Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Dược
Sư Lưu Ly Quang Như Lai Lược Giảng
Đời Đường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng tại Kim Luân Thánh Tự, Los Angeles, California, Hoa Kỳ năm 1983.

 

Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Lược Giảng (pdf)

Vì vấn đề sanh tử của chúng sanh chúng ta mà đức Phật Thích Ca xuất hiện tại cõi Ta-bà này. Ngài được sanh ra trong một gia đình vương giả, nhưng Ngài đã từ bỏ sự giàu sang của cả một vương quốc để ra đi lo việc tu hành và chứng thành Phật quả dưới gốc cây Bồ-đề. Sau khi chứng quả Phật, Ngài quán sát các chúng sanh trong thế giới Ta-bà và nhận thấy rằng các chúng sanh tại đây có một nhân duyên sâu đậm với hai vị Phật, đó là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở phương Đông và đức A-Di Đà Như Lai ở phương Tây. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở thế giới Lưu Ly nơi phương Đông có thể giúp chúng ta tăng phước tăng thọ, tiêu trừ tai nạn; còn đức A Di Đà Như Lai ở phương Tây thì có thể tiếp dẫn chúng ta mang theo nghiệp mà sanh về thế giới Cực lạc, “hoa nở liền trông thấy Phật, ngộ được pháp Vô sanh nhẫn.”

Trong bài Nhị Phật Chú có câu:

“Nhị Phật diễn hóa tại Ta-bà,
Đông A-súc, Tây Di-đà”.

Hai câu này nghĩa là Phật A-súc, tức Phật Dược Sư, và Phật Di-đà đều giáo hóa chúng sanh tại thế giới Ta-bà. Hai vị Phật, một vị ở phương Đông, một vị ở phương Tây, nhưng cả hai đều có nhân duyên rất sâu đậm với chúng ta nơi cõi Ta-bà, do đó Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật chính là Dược Sư LưuLy Quang Như Lai, còn Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật chính là A-di-đà Như Lai.

Nếu có ai niệm danh hiệu của Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư thì người đó được giải trừ tai nạn, bệnh tật tiêu tan, tội diệt, phước sanh, tâm ý mãn nguyện. Vậy, vị Phật giúp các chúng sanh kéo dài mạng sống chính là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư.

Còn đức Phật A-di-đà thì sao? Ở đây là vấn đề vãng sanh.

Như có ai muốn về thế giới Cực Lạc, thì phải niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà. Nếu quý vị muốn sanh về cõi Lưu Ly, tức là thế giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì hãy niệm danh hiệu của Ngài Dược Sư.

Khi còn sống, người ta muốn tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ; còn khi lâm chung người ta mong về nơi thế giới Cực Lạc.

Bởi vậy, trong Phật giáo chúng ta thấy có những tấm bài vị mầu đỏ gọi là bài vị diên thọ, ngụ ý rằng Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư phóng hào quang chiếu sáng ngôi sao bổn mạng của chúng ta. Còn khi vãng sanh, nếu không muốn tái sanh nơi thế giới Lưu Ly mà muốn về cõi Cực Lạc thì người ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhân duyên của chúng ta đối với hai vị Phật nói trên quả là rất mật thiết.

Tuy nhiên, chúng ta vốn chưa biết gì về hai vị Phật này, ngay đến cả danh hiệu của các Ngài chúng ta cũng không biết, do đó đức Phật Thích Ca mới giới thiệu cho chúng ta về danh hiệu, bổn nguyện, cùng công đức nguyện lực của các Ngài.

Bởi vậy mới có bộ Kinh này, gọi là “Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.