KINH ĐẠI THỪA ĐẠI TẬP ĐỊA TẠNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Tam-tạng Pháp sư Huyền Trang
 Việt dịch: Thích nữ Huệ Thanh, Chùa Phổ Tế, Nha Trang.
Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh, Tỳ kheo Tâm Hạnh

 

QUYỂN THỨ NĂM

PHẦN I

 Phẩm thứ tư: HỮU Y HÀNH 

Lúc bấy giờ, ở giữa chúng hội đại Bồ-tát Kim Cang Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, bày một vai áo, gối phải sát đất, chấp tay cung kính nói bài tụng thưa hỏi:

– Xưa nói phá giới mất thanh tịnh
Chẳng phải Hiền Thánh hay đệ tử
Với pháp Sa-môn bị vứt bỏ
Không được ở trong chúng thanh tịnh
Bị ba cấu uế, mất chánh đạo
Không thể tiêu dùng vật cúng Tăng
Ðối vật cúng dường bốn phương Tăng
Ta cũng không cho nhận chút phần
Phạm một tội trong bốn căn bản
Chúng gạt bỏ như thây trong biển
Nay vì sao nói Bí-sô ác
Nên nhẫn, phải thương, chớ trách phạt?
Lại phải siêng cúng dường người đó
Chớ sanh tâm xấu, nên thương xót
Cung kính lắng nghe lời thuyết pháp
Sẽ được phước đức, tuệ đại bi
Các kinh nói sáu thông cứu thế
Ðại thừa các ông phải nên tin
Ðạo Bồ-đề chân chánh vi diệu
Ðường giải thoát nên bỏ nhị thừa
Nay vì sao lại nói ba thừa
Khuyên lãnh thọ tu cúng dường khắp
Căn lực giác đạo quả Sa-môn
Trong kinh này có gì khác không?
Không gì bằng tám môn Thánh đạo
Ba thừa đều tu theo pháp này
Mong cầu giải thoát siêng tinh tấn
Tùy theo sở nguyện chứng Bồ-đề
Nên chăm sóc đến chúng hữu tình
Xưa nay dạy bảo không sai trái
Làm cho trời người, chư Bồ-tát
Hiểu rõ, hoan hỷ, chứng chân thật
Nghe pháp đại thừa, ai có ích
Nghe pháp đại thừa ai tổn giảm
Mười pháp giải thoát Thanh-văn thừa
Nghe pháp ai tổn, ai có ích
Người nào nghe pháp liền thăng tiến
Người nào nghe pháp lại trầm trệ
Làm sao chán ghét pháp hữu vi
Ðể mau khô cạn dòng lão tử
Ngày đêm siêng tu các pháp thiện
Nương diệu lý và pháp thừa nào
Ðể vượt bốn bộc lưu sâu rộng
Giảng thuyết chánh pháp cứu quần sanh.

Lúc bấy giờ Phật bảo Ðại Bồ-tát Kim Cang Tạng:

– Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử. Nay ông muốn làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình và làm lợi ích lớn cho chư thiên, nhơn, A-tố-lạc.v.v… mà thưa hỏi Như Lai nghĩa thâm sâu này. Ông nên lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt giải rõ cho.

Bồ-tát Kim Cang Tạng thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Con nguyện xin muốn nghe.

Phật bảo:

– Này thiện nam tử! Có mười loại hữu tình luân hồi trong sanh tử, khó được làm người. Thế nào là mười?

1- Không gieo thiện căn

2- Chưa tu nghiệp phước lành

3- Luôn luôn bị tạp nhiễm

4- Làm theo bạn ác

5- Không thấy, không sợ quả khổ đời sau

6- Tham dục mạnh mẽ

7- Sân giận dữ dội

8- Ngu si vô cùng

9- Tâm mê mờ cuồng loạn

10- Chấp tà kiến ác.

Mười điều này làm nhân cho pháp không nên làm theo, làm cho các chúng sanh hủy phạm cấm giới, phạm tội căn bổn, đọa các đường ác.

Thế nào là mười pháp không nên làm theo? – Nghĩa là người xuất gia trong giáo pháp Ta có gia hạnh hoại, ý lạc bất hoại; có ý lạc hoại, gia hạnh bất hoại; có gia hạnh, ý lạc đều hoại.

Hoặc có giới hoại, kiến bất hoại; có kiến hoại, giới bất hoại; hoặc giới kiến đều hoại.

Hoặc đối với gia hạnh, ý lạc, giới, kiến tuy đều bất hoại nhưng chỉ vì nương theo bạn ác mà làm các pháp không nên làm theo.

Hoặc tuy nương theo bạn lành nhưng vì ngu si cũng như dê câm nên đối với các sự việc đều không phân biệt, nghe bạn lành nói pháp thiện hay bất thiện đều không thể lãnh thọ, ghi nhớ, không thể hiểu rõ nghĩa thiện hay bất thiện, do đó làm các pháp không nên làm theo.

Hoặc đối với các loại tài bảo đầy đủ thường không nhàm chán tìm cầu nên tâm mê loạn, làm các pháp không nên làm theo.  Hoặc bị bệnh tật bức bách làm khổ não liền tìm cầu các pháp cúng tế, chú thuật; do đó làm các pháp không nên làm theo.

Do mười pháp không nên làm theo này làm cho các chúng sanh phạm tội căn bản, ở đời này chẳng phải là bậc Hiền Thánh, hủy phạm giới cấm, sẽ đọa vào các đường ác.

Này thiện nam tử! Người nào gia hạnh hoại, ý lạc bất hoại, tùy theo gặp một điều trong những pháp không nên làm theo, phạm tội căn bản, liền sợ hãi, xấu hổ mà xả bỏ, không thường làm các hạnh ác. Vì lợi ích của họ nên Như lai giảng thuyết về Sa-môn ô đạo. Vì sao? – Vì những người ấy đã tạo ra các nghiệp ác trọng này, liền phát lồ không dám che giấu, biết tàm quý sám hối. Do sám hối nên tội lỗi được tiêu trừ, chấm dứt không gây ra nữa. Tuy đối với tất cả pháp sự của Sa-môn đều nên tẩn xuất, không cho dùng tất cả vật dụng, nhưng do người ấy đối với Tam thừa thành tựu pháp khí nên Như Lai thương xót thuyết pháp Thanh văn thừa cho họ, hoặc thuyết pháp Duyên giác thừa, hoặc thuyết pháp Vô thượng thừa cho họ. Nhờ đó, người ấy khi sanh qua đời thứ hai, thứ ba phát nguyện chân chánh, gặp được bạn lành, tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, hoặc chứng đắc quả Thanh văn thừa, hoặc chứng đắc quả Duyên giác thừa để nhập Niết-bàn, hoặc ngộ nhập lý Vô thượng thừa thâm sâu, rộng lớn.

Như vậy giới hoại, kiến bất hoại nên biết cũng vậy.

Người nào ý lạc hoại, gia hạnh bất hoại, vì lợi ích của họ nên Như Lai khen ngợi thuyết pháp bốn phạm trú. Vị ấy là bậc Thanh văn thừa, hoặc là bậc Duyên giác thừa.

Người nào gia hạnh ý lạc đều hoại, đối với các thừa đều chẳng phải là bậc pháp khí, vì lợi ích của họ nên Như Lai khen ngợi thuyết pháp bố thí.

Người nào kiến hoại, giới bất hoại, vì lợi ích của họ nên Như Lai thuyết pháp Duyên khởi, làm cho họ xả bỏ ác kiến, ngay đời này thể nhập pháp Thanh văn hoặc pháp Duyên giác, hoặc đời khác mới có thể ngộ nhập.

Người nào giới kiến đều hoại, đối với Thánh pháp cũng không thành tựu, vì lợi ích của họ nên Như Lai khen ngợi thuyết pháp bố thí.

Người nào gia hạnh, ý lạc, giới, kiến bất hoại mà nương theo việc làm của bạn ác, vì lợi ích của họ nên Như Lai giảng thuyết khen ngợi pháp mười nghiệp đạo thiện.

Người nào tuy nương theo việc làm của bạn lành nhưng lại ngu độn như dê câm, không thể lãnh thọ pháp thiện hay bất thiện, vì lợi ích của họ Như Lai thuyết giảng khen ngợi pháp tập tụng. Nếu bị các thứ tham lam, bệnh tật bức bách, hoặc bị các kiến thú làm mê hoặc, Như Lai làm lợi ích cho chúng hữu tình như vậy.

Ðối với người cầu giải thoát thì chỉ dạy làm cho họ ra khỏi đường sanh tử. Ðối với Thanh văn thừa thì giảng pháp Tứ Thánh đế. Ðối với người đoạn kiến thì giảng pháp Duyên khởi. Ðối với người thường kiến thì thuyết các pháp không thường. Chúng sanh trôi lăn khắp các nẻo trong ba cõi, chết nơi này, sanh nơi kia như bàn quay của người thợ gốm, qua lại không dứt.

Này thiện nam tử! Như Lai không có nói danh tự, không có nói âm thanh, cũng không có nói quả chứng mà tất cả đều vì giáo hóa hữu tình. Vì vậy, tất cả lời hủy báng chánh pháp do Như Lai thuyết ra tức là hủy hoại con mắt chánh pháp của các hữu tình. Tội ấy còn hơn các tội vô gián, mắc vô lượng trọng tội như tội vô gián.

Nếu có người ở trong chánh pháp của Ta vì muốn làm lợi lạc cho tất cả hữu tình nên thuyết chánh pháp, nghĩa là nương vào Thanh văn thừa mà thuyết chánh pháp, hoặc nương vào Duyên giác thừa mà thuyết chánh pháp, hoặc nương vào Ðại thừa mà thuyết chánh pháp, nhưng có người phỉ báng, ngăn chận, làm chướng ngại – cho đến một bài tụng – thì nên biết đó là phỉ báng chánh pháp, cũng gọi là hủy diệt tám Thánh đạo, cũng gọi là phá hoại con mắt chánh pháp của tất cả hữu tình. Người như vậy tự mình đã quen làm việc không có lợi ích, cũng làm cho tất cả hữu tình quen làm việc không có lợi ích. Người này nương theo vị Tăng không có tàm quý. Như vậy là hủy báng chánh pháp của Như lai.

Lại nữa, này thiện nam tử! Có bốn hạng Tăng. Thế nào là bốn?

1- Tăng thắng nghĩa.

2- Tăng thế tục

3- Tăng như dê câm.

4- Tăng không biết tàm quý.

Thế nào là Tăng thắng nghĩa?

– Nghĩa là Phật Thế Tôn hoặc chư đại Bồ-tát có oai đức tôn quý, đối với tất cả pháp đều được tự tại. Hoặc Ðộc giác, hoặc A-la-hán, hoặc Bất-hoàn, hoặc Nhất-lai, hoặc Dự-lưu, bảy bậc này thuộc Tăng thắng nghĩa.

Nếu các hữu tình có hình tướng tại gia, không cạo bỏ râu tóc, không mặc ca-sa, tuy không được thọ tất cả các giới biệt giải thoát của hàng xuất gia, tất cả các yết-ma bố tát, tự tứ đều không được dự nhưng có Thánh pháp, chứng đắc quả Thánh nên cũng thuộc Tăng thắng nghĩa. Ðó là Tăng thắng nghĩa.

Thế nào là Tăng thế tục?

– Nghĩa là cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, thọ đầy đủ các giới biệt giải thoát của hàng xuất gia. Ðó là Tăng thế tục.

Thế nào gọi là Tăng như dê câm?

– Nghĩa là không biết rõ các tội căn bản phạm hay không phạm, không biết các tội phạm nặng hay nhẹ, không biết tùy phạm nhỏ, tội lỗi nhỏ, không biết phát lồ sám hối tội đã phạm, ngu si mê muội, không biết không sợ tội lỗi nhỏ, không nương theo bậc hiền sĩ thông minh, không khi nào đi đến các bậc đa văn thông minh thân cận, phụng sự, cũng không thường cung kính thưa hỏi thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là vô tội, tu như thế nào là đúng, làm như thế nào là sai. Tất cả những người này thuộc Tăng như dê câm. Ðó là Tăng như dê câm.

Thế nào là Tăng không biết tàm quý?

– Nghĩa là có hữu tình vì sinh sống mà quy y, cầu xuất gia trong pháp của Ta, được xuất gia rồi đối với giới biệt giải thoát đã thọ trì lại hủy phạm, không có tàm quý, không thấy không sợ quả khổ đời sau, trong tâm thối nát như ốc sên hôi dơ, tiếng nói như loa, việc làm như chó, ưa nói dối, không có một lời chân thật, bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét, ngu si, kiêu mạn, xa lìa ba nghiệp tốt, tham đắm vào lợi dưỡng, cung kính, danh dự, đam mê sáu trần, ưa thích dâm dật, ham muốn sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm. Tất cả những người như vậy thuộc Tăng không có tàm quý, hủy báng chánh pháp là Tăng không có tàm quý.

Này thiện nam tử! Tăng thắng nghĩa ở đây cũng là thuộc Sa-môn thắng đạo. Thắng đạo nghĩa là có thể nương theo tám Thánh đạo, tự mình giải thoát tất cả phiền não, cũng làm cho người khác giải thoát. Ðiều này nghĩa là như thế nào? – Nghĩa là Phật Thế Tôn, Ðộc giác, A-la-hán, ba bậc này đã dứt bỏ tất cả quyến thuộc nên gọi là thắng đạo.

Lại có chúng đại Bồ-tát không nhờ vào các duyên khác, đối với tất cả pháp thấy biết không chướng ngại, giáo hóa làm lợi lạc cho tất cả hữu tình cũng thuộc Sa-môn thắng đạo.

Tăng thắng nghĩa và Tăng thế tục ở đây cũng là thuộc Sa-môn thị đạo. Hoặc có hàng phàm phu hiền thiện thành tựu giới biệt giải thoát cho đến đầy đủ chánh kiến thế gian, do có sự biện tài vô ngại nên chư vị có thể giảng thuyết, chỉ dạy các Thánh pháp cho mọi người. Nên biết hạng người này là hạng Sa-môn thị đạo thấp nhất, hạng chứng quả Dự-lưu là thứ hai, hạng chứng quả Nhất-lai là thứ ba, hạng chứng quả Bất-hoàn là thứ tư.

Lại có chúng đại Bồ-tát là thứ năm, nghĩa là trụ sơ địa đến địa thứ mười, cho đến an trụ thân sau cùng. Ðây đều là thuộc Sa-môn thị đạo.

Hoặc có vị thành tựu giới biệt giải thoát, oai nghi phép tắc thanh tịnh, hoàn thiện. Ðây thuộc về Sa-môn mạng đạo. Vì sống có đạo đức, phép tắc nên gọi là mạng đạo.

Lại có chúng đại Bồ-tát vì muốn giáo hóa làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình nên tu hành viên mãn sáu pháp Ba-la-mật-đa, cũng gọi là mạng đạo.

Ba hạng Sa-môn: thắng đạo, thị đạo, mạng đạo như vậy gọi là ruộng phước chân thật của thế gian. Các hạng Sa-môn khác gọi là ô đạo, tuy chẳng phải chân thật cũng được ở trong số bậc phước điền.

Hoặc có người nương theo các vị Tăng không có tàm quý, ở trong chánh pháp Tỳ-nại-da của Ta gọi là tử thi, chúng thanh tịnh nên diệt tẩn vì chẳng phải là bậc pháp khí. Ta không phải là đại sư của người ấy, người ấy cũng chẳng phải là đệ tử của Ta.

Hoặc có vị Tăng không biết xấu hổ, không xứng đáng là bậc pháp khí nhưng xưng ta là thầy, đối với xá lợi và hình tượng của Ta sanh tâm tin kính sâu xa, đối với Thánh giáo, giới pháp của Ta cũng sanh tâm tin kính sâu xa, tự mình đã không chấp các tà kiến, cũng không làm cho người khác chấp vào các tà kiến, có thể giảng thuyết chánh pháp của Ta cho mọi người, khen ngợi tán thán mà không sanh tâm hủy báng, thường phát nguyện chân chánh tùy theo tội đã phạm mà chừa bỏ, phát lồ sám hối nên các nghiệp chướng đều có thể tiêu trừ. Nên biết, hạng người này tin kính oai lực giới pháp Tam bảo, vượt hơn chín mươi lăm ngoại đạo đến hàng trăm ngàn lần vẫn không thể mau đến thành Niết-bàn. Chuyển luân Thánh vương còn không thể sánh bằng, huống chi là các hữu tình khác. Do nghĩa này nên Như Lai quán sát tất cả hữu tình, các nghiệp pháp thọ khác nhau, nói như vầy:

– Những người ở trong giáo pháp của Ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, Ta hoàn toàn không cho Sát-đế-lợi hủy nhục, quở trách. Nếu ai hủy nhục, trách phạt tất cả người xuất gia thì mắc tội báo như đã nói rõ ở trên.

Lại có người nương theo giáo pháp của Ta, bỏ tục xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa đỏ, liền được tất cả chư Phật trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại từ bi hộ niệm. Người có oai nghi, hình tướng pháp phục ca-sa cũng được chư Phật Thế Tôn trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại từ bi hộ niệm. Vì thế, khinh thường hủy nhục người xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa tức là khinh thường hủy nhục tất cả chư Phật Thế Tôn trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại. Do đó, người có trí tuệ chán sợ các khổ, ưa thích mong cầu Niết-bàn an lạc nhân thiên thì không nên khinh thường hủy nhục người bỏ tục xuất gia, cạo tóc, mặc ca-sa.

Những vị Tăng không biết xấu hổ, phá hủy giới cấm, không xứng đáng là bậc pháp khí Hiền Thánh của ba thừa, tự mình đã chấp chặt các tà kiến, cũng hay làm cho người khác chấp vào các tà kiến, nghĩa là vì Sát-đế-lợi hiền thiện, Bà-la-môn hiền thiện, Tể quan hiền thiện, Cư sĩ hiền thiện, Sa-môn hiền thiện, Trưởng giả hiền thiện, Phiệt xá hiền thiện, Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam, hoặc nữ nói các thế gian không có cha, không có mẹ, cho đến không có nghiệp thiện, nghiệp ác, quả báo, không có khả năng chứng đắc Thánh quả, tất cả các pháp không do nhân mà sanh.

Hoặc chấp rằng: Sắc giới là thường, không biến hoại; hoặc chấp Vô sắc giới là thường, không có biến hoại; hoặc chấp ngoại đạo tu các pháp khổ hạnh được rốt ráo thanh tịnh, hoặc chấp chỉ có Thanh văn thừa được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải Ðộc giác thừa, cũng chẳng phải Ðại thừa. Ðối với Thanh-văn thừa thì tin kính, khen ngợi, giảng thuyết, chỉ dạy, còn đối với Ðộc giác thừa và Ðại thừa thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che lấp không cho lưu thông rộng rãi. Hoặc chấp chỉ có Ðộc giác thừa được rốt ráo thanh tịnh, chứ Thanh văn thừa, Ðại thừa đều không được. Ðối với Ðộc giác thừa thì tin kính, khen ngợi, giảng thuyết, chỉ dạy, còn đối với Thanh-văn thừa và Ðại thừa thì phỉ báng, khinh chê, làm chướng ngại, che lấp, không làm cho lưu thông rộng rãi. Hoặc chấp chỉ có Ðại thừa mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ Thanh văn thừa, Ðộc giác thừa đều không được. Ðối với pháp Ðại thừa, tự mình tin kính và dạy bảo người khác tin kính; tự mình cung kính và dạy bảo người khác cung kính; tự mình khen ngợi và dạy bảo người khác khen ngợi; tự mình ghi chép và bảo người khác ghi chép; tự mình đọc tụng, dạy bảo người khác đọc tụng; tự mình lắng nghe, dạy bảo người khác lắng nghe; tự mình tư duy, dạy bảo người khác tư duy.

Ðối với hữu tình khác – hoặc là bậc pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc pháp khí – đều vì họ giảng thuyết, chỉ dạy, giải thích giáo nghĩa pháp Ðại thừa thâm sâu vi diệu. Còn đối với Thanh văn thừa và Ðộc giác thừa thì phỉ báng, khinh chê làm chướng ngại che lấp, không cho lưu thông rộng rãi; tự mình không sanh lòng tin kính, chướng ngại người khác sanh lòng tin; tự mình không cung kính, chướng ngại người khác cung kính; tự mình không khen ngợi, chướng ngại người khác khen ngợi; tự mình không ghi chép, chướng ngại người khác ghi chép; tự mình không đọc tụng lắng nghe, suy nghĩ, chướng ngại người khác đọc tụng, lắng nghe, suy nghĩ; không ưa giảng thuyết, chỉ dạy, giải thích giáo nghĩa pháp Tam thừa.

Hoặc chấp chỉ có tu bố thí mới được rốt ráo thanh tịnh chứ chẳng phải tu giới, nhẫn, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.

Hoặc chấp chỉ có tu cấm giới mới được rốt ráo thanh tịnh chứ chẳng phải tu bố thí, nhẫn, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.

Hoặc chấp chỉ có tu nhẫn nhục mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải tu bố thí, trì giới, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.

Hoặc chấp chỉ có tu tinh tấn mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải tu bố thí, trì giới cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.

Hoặc chấp chỉ có tu tịnh lự mới được rốt ráo thanh tịnh, chứ chẳng phải bố thí, trì giới, cho đến chẳng phải tu tuệ mà được.

Hoặc chấp chỉ có tu tuệ mới được tốt ráo thanh tịnh chứ chẳng phải tu bố thí, trì giới cho đến chẳng phải tu định mà được.

Hoặc chấp chỉ có học tập các nghề nghiệp thế gian mới được rốt ráo thanh tịnh.

Hoặc chấp rằng chỉ có tu các hạnh: gieo mình vào nơi hiểm trở, lăn vào ngọn lửa, nhịn đói… mới được rốt ráo thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Bí-sô phá giới làm hạnh ác này chẳng phải là bậc pháp khí, dùng các thứ làm mê hoặc các hữu tình, các bậc pháp khí hiền thiện, làm cho họ chấp vào tà kiến. Do bị tà kiến điên đảo nên họ phá hoại Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Miệt-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ có lòng tin, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh, chuyển các vị Sát-đế-lợi thành Chiên-trà-la, cho đến Phiệt-xá, Miệt-đạt-la… thành Chiên-trà-la. Bí-sô phá giới và Sát-đế-lợi Chiên-trà-la này chẳng phải là bậc pháp khí; thầy và đệ tử đều mất thiện căn, cho đến sẽ đọa vào địa ngục vô gián.

Này thiện nam tử! Như thây chết sình trướng, hôi thối, những người đến gần đều bị mùi hôi xông nhiễm vào, tùy theo chỗ tiếp xúc với tử thi hôi thối mà bị mùi hôi xông nhiễm; cũng vậy, Sát-đế-lợi hiền thiện cho đến Mâu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ tùy theo thân cận Bí-sô phá giới làm hạnh xấu ác, chẳng phải là bậc pháp khí, hoặc giao du, hoặc ở chung, hoặc cùng làm việc tùy theo đó mà bị mùi hôi ác kiến xông nhiễm. Như vậy, điều đó làm cho Sát-đế-lợi hiền thiện kia, cho đến Mậu-đạt-la hiền thiện, hoặc nam hoặc nữ thối lui lòng tin, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh thành Chiên-trà-la; thầy và đệ tử đều đoạn mất thiện căn cho đến đọa vào địa ngục vô gián.

KINH ÐẠI THỪA ÐẠI TẬP ÐỊA TẠNG THẬP LUÂN

Hết quyển thứ năm

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11