kim cương tiếu bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(金剛笑菩薩) Kim cương tiếu, Phạm:Vajra-hàsa. Hán âm: Phạ nhật ra hạ sa. Tạng: Rdo-rje-#dsum. Cũng gọi Ma ha tiếu bồ tát, Ma ha hi hữu bồ tát, Kim cương hoan hỉ bồ tát, Kim cương vi tiếu bồ tát, Lạc sinh hoan hỉ bồ tát. Vị Bồ tát thân cận ngồi ở phía sau đức Bảo sinh Như lai trong nguyệt luân ở phương nam trên Mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo, mật hiệu là Hỉ duyệt kim cương, Hoan hỉ kim cương. Là 1 trong 16 vị Bồ tát, 1 trong 37 vị tôn của Kim cương giới. Hình tượng, hình Tam muội da của vị tôn này trong các hội của Mạn đồ la Kim cương giới đều khác nhau. Như trong hội Thành thân thì hình tượng của Ngài là thân mầu da người, 2 tay nắm lại thành thế quyền ấn đưa lên ngang tai; hình Tam muội da là giữa 2 cây chày 3 chĩa có hình cái miệng cười; chủng tử là (ha#), nghĩa là 2 chướng (phiền não, sở tri)dứt sạch, mừng rỡ vui cười; chân ngôn là: Án phạ nhật hạ sa hác. Trong hội Tam muội da, hình Tam muội da là chày kim cương đặt ngang trên hoa sen; chân ngôn là: Ha ha hồng hác. Trong hội Cúng dường, hình tượng là 2 tay cầm hoa sen, trên hoa sen có chày 3 chĩa; chân ngôn là: Án na mạc tát phạ đát tha nghiệt đa ma ha tất lí để bát la mẫu nễ da ca lê phiếu phạ nhật ra hạ tây hác. Vị Bồ tát này tượng trưng cho đức của Bảo sinh Như lai, là trao cho chúng sinh muôn hạnh muôn điều thiện và cùng vui cười mừng rỡ với họ. Nhờ sự gia bị của vị Bồ tát này, nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu hoặc thấy hình tượng của Ngài thì đều được sự lợi lạc trong chính pháp. [X. kinh Kim cương đính Q.1; kinh Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng Q.1, Q.3; kinh Chư Phật cảnh giới nhiếp chân thực Q.trung; kinh Đại giáo vương Q.2 (bản 3 quyển); Lược thuật kim cương đính du già phân biệt thánh vị tu chứng pháp môn; Kim cương đính du già tam thập thất tôn xuất sinh nghĩa].