Kiến Tạo Thế Giới Cực Lạc
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Tâm con người có độc là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo thành. Chính vì thiếu tâm từ, bi, hỷ, xả, cho nên đời nầy sang đời khác con người đọa lạc, tạo nghiệp ác ngày càng lớn, tích thiểu thành đa. Do đó chất độc mỗi ngày một thấm sâu vào cơ thể. Loại độc tố nầy không có thuốc chữa, lâu ngày họ sẽ biến thành rắn, rết, bò cạp v.v.. Những động vật này có con thì có nọc độc ở miệng, có con thì có nọc độc ở đuôi, có con thì có nọc độc ở chân , có con thì tòan thân đều có nọc độc.. Nói chung những độc tố này có thể làm con người mất tri thức , thậm chí có thể mất mạng; thật là mười phần đáng sợ!
Chúng ta nên có lòng từ bi. Cho dù với con người hay với sự việc, chúng ta đều nên dùng tâm chân thành, hòa thuận, luôn luôn nghĩ đến người khác, không dùng thủ đoạn tàn độc áp bức người khác. Người học Phật chẳng thể bác bỏ nhân quả, mà trái lại, đối với nhân quả báo ứng phải hết sức chú ý! Giả như có người chống báng quý vị một cách vô lý, hoặc dùng lời lẽ phỉ báng, hoặc có hành động bức hại, thì quý vị hãy giữ thái độ bình thản , không cần phải chống trả.
Hãy dùng tâm từ bi để cảm hóa người khác, đó gọi là ”lấy đức báo oán”, khiến họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn hối cải. Hãy học theo gương của Bồ Tát Di Lặc, tức là “Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn!” thì tự nhiên sẽ “biến gươm đao thành gấm vóc”, khiến mưa thành tạnh, gió lặng sóng yên. Nếu người định lực không đủ, công phu hàm dưỡng ít ỏi, lúc gặp chuyện, thì có thể la mắng, thậm chí đánh nhau, kết cuộc cả hai bên đều mang thương tích và thảm bại, như con trai con cò đánh nhau thì chỉ có ngư ông được lợi, còn chúng chẳng qua chỉ là vật hy sinh.
Vị Phật Sống chùa Kim Sơn đầy đủ định lực, bất luận thứ độc nào Ngài cũng chẳng sợ, Ngài dùng tâm từ bi cảm hóa tất cả các độc trùng độc thú , nên chúng trở thành bạn thân với Ngài, và tuyệt đối không làm hại Ngài. Trong phẩm Phổ Môn có nói: “Phàm niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát có thể cảm hóa các loài động vật có nọc độc, khiến chúng cải ác hướng thiện, không làm hại đến con người”. Chúng ta nghiên cứu Phật Pháp cần phải quán thông nghĩa, hiểu rõ lý thì mới là người chân chánh học Phật Pháp.
Có một số người có tư tưởng “ham cao xa thích viễn vông” (háo cao mộng viễn), chuyên dụng công để đạt được những cảnh giới kỳ lạ, huyền diệu . Đây là tư tưởng sai lầm! Chúng ta phải dụng công ở Từ, Bi, Hỷ, Xả. Dụng công như thế nào? Trước hết phải không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Những đạo lý nầy rất đơn giản. Trước tiên, chúng ta nên khởi sự từ những gì đơn giản, nhìn từ gần đến xa, từ nông đến sâu. Đừng nên bàn đến những gì huyền diệu cao xa, hoặc đưa ra những lý luận tràng giang đại hải mà không ai hiểu gì cả, vì như thế có ích lợi chút nào đâu!
Có câu : “Nên quán tánh Pháp giới, tất cả do tâm tạo”. Tâm có thể tạo ra thiên đường, tâm cũng có thể tạo ra địa ngục. Mười Pháp giới không ngoài một niệm ở tâm, nên do đây mà có thể biết được rằng hễ tâm vừa khởi niệm, bóng của nghiệp liền theo (tâm niệm nhất động, nghiệp ảnh tùy chi). Người xưa có nói:
“Ba chấm như sao bầy
Móc câu như trăng mới
Mang lông từ đây ra
Thành Phật cũng từ đấy.”
Câu này mô tả chữ TÂM theo chữ viết trong Hoa ngữ, qua đó chúng ta có thể hiểu được tánh của tự tâm. Nếu hiểu tâm tánh rõ ràng rồi thì sẽ không còn nóng giận. Tất cả tranh giành, tham lam, truy cầu nhất nhất đều không còn nữa. Lúc bấy giờ chúng ta mới được chân chánh tự tại, chân chánh giải thoát, và mới hiểu rõ ý nghĩa chân chánh làm người.
Mọi người đều có Phật Tánh , nhưng chúng ta lại từ bỏ Phật tánh đó, bỏ cái gần đi tìm cái xa, bám níu cái bên ngoài. Tìm những cái rác rưởi cho là vật quý giá, thật đáng tức cười và đáng thương hại thay! Mong mọi người hãy chân thật, nghiêm chỉnh dụng công, giữ lòng thanh sạch, bỏ bớt ham muốn, sống hòa hợp và không cạnh tranh với đời.
Có người nói: “Tất cả trên thế giới từ núi sông, đại địa, phòng ốc, nhà cửa, sum la vạn tượng cho đến cây gai cọng cỏ, đá cát, cây cối đều do tâm tạo thành.” Đã biết tất cả đều do tâm tạo, thì tại sao không quét sạch rác rưởi trong tâm để trang nghiêm thế giới vị lai? Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà tạo thành là do lúc xưa Ngài muốn chúng sanh được ly khổ đắc lạc. Ngài siêng năng tu hành Lục Độ và hồi hướng công đức để tạo dựng thế giới Cực Lạc.
Chúng ta cũng phải tạo cho được một thế giới Cực Lạc, vậy làm thế nào tạo đây? Trước hết chúng ta phải không còn “thất tình” (bảy thứ tình cảm). Thất tình là gì? Đó là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn (hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục). Phải chế phục được thất tình lục dục (bảy thứ tình cảm, sáu thứ ham muốn), khiến chúng không được dấy loạn. Lúc bấy giờ trong tâm sẽ thái bình vô sự, mọi thống khổ không còn nữa. Vì sao có thống khổ? Vì tâm không được thái bình. Nếu không có khổ, thời hưởng an lạc, đó là thế giới Cực Lạc của nhân gian.
Thất tình chưa chế phục được, thì chúng nếu không thái quá thì cũng bất cập, đều không hợp với Trung Đạo, cho nên điên điên đảo đảo. Nếu chúng ta hiểu rõ thất tình, có thể hàng phục chúng, khiến chúng không làm mưa làm gió, đó chính là hàng phục được tâm (hàng phục kỳ tâm – Kinh Kim Cang). Bởi thất tình từ trong tâm mà ra, nên tâm sanh hoan hỷ hay tâm sanh sân hận v.v… đều là tâm bị cảnh giới xoay chuyển. Hiện tại đã tìm ra tận gốc, thì không còn mê hoặc, đã hàng phục được thiên ma ngoại đạo. Thiên ma ngoại đạo làm thế nào quấy nhiễu được tâm của quý vị? Bởi vì quý vị dùng tâm, dùng tình cảm (emotions) thái quá. Khi hướng ngoại truy cầu, thì tâm không an tịnh. Do đó quý vị đã dẫn dắt ma vào trong tâm mình và khiến chúng trở thành ông chủ của mình. Quý vị phải vâng theo mênh lệnh và, chịu sự chỉ huy của chúng, quý vị không còn chủ quyền và trở thành nô lệ của chúng.