KINH ĐẠI THỪA ĐẠI TẬP ĐỊA TẠNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Tam-tạng Pháp sư Huyền Trang
 Việt dịch: Thích nữ Huệ Thanh, Chùa Phổ Tế, Nha Trang.
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh, Tỳ kheo Tâm Hạnh

 

QUYỂN THỨ MƯỜI

PHẦN II

Phẩm thứ bảy: PHƯỚC ÐIỀN TƯỚNG

Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát có luân Bát-nhã đại giáp trụ. Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ mới phát tâm có thể đoạn trừ hết tất cả ngũ dục, vượt hơn cả hàng Thanh văn, Ðộc giác; làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả hàng Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, bảo vệ. Thế nào gọi là luân Bát-nhã đại giáp trụ?

Này thiện nam tử! Bát-nhã của Bồ-tát có hai tướng: một là thế gian, hai là xuất thế gian.

Thế nào là Bát-nhã thế gian của Bồ-tát?

– Nghĩa là chư Bồ-tát chỉ nương vào sự đọc tụng, ghi chép, lắng nghe rồi diễn thuyết chánh pháp tam thừa cho người, vì muốn diệt trừ vô minh hắc ám cho tất cả chúng sanh, muốn cầu phát sanh trí tuệ quang minh cho tất cả chúng sanh.

Nghĩa là đối với chánh pháp Như Lai thuyết ra tương ưng với Thanh văn thừa đều chuyên cần đọc tụng, lắng nghe, ghi chép, giảng thuyết cho người và khuyến nên tu hành. Hoặc là đối với chánh pháp của Như Lai thuyết ra tương ưng với Ðộc giác thừa đều tinh cần đọc tụng, lắng nghe, ghi chép, giảng thuyết cho người và khuyên nên tu tập. Hoặc đối với chánh pháp của Như lai thuyết ra tương ưng với Vô thượng thừa đều tinh cần đọc tụng, lắng nghe, ghi chép, giảng thuyết cho người và khuyên cùng tu tập, không cầu đạo vô lậu của bậc Hiền thánh, không cầu Thánh đạo, không cầu Thánh đạo nhiếp hóa giải thoát, không hành Bát-nhã chơn thật tịch tịnh; chỉ thường thực hành theo Bát-nhã hữu kiến, hữu tướng. Như thế là Bát-nhã có chấp trước, chấp thủ.

Ðó là Bát-nhã thế gian của Bồ-tát. Bát-nhã này chung đồng với Thanh văn và Ðộc giác thừa. Ðây không thể gọi là luân đại giáp trụ, cũng không gọi là đại Bồ-tát, cũng không gọi là ruộng phước chân thật cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác.

Thế nào gọi là Bát-nhã xuất thế của Bồ-tát?

– Nghĩa là các Bồ-tát lúc tinh cần tu tập đạo quả Bồ-đề, tùy theo khả năng mà đọc tụng, lắng nghe, ghi chép, giảng nói chánh pháp tam thừa cho người nghe, nhưng trong đó nương vô sở đắc mà an trú, cũng không có hành động, không có tư duy, không có căn bổn; dùng tâm như hư không, tâm tịch tịnh khắp cả, tâm không chấp trước, tuệ không tăng giảm, tâm không sanh diệt, tâm không thối chuyển, tâm pháp bình đẳng, tâm chơn như, tâm thật tế, tâm pháp giới, tâm vô ngã, tâm không phân biệt, tâm tịch diệt an nhẫn, lìa hết mọi sự phân biệt, khéo léo an trụ vào địa vô thành hoại, khéo léo an trụ vào địa không trụ, không chấp trước tuệ thù thắng. Ðó là Bát-nhã không chấp giữ, không dính mắc, là luân Bát-nhã xuất thế đại giáp trụ của Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát nào thành tựu luân Bát-nhã đại giáp trụ này từ mới phát tâm có thể đoạn trừ hết ngũ dục nên được gọi là đại Bồ-tát, vượt hơn cả hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, bảo hộ.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát còn có luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ. Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân này từ lúc mới phát tâm có thể đoạn trừ hết ngũ dục, vượt hơn hàng Thanh văn, Ðộc giác; làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Thế nào là luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ?

Này thiện nam tử! Phương tiện thiện xảo của Bồ-tát có hai tướng: thế gian và xuất thế gian.

Thế nào gọi là phương tiện thiện xảo thế gian của Bồ-tát?

– Nghĩa là chư Bồ-tát hoặc vì tự lợi, hoặc vì lợi tha, hoặc vì lợi cả hai, thường phân biệt kia đây, thị hiện các thứ kỹ thuật khéo léo, làm cho mình và người đều thành thục, rồi lấy đó mà phụng sự, cúng dường chư Phật Thế Tôn, hoặc chư Bồ-tát, hoặc hàng Thanh văn, Ðộc giác, hoặc cha mẹ, hoặc cho người bệnh, hoặc người già yếu không nơi nương tựa. Hoặc thấy người gặp ách nạn sắp bị hại thì chịu khổ nhọc, dùng các phương tiện mà cứu giúp, lấy tứ nhiếp pháp mà giáo hóa hữu tình.

Chư Bồ-tát này tự an trụ trong Ðại thừa, đối với hàng Thanh văn, Ðộc giác chẳng phải là Ðại thừa, hoặc hàng Thanh văn, Ðộc giác căn cơ chưa thành thục thì nói giáo pháp vi diệu thâm sâu, làm cho họ tu tập theo. Hoặc khuyên siêng tu các tịnh lự của chư Thánh, hoặc là khai thị nghĩa đế tối thắng, khuyên cho tu hành vượt qua bốn điên đảo, giác ngộ bốn chủng loại pháp tánh không đọa, hay làm cho thể nhập tứ vô ngại giải, cho đến trở lại khuyên an trụ từ niệm trú, tứ chánh đoạn, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, đạo và đạo quả hữu dư vô dư, đạt đến trí tuệ quyền xảo, khiến cho đều được thành thục.

Hoặc có chúng hữu tình tham cầu danh xưng, lợi dưỡng phú quý, các căn còn loạn động, thiện căn chưa thành thục thì khuyên họ đọc tụng kinh A-cấp-ma và Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma; hoặc khuyên đọc tụng các luận giải thoát khác của Phật thuyết ra làm cho đều được thành thục.

Nếu hữu tình không thích bố thí thì khuyên họ xả bỏ mọi tài vật quý giá, làm cho đều được thành thục.

Nếu có hữu tình bạo ác không có lòng nhân thì khuyên họ tu pháp tứ phạm trụ.

Hoặc có hữu tình nhiều sân giận thì khuyên họ tu pháp nhẫn.

Hoặc có hữu tình thường giải đãi thì khuyên tu tinh tấn.

Hoặc có hữu tình tâm nhiều tán loạn thì khuyên tu pháp tĩnh lự.

Hoặc có hữu tình có đầy đủ trí tuệ tà kiến thì thuyết chánh pháp cho họ, nghĩa là dùng phương tiện dạy bảo, ghi chép làm cho họ được thành thục.

Hoặc có hữu tình không kính tin Tam bảo, có đủ pháp không nên làm theo thì khuyên thọ tam quy, làm cho họ kính tin Tam bảo, hoặc khuyên thọ giới làm cận sự, hoặc khuyên thọ giới làm cận trụ làm cho họ được thành thục, hoặc khuyên tu tập theo các loại nghề nghiệp công xảo kỹ thuật làm cho họ được thành thục.

Như thế, chư đại Bồ-tát dùng vô số phương tiện thiện xảo thế gian, dùng các loại sách vở kỹ thuật, nghề nghiệp khéo léo để cho mọi người tu hành tinh tấn các phương tiện thiện xảo để bẻ gãy các học thuyết của ngoại đạo.

Như thế gọi là phương tiện thiện xảo thế gian của Bồ-tát. Phương tiện thiện xảo này cùng chung với hàng Thanh văn, Ðộc giác; cũng là các chỗ nương của Phật pháp; cũng là chỗ nương của các hạnh thiện xảo, cũng là pháp thiện xảo xoay vần không diệt, không thối đọa.

Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu các Bồ-tát không nương theo bậc minh sư, không cùng bạn hữu tu hành các pháp phương tiện thiện xảo thế gian thì các Bồ-tát này đối với các phương tiện thiện xảo thế gian vì ngu muội nên hướng về nẻo ác, không thể tùy thuận an trụ phương tiện thiện xảo xuất thế gian, cũng không là ruộng phước chân thật cho tất cả, không thể biết rõ được căn hạnh sai khác của chúng hữu tình.

Do ngu muội về phương tiện thiện xảo nên đối với hàng Thanh văn và Ðộc giác không có khả năng Ðại thừa, và đối với người chưa thành thục được căn khí Ðại thừa thì lại nói pháp Ðại thừa cho họ tu học.

Còn đối với hữu tình có khả năng Ðại thừa thì lại giảng nói pháp Thanh văn và Ðộc giác, làm cho học tu học theo pháp Thanh văn, Ðộc giác.

Ðối với hữu tình có khả năng Ðộc giác thừa lại nói pháp Thanh văn, làm cho họ tu theo pháp Thanh văn.

Còn đối với hữu tình có khả năng Thanh văn thì nói pháp sanh tử để cho họ yêu mến đắm trước mà không nói pháp nhàm chán sanh tử.

Lại nữa, đối với các phương tiện tiện xảo vì ngu si nên nếu chúng hữu tình ưa thích việc sát sanh, nói rộng cho đến chấp trước tà kiến thì lại tuyên nói pháp Ðại thừa thâm sâu cho họ, không tuyên nói các quả báo khổ đau sanh tử lưu chuyển, chết đây sanh kia để cho họ lo sợ, lìa xa các pháp ác.

Lại nữa, đối với các phương tiện thiện xảo vì ngu mê cho đến đối với các hữu tình thích tu tịnh giới lại khuyên tu bố thí, hoặc chúng hữu tình ưa tu an nhẫn lại khuyên bỏ an nhẫn mà tu tịnh giới, hoặc chúng hữu tình thích tu tinh tấn lại khuyên bỏ tinh tấn mà tu an nhẫn, hoặc chúng hữu tình thích tu tịnh lự lại khuyên bỏ tịnh lự mà tu tinh tấn, hoặc các hữu tình thích tu Bát-nhã lại khuyên bỏ Bát-nhã mà tu tịnh lự.

Các Bồ-tát như thế vì ngu mê đối với phương tiện thiện xảo thế gian nên không thể làm lợi lạc cho chúng hữu tình một cách chân thật, là bạn ác của các hữu tình, phương tiện thiện xảo này còn ở trong chỗ sở đắc và chấp trước. Như thế gọi là phương tiện thiện xảo thế gian của Bồ-tát.

Phương tiện thiện xảo thế gian như vậy cùng chung với hàng Thanh văn và Ðộc giác, không gọi là luân đại giáp trụ, cũng không gọi là Ðại Bồ-tát và cũng không là ruộng phước chân thật của tất cả Thanh văn, Ðộc giác.

Thế nào gọi là phương tiện thiện xảo xuất thế gian của Bồ-tát? – Nghĩa là chư Bồ-tát chỉ vì lợi tha mà không vì tự lợi, chỉ bày các kỹ thuật khéo léo để cho mọi người thành thục mà phụng sự, cúng dường chư Phật Thế Tôn hoặc chư Bồ-tát, hoặc các Thanh văn, Ðộc giác, hoặc cha hoặc mẹ, hoặc người bệnh, hoặc người già yếu không nơi nương tựa.

Nếu thấy người gặp ách nạn sắp bị hại thì chẳng ngại dùng các phương tiện khó khăn nào để cứu giúp họ, lấy tứ nhiếp pháp mà giáo hóa chúng hữu tình, tùy theo ý thích, tùy theo căn tánh của chúng hữu tình mà giảng nói chánh pháp. Lại có thể lần lần khuyên hàng Thanh văn tu pháp Ðộc giác thừa, khuyên hàng Ðộc giác tu theo pháp Ðại thừa. Nếu hàng Thanh văn và Ðộc giác căn tánh chưa thành thục thì thuyết pháp chán xa khổ sanh tử để cho họ tu pháp nhàm chán sanh tử, ưa cầu Niết-bàn.

Hoặc có chúng hữu tình ưa thích sát sanh, nói rộng cho đến ưa chấp trước tà kiến, tùy theo căn tánh của họ hoặc là giảng nói các quả báo đau khổ sanh tử luân chuyển, chết đây sanh kia làm cho họ chán sợ mà xa lìa pháp ác, hoặc là tuyên giảng chánh pháp tương ưng với Thanh văn thừa, hoặc là tuyên giảng chánh pháp tương ưng với Ðộc giác thừa, hoặc là giảng thuyết các pháp gần với Vô thượng thừa làm cho họ dần dần tu học.

Hoặc có chúng hữu tình ưa thích làm việc bố thí thì nói các tịnh giới tối thượng để thọ trì làm cho họ tu học. Nói rộng cho đến hoặc có chúng hữu tình ham thích tu tĩnh lự thì thuyết pháp Bát-nhã Thánh đạo vô lậu thù thắng làm cho họ tu tập theo.

Phương tiện thiện xảo này không có sở đắc, cũng không còn chỗ chấp trước. Như thế gọi là luân phương tiện thiện xảo xuất thế gian đại giáp trụ của Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ này thì từ lúc mới phát tâm có thể đoạn trừ hết ngũ dục nên gọi là đại Bồ-tát, vượt xa các hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên mà nói kệ:

– Tu tập huệ có hai:
Thế gian và xuất thế
Chấp trước là thế gian
Lìa chấp là xuất thế
Tu phương tiện thiện xảo
Nương hai pháp sai biệt
Sở đắc là thế gian
Vô sở đắc xuất thế
Nếu chỉ nói một thừa
Ðó là thuyết pháp xấu
Không thể tự thành thục
Cũng không thể độ người
Với người chuyên làm ác
Thuyết giáo pháp tam thừa
Ðó là vì ngu si
Không gọi ma-ha-tát
Có thể học ba thừa
Vui cầu nghe chánh pháp
Mà thuyết ưa sanh tử
Chẳng phải là trí giả
Chuyên tâm tư duy kỹ
Tùy căn cơ giáo hóa
Phương tiện thiện xảo này
Ðược bậc trí tán thán
Chúng sanh tuy có ác
Có thể vào tam thừa
Tùy căn cơ dạy bảo
Xa lìa các điều ác.

Lai nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát lại có luân đại từ đại giáp trụ. Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân này thì từ lúc mới phát tâm có thể đoạn hết ngũ dục, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Thế nào là luân đại từ đại giáp trụ?

– Này thiện nam tử! Từ có hai nghĩa: pháp duyên từ và hữu tình duyên từ.

Pháp duyên từ cũng gọi là đại từ, là đại giáp trụ.

Hữu tình duyên từ không gọi là đại từ, cũng chẳng phải là đại giáp trụ. Vì sao? – Vì hữu tình duyên từ cùng chung với pháp Thanh văn, Ðộc giác. Thanh văn, Ðộc giác chỉ tự lợi, không vì chúng hữu tình mà tinh cần tu tập hữu tình duyên từ. Hàng Thanh văn, Ðộc giác chỉ tự tìm cầu nơi yên tịnh, tự tìm Niết-bàn cho riêng mình, diệt trừ các hoặc và các kiết sử cho riêng mình, chứ không vì chúng hữu tình mà tinh tấn tu tập hữu tình duyên từ. Vì thế mà pháp từ này không gọi là đại từ, chẳng phải là đại giáp trụ.

Còn pháp duyên từ thì không cùng chung với Thanh văn, Ðộc giác; chỉ có hàng đại Bồ-tát mới có thể tu hành. Ðại Bồ-tát làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh mà tinh tấn tu tập pháp duyên từ này. Ðại Bồ-tát vì làm cho chúng hữu tình tu tịch diệt và đắc Niết-bàn, diệt hết phiền não trói buộc mà tinh cần tu tập pháp duyên từ này. Do vậy, pháp từ này gọi là đại từ, là đại giáp trụ.

Lại có các Bồ-tát tu pháp duyên từ, không nương theo các uẩn, không nương theo các xứ, không nương theo các giới, không nương theo niệm trụ, cho đến không nương theo tám Thánh đạo, không nương theo Dục giới, không nương theo Sắc giới, không nương theo Vô sắc giới, không nương theo đời này, không nương theo đời khác, không nương theo bờ này, không nương theo bờ khác, không nương theo cái được, không nương theo cái không được.

Bồ-tát tu pháp duyên từ như vậy vượt qua địa vị Thanh văn, Ðộc giác. Ðó là luân pháp duyên đại từ đại giáp trụ của đại Bồ-tát.

Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát nào thành tựu luân đại từ đại giáp trụ này, từ lúc mới phát tâm có thể đoạn trừ hết các ngũ dục, được gọi là đại Bồ-tát, vượt qua tất cả Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác đều nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa trên mà nói kệ:

– Thanh văn và Ðộc giác
Tu hữu tình duyên từ
Bị mắc mười ba lỗi
Chỉ cầu lợi riêng mình
Các bậc đại Bồ-tát
Vì khắp loài hữu tình
Tu đại từ bất cọng
Tâm lìa mười ba lỗi
Tâm trừ mười ba cấu
Ðể đạt đến Bồ-đề
Tu pháp duyên đại từ
Thành phước điền không xa
An trụ mười ba lực
Vượt qua muôn hữu tình
Cũng như sư tử vương
Vượt hơn các cầm thú
Hàng phục mười ba oán
Lìa chấp đoạn, chấp thường
Tâm không còn cấu nhiễm
Mau đắc quả Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát lại có luân đại bi đại giáp trụ. Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân này, từ lúc mới phát tâm có thể đoạn hết ngũ dục, vượt hơn tất cả hàng Thanh văn, Ðộc giác; làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì. Vì sao? – Vì tất cả Thanh văn, Ðộc giác chỉ mong cầu lợi lạc cho tự thân mà tu hạnh bi, không muốn cho chúng hữu tình được cùng lợi lạc mà tu hạnh đại bi.

Ðại Bồ-tát thì không vì lợi lạc cho mình mà tu hạnh đại bi, chỉ muốn đem lợi lạc cho khắp quần sanh mà tu hạnh đại bi. Vì vậy Bồ-tát thành tựu luân đại bi đại giáp trụ, vượt hơn hàng Thanh văn, Ðộc giác; làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Ðại Bồ-tát này vì muốn đem lại lợi ích cho chúng hữu tình nên hành Tứ nhiếp pháp một cách thành thục, nghĩa là do đại bi mà làm lợi lạc cho chúng hữu tình nên hành pháp bố thí nhiếp, có thể xả bỏ hết tài vật, trân bảo, cầm thú, gia bộc, quốc thành, thê tử, cho đến thân mạng cũng không hề tiếc. Do thực hành mà không dính mắc nên không thấy tất cả chúng hữu tình được giáo hóa, cũng không thấy người bố thí, không thấy người thọ nhận, cũng không thấy vật thí, không thấy hành động bố thí, cũng không thấy phước báo có được do bố thí, cho đến không thấy hành động không dính mắc.

Cũng vậy, do đại bi làm lợi lạc cho chúng hữu tình nên hành pháp ái ngữ nhiếp, hành lợi hành nhiếp, hành đồng sự nhiếp. Tùy theo chỗ thích ứng rộng nói như trên, cho đến không thấy hành động không dính mắc.

Ðại Bồ-tát này thường dùng tâm có thể điều phục, tâm có thể tịch tịnh, vô số lượng tâm, tâm không hành các pháp uẩn – giới – xứ tối thắng nên phát sanh luân đại bi không động, không trụ đại giáp trụ, giáo hóa chúng sanh đến chỗ thành thục mà không mệt mỏi.

Như thế gọi là luân đại bi đại giáp trụ của Bồ-tát, không cùng chung với Thanh văn, Ðộc giác.

Này thiện nam tử! Nếu đại Bồ-tát nào thành tựu luân đại bi đại giáp trụ này, từ lúc mới phát tâm có thể đoạn hết ngũ dục nên gọi là đại Bồ-tát, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho tất cả Thanh văn, Ðộc giác. Hàng Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn làm rõ lại nghĩa trên mà nói bài kệ:

– Pháp vi diệu sâu xa
Thành tựu tâm đại bi
Khó lường như hư không
Không sắc không an trụ
Bồ-tát thường tinh tấn
Ðủ công đức đầu-đà
Thắng trí thành đại bi
Dõng mãnh vượt thế gian
Hữu tình không nơi nương
Ràng buộc khổ sanh tử
Tắm gội nước đại bi
Khiến xa lìa các khổ
Bồ-tát hành đại bi
Làm cạn biển sanh tử
Chẳng phải việc Thanh văn
Cùng Ðộc giác đã làm
Chúng sanh vì tham sân
Mê lầm phải đọa lạc
Dùng nước đại bi rửa
Thoát khổ, được an vui.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát lại có luân đại nhẫn đại giáp trụ năng dẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam ma địa chư đà-la-ni kiên cố. Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân này, từ lúc mới phát tâm có thể đoạn trừ ngũ dục, vượt qua hàng Thanh văn, Ðộc giác; làm ruộng phước lớn cho hàng Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Thế nào luân đại nhẫn đại giáp trụ năng dẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam-ma-địa chư đà-la-ni kiên cố?

– Nghĩa là chư Bồ-tát đối với tất cả pháp đều suy xét rõ ràng, sâu xa như mặt trăng sáng tỏ chiếu khắp cả hư không, tâm bình đẳng không nương, không tướng, không trụ, cũng không nhiễm.

Ðối với tất cả các pháp tam-ma-địa, đà-la-ni đều không lệ thuộc theo.

Ðối với các nhãn sắc, nhãn thức, nhãn xúc đều không nhiễm trước, không lệ thuộc theo.

Do nhãn xúc làm duyên, sanh ra ba thọ: hoặc lạc thọ, hoặc khổ thọ, hoặc không khổ không lạc thọ, thì tâm thường tịch tịnh, không bị vướng mắc.

Ðối với các nhĩ thanh, nhĩ thức, nhĩ xúc; đối với các tỷ hương, tỷ thức, tỷ xúc; đối với các thiệt vị, thiệt thức, thiệt xúc; đối với các thân xúc, thân thức, thân xúc; đối với các ý pháp, ý thức, ý xúc, nói rộng cũng như trên.

Ðối với tất cả tâm, ý, thức, tâm thường tịch tịnh, không bị vướng mắc. Từ tâm, ý, thức sanh ra ba thọ, hoặc lạc thọ, hoặc khổ thọ, hoặc không khổ không lạc thọ thì tâm thường tịch tịnh, không bị vướng mắc.

Ðối với các uẩn – giới – xứ trong ba đời đều không bị vướng mắc, không lệ thuộc theo.

Ðối với tất cả ba giới, ba hành, ba xúc, ba thọ, ba căn, ba thừa, ba luật nghi, ba giải thoát, tâm đều tịch tịnh, không trụ, không tướng, không bị vướng mắc, bình đẳng an trụ.

Ðối với tất cả bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã la-la-mật-đa không lệ thuộc theo mà an trụ tịch tịnh.

Cũng vậy, đối với bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo đều không lệ thuộc theo mà an trụ tịch tịnh.

Ðối với tất cả chín thứ đệ định không lệ thuộc theo mà an trụ tịch tịnh.

Lại đối với những tác dụng do ba hành không chướng ngại, pháp trí, đạo chi, đạo thể đưa đến đều không bị vướng mắc, không lệ thuộc theo.

Ðối với A-lại-da, chẳng phải A-lại-da hữu thủ, vô thủ, hữu lậu, vô lậu, bờ này, bờ kia, nhỏ, lớn, vô, lượng, làm, không làm, thiện, ác, vô ký đều không lệ thuộc theo mà an trụ tịch tịnh.

Ðối với tất cả đại từ đại bi, phương tiện thiện xảo giáo hóa hữu tình, cho đến mười địa, ba bất hộ, bốn vô sở úy, cho đến mười tám pháp bất cộng của Phật đều không bị vướng mắc, không bị lệ thuộc theo mà an trú tịch tịnh.

Do luân này nên đại Bồ-tát có thể dứt trừ hẳn tội lỗi của ba thọ, đoạn trừ hẳn tất cả mọi phân biệt, xa lìa hẳn tất cả pháp tướng, lại có thể an trú luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ năng dẫn nhất thiết hư không nhãn đảnh chư tam-ma-địa chư đà-la-ni.

Bồ-tát an trụ luân này nên tất cả các nghiệp sanh tử trong các đường, các cõi, các việc xấu ác bất thiện, những cảnh giới đau khổ trong đường ác từ quá khứ đến nay chưa dứt trừ hết đều có thể đoạn trừ hết, không còn sót lại, không thọ quả báo.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như thế giới lúc hỏa tai khởi lên, năm mặt trời xuất hiện thì tất cả ao nhỏ, ao lớn, sông nhỏ, sông lớn, biển nhỏ, biển lớn trong thế gian đều khô cạn hết, không còn giọt nước nào. Cũng vậy, Bồ-tát khi thành tựu luân đại nhẫn đại giáp trụ năng dẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam-ma-địa chư đà-la-ni kiên cố thì có thể an trụ luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ năng dẫn nhất thiết hư không nhãn đảnh chư tam-ma-địa chư đà-la-ni. Do đó, tất cả các nghiệp sanh tử trong các đường, các cõi, các việc xấu ác bất thiện, những cảnh giới đau khổ trong đường ác từ quá khứ đến nay chưa dứt trừ hết đều có thể đoạn trừ tất cả, không còn sót lại, không thọ quả báo.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như thế giới khi thủy tai khởi lên thì ba ngàn đại thiên thế giới, các thế giới nhỏ, bốn đại châu, tám vạn nước nhỏ, núi Diệu Cao và các núi đều bị chìm đắm trong biển nước, tan hoại không còn gì cả. Cũng vậy, khi Bồ-tát thành tựu luân đại nhẫn đại giáp trụ năng dẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam-ma-địa, chư đà-la-ni kiên cố thì có thể an trụ luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ năng dẫn nhất thiết hư không nhãn đảnh chư tam-ma-địa chư đà-la-ni. Do đó, tất cả các nghiệp sanh tử trong các đường, các cõi, các việc xấu ác bất thiện, những cảnh giới đau khổ trong đường ác từ quá khứ đến nay chưa dứt trừ hết đều có thể đoạn trừ tất cả, không còn sót lại, không thọ quả báo.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như bóng tối bao trùm khắp không gian, khi mặt trời xuất hiện, bóng tối biến mất. Cũng vậy, Bồ-tát khi thành tựu luân đại nhẫn đại giáp trụ năng dẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam-ma-địa chư đà-la-ni kiên cố thì có thể an trụ luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ năng dẫn nhất thiết hư không nhãn đảnh chư tam-ma-địa chư đà-la-ni. Do đó, phát sanh mặt trời trí tuệ vô biên hư không, có thể đoạn trừ hẳn bốn điên đảo, vô minh tăm tối của thân mình, làm cho tất cả các nghiệp sanh tử trong các đường, các cõi, các việc xấu ác bất thiện, những cảnh giới đau khổ trong đường ác từ quá khứ đến nay chưa dứt trừ hết đều có thể đoạn trừ tất cả, không còn sót lại, không thọ quả báo.

Hơn nữa, do đây nên đối với chư Phật pháp càng thêm tự tại, thường không thối chuyển, không làm theo bạn ác, thường được gặp tất cả chư Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát; được nghe giáo pháp, thân cận cúng dường chúng Tăng; đối với các công đức không nhàm chán, cho đến đạo Bồ-đề thường không gián đoạn. Lại thường không xa lìa nghĩ nhớ niệm Phật, cho đến trong mộng cũng không tạm quên.

Lại nữa, này thiện nam tử! Thế nào là luân đại nhẫn đại giáp trụ năng dẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam-ma-địa chư đà-la-ni kiên cố của đại Bồ-tát?

– Nghĩa là các Bồ-tát nhập sơ thiền cho đến đệ tứ thiền, nhập vô biên hư không xứ, cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập diệt thọ tưởng định. An trụ trong định này thì tất cả ba thọ, ba hành đều đoạn diệt, tâm không lệ thuộc theo các thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý… đều đoạn trừ. An trú trong định này hoặc một ngày đêm cho đến bốn mươi chín ngày đêm thọ thức ăn định vị. Từ định này xuất ra, tâm được tịch tịnh, không bị vướng mắc, an trú tự tại.

Lại nhập định thắng nghĩa cứu cánh không, trụ trong định này, tâm được bình đẳng, không bị vướng mắc, cũng như hư không, các lỗ chân lông nơi thân xuất ra mồ hôi giống như sao mão, diệt trừ tất cả những hơi nước kiết phược. Từ định này xuất ra, được nhớ nghĩ chân chánh, hỷ lạc tối thắng, sung mãn khắp thân. Như thiên tử cõi trời Ðại Tự Tại khi nhập định hiện nhất thiết lạc thì các lỗ chân lông nơi thân đều hưởng thọ lạc.

Cũng vậy, Bồ-tát khi cảm giác lạc tiếp xúc thân mình, liền nghĩ nhớ niệm Phật. Do nghĩ nhớ Phật nên chỉ thấy Phật, không thấy tướng nào khác.

Khi Bồ-tát nghĩ đến một đức Phật, liền thấy một đức Phật.   Nếu nghĩ đến nhiều đức Phật, liền thấy nhiều đức Phật.

Nếu nghĩ đến Phật thân tướng nhỏ, liền thấy Phật thân tướng nhỏ.

Nếu nghĩ đến Phật thân tướng lớn, liền thấy Phật thân tướng lớn.

Nếu nghĩ đến Phật vô lượng thân, liền thấy Phật vô lượng thân.

Nếu nghĩ đến thân mình là thân tướng Phật, liền thấy thân mình đồng với thân Phật, các tướng viên mãn.

Nếu nghĩ đến thân khác là thân tướng Phật, liền thấy thân khác đồng với thân Phật, các tướng viên mãn.

Nếu nghĩ đến tất cả hữu tình, phi tình có sắc tướng là thân tướng Phật, liền thấy tất cả hữu tình, phi tình có sắc tướng đồng với thân Phật, các tướng viên mãn, không thấy mọi sắc tướng nào khác.

Khi ấy, Bồ-tát liền nghĩ: “Tất cả các pháp, tất cả sắc tướng đều như huyễn… Ðó là chắc thật, không hư vọng. Ta nên đoạn trừ hết ba thọ, ba hành…, làm cho không còn sót lại”. Nghĩ vậy rồi, Bồ-tát nhập diệt tận định. An trụ trong định này, nếu tâm mong mỏi điều gì đều đoạn diệt hết, thọ thức ăn định vị hoặc trong một tuần, hoặc hai tuần, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười tuần, hoặc trải qua vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa kiếp, tùy theo năng lực mà có thể an trụ định này, thọ thức ăn định vị.

Từ định này xuất ra, tâm được tịch tịnh, không bị vướng mắc, an trụ tự tại. Lại nhập vào định thắng nghĩa cứu cánh không, nói rộng như trước, cho đến khi quán niệm thân tướng của Phật xong, biết tất cả sắc tướng đều như huyễn… Ðó là chắc thật, không hư vọng.

Này thiện nam tử! Ðó là luân đại nhẫn đại giáp trụ năng chẫn biến mãn hư không vô lượng vô biên quảng đại chúng cụ từ vô ngại giải nhất thiết Phật pháp chư tam-ma-địa chư đà-la-ni kiên cố của đại Bồ-tát. Ðại Bồ-tát nào thành tựu được luân này thì có thể an trụ luân phương tiện thiện xảo đại giáp trụ năng dẫn nhất thiết hư không nhãn đảnh chư tam-ma-địa chư đà-la-ni. Trụ vào luân này nên có thể phát sanh mặt trời trí huệ vô biên hư không, có thể đoạn trừ hẳn bốn điên đảo, vô minh tăm tối của thân mình, làm cho tất cả các nghiệp sanh tử trong các đường, các cõi, các việc xấu ác bất thiện, những cảnh giới đau khổ trong đường ác từ quá khứ đến nay chưa dứt trừ hết đều có thể đoạn trừ tất cả, không còn sót lại, không thọ quả báo.

Này thiện nam tử! Ðại Bồ-tát nào thành tựu luân này, từ lúc mới phát tâm có thể đoạn trừ hết cả ngũ dục, vượt xa hàng Thanh văn, Ðộc giác, làm ruộng phước lớn cho Thanh văn, Ðộc giác. Tất cả Thanh văn, Ðộc giác nên cúng dường, phụng sự, hộ trì.

Do luân này nên đối với Phật pháp được tăng trưởng tự tại, không bị thối chuyển, không làm theo bạn ác, thường được gặp tất cả chư Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, thường được nghe pháp, thân cận cúng dường chúng Tăng, không nhàm chán tạo lập công đức, cho đến đạo Bồ-đề không hề gián đoạn. Lại thường nghĩ nhớ niệm Phật, dù là ở trong mộng vẫn không tạm quên. Do đó, phước đức trí tuệ của Bồ-tát mau được viên mãn, chẳng bao lâu sẽ được an trụ nơi cõi Phật thanh tịnh, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng Bồ-đề. Ở nơi cõi Phật đó, tất cả hữu tình đều là hóa sanh nên sắc tướng như Phật, phiền não mỏng ít, an trụ trong Ðại thừa.

Bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên mà nói kệ:

Muốn thành tựu pháp khí
Ðoạn trừ hết phiền não
Thường nhập vào chơn không
Muôn việc không khó làm
Ðoạn trừ mọi buộc ràng
Nên chuyên tu đẳng trì
Tương ưng công đức định
Ắt đạt huệ khó lường
Tu tịnh lự vô sắc
Diệt định quán chơn không
Thắng trí nghĩ nhớ Phật
Diệt hết tất cả ác
Tất cả pháp hữu vô
Phá bằng quán chơn không
Xa lìa các đường ác
Thường được gặp chư Phật
Khéo tu quán chơn không
Siêng học các pháp thiện
Cúng dường hết thảy Phật
Mau chứng thành đạo quả
Làm bạn với hữu tình
Trừ diệt bệnh phiền não
Mau trụ nước Phật tịnh
Chứng đạo quả Bồ-đề
Chúng sanh tướng như Phật
Ở khắp các quốc độ
Ðều mong cầu Phật thừa
Lìa Ðộc giác, Thanh văn.


Phẩm thứ tám: HOẠCH ÍCH CHÚC LỤY

Lúc Phật thuyết đại pháp môn này, trong chúng hội có hằng hà sa chư đại Bồ-tát đã thường niệm Phật, tư duy tu tập trong nhiều đời, nay nghe Phật nói các phương tiện về niệm Phật tu quán, liền được chứng đắc môn niệm Phật tam-ma-địa.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp xong đều đắc môn đà-la-ni Nhất-thiết-định-mạng-hoa-man.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp đều đắc môn đà-la-ni Nhất-thiết-thủ-lăng-già-ma-điện-quang-y-chỉ.

Lại có vô số chúng sanh nghe Phật tuyết pháp liền được Nhất-thiết-pháp-tự-tại-chuyển-quang-minh-y-chỉ-thuận-nhẫn.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp liền xa lìa trần cấu, ở trong các pháp sanh pháp nhãn thanh tịnh, đắc quả Dự-lưu.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp đắc quả Nhất-lai.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp liền chứng quả Bất-hoàn.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp liền chứng quả A-la-hán tối thượng.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp liền mong cầu ra khỏi cõi lao ngục trong tam giới, theo Phật xuất gia, hướng vào chánh pháp.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp, suốt đời an trụ trong mười nghiệp đạo thiện, nương theo Thanh văn thừa phát tâm không thối chuyển.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp, suốt đời an trụ trong mười nghiệp đạo thiện, nương theo pháp Ðộc giác phát tâm không thối chuyển.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp, an trụ trong mười nghiệp đạo thiện, nương theo pháp Ðại thừa phát A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề, không còn thối chuyển.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp, đắc chánh kiến thế gian. Do chánh kiến này nên trừ diệt hết các nhân đưa đến cõi ác cùng các phiền não ác nghiệp, tăng trưởng tất cả các nhân hướng đến cõi thiện và chánh nguyện thiện nghiệp.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp liền thọ tam quy y, an trụ trong tịnh giới cận trụ, cận sự, ưa thích cúng dường chư Phật, thích nghe giáo pháp, thích phụng sự chư Tăng, ngày đêm chuyên cần không hề phế bỏ.

Lại có vô lượng vô biên chúng sanh nghe Phật thuyết pháp liền xa lìa tất cả tà thú, tà quy, ác ý, ác nghiệp; ở trong pháp Phật có lòng tin vững chắc, lìa bỏ thế tục mà thanh tịnh xuất gia.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo đại Bồ-tát Hư Không Tạng:

– Này thiện nam tử! Nay Ta đem pháp môn Ðịa Tạng thập luân đại ký này phó chúc cho ông, ông nên thọ trì làm cho lưu truyền rộng khắp. Nếu có chúng sanh nào đối với pháp môn này có thể đọc tụng, suy nghĩ nghĩa lý, giảng cho người nghe an trụ chánh hạnh, thì ông nên dùng mười pháp sau để hộ trì họ, làm cho được an lạc, lợi ích lâu dài.

Thế nào là mười?

1- Bảo vệ tất cả tài vật của người ấy, làm cho không bị hao tổn, thiếu thốn.

2- Bảo vệ không để cho oán thù xâm hại đến người ấy.

3- Bảo vệ khiến cho người ấy xả bỏ hết tà kiến, tà quy, mười nghiệp đạo ác.

4- Bảo vệ người đó thoát khỏi mọi sự trách phạt về thân, ngữ.

5- Bảo vệ, ngăn chận tất cả những lời hủy báng khinh lờn.

6- Bảo vệ người ấy không phạm tất cả các giới điều.

7- Hộ trì cho người ấy trừ diệt tất cả loài phi nhơn quấy nhiễu, tứ đại chống trái, lão bệnh phi thời.

8- Bảo vệ người ấy làm cho không gặp tất cả những tai nạn phi thời, phi lý làm cho chết yểu.

9- Hộ trì người ấy khi lâm chung được thấy tất cả sắc tướng của Phật.

10- Hộ trì cho người ấy sau khi mạng chung được sanh vào cõi thiện, gặp nhiều lợi ích an vui.

Này thiện nam tử! Nếu có chúng hữu tình nào đối với pháp môn này có thể đọc tụng, suy nghĩ nghĩa lý, giải nói cho người trụ vào trong chánh hạnh thì ông nên dùng mười pháp trên đây để hộ trì làm cho họ thường được lợi ích an lạc.

Bấy giờ, đại Bồ-tát Hư Không Tạng bạch Phật:

– Xin vâng đức Thế Tôn! Con sẽ thọ trì pháp môn này và làm cho lưu truyền rộng khắp. Nếu có chúng sanh nào có thể đọc tụng, suy nghĩ nghĩa lý kinh này, diễn thuyết cho người nghe được an trụ chánh hạnh thì con sẽ dùng mười pháp trên để hộ trì làm cho họ thường được nhiều lợi ích an lạc.

Khi đức Thế Tôn thuyết kinh xong, trong chúng hội đại Bồ-tát Hư Không Tạng, đại Bồ-tát Kim Cang Tạng, đại Bồ-tát Hảo Nghi Vấn, các vị Thiên tạng, Ðại phạm, trời, rồng, Dạ-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhân, phi nhân…, tất cả đại chúng nghe Phật thuyết pháp đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.

KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN

Hết quyển thứ tám

(Trọn bộ)

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11