TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP IV
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XXXVI

Thạch Sanh niệm Phật vào tam muội
Ni cô kể lại chuyện tiền duyên

Cùng đêm hôm đó, khoảng canh hai, trời đã tạnh mưa từ lâu. Thạch Sanh ngồi dưới một cội cây, gần chỗ Loa Ke đương nằm ngủ và ngáy pho pho.

Một bồi lâu, chàng ngồi nghe tiếng ngáy đều đều của vị Tóc loe… rồi bắt đầu miên man niệm câu hồng danh của Đức Phù Đồ, chìm đắm trong câu hồng danh. Sang đến canh tư, chắc là do sức hộ trì của những luồng tâm lực của Loa Ke đại nhân, chàng đã lọt vào cơn tam muội, vào Niệm Phật tam muội.

-Ngay từ khi ra đi, từ nơi hội trường xứ Ma Già Đà, chàng đã nhận thấy tâm thức của mình khác lạ, bước đi như một kẻ mộng du chìm đắm trong một trạng thái kỳ diệu. Con đường rừng núi quanh co đất đá lởm chởm, và những sự việc chung quanh… mà chàng cũng chẳng để tâm, tưởng chừng như thần hồn đã thoát khỏi thân xác tục lụy, sống ở một thế giới nào khác không phải trần gian này. Được ra đi cùng với sư thái và nhất là Loa Ke đại nhân (mà chàng đinh ninh là tôn giả, hoặc là người của tôn giả), được nương nhờ vầng hào quang của đại nhân, điều ấy như vượt nỗi mong cầu của chàng. Chàng thấy trong lòng an ổn dị thường, chẳng còn gì phải khắc khoải lo lắng nữa… Nên hồi hôm, chàng chỉ yên lặng ngồi nhìn sự việc xảy ra cho Bát La Hoa và Trảm Tứ Cú, mà chẳng nói một lời. Tưởng chừng đó là những sự việc dĩ nhiên phải thế. Lòng chàng mừng rơn hộ cho hai người bạn đồng hành, như chính chàng được hưởng những ân huệ đó… Chàng buồn cười khi thấy Loa Ke tự nhận mình là con hộ trùng khổng lồ, nhưng chàng cũng nghĩ rằng chính chàng cũng là con hộ trùng khổng là… Một con hộ trùng đi thỉnh một bộ kinh chưa từng có…

Rồi khi đêm xuống, khi mọi người đã ngủ say, thấy chàng ngồi ở một gốc cây xa xa, Loa Ke đi về phía chàng, lấy tay thân mật đập trên vai chàng, rồi chẳng nói chẳng rằng, nằm lăn ra cỏ, ngủ ngáy pho pho…

Ngồi yên hồi lâu nghe tiếng ngáy, chàng cảm thấy những cảnh vật chung quanh… rừng núi cây cỏ… những tiếng sột soạt của các loài thú… đều nhòe nhạt dần, và tâm thức chàng sống động dị thường. Tưởng chừng như trong thế gian này, chẳng có gì khác mà chỉ có tâm thức ấy thôi. Rồi một nhu cầu khẩn thiết muốn-niệm-câu-hồng-danh… nổi lên trong chàng. Tưởng chừng như trong thế gian này, chẳng có việc gì đáng làm, ngoài việc niệm câu hồng danh… Thế là chàng đắm mình trong câu hồng danh. Chắc là tâm khảm chàng đã gột sạch những cấu uế chướng ngại, nên khi chàng niệm miên man tới canh tư… thì đôi mắt khép hờ thấy sáng lòa, và đức Phật Phù Đồ hiện ra trước chàng, lồ lộ từng nét… Thì ra chàng đã lọt vào cơn định sâu của Niệm Phật tam muội. Tuy thấy thân tâm lâng lâng, nhẹ hều như chiếc lông, như có thể bay vọt lên không trung, nhưng chàng vẫn dằn tâm tiếp tục trì niệm. Và đức Phù Đồ vẫn lừng lững sáng chói trước tâm nhãn chàng, như một trái núi vàng… Cho tới khi có tiếng con hươu kêu đói be be, và tiếng Loa Kế giục giã lên đường, chàng mới từ từ xuất định.

Chàng chưa kịp đứng lên, thì Loa Ke đã bước tới, cười hề hề:

-Thế nào? Đã thấy “tướng hảo quang minh” rồi hả?

Chàng không trả lời, nhưng khóe mắt đã ứa ra giọt lệ biết ơn. Vì chắc rằng hồi đêm, vị Tóc loe đã dùng tâm lực hộ trì cho chàng lọt vào tam muội. Như con cá vượt Vũ môn…

Cuồng Huệ cũng tươi cười nhìn chàng. Nghe câu hỏi của Loa Ke, và nhìn vầng hào quang trên đầu Thạch Sanh, y cũng đoán được bước tiến vượt bực của chàng… Y tự nhủ: “Còn mình nữa, đến chừng nào đẩy mạnh được vầng trăng tam nguyệt luân lên đảnh đầu?!”

Họ lại lên đường, trực chỉ hướng Ma Thiên Lãnh.

Bát La Hoa đã đủ sức bước, nhưng tay phải vịn lấy vai Cuồng Huệ. Trảm Tứ Cú vừa đi, vừa ôm cây đàn, nét mặt hớn hở.

Họ lê bước gần một tháng trời trên con đường mòn hiu quạnh, gập ghềnh sỏi đá… Bát La Hoa lần lần hồi phục, trông sắc diện tốt tươi, nhiều sinh lực hơn trước. Có điều là gã ít nói cười và trầm tĩnh hơn trước. Vì gã đương bận tâm suy nghĩ về việc xuống tóc làm thầy chùa, băn khoăn không hiểu sao, Loa Ke cùng sư thái đều không nhắc nhở gì tới việc đó cả. “Chắc còn chờ thời tiết cơ duyên chín mùi…” Gã lại buồn một điều là suốt dọc đường, sư thái cứ lầm lũi bước, không đoái hoài gì đến gã, cũng chẳng thèm nhìn gã đến một lần…

Trảm Tứ Cú thì không giây phút nào rời cây đàn, ngủ cũng như thức… Vừa ôm khư khư, vừa tay mân mê, tưởng chừng cây đàn là kết tinh của tột đỉnh mộng tưởng của gã. Gã thầm nghĩ có lẽ trên trần gian, không ai nếm được mùi vị hoan lạc hơn gã. Đe thụ hưởng trọn vẹn niềm vui sướng, gã lần lần đi tụt lại phía sau đoàn người. Gã nghĩ thầm: “Cây đàn đúng là một bảo vật…”, nhưng rồi lại thấy lo sợ… chỉ sợ tới lúc sư thái đòi lại cây đàn. Nên gã nảy ra mưu kế, thỉnh thoảng nhăn nhó kêu còn đau ở bụng dưới.

Con đường núi vòng vèo, ngày càng lên cao và hẹp lại. Cây cỏ núi non cũng đổi khác, chập chùng màu sắc và rực rỡ hơn. Ánh mặt trời cũng nhẹ nhàng biến ảo hơn. Những làn mây trời nhẹ nhàng như những mảnh tiên y, trôi dạt lềnh bềnh giữa lối đi, hoặc giăng mắc trên những thân tòng bách.

Nơi đây, không còn những cơn mưa lũ tầm tã, chỉ còn những đợt thoáng mưa rào. Ngay đến những giọt mưa cũng nhẹ nhàng thanh thoát hơn, mùi vị cũng ngọt hơn… Miền rừng núi trinh nguyên, với vô vàn ngọn núi lởm chởm, lúc nhô ra như một lũ quỷ hờ, lúc ẩn đi trong mù và mây… Xa xa, nơi những hẻm núi thăm thẳm, vọng lên những âm thanh thác đổ ào ào giữa khoảng thời gian không có khởi đầu cũng không cáo chung.

Nơi đây, tưởng chừng một thế giới khác. Và kẻ hành nhân, khi phóng tầm mắt nhìn xuống, thấy cõi trần gian mịt mù và bé tí teo.

Một buổi chiều xế tà, họ dừng chân trên một khu rừng hiu quạnh. Gần đó có một ngôi cổ miếu bỏ hoang, vách tường loang lổ đổ nát. Tiết trời khá lạnh… Sư thái Tịnh Đế ngồi xuống thềm gạch trước miếu, cởi bọc hành lý nhỏ đặt xuống. Nàng sẽ nghỉ chân nơi miếu, còn đoàn người sẽ nghỉ chân dưới một tàng cây cách quãng xa.

Bát La Hoa tay cầm một cành hoa lan rừng vàng tím, xăm xăm bước tới chỗ cổ miếu. Lòng gã nôn nóng. Gã thấy vị sư thái đương ngồi vá chiếc áo bị cỏ gai xé rách. Nàng ngồi chăm chú, tay đưa mũi kim thoăn thoắt… Nghe tiếng chân người, nàng cũng chẳng ngẩng đầu lên… Gã đến trước, chẳng nói chẳng rằng, đặt bông hoa cạnh sư thái, rồi phủ phục trước mặt. Gã cố dằn xúc động. Nàng ngẩng lên, dịu dàng:

-Kỳ Dư Tử! Chớ nên trẻ nít như vậy…

Lời nàng nói khiến gã bật khóc nức nở. Nhắc lại tên Kỳ Dư Tử, khiến gã không chịu đựng nổi. Nàng chờ hồi lâu, tiếp:

-Quan nhân nên khóc cho trôi bớt những nghiệp phù hoa dằng dặc… Những tâm tưởng xa xưa của chúng ta đều là lầm lạc. Những vọng tưởng vọng tình ấy đều đầy ngã ái, khiến trôi lăn không ngừng. Giờ đây là lúc phải thoát xác, như con tằm vứt bỏ kén cũ, hóa thành con bướm bay lượn giữa trời xanh. Cái kén cũ, chính là vòng ngã ái… Chúng ta cần chuyển tâm, chuyển mọi thứ tình đời thành một thứ mênh mang hơn nhiều…

Bát La Hoa ngập ngừng:

-Sư thái cứ… quở trách đi. Hoặc chặt chân, chật tay tôi cũng được… Nhưng xin sư thái mở lượng… nhìn tôi, và bây giờ, ngay bây giờ, xin sư thái xuống tóc cho tôi. Tôi là đệ tử của sư thái mà, và xin nhận cành hoa làm lễ bái sư…

Sư thái:

-Tôi không thể xuống tóc cho quan nhân được…

Gã kia:

-Sao vậy? Tại sao?

Nàng mỉm cười:

-Quan nhân chớ lo sợ cuống quít… Tôi không làm được… một phần là vì… có lẽ trái tim thanh tịnh của quan nhân chưa mọc đầy đủ. Như vậy, quan nhân chưa đầy đủ ngũ căn, nên chưa thọ giới được.

Bát La Hoa:

-Đầy đủ rồi mà. Tôi chắc nó mọc trọn vẹn rồi…

-Có thể nó mọc đầy đủ rồi. Nhưng tôi vẫn không giúp được… Một người kỹ nữ bến Hương Bình làm sao có thể xuống tóc truyền giới cho Kỳ Dư Tử? Nhưng ở đây, có Loa Kế đại nhân… Quan nhân nên cầu thỉnh ở Loa Kế đại nhân…

-Nhưng… Loa Kế đại nhân là Bà la môn…

Nàng cười, để lộ hàm răng ngọc:

-Không phải đâu. Đại nhân giả đò đấy… Đại nhân chính là thầy tôi…

-Thầy của sư thái?… Tôi tưởng… là Ca Lặc Ca Tôn Giả…

-Đại nhân là một “hóa thân” của tôn giả. Tuy gọi là hóa thân, nhưng cũng đích thực là tôn giả.

Gã kia ngẩn ngơ:

-Như thế là nghĩa sao? Đã là hóa thân, sao lại có thể đích thực là tôn giả.

-Quan nhân tưởng tôn giả… là người thực hay sao?

-Thì ông tôn giả ghẻ lác… hay uống rượu đó, chắc là người thực chứ gì…

-Không phải đâu… Quan nhân ăn phải cháo lú của cõi trần gian này, nên quên hết mọi điều. Ông tôn giả thầy bói cũng chỉ là một hình hài hóa hiện của ngài Thiện Tài Đồng Tử ở biển Nam Hải để đi xuống Ta bà xứ Phong Châu. Rồi ông thầy bói lại dùng thần lực hóa hiện ra ông Loa Kế Bà la môn. Cho nên ông Bà la môn chỉ là người Ảo hóa, và ông thầy bói cũng là người Ảo hóa. Chỉ khác một điều là ông thầy bói là hình hài ảo hóa ở lóp sơ khởi, còn ông Bà la môn là hình hài ảo hóa ở mức độ kế tiếp. Nhưng rút cục vẫn là Ảo thôi…

Gã kia càng ngẩn ngơ:

-Sao nhiêu ảo quá vậy? Toàn ảo cả?… Thế cỏn ngài… Thiện Tài kia thì… là ảo hay thực?

Nhìn gã, nàng vẫn không nhịn được cười:

-Quan nhân còn lú lấp như vậy, thì Loa Ke đại nhân không cho xuống tóc cũng nên… Ngài Thiện Tài thì kiếp này do nghiệp lực cùng đạo lực thọ sanh làm một đồng tử có ba mươi tướng tốt, rồi được cơ duyên theo đức Quán Thế Âm học đạo rồi đắc đạo… thì theo như con mắt người thế gian, có thể coi là người thực. Nhưng lấy đạo nhãn mà nhìn rốt ráo, thì vì cả thế gian chỉ là huyễn mộng, nên ngài cũng chỉ là Ảo mà thôi. Nhung cái Ảo của ngài còn có lồng vào, trong một chút nghiệp lực, nên tạm gọi là thực. Còn như tôn giả và Loa Ke đại nhân thì hình hài dệt nên toàn bằng thần lực, không xen lẫn chút nghiệp lực nào hết…

-Khó quá! Phải nghĩ lâu mới hiểu… Thế còn người khác… như sư thái thì sao?

-… Tôi là một người nữ thọ sanh từ thai mẹ tại xứ Phong Châu, nên dĩ nhiên phần nghiệp trong tôi rất nhiều. Nghiệp là tất cả những tình chướng, thất tình lục dục chấp vào ngã của mình, chấp ngoại vật là thật có, rồi theo đuổi nắm bắt… Cho nên, nghiệp được dệt bằng những quang minh ô trọc, nặng nề nên rất ít tự tại lực biến hóa. Khi thân tâm một người được dệt phần lớn bằng nghiệp lực, thì tâm lực yếu kém, không thể chuyển vật cũng như khó biến hóa. Nhưng khi biết tu hành, biết chuyển dần nghiệp, chuyển những quang minh đục ngầu thành quang minh vô cấu vi diệu, thì tâm lực ngày càng lớn, và trở thành thần lực. Có thể chuyển vật dễ dàng, biến hóa thân hình tự tại, hoặc tạo dựng một hay vô lượng hóa thân… Vụ hóa thân này, ngoại đạo không làm nổi, vì còn chấp ngã và chấp pháp… Nhưng rút cuộc nghiệp lực hay thần lực cũng chỉ từ Tâm ấy xuất ra mà thôi, một đằng nặng nề, một đằng khinh thanh. Cũng chỉ là một tuồng biến hiện, một tuồng ảo hóa mà thôi… Thêm nữa, một người bị suy động bởi nghiệp lực thì còn rớt vào vòng nhân quả nghiệp báo… còn một người có thần lực và chỉ có những tâm niệm vô nhiễm thì thoát vòng nghiệp báo…

Sư thái nói một hơi dài khiến Bát La Hoa ngẩn người. Gã ngập ngừng:

-Lúc này… sư thái đã hết nghiệp chưa?

Nàng cười dịu dàng:

-Cũng chưa hết. Còn ít nhiều, Nhưng nghiệp của tôi đã vơi và mỏng đi nhiều. Từ khi tôi gặp cơ duyên đi theo tôn giả… (thở dài) Từ nay, quan nhân nên lưu tâm suy nghĩ, nghĩ về cái Tâm của mình. Chỉ nhìn vào Tâm đó thôi, chớ nhìn ngoại vật. Vì tất cả ngoại vật chỉ là những bóng dáng biến hiện, HIỆN ra do sức chiêu cảm của Tâm quan nhân mà thôi… Trong Tâm quan nhân có cái gì, có những nghiệp tích lũy từ nhiều kiếp, thì khi thời tiết chín mùi, tới kiếp này, nghiệp đó chiêu cảm sự hiện ra những bóng dáng chập chờn bên ngoài gọi là ngoại vật… Ngay như tôi cũng vậy, cũng chỉ là một bóng dáng chập chờn hiện ra giữa cuộc sống của quan nhân. Ngay bến nước Hương Bình cũng vậy… cũng chỉ là một cảnh giới chập chờn ÁNH ra từ tâm quan nhân…

Tuy nàng mỉm cười, nhưng gã cảm thấy như có cây gậy đập vào đầu. Bàng hoàng chới với… Không hiểu sao, gã liên tưởng tới cây đàn. Buột miệng hỏi:

-Cây đàn độc huyền… hồi trước,… không thấy có cây đàn đó…

Nàng thẫn thờ:

-Thôi đừng nhắc tới cây đàn… Mọi vật đều chỉ là cơ duyên, đi qua tay mình thôi. Tôi sắp mất nó rồi…

-Sao vậy?

-Cây đàn là tôn giả giao cho tôi giữ đó. Nó là một bảo vật của Đại Bồ tát. Nó có nhiều huyền lực lắm, có thể làm mưa những thực phẩm khi có nạn đói kém, và biết tuân lệnh của chủ nhân… Tôi đã được sử dụng nó ở đảo Qua Oa để giải cứu vị sư phụ kia (chỉ Thạch Sanh). Rồi lại dùng nó để tấu bản Huyền Âm Khúc bên bờ sông Hằng, độ cho Di Đà La Tử. Nay lại chữa bệnh sãi chủ… Cơ duyên đủ rồi…

Gã tần ngần hồi lâu:

-Kiếp này, gặp nhau bến Hương Bình… Không hiểu sư thái… từ đâu đến…?

Sư thái:

-Đã tới lúc quan nhân cần biết rõ… Tôi từ cung Đâu Xuất tới… Cái tên Đâu Xuất có nhắc nhở quan nhân gì không?

Lúc này, gã đã ngồi phệt xuống mặt đất. Gã im lặng…

Nàng tiếp:

-Cung Đâu Xuất là một từng trời trong cõi trời Dục giới. Nơi đó, đức Di Lặc ngồi trị vì để chờ thời Long Hoa sẽ giáng sanh xuống trần gian. Cũng còn lâu, phải chừng tám triệu năm nữa, nếu tính theo thời gian của loài người trên trái đất này… Trong khi chờ cơ duyên, ngài ngồi giảng nói về Bát Nhã, về sự vận hành của pháp giới này, về lý Không, về Không Hải chập chùng cực kỳ mầu nhiệm của Tâm, từ đó khởi lên pháp giới này tương tự như một bông hoa nở ra, rồi lại cụp lại tiêu chìm vào nơi Không Hải của Tâm… Rồi lại nở ra… Quan nhân có nhớ được gì không?

-Đâu có nhớ gì!… Tôi đâu có biết cung Đâu Xuất…

-Quan nhân có biết chứ, vì từng ở cung đó mà… Kiếp trước, quan nhân là một thiên tử cung Đâu Xuất, là một Kim đồng có trái đào tốt đẹp. Nhưng Kim đồng này thường chỉ suốt ngày la cà nơi ngoại cung để nghe các thiên nữ múa hát thôi. ít khi chịu vào nội cung nghe kinh…

Bát La Hoa cười:

-Nếu vậy thì đúng là tôi rồi…

Nàng cười theo:

-Nhưng một buổi đổi trời và cũng đổi đời, Kim đồng lại lãng đãng bước vào nghe kinh… Trong chúng hội, có một ngọc nữ có phận sự thắp đèn trên điện… Rồi tình chướng nổi lên. Ngọc nữ trong khi thắp đèn, loạn tâm liếc nhìn Kim đồng. Người này mỉm cười lại, và lòng cũng chùng xuống. Thế là ngọc nữ làm rớt cây đèn, nên tắt ánh quang minh… Ngọc nữ đó, nay chính là bần ni…

Gã kia chẳng thốt nên lời. Gã không ngờ có lai lịch như vậy. Hồi lâu, lắp bắp:

-Thế là…

-Kim đồng mất ánh quang minh, nghiệp cũ nổi lên, thọ sanh nơi nhân thế làm một lãng tử phù hoa… Ngọc nữ cũng vậy, thọ sanh rồi tới bến Hương Bình… Từ nay, quan nhân nên cúng dường những đèn nến để bù lại vụ vỡ đèn kiếp xưa, hồi lại ánh quang minh.

Gã kia:

-Thế rồi… sao nữa?

-Chắc là bần ni ăn cháo lú ít. Nên vẫn còn nhớ đôi chút và thoi thóp sợ hãi nghiệp chướng… Tuy sợ hãi nghiệp chướng nhưng tình chướng vẫn cỏn… Nên người kỹ nữ đã chung chăn gối một lần, rồi tặng cuốn kinh nhỏ. Để rũ bớt ân tình… Sau đó được gặp vị Hồ tăng mắt biếc… dạy cách sám hối. Phải sám hối trước tượng Bồ Tát… lễ lạy tụng niệm cho tới khi tượng phát hào quang… Trong khoang thuyền hoa, người kỹ nữ đã làm như vậy, và ảnh đức Quán Thế Âm đã phát hào quang… Vừa lúc đó, tôn giả tới. Tôn giả dạy bần ni cách Vô sanh sám hối, mầu nhiệm hơn… Dòng nghiệp quanh co như vậy…

Sư thái bặt lời, ngồi im không nói nữa… Lúc đó, trời đã tối, chỉ có ánh sao lờ mờ. Những luồng gió mạnh nổi lên… Nét mặt nàng lặng lẽ như mặt nước hồ thu, vừa mở ra lại khép lại.

Bát La Hoa đứng lên, quên cả chào sư thái. Gã bước về chỗ tàng cây của mấy người kia, lảo đảo như người say rượu… Trong tâm thức gã, như có một khung trời sập xuống, và gã bàng hoàng chưa biết làm sao quen với khung trời mới đương hiện lên.

Nên suốt đêm, gã nằm dưới tàng cây thao thức nhìn sao lấp lánh… Những ngôi sao kia đi về đâu, và dòng đời gã sẽ trôi về đâu?

Mãi đến sáng hôm sau, khi mọi người lên đường… trong lúc đi, gã không nhịn nổi nữa, kéo Cuồng Huệ đi lui về phía sau. Rồi vừa đi, vừa kể lể hết nguồn cơn câu chuyện của sư thái… Nghe xong, Cuồng Huệ đã nắm vai gã, nói: “Cung hỷ hiền đệ đã có nhiều túc duyên, và nay lại có Loa Ke đại nhân…”

Bát La Hoa ngẩn ngơ mất mấy ngày… Rồi quyết ý ngỏ lời xin Loa Kế đại nhân xuống tóc.