KINH ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM
(Trọn bộ 3 quyển)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 2: DIỆU THÂN SINH
Bấy giờ, Bồ-tát Như Thật Kiến có oai lực lớn, tự tại trong thế gian, trên thân Bồ-tát pháp phục tốt đẹp trang nghiêm, đứng cách xa chỗ Phật, cúi mình chắp tay, nhất tâm, cung kính hướng đến Đại Bồtát Kim Cang Tạng, thưa:
–Tôn giả khéo thông đạt được trí cảnh hiện pháp lạc trú, đối với ba thừa thế gian tâm không còn chống trái, là bậc Thầy đại định, nơi định Tự tại có thể tùy thuận thuyết giảng tướng các cõi, thường ở trong tất cả các cõi nước Phật vì các bậc Thượng thủ diễn giải pháp Vi diệu thâm sâu, cho nên nay tôi xin thỉnh Tôn giả thuyết về cảnh chứng đắc bên trong Hiện pháp lạc trú của các Thánh nhân không theo hạnh người khác, khiến cho tôi và các Bồ-tát khác được thấy pháp đó, an lạc tu hành ở trong cõi Phật được ý sinh thân và ngôn thuyết thân, sức Thần thông tự tại đều được đầy đủ, chuyển sinh y của mình mà không dừng lại nơi quả vị chứng đắc, như các tia sáng của ngọc ma-ni hiện lên các hình sắc, nơi tất cả nước Phật thuyết hạnh Mật nghiêm.
Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng bảo:
–Lành thay! Nhân giả! Có thể thỉnh ta thuyết pháp vô ngã để vào cõi Mật nghiêm.
Nhân giả! Trước nên hiểu rõ các cảnh phân biệt là tướng của tâm, ở trong cảnh giới ấy, xả bỏ những sự phân biệt. Nhân chủ, thấy tất cả thế gian là phân biệt, thấy thể của thế gian tức ở nơi duyên mà được Tam-muội.
Nay tôi vì ông khai thị pháp đó. Nhân chủ nên lắng nghe. Bồtát nói kệ:
Tất cả các thế gian
Hư ảo như sóng nắng
Do các tướng không thật
Không mà lầm phân biệt.
Biết do đối tượng sinh
Đối tượng hiện do biết
Lìa một tức không hai
Như ánh sáng cùng ảnh.
Vô tâm cũng vô cảnh
Lượng và đối tượng lượng
Chỉ nương vào một tâm
Như vậy mà phân biệt.
Pháp biết và sự biết
Chỉ theo tâm vọng chấp
Nếu rõ sự biết không
Thì biết tức chẳng có.
Tâm là tự tánh pháp
Thân là chỗ cấu uế
Nhập vào Địa thứ tám
Từ đó được thanh tịnh.
Thiền định Địa thứ chín
Địa thứ mười giác ngộ
Nước pháp rưới vào đảnh
Thành tối thượng trong đời.
Pháp thân không có tận
Đây là cảnh giới Phật
Rốt ráo như hư không
Tâm thức cũng như vậy.
Không tận cũng không hoại
Dùng các đức trang nghiêm
Thường trụ chẳng nghĩ bàn
Các cõi Phật Mật nghiêm.
Ví như bình đã vỡ
Nhờ đó đất hiện rõ
Đất vỡ hiện ra bụi
Bụi phân ra cực vi.
Như vậy từ hữu lậu
Mà thành pháp vô lậu
Như lửa cháy hết củi
Lửa lại cháy chỗ khác.
Chuyển y lìa phân biệt
Chứng được trí bất động
Trong nước Phật Mật nghiêm
Như vậy mà thường hiện.
Không phẩm loại chúng sinh
Chớ trụ ở thế gian
Bỏ tất cả kiến chấp
Trở về với vô ngã.
Đoạn các tướng lưu chuyển
Không sinh cũng không diệt
Dứt hết các kiến chấp
Chứng được pháp vô ngã.
Các hoạn nạn đã hết
Tịnh trú không nghĩ bàn
Diệt hết các kiến chấp
Trở về với vô ngã.
Hết thảy pháp thế gian
Xưa nay tánh vô ngã
Chẳng do hoại thành không
Do ví dụ mới rõ.
Như lửa cháy củi hết
Tự ở trong đó diệt
Quán sát nơi ba cõi
Trí vô ngã cũng vậy.
Gọi là hiện pháp lạc
Cảnh trí của Thánh nhân
Nương đây vào các Địa
Diệt hết tôi từ xưa.
Vượt lên khỏi thế gian
An trụ đạo xuất thế
Chuyển tâm thành thanh tịnh
Thường ở cõi Mật nghiêm.
Bấy giờ, Bồ-tát Như Thật Kiến và các Đại chúng đều thưa:
–Bồ-tát Kim Cang Tự Tại, chúng tôi đều muốn được quy y, nguyện xin chỉ bày pháp ấy.
Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói kệ:
Tánh Phật chẳng phải có
Chẳng phải không có Phật
Cây uẩn đã thiêu đốt
Quân ma đều thoái lui
Trú nơi cõi Như Lai
Nước vi diệu Mật nghiêm
Thấy rõ tịnh không cấu
Nhân chủ muốn quy y
Lìa xa các phân biệt
Chứng nơi không xứ sở
Chỗ các định Mật nghiêm
Nhân chủ muốn quy y
Cõi Mật nghiêm tối thắng
Chỗ nương các bậc Thánh
Hành giả quán đầy đủ
Trở về cõi Mật nghiêm.
Lúc ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng lại bảo Bồ-tát Như Thật Kiến:
–Nhân chủ! Muốn quán các trụ địa, những người tu pháp Quán hành quán tất cả thế gian như trong tượng vẽ có cao, thấp; như mộng thấy nữ sắc đoan trang; như người nữ đá bỗng mộng thấy mình sinh con; như những sinh hoạt trong thành Càn-thát-bà; như vòng lửa thành bánh xe; như tóc treo rũ giữa không trung; như người ảo thuật tạo ra hình ngựa, rừng cây, hoa quả; như bóng mây nổi; như ánh điện chớp đều là giả chẳng phải thật có, do sự phân biệt tạo thành giống như người thợ tạo ra đồ dùng.
Nhân chủ! Tập khí chúng sinh ở thế gian che mờ tâm tánh sinh ra các loại hý luận, ý cùng ý thức và các thức khác khiến cho năm pháp, ba tánh chuyển biến liên tục cùng tương ưng với hai thứ vô ngã; ví như dòng nước do gió thổi mà tạo nên các làn sóng, sóng khởi liên tục mà dòng nước chảy không ngừng. Thức A-lại-da ở trong thế gian cũng vậy. Tập khí vô thủy giống như dòng nước bị gió cảnh giới khuấy động, sinh ra những làn sóng thức liên tục không dứt.
Nhân chủ! Tâm này tuy thể tánh khác nhau mà thường duyên theo nhau dần dần sinh khởi, hoặc sinh khởi một lúc, khi tâm sinh chấp lấy các cảnh giới cũng có sự nhanh chậm khác nhau như vậy. Như nhà cửa, các ngôi sao, chỗ quân trận, núi rừng, cây, nhánh lá, hoa quả những chỗ như vậy cùng một lúc chấp lấy nhiều thứ hoặc lần lượt từng thứ, nếu ở trong mộng thấy lại chuyện đã qua, hoặc nhớ lại thuở mới sinh ra đến lúc già chết và tính toán các vật, suy nghĩ các câu nghĩa, thấy các màu sắc đẹp lạ, cảm nhận ăn uống ngon, đối với cảnh giới này lần lượt biết rõ; hoặc có lúc chỉ một lúc biết rõ tất cả.
Nhân chủ! Tâm tánh vốn thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Các tạng Như Lai vi diệu như vàng trong quặng, ý từ tâm sinh, sáu thức khác cũng vậy. Như thế nhiều pháp ở trong thế gian tạo ra sự khác nhau. Nhân chủ! Thức A-lại-da tuy có thể hòa hợp cùng các tâm pháp cho đến tất cả chủng tử nhiễm ô, thanh tịnh cùng dừng lại trụ nơi tánh thường sáng suốt; nên biết chủng tánh của Như Lai cũng vậy, dù phân biệt định hay bất định, thể tánh cũng thường thanh tịnh, nhu biển luôn yên lặng mà sóng thường chuyển động, lần lượt tu tập từng bước hạ, trung, thượng riêng biệt; xả bỏ các tạp nhiễm thì được sáng suốt.
Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng lại nói kệ:
Lành thay! Tuệ Như Thật!
Chánh pháp vi diệu này
Từ lúc ta vừa nghe
Tâm định đã khai ngộ.
Tất cả nước mười phương
Các đại chúng trong hội
Ông nên tùy thuận theo
Vì họ tuyên thuyết rộng.
Nếu người nghe thuyết rồi
A-lại-da thanh tịnh
Hoặc là được làm vua
Chuyển luân bốn thiên hạ.
Hiện làm trời Đế Thích
Đâu-suất, Tu-dạ-ma
Hoặc chủ trời cõi Dục
Đến cung trời Tự tại,
Hoặc làm chủ cõi Sắc
Sinh vào trời Vô sắc
Sinh trong cõi Vô tưởng
Hưởng hỷ lạc Thiền định,
Chứng chân thật không trụ
Ví như Sư tử hống
Tự tại trong các định
Nhờ tương ưng hỷ lạc
Nhất tâm cầu Mật nghiêm
Không đắm nhiễm ba cõi
Đến cõi Mật nghiêm rồi
Lần lượt mà khai ngộ
Chuyển y được an lạc
Thường an trú tịch tĩnh
Có vô lượng Phật tử
Vây quanh để trang nghiêm
Bậc pháp vương tự tại
Tối thượng ở trong chúng
Chẳng như ngoại đạo thuyết
Hoại diệt là Niết-bàn
Hoại nên đồng với có
Có chết lại sinh ra
Mười nghiệp thượng, trung, hạ
Vượt ra khỏi ba thừa
Sinh Mật nghiêm tối thượng
Siêng năng chuyển các Địa
Được trí tuệ giải thoát
Thân Như Lai vi diệu
Vì sao nói Niết-bàn
Đó là pháp hoại diệt
Nếu Niết-bàn hoại diệt
Chúng sinh có tận cùng
Chúng sinh nếu có cùng
Cũng có điểm khởi đầu
Nên pháp chẳng có sinh
Từ đầu làm chúng sinh
Chẳng không có chúng sinh
Mà sinh cõi chúng sinh
Cõi chúng sinh đã tận
Phật không đốt đuốc pháp
Thì không thể giác ngộ
Cũng không có Niết-bàn
Người vọng chấp giải thoát
Như hạt giống đã cháy
Đèn tắt và lửa hết
Nói tánh giải thoát đó
Là có hoại không thành
Xa lìa không thể chứng
Nơi giải thoát diệu lạc
Biến xứ và các thiền
Vô sắc vô tưởng định
Sức thần thông tự tại
Nghịch thuận mà ra vào
Ở đó không thoái lui
Thường không bị chìm đắm
Biết rõ các pháp tướng
Khéo đạt được các cõi
Như vậy mà trang nghiêm
Đến trụ nước Mật nghiêm
Nếu nói tánh giải thoát
Có hoại nhưng không thành
Người này trụ các cõi
Mãi mãi không thể ra
Phá hoại ba hòa hợp
Nhân nơi bốn thứ duyên
Mắt duyên sắc trong, ngoài
Hòa hợp sinh ra thức
Pháp thế gian trong, ngoài
Do sức mạnh tướng sinh
Như vậy với các nghĩa
Tất cả đều chống trái
Nếu biết chỉ thức hiện
Lìa tâm mới chứng được
Không sinh ra phân biệt
Cũng không trụ tánh đó
Lìa các duyên vin vào
Tâm thiền định tịch tĩnh
Bỏ kiến chấp thế gian
Năng chấp và sở chấp
Xa lìa chuyển y thô
Trí tuệ bất tư nghì
Mười thứ ý sinh thân
Tốt đẹp và trang nghiêm
Làm chủ của ba cõi
Đến cõi nước Mật nghiêm
Sắc tâm và tâm pháp
Bất tương ưng, vô vi
Trong ngoài các thế gian
Thật quán không riêng khác
Những người trí như vậy
Đến cõi nước Mật nghiêm
Danh tướng cùng phân biệt
Chánh trí và như như
Thiền định soi thấy rõ
Thể tánh đều bình đẳng
Vào cõi tịnh Mật nghiêm
Được chư Phật khen ngợi
Nếu hoại ba hòa hợp
Và nhờ bốn thứ duyên
Chính mình không vững chắc
Đồng các vọng phân biệt
Tập khí ác phân biệt
Bị năm thứ hý luận
Ví dụ không thành lập
Các nghĩa đều trái nghịch
Năm thứ phiền não loạn
Tuệ nhãn cùng vượt qua
Điên đảo không điên đảo
Pháp này không dị hoại
Xả bỏ đạo pháp mình
Nương theo đạo pháp khác
Các kiến chấp ban đầu
Đều từ hoại diệt sinh.
Đại vương phải nên biết
Chúng sinh trong các cõi
Như vòng xe xoay chuyển
Không có điểm bắt đầu
Như Lai dùng bi, nguyện
Tùy duyên hiện các cõi
Như vầng trăng trong sáng
Hiện khắp cả mọi nơi
Tùy căn tánh chúng sinh
Thích hợp mà thuyết pháp
Nếu diệt Niết-bàn là diệt
Phật có công đức gì?
Tăng thượng có ba thứ
Giải thoát cũng như vậy
Tứ đế và thần thông
Niệm xứ, vô ngại biện
Bốn duyên trụ vô sắc
Căn lực và thần thông
Các Độc giác, Bích-chi
Pháp hữu vi, vô vi
Cho đến các Thánh nhân
Đều nương thức mà có
Khổ trí, khổ pháp trí
Và khổ tùy sinh trí
Tập trí gồm có ba
Diệt, đạo cũng như vậy
Mười hai loại trí này
Điều gọi là hiện quán
Học nhân có mười bậc
Sinh trở lại bảy, tám
Gia gia, nhất vãng lai
Một lần rồi diệt độ
Trung ban cùng sinh ban
Hữu hành và vô hành
Bậc thượng lưu khắp nơi
Sau đó nhập Niết-bàn
Tất cả bậc như vậy
Phẩm vị của các trí
Người tu pháp Quán hành
Thượng, trung, hạ khác nhau
Bồ-tát tu tinh tấn
Sự nghiệp rất thù thắng
Mười một cùng mười hai
Cho đến thứ mười sáu
Người tu các định này
Lại diệt dừng tâm vọng
Tận cùng chẳng phải tâm
Chẳng phải tâm cùng trụ
Tâm vị lai chưa đến
Chưa đến nên chẳng có
Tâm duyên không hòa hợp
Chẳng đây, chẳng đó sinh
Thiền thứ tư vô tâm
Có nhân không thể hại
Có nhân là các thức
Ý thức và năm loại
Vọng tưởng không tự biết
Giống như gợn sóng nổi
Người định quán Lại-da
Có thể lìa phân biệt
Vi diệu không chỗ có
Chuyển y mà không hoại
Ở trong chốn Mật nghiêm
Như trăng thường chiếu sáng
Các bậc Trí Mật nghiêm
Cùng Phật thường tụ hội
Luôn ở trong cảnh định
Một vị không khác nhau
Nguời ở định Mật nghiêm
Sức định sinh nơi đó.
Vì vậy nên tu tập
Tướng tâm định diệu này
Dục giới có sáu trời
Phạm ma mười sáu xứ.
Vô sắc và vô tưởng
Trong tất cả các cõi
Nếu sinh nước Mật nghiêm
Làm Thiên chủ ở đó
Muốn cầu cõi Mật nghiêm
Nên tu mười loại trí
Pháp trí, tùy sinh trí
Thế tục trí tâm khác
Trí Khổ, Tập, Diệt, Đạo
Tận trí, vô sinh trí
Nhân giả thấy chân thật
Dòng vua Xá-luân-la
Cùng vua Nguyệt-cam-giá
Dòng họ không khác nhau
Nên tìm nước Mật nghiêm
Chớ thoái tâm hoài nghi
Như dê bị dắt đi
Lo sợ mà lùi bước
Ý ở tại trong thân
Giống thú giả nương ở
Cũng như giả làm cây
Cỏ lau ở trong sông
Như vua chơi vườn cảnh
Cả thân thể vận động
Ý cùng với ý thức
Tâm, tâm pháp cùng khởi
Giống như mây giữa không
Tụ thành mà không thật
Chủng tử thức Lại-da
Bị tập khí che mờ
Ví như ngọc ma-ni
Tùy duyên hiện các sắc
Nhưng lìa thân chúng sinh
Tánh thanh tịnh không nhiễm
Chủng tánh quyết định này
Cũng là đại Niết-bàn
Gọi là nhân tướng sinh
Tuớng từ nhân duyên khởi
Do nơi các hình tướng
Mà khởi lên phân biệt
Phân biệt từ hai nhân
Tướng ngoài, tập khí trong
Mạt-na thức thứ bảy
Nên biết cũng như vậy
Các căn, ý duyên nhau
Pháp sinh nơi năm thức
Cùng tương ưng tâm pháp
Như vậy trụ trong thân
Chánh trí thường quán sát
Tất cả các thế gian
Từ nhân duyên như vậy
Mà sinh các quả ấy
Chân như chẳng khác đây
Các pháp hỗ tương sinh
Cùng tâm lý tương ưng
Quán thấy rất rõ ràng.
Đây tức là các pháp
Tánh chân thật cứu cánh
Cũng là pháp vọng chấp
Tất cả pháp không sinh
Tánh các pháp thường, không
Chẳng không cũng chẳng có
Như huyễn mộng, ráng nắng
Như thành Càn-thát-bà
Vô số loại hình tướng
Danh cú và văn thân
Do chấp trước sinh ra
Thành ra tánh biến chấp
Căn, cảnh, ý hòa hợp
Huân tập thành hạt giống
Cùng tâm không phân biệt
Các thức từ đây sinh
Tạo thêm vốn cho nhân
Gọi là Y tha khởi
Trong chứng trí chân thật
Ngoài hiện ra pháp trụ
Tức là nói viên thành
Cảnh giới các bậc Thánh
Phật và các Phật tử
Chứng pháp này là Thánh
Nếu người chứng pháp ấy
Tức thấy được chân tế
Thuyết giảng pháp đã hết
Phạm hạnh đều lập xong
Việc làm đã thành tựu
Vĩnh viễn lìa các cõi
Giải thoát tất cả khổ
Diệt trừ những sợ hãi
Sinh hai pháp vô ngã
Có thể khéo biết rõ
Đốt cháy các tập khí
Đoạn dứt các phân biệt
Từ vô thủy đến nay
Tích tụ các hý luận
Vô lượng các tội lỗi
Tất cả đều trừ hết
Ví như hoàn sắt nóng
Hết nóng, sắt không hư
Giải thoát cũng như vậy
Nhận hết mà trong sáng
Vào cảnh giới vô lậu
Cõi vi diệu Mật nghiêm
Cõi này rất tối thắng
Ngoài ra chẳng sánh bằng
Chỗ cư trú thanh tịnh
Của Phật và Bồ-tát.
Hiện tiền vui Tam-muội
Dùng đây làm thức ăn
Người muốn sinh cõi này
Nên tu quán chân thật
Lại vì có các duyên
Như lý, tuyên thuyết rộng
Danh sinh vốn ở tướng
Tướng khởi lại theo duyên
Đủ các loại phân biệt
Đều nhân tướng mà có
Căn, cảnh như bình, vỏ
Uẩn pháp hợp lại thành
Phân biệt từ đây sinh
Biết rõ phân biệt đúng
Hoặc động hoặc chẳng động
Tất cả các thế gian
Đều nhân si ám sinh
Lấy ngu tối làm thể
Dài, ngắn các màu sắc
Âm thanh cùng hương vị
Ngọt, đắng, bền chắc, trơn
Chỗ duyên của ý thức
Tánh thiện và bất thiện
Pháp hữu vi, vô vi
Cho đến cảnh Niết-bàn
Đây đều cảnh của trí
Niệm niệm thường chuyển biến
Đều do nương thức sinh
Như lực đá nam châm
Hút sắt khiến di chuyển
Nên biết thức Mạt-na
Ở tàng thức cũng vậy
Như rắn có hai đầu
Mỗi đầu làm một việc
Ý nhiễm ô cũng vậy
Chấp thủ A-lại-da
Vì ngã tạo nên nghiệp
Tăng trưởng thêm ngã sở
Cùng kết hợp ý thức
Làm chỗ nương mà chuyển
Trong thân sinh hơi ấm
Vận động tạo các nghiệp
Ăn uống và y phục
Tùy việc mà thọ dụng
Nhảy nhót hoặc ca múa
Mỗi loại tự vui thích
Giữ thân các chúng sinh
Đây do công của ý
Như trong giấc mộng thấy
Tất cả các cảnh giới
Khởi các loại phân biệt
Không biết chỉ tự tâm
Như người ở trên không
Chạy trên tơ đùa giỡn
Nguy hiểm không an ổn
Phân biệt cũng như vậy.
Phân biệt không chỗ nương
Chỉ làm theo mỗi cảnh
Như hình tượng trong gương
Do thức động nên thấy
Kẻ ngu mê hoặc này
Chẳng phải bậc Trí sáng
Nhân chủ phải nên biết
Ba thứ này thức hiện
Nếu xa lìa chỗ này
Thì gọi là chân thật
Các Bồ-tát, Trì Tấn
Và Thánh Mục-kiền-liên
Quán sát khắp ức cõi
Mỗi thứ đều tốt đẹp
Trong chỗ trang nghiêm đó
Cõi này rất thù thắng
Cực lạc hiện an vui
Cho đến ở phương dưới
Trong vô lượng ức cõi
Được chư Phật tán thán
Đều bảo nước Mật nghiêm
Tự nhiên hiện oai đức
Vô thủy cũng vô chung
Vốn là cõi Như Lai
Nhưng ra khỏi ba cõi
Tịch tĩnh chốn vô vi
Lợi mình và lợi người
Sự nghiệp đều viên mãn
Đây chính là thành Phật
Muốn thực hành Phật sự
Cốt yếu từ Mật nghiêm
Hóa làm vô lượng ức
Thường nương theo chánh định
Hiện ra các thần thông
Trong tất cả cõi nước
Như mặt trăng không thấy
Tùy các loại chúng sinh
Ưng hóa làm lợi ích
Mười cõi của Hoa nghiêm
Đại thọ cùng thần thông
Thắng-man và kinh khác
Đều từ kinh này ra
Kinh này thù thắng nhất
Các kinh không thể bằng
Nhân chủ và các vua
Nếu hết mực tôn kính
Cõi Dục, Sắc, Vô sắc
Vô tưởng các cung trời
Phật đã vượt ra khỏi
Trụ vào chốn Mật nghiêm
Các cung điện cõi này
Như hoa sen nhiều sắc
Tất cả Đức Như Lai
Tướng đẹp, trí thanh tịnh
Phật và các Bồ-tát
Thường trụ ở trong này
Thế Tôn luôn thiền định
Tịch tĩnh rất tối thượng
Tự nương định khó nghĩ
Hiện các sắc tốt đẹp
Sắc tướng không giới hạn
Ngoài kiến chấp năng, sở
Cõi Cực lạc trang nghiêm
Thế Tôn thọ vô lượng
Các hành giả tu quán
Sắc tướng đều như vậy
Hoặc thấy Thiên trung thiên
Sắc vàng sáng rực rỡ
Sư tử màu kim sắc
Chân kim cang, nguyệt quang
Con công lông trắng nõn
Sen lưu ly sáng chói
Hoặc thấy thân gầy yếu
Rách rưới dáng lùn xấu
Hoặc như ngàn mặt trời
Chiếu trên hoa sen lớn
Hoặc thấy các Bồ-tát
Đỉnh đính tóc Long vương
Dùng vật báu của vua
Làm mũ báu trang nghiêm
Hoặc thấy các hình tượng
Bánh xe, cờ, cá, ốc
Chiếu ra màu sắc đẹp
Như cầu vồng trên không
Hoặc thấy núi Tu-di
Đặt trong lòng tay phải
Hoặc đem nước biển cả
Gom như dấu chân bò
Hoặc thấy được làm vua
Mặt áo mũ sang trọng
Hai bên quan vây quanh
Cùng tuyên chiếu việc nước
Hoặc thấy các Bồ-tát
Bậc tu hành tối thượng
Nói về cảnh giới mình
Biết các pháp của Phật
Hoặc dùng trí thiền định
Vội chuyển chỗ nương tựa
Chứng được thân như huyễn
Tất cả đều vô ngại
Hoặc thấy rõ các cảnh
Đoạn các nghiệp chấp trước
Các kiến chấp đã trừ
Không trở lại các cõi
Như mỡ dầu đã hết
Đèn tắt mà Niết-bàn
Hoặc thị hiện tu hành
Tất cả Ba-la-mật
Diễn bày ở đại hội
Ban khắp vô cùng tận
Khổ hạnh và trì giới
Các phép nghi mỗi loại
Nước cực lạc trang nghiêm
Người chẳng phải thai sinh
Thân tướng như vàng ròng
Tỏa màu sắc khắp nơi
Tương ứng được tự tại
An lạc và sáng suốt
Cảnh giới của người này
Trăm phần không phải một
Người trong cõi Cực lạc
Thức ăn theo ý muốn
Đấng Mâu-ni tự tại
Định là vị cam lộ
Cây báu tên Như ý
Dạo chơi nghỉ dưới đó
Vàng ròng làm miếng mỏng
Trải khắp đất trang nghiêm
Mặt đất nhiều hoa sen
Cùng các hoa tươi tốt
Mến mộ công đức Phật
Nhất tâm để hồi hướng
Nơi cõi Phật thù thắng
Từ hoa sen hóa sinh
Đủ các tướng trang nghiêm
Sáng trong không trần cấu.
Lúc ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói kệ này rồi, hiện thân mình như đốt tay hoặc như hạt cải cho đến một phần trăm đầu sợi lông, hoặc hiện thân Phật, hoặc hiện thân Độc giác hoặc hiện thân Thanh văn và hiện vô số thân hình khác để thuyết pháp. Hoặc nói Bồ-tát chứng nhập các Địa, biết rõ năm pháp, tám thức, ba tánh, hai vô ngã, đắc Tam-muội như huyễn tùy ý thọ thân, thần thông tự tại, lực Vô sở úy đều không thoái chuyển, an trụ vào nơi chốn thanh tịnh, nhập vào cõi Phật, vô lậu uẩn, giới thường không biến đổi. Hoặc nói Bồ-tát có thể dạo khắp, như mộng, như tượng, như trăng trong nước. Người hành đạo thực hành các pháp quán này chứng được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, thân như mười huyễn, các nguyện hoàn toàn được thành tựu, đạt được Bậc Chánh Giác ngồi trên hoa sen báu, các chúng Bồ-tát đều vây quanh. Hoặc nói Bồ-tát nhờ nguyện lực hiện vô số hình ở các cõi ma mà làm Phật sự. Thân vi diệu của các Bồ-tát này không còn vướng vào có, không. Ví như các Trời, Tiên, Càn-thát-bà ở núi Tu-di hoặc ở hư không, cõi của chúng sinh không thể nhìn thấy, thân các Bồ-tát ấy cũng như vậy, người không tu Quán hành thì không thể thấy được. Hoặc nói Bồ-tát đắc Thiền định, lực Tam-muội tự tại ở cung điện hoa sen của mười phương cõi nước thị hiện thọ sinh và nhập Niết-bàn. Hoặc nói Bồ-tát nhờ lực Tam-muội chuyển sở y mà không trụ vào chân như, ở nơi tất cả cõi chúng sinh hiện các thân khác nhau, tâm của Bồ-tát bình đẳng như đất, như nước, như mặt trời, mặt trăng. Hoặc nói Bồ-tát đem tâm đại Từ thương sót chúng sinh lưu chuyển sinh tử, nghèo cùng, cô độc bị các khổ dày vò như con ong đen đậu vào thuyền nên đi khắp biển cả, theo thuyền chạy một dotuần cho đến trăm ngàn vô lượng do-tuần để thuyết về vô ngã, sinh tử, vô thường khiến cho họ biết được sát-na chống diệt không dừng; hoặc nói chư Phật và các Bồ-tát thấy tất cả chúng sinh khát ái mê loạn, phân biệt, bị các khổ bức bách ở trong pháp vô tướng mà chấp thủ tướng, chấp trước có năng sở hư vọng, do năng chấp và sở chấp này trói buộc tâm chúng sinh dong ruỗi khắp trong biển sinh tử không dừng nghèo cùng, cô thế không có chỗ nương, như nhện, sâu bị mắc lưới trong biển cả. Phật và Bồ-tát giống như người ở trên thuyền đối với chúng sinh khởi tâm thương xót, muốn làm cho thoát khỏi nạn khổ sinh tử tùy theo tâm chúng sinh mà hiện thân, thuyết pháp, bố thí làm tất cả các hạnh.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Phổ Hiền phát ra ánh sáng lớn nhiều màu sắc cùng với các vị Bồ-tát: Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Trì Tấn, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Thần Thông Vương, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồtát Thánh Giả Nguyệt, Bồ-tát Kim Cang Tề, Bồ-tát Đại Thọ Vương, Bồ-tát Hư Không Tạng cho đến vô lượng chư Thiên ở cung điện ngọc ma-ni các chúng Bồ-tát trong cõi Mật nghiêm và những người trong cõi Phật khác đến nghe pháp; nghe thuyết pháp vi diệu ở cõi Mật nghiêm được công đức lớn quyết định chuyển y thường ở cõi này không sinh ở cõi khác, tự nhiên đều nhớ nghĩ đến chúng sinh đời vị lai, vì muốn làm lợi ích khắp chúng sinh nên các vị Bồ-tát ấy thưa với Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng:
–Xin Tôn giả vì chúng tôi mà giảng nói tất cả thế gian có bao nhiêu hình sắc, do ai làm ra? Như người thợ gốm nhồi đất dính lại làm nên cái bình, những hình tượng của thế gian cũng làm nên như vậy chăng? Như người tạo âm nhạc kết hợp các loại dây, ống trúc, gỗ thành âm thanh. Tất cả thế gian cũng vậy chăng? Như một vật có ba tự tánh, các vật thế gian đã thành tướng, thể, nếu chưa thành thì đều ở trong một vật chăng? Cõi trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Tha hóa tự tại, trời Đại thọ Khẩn-na-la, trời Thiện hiện, trời Sắc cứu cánh, Phạm thiên vương, cõi Vô sắc là do tất cả Thiên chủ đồng tâm hợp lực mà tạo ra chăng? Chư Phật Bồ-tát ở phương này và phương khác dùng sức biến hóa tạo ra hình tượng của thế gian, chúng sinh ở trong đó khởi lên các mê hoặc, sự mê hoặc này xem như sóng nắng, như bình và vỏ, sự tạo ra công đức, tất cả những người trong thế trụ vào đó, người chẳng tạo các công đức mà bị lệ thuộc vào công đức, cũng chẳng phải đó là công đức mà nương vào công đức, cho nên lần lượt tích tập các công đức. Như vậy, thế gian có bao nhiêu hình sắc chỉ là mê hoặc mà có chăng? Hoặc cho rằng trời Đại phạm, Phạm thiên vương, cõi trời Tự tại đều tự tạo ra. Hoặc cho rằng Tiên Sa-ca-noađề-na Kiếp-tỳ-la tự tạo ra năng lực. Hoặc có lúc vọng chấp từ tánh tự nhiên, do nghiệp vô minh, ái mà sinh khởi. Tất cả chư Thiên, Tiên và những người tu định ở thế gian đều hoài nghi mê hoặc vì không có thể tánh, như huyễn như mộng; như sóng nắng, như thành Càn-thátbà đều do vô thi phân biệt chấp có năng, sở; như rắng hai đầu, như thây chết biết đi; như người gỗ nhờ máy mà chuyển động; như vòng lửa, tóc rũ xuống giữa hư không chăng?
Lúc ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng dùng kệ đáp:
Các hình sắc thế gian
Không từ đâu sinh ra
Chẳng phải Ca-tỳ-la
Nhân-tỳ-la tạo ra
Cũng không do phước quả
Bố thí hay cúng dường
Do Phệ-đà giảng thuyết
Nghĩa cùng, khác không định
Cũng chẳng phải có không
Hay chấp giữ thế gian
Gọi là A-lại-da
Thức thứ tám thù thắng
Tất cả đều vận chuyển
Như nhiều bình lăn tròn
Như dầu lẫn trong mè
Trong muối có vị mặn
Cũng như tánh vô thường
Ở khắp trong các sắc
Trầm, xạ đều có hương
Ánh nhật, nguyệt cũng thế
Chẳng năng tác, sở tác
Chẳng hữu cũng chẳng vô
Xa lìa các ngoại đạo
Các kiến chấp đồng dị
Chẳng phải trí tìm cầu
Không thể phân biệt được
Người định tâm không ngại
Chứng được trí bên trong
Nếu lìa A-lại-da
Tức không có thức khác
Như sóng trong biển cả
Tuy cùng biển không khác
Biển lặng sóng mất đi
Cũng không thể nói một
Ví như người tu định
Trong định tâm thanh tịnh
Người thần thông tự tại
Đạt được các thông tuệ
Quán hành có thể thấy
Chẳng ngoài sự hiểu biết
Tạng thức cũng như vậy
Cùng thức đồng hành chuyển
Phật và các Bồ-tát
Người định thường quán thấy
Tàng thức chấp thế gian
Giống như tìm ngọc báu
Cũng như xe có bánh
Theo gió nghiệp lưu chuyển
Thợ gốm quay bánh xe
Tạo thành vật cần dùng
Tạng thức cùng các giới
Hợp sức lại mới thành
Trong ngoài các thế gian
Bày ra khắp mọi nơi
Ví như các vì sao
Xuất hiện khắp hư không
Nương theo sức của gió
Vận hành luôn không dừng
Như vết chim trong không
Tìm kiếm không thể được
Nhưng chim chẳng lìa không
Mà bay lượn lên xuống
Tạng thức cũng như vậy
Không lìa thân tự, tha
Như biển cả dậy sóng
Hư không trùm vạn vật
Tàng thức cũng như vậy
Che lấp các tập khí
Ví như trăng trong nước
Và như các hoa sen
Không xa lìa khỏi nước
Cũng không dính vào nước.
Tạng thức cũng như vậy
Không bị nhiễm tập khí
Như mắt có con ngươi
Mắt không tự thấy được
Tạng thức ở nơi thân
Thâu giữ các chủng tử
Duy trì mãi thức ấm
Như mây che thế gian
Nghiệp dụng tăng không dừng
Chúng sinh không thể thấy
Thế gian vọng phân biệt
Thấy trâu, bò có sừng
Không rõ sừng chẳng có
Nên nói thỏ không sừng
Phân tích đến hạt bụi
Tìm sừng thật không có
Do nương vào pháp có
Mà thấy có pháp không
Pháp có vốn tự không
Không thấy gì đối đãi
Hoặc pháp có, pháp không
Lần lượt hỗ tương nhau
Trong hai pháp có không
Không nên khởi phân biệt
Nếu xa lìa sở giác
Năng giác tức không sinh
Ví như vòng lửa quay
Che lấp các việc huyễn
Đều do ít kiến chấp
Mà sinh các giác này
Nếu là khỏi nhân đó
Giác này tức không có
Danh tướng hỗ tương nhau
Tập khí không giới hạn
Tất cả các phân biệt
Cùng ý mà sinh khởi
Chứng được cảnh chân thật
Tập khí tâm không sinh
Từ vô thủy đến nay
Mê theo các vọng cảnh
Hý luận và huân tập
Sinh khởi vô số tâm
Năng chấp và sở chấp
Tâm chúng sinh tự tại
Các tướng như bình vỏ
Lìa tâm không thật có
Tất cả chỉ có giác
Nghĩa sở giác đều không
Tánh năng giác, sở giác
Chuyển tự nhiên như vậy
Tập khí tâm ô trược
Phàm phu không thể thấy
Như biển bị gió động
Sóng dậy không thể dừng
Tâm là cảnh gió động
Gió thức sinh cũng vậy
Vô số các phân biệt
Từ bên trong chấp thủ
Như đất không phân biệt
Vạn vật nhờ đó sinh
Tạng thức cũng như vậy
Chỗ nương của các cảnh
Như người dùng tay mình
Trở lại giữ lấy thân
Cũng như voi dùng vòi
Lấy nước thấm gội mình
Lại như những đứa trẻ
Đưa tay vào miệng ngậm
Như vậy trong tâm mình
Hiện cảnh lại tự duyên
Cảnh giới của tâm này
Hiện khắp cả ba cõi
Người tu quán hạnh lâu
Mới khéo thông đạt được
Các thế gian trong ngoài
Tất cả chỉ tâm hiện.
Lúc ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói lời này rồi, im lặng ngồi xuống, an trụ vào thiền định vi diệu, ở cửa pháp giới nhập vào cảnh giới của chư Phật, thấy có vô lượng chư Thiên sắp đến cõi này để an trú tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy phóng ra ánh sáng lớn, ánh sáng ấy chiếu đến cõi Dục, cõi Sắc, Vô sắc, vô tưởng, thiên cung, từ trong ánh sáng này lại hiện ra vô lượng cõi Phật thù thắng, có vô lượng Đức Phật tướng tốt đẹp trang nghiêm, tùy theo sự mong muốn của các thế gian mà làm việc lợi ích, đều khiến cho thọ trì danh hiệu Mật Nghiêm. Các vị Bồ-tát ấy cùng nhau quán sát và bảo rằng:
–Cõi Mật nghiêm của Phật có thể làm thanh tịnh các phước đức, diệt trừ tất cả tội, những người tu pháp quán hành trong cõi ấy thì các cõi Phật tối thượng khác không thể sánh bằng. Chúng ta nghe danh hiệu cõi nước này trong tâm vui mừng, hãy cùng nhau đi đến đó.
Bấy giờ, chư Thiên từ chỗ ở của mình đi đến cõi này. Chư Thiên cõi Tịnh cư, Sắc cứu cánh và Phạm thiên vương cùng tụ hội, đối với Phật và các Bồ-tát ở cõi này đều sinh ý nghĩ mong cầu hiếm có nên thưa Phạm vương:
–Thưa Thiên chủ! Chúng tôi cùng có ý niệm: Lúc nào được theo Thiên chủ đi đến cõi Mật nghiêm.
Phạm vương nghe lời này rồi, cùng với chư Thiên vội vàng đi. Giữa đường, đi chậm lại vì không biết chỗ đến, Phạm vương liền suy nghĩ: “Cõi Mật nghiêm của Phật là cảnh giới để tu pháp quán hành, chẳng phải người nào cũng có thể đến đó được, chẳng phải là chỗ đến của chư Thiên ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc và các ngoại đạo có thần thông. Nay, chúng ta làm sao đến?” Lại nghĩ rằng: “Giả sử ta có được oai lực của Phật hộ trì thì đến đó.” Nghĩ rồi nói lời đảnh lễ, ngay lúc đó, Phạm thiên thấy có vô lượng chư Phật ở giữa hào quang uy nghiêm chiếu sáng. Phạm vương bạch:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con làm sao có thể đi đến cõi Phật Mật Nghiêm?
Đức Phật bảo:
–Ông nên trở lui. Vì sao? Vì cõi Phật Mật Nghiêm là cảnh giới quán hành, là chỗ an trụ của bậc đắc chánh định, các cõi Phật khác tối thắng cũng không thể sánh bằng: Chẳng phải là chỗ đến của người có hình sắc.
Phạm thiên vương nghe Phật bảo rồi, liền cùng với chư Thiên trở về Thiên cung. Bấy giờ chư Thiên cõi Tịnh cư cùng suy nghĩ: “Phạm thiên vương có oai lực lớn mà không thể đến được, nên biết cõi ấy rất là thù thắng, đó là cảnh giới của những bậc tu pháp quán hành chứng đắc Tam-muội Như huyễn.” Họ tán thán công đức của cõi Mật nghiêm như vậy, âm thanh ấy liên tục truyền đi, khắp nơi cùng nghe. Các Bồ-tát trong hội nghe lời này rồi càng thêm vui mừng cung kính, bạch Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng:
–Chúng tôi hằng khát ngưỡng mến mộ pháp thâm sâu vi diệu, xin bậc Đại trí giảng nói cho chúng tôi.
Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp:
–Pháp của Đức Phật thuyết không ai có thể diễn thuyết đầy đủ, chỉ trừ được sự hộ niệm của Như Lai, vì Như Lai là Bậc Giải Thoát tối thắng đối với pháp Quán hành, có cảnh giới không thể nghĩ bàn, làm thế nào đối với người không tu pháp Quán hành mà khai thị giảng thuyết được.
Lúc ấy, Bồ-tát Trì Tấn, Tu-dạ-ma và các Bồ-tát liền đồng thanh thỉnh. Bồ-tát Thần Thông Vương, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Khẩn-na-la và vô lượng các Bồ-tát khác lại thưa:
–Lành thay! Nhân giả! Hãy mau thuyết giảng, lại có vô lượng chư Thiên trổi nhạc trời giữa hư không đồng tâm khuyến thỉnh.
Khi ấy, Phạm thiên vương nhờ oai lực của Phật đến hội này hướng về Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói kệ:
Hôm nay đại chúng này
Trang nghiêm chưa từng có
Đều là đệ tử Phật
Thông tuệ không ai bằng
Các Tôn giả ở đây
Khát ngưỡng mong cầu pháp
Con nay còn chưa biết
Nên thưa hỏi đều gì
Là hỏi Hữu Thắng Biên
Thắng Đọa và Đảnh Sinh
Cho đến vua Chuyển luân
Có đầy đủ oai lực
Hỏi dòng vua Cam Giá
Thiên cung Trì Quốc vương
Pháp của hàng trời, người
Cõi Dục, Sắc, Vô sắc.
Là hỏi hạnh Bồ-tát
Độc giác và Thanh văn
Cho đến A-tu-la
Các Luận phái chiêm tinh
Bao nhiêu việc như vậy
Nguyện xin hãy giảng thuyết
Chúng con và trời, người
Đều nhất tâm lắng nghe.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng bảo Đại chúng:
–Các ông có nghe Phạm thiên vương, chư Thiên cõi trời Tịnh cư và các Bồ-tát một lòng cầu pháp chăng?
Khi ấy, các Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ-tát Vô Tân Tuệ, Bồtát Hư Không Vương, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đà-la-ni Tự Tại, Bồ-tát Bảo Kế, Bồ-tát Thiên Quan, Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Bảo Tích Tuệ, Bồ-tát Bảo Thủ với vô lượng chư Phật và Đại chúng ở trong cõi này cùng chiêm ngưỡng Bồ-tát Kim Cang Tạng và nói kệ:
Quá khứ và vị lai
Trí Như Lai thanh tịnh
Tôn kính, thân cận Phật
Tâm sáng suốt không nghi.
Đại chúng này thích nghe
Xin Bồ-tát giảng nói.
Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Tạng Tam-muội Vương nhìn khắp đại chúng, dùng kệ đáp:
Pháp của Như Lai thuyết
Tôi không thể nói đủ
Chỉ nhờ Phật, Bồ-tát
Dùng oai lực hộ trì
Tôi thành tâm đảnh lễ
Cung tự tại thanh tịnh
Điện Bảo tạng ma-ni
Phật và các Bồ-tát
Tôi bằng tâm kính thuyết
Trí thanh tịnh Như Lai
Nối tiếp chủng tánh Phật
Các ông nên lắng nghe
Không thuyết Pháp quá khứ
Và các pháp tối thắng
Chỉ ở cõi Mật nghiêm
Hiển bày chủng tánh Phật
Trí Phật rất vi diệu
Công đức Phật thù thắng
Người tu hành chánh quán
Lìa các tâm vọng chấp
Nên chẳng phải sức tôi
Giảng pháp thâm sâu này
Nhờ oai đức của Phật
Từ Phật nên được nghe
Trí này rất vi diệu
Là hoa các Tam-muội
Phật ở cõi Mật nghiêm
Nhập thiền định hiển bày
Xa lìa các ngôn thuyết
Và tất cả kiến chấp
Hoặc có hoặc không có
Bốn thứ chấp như vậy
Chân lý của Trung đạo
Là thanh tịnh tối thượng
Người tu định Mật nghiêm
Hay quán sát như vậy
Lìa bỏ chấp chuyển y
Chóng vào cõi Như Lai.
Khi ấy, chúng Bồ-tát trong hội nghe Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói lời này rồi, cúi đầu cung kính thưa:
–Chúng tôi đối với pháp thâm sâu sinh tâm mến mộ, như khát nhớ nước, như ong nhớ mật. Chư Phật và các Bồ-tát trong hội này đối với trí thiền định thâm sâu đều được tự tại, có oai lực thù thắng là vua các cõi mong được nghe pháp của Như Lai thuyết giảng, nguyện xin Tôn giả dùng tiếng Phạm âm, tiếng trời Đế Thích và âm thanh vi diệu của Như Lai đã được nghe, diễn thuyết lại nghĩa thù thắng rõ ràng.
Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp:
–Như Lai thuyết giảng pháp ngữ, nghĩa chân thật, hy hữu khó thấy ví như trong không, chẳng có cây và các vật, để thấy được hình ảnh thì rất khó, pháp Như Lai thuyết giảng cũng như vậy. Như gió và dấu chim ở giữa hư không, không thể thấy được, Đức Phật thuyết giảng vô số nghĩa lý khó có thể thấy được cũng như vậy. Pháp của thế gian người có trí tuệ mới có thể dùng ví dụ phân biệt giảng nói rõ ràng. Lời của Phật nói ra hơn các ví dụ, chẳng phải dùng ngôn ngữ sánh bằng. Sự thấy biết của tôi giống như cảnh mộng thành Càn-thátbà. Nay trong hội này những bậc tu pháp Quán hành có trí tuệ lớn đối với nghĩa chân thật đã được hiểu rõ. Nay tôi làm sao có thể giảng nói về cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật. Tuy nhiên tôi nhờ nương nhờ oai lực của chư Phật và đại chúng mà tuyên thuyết. Các Bồ-tát hãy nên lắng nghe, pháp Như Lai thuyết giảng văn nghĩa tương ưng, vượt quá tâm ý, chẳng có ví dụ nào sánh kịp. Ví như hoa thơm loài ong tranh nhau hút mật, con nào đến trước hút được phần tinh tuý của hoa, con nào đến sau chỉ được hương vị dư thừa. Như Lai chứng đắc pháp Cốt lõi, còn tôi vì đại chúng chỉ giảng nói phần còn lại của pháp ấy.
Vị ấy liền nói kệ:
Cảnh giới của Như Lai
Bậc trí mới hiểu rõ
Ngoài năng, sở tâm, khẩu
Vượt lời nói pân biệt
Muốn nhiếp phục tất cả
Tâm kiêu mạn thế gian.
Cùng hình tuớng con người
Tướng Phật thì trang nghiêm
Hào quang luân ở chân
Các tướng đều thành tựu
Dạo khắp các cung điện
Trời, người đều chiêm ngưỡng
Như Lai trong bốn thời
Thường ở cõi Mật nghiêm
Ở nơi các thế gian
Thị hiện và Niết-bàn
Lúc điều thiện giảm dừng
Ác sinh cùng trược loạn
Tùy các loại chúng sinh
Ứng hợp làm lợi ích
Tạo nghiệp không tạm dừng
Mật nghiêm thường bất động
Mật nghiêm không cấu uế
Người quán hành nương ở
Lúc sinh ác trược loạn
Hiển bày tánh Như Lai
Ví như vầng trăng sáng
Bóng hiện khắp trong nuớc
Như vậy các hình sắc
Thị hiện khắp thế gian
Cảnh trí tịnh Như Lai
Người trí quán thấy được
Vì các loại chúng sinh
Sự ưa thích khác nhau
Phật dùng vô số thân
Tùy nghi mà giáo hóa
Hoặc thấy Đại tự tại
Hoặc thấy Na-la-diên
Hoặc thấy Ca-tỳ-la
Ở hư không thyết pháp
Hoặc thấy bậc Trí tuệ
Hoặc lại thấy thường hành
Hoặc thấy Bà-đát-na
Cưu-ma và Thi-khí
Hàng A-tu-la vương
Cho đến Khẩn-na-la
Dòng vua Nguyệt-cam-giá
Tất cả đều chiêm ngưỡng
Các thứ báu Kim cang
Cho đến loại chì, thiết
Đều nhờ oai lực Phật
Ứng hợp mà sinh ra
Thiên nữ và Long nữ
Cùng Càn-thát-bà nữ
Tìm đến nơi bào thai
Tâm không bị mê hoặc
Trong các cảnh cõi Dục
Như Lai đã hàng phục
Sắc, Vô sắc cũng vậy
Không thể làm mê động
Người hành định Vô tưởng
Chưa lìa sự mê chấp
Chẳng an lạc, thanh tịnh
Bị đọa lạc, lưu chuyển
Người có chỗ sinh thân
Không ở nước Mật nghiêm
Cõi Mật nghiêm vi diệu
Thanh tịnh phứơc trang nghiêm
Người giải thoát tri kiến
Được ở chỗ tối thắng
Mười thứ Đại tự tại
Thần thông, pháp Tam-muội
Được ý sinh diệu thân
Trang nghiêm giống như Phật
Tu hành đủ mười Địa
Bố thí ba-la-mật
Được các tướng trang nghiêm
Thân ấy rất thanh tịnh
Xa lìa sự phân biệt
Thì giác ngộ hoàn toàn
Không có ngã, ý, căn
Tuệ căn thường an vui
Các công đức bố thí
Nghiệp thanh tịnh viên mãn
Được chỗ Phật thù thắng
Cõi thanh tịnh Mật nghiêm
Cõi này rất vi diệu
Không do mặt trời sáng
Nhờ hào quang chiếu sáng
Của Phật và Bồ-tát
Ánh sáng ấy rực rỡ
Hơn cả ngàn mặt trời
Không thời gian đêm, ngày
Cũng không già, bệnh, chết
Cõi Mật nghiêm thù thắng
Chư Thiên đều kính ngưỡng
Bậc tu hành tối thượng
Lần lượt mà tấn tu
Biết rõ tất cả pháp
Đều do nơi tâm tánh
Khéo thuyết A-lại-da
Ba tánh, pháp vô ngã
Chuyển thân ấy thanh tịnh
Được sinh đến cõi này.