64/. Thượng Ðức Bất Ðức, Hạ Ðức Chấp Ðức

Cổ đức nói: “Thượng đức bất đức, hạ đức chấp đức, chấp trước chi đức, bất minh đạo đức.” Nay xin giải nghĩa như sau:

Thượng đức bất đức: Thực hành đạo Bồ-tát, nhưng không chấp vào hình tích gì, làm việc thiện nhưng không ghi lại hình tích của hành động thiện. “Vi thiện tu đức,” là chuyện tự nhiên, là bổn phận của mình, do đó không có gì làm cho mình thêm kiêu ngạo, thêm tự mãn. Không nên nói rằng: “Tôi làm điều phước đức, tôi làm điều thiện, tôi làm những việc hay,” và ngay những ý nghĩ như vậy cũng không nên có nữa.

Người ta nói: “Thiện, mà muốn cho người ta thấy thì chẳng phải là chân thiện; ác mà muốn cho người ta không biết, là điều đại ác.” Kẻ chân chánh thực hành Bồ-tát đạo thì làm việc gì cũng như không làm, hết thẩy mọi thứ đều không chấp trước. Bất cứ làm công đức gì, không có tâm chấp, không thừa nhận một công đức nào và đối với mọi người không hề có tâm kiêu ngạo hay tự mãn. Ðó là nghĩa của “thượng đức bất đức.”

Người có trí huệ chân chánh, không nhận mình là người có trí huệ. Người có đạo đức chân chánh không thừa nhận mình có đạo đức. Người có học vấn chân chánh, không có tâm kiêu ngạo, không coi thường kẻ khác. Người tu trì một cách chân chánh, không sanh tâm tự mãn, tự mình tuyên truyền cho mình.

Hạ đức chấp đức: Một số phàm phu tục tử, làm được chút ích công đức đã cho là nhiều, đi đâu cũng quảng cáo việc mình làm, nào tôi làm điều thiện này, tôi làm công đức kia, đi đâu cũng nêu ra để lừa dối người, hy vọng người khác sẽ quý trọng mình.

Kẻ thượng đức, tuy làm công đức nhưng không chấp trước công đức. Kẻ hạ đức, tuy làm chút ít công đức lại chấp vào công đức, tới đâu cũng thừa dịp để tuyên truyền, nào tôi tạo nên cái chùa này, nào xây cái tháp kia, in kinh này, thuyết pháp như thế kia, tóm lại, nói hoài không hết công đức. Ðó là tác phong của kẻ hạ đức chấp đức.

Chấp trước chi đức: Nghĩa là chấp trước những việc, đại khái như: tôi bắc cái cầu trên sông này, tôi lát con đường kia v.v.

Bất minh đạo đức: Như trên là không có công đức. Người nào có những ý nghĩ như vậy tức là không thấu hiểu nghĩa thật của đạo đức.

Tự mình tuyên truyền cho mình, tự mình mừng cho mình, đây chính là vọng tâm tác quái. Có câu nói: “Chúng sanh không có chân tâm, vì có vọng tâm,” vọng tâm chính là vọng tưởng. Một niệm động, thí dụ như niệm về sát sanh nổi lên, hay có một ý nghĩ về trộm cướp chẳng hạn, tức là vọng tưởng. Ðộng một niệm về dâm, về nói dối, về uống rượu, đều là vọng tưởng cả. Nói chung động niệm nổi lên là vọng tưởng. Vọng tưởng là chướng ngại đối với kẻ tu hành. Làm sao để vọng tưởng không nổi lên? Phải tham thiền, tụng kinh trì chú, tinh thần tập trung, trong tâm không có hai niệm, đó chính là cách canh giữ vọng niệm.

65/. Bởi Ðâu Không Tương Ưng Với Ðạo ?

Tu hành lâu rồi mà vẫn không tương ưng với đạo là do nguyên nhân gì vậy? Là vì vọng tưởng tác quái. Nếu tâm còn vọng tưởng thì nó sẽ phá hoại giới, phá hoại định, phái hoại huệ. Tâm có vọng tưởng thì trì giới không kiên cố, tu định cũng không kiên cố, còn nói gì tới huệ. Vọng tưởng nổi lên thì tâm chạy ngay theo duyên, nhân đó mà chuyển theo với vạn vật. Sắc trần do mắt tiếp nhận, thanh âm do tai nghe được, hương do mũi nhận ra, vị do lưỡi nếm, xúc do thân đụng chạm, và pháp do ý nhận thức, tất cả những thứ này hợp lại tạo thành vạn vật. Nếu cứ trụ vào các cảnh giới của các thứ trên tức là chạy theo vạn vật, nên từ đó mà tâm tham cầu sẽ nổi lên.

Trước một sự việc gì mà chúng ta cảm thấy hoan hỷ trong tâm, thì lòng tham cầu sẽ phát sanh. Một khi có tham, tức sẽ nghĩ ra cách chiếm lấy. Chiếm được rồi vẫn chưa biết đủ, nên lòng tham vẫn còn nguyên. Lòng tham không có đáy, chẳng bao giờ chất đầy lòng tham, cho nên nói: “Dục vọng không có chỗ ngừng.” Người tham tiền, khi đã có tiền rồi thì lại tham danh, có danh rồi, đến tham các thứ khác, tham nhà, tham xe hơi, tham máy bay, tham thuyền máy v.v.. tất cả đều do sự tham cầu. Cầu mà không được toại nguyện thì phiền não phát sanh.

Khi có phiền não thì bao nhiêu vọng tưởng ùn ùn kéo đến. Có vọng tưởng tức có sự ưu sầu, làm cho thân khổ, tâm khổ, bầy ra trước mắt nào những thứ tạp nhạp, những ý tưởng không thanh tịnh. Những quan hệ vừa kể dẫn tới tình trạng không hợp với đạo, không đưa tới sự dứt đường sanh tử, nên cứ quẩn quanh trong sáu nẻo luân hồi mà không nghĩ ra lối thoát. Càng luân chuyển nhiều thì càng đi xa hơn, lạc sâu vào biển khổ không rút chân ra được.

Bổn thể của tự tánh là đạo chân thường. Thế nào gọi là đạo chân thường? Nó là vô hình vô tướng, không hình tích cụ thể. Hiểu được như vậy thì có thể tới được đạo đó. Không hiểu như vậy thì mỗi ngày một đi xuống. Nếu lại giác ngộ đạo này thì trí huệ luôn luôn hiện tiền, tánh diệu chân như cũng hiện tiền, lúc đó gọi là tương ưng với đạo.

66/. Thần Thông Của Người Tại Sao Không Hiển Hiện ?

Thần thông là gì? Có câu nói: “Diệu dụng khó lường là thần, tự tại vô ngại là thông.” Thần thông là một lực tự tại, không bị ngăn ngại, không thể lường được, nó là cảnh giới thiên biến vạn hóa, chẳng thể nghĩ bàn. Thần thông từ đâu mà sanh ra? Nói đơn giản là người tu pháp tiểu thừa, chuyên tu tứ đế và quán thập nhị nhân duyên, khi đạt tới mức độ viên mãn thì lúc đó chứng được thần thông.

Thần thông của hàng La-hán và của hàng Bồ-tát có chỗ không giống nhau. Thần thông của La-hán có hạn định, chỉ biết được nhân duyên trong phạm vi tám vạn đại kiếp trở lại. Hơn nữa họ phải chú tâm quán sát mới thấy được. Thần thông của Bồ-tát thì không có giới hạn, có thể thấy được cả quốc độ của vi trần, vi trần trong quốc độ, các chư Phật trong vô lượng quốc độ (nhiều như vi trần) có thể nghe chư Phật ở khắp các quốc độ trùng trùng đang diễn nói pháp mầu; có thể biết hết thảy ý nghĩ của các chúng sanh trong vô số quốc độ nhiều như vi trần; có thể biết các nhân duyên ngoài phạm vị tám vạn đại kiếp, khỏi cần vào trong định, chỉ cần tâm khởi lên ý tưởng quan sát là đủ.

Quý vị Bồ-tát thực hành Bồ-tát đạo, khi nào công đức viên mãn sẽ có các loại thần thông trên. Nếu chúng ta phát Bồ-đề tâm, thực hành Bồ-tát đạo cũng có thể đạt được mức thần thông này. Chỉ cần tu đến chỗ viên mãn, chẳng cần phải mong cầu, vẫn có thần thông.

Khi có thần thông rồi, có phải Bồ-tát không nên hiển lộng thần thông chăng? Không phải vậy. Nếu Bồ-tát có thần thông, mà lại không hiển lộng thì thần thông đó dùng làm gì? Có khác gì một người có hạt châu quý, lại mang dấu nó đi trong áo, không biết nó là một của quý vô giá. Cam phận nghèo khổ, không có cơm ăn, không có áo mặc, không có chỗ trú, mà vẫn không biết đổi hạt châu đi lấy tiền độ nhật. Nếu có thần thông mà không xử dụng thì cũng giống như vậy đó.

Không có thần thông mà muốn xử dụng thần thông thì không được rồi. Cái đó có khác gì leo cây mà bắt cá, chỉ là mộng tưởng của kẻ si ngốc mà thôi. Tuy nhiên, nếu có thần thông thì phải tận dụng thần thông. Giáo hóa chúng sanh, lấy thần thông ra hiển lộng, làm tăng gia tin tưởng của chúng sanh, như vậy hiệu quả tăng gấp bội. Cái đó cũng gọi là dùng phương tiện thiện xảo. Quý vị nên chú ý điểm này! Ma cũng có thần thông, có thể khiến cho những ai ham cầu thần thông mà chưa đủ đạo lực, lạc vào tròng của chúng, để đến nỗi tiêu ma đạo nghiệp của mình rồi làm quyến thuộc cho ma vương. Về điểm này, xin quý vị đặc biệt lưu ý và không thể không cẩn thận.

Hiện nay có một số người thiếu hiểu biết, tín đồ của Phật giáo mà không am hiểu gì, thấy người ta nói làm sao thì nói theo làm vậy. Về yếu lý của Phật pháp thì họ tựa hồ biết mà chẳng biết, không biết đến ngọn nguồn, hễ chứng kiến thấy có người thị hiện thần thông liền kêu lên kinh ngạc rằng: “Vào thời mạt pháp, người ta không thể có thần thông như vậy!” Nói như vậy thì thật là quá ấu trĩ! Nói thẳng ra đó là cái nhân đọa địa ngục, đối với Phật pháp chẳng hiểu một tí gì. Quý vị hãy chú ý! Ðối với bất cứ sự việc gì hễ ta chưa biết cho rõ ngành ngọn, ta không nên phê phán bậy bạ, không thể tùy tiện quyết đoán nọ kia. Ði sai nhân quả thì phải đọa địa ngục.

Phật giáo có đạo lý chân chánh, có định luật bất biến từ ngàn xưa, có ngàn vạn lời vàng ngọc do chính đức Phật nói ra, phát xuất từ chính kinh nghiệm của Ngài, chớ không phải là thứ đạo lý dối mình dối người. Giáo lý do Phật nói ra là Kinh tạng, giáo lý do thân Ngài biểu hiện là Luật tạng, phần do các đệ tử của Phật chú giải là Luận tạng. Ba tạng và mười hai phần kinh là giáo lý của chân lý, ý nghĩa toàn là chân thực không ngoa.

Chân lý ở đâu thì mười phương chư Phật đều tới đó ủng hộ. Chân lý ở đâu thì mười phương chư Bồ-tát đến đó ủng hộ. Chân lý ở đâu thì thiên long bát bộ cũng đều tới để ủng hộ. Hiểu thấu chân lý mới là Phật giáo đồ chân chánh, không hiểu chân lý thì đó là Phật giáo đồ lầm lạc. Quý vị phải nhận cho rõ chân lý, phải phân biện cho rõ phải trái, chớ khá hồ đồ, ai nói ra sao thì tin làm vậy, điều đó không thể chấp nhận được.

Bồ-tát có các loại thần thông, và các Ngài dùng như thế nào? Nói chung, lấy thần thông làm phương tiện thiện xảo giáo hóa chúng sanh, khiến họ phát Bồ-đề tâm để không bị nhiễm ô theo giòng thế tục. Như nghe nói sao thì nói làm vậy, đó là kẻ hồ đồ, không những không nghiên cứu chân lý, mà còn chạy theo đường tà, nghe theo pháp tà, phỉ báng chánh pháp, những loại Phật giáo đồ đó thật đáng thương.

Hiện nay là thời mạt pháp, có rất nhiều pháp thân đại sĩ, dạo trên thuyền từ bi, tới thế giới Ta-bà để giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh thức tỉnh, xa lìa tà tri tà kiến, và gần gũi với chánh tri chánh kiến. Phật nói pháp là chánh pháp, ma nói pháp là tà pháp. Y theo lời dạy để phụng hành, y theo pháp để tu hành, nghiêm trì giới luật, thực hành giới luật, đó là chánh pháp, còn ngược lại là tà pháp. Hễ điều gì đi ngược lại giới luật thì không làm; hợp với giới luật thì hết sức thi hành, đó là con đường của các Bồ-tát.

Tâm của Bồ-tát thì tuyệt đối không tự tư tự lợi, tuyệt đối không màng tới danh vọng. Bồ-tát với tâm bi tha thiết, ngọt ngào dỗ dành giáo hóa chúng sanh lìa khổ tới chỗ an vui. Bồ-tát lấy lợi ích chúng sanh làm khởi điểm, chớ không phải vì ý nghĩ lợi ích của riêng mình. Ðó là tinh thần Bồ-tát đạo. Bồ-tát hành đạo chẳng phải xuất phát từ cảm tình riêng mà do lòng từ bi, từ của Bồ-tát là vô duyên từ, bi là đồng thể đại bi, trong lòng tuyệt đối không có sự phân biệt. Bồ-tát độ hết thảy mọi chúng sanh, không ngại khó nhọc, không kể ngày đêm, ra tay cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ để được an vui. Bồ-tát coi việc độ chúng sanh là việc phải làm, thành ra Bồ-tát có thần thông.

Bồ-tát có thần thông, có thể hiển lộng, vậy cớ sao người ta không thể hiển lộng thần thông được? Ðây là một sự ngộ nhận. Người nào chỉ trích như vậy, trong lòng phải có một dụng tâm khác. Người ta muốn cho chánh pháp chẳng tồn tại, chẳng muốn cho quý vị siêu phàm trong hàng tín đồ Phật giáo tồn tại.

Hiện nay có một số tín đồ Phật giáo không có trí huệ, đi đến đâu cũng nói rằng thời mạt pháp này không nên hiển lộng thần thông, mà cũng không ai có thần thông mà hiển lộng. Vì cớ gì họ lại tuyên truyền như vậy? Bởi họ ngu si, không chịu dụng công tu hành, lại thường có tâm đố kỵ. Họ chẳng có thần thông, bèn cho rằng người khác cũng không có thần thông. Chẳng những vậy, gặp những người có thần thông họ cũng không nhận ra. Bồ-tát nếu gặp tín đồ nào có chánh tri chánh kiến, lại đương dụng công tu hành, lúc đó mới hiển thần thông, để cho tín đồ thêm tín tâm, khiến cho họ nỗ lực tu đạo tới chỗ giải thoát.

Quý vị thiện tri thức! Có vị nào có thần thông, chẳng cứ ai, nếu hiển lộng được thần thông thì tôi rất hoan nghênh. Nếu quả nói như vậy là có tội, tôi xin một mình chịu tội, có bị đọa địa ngục tôi cũng cam lòng, một mình tôi chịu không dính dáng gì tới quý vị cả, quý vị khỏi lo. Chỉ ngại là quý vị chẳng có thần thông, không hiển lộng được. Còn như có thể biểu diễn thần thông ra, tôi xin hết lòng ủng hộ.

Thời mạt pháp rất cần có quý vị thật tâm tu đạo, rất cần quý vị khai ngộ, rất cần những người chứng quả. Sau khi chứng quả lại trở về dẫn dắt các bạn hữu duyên, hướng dẫn họ ra khỏi tam giới để tới cõi tinh độ Thường Tịch Quang, đó là kỳ vọng của tôi đặt vào các vị.

67/. Kinh Lăng Nghiêm: Biểu Tượng Của Chánh Pháp

Các kinh điển của Phật giáo đều là trọng yếu cả. Kinh Lăng Nghiêm lại càng đặc biệt. Nơi nào có kinh Lăng Nghiêm tức nơi đó có chánh pháp. Kinh Lăng Nghiêm mà không còn thì lúc đó là mạt pháp. Tín đồ Phật giáo chúng ta phải mang hết tâm trí, và mồ hôi nước mắt để ủng hộ bộ kinh này.

Kinh Pháp Diệt Tận có nói: “Tới lúc mạt pháp, kinh Lăng Nghiêm diệt đầu tiên, sau đến các kinh khác.” Nếu quả kinh Lăng Nghiêm không bị diệt, thì chánh pháp hiện tiền, cho nên Phật giáo đồ chúng ta quyết lấy mạng sống ra để hộ trì, lấy mồ hôi nước mắt để hộ trì, lấy chí nguyện để hộ trì kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng nghiêm mà tồn tại mãi với thế gian, được phát huy rộng lớn, lưu thông tới tận từng hạt bụi vi trần, phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới, và tới tận cùng hư không khắp các pháp giới, nếu được như vậy thì chánh pháp quả là sáng sủa rực rỡ.

Tại sao lại nói rằng kinh Lăng Nghiệm diệt đầu tiên? Bởi kinh này giảng đạo lý rất là chân thật. Thiên ma ngoại đạo chịu không nổi mới tìm đủ mọi cách để phá hoại kinh, tiêu diệt cho được kinh này. Trước hết, chúng rêu rao rằng Kinh Lăng Nghiêm không phải do chính kim ngôn của đức Phật nói ra, mà do người đời sau ngụy tạo, như vậy kinh Lăng Nghiêm là kinh giả, là ngụy kinh. Ðó là những thủ đoạn xấu xa của bọn ngoại đạo, cốt dùng cưỡng từ đoạt lý để phá hoại kinh Lăng Nghiêm.

Kinh Lăng Nghiêm là thân của Phật, là xá-lợi của Phật, là tháp miếu của Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm có bốn loại giáo huấn thanh tịnh, có hai mươi lăm vị thánh thuật lại kinh nghiệm viên thông và có nói tới năm mươi cảnh giới ấm ma. Những pháp này có thể ví như cái kính chiếu yêu, khiến cho bàng môn ngoại đạo phải lộ hết nguyên hình, yêu ma quỷ quái hết chổ ẩn náu, do đó để tự vệ chúng phải rêu rao rằng kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy tạo, không nên tin theo.

Một số người khác, chẳng hiểu biết gì, không đủ trí huệ để phân biệt thật giả, ai nói sao thì nói theo làm vậy, cũng phụ họa với chúng mà bảo rằng Lăng Nghiêm không phải do Phật nói. Kinh Lăng Nghiêm nói về đạo nghĩa thì thật là chính xác, thật là hợp lý, nên yêu ma quỷ quái, cũng như hạng bàng môn tả đạo không còn chỗ ẩn náu, chúng phải dùng những thủ đoạn xấu xa như vậy để hòng phá hoại kinh. Làm như vậy ắt phải đọa địa ngục.

Gần đây, một số học giả thiếu hiểu biết, rồi một số Phật giáo đồ ngu si, không nhận thức đúng về Phật giáo, không hiểu minh bạch về Phật học, tóm lại là biết nửa mùa, đem lời của thánh nhân ra để phê phán, rồi phát biểu một cách càn dỡ.

Người học Phật pháp nên hiểu thấu đáo nghĩa lý kinh Lăng Nghiêm, để có thể đề xướng kinh này ở khắp mọi nơi, tuyên dương, giải thích và hộ trì kinh này, ngỏ hầu giữ cho chánh pháp trụ thế, cho tà pháp bị tiêu diệt. Ðó chính là trách nhiệm của tất cả Phật giáo đồ.

Ngày hôm nay tôi xin bảo đảm với tất cả quý vị rằng kinh Lăng Nghiêm là kinh chân chánh. Nếu quả không phải như vậy, tôi xin nguyện xuống địa ngục, bởi lý do tôi không có nhận định đúng về Phật pháp, lấy giả cho là thật, tôi xin cam lòng chịu quả báo đó. Như Lăng Nghiêm là kinh thật, tôi còn phát nguyện rằng đời đời kiếp kiếp tôi sẽ hoằng dương pháp Lăng nghiêm, và tuyên giảng chân lý trong Lăng nghiêm. Quý vị thử nghĩ coi, nếu kinh này không phải do Phật nói ra, thì ai có thể nói được một loại pháp chánh xác như vậy? Tôi hy vọng người nào đó phê phán kinh Lăng Nghiêm và bảo nó là kinh giả thì hãy mau mau sám hối, sửa lại sự sai trái của mình. Nếu không, ắt bị đọa địa ngục rút lưỡi. Tôi mong cầu những ai niệm kinh Lăng Nghiêm, giảng kinh Lăng Nghiêm, tuyên dương kinh Lăng Nghiêm, lưu thông kinh Lăng nghiêm, tất cả đều sớm thành Phật đạo.

68/. Tu Ðạo Phải Ðoạn Dục Khử Ái

Tại sao chúng ta có phiền não? Bởi lòng tự tư (ích kỷ). Tại sao có tự tư? Bởi có dục tâm, mới tìm hết cách để giữ lấy nó, sợ nó đi mất. Nếu nó bị thương tổn thì sẽ phát ra nóng giận. Tại sao nóng giận? Chính là do vô minh và tình ái tác quái. Giả thử, không có vô minh, không có tình ái, thì tâm nóng giận sẽ chạy xa cả mười vạn tám ngàn dặm, muốn kiếm nó cũng kiếm không được.

Nếu có tình ái tất có tự tư. Có tâm tự tư rồi thì chẳng còn từ một thủ đoạn nào để tiến tới mục đích, thậm chí có thể hy sanh cả mạng sống mà không tiếc thân. Truy ra tận gốc là vì dục niệm. Nếu quả không có dục niệm, tất không có tâm tự tư. Không có tự tư thì không có phiền não.

Có phiền não, tất có sanh tử; nếu không có phiền não, thì không có sanh tử. Ý nghĩa này, ai ai cũng biết, có điều không thực hành mà thôi. Phải biết rằng, không có dục thì không có vô minh. Phá được vô minh thì pháp tánh hiển hiện. Chúng ta học Phật, đầu tiên là trừ vô minh, đoạn phiền não. Dụng công tới chỗ viên mãn thì chứng được giải thoát.

Tại sao chúng ta không có trí huệ? Bởi vì vô minh. Vô minh sanh ra dục, dục sanh ra tự tư, tự tư sanh ra phiền não. Tham cầu mà không được thì có phiền não, người đối với ta không tốt cũng là nguyên nhân của phiền não. Tại sao có phiền não ? Bởi có cái Ngã. Nếu quả là vô ngã, thì không có phiền não. Nếu có thể tới được chỗ không có vô minh, không có tự tư, thì phiền não sẽ biến mất. Quý vị tin hay không tin, cái lý nó là như vậy. Thiên kinh vạn điển, nói tới nói lui cũng chỉ có thế. Cho cái ngã không còn, phá cái vô minh, tiêu diệt cái dục, thì sẽ không có tự tư, không có phiền não, kiếm phiền não cũng không kiếm ra được. Tại sao? Bởi gốc gác của vấn đề đã được giải quyết.

Quý vị phải chú ý! Năm thứ dục, tài, sắc, danh, thực, thụy (ngủ), đều do vô minh và tình ái mang đến. Nếu như không có tình dục, ta sẽ thấy không có gì là trọng yếu. Bởi có tình dục nên mới cảm thấy cái này không tốt, cái kia cũng không tốt, cái gì cũng không đúng, đó chính là con quỷ tình dục nó tác quái. Nếu chúng ta hàng phục được quỷ tình dục này, thì chúng ta vào nhà của Như Lai một cách mau chóng, lên tòa Như Lai, mặc áo Như Lai và thuyết pháp Như Lai.

69/. Thiền Thất Khai Thị

Thế nào là tự tại ?

“Quán-Tự-Tại Bồ-tát, hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.”

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã giảng xong ngày thứ ba vừa qua. Hôm nay, nhân dịp khai mạc khóa Thiền thất mùa đông, tôi xin giảng cho đại chúng nghe câu mở đầu của Tâm kinh, mà cũng là tinh yếu của kinh này.

Bồ Tát Quán Tự Tại chính là Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài chứng được nhĩ căn viên thông. Ngài chứng như thế nào? Ngài vốn tu pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo.” Nguyên do bởi Ngài biết cách lắng nghe trở lại cái tự tánh nên Ngài mới được tự tại.

Gọi là tự tại khi nào người ta tới được cảnh giới không người, không ta, không chúng sanh, và không thọ giả. Cảnh giới đó ở đâu? Nơi nào thì có tự tại? Nơi nào thì không có?

Ở địa vị các bậc thánh thì có tự tại, còn ở địa vị phàm phu thì không có tự tại. Tại sao vậy? Tại vì các vị thánh không còn vướng vào bốn tướng, tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, nên các vị thánh được tự tại. Phàm phu thì hãy còn vướng vào các tướng này, do đó mới không có tự tại.

Chúng ta là kẻ tu hành, như nếu không thực hiện được bốn không đối với các tướng đó, thì chẳng bao giờ có thể chứng được sự tự tại, và dứt khoát chúng ta phải quét trừ ba tâm và bốn tướng. Ba tâm là nói về tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai. Cả ba tâm đều bất khả đắc. Tâm quá khứ bất khả đắc! Tại sao lại chẳng thể nắm bắt được? Tại vì nó đã qua rồi, đâu còn nữa mà nắm bắt? Tâm hiện tại, thì khi ta vừa nói xong về cái tâm đó, nó đã trở thành quá khứ rồi, chẳng thể nắm bắt được nữa. Còn tâm vị lai, thì vì nó chưa tới, nên nó chưa hiện hữu, vậy làm sao nắm bắt được nó? Vậy là cả ba tâm đều chẳng thể nắm bắt. Rồi đối với bốn tướng, quý vị cũng thực hiện được bốn không, tức quý vị đã có thể quán tự tại.

Thiền thất cốt để làm gì? Ðể quán tự tại! Ai ai cũng phải quán tự tại. Ai có thể tự tại thì người đó quán tự tại. Ai chẳng tự tại thì người đó chẳng phải quán tự tại. Quán tự tại chẳng phải là của riêng của Bồ-tát Quán Thế Âm, hết thẩy mọi chúng sanh đều có thể là Quán Tự Tại.

Chúng ta ngồi thiền là để quán sát mình có thể tự tại hay không. Nếu là tự tại quý vị sẽ soi thấu năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không, tức là thực hành sâu xa bát-nhã ba-la-mật. Một khi thực hành sâu xa bát-nhã ba-la-mật, quý vị mới có thể soi thấu năm uẩn đều không. Có như vậy quý vị mới vượt qua được mọi khổ ách. Mọi khổ ách đã vượt qua, lúc đó mới chứng đắc tự tại.

Nhân khóa Thiền thất 98 ngày tại Phật Giáo Giảng Ðường, San Francisco (tiền thân của Kim-sơn Thánh Tự), từ ngày 15 tháng 11 năm 1970 tới ngày 23 tháng 2 năm 1971.

70/. Hãy Trở Về Quê Hương Của Chúng Ta

Chẳng riêng ngài Quán Thế Âm với chúng ta là cùng một thể, mà cả chư Phật mười phương và chư vị Bồ-tát trong mười phương với chúng ta là cùng một thể. Tuy nhiên, chúng ta với chư Phật chẳng phải là một thể. Tại sao như vậy? Nghĩa này giống như đoạn sau đây trong kinh Pháp-Hoa:

“Có một anh chàng hết sức nghèo khó. Cha anh thì lại là một trưởng giả giầu có vô cùng. Nhưng anh đã bỏ nhà đi lưu lạc tha phương, và không nhận ra lối trở về quê quán, do đó, có một ngày, anh gặp cha anh mà không nhận ra đó là cha mình. Tại sao vậy? Bởi vì anh đã xa cha anh một thời gian quá lậu rồi đến nỗi khi gặp lại anh không biết đó là cha mình.”

Lý do chúng ta không hợp cùng một thể với chư Phật và chư Bồ-tát cũng giống như trường hợp anh chàng nghèo khổ không nhận ra cha của mình, như vừa kể. Chúng ta tu đạo, thay vì phải xa lìa mộng tưởng điên đảo, hướng tới Niết-bàn rốt ráo, chúng ta lại xa lìa pháp thân là cha mẹ chúng ta, rồi hướng ra ngoài lang thang ăn xin, để không tìm ra được lối trở về quê, thật là đáng thương biết bao!

Phải nhớ rằng chúng ta với Phật và Bồ-tát là người trong nhà, cho nên Phật mới nói: “Hết thảy chúng sanh, đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật.” Nay chúng ta ra ngoài cam làm người nghèo khổ, quên cha mẹ, quên quê nhà, cha mẹ chúng ta là pháp thân, chính là Phật và Bồ-tát. Họ đều mong mỏi chúng ta mau sớm trở về quê nhà – nơi cõi tịnh độ Thường Tịch Quang.

Bây giờ chúng ta ngồi thiền – thiền cái gì? Chính là tìm lại cha mẹ pháp thân. Gọi là: “Bể khổ vô biên, hồi đầu thị ngạn,” nghĩa là chỉ cần quay đầu lại là có thể trở về quê hương gốc cũ. Bởi ý nghĩa trở về quê quán nên mới có khóa thiền mùa đông 98 ngày này vậy.

71/. Một Trăm Ngày Thiền Thất

Một khóa thiền kéo dài 98 ngày, ở một nước phương Tây này, tuy trong tương lai chưa hẳn là vô song, nhưng tính đến nay phải nói là chưa từng có. Chính là: chứng kiến một chuyện chưa từng thấy, nghe một chuyện chưa từng nghe! Mấy ngàn năm nay thực sự chưa hề có một cuộc tu tập nào khổ công như vậy! Sáng sớm, từ hai giờ đã bắt đầu ngồi thiền, xen vào giữa là một giờ nghỉ, cho đến đêm 12 giờ mới ngủ. Vậy là mỗi ngày dụng công trọn 21 tiếng đồng hồ. Bởi vậy mới nói là một khóa thiền chưa từng có.

Quý vị tham dự khóa thiền này, tất phải khảo nghiệm, cố gắng chịu đựng, để từ đầu thông suốt cho tới cuối, chớ không thể nửa chừng bỏ dở. Nếu không thì công phu bỏ ra sẽ thành uổng phí hết, chẳng được chút gì, lại cô phụ bao nhiêu tâm nguyện của mình lúc khởi thủy. Có câu nói: “Nếm mùi cực khổ trong cái khổ, mới trở thành kẻ thượng nhân.” Có như thế mới là kẻ siêu việt trong hàng Phật tử chân chánh.

Khóa thiền thất này lại khiến cho tôi vui mừng vì có mấy vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni phát tâm “dạ bất đảo đơn,” nghĩa là tới giờ ngủ, họ không trở về phòng mà ngồi luôn tại ghế thiền nghỉ. Cách thức tu trì như thế thực quả tại Tây-phương chưa từng có. (Sách kỷ lục có ghi: Bây giờ tất cả các pháp sư tại Vạn Phật Thành đều phát nguyện giữ đúng “mỗi ngày một bữa (ăn), đêm không ngã lưng” (nhật trung nhất thực, dạ bất đảo đơn). Tinh thần như vậy thật đáng ngưỡng mộ.

Khi ở Hương-cảng, tôi đã từng tham dự mười tuần thiền thất. Trong khóa tu, có cả một vị trưởng lão mang râu – Hòa-thượng Minh Quán, cũng có dự nữa. Ðó là một vị lão tu hành, còn tôi thì không. Chúng tôi cùng nhau ngồi đủ bẩy mươi ngày, kết quả giữa chúng tôi không ai hơn ai kém.

72/. Giữ Ðúng Quy Củ Thiền Ðường

98 ngày Thiền thất sắp sửa bắt đầu. Trong số các vị xuất gia, mỗi ngày sẽ có một vị Duy-na, phụ trách các công tác khai tĩnh, chỉ tĩnh; lại có thêm một vị đương trị để lo cung cấp nước trà. Mỗi ngày ba lần dùng trà, hay bốn lần cũng được, tùy tiện theo tình hình, không nhất định, “vô định pháp” mà! Bởi mọi người tận lực dụng công thiền định, nên khí hỏa bốc lên, do đó uống trà nhiều có thể hạ hỏa xuống. Tuy nhiên, phải chú ý! Chớ có làm bể ly trà. Quý vị phải biết rằng Hòa-thượng Hư Vân khi xưa đánh rớt chén trà, nghe tiếng chén bể mà khai ngộ, đó chỉ là một việc không cố ý. Còn người nào cố ý làm bể ly trà thì vĩnh viễn không bao giờ có thể khai ngộ được, vì chính quý vị đã cố ý như thế. Cho nên nói: “hữu tâm thị vọng tưởng, vô tâm thị cảm ứng.” Quý vị không có lòng nghĩ làm bể mà hóa ra làm bể, vậy mới hay đó!

Trong lúc ngồi thiền, không người nào được nói chuyện. Mỗi người tự mình chiếu cố thoại đầu của mình, tự mình dụng công. Trông thấy bất cứ ai, cũng mặc kệ. Tại sao? Bởi không người, không ta mà! Ai tới thì tới, ai đi thì đi, chỉ chuyên tâm chuyên chí tham câu “niệm Phật là ai?” trong thời gian 98 ngày ắt có kết quả.

Trong kỳ thiền thất mùa đông này, những ai chưa khai ngộ sẽ bị phạt một trăm ngày quỳ hương trước ban thờ Phật. Còn đối với vị nào khai ngộ, tôi xin thiết một đại tiệc khai ngộ, muốn ăn thức gì sẽ có thức ấy, bảo đảm cả trăm vị đầy đủ. Có câu nói: “Thiên trù diệu cúng, thiền duyệt tô-đà.” Lúc ấy được coi là giờ phút quang vinh nhất trong đạo Phật. Quý vị nhớ! Muốn khai ngộ, ta phải giữ quy củ đó! Như không muốn khai ngộ, thì xin cứ tùy tiện, không ai bó buộc quý vị.

73/. Bỏ Hết Lòng Ðố Kỵ Và Kiêu Mạn

Bây giờ thiền thất bắt đầu. Bao nhiêu thứ gọi là đố kỵ, kiêu mạn, quý vị phải bỏ xuống hết. Bây giờ tôi khảo nghiệm thử xem quý vị có thực lòng buông bỏ các thứ đó hay không. Khảo bằng cách nào? Ðầu tiên là đánh bằng hương bản. Bị đánh mà không biết đau, thì cho là được, là đủ tư cách tham gia ban thiền thất mùa đông này.

Thế nhưng, không biết đau thì trơ trơ như cái bàn, không có tri giác; còn biết đau tức là không buông bỏ được. Vậy tại chỗ này, chúng ta hãy tham xem – làm cách nào đây?

Bây giờ kẻ bị đánh không bỏ chạy mới là kẻ đại trượng phu. Ðã là đại trượng phu, thế tất phải có khí độ anh hùng, không sợ khốn khổ, không sợ gian nan, đầy tinh thần chịu đựng khắc khổ, trong thời gian 98 ngày, không thối chuyển, từ đầu thông suốt tới cuối. Phải có một niềm quyết tâm, coi chết nhẹ như không, như vậy mới thành công được.

Trước khi vào thiền, tôi có bài kệ nầy:

Ðại địa xuân hồi bách vật sinh
Phấn toái hư không tự tại ông
Tòng thử bất lạc nhân ngã tướng
Pháp giới tuy đại tận bao dung.

Ðại địa xuân hồi bách vật sinh: Kỳ thiền thất này chính là khí tượng của xuân về. Trăm loài hân hoan nẩy sinh tươi tốt. Mọi người đều gặp cơ hội khai ngộ và ánh sáng tự tánh cùng xuất hiện.

Phấn toái hư không tự tại ông: Hư không vốn là vô hình, nếu quả hư không mà tan vụn (phấn toái) thì hư không cũng không có nữa. ‘Tự tại ông’ lúc đó, mới thật là đúng tư cách!

Tòng thử bất lạc nhân ngã tướng: Từ đó trở về sau sẽ chẳng còn vướng vào nhân tướng, chẳng vướng vào ngã tướng. Nhân không, pháp cũng không. Nhân pháp đều không, thế là tự tại, cũng không còn chấp ngã, chấp pháp. Không chấp trước, chính là giải thoát.

Pháp giới tuy đại tận bao dung: Tuy pháp giới là không bờ không bến, nhưng ta vẫn có thể ôm trọn pháp giới vào trong, nói cách khác, so với pháp giới ta còn to lớn hơn nữa. Thế mới là khả năng của kẻ đại trượng phu.

Tự mình phải dụng công của mình. Công phu gì? Ðó là tham câu: “Niệm Phật là ai?” hay tham: “Trước khi cha mẹ sanh ra thì bổn lai diện mục ta là gì?” hoặc câu: “Thế nào là chẳng thể không có!” Nỗ lực dụng công, nhất định sẽ có tin hay (khai ngộ). Bây giờ bắt đầu vào thất! Vào! Vào! Vào! Thiền thất chính thức bắt đầu, cấm nói chuyện!

74/. Các Vị Ðều Là Thiện Tri Thức

Các vị thiện tri thức! Tại sao lại xưng hô quý vị là thiện tri thức? Nếu chẳng phải là thiện tri thức thì quý vị chẳng khi nào đến Bát-nhã đường (thiền đường). Phàm đến Bát-nhã đường để tu hành thì tất cả đều là thiện tri thức, do đó mới xưng hô quý vị là thiện tri thức.

Bát-nhã là tiếng Phạn (Prajna), dịch nghĩa thành trí huệ. Quý vị đều là bậc đại trí huệ mới đến Bát-nhã đường. Tại sao là đại trí huệ? Bởi trong các kiếp quá khứ quý vị đã từng gieo nhiều căn lành, nhiều hạt giống Bồ-đề. Cũng chính là trong quá khứ, quý vị đã đời đời kiếp kiếp cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Ðã tích lũy những công đức như thế, thì ngày nay nhân duyên thành tựu, mới tham dự khóa thiền. Ðây chẳng phải là nhân duyên nhỏ, mà là nhân duyên to lớn, cũng là nhân duyên của việc liễu sinh thoát tử, mà cũng có thể nói là nhân duyên thành Phật. Bởi các lý do trên nên mới xưng hô quý vị là thiện tri thức.

Thiện tri thức chính là biết con đường thiện, không biết con đường ác. Nếu biết đường ác thì phải kêu là ác tri thức. Thế nào là thiện tri thức? Thiện tri thức là chánh tri chánh kiến, hành động hợp với Phật pháp, tu tập chiếu theo Phật pháp, từng hành động cử chỉ đều tương ứng với Phật pháp. Thế nào là ác tri thức? Ác tri thức thì tà tri, tà kiến, chuyện gì cũng đi ngược với Phật pháp, tức như câu nói “bội đạo nhi trì,” quay lưng với đạo mà đi.

Nay quý vị tụ hội tại Bát-nhã đường, nhất tâm thiền định để cầu khai ngộ và đại trí huệ. Nếu thực sự sáng suốt, chân chánh giác ngộ, quý vị sẽ tuyệt đối không làm chuyện điên đảo nữa. Giác ngộ và sáng suốt như vậy nhất loạt đều do công phu tu hành mà thành tựu. Bởi vậy kẻ tu hành không nên sợ khổ, sợ khó khăn. Khi đã ngồi thiền thì chân đau cũng mặc, lưng mỏi cũng không quan tâm, phải giữ vững tinh thần đại vô úy, sống chết với thiền, sống chết với tu, tuyệt đối không thể vì đau mỏi mà đầu hàng, phải làm kẻ đại trượng phu, đại anh hùng.

Kẻ tu hành cần phải có một sự kiên nhẫn không lay chuyển, một ý chí không lùi bước, trước mọi nghịch cảnh tuyệt đối không cúi đầu, tuyệt đối không bị khuất phục. Chân đau lại càng cố chịu đựng, lưng mỏi càng cố gắng. Buồn ngủ ư? Mở to hai mắt, thách thức ma ngủ. Càng buồn ngủ càng tốt, đàng nào cũng tham, tham cho tới lúc dương khí đầy đủ trở lại, thì ma ngủ phải bỏ chạy. Nếu như chúng ta không chiến đấu với ma ngủ, thì ta sẽ muôn đời làm nô lệ cho nó, nghe theo mệnh lệnh của nó và sẽ chịu nó sai khiến.

75/. Nhận Ra Bổn Lai Diện Mục

Mục đích chúng ta tham gia thiền thất là cầu khai mở trí huệ, trở về tận cùng gốc gác của mình, tuyệt đối phải nhận ra bổn lai diện mục.

Bổn lai diện mục của chúng ta ra sao? Cùng với chư Phật là một, chẳng sai khác. Có điều chúng ta là chúng sanh không có trí huệ nên không nhận ra nó, và cũng từ nguyên nhân đó mà trở thành điên đảo, quay đầu lộn đuôi, sanh tử trong cảnh mơ mộng hỗn độn, thậm chí còn biến hiện thêm, khiến cho đã mê càng thêm mê, đã ở trong mộng còn thêm mộng, trong chỗ điên đảo còn thêm điên đảo. Vì sao đến nỗi như vậy? Bởi vì không được gặp thiện tri thức, không được ai mách bảo lối về quê hương, tức con đường tìm bổn lai diện mục. Nay rất đông thiện tri thức tụ hội tại đây, cùng nhau hướng tới con đường rộng lớn, quang minh để tìm vể bổn lai diện mục. Ðúng là:

Thập phương đồng tụ hội
Giai kỳ học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ quy.

Nghĩa là:

Mười phương cùng tụ hội
Ai nấy học vô vi
Ðây là trường tuyển Phật
Tâm không đậu vinh quy.

Quý vị thiện tri thức từ mười phương, tới Bát-nhã đường này cùng nhau học tập pháp vô vi. Bát-nhã đường chính là trường tuyển Phật. Ai tới được chỗ vô nhân vô ngã thì người đó được chấm đậu. Ai không buông bỏ nổi, kẻ đó bị đánh rớt. Ai được tâm không đây? Người đó được đỗ Trạng nguyên. Lúc đó, áo gấm về làng, rạng rỡ tổ tông.

Như muốn làm kẻ đại trượng phu, đại anh hùng, vậy phải ngồi xuống tham thiền, mới có thể đạt mục đích. Ðại anh hùng chính là bậc đại giác, đại giác chính là Phật. Ngồi thiền mà đạt tới cảnh giới vô ngã, thì chân có đau cũng không hay, lưng có mỏi cũng không biết. Trong, không cảm thấy thân tâm, ngoài, không biết có thế giới, tới lúc đó, trong khoảnh khắc, bừng lên đại ngộ: vốn là như thế!

Nếu rõ ràng có ngã, thì có “cái ngã” ở chỗ này. Quý vị ở tại chỗ này, ai không ở tại chỗ này? Không ở tại chỗ này cũng là ai đó? Không ai ở tại đây, cũng chẳng ai không ở tại đây, cho nên gọi là vô ngã.

Nguyên do vì không có tại, nên mới không có ngã. Nếu còn có tại thì còn có ngã tại. Có tại thì đúng ra phải là tự tại, chớ không phải ngã tại. Tự tại không thể có ngã, nếu có ngã thì không phải tự tại. Có ngã nên mới sanh lắm chuyện phiền phức, kể ra không thể hết được. Nào, ngủ chẳng đủ, tinh thần không khoan khái. Ăn chẳng đủ, bụng không dễ chịu. Mặc không đủ, thân thể ớn lạnh. Bởi đâu mà có những hiện tượng đó? Bởi chưng có cái ngã. Muốn không có ngã, chỉ còn một biện pháp, đó là đến thiền đường mà ngồi thiền, thiền tới thiền lui, thiền cho tới lúc đạt được vô ngã, đạt được cảnh giới gọi là: “Vô nhân vô ngã Quán tự tại, phi không phi sắc kiến Như-lai.” Tới lúc đó thì tự tại vô cùng, tự khắc sẽ biết bổn lai diện mục là như thế nào. Tuy nhiên, tới được cảnh giới đó chẳng phải dễ dàng. Bởi vậy mới cần phải gắng sức nhẫn chịu, chịu đựng mọi thống khổ, mọi sự gian nan. Như quả qua được cửa ải này thì sẽ gặp một sự thống khoái: chính là ăn bằng niềm vui thiền duyệt, và sống trong pháp hỷ.

Bất luận làm một công việc gì, buổi đầu tương đối khó khăn. Lâu dần, sẽ thành quen, không cảm thấy khó nữa. Ngồi thiền cũng như vậy. Trong thiền đường, cố gắng chịu đựng, khi đã chịu đựng được rồi thì không còn cảnh giới nào làm cho giao động. Vậy là đã có chút ít định lực. Có một chút định lực tức sẽ có chút huệ lực. Tích tiểu thành đại, khi huệ lực đầy đủ thì tự khắc khai ngộ.

76/. Tham Thiền Chính Là Trì Giới

Chúng ta ngồi thiền, nhất tâm tham, tham “niệm phật là ai?” và giữ vững câu thoại đầu này, liên miên không nghỉ, mật thiết không hở. Vậy trong thời gian tham “niệm Phật là ai?” chúng ta có thể gây được nghiệp xấu chăng? Như là sát sanh, ăn trộm, tà dâm hoặc nói dối, uống rượu, được chăng? Tuyệt đối không thể có những chuyện đó. Vậy là trì giới. Có câu nói: “Bất trì chi trì,” chẳng dụng ý trì giới mà tự nhiên trì giới. Trì giới sẽ sanh định lực, do định mà sanh ra huệ. Còn như trong thời gian không tham thiền, đầu óc nổi lên nhiều vọng tưởng, xui khiến người ta có thể sát sanh, ăn trộm, tà dâm, nói dối, uống rượu, thậm chí có thể vọng động đủ thứ chẳng kể việc gì. Một niệm sai lầm, có thể nẩy sanh biết bao nghiệp tội. Ngồi thiền ở đây, chẳng còn vấn đề gì nữa, mọi thứ đều được giải quyết, đó là ý nghĩa chẳng dụng ý trì giới mà tự nhiên trì giới.

Ngồi thiền ở đây tức là chăm tu giới định huệ. Tu giới định huệ tức là diệt trừ tham sân si. Cho nên tham thiền bao gồm đầy đủ các pháp tu, hết mọi pháp đều nằm trọn trong tham thiền. Chúng ta tham, nhưng phải tham hoạt thiền, càng tham càng có trí huệ. Chớ có tham tử thiền, càng tham càng ngu si, lấy mặt trời cho là mặt trăng, há chẳng phải là điên đảo sao?

77/. Luyện Thành Thân Kim Cương Bất Hoại

Chúng ta tham thiền để khai mở trí huệ. Khi chưa tới lúc trí huệ khai mở, chúng ta nhất định phải gặp khổ. Thí dụ khi ta dùng lửa lớn để luyện hoàng kim, đốt lên ta sẽ biết thật hay giả. Người ta nói: “Chân kim bất phạ hỏa luyện,” vàng thật chẳng sợ lửa của lò. Vô luận luyện cách nào, trọng lượng vẫn không giảm thiểu, mầu sắc lại càng thêm sáng. Thiền đường chính là một lò luyện lớn. Quý vị đều là vàng thật, tại nơi đây luyện thành thân kim cương bất hoại.

Muốn thành thân kim cương bất hoại, lúc đầu phải chịu khổ đã. Khổ tận cam lai, sau đó mới có thể đạt được cảnh giới như vừa kể. Mọi người ráng sức tham đi! Tham đi! Tham cho thấu suốt, ắt thành thân kim cương bất hoại.

Có người nói:

– Cái khổ này, thiệt là chịu không nổi.

Ai biết nó khổ, ai biết nó đau. Lại có người bảo:

– Tôi biết khổ, tôi biết đau.

Quý vị là ai đó? Lại có người bảo:

– Tôi là chính cái thân thể của tôi.

Thân thể của quý vị là quý vị, vậy giả sử quý vị chết rồi thì thân thể của quý vị vẫn còn ở đây chớ? Cớ sao đánh nó, nó lại không biết đau; chửi nó, nó vẫn nhẫn chịu? Lại có người bảo:

– Bởi vì chết rồi nên không còn vấn đề gì nữa!

Vậy thì, ở đây ta coi như chết rồi vậy, cho nên có câu: “Dục yêu nhân bất tử, tiên tác hoạt tử nhân,” nghĩa là muốn thành kẻ bất tử, trước hết hãy sống như người chết.

Nay tự ta hãy làm thành người chết, tức là ta sẽ không có tham, không có sân và si. Tại sao có tham sân si? Bởi vì quý vị chưa coi cái thân thể quý vị như một cái thây chết. Nếu đã chết thì còn tham gì nữa? còn sân gì nữa? Còn si gì nữa? Bây giờ, tuy quý vị chưa chết, nhưng hãy cứ làm như chết. Vậy là còn tham cho ai? Sân cho ai? Si cho ai nữa? Cái chết của tham thiền chẳng phải là chết thiệt. Muốn được khai ngộ, tất phải chết một lần, sau đó mới luyện thành thân kim cương bất hoại.

78/. Thiền Ðường Là Nơi Tạo Thánh Nhân

Hồi đức Phật Thích Ca tu ở Tuyết-sơn, chỉ ăn một hạt mè, một hạt mì để duy trì sanh mạng. Vì câu chuyện này mà ai ai cũng biết tới Tuyết-sơn. Về sau, Phật đến gốc cây bồ-đề ngồi tĩnh tọa suốt 49 ngày thì Ngài ngộ đạo, chứng được quả Phật, nên nơi này đã trở thành thánh địa, đúng như câu nói: “nhân kiệt địa linh.” Ðược gọi là thánh địa cũng là nhờ danh tiếng của thánh nhân. Phàm thánh nhân ở chỗ nào thì chỗ đó biến thành thánh địa. Kẻ phàm phu ở chỗ nào, muốn chỗ đó là thánh địa cũng không thể thành thánh địa được.

Người xưa có câu: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa.” Ở thiền đường chúng ta cùng tu hành với nhau, đó chính là nhân hòa. Chẳng làm phiền lòng bất cứ ai, gọi là như pháp. Ðạo tràng như pháp mới được như vậy. Có đạo tràng mới có chỗ để mà tĩnh tu, và có tĩnh tu mới được trí huệ. Nếu không có đạo tràng thì dù có muốn tĩnh tu cũng đành chịu. Bây giờ, may mắn chúng ta có được đạo tràng, chúng ta phải nghiêm cẩn tu hành mới đúng.

Thánh địa của chúng ta chính là Bát-nhã đường, nơi chuyên tạo các thánh nhân – chẳng phải người thường, mà là thánh hiền cả, hoặc a-la-hán, hoặc Bồ-đề-tát-đõa. Ai là thánh nhân đều chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó. Ai còn sợ khổ, sợ khó, bây giờ tuy chẳng phải là thánh nhân, tương lai cũng là thánh nhân. Nói vậy nghĩa là sao? Vốn là, tôi đã từng có lời phát nguyện: “Phàm các đệ tử đã quy y với tôi, nhất định sẽ thành Phật. Nếu không thành Phật, ắt là tôi sẽ chờ họ tới lúc họ thành Phật.” Tôi biết chắc tương lai rồi họ cũng thành Phật, cho nên mới nói sau này họ sẽ là thánh nhân.

Ðối với các quý vị, tôi hết sức kỳ vọng, mong quý vị nỗ lực dụng công, chớ có trễ nải, chớ có phóng dật, giữ gìn quy củ, y pháp tu tập, để quyết tâm thành kẻ thánh nhân. Tôi hy vọng trong 98 ngày quý vị thành tựu được quả thánh nhân kim cương bất hoại.

Ngài Lục tổ có nói:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly giác mịch bồ đề
Cáp như cầu thố giác.

Dịch nghĩa:

Phật pháp ở thế gian
Chẳng (có) giác (giác ngộ) ngoài thế gian
Tìm Bồ-đề ngoài thế gian
Chẳng khác kiếm sừng thỏ.

Căn cứ bốn câu trên trong kinh văn để phân tích, người tu hành phải có, mà người hộ pháp cũng phải có. Quý vị! Ðã nguyện ý xuất gia thì tu pháp, đã nguyện ý tại gia thì hộ pháp. Ai ai cũng làm hết trách nhiệm của mình, làm tròn phận sự của mình. Người xuất gia thì thực lòng tu tập, người tại gia thì thành tâm hộ pháp, mỗi người theo đúng công việc của mình mà làm!

Hết mọi pháp đều là pháp Phật, có cái gì để vui mừng hay không vui mừng? Tham thiền thì ở tại chỗ này dụng công, không nên mang tâm yêu ghét, mà phải dụng công với tâm bình thường. Ví dụ như, mặt nước hồ trong tiết xuân, không gợn sóng, nên các thứ hỗn tạp tự nhiên lắng xuống, làm cho mặt nước lặng và trong. Tham nhiền cũng giống như vậy, chẳng có vọng tưởng, thì pháp thân xuất hiện. Mấy câu pháp trên rất là quan trọng, mong quý vị y theo ý nghĩa đó tu hành, tức trí huệ sẽ chóng khai mở. Có câu rằng: “Thuyết đích thị pháp, hành đích thị đạo,” nghĩa là, nói ra là pháp, làm ra là đạo. Nay, biết pháp mà không hành đạo, thì chẳng đúng chút nào.

79/. Cày được Phần Nào, Thâu Hoạch Ðược Phần Ðó

Nhân dịp cử hành khóa thiền này, rất nhiều người không tin có một nơi nào người ta lại dụng công tu hành như vậy. Có người thì cho rằng chúng ta nói chơi, có người bảo chúng ta khùng. Nếu không, sao lại không ngủ, lại ăn ít, mỗi ngày công phu 21 tiếng đồng hồ? Không thể có chuyện đó, tuyệt đối không làm được đâu! Ở ngoài người ta phê bình như vậy. Tuy nhiên đối với chúng ta, nhất định chúng ta sẽ thực hiện viên mãn, làm cho họ thất kinh một phen và phải thốt lên rằng: ?! Thật sự tu hành!

Mỗi ngày một dũng mãnh tinh tấn, tuyệt đối không thụt lùi, để cho mọi người nhận thấy chúng ta thật sự tu, còn họ thì bị bỏ lại, làm kẻ lạc hậu. Chúng ta phải tiến lên trước họ, để thành những người lãnh đạo của họ, đặng dẫn họ vào con đường tu hành. Muốn thành người lãnh đạo tất nhiên phải tu hành chân chánh. Trong thời gian tu tập, một phút cũng không bỏ uổng, từng giờ từng khắc, từng niệm không quên “niệm Phật là ai?” Ðiều tối kỵ trong việc tu hành là sự lười biếng. Nếu quả có lười biếng thì không tới được chỗ đó. Chỗ đó là ở đâu? Là ở chỗ hết sức mầu nhiệm không thể nói ra được. Cảnh giới đó không thể nghĩ bàn, như người uống nước, nóng hay lạnh người đó tự khắc biết, người ngoài không biết được, chỉ có thể tự mình thể hội mà thôi.

Nếu có cơ hội gặp khóa thiền, ta phải tham dự cho kỳ được. Dự một lần, thâu hoạch được một lần. Không ăn, có thể chịu đói, nhưng không tham gia thiền thất thì không được; không có áo có thể chịu lạnh, nhưng không tham gia thiền thất thì không được. Bởi các chư Phật mười phương đều phải đi qua con đường ấy mới thành Phật quả.

Có người sợ khổ, không dám tham gia thiền thất, đó là một quan niệm sai lầm. Trong quá khứ, chúng ta chưa từng gặp những khóa thiền thất như thế này, thế cho nên chúng ta cứ sanh tử mãi trong vòng luân hồi. Nếu quả đã từng tham gia thiền thất, thì chắc chắn chúng ta không vọng tưởng, chắc chắn không điên đảo; đối với ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thùy, tuyệt đối không tham luyến; coi ngũ dục như năm con đường dẫn tới địa ngục vậy.

Ngồi tĩnh tọa tham thiền, khi hỏa hầu tới mức, thì sẽ có một loại định lực kim cương, khiến cho chúng ta không bị ngũ dục lay chuyển. Khi đó, tài chẳng ham, sắc chẳng ham, danh chẳng ham, ăn chẳng ham, ngủ chẳng ham, ngay trong mộng cũng không còn một ý niệm tham dục, trong mộng mà tâm cũng thanh tịnh, đó mới là cảnh giới sẽ đạt tới. Rồi kế đó lại dấn bước thêm tu hành, hành giả sẽ đạt cảnh giới không mộng để thành tựu quả thánh.

Người ta trong lúc tỉnh còn làm chủ được mình. Ngoại cảnh có thể đến dụ, nhưng lý trí kiên cường, định lực sung túc thì ngoại cảnh cũng không thể lay chuyển. Tuy nhiên ở trong mộng thì không làm chủ được. Thấy quỷ thì sợ quỷ, thấy hổ sợ hổ, thấy tiền tài ham tiền tài, thấy sắc ham sắc, tức là bị ngoại cảnh mê hoặc. Thản hoặc, trong mộng có thể làm chủ được, nhưng trong bệnh tật thì lại không được. Hoặc trong khi bệnh tật làm chủ được, đến khi chết lại làm chủ chẳng được. Muốn làm chủ khi sống cũng như khi chết, tất phải tham thiền. Dụng công như vậy, một phần công phu sẽ mang lại một phần thâu hoạch, mười phần công phu sẽ có mười phần thâu hoạch. Có câu nói: “Ông tu ông chứng, bà tu bà chứng,” ai tu người ấy chứng, chẳng tu thì chẳng chứng. Giá trị tu hành phải dựa vào chính công phu chân thật của mình, có như vậy thì mới đi lại tự do, tâm thể thanh thản, bởi vì trong thế gian không hề có chuyện không công lao mà được thâu hoạch.

80/. Chịu Khổ Là Nền Tảng Tu Phật

Ðức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Tuy nhiên, do tâm đại từ đại bi của Ngài muốn cứu độ các chúng sinh, đặc biệt những ai chưa có tâm trường viễn, không đủ tâm kiên cố và thành khẩn, do đó Ngài thị hiện thành Phật để dẫn dắt họ.

Ðể nêu ra cái yếu tố căn bản, trong sáu năm Ngài tu khổ hạnh tại Tuyết-sơn. Tại sao phải khổ tu? Bởi khổ tu là nền tảng để thành Phật. Thí dụ chúng ta xây nhà lầu thì công việc đầu tiên là làm nền móng cho kiên cố, sau đó mới xây lên thành lầu cao. Nền móng không chắc thì không thể được, chẳng khác gì xây nhà trên bãi cát vậy.

Chúng ta ngồi thiền tại thiền đường này, so với ở Tuyết sơn thì tốt hơn nhiều lắm. Tuy ăn không ngon, nhưng không đến nỗi đói ăn, ốm nhom như que củi. So với đức Phật Thích Ca ở Tuyết-sơn thì dễ chịu hơn biết bao! Nay, chúng ta đã có đủ cơ hội như thế này, có đạo tràng tổ chức thiền tập như vậy, chúng ta nhất định phải phấn chấn tinh thần mà ráng sức tham thiền. Chúng ta phải bắt chước tác phong của Bồ-tát Vi-đà, oai nghi lẫm liệt, cầm chày kim cương để hàng phục ma ngủ, chớ không phải để đầu hàng nó. Ðầu gục xuống trước bụng là không phải tư thế đúng đắn của người tham thiền. Cũng chớ có học thói con rùa đen, rụt đầu rút cổ lại, đó cũng chẳng phải oai nghi của người tu thiền.

Dụng công tham thiền cũng không nên làm quá dữ, hay quá yếu ớt, một đàng thì thái quá, một đàng bất cập. Tu hành là phải giữ trung đạo, tránh sự thiên lệch, cho nên có câu nói: “khẩn liễu băng, mạn liễu tùng, bất khẩn bất mạn tài thành công,” nghĩa là: gấp thì căng, nới thì trùng, chẳng gấp chẳng nới mới thành công. Cứ như vậy, ngày ngày dụng công, từng giờ dụng công, không gấp, không nới, dần dà tới lúc thành công và thành công tức là đạt tới cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Ðạt tới cảnh giới đó không quá vui mừng, mà không đạt được cũng không quá bi ai. Như nếu quá hoan hỷ, thì ma hoan hỷ lại tới quấy nhiễu làm ta mất định lực, khiến cho từ sáng tới tối cứ khúc khích cười, không còn vẻ tự nhiên nữa. Có ai hỏi cười cái gì? Không biết. Chẳng hiểu tại sao mà cười, như kẻ phát cuồng, đó chính là ma cuồng ám. Nếu để lòng bi ai quá độ, thì ma bi ai sẽ tới quấy nhiễu, làm ta mất định lực, khiến cho từ sáng đến tối cứ thút thít khóc, một cách bất bình thường. Hỏi tại sao khóc? Nói: “Chúng sanh quá khổ a! Ðáng thương quá! Tôi muốn cứu độ chúng sanh.” Chính mình chẳng độ được mình, thì làm sao độ được chúng sanh? Ðó chính là hiện tượng ma bị ai đến ám.

Tại thiền đường chúng ta chuyên tâm tham thiền, chân có đau cũng ráng nhẫn. Nhẫn đến cực điểm thì sẽ hết đau. Tại sao? Vì khổ tận cam lai, sau đó là tốt đẹp, cho nên nói cái khổ chính là nền tảng thành đạo. Mấy câu sau đây diễn tả ý nghĩa của cái khổ này:

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt
Chẩm đắc mai hoa phác tỵ hương.

Dịch nghĩa:

Chửa nếm một phen lạnh thấu xương
Ðâu được thưởng thức hương hoa mai.

Thế nào là kim cương? Kim cương mang ý nghĩa của sự bất hoại. Thế nào gọi là bồ đề hải? Ðó là nghĩa của biển đại giác. Thật ra ý nghĩa này so với biển còn sâu hơn, còn xa rộng hơn nữa. Biển giác này thật là mênh mông không bờ bến, tóm lại không thể nghĩ bàn. Chúng ta tu pháp kim cương, tu sao cho tự tánh trong sáng như kim cương, cho tâm thể kiên cố như kim cương, và cho thân thể cũng bất hoại như kim cương.

Chúng ta tham thiền tại Bát-nhã đường, chính là tu đại pháp kim cương, tức là dùng lửa bát-nhã tam-muội thiêu rụi hết các tập khí, đốt cháy ba độc tham, sân, si luyện thành giới định huệ. Cách thức thiêu ra sao? Tức là dùng kiên – kiên cường, dùng thành – thành khẩn, dùng hằng – lâu bền để thiêu. Tu không ngừng, ngày ngày tháng tháng, sẽ tới lúc tự tánh sáng suốt xuất hiện. Ý nghĩa đó cũng giống như ánh nắng mặt trời làm tan tuyết, mỗi ngày tan một ít, lâu dần tuyết sẽ tan biến.

Tọa thiền tại thiền đường là làm tan tuyết trong tự tánh. Tuyết này tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp, nay chúng ta dùng trí huệ để làm tan nó. Tuyết đó là vô minh phiền não, nó đương làm vật chướng ngại khiến tâm người tu hành mất sự thanh tịnh, cho nên nếu không làm tiêu tan nó thì không xong. Còn có nó, còn nhiều phiền não, như cảm thấy khổ, cảm thấy đau, cảm thấy không thoải mái chẳng hạn. Nếu tham thiền mà dụng công, tất có định lực, lúc đó chân sẽ không thấy đau, lưng không thấy mỏi, đầu không thấy nhức. Như mọi thứ khổ không còn cảm thấy, vậy là đánh phá được cửa ải sanh tử, chính là đạt được kim cương bồ đề hải.

Tới được biển bồ đề kim cương này, là cùng với pháp giới hợp làm một. Pháp giới to rộng ra sao? Nói ra không hết, tâm tưởng cũng không tới được, to lớn như vậy. Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Hư không sanh từ trong đại giác, như một cái bọt ở biển” (Không sinh đại giác trung, như hải nhất âu phát). Hư không này rốt ráo to rộng ra sao? Thực là không bờ không bến, không ai biết nổi. Ngày nay tuy các nhà khoa học đã trình bầy rõ rệt, nhưng vẫn chẳng có thước nào đo được hư không. Cái rộng lớn của hư không thực là không thể ước, không thể lường được. Vậy mà đối với biển đại giác, nó chỉ là một cái bọt mà thôi. Hư không sanh từ biển đại giác cho nên nói biển đại giác là mẹ của hư không.

Chúng ta phải trở về nguồn, quay về gốc, cho tới tận biển bồ đề. Bởi vậy mới có tạp chí do chúng ta xuất bản với tên là “Kim Cương Bồ Ðề Hải.” Thiền đường của chúng ta gọi là “Kim Cương Bồ Ðề Hải Thiền Ðường,” chúng ta thì lấy tên là Kim Cương Bồ Ðề Hải Nhân. Sau này thành a-la-hán, sẽ có tên là Kim Cương Bồ Ðề Hải A-la-hán; khi thành Bồ-tát thì sẽ gọi là Kim Cương Bồ Ðề Hải Bồ Tát, rồi tới khi thành Phật thì sẽ là Kim Cương Bồ Ðề Hải Phật. Nói tóm lại, năm chữ Kim Cương Bồ Ðề Hải chính là nhãn hiệu của chúng ta.

Chúng ta tham thiền chính là trở về với bồ đề hải. Ngay bây giờ mười phương chư Phật cùng các vị Bồ-tát, a-la-hán đương ở nơi đó chờ đợi chúng ta. Chúng ta phải cố gắng dụng công, tinh tấn dũng mãnh, sao cho chóng đạt tới đích – nơi biển đại giác, chớ để chư Phật và chư vị Bồ-tát phải thất vọng.

Các chúng sanh đều có gốc tích ở biển đại giác, nhưng vì vô minh mà thành mê hoặc, rồi vì mê hoặc mà tạo ra biết bao nhiêu nghiệp cho nên mới chịu quả báo luân hồi. Tình cảnh giống như một hạt bụi nhỏ lơ lửng ở không trung, lúc ở trên, lúc ở dưới, lúc bên đông, lúc bên tây, phất phơ vô định. Chúng ta cũng giống như hạt bụi nhỏ đó, chìm nổi trong luân hồi, bỗng chốc lên tầng trời, bỗng chốc đọa địa ngục, bỗng chốc làm thân người, bỗng chốc làm kiếp a-tu-la, bỗng chốc súc sanh, bỗng chốc quỷ đói. Khi mê, không giác ngộ thì chìm nổi trong sáu nẻo luân hồi. Nếu giác ngộ, hết mê, thì đó là con đường liễu sinh thoát tử.

Tại sao chúng ta lại mê mà không giác? Bởi vì chúng ta bị trúng độc nặng, tức ba độc tham, sân, si nên không thể giác ngộ. Nếu muốn giác ngộ thì phải tham thiền. Tọa thiền chẳng mê, đó là con đường dẫn ta ra khỏi tam giới.

Lúc chưa giác ngộ, thấy thứ gì đều cho là thiệt, nhất là đối với tài sắc danh thực thùy (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ), thứ gì cũng tham luyến, không xả bỏ được. Nếu là giác ngộ, thì mọi thứ sẽ thành hư ngụy, như hình bông hoa trong gương, bóng mặt trăng dưới nước, tất cả đều là ảo ảnh, chẳng phải chân thiệt.

Tự tánh của chúng ta cũng vốn thanh tịnh, có thể ví như nước trong, không vẩn đục, trông xuống thấy suốt tới đáy nước. Tuy nhiên, từ một niệm vô minh mà phiền não dấy lên, giống như nước trong mà biến thành vẩn đục. Nước chẳng trong, mặt trăng chẳng hiện, giống như khi ngu si, ánh sáng trí huệ không hiển lộ.

Vô minh khởi lên có thể ví như khí trời lạnh lẽo làm cho nước kết thành băng. Chẳng hạn lấy một bát nước tạt vào mặt ai, người đó không bị hề hấn gì. Nhưng nếu nước đó kết thành băng, nhất định là người ấy sẽ bị thương đầu chảy máu, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Cùng một vật thể mà sanh ra hai loại tác dụng, cho nên có câu: “Phiền não tức Bồ-đề.” Băng dụ cho phiền não, nước dụ cho Bồ-đề. Làm cho băng tan thành nước sẽ có lợi cho muôn loài.

81/. Một Niệm Chẳng Sanh Toàn Thể Hiện

Nguyệt đáo thiên tâm xứ
Phong lai thủy bất thức
Nhất cổ thanh dị vị
Lược đắc thiểu nhân tri

Cảnh giới nói trên chính là hình ảnh dụng công của người tu. Công phu tới độ có thể ví như mặt trăng chiếu giữa bầu trời, gió thổi ngay trên mặt nước, mà một chút sóng gợn cũng không có. Ðúng là một cảnh tượng vừa thanh tịnh vừa nhu hòa, một ý vị lạ, không mấy ai biết tới.

Dụng công mà tới được chỗ không ta, không người, không chúng sanh, không thọ giả, trong thì không cảm thấy thân tâm, ngoài không hay có thế giới, lúc đó mới lãnh hội được cái ý vị mầu nhiệm này. Có điều rất ít người biết, vì phải qua kinh nghiệm thể hội của chính mình mới biết được.

Tu đạo là tự mình tu cho mình, tự mình dụng công cho mình. Không phải tu cho người khác, không phải dụng công giùm người khác. Có câu rằng: “Việc sanh tử của chính mình, do chính mình giải quyết; tự mình ăn thì tự mình no.” Quý vị tu hành thì quý vị có thể liễu thoát sanh tử, bằng chẳng dụng công thì dĩ nhiên quý vị chẳng thể giải thoát sanh tử.

Chúng ta tu tập phải làm sao thành kẻ vô tâm, tức là trong không thân tâm, ngoài không thế giới, với hư không là cùng một thể. Ðó là lúc mà chấp nhân cũng không, và chấp pháp cũng không. Làm thế nào chứng được cảnh giới đó? Phải tu thiền. Tham thiền thì phải một dạ đinh ninh, tập trung tư tưởng, đầu óc không nghĩ lung tung, giống như mèo rình chuột, như gà ấp trứng, như rồng nuôi hạt châu, hết lòng giữ gìn, chú ý, chuyên tâm mới tới được đích.

Chúng ta tham câu: “Niệm Phật là ai?” Chữ “ai” chính là con chuột và chỗ ngồi tham này cũng chính là miệng lỗ chuột, do đó từng giây từng phút không được chểnh mảng. Nếu sơ hở để chuột chạy mất thì bắt làm sao được “ai?” Bởi vậy mới có câu nói: “Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện, sáu căn vừa động bị mây che.” Khi một niệm chẳng sanh thì toàn thể cái “đại dụng” hiện bầy, cái gốc trí huệ hiển lộ, nhưng một khi sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, dấy động thì chẳng khác gì trời đương quang đãng mà có mây kéo đến, che lấp mặt trời.

Khi một niệm chẳng sanh thì bên trong không thân tâm, bên ngoài không thế giới. Ngồi thiền trong cảnh giới này sẽ không còn hô hấp nữa tuy chẳng phải là đã chết. Ở bên ngoài không hô hấp nữa, nhưng bên trong, hô hấp vẫn còn hoạt động. Nếu khởi lên ý nghĩ rằng: “A! ta đã hết thở rồi!” thì tự nhiện sự hô hấp tiếp tục trở lại. Một niệm chẳng sanh, hô hấp ngừng lại, đó chính là chuyển pháp luân vô hình, hát khúc ca vô sanh vậy!

82/. Tu Ðạo Không Thể Sanh Tâm Sân

Trước đây có một vị tu định gọi là phi phi tưởng xứ định, ý muốn sanh lên tầng trời phi phi tưởng xứ. Ông ngồi tu bên bờ biển. Lúc sắp vào định ông nghe có tiếng động từ dưới nước phát lên. Ông ngó xuống thấy một con cá bơi lội dưới nước. Ông bèn tiếp tục việc tu, không để ý gì tới con cá. Tuy nhiên, dưới nước lại phát ra tiếng động ồn ào, liên miên không dứt. Ông mở mắt ra trông xuống, hóa ra lại vẫn con cá đó bơi đi bơi lại trước mặt ông. Một niệm bực tức nẩy sinh trong lòng, ông bèn nói với con cá: “Mày còn phá không cho ta nhập định, ta sẽ ăn thịt mày, nuốt trửng mày vào bụng đó!” Con cá nghe nói vậy, bèn bơi đi không dám trở lại nữa.

Vị tu hành nói trên vào trong định phi phi tưởng, và ngày sau sanh lên tầng trời phi phi tưởng xứ, hưởng phước dài trong tám vạn đại kiếp. Khi hết phước, vị này đọa xuống kiếp súc sanh, làm thân chim biển (ngư ưng), ngày ngày bắt cá ăn để sống, thỏa được nguyện của mình. Tới lúc Ðức Phật Thích Ca thành đạo, nhân Ngài giảng pháp độ cho loài chim biển, vị đó mới được giải thoát. Ðời sau, vị này làm người, theo Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán. Chiếu theo công án này, chúng ta thấy phàm người tu đạo phải tuyệt đối tránh tâm sân hận. Nếu không thận trọng, để tâm sân hận khởi lên, thì tương lai sẽ lãnh hậu quả. Chúng ta nên ghi nhớ để cảnh giác.

Pages: 1 2 3 4 5