Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Đại Thừa Mật Nghiêm

KINH ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

(Trọn bộ 3 quyển)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 7: CẢNH GIỚI TỰ THỨC

Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Tạng quán khắp mười phương, từ trong ngọc châu nơi búi tóc phóng ra ánh sáng lớn, ánh sáng ấy chiếu khắp tất cả cõi nước và các chúng Bồ-tát trong hội Mật nghiêm. Phóng ánh sáng rồi, vị này liền bảo Bồ-tát Như Thật Kiến:

–Nhân chủ! Trong núi tuyết có một con thú dữ gọi là Năng hại, dùng trăm ngàn sự biến hóa bắt các loài thú ăn thịt. Nếu nó thấy nai cái có con liền giả tiếng kêu bi thương của nai con, hoặc thấy nai cái liền hiện có sừng giống như vậy để gần gũi, khiến cho nai cái kia không sợ rồi hại mà ăn thịt, thấy các loài bò, ngựa và các loài cầm thú đều giả hình dạng giống như vậy tùy ý làm ác. Này Nhân chủ! Tất cả ngoại đạo đối với A-lại-da sinh ngã kiến cũng như con thú dữ kia biến hóa vô số hình, người chấp ngã và ngã tướng mỗi thứ sai khác cho đến rất nhỏ như vi trần. Này Nhân chủ! Các ngã chấp này trụ ở đâu? Chỉ trụ nơi thức của mình không trụ ở chỗ khác. Người chấp ngã cho rằng: Ngã cùng ý căn hòa hợp, ý căn, cảnh hòa hợp mà có thức sinh vốn không có ngã. Như duyên bên ngoài cùng hòa hợp với hoa mà có mùi hương, khi chưa hòa hợp thì không có hương. Do đó nên biết, chỉ có tâm thức và tâm pháp không có ngã riêng, như quả ở trong mâm, như đèn ở trong lồng, như người được cỏ Y-thi-ca văn đồ, chỉ do tâm nhân duyên và tâm pháp sinh, trong này không có ngã cũng không có sinh, chỉ một tướng vi diệu xưa nay vắng lặng, là cảnh giới tự chứng của người tu pháp Quán hành của chư Phật, Bồtát, hàng ngoại đạo không hiểu do thức nên sinh ngã kiến, không biết pháp trí mà phân biệt chấp trước có không, hoặc luận về một hoặc nhiều ngã và ngã sở. Như con thú dữ kia giết hại rất nhiều loài vật,

kiến chấp này cũng như vậy, khiến cho các chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử, không chịu gần gũi Phật, Bồ-tát và các bậc Thiện tri thức, thế nên, lần lượt xa lìa, không có lúc hướng về trái với Thánh đạo, mất hết lợi ích. Đối với pháp Tam thừa cho đến Nhất thừa cũng không được chứng đắc, do chấp trước ràng buộc nên không thấy sự thật, không được dự vào cõi Mật nghiêm cho đến tên gọi cũng không được nghe. Này Nhân chủ! Những người tu Quán hành đều nhân nơi thức thanh tịnh này mà trừ ngã kiến, ông và các Đại Bồ-tát cũng nên siêng tu như vậy, lại giảng nói cho các người khác khiến chóng hội nhập vào cõi Phật Mật Nghiêm.

 

Phẩm 8: A-LẠI-DA VI MẬT

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ-tát tên là Bảo Thủ nói với vua chúng Sắc Tối Thắng:

–Nhà vua nên thưa hỏi Bồ-tát Kim Cang Tạng trụ ở trong Tammuội, tất cả thế gian có các pháp xa lìa các phân biệt và danh tự, không tương ưng với danh tướng, tự tánh của pháp ấy trụ ở đâu, các Phật tử này nhất tâm mong được nghe.

Khi ấy vua Sắc Tối Thắng liền theo nghĩa đó mà hỏi:

Danh tướng các cảnh giới
Tất cả pháp thế gian
Đây chỉ là phân biệt
Do lìa phân biệt có.
Như vậy mà lập danh
Danh ấy trú chỗ nào
Bậc Kim cang tự tại
Xin giảng nói cho tôi.

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng dùng kệ đáp:

Các pháp trong thế gian
Tất cả chỉ có danh
Do tưởng mà lập nên
Lìa danh không nghĩa khác.
Bốn uẩn chỉ danh tự
Vì thế gọi là danh
Như tên gọi trưởng giả
Chỉ danh không có thể.
Phật và các Phật tử
Chỉ nhân tướng gọi tên
Lìa tướng mà có danh
Là phân biệt không thành
Do vì nương nơi tướng
Phân biệt vô số danh
Như cung kính, nói năng
Đây đều không thật có
Chỗ phàm phu phân biệt
Đều nương chấp theo tướng
Vì vậy pháp thế gian
Lìa tướng tức là không
Bình, vỏ và xe cộ
Tên gọi đều khác nhau
Sắc tướng có thể thuyết
Thể tánh không thật có
Các sắc pháp thế gian
Chỉ có tướng không khác
Nương vào tướng lập danh
Danh này không thật có
Vua nên quán thế gian
Lìa danh không thật có
Chỉ do tâm phân biệt
Sinh khởi sự chấp trước
Nếu xa lìa phân biệt
Thì chấp thủ không sinh
Vô sinh tức chuyển y
Chứng được pháp vô tận
Vì thế nên Đại vương
Thường phải quán tưởng pháp
Chỉ là tâm phân biệt
Lìa đây thì không có
Hình tướng và thể chất
Tăng trưởng cùng hoại diệt
Những tên gọi như vậy
Đều chỉ là tưởng sắc
Danh, tướng và phân biệt
Thể tánh vốn không khác
Tùy theo nghĩa thế tục
Kiến lập không giống nhau
Nếu xa lìa danh tự
Tìm kiếm thể của vật
Quá khứ và vị lai
Việc này không có được
Biết các thức sinh khởi
Biết pháp không thật có
Biết nó chỉ là danh
Pháp thế gian như vậy
Do danh phân biệt pháp
Pháp không đúng với danh
Các pháp tánh như vậy
Không trụ nơi phân biệt
Do pháp chỉ có danh
Tưởng thì không có thể
Tưởng không, danh cũng không
Nếu không còn phân biệt
Thân tâm đều thanh tịnh
Như lửa đốt cây rồi
Hoàn toàn không sinh hại
Ví như người gánh nặng
Tên người gánh nặng này
Tùy gánh nặng nên khác
Tướng người gánh khác nhau
Danh như vật được gánh
Phân biệt tên người gánh
Do nơi các loại danh
Phân biệt tên khác nhau
Như thấy người làm ác
Thấy người do làm ác
Người ác phân biệt hai
Chỉ có nơi danh tự
Trong các đại hòa hợp
Do phân biệt có sắc
Nếu xa lìa các đại
Sắc tánh tức không có
Như đức y nơi bình
Bình theo tên cũng vậy
Bỏ tên mà lấy bình
Bình hoàn toàn không có
Bình không trụ thể bình
Danh đâu trụ ở danh
Cả hai sinh phân biệt
Danh lượng cũng chẳng có
Người trụ định như vậy
Tâm không bị dao động
Ví như vàng và đá
Xưa nay tướng nước không
Cùng với lửa hòa hợp
Hoặc như nước lưu chuyển
Tạng thức cũng như vậy
Thể pháp chẳng lưu chuyển
Các thức cùng tương ưng
Cùng pháp đồng lưu chuyển
Như sắt nhờ nam châm
Mà di chuyển qua lại
Cả hai không quan hệ
Tướng trạng có quan hệ
Lại da cùng bảy thức
Nên biết cũng như vậy
Bị tập khí trói buộc
Không người mà vẫn có
Ở khắp thân chúng sinh
Đi khắp các đường hiểm
Như sắt cùng nam châm
Cả hai chẳng biết nhau
Hoặc xa lìa đường hiểm
Mà trụ nơi các Địa
Lực thần thông tự tại
Thủ-lăng-nghiêm Như huyễn
Cho đến Đà-la-ni
Đều thành tựu tất cả
Tán thán công đức Phật
Và làm việc cúng dường
Hoặc hiện vô lượng thân
Một thân vô lượng tay
Vai, đầu, miệng và lưỡi
Dần dần đến vô lượng
Đi đến mười phương cõi
Cúng dường các Như Lai
Hoặc mưa các hoa đẹp
Y báu và chuỗi ngọc
Chất thành đống to hơn
Như ngọn núi Tu-di
Cúng dường các Như Lai
Và các vị Bồ-tát
Hoặc làm cung điện báu
Như mây sáng rực rỡ
Hóa hiện các Thiên nữ
Dạo chơi ở trong đó
Dùng đủ thứ âm nhạc
Để dâng cúng chư Phật
Hoặc cùng Phật, Bồ-tát
Thường ở chung một chỗ
Tự tại mà nhiếp phục
Tất cả các ma oán
Tự chứng đắc Tam-muội
Chuyển được chỗ sở y
Xiển dương năm loại pháp
Tám thức và vô ngã
Liên tục không dừng nghỉ
Nhất tâm mà cúng dường
Hoặc hiện làm thân nhỏ
Số đó như vi trần
Hoặc hiện làm thân lớn
Vô biên không thể lường
Đủ các loại sắc tướng
Để cúng dường Như Lai
Hoặc ở trong thân mình
Thâu nạp các thế giới
Đặt ở trong hạt cải
Đem biển cả gom thành
Bằng như dấu chân bò
Trong các chúng sinh này
Thân tâm không loạn động
Dùng tất cả vật dụng
Bình đẳng làm lợi ích
Như nhật, nguyệt, như đất
Như nước và lửa, gió
Lại như cõi báu lớn
Cũng như vị thuốc hay
Các pháp không sinh diệt
Không đoạn cũng không thường
Một, khác và đến đi
Như vậy đều không có
Giả lập các thứ danh
Đây là tánh Biến kế
Các pháp giống như huyễn
Như mộng thành Thát-bà
Sóng nắng, trong sắc nước
Vòng lửa, mây, điện chớp
Trong đó vọng chấp thủ
Đây là tánh Biến kế
Đủ các thứ tên gọi
Vô số pháp thuyết giảng
Đây đều không thật có
Là do tánh Biến kế
Tất cả pháp thế gian
Không xa lìa danh sắc
Đây đều chỉ có danh
Lìa danh không nghĩa khác
Tánh Biến kế như vậy
Ta vì thế gian thuyết
Mắt duyên theo các sắc
Hòa hợp cùng sinh khởi
Tiếng phát theo dùi trống
Mầm từ đất mà sinh
Cung điện và bình, vỏ
Đều do các duyên khởi
Chúng sinh và các pháp
Đều nương theo tha tánh
Hoặc là pháp vô lậu
Không thể lìa nghĩa này
Tự chứng trí sinh khởi
Tánh này là chân thật
Tướng các pháp sai biệt
Tự tánh pháp đã thuyết
Nếu xa lìa tự tánh
Các pháp không hiện rõ
Như người dùng các vật
Làm đủ thứ hình giả
Sắc tướng tuy không đồng
Tánh đều chẳng chắc thật
Thế gian đều như vậy
Các thứ đều không thật
Do vọng tình chấp trước
Biến kế chẳng có khác
Ví như ngọc Ma-ni
Tùy sắc mà hiện hình
Thế gian cũng như vậy
Chỉ do phân biệt có
Thể dụng không tồn tại
Vì tánh Biến kế này
Như thành Càn-thát-bà
Không thành mà giống thành
Cũng chẳng phải không nhân
Có thể thấy như vậy
Thế gian vô số vật
Nên biết cũng như vậy
Mặt trời và các núi
Nhà cửa và khói mây
Mỗi thể tướng khác nhau
Chưa từng có xen lẫn
Không cùng không tự, tha
Thể tánh đều không thành
Chỉ là chỗ phân biệt
Tự tánh của Biến kế
Các vật ngoài nhân sinh
Chẳng phải không có nhân
Hoặc có hoặc không có
Đây đều là vọng chấp
Danh nương tướng sinh khởi
Hai thứ phân biệt sinh
Chánh trí và như như
Xa lìa sự phân biệt
Tướng tâm như hiện rõ
Ý cùng làm sở y
Ý và năm tâm sinh
Cũng giống như sóng biển
Tập khí không bắt đầu
Cảnh giới cũng như vậy
Do tâm tập khí sinh
Cảnh khiến tâm mê loạn
Nương theo thức Lại da
Tất cả các chủng tử
Cảnh giới tâm như hiện
Vì thế gian mà thuyết
Bảy thức, A-lại-da
Lần lượt sinh ra tướng
Tám loại thức như vậy
Không thường cũng không đoạn
Tất cả các thế gian
Tợ có sự sắp đặt
Chấp có các chúng sinh
Ngã và ba hòa hợp
Phát sinh các thứ thức
Phân biệt các cảnh giới
Hoặc vọng chấp là có
Do người tạo nghiệp nhân
Sinh ở cõi Phạm thiên
Trong ngoài các thế gian
Thế gian chẳng ai tạo
Nghiệp và vi trần nghiệp
Chỉ là A-lại-da
Biến hiện giống với cảnh
Tạng thức không duyên tạo
Thức cũng không tạo duyên
Các thức tuy lưu chuyển
Không có ba hòa hợp
Thể Lại-da thường trụ
Các thức cùng sinh khởi
Như bánh xe, thủy tinh
Cũng như trăng và sao
Từ đây sinh tập khí
Mỗi loại tự tăng trưởng
Lại tăng trưởng thức khác
Các thức khác cũng vậy
Thường lưu chuyển như vậy
Người ngộ tâm mới biết
Ví như lửa đốt cây
Lần lượt mà lan khắp
Cây này đốt cháy rồi
Lại đốt sang cây khác
Nương theo thức Lại-da
Tâm vô lậu cũng vậy
Trừ dần các hữu lậu
Đoạn dứt pháp luân hồi
Đây là hiện pháp lạc
Nơi cảnh giới Tam-muội
Con đường của bậc Thánh
Truyền khắp mười phương nước
Như vàng ở trong quặng
Không thể thấy được vàng
Người trí khéo nung luyện
Vàng ấy mới sáng ra
Tạng thức cũng như vậy
Bị tập khí trói buộc
Tam-muội đã tịnh trừ
Người hành định thấy sáng
Như lạc chưa đong váng
Hoàn toàn không thấy tô
Cho nên các bậc Trí
Nấu lạc mà được tô
Tạng thức cũng như vậy
Bị che bởi các thức
Những người định Mật nghiêm
Siêng quán mới chứng được
Ánh sáng lớn Mật nghiêm
Đáng xưng trí vi diệu
Phật tử siêng tu tập
Thường sinh trong nước này
Cõi sắc và Vô sắc
Không, thức, phi phi tưởng
Ở đó thường siêng tu
Mà sinh đến chỗ này
Các Phật tử trong đây
Oai quang giống mặt trời
Ở nơi chỗ tu hành
Giảng ý nghĩa tương ứng
Pháp chứng của Như Lai
Theo thấy mà chuyển y
Tất cả Phật Thế Tôn
Thọ quả vị Quán đảnh
Tuy trụ cõi Mật nghiêm
Tùy nghi hợp với vật
Hoặc thấy, hoặc nghe pháp
Giữa không mà biến hóa.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng lại bảo đại chúng:

–Các Nhân giả! Thức A-lại-da từ vô thủy đến nay huân tập các tập khí hý luận, lại bị các nghiệp trói buộc luân hồi không dừng. Như biển nhân nơi gió mà khởi lên các sóng thức thường sinh diệt không ngừng. Chúng sinh không tự biết được, theo thức của mình hiện ra các cảnh giới. Nếu tự biết rõ như lửa đốt củi, thì tập khí đều dứt trừ, đi vào quả vị vô lậu gọi là Thánh nhân.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da biến hóa tựa như các cảnh, hoàn toàn đối với thế gian ý nhiễm ô, duyên chấp theo ngã và ngã sở, các thức đối với cảnh, mỗi mỗi đều phân biệt.

Các Nhân giả! Tâm tích tập ý nghiệp cũng vậy, ý thức biết rõ tất cả các pháp, năm thức phân biệt cảnh giới hiện tiền, như người bệnh nhặm mắt thấy tựa như vầng quáng, ở trong tâm tựa như có sắc, chẳng phải sắc chấp là sắc.

Các Nhân giả! Như ngọc báu Ma-ni thể tánh thanh tịnh, nếu đặt giữa ánh sáng mặt trời, tùy theo chỗ thích ứng của viên ngọc mà mưa xuống các vật báu. Thức A-lại-da cũng vậy, là kho tàng thanh tịnh của các Như Lai cùng với tập khí hòa hợp biến chuyển giống như các sắc trong khắp thế gian, nếu hợp với tướng vô lậu thì mưa xuống các pháp công đức. Như sữa biến thành ván sữa cho đến thành sữa đặc, thức A-lại-da cũng vậy, biến đổi giống như các sắc của thế gian, như người bị đau mắt, do bệnh nhặm mắt nên thấy giống như vầng quáng, tất cả chúng sinh cũng như vậy, do tập khí che lấp, ở trong tạng thức, mắt sinh ra các sắc cũng vậy. Sự thấy sắc này giống như sóng nắng xa lìa có, không đều là sự biến hiện của A-lại-da.

Này các Nhân giả! Nương theo nhãn sắc tựa có thức sắc, như việc huyễn sinh ở trong mắt, tướng ấy dao động như khi đốt ngọn lửa.

Các Nhân giả! Tất cả các sắc đều là A-lại-da cùng với sắc huân tập tương ưng biến hóa tựa như tướng của nó chẳng có thể khác biệt, đồng với sự phân biệt của phàm phu.

Các Nhân giả! Tất cả chúng sinh hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc đi, hoặc đứng, say sưa, ngủ nghỉ cho đến chạy tán loạn đều do thức Alại-da. Ví như ánh sáng nắng gay gắt của mặt trời chiếu xuống mặt đất làm lay động giống như dòng nước làm cho những con thú đang khát mê lầm chạy theo. Thức A-lại-da cũng như vậy, thể tánh chẳng phải sắc mà hiện giống như sắc. Người phân biệt vọng sinh chấp trước như sức hút của nam châm khiến sắt di chuyển, tuy không có tâm tựa như có tâm. Thức A-lại-da cũng như vậy. Vì chấp giữa pháp sinh tử qua lại trong các nẻo, chẳng phải ngã mà giống ngã. Như trong nước có vật, tuy không có sự hiểu biết mà theo dòng nước chuyển động không dừng, thức A-lại-da cũng vậy, tuy không phân biệt mà nương thân vận hành. Như có hai con voi mạnh khoẻ đấu nhau. Nếu một con bị thương nó liền rút lui. Nên biết thức A-lại-da cũng như vậy. Thức này đoạn các phần tập nhiễm, nhưng không bị lưu chuyển. Ví như hoa sen ra khỏi bùn sáng suốt thanh tịnh lìa khỏi phiền não, chư Thiên quý nhân thấy đều kính trọng, thức A-lại-da cũng vậy, ra khỏi bùn tập khí trong sáng, được chư Phật, Bồ-tát và bậc Đại nhân quý trọng. Như thế gian mong cầu có ngọc báu, đối với kẻ ngu thường bị nhiễm ô, bậc Trí được rồi liền dâng lên vua, dùng để trang sức làm mũ báu đội cho vua. Thức A-lại-da cũng vậy, là chủng tánh thanh tịnh của các Như Lai, đối với hàng phàm phu thường bị tạp nhiễm. Bồ-tát chứng đắc, đã đoạn dứt các tập khí cho đến thành Phật thường giữ gìn vật báu đó. Như ngọc quý ở trong nước bị vỏ ốc bao chung quanh, thức A-lại-da cũng vậy, ở trong biển sinh tử bị các tập khí ác ngăn che nên không hiện ra.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da có năng thủ, sở thủ, sinh ra hai tướng giống như rắn hai đầu muốn đến chỗ ưa thích. Cũng vậy thức này cùng với sắc tướng sinh khởi, người thế gian chấp làm sắc, hoặc chấp ngã, ngã sở hoặc có hoặc không, có thể tạo ra thế gian mà đối với thế gian được tự tại.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da tuy biến hiện nhiều loại mà tánh rất thâm sâu, người vô trí không thể hiểu rõ, ví như huyễn sư giả tạo ra các con vật hoặc đi hoặc chạy cũng như chúng sinh đều không nhất định là thật. Thức A-lại-da cũng như vậy, tạo ra các thế gian và chúng sinh nhưng không phải thật, kẻ phàm phu không hiểu, vọng sinh chấp trước. Bậc trượng phu khởi tánh thù thắng tự tại mà không thấy.

Các Nhân giả! Ý có thể phân biệt tất cả thế gian, cái thấy phân biệt này như tính chất trong tranh, như hình trong gương, như người nằm mộng thấy vật, như cung Thích Đề-hoàn Nhân, như thành Cànthát-bà, như âm vang trong núi, như sóng nắng, như bóng cây trên dòng, như bóng trăng trong ao, người phân biệt đối với A-lại-da cũng vọng chấp như vậy. Hoặc có người đối với thức này có thể chân chánh quán sát, biết các thế gian đều là tự tâm thì sự thấy phân biệt này đều là chuyển diệt.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da là sở y và các pháp tập khí, là tâm phân biệt tán loạn, nếu xa lìa tâm phân biệt liền trở thành vô lậu, giống như hư không. Nếu các Bồ-tát ở nơi A-lại-da đắc Tam-muội sinh ra thiền định giải thoát vô lậu, được sức phương tiện thần thông tự tại, các pháp công đức, mười nguyện viên mãn thì ý sinh thân, chỗ chuyển sở y của thức thường trụ đồng với tánh của hư không chẳng hoại diệt.

Các Nhân giả! Như Lai thấy khắp tất cả thế gian không có hoại diệt. Người nhập Niết-bàn chẳng phải là hoại diệt, cũng chẳng phải không có chúng sinh mà nay mới sinh cõi nước trong mười phương đồng một pháp tánh. Chư Phật xuất hiện hay không xuất hiện ở thế gian, tất cả các pháp trụ nơi pháp tánh vẫn không thường không đoạn. Nếu người giải thoát cảnh giới sinh diệt của chúng sinh tức là hoại tánh Nhất thiết trí của Như Lai. Phật biết pháp quá khứ, vị lai, hiện tại không bình đẳng, nếu chúng sinh diệt Niết-bàn thì ai xa lìa khổ, hữu dư, vô dư và những việc hàn phục các ma đều là vọng thuyết. Do đó nên biết những người tu quán hành chứng được thân thường trụ giải thoát, xa lìa các uẩn, diệt các tập khí, ví như thanh sắt nóng bỏ vào nước lạnh, sức nóng tuy không còn nhưng thanh sắt vẫn không hoại diệt.

Các Nhân giả! Biển thức A-lại-da bị hý luận thô trọng va chạm nên năm pháp, ba tánh, sóng các thức tương tục sinh khởi, có cảnh giới và tướng dao động, ở nơi chỗ vô nghĩa mà hiện nghĩa như thật.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da đi trong rừng các uẩn, ý thì đi trước, ý thức quyết định sắc và các cảnh. Năm thức nương theo căn hiện rõ cảnh giới, chấp thủ cảnh giới đều là thức A-lại-da.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da cùng mạng sống, hơi ấm, xúc hòa hợp mà trụ. Ý trụ nơi thức này, thức này lại trụ nơi ý, ngoài ra năm thức cũng trụ nơi tự căn.

Các Nhân giả! Tâm ý, thức trụ nơi các uẩn bị nghiệp dẫn dắt lưu chuyển không dừng, ái nhân nơi nghiệp mà sinh, do nghiệp thọ thân, thân lại tạo nghiệp, bỏ thân này rồi lại thọ thân khác như trùng bò trong hang, tâm và tâm pháp sinh khởi các nẻo, lại chứa nhóm các uẩn.

Các Nhân giả! Mạng sống, hơi ấm và thức nếu xa lìa thân này thì không còn sự hiểu biết giống như gỗ, đá.

Các Nhân giả! Tâm chấp ngã tạng thức này gọi là ý, chấp thủ các cảnh giới gọi là thức, tâm có thể nương thân, ý chấp các cõi, ý thức hiện rõ năm thứ phân biệt. Tạng thức là nhân sinh khởi các thức, ý và ý thức lại từ đẳng vô gián duyên mà khởi, năm thức lại nương vào tăng thượng duyên mà sinh, đồng thời do tự căn làm tăng thượng.

Các Nhân giả! Thân như thây chết mà đứng dậy, như sóng nắng tùy theo các hành làm nhân duyên mà di chuyển, chẳng phải hư vọng, chẳng phải chân thật, bị tham ái dẫn dắt tánh không, vô ngã.

Các Nhân giả! Ý, các thức cùng tâm sinh, năm thức lại cùng ý thức sinh. Đại địa thường sinh khởi lưu chuyển như vậy.

Các Nhân giả! Thức A-lại-da bị ái huân tập mà được tăng trưởng, tự tăng trưởng rồi lại tăng trưởng các thức khác như bánh xe quay không dừng, vì các thức cho nên sinh ra các cõi, ở trong các cõi thức lại tăng trưởng, thức cùng thế gian hỗ tương làm nhân, như trong sông nước đầu dòng cuối dòng đều không ngừng chảy, như mầm cùng hạt giống tương tục mà sinh mỗi loại khác nhau hiện ra rõ ràng. Thức hành cũng vậy, hòa hợp ba thứ rồi rồi lại tiếp tục hòa hợp phân biệt mà sinh không đoạn dứt, nhân nơi các pháp trong, ngoài mà sinh khởi. Tất cả phàm phu không được tự tâm. Phật tử các ông nên siêng quán sát.

Lúc đó, vua chúng Sắc Tối Thắng lại hướng về Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói kệ:

Người được sự không sợ
Tạng Kim cang Tam-muội
Khéo nhập vào Mật nghiêm
Thuyết giảng tất cả pháp.
Phật và các Phật tử
Chánh tư duy Tam-muội
Thấy được tướng các pháp
Vi diệu không gì bằng.
Nguyện xin Bậc Đại Trí
Vì chúng tôi tuyên thuyết
Tôn giả thường an trụ
Cung Nguyệt tạng ma-ni.
Ngồi trên tòa Sư tử
Các Bồ-tát vây quanh
Mong vì các Đại chúng
Thuyết pháp Định Mật Nghiêm.
Đây là Phật Nguyệt Tràng
Vì Đại chúng diễn thuyết
Đại chúng sẽ đến đây
Xin thuyết không mỏi mệt.

Lúc đó, nơi vô lượng thân của Đức Phật Nguyệt Tràng ở cung điện chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc, có vô số Bồ-tát và chư Thiên vây quanh cúng dường, thuyết pháp Tu quán hành thật tướng và các pháp Vô sở úy ở trong hội Mật nghiêm, các vị Bồ-tát đó nghe rồi chứng được Tam-muội trí tương ưng, tâm không thích trụ vào quả vị cũng không thích trụ nơi thật tế, ở trong định cùng nhau quán sát. Tâm mỗi vị đều nghĩ: Ai đã thấy và chứng đắc pháp Thật tướng quán hành? Làm sao mà thấy được người này? Tâm họ sinh khát ngưỡng, cùng nhau im lặng. Các Phật tử đó lại nghĩ: Đây là định gì? Thế nào là chẳng phải định? Định ở chỗ nào? Những gì là đối tượng của định ấy? Nghĩ như vậy rồi, thấy vị đứng đầu của các Bồ-tát trong cõi Mật nghiêm, đầu đội mũ báu trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt các Vị Bồ-tát đó từ định xuất ra, mặc y phục tốt đẹp, ở vô lượng cõi Phật từ phương khác đến, nhất tâm chiêm ngưỡng Bồtát Kim Cang Tạng.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nhìn khắp bốn phương thấy các Đại chúng, liền sinh ý nghĩ muốn thuyết pháp, vui vẻ mỉm cười phát ra âm thanh hòa nhã nói kệ:

Này Phật tử các ông
Nên nhất tâm lắng nghe
Cảnh định khó nghĩ bàn
Chẳng do phân biệt biết
Định và người hành định
Duyên định cũng như vậy
Lìa các dục bất thiện
Sẽ có được giác quán
Tịch tĩnh sinh hỷ lạc
Là nhập vào thiền định
Lần lượt sinh như vậy
Bốn, tám cho đến mười
Ngoại đạo chấp trước ngã
Thường tu các định này
Tất cả hàng Thanh văn
Bích-chi-phật cũng vậy
Biết rõ ở thế gian
Tự tướng của các pháp
Uẩn, xứ như nhà trống
Trong này không có ngã
Không ý nghĩ, động tác
Như các phần thây chết
Chỉ có ba hòa hợp
Vốn không người tạo tác
Hàng ngoại đạo tu định
Khởi chấp về tánh không
Người này mê tướng pháp
Hoại diệt tất cả pháp
Nếu có thể tu hành
Định vi diệu Như Lai
Biết rõ uẩn vô ngã
Thì các chấp đều diệt
Tất cả chỉ có thức
Các pháp tướng đều không
Không tướng năng, tướng sở
Không giới cũng không uẩn
Phân tích đến vi trần
Cũng đều không chỗ trụ
Đất, nước cùng các vật
Đều từ phân biệt sinh
Người không biết tánh ấy
Chấp thủ tướng như vậy
Sắc xấu cùng sắc đẹp
Các sắc khác cũng vậy
Ví như trong hư không
Mây, sấm các tia chớp
Tư duy như bộ sương
Ở khắp cả thế gian
Và quán tưởng biến xứ
Quán ở trong các đại
Thân có sắc không sắc
Người định tư duy đúng
Nếu duyên theo một tâm
Gọi là duyên thanh tịnh
Như đối tượng phân biệt
Cảnh ấy thành sở duyên
Người tà định, định sai
Vọng chấp cho là định
Người định ở trong định
Rõ đối là tạng thức
Pháp và các pháp tướng
Tất cả đều diệt hết
Người được định thù thắng
Khéo giảng thuyết các định
Phá những người tu định
Biết pháp bằng trí sai
Hoặc người có trí kém
Chấp pháp và chấp ngã
Cho mình nói chân thật
Khéo thuyết giảng các pháp
Chấp trước các pháp tướng
Hại mình và hại người
Không tướng năng tướng sở
Vọng sinh thấy phân biệt
Vị ngọt hay trừ nóng
Đắng, chua, mặn trị đàm
Sự cay biến đổi lạnh
Mặn hay sinh bệnh phong
Trong thân có đàm, nhiệt
Cùng sinh ra bệnh sốt
Hoặc lại chỉ do gió
Ba thứ hòa hợp sinh
Do mỗi bệnh khác nhau
Lương y nói các cách
Đường phèn và đường cát
Cùng sáu loại thúc ăn
Trừ được các bệnh sốt
Và nhiều bệnh trong thân
Nếu pháp có tự tánh
Và cùng tất cả tướng
Người bệnh uống không đúng
Thuốc không trừ được bệnh
Người đời làm sao thấy
Uống thuốc bệnh được lành
Người định quán thế gian
Chỉ là thức Lại-da
Biến dị mà lưu chuyển
Như các con vật giả
Không tướng năng, tướng sở
Uẩn cùng với các uẩn
Cũng không khác chi phần
Do có các chi phần
Trong đời không chủ tể
Mà tạo ra thế gian
Gom tất cả vi trần
Chẳng phân tán mười phương
Lần đầu chẳng nhỏ nhất
Tiếp theo như ngón tay
Hai ngón hoặc ba ngón
Các vật hòa hợp chuyển
Mạt-na mỗi sai khác
Nghĩa như vậy đều không
Phi thời, phi thắng tánh
Và ba pháp tạo ra
Chẳng phải không có nhân
Tự nhiên mà có được
Đây do tập khí nghiệp
Làm cấu vế trong tâm
Nương tâm và nhãn căn
Các thứ vọng phân biệt
Ý cùng với ý thức
Và thêm A-lại-da
Hiện ra khắp thế gian
Như huyễn tạo các vật
Bình cùng các cảnh giới
Đều lấy tâm làm thể
Chẳng phải bình, giống bình
Cho nên nói là không
Các sắc của thế gian
Cung điện các cõi trời
Đều là A-lại-da
Biến đổi có thể thấy
Thân thể của chúng sinh
Từ đầu đến chân tay
Sinh nhanh hoặc sinh chậm
Không ngoài A-lại-da
Phiền não ở trong tâm
Phàm phu không thể thấy
Tánh này chẳng có thật
Cũng chẳng phải là không
Như người dùng các vật
Đánh vỡ những cái bình
Tánh vật nếu là không
Chẳng thể làm bình vỡ
Như lượng núi Tu-di
Ngã kiến chưa là ác
Kiêu mạng và chấp không
Ác này còn ác hơn
Tánh không, tùy căn thuyết
Không nên giảng sai chỗ
Nếu thuyết giảng sai chỗ
Cam lộ thành thuốc độc
Tất cả các chúng sinh
Sinh khởi các kiến chấp
Muốn đoạn trừ các kiến
Vì vậy thuyết lý không
Nghe không chấp làm thật
Không thể đoạn kiến chấp
Chấp này không thể trừ
Như bỏ việc chữa bệnh
Ví như lửa đốt cây
Cây hết, lửa không còn
Cây chấp nếu đã đốt
Lửa không, cũng tắt hết
Lúc lửa trí tuệ sinh
Các kiến chấp được trừ
Đốt hết các phiền não
Tất cả đều thanh tịnh
Mâu-ni dùng trí này
Giải thoát nơi Mật nghiêm
Không thấy dùng rừng thỏ
Phá hoại ở núi cao
Thạch nữ chẳng có con
Cầm tên bắn vào vật
Chưa nghe muốn chiến đấu
Mà tìm cung sừng thỏ
Ai tạo nên phòng nhà
Khiến con Thạch nữ tạo
Tất cả pháp tánh không
Cùng pháp thường đồng thể
Lúc đầu ở thai tạng
Sắc sinh thường hoại diệt
Lìa không chẳng có sắc
Lìa sắc chẳng có không
Như trăng cùng ánh sáng
Trước sau thường không khác
Các pháp cũng như vậy
Tánh không vẫn đồng nhất
Lưu chuyển không khác nhau
Chỗ làm được thành tựu
Thân này như tử thi
Xưa nay không tự tánh
Luôn bị ái ràng buộc
Bị cảnh động dẫn dắt
Phật thuyết giảng lý không
Vì muốn đoạn các kiến
Các ông người có trí
Phải nên nhất tâm học
Ví như nhà huyễn thuật
Dùng lực các chú thuật
Cỏ cây và các duyên
Tùy ý tạo các vật
Nương theo mắt và ái
Ý theo sắc, ánh sáng
Như vậy, nhãn thức sinh
Như huyễn, như sóng nắng
Thức này không chỗ đến
Cũng không có chỗ đi
Tánh các thức như vậy
Không nên chấp có, không
Như Thạch nữ có con
Như sừng thỏ, lông rùa
Xưa nay không có tánh
Vọng lập nên tên gọi
Loài sư, tử, gấu, bi
Đều là không có sừng
Vì sao chẳng phân biệt
Chỉ bảo thỏ không sừng
Người đàm luận khéo léo
Sao không thể tuyên thuyết
Những bậc Trí đời trước
Chỉ nói thỏ không sừng
Người mê vọng phân biệt
Như câm và điếc mù
Người này không có trí
Không thể tự chứng pháp.
Chỉ theo lời khác chuyển
Đâu cần phải phân biệt
Nếu xa lìa phân biệt
Nên sinh cõi Mật nghiêm
Trong chánh định nhất tâm
Hiện khắp mười phương cõi
Ví như cung điện trời
Các sao và mặt trăng
Nương ở núi Tu-di
Nhờ sức gió chuyển động
Bảy thức cũng vậy
Nương vào A-lại-da
Giữ gìn các tập khí
Mỗi mỗi thường lưu chuyển
Ví như nương nơi đất
Sinh trưởng tất cả vật
Tất cả loài hữu tình
Cho đến những ngọc quý
Tạng thức cũng như vậy
Chỗ nương của các thức
Ví như con chim công
Lông cánh nhiều màu sắc
Trống, mái ưa thích nhau
Cùng vui vẻ náo nức
Người định quán Lại-da
Nên biết cũng như vậy
Chủng tử và các pháp
Cùng lần lượt nương nhau
Ví như trăm dòng sông
Ngày đêm chảy ra biển
Dòng sông vẫn không cạn
Biển thì cũng chẳng khác
Tạng thức cũng như vậy
Thâm sâu không có bờ
Tập khí của các thức
Ngày đêm thường lưu chuyển
Như đất có nhiều báu
Và các loài vật khác
Ban cho các chúng sinh
Tùy theo người lấy dùng
Tạng thức cũng như vậy
Cùng khởi các phân biệt
Tăng trưởng ở sinh tử
Chuyển y thành Chánh giác
Hành thiện, hành thanh tịnh
Ra khỏi cả mười Địa
Vào trong địa Như Lai
Mười lực đều viên mãn
Chánh trụ nơi thực tế
Thường hằng không ngoại diệt
Như đất không phân biệt
Ứng hóa không tận cùng
Như mùa xuân hoa nở
Chim, người đều vui thích
Thức chấp trì cũng vậy
Người định nhiều mê chấp
Như vậy các Phật tử
Không tuệ lìa chân thật
Không hoàn toàn biết nghĩa
Vọng nói sinh quyết định
Lời phi pháp, lý gian
Mê hoặc các chúng sinh
Trụ ở các pháp khác
Sinh lời nói khác nhau
Ví như nhà huyễn thuật
Khéo dùng các chú thuật
Ở chỗ không hoa quả
Hiện đủ thứ hoa quả
Trí phương tiện thiện xảo
Phật, Bồ-tát cũng vậy
Trụ thế gian khác nhau
Mà an lập riêng biệt
Thuyết vô số pháp môn
Dẫn dắt không cùng tận
Pháp chân thật quyết định
Trong Mật nghiêm hiện rõ
Sáu giới và mười tám
Mười hai xứ thù thắng
Dây ý bị dẫn dắt
Nên chúng sinh lưu chuyển
Tám thức các giới, xứ
Cùng hòa hợp sinh khởi
Thân trước và thân sau
Từ nơi ý mà chuyển
Phật thuyết Tạng thức này
Nhân biến thiên lưu chuyển
Sinh ra tất cả thân
Liên tục không đoạn dứt.

Lúc Bồ-tát Kim Cang Tạng thuyết về nghĩa tối thắng của các giới, xứ rồi, các Đại Bồ-tát ở trong cung điện Ma-ni bảo tạng thanh tịnh được sự không sợ hãi liền đến trước đảnh lễ. Lại có vô lượng chư Phật, Bồ-tát từ cõi nước đến đồng tán thán:

–Lành thay! Lành thay!

Trong chúng lại có vô lượng Bồ-tát, chư Thiên và các Thiên nữ đều đứng dậy chắp tay cùng nhau chiêm ngưỡng và nói kệ:

Trong tất cả người định
Nhân giả là Thượng thủ
Nay vì các Bồ-tát
Thuyết pháp diệu tối thắng
Xa lìa các ngoại đạo
Và các luận chấp ngã
Nhân giả đã chỉ rõ
Sáu giới tịnh tối thắng
Chỉ các giới hợp lại
Theo nhân để duy chuyển
Ví như trong hư không
Có dấu chim hiện rõ
Cũng như lìa nơi cây
Lửa được cháy hừng hực
Dấu chim hiện trong không
Lìa cây mà có lửa
Ta và các thế gian
Chưa từng thấy việc này
Chim bay nhờ lông cánh
Không có vết trong không
Nhân giả thuyết tối thắng
Cùng giống tướng dấu chim
Vì sao nơi các cõi
Có được nghĩa luân hồi
Mà thuyết giới tối thắng
Thường lưu chuyển sinh tử
Thọ các quả khổ vui
Nghiệp đã tạo không mất
Như nông phu trồng trọt
Chưa từng gặt được quả
Thân người cũng như vậy
Trú thân tu hạnh lành
Đời nay và đời sau
Hưởng quả vui trời, người
Hoặc thường tu phước đức
Tích tập nhân làm Phật
Trí tuệ và giải thoát
Mau thành Bậc Chánh Giác
Sinh cõi trời Tự tại
Quán hành thấy nghĩa thật
Nếu lìa cõi tối thắng
Tất cả đều không có
Bậc trượng phu lưu chuyển
Ở trong chốn sinh tử
Dưới từ ngục A-tỳ
Trên đến các cõi trời
Nghiệp này phải chịu quả
Sự tạo tác không mất
Hoặc trong ngoài thế gian
Hỗ tương mà sinh khởi
Pháp này giống pháp kia
Pháp kia từ đây sinh
Tuy lìa cõi tối thắng
Làm người cõi luân hồi
Như nói con Thạch nữ
Uy nghi đi tới lui
Thỏ có sừng bén nhọn
Trong cát sinh ra dầu.

Lúc ấy, các Bồ-tát, chư Thiên và Thiên nữ nói lời này rồi, cùng nhau cúng dường Bồ-tát Kim Cang Tạng và các Bồ-tát. Cúng dường xong, họ lại đồng tâm mà nói kệ:

Pháp nhãn đủ không khuyết
Nhân, dụ đều trang nghiêm
Bao gồm luận thuyết khác
Tự hiển bày công đức.
Nên bậc Đại tinh tấn
Ứng hợp mau khai diễn
Trời, người trong hội này
Đều nhất tâm lắng nghe.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng dùng kệ đáp:

Pháp này sâu khó bàn
Không thể phân biệt được
Lý Quán hành thanh tịnh
Nhân, dụ đã mở bày.
Ta ở cõi Mật nghiêm
Tu định rồi tuyên thuyết
Hàng trời, người các ông
Nên nhất tâm lắng nghe.

Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói lời này rồi, hướng về Đại thọ Khẩn-na-la vương nói kệ:

Đại Thọ Khẩn-na-la
Ông nên biết pháp tánh
Các pháp làm sao trụ
Tánh không không thật có.
Thấy tương ưng như vậy
Thiền định không mê hoặc
Như ăn một hạt cơm
Có thể biết hạt khác.
Các pháp cũng như vậy
Biết một tức biết nhiều
Như váng sữa đông lại
Dùng đầu lóng tay biết.
Các pháp tánh như vậy
Đem một pháp quán sát
Pháp tánh chẳng phải có
Cũng chẳng phải là không.
Biến đổi của tạng thức
Lấy tạng không làm tướng.

Lúc ấy, Đại thọ Khẩn-na-la vương nói kệ:

Vì sao trong tâm lượng
Mà có cõi và người
Vì sao sinh các cõi
Cứng ướt và nóng động.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nghe nói rồi dùng kệ đáp:

Lành thay! Đại thọ vương
Nay ông hỏi điều này
Muốn khiến người tu hành
Tâm họ đựơc chân thật.
Nay ta vì ông nói
Đàn sư nên lắng nghe
Ông xưa ở cung điện
Cùng với các quyến thuộc.
Từ trên không ca múa
Mà đi đến chỗ Phật
Tay ông thường gảy đàn
Dùng lưu ly trang sức
Tấu lên tiếng hòa nhã
Làm vui lòng mọi người
Vô lượng các Thanh văn
Ở chỗ Phật thấy nghe
Không thể ngồi yên được
Đều đứng dậy múa hát
Lúc Đại sĩ Thiên Quang
Bảo với Ca-diếp rằng
Các ông, bậc lìa dục
Vì sao còn nhảy múa?
Bấy giờ, Đại Ca-diếp
Thưa Đại sĩ Thiên Quang
Bồ-tát có sức mạnh
Ví như cơn gió lốc
Thanh văn trí vô định
Như hắc sơn lay động
Tuy lìa hoặc phân biệt
Còn nhiễm tập khí xấu
Bỏ hết các tập khí
Tâm tịnh nên thành Phật.
Ông đối cảnh vi tế
Tâm ấy đã thông đạt
Nhiều Luận thuyết trong đời
Biết rõ và quyết định
Khéo đối với các tướng
Và pháp Phật thanh tịnh
Ông ở trong cung điện
Cùng quyến thuộc vây quanh
Thanh tịnh và tốt đẹp
Ví như trăng rằm sáng
Có thể tu quán hành
Ở trong chúng tự tại
Hỏi ta cõi và người
Vì sao từ tâm khởi
Ông và các Phật tử
Nên nhất tâm lắng nghe
Trong cảnh giới các ông
Tâm là cõi tối thắng
Các cõi nhân đây sinh
Nghĩa này ta sẽ thuyết
Như ẩm ướt sinh nước
Nóng quá sinh ra lửa
Tạo các nghiệp dao động
Nhân đó sinh ra gió
Từ sắc phân chia ra
Có đất và hư không
Cảnh giới và các tập
Tụ tập do thức sinh
Nhãn đối với các sắc
Mỗi tướng trạng khác nhau
Đây sinh ra cửa rộng
Các cõi thường tương trụ.

Khi ấy, ở trong cung Ma-ni bảo tạng tự tại, Bồ-tát Trì Tấn cùng vô lượng Bồ-tát từ chỗ ngồi đứng dậy cúi đầu, đảnh lễ, đem các thứ tốt đẹp cúng dường Bồ-tát Kim Cang Tạng, lại giăng lưới báu che khắp phía trên Bồ-tát, cùng tán thán:

–Lành thay! Lành thay! Và nói kệ:

Tôn giả trụ mây pháp
Khéo nhập vào cõi Phật
Thường vì các Bồ-tát
Khai thị cảnh Như Lai.

Bấy giờ, Đại thọ Khẩn-na-la vương cùng các thể nữ đem đủ thứ phẩm vật tốt đẹp cúng dường xong liền nói kệ:

Lành thay! Kim Cang Tạng
Bậc đắc Vô sở úy
Vì chúng tôi khai diễn
Pháp vi diệu Như Lai
Nay điện ma-ni này
Rất thanh tịnh tốt đẹp.

Lúc ấy, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Bảo Kế, Bồ-tát Thiên Quang, Bồtát Tổng Trì Vương Bồ-tát Nhất Thiết Nghĩa Thành. Những vị Đại Bồ-tát như vậy cùng với vô lượng người tu Quán hành đều là những chư Thiên có oai đức lớn có thể mở bài được tâm Quán hành, từ chỗ ngồi đứng dậy cùng nhau quan sát hướng về Bồ-tát Kim Cang Tạng, mà nói kệ:

Xin nguyện Kim Cang Tôn
Chỉ rõ pháp Nhãn tạng
Tôn giả hiện tướng lành
Tất cả đều thấy biết.
Thường giữ niệm Như Lai
Được chư Thiên tôn kính
Nay cả đại chúng này
Đồng tâm cùng khuyến thỉnh
Bậc quán hành tự tại
Xin khai thị Mật nghiêm
Khiến khắp các thế gian
Được pháp chưa từng có
Pháp này rất thanh tịnh
Xa lìa pháp ngôn thuyết
Hóa thân Phật, Bồ-tát
Trong kinh chưa khai diễn
Các Thánh hiện pháp lạc
Thấy cõi chân vô lậu
Tự thấy biết chỗ hành
Thanh tịnh không ai bằng
Đầy đủ các Tam-muội
Và các Đà-la-ni
Được tự tại giải thoát
Mười thứ ý sinh thân
Cõi nước Phật Nghiêm Tịnh
Số không thể nghĩ bàn
Phật và các Bồ-tát
Hóa thân như vi trần
Đến như đầu sợi lông
Một phần trong trăm phần
Cõi nước Phật Mật Nghiêm
Tối thắng trong các cõi
Người tu pháp Quán hành
Sinh đến trong cõi này
Đây do nhân duyên gì?
Xin Phật tử tuyên thuyết.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm trên thân, vì muốn chỉ bày pháp không phân biệt, lìa phân biệt, trước hết dùng mắt Phật pháp như Sư tử chúa quán sát khắp đại chúng biết trí lực của họ có thể nghe và thọ trì, liền dùng tiếng Phạm âm, tiếng Ca-lăng-già, tiếng tướng lưỡi rộng dài trong sáng, âm thanh ấy không thô bạo, nhẹ nhàng, dễ nghe, khiến đại chúng được nghe đều vui mừng, tiếng Kiện-la-ma, Ô-thađa, Tất-lợi-đa, Ly-sa-bà, Bàn-giá-ma, Tỳ-lam-nhị đam-độ-lộ, đều đầy đủ vô lượng công đức giống nhau. Những âm thanh ấy làm cho người nghe tâm không mê chấp, có thể hiểu rõ tướng các âm thanh ấy. Tất cả Trời, Người, Càn-thát-bà đều vui thích. Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng không dùng lời nói chỉ dùng nguyện lực của mình, trên thân từ đỉnh đầu, vầng trán, lông mi, mũi cho đến hai vai, đầu gối giống như biến hóa tự nhiên phát ra những âm thanh như vậy, thuyết giảng pháp Nhãn cho đại chúng. Như ngỗng chúa che chở cho đàn ngỗng ở trên bãi cát trắng đẹp, ở trong cung Tự tại thanh tịnh, đại chúng vây quanh cũng trong nghiêm như vậy. Như ánh sáng của mặt trăng và các ngôi sao ở giữa hư không, Bồ-tát Kim Cang Tạng cũng như vậy, ngồi trên tòa Sư tử tỏa ánh sáng che khắp tất cả những người tu hành, như ánh sáng mặt trăng không khác. Phật và Bồ-tát Kim Cang Tạng cũng giống nhau chẳng khác.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Như Thật Kiến là bậc Thượng thủ trong Đại chúng trụ trong địa tu hành từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay cung kính nhìn các Bồ-tát mà nói kệ:

Hay thay! Pháp Đại thừa
Vi diệu khó nghĩ bàn
Cảnh giới của Như Lai
Đại chúng nên đảnh lễ
Pháp lìa cấu không lường
Hy hữu rất khó gặp
Trong tất cả cõi nước
Được chư Phật quán sát
Nghĩa Đại thừa chân thật
Thanh tịnh không luận bàn
Xa lìa các phân biệt
Đạt đến đạo vi diệu
Cảnh giới của tám thức
Các tự tánh sai khác
Năm pháp và vô ngã
Riêng biệt mà khai thị
Năm phiền não trói buộc
Sinh vào các cõi ác
Gặp pháp vi diệu này
Thanh tịnh như vàng ròng
Người đã được thanh tịnh
Trụ trong chủng tánh Phật
Tánh Như Lai vi diệu
Hơn Thanh văn, ngoại đạo
Trong tất cà cõi nước
Mật nghiêm là hơn hết
Thành tựu chủng tánh rồi
Sinh vào cõi nước này
Tôn giả Kim Cang Tạng
Đã đắc Tam-muội gì
Mà thuyết pháp thanh tịnh
Là cảnh Tam-muội gì?

Bấy giờ, trong hội có vô lượng chúng Bồ-tát cúi đầu làm lễ mà nói kệ:

Đại trí Kim Cang Tạng
Nguyện vì tôi giảng nói
Trụ trong Tam-muội gì
Để thuyết giảng pháp này
Các Đại chúng ở đây
Tất cả đều muốn nghe.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng bậc Vô úy quán khắp trong chúng hội xem lực trí tuệ của họ có thể nghe và thọ nhận pháp khó nghĩ bàn này hay không? Quán sát rồi, biết đại có thể nhận pháp này, liền nói kệ:

Nay đại chúng các ông
Nên nhất tâm lắng nghe
Ta sẽ vì các ông
Thuyết pháp diệu chuyển y
Tam-muội ta đã chứng
Là Đại thừa oai đức
Bồ-tát trụ trong đó
Giảng thuyết pháp thanh tịnh
Cũng thấy ức cõi nước
Có các Đức Như Lai
Ức số như vi trần
Ở trước mà khen ngợi
Lành thay! Ông đã thuyết
Pháp quán hành như vậy
Các Đức Phật Như Lai
Đều hành Tam-muội này
Ở đây được tự tại
Thanh tịnh thành Chánh giác
Chưa từng có một Phật
Sinh ngoài Tam-muội này
Vì thế Tam-muội này
Tư duy không thể được
Nếu có các Bồ-tát
Trụ ở Tam-muội này
Tức trụ trong cảnh giới
Chư Phật khó nghĩ bàn
Tự chứng cảnh trí tuệ
Và thấy các Đức Phật
Biến hóa trăm ngàn ức
Cho đến như vi trần
Tự chứng được diệu lý
Chư Phật đã an trú
Pháp không có các tướng
Xa lìa các thanh sắc
Danh từ nơi tướng sinh
Tướng từ nhân duyên khởi
Đây sinh hai phân biệt
Các pháp tánh như như
Ở đây khéo quán sát
Đây gọi là Chánh trí
Gọi là tánh Biến kế
Là tướng Y tha khởi
Hai danh, tướng đều chuyển
Đây là Đệ nhất nghĩa
Tạng thức ở trong thân
Tùy chỗ mà lưu chuyển
Tập khí chất như núi
Ý nhiễm bị ràng buộc
Mạt-na có hai cửa
Ý thức đồng thời khởi
Năm cảnh hiện tại chuyển
Các thức thân hòa hợp
Giống như có ngã, nhân
Đang trụ ở trong thân
Dòng nước của Tạng thức
Bị gió cảnh giới thổi
Sinh các làn sóng thức
Liên tục không gián đoạn
Phật và các Bồ-tát
Biết pháp đều vô ngã
Đã được thành Phật rồi
Lại vì người giảng nói
Phân tích nơi các uẩn
Thấy không tánh ngã, nhân
Biết pháp chẳng có không
Đây vì Thanh văn thuyết
Bồ-tát khéo quán sát
Nhân pháp nhị vô ngã
Quán rồi liền xa lìa
Không trụ nơi thật tế
Nếu trụ vào Niết-bàn
Thì bỏ tâm đại Bi
Công đức không thành tựu
Chẳng đắc thành Chánh giác
Trí hy hữu khó bàn
Lợi khắp các chúng sinh
Như sen ra khỏi bùn
Sắc tướng rất trang nghiêm
Chư Thiên và Thánh nhân
Thấy đều sinh cung kính
Như vậy Phật, Bồ-tát
Ra khỏi bùn sinh tử
Thành Phật tánh thanh tịnh
Được chư Thiên kính ngưỡng.
Từ Bồ-tát Sơ địa
Hoặc Chuyển luân thánh vương
Thiên chủ, A-tu-la
Và vua Càn-thát-bà
Người liễu ngộ Đại thừa
Đều được thân như vậy
Dần dần mà tu hành
Quyết định sẽ thành Phật
Vì thế các Phật tử
Phải nên nhất tâm học
Các thế gian chúng sinh
Cùng các pháp nhiễm tịnh
Đều nương vào thức này
Làm nhân mà được sinh
Nhân này hơn tất cả
Bậc thật chứng nêu bày
Chẳng phải do ai tạo
Giải thoát cũng như thế
Thế Tôn thuyết thức này
Vì trừ các tập khí
Hiểu biết giải thoát rồi
Thức này cũng chẳng có
Lại-da có thể được
Giải thoát chẳng phải thường
Tạng Như Lai thanh tịnh
Cũng gọi vô cấu trí
Thường trụ không đầu, cuối
Lìa tứ cú ngôn từ
Phật thuyết Như Lai tạng
Dụng là A-lại-da
Ác tuệ không thể biết
Tạng thức tức Lại-da
Tạng Như Lai thanh tịnh
A-lại-da thế gian
Như vàng ròng và nhẫn
Tương đương không sai khác
Ví như người thợ vàng
Đem vàng ròng sạch, đẹp
Làm những đồ trang sức
Dùng để đeo ở tay
Các vật tướng khác nhau
Gọi tên là vòng, nhẫn
Các Thánh nhân hiện tại
Tự chứng được trí cảnh
Công đức dần tăng trưởng
Tự biết không thể nói
Người tu các pháp định
Biết cảnh chỉ là thức
Chứng đắc Địa thứ bảy
Chuyển diệt không còn sinh
Sở hành của tâm thức
Tất cả các cảnh giới
Sự thấy tuy khác nhau
Chỉ là thức không cảnh
Bình, vỏ và các vật
Cảnh giới đều là không
Tâm biến hiện cảnh sinh
Có năng chấp sở chấp
Ví như trăng và sao
Nương Tu-di vận hành
Các thức cũng như vậy
Thường nương Lại-da chuyển
Nên biết thức Lại-da
Tức gọi là Mật nghiêm
Ví như vàng ròng quý
Đủ ánh sáng, màu sắc
Tự chứng cảnh thanh tịnh
Ngoài cảnh giới phân biệt
Tánh xa lìa phân biệt
Phân biệt không thể có
Thể tánh chân thật thường
Người định có thể thấy
Cảnh hành của ý thức
Chỉ trói buộc phàm phu
Bậc Thánh thanh tịnh thấy
Giống như những sóng nắng.

Lúc Thế Tôn nói kinh này rồi, Bồ-tát Kim Cang Tạng cùng vô lượng Bồ-tát và vô số chúng từ các phương khác đến trong hội này nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.

Trang 1 2 3 4 5 6 7

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến