không vô lực đãi duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(空無力待緣) Nhân của các pháp duyên khởi thể tính là không, không đủ lực dụng để sinh ra quả, mà phải nhờ sự giúp sức của các duyên khác mới có thể sinh ra quả, gọi là Không vô lực đãi duyên. Là 1 trong 6 nghĩa của Nhân mà tông Hoa nghiêm dùng để thuyết minh nguyên lí pháp giới duyên khởi. Đây là theo nghĩa Đãi chúng duyên(đợi các duyên) trong 6 nghĩa chủng tử của tông Duy thức mà thành lập. Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển 4 (Đại 45, 502 thượng), nói: Đó là nghĩa đãi chúng duyên. Tại sao? Vì vô tự tính, đó là không. Vì nhân không sinh mà duyên sinh, đó là vô lực, cũng vì nghĩa này mà gọi là đãi duyên. Vì nghĩa không vô lực đãi duyên giống với nghĩa Đãi chúng duyên, cho nên mượn nghĩa của Đãi chúng duyên để thuyết minh Không vô lực đãi duyên. Các pháp duyên khởi đều có 2 nghĩa không và hữu, bản thể của chân như tùy duyên mà hiển hiện các pháp, đó là nghĩa hữu, nhưng cái hữu này là giả hữu(có giả), thể của nó không có tự tính, đó là nghĩa không. Vì quả của các pháp là do nhân duyên hòa hợp mà sinh, nếu không có duyên thì quả không thể sinh, cho nên biết rằng toàn bộ lực dụng sinh ra quả là nhờ nơi duyên, đó là nghĩa Vô lực đãi duyên; lại thể của nó là không nên gọi là Không vô lực đãi duyên. [X. Thập địa kinh luận Q.8; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.4; Hoa nghiêm kinh sưu huyền kí Q.3 hạ]. (xt. Nhân Lục Nghĩa).