TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP IV
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
HỒI XXXV
Loa Kế dạy dỗ Bát La Hoa
Trảm Tứ Cú ôm đàn chữa bệnh
Trời mưa thườn thượt suốt đêm, nhưng cả bọn vẫn theo chân Loa Ke đội mưa mà đi. Chẳng ai nói năng gì, mà cũng chẳng thấy mệt mỏi kể cả hai sãi Trảm Tứ Cú và Ma Nạp. Có điều là quần áo đều ướt sũng như chuột lột.
-Đến gần sáng, trời tạnh mưa, và mặt trời lóe lên sau mấy ngọn núi đá lô nhô ven đường… Họ bắt đầu đi vào miền bắc Tây Trúc trùng điệp những rặng núi lởm chởm, thỉnh thoảng xen lẫn một vài thung lũng có những chiếc hồ chứa đựng nước mưa lũ từ khe núi chảy xuống. Nhà cửa lần lần thưa thớt và người qua lại vắng vẻ. Duy trên bầu không khí, những màu sắc của trời đất biến ảo nhiều hơn.
Loài chim cũng nhiều và màu lông kỳ dị hơn. Chúng xào xạc rúc rích trong lùm cây, tưởng chừng như đó là nơi địa đàng của chúng. Có những loài nhiều màu, chúng bay là là, đuôi và cánh xòe rộng, giống như những nàng tiên đang múa… Cuồng Huệ vừa đi vừa ngắm chim, vì ở nơi Hương Thủy Hải của y, chỉ có mấy con chim thần Kim Súy Điểu to lớn, còn ở Phong Châu thì chim chóc cũng tầm thường thôi…
Loa Ke bỗng rẽ ngang, xăm xăm bước tới một tàng cây, rồi quăng mạnh xác Bát La Hoa phịch xuống cỏ… Bát La Hoa ú ớ kêu, rồi mở mắt ra, nhưng mặt mũi nhăn nhó…
Con hươu vội vã nhảy vuột tay Cuồng Huệ xuống đất, chạy lại chỗ hắn, ve vẫy chiếc đuôi ngắn, và thè lưỡi liếm tay hắn. Lúc đó, ni cô lặng lễ đi tới một gốc cây, đặt chiếc đàn cùng bọc xuống, rồi ngồi trên cỏ. Hai tên sãi cũng chúi đầu vào một bụi cây tránh nắng… Loa Ke ngồi xuống một tảng đá, nói:
-Con vật nhỏ này có nghĩa đó… cũng biết lo lắng cho chủ… Chắc kiếp sau nó được chuyển thân lên làm người. Nhưng làm một người xấu xí ngu độn… Những kẻ xấu xí ngu độn… phần đông là mới từ súc sanh lên cả. Rồi lại phải gặp cơ duyên học đạo lý… thì lần lần mới chuyển thân thành tốt đẹp được. Vừa đẹp đẽ vừa thông minh tài trí… Hi hi… Muốn làm một tay thông minh tuyệt thế bảy bước thành thơ, hoặc làm một giai nhân chỉ mỉm nụ cười mà thành trì cứ đổ ầm ầm… cũng phải học đạo lý… Nhưng hơ…hơ… không biết có đúng thật vậy không? Tại sao cứ phải học đạo lý?… Tại sao lại không học phi đạo lý?… Có lẽ muốn cẩn thận, thì nên học cả đạo lý lẫn phi đạo lý… Như vậy, chắc ăn hơn…
Giọng nói của ông vẫn ỡm ờ, hý lộng… Bỗng nghe Bát La Hoa thốt tiếng rên rỉ, Ông chạy lại, hỏi:
-Thế nào, đau hả?
-Đau… đau chỗ này…
Vừa nói, gã vừa chỉ ngực trái. Ông thốt nhiên giận dữ, lấy chân đá mạnh vào ngục gã:
-Đau hả? Cho nó đau thêm… Người huynh đệ tập tễnh sắp làm ông thầy chùa mà. Vậy nên nhớ rằng: Một kẻ tu hành không bao giờ kêu ca đau đớn cả. Cũng không bao giờ kêu: Tôi vui quá, tôi sướng quá hay đau quá… Sao vậy? Chỉ là vì tất cả những cái đau quá, khổ quá, sướng quá chỉ là… hơ hơ… những trò ảo giác… tạo nên bởi những tuồng múa rối lúc-tụ-lúc-tan của mấy con hộ trùng, Mấy con hộ trùng này chúng nó ghê gớm lắm, có khi chúng còn hơn cả ta nữa. Tỷ dụ như cái trái tim của người huynh đệ. Người huynh đệ mới chỉ có con mắt thịt, nên lúc nhìn trái tim lộ thiên của mình thì cứ đinh ninh rằng nó là một cục thịt… Đúng là bé cái lầm. Kỳ thực, nó không phải là cục thịt… mà được tạo dựng nên bằng vô số những con hộ trùng, những con này cũng có vòi, có đầu có đuôi, có vẩy… có khi có cả tay chân nữa… rồi chúng tụ lại… họp thành một cục bầy nhầy to bằng nắm tay, mà người huynh đệ cứ lầm tưởng là trái tim của mình… Khi nào những con hộ trùng ấy được thở hít ăn uống no đủ, thì chúng hiền lành ngoan ngoãn nằm thin thít bên cạnh nhau… thì người huynh đệ có ảo giác là trái tim mình tốt lành, thấy mình sảng khoái khỏe mạnh lắm… Nhưng trái lại, thì ôi thôi… nếu chúng bất mãn một điều, hoặc thiếu ăn hoặc thiếu hít… là chúng nó nổi giận huyên thiên, thò vòi thò đuôi thò vẩy… cắn xé lẫn nhau, nhảy múa loạn xạ thành rất nhiều điệu luân vũ… thế là người huynh đệ thấy mình đau đớn và yếu xìu… Có thế thôi, hiểu chưa?
Ông vừa nói, vừa giơ chân múa tay bắt chước mấy con hộ trùng, văng cả bọt mép. Nhưng trong đôi mắt, vẫn ẩn một nụ cười tinh quái… Bát La Hoa nằm dưới cỏ, mắt nhìn ông chằm chặp. Gã vừa thấy đau lại vừa tức cười về dáng điệu của ông… Gã thấy nơi ngực trái nóng ran như có một cục lửa bên trong, nhưng lạ một điều là từ khi ăn cú đá, cục lửa trong ngực dần dần dịu đi… Bất giác, gã gật đầu và nở nụ cười héo úa… Loa Ke tiếp:
-Làm ông thầy chùa là phải luôn luôn nhớ rằng mình không có thân, mà chỉ có mấy con hộ trùng ấy thôi. Nhớ chưa?
-Nhớ… nhớ…
Gã chưa kịp hết lời, đã thấy dưới bụng giật đánh thót, và nước rãi muốn rỉ ra… Gã thấy bụng đói cồn cào, vì chưa được ăn từ hôm trước, nhưng cũng không dám kêu… Loa Ke lại nói:
-Thấy đói hả? Cũng là như vậy… và dạ dày người huynh đệ cũng là một ổ hộ trùng, chúng đương nhảy múa kêu gào đòi ăn… Đó là chúng nó đói, không phải người huynh đệ đói.
Bát La Hoa lồm cồm ngồi dậy. Nét mặt gã đã có huyết sắc, đôi mắt có chút tỉnh táo:
-Chúng nó đói, không phải tiểu tử đói? Thế mà từ trước đến giờ, tiểu tử cứ yên chí chính mình thực sự đói.
Loa Kế cười hề hề:
-Bởi vậy, mới bé cái lầm. Không phải bé cái lầm, mà là lớn cái lầm. Lầm to, lầm to… và cũng bởi vậy mà người huynh đệ mới chỉ là kẻ phàm phu, một tên lãng tử trôi lăn từ nhiều kiếp…
Bát La Hoa gục gặc đầu gã hiểu rằng vị tóc loe đương dạy dỗ gã, đương khai mở tâm thức cho mình. Gã rất tin lời vị Tóc loe, nhưng gã nghĩ chưa ra. Gã ngập ngừng:
-Như vậy nghĩa là sao? Vậy Bát La Hoa này là cái gì?
Loa Kế tinh quái:
-Thế người huynh đệ nghĩ… mình là cái gì?
-Cái đó… tiểu tử chưa kịp nghĩ. Chỉ biết rằng trước kia tại bến Hương Bình, có một tên Kỳ Dư Tử hay la cà nơi đó, mộng mơ đủ thứ, rồi rớt xuống âm cung, rồi lại nổi lên, đi lang bang trôi dạt sang đây, đổi tên là Bát La Hoa, xách gói theo chân mấy vị sư huynh…
-Thế tất cả những cơ sự đó, hình bóng đó,… người huynh đệ nghĩ là… có thực hay không có thực?
-Trước kia, tiểu tử đinh ninh rằng mấy thứ đó có thực, nhưng nay không biết sao?
-Nếu quả thực người huynh đệ là một cái gì có thực…thì hi hi… nó không thể thay đổi chập chờn như vậy. Nó không thể bỗng dưng nổi cơn cuồng loạn chạy theo một hình bóng phong tư đào lý, nó cũng không thể lăn đùng ra chết tốt để rớt xuống âm cung, rồi lại nổi lên lang bang sang đây. Rồi lại mất tim, nằm cứng dơ, đến nay ngồi chờ mọc một con tim thanh tịnh… Nếu là có thực, đâu có thể chập chờn như một hồn ma bóng quế?
Bát La Hoa:
-Nếu Đại Bà la môn dạy thế, thì tiểu tử là… không có thực?
Loa Kế cười:
-Cũng không hẳn vậy… Hùm… Tỷ dụ như bây giờ, có một tay đại huyễn sư ngồi xổm ở ngã tư đường. Tay này tất giỏi về thuật huyễn. Ông ta dùng chú thuật tạo nên một cảnh bến nước dập dìu, trong đó có nhiều người qua lại, có thuyền hoa lượn lờ, có những chàng trai lãng tử cùng những cô gái đào lý… Vậy người huynh đệ nghĩ sao? Neu nói là không thực thì không đúng, vì có thể nhìn thấy rõ ràng mà. Nhưng bảo là thực cũng trật lất, vì khi tay huyễn sư rút sức chú thuật thì… chúng lại biến mất…
Bát La Hoa bần thần:
-Như thế là nghĩa ra sao? Bảo là thực thì không đúng, mà bảo không thực cũng trật nốt, Đại Bà la môn đừng giễu cợt tiểu tử…
-Ta đâu có giễu cợt. Trái lại, lúc này, ta trang nghiêm lắm. Vì sao? Vì ta đương nói tới cái đại bí ẩn của pháp giới. Pháp giới này, cũng như thân hình người huynh đệ, như mọi vật, chẳng-phải-thực-nhưng-cũng-chẳng-phải-hoàn-toàn-hư. Nó thực đấy, nhưng chỉ thực như hoa trong gương, như trăng đáy nước… Nhìn thấy đấy, nhưng định nắm bắt nó thì không được, vì NÓ CHỈ LÀ Ảo, một tuồng Ảo HÓA của cái cục nghiệp của mình nó nở ra mà thôi… Người tu hành cần phải luôn luôn dùng con mắt Ảo để quán sát thân mình và quán sát sự vật. Hiểu chưa?
Thấy Bát La Hoa vẫn nhăn nhó, Loa Ke bỗng rút ra một chiếc bánh mì tròn:
-Chắc mấy con hộ trùng tác hại quá, nên người huynh đệ khó suy nghĩ. Thôi ăn đi…
Bát La Hoa xé một mẩu bánh, bỏ vào mồm nhai. Nuốt đến đâu thấy an ổn đến đấy: chắc mấy con hộ trùng bớt kêu gào cấu xé. Loa Kế tiếp:
-Cần nhớ nhất là chữ Ảo. Đấy, người huynh đệ xem, tỷ dụ như vị sư thái ngồi kia. Sư thái, vì hiểu và thân chứng được chữ Ảo, biết giữ tâm mình chẳng-có-chẳng-không, như con chim biết giữ thăng bằng đôi cánh để bay lượn tuyệt vời, nên ngày hôm qua, tại giữa hội trường, sư thái mới có thể bay lên và an nhiên đứng giữa hư không được… Người huynh đệ thấy chưa?
Bát La Hoa quay đầu nhìn ni cô, thấy nàng vẫn ngồi lặng lẽ dưới gốc cây. Gã định đứng dậy đi về phía nàng, nhưng không hiểu sao lại thôi. Loa Ke nói:
-Điều cần nhớ thứ hai là sự bừng nở của cái “cục nghiệp.” Bừng nở như một cái hoa. Bởi vậy, người huynh đệ là một bông hoa tuy nhiều khi không được sạch sẽ lắm… Cục nghiệp… nó có một sức phụt riêng của nó… Sức phụt này… hùm… khó thể diễn tả bằng lời được, nó tương tự như một cơn-lốc-hào-quang bừng bừng nổi lên từ chỗ chẳng-có-gì- cả. Rồi quyện lại, DỆT nên thân căn của người huynh đệ, đặt nên những con hộ trùng kết lại thành xương thịt gân máu. Rồi ở bên trong, nó lại dệt nên một lóp đầy những con “cung quăng ánh sáng” ngọ nguậy, tạo thành những cái gọi là cảm giác đau sướng buồn vui. Rồi bên trong nữa, lại dệt nên những con cung quăng vi tế hơn gọi là tâm tưởng… Thân tâm người huynh đệ chỉ là vậy, là vô lượng những hộ trùng và cung quăng đó, chúng tụ lại… như một cái chợ đông người… Khi chúng vui vẻ nắm tay nhau tụ lại, thì thành ra người huynh đệ, và người huynh đệ tưởng rằng mình có thực… Nhưng ngược lại, khi chúng chán nhau, buông tay rã đám lổm nhổm mỗi đứa bò đi một đàng… thì ôi thôi! người huynh đệ cũng tiêu tùng luôn và biến mất… Đúng không?
Bát La Hoa ăn được mấy miếng, tỉnh táo. Gã hỏi vặn:
-Thế Đại Bà la môn thì sao? Có những con hộ trùng và cung quăng ánh sáng không?
-Khá đấy! Cũng biết hỏi, biết vấn nạn. Ta ấy à? Thì ta cũng vậy, cũng có hộ trùng và cung quăng. Nói cho ngay, ta là một con hộ trùng hay cung quăng khổng lồ. Có điều là… những cung quăng của ta, chúng sạch sẽ hơn, đẹp đẽ và có giáo dục hơn, chúng tương tự như những con ngựa thuần thục, không bao giờ nổi loạn cất vó đá lung tung, không làm trái ý ta… và thường tuân lệnh ta… Rõ chưa?
Ông chưa kịp hết lời, bỗng Trảm Tứ Cú nhảy tới, quỳ lạy như tế sao. Gã năn nỉ:
-Xin Đại Bà la môn, làm phúc… đá cho tôi một… đá vào bụng dưới này này…
Loa Kế giả đò ngơ ngác:
-Sao lại đá?
-Cũng như Đại Bà la môn đá vị đài huynh này… Đại Bà la môn đã cứu sống rồi lại đá vào ngực cho hết đau. Xin làm ơn đá bụng dưới tôi… Nó vẫn còn đau… và lửa dục còn bừng bừng…
Loa Kế:
-Lửa dục bừng bừng?! Kỳ quá ta… Nếu như vậy, sãi chủ nên cởi áo cưới vợ quách. Cưới vợ là khỏi, chứ ta chữa sao được.
-Đại Bà la môn chữa được mà…
Loa Kế tinh quái:
-Lửa dục bừng bừng như một đám cháy thì khó chữa lắm. Hay là sãi chủ bạo tay… thiến quách. Ờ nhưng không được… Dù thiến đi rồi, vẫn còn bên trong chạy lịch xịch, và cái “cục tình chướng” vẫn tiếp tục phụt lên và nở ra… vẫn khó chịu ngứa ngáy lắm… Nhưng không hiểu bệnh tình của sãi chủ đầu đuôi ra sao?
Ông nhìn màn hào quang của gã cũng biết rõ rồi. Nhưng vẫn cứ thích hỏi, Gã kia lúng túng chưa biết nói sao… Cuồng Huệ trả lời hộ:
-Vị huynh đài đây trước kia đã được túc duyên… đi một đoạn đường cùng với sư thái và một vị cao nhân đồng tử…
-Cao nhân đồng tử? Chừng mấy tuổi?
-Chừng mười tuổi. Vị huynh đài đây lúc đó gánh hai chiếc lồng trúc rỗng. Vị đồng tử ngồi trong chiếc lồng, tay cầm cây gậy trúc, thỉnh thoảng lại thò gậy trúc chọc mạnh vào mạng mỡ vị huynh đài. Khiến vị huynh đài không ngừng cười rũ rượi…
-Thế hả? Bây giờ, vị sư thái… ngồi kia, còn cao nhân đồng tử đâu rồi?
Trảm Tứ Cú bỗng òa khóc:
-Lão Hồ Tôn bỏ đi mất rồi… Chỉ thọc léc tôi có mấy cái rồi bỏ đi mất tiêu… Bỏ mặc một mình tôi bơ vơ…
Gã động mối thương tâm, càng khóc lớn. Loa Ke hỏi:
-Sãi chủ xem chừng quyến luyến vị Lão Hồ Tôn lắm hả?
Gã kia đấm ngực:
-Tôi đương tương tư Lão Hồ Tôn đây… Trọn đời tôi, chỉ có những lúc ăn mấy gậy của Lão Hồ Tôn là tôi thấy hạnh phúc sung sướng nhất thôi… Đâu có khổ ải như bây giờ. Tôi biết tìm đâu cho thấy?
-.. hi… Sãi chủ lớn đầu mà khờ quá vậy? Vị Lão Hồ Tôn bỏ đi rồi… nhưng còn sư thái ngồi lù lù kia. Sãi chủ chỉ việc nắm chặt vạt áo sư thái là…
Trảm Tứ Cú lắc đầu:
-Không nắm áo sư thái đâu… Tôi sợ lắm… con yêu mị ấy nó cứ hiện lên, cười ỏn ẻn… rồi tia một tia sữa trắng toát…
Loa Kế:
-Tia sữa trắng toát?
Cuồng Huệ xen vào:
-Tiểu sinh có nhìn thấy… một con tinh mị… thứ quỷ “phù dịch” đuôi dài… hiện lên, nhảy nhót trên lưng vị huynh đài, lấy đuôi đập vào ót và bụng dưới, miệng kêu lách chách “phù dịch”…
-Ái!… Thế thì nguy quá! Ta cũng sợ loại quỷ này lắm, không dám xía vào việc nó đâu. Nó là loại quỷ-cướp-đoạt-tinh-khí, nó mơn man cho mình xuất ra một bãi tinh khí lầy nhầy rồi nó ngồi ăn nhởn nha… Tinh khí ra hết rồi thì người héo úa đi mà chết…
Cuồng Huệ hỏi:
-Có nên đập chết nó không?
-Người huynh đệ có sức khỏe như thần, chắc đập chết nó được. Nhưng cũng không ổn. Giết cũng chẳng ăn thua gì. Vì đó là nghiệp báo. Nghiệp báo có thể khất được, chứ không vỡ nợ được… Có thể rằng sãi chủ đây, trong một tiền kiếp nào đó, đã kết nên một cục tình chướng, mắc một món nợ tình hám, lọt vào vòng oan khiên tình lụy… Tỷ dụ như làm một tay sở khanh mày râu nhẵn nhụi mê hoặc gian dâm nhiều phụ nữ. Hoặc làm một kỹ nữ phấn diện hồ ly… cưóp đoạt mấy bể tinh khí của khách làng chơi, nên mắc nhiều món nợ phong lưu. Đen kiếp này lại muốn trốn nợ, đổi dạng làm một sãi chủ, tập tễnh tu hành. Song oan khiên vẫn theo đuổi như bóng với hình, rồi khi thời tiết chín mùi, thọ sanh làm loài tinh mị cưóp đoạt tinh khí, tới gõ cửa đòi nợ… (thở dài) Giết nó cũng chẳng ích gì. Loài tinh mị thọ sanh lại rất nhanh, rồi lại tới gõ cửa. Vòng duyên nghiệp cứ luẩn quẩn quanh co như vậy. Sãi chủ hiểu chứ?
-Tôi không muốn hiểu gì hết. Đại Bà la môn cứ đá cho tôi một đá…
Loa Kế gãi mũi:
-Ta đá… không được. Thứ nhất là vì ta với sãi chủ… không có nhiều nhân duyên. Thứ hai là nếu ta đá, thì món nợ phong lưu kia, ai trả?… Ta đá cho sãi chủ thì ta lại phải gánh hộ món nợ ấy… rồi nó lại lằng nhằng với ta. Mà ta cũng sợ bọn tinh mị lắm…
Ông đứng ngẩn người, ra chiều suy nghĩ. Mọi người đều nhìn, chờ đợi… Bát La Hoa ăn hết miếng bánh, thấy tỉnh táo. Gã bấm bụng cười thầm, không hiểu Hữu khứ hữu lai lại giở trò gì nữa đây. Gã giục Trảm Tứ Cú:
-Cứ năn nỉ nữa đi. Chữa được đó….
Gã kia lại lạy như tế sao. Loa Ke vẻ ngần ngại:
-Thôi đành thế này vậy. Chỉ còn một cách. Sãi chủ đừng năn nỉ ta, mà năn nỉ vị sư thái là hơn. Sư thái hay đeo cây đàn độc huyền cầm. Cây đàn là một bảo vật đấy. Sư thái là người thanh tịnh, nên đàn cũng là một bảo vật thanh tịnh. Nó nhiệm màu lắm. Loài tinh mị vốn đục ngầu, nên chúng sợ cái gì thanh tịnh, không dám bén mảng tới gần. Sãi chủ cứ năn nỉ xin mượn đeo cây đàn là khỏi bệnh… Vả lại hì…hì… sư thái là nữ nhân, nên nếu có phải gánh hộ sãi chủ cái cục tình chướng ấy, thì con tinh mị cũng chẳng có cách gì đòi nợ sư thái được…
Mọi người đều quay nhìn sư thái. Trảm Tứ Cú lúng túng chưa biết nói sao… Nhưng ni cô đã ôm đàn bước tới:
-Loa Kế đại nhân đã dạy như vậy, bần ni xin giao chiếc đàn để sãi chủ chữa bệnh…
Trảm Tứ Cú giơ tay đỡ chiếc đàn. Cây đàn toát ra một luồng thanh khí mát mẻ, làm dịu những nhiệt não. Gã ôm chặt chiếc đàn, ngồi bệt xuống cỏ, tưởng chừng như mình đang ngồi trên bờ một giếng sâu trong mát.
Đêm hôm đó, họ nghỉ chân lại khu rừng, để Bát La Hoa dưỡng thương… Trảm Tứ Cú nằm lăn trên cỏ, khư khư ôm đàn trên bụng. Gã lần lần cảm thấy sảng khoái dị thường, còn sảng khoái hơn lúc được thọc léc. Gã mân mê cây đàn, rồi chợp ngủ lúc nào không biết. Chắc là cơn tinh mị đã buông tha gã.
Ma Nạp nằm dài bên cạnh, cũng nhận thấy luồng thanh khí của cây đàn và suy nghĩ vẩn vơ… Bát La Hoa cũng nằm trên cỏ, ngước mắt nhìn cây đàn, nghĩ thầm: “Xưa kia, ở bến Hương Bình, không thấy nàng có cây đàn này. Chắc là tôn giả đã cho sư thái.” Gã thấy nơi ngực ngứa ngáy rậm rựt, nhưng rậm rựt dễ chịu. Nghĩ bụng chắc là trái tim thanh tịnh đương mọc ra. Nhưng không hiểu trái tim thanh tịnh hình thù ra sao, màu sắc thế nào?… Gã thấy như mình đương mơ một giấc mơ lạ lùng… rồi cũng ngủ thiếp đi…