TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP III
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XXV

Càn Thát Bà nhớ tưởng chân mày
Trảm Tứ Cú thả rong rắn lửa

Nay nói tới Càn Thát Bà, vì trong những ngày gần đây, từ vụ xảy ra nơi quán nước, tâm thức hắn đương trải qua một cơn biến chứng khác thường, khiến hắn hay nín khe, bớt ba hoa hơn trước.

Bản tính hắn vốn chán ghét và sợ hãi nữ nhân, ghét những chuyện nam nữ sắc dục, rồi từ khi bị lưu đày ta bà trần thế, hắn thầm nhận thấy thân xác ngày càng ô trọc nặng nề, hay đổ mồ hôi lại bắt ngáy, không được nhẹ nhàng như hồi còn ở cung trời Dao Lợi… Điều đó khiến hắn buồn rầu phiền muộn, nhưng hắn vẫn lặng thinh, vì thấy không tiện nói ra… Rồi khi đến quán nước bên đèo, hắn được gặp Lão Hồ Tử cùng vị ni cô, hắn đã trao đổi một lời với ni cô, rồi tuy hắn vẫn tự răn nhắc không nên nhìn bọn nữ nhân, nhưng chính hắn lại bất chợt nhận thấy hắn cứ hay lén lút đảo con mắt nhìn trộm ni cô, muốn nhìn khuôn mặt nhất là đôi chân mày của nàng… Hắn biết rõ đó là một việc, không đàng hoàng, nhưng không dằn được tâm, nên vẫn cứ phải nhìn… Rồi hắn lại chứng kiến vụ tấm gương của ni cô vằng vặc toả sáng như một vầng trăng… Rồi tới khi xuống đèo đi Tỳ Xá Ly, hắn bỗng nhận thấy trong tâm thức có sự thay đổi dị kỳ khiến hắn nửa sợ hãi, nửa bàng hoàng thích thú. Nhận thấy tâm thức hắn loay hoay, cứ muốn nhớ lại, muốn hồi tưởng khuôn mặt ấy cùng cặp chân mày ấy… “Chao ôi! Cặp chân mày… Cặp chân mày thanh kỳ như một nét vẽ, một âm giai troi cao vút, một nét thuỷ mặc lững lờ, như một cánh chim thu, một chiếc lá liễu giăng ngang, một mảnh trăng treo lơ lửng ven trời… Và chiếc trán thì đúng là một khung trời lồng lộng…” Hắn cũng nhận thấy rằng khuôn mặt cùng cặp chân mày ấy chẳng có một mảy mún gì đục ngầu, và tuy hắn tưởng nhớ, nhưng trong tâm thức không hề khởi lên một ý tưởng sắc dục nào…

Nên hắn hay tự nhủ: “Người này…, tuy mang hình tướng như vậy, nhưng chưa chắc đã là nữ nhân thực đâu… Vậy nếu mình có nhớ tưởng, thì cũng vẫn cứ là được…” Từ ngày lang bang nơi trần thế, hắn nhận thấy mình ưa thích mấy thứ: thích ngửi mấy mùi hương tục lụy, thích đốt pháo, thích nhìn cảnh hội hoa đăng… và ưa nhìn cây cỏ. Hắn thấy cây cỏ… có lẽ là chất tươi mát, trong sáng, là chất… “mộng” của nơi trần thế này… Còn ngoài ra, thì đều đáng bị sổ toẹt… Nhưng bây giờ, hắn lại đụng phải một thứ… không thể đem sổ toẹt được… Và thứ này chỉ là một khuôn mặt, một cặp chân mày… nhưng lại hình như bao gồm cả cây cỏ hoa lá, cả núi non, sông nước, cả hoa đăng và trăng sao nữa…

Kỳ dị hơn nữa là từ khi hắn ngắm nhìn trộm thứ đó, rồi tưởng nhớ hình ảnh, hắn lại thấy thân xác hắn như đổi khác, bớt ô trọc, ít thấy mệt mỏi, ít vã mồ hôi… có khi cũng hết bắt ngáy nữa… Và tâm thức khinh an nhẹ nhàng hơn trước…” Thế này là thế nào đây?!, hắn đôi khi vò chỏm tóc tự hỏi… Hắn mang mang nhận thấy cái pháp giới này, cùng tâm thức của mình, quả thực là mờ mịt, khó hiểu, như lời Trảm Tứ Cú hay nói… Bởi vậy, nên hắn cứ nín khe, chẳng thổ lộ cho ai cả…

Tới lúc này, hắn lại được chứng kiến vụ kính đàn Như Thật Bất Như Không… Kính đàn đó, hắn biết rõ chỉ là chiếc gương xưa kia của Mỵ Ê… Nên tối hôm đó, khi lầm lũi trở về chỗ ngủ, hắn lẩm bẩm: “Thì ra vị Ni Cô kia có một tấm gương biến thành trăng được… Còn cô công chúa này thì cũng có một tấm gương, và gương này có thể làm hiện lên một hình ảnh tiền kiếp, hoặc ân tình hoặc oan trái… Như thế thì ra người nữ nào cũng có một tấm gương cả… Tấm gương để làm gì vậy? Chắc là để soi mặt, soi nét mặt mình, soi chân mày hoặc soi cặp son môi đỏ, chiếu soi nét mặt mình chán chê rồi, lại quy gương ra soi vào nét mặt những người khác… Soi với tấm gương chưa đủ, thì lại mang nét mặt mình soi vào mắt của người khác, dùng mắt người khác làm gương để soi nét mặt mình. Hoặc ngược lại, giương to đôi mắt mình thành tấm gương để người khác soi mặt vào… Soi đi soi lại để làm gì? Ha… ha… chỉ là để làm khởi lên một đám mây mù vần vũ, một cơn lốc mê say… một trường ân tình hoặc một bể oan khiên… Chỉ có vậy thôi, vậy thôi. Và đặc biệt chỉ có tấm gương của Ni Cô là có thể hiện một vầng trăng không hề khởi luỵ…

Thì ra người nữ nào cũng có một tấm gương. Nhưng tại sao người nam lại không có gương, không mang theo gương? Chỉ là tại bọn mày râu là một bọn lười biếng, lại ngông nghênh tự phụ, nhâng nhâng nháo nháo, nên chẳng cần mang gương nữa, mang chỉ tổ nặng… Cứ nhâng nháo đi giữa đời, thỉnh thoảng dừng chân nơi ven sông hoặc ven suối, cúi nhìn nét mặt mình một lát thôi…

Còn tất cả thời gian, cứ dùng cặp mắt láo liêng làm gương chiêu soi kẻ khác, hoặc là soi nét mặt mình trong mắt kẻ khác thôi…”

Những ý nghĩ loanh quanh có vẻ mới lạ cao siêu ấy… khiến hắn cảm thấy khoái trá, muốn bật lên cười hăng hắc. Nhưng hắn vội dằn tiếng cười vì sợ lộ bí mật. Cuối cùng, hắn chỉ giơ hai tay lên trời, vươn vai thật mạnh, và cảm thấy mình rất sảng khoái, rất khoẻ mạnh lực lưỡng… Hắn có cảm tưởng vừa khám phá được một chân-lý mà ít kẻ biết được: đó là chân lý của sự chiếu-soi cùng tự-chiếu-soi của những tấm gương và cặp mắt… “Thì ra cuộc sống nào cũng thế, thu lại chỉ là như vậy… Chỉ là chiếu soi rồi lại tự chiếu soi… Nghĩa là suốt năm suốt tháng cứ đi lang thang lẩn thẩn, giương to đôi mắt láo liêng chiếu soi đủ mọi thứ, rồi thỉnh thoảng gặp một người nào ngồ ngộ, thì lại dừng chân lại, rồi kiễng gót chân soi mình vào trong tròng mắt của người ấy để xem hình ảnh mình ra sao?… Cũng như chú Thạch Sanh đã từng soi mặt trong cặp mắt của nàng Mỵ Ê, và cô nàng cũng làm ngược lại… y như vậy… Kể ra… thì cái trò chơi… kỳ cục ấy… xưa như cục đất… nhưng cũng vẫn còn lý thú…”

Hắn chợt chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình… Cho đến bây giờ, hắn cũng chẳng hiểu hắn ra sao cả… Mình là cái thá gì đây, mà chẳng giống cái gì cà. Mình là kẻ tu hành hay chẳng phải tu hành?… Nói là tu hành cũng chẳng đúng, vì mình có chịu thọ giới thọ giếc gì đâu, mà cũng chẳng chịu lễ bái hành trì hay tĩnh tọa động tọa gì hết!… Nhưng nếu nói là chẳng phải tu hành cũng không nhằm lý… Vì mình cứ hay kết bạn đàn đúm với những kẻ có tâm địa tu hành, thấy họ giống như một bọn ngốc-tử, nhưng lại ngốc-tử một cách khả kính và ngồ ngộ. Cho nên, đã bày đặt nên cả những trò đi nghe Phật khảy móng tay cùng chuyện thỉnh kinh… Vả lại,… đối với trần gian này, lòng mình chẳng thấy có gì hứng thú, thấy toàn những trò nhiêu khê chán ngắt, chỉ trừ một vài trò thôi… Như vậy, nghĩa là mình cũng có đôi chút tâm tu hành, có căn tu đấy chứ…”

Trong những ngày đó, hắn cứ nghĩ ngợi lòng thòng như vậy… Sau cùng, hắn nghĩ: “Mình đã trót được tôn làm Đại sư huynh rồi, thì dù sao, trước sau, mình cũng phải cố gắng tu tập đôi chút… cho ra vẻ con người tu hành… Nhưng tu tập cái gì đây, tu tập thế nào đây? Cha… cha… vụ này thiệt nhức đầu… Ngồi lâm râm niệm danh hiệu Đức Phù Đồ như chú Thạch Sanh, thì im lìm dài dằng dặc, chắc mình không làm nổi. Còn thiền quán như chú Cuồng Huệ thì lại sôi động quá, phải hạ thủ tử công phu… cũng không hợp với mình… Ha ha… nhưng còn điều này… Là ta nghe nói rằng con đường của Chư Phật đi, cũng có gì là lạ đâu, chỉ là con-đường-Chú-Tâm mà thôi. Nghĩa là mình cần tập chú tâm, cứ chú được tâm, giữ nó không chao động là được rồi… Chắc là như vậy… Vì xưa kia, có lần, lão Đe Thích từng nói rằng giáo lý chư Phật giảng dạy có đến 84000 pháp môn… Tỷ dụ như có thể chú tâm vào 1 điểm ngoại sắc hoặc xanh hoặc đỏ, hoặc chú tâm vào một vật gì bên ngoài như con thằn lằn chẳng hạn. Hoặc chú tâm vào một điểm nội-sắc như chóp mũi, bạch hào, hoặc nơi rún, hoặc hơi thở… đều được cả… Đúng rồi, như vậy có nghĩa là chú-tâm-bất-cứ-cái-gì cũng-được, miễn là chú được tâm… Nhưng bây giờ, mình lại chẳng thích chú tâm vào cái gì cả… chỉ trừ… nhớ tưởng… lại khuôn mặt cùng chân mày vị Ni Cô thôi… Hi..hi… như vậy, cũng là được chớ gì? … Như chú Thạch Sanh nhớ tưởng hình bóng của Đức Phù Đồ và chú tâm vào đó, còn như mình… nhớ tưởng quán chiếu cái hình bóng kia… thì cũng có gì khác nhau đâu? Cũng là chú tâm cả… Vả lại, Ni Cô này có thể là cao-thâm-khôn-lường-mà…”

Hắn lấy làm đắc sách, vì đã tìm nổi một môn tu hợp với sở thích ngang dọc của hắn… Từ lúc đó, dù đi trên đường hoặc canh khuya trằn trọc, hắn thường thả lỏng tâm tư nhớ lại và gợi lên khuôn mặt cùng chân mày của ni cô… Nhưng bề ngoài, hắn vẫn nín khe, chẳng thổ lộ gì. Vì e rằng, phía Thạch Sanh thì hắn không e ngại, mà chỉ e Cuồng Huệ sẽ bật cười lớn về lối quán chiếu trớ trêu của hắn…

Nhưng kỳ thực, lối quán chiếu của hắn cũng chẳng đến nỗi tồi tệ lắm đâu…

Một buổi trưa, trời đã nắng gay gắt vì đã sang tiết tháng ba, Cuồng Huệ đương dắt tay Phi Ly đi trên con đường bụi đỏ, bỗng nhiên gã chồn hoang khuy hai chân, không bước nổi nữa… Dạo này, gã càng ngày càng thất thần lạc phách, ốm o tiều tuy, ăn uống

rất ít, miệng hay lảm nhảm kêu cầu Thánh Mầu Kali. Lúc này, mặt gã tái mét hai bên mép sùi bọt…

Cuồng Huệ cúi xuống, ôm gã lên, thấy gã nhẹ hều nhu một hình nộm bằng rơm, liền đi thẳng vào một cánh rừng nhỏ gần đấy, đặt gã nằm duới một tàng cây râm mát… Cả bọn đi theo, xúm xít chung quanh. Càn Thát Bà lầu bầu: “Chỉ tại cái thằng… huỳnh môn có hai cơ quan…”, nhung lần này, hắn chỉ lầu bầu trong miệng, không lớn tiếng quang quác nhu trước…

Cuồng Huệ nhìn Phi Ly, động lòng thương xót, vì thấy gã nhỏ thó như đứa trẻ con, thân hình gầy gò hốc hác… Y tự nhủ: “Mình thực quá vô tâm… Vị huynh đài này kể ra có nhiều ân tình với mình, nay đương lâm đại nạn… Bấy lâu nay, mình cứ mải mê tu tập, chẳng nghĩ gì tới việc chữa chạy cả…”… Y bèn ngồi xuống, lấy hai tay chà xát dọc xương sống cùng yếu huyệt của gã Chồn, rồi mượn viên ngọc của Thạch Sanh chà xát. Sau cùng, y để tay trên huyệt Linh đài của Phi Ly dồn một ít khí lực vào người gã… Gã Chồn bỗng nôn ra một cục đờm đen, rồi lắp bắp:

-Tôi… không chịu nổi nữa… Tôi muốn bay… muốn bay…

Cuồng Huệ tiếp tục truyền khí lực một hồi nữa. Gã lồm cồm ngồi dậy, giơ tay chống xuống đất, đôi mắt ngơ ngác nhìn quanh. Thấy Cuồng Huệ, gã thều thào năn nỉ:

-Sư phụ… Vị Thần Shiva mang Thánh Mau Kali đi mất rồi. Đệ tử nhớ người quá… không thể nào không đi theo… Sư phụ… bằng lỏng cho đệ-tử bay đi theo nhé…

Cuồng Huệ lặng nhìn, thấy đôi mắt gã nửa cầm nửa thú, trông hồn nhiên nhưng lại chứa đựng cả một niềm ước vọng… Y thấy lòng xúc động, xót thương gã một cách dị kỳ. Xưa kia, nơi hang Cửu Khúc bàng hoàng động, y từng thấy xót thương ông bạn rồng già lăn ra chết, nhưng nỗi xót thương ấy không giống niềm xót thương lúc này… Nhưng y dằn tâm, bảo Phi Ly:

-Huynh đài còn yếu lắm… không bay được đâu.

-Được mà… Đệ tử không yếu đâu…

-Nhưng lần trước, vị đó… đầu có muốn huynh đài bay theo… Vị đó đã dùng viên hồng ngọc đánh vào vai…

Phi Ly xua tay.

-Không phải vậy đâu… không phải đánh… Chỉ là muốn dạy dỗ đệ tử thôi…, muốn đệ tử nếm mùi đau khổ, tích tập công đức… khiến xứng đáng đi theo thôi…

Vừa nói, gã ráng sức đứng dậy, nhưng vừa đứng lên đã lăn kềnh xuống cỏ… Cuồng Huệ ân cần:

-Huynh đài còn yếu lắm… Hãy nghỉ ngơi thêm…

Rồi buổi chiều hôm đó, y cứ ngồi dùng viên ngọc chà xát cho gã chồn hoang, cùng tiếp khí lực… Phi Ly lần lần đắm mình trong giấc ngủ say…

Nhưng cuối canh tư, gã bỗng lồm cồm bò dậy, lục trong bọc một tờ giấy, viết mấy chữ, đặt dưới đất, lấy một hòn đá chặn lên, rồi sách bọc len lén đi vào phía rừng sâu… Thế là gã bỏ đi, để bay theo Thánh Mầu Kali… Mọi người đều không hay. Riêng

Càn Thát Bà đêm khuya thường trằn trọc nhớ tưởng đôi chân mày của Ni Cô, nên nhìn rõ đầu đuôi. Hắn định ngăn cản, nhưng lại thôi. Vì nghĩ rằng: “Tạm thời, cứ để cho gã chạy theo duyên nghiệp của gã. Trong vòm trời mờ mịt này, chắc đã có bóng dáng của Lão Hồ Tôn cùng Ni Cô chiếu cố, chắc cũng chẳng có gì tai hại xảy ra đâu…” Hắn bây giờ đã khởi được lòng tin khá mạnh mẽ, nên lại nằm bất động, tiếp tục quán chiếu đôi chân mày, man mác như hai cánh hoa mới nở, và tịch mịnh như một cánh chim thu…

Khi trời sáng, Cuồng Huệ ở nơi xa thiền quán trở về, nhìn không thấy Phi Ly. Thấy Càn Thát Bà chỉ tờ giấy. Y nhặt tờ giấy, thấy mấy hàng chữ: “Tha lỗi… cho tôi… tha lỗi cho đệ tử….” Y cảm thấy ngậm ngùi cho cảnh ly-họp-hợp-tan của những cơ duyên trần thế, trầm ngâm cầm mảnh giấy, từ từ xé nhỏ, rồi vung tay ném những mảnh giấy về phương bắc. Những mảnh giấy lăn tăn, bay thật xa mới rơi xuống…

Họ lại lẽo đẽo lên đường, tuy có vắng đi khuôn mặt Phi Ly…

Nhưng tới chiều, khi dừng chân nghỉ, trong khi Bát La Hoa thỉnh hồi chuông dài 108 tiếng, Cuồng Huệ kéo tay Thạch Sanh cùng Càn Thát Bà ra một chỗ khuất. Y nói:

-Tiểu đệ có một việc, muốn thỉnh ý hai vị sư huynh. Đệ vốn thắc mắc về cỗi nguồn của mình, nhưng chỉ được ông bạn rồng già cho biết là hoá sanh từ một lá cỏ linh chi. Còn ngoài ra, không biết gì hơn… Gần đây, tiểu đệ hay vào con thiền Thức Xứ để soi túc mạng… Nhưng chỉ thấy lờ mờ, không được rõ ràng… Chỉ thấy hiện lên một đám cỏ linh chi, mọc nơi hang Cửu Khúc, trong đó có một chiếc lá lớn và dài hơn cả. Ở đầu chiếc lá, thấy đậu một hạt lớn long lanh, không biết là nước, hay hạt châu… Ngoài ra, không thấy gì khác… Tiểu đệ rất kinh nghi, không biết nghĩ sao… Nên tiểu đệ muốn nhờ Nhị sư huynh dùng chiếc kính đàn Như Thật Bất Không… săm soi… xem sao…

Thạch Sanh nắm tay Cuồng Huệ, nói:

-Nếu hiền đệ muốn vậy, để tiểu huynh cố làm xem sao.

Bọn họ trở lại chỗ nghỉ chân. Thạch Sanh rút từ bọc ra tấm kính đàn gói trong vải vàng… Lúc đó, Bát La Hoa đã thỉnh xong hồi chuông, nên chàng ngồi, niệm thầm câu Phật hiệu, đôi mắt chăm chú săm soi kính đàn, như để phổ sức nguyện-lực vào tấm gương… Kính đàn này quả linh dị, vì chắc đã chiêu cảm được thần-lực của đức Phật Phù Đồ cùng với sức gia trì của Ca Lạc Ca Tôn Giả… Bởi vậy, nên chỉ giây lâu, mặt gương đã gợn sóng hào quang. Rồi một cảnh giới hiện ra, khiến mọi người đều chú mục nhìn.

Đó chính là hình ảnh miền Hương Thủy Hải xa xưa của Cuồng Huệ. Với triền núi Tu Di lóng lánh, và nơi cửa động Cửu Khúc có đám cỏ linh chi um tùm, với những chiếc lá dài, hình dạng xù xì phất phơ trước gió… Bỗng giữa thinh không nổi lên một đám mây ngũ sắc hình hoa sen lớn hơn chiếc bánh xe và chói lòa hào quang. Trên tòa sen, lần lần hiện rõ thân tướng một vị Đại Bồ Tát, tay cầm chiếc chầy kim cang trỏ xuống mặt nước biển… Càn Thát Bà bỗng lẩm bẩm:

-Chắc là vị Na La Diện Kim Cang Thần thường bay theo hộ giá Chư Phật…

Nét mặt lần hiện lên, nhưng chập chờn không rõ rệt cho lắm… Chỉ thấy nơi bạch hào sáng ngời, cùng đôi mắt xanh như lá sen. Đôi mắt bỗng long lanh, rồi một nước mắt lớn như hạt chân từ từ chảy ra nơi khoé mắt, rồi rớt xuống thinh không. Đậu nơi lá cỏ linh chi dài, một ngọn sóc phong thổi rớt lá cỏ vào trong động… Và lá cỏ cũng tỏa hào quang lấp lánh… Rồi đám mây ngũ sắc lại đáp xuống triền núi Tu Di, và vị Đại Bồ Tát lấy móng tay vẽ câu kệ trên vách đá:

Vũ trụ lung linh này

Là thực hay là ảo…

Đám mây lại bay đi… Riêng chiếc lá cỏ linh chi tiếp tục biến hiện, hóa thành một con rồng của oai võ, giống hệt Cuồng Huệ…

Thạch Sanh từ từ xả định, cất giọng bảo Cuồng Huệ:

-Cung hỷ hiền đệ… Như thế, rõ rệt là cỗi nguồn của hiền đệ là hóa sanh, không phải thai sanh. Hoá sanh từ một giọt nước mắt Đại Bồ Tát, nên có sức mạnh như huyễn thuật, và vượt bực thiền quán thẳng tới thiền Thức Xứ… Tiểu huynh trộm nghĩ thọ mạng của hiền đệ… cũng sẽ rất dài lâu… vì chỉ khi nào vị đó… thâu hồi cái tâm niệm Từ Bi ấy… thì thọ mạng của hiền đệ mới chấm dứt thôi…

Càn Thát Bà xem vào:

-Hay đấy… tốt đấy… nhưng chưa hay lắm đâu… Vì còn lá cỏ linh chi mà… Y còn rơi rớt một chút nghiệp lực do lá cỏ, không phải hoàn toàn do thần lực…

Cuồng Huệ nói:

-Đa tạ nhị vị sư huynh đã soi sáng cho tiểu đệ rất nhiều…

Y đứng dậy, lũng thững đi về phía rừng già, không nói thêm gì nữa… Biết rõ cội nguồn rồi, lòng y cảm thấy khấp khởi bâng khuâng… Thì ra là như vậy… Nhưng thế này là thế nào đây? Y bàng hoàng như-là-chợt hiểu rồi lại chợt-như-không-hiểu… Thế thì mình là cái gì đây, là thực hay là mộng… và vũ trụ này là thực hay không thực? Là sắc hay là Không?… Là vừa sắc vừa Không?… Hay là chẳng phải sắc mà cũng chẳng phải Không?… Y vừa đi vừa miên man suy nghĩ, bước chân làm sột soạt cỏ khô hoặc cành cây trên đường mòn… Y lẩm bẩm: “Từ lâu, trong cơn thiền quán, mình có cảm tưởng rõ rệt rằng thân mình chỉ có-thể-là-hào-quang-hội-tụ, và pháp giới cũng vậy, chỉ là hào- quang-hội-tụ. Giờ này, mình đi lững thững trong cảnh giới khu rừng đây, tức là mang cái-thân-giấc-mộng đi trong một cảnh-giới-cũng-giấc-mộng… Nhưng có đúng hẳn là hoàn toàn mộng ảo không, hay là giữa cái mộng ảo vẫn còn bàng bạc một chút là thực?… Ngay đối với hai chữ sắc Không cũng vậy. sắc kia có phải chắc chắn là sắc không, và Không kia có phải chân thực là Không không?”… Một tia sáng chợt lóe trong đầu y, khiến trong khoảnh khắc, y như trông thấu suốt của Trùng quan, nhìn thấu cái bí-ẩn lắt lay củ tâm thức.. Khiến y bỗng co chân nhảy cẫng thật cao tới ngọn cây, rồi là là đáp xuống mặt đất, dang rộng chân tay, bật một tràng cười ha…ha… giữa đêm tối rừng sâu…

Hồi lâu, y ngưng tiếng cười, tiếp tục đi sâu vào cánh rừng… Vừa đi, vừa tự nhủ: “Thì ra là như vậy. Là chỉ có vỏn vẹn vậy thôi, mà chẳng mấy ai nhận thấy nổi… Chao

ôi! Ta cũng thật là ngu độn, tuy đuợc hóa sanh từ một giọt nuớc mắt Đại Bồ Tát, nên loay hoay mãi đến đêm nay mới nhận ra cái bộ mặt bản lai của pháp giới này… Bộ mặt pháp giới bản nhiên vốn thanh tịnh, nhu nhu… tuyệt nhiên chẳng một vật… chẳng hình sắc, chẳng mùi hương… có lẽ chỉ là một biển hào quang không tướng mạo… Chỉ tùy- theo-tâm-thức của chúng-sanh-đứng-nhìn, tùy theo nghiệp lực chiêu cảm, mà hiển hiện lên vô vàn những hình sắc cùng mùi hương. Khi chúng sanh ấy, do những tập khí nghiệp lực từ vô thủy huân tập lại, hay nghĩ rằng vũ trụ này là có, thì pháp giới hiện lên trước mắt chúng sanh ấy như-là-có vậy. Còn như nếu chúng sanh ấy biết tu tập, thường hay quán chiếu rằng vũ trụ này chỉ là không, thì rồi pháp giới này lại trở thành như là không vậy… Như vậy, như vậy…, nói là có cũng không đúng và nói là không cũng chẳng nhằm… Chỉ là tuỳ cái bí-ẩn lắt lay của tâm thức chúng sanh đứng nhìn… Do đó, pháp giới này có vẻ như có 2 mặt… một mặt như-là-thật-có, còn mặt kia lại như-là-thật-không vậy… Đúng rồi, chắc đúng rồi… Bởi vậy, vị cô nương tinh nghịch của Lão Hồ Tồn mới bảo rằng vũ trụ chỉ là biến hiện, chỉ là biến hóa… khi nở ra thì thành chữ Hồng và khi cụp vào lại thành chữ úm… Tương tự như Trăng-đáy-nước. Trăng-đáy-nước thì bảo là có cũng không được, và bảo là không cũng không xuôi… Á…à… lại còn cái Kính đàn của Nhị sư huynh nữa… Kính đàn Đại Bi Như Thật Bất Không… Vị nhị sư huynh của ta, bề ngoài trông hiền lành khiêm tốn, nhưng bên trong tâm ngẩm ghê gớm… Không hiểu người đã kiếm 173 đâu ra cái danh xưng hay như vậy: Như Thật Bất Không… Pháp giới mà là như vậy đó: một mặt là thật-bất-không… còn mặt kia lại là Như Thật Bất Không… Có thể là Nhị sư huynh đã nhìn thấy chân lý Biến-hiện này rồi… Hùm…

Lại nữa… Như vị Đại Bồ Tát trong kính đàn, vị Bồ Tát đã từng khởi một tâm niệm đẩy ta vào cuộc đời…vì đó cũng thật là hay. Chao ôi! Thiệt là lạ lùng… Một giọt nước mắt cũng đầy đủ như vậy sao, cũng bổn cụ như vậy, và có thể làm NỞ ra một chúng sanh như ta sao? Nếu vậy thì một hạt bụi, một hạt hư không cũng có thể làm nở ra được một chúng sanh oai phong lẫm liệt… Hùm… Kể về oai nghi, vị Bồ Tát đó thiệt là oai phong… Một tay cầm chiếc chày Kim Cang chói sáng chỉ xuống mặt biển, còn khoé mắt lại long lanh một giọt lệ từ bi… Như thế là quá rõ rồi còn gì! Chày Kim Cang là Trí huệ, khi Trí huệ soi sáng thì thấy rằng pháp giới này như-là-không, tuyệt nhiên chẳng một vật, chẳng một chúng sanh… Nhưng… nhưng khi Ngài khởi tâm Đại Từ Bi, thì một giọt lệ vẫn chảy ra… vì thấy rằng chúng sanh vẫn là có, và những niệm đau khổ vẫn có thức… Bởi vậy, bài kệ do Dạ Xoa nhớ được mới nhắn nhủ:

“Tuy biết rằng tịch diệt
vẫn khởi tâm Đại Bi…”

Ha… ha… thông suốt rồi… Đúng là thông suốt…

Y cao hứng quá chừng, quên cả dằn tâm, bật tiếng cười lớn, quơ cánh tay nhổ bật một thân cây, rồi vung tay múa may loạn xạ… Khiến rừng cây ào ào gãy đổ, chim muông cùng thú rừng đều xào xạc chí chóe kêu làm gọi nhau chạy trốn…

Bỗng có tiếng nói lanh lảnh nhọn hoắt:

-Hỏng rồi, hỏng to rồi… Chúng ta đành rời bỏ nơi này thôi… Có đại hung thần đã tới…

Giọng nói lạnh tanh khiến y tỉnh cơn cao hứng. Y ngừng tay, định thần nhìn, thấy một bọn tiểu quỷ phần đông đều là tiểu mỵ của cây cối lâu năm, đuơng nhớn nhác dắt tay nhau trốn…

Y hối hận, vì đã cao hứng vung tay múa may loạn xạ. Bỗng nghe có tiếng rên rỉ nhu tiếng thú bị thương. Vội chạy tới thì thấy một con hươu nằm liệt dưới cỏ, một thân cây đè ngang nơi ngực, và bên cạnh là một con hươu nhỏ chỉ bằng trái dưa, vừa kêu lít chít vừa núc vú mẹ để bú… Lúc này, mắt của Cuồng Huệ có thể nhìn trong đêm tối mà vẫn thấy rõ như ban ngày… Y vội gỡ thân cây ra, nhẹ nhàng ôm con hươu mẹ vào lòng. Y lấy tay sờ nắn thân hươu, thấy con vật đã bị gãy xương sống, không còn cách gì tiếp cứu được. Nên đành ngồi lấy tay vuốt nhẹ mi mắt hươu. Đôi mắt nhung nâu mở lớn ngơ ngác, long lanh thăm thẳm. Con hươu nhỏ vẫn lít chít núc vú. Hươu mẹ bỗng nhích đầu gần lại, thè chiếc lưỡi hồng liếm lông hươu nhỏ. Đôi mắt nâu chợt như phủ sương mù, rồi một giọt lệ long lanh hoen ra, chảy dài nơi khóe mắt…

Cuồng Huệ như xúc động lạ thường: “Chao ôi! Lại một giọt lệ nữa… Cũng long lanh như giọt nước mắt của Đại Bồ Tát đã hóa sanh ra ta. Cũng phản chiếu cả cõi trần gian như vậy!… Nhưng tại sao giọt nước mắt này lại không hoá nổi thành một chúng sanh…?” Y bỗng thấy mí mắt chính y cũng như ướt lệ, rồi không hiểu nghĩ sao, y giơ ngón tay nhẹ nhàng quyệt-nước-mắt-của hươu, rồi bôi lên mí mắt của mình, tự nhủ: “Như thế là… tất cả những giỏi nước mắt đều gặp nhau… đều hoà lẫn… hòa lẫn trong cái biển… Đại Bi… của Đức Phù Đồ… Chao ôi! Chao ôi!.. Trong cơn xúc động, y đã thốt: “Chao ôi!” thành tiếng. Giữa lúc ấy, con vật giẫy một cái rồi nghẹo cổ thở hắt ra. Đôi mắt nâu mờ đi, như một vì sao bị một vệt hào quang vụt ra, bay thẳng lên không trung. Chắc nó được thọ sanh nơi từng trời Tứ Thiên Vương, vì tâm niệm cuối cùng của nó là một tâm niệm từ ái, xót thương con hươu nhỏ bơ vơ…

Cuồng Huệ ngồi một lúc lâu, thẫn thờ ôm xác nó. Rồi y đứng lên lấy tay đào một hố cát lớn, đặt xác hươu xuống rồi lấp đất cẩn thận. Y bê một tảng đá, đặt trên huyệt, vái một vái dài lẩm bẩm: “Tha tội cho ta, tha tội cho ta…”

Rồi cúi xuống, ôm con hươu nhỏ, lùa tay vào bộ lông mịn của nó. Con vật nằm im thin thít, trong khi y thoăn thoắt bước vào cánh rừng sâu…

Con vật, ý chừng đã núc no sữa mẹ, nên ngủ im trong cánh tay Cuồng Huệ. Nhưng thỉnh thoảng, nó lấy mõm cọ gá vào ngực y.

Cuồng Huệ vốn là một đồng tử hóa sanh, nên từ nhỏ đến giờ, y chưa hề lưu tâm đến những cảm giác do sự chạm xúc. Cũng như chưa hề ôm ấp một chúng sanh nào, dù là rồng hay là long nữ, hoặc nhân nữ… Cơ duyên run rủi khiến y lại phải cưu mang con hươu nhỏ này, và hươu nhỏ lại là một con hươu cái… Con vật này cũng mang nặng trong thân hình phần khí Thái Âm. Trong khi y vốn hoá sanh gần như thuần dương, và rất thiên trọng về Trí huệ.

Lúc vừa rồi, khi động tâm thương xót con hươu mẹ, những mầm mong bi-tâm trong người y đã được đánh thức lần đầu trong đời y… Nay lại với những luồng khí Thái Âm hồn nhiên của con hươu nhỏ lần lần truyền sang và thấm vào người y. Khiến y cảm thấy thân tâm mềm dịu nhu nhuyễn chưa từng có. Là vì thứ Trí Huệ khô cằn của y, tuy sáng láng khinh thanh nhưng lại cần mấy giọt nước mắt xót thương từ ái, mới có thể nảy nở tuyệt vời được…

Nhưng lúc này, y cũng chẳng suy nghĩ xa gần gì hết. Chỉ tọa hưởng cảm giác nhu nhuyễn đó, thỉnh thoảng lấy tay vuốt ve con vật, chân vẫn xăm xăm bước vào khu rừng sâu.

Y vừa vượt qua một ngọn đèo nhỏ, bỗng cảm thấy có điều khác lạ. Như có những đợt hào quang êm dịu dập dềnh vỗ nhẹ vào người y… Định thần nhìn, thấy phía xa chừng hai thước, một vật lớn lù lù, nhưng sáng lấp lánh… Đó là một phiến đá vuông lớn nhẵn thín và bóng gần như một tấm gương. Y tiến tới gần, thấy trên phiến đá có một bóng người đang nằm. Bóng người cao lớn, cao đến hơn trượng, mặc áo đen. Bóng người bỗng ngồi dậy nhìn y, đôi mắt tỏa sáng trong đêm tối. Rồi từ từ xoay lưng lại, thò hai chân xuống đất. Cuồng Huệ thấy phía sau lưng người ấy, chỗ gần bờ vai, mỗi bên cũng có một con mắt lấp lánh đương nhìn y.

Thì ra người đó có những bốn con mắt… Nhưng Cuồng Huệ vẫn thản nhiên tiến tới, vừa bước vừa nghĩ thầm: “Chắc là một vị thần-nhân nào đó, là thổ tinh hoặc sơn tinh cũng nên… Vùng đất Tây Trúc này, phong cảnh nhiều chỗ dị kỳ, dĩ nhiên phải có thần- nhân.”

Nhưng khi y tới gần, thì bóng người tụt từ phiến đá xuống mặt đất, rồi biến mất…

Cuồng Huệ đi tới, giơ tay sờ, thấy tấm đá nhẵn thín, bốn bề như có hào quang tỏa ra. Tấm đá lại vuông vắn và cao như một chiếc giường lớn, nếu ngồi đó mà tọa thiền thì thực lý tưởng. Y tự nhủ: “Hòn đá này chắc có một lai lịch dị kỳ. Nên có vị Tôn Thần kia canh giữ.” Y bèn xá một xá dài vào viên đá, rồi khấn rằng: “Tôi là người thỉnh Kinh đi qua đây, có lẽ hữu duyên nên được thấy phiến đá này. Tôi tuyệt nhiên không có ý xúc phạm tôn thần. Chỉ mong được ngồi trên phiến đá này, coi như một đàn tràng hy hữu, để nhập cơn thiền quán mà thôi…”

Rồi nhảy lên mặt phiến đá, tay vẫn ông con vật. Y ngồi trên đó, ngơ ngẩn nhìn trời cùng núi rừng trùng điệp. Lúc này, vòm trời vẫn tối, chỉ có ánh sao thăm thẳm… Y nhìn hồi lâu, rồi không hiểu nghĩ sao, lại ngả lưng nằm dài, để con hươu trên ngực, hai chân chữ ngũ, giống như vị thần nhân kia… Y thấy tấm mát rợi, rồi ngủ thiếp lúc nào không biết…

Y rớt vào một cơn mộng dị kỳ… Thấy mình hiện lại nguyên hình là một con rồng to lớn. Nhưng chỉ cái đầu là rồng thôi, còn thân hình lại là thân hình và chân tay người. Lại thấy thân hình ấy to lớn dị thường như bao trùm cả một khoảng không trung, và đương nằm dài giữa một miền bát ngát. Đầu mình đương gối vào một triền núi lớn có đá lấp lánh, còn hai tay thì dang rộng và như vốc xuống hai vùng biển sâu thăm thẳm. Hai chân cũng vậy, mỗi chân đều gác lên một mỏm núi lớn… Y nằm dài đôi mắt nhìn lên thinh không. Thấy một vầng trăng tròn đầy, chung quanh có mấy chùm sao. Những vì sao cũng nhìn y, tương tự như những ánh mắt tinh nghịch chế riễu… Không hiểu nghĩ sao, y bỗng nhiên giơ một cánh tay dài vút lên thinh không, như muốn hái những vì sao đó. Những ngón tay của y di động đến đâu, thì những chùm sao đều rơi rớt lả tả thành những vệt dài hào quang và sau cùng là tắt lịm.

Chỉ còn lại vầng trăng tròn đầy. Y quơ tay về phía vầng trăng, nhưng trăng vẫn an nhiên, không hề lay động… Hình như cánh tay y chưa vươn tới được vầng trăng. Y cố gắng vươn cánh tay thật dài hơn nữa, nhưng vẫn không tới. Y thất vọng, liền rút cánh tay về, chợt nhìn thấy những hòn đá lấp lánh như lưu ly trên triền núi, y bèn quơ tay bốc một nắm đá lớn, dang tay ném thẳng lên thinh không, về phía vầng trăng. Những hòn đá bay vùn vụt, làm nổi lên những đợt gió rào rạt, nhưng rồi lại chìm lỉm giữa thinh không, tuyệt mù tăm tích. Và vầng trăng vẫn an nhiên, chẳng lay động… Y cảm thấy bực dọc tràn đầy trong lòng nên co chân đạp mạnh vào tảng đá bắn lên tung tóe, rào rào rớt xuống biển sâu. Giữa lúc ấy, những tiếng rên la thảm thiết bỗng nổi lên từ lòng biển, nghe mơ hồ như một làn gió thoảng, nhưng dai dẳng, bất tuyệt và mênh mang. Đó là tiếng rên la của những loài cá rùa cùng thủy tộc bị tổn thương do trận mưa đá rớt xuống… Y giựt mình, im lặng lắng nghe. Tiếng rên la như xoáy sâu vào tâm thức y, lần lần gột sạch niềm bực dọc, và thân tâm y bỗng trở nên mềm dịu lạ thường. Rồi trước mặt y… chợt lại hiện ra hình ảnh tròng mắt thăm thẳm của con hươu mẹ và một giọt lệ long lanh đậu nơi khóe mắt. Giọt lệ lung linh dị thường, lớn dần như một thứ tinh cầu kỳ diệu, rồi bay vụt lên lững lờ nhập vào vầng trăng xanh… vầng trăng lần lần biến dạng, trở thành một giọt nước mắt khổng lồ đượm màu hồng hồng rồi chuyển thành đỏ như mầu máu… Y bỗng thấy lòng xúc động rào rạt, nên thốt lên mấy tiếng: “Chao ôi! Thương thay! Lạ thay..!”

Y vừa thốt ra máy tiếng đó, thì thấy vầng trăng rung rinh trên thinh không, như bị chấn động mạnh mẽ… Chẳng kịp suy nghĩ gì, y bỗng giơ cả 2 cánh tay lên như muốn ôm vầng trăng vào lòng, đôi môi rồng đầy râu ria mở lớn ào ào hít hư không như muốn nuốt-vầng-trăng-giọt lệ vào thân mình… Thì mầu nhiệm thay! vầng trăng bỗng lắt lay mạnh mẽ, rồi như có một cơn gió lớn Tỳ Lam nổi dậy giữa thời kiếp Hoại, vầng trăng bỗng rụng xuống như một trái chín, và rơi tọt vào trong chiếc miệng rồng của Cuồng Huệ.

Giữa lúc đó, tiếng rên la thảm thiết ngưng bặt, và Cuồng Huệ cũng giựt mình tỉnh giấc…

Thì ra y đã ngủ một giấc dài trên phiến đá, và lâu nay, y chưa từng ngủ dài như vậy… Đưa mắt nhìn quanh, thấy ánh mặt trời đỏ khé sau khu rừng… Con hươu nhỏ vẫn nằm trên ngực y, và lúc này, nó thè lưỡi liếm vào cổ y.

Y giơ tay bồng con vật, lồm cồm ngồi dậy… Chung quanh y, trong lùm cây, nhiều loài chim nhiều màu đương ríu rít chuyền cành, như cúng dường chầu hầu phiến đá…

Y tụt xuống đất, xá dài phiến đá. Rồi xăm xăm trở bước, về nơi nghỉ chân của bọn Thạch Sanh…

Tới nơi, đã thấy Càn Thát Bà đương giục giã lên đường. Thấy Cuồng Huệ trở về với con hươu nhỏ trên tay, hắn cũng chẳng hỏi han gì, vì dạo này, hắn không ba hoa như trước.

Bọn họ lại lên đường. Nhưng tới buổi trưa, khi đi qua một thị trấn nhỏ, thấy một căn nhà tranh cây cối um tùm, cạnh nhà có chiếc ao lớn trong đó mấy con trâu màu da đen nhánh đương dầm mình, Bát La Hoa bỗng níu tay Cuồng Huệ, nói:

-Chúng mình vào đây đi…

-?!

-Vào đây mua một bịch sữa trâu, cho con hươu nhỏ này…

Họ len lỏi đi qua một chiếc sân rộng, giữa mùi phân trâu nồng nặc. Vì ở giữa sân, có mấy hòn núi nhỏ toàn bằng phân trâu… Bát La Hoa gặp người chủ nhà, hỏi mua một bịch sữa trâu, đựng trong chiếc túi da. Khi trở ra đường, thấy ở nơi hiện nhà, một người thiếu phụ đương ngồi, vạch áo saree cho đứa con bú. Người thiếu phụ rất trẻ và vóc người mạnh mẽ, nên sữa ra tràn đầy quanh mép đứa con… Bát La Hoa bỗng nói:

-Sữa người chắc là tốt hơn sữa trâu nhiều…

Rồi hắn loay hoay kiếm một chiếc túi nhỏ, tới gần xin thiếu phụ một ít sữa. Vừa xin vừa chỉ con hươu nhỏ trong tay Cuồng Huệ. Người thiếu phụ hồn nhiên vạch nhũ hoa ra, bóp mạnh, khiếm tia sữa trắng ngần bắn vọt vào túi da… Được sữa rồi, Bát La Hoa liền chạy tới, ấn miếng túi vào mõm hươu và con vật giương cổ bú chùn chụt…

Trong khi đó, Trảm Tứ Cú đứng sững như người chết trân, nhìn tròng trọc vào ngực trần của người thiếu phụ… Nhưng không có ai lưu ý tới gã… Thì ra dạo này, gã đương lén tập Hỏa Xà bí pháp, và đương trải qua một biến chứng trầm trọng, khiến trong người gã, ngọn lửa tình dục thường nổi lên bừng bừng.

Từ khi xuống nhân thế, đây cũng là lần đầu tiên mà Càn Thát Bà dụng phải cảnh giới “cái ngực để trần của người nữ nhân…”… Hắn vội vã quay đầu đi, không nhìn nữa. Nhưng không khỏi bâng khuâng tự hỏi: “Lạ nhỉ! Giòng sữa trắng toát, không biết từ đâu mà ra nhỉ.. Người nữ nhân thiệt là quái dị… Đã có một tấm gương rồi, nay lại thêm một giòng sữa trắng toát… ơ hơ… Mà không hiểu vị Ni Cô thanh kỳ và cao thâm khôn lường kia… không biết có giòng sữa không nhỉ…?” Nghĩ đến đây, hắn bỗng đỏ mặt, biết là mình đã nghĩ lệch lạc sa vào lưới Ma Vương nên giơ tay véo vào chiếc mũi khoằm một véo thực đau. Rồi vẫn nín khe…

Tới buổi chiều, khi họ dừng chân nghỉ nơi ven đường, Bát La Hoa liền lấy sữa trâu cho con hươu nhỏ bú. Rồi hắn đi quanh quẩn hái những đọt lá non, vỏ nát cho con vật ăn. No bụng, hươu liền nằm ngủ khì trong đám cỏ, ngay cạnh Cuồng Huệ… Thạch Sanh nói:

-Con vật nhỏ này thật có nhiều túc duyên. Nên được Tam đệ cứu mạng. Nó lần lần sẽ được thấm những luồng ba động tâm lực mãnh liệt của tam đệ, nên sau này, khi mãn báo thân hươu, chắc sẽ dễ dàng chuyển thân và được một hình hài tốt lành hơn nhiều…

Càn Thát Bà xem vào

-Nó bây giờ cũng nghiễm nhiên trở thành một nhân-vật-đi-thỉnh- kinh đấy…

Thấy mọi người ngồi quanh, Cuồng Huệ liền kể lại sự việc gặp con hươu mẹ bị thương, rồi gặp phiến đá có vị thần nhân bốn mắt cùng giấc mộng dị kỳ… Thạch Sanh tấm tắc:

-Tam đệ chắc đã gặp cơ duyên tốt lành lắm đó. Phiến đá bóng như gương ấy rất có thể là một nơi đạo tràng của một vị Thánh nhân ngồi tu tập và đắc đạo quả lớn. Nên để rớt lại những đám hào quang rất cát tường. Nên mới có thần-nhân ngồi canh giữ, và chim chóc chầu hầu… Có khi có cả những thú rừng dữ tợn tới chầu hầu canh giữ. Và phải có túc duyên mới thấy và ngồi lên được… Neu không, chắc không nhìn thấy đâu…

Mọi người đều gật gù, cho là nhằm lý…

Nhưng cũng kể từ buổi chiều gặp phiến đá đó, Cuồng Huệ thường hay nhìn thấy rõ mồn một trước mắt giọt-lệ-lung-linh của con hươu mẹ, và nghe vẳng lên những tiếng rên la bi thiết của nhiều loại chúng sanh… Thì ra tâm thức của y lúc này, đương “chuyển” mạnh. Và cái vầng Trí huệ chói chang nhưng khô cằn của y đương thấm những giọt nước Đại Bi. Để có thể bay bổng tuyệt vời và thu thập những ánh trăng sao nhựt nguyệt vào trong tay áo… Vì thực ra, trong pháp giới này, nào có vật gì đâu? Riêng chỉ có hai luồng tâm-lực đó thôi là Trí Tuệ Bát Nhã cùng lòng Đại Bi bình đẳng. Và Chư Phật nhiều như số vi trần cũng có làm gì khác đâu? Cũng vẫn chỉ là dùng những luồng tâm lực đó để làm chỗ nương về của tất cả thế-giới khởi lên do nghiệp-lực chúng sanh. Đồng thời, dùng tâm lực đó “hoá-hiện” những cõi tịnh-độ thắng duyên, tạo thành những trạm kỳ đặc để chúng sanh dễ tu tập tiến bước… Cho nên, nếu một người, dù có sống nhiều kiếp ở đời, nhưng không hiểu được lẽ này, thì vẫn là những kiếp sống luống uổng mà thôi…

Kiếp sống hiện nay của Trảm Tứ Cú, có thể là một kiếp sống luống uổng, có khi đầy đọa… Vì buổi chiều hôm đó, trong khi mọi người chuyện vãn, gã đã không có mặt. Vì đã lảng đi một chỗ xa, ngồi băn khoăn suy nghĩ… Lúc ban trưa, gã đã đụng đầu với một cảnh tượng “kinh hoàng”. Khi nhìn thấy chiếc nhũ hoa đỏ hồng và căng sữa trắng của người thiếu phụ, gã cảm thấy như một luồng điện đập mạnh vào nơi luân-xa dưới bụng, gần sanh-tử-huyền-môn. Và từ một tháng nay, gã hăm hở tu luyện Hỏa Xà bí pháp. Gã lần lần cảm thấy có điều bất điệu là: con rắn thần hỏa-xà của gã không chịu trườn mình bò lên con đường sạn đạo giữa dọc xương sống, và chỉ tung hoành tác quái gần nơi sanh-tử-huyền môn, khiến lửa dục bừng bừng, khó thể kìm hãm… Nên lúc này, gã đương bận tâm suy nghĩ về hiện tượng tẩu hỏa nhập ma đó, mà chưa biết cách nào chống đỡ…