỡ, an trí các bình hương báu, hương xoa, khắp nơi đều có hoa sen ngàn cánh. Ở tam thiên đại thiên thế giới có trăm ngàn ức chúng cùng các Phạm thiên vương và trăm ngàn ức quyến thuộc đều đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.

Lại có trăm ngàn ức Thiên tử Tịnh cư, Thiên tử Tự tại, Thiên tử Đại Tự tại, chúa Rồng, chúa Dạ-xoa, chúa A-tu-la, chúa Ca-lầu-la, chúa Khẩn-na-la, chúa Ma-hầu-la-già đều cùng với trăm ngàn ức quyến thuộc đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.

Khi ấy, các Đại Bồ-tát có đại oai đức nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương đều đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới cho đến cõi Hữu đảnh đều có các đại chúng đầy cả không gian, không còn chỗ trống. Ngoài ra còn có Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-na-già đều có đủ oai lực lớn cùng đến vân tập.

Bấy giờ, Thế Tôn xuất định, bằng chánh niệm hiện tiền, quan sát đại chúng, rồi Chuyển động toàn thân ba lần như chúa Sư tử. Từ miệng Thế Tôn hiện tướng lưỡi rộng dài, che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Hiện phép thần thông rồi, Đức Phật lại quan sát đại chúng.

Khi ấy tất cả đại chúng rời chỗ ngồi chắp tay làm lễ xong, đứng im lặng. Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Di-Lặc:

–Này A-dật-đa! Không bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Hiện nay ở trong giáo pháp còn có chỗ nào đáng nghi ngờ, nếu ông muốn hỏi, ta sẽ giải đáp cho. Bây giờ là đúng lúc. Sau khi ta diệt độ, chẳng còn lo buồn nữa.

Đại Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:

–Xin Thế Tôn cho biết, đã đúng lúc, Thế Tôn đã thấu suốt các pháp xin hãy tuyên thuyết để Pháp nhãn được tồn tại ở đời.

Khi ấy trong hội chúng có Thiên tử Đại Tự tại và tám mươi ức thiên tử ở cõi trời Tịnh cư cùng với quyến thuộc đi quanh Phật trăm ngàn vòng, rồi đảnh lễ dưới chân, chắp tay, cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Pháp môn Đại thừa Phương quảng Tổng trì này, chư Phật quá khứ đã từng tuyên thuyết. Ngày nay, xin Đức Thế Tôn diễn nói để làm lợi ích an lạc cho vô lượng trời, người, làm cho Phật pháp được tồn tại ở đời.

Đức Phật im lặng chấp thuận. Biết Đức Phật đã bằng lòng, Thiên tử Đại Tự tại rất vui mừng, chắp tay lễ Phật rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

–Này A-dật-đa! Pháp môn Đại thừa Phương quảng Tổng trì này không phải chỉ mình ta nói mà vô lượng chư Phật quá khứ, hiện tại, tương lai khắp mười phương cũng thường tuyên thuyết. Đối với giáo pháp của Như Lai đã tuyên thuyết, chúng sinh nào nói chẳng phải lời Phật dạy và phỉ báng Pháp, Tăng thì người ấy sẽ đọa vào đường ác, chịu khổ ở địa ngục.

Này A-dật-đa! Đối với kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì này, người nào thọ trì đọc tụng giảng dạy cho người khác thì người ấy không đọa vào đường ác.

Này A-dật-đa! Từ đêm thành đạo cho đến lúc sắp nhập Niếtbàn, trong khoảng thời gian ấy thân, khẩu, ý của Như Lai về hành động, lời nói, ý niệm tư duy có sai lầm và khởi nghiệp ác không?

Bồ-tát Di-lặc thưa:

–Bạch Thế Tôn, không có!

Đức Phật bảo:

–Như lời ông đã nói, từ khi thành đạo cho đến lúc sắp nhập Niết-bàn, trong khoảng thời gian ấy, những lời ta giảng thuyết đều chân thật, không có hư dối. Người ngu nào không hiểu rõ những lời dạy bằng phương tiện của Như Lai nên họ nói: “Pháp ấy như vậy, pháp ấy không như vậy.” Do đó, họ phỉ báng Chánh pháp, Phật và Bồ-tát. Ta nói bọn người ấy đang đi đến địa ngục.

Phật dạy:

–Này A-dật-đa! Sau khi ta diệt độ, ở trong đời ác trăm trược, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di chẳng phải là Bồtát mà xưng là Bồ-tát, bọn ấy là ngoại đạo. Người ấy quá khứ đã phát nguyện cúng dường chư Phật nên được xuất gia trong giới Phật pháp, nhưng đi đến đâu cũng kết làm bà con, bạn bè để mong cầu lợi dưỡng, hành động phóng túng ô uế làm mất tín tâm của người, gây ra những hành vi xấu ác, không tự kiềm chế, không tự ngăn ngừa, tham cầu lợi dưỡng, đối với tất cả pháp môn và các việc sinh ra Tam-muội kiên cố đều xa lìa, thật không có hiểu biết, sống trong nịnh bợ, miệng nói lời kỳ lạ, thân làm việc kỳ lạ.

Này A-dật-đa! Đạo giác ngộ của ta đối với tất cả chúng sinh đều bình đẳng an trú đại Bi, biết cách dùng phương tiện chánh niệm không quên. Như Lai an trú trong năng lực không gì sánh bằng, nên thuyết pháp không có chướng ngại. Chúng sinh nào nói như vầy: “Những kinh điển Phật thuyết cho Thanh văn, thì hàng Bồ-tát… không nên lắng nghe, thọ trì, không nên học tập. Đây chẳng phải chánh pháp, chẳng phải chánh đạo. Đối với pháp Bíchchi-phật cũng không nên học.”

Lại có người nói: “Pháp tu hành của Bồ-tát, thì Thanh văn không nên học, cũng không nên lắng nghe, thọ trì. Pháp Bích-chiphật cũng như vầy.”

Lại có người nói: “Những lời dạy của Bồ-tát thì Thanh văn, Bích-chi-phật không nên lắng nghe, thọ trì” lời nói và hành động của họ trái nghịch nhau, không hợp với kinh điển, đối với lời nói đúng như thật và pháp chân giải thoát thì họ không tin, thọ trì. Người nào nương theo pháp ấy thì không được sinh lên cõi trời huống chi là giải thoát.

Này A-dật-đa! Ta tùy theo tín tâm của họ mà thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh nhiều như cát sông Hằng.

Này A-dật-đa! Ta muốn đi khắp mười phương thế giới tùy thuận thuyết pháp để làm lợi ích cho chúng sinh, không vì hạng chẳng phải thật chẳng phải là Bồ-tát mà giả làm tướng Bồ-tát, cũng không vì người độc ác, dối trá, trí kém, nói hai lời ở trong giáo pháp của ta. Người nói hai lời ấy, hoặc nói như vầy: “Điều này Bồ-tát nên học, điều này Bồ-tát không nên học”, phỉ báng Tam bảo. Người này khi chết sẽ đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn ức kiếp không ra khỏi được. Ví như được ra khỏi địa ngục thì sinh vào nhà bần cùng. Sau này, khi được thọ ký cũng phải thành Phật trong đời ác ngũ trược, cũng như ta ngày nay được thành Phật trong đời ác ngũ trược. Vì lý do này, ông nên lắng nghe, tin hiểu: tùy thuận theo hành động kẻ ác là như vậy.

Này A-dật-đa! Ta nhớ về quá khứ vô số kiếp, lúc ấy có Đức Phật hiệu là Vô Cấu Xưng Khởi Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời. Đức Phật ấy sống lâu tám vạn na-do-tha năm để thuyết pháp cho chúng sinh. Lúc ấy, trong giáo pháp của Đức Phật Vô Cấu Diệm Xưng Khởi Vương có Tỳ-kheo tên là Tịnh Mạng thọ trì các kinh gồm bốn mươi ức bộ và sáu trăm vạn bộ kinh Đại thừa, làm vị đại Pháp sư, lời nói trong sáng, rõ ràng, biện luận thông suốt, làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh bằng cách dạy bảo làm lợi ích cho họ.

Bấy giờ Đức Phật Vô Cấu Diệm Xưng Khởi Vương sắp vào Niết-bàn liền bảo Tỳ-kheo Tịnh Mạng: “Vào đời tương lai, ông sẽ hộ trì con mắt chánh pháp của ta.”

Tịnh Mạng vâng lời dạy của Phật. Sau khi Phật diệt độ, ở trong ngàn vạn năm thường giữ gìn, lưu truyền Pháp tạng bí mật của Như Lai. Ở phương này đối với pháp môn Phương tiện Tổng trì thường thọ trì đọc tụng, giải nghĩa. Đối với chúng sinh trong tám vạn thành ở thế giới kia thường tùy theo sự mong muốn của họ mà giải thuyết. Bấy giờ, có một thành lớn tên là Bạt-đà. Thành ấy có tám mươi ức nhà cửa, Tỳ-khoe Tịnh Mạng tùy thuận sự mong muốn của họ để thuyết pháp. Tám mươi ức người được tín tâm thanh tịnh, một ức người an trụ nơi đạo Bồ-đề, bảy mươi chín ức người an trụ thừa Thanh văn mà được giáo hóa thuần thục.

Bấy giờ, Pháp sư Tịnh Mạng và mười ngàn Tỳ-kheo cùng đi với nhau tu hạnh Bồ-đề. Khi ấy, trong thành Bạt-đà có Tỳ-kheo Đạtma thọ trì ngàn bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng đã đắc bốn Thiền. Vị ấy chỉ dùng pháp không Phương quảng để giáo hóa chúng sinh trong thành kia chứ không dùng phương tiện khéo léo, tùy thuận sự mong muốn của chúng sinh mà thuyết pháp.

Tỳ-kheo Đạt-ma dạy: Tất cả các pháp đều vắng lặng. Pháp ta thuyết giảng đúng lời Phật dạy. Lời dạy của Tỳ-kheo Tịnh Mạng kia là pháp tạp nhạp, bất tịnh. Tỳ-kheo này chẳng phải Tịnh Mạng mà xưng Tịnh Mạng. Vì sao? Vì Tỳ-kheo này nhận các vòng hoa không đem cúng dường mà tự sử dụng. Đối với hương xoa, hương bột cũng như vậy. Tỳ-kheo Tịnh Mạng ngu si, vô trí không biết ta đã tu phạm hạnh từ lâu. Vị ấy còn trẻ xuất gia chưa được bao lâu, không có tín tâm, ngã mạn, sống buông lung. Người này vì không hiểu nên cho Tịnh Mạng là Tỳ-kheo giữ giới.

Thuở ấy, Tỳ-kheo Đạt-ma bằng tâm đôc ác phỉ báng Tỳ-kheo trì giới nên sau khi chết bị đọa vào địa ngục, chịu khổ trong bảy mươi kiếp, hết khổ địa ngục lại đọa vào loài súc sinh, trải qua sáu mươi kiếp mới được gặp Đức Phật Hương Bảo Quang, dạy phát tâm Bồ-đề ở trong giáo pháp của Phật, trong chín vạn đời sinh trong loài súc sinh, hết kiếp súc sinh được sinh làm người, trải qua sáu vạn đời chịu bần cùng, hạ tiện, sinh ra thường không có lưỡi. Tỳ-kheo Tịnh Mạng tín tâm thanh tịnh đối với các pháp thường thuyết pháp cho mọi người. Sau đó, được gặp sáu mươi ba na-do-tha Đức Phật, Tỳkheo Tịnh Mạng thường làm Pháp sư có đủ năm thứ thần thông, thỉnh Phật Chuyển pháp luân vi-diệu.

Này A-dật-đa! Ông nên biết Tỳ-kheo Tịnh Mạng xưa kia đâu phải người nào lạ nay chính là Phật A-di-đà, còn Tỳ-kheo Đạt-ma chính là Như Lai. Do quá khứ ta ngu si, vô trí, hủy báng người khác nên chịu đau khổ như vậy. Vì nghiệp ấy nên ta thành Phật trong đời ác năm trược.

Này A-dật-đa! Bồ-tát nào ở trong giáo pháp của Như Lai mà nói hai lời, do đó sẽ thành Phật trong đời ác năm trược. Cõi Phật ấy có nhiều ma ác thường làm trở ngại trong lúc thuyết pháp.

Sau khi nghe lời Phật dạy, đại chúng đều than khóc bi thảm, rồi cùng nhau phát nguyện: “Ở trong Phật pháp, chúng con không nói hai lời như Tỳ-kheo Đạt-ma.”

Lúc ấy, trong chúng hội có trăm vị Bồ-tát đứng dậy, quỳ gối, buồn thảm rơi lệ. Đức Phật biết rồi mà vẫn hỏi:

–Vì sao các ông buồn thảm như vậy?

Các vị Bồ-tát đồng thanh thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con biết mình cũng có nghiệp ác như vậy.

Đức Phật dạy:

–Đúng thế, đúng thế! Vào thời quá khứ các ông đã xuất gia tu hành trong giáo pháp Phật Nhiên Đăng. Sau khi Phật diệt độ có vị Tỳ-kheo tên là Trí Tích, các ông phỉ báng Tỳ-kheo ấy, vì vậy về sau không được gặp Phật, không phát tâm Bồ-đề, không được Đà-la-ni và các Tam-muội. Sau đó các ông cùng nhau chung sống tu tập theo đạo Bồ-đề.

Này thiện nam! Vào thời cuối cùng của Hiền kiếp này, ở chỗ Đức Phật, các ông sẽ được Vô sinh pháp nhẫn, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp hành đạo Bồ-tát rồi sẽ thành Phật.

Này thiện nam, Bồ-tát nào thấy Bồ-tát khác thì không nên có tâm hơn thua, nên tưởng như tháp, như Phật. Vì vậy Bồ-tát thấy Bồ-tát khác không nên có ý nghĩ sai khác, nên tưởng như Phật. Nếu có tâm suy nghĩ sai khác như thế là tự khinh mình. Các ông nên ghi nhớ như vậy, đừng có suy tưởng khác, phải cùng nhau hòa hợp. Nay ta quán xét người mới phát tâm Bồ-đề mà nghĩ chẳng phải như Phật là đã khinh nhờn vô lượng, vô số chư Phật khác hiện ở mười phương.

Này thiện nam! Vào thời tương lai, Bồ-tát ở trong đời ác ngũ trược đắc Tam-muội Đà-la-ni tất cả đều nhờ oai lực của Phật. Người nào phỉ báng Pháp sư thì không khác phỉ báng Phật.

Này thiện nam! Sau khi Phật diệt độ, Pháp sư nào thuận theo sự mong muốn của chúng sinh để thuyết pháp, có thể làm cho Bồ-tát học hạnh Đại thừa hoặc làm cho đại chúng sinh một chút tâm hoan hỷ cho đến dù chỉ rơi một giọt lệ thì nên biết tất cả đều nhờ thần lực của Phật. Kẻ ngu si không phải là Bồ-tát, giả xưng Bồ-tát, phỉ báng Bồ-tát Chân chánh và sự hành pháp của Bồ-tát bằng lời nói: “Người kia đâu có hiểu biết, đâu có hiểu rõ.”

Này A-dật-đa! Khi còn học đạo Bồ-tát ở cõi Diêm-phù-đề, ta nhớ vào thời quá khứ vì quý trọng pháp nên dù chỉ học một câu, một bài kệ mà ta phải bỏ những gì ta yêu quý như đầu, mắt, vợ, con và ngôi vua. Vì sao? Vì cầu pháp vậy. Ví như kẻ ngu vì danh tiếng, tham đắm lợi lộc, ỷ vào khả năng kém cỏi của mình, nên không đến gặp người truyền dạy chánh pháp của Như Lai, để lắng nghe chánh pháp.

Này Di-lặc! Nếu mọi người cùng hòa hợp thì có thể giữ gìn, lưu truyền chánh pháp của ta. Nếu mọi người chống báng nhau thì chánh pháp không thể lưu truyền được.

Này A-dật-đa! Ông hãy xem người phỉ báng pháp này phải mắc tội nghiệp lớn lao như thế, sẽ đọa vào đường ác khó có thể thoát ra.

Này Di-lặc! Khi mới thành đạo, ta dùng trí tuệ vi diệu tuyên thuyết chánh pháp cho tất cả chúng sinh. Kẻ ngu nào đối với lời dạy của Phật mà không tin, thọ trì thì giống như Tỳ-kheo Đạt-ma tuy đã tụng ngàn bộ kinh Đại thừa, giảng thuyết cho người nghe được bốn Thiền, nhưng vì phỉ báng người khác nên chịu khổ não lớn trong bảy mươi kiếp, huống chi là người ngu kém cỏi kia, thật không biết gì cả mà nói: “Ta là Pháp sư, hiểu rõ Đại thừa và có thể truyền bá chánh pháp ở khắp nơi.” Họ phỉ báng Pháp sư chân thật là do không hiểu biết, cũng phỉ báng giáo pháp của Phật và cống cao ngã mạn. Kẻ ngu nào đối với kinh điển Đại thừa, cho đến dù chỉ phỉ báng một câu của bài kệ bốn câu thì nên biết do nghiệp này chắc chắn đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì phỉ báng Phật pháp và Pháp sư vậy. Vì lý do này nên thường ở trong đường ác không bao giờ được gặp Phật, vì phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Kẻ ngu si cũng làm chướng ngại người mới phát tâm Bồ-đề làm cho họ thoái lui chánh đạo. Kẻ ấy lấy nghiệp tội nặng để trang sức thân, bị đọa địa ngục, chịu đau khổ lớn trong vô lượng kiếp. Vì đem mắt ác nhìn người phát tâm Bồ-đề nên bị quả báo không mắt. Vì đem miệng ác phỉ báng người phát tâm Bồ-đề nên bị quả báo không lưỡi.

Này A-dật-đa! Ta không thấy có một pháp nào lớn hơn tội nặng hủy phá người phát tâm Bồ-đề. Vì tội ấy nên bị đọa vào đường ác, huống chi hủy báng các Bồ-đề khác. Bồ-tát nào như thật thuyết pháp cho chúng sinh, thì không thuyết pháp thường, pháp đoạn, nói: “Các chúng sinh chắc chắn là có, chắc chắn là không”, cũng không chấp vào các pháp có, không.

Này A-dật-đa! Người học hạnh Bồ-tát nên an trụ như vậy. An trụ như vậy là thiện nghiệp thanh tịnh của Bồ-tát. Người đã tu tập thì không nên chấp trước. Chúng sinh nào chấp trước thì nên biết kẻ ấy sẽ sinh vào đời ác ngũ trược. Lại có Bồ-tát thuận theo căn cơ của chúng sinh để thuyết pháp.

Này A-dật-đa! Bồ-tát như thế tu hành đủ sáu pháp Ba-la-mật có thể thành Vô thượng Bồ-đề. Kẻ ngu si tự tin vào kiến chấp của mình mà nói: “Bồ-tát chỉ học Bát-nhã ba-la-mật chớ học các Ba-lamật khác. Vì Bát-nhã ba-la-mật là thù thắng nhất.” Lời nói này không đúng. Vì sao? Này A-dật-đa! Xưa kia khi học hạnh Bồ-tát, vua Ca-thi-ca xả bỏ đầu, mắt, tủy, não yêu quý của thân mình. Lúc ấy, đâu phải nhà vua không có trí tuệ?

Di-lặc bạch Phật:

–Đúng lời Phật dạy, thật có trí tuệ!

Đức Phật dạy:

–Này A-dật-đa! Từ xưa đến nay, trải qua vô lượng thời kỳ, ta tu hành đủ sáu pháp Ba-la-mật. Nếu ta không tu hành đủ sáu pháp Bala-mật thì không bao giờ được Vô thượng Bồ-đề.

–Bạch Thế Tôn, thật đúng vậy!

Đức Phật bảo:

–Như lời ông nói, xưa kia trong sáu mươi kiếp, ta đã từng thực hành Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật, Trí tuệ ba-la-mật. Kẻ ngu si nói sai lầm như vậy: “Chỉ cần tu Bát-nhã ba-la-mật thì thành Vô thượng Bồ-đề” việc ấy không xảy ra. Vì kẻ ấy chỉ có kiến thức suông, nên nói pháp bất tịnh như vậy. Do đó việc làm của thân, khẩu, ý trái với pháp. Dù họ hiểu rõ pháp “không” và giảng thuyết cho người nhưng đối với pháp “không” không thực hành đúng như lời dạy. Vì không thực hành nên cách xa nghĩa không. Tâm thường ganh ghét, tham đắm lợi dưỡng nên kết làm thân thích.

Này A-dật-đa! Xưa kia lúc làm Chuyển luân thánh vương, ta xả bỏ trân bảo, đầu, mắt, tay, chân vẫn chưa thành Vô thượng Bồđề, huống chi kẻ ngu si kia vì việc ăn uống mà đi đến nhà người thuyết pháp, chỉ tán thán pháp không, nói pháp tôi đã thuyết là đạo Bồ-đề, là hạnh Bồ-tát, chỉ có pháp này đúng, còn các pháp khác đều sai.

Lại nói “Điều tôi đã hiểu vô lượng Pháp sư đều chứng biết,” vì danh tiếng, kẻ ấy tự khen mình, ghét người thông hiểu.

Này A-dật-đa! Ta thấy kẻ ấy chỉ mưu cầu lợi dưỡng để nuôi mạng sống, dù có thực hành việc tốt trải qua trăm kiếp vẫn không được một chút pháp nhẫn, huống chi thành Vô thượng Bồ-đề.

Này A-dật-đa! Ta không thuyết pháp Bồ-đề cho người gian dối, lời nói trái ngược với tâm, không thuyết pháp Bồ-đề cho người có tâm ganh ghét, không thuyết pháp Bồ-đề cho người kiêu mạn, không thuyết pháp Bồ-đề cho kẻ không có lòng tin, không thuyết pháp Bồ-đề cho người không chịu quy phục, không thuyết pháp Bồđề cho người tà dâm không thuyết pháp Bồ-đề cho người tự khen mình chê người.

Này A-dật-đa! Vì ngã mạn, kẻ ngu si tự cho mình hơn Phật, chê bai kinh Đại thừa do Phật dạy cho là lời dạy của Thanh văn, Tiểu thừa.

Bấy giờ Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Không nên vì người chấp vào hai kiến: thường, đoạn mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, đúng như lời Phật dạy!

Đức Phật dạy.

–Này Tu-bồ-đề! Không chấp trước mà bố thí gọi là Bồ-đề.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn, đúng như vậy!

Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Không khen mình chê người mà bố thí gọi là Bồ-đề.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn, đúng như vậy!

Đức Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Ông xem kẻ ngu si, sinh ngã, ngã kiến, không biết hổ thẹn. Vì ưa thân thích để tham cầu nuôi mạng sống, thích nhận của họ cho. Nên biết kẻ ấy chuyên làm nghiệp ác.

Lại nữa, này A-dật-đa! Bồ-tát đối với tất cả pháp, đối với pháp Bồ-tát, chớ có kinh hãi, đối với pháp Bích-chi-phật chớ có kinh hãi, đối với pháp Thanh văn chớ có kinh hãi, đối với tất cả pháp phàm phu chớ có kinh hãi đối với tất cả pháp phiền não chớ có kinh hãi, đối với tất cả pháp tận cùng chớ có kinh hãi, đối với tất cả pháp khó tinh tấn chớ có kinh hãi, đối với việc đúng sai chớ có kinh hãi, đối với việc làm không làm chớ có kinh hãi, đối với việc đáng sợ, không đáng sợ chớ có kinh hãi, đối với có hoặc không chớ có kinh hãi, đối với tâm và chẳng phải tâm chớ có kinh hãi, đối với hiểu biết và không hiểu biết chớ có kinh hãi, đối với nghiệp hoặc không phải nghiệp chớ có kinh hãi, đối với thiện hoặc ác chớ có kinh hãi, đối với an ổn hoặc không an ổn chớ có kinh hãi, đối với giải thoát hoặc không giải thoát chớ có kinh hãi, đối với tu hoặc không tu chớ có kinh hãi, đối với pháp hoặc phi pháp chớ có kinh hãi, đối với yên tịnh hoặc loạn động chớ có kinh hãi, đối với giả hoặc thật chớ có kinh hãi, đối với tín hoặc bất tín chớ có kinh hãi, đối với niệm thiện hoặc niệm ác chớ có kinh hãi, đối với trụ hoặc không trụ chớ có kinh hãi. Như vậy, đối với tất cả pháp, Bồ-tát chớ có kinh hãi.

Này A-dật-đa! Xưa kia ta tu các pháp không kinh hãi như thế nên thành Chánh giác, hiểu rõ cảnh giới tâm của tất cả chúng sinh, đối với sự hiểu biết không khởi tưởng hiểu biết. Bằng sự chứng đắc ta tùy thuận căn cơ để thuyết pháp làm cho Bồ-tát nghe pháp đều được ấn Quang minh Đà-la-ni. Vì được ấn pháp ấy nên họ không còn thoái lui. Đối với pháp này, ai không biết như thật, lời nói không hoàn hảo thì không bao giờ thành Vô thượng Bồ-đề.

Này A-dật-đa! Khi ta thuyết pháp này cho chúng sinh ở bốn châu thiên hạ, họ nhờ thần lực của Phật đều tự thấy Đức Phật Thích-ca thuyết pháp cho mình. Như thế, cho đến cõi trời Hữu đảnh các chúng sinh ấy cũng cho rằng Như Lai chỉ thuyết pháp cho riêng mình. Như vậy, từ bốn châu thiên hạ cho đến tam thiên đại thiên thế giới cũng như vậy. Chúng sinh các cõi ấy đều nghĩ: “Đức Phật Thích-ca chỉ sinh ở nước của mình, chỉ chuyển pháp luân cho mình.”

Này A-dật-đa! Ta dùng năng lực phương tiện vĩ đại như thế ở trong vô lượng, vô biên giới, vào sáng sớm nhìn khắp chúng sinh nào đáng được giáo hóa thì thuyết pháp cho họ, giữa trưa và chiều tối thường dùng mắt pháp bình đẳng nhìn khắp chúng sinh ở thế giới kia mà thuyết pháp cho họ. Cảnh giới chư Phật vô lượng như thế, có chúng sinh nào học hạnh Bồ-tát nên tu như vậy. Kẻ ngu si kia phỉ báng chánh pháp của Phật tuyên thuyết, cố chấp vào hiểu biết sai lầm của mình cho là chân thật. Người nào phỉ báng pháp thì không tin Phật. Do ác nghiệp này bị đọa địa ngục chịu nhiều khổ đau không bao giờ được nghe pháp.

Này A-dật-đa! Ông nên giữ gìn giáo pháp vi diệu sâu xa của Như Lai, dùng phương tiện hoàn hảo để thuyết pháp cho chúng sinh.

Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi Đồng tử, Bồ-tát Phước Quang Bình Đẳng, Bồ-tát Hiện Vô Ngại Cảm, Bồ-tát Định Phát Tâm, Bồ-tát Diệu Tâm Khai Ý, Bồ-tát Quang Minh, Bồ-tát Hoan Hỷ Vương, Bồtát Vô Úy, Bồ-tát Tâm Niệm Biến Đáo Vô Biên Phật Sát, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Diệt Nhất Thiết Ác Nghiệp, Bồ-tát Trú Định, Bồ-tát Bách Thiên Công Đức Trang Nghiêm, Bồ-tát Diệu Âm Viễn Văn, Bồ-tát Nhất Thiết Trí Bất Vọng, Bồ-tát Đại Danh Viễn Chấn Bảo Tràng Trang Nghiêm, Bồ-tát Cầu Nhất Thiết Pháp, Bồ-tát Trụ Phật Cảnh Giới, Bồ-tát Nguyệt Quang Trang Nghiêm, Bồ-tát Nhất Thiết Thế Gian Đại Chúng Trang Nghiêm… các vị Bồ-tát ấy cùng nhau bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, đúng vậy, đúng như lời dạy của Thế Tôn! Ở phương Đông chúng con đi qua sáu mươi hằng hà sa cõi Phật, ở chỗ các Đức Phật ấy cung kính, đảnh lễ. Trong mỗi cõi, chỉ thấy Đức Phật Thích-ca xuất hiện ở đời. Trong bảy ngày dạo khắp mười phương, chúng con cũng chỉ thấy Đức Phật Thích-ca xuất hiện ở đời, không thấy Đức Phật nào khác. Sau khi du hành ở khắp nơi rồi trở về quốc độ của mình lắng nghe, giữ gìn chánh pháp.

Bấy giờ, Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Ông hãy lắng nghe, xét kỹ, trí tuệ của Như Lai không thể nghĩ bàn! Cảnh giới của Như Lai không thể nghĩ bàn! Giáo pháp của Như Lai không gì sánh bằng! Kẻ ngu si nói: “Chỉ có Bát-nhã ba-lamật là hạnh Như Lai, hạnh Bồ-tát, hạnh cam lồ.” Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Lời nói ấy trái với giáo pháp. Vì sao? Vì hạnh Bồ-tát là pháp đầy đủ và khó lường, không chấp trước là hạnh Bồ-tát. Vô ngã, ngã là hạnh Bồ-tát, không là hạnh Bồ-tát. Vô tướng là hạnh Bồ-tát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đó là hạnh Bồ-tát. Người học hạnh Bồ-tát phải giữ gìn như vậy. Kẻ ngu si kia thường có tâm tà kiến nên biết kẻ ấy không hiểu pháp của ta.

Này Văn-thù-sư-lợi! Các ông giữ gìn thân, miệng, đối với

pháp bất thiện chớ phóng túng theo, nên giữ tâm kiên cố đừng để thoái lui, nên an trú ở trong chánh pháp và tuyên dương các pháp cho chúng sinh. Từ xưa, trong vô số kiếp ta đã thành Phật, bằng phương tiện hoàn hảo ta đã thuyết pháp cho chúng sinh xa lìa đường ác.

Này Văn-thù-sư-lợi! Kẻ ngu nào phỉ báng Giáo pháp vi diệu tức là phỉ báng Phật, cũng là phỉ báng Tăng. Kẻ ấy nói: “Pháp này đúng, pháp kia sai” nói vậy là phỉ báng Pháp; “Pháp này thuyết cho Bồ-tát, pháp này thuyết cho Thanh văn” nói vậy là phỉ báng Pháp; “Pháp này Bồ-tát học; pháp này không phải Bồ-tát học” nói như vậy là phỉ báng Pháp.

Kẻ ấy lại nói “Quá khứ Phật đã diệt độ, tương lai Phật chưa xuất hiện, hiện tại Phật không trụ thế, chỉ có ta đắc pháp Đà-la-ni” nói vậy là phỉ báng Pháp.

Vì phỉ báng pháp, nói Đà-la-ni pháp bất tịnh. Đối với Pháp sư chân thật phỉ báng sự tu hành của họ, là phỉ báng Pháp sư, tuy có sự hiểu biết mà không thực hành đúng như pháp, hành động của Pháp sư trái với đạo, lại phỉ báng Pháp sư thân không giữ giới, lại phỉ báng Pháp sư tâm không trí tuệ, lại phỉ báng Pháp sư ý không sáng suốt, lại phỉ báng Pháp sư lời nói không rõ ràng. Đối với lời dạy văn tự của Như Lai, kẻ ấy không tin nhận nên nói: “Kinh này đúng kinh kia sai. Bài kệ của kinh này đúng, bài kệ của kinh này sai. Pháp này có thể tin, pháp này không thể tin.” Thấy người thuyết pháp chân chánh nói là luận thuyết ngoại đạo. Đối với người nghe chánh pháp thì ngăn cản làm trở ngại nên nói: “Hành động này đúng, hành động này sai. Pháp này thành tựu, pháp này không thành tựu. Đây đúng lúc, đây không đúng lúc” nói vậy đều phỉ báng Pháp.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu Thanh văn hoặc Bồ-tát thuyết pháp thì nên biết đều là nhờ sức oai thần hộ niệm của Như Lai giúp cho họ thuyết pháp như vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Kẻ ngu si kia đối với lúc Phật đang ở đời mà còn phỉ báng, huống chi sau này ta diệt độ thì đối với pháp của ta và các Pháp sư mà không phỉ báng ư? Vì sao? Vì tâm quyến thuộc với ma vậy. Nên biết, kẻ ấy sẽ đọa vào đường ác. Kẻ ngu si tham cầu lợi dưỡng để nuôi thân thuộc. Đối với giáo pháp của Như Lai không tin nhớ mà còn phá hoại. Thân thích của kẻ ấy, bằng tâm bè đảng đi đến nhà Bà-la-môn và Trưởng giả khen ngợi kẻ ngu si ấy hiểu biết về nghĩa và pháp, thấu tỏ các căn cơ ý muốn của chúng sinh để thuyết pháp. Họ nhận của tín thí không biết hổ thẹn. Vì phỉ báng pháp nên mình và quyến thuộc đều đọa địa ngục.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ta không bao giờ thuyết pháp Bồ-tát cho kẻ không có tín tâm, không bao giờ thuyết pháp cho người tham đắm tại gia, không thuyết pháp giải thoát cho người chấp thường, chấp đoạn, không thuyết pháp thoát khổ cho người có một kiến chấp, không thuyết pháp chân tịnh cho người tham mê ở đời.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đối với hằng hà sa pháp môn, bằng tâm không chấp trước, ta thuyết pháp cho người. Đối với hằng hà sa pháp môn bằng tâm đắm trước ta thuyết pháp cho chúng sinh. Chúng sinh nào ưa pháp không thì ta thuyết pháp không. Chúng sinh nào ưa trí tuệ thì ta thuyết pháp trí tuệ. Chúng sinh nào mà ưa vô tướng thì ta thuyết pháp vô tướng. Chúng sinh nào ưa hữu tướng thì ta thuyết pháp hữu tướng. Chúng sinh nào ưa Từ bi thì ta thuyết pháp Từ bi. Chúng sinh nào ưa nhân duyên thì ta thuyết pháp nhân duyên. Chúng sinh nào ưa không nhân duyên thì ta thuyết pháp không nhân duyên. Đây là pháp có oai nghi. Đây là pháp không có oai nghi. Đây là pháp không. Đây là pháp có. Đây là pháp hữu vi. Đây là pháp vô vi. Đây là pháp thâu nhiếp. Đây là pháp ngăn che. Đây là pháp phàm phu. Đây là pháp Thánh nhân. Đây là pháp sắc. Đây là pháp bất thiện. Đây là pháp người ngu. Đây là pháp định.

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Tất cả các pháp như vậy đều là Bát-nhã ba-la-mật. Lời nói của kẻ ngu si không dựa vào pháp chân tịnh của Như Lai mà chỉ phỉ báng Chánh pháp của Phật.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, kẻ ngu si kia vì gần bạn ác nên phát sinh phỉ báng. Bạch Thế Tôn, như vậy thì làm sao để tránh sai lầm ấy?

Đức Phật dạy:

–Xưa kia, trong bảy năm, ngày đêm sáu thời ta sám hối tội về thân, khẩu, ý và những tội nặng đã gây ra, từ đó về sau mới được thanh tịnh, trải qua mười kiếp được pháp nhẫn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nên biết kinh này là Bồ-tát thừa làm cho người chưa giác ngộ được giác ngộ. Người nghe kinh này mà không tin nhận, lại phỉ báng thì sẽ đọa vào đường ác. Các vị Bồ-tát hiểu rõ giáo pháp của ta để lãnh thọ, về sau mới có thể giảng thuyết cho người. Ai thọ trì như vậy thì được xa lánh đường ác.

Đức Phật dạy:

–Có bốn pháp bình đẳng, Bồ-tát phải nên học.

Bốn pháp ấy là gì?

  1. Bồ-tát bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
  2. Bồ-tát bình đẳng đối với các pháp.
  3. Bồ-tát bình đẳng đối với Bồ-đề.
  4. Bồ-tát bình đẳng đối với người thuyết pháp.

Bồ-tát phải biết bốn pháp này. Bồ-tát biết rồi nên giảng nói cho chúng sinh người nào tin theo thì được xa lánh cõi ác. Người nào không tin theo thì sẽ đọa đường ác. Thiện nam, tín nữ nào an trụ trong bốn pháp này thì nên biết người ấy không đọa vào đường ác.

Lại có bốn pháp. Bốn pháp ấy là gì?

  1. Đối với chúng sinh thì tâm không thoái lui.
  2. Đối với Pháp sư thì không khinh chê.
  3. Đối với bậc Trí thì không sinh tâm phỉ báng.
  4. Đối với tất cả lời dạy của Như Lai thì thường tôn kính.

Như vậy, thiện nam, tín nữ nào khéo biết tu học bốn pháp này thì không bao giờ đọa vào đường ác.

Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Trong hằng sa kiếp, Bồ-tát dùng bảy báu đầy khắp hằng hà sa cõi Phật, ngày ngày thường đem dâng cúng hằng hà sa chư Phật. Đối với kinh Đại Thừa Phương Quảng thâm diệu này, dù chỉ một câu mà thiện nam, tín nữ nào đọc tụng ba lần thì công đức ấy hơn hẳn công đức người dâng cúng ở trên. Người nào đọc tụng giữ gìn kinh này thì công đức càng gấp bội người trên. Giá như có người tu hành sáu pháp Ba-la-mật thì đườc công đức cũng không thể sánh bằng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Kinh này danh nghĩa rộng lớn không gì sánh bằng. Các Đại Bồ-tát phải nên tu học, thọ trì, đọc tụng và vì chúng sinh mà giảng giải rõ ràng.

Lúc ấy, tất cả đại chúng cho đến các vị Bồ-tát ở mười phương đều bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, đúng vậy, đúng vậy, như lời Phật dạy, chúng con xin thọ trì!

Lúc thuyết pháp này, ba mươi hằng-hà-sa các Đại Bồ-tát đều được Vô sinh pháp nhẫn, bảy mươi hằng hà sa Bồ-tát được bất thoái chuyển đối với Vô thượng Bồ-đề. Lại có sáu mươi ba ức trăm ngàn na-do-tha tam thiên đại thiên thế giới tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ, được vượt dòng sinh tử trong tám mươi kiếp, được bất thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề, trải qua sáu mươi ba kiếp sẽ được thành Phật.

Các vị Bồ-tát ấy cùng tất cả đại chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu la-già, Người và Phi nhân… nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ làm lễ và phụng hành.

KINH ÐẠI THỪA PHƯƠNG QUẢNG TỔNG TRÌ (Hết)