KINH A-NAN TỨ SỰ
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, lúc sắp diệt độ Đức Phật ở nước Câu-di-na-kiệt.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Con nghĩ trời, rồng, quỷ, thần, đế vương, dân chúng đã gặp Phật, nghe Phật dạy bảo nên tất cả đều vui mừng, theo ý nguyện của mình, hoặc làm Sa-môn đắc A-la-hán, hoặc ở tại gia phụng hành năm giới, chết được sinh lên cõi trời. Nay Phật nhập Niết-bàn, trời, rồng, quỷ, thần, đế vương, dân chúng và bốn chúng đệ tử sẽ nhờ cậy vào đâu để được phước, được giải thoát? Và sẽ theo ai để được như trên?

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Này Tôn giả A-nan! Trời, người và các loài khác được độ thoát đều do lòng thương bao la của ông. Sau khi ta diệt độ, trong đời năm trược, lòng người mờ mịt tự dấy lên cấu uế, đời nhiều điên đảo, khinh thiện trọng ác, thật đáng buồn thay! Đời tuy như vậy, nhưng ta có kinh pháp, giới luật khẩn thiết, ai hết lòng tuân hành thì phước tự đến, ông chớ ưu buồn. Ta tuy diệt độ nhưng kinh điển vẫn lưu truyền. Nếu hành giả giữ gìn đại pháp sáu Độ không bỏ thì được độ thoát chẳng phải Thần trao cho. Các ông không hiểu những lời ta chăng?

Tôn giả A-nan liền bạch:

–Xin Thế Tôn nói lại cho!

Phật nói:

–Có bốn đại pháp có thể được phước, có thể đắc đạo Chánh đẳng Chánh giác như Phật.

Tôn giả A-nan lại bạch:

–Cúi xin Thế Tôn vì chúng con mà giải thích bốn việc ấy.

Đức Thế Tôn nói:

–Nên đem tâm Từ nuôi dưỡng người yếu ớt, người hạ tiện, người hành khất để sống và những loài cầm thú, trùng kiến. Thường phải thương xót, tùy sự ăn uống của chúng mà làm cho chúng được sống còn, không nên dùng dao gậy gây tổn thương, tuyệt mạng chúng, tâm Từ thương xót như mẹ hiền. Trời, rồng, quỷ, thần, đế vương, dân chúng, nếu ai thực hành tâm Từ như vậy thì người ấy được phước lớn, công đức ngang bằng với công đức hầu Phật. Đây là việc thứ nhất.

Đời có tai biến, mưa nắng không điều hòa, muôn dân mất mùa, đói kém, ngũ cốc thiếu thốn, chỗ ở chẳng yên, muốn bỏ trốn đi nơi khác. Vua và thần dân giàu có tích chứa lúa gạo, nên nghĩ đến vô thường, thân mạng khó giữ, ngu si yêu thích của báu, lúa gạo. Nếu biết yêu mến thân người thì nên khởi tâm thương đem lúa gạo trong kho ra phân phát cho những người bần cùng thiếu ăn, để cứu giúp thân mạng họ, để chỗ họ ở được yên ổn. Nếu ý còn tham tiếc, không muốn bố thí thì nên suy nghĩ kỹ: Người mới tái sinh, thần hồn từ “không” mà đến, nương vào tinh khí tình dục của cha mẹ để thành thân thể, ở trong thai mẹ mười tháng mới sinh ra, thân mạng được toàn vẹn, được người thân vui mừng, những ngày âu lo tức khắc dứt hết. Cuối cùng cũng phải chết, thần hồn chẳng mất, sinh trở lại thân khác, giàu sang, phú quý, bần tiện, đều do những việc làm của đời trước. Người được quan tước, bổng lộc, quốc độ, châu bau không vì mê hoặc mà để loạn đạo đức cao cả, đến khi qua đời, thân thể và châu báu để lại thế gian không đi theo mình, vậy nên thường khởi tâm Từ, thực hành kinh đạo, nhờ giáo pháp của Phật mà quán thấy người, vật như huyễn như hóa, như mộng, như tiếng vang. Tất cả đều “không”, không thể gìn giữ lâu. Quán thế gian như vậy, đây là chân đế. Người đời ngu si mê lầm, tâm bị điên đảo, tự lừa dối mình giống như đem vàng đi bán để mua đồng thau. Thân chết thần thức sẽ bị đọa vào ba đường dữ, suy nghĩ kỹ như vầy mau chóng đem ra bố thí cùng tranh với thân mạng. Người bần cùng xin ăn, người già yếu bệnh tật, tùy nhu cầu mà chu cấp cho họ chớ để họ tuyệt mạng, giữ vững tâm như vậy thì mười phương chư Phật, Bồ-tát đại nhân, trời, rồng, quỷ, thần, tất cả đều cảm động, đến khi qua đời, thần hồn sinh đến nơi nào liền được giàu sang phú quý, thân tâm đều an, không có tai họa, được đầy đủ theo sở nguyện. Cúng dường Phật Chánh Đẳng Giác như Phật còn tại thế chẳng khác. Đây là việc thứ hai.

Trong nước có nhiều trộm cướp, nước lửa, tai biến khác thường sinh ra khí độc, bệnh tật tung hoành, tất cả là do long thần quỷ vương trong biển gây ra. Trong nước đó mắc phải khí độc, trong bệnh khổ não này là vì các quỷ thần, rồng ấy đều do người đời đã gây ra: săn bắn, chém giết, giăng lưới bắt cá, người trúng độc chết. Thần hồn họ đọa trong biển làm rồng, hoặc làm loài thần hóa sinh có sức mạnh biết được đời trước, tức giận nỗi oán xưa kia mà gây ra sương móc, phun mưa khí độc vào nước ấy. Khi đó dân chúng có người trúng độc chết, hoặc có người mắc bệnh, có người chỉ bị sơ bên ngoài, đó là đều do người đời đã gây ra. Bất nhân tàn sát mạng vật gây oán với nhau, người tự tay giết thì bị trúng độc liền chết, người thấy vui theo thì mắc bệnh ngặt nghèo, hoặc có người chỉ bị sơ bên ngoài đều do ăn thịt chúng sinh, có người cùng chịu có người không cùng chịu. Người thông minh biết rõ tội sát sinh theo người không dừng, lấy mình mà suy lường kẻ khác nào có khác chi, suy lường như vậy, nên truyền rộng lời Phật dạy thực hành bốn Đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả thì phước tự về mình. Nếu người khác sát hại đem thịt cho mình cẩn thận chớ ăn. Người không ăn thịt, tuy ở trong đời ác, khi giặc cướp, tai biến, khí độc nhưng người này không bị những thứ ấy. Đế vương, dân chúng giàu có, nhiều lúa gạo gặp người góa vợ, góa chồng, mồ côi, không con, thiếu thốn y thực, tật bệnh khốn khổ không thể tự cứu thì nên chu cấp thuốc men, cơm cháo để họ dần dần khỏi hẳn, nếu không dứt hẳn, nên biết rõ người này đời trước đã làm ác, không tin Tam bảo, bỏ chân theo ngụy, tham lam keo kiệt nên đến nỗi như vậy, tội phước phân minh, cẩn thận chớ làm ác. Vậy nên khởi tâm Từ đem kinh pháp của Phật giáo huấn những kẻ ngu si, khiến cho họ giữ gìn kinh đạo, như trị một người bệnh được dứt, chỉ bày con đường thiện cho họ, thọ trì năm giới, trọn đời trong sạch. Phước đó ngang bằng với phước hầu Phật. Đây là việc thứ ba.

Ở đời có Sa-môn, Phạm chí, thanh cao trong sạch vô dục, thuộc kinh điển, nói đúng pháp luật. Đế vương, thần dân, nên đem lòng cung kính những bậc phụng hành giới luật. Những bậc cao sĩ này miệng nói ra lời gì đều là những lời chư Phật để lại, khiến người bỏ ác làm thiện, ân ấy hơn ân của cha mẹ gấp trăm phần, vì làm cho người qua đời không bị đọa vào ba đường ác, vậy thường nên đem tâm Từ cung kính những vị ấy. Thà uống nước đồng sôi, dùng dao bén cắt lưỡi, cẩn thận chớ hủy báng người thanh khiết này. Thà tự chặt tay chớ làm cho vị ấy đau đớn. Thà tự mổ bụng, moi tim ra đốt chớ đem lòng giận dữ với người này. Giả sử người ngu gặp kinh điển của Phật biết rõ việc đến đi, nhờ vậy xa lánh đám ngu ám, mau chóng đến những vị Hiền giả nghe giảng Thánh điển mà trở thành người cao đức. Sa-môn, Phạm chí không mua bán cầu lợi vì thân cấu uế, tâm hành thanh tịnh giống như ngọc báu minh nguyệt, tay bưng bình bát, nhọc thân khất thực, vừa đủ cung cấp cho miệng ngoài ra không tích chứa, hoặc ở chùa, hoặc ở núi rừng, đầm vắng, bên gốc cây, nơi nghĩa địa đều biết túc mạng, phân biệt chân ngụy, làm theo kinh điển, vì đời mà làm chiếc cầu tốt, tâm Từ bi bao la, lúc nào cũng chú nguyện cho đế vương, thần dan, khiến cho quốc độ bình yên. Sự dạy bảo đạo đức của bậc cao sĩ như vậy làm cho chư Thiên, Rồng, Quỷ khởi tâm thương xót không làm theo thế tục và không gây lỗi lầm theo tình dục, bằng những nhận thức đáng khen ngợi. Quốc vương, thần dân nếu là người có trí thì nên tìm đến những bậc cao sĩ ấy, tùy chỗ cần dùng mà dâng cúng như y thực, giường nằm, tật bệnh thì cấp thuốc men để cho những vị ấy yên ổn, được nghe các vị giảng kinh, giới luat, rộng nói chỉ dẫn tọa thiền, niệm định, hoặc từ đó đắc đạo, hoặc chết được sinh lên trời. Bố thí y thực cho người cấu uế khắp nước không bằng hết lòng cúng dường cho một vị tu hành thanh tịnh. Phước đó rộng lớn ngang bằng phước cúng dường Phật khi Phật còn tại thế chẳng khác. Đây là việc thứ tư. Đế vương, dân chúng thân gần những người này được trời, rồng, quỷ thần ủng hộ giúp họ vui mừng.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Đời trước, ta đã thực hành bốn việc này, lần lượt hưởng phước cho đến thành Phật. Vì vậy, ta nói lại bốn việc này. A-nan! Ông nên rộng vì chư Thiên, đế vương, dân chúng giảng nói lại cho họ. Họ đã làm những việc thiện thì tự họ được phước không bao giờ mất. Ta sắp diệt độ, bốn việc này giao lại cho ông.

A-nan nghe kinh này rồi, vừa buồn vừa vui đến trước Phật đầu mặt đảnh lễ.