SỐ 169
PHẬT NÓI KINH BỒ-TÁT NGUYỆT MINH
Hán dịch: Đời Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Như vầy tôi nghe:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ, cùng vđi đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và một vạn chúng Bồ-tát.
Lúc bấy giờ, xứ La-duyệt-kỳ có một nhà giàu có lớn tên Thân Nhật. Thân Nhật có người con tên Chiên-la-pháp (Nguyệt Minh) cố hạnh thanhh khiết. Đức Phật ví người con ấy như một đồng nam cho nên gọi là Nguyệt Minh.
Đồng nam đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi ngồi qua một bèn. Đức Phật bảo đồng nam Nguyệt Minh:
-Bậc Bồ-tát Ma-ha-tát dầu ở tại gia hay làm Tỳ-kheo đều hành trì pháp thí, thường dùng ý thiện nghênh tiếp tất cả mọi người. Tâm phụng trì Tứ nguyện, thường phát lòng mong cầu Phật đạo, chóng chứng đạo Vô thượng chân chánh.
Thế nào là Tứ nguyện?
- Nguyện cho tất cả mọi người sớm được phương tiện quyền biến khéo léo.
- Nguyện đời đời được gặp thiện tri thức.
- Nguyện đem tài sản quý báu cho tất cả mọi người.
- Nguyện thực hành hai việc là dùng pháp thí và phạn thực, thường ưa thích hạnh này:
Đây là bốn điều nguyện.
Lại nữa, đồng nam Nguyệt Minh, Đại sĩ Bồ-tát tại gia hay xuất gia, thường thích bố thí kinh pháp, khéo dùng quyền biến tiếp đón mọi người, không có tâm ý tham tiếc, an trụ trong chánh pháp, giữ gìn giới cấm phải đúng như pháp.
Nguyệt Minh, lại có một việc là nếu có thầy Tỳ-kheo bệnh tật đau đớn và bị thiếu thốn, phải cung cấp thuốc thang khiến cho thầy Tỳ- kheo ấy được an ổn. Không những chỉ lo thuốc thang mà còn phải không tiếc cả da thịt để dâng cúng cho thầy Tỳ-kheo ấy được khỏi bệnh.
Này Nguyệt Minh, vị Đại sĩ Bồ-tát khi bố thí không được nghi ngờ. Vì sao thế? Đời quá khứ a-tăng-kỳ kiếp, vô sp61 kiếp lâu xa không thể tính đếm được, lúc bấy giờ có Đức Phật hiệu Đế Niệm Nguyện Vô Thượng Vương Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, thị hiện thọ thân ở thế gian, tùy theo điều ưa thích của chúng sinh mà thể hiện các việc cao quý.
Này Nguyệt Minh, khi ấy Đế Niệm Nguyện Vô Thượng Vương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, một hôm hiện tướng Đẳng Chánh; Giác liền biến hóa ra vô số thân hình, tùy theo chỗ ưa thích mà khai đạo, làm cho vô số người được đạo Tu-đà-hoàn, vô số người được đạọ Tư-đà-hàm, vô số người được đạo A-na-hàm, vô số người được đạo A-la-hán, vô số người được đạo Bích-chi-phật, vô số người sinh lên Tứ thiên vương, vô số người sinh lên trời Đao-lợi, vô số người sinh lên Diệm thiên, vô số người sinh lên trời Đâu-suất, vô số người sinh lên trời Ni-ma-la, vô số người sinh lên Ma thiên, vô số người sinh lên cõi Phạm thiên, vô số người riêng thọ phát ý Vô thượng Chánh chân. Người người đều sẽ đi qua con đường lớn Nê-hoàn.
Lúc ấy Đế Niệm Vô Thượng Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, ở nơi hiện thân giáo thọ trong một ngày đã độ tận tất cả rồi, Ngài nhập Nê-hoàn. Sau khi Đức Phật vào Nê-hoàn, giáo pháp của Ngài lưu lại ở đời hai mươi ức ngàn năm. Thời gian cuối cùng sắp chấm dứt giáo pháp là hai mươi năm. Có rất nhiều thầy Tỳ-kheo không tin sâu kinh điển, phần nhiều thích những việc nông cạn, kinh pháp do đó tiêu tán chẳng còn gì.
Khi đó, nước Diêm-phù-lợi có vua tên Trí Lực, thường thực hành ba việc Phật. Thế nào là ba việc?
- Thường ủng hộ Phật, tin sâu giáo pháp.
- Lãnh thọ và thực hành pháp Phật sâu xa.
- Tin chắc giáo pháp Phật sâu xa.
Khi đó, ở đời có thầy Tỳ-kheo tên Phù-đàm-mạc (Chí Thành Ý) thường thực hành ba việc. Thế nào là ba việc?
- Thường trì Tam-muội.
- Thường hộ Tam-muội.
- Thường tụng Tam-muội.
Lại thêm tám việc:
- Thường hành tâm Từ.
- Thường hành tâm thương xót.
- Thường hành tâm Bi.
- Thường hành tâm Hộ.
- Thường hành tâm Trí tuệ.
- Thường hành tâm hỏi đáp.
- Thường hành tâm vui mừng.
- Thường hành tâm đệ nhất.
Do đó thầy Tỳ-kheo này hàng phục được chín mươi sáu loại đạo khác, đều thấu triệt tất cả giáo pháp sâu xa không có nghi ngờ.
Thầy Tỳ-kheo Chí Thành Ý và vua Trí Lực thường thân cận nhau, nhà vua rất tôn kính thầy, mọi người trong nước cũng yêu kính thầy như vậy. Nhà vua muốn được gặp vị Tỳ-kheo này mãi không biết chán. Khi thầy Tỳ-kheo này thuyết pháp kinh nhà vua nghe không biết chán. Khi ấy trên đầu gối của thầy Tỳ-kheo mọc mụt ghẻ lớn, thuốc thang trong nước không thể chữa khỏi. Nhà vua buồn rầu thương xót đến rơi ĩệ, cả hai phu nhân của vua cũng đều thương kính thầy Tỳ-kheo này. Lúc đó vua Trí Lực nằm mộng thấy có Thiên nhân đến bảo nhà vua:
-Nếu muốn chữa khỏi bệnh cho thầy Tỳ-kheo Chí Thành Ý, phải lấy được máu thịt của người còn sống cho người bệnh ăn uống, bệnh sẽ khỏi ngay.
Nhà vua thức dậy lo lắng không vui, nghĩ đến căn bệnh trầm trọng của thầy Tỳ-kheo cần phải có phương thuốc kia khó có. Vua hạ lệnh xuống cho các quan hỏi làm sao tìm được máu thịt người con sống.
Vị Thái tử thứ nhất cửa vua tên Nhã-la-vệ (Trí Chỉ) tâu:
-Phụ vương chớ buồn rầu lo lắng, máu huyết của người rất là tầm thường, người đời vì trọng đạo họ sẽ không tiếc gì.
Nhà vua đáp:
-Lành thay, lành thay!
Thái tử lặng lẽ trở về nhà ăn, dùng dao cắt bắp vế lấy máu thịt đem đến cho thầy Tỳ-kheo. Thầy Tỳ-kheo được bình phục, mụt ghẻ lành ngay, thân được an ổn.
Vua nghe thầy Tỳ-kheo khỏi bệnh vô cùng hân hoan vui mừng không sao kể xiết, lòng chỉ nhớ đến thầy Tỳ-kheo mà quên đến cơn đau của Thái tử.
Do chí tâm hoan hỷ đem lại sự bình phục cho thầy Tỳ-kheo nên vết thương của Thái tử cũng tự bình phục. Nhà vua đem những vật quý giá trong nước ban cho thái tử. Thái tử dùng kệ đáp:
Đem máu thịt thí an vui
Cắt máu thịt ban cho người
Được khỏi bệnh không lo sợ
Điều Phật khen đáng cúng dường.
Rất an ổn đức trong đức
Đời tương lai sẽ làm Phật –
Dứt tham dâm, bỏ sân sỉ
Tất cả người đều an lạc.
Đức Phật dạy đồng nam Nguyệt Minh:
-Thầy Tỳ-kheo Chí Thành Ý thuở đó là Phật Đề-hòa-yết-la vua Trí Lực nay là Bồ-tát Di-lặc, Thái tử Trí Chỉ chính là Ta.
Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đem lại lợi ích cho thế gian không thể tính lường. Ngài tích lũy công đức vì muốn độ tất cả chúng sinh, bậc Đại sĩ Bồ-tát đều thực hành như thế. Nếu có người thiện nam thiện nữ nào muốn cầu vượt qua mọi đau khổ ở đời, phải phát đạo Vô thượng Chánh chân, tụng tập Tam-muội.
Đức Phật nói kinh này xong, tất cả đều hoan hỷ phát nguyện, rồi lui ra.