PHẬT NÓI KINH CẦU DỤC
Hán dịch: Đời Tây Tấn Sa-môn Pháp Cự.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Kinh Cầu Dục

Nghe như vầy:

Một thời Đức Bà-già-bà ở trong vườn Lộc dã thuộc vùng Bà-kỳ- thi-mục-ma-lâm-tỷ-lượng. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

–Này chư Hiền, nên biết thế gian hiện tại có bốn loại người. Bốn loại người ấy là gì? Này chư Hiền, hoặc có người bên trong cócầu dục (ô uế), kẻ ấy bên trong có cầu dục mà không biết rõ. Này chư Hiền, hoặc có người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục và tự biết rõ. Này chư Hiền, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục nhưng không tự biết rõ. Này chư Hiền, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục và tự biết rõ.

Này chư Hiền, hoặc có người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục mà không tự biết rõ, ta nói kẻ ấy là người hết sức xấu ác.

Này chư Hiền, hoặc có người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục và tự biết rõ, ta nói kẻ ấy là hơn hết.

Này chư Hiền, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục mà không tự biết rõ, ta nói kẻ ấy là người hết sức xấu ác.

Này chư Hiền, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục và tự biết rõ, ta nói kẻ ấy là người hơn hết.

Khi ấy có một Tỳ-kheo từ tòa ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa:

–Thế nào, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, do nhân duyên gì mà hai người đầu, cùng có cầu dục (ô uế), đều có tham đắm mà ngài nói một người thì xấu ác, còn một người thì lại hơn hết? Lại do nhân duyên gì mà hai người sau này, đều không có cầu dục, đều không có tham đắm mà ngài nói một người thì xấu ác, còn một người thì lại hơn hết?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Này chư Hiền, hoặc có một người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục nhưng không biết rõ, nên biết kẻ ấy không ưa thích thực hành, cũng không cố gắng, cũng không tinh tấn để diệt trừ tâm cầu dục kia. Kẻ ấy trụ nơi tâm cầu dục, tâm ý còn tham vướng nơi cầu dục cho tới khi mạng chung. Do vậy mà chẳng làm được điều thiện nên cũng chẳng được sanh đến chỗ lành. Vì sao như vậy? Vì kẻ ấy tâm ý luôn tham đắm nơi cầu dục cho tới mạng chung. Này chư Hiền, cũng như có người hoặc ở chợ búa, hoặc ở nhà thợ đúc đồ đồng mang một cái bát bằng đồng dơ nhớp không sạch về. Kẻ ấy đã mang bát đồng về rồi mà không tùy thời rửa sạch, không tùy thời lau chùi, cũng không tùy thời mài cọ, chỉ để nơi chỗ bụi bặm đất cát. Cái bát đồng ấy như vậy chỉ tăng thêm sự cấu uế. Như thế, này chư Hiền, hoặc có người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục mà không tự biết rõ, nên biết kẻ ấy không ưa thích thực hành, cũng không cố gắng, cũng không tinh tấn để diệt trừ tâm cầu dục kia. Kẻ ấy chỉ trú nơi tâm cầu dục, tâm ý còn tham vướng nơi cầu dục cho tới khi mạng chung do vậy mà chẳng làm được điều thiện và cũng không được sanh đến chỗ lành. Vì sao? Vì kẻ ấy tâm ý luôn tham đắm với cầu dục cho đến khi mạng chung.

–Này chư Hiền, hoặc có người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục và tự biết rất rõ, nên biết kẻ ấy sẽ ưa thích thực hành, luôn tinh tấn để diệt trừ nên sự cầu dục của kẻ ấy sẽ đình chỉ.

Kẻ ấy không còn tâm ý cầu dục, vì không còn tâm ý cầu dục nên khimạng chung không còn tham đắm. Kẻ ấy không tham đắm, khi mạng chung mà không có ý tham đắm nên cái chết ấy an lành mà chỗ được sanh đến cũng tốt đẹp. Vì sao vậy? Vì kẻ ấy không có cầu dục, không có tâm ý tham đắm. Này chư Hiền, giống như có người hoặc ở chợ búa hay ở nhà thợ đúc đồ đồng mang cái bát bằng đồng đầy bụi bặm dơ nhớp về. Kẻ ấy mang cái bát về rồi tùy thời rửa sạch, tùy thời lau chùi, tùy thời mài cọ, không để ở chỗ bụi bặm, cái bát đồng đó về sau luôn được sạch sẽ bóng láng. Như vậy, này chư Hiền, hoặc có người bên trong có cầu dục, kẻ ấy bên trong có cầu dục và tự biết rất rõ.

Nên biết kẻ ấy sẽ ưa thích thực hành, luôn tinh tấn để diệt trừ cầu dục ấy. Tâm cầu dục của kẻ đó đã được đoạn trừ, tâm ý không còn cầu dục, nên khi mạng chung không còn tham đắm. Kẻ ấy không còn tâm ý cầu dục, mạng chung mà không còn tham đắm, thì sự mạng chung ấy đã an lành, lại cũng được sanh đến chỗ lành. Vì sao vậy? Vì kẻ ấy không còn cầu dục, khi mạng chung không còn tham đắm.

Này chư Hiền, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục mà không tự biết rõ, nên biết kẻ ấy không thể giữ gìn được các căn tiếp xúc với các trần. Khi đã không thể giữ gìn được các căn tiếp xúc với các trần rồi thì ý sẽ khởi dâm dục. Kẻ ấy sẽ mạng chung mà ý còn tham đắm tạp dục, tạp cầu. Kẻ ấy tâm ý luôn tham đắm với mọi thứ tạp dục, tạp cầu, cho đến khi mạng chung, do đấy cái chết ấy bất thiện, lại cũng sanh đến chỗ bất thiện. Vì sao vậy? Vì cho tới khi chết mà tâm ý còn tham đắm tạp dục, tạp cầu. Này chư Hiền, giống như, có người hoặc ở chợ búa, hay ở nhà thợ đúc đồ đồng mang một cái bát bằng đồng sạch sẽ về. Khi mang về rồi cũng không tùy thời rửa sạch, cũng không tùy thời lau chùi, cũng không tùy thời mài cọ, lại để chỗ bụi bặm. Cái bát đồng như vậy về sau sẽ bị dơ nhớp không sạch. Này chư Hiền, như vậy, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục mà không tự biết rõ, nên biết kẻ ấy không thể giữ gìn được mắt, tai, ý, pháp. Kẻ ấy đã không giữ gìn được các căn tiếp xúc với các trần, thì sẽ khởi ý dâm dục, dấy ý tạp dục, mạng chung mà ý tham đắm, tạp dục, tạp cầu. Kẻ ấy cho tới khi mạng chung mà tâm ý còn tham đắm tạp dục, tạp cầu, thì sự chết sẽ không an lành mà cũng không sanh đến chốn lành. Vì sao vậy? Vì kẻ ấy mạng chung mà tâm ý còn tham đắm tạp dục, tạp cầu.

Này chư Hiền, hoặc có người bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục và tự biết rất rõ, nên biết kẻ ấy có thể giữ gìn được mắt, tai, ý, pháp. Kẻ ấy đã giữ gìn được các căn tiếp xúc với các trần rồi thì tâm ý sẽ không còn khởi dâm dục, mạng chung mà ý không tham đắm không cầu, không dục. Kẻ ấy mạng chung mà tâm ý không còn tham đắm không dục, không cầu, thì sự chết đã an lành mà chỗ sanh đến cũng tốt đẹp. Vì sao vậy? Vì mạng chung mà tâm ý không tham đắm, không dục, không cầu vậy. Này chư Hiền, giống như có người, hoặc ở chợ búa, hay ở nhà người thợ đúc đồ đồng mang về cái bát bằng đồng sạch sẽ, mang về rồi tùy lúc rửa sạch, tùy lúc lau chùi, tùy lúc mài cọ, không để chỗ bụi bặm. Như vậy, cái bát ấy càng thêm sạch sẽ trắng tinh. Này chư Hiền, kẻ ấy cũng như vậy, bên trong không có cầu dục, kẻ ấy bên trong không có cầu dục tự biết rõ như vậy, nên biết kẻ ấy có thể giữ gìn được mắt, tai, ý pháp. Kẻ ấy đã giữ gìn được các căn tiếp xúc với các trần thì sẽ không dấy khởi dâm dục. Kẻ ấy tâm ý không còn tham đắm, không tạp dục, tạp cầu cho đến mạng chung. Kẻ ấy mạng chung mà tâm ý không tham đắm, không tạp dục, tạp cầu nên sự chết cũng an lành mà chỗ thác sanh cũng tốt đẹp. Vì sao vậy? Vì kẻ ấy đến lúc mạng chung tâm ý không còn tham đắm, không tạp dục, tạp cầu.

Do vậy, này chư Hiền, nhân như vậy, duyên như vậy nên khiến cho hai người đầu đều có tâm ý tham vướng cầu dục mà nói một người thì xấu ác, còn một người thì hơn hết. Do nhân như vậy, duyên như vậy nên hai người sau bên trong không có ý tham đắm, không cầu dục mà nói một người thì xấu ác còn một người thì hơn hẳn.

Bấy giờ có một Tỳ-kheo khác từ tòa ngồi đứng dậy, sửa y, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào gọi là cầu dục? Tâm mong cầu dục ấy vì sao gọi là cầu dục?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Này chư Hiền, vì mong cầu dục lượng các pháp ác cho nên gọilà cầu dục. Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn như sau:

“Nếu ta có phạm tội chút ít, đừng để cho người khác biết ta có phạm giới”. Này chư Hiền, các vị nên biết có người biết vị ấy đã phạm giới, vì có người biết nên vị ấy trở nên sân hận. Này chư Hiền, nếu kẻ ấy đã sân hận, do dục hành động, đó chỉ là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn: “Nếu ta có phạm tội chút ít, mong rằng người ta quở trách ở chỗ kín đáo, đừng quở trách ta phạm giới trước công chúng”. Nhưng này chư Hiền, các vị nên biết có người biết chỗ phạm giới ấy liền đưa ra nói trong chúng.

Do người ta không quở trách ở chỗ kín đáo mà lại quở trách trước công chúng, nên người ấy sanh tâm sân hận. Này chư Hiền, người ấy đã sanh tâm sân hận, rồi hành động theo dục vọng, đó chỉ là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người đã phạm giới mong rằng: “Người bằng ta trách mắng ta, đừng để người kém ta trách mắng sự phạm giới của ta”. Nhưng này chư Hiền, các vị nên biết người phạm giới ấy bị người kém hơn trách mắng. Vì bị người kém hơn trách mắng cho nên kẻ phạm giới ấy sanh tâm sân hận. Này chư Hiền, kẻ ấy sanh tâm sân hận rồi, nên hành động theo dục vọng, đó chỉ là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn: “Mong ta đượcngồi trước mặt Đức Thế Tôn, ta sẽ hỏi Đức Thế Tôn để Ngài sẽ thuyết pháp cho các Tỳ-kheo nghe, chớ đừng để Tỳ-kheo khác ở trước mặt Đức Thế Tôn hỏi Đức Thế Tôn rồi Ngài thuyết pháp cho các Tỳ-kheo nghe”. Này chư Hiền, các vị nên biết có Tỳ-kheo khác ở trước mặt Đức Thế Tôn hỏi Đức Thế Tôn rồi Ngài thuyết pháp ho các Tỳ-kheo nghe, nên kẻ ấy sanh tâm sân hận. Này chư Hiền, kẻ ấy đã khởi tâm sân hận cho nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn: “Lúc các Tỳ-kheo vào làng, mong rằng ta đi trước nhất, đừng để một Tỳ-kheo nào khác vào làng trước ta”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng khi các Tỳ-kheo vào làng có Tỳ-kheo khác đi trước nhất. Khi các Tỳ-kheo vào làng, có Tỳ-kheo khác đi trước nhất; vì có Tỳ-kheo khác đi trước nhất, nên vị ấy sanh tâm sân hận. Này chư Hiền, kẻ ấy đã khởi tâm sân hận cho nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn như vầy: “Khi các Tỳ-kheo đã vào nhà tín thí, mong rằng ta được chỗ ngồi trước nhất, được nước rửa trước nhất, được đồ ăn trước nhất, chớ đừng để vị Tỳ-kheo nào khác, khi các Tỳ-kheo đã vào nhà tín thí, thì được chỗ ngồi trước nhất, được nước rửa trước nhất, được đồ ăn trước nhất”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng khi các Tỳ-kheo đã vào nhà tín thí rồi có Tỳ-kheo khác được chỗ ngồi trước nhất, được nước rửa trước nhất, được đồ ăn trước nhất. Do đó vị ấy sanh tâm sân hận, vị ấy đã sanh tâm sân hận nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn như vầy: “Khi các Tỳ-kheo đã ăn xong, thu cất bát, mong ta nói pháp cho các Cư sĩ nghe để khuyên họ siêng năng, chỉ dạy tất cả để các Cư sĩ được hoan hỷ, chớ đừng để Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã ăn xong, thu cất bát, thuyết pháp cho các Cư sĩ nghe để khuyên họ siêng năng, chỉ dạy để họ được hoan hỷ”. Này chư Hiền, các vị nên biết như vầy, có vị Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo đã ăn xong, thu cất bình bát cho đến khiến cho các Cư sĩ được hoan hỷ. Vì có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ- kheo đã ăn xong, thu cất bình bát cho đến khiến cho các Cư sĩ được hoan hỷ, nên vị ấy đã sanh lòng sân hận. Này chư Hiền, kẻ ấy đã sanh tâm sân hận nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn như vầy: “Nếu có Cư sĩ vào vườn của chúng Tăng, mong rằng ta cùng Cư sĩ đàm luận, nói bàn, đừng để Tỳ-kheo khác, khi có Cư sĩ vào vườn của chúng Tăng, cùng họ đàm luận, nói bàn”. Này chư Hiền, nên biết rằng khi có Cư sĩ vào vườn của chúng Tăng, có Tỳ-kheo khác cùng họ đàm luận, nói bàn. Vì khi Cư sĩ vào vườn chúng Tăng, có Tỳ-kheo khác cùng họ đàm luận, nói bàn nên vị ấy sanh lòng sân hận. Này chư Hiền, kẻ ấy đã sanh lòng sân hận nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn: “Hãy khiến cho nhà vua, đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ không một ai là không biết đến ta, đừng để cho Tỳ-kheo khác được nhà vua, đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ ai cũng biết đến”. Này chư Hiền, các vị nên biết có Tỳ-kheo khác được nhà vua, đại thần biết đến, và các hàng Bà-la-môn, Cư sĩ, không ai là không biết đến. Vì có Tỳ-kheo khác được nhà vua, đại thần biết đến, được các Bà-la-môn, Cư sĩ ai cũng biết đến, vị ấy liền sanh tâm sân hận. Này chư Hiền, vị ấy đã sanh tâm sân hận nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn: “Hãy khiến cho ta được bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường, chớ đừng để Tỳ-kheo khác được bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có Tỳ-kheo khác được bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường. Vì có Tỳ-kheo khác được bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường, nên vị ấy khởi tâm sân hận. Này chư Hiền, vị ấy đã khởi tâm sân hận nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người khởi lên ước muốn: “Hãy khiến cho ta được áo quần, giường chõng, thuốc men trị bệnh, chớ đừng để Tỳ-kheo khác được áo quần, giường chõng, thuốc men trị bệnh. Này chư Hiền, các vị nên biết có Tỳ-kheo khác được áo quần, giường chõng, thuốc men trị bệnh. Vì có Tỳ-kheo khác được áo quần, giường chõng, thuốc men trị bệnh nên vị ấy sanh tâm sân hận. Này chư Hiền, vị ấy đã sanh tâm sân hận nên hành động theo dục vọng, đó là bất thiện.

Này chư Hiền, cũng như vậy, hoặc có người đã là bậc phạm hạnh có trí tuệ thì nên xả bỏ vô lượng các hạnh ác bất thiện, cầu dục, đừng nên làm việc ấy. Nếu có người cùng với kẻ không phải là Sa-môn mà cho là tu hạnh Sa-môn; nếu có người cùng với kẻ chẳng phải là Sa-môn có trí tuệ mà cho là Sa-môn có trí tuệ; không nên cầu ngồi tòa trên mà cầu ngồi tòa trên; không có định mà cho là có định, ở chỗ bất tịnh mà cho là thanh tịnh, như vậy này chư Hiền, kẻ ấy đối với các bậc Phạm hạnh có trí tuệ lại có vô lượng các hạnh ác bất thiện như thế. Các vị nên biết có việc làm này: nên biết có người cùng với kẻ không phải là Sa-môn cho là không phải Sa-môn; cùng với người không phải là Sa-môn có trí tuệ biết đó là Sa-môn không có trí tuệ; cùng với người không nên cầu ngồi tòa trên biết là người không nên cầu ngồi tòa trên; người không có định biết là không có định; cùng với người bất tịnh biết là bất tịnh.

Này chư Hiền, cũng giống như có người ở chợ búa hay nhà thợ đúc đồ đồng mang về cái bát bằng đồng chứa đầy đồ bất tịnh bên trong, dùng một cái nắp đậy lên trên. Nếu mang nó đến chỗ đông người, những người kia thấy bát đồng ấy đều muốn được ăn, tỏ ý ưa thích, không biết nó là đồ bất tịnh. Hoặc số đông người kia mang cái bát đồng ấy đến một chỗ và giở nắp ra, nếu có người muốn ăn liền không muốn ăn, há người mang bát ấy lại muốn ăn sao?

Này chư Hiền, nếu người phạm hạnh có trí tuệ, làm vô lượng các hạnh ác bất thiện như thế, người không phải Sa-môn cho là Sa-môn hạnh, Sa-môn không có trí tuệ cho là Sa-môn có trí tuệ; không nên cầu tòa ngồi trên mà cầu tòa ngồi trên; không có định mà cho là có định; cùng với người bất tịnh mà cho là thanh tịnh; như vậy, này chư Hiền, người ấy đối với các vị phạm hạnh có trí tuệ, có vô lượng các hạnh ác bất thiện. Các vị phải biết rằng cùng ở với kẻ chẳng phải là Sa-môn cho là chẳng phải Sa-môn; cùng ở với Sa-môn không có trí tuệ cho là chẳng phải Sa-môn có trí tuệ, cùng ở với người không nên cầu tòa ngồi trên cho là không nên cầu tòa ngồi trên; cùng ở với người không có định cho là không có định; cùng với người bất tịnh cho là bất tịnh.

Này chư Hiền, người như thế không nên gần gũi, không nên cung kính, không nên vâng làm. Nếu vị Tỳ-kheo nào không nên gần gũi, cung kính, lễ bái mà cung kính, lễ bái thì kẻ ấy mãi mãi mất điều lợi ích, đau khổ, tương ưng với đường ác. Cho nên, này chư Hiền, người như vậy chớ nên gần gũi, chớ nên cung kính, lễ bái.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên mong ước: “Ta có phạm giới, không muốn cho người khác biết ta có phạm giới”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng vị ấy có phạm giới, nếu có người khác biết vị ấy phạm giới, thì người khác dù có biết, nhưng tâm ý vị ấy không sân hận. Này chư Hiền, do tâm ý không sân hận nên sự mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên mong ước: “Nếu ta có phạm giới, hãy nói tội ta chỗ vắng vẻ, chớ đừng nói tội ta ở giữa chúng”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng vị phạm giới ấy bị nói ra giữa chúng, chớ không nói ở chỗ vắng vẻ. Tuy người phạm giới bị nói ra giữa chúng nhưng tâm vị ấy không sân hận. Này chư Hiền, do tâm không sân hận nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên mong ước: “Hãy để người bằng ta nói ra sự phạm giới của ta, chứ đừng để kẻ không bằng ta nói ra sự phạm giới của ta”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng người phạm giới ấy bị người không bằng mình nói ra chớ không phải người bằng mình nói ra. Bị người không bằng mình nói về sự phạm giới của mình, nhưng tâm vị ấy vẫn không giận. Này chư Hiền, do tâm vị kia không giận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không dấy mong ước: “Mong ta ngồi trước Đức Thế Tôn và hỏi Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn sẽ thuyết pháp cho các Tỳ-kheo nghe, chớ đừng để Tỳ-kheo khác ngồi trước Đức Thế Tôn và hỏi Đức Thế Tôn, để Đức Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỳ-kheo nghe”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có Tỳ-kheo khác ngồi trước Đức Thế Tôn và Đức Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỳ-kheo nghe. Dù có vị Tỳ-kheo khác ngồi trước Đức Thế Tôn hỏi Đức Thế Tôn để Ngài thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, nhưng tâm vị ấy không sân hận. Này chư Hiền, nếu tâm vị ấy không sân hận, thì mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên ước muốn: “Lúc các Tỳ-kheo vào làng, mong rằng ta đi trước nhất, chớ đừng có vị Tỳ-kheo nào khác đi trước nhất”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo vào làng thì đi trước. Dù có Tỳ-kheo khác, khi các Tỳ-kheo vào làng thì đi trước, nhưng tâm vị kia không sân hận. Này chư Hiền, do tâm ý vị ấy không sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên ước muốn: “Khi các Tỳ-kheo đã vào nhà tín thí, ta được nhận nước rửa và đồ ăn trước nhất, chớ đừng để khi các Tỳ-kheo đã vào nhà tín thí, có Tỳ-kheo khác ngồi ở trước nhất, thọ nhận nước rửa và đồ ăn trước nhất”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng khi các Tỳ-kheo đã vào nhà tín thí thì có vị Tỳ-kheo khác được ngồi trước nhất, thọ nhận nước rửa và đồ ăn trước nhất, dù như vậy nhưng tâm vị ấy không sân hận. Này chư Hiền, do tâm vị ấy không sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên ước muốn: “Các Tỳ-kheo đã ăn xong, cất bình bát, hãy khiến ta vì cư sĩ thuyết pháp, chỉ dạy, khuyên họ tinh tấn…, khiến họ được hoan hỷ, chớ đừng để Tỳ-kheo khác khi các Tỳ-kheo đã ăn xong, cất bình bát, vì cư sĩ thuyết pháp, chỉ dạy, khuyến phát tinh tấn…, chỉ dạy khiến họ được hoan hỷ”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng khi các Tỳ-kheo đã ăn xong,  cất bình bát, có Tỳ-kheo khác vì cư sĩ thuyết pháp, chỉ dạy, khuyến phát tinh tấn… khiến họ được hoan hỷ, nhưng vị ấy vẫn không có tâm sân hận. Này chư Hiền, vì vị ấy không có tâm sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên mong ước: “Khi cư sĩ vào vườn của Tăng chúng, ta sẽ đàm luận với họ, đừng để Tỳ-kheo khác đàm luận với cư sĩ khi họ vào vườn của Tăng chúng”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có Tỳ-kheo khác đàm luận với cư sĩ khi họ vào vườn của Tăng chúng. Dù có Tỳ-kheo khác đàm luận với cư sĩ khi họ vào vườn của Tăng chúng mà tâm vị ấy vẫn không sân hận. Này chư Hiền, do tâm vị ấy không sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên ước muốn: “Hãy khiến cho nhà vua, đại thần, các hàng Bà-la-môn, Cư sĩ không một ai là không biết đến ta, chớ đừng để Tỳ-kheo khác được vua, đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ ai cũng biết đến”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có vị Tỳ-kheo khác được vua, đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ ai cũng biết đến. Dù như vậy nhưng tâm vị ấy vẫn không sân hận. Này chư Hiền, do tâm vị ấy không sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên ước muốn: “Hãy khiến cho ta được bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường, chớ đừng để Tỳ-kheo khác được bốn bộ chúng: Tỳ- kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có Tỳ-kheo khác được bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cúng dường. Dù như vậy nhưng tâm vị ấy vẫn không sân hận. Này chư Hiền, do tâm vị ấy không sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, hoặc có người không khởi lên ước muốn: “Hãy khiến cho ta được y phục, giường chõng, thuốc men chữa bệnh, chớ đừng để Tỳ-kheo khác được áo quần, giường chõng, thuốc men trị bệnh”. Này chư Hiền, các vị nên biết rằng có Tỳ-kheo khác được y phục, giường chõng, thuốc men chữa bệnh. Dù vị Tỳ-kheo khác được y phục, giường chõng, thuốc men chữa bệnh nhưng tâm vị ấy vẫn không sân hận. Này chư Hiền, do tâm vị ấy không sân hận, nên mọi mong muốn và hành động đều là thiện.

Này chư Hiền, như vậy người đó ở với bậc Phạm hạnh có trí tuệ, ưa thích tu tập vô lượng các pháp thiện hạnh. Nếu không biết thế thì cùng ở với Sa-môn mà nói là không phải Sa-môn, cùng ở với Sa-môn có trí tuệ mà nói không phải Sa-môn có trí tuệ; cùng ở với bậc Thượng tọa mà nói không phải bậc Thượng tọa, cùng ở với người có định mà nói là không có định, cùng ở với vị thanh tịnh mà nói là không thanh tịnh. Như vậy, này chư Hiền, hoặc có người đối với bậc Phạm hạnh có trí tuệ, có vô lượng các thiện hạnh như vậy đều biết rõ, cùng ở với Sa-môn thì biết là cùng ở với Sa-môn, cùng ở với Sa-môn có trí tuệ thì biết là cùng ở với Sa-môn có trí tuệ; cùng ở với người có định nên biết cùng ở với người có định, cùng ở với người thanh tịnh nên biết là cùng ở với người thanh tịnh.

Này chư Hiền, giống như có người ở chợ búa hay nhà thợ làm đồ đồng mang về cái bát bằng đồng, trong bát chứa đầy đồ ăn cao lương mỹ vị, trên bát có nắp đậy lại. Rồi người ấy mang đến chỗ đông người, nhiều người thấy bát ấy đều không muốn ăn, không ưa thích, cho đó là đồ bất tịnh. Họ nói: “Đó là đồ đựng vật bất tịnh! Đó là đồ đựng vật bất tịnh!” Người ấy mang bát đồng đến chỗ đông người rồi giở nắp ra, thì dù cho người không muốn ăn cũng muốn ăn, há người thấy thức ăn trước mà nay không muốn ăn sao?

Này chư Hiền, như vậy, hoặc có người đối với bậc Phạm hạnh có trí tuệ, có vô lượng các thiện hạnh mà không thể biết được nên cùng ở với Sa-môn mà nói là không phải Sa-môn, cùng ở với bậc Sa-môn có trí tuệ mà nói không phải là Sa-môn có trí tuệ, cùng ở với bậc Thượng tọa mà nói không phải Thượng tọa, cùng ở với người có định mà nói là không có định, cùng ở với vị thanh tịnh mà nói là không thanh tịnh.

Như vậy, này chư Hiền, hoặc có người đối với bậc Phạm hạnh có trí tuệ, có vô lượng các thiện hạnh, sau đó biết vị Sa-môn cùng ở đúng là vị Sa-môn, vị Sa-môn có trí tuệ cùng ở đúng là vị Sa-môn có trí tuệ, vị Thượng tòa cùng ở biết chính đó là bậc Thượng tòa; cùng ở với người có định biết là có định, cùng ở với người thanh tịnh biết đó là thanh tịnh. Như vậy, này chư Hiền, người ấy nên cung kính, vang làm và lễ bái. Tỳ-kheo nên gần gũi, nên cung kính, nếu cung kính thì nên vâng theo, nếu vâng theo thì cần phải luôn thực hành. Người luôn thực hành như vậy mãi mãi được lợi ích an lạc. Cho nên, này chư Hiền, người như vậy cần phải thân cận, cung kính và vâng làm theo.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có mặt ở trong chúng hội, Tôn giả nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất, nay tôi muốn nói một thí dụ, Tôn giả có cho phép không?

–Hãy nói đi, này Hiền giả Mục-kiền-liên.

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thuở trước ở trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá, này Tôn giả Xá-lợi-phất, vào lúc sáng sớm, tôi thức dậy, mặc y phục, mang bát vào thành Vương xá để khất thực.

Trong khi đi khất thực, tôi đến nhà một thợ xe, thấy có Vô Niệm Mãn Tử đang ở tại đấy. Người thợ ấy đang đẽo trục xe. Vô Niệm Mãn Tử ở nhà thợ xe ấy nghĩ: “Người thợ xe này đang đẽo trục xe. Nên đẽo gọt chỗ ấy như thế này. Cái trục xe ấy có chỗ xấu kia đã được đẽo gọt”.

Vị Vô Niệm Mãn Tử ấy, lúc ở nhà người thợ xe đã suy nghĩ như vầy: “Người thợ này như ý nghĩ của ta, đã cầm búa đẽo gọt trục xe”. Khi đó Vô Niệm Mãn Tử liền nói: “Người thợ làm xe này đã biết ý của ta khi sửa trục xe. Như chỗ đã được đẽo gọt thì trục xe như vậy sẽ thuận lợi, không còn trở ngại”.

Như vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, với người dua nịnh, dối trá, huyễn hoặc, không tin, không có lòng tín, biếng trễ, không tinh tấn, ý nghĩ tán loạn, không định tĩnh, trí ác, tâm tán loạn, các căn không định; đối với giới hạnh noãn, không phân biệt được hạnh Sa-môn, nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất đã biết tâm niệm của họ để giảng nói khiến họ được giải thoát.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, với người không dua nịnh, dối trá, không huyễn hoặc, có lòng tin, vui thích tin tưởng, tinh tấn thực hành, ý thường định, học theo trí tuệ, cung kính đối với giới, phân biệt rộng rãi hạnh Sa-môn. Vị ấy theo Tôn giả Xá-lợi-phất nghe thuyết pháp xong, sung sướng như được uống, sung sướng như được ăn, miệng và ý đều thọ trì.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, giống như con gái chủng tộc Sát-lợi, con gái của chủng tộc Bà-la-môn, con gái của hàng Cư sĩ hay con gái của hàng thợ thuyền, tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm thoa khắp thân thể mặc áo mới tinh. Nếu như có người đến với nàng, sanh lòng thương mến, muốn nàng được lợi ích, khiến cho nàng được an ổn, nên đem các thứ tràng hoa sen xanh, tràng hoa Chiêm-ba, tràng hoa Bà-sư, hoặc tràng hoa A-đề-ma-đa đến tặng nàng. Người con gái ấy vui sướng nhận cả hai tay, dùng để trang sức trên đầu.

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như vậy, hoặc có người không dua nịnh, dối trá, không huyễn hoặc, cũng không bất tín, có thể thực hành tinh tấn, tâm ý thường định, có trí tuệ, cung kính sự học, tu tập, rộng phân biệt hạnh Sa-môn, người ấy theo Tôn giả Xá-lợi-phất nghe pháp rồi, sung sướng như được uống, sung sướng như được ăn, miệng và ý cũng như vậy.

Tôn giả Xá-lợi-phất, thật là kỳ diệu! Tôn giả đã vì các vị tu phạm hạnh mà dứt trừ các điều bất thiện, an trú nơi điều thiện. Lành thay! Thưa Hiền giả, ngài là bậc Chân nhân.

Như thế, cả hai bên đều tán thán lẫn nhau, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, về lại chỗ của mình.