TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI V

Cung Thập Điện, Thạch Sanh cãi lẽ
Vua Diêm Vương truyền lệnh thỉnh kinh

Lại nói về Thạch Sanh, sau khi cạn chén thuốc độc, thần hồn lìa khỏi xác, lang thang ngơ ngẩn ngất ngây, tưởng chừng như mình bị chìm ngụp trong một biển nước mênh mông. Chàng lắc đầu dụi mắt mấy cái thì thấy biển nước đó biến dần thành một biển sương mù màu đỏ quạch. Màu đỏ quạch dần mất đi, chuyển thành một thứ ánh sáng mờ xanh và lạnh lẽo như ánh trăng trên dương thế.

Chàng chợt nhận thấy mình đương đứng trên một cánh đồng hoang vắng, chung quanh không một bóng người. Chàng nghĩ thầm: “À ra chết chỉ có như thế, hơi đau một chút, hơi ngợp một chút nhưng cũng không sao. Nhưng không biết mình đã chết thực hay chưa?” Bất giác chàng cúi xuống, lấy tay nắn vào chân mình, thì thấy chân tay hình như không cỏn mấy cảm giác. Nhớ đến chai rượu mới uống, chàng bỗng chép miệng, nhưng lưỡi chàng hình như cũng mất vị giác và không nhớ lại được vị rượu. Riêng mũi chàng vẫn ngửi thấy mùi rượu, và tai mắt vẫn nghe vẫn nhìn được. Trong người vẫn cồn chếnh choáng như say rượu.

Chàng bèn cất bước đi, tuy chưa biết đi đâu. Nhưng, lạ thay, vừa cất bước đã thấy chân mình nhẹ nhàng đi như tên bắn. Còn thân thể thì nhẹ như bông gòn, như có thể bay được. Chàng lấy làm thích thú, bèn bước mạnh vài bước. Quả nhiên, thân chàng như bay lên, và thoáng giây lát đã đến ven một con sông. Con sông này rộng lớn lắm, gấp mấy lần con sông Kinh, nước chảy lững lờ trong bầu ánh sáng mờ xanh. Chàng tự nhủ: “Chắc là mình chết thực rồi, nên thần hồn bay được. Kể như thế, chết cũng chẳng có gì là khổ lắm. Có khi lại thích thú là khác.” Trong cơn bồng bột bồi hồi, tuy hình bóng cây đèn vẫn cỏn gắn trên đầu, nhưng chàng lại cũng chưa nhớ ra rằng chàng xuống đây là cốt để tạ lỗi cho nàng công chúa.

Thích thú, chàng thả bước lang thang trên bờ sông. Bỗng nghe thấy phía trên triền sông có nhiều tiếng rên la kêu gào thảm thiết. Chàng vội đi tới, thấy một đám rất đông, nhưng bọn này không phải là người, chỉ tựa tựa như người và hình dung cổ quái: Tóc tai bù xù, đầu to như cái đấu, bụng to bằng cái trống lớn, nhưng cần cổ lại chỉ nhỏ bằng ngón tay. Bọn chúng có vẻ khát nước lắm, kẻ đứng, đứa nằm, đứa bò, nhưng tất cả đều như muốn lăn mình vào giòng nước, đứa hụp mặt vào nước, đứa thì lấy tay vốc. Nhưng lạ thay, khi chúng lăn mình vào nước, thì cả vùng nước đều biến thành lửa đỏ cháy hừng hực, và những giọt nước vốc vào miệng đều đốt cháy như những giọt lửa. Bởi thế, chúng đều nằm lăn ra đất, hai tay ôm cổ rên la kêu khóc thảm thiết.

Thạch Sanh đứng nhìn hồi lâu, lỏng thích thú tan biến đâu mất, chỉ còn sự buồn rầu sợ hãi. Chàng lẩm bẩm: “Bọn này chắc là bọn ngã quỷ đây, chúng nó quá đói khát. Nhung không hiểu sao nuớc lại cứ hóa thành lửa khiến chúng không uống nổi? Ta cũng chẳng biết làm thế nào để giúp chúng.” Chàng thở dài rồi bỏ đi. Chàng bay một quãng thật xa, rồi đáp xuống một chân núi. Lần này, chàng ý thức được một điều mới là trong khi bay, chàng có thể ngẩng đầu lên được, nhưng thân của chàng lại bay ngang, không thể giữ thăng bằng như thân người được.

Vừa đáp xuống chân núi, chàng bỗng nghe phía sau có tiếng la gọi ơi ới. Chàng nhìn lại, thấy hai tên quỷ sứ hấp tấp chạy tới. Hai tên đều mắt xanh, mồm đỏ, nanh bạc, trên đầu có một chiếc sừng nhỏ, mỗi đứa tay cầm một cây phướn nhỏ hình đuôi nheo như một lá cờ lệnh.

Một đứa vừa chạy tới vừa nói:

– Cái thằng chết ngang này, mi làm bọn ta chạy kiếm muốn chết.

Đứa kia bảo:

– Tao chúa ghét những thằng hoạnh tử. Mình chưa kịp tới bắt hồn nó, thì thần hồn nó đã xổng đi lang bang mất rồi. Nhưng ở cõi này, mi có chạy đâu cũng chẳng thoát bọn ta!

Rồi chúng nắm tay Thạch Sanh kéo đi về phía núi, bước chân của chúng thoăn thoắt. Một đứa bỗng nói:

– Thằng hoạnh tử này kỳ cục. Hắn lại đội một cây đèn trên đầu mày ạ… Mi đội đèn xuống đây làm gì vậy?

Câu hỏi khiến Thạch Sanh bỗng nhớ đến nàng công chúa, nhưng chàng cũng làm thinh không trả lời, chỉ lùi lũi bước. Chàng nghĩ thầm: “Chắc chúng chỉ dẫn ta đến trước Thập Điện Diêm Vương. Nhưng không hiểu mình sẽ nói làm sao để tạ lỗi đây?” Bất giác, chàng đưa mắt nhìn xuống bàn tay thì thấy chữ “Miễn” nét than viết vẫn rõ. Chàng không có chút nghi ngờ gì về lời nói của Ca Lặc Ca tôn giả, nên cảm thấy yên tâm.

Hai quỷ dẫn chàng đi vô kẽm núi, hai bên đều có thành núi cao vót và đen xì. về phía rất xa trước mặt, chàng nghe như có tiếng sóng vỗ ì ầm. Từ bước vô kẽm núi, hai quỷ vẫn bước nhanh thoăn thoắt, nhưng dáng điệu của chúng đượm vẻ nghiêm trang sợ sệt, không nói cười ba hoa như trước. Thạch Sanh trố mắt nhìn hai ngọn núi, thấy núi này không có đá lởm chởm như núi khác, và thành núi lại đen và phẳng lì như một tảng sắt lớn, cao ngất và rộng mênh mông. Một quỷ bỗng nói nhỏ:

– Đây là núi Thiết Vi Luân Sơn.

Đi được một quãng, dưới ánh sáng mờ, Thạch Sanh bỗng nhận thấy rằng hai bên thành núi không phải phang lì, mà có vô số những lỗ nhỏ như đục vào núi, mỗi lỗ chỉ to bằng nắm tay. Rồi lại thấy có rất nhiều bóng cô hồn bay lượn thấp thoáng trên hai thành núi, cô hồn nào cũng bay chênh chếch, đầu chúi xuống phía dưới. Mỗi khi bay qua một lỗ hổng, các cô hồn thường bị hút thụt vào trong đó mất dạng. Chàng lưu ý nhìn, nhưng không thấy cô hồn nào chui ra được cả, mà chỉ có chui vào. Cũng thấy các cô hồn đó đều có cùng một màu sắc xám xám nhu màu khói. Vì thấy lạ, nên chàng giương mắt nhìn, và chậm bước đi. Một quỷ nhỏ tiếng giục giã:

– Đi nhanh lên và đừng nhìn, kẻo nhà ngươi cũng bị hút vào trong đó. Đây là hàn băng địa ngục. Các cô hồn này đều bị hỏa nghiệp đốt cháy, thấy ruột mình như thiêu như đốt, muốn kiếm chỗ mát nên bị hút vào trong đó.

Ngừng một lát, y nói tiếp:

– Nào ngờ mát đâu chẳng thấy, chỉ thấy lạnh toát xương tủy. Ở đó, thì biết ngày nào ra khỏi.

Thạch Sanh rùng mình, rồi cắm cổ bước. Chàng nghĩ tới số phận những cô hồn đó mà thấy lòng mình tê tái, như ngây như dại. Tự nhiên, chàng lẩm bẩm trong bụng câu: “Nam Mô Đại Phù Đồ Phật,” mà vị tăng Tây Trúc đã dạy chàng. Đi riết một quãng rất xa nữa thì ra khỏi kẽm núi Thiết Vi. Chàng thấy nhẹ thở hơn, và ở phía trước, tiếng ì ầm đã rõ hơn, tương tự như tiếng sóng võ hoặc tiếng gió trong rừng thông. Đi lần tới một bờ biển lớn, chàng định thần nhìn thấy biển này không có sóng vỗ, nhưng nước biển như sôi sùng sục. Và, ô kìa, còn cái gì nữa đây? Ở phía xa trước mắt chàng, ngay giữa vùng biển lớn chàng thấy cơ man nào là người đương chen chúc ngụp lặn bơi lội, vừa bơi vừa rên la thảm thiết. Chính tiếng rên la ấy, cộng với tiếng nước sôi sùng sục, đã tạo nên âm thanh ì ầm mà chàng nghe thấy. Ngay trên mặt biển, có một chiếc cầu treo, chỉ rộng bằng ba gang tay, cao độ một trăm tầm, nhưng dài vút ra ngoài khơi khiến chàng không trông thấy đầu cầu bên kia. Từng đoàn, từng lũ, từng lóp người lũ lượt bị xua trèo lên cây cầu ấy. Bọn chúng vừa đi, vừa bò, vừa ôm lấy cây cầu, nhưng phần bị nghiệp dẫn dắt, phần bị quỷ hô, hình như không có ai thoát qua được cây cầu cả. Chúng đều rớt lả tả xuống nước biển sôi, hoặc rớt từng cụm như những cụm trái chín. Trong biển có cơ man những quái vật kỳ hình dị dạng, trông như rắn nhưng không phải rắn, trông như beo sói, con nào cũng nhiều đầu nhiều mắt, nhiều chân, nhiều tay. Chúng chạy rảo bên này, xua đuổi bên kia, túm lại cắn xé đám người trong biển. Trên không lại có từng đoàn chim ưng đen xì, cũng nhiều đầu, nhiều mắt, luôn xà xuống moi ruột moi tim người. Lạ một điều là tuy cắn xé như vậy, những người đó vẫn không chết được. Khi bị cắn một tay hay chân, thì lại có tay chân mới mọc ra để tiếp tục bị cắn xé. Một số người cố bơi lội vào bờ, nhưng vẫn không lên bờ được, hình như biển có sức hút kỳ dị hút người trở lại.

Tuy Thạch Sanh không muốn nhìn, nhưng chàng vẫn không thể rời mắt khỏi cảnh ấy được. Một quỷ bỗng nói:

– Đừng nhìn lâu, không tốt đâu. Đây là biển nghiệp lực và cầu Nại Hà. Có ba biển như thế trong phạm vi núi Thiết Vi này. Nghiệp lực nó quyện vào người, khó lòng gỡ thoát, giống như con tầm quyện trong cái kén.

Thạch sanh ngước mắt nhìn tên quỷ. vẫn là con quỷ hay giải thích lúc nãy. Nó có một chiếc nanh bạc dài, hơi chìa ra ngoài môi. Chàng bắt gặp trong đôi mắt của nó nhú một ánh thương xót. Chàng thầm cảm ơn nó đã giải thích cho mình, và nghĩ thầm: “Kể ra bọn này cũng chẳng ác độc lắm đâu. Chúng vẫn còn ít nhiều thương xót”. Nghĩ vậy, chàng định tâm để niệm thầm câu: “Nam Mô Đại Phù Đồ Phật,” rồi lầm lũi bước, và nhắm mắt nửa hở nửa khép.

Nhưng bỗng có tiếng kêu la vang trời khắp tứ phía, rồi như có một luồng hào quang đập vào mắt chàng. Lần này, tiếng kêu la như có âm thanh mừng rỡ. Chàng vội mở mắt ra, thấy trên không trung có ánh sáng chói lòa, như có mười cái mặt trời cùng chiếu một lúc. Hai quỷ cũng đứng sững nhìn lên, và trong biển, đám người cũng há hốc miệng nhìn lên trời. Trên không trung, giữa vùng hào quang chói lòa, bỗng lần hiện một cây cầu vồng ngũ sắc trùm lên chiếc cầu Nại Hà. Giữa cầu vồng có một đám mây hình hoa sen. Ánh hào quang dần dịu đi và Thạch Sanh nhìn thấy đứng trên tòa sen là thân hình cao lớn dị thường của một bậc Đại Bồ Tát sừng sững như một trái núi. Ngài khác một đám mây hồng như hình chiếc áo, một tay cầm chiếc gậy vàng, một tay cầm hạt châu chói sáng, gương mặt sáng như ngọc và tròn như trăng rằm, đôi mắt xanh như hai chiếc lá sen. Ngài lấy tay giọng khẽ đầu gậy xuống cây cầu vồng, cầu vồng lung linh biến thành muôn vàn giọt hào quang rớt xuống phía dưới. Ở phía dưới, những tiếng kêu mừng đã biến chìm vào một bể im lặng kỳ diệu… Chỉ trong giây lát, cầu vồng và hoa sen lại biến đi. Một giọt hào quang rớt xuống trúng vào ót Thạch Sanh khiến chàng như mê mẩn tâm thần. Khi tỉnh lại, chàng thấy hai tên quỷ còn quỳ mọp trên mặt đất. Con quỷ hay giải thích bỗng đứng lên rồi nhảy cẫng, vừa nhảy vừa reo mừng:

– Chao ôi, hên đâu là hên! Chắc là ngài Địa Tạng du địa phủ rồi. Đúng là ngài, vì có cây gậy vàng và hạt châu sáng mà. Ta làm quỷ sứ mấy trăm năm nay mới được thấy…

Hắn vỗ vai quỷ kia:

– Chuyến này, chắc bọn mình được thôi làm quỷ, được đầu thai cõi khác rồi.

Quỷ kia cũng nhảy nhót lung tung. Thạch Sanh quay đầu nhìn ra biển thì thấy đám người cùng các thú vật đã biến đi đâu mất hết, chỉ còn trơ lại cây cầu Nại Hà. Chàng bật kêu lên:

– Ô hay, họ đâu cả rồi?

Tên quỷ nhe nanh bạc cười:

– May thay, may thay, chúng được tắm hào quang của Bồ Tát nên nghiệp chướng hết sạch rồi. Giờ này chắc đang đi đầu thai hoặc chuyển sang cõi khác. Nhưng không biết những biển kia có được vậy không?

Hắn vỗ vai Thạch Sanh, giọng thân mật:

– Ngươi đúng là cái duyên hên của bọn ta. Có đi bắt giải ngươi thì mới qua đường này. Mà chính ngươi cũng tốt phước quá lắm. Những người chết xuống đây mà được thấm hào quang chắc sẽ được trở lại dương thế…

Cái vui của y cũng lâu, nên Thạch Sanh cũng nắm tay y mà nhảy cẫng. Con quỷ kia thì vừa nhảy vừa hét:

– Vụ này, ta phải ăn khao, ăn khao…

Hai quỷ kéo Thạch Sanh đi nhanh hơn trước, ý chừng chúng muốn áp giải Thạch Sanh cho sớm để còn đi mở tiệc liên hoan với nhau. Đi được một quãng, chàng ý thức được như có sự thay đổi khá lớn trong người chàng. Khi chàng uống thuốc độc, một khúc ruột bị đứt tung, nên tuy hồn đã lìa khỏi xác, nhưng chàng vẫn mường tượng thấy ngấm ngầm đau ở dưới bụng. Bây giờ, vết đau đã tan biến đâu mất. Nhưng tâm thức chàng còn thay đổi mạnh hơn nhiều, hình như có một cái gì đương nở ra trong người chàng, tương tự như một cây khô héo vừa gặp trận mưa rào. Trước kia, chàng chỉ là một anh tiều phu chậm chạp và hơi khù khờ, thì nay chàng cảm thấy tâm thần nhẹ nhàng khinh an và thông suốt vô chừng. Hình như tâm thức chàng đã lìa khỏi những nhịp điệu rung chuyển cũ và chuyển sang một nhịp điệu mới, và có rất nhiều điều đã quên lãng lại chập chờn muốn xuất hiện trở lại trong ký ức chàng. Chàng lẩm bẩm: “Chắc là tại mình được thấm hào quang của Đại Bồ Tát.” Bất giác chàng dừng chân lại, giơ hai tay vái trên thinh không.

Hai quỷ vừa cười vừa kéo chàng đi. Cả bọn đi tới một nơi như thị trấn trông khá sầm uất, lại có cả một dãy phố lác đác có cửa hàng mua bán, nhưng nhà nào cũng đều có treo cao một cây phướn màu đen. Hai bên đường cũng có người qua lại, họ cũng nói chuyện rì rào, nhưng nét mặt người nào cũng xa vắng thẫn thờ, không thấy cười nói om xòm vui vẻ như trên dương thế. Có đám đương túm năm tụm ba, bàn tán rì rào về sự xuất hiện của ngài Địa Tạng Bồ Tát nơi địa phủ. Thạch Sanh nghe một người nói:

– Bọn mình thật không may nên chẳng được nhìn thấy ngài xuất hiện trên mây. Phải chi được nhìn thấy, thì có phải huệ mạng chúng mình đã thay đổi hẳn rồi không? Nghe đâu chính đức Thập Điện Diêm Vương lúc nghe tin đó, cũng vội bày hương án vái lạy lên thinh không, nhưng ngay đến đức Thập Điện cũng đâu có được thấy?

Thạch Sanh khẽ hỏi:

– Những người này là ai vậy? Dưới này cũng có người đi mua bán nữa sao?

Con quỷ có chiếc nanh bạc dài, cười, nói:

– Dương sao, âm vậy. Ở đây có nhiều cái cũng hơi tương tự như hình bóng của cõi dương thế. Có điều là ở đây, luật tắc về nhân quả, nghiệp báo hình như nghiêm mật và công bình hơn. Những người này đều là ma cả đấy, nhưng có lẽ họ nhiều phước báo tốt nên Thập Điện để cho họ sinh hoạt ở ngoài. Không hiểu sao họ cứ chần chừ sống ở đây, mà chẳng chịu đi đầu thai? Có lẽ họ muốn nán chờ những người thân thích chăng?

Cả bọn lại đi miết. Con quỷ kia bỗng nói:

– Khát khô cả cổ rồi. Hãy ghé vô đây uống bát nước trà đã.

Chúng kéo vào một căn nhà hàng. Nhà hàng này trông tiều tụy, xiêu vẹo, chỉ thấy bầy một chiếc chõng tre lớn, mặt chõng có dán những miếng giấy xanh, đỏ, tím, vàng, bên cạnh chõng có mấy chiếc ghế tre cũng xiêu vẹo. Trên mặt chõng đặt mấy bát cầm nhẹ hều, có lẽ bằng giấy. Cô hàng trông rất trẻ, chừng độ hai mươi, nhưng nét mặt xa vắng buồn thiu. Thấy khách vào, cô lặng lẽ nhấc chiếc gáo, múc nước trà rót làm ba bát. Hai quỷ ngồi chễm chệ vào hai chiếc ghế với dáng quen thuộc, nhưng Thạch Sanh không dám ngồi vì sợ gẫy ghế. Hai quỷ vừa húp nước trà xì xụp vừa cười và nhìn chàng. Thạch Sanh đành bưng bát lên uống, nhưng vừa nhấp vào miệng, chàng đã vội đặt ngay xuống, vì nước trà đắng ngăn ngắt. Hai quỷ bật tiếng cười hăng hắc, và cô hàng cũng che miệng mỉm cười. Chàng thò tay vào bọc, định lấy tiền ra trả, nhưng trong bọc chỉ vỏn vẹn có hai đồng tiền cùng chiếc gương của nàng công chúa, chàng liền thuận tay rút luôn cả ra. Tên quỷ nanh dài bỗng nói:

– Tiền này không tiêu được đâu, vì nó nặng quá. Neu nhà ngươi muốn tiêu, thì phải đổi lấy tiền ngũ sắc kia.

Cô hàng bỗng xen vào:

– Chao ôi, chiếc gương đẹp quá. Em muốn mượn soi mặt một chút được không? Đã lâu lắm em chưa được soi mặt.

Vừa nói, nàng vừa đưa tay ra. Thạch Sanh luống cuống:

– Cái gương này… Cái gương này, tôi xin lỗi cô. Tôi…

Vừa nói chàng vừa hấp tấp đút gương vào bọc và rảo bước đi ra. Hai quỷ vội vàng trả tiền rồi chạy theo. Đi một quãng nữa, tới một chiếc cổng thành lớn, sơn đen đề ba chữ thếp vàng: “Thập Điện Phủ” rất lớn, hai bên cổng có tới năm, sáu tên quỷ sứ tuốt gươm trần đứng gác. Trước cổng, một vị đội mũ mặc áo dài, trông ra vẻ phán quan, đương thơ thẩn đi đi lại lại. Hai quỷ đi tới trước vị phán quan:

– Chúng tôi áp giải một tên lính mới xuống đây. Không hiểu sao hắn lại đội một cây đen, nhưng hắn được thấm hào quang của ngài Địa Tạng.

Phán quan ngắm nhìn Thạch Sanh giây lát, rồi nói:

– Vậy hả? Để lát nữa, soi chiếu nghiệp kín thì biết ngay.

Tên quỷ có chiếc nanh dài nói:

– Xin giao hắn cho phán quan, chúng tôi xin đi đây.

Hắn quay lại nói với Thạch Sanh:

– Ngươi cứ yên tâm theo phán quan. Duyên gặp gỡ của bọn mình chỉ ngắn ngủi vậy thôi.

Hắn vừa nói, vừa cười hì hì và kéo tên kia đi. Thạch Sanh đứng nhìn theo hắn, trong lòng cũng thấy bịn rịn lưu luyến tên quỷ giải thích. Chàng tự nhủ: “Kể ra hắn cũng là một nhân duyên tốt cho mình. Nhưng lạ thay cho lòng mình, hễ gặp ai cũng để quyện vào đó…” Chàng vội xua đuổi những ý nghĩ bịn rịn chia tay đó, vì chợt nhớ đến nàng công chúa. Vừa bước đi theo chân vị phán quan, chàng vừa tự hỏi không biết mình sẽ nói gì để tạ lỗi cho nàng đây? Vì thực ra, chàng có biết gì đâu về sự tội lỗi hay không tội lỗi của nàng!… Chàng chẳng biết làm gì hơn, nên bất giác lại cúi nhìn xuống lòng bàn tay có chữ “Miễn,” và lẩm nhẩm câu “Nam Mô Đại Phù Đồ Phật.” Bây giờ chàng niệm câu này thấy trong lòng rung động lạ thường, khác hẳn lúc trước.

Thành Thập Điện, rộng lớn mênh mông và đường đi sâu hun hút, chẳng thấy cây cỏ gì cả, chỉ thấy đường đất cùng thành vách đen xì như sắt nguội, và rất nhiều nẻo ngang ngõ dọc.

Đi qua nhiều đường xá, chàng gặp những toán quỷ sứ giải nhiều đám tội nhân đông đảo, cổ đeo gông, tay chân đều bị xiềng xích, người nào người nấy đều râu tóc bù xù, hình dung tiều tụy, đôi mắt sâu hoắm như hai chiếc lỗ, thỉnh thoảng lại có kẻ chiếc lưỡi lè dài lòng thòng xuống gần tới giữa ngực. Thạch Sanh bất giác rùng mình như sởn gai ốc, chàng đi nép vào một bên đường, và lầm lũi bước theo vị phán quan. Phần đông các tội nhân đều bước đi lặng lẽ như những chiếc bóng, không mấy ai cất tiếng nói hoặc gây tiếng động. Tuyệt nhiên không có tiếng cười. Thỉnh thoảng hình như cũng có người cất tiếng nói, nhưng âm thanh nghe vo ve chìm nổi như tiếng con nhặng xanh bay, không thấy chói chang mạnh bạo như tiếng người trên dương thế. Chàng thầm nghĩ: : “Thành phố kỳ dị này hình như là thành phố của im lặng. Âm thanh hình như nhòe đi…” Chỉ có những cái bóng thất thểu lướt đi, không gây tiếng động. Thỉnh thoảng có những tiếng rì rào man mác, tương tự như tiếng gió thổi qua những lùm cây vô hình. Ngay đến những toán quỷ sứ áp giải cũng chẳng thấy cười nói như hai con quỷ áp giải chàng lúc nãy. Chàng bất giác muốn được nghe một âm thanh bình thường, nên buột miệng niệm lớn mấy câu: “Nam Mô Đại Phù Đồ Phât… Nam Mô Đại Phù Đồ Phật…” Nghe tiếng niệm Phật, có mấy người tội nhân quay lại nhìn chàng, mặt mũi nhớn nhác như vừa chợt tỉnh một cơn mộng du. Vị phán quan cũng quay lại nhìn chàng, miệng hơi mỉm cười nhưng chân vẫn tiếp tục bước.

Đi một hồi nữa, tới một cái cổng đề hai chữ lớn: Chính Điện. Chàng theo chân vị phán quan bước vào. Vừa bước vào, thấy như hoa mắt. Trước mặt chàng, là một cái sân lát đá đen, rộng mênh mông, và người thì đen kịt. Kẻ túm năm, người tụm ba, kẻ đứng, người ngồi, kẻ ôm mặt, người phủ phục, phần lớn đều đeo gông xích, rách rưới tiều tụy như mất thần sắc. Đám người đông đúc vẫn im lặng phăng phắc.

Vị phán quan dẫn chàng đi tới chiếc bục đá, bảo chàng ngồi đấy, rồi rảo bước về phía chính điện. Chàng đưa mắt nhìn theo giữa chính điện, đặt một bục đá lớn, có chiếc ngai vàng óng ánh, trên ngai là một vị mặc áo bào rộng xanh, cân đai đẹp đẽ như một vị vua, có năm chỏm râu đen nhánh, và đôi mắt sáng như hai vì sao. sắc mặt đen, nhưng có ẩn hiện màu tía. Chàng thấy e sợ nên không dám nhìn lâu. Hai bên vị vua, có hai dãy phán quan, cùng quỷ sứ, tuốt gươm trần đứng hầu. Phía tay trái đức Diêm La đặt một tấm nửa như gương, nửa như bình phong cao chừng sáu thước, rộng độ bốn thước đúc bằng thứ ngọc màu xanh lợt, nhẵn thín và sáng lòa. Thạch Sanh đương ngơ ngẩn nhìn tấm gương, chợt nghe bên cạnh có tiếng nói khẽ:

– Đó là chiếu nghiệp kính.

Chàng đảo mắt, thấy một hán tử trung niên, người cao lênh khênh, cằm râu quai nón, đôi mắt đen nhỏ, vẻ táo bạo tinh nghịch, đôi môi mỏng như mỉm một nụ cười diễu cợt. Hán tử ăn mặc diêm dúa sang trọng như một thứ công tử tay chơi, nhưng tay trái y đặt trước ngực, khư khư giữ lấy một chiếc bọc vải dầu nhỏ. Không biết trong đó có gì, có thể là một cuốn sách mỏng. Thấy Thạch Sanh nhìn, y khẽ gật đầu và nheo một mắt:

– Ma mới hả? Đây cũng là ma mới… Y khẽ thở dài như tự diễu cợt: Tớ cũng không ngờ chính mình lại phải xuống đây sớm thế này. Chỉ tại ăn nhiều quá, uống nhiều quá, rồi giữa đêm khuya ra về bị trúng lạnh, lại gặp thằng thầy lang thổ tả nó hốt thuốc cho nhiều phụ tử quá, nên mình đi đứt… Âu cũng là cái số kiếp như vậy. Mình chỉ được hưởng đến thế thôi

Nét mặt y có vẻ bất cần đời. Nhưng còn thích nói, thích phô trương điều mình biết. Y cúi xuống, hạ giọng:

– Này, này, đã xuống đây rồi, thì đừng có nói dối nhé. Chúng mình đếch nói gà nói vịt được đâu. Chỉ tại cái chiếu kính nghiệp quái quắt kia. Tấm gương đó, ngài Địa Tạng Bồ Tát đã phổ thần lực vào rồi, nên nó chiếu soi đến cùng tịt vào tâm khảm của mình. Khi một tội nhân bị hỏi cung, y chỉ động niệm một tí, là cái việc y đã làm hoặc cái cảnh y đã qua, lập tức hiển hiện trung thực trên gương đó. Nhưng cái cảnh hiển hiện đó, chỉ có mình y và cái ông vua râu dài kia nhìn thấy mà thôi, còn bọn người đứng ngoài không hề nhìn thấy, thế mới hay chứ! Cứ động niệm một cái là bị ngay, nên cóc nói dối được.

Trong lúc giải thích không công, giọng nói của y cao hứng bồng bột, mắt sáng lên. Thạch Sanh cũng bị lây bởi nỗi cao hứng. Chàng ngập ngừng:

– Thật vậy sao, tôn huynh? Nhưng ngộ… ngộ người tội nhân giữ được cái tâm của mình, nhất định không động niệm thì sao?

Hán tử ra chiều khoái chí về câu hỏi. Y gật gù:

– Ờ nhỉ! Ờ nhỉ… Huynh hỏi hay đấy… Nhưng làm thế đếch nào mà cái tâm thức mình nó không cựa quây được, ngay đến trong giấc ngủ nó vẫn cứ cựa quậy. Huống hồ là xuống đến đây, bị lôi ra hạch tội, thì sợ quá rồi, làm sao mà không cựa quậy động niệm, huynh thử nghĩ xem? Nên nhớ rằng Thạch Sanh trong kiếp trước là Mạn Thù Đắc Thất Đồng Tử. Đã từng được làm đệ tử của Đức Quán Thế Âm, thì phải tu hành rất nhiều kiếp. Đã tu nhiều kiếp, nên trong tiềm thức và vô thức của chàng tích lũy rất nhiều hạt giống, nhiều chủng tử hiểu biết về đạo lý lớn về cái bí ẩn của vũ trụ và của tâm thức. Những chủng tử ấy không bao giờ mất được. Chỉ tại trong kiếp trước, do một nghiệp chướng, chàng đã say rượu và đánh cháy kinh. Theo luật tắc nghiệp báo, tội hủy báng kinh hay đánh cháy kinh thường bị quả báo đọa địa ngục hay làm súc sinh nhiều kiếp, vì súc sinh là loài ngu si, trí huệ hầu như không có. Nhưng nhờ ở những công đức cùng phước báo quá khứ, cũng như nhờ thần lực hộ trì của đức Quán Thế Âm, nên chàng chỉ bị đọa xuống làm người ở nhân thế, và làm một chú tiều phu thực thà, hơi khù khờ ngớ ngẩn. Khù khờ, xấu xí, vì tội đánh cháy kinh. Lúc bị đọa, trong tâm khảm chàng, những chủng tử trí huệ sáng láng bị mờ đi, chìm xuống vô thức, còn những chủng tử khù khờ ngu muội lại nở ra rầm rộ và hiển lộ trên ý thức. Tuy khù khờ, nhưng vẫn có nhiều định lực. Bởi thế nên khi uống thuốc độc, chàng không hề chớp mắt.

Song những con đường biến chuyển của tâm thức, cũng như đường trong cõi u minh, nó thường biến chuyển theo nhân duyên thành muôn hình vạn trạng. Cõi tâm thức, cũng như cõi u minh, đều là những trường nhân duyên biến hiện một cách lạ lùng, khó thể nói xiết, chỉ có nhãn lực của một bậc Đại Bồ Tát mới nhìn thấy suốt mà thôi. Nhờ một chút duyên thừa, Thạch Sanh lại chịu chết thay cho nàng công chúa. Do sự chết thay, nên đi lạng quạng và được thấm mấy giọt hào quang của ngài Địa Tạng. Những giọt này tương tự như giọt cam lồ, như những viên ngọc thanh thủy châu bỏ vào một chậu nước đục. Nó đánh thức và làm trỗi dậy những chủng tử trí huệ cùng phước báo quá khứ của chàng, nên chàng cảm thấy rung động và thay đổi trong tâm thức cùng thân căn. Đó chính là sự trỗi dậy của vô thức. Giữa lúc này, khi nghe những lời giải thích về chiếu nghiệp kính của hán tử kia, chàng bỗng thấy trong tâm thức nở ra, cởi mở được vài cái gút trước kia vẫn bít bưng các nẻo về. Chàng buột miệng nói thao thao:

– Khi mình động niệm một việc gì, thì những nhịp điệu rung chuyển cũ lại khơi lên và cảnh cũ lại hiện ra trong tâm khảm. Cảnh đã hiện ra, thì tấm gương kia sẽ phản chiếu trung thực, nên mình không có cách gì chối cãi. Mình nhìn thấy cảnh đó trong gương, mà người ngoài không nhìn thấy được, có lễ là vì người ngoài không đồng nghiệp lực với mình. Nhưng đệ trộm nghĩ rằng nếu mình giữ nổi tâm không động niệm, thì có khi cảnh kia không hiện. Tâm mình hay cựa quậy thực, nhưng có lẽ cũng có người có nhiều định lực, có thể giữ tâm không cựa quậy. Tỷ dụ như người đã tu hành nhiều kiếp.

Hán tử trố mắt nhìn Thạch Sanh, ra chiều rất kinh dị. Chính Thạch Sanh cũng ngạc nhiên không hiểu sao mình lại thốt ra nổi những lời ấy. Chàng vốn ngập ngọng, khù khờ, nay lại thấy đầu óc thông suốt, miệng lưỡi lưu loát, ăn nói như nước chảy mây trôi. Chàng thầm nghĩ: “Chắc là tại mình thấm hào quang của đức Bồ Tát!” Rồi chàng lại lâm nhâm niệm: “Nam Mô Đại Phù Đồ Phật…” Hán tử nói, với giọng xuýt xoa thán phục:

– Huynh hay thật! Làm sao huynh biết hay thế. Có thế mà đệ nghĩ mãi không ra… Lời lý giải của huynh có lẽ còn hay hơn cả những lời giải của Quỳnh Nhi…

– Quỳnh Nhi là ai vậy?

– Quỳnh Nhi ấy à? Quỳnh Nhi ở bến Hương Bình chứ đâu nữa. Neu huynh quả là người ở đế kinh, mà không tới bên Hương Bình lại cũng không biết Quỳnh Nhi thì thực là uổng quá!

– Đệ cũng ở gần đế kinh, nhưng thực chưa có dịp lui tới bến Hương Bình.

– Chao ôi, chao ôi, thế thì hỏng quá, hỏng quá. Ben đó ở ngay phía Bắc kinh đô, cách chừng ba dặm. Ôi thôi, cứ chiều đến thì thuyền hoa lượn lờ như mắc cửi, đàn sáo dập dìu. Đệ bình sinh chỉ thích la cà ở nơi đó, và bình sinh đệ cũng chỉ thích gặp gỡ có một thứ người, huynh có biết là ai không? (Y hăng say như quên cả ngoại vật, tiếp tục kể lể). Thứ người đó là bọn danh kỹ. Gặp những bọn giàu sang phú quý, thì đệ chỉ muốn ngáp dài, nhưng chỉ cần thấp thoáng bọn danh kỹ là thần hồn đệ lập tức điên đảo. Đệ gặp gỡ Quỳnh Nhi là ở đó. (Y đập ngực, vào đúng chỗ chiếc bọc vải dầu). Cho đến bây giờ, đệ vẫn nghĩ rằng cuộc gặp gỡ ấy là một kỳ ngộ. Cho đến bây giờ, đệ vẫn chưa hiểu nàng ra sao cả. Nàng không đẹp lắm đâu, ví có người khác còn đẹp hon nàng. Nhưng nàng có một thứ phong tư lạ lùng. Không biết huynh có hiểu ý đệ muốn nói gì không? Nhưng bình sinh đệ chỉ mê mệt nhất là cái phong tư… Chao ôi, phong tư gì mà lạ vậy. Có thể nói là thanh kỳ thoát tục. Người đời thường ngợi khen cái phong tư của hoa đào, hoa lý; đệ thì thấy phong tư của nàng còn hơn cả đào, lý. Đệ là kẻ bình sinh vốn chẳng sợ hãi kính trọng cái gì hết, lúc nào cũng mờ mờ mịt mịt chẳng biết trời đất là gì, cũng chẳng tin có thần tiên, nhưng mỗi khi nhìn nàng, đệ thường giựt mình trộm nghĩ có lễ có thần tiên. Tiếng nói cũng thực là kỳ dị, trong và nhẹ, chỉ nói một câu rất tầm thường mà cũng nghe như một khúc nhạc. Đệ bình sinh vốn có tính cao ngạo, bướng bỉnh, nhưng cứ nghe nàng nói điều gì là thấy trong lòng tiêu tan mọi niềm chống đối, rồi cứ líu ríu làm theo. Chốn yên hoa tục tĩu là vậy, mà nàng cứ thản nhiên lẳng lặng nhẹ gót, tưởng chừng như bụi trần chẳng vướng được đến chân nàng.

Y nói đến đây như bị xúc động mạnh, ngưng lại thở dài thườn thượt. Thạch Sanh cũng bị lôi cuốn bởi câu chuyện lê thê của y, nhưng vẫn im lặng, không cắt ngang giòng tâm tư của Hán tử. Chàng tránh nhớ tới nàng công chúa, thấy trong lòng như tỉnh một thứ men rượu, và thầm nghĩ rằng: “Không hiểu phong tư của nàng ra sao, mà anh chàng này bị xúc động đến thế? Có khi phong tư của người ca kỹ ấy còn hơn phong tư của nàng công chúa. Nhưng hỡi ơi, phong tư gì thì phong tư, nó cũng chỉ ở trong con mắt kẻ nhìn, và cũng đều được kết nên cho những oan trái, tiền duyên…” Chàng có ý muốn rút tấm gương trong bọc ra để soi nét mặt của nàng công chúa, nhưng lại ngừng tay lại. Hán tử chậm rãi kể tiếp:

– Thế rồi đệ cứ lân la, lăn lóc nơi bến Hương Bình trong thuyền hoa của nàng. Đệ đã nghe nàng cất tiếng ca nhiều lần, mỗi khi nghĩ đến, đệ vẫn cứ tưởng như tiếng ngọc reo lao xao đụng chạm lẫn nhau. Khổ một nỗi là nàng hình như rất e sợ câu chuyện chăn gối. Thú thực với huynh, trước sau đệ cũng chỉ được ngủ với nàng có một lần. Lần ấy, nàng ngồi dậy, đến trước chiếc gương nhỏ trong khoang thuyền ngồi vấn lại mái tóc. Nàng bỗng mỉm cười quay lại bảo với đệ: “Có lẽ chúng mình nên ngưng đi thì hơn. Không biết anh nghĩ sao, em thì thấy rằng việc chăn gối chỉ để lại những vết nhơ trong người. Cõi nhân thế này hình như bị tràn ngập bởi câu chuyện tình gối chăn. Nếu cứ lẩn quẩn như vậy, làm sao có thể thoát thân phiêu phiêu sang những cõi khác được?” Đệ nghe nàng nói mà thấy choáng người, tưởng chừng như trời sập, vì chưa bao giờ đệ nghe thấy ai nói như vậy cả. Mà đệ cũng chẳng biết làm sao mà trả lời nàng. Huynh thử nghĩ xem, giả sử huynh ở địa vị của đệ, thì huynh nói sao đây? Nói sao đây?

Y ngừng lại như muốn chờ một lời giải tỏa của Thạch Sanh. Y không biết rằng chàng vốn là một đồng tử, tức là trong nhiều kiếp đã tu hành để lìa xa cái tâm tưởng dâm dục. Trong tâm thức chàng, những rung động về tình dục còn rất ít, chỉ còn những rung động về tưởng mà thôi. Định lực cùng sự rung chuyển về tưởng của chàng rất mạnh, nên mỗi khi chàng cầm chiếc gương, thì nét mặt công chúa lại hiện trong gương. Nên chàng thản nhiên trả lời:

– Đệ cũng như huynh, chẳng biết nói sao, vì không chừng nàng đã nói đúng

– Đấy, đấy, huynh thấy không, nàng đã nói ra điều gì thì khó mà cãi lại được. Nàng cứ nói khơi khơi như vậy, mà mình cóc cãi được. Hồi ấy, khi nghe như vậy, thì đệ chán nản lắm, có khi nghĩ chuyện muốn cắt đứt với nàng. Nhưng rồi vẫn cứ phải lai vãng, vì thà được nhìn, được nghe vẫn còn hơn không. Đệ đương ở trong tình trạng chết đứng như vậy, thì lại xảy ra một chuyện khác, khiến đệ càng ngày càng biến thành một con cua bị người bắt bỏ rọ.

– Câu chuyện ra sao?

– Chuyện lại chẳng ra làm sao cả, thế mới tức chứ. Chỉ tại có một người đã đi qua đó mà thôi. Người này không phải là một hào khách, chẳng phải vương tôn công tử, cũng chẳng đẹp trai, chẳng trẻ, vì là một ông thày chùa. Lão là một vị du tăng, đầu trọc lốc, mặt đen sậm, mắt màu biếc, chuyên môn đi ta bà để gieo rắc nhân duyên. Cũng như ả kia, lão cũng khơi khơi đi qua đó, không hiểu lão đã đi tu rồi mà còn cứ đi khơi khơi tà tà làm gì, khiến đệ lại bị chồng chất thêm những nỗi rắc rối.

Nhìn dáng điệu của Hán tử, Thạch Sanh cũng không khỏi mỉm cười và bảo:

– Có khi ông ta là cái duyên may của huynh không chừng.

Hán tử gật gù:

– Bây giờ nghĩ lại thì cũng có thể là cái may; nhưng lúc đó đệ bực lắm, đệ thấy chán ngắt như không muốn nhìn thấy ông ta nữa. Chả là buổi chiều hôm đó, đệ đang ngồi trong khoang thuyền uống trà với Quỳnh Nhi, trong thuyền cũng có hai ả ca kỹ nữa. Hai ả này thì đương ngồi vắt vẻo trên mạn thuyền, vừa để hóng gió, vừa hóng khách, thì bỗng nhiên lão lù lù chậm rãi đi qua đó. Một ả bẻo lẻo mồm miệng, bỗng cao hứng cất tiếng: “Này đại sư phụ, xin mời đại sư phụ dừng chân xuống thuyền của tiện nữ dùng một chén trà.” Ả nói vậy, rồi bưng miệng cười hích hích. Ả kia cũng cười theo. Không ngờ là lão dừng chân thực, rồi khoan thai bước lên mạn thuyền, ngồi xếp bằng tại đó, miệng niệm câu Nam Mô Đại Phù Đồ Phật. Tuy là du tăng, nhưng âm thanh tiếng Phong châu của lão rất rõ ràng, rành mạch. Hai ả kia thấy lão xuống thực, thì ngớ người ra chẳng biết xử sự ra sao nữa. Đệ cũng đờ người ra vì bực mình và cụt hứng. Đúng lúc đó thì Quỳnh Nhi đã hai tay bưng chén trà khói nghi ngút tới đặt trước mặt lão, rồi nàng xụp xuống lạy, miệng nói: “Bọn tiện nữ thực là nghiệt chướng chất ngất, không biết cách nào rũ cho sạch được. Kính xin người mở lòng từ bi điểm hóa cho.” Nói vậy rồi mà nàng vẫn cứ phủ phục dưới ván thuyền. Lão đưa đôi mắt biếc nhìn cái lưng nàng một hồi lâu, hóp một ngụm trà, cúi đầu xuống gio tay xoa cái đầu trọc lốc một lúc, rồi mới nói: “Nữ thí chủ có thỉnh nguyện như vậy thì bần tăng biết nói gì đây. Xưa kia bần tăng cũng có đọc tụng được một ít kinh kệ, nhưng ta bà lâu ngày nên quên gần hết, chỉ còn nhớ được chút ít để cống hiến các vị thí chủ… Người nào reo giắc nhân duyên gì thì gặt hái nhân quả đó, nhân tức là quả, quả tức là nhân. Trong cõi mờ mịt này chẳng có sai lệch mảy may. Trong cuộc hành trình vô định qua các cõi và các kiếp, những kẻ thoát ly được các ác đạo thì ít như chén nước trà này, còn những kẻ bị đày đọa chìm nổi thì nhiều như con nước sông Kinh vậy. Người nam thì dễ trầm luân do lòng cao ngạo ngông cuồng, tự cho mình là thông minh, tài giỏi, tâm tưởng cao ngạo ấy mỗi khoảnh khắc lại mỗi quyện vào mình, tương tự như con tầm quyện trong cái kén vậy, gỡ mãi chẳng ra. Người nữ thì dễ trầm luân do lòng si mê thấm đậm; lòng si mê này thực ra khó mà dò đến cùng tột. Hỡi ơi! Nghĩ tới lòng si mê sâu dầy của người nữ nhân, thì chính bần tăng cũng phải rùng mình sợ hãi, mà có lẽ chính Đức Mâu Ni nhà ta ngày xưa cũng phải rùng mình e ngại. Thực ra thì nam hay nữ cũng chẳng có gì nhất định đâu, có vị thì kiếp này là nữ nhưng kiếp khác lại trở thành nam. Lại có những vị chư thiên ở nhiều tầng trời của cõi sắc thì chẳng là nam cũng không phải là nữ, mà chỉ còn thuần một hình tướng trượng phu thôi, vì các vị ấy đã tuyệt được hẳn lỏng tình dục, chỉ cỏn vương vất tí chút về tâm tưởng luyến ái mà thôi. Đó là đều do sự biến chuyển của nghiệp lực. Các vị thí chủ đã phải đội một thân nữ nhân trong kiếp này cần phải hiểu rằng đó là do chính mình đã gây ra nhiều oan trái nghiệt chướng ở những kiếp trước…”

Lão nói đến đây, ngưng lại giây lâu như muốn để người nghe lãnh hội được ý nghĩa. Lão lại giơ tay xoa xoa cái đầu trọc lốc, nét mặt mơ màng bình thản như có phủ một làn sương, đôi mắt to màu biếc trông sâu thăm thẳm. Chắc là huynh đã từng trông thấy một chiếc lá sen mọc nổi trên mặt nước hồ thu rồi chứ gì? Đấy, đôi mắt lão trông tương tự như vậy. Đệ lúc đầu thì chán ngán lão, nhưng lúc đó cũng biết sanh tâm trân trọng. Lão lại chậm rãi nói tiếp: “Bần tăng không đủ đạo lực, nhãn lực kém cỏi, nên không thể nhìn nổi vào tâm khảm của các vị nữ thí chủ, nên không lý giải nổi các tiền duyên oan trái. Nhưng đã sa chân vào chốn yên hoa tức là oan trái phải sâu dầy. Có thể rằng trong những kiếp trước, các vị đã quá say đắm tình dục, quá yêu chuộng thanh sắc, quá yêu mến cái dung nhan nữ nhân của mình, trìu mến việc tô son vẽ phấn, trìu mến vàng ngọc lụa là, rồi lại dùng dung nhan ấy đã gây nên nhiều tình chướng, làm điên đảo khuynh gia bại sản nhiều kẻ, làm tan vỡ nhiều nhà. Hỡi ơi, tất cả những tâm tưởng đắm say, trìu mến khuynh đảo, tác oai, tác quái ấy, nó cứ triền chuyển không ngừng, nó cứ quyện vào như con tằm mà không thể lột xác như con rắn. Nhưng trong giữa chốn yên hoa, cũng có thể rằng có những vị đã từng làm thiên nữ ở những cõi trời, đã từng tuyệt được tâm tưởng tình dục, đã từng tụng kinh đọc kệ trải qua hàng kiếp số nên luyện nổi âm thanh của tiếng nói trở thành huyền diệu nhưng do một phút lỡ lầm phạm tội mà bị đọa, hoặc lại do nguyện lực muốn độ duyên của chính mình mà muốn tự dấn thân vào chỗ bùn lầy. Những cái đó, cái đó, thì bần tăng làm sao biết được? Bần tăng chỉ là một kẻ lang bạt, chỉ biết nhắc lại những lời kinh xưa mà thôi… Nữ thí chủ ngày nay muốn rũ sạch oan trái ư? Nữ thí chủ khởi được tâm niệm ấy thì quá tốt rồi. Các oan trái có thể rũ được trong một khoảnh khắc, có thể rũ trong một ngày, trong ba năm, hoặc có khi lại phải rũ trong nhiều kiếp số. Một khoảnh khắc hay một kiếp số có gì khác nhau không? Đó là tùy tâm niệm của nữ thí chủ. Bởi vậy, nên các nữ thí chủ cần phải tâm niệm cầu xin đức Bồ Tát chuyển hóa những tâm tưởng của mình đi, rồi tới một dịp hóa thân nào đó, chuyển hóa thành hình hài trượng phu thì mới có thể thong dong đi qua các cõi. Bần tăng qua đây, gặp cơ duyên được thọ lãnh một chén trà của các thí chủ, nên cũng không thể quên lãng các thí chủ trong lời cầu nguyện thường ngày của mình đâu.”

Nói như vậy rồi lão từ từ đứng dậy, rút trong bọc ra một tờ giấy mỏng chi chít những chữ, trân trọng đặt bên cạnh Quỳnh Nhi, chắp tay niệm Phật, khoan thai bước xuống bờ, rồi đi thẳng, chẳng quay đầu lại. Lão đi rồi, mà Quỳnh Nhi vẫn còn phủ phục. Đệ chợt thấy hai vai nàng rung lên, nên vội đỡ dậy. Thì ra nàng nước mắt đầm đìa, ướt hết cả tà áo. Bộ mặt phấn của nàng cũng hoen ố đầy nước mắt. Bình sinh đệ rất sợ trông thấy người khóc. Đấy, huynh thử nghĩ coi, câu chuyện lạ như vậy đó, đầu Ngô mình Sở, thì đệ biết làm gì, nói gì đây?

Những lời thuyết giảng của vị Hồ tăng cũng soi sáng cho Thạch Sanh được nhiều điểm. Thực ra thì không phải là soi sáng mà chỉ là bừng tỉnh. Vì trong tiềm thức của chàng cũng đã có sẵn những chủng tử đạo nghĩa ấy rồi, nay chỉ nhờ ngoại duyên ấy, mà một số gút bịt bùng được mở và các chủng tử lại trỗi dậy. Khi nghe nói người ca kỹ nước mắt đầm đìa, chàng cũng thấy sởn gai ốc và muốn ứa lệ. Chàng ngậm ngùi nói:

– Những giọt nước mắt của nàng không phải là những giọt nước mắt thương tâm bình thường đâu. Thương cho thân phận của chính mình thì ít, mà xót thương cho thân phận mây trôi bèo nổi của các chúng sinh trong cuộc hành trình vô định thì nhiều. Đó là những giọt nước mắt ân huệ vì lòng từ bi của đức Bồ Tát. Nó sẽ thấm nhuần và gột sạch một phần oan trái của mình.

– Ồ! Ồ! Thì ra thế đấy. Thế mà đệ cứ tưởng là nàng quá thương cho thân phận của mình mà khóc ròng. Quả nhiên, từ đó trở đi, đệ thấy nàng thay đổi hẳn đi, ngày càng bí mật lạ lùng. Nãng cũng vẫn ca hát cười nói, nhưng tâm trí hình như để ở đâu đâu, cất giấu một nơi mà mình không thể mò tới. Đệ nhiều lúc thực là dở khóc dở cười. Nực cười nhất là từ đó, vào những đêm có mình đệ ở trong khoang thuyền, là nàng chẳng trò chuyện gì mấy nỗi, mà chỉ có thắp hương rồi giở mấy tờ kinh của lão du tăng ra tụng. Thế là đệ cứ phải ngồi dựa vào vách thuyền hoặc nằm còng queo để nghe kinh một cách rất ư là bất đắc dĩ. Nhưng nghe riết rồi cũng quen đi, được cái giọng nàng thanh tao nên đôi khi đệ nghe cũng thấy như là nàng ca hát vậy.

– Huynh có biết là kinh gì không? Thạch Sanh bỗng hỏi.

– Kinh thực đấy, nhưng chỉ vỏn vẹn có hai tờ kinh chép ra từ một bộ kinh gọi là Hóa Thân Vô Lượng Nghĩa Xứ Kinh

Thạch Sanh bất giác giựt mình lẩm bẩm: “Hóa thân vô lượng nghĩa xứ, Hóa thân vô lượng nghĩa xứ… Hóa thân… Hóa thân…”

Hán tử thấy chàng thẫn thờ, nên cũng im lặng giây lâu. Nhưng rồi hình như không nhịn nổi nữa, hắn lại hỏi:

– Té ra là thế. Té ra là hình như mình không có chết thực đâu… (Hắn đập tay vào bọc vải dầu) Kinh này dạy như thế mà. Đệ nghe tụng riết rồi cũng nhớ lõm bõm. Có câu nói như thế này: “Đừng tưởng rằng sắc thân này là chắc nịch và cố định đâu, nó chỉ được dệt nên do sự bừng nở của một thứ nghiệp lực nào đó, và có những loài quỷ có thế đi qua thân người được. Nó chỉ là một giòng nghiệp lực triển chuyển không ngừng, nó hóa thân từng sát na và thực ra cũng chẳng có gì thực đáng gọi là sinh ra hay là diệt đi đâu. Khi nào nghiệp lực ấy mãn, thì nó chuyển hóa đi thành một sắc thân khác tương ứng với nghiệp lực vừa mới bừng nở.” Đấy, huynh nghe thấy không? Lúc đầu thì đệ thấy khó hiểu và khó nghe quá. Nhưng lạ một điều là nếu nàng tụng câu đó thì đệ lại thấy lọt tai. (Hắn gật gù) Nhưng bây giờ, thì đệ thấy là đúng. Đệ uống nhầm phải mấy lạng phụ tứ của thằng lang băm đó tưởng là ngoẻo thực sự, thế mà bây giờ đệ vẫn còn nhăn nhăn đứng đây nói chuyện nhem nhẻm với huynh. Kể ra… Kể ra thì nếu quả thực mình cứ được đổi hết sắc thân này đến sắc thân khác rồi cứ tung tăng rong chơi thì kể cũng thú nhưng không biết rồi đây, cái ông vua râu dài kia cùng cái chiếu nghiệp kính họ sẽ cho mình đội một sắc thân nào đây.

Thạch Sanh bỗng lẩm bẩm:

– Cái khó nhất là ở lúc nhập thai… Nhập thai thì thường thường quên sạch. Làm thế nào mà lúc nhập thai vẫn nhớ nổi những ức niệm cũ? Chắc là phải nhờ đến định lực. Định lực mà sâu dày chắc vẫn nhớ được.

– Định lực, định lực! Huynh cứ nói hoài đến định lực. Nhưng đệ không nghe thấy Quỳnh Nhi nói đến vụ đó, nàng chỉ bảo đệ nên chuyên tâm niệm đức Bồ Tát thôi, nhưng đệ chỉ chuyên tâm đến nàng chứ không chuyên tâm đến đức Bồ Tát. Tuy vậy, cũng nhờ có nàng mà đệ được nghe một chút đạo lý. Tính đệ bướng bỉnh và ham chơi, nhưng đôi khi, vào những lúc tỉnh rượu tàn canh, đệ cũng thấy giựt mình sợ hãi, không hiểu là rồi mình sẽ đi đến đâu. Lại nghe nàng nói là người có thể bị đọa xuống làm súc sanh được, đệ thấy khá sợ. Làm người cũng còn được, chứ làm súc sanh chán quá rồi. Nàng lại tự tay chép hai tờ kinh kia ra, đóng thành một tập và tặng đệ. Đệ chẳng đọc tụng gì cả, nhưng đệ quý tập kinh đó nên lúc nào cũng giắt ở trong người. Bây giờ, nó đây này. Có khi vì cứ kè kè mang theo tập kinh này mà đệ được trở lại làm người cũng nên.

– Có thể, có thể lắm.

Hai người chúi đầu vào nhau nói chuyện rì rào, hăng say thẫn thờ hầu như quên mất cả cảnh vật bên ngoài. Mấy con ma mới đứng gần đó cũng động lòng hiếu kỳ xán lại gần, vểnh tai để nghe lóm câu chuyện. Hán tử còn đương định nói nữa, thì bỗng có một tên quỷ sứ đi lại, cầm cán cây đinh ba gõ mạnh vào đầu hắn mấy cái, nên hắn đành im miệng. Hắn ngước mắt nhìn cây đèn đặt trên đầu Thạch Sanh, ý chừng muốn hỏi duyên cớ, nhưng thấy tên quỷ sứ vẫn lăm lăm nhìn, nên hắn đành thôi. Tên quỷ sứ bỗng nói:

– Đừng có nỏ miệng nữa. Hãy nhìn lên kia kìa.

Thạch Sanh đưa mắt nhìn lên phía ông vua râu dài. Vì số tội nhân quá đông, đứng ngồi lố nhố, nên lúc đầu chàng chưa kịp nhìn rõ. Lúc này, chàng định thần nhìn kỹ thì thấy trước mặt Diêm Vương và giữa hai phán quan có bầy la liệt những dụng cụ tra tấn, nào vạc dầu, nào chảo nóng, chĩa sắt, đinh ba, cày sắt, bừa sắt… và có đến hơn hai mươi tội nhân đương thọ hình. Có người bị ném vào chiếc chảo nóng bỏng và đương nhảy choi choi giữa lòng chảo như con cào cào. Có kẻ bị quỷ sứ lấy đinh ba xiên vào người, rồi nhúng vào vạc dầu sôi rồi lại vớt ra, và lạ thay, kẻ đó vẫn không chết. Có kẻ phải nuốt mấy chục hòn sỏi nóng, nuốt vào thì cổ nghẹn lại, thân thể khô co và đỏ bầm, nhưng khi nuốt xong lại sống lại. Thạch Sanh bất giác rùng mình và thấy như lệ muốn thấm hai hàng mi. Không phải sợ hãi cho chính chàng mà vì xót thương những kẻ kia. Chàng lại lâm râm niệm Phật. Có một tội nhân vị tội cày lưỡi: Chiếc lưỡi của y lè dài ra ngoài miệng, lòng thòng dài đến hơn một thước, và một quỷ sứ đương cầm một cây cày lớn đặt trên lưỡi của y. Lạ thay, chiếc cày trông lớn như vậy, mà khi đặt vào chiếc lưỡi vẫn thấy như vừa vặn. Rồi tên quỷ sứ đâm sâu chiếc cày xuống lưỡi, và cày bừa trên chiếc lưỡi giống như một nông phu cày bừa một thửa ruộng vậy. Tên quỷ đứng gần Thạch Sanh bỗng nói:

– Tên đó bị cái tội cày lưỡi, thì bỗng dưng thấy như lưỡi mình rộng đến hàng trăm thước và dài đến vạn dặm, nên tha hồ mà chịu sự cày bừa.

Hán tử cầm cuốn kinh lắc đầu lè lưỡi, đưa mắt nhìn Thạch Sanh, nhưng chàng vẫn lâm râm niệm Phật như không nghe thấy gì. Chợt vua Diêm La cầm chiếc ấn ngọc đập khẽ xuống bàn ba cái, rồi một vị phán quan đứng quay mặt ra, dõng dạc tuyên bố:

– Đức Thập Điện có lệnh truyền: Hôm nay là ngày hy hữu và đại cát tường, có khi hàng bao nhiêu thạch kiếp mới có một ngày. Chốn u minh nay được ngài Địa Tạng Bồ Tát giáo chủ mở lòng từ bi hiển hiện sắc thân du địa phủ. Nên tất cả các tội nhân được miễn thọ hình trong ba ngày. Những kẻ đó được đưa trở về chỗ giam cầm, ngoại trừ những người mới xuống.

Lệnh truyền ra, chỉ trong giây lâu là chiếc sân mênh mông đã thấy vắng teo, chỉ cỏn lại chừng năm, sáu trăm người, chắc đều là ma mới.

Thạch Sanh đưa mắt nhìn quanh. Lúc bấy giờ, chàng mới thấy người thiếu nữ. Nàng vẫn ăn bận y như hôm chàng bắt gặp nàng ta tắm bên bờ suối: vẫn chiếc khăn lụa xanh nhạt bịt trên mái tóc, cùng chiếc mạng mỏng che nửa mặt. vẫn đôi môi đỏ như một vết thương. Nhưng lần này, nét mặt tiều tụy thẫn thờ. Nàng đứng tựa lưng vào một bức tường, mặt như giận mà không phải giận, như muốn cười mà không phải cười. Nàng bỗng đưa tay lên gỡ chiếc khăn lụa, rồi nắm chặt trong tay như muốn vò nát. Chiếc khăn gỡ ra rồi, mái tóc nàng buông xõa xuống, trùm cả hai bờ vai. Nàng đứng thẫn thờ nhìn về phía trước mặt, nhưng không nhìn về phía vua Diêm La. Chợt thấy bóng nàng, lòng Thạch Sanh như chùng lại. Chàng lẩm bẩm: “Tái sinh! Tái sinh! Hóa thân! Hóa thân!… Thì ra lại phải tái sinh rồi mới thấy được mặt nhau. Thì ra người ta cũng chẳng khác chi một cái bóng chập chờn.” Bất giác, chàng nhớ lại lời của ông thày bói: “Chẳng qua là nhân hư ảnh này mà có hư ảnh kia…” Định thần lại giây lâu, chàng ngạc nhiên nhận thấy lòng mình đã thay đổi khác trước: Chàng không cảm thấy nỗi vui mừng cuồng loạn của một kẻ cuồng si khi được gặp lại mặt người tình mà chỉ thấy một niềm chua xót rào rạt. Có lẽ chua xót cho những chiếc bóng, tuy diễm lệ nhưng chập chờn. Chàng bỗng giơ tay lên sờ chiếc đèn trên đỉnh đầu, thầm nghĩ: “Không hiểu nàng đã phạm tội gì đây?”

Tiếng rên la khẽ bỗng vang lên ở gần chàng. Một tên ma mới nằm phủ phục dưới đất đương bị một quỷ sứ dựng dậy và dắt tới trước điện. Người này đầu bù tóc rối, mặc một chiếc áo cánh rách tả tơi, đóng khố, thân hình gầy gò hốc hác như một anh nghiện thuốc phiện. Hắn được điệu tới trước điện, rồi lại phủ phục trước đó, mắt không dám nhìn lên. Ý chừng hắn sợ hãi quá rồi. Một vị phán quan đứng hầu cạnh vua, cất tiếng hỏi:

– Ngươi có lần đến chùa Hóa Độ, lẻn vào phòng thày tăng Minh Tạng ăn cắp ba trái ổi. Ngươi có biết tội không?

Người kia lắp bắp:

– Bẩm… bẩm… con… con…

– Của cải ở chùa là do các đàn việt thập phương cúng dường, nên gọi là của tín thí. Trên cán cân nhân quả của cõi u minh, một hạt cơm của tín thí có thể nặng bằng núi Tu Di sơn. Ngay đến những vị tăng, sống bằng của tín thí, mà không chịu giữ giới hạnh tinh nghiêm, cũng còn bị quả báo rất nặng. Huống hồ là ngươi chỉ là một người tục.

– Bẩm… bẩm chỉ tại con nghèo quá… đói quá. Lại ở gần chùa. Con chỉ thò tay qua song cửa rồi lấy mấy trái ổi.

– Theo luật cân nhắc nghiệp báo, tội của ngươi đáng bị nuốt ba cục sắt nóng và đọa làm một kiếp trâu để kéo cày trả nợ cho nhà chùa. Nhưng nhà ngươi vốn ở gần chùa, bình sinh ngươi có tạo được chút phước nghiệp nào không?

– Bẩm… bẩm… có lẽ không.

– Ngươi có hay đến chùa không?

– Bẩm… con đi qua hàng ngày trước cổng chùa. Những ngày có lễ, con cũng mon men tới cổng chùa, đứng nghe chuông mõ. Nhưng vì … con chỉ có mỗi… cái khố, nên không dám bước vào chùa.

– Ngươi có nhìn thấy hình tượng Đức Phật Đại Phù Đồ Mâu Ni bao giờ không?

– Bẩm có, có. Khi cánh cửa mở lớn, thì con nhìn thấy.

– Ngươi nghĩ kỹ lại xem, trong những khi nhìn thấy hình tượng ngài, ngươi có bao giờ sinh một tâm tưởng muốn kính ngưỡng, muốn lễ bái ngài không? Hoặc đảnh lễ thầm trong lòng, hoặc đảnh lễ bằng tay chân? Ngươi có thấy thế bao giờ không?

– A, a, con nhớ ra rồi… Con có lễ Phật một lần… không những lễ mà còn cúng dường nữa.

– Ngươi lễ ra làm sao? Lễ từ cổng chùa ư?

– Không, không, con vào tận trong chùa. Hôm đó không có ai nên con lách cửa đến ngay trước Phật

– Ngươi chỉ đóng chiếc khố mà vào lễ hay sao?

– Không, không… con có lấy một manh chiếu rách quàng kín dưới bụng rồi mới dám vô. Con lại mang theo ba cành hoa nữa.

– Ngươi có tiền mua hoa hay sao?

– Không… đâu có tiền… Con hái trộm hoa ở một nhà trong xóm. Con nghĩ bụng: Mấy đóa hoa này đẹp quá, để nó tàn đi thực uổng. Thế rồi con hái trộm…

Vị phán quan trầm ngâm giây lát, rồi nói:

– Phước nghiệp của nhà ngươi, tuy nghe qua thì thấy không có gì, nhưng chính ra thì phức tạp và kỳ dị. Ngươi biết lấy mảnh chiếu che thân là có tâm hổ thẹn và kính ngưỡng. Ngươi lại đi ăn cắp hoa để cúng Phật. Ăn cắp là một tội, nhưng trong tình cảnh của ngươi lại thành một trường hợp tăng thượng… Nên đức Vua có lệnh truyền cho ngươi được miễn tội, và được đi thọ sinh ở cõi trời thấp nhất là cõi trời Tứ Thiên Vương…

Có lẽ vì bất ngờ sung sướng quá, nên người kia chỉ kêu ối, rồi nằm lăn ra bất tỉnh… Thạch Sanh còn đang bồi hồi mừng thầm cho số may mắn của tên ăn cắp hoa cúng Phật, thì có tiếng hô:

– Tội nhân Lý Liễu Quán!

Lý Liễu Quán chính là tên chàng. Nhưng từ lâu, không nghe ai gọi mình bằng tên đó nên chàng cũng hơi lãng quên. Còn đang bỡ ngỡ, thì một quỷ sứ đã tới trước mặt, cầm cây chĩa ba chọc nhẹ vào đùi chàng. Chàng liền đứng dậy đi theo tới trước điện. Chàng quỳ xuống nhưng lưu ý xòe bàn tay có viết chữ “Miễn” của ông thày bói.

Trong lúc đó, một vị phán quan đã lễ mễ bưng một cuốn sổ lớn đã mở sẵn, tới đặt trên bàn trước mặt vua Diêm La. Đức vua liếc nhìn xuống cuốn sổ, thấy mấy hàng chữ không biết do ai ghi sẵn:

“Người này là một bậc hiền giả. Đã tu hành nhiều kiếp và từng được làm đệ tử của đức Quan Thế Âm tại biển Nam Hải. Từng chứng những quả Nhập Lưu và Nhất Lai. Đã đạt tới đệ tam Thiền, và trong nhiều kiếp đã thọ sinh trên những từng trời ở cõi sắc. Ưa thích về thiền quán, nhưng giới hạnh còn kém tinh nghiêm. Tu một vài kiếp nữa, có thể đạt tới Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, hoặc Diệt Tận Định và đắc quả A La Hán. Nhưng cần phải khai mở những chủng tử về Đại Từ Bi và Đại Bát Nhã. Sự trì tụng kinh Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh sẽ khai mở những chủng tử đó. Nhưng trong kiếp trước, đã quá phóng dật say rượu làm cháy một phẩm kinh đó, đồng thời ngộ sát con cá vàng. Nên oán oán tương báo. cần phải chuyển người này từ nhân địa các quả Tiểu thánh sang Bồ Tát địa của các bậc Đại thánh. Phải truyền lệnh lặn lội đi thỉnh lại bộ Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh…”

Nhà vua ngẫm nghĩ giây lâu, rồi đưa mắt nhìn Thạch Sanh, thấy chàng trán cao, miệng rộng, mũi to nhưng huếch. Trên đầu lại đội một cây đèn. Vua cất tiếng:

– Tội nhân Lý Liễu Quán được miễn lễ. Có thể đứng hoặc muốn ngồi tùy ý.

Thạch Sanh lễ phép thưa:

– Tôi xuống đây không phải vì tội nghiệp của riêng tôi, nhưng vì muốn tạ tội cho người khác, nên không dám khiếm lễ.

– Ý chừng nhà ngươi muốn nói tới công chúa của xứ phong châu?

– Thưa quả đúng như vậy.

– Nhà ngươi muốn tạ tội cho y thị. Nhưng nhà ngươi đã biết y thị phạm tội gì chưa mà tính việc tạ tội?

– Thưa cái đó thì quả thực tôi chưa biết.

Trong khi đối đáp đó, một quỷ sứ đã áp giải Mỵ Ê tới, và bảo nàng quỳ xuống. Khi nghe Thạch Sanh nói định tạ tội cho nàng, thì nàng khẽ ồ lên một tiếng, chiếc môi dưới bĩu ra, nét mặt bướng bỉnh ngang ngạnh, lẫn đôi chút điêu ngoa. Nhưng nàng cũng quỳ xuống, tay vẫn vò nát chiếc khăn. Vua hỏi:

– Tiểu nữ kia, ngươi có biết đã phạm tội gì không?

Nàng đưa tay cầm chiếc khăn lên vuốt nhẹ nơi ngực mấy cái, hình như muốn nuốt một cơn cười. Rồi nói:

– Tiểu nữ làm sao biết được? Không lẽ chỉ có trèo lên cây nhãn để hái mấy chùm mà cũng là một tội sao?

Hồi không nhịn được nữa, nàng bật cười hĩnh hích, vội đưa khăn lên che miệng. Thạch Sanh cúi gầm mặt xuống, không dám nhìn nàng. Được cái tiếng cười thanh tao hồn nhiên, nên cũng bớt vẻ hỗn xược. Nàng nói:

– Tâu bệ hạ, tiểu nữ không biết làm sao được. Tiểu nữ phải cái tật hay cười. Trời sinh ra như vậy. Không biết tật đó có phải là một tội không?

Sắc diện vua Diêm La vẫn không biến đổi. Vua điềm nhiên nói:

– Cười hồn nhiên thì không phải là một tội. Nhưng nếu cười mà có tâm khinh mạn hay xúc phạm thì là có tội.

– Tiểu nữ có tâm khinh mạn gì đâu? Chẳng qua là… mỗi khi tiểu nữ gặp một cảnh ngộ gì… hoặc nhìn… nét mặt một người nào… tiểu nữ lại cứ thấy là ngộ nghĩnh… và cứ muốn… nổi lên… cơn cười…

Công chúa vừa nói vừa đưa khăn lên bịt miệng, nhưng vẫn không dằn nổi hẳn được cơn cười. Sau cùng, nàng đành cúi gầm mặt xuống, không nhìn lên cũng không dám nhìn về phía Thạch Sanh. Diêm Vương hỏi:

– Nhưng ở đây, ngươi đã gặp cảnh ngộ gì hoặc nhìn thấy nét mặt ai, khiến cho muốn nổi cơn cười?

Công chúa đưa tay chỉ về phía Thạch Sanh:

– Chỉ tại… chỉ tại người này… Không hiểu sao lại có… cái mũi huếch… và bộ mặt ngơ ngác… khiến … hi … hi… tiểu nữ không nín được cơn cười… Nhưng quả thực, tiểu nữ tuyệt không có ý gì khinh mạn hay xúc phạm người này. Nói ra được câu này rồi, nàng như dịu được cơn cười. Thạch Sanh nghĩ thầm: “Thì ra bộ mặt mình ngơ ngác, để làm cho nàng bật cười. Như vậy cũng hay, để nàng bớt sợ hãi… Nhưng xem chừng nàng không mấy sợ hãi…” Diêm Vương hơi cất cao giọng:

– Hãy coi chừng! Coi chừng! Ngươi quả là một phụ nhân mê muội và nan hóa. Ngươi cứ cười như vậy rồi sẽ nẩy dần cái tâm khinh mạn và xúc phạm. Mà người này là một người không nên xúc phạm. Nếu ngươi nẩy tâm xúc phạm, thì ngươi lại tái phạm một lần nữa cái tội khiến hôm nay ngươi phải xuống đây.

– Tâu bệ hạ, tội gì vậy?

– Cách đây hơn hai tháng, ngươi có ngồi kiệu đi tắm ở khe nước Lộ Tuyền gần kinh đô phải không?

– Tâu có như vậy.

– Trên đường trở về, ngươi lại cao hứng truyền lệnh đi vỏng qua một khu rừng già, và ngươi có gặp một vị tăng đương ngồi kiết già bên ven đường phải không?

– Vâng có thể… Thế ra lúc đó bệ hạ cũng có mặt ở đó hay sao mà biết rõ thế?

– Ta cũng không cần có mặt. Vì mỗi người trên dương thế đều thường có một số quỷ thần đi theo, nên những việc mà ngươi tưởng chỉ mình ngươi biết mà vẫn có kẻ khác biết. Mà dù không có ai biết thì chiếu nghiệp kính vẫn làm hiển lộ rõ ràng.

– Thế ra… Thế ra… Nhưng gặp thì có gặp… nhưng tiểu nữ có làm gì nên tội đâu?

– Miệng của ngươi cứ leo lẻo như nước chảy. Ngươi không còn nhớ đã làm những việc gì cả sao?

– Tiểu nữ có nhớ chứ… nhung tiểu nữ vẫn không hiểu tội trạng ở đâu mà ra. Tiểu nữ thấy ông ta ngồi mọp bên ven đường chân xếp bằng, đôi mắt nhắm nghiền, chiếc áo mặc thì vá víu đến trăm mụn vải và nhuốm đầy cát bụi, cứ ngồi trơ trơ ù lì bất động như vậy, thân hình thì tiều tụy hốc hác như một cành cây khô vậy. Tiểu nữ không hiểu ông ta ngồi như vậy để làm gì, ngồi từ bao giờ, và đến bao giờ mới chịu đứng dậy. Tiểu nữ thấy có chuyện lạ như vậy, nên mới bảo lũ thị tỳ ngưng kiệu lại để coi chơi.

– Coi chơi! Coi chơi! Thế trong lúc coi chơi đó, ngươi có nẩy tâm coi vị đó như một thứ quái vật không?

– Thưa không… chắc là không. Vì nếu nói đến quái vật, thì trong cấm viện của cha tiểu nữ có thiếu gì quái vật. Nào là sư tử, nào là hổ báo, lại có những con mãng xà lớn có hai đầu nữa… Tiểu nữ đâu có thiết coi những quái vật! Nhưng ông này… thực là một cảnh tượng lạ lùng, khiến cho tiểu nữ lấy làm kinh dị.

– Trong khi ngắm coi, ngươi có thấy muốn bật cười không?

– Thưa không. Tiểu nữ chỉ thấy ông ta lạ lùng thôi, không thấy có gì ngộ nghĩnh. Tiểu nữ muốn nói chuyện với ông ta đôi câu, nên có bảo lũ thị tỳ kêu gọi ông mở mắt. Nhưng lũ này cũng nhát như thỏ đế, nên gọi lí nhí lắp bắp, và rút cuộc ông ta vẫn không chịu mở mắt.

– Rồi sao nữa?

– Tiểu nữ chợt thấy lo ngại hộ ông ta, vì nếu ông cứ ngồi ù lỳ trơ trơ như vậy thì rồi chắc sẽ chết đói mất. Tiểu nữ lại thấy ở trước mặt ông có để một chiếc bát gỗ, nên nảy ra ý muốn để lại cho ông một ít thức ăn. Đó là hảo ý thật của tiểu nữ, chắc bệ hạ cũng thấy như vậy. Nhưng hỡi ơi, tiểu nữ ra khỏi hoàng cung là để đi tắm mát, thì làm gì có mang theo thức ăn? Nên tiểu nữ suy nghĩ quanh quẩn, rồi đành phải… đành phải… bảo lũ thị tỳ mang một bình sữa dê và một bình mật ong đổ vào chiếc bát.

– Sữa dê và mật ong, ngươi vẫn thường dùng để thoa mặt và rửa tay phải không?

– Vâng

– Bình sữa dê và mật này, ngươi đã dùng để thoa mặt rửa tay lần nào chưa?

– Thưa… thưa đã có dùng một lần khi tắm xong ở suối. Nhưng vì không còn bình nào khác, nên tiểu nữ đành làm vậy. Nhưng tiểu nữ vẫn có hảo ý lo ngại sợ ông ta chết đói.

– Sữa và mật đã dùng rồi tức là đã nhơ bẩn, không còn tinh khiết. Ngươi cúng dường bố thí như vậy tức là chuyển cái dục nhơ của ngươi vào hình hài thanh tịnh của vị tăng. Nhưng ngươi không phải chỉ tặng có sữa và mật, mà ngươi còn tặng nhiều thứ khác nữa. Ngươi còn tặng thêm những thứ gì nữa vậy?

– Thưa… thưa… thôi tiểu nữ cũng chẳng cần phải giấu làm gì nữa… Tiểu nữ có bảo đứa thị tỳ lấy một ít bột son phấn của tiểu nữ trộn vào bình sữa.

– Ngươi làm thế để làm gì?

– Thưa… để cho sữa thêm mùi thơm tho. Tiểu nữ nghĩ rằng chắc ông này chưa biết mùi son phấn bao giờ, nên muốn ông ta nếm mùi son phấn một phen… Nói đến đây, nàng lại bật cười… Thạch Sanh thầm nghĩ: “Cô ả này thực điêu ngoa cổ quái. Đến nước này rồi mà vẫn nhơn nhơn cãi bai bải. Nhưng mình biết nói gì đây để tạ lỗi cho nàng?” Diêm Vương nói:

– Ngươi đã từng uống sữa trộn với bột son phấn bao giờ chưa? Ngươi có chắc việc đó là hảo ý không?

– Tiểu nữ làm sao mà biết chắc được, tiểu nữ chưa uống bao giờ. Son phấn chắc là thơm tho, nhưng cũng có thể là cay đắng. Nhưng tiểu nữ chưa uống bao giờ, mà tiểu nữ lại chẳng phải là ông ta nên không biết chắc được.

– Cái lưỡi của ngươi thực là dẻo quẹo, nhưng đầu óc của ngươi chỉ cân nặng bằng đầu óc của một con chim sẻ. Thế rồi sao nữa? Sau khi đó, ngươi có làm thêm điều gì nữa không?

Mỵ Ê ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:

– Tiểu nữ… cũng không còn nhớ rõ nữa, tiểu nữ làm sao nhớ hết mọi việc được. Sau khi đó, tiểu nữ cũng thấy hết cao hứng nên bảo lũ thị tỳ khiêng kiệu ra về.

– Ngươi còn quên một việc. Trước khi ra về, ngươi đã bước xuống kiệu, đi quanh vị tăng đó ba vòng để ngắm nghía, rồi ngươi lại lấy chiếc quạt cầm trong tay…

– A, a, tiểu nữ nhớ ra rồi… Nhưng có lẽ cũng là tại chiếc quạt. Chả là lúc nào tiểu nữ cũng thường cầm chiếc quạt trên tay để thỉnh thoảng phe phẩy. Neu không có chiếc quạt, thì chắc tiểu nữ đã không làm như vậy.

– Ngươi đã cầm chiếc quạt gõ vào đầu vị tăng mấy cái, rồi diễu cợt rằng: “Cái ông thầy chùa bẩn thỉu và lười biếng này, chẳng chịu làm ăn gì hết, lại cũng không chịu nói năng. Cứ ngồi ù lì thế này, thì có chết đói cũng là đáng đời.” Có đúng như thế không?

– Vâng có như vậy. Nhưng đây là tiểu nữ muốn giỡn ông ta mà thôi, chứ tiểu nữ không có ý gì gọi là bất hảo.

– Ngươi là một tên nữ ma đầu chưa biết kinh sợ là gì, chỉ thích làm theo ý mình, lại ưa tung tăng giỡn cợt. Nhưng lần này, ngươi đã giỡn lầm người rồi.

– ?!

– Ngươi có thể mắng mỏ trêu cợt loài súc sanh thì được, giỡn cợt loài ma quỷ cũng còn được, giỡn cợt những người bình thường cũng còn tạm được. Nhưng giỡn cợt với vị này, thì ngươi đã phạm một lỗi lầm lớn.

– Cớ sao vậy… tiểu nữ có biết gì đâu… Hay là… vị ấy là một bạn thân của Đức Vua hay sao?

– Không phải bạn, mà ta cũng chẳng quen biết. Nhưng ta hiểu được thứ bậc tu hành của vị đó.

Tưởng cần biết rằng vua Diêm La, cũng như hầu hết các vị Đại Quỷ vương khác (như Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Hành Bịnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương…) cũng như một số vị quỷ thần như lâm thần, hải thần, thọ thần, chủ dạ thần, đạo tràng thần (tức là vị thần ngồi coi giữ những chốn đạo tràng nơi đó có Phật ngự hoặc có Bồ Tát lớn đương tu hành…) phần lớn đều là những vị Bồ Tát mới nhập địa, hoặc sơ địa, hoặc nhị địa. Và tuy đạo lực chưa cao lắm, nhưng đều đã phát bồ đề tâm muốn hóa độ chúng sinh, nên đã theo nguyện lực thọ sinh vào những chức vụ đó để độ duyên. Các vị đó nhiều khi khoác một hình tường rất hung dữ, đôi khi thị hiện những hành động cũng rất hung ác, nhưng trong tâm thì vẫn là từ bi, sở dĩ thị hiện làm những việc đó là cốt bó buộc các chúng sinh đi vào con đường chánh pháp. Vụ đó thường được gọi là phương tiện thiện xảo, bởi thế nên người phàm rất khó suy lường về hành động của các vị ấy. Nhưng trong số các quỷ thần, đôi khi cũng vẫn có những bậc Bồ Tát lớn, vì nguyện lực độ sinh, cùng thọ sinh vào những chức vụ tầm thường để tùy duyên hóa độ.

Vua Diêm La nói tiếp:

– Ngươi đã tung tăng giỡn cợt lầm phải một vị tăng có đạo hành rất cao. Vị này đã đạt tới quả vị Bất lai, tức là quả vị gần chót vót của hàng tứ thánh nhị thừa. Với quả vị Bất lai ấy, vị này thường được thọ sinh ở năm cõi trời Bất hoàn thiên, mà không cần phải trở lại cõi Dục giới nữa. Và vị đó chỉ cần tu hành ít kiếp nữa là có thể ra khỏi tam giới và thế nhập hữu dư Niết Bàn.

Công chúa vội lắc đầu, lè lưỡi:

– Té ra là như vậy. Nhưng tiểu nữ đâu có biết… Phải chi vị đó chịu mở miệng nói một, hai câu thì có phải đỡ tội lỗi cho tiểu nữ không? Thế là vị đó cũng thiếu lòng từ bi đối với…

Vua đập chiếc ấn ngọc xuống bàn, cao tiếng:

– Ngươi hãy câm miệng đi, kẻo lại nếm bàn vả bây giờ. Đừng lau láu nữa, và nghe ta nói đây. Vị này lại còn hơn một điều nữa, là đã phát tâm muốn rời bỏ bản địa nhị thừa và bước sang Bồ Tát địa. Muốn lìa bỏ niềm an lạc trầm-không- thú-tịch của hàng nhị thừa, để bước vào những cõi bụi hồng để thanh lọc những trần-sa-hoặc của các chúng sinh. Do đó, đã dùng nguyện lực thọ sinh tại cõi nhân thế này. Trong khi thân xác của vị đó ngồi mọp ở ven đường như lời ngươi nói, thì thần thức vẫn xuất lên tiêu diêu ở các cõi trời, ở các nơi định xứ. Ngươi gặp được vị đó là một túc duyên lớn, vì mấy ai được gặp gỡ một vị Bất lai, nhưng ngươi đã ngu muội để cho duyên lành trôi qua. Lại còn bồi thêm tội lỗi nữa. Theo thường lệ, những việc làm của người đời ít khi mang lại quả báo hiện đời. Thường phải chờ một kiếp khác, một cơ duyên khác, một thời tiết khác, thì quả báo mới chín mùi và hiển lộ. Nhưng nếu giết một vị thánh hoặc khinh mạn xúc phạm một vị thánh thì có thể đem lại quả báo hiện đời hay nhãn tiền. Ngươi đã khinh mạn, giỡn cợt, xúc phạm vị đó, một vị Bất lai, nên chẳng bao lâu ngươi đã té ngã thập tử nhất sinh.

Vua ngừng lại giây lát, mắt nhìn Mỵ Ê, thấy nàng tuy cúi gầm mặt xuống như vẫn còn vẻ bất phục. Vua nói tiếp:

– Sau khi xuất định, vị đó nhìn thấy bát sữa của ngươi. Cũng tưởng như bát sữa bình thường, nên cầm lên uống. Nào dè uống xong, thì thấy có mùi vị khang khác. Giữa lúc bất ngờ, ngỡ là mình đã uống phải thứ sữa trộn lẫn với thứ gì bất tịnh mà mình đã phạm giới. Đã tu hành thì phải coi giới là trọng, và coi giới hơn tính mạng. Nên vị đó đã vội lấy tay móc cổ họng để nôn ọe ra. Nôn ọe mấy ngày mới hết được mùi son phấn của ngươi. Như thế, ngươi đã làm thương tổn thân thể của một vị Bất lai.

Nghe đến vụ nôn ọe, Mỵ Ê cố nín nhịn cười nói, nhưng sau cùng, nàng không nín nổi nữa:

– Tiểu nữ có điều này thắc mắc muốn hỏi, nhưng xin bệ hạ đừng quở mắng… Tiểu nữ trộm nghĩ rằng nếu vị đó quả đã đạt tới quả vị Bất lai gì gì đó, thì chắc là tâm trí phải thông suốt lắm. Tâm trí đã thông suốt, lẽ nào lại chẳng biết rằng mình đã nuốt lầm phải bột son phấn của đàn bà mà lại cứ ngồi móc họng nôn ọe hoài?

Vua yên lặng nhìn nàng giây lâu, rồi nói:

– Tâm cơ ngươi cũng đa đoan lắm, chứ không hồn nhiên như vẻ mặt bề ngoài. Nếu ta không mở lỏng giảng giải ngọn ngành, thì ngươi vẫn không chịu tâm phục và sám hối tội lỗi. Ngươi nên biết rằng người tu hành bình thường e sợ nhất việc trì giới. Thà chịu mất mạng còn hơn là phạm giới. Vì mất mạng này lại sẽ có ngay mạng khác, cỏn nếu phạm giới sẽ bị sa đọa rất nhiều kiếp, chẳng biết ngày nào mới ngoi lên được. Thà móc mắt mình đi còn hơn là nhìn một hình bóng quyến rũ làm xao động tâm thức, thà cắt tai đi cỏn hơn là nghe một âm thanh đục ngầu, thà nuốt mấy cục sắt nóng cỏn hơn là nuốt phải một thứ đồ ăn bất tịnh… Vị Bất lai này đã tu hành nhiều kiếp, giới hạnh cẩn thận nghiêm mật, và luôn e sợ việc phạm giới, và đã cố nôn ọe bát sữa ấy ra. Tội lỗi của ngươi cũng là ở chỗ đó, đã gây niềm thảng thốt sợ hãi cho vị ấy. Huống chi là trong nhiều kiếp, vị đó chưa hề nếm mùi vị son phấn của đàn bà. Ngay nhìn bóng dáng nữ nhân, vị ấy cũng còn không muốn nhìn. Ngươi cãi lẽ ra đối với quả vị ấy, là tâm trí phải thông suốt lắm. Dĩ nhiên là thông suốt. Nhưng Bất lai chưa phải là Phật, chưa phải Bồ Tát lớn, chưa có đủ lục thông. Thường chỉ mới có thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, còn về mùi vị thì chưa thể biết rõ được ngay lập tức được. Muốn biết rõ một mùi vị nào, thì vị đó lại phải nhập cơn tam muội mới tìm biết được mùi vị ấy. Hoặc muốn hóa thân hình, cũng phải nhập cơn tam muội. Sự biến hóa thân hình đó, trong kinh gọi là Tam-muội-nhạc-ý-sinh-thân… Còn các Bồ Tát lớn thì lại khác, vì đủ lục thông rồi. Muốn biến một hình sắc nào, một âm thanh nào, một mùi vị nào, một xúc giác nào, một tâm ý nào… Bồ Tát lớn có thể biết ngay tức khắc. Ngay đến có bao nhiêu giọt mua rớt xuống một cõi nào đó, Bồ Tát lớn cũng biết ngay tức khắc. Biết ngay tức khắc, mà không cần nhập con tam muội; vì Bồ Tát lớn lúc nào cũng trụ trong cơn tam muội rất sâu. Bởi vậy, Bồ Tát lớn có thể tùy ý muốn biến hóa thành bao nhiêu thân hình cũng được, thành thân hình loài nào cũng được, thân thật lớn cũng được, hay thân thật nhỏ cũng được. Thân lớn có thể trùm khắp các cõi, thân nhỏ có thể chui vào từng vi trần. Còn như vị Bất lai chỉ có thể hiện thân lớn như trái núi, mà không thể hiện thân nhỏ được. Cái vụ hiện thân của Bồ Tát lớn này, trong kinh gọi Chủng-loại-câu-sinh- vô-hành-tác-ý-thân… Ngươi nghe có hiểu không?

Mỵ Ê cất giọng suýt xoa:

– Bệ hạ giảng giải hay quá, nghe còn hay hơn những câu chuyện thần tiên của người nhũ mẫu của tiểu nữ lúc còn nhỏ. Tiểu nữ nghe cũng hiểu được đôi chút, phải nói bệ hạ dùng những chữ dài khó nhớ quá!

– Ngươi vẫn chưa dứt được cái tâm khinh thường giỡn cợt! Ngoài việc trộn bột son phấn, ngươi còn nhục mạ vị Bất lai ấy là thày chùa lười biếng và gõ vào đầu mấy cái. Ngươi nên biết rằng những người tu hành không cần nhất thiết phải lao tác như người khác, vì riêng sự tu luyện cũng là một tử công phu rồi. Ngươi có làm nổi việc trì giới, thiền quán cùng hạnh lục độ của người ta không mà dám chê người ta lười biếng? Vả lại, vị Bất lai đó đi giữa đời như một ngọn đuốc sang. Chỉ riêng sự hiện diện cùng tác động hào quang của vị đó cũng đủ giúp ích cho đời, ấy là không kể những lời giảng dạy cùng những công đức độ duyên. Như thế, người tu đâu có cần nhất thiết phải lao tác như người khác? Ngươi đã thấy rõ tội lỗi chưa? Cũng may là vị đó mới chỉ là Bất lai, nếu là một Bồ Tát lớn thì ngươi không tránh khỏi địa ngục A Tỳ. Ngươi có chịu nhận tội không?

Công chúa vẫn lắc đầu nhè nhẹ:

– Lúc đó tiểu nữ đâu có biết đến những điều sâu xa rắc rối như vậy. Vua cha của tiểu nữ vẫn thường nói rằng không biết là không có tội.

– Đành rằng không biết có thể là không có tội. Nhưng trong vụ này, ngươi không thể chối cãi được cái tâm khinh mạn giỡn cợt. Tỷ dụ như trên dương thế, ngươi nhổ một bãi nước bọt vào mặt một người. Nếu kẻ nhận là một loài súc sanh hay một kẻ tầm thường, thì không nặng gì mấy. Nhưng nếu bãi nước bọt lại rớt trúng vào mặt ông vua, thì ngươi tính sao đây? Neu ngươi xúc phạm một vị tăng chưa đắc quả, thì tội cũng đã nặng rồi, huống hồ ngươi lại làm tổn thương, xúc phạm và nhục mạ một vị Bất lai. Ngươi đã nhìn nhận tội chưa và có chịu ăn năn hối quá không?

Mỵ Ê thở dài:

– Thôi thì bệ hạ là bề trên, bệ hạ dạy là có tội thì tiểu nữ cũng đành là có tội, và bảo là phải ăn năn hối quá thì tiểu nữ cũng đành ăn năn hối quá chứ sao… Tiểu nữ chỉ có một chiếc luỡi nên cũng chẳng biết biện bạch ra sao…

Vua lại đập ấn chiếu xuống bàn:

– Ngươi quả là một đứa rắn mắt! Ngươi có biết tội trạng của ngươi bị trừng phạt thế nào không? Quỷ sứ đâu, đem một bát dầu lửa ra đây, và cho y thị uống!

Lệnh truyền xuống, hai tên quỷ sứ đã tới bên nàng, mỗi tên nắm một cánh tay, và một đứa gỡ chiếc mạng mặt ra. Một tên khác bước tới chiếc vạc dầu sôi, lấy chiếc bát sắt múc một bát lửa cháy hừng hực. Hắn đi tới, giơ tay định lật ngửa mặt Mỵ Ê và đổ bát lửa vào miệng nàng. Công chúa chợt thét to lên một tiếng rồi ngã lăn ra bất tỉnh…

Bỗng có tiếng nói to:

– Hãy khoan, hãy khoan. Xin ngừng tay, và xin cho ta nói một lời…

Đó là tiếng kêu của Thạch Sanh. Mấy tên quỷ sứ nghe tiếng chàng nói, bèn đưa mắt nhìn lên về phía vua Diêm La. Thấy đức vua im lặng không nói gì, chúng bèn dừng tay lại, nhưng vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Nét mặt của Thạch Sanh lúc đó đượm một vẻ buồn khổ man mác, chàng hướng về vua và khoan thai nói:

– Bây giờ tôi đã rõ tội trạng của công chúa. Cúi xin đức vua mở lượng trời biển cho phép tôi gánh chút nghiệt chướng của nàng và uống lửa thay nàng.

Từ một hồi lâu, Thạch Sanh chỉ nghe có một tai những lời chối cãi bài bây của nàng công chúa, còn phần lớn tâm thức chàng đã miên man trôi theo một chiều hướng khác, với những tâm tưởng khác đương tưng bừng nẩy nở rộn ràng trong lòng chàng. Được thấm hào quang của đức Bồ Tát, rồi lại gặp mặt nàng, chàng hầu như đã lần lần tỉnh hẳn giấc mộng tình ái. Mấy giờ khắc trước đây, chàng uống chén thuốc độc phần lớn là do tấm tình si cùng nghiệp duyên đưa đẩy. Nhưng bây giờ… bây giờ, hình như tấm màn tình si ấy đã tan loãng ra tương tự như một đám sương mù bị ánh dương soi vào. Sương mù tan đi, để lại trong lòng chàng một niềm trống rỗng buồn rầu lạ thường… Trống rỗng gì đây, buồn rầu gì đây? Chàng thầm tự hỏi như vậy, song cũng chưa đủ tĩnh trí để tìm ra một lời giải đáp thỏa đáng. Chàng chỉ mang mang chua xót nhận thấy rõ rệt rằng kiếp sống nào cũng vậy, dù mình có là gì gì chăng nữa, thì kiếp sống cũng chẳng có gì bền vững. Kiếp sống nào cũng lắt lay như một ngọn đèn trước gió, như một cụm rêu biển lắt lay giữa lòng biển cả, như một cụm bọt nước nổi lên rồi lại tan đi. Bèo bọt, bèo bọt. Bèo bọt ấy có thực hay là không thực? Bèo bọt ấy nổi lên từ những căn nguyên nào, từ những căn rễ phát khởi từ đâu? Từ cái không gian vô tận nào, hay từ cái thời gian vô thủy nào? Rồi nó lại tan biến vào đâu? Cái gì có thể tạm gọi chắc chắn là Ta được? Cái gì là thằng Thạch Sanh đây? Thạch Sanh chỉ là một tiếng gọi. Cái tấm tình yêu cuồng si ngơ ngẩn có phải là ta chăng? Cái ý chí uống chén thuốc độc có phải là ta không? Cái trí nhớ ức niệm những chuyện cũ, phải chăng? Cái nỗi buồn quạnh quẽ hiu hắt hiện nay, phải chăng? Hay là cái thân xác này? Nhưng chính cái thân này cũng mờ mờ sương khói, và ngay nàng công chúa diễm lệ kia cũng mờ ảo như một hình bóng chập chờn… Ha, ha… Chẳng trách ông thày bói tôn giả của mình cứ cười ha, ha là do vậy. Đã biết là bèo bọt thì chỉ còn cách cười lên ha, ha. Hoặc rớt nước mắt. Nếu tất cả những hạt bụi bèo bọt của vũ trụ này đều đồng thanh cất tiếng cười ha ha hoặc rớt nước mắt thì sẽ ra sao nhỉ? Ha, ha, nàng là bèo bọt, mà ta cũng là bèo bọt. Nhưng oái oăm một nỗi là thân phận thì bèo bọt, song những nỗi thống khổ sợ hãi lại rất thực và rất mênh mông… Những niềm vui thì ngắn ngủi và nhẹ phèo, nhưng thống khổ thì rất thực và rất mênh mông… Mênh mông, mông mênh…

Nghĩ đến đây, chàng bỗng thấy lòng như rào rạt nở ra, rào rạt dâng lên một niềm thương xót vô hạn. Tưởng chừng như không bao giờ nguôi được. Thương xót những thống khổ sợ hãi của mọi kiếp sống, không riêng gì nàng công chúa. Chàng nghĩ thầm: Thôi thì bèo bọt thì bèo bọt, ta cứ tạm lấy cái thân bèo bọt để gánh nặng đỡ cho bèo bọt… Chàng tự thấy không chịu đựng nổi khi nhìn thấy sự sợ hãi thống khổ của kẻ khác. Nên khi thấy nàng công chúa sợ hãi quá ngã lăn ra, chàng đã lên tiếng xin thay thế… Uống bát lửa thay thế cho nàng. Lần trước, chàng nuốt chén thuốc độc vì tấm tình si, vì thương xót con người ngọc mà mình tình si. Lần này, chàng muốn nuốt lửa vì một tấm lòng thương xót có lễ không thiên tư, lòng thương xót bình đẳng đối với mọi kiếp sống, nhưng ngay lúc đó, chàng cũng chưa ý thức được sự thay đổi ấy.

Vua Diêm La lẳng lặng nhìn chàng giây lâu, rồi nói:

– Lành thay! Lành thay!… Lẽ nhơn quả nghiệp báo không hề có cấm đoán việc tự nguyện gánh đỡ cho kẻ khác. Nhưng nếu nghiệp báo của y thị cỏn đa đoan dằng dặc hơn nữa, thì ngươi liệu có gánh đỡ mãi được không?

– Tôi đây cũng không biết nữa. Nhưng gánh được đến đâu thì tôi cố gánh đến đấy…

Nét mặt nhà vua đượm vẻ nghiêm trang thêm nữa. Vua lẳng lặng gật đầu, ra chiều tán thán hoan hỷ…

Tưởng nên biết rằng ở cõi u minh cũng như ở vô lượng các cõi, những luật tắc chi phối bao giờ cũng vẫn là những luật tắc suy diễn ra từ cái đạo nghĩa lớn, tức là cái đạo nghĩa đã được nói ra bởi Chư Phật từ thời vô thủy. Đạo lý ấy là thiên kinh địa nghĩa, bao trùm tất cả các cõi, và ở thời nào, Đức Phật nào xuất hiện cũng chỉ giảng dạy có một đạo lý ấy. Chư Phật cùng Bồ Tát lớn cũng không vượt qua được đạo lý đó. Ma vương Ba Tuần cũng vậy. Ma vương còn kém sút hơn nhiều, tuy vẫn có khá nhiều thần thông. So với Bồ Tát lớn, ma vương mới chỉ có ngũ thông, chưa có đệ lục thông, tức là lậu tận thông. Ma vương thường ngự ở tầng trời Tha hóa tự tại, danh từ đó có nghĩa là rằng thường lấy trộm sự tự tại của kẻ khác làm sự tự tại của mình. Ma vương cũng nằm trong thiên la địa võng của cái đạo lý lớn, là sự tượng trưng cho một chiều hướng diễn biến của đạo lý ấy… Ở nhiều cõi ác, hoặc ở nhân thế này, chúng sanh phần đông chạy theo ác nghiệp, và ma vương có vẻ như thắng thế. Nhưng kỳ thực, mọi sự tranh cường của ma vương cũng đều nằm trong tư thế diễn biến chung của đạo lý lớn. Và nhiều khi, sự tác động của ma vương chỉ là sự thị hiện để buộc các chúng sinh có nghiệp nặng phải sớm để trả nghiệp báo của mình. Do đó, một Bồ Tát lớn đôi khi cũng có thể thị hiện làm ma vương, để buộc chúng sanh sớm trả nghiệp. Cho nên, trí não người phàm khó suy lường về những vụ này…

Vì bị chi phối bởi đạo nghĩa lớn, nên ở cõi u minh cũng như các cõi, thường có hai thứ giá trị lớn bao giờ cũng được tôn trọng và thừa nhận: đó là Trí huệ và lòng Từ bi. Một người, nếu biết tự võ trang cho mình một trong hai giá trị ấy, đã có thể thênh thang đi qua các cõi, các kiếp và rất ít bị trở ngại. Tương tự như một thứ Miễn-tội-bài của nhà vua ban cho. Ở cõi nhân thế chúng ta, do sự mê vọng của loài người, thường nổi lên những giá trị giả tạo khác có vẻ như nổi trội hơn, tỷ dụ như tiền tài danh vọng, sắc đẹp… Nhưng trong thâm tâm, ngay đến kẻ vô tri cũng đôi khi hiểu rằng những cái đó chỉ là phù du, nay đến mai đi. Và chỉ có Trí huệ và Từ bi mới là thứ tiền tài bền vững, có thể tiêu xài ở tất cả mọi cõi.

Vậy Trí huệ, Từ bi là gì? Trí huệ tức là cái tâm hiểu biết về các cõi, về các căn tánh dị đồng, các nghiệp lực dị đồng của các loài chúng sanh. Hiểu biết về sự thẩm thấu cùng biến hiện của các cõi, biết rằng các cõi phôi thai, rồi tàn lụi như những chiếc lá rụng, hiểu biết về quang minh, về vi trần, về không thời gian, về sự chuyển động, hiểu rằng các cõi xuất hiện do quang-minh-nguyện-lực của Chư Phật cũng như do quang-minh- nghiệp-lực của chúng sanh. Hiểu sự chiêu cảm của nghiệp lực ấy, hiểu về lẽ nhơn-quả- nghiệp-báo, về lẽ luân hồi vô định, về cái vòng nhơn duyên trùng trùng khởi lên rồi lại vụt tắt đi. Đại khái Trí huệ là như vậy, nó mênh mang bao trùm pháp giới. Bước lên một bước nữa, sẽ là Trí huệ Bát nhã Ba la mật, soi sáng thấy rõ ràng tất cả các hiện tượng, tất cả các pháp đều là vắng lặng rỗng không, đều là không-tịch. Còn Từ bi, nói một cách nôm na vắn tắt, tức là lòng xót thương, muốn cho kẻ khác sung sướng là lòng từ, muốn kẻ khác khỏi phải đau khổ là lòng bi. Chảy một giọt lệ, làm một hành động trước niềm thống khổ của kẻ khác. Nhưng nếu ta thương xót một người bạn thân, một đứa con bị đau khổ, thì đó mới là lòng từ bi thường. Nếu ta mở tâm thật lớn rộng, nhỏ những giọt lệ xót thương bình đẳng cho tất cả mọi kiếp sống đau khổ, thì đó là mầm đại-từ-bi. Trí huệ cùng đại từ bi đều là những chìa khóa vô cùng nhiệm mầu, có thể đưa kẻ hành giả đến chỗ lay chuyển tạo lập các cõi. Không hiểu được vụ này thì thực là uổng một kiếp… Các hạnh của Bồ Tát thường được gọi là Lục độ ba-la-mật. Trí huệ cùng đại từ bi đều bao trùm cả lục độ, khiến cho lục độ viên mãn, trở thành ba-la-mật. Có nhiều Trí huệ ngần nào, sẽ nẩy sanh Từ bi ngần ấy. Một Trí huệ mà chưa vô ngã, như Trí huệ của kẻ thế nhân hay của ma vương, chỉ là một thứ Trí huệ khô và cuồng, một thứ càn huệ hay cuồng huệ. Cho nên, Trí huệ và Từ bi cũng tương tự như hai mặt của một đồng tiền không tách rời được.

Vua Diêm La này là một vị Bồ Tát sơ phát tâm, có lẽ thứ bậc vào hàng Thập tín, nên có hiểu biết về những điều đó. Thấy thái độ của Thạch Sanh, vua trong bụng hoan hỷ vui mừng, nhung nét mặt vẫn điềm nhiên, vua nói:

– Nếu nhu vậy, thì nhà ngươi uống bát lửa đi. Đã uống chén thuốc độc để xuống đây tạ lỗi cho y thị, thì cũng nên uống thêm bát lửa này.

Mỵ Ê chỉ sợ quá ngất đi trong giây lát. Nàng đã tỉnh thần lại ngay, nhưng vẫn nằm đó giả đò nhắm mặt. Nghe được mấy câu đối đáp giữa vua và Thạch Sanh, nàng nghĩ bụng: “Cha, anh chàng này là một thứ gan cóc tía đây… Không hiểu sao hắn lại chịu uống thuốc độc để xuống đây tạ lỗi cho ta? Nay lại đòi uống bát lửa nữa!” Nghĩ như vậy, nàng vội mở hờ một con mắt nhìn về Thạch Sanh.

Tên quỷ sứ đã cầm bát lửa cháy hừng hực tới trước mặt chàng. Chàng đỡ lấy bát, rồi ngửa cổ đổ ngay bát lửa vào miệng, định thần nuốt xuống ừng ực. Lần này cũng như lần nuốt chén thuốc độc, chàng nuốt cũng không nháy mắt. Chàng thấy lửa đốt cháy rát trong miệng và cổ họng, và bụng đau như muốn nổ tung ra… Kể ra chàng đã từng là một tỳ kheo đạt tới đệ tam thiền, thì chàng có thể dùng định lực lìa tách thần thức trong một lúc ra khỏi thân trung ấm, để khỏi chịu những cảm giác đau đớn của lửa đốt. Nhưng trong lúc xao động thảng thốt, chàng cũng không kịp nghĩ ra điều này. Chàng chỉ thấy trong lòng rào rạt một niềm chua xót về thân phận bọt bèo, đồng thời xót thương cho kẻ khác, chàng lại sợ rằng mình ngần ngại suy nghĩ trong giây khắc, thì cái tâm tưởng đó nó sẽ tan biến đi mất. Chàng cũng rất tin tưởng ở lời ông thày bói tôn giả, và tự nhủ: “Trước sau, mình cũng chẳng thể chết đâu mà sợ…” Nên chàng đã há miệng uống bừa…

Ngờ đâu bát lửa thực là kỳ dị, và sự tác động của những mầm đại-từ-bi vô ngã thực là ảo huyền! Lửa đốt cháy giây lát trong người chàng, khiến mặt và cổ đỏ bầm lên, và chàng ngã vật xuống. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, cảm giác cháy bỏng lần lần biến đi, rồi các tế bào trong người chàng hầu như nở xòe ra như được thấm nhuần bởi một thứ ngọc dịch quỳnh tương. Chàng bỗng cảm thấy một niềm an lạc khinh an vô cùng, tương tự như niềm an lạc của một tỳ kheo nhập đệ tam thiền… Đó là do sự tác động huyền diệu của những mầm chủng tử đại-từ-bi đương nẩy nở rộn ràng trong tâm thức chàng. Bởi vậy, nên trong kinh thường nói rằng một vị Bồ Tát sẽ phát tâm gặp một con hổ đói lả sắp chết, đã gieo mình trước miệng hổ để nó ăn thịt, nhưng trong khi hổ cắn nhai xác thân của Bồ Tát, vị đó đã không thấy đau mà cỏn thấy niềm an lạc của một kẻ nhập đệ tam hay đệ tứ thiền…

Như trong một cơn xuất thần mộng du, Thạch Sanh liền lồm cồm ngồi dậy, xếp bằng theo lối kết già, đôi mắt khép hờ… Nét mặt như biến đổi hẳn đi, và có tỏa hào quang. Nàng công chúa cũng quên cả việc giả đò, vội ngồi ngay dậy, đăm đăm nhìn chàng… Vua Diêm La đưa mắt nhìn một vị phán quan. Vị này liền cất tiếng dõng dạc:

– Đức vua có lệnh truyền: Tất cả các tội nhân hôm nay đều có túc duyên chứng kiến hành động hy hữu của một Bồ Tát sơ phát tâm muốn bước vào địa ngục để cứu độ kẻ khác. Chư quỷ thần, chư thiên đều hoan hỷ. Nên các tội nhân đều được giảm thọ hình một bậc, và các phước nghiệp sẽ được gia tăng một bậc. Phần lớn các ma mới đều không hiểu gì hết. Nhimg cũng có vài kẻ cất tiếng reo mừng lao xao, rồi lại im bặt. Chắc họ cũng chẳng hiểu những diễn biến trong người Thạch Sanh, không biết tại sao bỗng nhiên chàng lại biến thành Bồ Tát…

Vua bỗng nói:

– Mỵ Ê! Đã có vị thọ lãnh quả báo cho ngươi, nên ngươi được trả về dương thế. Thân xác ngươi sẽ sống lại…

Công chúa vội 0 lên một tiếng vui mừng. Vua nói:

– Ngươi chớ vội mừng. Tâm cơ ngươi đa đoan nhiều ngõ ngách, nên quả báo cũng còn đa đoan ngõ ngách: Luật tắc như vậy, không phải ta muốn như vậy. Ngươi đã xúc phạm một vị Bất lai, nên tuy thân xác ngươi được sống lại, nhưng chiếc lưỡi của ngươi sẽ bị ngắn đi năm ly, và ngươi suốt đời sẽ ăn nói ngập ngọng, không còn được bẻo lẻo để giỡn cợt người…

Công chúa ôm mặt, lắc đầu quầy quậy:

– Ôi thôi, đúng là bệ hạ thù ghét tiểu nữ. Người này đã bảo lãnh cho tiểu nữ, mà bệ hạ vẫn chưa chịu buông tha. Tiểu nữ muốn chết quách đi còn hơn là làm một đứa con gái ăn nói ngọng ríu. Tiểu nữ không muốn về dương thế nữa đâu.

– Ngươi có đi đầu thai nơi khác, cũng vẫn bị như vậy.

Thạch Sanh bỗng nói:

– Tôi có một vài điều nghi ngờ, muốn được nói đôi lời. Xin đức vua mở lòng cho tôi được nói…

Vua Diêm La yên lặng. Theo lễ nghi nhà Phật, yên lặng tức là hứa nhận. Thạch Sanh vẫn ngồi kết già xếp bằng dưới sân, đôi mắt vẫn khép hờ. Từ lúc nãy, chàng như người nhập một cơn mộng dị kỳ. Lửa thiêng của đại-từ-bi đương tác động trong tâm khảm chàng, làm thức tỉnh lại những mầm trí huệ. Chàng liền cất tiếng khoan thai, nhẹ nhàng, như người nói một mình, như kẻ tự hỏi. Nhưng lời nói ra, có lẽ chính chàng cũng chưa ý thức được rõ rệt ý nghĩa nhiệm mầu, nhưng không hiểu từ đâu những lời ấy vẫn cứ cuồn cuộn tuôn ra nơi cửa miệng chàng:

– Người con gái này đã phạm tội làm tổn thương, xúc phạm, nhục mạ một vị Bất lai ư? Nhưng tội trạng đó có thực hay không thực? Vị đó có thực là Bất lai chăng? Cái gì là Bất lai? Cái gì là vị đó? Đức vua đã dạy như vậy thì chắc là phải đúng. Tôi chỉ là một kẻ thôn dã quê mùa, ngu muội tối tăm, sống trong vô mình dầy đặc lại đầy đủ phiền não ma chướng, nên thực không muốn lạm bàn vào vụ này. Nhưng tôi có trộm nghe được hai chữ sắc Không của Chư Phật, trộm nghe rằng mọi pháp trên thế gian này đều tuân theo lẽ sát-na-vô-thường, niệm niệm sanh diệt. Có cái gì ngừng đâu, có nơi chốn nào chúng ta có thể dừng chân lại được đâu! Nên tôi trộm có điều nghi ngờ. Người bị xúc phạm trong vụ này là một bậc hành giả đã đạt đến quả vị Bất lai. Nhưng cái gì là Bất lại đây? Cái gì trong vị đó có thể gọi là Bất lai? Tôi nghi ngờ tìm mãi mà vẫn không thấy. Cái thân xác của vị đó ngồi mọp ven đường, phải chăng là Bất lai? Neu quả như vậy, thì một sợi tóc của vị đó lúc còn dính ở trên đầu thì gọi là Bất lai, nhưng khi sợi tóc đó rụng rớt xuống đất thì có còn là Bất lai chăng? Móng chân của vị ấy lúc chưa cắt thì còn là Bất lai, khi cắt rồi rớt xuống nhập vào vũ trụ bên ngoài thì có còn là Bất lai không? Miếng cơm cũng vậy, lúc chưa ăn thì chưa phải là Bất lai, nhưng khi ăn vào rồi thì cũng thành Bất lai ư? Trong sắc thân của vị đó, có tám vạn con thi trùng và triệu triệu những vi trần. Thi trùng và vi trần ấy có thể nhất định gọi là Bất lai chăng? Ngoài ra, còn có hàng vạn giọt máu, hàng ngàn đường gân, hàng triệu tế bào trong các thớ thịt, những cái đó đều biến hóa nhảy múa thay đổi niệm niệm sanh diệt, không lẽ chúng ta nhất định là Bất lai ư? Tôi trộm nghi ngờ như vậy, xin đức vua thứ cho những lời cuồng ngôn này. Nhưng quả thực tôi tìm kiếm mãi mà cũng chưa nắm bắt được cái gì nhất định là Bất lai. Hay phải chăng tâm tưởng của vị đó là Bất lai? Nhưng ôi thôi, tâm tưởng, tâm tưởng! Tâm tưởng nào vậy? Tâm tưởng có thực hay không thực? Nó chỉ như một giòng biến hiện, một ánh chóp nhoáng, vừa sanh ra đã biến hiện và diệt rồi. Như một bóng chim thoáng qua mặt nước hồ thu, như tiếng gió chợt rì rào qua kẽ lá. Đôi khi, nó nổi lên bời bời như lá rơi tuyết rụng, nhưng trước sau vẫn tuyệt nhiên vô hình sắc, và khi rụng rồi vẫn rớt nhẹ hơn chiếc lá, chẳng gây một âm thanh. Tìm bắt sao đây? Tìm bắt nó thì thà rằng tìm bắt dấu chim bay giữa hư không! Và trong cái giỏng tâm tưởng ấy, thì tâm tưởng nào là Bất lai? Tâm tưởng quá khứ thì đã trôi qua mất rồi, tâm tưởng gọi là hiện tại thì nó có chịu ngưng biến hiện đâu, còn tâm tưởng vị lai thì nó chưa chịu đến! (…chàng lắc đầu, thở dài) Vậy thì cái nào nhất định là Bất lai đây? Cái nào? Cái nào?…

Tôi nghi ngờ như vậy, mà tìm kiếm mãi chẳng thấy. Nên trộm nghĩ rằng: đã không kiếm thấy cái gì có thể gọi là Bất lai, thì sao có thể nói rằng người con gái này đã xúc phạm, nhục mạ một vị Bất lai?!…

Trong khi chàng nói thẫn thờ như vậy, mọi người đều chăm chú nghe. Không khí của cung Thập Điện bỗng đượm dần một vẻ trang nghiêm thành khẩn như một chốn đạo tràng. Nàng công chúa cũng lắng cả hai tai, vừa nghe vừa nhìn chàng, rồi lại nhìn vua Diêm La. Nghe đến đây, nàng nghĩ thầm: “Anh chàng này chẳng hiểu ra sao? Không biết tâm trí có bình thường không, hay lại khùng khùng rồi ăn nói hồ đồ? Chắc là hồ đồ rồi. Nhưng không hiểu ông râu dài kia sẽ nói sao đây?” Tuy nghĩ như vậy nhưng nàng vẫn lên tiếng xuýt xoa: “Hay quá! Đúng quá!” Nhưng không mấy ai để ý đến nàng… Thạch Sanh lại nói tiếp:

– Người con gái này có lẽ cũng vậy, không thoát khỏi luật tắc chung ấy. Nàng là công chúa Mỵ Ê. Nhưng Mỵ Ê chỉ là một tên gọi, một ngôn từ của thế gian bày ra để chơi chung với nhau. Không lễ ngôn từ cũng là thực hay sao?

Không lẽ con người lại có thể tạo ra những thực tại hay sao? Nàng là người có hình dung, có nhan sắc. Dân gian vẫn thường đồn đại rằng con gái yêu của đức vua Phong Châu có sắc đẹp hơn đời… sắc đẹp, sắc đẹp! sắc đẹp là gì vậy? Có lẽ nó chỉ là một thứ công thức chung, công thức trong trò chơi ngũ dục, một thứ tâm tưởng chung tạo nên giữa cơn mê vọng si cuồng của một loài chúng sanh nào đó mà thôi. Chính tôi đây, chính kẻ thôn dã ngu muội này cũng đã có một thời gian đắm say tương tư khuôn mặt của nàng…

Chàng nói đến đây, thì hơi thở như hổn hển, nên ngưng lại giây lát. Một số người nghe đều sững sờ, nhưng vua Diêm La vẫn điềm nhiên yên lặng. Mỵ Ê thì giật mình: “Té ra là y tương tư mình, nên mới chịu uống chén thuốc độc và bát lửa… Kể ra thì y cũng nặng tình đấy…” Thạch Sanh nói tiếp:

– Khuôn mặt nàng quả là có sáng như ngọc, đôi mắt thì long lanh đa đoan, đôi môi đỏ mọng như một vết thương… Tôi từng nhìn thấy như vậy, và chắc nhiều người khác cũng nhìn thấy như vậy. Nhưng hỡi ôi, đôi mắt và đôi môi ấy có lẽ chẳng qua cũng chỉ là một trường ảo ảnh… Không biết từ kiếp nào, bọn chúng ta đã trót gieo những tâm tưởng đắm say đối với những ảo ảnh đó, nên ngày nay chỉ cần bắt gặp một ánh ngoại duyên, là cơn mê sảng xa xưa kia lại vụt trỗi dậy. Cái vẻ long lanh đa đoan ấy, cái vẻ đỏ mọng lưu luyến ấy, nó chỉ là những ánh biến hiện, nó chỉ hiện ra trước mắt những kẻ đã từng gieo nhưng nghiệp duyên cũ, những nghiệp duyên tương ứng. Nhưng đối với những kẻ có nghiệp duyên khác, nghiệp duyên không tương ứng, đối với một loài chúng sanh khác, thì chắc rằng cái vẻ đa đoan chắc là không hiện ra… Tôi trộm nghĩ như vậy, không hiểu có đúng thế không? Tôi lại còn nhận thấy chua xót hơn nữa. Dù muốn nghĩ gì chăng nữa, thì đôi mắt đa đoan ấy cũng chỉ là sự tập hợp của hàng vạn tế bào, hàng triệu vi trần, hàng triệu triệu làn hư trần. Ai đã tập họp nên, cái gì đã tập hợp những vi trần đó để tạo nên đôi mắt đa đoan làm điên đảo lòng người? Huống chi là những vi trần đó niệm niệm đều biến hiện không ngừng, đều tung tăng nhảy múa, tương tự như một lũ quỷ đa đoan. Vậy thì lũ quỷ đó là đa đoan, hay đôi mắt là đa đoan, hay chính nàng Mỵ Ê là đa đoan? Tôi nghĩ như vậy, không hiểu là vì còn chếnh choáng men rượu, hay là vì được thấm một giọt hào quang từ bi của đức Bồ Tát? Có lẽ bọn quỷ đa đoan đó, trong nhịp điệu tung tăng biến hiện, đã tạo nên một thứ vũ điệu lắt-lay-tương-tợ-tương-tục, khiến cho kẻ ngu muội là tôi đã từng tưởng nó là thực. Trong khi kỳ thực nó chỉ là một hư ảnh. Nhân hư ảnh này thì có hư ảnh kia vậy… Mỵ Ê là ai vậy? Mỵ Ê là gì? Bây giờ, bây giờ… tôi chua xót nghĩ rằng nàng chỉ là một đám bọt nước tụ lại, một hình bóng chập chờn, mà không hiểu rằng mình là bèo bọt, là chập chờn… Nên không thể nói rằng một hình bóng chập chờn đã xúc phạm một vị Bất lai… Vả lại, vả lại…

Chàng nói đến đây, bỗng nổi cơn ho, thốt nhiên ngừng lại, rồi ngồi im. Không hiểu vì sao? Hay là chàng tự nhận thấy mình đã quá cuồng ngôn? Cử tọa vẫn im lặng nhu tờ, có lẽ chờ đợi lời phán quyết của vua. Nàng công chúa thì thầm nghĩ: “Anh chàng này, tuy mặt mũi có vẻ chất phác, nhưng cũng nhiều ý nghĩ quanh co lắm. Lại dám đem so sánh mình với một lũ quỷ đa đoan…” Tuy nghĩ vậy, nhưng vẫn không hờn giận, vẫn hớn hở muốn nghe vua trả lời ra sao. Vua ngồi im lặng giây lâu rồi cất tiếng:

– Lành thay! Lành thay! Hiền giả quả xứng đáng là một vị pháp sư biết diễn nói lời pháp. Nói lời pháp mà như là người không biết pháp. Đã lâu lắm ở nơi cung điện này mới lại thấy có người nhắc tới những điểm vi diệu của pháp. Hiền giả đã đả động tới những điểm tâm cơ trong lời dạy của Chư Phật. Hiền giả cũng có ý mong cầu muốn ta điểm hóa… Nhưng tiếc thay, về những điểm ấy, chính ta cũng còn mơ hồ lắm. về trí huệ và thiền lực, có lẽ ta cũng chẳng hơn được hiền giả là bao nhiêu. Trong cái vòng sanh-trụ-dị-diệt của sự vật và của tâm niệm, ta cũng chỉ quán nổi được niệm-diệt, mà chưa quán nổi được niệm-sanh… Hiền giả cũng có ý muốn bước vào lãnh vực tội tánh là không, để xin ta tha tội cho người tiểu nữ này. Nhưng hiền giả quên rằng hiền giả ở mức độ tâm thức khác, và người tiểu nữ này ở mức độ khác. Người con gái này vẫn còn ở trong phạm vi tâm thức tội tánh là có, và vẫn phải chịu quả báo có chiếc lưỡi ngập ngọng…

Thạch Sanh ngập ngừng:

– Nhưng… nếu tôi xin chịu nhận chiếc lưỡi ngập ngọng thay cho…

– Theo lẽ thì có thể phát tâm gánh thay được. Nhưng tiếc rằng trường họp của hiền giả lại không được. Vì hiền giả có tâm cơ của một vị pháp sư, mà một vị pháp sư thì không thể có một chiếc lưỡi ngập ngọng, vì sẽ làm mất lợi ích của nhiều chúng sanh muốn mong cầu nghe pháp… Trừ phi… trừ phi…

– ?!

– Trừ phi hiền giả lập tâm phát một lời thệ nguyện, thì tội của y thị mới có thể tha được.

– Thệ nguyện ra sao, xin đức vua chỉ dạy.

– Thệ nguyện rằng khi trở về dương thế, hiền giả phải lặn lội đi tìm kiếm và thỉnh một bộ kinh đem về lưu bố tại toàn xứ Phong Châu.

– Bộ kinh gì vậy? Tôi từ tấm bé đến giờ nào có được nhìn thấy hoặc đọc tụng bộ kinh nào đâu?

– Bộ kinh này tên là Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh. Neu hiền giả thỉnh được bộ kinh này, thì cũng như là đem một cụm mây giải thoát rải lên toàn cõi xứ Phong Châu, và nơi Diêm cung của ta cũng sẽ được nhờ cái bóng mát mẻ ấy.

– Nhưng tôi chỉ là một kẻ quê mùa, biết đi đâu để thỉnh bộ kinh ấy?

Vua Diêm La bỗng thở dài:

– Lai lịch, xuất xứ cùng sự ẩn hiện của bộ kinh này cũng kỳ dị lắm. Ta nghe nói rằng tất cả Chu Phật từ xưa tới nay, mỗi khi chứng được đạo quả vô thượng bồ đề, thì khi vừa xuất định, đều có triệu tập một pháp hội gọi là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Hội, để cùng Chư Đại Bồ Tát diễn nói về kinh này. Chư Phật nào cũng đều làm như vậy, không mảy may sai khác. Có một điều là pháp hội Hoa Nghiêm ấy thường chỉ triệu nhóm vô lượng những bậc Đại Bồ Tát, những thế-gian-chủ tức là những vị vua ở các từng trời, những vị đại quỷ thần với là Đại Bồ Tát theo nguyện lực thọ sanh, hoặc những chúng sanh phi nhon có túc duyên đặt biệt. Chốn Diêm cung của ta cũng ít có kẻ được dự. Còn người thì thường khi cũng chẳng có mấy ai được triệu nhóm. Là vì sao? Là vì phần lớn đều chưa đủ đạo lực để thẩm thấu những lẽ huyền vi được diễn nói trong pháp hội ấy. Ngay như bây giờ, giữa lúc này đây, ở rất nhiều cõi khác, vẫn có những vị Phật xuất hiện noi đời, và đương ngồi giảng nói về bộ kinh ấy. Nhưng ta cùng hiền giả đâu có thể mon men bén mảng tới những chốn đạo tràng đó?… Thế là đành chịu… Cõi ta bà của chúng ta này lại là một cõi nhiều uế trược. Khi Đức Phù Đồ Mâu Ni của chúng ta chứng quả dưới gốc bồ đề trong rừng sâu, ngài cũng làm y như vậy, và cũng triệu nhóm pháp hội như vậy. Pháp hội này kỳ lạ lắm, nó được diễn nói trong hai mươi mốt ngày hay trong mấy a tăng kỳ kiếp, ta cũng không biết rõ nữa. Pháp hội này lại hình như di động theo thần lực của Đức Mâu Ni: tuy ngài vẫn ngồi trong rừng sâu, nhưng nhiều lúc pháp hội hình như lại được chuyển cả lên đỉnh núi Tu Di, hoặc chuyển lên cung trời Đâu Xuất. (Vua lại thở dài thườn thượt làm phất phơ bộ râu dài.) Nhưng ôi thôi, hàng muôn năm ở cõi này mới có một vụ như vậy, mà kỳ do, ta cũng đâu có được triệu nhóm. Kỳ do, loài người trên dương thế lại may mắn hơn. Phần đầu của pháp hội thì tuyệt nhiên không có người. Nhưng gần tới lúc kết thúc, hình như có một số các vị được tham dự, như ngài Ca Diếp, ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất… Các vị đó đạo lực đã khá cao, thế mà lúc tham dự cũng chẳng trông thấy hoặc nghe thấy được gì mấy đâu. Chẳng trông thấy những thần biến của pháp hội, chẳng được nghe mấy những lời diễn nói của các Đại Bồ Tát và cũng chẳng nhìn thấy các Đại Bồ Tát nữa. Là vì đạo lực không đồng. Là vì trụ xứ của các Đại Bồ Tát rất sâu, sắc thân của các bậc đó được dệt bằng một thứ quang minh quá vi tế nên các vị người đó không nhìn thấy được. Chỉ riêng có ngài Xá Lợi Phất được nhờ thần lực của Phật nên nhìn thấy được ngài Văn Thù Sư Lợi, và khi ngài Văn Thù từ tạ Phật ra đi về phương nam để độ duyên, thì ngài Xá Lợi Phất đã lật đật chạy theo ngài Văn Thù… Chắc hiền giả hiểu ý ta rồi chứ?

Thạch Sanh bồi hồi suy nghĩ, nên chỉ im lặng gật đầu. Nàng công chúa bỗng xen vào:

– Lạ thật, lạ thật. Tại sao lại không nhìn thấy? Phải chi lúc đó tiểu nữ có ở đó, thì chắc tiểu nữ cũng nhìn thấy ngài Văn Thù và cũng lẽo đẽo chạy theo.

Thấy đức vua quay lại nhìn mình, nàng vội hấp tấp giải thích:

– Tiểu nữ không dám nói giỡn đâu! Nhung không hiểu sao… Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh, tiểu nữ nghe tên bố kinh này thấy quen tai quá. Không hiểu tiểu nữ đã nghe thấy ở đâu rồi.

Thạch Sanh nói:

– Nhưng không biết bây giờ ở đâu có bộ kinh đó mà biết đuờng tìm thỉnh? Vua nói:

– Thì ta đã nói lai lịch cùng sụ ẩn hiện của bộ kinh này kỳ dị lắm. Những bộ kinh lớn của Chu Phật, nói về đạo lý lớn của pháp giới, bao giờ cũng vậy, cũng ẩn hiện không chừng. Tùy theo túc duyên của các chúng sanh, của các cõi, của các châu… Túc duyên và nghiệp lục quả là một điều lạ lùng, ngay các quỷ thần lớn nhiều khi cũng không biết rõ đuợc, chỉ làm theo lệnh truyền thôi. Tỷ dụ nhu ở một châu nào đó, mà chúng sanh ít phuớc báo, ít nghiệp lành, nghiệp ác ngày càng tăng, thì các vị địa thần ở đó sẽ khiến cho chất mầu mỡ trong đất cát lần lần biến mất, và dân chúng sẽ lâm vào cảnh cơ cấn tật dịch, hoặc binh đao… Các thủy thần, các Long Vuơng có thể gây những vụ hạn hán hoặc thủy tai. Không có cái gì ngẫu nhiên ở cõi đời này đâu, mọi sụ đều do nghiệp duyên đua đẩy, và quỷ thần cũng không tránh thoát điều đó. Ngoại vật còn có thể ẩn hiện nhu vậy, nên sự ẩn hiện của kinh sách lại càng kỳ bí hơn. Đến những thời kỳ mạt pháp, khi túc duyên của chúng sanh không còn gì, các kinh sách thuờng lần lần biến mất sạch, hoặc bị đốt phá, hoặc bị các quỷ thần hay các loài ma đem cất giấu biến vào lòng đất hoặc xuống biển sâu… Riết rồi có những cõi hoàn toàn vắng bóng kinh sách, khiến cho chúng sanh đều nhu kẻ mù lòa, chẳng biết đuờng nào mà mò ra khỏi mê đồ của ba cõi.

Nét mặt của Thạch Sanh đuợm vẻ sầu não:

– Như thế thì biết làm sao mà thỉnh kinh đuợc?

– Hiền giả chớ quá thuơng tâm. Vì tâm cơ của một nguời chí thành thuờng khi cũng thay đổi đuợc nghiệp duyên chung. Cõi ta bà này tuy uế truợc, nhung nghiệp duyên có lễ cũng chua đến nỗi nặng nề lắm đâu. Bằng chứng là cách đây hơn sáu trăm năm, đức Mâu Ni đã thị hiện thành chánh giác ở nơi đây. Nhung ta nghe nói rằng khi Ngài diễn nói xong trong pháp hội Hoa Nghiêm, thì Ngài cùng các bậc Đại Bồ Tát đều chua muốn luu bố kinh Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh. Là vì sao? Vì thời tiết chua chín, căn cơ của chúng sanh chua chín. Chua chín nên chua hiểu nổi lẽ huyền vi của lời kinh, rồi có thể sanh tâm kinh nghi, sa vào hố nghi lầm và mắc tội báo. Do đó, nên các bậc Đại Bồ Tát chỉ lấy lá cây bồ đề, ghi lại những lời kinh làm thành mấy bản rồi cất giấu ở một vài nơi, chứ chua cho luu bố. Nhung hình nhu đức Phật có huyền ký lại rằng sau khi Ngài nhập diệt khoảng sáu trăm năm, sẽ có một bậc Đại Bồ Tát ra đời, sẽ tìm lại những bộ kinh lớn trong đó có bộ kinh này, vã sẽ lưu bố các kinh ấy trong cõi nhân thế.

Thạch Sanh hỏi:

– Nếu như vậy, thì bây giờ có lẽ đã hơn sáu trăm năm rồi, không biết lời kinh ấy…

– Chư Phật đã huyền ký thì chắc không sai mảy may. Nghe đâu bộ kinh ấy chỉ được ghi thành ba bổn, một bổn được trao cho ngài Di Lặc Bồ Tát hiện đương cất giữ trên cung trời Đâu Xuất. Nhưng hình như đức Di Lặc Bồ Tát cũng chỉ hay giảng về kinh Đại Bát Nhã thôi, chứ ít giảng về bộ kinh đó. Một bổn được trao cho ngài Quán Thế Âm hiện cất giữ tại núi Phổ Đà miền Nam Hải. Còn ngài Phổ Hiền ở núi Nga Mi cùng ngài Văn Thù ở núi Ngũ Đài Sơn hình như cũng không được cất giữ gì cả. Không hiểu sao vậy? Còn bổn thứ ba thì lại được giao cho Bạt Nan Đà Long Vương hiện cất giữ dưới thủy cung miền Đông Hải. Nhưng vị Long Vương này thì chắc cũng chỉ biết thờ phụng lễ bái bộ kinh thôi, chứ có lễ cũng chưa đủ trí huệ để đọc tụng. Những vị ấy canh gác kinh kỹ lắm. – Vua lại thở dài – Ngay đến ta đây cũng có lần lặn lội xuống thủy cung miền Đông Hải, năn nỉ ông ta cho coi đọc bộ kinh đó, mà ông ta cũng không chịu. Ta cũng chỉ được nhìn thấy bộ kinh thôi, lễ kinh mấy lễ, chứ chưa được mở ra coi đọc.

Công chúa bỗng xen vào:

– Như thế thì ở Nam Diêm Phù Đe này hoàn toàn không có kinh đó, biết đi đâu mà thỉnh?

Vua nói:

– Ta suy đi nghĩ lại thì đoán rằng sở dĩ bổn đó được giao cho Bạt Nan Đà Long Vương, là vì miền Đông Hải cũng ở gần cõi nhân thế. Chắc là lời huyền ký đã ứng nghiệp rồi. Vị Đại Bồ Tát trong lời huyền ký chắc đã xuất hiện nơi đời rồi, nghe đâu ở miền Tây Trúc. Hình như ngài có tên là Long Thọ Bồ Tát. Nhưng sự xuất hiện của ngài cũng ly kỳ lắm. Thuở còn trẻ, ngài đi theo học hầu hết các môn phái ngoại đạo. Ngài đọc kỹ những sách vở của họ, và quán thông hết thảy pháp thuật của họ. Chả là gần đây, tại miền Tây Trúc, các trường phái ngoại đạo cũng thịnh hành lắm, có tất cả đến sáu mươi bốn trường phái, họ đều tứ phía ào ạt tấn công chỉ trích những tông phái của các đệ tử đức Mâu Ni. Khổ một nỗi là mấy trăm năm gần đây, các tông phái của đức Mâu Ni lại chưa thấy xuất hiện nhiều bậc siêu xuất, để triển khai cái bí tạng của Chư Phật cùng những lời dạy thượng thừa vi diệu của các ngài. (Vua lại thở dài:) Bởi thế, nên ở nhiều nơi, đa số dân chúng đều như muốn ngả vào cái lưới huyễn hoặc của ngoại đạo nhiều hơn là ngả theo các tông phái của đức Mâu Ni.

Thạch Sanh bồn chồn:

– Nếu như vậy thì thực là nguy hiểm. Không hiểu những lời giảng dạy của ngoại đạo có chứa đựng chân lý gì không, mà dân chúng dễ sa lưới như vậy?

Vua nói:

– Ôi chao, hiền giả nhắc tới vụ đó khiến ta cũng bị lây nỗi thương cảm. Ta cũng có hiểu biết gì rõ ràng đâu. Có lẽ đó cũng là khí phần của đạo lý lớn trong những cõi còn quá nhiều uế trược. Mà cõi ta bà này thì nặng phần uế trược lắm. Trong số sáu mươi bốn trường phái đó, thì đại đa số đều là những bọn hoàn toàn tà kiến và dở ẹc. Có phái thờ lửa, thờ nước, hoặc thờ mặt trời, hoặc có phái như phái Ni Kiến Tử lại chuyên ở trần, ngồi xổm, ăn bã rượu, hoặc lại giữ những giới cấm thủ rất kỳ quặc như ăn theo lối chó, ngủ theo lối chó, di chuyển hành động cũng làm theo lối chó… Chả là bây giờ, ở cõi đời này, các tà sư nảy nở nhiều như cát bụi. Ôi chao, những bọn ấy khi chết xuống đây thực đã làm khổ ta không ít. Không gia hình thì không được, mà đầy đọa chúng nhiều quá thì cũng thấy thương tâm… Thế mà chúng lại còn dám cả tiếng đề xướng rằng chẳng có nhân quả nghiệp báo gì hết. Ta nghe mà thấy rầu thúi ruột. Có phái như vậy đó, họ chủ trương rằng tất cả vũ trụ này cùng các loài chúng sanh đều là do những vi trần nhảy múa loạn xạ, rồi ngẫu nhiên kết tập nên, và trong cái trường họp ngẫu nhiên đó, ai muốn làm gì cũng được, chẳng có nhân quả nghiệp báo gì hết. Ta e rằng nếu hiền giả nhận lời đi thỉnh kinh, khi sang tới miền đất đó, chắc sẽ vấp phải những bọn ấy, vấp nhiều chứ không phải ít. Có lẽ vì ở những nơi thánh địa, thì những hàng rào ma chướng thường mọc lởm chởm để thử thách kẻ hành nhân chăng?

Công chúa bỗng xen vào:

– Nếu bọn ngoại đạo dở ẹc như vậy, không hiểu tại sao vẫn có nhiều người muốn theo chúng và cúng dường? Có lẽ chúng cũng có những cái hay chứ?

Vua nói:

– Suy ngẫm kỹ thì thấy cũng chẳng lạ lắm đâu. Cũng là do nghiệp duyên đưa đẩy. Ở những cõi nhiều uế trược, con người thường ưa hùa theo những cái gì quái dị, những cái gì thiển cận nhỡn tiền, những cái gì có vẻ chóng có hiệu nghiệm, họp với ý muốn của mình. Họ ưa những pháp nhỏ, hoài nghi không chịu hiểu những pháp lớn, vì những pháp rốt ráo có vẻ như xa vời quá. Nói vậy thôi, chứ trong những trường phái ngoại đạo, cũng có đến bốn, năm phái đáng kể. Có lẽ họ cũng nhìn thấy ít phần về cái đạo lý lớn. Họ cũng nói đến luân hồi, đến nhơn quả nghiệp báo. Họ cũng có thiền quán, có định lực khá lớn, và từng làm xuất hiện nhiều vị tiên nhơn có khá nhiều thần thông nữa. Gần đây, nghe nói có vị tiên nhơn ngoại đạo tên là A Kiệt Đa Tiên, đã từng làm dừng nước sông Hằng trong lỗ tai của ông ta trọn trong mười hai năm. Lại có một vị nữa tên là A Nậu Tiên, đã từng trong khoảng một ngày trời uống cạn một nửa biển Đông Hải khiến cho Bạt Nan Đà Long Vương sợ cuống cuồng. Lại trước kia, chính đức Mâu Ni nhà ta cũng thị hiện đi học đạo ở ngoại đạo, nơi ông tiên A La Lã cùng uất Đầu Lam Phất, và hai ông này cũng đã thiền quán dày công và đạt tới định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Công chúa lắc đầu lè lưỡi:

– Ôi chao, nếu họ giỏi như vậy thì nguy quá. Như thế, thì đạo Phật của mình còn ăn thua gì nữa, và không khéo bại trận mất thôi.

Vua nói:

– Ngươi chỉ là con ốc nằm dưới đáy giếng nên chỉ hay nói mò. Nhưng ngươi cũng có tâm lo lắng cho khí phần của đạo pháp lớn. Ngươi cần hiểu rằng những món thần thông biểu diễn phô trương như vậy không thấm gì với thần lực của chư Đại Bồ Tát và Chư Phật đâu. Chỉ như một chút nước đựng trong chiếc vỏ sò so với nước của đại dương mà thôi. Có điều là các Đại Bồ Tát không hề bao giờ phô trương thần thông, thi triển thần lực khi nào cần độ duyên mà thôi. Hoặc thi triển thần lực một cách các chúng sanh không hay biết được. Xưa kia, khi còn tại thế, đức Mâu Ni có thi triển thần lực mấy lần khiến bọn ngoại đạo chạy trối chết. Nhưng Ngài thi triển, không phải vì tâm phô trương, mà chỉ là vì muốn ngăn bớt lòng đại-ngã-mạn của bọn lục sư ngoại đạo và thuyết phục họ. Ngài thi triển mà chẳng cần vận dụng công phu, như một trò du hý, mà vô tác vậy, vì Ngài có đầy đủ tự tại lực. Sở dĩ trước kia Ngài đi học ông uất Đầu Lam Phất chỉ là Ngài thị hiện việc đi học mà thôi, thị hiện đi qua hàng ngũ ngoại đạo chỉ là để chỉ cho họ rõ những điểm thiếu sót. Chứ Ngài là một vị cổ Phật, Ngài thành Phật đã từ rất lâu xa rồi. Ngài có bảo ông uất Đầu Lam Phất: “Định lực của ông mới chỉ tới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chưa thoát được ra khỏi ba cõi. Đó là một điều thiếu xót. Các ông lại hay dừng bước ở cõi trời Phạm Thiên, coi Phạm Thiên là một đấng Tự tại có thể tạo ra thế gian. Đó là một điều lầm lẫn, do tam muội điên đảo, do tam muội nông cạn…” Nói thế, rồi Ngài bỏ đi. Nhưng bọn ngoại đạo vẫn chưa hiểu. Sau khi Ngài thị hiện thành chánh giác dưới cây bồ đề, Ngài thấy thương xót muốn độ duyên cho ông uất Đầu Lam Phất. Nhưng khi dùng pháp nhãn xét nói, thì Ngài thấy ông uất Đầu Lam Phất đã chết rồi và đọa làm con phi ly. Chả là trong một lúc ngồi thiền định, ông ta nghe tiếng một con quạ kêu quang quác nên nổi tâm sân hận, rồi bị chết ngay giữa lúc đó, nên bị sa đọa làm con phi ly.

Mỵ Ê xuýt xoa:

– Té ra là như vậy, thực ly kỳ quá. Nhưng tiểu nữ vẫn chưa hiểu bọn ngoại đạo bị sút kém vì lẽ gì?

– Kém sút vì lẽ gì ư? Nói cho ngay, thì chính ta cũng còn mơ hồ lắm. Nhưng đức Mâu Ni đã nói đó, là vì tam muội của họ còn nông cạn, tam muội còn điên đảo. Ngoài ra, có lẽ họ chưa hiểu nổi cái lẽ nhân duyên huyền diệu, cái lẽ trùng trùng duyên khởi, vẫn còn chấp rằng cái này sanh ra cái kia. Nhưng theo ý ta, cái điểm kém sút chính của họ lại ở chỗ vẫn còn âm thầm chấp có ngã, và ngã sở? Công chúa lại hỏi:

– Ngã và ngã sở là gì vậy?

– Tức là chấp rằng có ta, rồi chấp ta có cái này, ta có cái kia. Nghĩ rằng ta là một đạo sư, ta tu, tư chứng, ta được giải thoát còn kẻ khác không được giải thoát, ta buồn, ta vui, ta được món thần thông này, chưa được món thần thông kia. Là như thế đó. Đã nghĩ rằng có ngã, tức là phải có tha nhân, rồi có thọ giả, có mạng giả, có chúng sanh giả, có chánh báo, có y báo… Hỡi ơi, ngần ấy thứ giả nó nổi lên bời bời thì làm sao bước vào cảnh tịch mịch được. Rồi dần dần sanh ra đại ngã mạn, tự giam mình vào trong một cái lồng sắt, vì đại ngã mạn là một ma chướng lớn.

Vua lại thở dài, rồi nói tiếp:

– Ta có nói dài dòng, vì thực ra ta buồn không ít cho cái bọn ngoại đạo kia. Chúng chưa biết trời cao đất dày là gì, và trên đường tu hành, ma chướng không phải là ít.Nhưng ta trộm nghĩ rằng chưa kể đến loài thiên ma ngoại ma, hai cái ma chướng lớn nhất của kẻ hành giả là lòng đại ngã mạn và tâm tưởng dâm dục. Bọn ngoại đạo thường hay nảy sanh những tâm tưởng này. Chính ngài Long Thọ Bồ Tát, trong khi đi lạng quạng giữa bọn ngoại đạo, cũng bị lây hai món ma chướng này. Nhưng chắc là ngài không phải bị lây, mà chỉ thị hiện bị lây thôi, để cảnh cáo bọn ngoại đạo. Nghe đồn rằng, sau khi ngài quán thông được phép thuật của ngoại đạo, thì ngài lộ vẻ cao ngạo lắm, coi trời bằng vung, lại có thái độ ngông cuồng phóng túng đối với nữ sắc nữa. Rồi một đêm kia, ngài cùng với ba người đồng học nữa, ba người này thì phép thuật còn kém lắm nhưng cũng đã học được phép tàng hình, cả ba đều tàng hình lẻn vào trong cung cấm của nhà vua để chọc ghẹo bọn cung nữ…

Mỵ Ê xuýt xoa:

– Chà chà, thực là nhảm nhí quá!

– Không ngờ cả bọn đều bị lính ngự lâm bắt được. Kể ra thì với phép thuật cao cường, ngài Long Thọ có thể chạy trốn rất dễ, nhưng không hiểu sao ngài lại không bỏ trốn. Ngài lại ở lại để cùng chịu tội với ba người kia. Vua truyền đêm cả bốn người ra chặt đầu. Ba tên kia bị chặt rồi, thì ngài bỗng nói với vua: “Tôi đã khởi tâm đại ngã mạn và buông lung dâm dục, nên cũng muốn lãnh cái chết để bù vào nghiệp này. Nhưng tôi e rằng vận số của tôi chưa tới lúc tuyệt, vì cỏn phải làm nhiều việc tại cõi nhân thế này…” Chả là ngài đã quán thông hết cả nho y lý số cùng phép thuật. Vua cả giận bèn truyền chặt đầu. Đầu ngài rớt xuống sân, máu nơi cổ phun thành vòi. Nhưng lạ thay, máu không đỏ mà lại trắng như sữa. Thì ra ngài tu luyện từ kiếp nào, đã đến mức thuần dương. Thuần dương cũng như là thuần âm nên máu ngài trắng như sữa. Ngài lại với tay ra nhặt chiếc đầu, lắp vào cổ, lấy ngón tay miết vào vết thương, thì chiếc cổ lại lành như cũ. Vụ này được đồn ra ngoài, khiến bọn ngoại đạo đều khiếp đảm. Nhà vua cũng sợ lắm, ấp úng xin tạ lỗi. Nhưng ngài nói: “Nếu bệ hạ ưng tha tội cho tôi, thì tôi xin nguyện xuống tóc làm một kẻ sa môn của đức Mâu Ni, và ẩn tu tại Tuyết Sơn.” Thạch Sanh, công chúa cùng cử tọa đều ngẩn người ra nghe kể chuyện. Vua kể tiếp:

– Thì ra ngài tác quái như vậy, chỉ là để nhấn mạnh rằng ngã mạn cùng lòng dâm dục là hai nguồn gốc lớn của mọi phiền não… Thế rồi ngài xuống tóc, ẩn tu tại Tuyết Sơn không biết bao nhiêu năm trời. Ta cũng không biết rõ chỗ ngài ở ẩn, nhưng chắc cũng chỉ loanh quanh đâu đó gần chùa Đại Lôi Âm Tự. Ngài chuyên tâm đi tìm lại những kinh sách thượng thừa vi diệu để chấn hưng giáo lý. Hơn mười năm gần đây, nghe nói Bạt Nan Đà Long Vương bị đau nặng, hào quang trên đầu mờ đi và mồ hôi nơi nách vã ra đầm đìa. Ngài Long Thọ vốn rất tinh thông y lý, nên đã xuống thủy cung, chữa khỏi bịnh cho long vương, và đã nhân dịp ấy, hình như ngài có sao lục được toàn bộ kinh Đại Phù Đồ Phật mang về dương thế. Nghe nói ngài cũng có lên cung trời Đâu Xuất để thỉnh bộ Đại Bát Nhã. Chắc là hiện nay, ngài đương giữ mấy bộ kinh ấy. Nếu hiền giả phát nguyện đi tìm thỉnh, chắc là phải tìm thỉnh ở vùng Tuyết Sơn.

Thạch Sanh ngập ngừng:

– Tôi không dám quản ngại việc lặn lội khổ cực… nhưng tôi là kẻ quê mùa hèn mọn, chưa hiểu kinh kệ là gì lại chưa từng ra khỏi xóm làng, e rằng sẽ cô phụ tấm lòng…

Vua vội nói:

– Sở dĩ ta nói dài dòng như vậy, là để hiền giả hiểu rõ lai lịch của bộ kinh, cùng những nỗi khó khăn của công cuộc tìm thỉnh. Không kể tới việc đường trường lội suối băng ngàn, không kể tới bọn ngoại đạo tìm cách gàn quải, hiền giả còn sẽ vấp phải nhiều loại thiên ma ngoại ma. Một khi hiền giả phát nguyện đi cầu thỉnh bộ kinh đó, thì chắc là nơi cung điện của Ma Vương Ba Tuần ở từng trời Tha Hóa tự tại sẽ náo loạn cả lên… (lần đầu tiên, vua bật tiếng cười khẽ.) Vì bọn chúng rất sợ hãi việc có người đi thỉnh rồi mang về lưu bố bộ kinh đó. Vì kinh đó sẽ phá hết cái màn lưới huyễn thuật của Ma vương. Nên chắc chúng sẽ gây khó dễ cho hiền giả. Nhưng hiền giả chớ quá lo sợ, vì hiền giả sẽ có nhiều nhân duyên hộ trì…

– Tôi làm gì mà có được nhân duyên hộ trì…?

Vua nhỏ giọng:

– Chắc hiền giả chưa nhớ lại được, chứ đối với bộ kinh Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh này, hiền giả đã từng có nhiều túc duyên lắm, nghịch duyên cũng có mà túc duyên cũng nhiều…

– ?!

– Trong một kiếp trước, hiền giả đã từng được đọc tụng bộ kinh này. Nhưng trong một giây khắc lỡ lầm buông lung phóng túng, hiền giả đã say rượu và đánh cháy mất một phần của kinh này…

Nghe đến đây, thì không hiểu sao Mỵ Ê bỗng ối lên một tiếng và giơ hai tay ôm mặt. Còn Thạch Sanh thì bồi hồi thẫn thờ:

– Thực vậy sao? Thực vậy sao? … Neu vậy… nếu vậy…

Nét mặt vua Diêm La lộ vẻ vui mừng. Vua bỗng đứng dậy tới trước mặt Thạch Sanh, xá dài một xá:

– Hiền giả đã phát tâm như vậy, thì xin nhận của ta một lễ này. Ta mong cầu rằng…

Vua chưa kịp nói hết lời, thì Thạch Sanh đã vội phủ phục xuống để đáp lễ.

Một vị phán quan và một viên thái úy được truyền lệnh hộ tống Thạch Sanh trở về dương thế. Hai tên quỷ sứ cũng nhận lệnh đưa hồn công chúa trở về nhập vào xác.

Viên thái úy cầm cây phướn đi trước dẫn đường. Thạch Sanh vội bái biệt Diêm Vương rồi lẳng lặng đi theo thái úy. VỊ phán quan đi theo gót chàng, như người đi hộ giá, và bây giờ chàng nghiễm nhiên là một vị pháp sư lãnh trọng trách đi thỉnh kinh. Chắc vì bận tâm lo lắng vụ thỉnh kinh nên chàng bước đi mà chẳng đưa mắt nhìn ai. Không nhìn nàng công chúa, cũng như chẳng nhìn thấy hán tử ôm kinh đang nhìn chàng và giơ cả hai nắm tay lên trời, như ra chiều cổ vũ. Mỵ Ê nhìn theo chàng, nhưng khi thấy chàng chẳng ngoái cổ lại, thì nàng bĩu môi, quay ngoắt bước theo hai tên quỷ sứ, trong lòng nửa như hờn giận, nửa bâng khuâng… Hai quỷ dẫn nàng đi theo một nẻo khác, không cùng đường với Thạch Sanh.

Ra khỏi cung Thập Điện, Thạch Sanh bỗng nhận thấy viên thái úy dẫn mình đi theo một con đường khác, không phải là con đường cũ. Chàng quay lại nhìn phán quan, như có ý hỏi. Phán quan hiểu ý, liền nói:

– Ở nơi âm phủ, đường đi xuống khó nổi đi lên. Pháp sư nên trở về theo con đường này để rộng biết thêm những việc nơi âm phủ.

Đi một quãng xa gặp hai chiếc cầu bắc rẽ ngang hai nẻo đường, một chiếc cầu vàng và một chiếc cầu bạc, màu vàng cùng màu bạc đều óng ánh lộng lẫy. Trên cầu, người đi lao xao phất phơ đông đúc như bướm lượn. Người nào người nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, mặt mày hớn hở tươi sáng thanh thoát. Trong đó, Thạch Sanh nhận thấy có một số người ăn bận như tăng ni. Chàng quay lại hỏi:

– Những người này là ai vậy?

Phán quan nói:

– Chiếc cầu vàng là con đường đi thọ sanh lên các cõi trời. Những người đi trên đó phần đông đều là những người đã từng trì ngũ giới, hoặc tu thập thiện, và đã lìa bỏ được nhiều tâm tưởng dâm dục. Còn đi trên cầu bạc phần đông là những người hiếu thảo, ngay thẳng, công bình, chính trực, họ được trở lại nhân thế để đầu thai vào những nơi cao sang quyền quý. Phần đông những người này chưa lìa bỏ được thú vui ngũ dục.

Thạch Sanh im lặng, vừa bước vừa ngẫm nghĩ. Viên thái úy dẫn chàng đi thẳng, vượt qua hai chiếc cầu. Chàng thấy mừng thầm cho những người đi trên hai cây cầu đó, nhưng tự nhủ: “Cỏn mình, không hiểu mình muốn đi qua chiếc cầu nào đây? Có lẽ ta cũng chẳng cầu mong cầu vàng, cầu bạc chi hết. Ta chỉ canh cánh nhớ lại chiếc cầu Nại Hà, cây cầu khó qua được, cảnh tượng của vùng biển nghiệp lực trong chặng núi Thiết Vi, cùng cảnh tượng ngài Địa Tạng xuất hiện trên mây sáng… Hỡi ôi, làm sao tát cạn được vùng biển nghiệp lực đó?… Hỡi ôi, Đại Phù Đồ Phật, Nam Mô Ngã Phật Từ Bi, xin cho con được chút lòng dũng mãnh để tát được vài gầu nước làm vợi bớt những vùng biển đó…” Nghĩ như vậy, chàng lại thấy rào rạt niềm xót thương trong lòng, và cầu mong rằng nó đừng bao giờ nguôi… Thì ra những mầm đại từ bi đương nảy nở trong tâm khảm chàng… “Ta cứ trơ trụi cô đơn thế này cũng được, miễn là uống nổi những bát lửa nóng thay cho các kẻ khác là tốt rồi.”

Đi một quãng nữa, lại gặp ngôi thành lớn, nơi cổng thành có đám đông tụ tập, kẻ đứng người ngồi, kẻ mất đầu người cụt tay chân, kẻ xổ ruột… Phán quan vội nói:

– Đây là Uổng Tử Thành, nơi tập trung của những kẻ chết oan, chết hoạnh tử hoặc chết vì binh đao…

Chưa kịp nói dứt lời, thì bọn kia đã ùn ùn kéo tới, vây kín chung quanh Thạch Sanh, đứa chắn đường, kẻ níu kéo, đứa lớn tiếng đòi thường mạng, kẻ xin bố thí… Phán quan vừa gỡ chúng ra, vừa lớn tiếng:

– Đừng có làm rộn vị này… Vị này không có nợ nần tiền bạc cũng không có nợ mạng các ngươi đâu. Đừng có làm rộn, đây là một vị pháp sư.

Lời nói khiến bọn kia dừng tay lại, nét mặt tiu nghỉu, nhưng một số vẫn chìa tay lải nhải xin bố thí… Một đứa bỗng cất tiếng:

– Pháp sư à? Pháp sư là cái gì vậy? Nếu đã là sư sư gì đấy, có lẽ may ra cứu chúng ta được…

Thạch Sanh nói:

– Thực ra, tôi cũng chưa phải là pháp sư đâu, vì tôi cũng có biết pháp biết kinh gì đâu! Các vị ở đây lâu ngày, chịu quá nhiều khổ cực giận hờn, nên chắc cũng đã quên tịt cả pháp lẫn kinh… Tôi cũng chỉ là một kẻ hoạnh tử, một kẻ chết ngang như các vị thôi. Tôi không có gì để bố thí cho các vị. Nhưng tôi biết một cách này, vì chính cách này đã giúp tôi trở lại dương thế…

Cả bọn nhao nhao:

– Cách gì vậy? Cách gì vậy?…

– Tôi chỉ chuyên niệm câu: Nam Mô Đại Phù Đồ Phật, Nam Mô Đại Phù Đồ Phật… Khi ở trước điện Diêm La, tôi cũng chỉ chuyên niệm có vậy, mà được trở về dương thế. Vậy các vị cứ niệm riết danh hiệu đó là mọi nỗi oan ức khổ cực sẽ lần lần tiêu tan, và có thể đi thọ sanh chỗ tốt lành…

Cả bọn lại tiu nghỉu. Một tên cất tiếng:

– Chỉ có vậy thôi sao? Chỉ có sáu chữ như vậy thôi sao?… Ai mà tin được?… Nam Mô Đại Phù Đồ Phật, Đại Phù Đồ Phật… Nhưng ở đây, nào có thấy Trời,

Phật gì đâu? Chỉ có thấy người cùng quỷ sứ, mà người thì nhiều khi lại còn tệ hơn quỷ sứ…

Thạch Sanh nói:

– Các vị chớ đem tâm giận hờn mà hồ nghi. Là vì các vị đã quá khổ cực nên trong tâm quên hết rồi sanh hồ nghi. Nam Mô Đại Phù Đồ Phật… Vũ trụ này mênh mông lắm, nhung chỉ cần sáu chữ đó cũng đủ cởi mở mọi nỗi khổ cực oan khiên… Các vị đã bị chết ngang xuống đây, thân xác của các vị bây giờ nhẹ như bấc, chứ không nặng như chì như hồi còn ở dương thế. Nên câu niệm Phật đó rất dễ chuyển hóa sắc thân của các vị… Các vị cứ chuyên tâm niệm đi…

Có đứa bỗng nói:

– Ờ, ờ… Hay mình cứ thử xem. Cũng chẳng mất gì đâu…

Rồi hắn cất tiếng niệm to: Nam Mô Đại Phù Đồ Phật, Nam Mô Đại Phù Đồ Phật…

Hắn niệm được mươi câu, thì có đến mấy chục đứa khác cũng cất tiếng niệm theo… Thạch Sanh đứng nhìn họ giây lâu, mà thấy muốn ứa lệ. Chàng vội quay mặt, rồi từ từ bước đi. Phán quan cũng theo chân… Vừa bước được mươi bước, thì chàng bỗng thấy một niềm lo ngại sợ hãi nổi lên trong lòng… Chàng nghĩ thầm: “Vũ trụ này mênh mông lắm, các nỗi khổ cực cũng mênh mông. Các chúng sanh lại vô lượng vô biên như những đợt sóng nơi biển cả… Đôi vai gầy của ta biết làm sao gánh vác cho thấu được?!…” Nghĩ như vậy, lại thấy lòng buồn khôn tả… Chàng không dám nghĩ xa hơn nữa, lại lâm râm câu niệm Phật.

Đi một quãng xa nữa, tới một khe núi sâu. Viên thái úy dừng chân và nhìn xuống khe núi. Có tiếng nước chảy róc rách, Thạch Sanh nhìn xuống thì thấy một giòng suối, nước chảy mạnh, bọt bắn tung tóe trắng xóa. Nhìn kỹ thấy trên mặt nước, có rất nhiều đàn cá nhỏ, thân vàng óng ánh, cứ bay lướt trên mặt nước và đi ngược giòng suối…

Phán quan nói:

– Thứ cá này tên là các tích. Chúng xương nhỏ, nghiệp nhẹ, nên có thể bay trên mặt nước và đi ngược giỏng suối…

Thạch Sanh thấy đẹp mắt, cứ đứng sững sờ nhìn đàn cá, miệng lẩm bẩm: Xương nhỏ, nghiệp nhẹ; xương nhỏ, nghiệp nhẹ… thì viên thái úy bỗng giơ tay xô mạnh người chàng xuống khe nước sâu. Chàng chưa kịp kêu, thì người đã chìm nghỉm xuống nước…

Khi tỉnh lại, thì hồn chàng đã nhập vào xác trên dương thế, miệng ú ớ kêu:

– Ôi chao, ngộp chết mất thôi…

Chàng tỉnh lại ở Kim Đình Quán, vào đầu trống canh năm. Lúc đó, mảnh trăng tà còn treo lơ lửng trên ven trời…