KINH A-XÀ-THẾ VƯƠNG NGŨ NGHỊCH
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Bà-già-bà cùng chúng Đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị trú tại núi Linh thứu, thuộc thành La-duyệt.

Đề-bà-đạt-đâu đến chỗ vua A-xà-thế, đến nơi, liền ngồi vào vị trí. Khi ấy, vua A-xà-thế liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ sát chân Điều-đạt xong liền trở về chỗ ngồi.

Bấy giờ, vua A-xà-thế thưa với Điều-đạt (Đề-bà-đạt-đâu):

–Tôi từng nghe Sa-môn Cù-đàm thường nói: “Có năm tội nghịch, nếu thiện nam, thiện nữ nào mắc năm tội không thể cứu được ấy thì chắc chắn bị đọa vào địa ngục. Những gì là năm? Đó là tội giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng và khởi ý ác đối với Như Lai. Đó là năm tội không thể cứu được. Nếu nam tử, nữ nhân nào làm những việc ấy thì chắc chắn bị đọa vào địa ngục.” Thưa Tôn giả Điều-đạt! Nay chính tôi giết vua cha, tôi cũng sẽ bị đọa vào địa ngục chăng?

Điều-đạt nói với vua A-xà-thế:

–Đại vương chớ lo sợ, có họa gì đâu, có lỗi gì đâu! Ai gây ra họa thì chịu quả báo. Ai gây ra họa gì thì chịu quả báo ấy, nhưng đại vương không làm nghịch ác. Người đã làm ác thì tự họ sẽ chịu quả báo.

Lúc ấy đã đến giờ, chúng Tỳ-kheo mac y mang bát vào thành La-duyệt khất thực. Khi chúng Tỳ-kheo đang khất thực trong kinh thành ấy và được nghe vua A-xà-thế nói với Điều-đạt:

–Thưa Tôn giả Điều-đạt! Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: “Có năm tội không thể cứu, nếu có người nam, người nữ nào làm năm việc này thì chắc chắn bị đọa vào địa ngục.” Tôi vô tội về việc chính mình giết vua cha chăng? Tôi sẽ bị đọa vào địa ngục chăng?

Điều-đạt đáp:

–Đại vương chớ sợ! Ai gây hoa? Họa do đâu sinh? Ai làm ác, sau họ chịu quả báo, đại vương không gây họa. Ai đã gây họa, tự họ sẽ chịu quả báo.

Khi ấy, các Tỳ-kheo vào thành La-duyệt khất thực về thì thọ thực, sau khi thọ thực thâu cất y bát, lấy Ni-sư-đàn (tọa cụ) vắt lên vai, đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt đảnh lễ sát chân, ngồi sang một bên, thưa đầy đủ sự việc vua A-xà-thế đã bàn luận với Điều-đạt lên Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói kệ:

Người ngu biết điều đó
Cho tội không quả báo
Ta nay thấy đương lai
Chắc chắn chịu quả báo.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà kia tuy giết vua cha, nhưng chẳng bao lâu sẽ đến chỗ ta, vì ông ấy đang có những niềm tin nơi ta. Ông ấy sau khi qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục Như đánh cầu.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế Ton:

–Ông ấy từ địa ngục qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Từ địa ngục kia qua đời sẽ sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương.

Tỳ-kheo bạch:

–Từ cõi trời Tứ Thiên vương qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Từ cõi trời Tứ Thiên vương qua đời sẽ sinh lên cõi trời Tam thập tam.

Tỳ-kheo bạch:

–Từ cõi trời Tam thập tam qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Từ cõi trời Tam thập tam qua đời sẽ sinh lên cõi trời Diễm.

Tỳ-kheo bạch:

–Từ cõi trời Diễm qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Từ cõi trời Diễm qua đời sẽ sinh lên cõi trời Đâu-thuật.

Tỳ-kheo bạch:

–Từ cõi trời Đâu-thuật qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Từ cõi trời Đâu-thuật qua đời sẽ sinh lên cõi trời Hóa tự tại.

Tỳ-kheo bạch:

–Từ cõi trời Hóa tự tại qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Từ cõi trời Hóa tự tại qua đời sẽ sinh đến cõi trời Tha hóa tự tại.

Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn! Từ cõi trời Tha hóa tự tại qua đời sẽ sinh đến cõi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Từ cõi trời Tha hóa tự tại qua đời sẽ sinh lại cõi trời Hóa tự tại, trời Đâu-thuật, trời Diễm, trời Tam thập tam, trời Tứ Thiên vương, rồi sẽ sinh lại nhân gian.

Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn! Từ đấy qua đời sẽ sinh đến nơi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà, trong hai mươi kiếp không đọa vào ba đường ác, lưu chuyển trong cõi trời, người, thọ thân cuối cùng, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, đem lòng tin vững chắc xuất gia học đạo, thành Bích-chi-phật tên là Vô Uế.

Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ, thật đặc biệt! Gây tội lỗi như thế, hưởng hoan lạc như thế, rồi thành Bích-chi-phật, tên là Vô Uế.

Đức Thế Tôn nói:

–Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà phát tâm thành tựu các điều thiện một cách đầy đủ. Tỳ-kheo có thể phát tâm thành tựu việc cứu độ nơi địa ngục. Nếu phát tâm không thành tựu thì khi nhân duyên thành tựu, tuy chưa sinh vào địa ngục, còn có thể nêu bày phương tiện chẳng đến địa ngục.

Tỳ-kheo bạch:

–Nếu vị kia đều thành tựu hai việc thì vị ấy sẽ sinh vào nơi nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Tỳ-kheo kia thành tựu hai việc thì vị ấy sẽ sinh vào hai đường. Đó là sinh vào cõi trời hay cõi người.

Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vị ấy phát tâm thành tựu mà nhân duyên không thành tựu thì hai sự việc ấy có gì khác biệt?

Đức Thế Tôn nói:

–Tỳ-kheo phát tâm thành tưu mà nhân duyên không thành tựu thì đấy là độn căn. Còn phát tâm không thành tựu mà nhân duyên thành tựu thì đấy là Tỳ-kheo lợi căn.

Tỳ-kheo bạch:

–Bạch Thế Tôn! Độn căn, lợi căn có gì sai khác?

Thế Tôn dạy:

–Độn căn là Tỳ-kheo tu hành không tăng tiến. Lợi căn là Tỳkheo thông minh trí tuệ.

Tỳ-kheo bạch:

–Hai hạng này có gì sai khác, sẽ chịu nghiệp gì? Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Trí tuệ là hơn hết
Sẽ đến nơi an ổn
Ai biết rõ các nghiệp
Đoạn nghiệp sinh tử kia.

Đây là sự sai khác của Tỳ-kheo.

Lúc đó, Tỳ-kheo kia nghe lời Phật dạy, vui mừng làm theo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ sát chân, đi nhiễu ba vòng rồi lui ra.

Vào ngày no, đến giờ khất thực, Tỳ-kheo kia mặc y mang bát, vào thành La-duyệt khất thực, đến ngoài cửa vương cung nước Makiệt-đà.

Bấy giờ, vua A-xà-thế trông thấy Tỳ-kheo kia từ xa đi đến, thấy rồi liền bảo người giữ cửa:

–Ngươi có biết không? Trước kia ta đã ra lệnh đừng cho Tỳkheo dòng họ Thích vào cung, chỉ trừ Tôn giả Điều-đạt.

Khi ấy, người giữ cửa nắm tay Tỳ-kheo kia kéo ra ngoài, Tỳkheo kia giơ cánh tay phải lên nói với vua nước Ma-kiệt-đà:

–Ta là Thiện tri thức lớn của đại vương, là nơi an ổn không có những sự não hại.

Nhà vua hỏi:

–Này Tỳ-kheo! Ông nói sao? Ông căn cứ vào đâu mà nói: “Ta là Thiện tri thức của đại vương, là nơi an ổn?” Tỳ-kheo kia nói với vua A-xà-thế:

–Thế Tôn nói về nhà vua như vầy: “Vua nước Ma-kiệt-đà tuy giết vua cha, ông ấy làm ác, khi qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục Như đánh cầu. Từ địa ngục qua đời sẽ sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương. Từ cõi trời Tứ Thiên vương qua đời sẽ sinh lên cõi trời Tam thập tam. Từ cõi trời Tam thập tam qua đời sẽ sinh lên cõi trời Diễm, trời Đâu-thuật, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại. Từ cõi trời Tha hóa tự tại qua đời sẽ sinh lại cõi trời Hóa tự tại, trời Đâu-thuật, trời Diễm, trời Tam thập tam, trời Tứ Thiên vương, rồi sinh lại làm người trong cõi này. Như vậy đại vương trong hai mươi kiếp không đọa vào ba đường ác mà lưu chuyển trong nhân gian, khi thọ thân cuối cùng, sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin vững chắc xuất gia học đạo, thành Bích-chi-phật tên là Vô Uế. Vì sao? Vì đại vương sẽ được Vô căn tín.”

Tỳ-kheo nói lời này rồi liền bỏ đi.

Bấy giờ, vua A-xà-thế nghe Tỳ-kheo kia nói như vậy không vui, mà cũng chẳng giận, cũng không tin những lời của Tỳ-kheo kia, liền hỏi vương tử Kỳ-vực:

–Này Kỳ-vực! Có Sa-môn đến chỗ ta nói những lời như vầy:

“Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã thọ ký: Ta giết vua cha là làm điều nghịch ác, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục Như đánh cầu. Từ địa ngục qua đời sẽ sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương, trời Tam thập tam, trời Diễm, trời Đâu-thuật, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại. Từ cõi trời Tha hóa tự tại qua đời sẽ sinh lại cõi trời Hóa tự tại, trời Đâu-thuật, trời Diễm, trời Tam thập tam, trời Tứ Thiên vương. Từ đó qua đời sẽ sinh lại nhân gian, thọ thân người cuối cùng, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin vững chắc xuất gia học đạo, thành Bích-chi-phật tên là Vô Uế.” Này Kỳ-vực! Ngươi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi lại có đúng như vậy không?

Kỳ-vực đáp:

–Tuân lệnh đại vương.

Bấy giờ, vương tử Kỳ-vực vâng lệnh vua nước Ma-kiệt-đà lập tức ra khỏi thành La-duyệt-kỳ đi tới núi Linh thứu, đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, đầu mặt đảnh lễ sát chân, ngồi sang một bên. Khi đó, vương tử Kỳ-vực đem những lời của vua nước Ma-kiệt-đà trình bày đầy đủ lên Đức Như Lai.

Đức Thế Tôn nói:

–Đúng vậy Kỳ-vực! Phật Thế Tôn không nói hai lời, tùy việc mà nói. Vì sao? Này Kỳ-vực! Vì vua A-xà-thế kia sẽ thành Vô căn tín. Này Kỳ-vực! Với bất kỳ nam, nữ nào cũng sẽ có con đường như thế chẳng sai khác.

Bấy giờ, vương tử Kỳ-vực nhận lời chỉ dạy của Đức Như Lai rồi, liền đứng dậy đầu mặt đảnh lễ sát chân, cáo lui trở về chỗ vua nước Ma-kiệt-đà, đến nơi liền thưa với vua A-xà-thế:

–Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác thật có nói lời ấy. Vì sao? Vì bất kỳ ai được Vô căn tín thì không có gì sai khác. Xin đại vương đến chỗ Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Vua A-xà-thế đáp:

–Này Kỳ-vực! Ta nghe Sa-môn Cù-đàm có chú thuật, có thể hàng phục dân chúng, khiến cho dị học ngoại đạo ai cũng tin nhận lời dạy của ông ta, nên ta không thể chấp nhận đến gặp Sa-mon Cùđàm. Thôi được, Kỳ-vực! Ta phải quán sát kỹ Sa-môn Cù-đàm có phải là bậc Nhất thiết trí không? Nếu đúng là bậc Nhất thiết trí, sau đó ta sẽ đến yết kiến Sa-môn Cù-đàm.

Bấy giờ, vương tử Kỳ-vực nghe vua A-xà-the nói những lời trên thì liền ra khỏi thành La-duyệt, đi đến núi Linh thứu, đến chỗ Đức Thế Tôn, đến nơi, đầu mặt đảnh lễ sát chân, ngồi sang một bên, đem sự việc này bạch Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nói:

–Này Kỳ-vực! Vua nước Ma-kiệt-đà chẳng bao lâu sẽ đến chỗ ta, sẽ thành Vô căn tín. Sau khi ta vào Niết-bàn, nhà vua sẽ cúng dường xá-lợi của ta.

Vương tử Kỳ-vực hết sức vui mừng không thể tự kìm chế.

Đức Thế Tôn nhân đấy thuyết pháp vi diệu cho vương tử Kỳvực, khiến ông ta càng thêm hoan hỷ. Vương tử Kỳ-vực nghe Thế Tôn dạy pháp sâu xa này rồi, liền đứng dậy đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, đi nhiễu ba vòng, rồi cáo lui.

Lúc ấy, vương tử Kỳ-vực nghe những lời Phật dạy liền rất vui mừng làm theo.