TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XXI

Nơi sơn nham, có kẻ cuồng si
Nhất định đòi cưới Tu La nữ

Thạch Sanh chẳng phải còn yêu thương hay tương tư gì người con gái tên Mỵ Ê. Nhưng chứng kiến cảnh vừa rồi, chàng cảm thấy hết sức xót xa cho thân phận thiếu nữ… Từ khi được thấm hào quang ngài Địa Tạng nơi âm cung, những tình chướng trong tâm thức chàng đã được gột gần như sạch, và chuyển sang thành lỏng từ bi bình đẳng, xót thương thân phận mê muội tục lụy của mọi chúng sanh. Rồi trên đường đi thỉnh kinh, chàng miên man niệm Phật. Mỗi câu niệm Phật tương tự như hạt châu thanh thủy, mỗi lúc mỗi lọt sâu vào tàng thức và rửa sạch lần lần những nghiệp dĩ oan khiên. Chàng ngày càng thấm thìa lẽ vô thường của kiếp sống này, nhàm chán những niềm vui hư ảo tục lụy… Nên chàng đã hầu như lãng quên nàng công chúa Mỵ Ê.

Nhưng có lễ những tập khí oan khiên rớt lại vẫn còn ít nhiều. Bởi thế nên chừng năm, sáu tháng trước, khi chàng nằm mộng thấy tới một ngôi chùa trắng, đứng nghe tiếng người thuyết pháp về Tứ Vô Lượng Tâm, chàng bỗng lại nghe tiếng con gái chu chéo đòi nợ, đòi trả nhành dương liễu.

Lần này, khi nhìn mặt thiếu nữ, chàng linh cảm chắc chắn người đó là Mỵ Ê, tuy chưa hiểu tại sao nàng công chúa Phong Châu lại lạc loài sang miền Tây Trúc. Bồi hồi xót xa, không thể đứng nhìn Mỵ Ê lâm nạn… Chàng cũng nhận thấy lời Cuồng Huệ nói là đúng, và gã thanh niên kia, tuy xưng hô hiền huynh hiền muội, người gã tỏa ra những luồng lãnh khí ghê rợn. Chàng thấy run sợ bần bật, gã kia áp miệng vào đôi môi nàng… Cũng có thể rằng gã chỉ áp dụng một thủ pháp tiếp hơi nào đó vì lễ khẩn cấp, nhưng chàng vẫn run bần bật… Nên khi gã bỏ đi, chàng đã lầm lũi bước theo.

về điểm này, Cuồng Huệ tinh tế hơn nhiều. Phần là vì y không vướng oan khiên tình chướng với Mỵ Ê. Phần nửa là do sức thiên nhãn thiên nhĩ chớm nở, y nhận rõ những luồng khí lực của gã kia khá ghê rợn, còn những luồng tâm lực lại đa đoan khúc mắc khó lường…, khó lường hơn cả Ba Văn Mật Đa. Giọng nói của gã và tài nghệ sử dụng âm thanh cũng rất quái dị… Sóng mắt lại long lanh sáng loáng, khiến đôi khi Cuồng Huệ nghi ngờ không hiểu gã thật là nam nhân hay nữ nhân… Nghĩ đến đây, y lại bật cười thầm vị đại sư huynh cứ nằng nặc muốn coi cơ quan của gã… Y tự nhủ: “Một cơ quan hay hai cơ quan, con trai hay con gái… nhưng chắc chắn gã là một tay đại cường địch… Nhưng chính vì thế, mà gã là một cảnh giới đáng coi…”

Càn Thát Bà thì lúc này hờn giận ra mặt… Hắn lẽo đẽo theo sau cách một quãng, chẳng buồn khạc nhổ, cũng chẳng thèm can gián một lời… Hắn chán nản nghĩ thầm: “Chán quá… nhưng không lễ lại bỏ đi!? Cái trần gian này thực lắm nhiêu khê, có muốn rút cũng khó mà ra… Chỉ toàn một bọn, hoặc vênh vang khoác lác, hoặc dở hơi mê gái… Chả thấy Phật cùng Bồ Tát đâu cả, chỉ rặt một lũ ma nữ hoành hành ngang dọc… Cứ loáng thoáng bóng ma nữ, là đứa nào cũng rối rít tít mù, điên điên đảo đảo… Đã một chú sa môn hay khóc và tận tụy với đàn bà rồi, nay lại thêm một gã chồn hoang ngây ngô cuồng loạn… Thực chẳng ra sao cả…” Hắn lắc đầu quầy quậy. Hắn cũng hơi ngán gã thanh niên kia, và ý định muốn coi những cơ quan của gã cũng không còn hăm hở như trước…

Khi ba người xuống tới chân núi, trời đã sáng rõ… Họ thấy Phi Ly ngồi phệt trong đám cỏ ven đường, mặt mày nhăn nhó. Tay phải gã nắm chặt vai trái, và tay trái gã lòng thòng… Ba người vội chạy lại… Gã chồn mếu máo, giơ tay phải chỉ về phía trước:

– Tôi vừa chạy vừa bay… để đi theo mục đồng Krishna. Tôi phải đi theo… Nhưng không hiểu sao, mục đồng lại nổi giận, quăng viên ngọc đỏ đánh tôi… Gay xương vai đây này… Rồi mục đồng lại phi ngựa… mang cả thánh mẫu… cả cây sáo ngọc biếc nữa…

Gã vừa nói mê sảng, vừa thút thít khóc… Cuồng Huệ sờ bờ vai gã, xé vội mảnh áo, thấy bờ vai tím bầm. Y muốn kiếm thuốc rịt vào vết thương cho gã, nhưng không hiểu thuốc men, đành lấy tay nắn bóp bả vai của Phi Ly. Y mượn viên ngọc của Thạch Sanh, nhẹ nhàng chà xát trên vết thương…

– Huynh đài chớ nóng nảy vội vã, cứ yên tâm đi với chúng tôi… Rồi sẽ gặp mục đồng Krishna mà… Mục đồng không có ác ý đâu chỉ là rỡn chơi huynh đài thôi… Rồi mục đồng sẽ lại thổi sáo cho huynh đài nghe….

– Thật vậy sao sư phụ?

– Thật chứ… Chúng tôi cũng đi theo mục đồng đây này… Chúng tôi cũng muốn nghe tiếng sáo…

Phi Ly ờ lên một tiếng, đòi mắt ánh lên tia mừng rỡ. Gã nắm tay Cuồng Huệ:

– Thế sư phụ… chúng ta cùng đi theo nhé?

Cuồng Huệ gật đầu, vừa tiếp tục chà xát. Huyền lực của viên ngọc thật thần diệu. Chỉ hồi lâu, vết thương bớt bầm, huyết sắc đã trở lại… Y trả viên ngọc cho Thạch Sanh, rồi chăm chú nhìn vị nhị sư huynh:

– Vị huynh đài áo trắng đã có nhã ý chỉ đường cho chúng ta… Đi tới thành Tỳ Xá Ly, rồi trực chỉ Lôi Âm Tự để bắt con yêu quái Yên Hà Lãnh nào đó, đỏi lại bảy vía cho vị tiểu cô nương… Cũng là tiện một đường, nên chúng ta cứ đi theo… Tiểu đệ nghĩ rằng vị huynh đài không có ác ý, hoặc chưa có ý hại vị cô nương đâu… Có lẽ… chỉ có ý muốn dụ chúng ta tới một chỗ nào đó… Rồi bày trỏ lạ thôi…

Thạch Sanh lặng lẽ gật đầu… Tuy miệng nói trấn an như vậy, nhưng thâm tâm Cuồng Huệ thấy kinh nghi: “Nhị sư huynh vốn là người có định lực, quyết tâm và quên mình như vậy, mà nay sao cũng lộ vẻ bồn chồn sờ sững…? Hay là vẫn còn một rơi rớt nghiệt chướng…? Vụ này… rồi đây chắc không đơn giản đâu…”

Càn Thát Bà sốt tiết, muốn chửi toáng lên mấy câu cho hả tức… Nhưng hắn lại tự nhủ: “Hai đứa này nó là như vậy đó, khó lòng thay đổi được… Một đứa chỉ thích xót thương, cứu khổ cứu nạn, không cầm lòng được. Một đứa chỉ thích chấp nhận thách đố, muốn coi mọi thứ cơ sự sẽ xảy ra… Nay lại đèo thêm một thằng nửa con nít hơi sữa, nửa dở hơi điên khùng… Có nói chúng cũng như nước đổ đầu vịt…” Hắn ráng nuốt sự tức giận vào trong bụng… Có lẽ là lần đầu tiên Càn Thát Bà tập sự nhẫn nhịn…

Bọn họ lại lầm lũi… Đi tới bảy, tám ngày nữa, chưa thấy bóng dáng con ngựa đen cùng gã áo lụa trắng đâu…

Một buổi trưa, mặt trời đã xế bóng, họ qua một hẻm núi, vách dựng đứng… Và có nhiều bóng người lố nhố dưới chân núi…

Họ động lòng hiếu kỳ đi tới. Chừng hơn mười người, vừa phụ lão vừa thanh niên của những ngôi làng rải rác gần đó, đương tụ tập xì xào bàn tán, chỉ trỏ vào vách núi… Một đứa nhỏ, chừng mười bốn, mười lăm tuổi, bận theo lối tiểu đồng, đương đứng giơ vạt áo lau mắt, vừa sụt sùi, vừa kêu than:

– Thày ơi! Thày bỏ con ở đây, thày đi đâu mất tiêu rồi… Thày đi đâu mất từ hồi đêm rồi…

Một gã trai làng hất hàm hỏi:

Thế hồi đêm, mi thấy thày mi đi đâu?

Tiểu đồng chỉ vách đá sừng sững:

– Đi vào vách đá này nè… Hồi hôm, tôi đương ngủ chập chờn, bỗng nghe có tiếng lịch kịch lớn như tiếng đá va chạm vào nhau… Tôi ngóc đầu nhìn… thấy vách đá mở ra, thành một đường hang lớn, có ánh sáng mờ mờ… Thế rồi thày tôi lững thũng đứng dậy, tay xách cái bọc, đi tuốt vô trong đó… Rồi cửa hang khép lại… Hu… hu… thày tôi đi mà chẳng nói với tôi một lời…

Gã kia cười ha hả:

– Thôi đừng khóc nữa… Đáng lẽ mi phải đốt pháo mừng thày mi mới phải… Thày mi đi vào đó để cưới vợ đó.. Để cưới vợ A Tu La nữa… Tu La nữ đẹp lắm mà… Tiểu đồng dậm chân:

– Không… không… Thày tôi bị hang đá… ăn rồi mà…

Gã kia vỗ đùi:

– Đúng là thày mi cưới vợ đó… Con gái miền này đều đen đủi như ma lem, nên thày mi đòi lấy Tu La nữ là đúng rồi… Ờ mà sao mi khờ quá vậy…? Sao mi không đi theo chân thày để vào đó cưới vợ? Phải chi,… nếu ta sớm biết kịp… thì ta cũng đã tới đây theo bén gót thày mi rồi…

Thấy cả bọn Thạch Sanh đang đứng chưng hửng nghe chuyện, một cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm quạt phe phẩy, lên tiếng:

– Chắc các vị cũng là người tu hành ở phương xa tới, nên chưa biết rõ chuyện này… Số là thày của thằng nhỏ tiểu đồng này cũng là người ở miệt gần đây thôi. Con nhà khá giả có ăn học nhiều. Nhưng tính nết kiêu kỳ khác người, chẳng thích bạn bè giao du với ai cả. Thường ngày chỉ làm bạn với thơ, với hoa cỏ cùng sách vở kinh kệ. Đã gần tới tuổi “nhi bất hoặc” rồi, mà chẳng chịu lập gia thất. Cha mẹ có dạm hỏi cho mấy chỗ, nhưng anh ta đều không chịu… Chắc là người khó tánh lắm, và từng than thở: “Neu không gặp được người tuyệt sắc, thì thà suốt đời ở vậy…” Cha mẹ chiều con, cũng không dám ép… Thế rồi, chừng năm, sáu năm gần đây, không hiểu anh ta đọc kinh kệ gì, nghe nói rằng có loại thần A Tu La, người nam thì xấu nhưng người nữ thì xinh đẹp vô chừng… Nên anh ta mơ tưởng… chỉ muốn cưới một vị Tu La nữ làm vợ… Rồi không hiểu anh ta kiếm đâu được một cuốn thần chú, thế là ngày đêm ngồi tụng riết, để xin được vợ Tu La nữ… Lại có người chỉ cho anh ta tới chỗ sơn nham này. Từ lâu, sơn nham có tiếng là linh thiêng, thỉnh thoảng có người thấy những bóng dáng cung điện lâu các hiện ra trên đỉnh sơn nham này… Có người lại dám đoán chắc rằng đây là sơn động của những vị thần Tu La, vì phước báo đã sút kém, nên bị tụt từ từng trời xuống… Và các vị thần này, tuy vậy, vẫn còn nhiều thần thông lắm. Ban ngày, thường bay dạo chơi gần mặt trời mặt trăng, đêm xuống lại về sơn nham…

Cách đây chừng ba năm, thày gã tiểu đồng này đã khăn gói tới đây, ngồi lỳ nơi chân núi, tụng bài thần chú phổ vào hạt đậu… Khi nào đến mức, ném hạt đậu vào vách đá, thì vách đá sẽ mở ra… và điều sở nguyện sẽ thành sự thực… Chắc là… chắc là… hồi hôm đêm qua… anh ta đã được… toại ý sở cầu đó…

Đoạn lão quay lại hỏi tiểu đồng

– Thế hồi đêm, mi nhìn thấy mặt thày mi ra sao? Có vui mừng hớn hở lắm không? – Tôi đâu có biết… Lúc đó, trời cũng tối… Chỉ thấy thày tôi đi lẹ bước lắm… rồi chui vào hang… chẳng thèm quay đầu ngó lại…

Gã thanh niên lại cười ha hả:

– Thế thì đúng rồi! Trăm phần trăm là vào đó cưới vợ…

Gã cất tiếng ngâm nga:

Biển kia nổi sóng chìm thuyền
Sắc kia chẳng sóng, đắm liền… kẻ si…

Gã vừa ngâm, vừa vỗ vai tiểu đồng:

– Chỉ có mi là khờ thôi… Không biết nhanh chân tý nào…

Cuồng Huệ tiến lên hỏi tiểu đồng

– Không biết huynh đài có giữ được bài thần chú đó không?

Tiểu đồng ngẩng nhìn Cuồng Huệ, buồn bã lắc đầu:

– Nào tôi có được biết bài thần chú gì đâu?! Thày tôi có một cuốn sách mỏng, quý hơn tánh mạng, thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía và đọc lẩm bẩm… Tôi liếc thấy chữ nghĩa lạ hoắc, viết loằng ngoằng như những con rắn uốn khúc. Cũng có nhiều hình vẽ nữa, như hình các vị quỷ thần oai phong dữ dội lắm… Chỉ có một lần, thày tôi cao hứng khoe với tôi rằng: “Trong đời người ta, cái gì cũng là cơ duyên, cũng là duyên phần cả… Nay thày có cơ duyên được cuốn thiên thư này thì… ha ha… muốn thành tiên cũng được, muốn huy động gì gì đó cũng được… và muốn cưới một người vợ đẹp như thiên tiên… cũng vẫn được…” Tội nghiệp cho thày tôi, người thật là hiền lành tốt bụng, nhưng cả tin lắm… Hu… hu… Bây giờ thì thày tôi bị hang đá nuốt rồi, tôi biết làm sao bây giờ…

Cả bọn còn đứng tần ngần, Càn Thát Bà bỗng lấy chân đá văng một hòn sỏi vào vách núi, rồi cất giọng nói đổng:

– Lại thêm một thằng ngốc tử. Cuồng si ngốc tử…