Khai Thị
Quyển I
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành Talmage, California
31/. Si Ái Triền Miên
Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm.
Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh.
Quý-vị xem gốc cây nầy gồm có hai nhánh, song đôi hợp thành một, nhánh trên nhánh dưới kết hợp với nhau, quý-vị biết đó là gì không? Ðây là do vô lượng kiếp về trước có một đôi nam nữ thương yêu nhau rất sâu đậm. Hai người đó phát nguyện rằng: “Tại thiên, nguyện tác tỷ dực điểu.
Tại địa, nguyện vị liên lý chi.” Nghĩa là nếu sinh lên trời thì làm đôi uyên ương hai cánh liền nhau, nếu sinh dưới đất thì nguyện làm gốc cây liền cành. Ðôi nam nữ nầy rất chung tình, nên kết làm vợ chồng. Cả hai người có một sở thích giống nhau, đó là: ham tiền. Người đàn ông thì thí mạng để kiếm tiền, người đàn bà thì thích phung phí tiền, cho nên có qua có lại hết sức hợp tình hợp ý.
Tuy nhiên, bởi vì yêu nhau quá đậm đà nên tạo ra tội nghiệp cũng hết sức sâu dầy. Ðời đời kiếp kiếp sinh ra trầm luân, đọa lạc vào đường súc sanh, trở thành ngạ quỷ, cuối cùng đọa địa ngục. Ðến nay đôi vợ chồng nầy biến thành thảo mộc. Gốc cây nầy đáng lẽ gồm có hai nhánh, nhưng nó lại sinh trưởng cùng một chỗ, nên mãi mãi ràng buộc với nhau không xa lìa. Quý-vị thấy không, nhánh bên trái bao quanh lấy nhánh bên phải, nhánh bên phải cũng nhào sang ôm lấy nhánh bên trái, giống như đàn ông đàn bà hai người ôm nhau vậy. Ðó mới thấy rằng đôi nam nữ nầy tập khí ái tình si mê, hạ liệt bao kiếp rất sâu đậm. Ngày nay chúng thành loại thảo mộc mà cũng không bỏ được lòng si ái đó. Ở giữa hai gốc nầy có một cục đá, mà hai người nầy quý như châu báu. Cục đá đó là gì? Nguyên lai nó là trương mục ngân hàng của hai vị đó trong tiền kiếp.
Mấy năm trước có lần chúng tôi vào thành thuyết Pháp. Khi đi ngang qua bờ sông thấy gốc cây nầy, liền nhặt đem về. Quý-vị nhìn xem: đầu gốc cây nầy bị chặt đứt, rễ cũng bị chặt mất luôn, lộ ra hai nhánh rất khô cằn, song hai nhánh cây nầy vẫn triền miên ôm chặt lấy nhau. Quý-vị không thấy đó đáng thương xót sao?
Như vậy đủ thấy rằng tình yêu càng sâu đậm thì càng nguy hiểm. Ðây không phải là chuyện nói chơi nói giỡn đâu. Có người trong bụng nghĩ rằng: “Thầy ơi! Thầy nói Pháp này tôi không thể tin được, bởi vì nó không có chứng minh, không hợp lý. Ðại khái Thầy muốn dọa con nít, nói lời chiêm bao thôi.” Tin hay không là do quý-vị, tôi không có cách nào làm quý-vị tin được bởi vì đây là Pháp rất khó nói, khó thuyết. Người đã mê luyến ái thì dù mình có nói cách nào đi nữa họ vẫn không thức tỉnh, không chấp nhận được. Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm. Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh. Không phải người ta không biết lý ấy; biết nhưng cố phạm là vì chẳng cách gì dứt bỏ thói quen đã làm trong nhiều kiếp trước.
Tục ngữ Trung Hoa có câu rằng: “Khi tay đã cầm cây củi khô rồi, thì y khó chịu bỏ ra để đổi lấy cành hoa.” Ðó là muốn ví dụ những người luôn luôn chấp trước vào tình yêu. Nếu mình nói với họ rằng, hãy bỏ đi những thứ luyến ái đó để tu Ðạo là điều quý hơn, chắc chắn họ sẽ cố chấp không muốn quay đầu lại. Rằng:
Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo.
Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân.
Nghĩa là:
Trời mưa rưới nước khắp nơi,
song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc.
Cửa Phật tuy rộng thênh thang,
mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.
Tôi đã bảo tồn gốc cây nầy lâu năm rồi. Có nhiều người tôi không muốn cho họ thấy bởi vì có nói pháp nầy cho họ, họ cũng chẳng tin. Tôi phải chờ cho thời điểm chín mùi rồi tôi mới nói. Ngày 24 tháng 10, quý-vị từ khắp nơi xa xôi đến đây để triều bái, tôi đem gốc cây nầy ra Vạn Phật Ðiện. Tuy nhiên cho đến ba tuần sau tôi mới nói là vì nếu không nói thì e chẳng còn thời gian nữa; nên bất kể là quý-vị có tin hay không, tôi cứ kể nhân duyên của gốc cây nầy cho quý-vị nghe.
Giảng tối ngày 12 tháng 11, năm 1982
Tại Vạn Phật Thánh Thành
32/. Nỗi Bất Hạnh của Cửa Phật
Tới lúc chết rồi mà vẫn cho là bí mật, bí mật, bí mật… Mật đến chỗ rơi vào địa ngục vẫn còn mật.
Tôi vừa nói cho quý-vị nghe công án của gốc cây đó, quý-vị không tin cũng chẳng sao. Bây giờ chúng ta thảo luận đến vấn đề sau đây, tuyệt đối không thể không tin được.
Tại sao con người phải học Phật-pháp? Ðộng cơ tối thượng không ngoài ý muốn “ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử.” Song chẳng may nhiều người có chí thoát đường mê nhưng lại đi vào đường mê.
Theo Phật-giáo vì muốn thoát luân hồi nhưng bởi chẳng cẩn thận nên rất dễ rớt vào mê hồn trận. Nếu không biết khéo dùng trạch-pháp-nhãn, sáng suốt mà lựa Pháp, thì dễ bị những thứ tà tri tà kiến làm mê hoặc, rồi đi làm những việc không nên làm.
Thí dụ như muốn ly khổ đắc lạc, song lỡ xẩy chân rơi vào cửa địa ngục. Lại còn những chuyện tệ hại hơn nữa, tức là trong Phật-giáo Mật-tông có kẻ dạy phương pháp gọi là Song Tu Pháp. Họ nói chỉ cần niệm thần chú gì gì đó, trai, gái cùng nhau tu pháp “Hoan Hỷ Thiền.” Còn nói đó là pháp cao nhất, không những thỏa mãn được lòng dâm dục, mà còn có thể tức khắc thành Phật. Song, thành Phật đâu phải dễ dàng như vậy! Nếu không cắt đứt lòng dâm dục, mà thành Phật, thì rất là vô lý. Trong thiên hạ không có đạo lý nào như vậy cả.
Ðời nay, đa số con người đều tham tu cho mau cho chóng, thích đi đường tắt. Hễ nghe nói có phương pháp huyền diệu thì liền bị mê hoặc, rồi rớt vào lưới ma, tới lúc chết rồi mà vẫn cho là bí mật, bí mật, bí mật… mật đến chỗ rơi vào địa ngục vẫn còn mật.
33/. Kiếp Sau Muốn Làm “Liên-Thể-Anh”
Ðồng tính luyến ái là trái ngược lại với đạo lý trời đất; hoàn toàn sai với luân thường.
Ý kiến tôi vừa phát biểu không phải thái quá hay nguyền rủa ai đâu. Trong Phật-giáo thật sự có những hành vi bại hoại tổn đức như vậy. Do đó Phật-giáo mới không hưng thịnh được.
Chuyện nầy mình sẽ không bàn tới nữa, song còn vấn đề nghiêm trọng hơn, nó liên quan đến toàn nhân loại, không thể không đề cập tới. Ðó là chuyện đồng tính luyến ái càng ngày càng nhiều.
Cũng như ở Nữu Ước (New York) và Cựu Kim Sơn (San Francisco) có tới hơn mười vạn kẻ đồng tính luyến ái. Thậm chí có nhiều nhà chức trách công khai nhận rằng mình là đồng tính luyến ái và tán thành chuyện này; lại còn hô hào xã hội chấp nhận sự kết hôn giữa những kẻ đồng tính luyến ái ấy. Chúng ta phải biết rằng đồng tính luyến ái là trái ngược lại lý tự nhiên, ngược lại với luân thường đạo lý. Trào lưu nầy là do yêu ma quỷ quái khơi động; như châm dầu vào lửa, khiến con người sớm đọa địa ngục.
Vừa rồi tôi nói tới sự yêu đương ngu si của nam nữ, họ thề rằng: “Tại thiên, nguyện tác tỷ dực điểu. Tại địa, nguyện vi liên lý chi.” Nghĩa là trên trời thì nguyện làm đôi uyên ương. Dưới đất thì nguyện làm cây liền cành. Trai gái kết hôn là chuyện thông thường, nên cổ nhân có câu: “Nam nữ chi sự nhân chi đại luân” nghĩa rằng chuyện nam nữ là chuyện luân thường của loài người. Nếu mình muốn đi thuận với con đường sinh tử thì mình kết hôn, sinh con, điều đó chẳng đi ngược lại với trời đất. Song nếu mình đồng tính luyến ái là trái ngược lại với đạo lý trời đất; hoàn toàn sai với luân thường. Quả báo là mình sẽ sinh ra làm liên-thể-anh, hai đứa trẻ sinh ra tay chân dính liền nhau. Hiện tại trên thế giới xuất hiện rất nhiều đứa trẻ như vậy. Trong tương lai không xa sẽ còn xuất hiện nhiều thú vật thân thể dính liền như thế. Bởi vì những người nầy đã làm chuyện yêu quái, những chuyện thấp hèn, hạ tiện, cho nên sẽ đọa làm súc vật.
Do đó nếu quý-vị chưa học Phật, nên ở ngoài đời không giữ qui củ, làm bừa bãi, thì không có gì lạ. Còn nếu quý-vị học Phật rồi, thì cần phải hiểu sâu xa đạo lý nhân quả, đừng phạm tội lỗi. Phải hết sức cẩn thận, thật cẩn thận.
34/. Tham Thiền Trước Nhất Cần Xây Nền Tảng
Nền không vững, nhà sẽ lung lay,
Gió thổi thì ngã, mưa to liền sập.
Người học Phật có kẻ thích tham thiền, có người thích học Kinh, thuyết Pháp, nghiên cứu Luật Tông, Mật-tông hay Tịnh-độ Tông. Bất luận là thích tông phái nào, quý-vị cần kiên tâm trì chí, dụng công tu hành thì mới thành tựu.
Nếu không chuyên tâm nhất chí thì học gì cũng như không. Mình tham thiền hai ngày rưỡi lại nghĩ muốn niệm Phật, niệm Phật nửa ngày lại muốn học Luật, học Luật chưa bao lâu lại muốn học Mật; mục tiêu rối loạn không chuyên nhất được. Tại sao mình không thể chuyên nhất? Tại vì mình còn hướng ngoại truy cầu. Chân đạp hai chiếc thuyền cùng một lúc, không biết đi lên Giang Bắc tốt hay đi xuống Giang Nam hay? Vì vậy, cả một đời vẫn cứ lầm lẫn.
Vì thế tham thiền lúc nào cũng phải tinh tấn, một giây cũng không được làm biếng, tham cho tới lúc:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Nghĩa là:
Núi cùng, sông bặt, tưởng hết đường,
Tàng liễu, hoa giăng, hiện thôn trang.
Tức là mình sẽ thấy một bầu trời khác, sẽ thấy được sự diệu thú thiên nhiên vô cùng. Nhưng mình cần phải tham thiền đến cực điểm, đến chỗ “đăng phong tạo cực” nghĩa là lên tới đỉnh cao nhất, đạt tới chỗ tột bực thì mới có một chút hy vọng; nhưng hy vọng đó cũng không nhiều lắm. Tuy có một chút hy vọng nhưng mình cũng đừng chấp đắm vào hy vọng đó. Nếu không mình sẽ tạo thêm sự phiền toái, tức là chấp vào cái không có ý nghĩa gì cả. Tham thiền là phải chân thật mà dụng công.
Trước hết cả mình phải biết luyện cho chân biết nghe lời, không làm loạn cũng không làm đau.
Làm thế nào để chân không còn đau nữa? Có thần chú nào niệm cho chân hết đau? Hoặc giả là mình phải uống thứ thuốc gì đó thì chân sẽ bớt đau. Không phải thế đâu! Mình cần phải trải qua cơn đau nhức đó một thời gian, dần dần chân mình mới chịu nghe lời mà hết đau. Nếu mình không nhẫn nại được cái đau, vừa mới đau lại đổi chân, thì cái chân vĩnh viễn sẽ không bao giờ chịu nghe lời mình; bởi vì mình đã chìu chuộng nó quá mức. Khi chân đau mình phải dọa nó như dọa con nít. Nếu cha mẹ thương không cho con chịu khổ, thì tương lai những đứa đó không cách gì chịu đựng được khổ. Cái chân cũng như con nít vậy, mình sợ nó đau nhức thì lúc nào nó cũng đau nhức. Lúc chân đau tất nhiên mình thấy đau, lúc chân không đau, mình cũng thấy nhức nhối là bởi vì mình đã tập cho nó có một thói quen xấu.
Mình phải luyện cho cái chân, cái lưng biết nghe mình; để chúng không còn đau không còn nhức; rồi thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều nghe lời mình cả, sáu căn nầy không còn chạy ra ngoài mà truy cầu nữa. Không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm cho xoay chuyển. Không bị lục căn, lục trần chuyển động thì đó chính là biết dụng công. Cho nên nói:
Nhãn quán hình sắc nội vô hữu.
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.
Nghĩa là:
Mắt thấy hình sắc nhưng lòng chẳng màng.
Tai nghe âm thanh song tâm chẳng biết.
Mình phải thường hồi quang phản chiếu. Ðừng truy cầu những điều bên ngoài, luôn luôn trụ vào pháp môn căn bản, tức là tham thoại đầu “Ai là người niệm Phật?” Tức là làm sao nắm được gốc, đừng chạy theo ngọn. Ðối với những vấn đề chi tiết nhỏ nhặt, đừng nên để tâm âu lo, như vậy thì từ từ sẽ hiểu thấu mọi sự.
Lúc tu thiền, khi chưa biết tập luyện làm sao để ngồi kiết già hay bán già cho thật vững vàng thì đừng nên ham học làm sao tham thiền. Bởi vì nền tảng chưa vững chắc cơ mà! Do đó, trước tiên phải xây nền tảng thiệt tốt rồi mới tham thiền.
Như tuần đầu tiên, mình phải san bằng mặt đất. Xây nhà, trước hết phải dọn sạch đất đai, đạp bằng nó ra.
Vào tuần thứ hai thì phải đặt móng. Xây móng cần tốn nhiều công phu; tức là mình phải tu hạnh nhẫn nại: chịu đau, chịu đói, chịu khát, chịu rét; bất kỳ hoàn cảnh gì mình cũng phải chịu đựng. Tuy đây là việc tốn công tốn sức, song nó là việc tất yếu phải làm. Ðất cần được đạp bằng, móng cần xây cho chắc thì nhà dựng lên mới kiên cố. Nếu gió thổi, nhà sập hay mưa tạt, nhà rã thì tức là móng đặt không chắc chắn, nền xây chẳng vững vàng vậy.
Ðến tuần thứ ba thì có thể dựng cột, trụ, bắt kèo, khung cột, mái chèo.
Qua tuần thứ tư, thì xây tường, bắt cửa, đóng cửa sổ, lợp ngói. Ðó là thứ tự xây nhà: Ta không thể “Cuốc một phát mà đào thành giếng” được. Không việc gì làm mà thành công tức khắc.
Tham thiền hay niệm Phật cũng vậy; học Giáo, tu Mật, tập Luật đều như vậy cả. Tức là phải hết sức chuyên tâm chú ý. Tâm phải thành khẩn, đừng tham muốn thứ cao siêu xa vời, đừng nghe người ta nói Mật-tông tốt, thì chạy theo Mật-tông. Ðừng dại mà mê muội, tới lúc chết vẫn không tỉnh ngộ. Không chấp nhận những bằng chứng trước mắt, thì thật là mình mê quá độ. Mật, mật rồi chẳng biết do đâu, bổng chết mất. Thật là bí mật. Do đó mật thì đúng là mê. (Hai chữ này, tiếng Tàu phát âm giống nhau) Ủ Hết sức mê muội.
Quý-vị học Phật cần phải nghiên cứu chân lý đừng nên nghe theo một cách mù quáng. Mình cần phải: “Thân cận hữu đức, viễn ly hương nhân.” Nghĩa rằng cần phải gần gũi những bậc đức độ và xa lánh những kẻ tà ác. Kẻ xấu ác là thứ chuyên lừa người. Người có đức độ thì không gạt ai cả. Kẻ vô đức thì luôn dùng những thủ đoạn xảo trá; thì làm sao có đức được. Chỉ có những ai không lừa bịp thì càng ngày công đức càng nhiều; lúc đó đức hạnh mới tồn tại được. Quý-vị phải quan sát và phán xét người khác ở khía cạnh nầy. Ðừng nhìn vẻ bên ngoài mà nói rằng: “Ôi! Tôi thấy anh chàng đó rất đức độ, thật là một vị thiện-tri-thức.” Thực ra chẳng xác thực, bởi vì quý-vị phải rõ thân thế anh chàng đó ra sao? Hiểu rõ thì mới đáng kể.
Trong thời mạt pháp con người đều phạm chứng bệnh thông thường là hay nói những chuyện xa vời, lấy lỗ tai thay cho con mắt, nghe người khác nói tốt là chạy theo liền. Chạy theo như vậy tốt xấu thế nào không cần biết, thậm chí bị người ta lừa mà vẫn chưa tỉnh ngộ. Học theo những điều mê tín tài sắc, phong thủy, bói toán, đều là những thứ hết sức đáng thương xót.
Hôm nay tôi đọc báo thấy ở tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa Ðại Lục, có sáu đứa trẻ, trốn ra biển tự sát để thành tiên. Ðó là lý do gì? Là bởi vì do những thứ tà thuyết làm mê hoặc lòng người. Họ nói rằng nếu ai làm ác thì thành quỷ, làm tốt thì thành thần, thành tiên. Thế nào là chuyện tốt? Là đừng có sợ chết. Bởi vì ở nơi thôn xóm xa xăm, nhiều đứa trẻ rất là chân thật, chất phát, nên nghe thế chúng tin ngay. Tin là người tốt thì không sợ chết, mà khi chết có thể thành tiên, nên sáu đứa trẻ nầy tự sát tập thể để mong thành tiên. Chúng nghĩ rằng “Hồi xưa có tám ông tiên, đại khái là do tự sát tập thể. Nay mình cần phải tự sát tập thể để thành sáu ông tiên, khỏi bị trôi trong lục đạo luân hồi.” Cho nên chúng tự sát tập thể để thành tiên.
Chúng nó có thể thành tiên hay không? Tôi có thể chứng minh rằng chúng chẳng thành tiên. Tại sao chúng chẳng thành tiên? Bởi vì chúng hết sức si mê. Người thành tiên rất thông minh chẳng ngu si. Chẳng vị tiên nào không hiểu chân lý, không biết phải trái đúng sai. Làm thế nào chúng đồng thời tự sát như thế để thành tiên? Nếu như thành tiên quá dễ dàng như vậy thì sao đại chúng không mau tự sát để thành tiên cho rồi. Ðây là chuyện không thể có được. Những người nhà quê đó hết sức là đáng thương. Ðui mù tin theo tà thuyết khiến bọn trẻ chết oan uổng. Ðây là chuyện thật đáng thương xót.
Bây giờ lại hỏi rằng vì sao mấy đứa nhỏ không sợ chết, lại muốn thành tiên? Là vì hoàn cảnh bức bách mà thành. Thấy rằng đời sống con người cũng không hơn gì cái chết. Làm người giống như khúc thịt biết đi thì có ý nghĩa gì đâu? Nên mới tìm đường giải thoát: cùng tự sát tập thể. Sáu đứa trẻ đó viết trên giấy chữ “Tử” ngàn lần như vậy. Ngày nào cũng viết chữ chết, chết, chết… Từ sáng đến chiều cứ nghĩ đến chữ chết. Bởi vậy những đứa trẻ nầy dại dột, bị chuyện mê tín dụ hoặc khiến quên mất hẳn mục tiêu lẫn phương hướng chính đáng.
Là Phật-tử, chúng ta không nên mê tín mà phải trừ mê tín. Thế nào là mê tín? Tức là hồ đồ, nghe theo những điều người ta nói mà không suy xét. Người ta nói gì mình cũng tin cả, tin một cách mơ hồ, nên gọi là mê tín. Mê tín chưa phải đáng sợ, đáng sợ nhất là tin cái điều mê, tin thứ ngoại đạo điên đảo. Có những người tự cho mình là thông minh, song điều chánh thì không tin mà gặp điều giả là tin ngay, đó là mê trong mê. Họ không nhận thức được chân lý, đem điều chân thật cho là giả dối, đem điều giả dối cho là chân thật. Cũng như sáu đứa trẻ đó, vốn muốn chết để thành tiên. Ðó là một phương pháp để lừa gạt người nhưng sáu đứa trẻ đó lại tin theo. Nếu dạy chúng rằng tu hành mới thành tiên, e rằng chúng nó chẳng tin. Bởi vậy trên thế giới rất nhiều kẻ đáng thương xót và vô số những chuyện đáng tiếc. Một lời khó diễn bày hết được.
Giảng tối ngày 28 tháng 11, năm 1982
35/. Quang Âm Thiên và Khoa Học
Khoa học vốn không hiện hữu. Bởi vì mình gọi nó là khoa học nên nó là khoa học.
Hỏi: Phật-giáo nói: “Thủy tổ của loài người từ Quang Âm Thiên tới.” Ðiều nầy phải chăng là mâu thuẩn với lý luận của khoa học? Ví như, khoa học có thuyết tiến hóa, nói rằng con người biến hóa từ trạng thái vi sinh vật tối sơ, trãi qua không biết bao nhiêu ức triệu kiếp, từ từ tiến hóa, cuối cùng mới biến thành khỉ rồi sau đó biến thành người. Ðiều này hợp với Phật lý chăng?
Ðáp: Con người từ Quang Âm Thiên lại; song không phải từ bảy ức triệu năm trước đâu, có lẽ cả bảy ức ức triệu năm trước họ đã hiện hữu ở đây rồi. Các vị trời ở Quang Âm Thiên tới nhân gian, không phải kẻ hoàn thiện gì mà họ đã mất trí huệ rồi. Vì sao? Thì cũng giống như khi mình đầu thai thác sanh vậy. Lúc ban sơ khi thế giới chưa có nhân loại, chưa được khai hóa, toàn là hỗn độn (như cái trứng gà vậy). Các vị trời bay tới thế giới này, đông như ruồi, nghĩ rằng ở đây có đồ ăn ngon lành lắm. Các vị ấy từ Quang Âm Thiên xuống, có lẽ đã du hành một thời gian rất lâu mới tới được địa cầu, hệt như hỏa tiển phóng lên không gian, bay vào quỷ đạo trãi qua thời gian nhiều năm mới tới đây. Các vị trời tới địa cầu chẳng có mục đích gì đặc biệt. Các vị ấy du hành, rồi lạc mất phương hướng, nên tới địa cầu hốt hoảng cả lên. Sau khi tới địa cầu thì họ không còn thông minh như khi ở trên trời nữa. Họ chỉ còn lại một thứ tánh giác tri mà thôi, không như lúc còn ở trên cõi trời. Cũng giống như con người vốn thông minh nhưng khi chết rồi đầu thai ra thành con nít thì quên hết chuyện quá khứ. Cũng giống như người bị đụng xe, hôn mê bất tỉnh, chẳng còn tri giác việc gì cả.
Tuy nói rằng họ từ Quang Âm Thiên xuống, song họ đã dần dà mất hết đức tánh và trí huệ sẵn có, chỉ còn lại một chút xíu tánh giác tri mà thôi. Tuy là từ trời xuống, song chỉ một số ít thôi, không ai biết là bao nhiêu. Không có lịch sử để tra khảo, thời gian cũng quá lâu xa, nên không cách gì kiểm chứng đặng.
Ðiều mình gọi là “khoa học,” thì cũng không có gì là khoa học. Ðây chỉ là một danh từ, mình đặt tên nó là “khoa học.” Kỳ thật, nó chỉ là một thứ lý luận, lý tánh. Lý luận ấy viên mãn hay chăng? Phải dựa vào kiến giải và năng lực hiểu biết của các bạn. Nhiều vị hiểu rộng lắm. Song có kẻ khác thì chưa học qua khoa học, không hiểu khoa học là gì. Phải chăng kẻ chưa học qua khoa học thì chẳng có khả năng lý luận? Không phải! Bất luận là học hay không, tự tánh mỗi người đều có khả năng lý luận. Chớ nói rằng học qua khoa học thì mới có khoa học (hiểu khoa học), chưa học qua khoa học thì không có khoa học (không hiểu khoa học). Cũng giống như Phật tánh, ai ai cũng sẵn có.
Khoa học chỉ là một bộ phận nhỏ nơi Phật tánh. Nó không phải là một thứ lý luận hoàn hảo nhất. Bạn nói rằng người ta nghiên cứu khoa học như thế như thế đó, và viết ra luận án như thế như thế đó; kỳ thật đó chỉ là một sự điên đảo chấp trước của con người. Giống như “gắn một cái đầu lên trên đầu mình” (làm việc chấp trước, vô ích, ngược đời). Không có việc gì cần, mà cố tìm việc lăng xăng. Lăng xăng bận rộn tìm kiếm mãi, thì chẳng tìm ra ất giáp gì cả. Dù là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu mãi, họ chẳng thể tới đặng chân chính kết luận.
Con người ta quá chấp trước vào khoa học, cho rằng nó là hay nhất. Kỳ thật mọi thứ đều có sẵn trong tự tánh của ta, không cần mình hướng ngoài tìm kiếm. Khi bạn tìm bên ngoài, bạn sẽ mãi mãi chẳng tìm ra. Bạn nói tìm ra nó rồi đúng là thứ thiệt; song nó chỉ là đồ giả mà thôi. Bởi vì cái chân thật thì không thể tìm ra hay nói đến. Khoa học vốn không hiện hữu (không có thực thể) bởi vì mình đặt tên nó là khoa học, nên gọi là khoa học.
Giảng ngày 28, tháng 11 năm 1982
36/. Tánh, Thức, Ý, Tâm
Không bị ngoại cảnh chi phối, đó chính là tu hành. Bị ngoại cảnh chuyển, tức là đọa lạc.
Hỏi: Tánh, thức, ý và tâm khác nhau như thế nào?
Ðáp: Như đứa con nít mới sinh ra đời rất là vô tư, không có quan niệm gì về mình, về chúng sinh, về thọ mạng, thì đó cũng ví như là “Tánh.” Khi đứa con nít biết được làm sao để bú sữa mẹ thì đó ví như là “Thức”. Sau khi uống sữa mẹ, lại biết mặc áo, không mặc áo thì cảm thấy lạnh, biết hổ thẹn; rồi cảm thấy đói, khát, lạnh, nóng, thì giai đoạn đó ví như là “Ý.” Cho tới khi lớn lên, lúc đó lại muốn cái này cái nọ, đó là có “Tâm” vậy. Ðây là bốn thứ tâm, nhưng cũng có thể nói là một, chúng nó hổ tương quan hệ không thể phân ly được, vì cùng một nhà. Tuy là bốn danh từ khác nhau nhưng bản tánh lại là một. “Nghiệp” là hậu quả căn bản mà chúng tạo nên.
Bây giờ nói rộng ra một chút, thế nào gọi là “Phật.” “Tánh” tức là Phật. Thế nào là Thần? “Thức” của mình tức là thần. “Ý” là tâm phân biệt và “Tâm” là sự suy nghĩ vọng tưởng. Bản “Tánh” thì lúc nào cũng quang minh sáng suốt, không có mình, không có người, không có rơi vào số lượng. Nhưng khi có “Thức” rồi thì rơi vào danh số, rớt vào phân biệt. “Ý” cũng là sự phân biệt, cũng gọi là thức thứ sáu. Thức nầy so ra thì rất vẩn đục. Ngược lại thức thứ bảy và thức thứ tám thì thanh tịnh một chút. Thức có tám loại: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý là sáu thức đầu, cộng thêm thức thứ bảy và thức thứ tám. Bản thân của thức thì không phải là tám cái mà vì trên mặt danh từ nên phải phân làm tám. Nhưng nói một cách tổng quát thì chỉ là một, một nhưng lại có tám cương vị khác nhau. Tuy có tám cương vị khác nhau nhưng vẫn do một thức chi phối khống chế. Tám mà một, một mà tám. Tám không ngại một, một không ngại tám. Từ nơi một sinh ra tám, từ nơi tám thâu hồi thành một, đó gọi là thức.
“Ý” tức là tâm phân biệt của mình, tức là thức thứ sáu. “Tâm” không những phân biệt mà đầy dẫy vọng tưởng. Trong sáu thức đầu có thể nói là loại có tánh tri giác, là do nơi lục căn phát sáu thứ tri giác đó. Sáu căn tức là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý; phát xuất ra thấy (thị giác), nghe (thính giác), ngửi (khứu giác), nếm (vị giác), sờ (xúc giác), hiểu (tri giác). Con người tạo tội nghiệp là ở nơi sáu căn đó, tu hành cũng từ nơi sáu căn này. Nếu không bị ngoại cảnh chi phối thì đó chính là tu hành. Nếu bị cảnh giới bên ngoài làm cho xoay chuyển thì tức là đọa lạc.
37/. Thật Ðau Lòng Cho Nền Giáo Dục Hiện Tại
Luôn luôn y theo tinh thần đại công vô tư,
Quang minh lỗi lạc, với tinh thần vô úy.
Ngày nay nền giáo dục trong rất nhiều nước đang bị suy sụp. Tuy nhiên vẫn có một số người phấn tấn nổ lực mong cứu vãn cơn nguy trầm luân đạo đức. Việc làm của kẻ phấn tấn nổ lực so với kẻ đọa lạc giống như tạt một ly nước để dập tắt căn nhà đang cháy lớn. Nguyên nhân vì sao nền giáo dục sụp đổ như vậy? Ðó là do con người, những vị nhân sĩ trong nền giáo dục không chịu cải thiện, không biết cầu tiến. Tuy thấy học sinh càng ngày càng đọa lạc, giết người, phóng hỏa, cướp giựt, hút ma túy, nhưng họ coi những chuyện này như không. Thậm chí còn công khai cổ vỏ học sinh hút ma túy, phá thai, tự do phóng túng, mặt tình dùng thuốc ngừa thai v. v… Những hành vi tồi tệ ấy chỉ làm ý chí học sinh lụn bại, lương tri tiêu tán.
Tuy nhiên một số nhà giáo dục vẫn còn có tâm tận tụy; hết sức hô hào để cứu vãn sự trầm luân đó; vì thanh niên mà vun đắp lại cơ sở tốt đẹp. Nhưng phần đông kẻ làm giáo dục thì tâm lý tối tăm, cổ xúy những chuyện dâm dục, bại hoại luân lý, tổn thương thuần phong, khiến chí nguyện của thanh niên, những bậc anh hùng, hiền tài, bị sụp đổ, thiện căn giảm sút, đứt đoạn. Trước khi khai phát trí huệ chân chính, họ đã học toàn những thứ điên đảo xằng bậy.
Có những nhà giáo dục, thậm chí hô hào cải tạo nhân tâm. Nhưng những kẻ đó là giặc ở trong làng đạo đức. Bởi vì họ dùng thứ văn chương bại hoại để che đậy những thứ xấu xa; cực lực phản đối nền giáo dục chân chính là nền giáo dục có tính cách xây dựng. Họ giống như những kẻ đui mê hoặc những kẻ vô tri. Những điều này làm cho người ta đau khổ và lo lắng.
Những nhân sĩ phục vụ trong nền giáo dục, phải luôn luôn y theo tinh thần đại công vô tư, quang minh lỗi lạc, có tinh thần vô úy để gây dựng lên tầng lớp thanh niên biết làm chủ tương lai. Ðược vậy thì mình sẽ không xấu hổ với lương tâm, không hổ thẹn làm thầy kẻ khác. Nếu quý-vị không sửa đổi những lỗi lầm đó, đầy dẫy những tà tri, tà kiến, những hiểu biết sai lầm, những sự đố kỵ chướng ngại, chỉ muốn cầu danh mong lợi, đè người khác xuống để mình đứng lên trên, luôn luôn có hành vi hư ngụy lừa dối, thì nền giáo dục vĩnh viễn không chấn hưng được. Những bậc anh tài sẽ bị mai một, tiền đồ của quốc gia cũng sẽ rất nguy hiểm. Hy vọng các nhà giáo dục hô hào để thanh niên chú ý. Luôn luôn tìm phương kế để cứu vãn tầng lớp thanh niên, để họ khỏi phải rơi vào con đường bế tắc, rồi đọa lạc. Ðược vậy thật là diễm phúc cho xã hội quốc gia lắm.
Giảng tháng 12 năm 1982
38/. Tham Thiền Cần Có Con Mắt Biết Chọn Pháp
Nếu không nhận thức được pháp môn chân chính, thì có thể đi vào con đường tà đạo.
Người học Phật-pháp cần phải có Trạch-pháp-nhãn, tức là con mắt biết chọn Pháp; biết cái nào là Pháp, cái nào không phải Pháp; cái nào đen, cái nào trắng, cái nào thiện, cái nào ác. Phải nhớ đừng nhận lầm cái giả là thiệt, đen cho là trắng, trắng cho là đen, hoặc lấy thiện làm ác, lấy ác làm thiện. Ðó đều là điên đảo. Khi mình muốn nhận thức những Pháp như vậy, cần phải có con mắt gọi là Trạch-pháp-nhãn.
Trước tiên hãy rũ bỏ ngã tướng. Nếu có ngã tướng thì sẽ sinh ra đủ thứ chướng ngại, cũng không có trí huệ nữa. Có ngã tướng thì tự sinh ra tâm ích kỷ, rồi tiếp theo đó sinh ra tâm tư lợi, tâm truy cầu, tâm tham lam. Khi cầu không được, tham không xong, thì lại sinh ra tâm đấu tranh, cùng người tranh cường luận thắng.
Nếu như không có “ngã tướng,” thì có cái gì gọi là “ngã”? Ai là cái ngã? Cái ngã này là ai? Quý-vị suy nghĩ, tham nó. Như tham câu “Niệm Phật là Ai?” Câu “Niệm Phật là Ai?” nầy là tham chớ không phải để niệm. Nếu mình niệm tới niệm lui thì vô ích, mình phải tham nó. Tham thì tựa như lấy cái dùi đục mà dùi; dùi mãi tới lúc nào đâm thủng nó được thì tức là mình triệt ngộ.
Nhất thời bất minh bạch, nhất thời đô yếu tham;
Thời thời bất minh bạch, thời thời đô yếu tham.
Nghĩa là:
Lúc nào chưa hiểu rõ, lúc đó cần phải tham.
Mọi lúc chưa hiểu rõ, mọi lúc cần phải tham.
Tham thiền cũng không phải đoán mò, nếu như mình cứ đoán rằng “Tôi niệm Phật à? Anh niệm Phật? Người đó niệm Phật? Ai niệm Phật?” Ðoán tới đoán lui đều đoán không đúng. Mình cần phải tìm ra “Ai.” Chữ “Ai” nầy chính là Kim-cang-vương Bảo-kiếm, tức là lưỡi kiếm trí huệ. Nếu dùng lưỡi kiếm trí huệ nầy mà chặt đứt hết các vọng tưởng khác, thì trí huệ tự nhiên hiện tiền.
Nếu không nhận thức, không hiểu rõ pháp-môn tham-thiền, mà cho rằng pháp-môn nầy cũng giống như pháp-môn niệm Phật, nghĩ rằng niệm càng nhiều càng tốt (thay vì tham) thì đó là điều hết sức là sai lầm. Không cần niệm cho nhiều, chỉ cần kéo hơi cho dài, tham cho nhiều, mấy giờ đồng hồ cũng được. Thậm chí tham đến tám vạn đại kiếp cũng không gián đoạn, thì đó mới là chân chính tham thiền.
Tại sao phải tham câu “Niệm Phật là Ai?” Chữ “Ai” nầy cũng là đã nhiều lời. Nhưng vì chúng ta giống như con khỉ, lúc nào cũng muốn tìm cái nầy cái nọ để làm. Do đó chữ “Ai” để mình đi tìm, thì vọng tưởng mới hết. Nghĩa là dùng chữ “Ai” nầy giống như lấy độc trị độc. Tham thiền tức là quét sạch bụi (vọng tưởng). Khi mình không còn vọng tưởng thì mới đúng là “thời thời thường phất thức.” Nghĩa là lúc nào cũng quét sạch. Tại sao cần phải quét bụi? Bởi vì không muốn cho tâm bám đầy bụi, mình muốn “quét sạch tất cả mọi Pháp, xa rời tất cả mọi tướng.” Ðó là pháp-môn tham thiền.
Nếu mình không có con mắt chọn Pháp, không hiểu biết được chân pháp, thì mình không biết thế nào là tham thiền. Không biết tham thiền thì chỉ phí công lao tu tập. Nếu không nhận thức được pháp môn chân chính thì có thể đi vào con đường tà đạo, nên Trạch-pháp-nhãn, con mắt biết chọn pháp, rất quan trọng.
Giảng tối ngày 4 tháng 12 năm 1982
tại Vạn Phật Thánh Thành
39/. Ðắc Nhất Vạn Sự Tất
Ai hiểu được số không này, thì người đó có thể tu hành chứng quả.
Chư Pháp tùng duyên sinh,
Chư Pháp tùng duyên diệt.
Ngã Phật Ðại Sa-Môn,
Thường tác như thị thuyết.
Nghĩa là:
Các Pháp do duyên sinh,
Các Pháp do duyên diệt.
Ðức Phật Ðại Sa-Môn,
Thường nói lý như vậy.
Tất cả mọi Pháp đều do nhân duyên sinh ra, rồi cũng do nhân duyên tiêu diệt. Ðó là đạo lý luân hồi, cũng là đạo lý: “Vật cực tắc phản, bỉ cực thái lai.” Nghĩa rằng vạn vật hễ biến thiên đến cực điểm phía nầy rồi thì sẽ quay đầu để tới cực điểm phía kia. Khi bế tắc cùng cực thì rồi sẽ hanh thông. Ðó là Pháp tương đối trên thế gian nầy vậy.
Pháp tương đối ví như sự tốt đẹp đến cực điểm rồi sẽ biến thành xấu, xấu đến cực điểm lại biến thành tốt. Cũng như con người sinh ra là điều tốt, nhưng khi chết đi lại là điều xấu, điều hủy hoại. Sinh, trụ, dị, diệt; sinh xong rồi sẽ trụ, trụ rồi sẽ biến dị, biến dị rồi sẽ hủy diệt. Sinh, lão, bệnh, tử cũng đồng đạo lý như vậy; sinh ra rồi từ từ sẽ già, già rồi có bịnh, bịnh rồi sẽ chết. Ðó là thứ pháp nhân duyên. Con người ai cũng sống, thích sống, và ai cũng phải chết, nhưng lại sợ chết. Nếu mình không thích sống mà cũng không sợ chết, thì đó là một loại định lực. Như người ta thường hay sợ quỷ, nhưng tại sao lại sợ? Bởi vì quỷ thì xấu xa hung ác, có thể hại người và làm chết người. Cho nên, người ta đều sợ quỷ, đó là hiện tượng sợ chết mà thôi. Nếu như mình không sợ chết, thì mình không sợ bất cứ cái gì. Bất luận là quỷ thần, yêu ma, quái vật, mình cũng không sợ; không gì làm cho mình sợ cả. Còn sự sợ hãi là còn chưa có định lực. Hết mọi sự sợ hãi thì đó mới là chánh định, chánh thọ, mới có định lực. Có định lực thì con người mới:
Túng ngộ phong đao thường đản đản,
Giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn.
Nghĩa là:
Ðứng trước mũi kiếm vẫn ngang nhiên,
Dù ép độc dược cũng bình thường.
Ý rằng nếu có người đem dao tới chặt đầu mình, hoặc là dùng độc dược để giết hại, mình cũng không lo sợ, trong tâm không hề giao động. Ðó là vì sao? Vì mình đã thoát khỏi sinh tử “Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” Nghĩa là “xong xuôi những việc cần làm, từ đây chẳng phải đầu thai làm gì.” Cho nên nói nếu được “một” thì mọi sự đều xong.
Nhưng được “một” đây cũng vẫn chưa hẳn là đủ, phải làm cho “một” nầy trở về bản nguyên của nó: trở về số không. Số không là đạo lý rất linh diệu, khó có thể diễn bày được. Ai hiểu được số không này, thì người đó có thể tu hành chứng quả. Làm sao để hiểu số không nầy? Trước hết phải hiểu số một. Bởi vì “Ðắc nhất vạn sự tất,” nghĩa là được một thì vạn sự đều xong. Cái một này xa rời ngôn ngữ, văn tự, ra khỏi tâm sở duyên, quét sạch tất cả Pháp, xa rời tất cả tướng. Lại nói rằng: “Nhất pháp bất lập, vạn sự giai không.” Nghĩa là chẳng lập một pháp gì, mọi sự thảy đều không. Quý vị muốn tới cảnh giới và đạo lý này, thì trước hết phải tới “một,” quý vị đừng coi thường số “một” này.
Thiên đắc nhất dĩ thanh,
Ðịa đắc nhất dĩ ninh,
Nhân đắc nhất dĩ thánh.
Nghĩa là:
Trời được “Một” nên trong,
Ðất được “Một” nên yên,
Người được “Một” thành Thánh.
Tại sao trời che phủ được vạn vật? Là vì trời được số “một” này. Tại sao mặt đất làm chỗ dựa cho vạn vật? Là vì đất được số “một” này. Nếu như đất mất số một thì đất sập, núi băng, động đất, nước biển nổi trào, đủ thứ tai họa phát sinh. Nếu nơi nào mất số “một” này, thì nơi đó sẽ sinh ra đủ thứ tai họa. Nếu số “một” này không mất thì mọi nơi trên mặt đất đều bình an.
“Nhân đắc nhất dĩ thánh.” Nếu con người thật sự tới được số “một” này thì có thể ra khỏi luân hồi, chứng thánh quả, khai trí huệ. Bởi vì con người mất số “một” nên kẹt trong luân hồi, xoay chuyển trong lục đạo, chịu đủ thứ phiền não vô minh. Tám vạn bốn ngàn phiền não đều do mất số “một” này mà sinh ra. Muốn về lại “một” thì trước tiên phải biến phiền não thành Bồ-đề, biến sinh tử thành Niết-bàn; dễ như trở bàn tay vậy, không khó khăn lắm đâu! Song vì lẽ gì ta chẳng biến phiền não sinh tử thành Bồ-đề Niết-bàn được? Bởi vì do mình đã mất đi số “một” này, và chạy tới số hai, ba, rồi đến số mười, từ số mười tới số một trăm, rồi vô tận; nên trăm ngàn vạn ức thứ phiền não mới sinh ra. Bởi thế số “một” này rất quan trọng. Tuy nhiên, bởi vì mình đã mất số “một” này, muốn trở về nó không phải là dễ. Từ số “một” mà muốn phản bổn hoàn nguyên, trở lại số không thì lại càng khó khăn hơn nữa.
Tôi nói cho quý-vị một ví dụ đơn giản khác. Lúc nào gọi là “một”? Còn lúc nào gọi là “không?” Ðối với con gái, từ một tới mười bốn tuổi, đối với con trai từ một tới mười hai tuổi, trong giai đoạn đó, chưa mất đi số “một.” Thời gian nào là số “không?” Từ lúc nhập thai cho đến lúc sinh ra, đó là giai đoạn mình ở trong số “không.” Lúc đó thì tất cả những thứ phiền não vọng tưởng, tham, sân, si đều không có. Cho tới lúc biết ăn, đói rồi sinh lòng tham ăn, giận dữ, ngu si bắt đầu phát sinh; nhưng lúc nầy cũng chưa mất đi số “một,” đây chính là khởi đầu cuộc sống làm người. Từ số “không” biến thành “một,” thì số “một” này vẫn còn là số rất hoàn chỉnh, vì nó là sự bắt đầu của mọi sự. Cho tới khi trải qua những diễn biến trong đời, những thứ khác sẽ cộng thêm vào số “một” này, để biến thành hai, hai thành ba, ba thành bốn, và cứ thế tăng lên, càng tăng thì gánh nặng càng lớn, và con người càng trở nên ngu si hơn.
Tánh tức là số “không,” số “không” cũng tức là tánh. “Không” tánh có nghĩa là chẳng có gì cả, chính là:
Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?
Nghĩa là:
Xưa nay chẳng có vật gì, thì sao có chỗ bụi trần bám vô.
Tu hành cần phải tu đến chỗ “hồ tôn xích tử,” nghĩa là tâm như đứa con nít, tâm không có bất cứ điều gì. Giống như đứa con nít vậy, tức là phản lão hoàn đồng. Song, phản lão hoàn đồng không phải là nói rằng mình đi uống sữa, mà chính là muốn mình không còn tham, sân, si, mạn, nghi. Ðây mới gọi là phản bổn hoàn nguyên; chẳng khác gì với tri kiến của đứa con nít, rất là thiên chân, không tà lự, không một chút giải đãi lười biếng, cũng không có tâm tham tiện nghi, hoặc là tâm thị phi. Ðó chính là “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai” vậy.
Tu Ðạo mình cần hiểu rõ đạo lý này thì mới có thể chân chính giác ngộ. Tại sao mình phải nghe giảng kinh? Bởi vì mình muốn phản bổn hoàn nguyên. Tại sao lại muốn tu hành? Cũng vì muốn phản bổn hoàn nguyên, quét sạch mọi vẫn đục trong tâm. Chớ dụng công nơi nhân ngã thị phi. Nếu có ai nói câu gì trái ý thì mình thấy khó chịu, không vui. Ðụng một sợi tóc, mình cũng hết sức đau đớn khó chịu. Nhỏ một giọt mồ hôi để làm lợi cho thiên hạ thì cũng chẳng chịu làm. Ðó đều là tinh thần hết sức ích kỷ, không thể tu Ðạo được.
Người tu Ðạo cần phải vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả (không thấy có mình, không thấy có người, không thấy có chúng sinh, không thấy có thọ mạng). Vô ngã không có nghĩa là mình không làm mà kêu kẻ khác làm giùm mình. Vô nhân không có nghĩa là tới lúc ăn uống lại nói: “ồ! Vì vô nhân, tôi ăn thêm một chút cũng chẳng can gì, tức là không có ai khác.” Cho dù lúc nầy mình không còn nhân tướng (chẳng thấy có kẻ khác) đi nữa, nhưng kẻ khác vẫn còn nhân tướng kia mà. Lúc tranh chấp, đánh lộn, thì lại “vô chúng sanh tướng.” Hoặc lúc ăn thịt thì lại “Vô thọ giả tướng.” Tức là miếng thịt không có thọ mạng. Tất cả đều là kiến giải sai lầm. Như vậy thì nên làm thế nào?
Thế nào là kiến giải đúng:
1. Vô Ngã Tướng (không thấy có mình): Tức là không cống cao ngã mạn, không tính toán lợi lộc cho mình.
2. Vô Nhân Tướng (không thấy có người): Nghĩa là mình không chướng ngại, không làm chuyện bất lợi cho kẻ khác.
3. Vô Chúng Sinh Tướng (không thấy có chúng sinh): Nghĩa là coi vạn vật đều đồng một thể với chính mình.
4. Vô Thọ Giả Tướng (không thấy có thọ mạng): Mọi chúng sinh có quyền sống, bởi thế chúng ta không thể đoạt hoặc giết hại bất kỳ sinh mạng nào kể cả người và động vật.
Do đó, khi tu Ðạo, bất kỳ lúc nào, đừng vì mình mà mong cầu, đừng vì mình mà tính toán. Hãy luôn nghĩ đến kẻ khác.
Giảng ngày 5 tháng 12, năm 1982
Tại Vạn Phật Thánh Thành
40/. Lục Ðại Tông Chỉ Tức là Ngũ Giới
Lúc dụng công, phải biết đề khởi, phải biết buông bỏ, làm chuyện gì phải ra chuyện đó.
Người thích niệm Phật thì tham gia Phật-thất, người thích tham thiền thì tham gia Thiền-thất. Người không thích niệm Phật cũng chẳng thích tham thiền, thì có thể tham gia “thất làm biếng” hoặc là “thất ngủ khò.” Thất làm biếng hay thất ngủ khò nghe có vẻ mới lạ nhưng thực sự nó hết sức là có lý.
“Thất làm biếng”: Dù bạn biếng nhác không thể làm biếng được. Tuy bạn không làm gì cả, nhưng trong tâm lúc nào cũng có chuyện làm, đó là nghĩ vẩn vơ, vọng tưởng. Lúc thì trên trời, khi thì dưới đất, lúc làm ác quỷ, khi đọa địa ngục, lúc làm người, khi làm trời. Ở nơi cái tâm mà chế tạo ra đủ thứ máy móc vật liệu trong lục đạo luân hồi. Khi cơ quan nầy đã phát động rồi, thì chuyển tới chuyển lui, muốn làm biếng cũng chỉ lãng phí sức lực và tinh thần mà thôi. Từ đó mình càng thêm mệt mõi, càng lười biếng hơn rồi cảm thấy mọi việc chẳng có ý nghĩa, không có mùi vị gì cả.
Còn “thất ngủ khò” thì sao? Ngủ song đầu óc lại mộng mị. Có lúc mộng phát tài giàu có, có lúc mộng nghèo cùng khốn khổ, có lúc mộng làm quan, có lúc mộng đi xin ăn, có lúc mộng thấy cọp hoặc rắn độc. Vì mộng nên ngủ cũng không an lạc, muốn đả thất ngủ khò cũng không xong.
Vì mình không biết dụng công, nên bất luận làm gì cũng không tốt. Người biết dụng công thì làm gì cũng tốt, tham thiền hay niệm Phật đều tốt, ngay cả làm biếng hay ngủ nghỉ, người đó cũng dụng công được.
Ở Vạn Phật Thánh Thành có năm tông phái: Thiền, Giáo, Mật, Tịnh, và Luật. Quý-vị muốn tu pháp môn nào cũng được, cứ tự do lựa chọn đừng ngại. Nếu muốn làm biếng, muốn ngủ cũng được. Vì do làm biếng mà mình không đi ăn cắp, đó là trì giới. Tuy ngủ mà mình không đi giết người, không sát sinh, thì đó cũng là trì giới. Niệm Phật, Tham-thiền, hoặc là học Giáo, tập Luật hay tu Mật-tông đều là trì giới cả. Do thế khi mình học năm giáo phái, chính là mình đang trì Ngũ-giới: Không sát sinh, không ăn cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu. Dụng công tức là không phạm giới. Tuy bên ngoài mình không biểu hiện là có hành trì giới luật (kẻ khác tuy không thấy mình trì giới), thật ra trì mà không có hình tướng trì. Mình chẳng cần dùng danh từ trì giới để hình dung khi đang giữ giới; lối dụng công như vậy rất tốt.
Bởi vì lý do đó, nên ở Vạn Phật Thánh Thành quý-vị được tự do lựa chọn pháp môn tu hành, không ai quản thúc mình cả. Bởi vì quốc gia nầy là quốc gia dân chủ, nên đạo tràng nầy càng phải thực hành chủ nghĩa dân chủ, và tự do cá nhân. Vì vậy đã nhiều ngày qua quý-vị muốn dụng công tu pháp gì đều được cả, chỉ cần chuyên tâm tu hành, làm chuyện gì phải ra chuyện đó, làm gì phải làm cho tốt, chuyên tâm chú ý là đủ.
Lại nữa, Vạn Phật Thánh Thành có Sáu Ðại Tông-chỉ:
1. Không Tranh: Nếu không tranh sẽ không dẫn đến sát sanh. Sát sanh là do tâm tranh hiện lên tác quái. Khi tranh thì chỉ muốn mình thắng, đối phương thua, dù có chết hại vô số.
2. Không Tham: Không tham thì sẽ không trộm cắp. Tại sao lại đi ăn cắp đồ của người khác? Là bởi mình có tâm tham lam. Nếu bạn không có tâm tham lam, thì có kẻ tặng, bạn cũng không lấy. Lòng tham mà trừ thì nhất định không phạm tội ăn cắp.
3. Không Truy Cầu: Không truy cầu thì sẽ không khởi ý niệm dâm dục. Dâm dục là do mình có mong cầu. Con gái mong con trai, con trai mong cầu bạn gái, đó là thứ truy cầu kẻ đối phương. Không những chỉ cầu thôi mà còn truy, theo đuổi nữa, giống như cái khoan, cứ nhắm về phía trước mà khoan. Nếu không có sở cầu, thì làm sao còn ý niệm tà dâm? Một chàng trai tuấn tú, một cô gái xinh xắn bất quá chỉ là hai bị thịt hôi hám mà thôi. Tại sao tham luyến chứ? Nếu không có sở cầu thì mình không sao phạm giới dâm này.
4. Không ích Kỷ: Không ích kỷ sẽ giúp mình chẳng nói láo. Người ta nói dối vì sợ mất đi lợi ích riêng mình, nên tâm ích kỷ mới tác quái. Rồi mình mới đi lừa người khác, nói lời dối trá, muốn người khác không biết được bộ mặt thật của mình.
5. Không Tư Lợi: Không tư lợi sẽ giúp mình không phạm tửu giới. Con người vì sao uống rượu? Là vì muốn hưởng thụ, muốn thân thể mình sung sướng. Nhưng sung sướng làm tâm mình mê loạn khủng hoảng; cứ tưởng rằng đã trở thành thần tiên, tiêu dao trên trời vậy. Khi đã say rượu thì lại chửi rủa người khác, muốn làm gì thì làm, tăng trưởng thêm lòng dâm dục. Có người muốn đem rượu lại trợ cho huyết khí được lưu thông sảng khoái. Nhưng uống rồi thì mọi sự đều quên hết. Cũng đồng một loại với hút thuốc phiện, xì ke, ma túy. Ðó đều do tâm tự lợi hoành hành; cho nên mới đi uống rượu.
6. Không Vọng Ngữ:
Như vậy, Lục Ðại Tông-chỉ chính là Ngũ-giới. Tại sao không nói Ngũ-giới? Là vì danh từ Ngũ-giới nghe quen rồi, nên khi nghe không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu thì người ta thường nói: “Tôi biết rồi, bạn nói mãi lời nầy làm chi?” Bởi vậy nên đổi thành: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối.
Những danh từ này ai ai cũng nghe qua, cũng đã biết rồi. Nhưng rất ít người thật sự thực hành chúng, vậy tôi lại nhắc lại rằng:
Không tranh, tức là không sát sinh;
Không tham, tức là không trộm cắp;
Không cầu, tức là không dâm dục;
Không ích kỷ, tức là không vọng ngữ;
Không tự lợi, tức là không uống rượu.
Giảng ngày 5 tháng 12, năm 1982
Tại Vạn Phật Thánh Thành.