ĐẠI THỪA LY VĂN TỰ PHỔ QUANG MINH TẠNG

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Địa-bà-ha, người xứ Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quạt, thuộc thành Vương xá, cùng với vô lượng trăm ngàn ức, vô số Đại Bồ-tát, toàn là các bậc đại trí, sáng suốt tiến tới, khéo léo, chứng pháp vô ngôn, rất giỏi biện tài chỗ đúng, chỗ sai rõ ràng, không chống trái với nhau, khéo điều phục thân tâm, đầy đủ các môn giải thoát, luôn dạo chơi bằng Tam-muội mà không lìa bỏ lòng thương xót lớn, biết hổ thẹn với thân, trí tuệ là trên hết; có nhiều lợi lạc như vùng đất báu rộng lớn, thấu rõ các tướng của pháp lành và pháp không lành, không chìm đắm vào câu chữ khi có sự giảng nói, đối với pháp chân đế, tục đế đều thông đạt không chướng ngại, biết rõ sự thật một cách xâu xa, mà không trụ trong đó; có khả năng phân biệt mà không thọ nhận; tuy nhàm chán sinh tử mà vẫn bảo vệ thế gian; khắp cả mười phương, đều có tiếng tăm; đối với tạng chân thật vi diệu, ngơi nghỉ trong tịch nhiên vắng lặng. Tuy hiện đang thọ thân, nhưng vĩnh viễn sẽ ra khỏi tam giới, vẫn đi vào các cõi, khuyên dạy, tế độ chúng sinh, bình đẳng răn dạy mọi người chí luôn hiền thiện; bình đẳng thương xót, tâm không dính mắc; có khả năng khiến mình và người thanh tịnh; thành tựu vô lượng công đức vậy. Tên các vị là Bồ-tát Thắng Tư Duy, Bồ-tát Pháp Chấn Âm, Bồ-tát Diệu Thân, Bồ-tát Pháp Võng, Bồ-tát Biện Tích, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Trì Thế, Bồ-tát Đại Xưng Danh, Bồ-tát Cụ Chư Biện, Bồ-tát Thiên Dung Tướng, Bồtát Công Đức Sơn, Bồ-tát Liên Hoa Nhãn, Bồ-tát Liên Hoa Diện, Bồ-tát Châu Kê, Bồ-tát Diệu Âm; rất nhiều các Đại Bồ-tát như vậy, đều giống như đồng tử, sắc tướng đẹp đẽ, ngay thẳng trang nghiêm, ở trong chúng hội này, đều là những bậc đứng đầu.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Quán Tự Tại, cùng với các Bồ-tát khác, nhiều như số cát sông Hằng, là những bậc tiếp nối địa vị Thế Tôn: Bồ-tát Thù Thắng Kiến và cùng vô số Phạm thiên, Đế Thích; Bồ-tát Hư Không Tạng và vô lượng Bồ-tát, vô lượng chúng Thiên vương; Bồ-tát Đại Thế Chí cùng với vô lượng ức chúng Phạm thiên; Bồ-tát Biến Cát Tường, cùng với vô lượng thể nữ; Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Bất Không Kiến, Bồ-tát Tinh Tú Vương, Bồ-tát Ly Nghi, Bồ-tát Tức Chư Cái, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng mỗi vị cùng với vô lượng chúng Bồ-tát có mặt đầy đủ. Trong chúng đó, cũng có vô lượng chư Phật, tự biến thân mình, làm thân Bồ-tát; Tôn giả Xá-lợiphất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, rất nhiều các vị đại Ala-hán như vậy, mỗi vị ấy đều cùng với vô lượng chúng Thanh văn, có mặt đầy đủ, Na-la-diên và vô lượng chúng trời, cho đến chư Thiên, nhật nguyệt trong các quốc đọ, nhiều như cát sông Hằng, oai quang chiếu sáng, đều đến nơi Phật. Đến nơi Phật rồi, oai quang các trời kia không thấy rõ nữa, giống như khối đen đem để bên vàng Diêm-phù, vua rồng Bà-nâu-la, vua rồng Đức-xoa-ca, vua rồng Ana-bà-đạt-đa, vua Mỹ Âm Càn-thát-bà, vua Vô-ưu-trọc-ca-lâu-la, cùng với vô lượng các quyến thuộc cũng đến dự hội này. Tất cả Bồtát trong mười phương thế giới, nhiều như số cát sông Hằng, ở quốc độ của mình cũng cung thỉnh Đức Như Lai, cùng với tứ chúng, đồng thời đến đây; mỗi vị cầm theo các món tốt đẹp và đặc biệt hơn hết để cúng dường, những vật này hơn hẳn vật ở thế gian, để dâng lên Đức Phật. Các Bồ-tát dâng rồi, liền ngồi lên tòa hoa sen ở trong hội.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Thắng Tư Duy, từ chỗ ngồi, đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải chạm đất, chắp tay, hướng về Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con nay muốn hỏi nghĩa của hai chữ, cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng thương chấp nhận cho.

Phật bảo Bồ-tát Thắng Tư Duy:

–Này thiện nam! Muốn hỏi điều gì, tùy ý ông. Như Lai không vì một chúng sinh nào, xuất hiện ở thế gian này, mà vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sinh, nên mới xuất hiện.

Khi ấy, Bồ-tát Thắng Tư Duy liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là một pháp để các Bồ-tát vĩnh viễn xa lìa? Thế nào là một pháp để Bồ-tát luôn nhận giữ gìn? Thế nào là một pháp để các Đức Như Lai thể hiện sự giác ngộ.

Phật bảo:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Ông nương sức oai thần của Như Lai, mới có thể hỏi ta những nghĩa sâu xa như thế. Ông hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Khéo léo nhớ nghĩ về việc này. Ta sẽ vì ông mà diễn nói.

Này thiện nam! Có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là tham dục. Thiện nam! Đấy là một pháp mà Bồ-tát nên vĩnh viễn xa lìa.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là giận dữ. Đấy là một pháp mà các Bồ-tát nên vĩnh viễn xa lìa.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là ngu si. Đấy là một pháp mà các Bồ-tát nên vĩnh viễn xa lìa.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là chấp ngã.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là ngu si.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là sự coi khinh và cao ngạo.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là lười biếng.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là ham ngủ nghỉ.

Này thiện nam! Lại có một pháp mà Bồ-tát nên xa lìa, đó là đắm vào yêu đương.

Này thiện nam! Như vậy, đó là một pháp mà các Bồ-tát nên vĩnh viễn xa lìa.

Này thiện nam! Ông lại hỏi ta thế nào là một pháp để các Bồtát luôn giữ gìn, bảo vệ?

Này thiện nam! Nghĩa là: Cái gì chẳng phải điều an ổn của mình, thì các Bồ-tát không đem cho mọi vật, nếu các Bồ-tát đã giữ gìn pháp này, tức là có khả năng giữ gìn tất cả giới cấm chư Phật Như Lai. Tại sao vậy? Bởi nếu biết yêu mến thân mạng, thì không nên sát sinh; biết tự tôn trọng tài sản, thì không thể trộm của người; biết tự giữ gìn vợ con, thì không nên xâm phạm vợ con người khác; thực hành những điều như vậy, gọi là một pháp.

Này thiện nam! Nếu có người, tôn kính tùy thuận lời nói của Như Lai, thì đối với một pháp này, phải thường nên nhớ nghĩ. Tại sao vậy? Vì không có chúng sinh nào, ưa thích khổ; phàm có việc gì cũng đều cầu sự an vui; cho đến Bồ-tát cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng là để cho mình, cho người đều được an vui. Thiện nam! Do nghĩa như vậy, nên ta nói lời này: Cái gì chẳng phải là những điều an ổn của mình, thì không nên đem cho mọi vật; đó là một pháp mà các Bồ-tát thường nên giữ gìn.

Này thiện nam! Như điều ông hỏi:

–Thế nào là một pháp mà các Đức Như Lai thể hiện sự giác ngộ? Này thiện nam! Không có pháp nhỏ nào Như Lai giác ngộ. Tại sao vậy? Vì những điều Như Lai giác ngộ là không chỗ giác. Thiện nam! Tất cả các pháp không sinh, đó là điều Như Lai giác ngộ. Tất cả các pháp không diệt, đó là điều Như Lai giác ngộ. Tất cả các pháp lìa hai bên, đó là điều Như Lai giác ngộ. Tất cả các pháp không thực, đó là điều Như Lai giác ngộ.

Này thiện nam! Tự tánh của các nghiệp, đó là điều Như Lai giác ngộ. Tất cả các pháp từ nhân duyên sinh, đó là điều Như Lai giác ngộ. Pháp nhân duyên giống như điện chớp, đó là điều Như Lai giác ngộ. Do nhân duyên, mà có các nghiệp, đó là điều Như Lai giác ngộ.

Này thiện nam! Tất cả pháp tánh là Phổ quang minh tạng, đó là điều Như Lai giác ngộ.

Này thiện nam! Tại sao gọi pháp tánh là Phổ quang minh tạng? Thiện nam! Vì trí thế gian và xuất thế gian, đều nương vào đó mà phát sinh, như mẹ mang con trong bụng, nên gọi là tạng. Khi trí phát sinh, thì chiếu rọi trở lại nguồn gốc của mình; pháp tánh như vậy là chỗ thu giữ của Bát-nhã ba-la-mật, cho nên gọi là Phổ quang minh tạng.

Này thiện nam! Tất cả các pháp đều như huyễn, như sóng nắng, đó là điều Như Lai giác ngộ.

Này thiện nam! Thật tánh của các pháp, chỉ có một vị giải thoát, đó là điều Như Lai giác ngộ, một vị giải thoát đó, gọi là Phổ quang minh tạng.

Này thiện nam! Pháp một tướng, đó là điều Như Lai giác ngộ. Thế nào là một tướng? Nghĩa là, các pháp không đến, không đi, chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, không sinh, không diệt, không lấy, không bỏ, không thêm, không bớt.

Này thiện nam! Tự tánh của pháp vốn không chỗ có, không thể ví dụ được, chẳng phải văn tự mới diễn nói được; một Pháp như thế, là điều mà các Đức Như Lai thể hiện sự giác ngộ. Đang lúc Phật nói pháp môn Trang nghiêm vương ly văn tự phổ quang minh tạng này, nhiều Bồ-tát ở Địa thứ mười nhận thức được như vậy.

Có chúng sinh nhiều như số vi trần, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; lại có chúng sinh, nhiều như số vi trần, cũng phát tâm Thanh văn, Bích-chi-phật; lại có chúng sinh, nhiều như số vi trần, ở trong địa ngục, được lìa khổ, sinh vào cõi trời, cõi người; vô lượng Bồ-tát được nhạp vào Sơ địa; vô lượng Bồ-tát được trăm ngàn Tam-muội, vô lượng chúng sinh đều được lợi ích, không bỏ sót ai.

Lúc bấy giờ, Phật bảo La-hầu-la:

–Thiện nam! Pháp yếu này của ta ông nên nhận giữ. Lúc Phật nói lời đó, trong chúng hội có chín mươi ức Đại Bồ-tát, nương oai thần của Phật, rời chỗ ngồi, bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con thề nguyện sẽ nhận giữ những pháp yếu mà Như Lai đã nói, ở trong thời kỳ cuối cùng của cõi Tabà này, thấy có người nào muốn làm cho pháp lưu truyền thì sẽ vì họ mà diễn nói.

Lúc bấy giờ, Tứ Thiên vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có người siêng năng giữ gìn kinh điển này, con sẽ ủng hộ, khiến cho chí nguyện của họ đều được đầy đủ. Tại sao vậy? Vì người siêng năng giữ gìn kinh này, đó là pháp thí.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn xem xét khắp trong chúng hội, rồi nói: Các nhân giả! Ta nói pháp môn sâu xa, rộng lớn, ít có này, chẳng phải để các chúng sinh có chút ít căn lành mà có thể nghe và ghi nhận được; người có khả năng nghe và ghi nhận, tức là đã thờ phụng cúng dường cho ta, cũng là gánh vác Vô thượng Bồ-đề, người đó sẽ được biẹn tài không ngại, nhất định sẽ được sinh về cõi Phật trong sạch; người đó lúc sắp chết, nhất định chính mình, sẽ thấy được Phật A-di-đà và đại chúng Bồ-tát hiện ở trước mắt. Ta nay ở trong núi Kỳ-xà-quật này, được chúng Bồ-tát vây quanh; người đó lúc lâm chung cũng sẽ thấy như vậy; nên biết người đó, tức là đã được Pháp tạng vô tận; nên biết người đó được Trí túc mạng, nên biết người đó không đọa vào đường ác.

Này thiện nam! Ta nay nói pháp, mà tất cả thế gian khó tin này; giả sử có chúng sinh, tạo năm tội nặng nhất, mà nghe kinh này, rồi biên chép, đọc tụng, vì người khác diễn nói, thì tất cả nghiệp chướng đều sẽ được tiêu trừ, chẳng bao giờ chịu nỗi thống khổ đau trong những nẻo ác, người này luôn được chư Phật, Bồ-tát, nhớ nghĩ và bảo vệ, sinh ra nơi nào, các căn cũng đầy đủ, được Phật quán đảnh, năm nhãn trong sạch.

Này thiện nam! Nói tóm lại, ta thấy người đó chắc chắn thành Phật đạo.

Phật nói kinh này rồi, Thắng Tư Duy và tất cả Bồ-tát, cùng các Thanh văn, trời, rồng, tám bộ đều rất vui vẻ, tin nhận, thờ kính tu hành.