KHAI THỊ 
KIM XÍ ĐIỂU VÀ RỒNG
Cố Hòa thượng Tuyên Hóa

 

Kim Sí Điểu chết rồi, Xương thịt tiêu tan sạch
Song tim chẳng tiêu tan, viên minh châu sáng lạng
Vua Rồng lấy làm ngọc, phá đặng ngàn năm tối
Chuyển Luân được Như Ý, Cứu thoát trăm thứ nạn
Nhưng ở trong loài người, Ngày dùng mà chẳng thấy

Kim Xí Điểu và Rồng

 ĐẠI BÀNG KIM SÍ ĐIỂU LỚN ĐẾN MỨC NÀO?

Đại Bàng Kim Sí Điểu là một loại chim thần, thân hình rất to lớn; nếu không biết, khi nhìn thấy, quý vị sẽ tưởng đó là một ngọn núi!

Tại sao lại gọi là Đại bàng? là vì đôi cánh của nó rất to. Khi đôi cánh của nó xòe ra, dài hơn ba trăm ba mươi do tuần. Do tuần thì có tiểu do tuần , trung do tuần và đại do tuần; Tiểu do tuần là 40 dặm, trung do tuần là 60 dặm; đại do tuần là 80 dặm; ba trăm ba mươi do tuần này là tính theo đại do tuần là 80 dặm, vậy bạn hãy nghĩ xem đôi cánh của Đại Bàng Kim Sí Điểu này lớn và rộng như thế nào?

Đôi cánh của Đại Bàng Kim Sí Điểu dài như vậy, sức mạnh của nó cũng vô cùng mạnh mẽ, vậy sức mạnh đó lớn đến mức nào? Khi nó vỗ cánh về phía biển, có thể tách nước biển ra làm hai, nước biển lập tức bị thổi tách qua một bên; Trong khoảng ba trăm ba mươi do tuần này biển sẽ khô cạn và lộ ra đáy biển. Tại sao nó có thể thổi đến tận đáy biển? Bởi vì sức mạnh của nó rất lớn, nên có thể quạt hết nước trong biển chỉ bằng một cái đập cánh.

Nước biển cạn rồi, vậy thì để làm gì? Khi nó quạt cạn nước biển, không chỉ để lộ ra cá, rùa, tôm, cua, mà còn lộ cả đáy biển. Rồng sống sâu dưới đáy biển, Rồng có thể biến hóa, nhưng vào thời điểm này, khi nhìn thấy Đại Bàng Kim Sí Điểu, Rồng sợ đến mức không còn biết biến hóa hay bỏ chạy nữa mà mềm nhũn không thể cử động. Thế là Rồng bị chiếc mỏ kim cang của Đại Bàng Kim Sí Điểu một đớp nuốt chửng.

 

CHIM LỚN ĂN CÔN TRÙNG LỚN

Đại Bàng Kim Sí Điểu vốn chuyên ăn Rồng, một khi Rồng nhìn thấy nó, thần thông gì cũng vô dụng chỉ ở đó làm mồi cho đại bàng. Trên thế gian là như vậy, con này bị con khác trấn áp, giống như khi Sư tử gầm, muôn thú đều sợ hãi, lúc đó muôn thú trở nên hiền lành; và khi loài chim này xuất hiện, thì Rồng cũng trở nên ngoan ngoãn.

Loài chim này chuyên ăn thịt Rồng để nuôi sống bản thân. Rồng tuy dài hàng trăm thước, nặng hàng trăm tấn, nhưng Rồng vẫn thuộc loài côn trùng, chỉ là nó là loài côn trùng lớn nhất trong số các loài côn trùng và là vua các loài côn trùng; Thức ăn của loài chim là tất cả côn trùng, và nó sẽ ăn bất cứ côn trùng nào nó nhìn thấy; Chim nhỏ ăn côn trùng nhỏ, chim lớn ăn côn trùng lớn, Đại Bàng Kim Sí Điểu là thuộc loài chim lớn nhất, và cũng là vua của các loài chim, cho nên nó ăn loài côn trùng lớn nhất, đó là Rồng.

Chim lớn và chim nhỏ đều là chim, côn trùng lớn hay côn trùng nhỏ cũng đều là côn trùng, tuy có con lớn và con nhỏ nhưng chúng đều cùng một loài. Rồng là côn trùng lớn, vậy côn trùng lớn ăn gì? – ăn côn trùng nhỏ: Nó ăn côn trùng nhỏ nên Đại Bàng Kim Sí Điểu đến để giúp côn trùng nhỏ trả thù, nó sẽ ăn Rồng một côn trùng lớn.

 

QUÝ VỊ CÓ THÍCH LÀM CÔN TRÙNG LƯỜI BIẾNG KHÔNG?

Bây giờ tôi hỏi quý vị, quý vị yêu chim hay yêu côn trùng ? hoặc thích nuôi chim hay thích nuôi côn trùng ? Quý vị hãy trả lời thật lòng, dù nó là loài ngu ngốc hay thông minh, quý vị thích chọn cái nào? thích chim hay thích côn trùng làm biếng? Nếu quý vị thích làm một côn trùng lười biếng, thì Đại Bàng Kim Sí Điểu xem quý vị là côn trùng, và chỉ cần một đớp là sẽ nuốt chửng quý vị, vì vậy quý vị không nên làm một côn trùng lười biếng, điều đó rất nguy hiểm.

Có người nói: “Tôi không nói là thích chim, cũng không nói thích côn trùng, tôi không nói gì cả, tôi chỉ thích ngủ thôi !” Vậy là ở đó ngủ. Mặc dù ngủ không có gì sai, nhưng vì mê ngủ quá nên không còn biết cái nào đúng, cái nào sai.

 

PHẬT THƯƠNG CŨNG KHÔNG THỂ GIÚP

Nói chung, trên thân chim có nhiều màu sắc đẹp, chim có thể bay và hót, giọng hót lại rất hay, ai ai cũng thích chim. Côn trùng thì xấu xí, giống như khi một người nhìn thấy rắn, rùng mình sợ đến nổi gai ốc – “hừ! rắn có cắn tôi không nhỉ?” Đặc biệt là vào ban đêm, nếu quý vị nhìn thấy một con rắn, quý vị sẽ rất sợ hãi gần như chết đi. Hoặc có một số loài côn trùng kỳ lạ, quý vị nhìn thấy, ghê quá ! – sau đó nôn tất cả những gì đã ăn ra khỏi bụng.

Có người còn nói: “Nếu tôi thich chim, tôi sẽ trở thành chim; Nếu tôi thích côn trùng, tôi sẽ trở thành côn trùng. Bởi vì tôi không muốn bị biến thành côn trùng hay chim, sau này tôi vẫn muốn làm người, nên cả hai loài tôi đều không thích. Điều đó cũng đúng.

Bây giờ quý vị đã biết câu này có nghĩa là gì rồi đúng không, “ Thương không thể giúp ” nghĩa là dù quý vị có yêu thương, nhưng quý vị không thể giúp được ! Có thể nói, thương Đại Bàng Kim Sí Điểu, thì không giúp Rồng; Còn thương Rồng thì không thể giúp Đại Bàng Kim Sí Điểu. Phật không thương chim, cũng không thương Rồng. Tại sao vậy? Phật nếu thương Đại Bàng Kim Sí Điểu thì không giúp Rồng; Phật nếu thương Rồng thì sẽ không giúp Đại Bàng Kim Sí Điểu

 

ĂN RỒNG GIỐNG NHƯ ĂN MÌ

Quý vị thấy đấy, khi đôi cánh của Đại Bàng Kim Sí Điểu xòe ra dài tới ba trăm ba mươi do tuần! Miệng của nó ít nhất cũng to bằng một trăm do tuần, nên có thể dễ dàng ăn thịt hàng nghìn con Rồng, dòng họ nhà Rồng bị ăn thịt gần như sắp hết. Vì sao vậy? Bởi vì Đại bàng mỗi ngày phải ăn thịt một con Rồng lớn (tức vua Rồng) và năm trăm con Rồng nhỏ (tức là con cháu của Rồng); Rồng lớn làm bữa ăn chính, năm trăm Rồng con làm đồ ăn nhẹ – mỗi ngày đều ăn nhiều như vậy! Nó ăn Rồng như chúng ta ăn mì, bên trái một con, bên phải một con, trong một đớp nó có thể ăn nhiều Rồng, một đớp như vậy nó nuốt khoảng mười mấy hai mươi con, và nuốt rất nhanh ! Nó ăn thịt Rồng cũng có quy tắc: nuốt đuôi Rồng trước, không nuốt đầu trước; Sau khi nuốt, nó đều lưu trữ trong cái diều to (bầu diều) của nó, sau đó tiêu hóa từ từ.

Đại Bàng Kim Sí Điểu mỗi ngày ăn rất nhiều Rồng, vậy có bao nhiêu con Rồng lớn? Có vô lượng vô biên; Có bao nhiêu Rồng nhỏ? Nhiều như số cát sông Hằng. Nhưng Đại Bàng Kim Sí Điểu mỗi ngày ăn một con Rồng lớn và năm trăm con Rồng nhỏ, ngày nào cũng như vậy, nó ăn từng con Rồng một, họ hàng nhà Rồng càng ngày càng ít đi, thậm chí có thể sắp tuyệt chủng.

Vì cơ thể của Đại Bàng Kim Sí Điểu rất to lớn, Rồng con, Rồng cháu đơn giản là không đủ để nó ăn, Rồng lớn ăn một con cũng không đủ, có khi phải ăn hai ba con, nên loài Rồng gần như không còn nữa. Quý vị thấy đấy, ở thế giới này bây giờ chúng ta không thể nhìn thấy Rồng nữa, vì sao vậy? Nó đã bị loài chim này ăn đến mức gần như tuyệt chủng rồi.

 

LONG VƯƠNG CẦU XIN PHẬT CHE CHỞ

Long Vương thấy sự việc như vậy, không thể làm ngơ, lo lắng thở dài nói: “ Cứ như vầy mãi, đây không phải là biện pháp! Con cháu Rồng chúng ta càng ngày càng ít, tương lai loài Rồng sẽ bị tuyệt chủng, phải làm sao đây?” Long vương vô cùng hoảng loạn, sợ dòng họ Rồng không còn đường để sống tiếp, nên đi khắp nơi cầu cứu, tìm quân tiếp viện để hàng phục Đại Bàng Kim Sí Điểu; nhưng không có quỷ thần nào có sức mạnh như Đại Bàng Kim Sí Điểu, tất cả đều bất lực, không còn cách nào; nên gọi là “thương không thể giúp” – Dù thương Rồng, nhưng cũng không cách nào giúp được Rồng. Một hôm, Long Vương chợt nhớ: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng từ bi nhất, ta sẽ đi xin Đức Phật giúp đỡ.” Thế là Long Vương đến pháp hội của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cầu xin Đức Phật cứu giúp.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi Long Vương: “Tại sao ngươi muốn ta cứu ngươi? Tai họa gì xảy ra với ngươi vậy?” Long Vương nói: “Bạch Thế Tôn! Ngài là người từ bi nhất! Bây giờ dòng họ Rồng của chúng con bị Đại Bàng Kim Sí Điểu ăn thịt và gần như sắp hết. Chúng con thật sự không thể chống lại sức mạnh thần lực của nó. Loài Rồng chúng con sắp bị tuyệt chủng. Chúng con nên làm sao đây? Xin Phật từ bi, cứu giúp chúng con, đừng để Đại Bàng Kim Sí Điểu ăn thịt họ hàng Rồng chúng con nữa…..” Long Vương cầu xin Đức Phật từ bi, che chở cho Rồng con, Rồng cháu, Rồng lớn, Rồng nhỏ..

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Long Vương: “Không thành vấn đề, ngươi đừng lo lắng quá! Các ngươi nếu thọ trì Bát Quan Trai giới1, thì chim Đại Bàng sẽ không ăn các ngươi nữa.” Thế là Long Vương trở về Long cung, dẫn Rồng con Rồng cháu đến chỗ của Đức Phật và thọ Bát Quan Trai giới. Sau khi thọ giới rồi, Đức Phật trao cho Long Vương một chiếc áo cà sa cũ và nói: “ Sau khi đem về, hãy tháo gỡ chiếc áo cà sa này ra thành từng sợi, phân chia cho tất cả Rồng con Rồng cháu, mỗi một con Rồng một sợi và buộc vào sừng, như vậy Đại Bàng Kim Sí Điểu không thể ăn thịt các ngươi được nữa.”

Sau khi Long Vương trở về và làm theo phương pháp của Đức Phật đã nói. Từ đó trở đi, dù Đại Bàng Kim Sí Điểu có quạt khô nước biển và lộ ra đáy biển, nó cũng không nhìn thấy và không tìm thấy con Rồng nào. Không nhìn thấy Rồng, thì không còn ăn thịt Rồng nữa. Long Vương vui mừng đến quy y Phật và trở thành vị hộ pháp cho Phật giáo — Vậy nên Rồng là một trong Thiên Long Bát Bộ.

Tại sao nếu mỗi con rồng được buộc bằng một sợi chỉ áo cà sa của Đức Phật thì không bị Đại Bàng Kim Sí Điểu ăn thịt nữa? Đây là một loại diệu dụng, diệu dụng vô tận.

 

CUNG CẤP THỨC ĂN CHO ĐẠI BÀNG KIM SÍ ĐIỂU

Sau khi được Đức Phật thọ giới, loài Rồng mới được sống sót; Nên Đại Bàng Kim Sí Điểu liên tục quạt cạn nước biển cũng không nhìn thấy con Rồng nào, nếu không có thịt Rồng ăn nó sẽ chết đói và cũng không thể sống sót. Đại Bàng Kim Sí Điểu cũng có thần thông, khi nó quạt khô nước biển và nhìn thấy áo cà sa của Đức Phật ở đó, nó biết rằng Đức Phật đã dùng thần thông để giúp Rồng; Nếu Đức Phật không cho nó ăn thịt Rồng, thì nó sẽ đến tìm Đức Phật để tranh luận phải trái.

“Bạch Thế Tôn! Ngài đã cứu Rồng, thì xin Ngài cũng phải cứu Đại Bàng Kim Sí Điểu chúng con !”

“Không có ai ăn thịt ngươi, tại sao ngươi đến đây xin cầu cứu?”

“Bạch Thế Tôn! Hiện nay Ngài đang từ bi đối với Rồng, nhưng Ngài không từ bi đối với Đại Bàng Kim Sí Điểu chúng con; Ngài đã từ bi cứu sống Rồng, nhưng Ngài không thể để chúng con chết đói ! Thân hình chúng con to lớn, lại ăn rất nhiều, phải có thân hình to lớn như Rồng mới có thể no được; Bây giờ Ngài không cho phép chúng con ăn Rồng, không có Rồng ăn chúng con sẽ chết, dòng họ chúng con sẽ bị tuyệt chủng. Ngài từ bi với Rồng, nhưng không từ bi với Đại Bàng Kim Sí Điểu chúng con, như vậy lòng từ bi của Ngài là không bình đẳng.”

“Trong giới luật của Ta là không sát sinh mà phải phóng sinh, ngươi ăn thịt Rồng là sát sinh; sát sinh là oán nghiệp, càng kết sẽ càng sâu, kiếp này ngươi ăn thịt Rồng, kiếp sau Rồng sẽ ăn lại thịt ngươi, kết thù kết oán lẫn nhau, oán nghiệp không thể dứt. Nếu không còn Rồng để ăn nữa, thì hãy ăn chay thôi !”

“Ăn chay ư? Con ăn chay kiểu gì? đi đâu để ăn chay?”

Lúc này Đức Phật nói: “Được rồi! Hãy từ từ, đừng vội! Các ngươi sẽ không chết đói đâu. Hôm nay nếu các ngươi quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, đồng thời thọ trì ngũ giới – Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, sau đó Ta sẽ bảo các đệ tử của Ta, mỗi ngày khi đến bữa trưa ăn cơm, sẽ cho các ngươi một phần cơm chay và các ngươi sẽ được ăn no, Các ngươi về sau không được sát sinh, không được ăn thịt Rồng nữa, chỉ ăn chay và niệm Phật thôi! ” Vậy là, Đại Bàng Kim Sí Điểu quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, về sau cũng ăn chay, không còn ăn thịt Rồng nữa, và trở thành vị hộ pháp cho Phật giáo, và đó là Ca- lâu- la, một trong Thiên Long Bát Bộ. Đôi khi, trên đỉnh tượng Phật có một con chim, đó là Đại Bàng Kim Sí Điểu

Bằng cách này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đại Bàng Kim Sí Điểu đã lập nên hiệp ước, về sau Rồng không còn sợ Đại Bàng Kim Sí Điểu nữa, loài Rồng cũng không bị tuyệt chủng; Đại Bàng Kim Sí Điểu thì có thức ăn để ăn, cũng không còn sợ chết đói. Cho nên ngày nay ở các ngôi chùa Phật giáo, mỗi khi các nhà sư thọ bữa ngọ, họ lấy một ít cơm để thí cho Đại Bàng Kim Sí Điểu, và niệm chú: “Đại bàng Kim Sí Điểu, Khoáng dã quỷ thần chúng, La sát Quỷ Tử Mẫu, Cam lồ tất sung mãn.” Đây là câu chú khi cho thức ăn cho Đại Bàng Kim Sí Điểu.

Nếu quý vị đã khai mỏ ngũ nhãn, khi thức ăn được phát ra, quý vị sẽ nhìn thấy được Đại Bàng Kim Sí Điểu đến để ăn thức ăn; cho nên bây giờ nó không cần ăn Rồng, cũng không sợ chết đói nữa. Bởi vì các đệ tử của Đức Phật đã y theo lời dặn bảo của Đức Phật, cho dù đi đến đâu, trước khi ăn cơm cũng phải cúng dường một phần cho Đại Bàng Kim Sí Điểu.

Có một số người thì thấy Đại Bàng Kim Sí Điểu đến ăn những đồ ăn của chúng tôi thí cho – có người nhìn thấy Đại Bàng Kim Sí Điểu to bằng chim bồ câu, có người nhìn thấy to như gà tây, có người lại thấy to như con ngỗng, có người lại nhìn thấy to như một tòa nhà chục tầng, nhưng họ không biết là vì sao. Tại sao những thứ chúng ta nhìn thấy lớn nhỏ không giống nhau? Đó là do tâm lượng của chúng ta, nếu tâm lượng của chúng ta lớn sẽ nhìn thấy lớn, tâm lượng nhỏ sẽ nhìn thấy nhỏ, tất cả đều do tâm tạo.

 

NHÌN THẤY QUÝ VỊ CŨNG KHÔNG NHẬN RA

Sau khi Đại Bàng Kim Sí Điểu quy y Phật, trở thành “ Ca-lâu-la” là một trong Thiên Long Bát Bộ . “Ca-lâu-la” là tiếng phạn, dịch là “Kim Sí ”, vì đôi cánh của loài chim này sáng như vàng. Có một bản dịch khác gọi là “ diệu Sí ” Bởi vì đôi cánh của loài chim này được tô điểm bằng những báu vật vi diệu. Lại được dịch là “đại tố hạng”(bầu diều to), ở loài người gọi là “yết hầu “(cổ họng), ở loài chim gọi là “diều gà”, bầu diều này của nó có thể chứa rất nhiều thức ăn, nó lưu trữ tất cả thức ăn ở nơi này và từ từ tiêu hóa. Quý vị có bao giờ nhìn thấy con gà ăn qua chưa? Khi gà ăn, gà nuốt thức ăn vào miệng rồi lưu trữ vào cái túi trên cổ, rồi từ từ ăn, từ từ tiêu hóa.

Sau khi được Đức Phật thọ giới, Rồng lúc nào cũng đeo trên người sợi chỉ từ áo cà sa của Phật, và không còn bị Đại Bàng Kim Sí Điểu ăn thịt nữa; Đối với Đại Bàng Kim Sí Điểu, Phật cũng dặn bảo các đệ tử thí cho thức ăn, không để chúng bị đói chết, vậy là oan gia nghiệp chướng hai bên được hòa giải.

Có bao nhiêu Đại Bàng Kim Sí Điểu? Nhiều như cát sông Hằng, vô lượng vô biên; Có bao nhiêu con Rồng? Cũng nhiều như cát sông Hằng, vô lượng vô biên;

Cho nên với số lượng vô lượng vô biên này của Đại Bàng Kim Sí Điểu đến ăn vô lượng vô biên Rồng cũng không đủ, Rồng rất nhanh sẽ bị chúng ăn hết. Nhưng bây giờ thì Rồng không bị ăn hết, loài Rồng cũng không bị tuyệt chủng, Đại Bàng Kim Sí Điểu thì cũng không bị đói chết.

Một số người nói: “ Tôi chưa từng thấy nhiều Đại Bàng Kim Sí Điểu như vậy và tôi cũng chưa từng thấy nhiều Rồng đến thế? Tôi không thấy gì cả!” Thực ra quý vị đã thấy chúng rồi, chỉ là không biết đó thôi, vì sao vậy? Chúng đều là súc sinh nhưng chúng có sức mạnh thần thông, có thể biến lớn biến nhỏ, biến vô hình biến hiện hình, khả năng biến hóa của chúng là vô tận. Quý vị cũng đừng vọng tưởng mà nói: “Tôi muốn nuôi một Đại Bàng Kim Sí Điểu, hoặc tôi muốn nuôi một con Rồng” Đây là hai sinh vật linh thiêng, quý vị sẽ không nuôi được bất kỳ con nào hết.

 

TẠI SAO CÓ RỒNG?

Và làm thế nào bị trở thành Rồng? Tôi tin rất nhiều người sẽ không hiểu, ở đây tôi sẽ giải thích chi tiết hơn cho quý vị.

Rồng là một trong tứ linh, tứ linh là: Kỳ lân, Phượng hoàng, Linh quy và Rồng, chúng là những điềm báo tốt lành. Ngày xưa có rất nhiều Rồng và ai cũng có thể nhìn thấy Rồng nhưng bây giờ tại sao Rồng không xuất hiện nữa? Bởi vì, con người giờ quá nhiều, nên Rồng sợ hãi và sợ đến mức không dám ra ngoài nữa.

Rồng sống trong Long Cung, cung điện của Rồng là ở trong biển, không phải ở trong hư không. Rồng tuy không sống trên không trung, nhưng khi nó đi tạo mưa, nó sẽ làm mây phủ đầy hư không; Lúc này có người ngẩng đầu nhìn vào hư không, nhìn thấy cảnh giới có những đình đài lầu các trên không trung, cho rằng Long Cung là ở trong hư không.

Mặc dù Rồng là loài thú, nhưng nó khác với những loài thú bình thường, vì Rồng có thần thông. Là thần thông gì? Chúng có thể biến hóa, từ lớn hóa nhỏ, từ nhỏ hóa lớn; khi hóa lớn có thể lấp đầy đại dương; khi hóa nhỏ có thể ẩn trong một hạt bụi. Nó cũng có thể biến hóa từ có hóa không, từ không hóa có, có thể biến ẩn có thể biến hiện, đột nhiên xuất hiện, đột nhiên biến mất… Khả năng biến hóa vô tận và khả năng bay nhảy của Rồng là bất khả tư nghì.

Tại sao lại bị làm Rồng? Đừng vội đánh giá thấp nó, đừng nghĩ nó là súc sinh mà coi thường nó. Rồng kiếp trước là một tu sĩ, bởi vì khi tu đạo vị này không tuân thủ sự nghiêm ngặt của giới luật, nên bị sa đọa rơi vào thân Rồng.( Thừa cấp – Giới hoãn). Nói như thế nào đây? Nghĩa là khi tu Đạo, tâm sân hận của những người này quá lớn, tính khí lại nóng nảy, dù có chuyện gì xảy ra họ đều dễ tức giận; nhưng họ tu luyện rất chăm chỉ, không sợ khổ, không sợ khó khăn, họ rất dũng cảm tinh tấn.

Họ rất sùng đạo, nhất là đối với Phật giáo Đại thừa, họ lại rất thông minh, mới học là biết ngay, cho nên mới có thần thông; nhưng rất tiếc họ đã phạm giới, nghĩa là không tuân thủ giới luật, không quan tâm và không coi trọng đến giới luật, đặc biệt là tư tưởng dâm dục không thể đoạn trừ, nên mới rơi vào thân súc sinh.

Quý vị thấy đấy, sự tích Rồng là vậy, cho nên chúng ta không nên động một cái là nóng giận, điều này rất quan trọng. Bởi vì khi cơn tức giận khởi lên, nó sẽ giống như con Rồng, có thể ẩn hoặc hiện, có thể lớn hoặc nhỏ, đột nhiên đến rồi đột nhiên biến mất, thay đổi không ngừng.

Khi quý vị tức giận, nhất định sẽ có chuyện xảy ra; nếu quý vị không tức giận, thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. “Không sinh nóng giân, tức là hàng long; không sinh phiền não, cũng tức là phục hổ.” Cho nên nếu quý vị có thể không sinh nóng giận, không sinh phiền não, đây là cách hàng Rồng phục hổ.

 

RỒNG CÓ BỐN THỨ KHỔ

Rồng có nhiều loại biến hóa thần thông khác nhau, theo lý mà nói thì nó phải rất hạnh phúc; nhưng nó cũng phải chịu bốn loại khổ, bốn loại khổ đó là gì?

1/- Khổ, vì bị Kim Sí Điểu ăn: Đại Bàng Kim Sí Điểu chuyên ăn thịt Rồng, đôi mắt của nó đặc biệt sáng, có thể nhìn xa hàng ngàn dặm, trừ khi Rồng không xuất hiện. Nếu một khi Rồng xuất hiện, nó tức khắc bay đến ngay và nuốt Rồng như nuốt mì. Còn Rồng khi nhìn thấy Kim Si Điểu thì làm sao? – thì thần thông gì cũng vô dụng chỉ ở đó chờ làm mồi cho đại bàng. Tại sao vậy? Bởi vì Kim Sí Điểu là loài có thể hàng phục được Rồng, cho nên khi Rồng nhìn thấy Kim Sí Điểu nó trở nên ngoan ngoãn. Quý vị thấy đấy,không phải Rồng cũng có sức mạnh thần thông sao? nhưng khi Rồng nhìn thấy Kim Sí Điểu, thì cũng tiêu đời.

2/-Khổ, vì bị biến thân khi hành dục: Khi Rồng giao hợp với Rồng, Rồng sẽ không hiện hình như Rồng với răng vàng, vảy vàng hay sừng vàng mà sẽ hiện hình như là một con rắn, tức trở về hình dạng ban đầu giống như một côn trùng.

3/-Khổ, vì bị côn trùng nhỏ cắn nơi vảy: Long cung nơi Rồng ở không nóng và lúc nào cũng mát mẻ, nhưng bên trong mỗi vảy của Rồng đều có những côn trùng nhỏ cắn xé, cắn đến toàn thân ngứa ngáy, không thể chịu nổi, rất đau đớn.

4/-Khổ, vì bị cát nóng nướng thân: Rồng là sợ nóng nhất, đặc biệt là sợ ánh nắng mặt trời, khi bị chiếu vào là không chịu nổi, cho nên khi Rồng ra ngoài vui chơi hoặc di chuyển, thường được mây và sương mù che chở; Nhưng Rồng bị sâu bọ cắn không thể chịu nổi ngứa, thì phải làm sao? Dù trời nắng, nhưng Rồng vẫn ra khỏi nước, đến bãi biển đầy cát và chà vảy bằng cát. Một khi rồng chà vảy như vậy, quý vị nghĩ xem thì sẽ như thế nào? Cát bị mặt trời chiếu vào thường xuyên nên rất nóng, Rồng chà như vậy, toàn thân như bị lửa đốt.

Quý vị thấy đấy, Rồng không phải có thần thông sao? Đừng tưởng Rồng có thể bay lên mây, trên không trung có thể biến hóa, thật tự tại! nhưng Rồng phải chịu đựng bốn cái khổ này cũng là đủ khổ rồi. Vậy quý vị có muốn làm Rồng không?

 

RỒNG VÀ CHIM ĐỀU LÀ TỨ SINH

Có rất nhiều loại Rồng, có bao nhiêu loại thì có bấy nhiêu khổ. Vậy có bao nhiêu loại Rồng và bao nhiêu loại Đại Bàng Kim Sí Điểu?

Đại Bàng Kim Sí Điểu và Rồng đều là “tứ sinh” – Chim có thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh. Có người hỏi: “Tôi chỉ biết tất cả các loài chim đều là noãn sinh (loài đẻ trứng), làm sao lại có thai sinh?” Những gì quý vị biết, chưa chắc hoàn toàn biết hết; những gì quý vị thấy, chưa chắc hoàn toàn thấy hết; những gì quý vị nghe chưa chắc hoàn toàn nghe hết; có những thứ quý vị có thể chưa từng thấy, chưa từng nghe, hoặc chưa từng biết, quý vị có hiểu không?

Cho nên thai, noãn, thấp, hóa đều có ở loài Chim và Rồng; Rồng cũng có thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh. Mọi người nên chú ý điều này; Rồng không chỉ có một loại Rồng, mà có bốn loại: Rồng voi (Voi có thể hóa Rồng và sinh Rồng), Rồng ngựa (ngựa cũng có thể hóa Rồng và sinh Rồng), Rồng cá (cá cũng có thể hóa Rồng và sinh Rồng), Rồng cóc (cóc cũng có thể hóa Rồng).Rồng voi tức Thiện Trụ Long vương, Rồng ngựa tức A-na- bà-đạt-đa Long vương, Rồng cá tức Bà-lâu-na, Rồng cóc tức Ma- na-kỳ Long vương.

Đại Bàng Kim Sí Điểu và Rồng đều là có bốn tứ sinh: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh; noãn sinh là loài đần độn và ngu ngốc nhất; hóa sinh là loài thông minh nhất; Các loài Chim cũng vậy, những con chim hóa sinh thì nó rất thông minh, không gì có thể thông minh hơn nó.

Tất cả chúng sinh tứ sinh, mỗi loài đều có nghiệp báo khác nhau, giống như Kim Sí Điểu noãn sinh thì không thể ăn các loài hóa sinh, thấp sinh, và Rồng thai sinh; vì nếu ăn rồi tức sẽ chết, cho nên chỉ ăn được loài Rồng noãn sinh. Còn Kim Sí Điểu hóa sinh thì sao? Thai, noãn, thấp, hóa đều có thể ăn được. Chim thai sinh không thể ăn được Rồng hóa sinh; Chim thấp sinh cũng không ăn được Rồng hóa sinh; Bởi vì hóa sinh là loài biết biến hóa, lại có thần thông, cho nên chỉ có Kim Sí Điểu hóa sinh mới có thể ăn được Rồng hóa sinh.

 

KIM SÍ ĐIỂU CÓ THẦN THÔNG LỚN HƠN.

Kim Sí điểu bay lượn trong hư không tùy thích, rất tự do; Móng vuốt của nó rất khỏe, nó ăn thịt voi như đại bàng ăn gà, bắt một con voi bằng một móng, thậm chí có thể nhấc hàng chục con voi bằng một móng vuốt, giống như chúng ta ăn đậu phộng, ăn từng hạt một.

Như đề cập trước đó, Rồng không chỉ có một loại mà có tới bốn loại: Rồng voi, Rồng ngựa, Rồng cá, Rồng cóc nên Kim Sí điểu cũng ăn thịt cả voi; không chỉ có voi đâu, mà nó cái gì cũng ăn. Nhưng khi Kim Sí điểu sắp chết, nó không ăn được gì! và cũng không cách gì để ăn.

Đôi cánh của Đại Bàng Kim Sí điểu rất rộng lớn, tới ba trăm ba mươi do tuần, khi nó quạt có thể nâng nước biển lên, thổi từ mặt biển xuống tới đáy biển, phân chia biển ra thành hai bên, cực kỳ dũng mãnh; Quý vị xem sức mạnh của nó mạnh mẽ biết bao!

Với thân hình to lớn của Đại Bàng Kim Sí Điểu, nó có thể che phủ bầu trời và bao phủ cả mặt đất, cái thế lực và cái bề ngoài của nó thật đáng sợ

 

KIM SÍ ĐIỂU CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

Đại Bàng Kim Sí điểu có đại thần thông, vậy nó chết như thế nào?

Để tôi nói cho quý vị biết, bất cứ nơi nào có núi lửa phun trào, đó là nơi Đại Bàng Kim Sí điểu chết. Vậy núi lửa phun trào đến từ đâu? đến từ thân của Đại Bàng Kim Sí điểu. Cho nên, nếu nghiên cứu Phật pháp một cách kỹ lưỡng, quý vị sẽ hiểu rõ tất cả các cảnh giới không thể nghĩ bàn của thế giới này.

Đại Bàng Kim Sí điểu sống ở núi Kim Cang, nơi con người không thể tới; Còn có một cung điện được trang hoàng bằng thất bảo (Vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách). Nó thường ăn gì? Thất bảo, cái gì nó cũng có thể ăn được, nhưng nó thích ăn Rồng nhất, vì chỉ có ăn Rồng nó mới không đói; Vậy tại sao, đến khi sắp chết, nó không ăn thịt rồng?

Bởi vì trong cơ thể Rồng có một loại độc, khi thọ mạng của Đại Bàng Kim Sí điểu chưa đến hồi tận, bình thường nó không sợ khí độc do Rồng phóng ra; nhưng khi đến tuổi già và sắp chết, gặp lúc Rồng phóng ra khí độc bắn vào mắt, nước mắt chảy ra; khiến cho mắt không thể mở được, nên không thể bắt Rồng để ăn.

Trên thế giới, khi có người gây bạo động, cảnh sát cũng sẽ dùng hơi cay để khắc phục đám đông bạo loạn; Long vương cũng có hộp hơi cay này, còn Đại Bàng Kim Sí điểu có mặt nạ phòng độc và không sợ Rồng bắn hơi cay; nhưng đến khi Đại Bàng Kim Sí điểu sắp chết, vì quá già và sức yếu, nên nó đã quên đeo mặt nạ phòng độc, nếu quên mất mặt nạ phòng độc này, nó sẽ không thể ăn được Rồng; nhưng nó đói đến không thể chịu nổi, lại muốn ăn thịt Rồng, vậy phải làm sao đây?

Nó vẫn là bay xuống biển, tìm Rồng và bị Rồng phun ra khí độc, không chịu nổi nó bay ra khỏi biển và đậu trên cây Thiết thụ nghỉ ngơi; Cây Thiết thụ này kiên cố như sắt, nó đậu trên cây và chờ; lúc này nó đói đến mức gần như bốc cháy, không chịu nổi, nó lại bay xuống biển tìm Rồng để ăn; Rồng vẫn phun ra khí độc, nó lại chạy đi.

Trở về núi Kim Cang và đậu lên cây Thiết Thụ; nhưng đói quá không cách nào khác, bất kể có độc hay không độc, nó phải bay ra biển để tìm thịt Rồng ăn. Nó bay như vậy, bay đến mép nước, rồi dừng lại nơi có phong luân và không thể bay được nữa; Phong luân nằm ở dưới đáy biển, bất kể quý vị là ai, là Kim Sí điểu hay Long vương cũng không thể đến được nơi đó, không có cách nào có thể vượt qua được phong luân.

Kim Sí điểu đói chịu không nổi nên phát điên, liều mạng bay đi tìm Rồng để ăn. Nhưng đã bay quá lố và bay đến Phong luân, do không chịu nổi gió ở phong luân thổi, nó cố gắng bay ra ngoài để trở về cây Thiết Thụ trên núi Kim Cang. Bay đi chạy lại, cứ như thế đến bảy lần, cuối cùng thể lực kiệt sức, chất độc phát ra mà chết.

 

QUẢ TIM CỦA KIM SÍ ĐIỂU THIÊU BẤT HOẠI

Tại sao nó bị độc phát tác mà chết? Là vì thân Rồng có độc, nó ăn quá nhiều Rồng, nên tích tụ chất độc trong cơ thể.

Không chỉ chết vì trúng độc mà khi nó rơi xuống bất cứ nơi nào, thịt trên người nó tự nhiên sẽ bốc cháy. Ngọn lửa này cực kỳ lợi hại! Giống như núi lửa phun trào; Một khi ngọn lửa này bùng cháy, thất bảo cũng sẽ bị đốt cháy, đồ vật dù cứng đến đâu cũng sẽ bị đốt cháy cho đến khi hóa thành nước.

Lúc này, Long vương Nan Đà sợ núi báu bị hủy hoại, bèn làm xuống một trận mưa lớn và mỗi một hạt mưa lớn như cái bánh xe; Bánh xe này không phải là bánh xe của nhân gian, mà là bánh xe trên cõi trời, mỗi một hạt mưa lớn bằng bốn mươi do tuần. Quý vị thấy đấy, mưa phải to như vậy, mới có thể dập tắt được ngọn lửa.

Bởi vì lửa độc quá lợi hại, nên toàn thân của Đại Bàng Kim Sí điểu đã bị thiêu thành tro, chỉ còn quả tim là bất hoại; dù có đốt cỡ nào cũng không thể đốt cháy quả tim! Tim thiêu bất hoại; Chuyển Luân Thánh Vương nếu có được quả tim này, sẽ biến nó thành viên ngọc Như Ý, Ngài có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và mọi việc sẽ diễn ra như ý Ngài muốn. Nếu Ngọc Hoàng có được quả tim này thì sẽ biến nó thành Dạ Minh Châu luôn tỏa sáng khắp nơi. Long vương nếu có được quả tim này, sẽ biến nó thành một viên ngọc Rồng (Long châu), có được viên Ngọc rồng này sẽ không còn bị khổ nạn và không bị Đại Bàng Kim Sí điểu ăn thịt nữa

 

MỐI NGƯỜI ĐỀU CÓ VIÊN TRÂN CHÂU NHƯ Ý

Vì vậy, đại sư Hám Sơn đời nhà Minh đã nói trong “Lục Vịnh kệ”:

Kim Sí điểu mệnh chung, cốt nhục tận tiêu tán;
Duy hữu tâm bất hoại, viên minh quang xán lạn.
Long Vương đắc vi châu, năng phá thiên niên ám;
Chuyển Luân đắc như ý, năng cứu nhất thiết nạn.
Như hà tại nhân trung, nhật dụng nhi bất kiến.

(Dịch nghĩa)

Kim Sí Điểu chết rồi, Xương thịt tiêu tan sạch
Song tim chẳng tiêu tan, viên minh châu sáng lạng
Vua Rồng lấy làm ngọc, phá đặng ngàn năm tối
Chuyển Luân được Như Ý, Cứu thoát trăm thứ nạn
Nhưng ở trong loài người, Ngày dùng mà chẳng thấy.

“Kim Sí điểu mạng chung” khi Đại Bàng Kim Sí điểu chết đi, “cốt nhục tẬn tiêu tán”, xương thịt đều tiêu sạch. “Duy hữu tâm bất hoại”, chỉ có quả tim bị đốt nhưng không cháy; “viên minh quang xán lạn”: Quả tim này tròn trịa; có thể phát ra hào quang sáng chói, rất sáng lạng, giống như khi nhìn thấy mặt trời, sáng không thể mở mắt.

“Long Vương đắc vi châu”: Long Vương được quả tim này, thì sẽ trở thành viên ngọc Rồng (Long châu) ; “Năng phá thiên niên ám”: khi đặt viên ngọc này tại Long cung, thì Long cung sẽ phát ra hào quang sáng chói, có thể chiếu sáng, phá tan mọi bóng tối.

“Chuyển Luân đắc như ý”: Nếu Chuyển Luân Thánh Vương có được quả tim này, thì có thể biến nó thành viên ngọc Như Ý (Như ý bảo châu). Tại sao gọi là Như Ý? Ví dụ, khi ông nghĩ: “Tôi muốn cưỡi một con ngựa nhanh!” tức thì một con ngựa từ trong viên ngọc này chạy ra; “Tôi muốn có một chiếc xe biết bay!” tức thì một chiếc xe biết bay từ trong viên ngọc này chạy ra; “Tôi muốn một mỹ nữ!” một người phụ nữ xinh đẹp từ trong viên ngọc đi ra; Chuyển Luân Thánh Vương không cần phải nói: “Nữ nhân tới đây”! Nữ nhân này sẽ đi ra, đây gọi là nữ bảo; Nếu không muốn nữa thì sao? thì nó quay trở lại như cũ và biến thành viên ngọc Như Ý. Cho nên, nếu Chuyển Luân Thánh Vương có được quả tim này thì có thể giải quyết mọi khổ nạn, đây gọi là “năng cứu nhất thiết nạn”

“Như hà tại nhân trung, nhật dụng nhi bất kiến”, tất cả chúng ta đều có viên ngọc Như Ý này, chẳng qua là không biết dùng nó, cũng không biết niệm thần chú này. Suốt ngày, khi chúng ta nói chuyện, ăn cơm, mặc quần áo, đi lại tất cả đều có sử dụng đến viên ngọc Như Ý này, nhưng không phát hiện ra; chính vì chúng ta mê đắm nơi thế gian này, nên không thể tìm thấy viên ngọc Như Ý này.

Mỗi người chúng ta đều có một viên ngọc vô giá. Viên ngọc như ụ này có trong tự tánh của mỗi người, song bị vô minh che lấp, khiến cho mai một đi, chẳng thể phóng quang được. Dù dùng đủ cách cũng không tìm ra được nó, cho nên viên ngọc đó chẳng thể dùng đặng.

Ðó là chuyện hết sức đau lòng. Con người ở đời cứ bỏ gốc mà chạy theo ngọn, quay lưng lại với sự giác ngộ, hòa mình với bụi trần, không chịu phản bổn hoàn nguyên, không muốn xả trần lụy để quay về bờ giác.

Cho nên mỗi một vị sáng lập Tôn Giáo đều hết sức tận lòng, tận tâm giáo hóa loài người, là chỉ vì muốn dạy mình mượn cái giả mà tu cái chân, lìa mê mà giác ngộ, quay về với nguồn gốc, nhận thức được bản địa phong quang của chính mình, cái gia tài quý giá vốn đầy đủ thứ ngọc như ý ấy của mình.

Song, chúng ta ai ai cũng muốn truy cầu những điều bên ngoài mà không biết quay ngược lại nhìn về bên trong để tìm đáp án nơi chính mình. Bởi vậy cho nên đời này đến đời khác luôn luôn lưu lạc trong biển khổ. Có kẻ muốn tu hành nhưng lại không thể buông bỏ được ý hưởng thụ, muốn sung sướng. Cho nên từ đầu đến cuối không muốn trở về với thanh tịnh, xả bỏ trần lụy. Ðó là điều thật đáng thương thay.