TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XVIII

Quê Phi Lỵ Thạch Sanh cầu đảo
Cầu được mưa, lại tịnh thiệt căn

Không hiểu Trảm Tứ Cú bị lung lay trong tâm thức, hay là gã giận dỗi thực sự… Chỉ biết rằng từ lúc đó, gã không mở miệng nói thêm lời nào.

Cả bọn cùng đi thêm ba ngày đường nữa, thì tới một ngã ba… Gã bỗng khoát tay chỉ con đường ngược về hướng bắc, nói:

– Thôi, giã biệt nhé. Ta phải đi con đường này, về thành Tỳ Xá Ly…

Rồi gã phăng phăng rảo bước, chẳng ngoái cổ lại, trên vai vẫn lắc lư hai chiếc lồng rỗng… Cả bọn đành đứng ngẩn ra nhìn theo hồi lâu. Rồi quay bước đi con đường về Quế Châu.

Họ lầm lũi đi thêm chừng sáu, bảy ngày đường nữa… Nhưng lần lần họ cũng nhận thấy có điều khác lạ: Là phong cảnh cây cỏ ngày càng đượm vẻ tiêu điều xơ xác, các bụi cây đều cằn cỗi và đầy bụi che phủ, các làng xóm cũng ít vẻ ồn ào náo nhiệt, những khu vườn được trồng trọt ngày mỗi lơ thơ, và đất ruộng khô cằn nứt nẻ… Càn Thát Bà lầu bầu:

– Nè Phi Ly! Sao ngươi nói rằng quê của ngươi đông đúc vui vẻ lắm, nhiều hoa vàng và nhiều ngõ trúc… Sao bây giờ cây cỏ khô héo, càng đi càng chán thấy mồ thế này…?

Từ mấy bữa nay, gã đồng tử thường buồn rầu, không còn hớn hở như trước. Gã buồn buồn nói:

– Số tôi có lẽ vẫn còn xui xẻo. Mong mỏi về thăm quê cũ, nhưng tới khi về lại không đúng lúc rồi… Chắc lại gặp một cơn hạn hán… và không hiểu đã có ai chết đói chưa?

– Hạn hán hả?… Nó là như thế nào?

– Tức là trời không mưa… Lâu nay chắc không có mưa, nên đất ruộng nứt nẻ, cây cỏ khô héo, lúa không mọc được… Chắc có người chết đói… thì làm sao vui được…

Gã vừa nói vừa thở dài thườn thượt… Càn Thát Bà bỗng cười hăng hắc, vỗ vai gã an ủi:

– Thôi, chớ có buồn… Tưởng là gì, chứ cái vụ đó thì dễ ợt… Ngưoi chỉ việc năn nỉ sư phụ ngươi đi. Hắn là rồng chúa chính cống đó. Hắn chỉ cần gọi một đám long thần tới, rồi cả bọn đứng trên mây xanh, vén quần đái xuống một bãi là cây cỏ lại xanh ngay tức thì…

Cuồng Huệ bỗng xen vào:

– Đại sư huynh chớ tác ngôn như vậy. Mưa gió cũng đều là chuyện duyên nghiệp đưa đẩy cả, đâu có đơn giản như vậy. Và các long vương hay long thần cũng đâu có thể tự chuyên làm theo cao hứng riêng mình được..

Càn Thát Bà nheo mắt, thúc cùi chỏ gã đồng tử:

– Đấy, thấy chưa? Sư phụ của ngươi cũng chưa chắc đã thực bụng với ngươi đâu?! Ngươi là đệ tử, nhưng đệ tử vừa gặp khó khăn một chút, là thầy đã giở giọng bắt chẹt ngay…

Bỗng có giọng khàn lải nhải nổi lên:

– Ông đi qua… bà đi lại… xin dón tay làm phúc…

Rồi ở ven đường, một cái đầu bù xù thò lên. Thì ra người đó núp dưới một cái hố. Cả bọn chạy lại… Người kia quần áo rách bươm tơi tả, gầy gò trơ cả xương, vẫn lải nhải xin. Càn Thát Bà mau miệng:

– Ăn xin hả?… Nhưng bọn ta chỉ có ông đi qua thôi, chứ chẳng có bà nào đi lại cả… Hơ… hơ… Ta cũng muốn dón tay làm phúc cho nhà ngươi lắm, nhưng khốn nỗi… bọn ta cũng chẳng có gì có thể ăn được… (bỗng chỉ tay xuống dưới hố) Hơ… mà nhà ngươi đương nấu nồi gì thế kia…?

Nhìn xuống thì là một cái nồi đất nhỏ, đương sôi sùng sục và bốc khói, nhưng sặc mùi tanh tưởi. Trong nồi có mấy ngọn rau héo, nấu lẫn với một cái đầu chuột cùng mấy chiếc đùi cóc đã lột da trắng hếu… Người kia ngồi thụp xuống, cầm chiếc que khuấy khuấy nhẹ nhàng… Càn Thát Bà chẳng biết làm sao, quay lại nhìn đồng bọn như vấn kế… Hắn thấy Thạch Sanh đôi mắt đã như muốn ứa lệ, nhưng vẫn lâm râm niệm Phật. Hắn bối rối vội nói:

– Này, này… Ta có cái này, nhưng không biết nhà ngươi có dùng được gì không?

Hắn rút ra mấy viên đá lưu ly lấp lánh, đưa cả cho người ăn xin, và nói:

– Nhà người ráng đi tới một nơi nào đông đúc, có cửa tiệm, đem bán những viên đá này đi, rồi lấy tiền mua gạo…

Gã đồng tử xen vào:

– Anh ở Quế Châu tới?

Thấy người kia gật đầu, gã hỏi tiếp:

– Đã có ai chết đói chưa?

Người kia khoát tay:

– Cũng chưa chết mấy, mới lác đác thôi… Nhưng một số nghèo như bọn tôi đã phải bỏ xứ ra đi… Chả là mọi năm thì vào mùa mưa, mưa cứ đổ xuống như lội như lụt… cỏn như năm nay, thì suốt cả mùa mưa, chỉ lèo tèo được mấy hạt… Thế là đồng khô cỏ cháy hết trọi…

– Thế có làm lễ cầu đảo không?

– Có chớ!…

Cầu đảo hoài, có mời tất cả, cả sãi Vệ Đà cùng những ông thầy chùa nữa… Nhưng rốt cuộc cũng chẳng ăn thua gì… Chắc đều toàn là những ông sãi cùng thầy chùa bị thịt cả…

Càn Thát Bà xen vào:

– Sao? Sãi bị thịt à? Thầy chùa cũng bị thịt… Hơ… cái chữ này hay đó, ta phải ghi lấy..

Người kia tay mân mê mấy viên đá lưu ly, lại ngồi thụp xuống khuấy nồi canh chuột. Càn Thát Bà dặn với:

– Mấy cục đó đáng tiền lắm đấy… Thôi bọn ta đi đây, đi xem mấy ông thầy chùa bị thịt cầu đảo… Kẻo hết trò mất…

Rồi hắn xoạc chân thật dài, đi như chạy. Cả bọn lẽo đẽo theo sau… Hai bên ven đường, thôn xóm nhiều hơn trước, nhưng quang cảnh vẫn vắng tanh buồn thiu… Thỉnh thoảng gặp một đám nhỏ lang thang thất thểu trên đường người nào cũng gầy guộc tiều tụy… Càn Thát Bà động lòng trắc ẩn, cứ móc hoài đá lưu ly cho họ. Bỗng một lúc, hắn giẫy nẩy, kêu lên:

– Thôi, chết rồi, hết sạch cả rồi… Biết thế, trước kia, ta lấy thêm mấy vốc có hay không…

Đi thêm một quãng xa nữa, bỗng Phi Ly chỉ ven đường, kêu:

– Trời ơi, chuột… chuột nhiều quá.

– Họ nhìn xuống ven hố, thì thấy một đàn chuột rất đông, con nào cũng to lớn, nối đuôi nhau đi như một đoàn quân, bộ dạng dữ dội, vừa đi vừa cắn nhau chí chóe. Càn Thát Bà sợ quá, hét lên:

– Đi lẹ đi, lẹ đi… Nó mà nhảy lên người, là chết cả đám…

Bỗng Phi Ly lại chỉ:

– Chỗ bụi kia, chắc có thây người chết…

Cả bọn nhìn, thì thấy một đám quạ khá đông, đương bay lượn lờ trên bụi cây, chờ ăn thịt, có mấy con đã đáp xuống, cất tiếng quang quác… Khi tới gần, thấy một thây đàn bà cùng một trẻ nhỏ, nằm chết trong bụi. Họ chết đói, nhưng có một điều lạ là nét mặt người đàn bà vẻ thanh thản và miệng hơi mỉm cười…

Thạch Sanh mắt đầm đìa, bảo Cuồng Huệ:

– Hiền đệ làm ơn đào một chiếc huyệt, chôn cất cho hai mẹ con…

– Tiểu đệ đào thì xong ngay… nhưng… mấy con quạ lại mất mồi ăn… thì rồi chúng cũng chết đói…

Càn Thát Bà xen vào:

– Ở nhỉ… nếu đem chôn, thì mấy con giun đuợc xơi thịt, hoặc lũ chuột lại bới ra xơi. Còn… để nguyên, thì mấy chú quạ xơi tái… Kể cũng hơi khó nghĩ đấy… Phải thiên vị đứa nào bây giờ… Hơ… chắc là nên để cho mấy chú quạ, vì bọn quạ còn tươm tất cao siêu hơn mấy chú chuột và giun…

Nghe cũng nhằm lẽ, nên Thạch Sanh đành đứng chú nguyện một hồi lâu cho hai kẻ xấu số. Rồi chàng giục giã:

– Chúng ta nên đi thật mau, để tới đó, tam đệ làm lễ cầu đảo…

Bọn họ mải miết đi như chạy, đi suốt đêm hôm đó, tới xế trưa hôm sau, thì Phi Ly nói:

– Sắp tới quận Quế Châu…

Chỗ đó là một khúc đường quành… Bỗng có tiếng vó ngựa lộp cộp gấp rút vang lên từ phía sau… Rồi một bóng người ngựa ào tới, lướt qua như bay. Càn Thát Bà đương đi nghênh ngang giữa lộ, nên bị mông ngựa đụng mạnh, khiến hắn ngã té nhào. Cuồng Huệ lẹ tay đỡ Càn Thát Bà dậy, rồi y nhảy như bay tới, một tay ghì lấy cương ngựa ở ngay mồm ngựa. Con ngựa đau quá, hý một tiếng lớn, rồi đành đứng lại chịu trận, tuy hai vó sau vẫn đập xuống mặt đường… Y nhìn người cưỡi ngựa:

– Huynh đài chạy ngựa giữa lộ, nên lưu ý một chút…

Gã kia nhoẻn miệng cười. Nhìn kỹ, thấy gã rất trẻ chừng ngoài hai mươi, và rất đẹp. Bộ mặt như nhồi phấn, môi đỏ chót như thoa son, vẻ mặt vừa kiêu hãnh vừa trai lơ, nửa như vương tôn công tử, nửa như một kép hát tài ba đương được người đời tán tụng. Con ngựa màu đen tuyền, nhưng gã bận một bộ áo dài chẽn lụa trắng rất hoa mỹ kiểu cách. Nơi thắt lưng cài thanh đoản kiếm nạm ngọc, trên vai là chiếc túi da thú rất đẹp có cắm một ống sáo cũng bằng ngọc xanh biếc, và ngay giữa ngực, đeo một viên hồng ngọc lớn… Gã đưa mắt nhơn nhơn và nhoẻn cười:

– Cánh tay của tôn huynh quả là sức mạnh hiếm có. Con ngựa của tiểu đệ là một con chiến mã rất quý, mà nó cũng không cựa quậy nổi…

Lúc đó, Càn Thát Bà đã lè tè chạy tới, cất tiếng quang quác:

– Ngươi mù hay sao mà không thấy ta đang đi giữa đường? Mà lại để cho hông ngựa hức phải ta té nhui té nhủi?!

Gã kia vẫn cười hì hì:

– Thôi mà, lão tôn huynh… Lão tôn huynh chớ nên nóng nảy như vậy!… Biết đâu là hông ngựa của tiểu đệ húc phải tôn huỳnh, hay là chính lão tôn huynh đã chân nam đá chân xiêu húc nhầm phải con ngựa của tiểu đệ?!

Càn Thát Bà tức quá, mặt đỏ tía tai, không thốt nên lời. Hắn vớ được một cục đá to tướng, ném đánh chát một cái vào mông ngựa. Con ngựa lại hý một tiếng lớn, co hai vó sau đá hậu mấy cái, khiến cát bụi bay mù… Gã kia vẫn giọng chế giễu:

– Thôi mà… Lão tôn huynh chớ nên thù hận một con ngựa như vậy. Ngựa nó vốn là loài súc sanh, mà lão tôn huynh đâu có phải là súc sanh để đem tâm đi chấp nhặt một con ngựa như vậy ?!

Càn Thát Bà tức ứ đến cổ. Hắn quát Cuồng Huệ:

– Ngươi mau bóp nát đầu con ngựa cho ta, rồi lôi cổ thằng lỏi này xuống, nện cho nó một trận.

Nhưng gã kia vẫn như chẳng sợ hãi gì, miệng vẫn trơn như mỡ:

– Thôi mà, lão tôn huynh… cho tiểu đệ xin… Các vị tôn huynh đều ăn bận như người tu hành cả, không lẽ có thể khai sát giới một cách dễ dàng nông nổi như vậy sao?

Cuồng Huệ xen vào:

– Nhưng huynh đài cũng nên nói một lời xin lỗi đại sư huynh của bọn đệ.

Gã kia bật cười ha hả, nhảy vọt ngay xuống đất, rồi với một điệu bộ kiểu hát bội, bước tới trước mặt Càn Thát Bà, xá dài một xá:

– Tiểu đệ xin cáo lỗi với lão tôn huynh…

Rồi gã nhảy vọt lên mình ngựa, giơ tay vẫy chào:

– Thôi tiểu đệ phải khiếu từ… Có việc nguy cấp, liên quan đến sanh mạng một người…

Rồi gia roi phi ngựa vọt đi… Càn Thát Bà hậm hực, nhổ toẹt một bãi xuống đất.

Lúc đó, Phi Ly cũng đi tới. Gã nói:

– Cha nội này… bộ dạng kỳ cục… có lẽ là một đứa huỳnh môn… hoặc một tên lại cái…

Càn Thát Bà vội hỏi:

– Sao, ngươi nói gì? Cái gì huỳnh môn, lại cái…? Nó là cái gì vậy ?

Phi Ly giảng giải:

– Huỳnh môn là một kẻ có trên thân thể hai cơ quan…

Càn Thát Bà trố mắt:

– Hai cơ quan?

– Tức là có cơ quan của người đàn ông, rồi lại có thêm cơ quan của người nữ nhân nữa…

Càn Thát Bà há hốc miệng:

– Lão tặc trời ơi! Ngươi nói thật vậy sao? Ngươi không bịa ra đấy chứ?

-Tôi bịa làm gì, mà bịa làm sao nổi…! Kiếp trước, tôi đã từng gặp một người như vậy…

Vả lại, trong kinh Vệ Đà cũng nói nữa…

– Lão tặc trời ơi! Như vậy, thì là đúng thật rồi… (hắn vỏ đầu) Thật là không thể ngờ rằng tại sao cái trần gian khổ lụy này lại lắm điều quái quắc!… Chỉ có một cơ quan đơn thuần thôi cũng đủ chết ngắc rồi… Nay lại đèo thêm một cơ quan nữa, thì những trần ai này làm sao chịu cho thấu!?… Thế còn lại cái là cái gì?

– Là một người mang cơ quan đàn ông, nhưng suốt đời lại chỉ thích tô son trát phấn, rồi uốn éo nhõng nhẽo ỏn ẻn như một nữ nhân…

Càn Thát Bà lại giẫy nẩy:

– Thôi đúng rồi, đúng rồi.. Thằng này chắc là một tên lại cái… Mặt gã tô son trát phấn thực sự mà…

Gã đồng tử, có lễ muốn khích động thêm, lại bồi tiếp theo một nhát:

– Trong kinh Vệ Đà còn nói rằng đôi khi, có kẻ sanh ra, đã mang trên thân thể năm, bảy cái cơ quan…

Càn Thát Bà giẫy đành đạch:

– Thôi mi đừng nói nữa… đừng nói nữa. Nghe ghê quá mà…

Thạch Sanh bỗng nói:

– Chắc cũng chỉ là do nghiệp duyên, nghiệp báo đua đẩy… Và nghiệp báo thì nhiều khi thật phức tạp. Có thể là những người đó đã xuống tóc làm tăng ni rồi, lại còn phạm trầm trọng giới về tham dục… Nam mô Ngã Phật từ bi… Trần gian này thuộc về Dục giới, và Dục giới chắc là còn nằm trong phạm vi của Ma Vương… dưới sự điều khiển của Ma Vương… Ngã Phật từ bi… xin cứu vớt chúng con ra khỏi biển trầm luân của ái dục này…

Càn Thát Bà bỗng nảy ra một ý kiến, hắn vỗ đùi:

– Này, này… Thằng lỏi tì này chắc cũng đi về phía Quế Châu. Bọn mình phải đi gấp, bắt kịp gã mới được…

Gã đồng tử hỏi:

-Bắt kịp để làm gì?

– Thì là để tóm cổ gã… rồi… lột quần áo gã ra… để…

– ?!

– Để coi xem những cơ quan của gã ra sao…

Phi Ly cười như nắc nẻ:

– Không được đâu, đại sư phụ… Ai lại đi xem cơ quan như thế bao giờ?!

– Sao lại không được? Này nhé, mình khiêng gã vào một chỗ kín, rồi mình coi. Mình chỉ coi thôi, xem nó mọc ra như thế nào, chứ mình có làm gì đâu…

Cuồng Huệ cũng bật cười trước ý muốn ngây thơ của đại sư huynh. Y nói:

– Gã này chưa chắc đã dễ bắt đâu…

Càn Thát Bà tức mình:

– Thế ra nhà ngươi sợ gã hả?

– Tiểu đệ không phải sợ, chỉ cảm thấy như vậy thôi. Gã có thể là một loài rất quái dị. Gã đeo một đoản kiếm, nhưng đoản kiếm thì không có gì đáng nói. Song gã lại đeo một ống sáo bằng ngọc biếc và một viên hồng ngọc to tướng. Đại sư huynh không thấy gì lạ sao ?

– Thì… thì lúc đó, ta tức quá… nên không kịp để ý…

– Ngọc và sáo đều tỏa hào quang lấp lánh. Và cả người gã đều toát một làn yêu khí ghê rợn…

– Có thực không đấy… hay là ngươi lại muốn dọa ta…

Cuồng Huệ trầm ngâm:

– Tiểu đệ nghĩ chúng mình nên xa lánh gã này, chẳng nên hiếu kỳ làm gì… Mình lên đường là cốt đi thỉnh kinh, đâu có phải để xem những quái dị…

Thạch Sanh cũng xen vào:

-Bây giờ, việc gấp rút là đi đảo vũ…

Cả bọn cắm đầu đi mải miết, chẳng ai nói một lời nào nữa… Mãi đến sáng hôm sau, mới tới quận lỵ Quế Châu.

Đây là thị trấn nhỏ, nhưng nhà cửa đông đúc như bát úp, dưới chân một rặng núi đá dài trông như con rồng phục, chạy dài về phía tây. Phần lớn nhà cửa đều được cất bằng những tảng đá ong lỗ chỗ, lợp bằng rạ, hoặc ngói xám. Có một phố xá khá sầm uất, nhiều cửa tiệm, nhung quang cảnh tiêu điều, vì nhà cửa đều phủ đầy bụi…

Họ xăm xăm đi qua dãy phố đó, đến chỗ chợ. Xa xa đã thấy tiếng mõ cùng chuông trống ngân nga, và một đám người đen kịt xúm xít nơi cổng chợ. Phần đông dân chúng đều tiều tụy hốc hác, quần áo lam lũ, họ chăm chú kiễng chân nhìn vào phía trong, nơi có tiếng chuông mõ…

Bọn Thạch Sanh cũng len lỏi nhìn vào. Thấy trước cửa chợ, dưới gốc cây lớn, dựng một bàn thờ lớn, bày biện uy nghi, chung quanh cắm san sát những tràng phan cùng cờ xí phấp phới, nhưng phủ bụi đỏ khé… Trước bàn thờ, trên bục cao, vị thầy chùa, mặc lễ phục áo vàng viền kim tuyến, đương ngồi tụng bài kinh Cứu Khổ, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông ngân nga. Bên cạnh là chú sa di, mặt mũi non choẹt, ngồi gõ mõ lốc cốc… Cả hai thầy trò đều dáng điệu mệt mỏi uể oải, chú sa di thỉnh thoảng lại thiếp một cơn ngủ gật khiến tiếng mõ rời rạc… Có tiếng người thì thầm trong đám đông, nghe buồn rầu não nuột:

– Thôi, chắc cũng hỏng kiểu thôi… Bọn mình chắc rồi cũng đến chết đói hết, chẳng hy vọng gì nữa. Tụng đã hai đêm ngày rồi mà có thấy gì đâu!?… Chẳng thấy một luồng gió, chẳng có một hạt mưa…

Càn Thát Bà nghểnh cổ, hấp háy nhìn về phía gốc cây, thấy ba thầy sãi Vệ Đà. Một người mặc áo màu vàng nghệ sẫm, đương ngồi tựa gốc cây, đôi mắt lim dim. Còn hai người kia mặc áo trắng, nhưng lem luốc bụi, đương nằm kềnh trên một chiếc chiếu, ngủ say ngáy pho pho… Chắc là họ cũng mệt mỏi quá rồi… Nơi gốc cây, có mấy tên lính, bận áo nẹp xanh đỏ, ngồi bần thần tránh nắng, tay phe phẩy mấy cành lá xua đuổi ruồi bọ… Nơi đó, tuy vào cuối năm, Tết đến nơi rồi, nhưng mặt trời khá gay gắt… Một giọng nói thanh niên òm ỏm phẫn uất bỗng lại nổi lên:

– Sãi Vệ Đà, hay thầy chùa cũng đều rứa cả thôi.. Chẳng ăn thua gì… Chắc các thần linh đã bỏ chúng ta rồi… hoặc định tâm trừng phạt chúng ta… Mà chúng ta có làm cái gì tệ ác đâu!… Cứ như ngữ này… thì rồi… rồi đây, giặc cưóp lại nổi lên như ong… Chịu không thấu, không thấu.

Càn Thát Bà bỗng thấy tường cổng chợ dán một bản cáo thị. Hắn kéo tay Phi Ly, rảo bước tới… Tấm bảng viết chữ loằng ngoằng như những con giun, hắn không đọc nổi. Phi Ly bèn đọc cho hắn nghe như sau:

“Bổn quận, trị nhậm quận Quế Châu, khẩn cấp tuyên cảo chuyện sau:

Bổn quận, cùng nhân dân nơi đây, không hiểu do duyên cớ gì hay bị chư thần linh quở phạt, hiện lâm vào cảnh hạn hán trầm trọng. Suốt một năm trời, chỉ mưa được ba hột nước. Nạn đói và tật dịch đe dọa nặng nề.

Các vị sãi Vệ Đà cùng nhiều vị thầy chùa đã ra công làm lễ cầu đảo, nhưng vẫn vô hiệu.

Vậy xin làm bảng cáo thị này, mong rằng có vị cao nhân nào, biết phương cách cứu chữa, thì xin ra tay tế độ.

Bổn quận hiện cần một trận mưa, được chừng ba thước bảy tấc mới đủ nước cày cấy.

Bổn quận và dân chúng sẽ xin hậu tạ một ngàn quan tiền… ”.

Phi Ly chưa kịp đọc hết, Càn Thát Bà đã giơ cánh tay dài, lột ngay lấy tấm cáo thị… Gã đồng tử hoảng hốt cản:

– Này đại sư phụ, làm gì vậy?

Càn Thát Bà chẳng trả lời, chỉ cuộn tròn tấm cáo thị, rảo bước về phía Cuồng Huệ, rồi dắt ngay mảnh cáo thị vào thắt lưng Cuồng Huệ… Lúc đó, một tên lính đã nhìn thấy có người gỡ cáo thị, vội vã chạy theo, lớn tiếng hỏi:

– Này tôn ông, tôn ông gỡ tấm cáo thị hả?

– Ờ… ờ… chính ta gỡ đấy. Có người dán cáo thị, thì phải có người gỡ chớ…

Tên lính nửa ngạc nhiên, nửa mừng rỡ, lắp bắp:

– Thế chắc là… tôn ông… có thể làm pháp cầu đảo?

Lúc đó, dân chúng đã bu lại xúm xít… Càn Thát Bà cao hứng lắm, đứng phưỡn ngực vươn cổ:

– Cái bọn sãi Vệ Đà cùng thầy chùa này toàn là đồ bị thịt cả. Cái thuật nho nhỏ đó, có gì là khó đâu!.. Nhung ta không cần phải ra tay…

Hắn chưa nói hết lời, thì dân chúng đã xúm cả lại, có người xụp xuống lễ xì xụp, miệng năn nỉ:

– Chúng tôi sắp chết đói cả rồi… Xin nhờ tiên ông… ra tay tế độ cho…

Thạch Sanh vội vã xen vào:

– Xin các vị chớ làm như vậy, chớ lễ nữa… Chúng tôi có phải là tiên ông gì đâu, mà chỉ là mấy người đi thỉnh kinh thôi. Xin các vị đứng lên, rồi chúng ta sẽ bàn về vụ này…

Nghe chàng nói thực như vậy, đám dân chúng bỗng tiu nghỉu, pha lẫn sự hồ nghi. May là giữa lúc đó, viên huyện quan đã bước tới, quần áo cỏn xốc xếch, đầu tóc chưa kịp chải. Nhìn tấm cáo thị dắt ở thắt lưng Cuồng Huệ, ông liền tới trước mặt y, xá dài một xá:

– Bổn quan xin kính chào các vị… tiên nhân…

Càn Thát Bà vội xen vào:

– Gỡ cáo thị đích thị là tôi… Nhưng việc đảo vũ thì y làm… Y làm được đó, huyện quan hãy ráng năn nỉ y đi…

Cuồng Huệ nói:

– Đại sư huynh tôi đã dạy như vậy rồi, thì huyện quan cũng bất tất phải đa lễ… Chúng tôi cũng chẳng phải tiên thánh gì đâu, chỉ là mấy kẻ tu hành, đi qua đây thấy động lòng trước cảnh cơ cực… Tôi từ xưa cũng chưa đảo vũ bao giờ, nhưng có được chút quyền phép đối với các vị long thần. Nay đã đến nước này, cũng đành mạo muội ra công…

Huyện quan nói:

– Tiểu quan… không biết các vị ở đâu tới…

Tiểu Thạch Sanh vội xen vào:

– Chúng tôi ở miền Đông độ tới… Nhưng tình trạng rất cấp bách, mọi việc thăm hỏi hàn huyên xin để lại sau. Xin đại quan dẫn đường để tam đệ lên lễ đài ngay làm lễ cầu đảo…

Huyện quan lập tức làm y lời, dẫn mấy người tới trước bàn thờ… Lúc đó, vị thầy chùa cùng chú sa di đã được mời ra ngồi nghỉ nơi gốc cây… Cuồng Huệ nhìn Thạch Sanh, thấy chàng gật đầu, nên y bèn thong thả bỏ đôi dép, đi chân trần lên lễ đài, rồi ngồi xuống tĩnh tọa…

Bộ mặt cùng dáng điệu oai nghi của y khiến huyện quan cùng dân chúng mỗi lúc mỗi sanh lòng tôn trọng. Đám đông như vậy, mà im lặng như tờ, kiễng chân hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của y.

Họ thấy Cuồng Huệ chẳng dùng gì đến chuông mõ cả. Chỉ ngồi kiết già thẳng tắp, bất động như một bức tượng trong hồi lâu. Rồi khoan thai giơ hai tay bắt chéo những ngón tay theo một thứ ấn quyết của loài rồng, và lớn tiếng nói một tràng dài những mẫu tự của loài rồng. Giọng nói của y uy nghi vang dội, tưởng chừng như đến từ một thế giới khác, như có thể vang dội tới chín từng mây thăm thẳm, nghe nửa như truyền lệnh, nửa như khẩn cầu, khiến cả đám đông đều nín thở như bị hóp hồn…

Lúc này, do công phu thiền quán, tâm lực cùng oai lực của y đã tăng lên nhiều so với thời ở miền Hương Thủy… Quả nhiên, chỉ trong giây lâu, những làn gió không biết khởi từ đầu, bỗng nhiên nổi lên, lúc đầu nhẹ nhàng, lần lần ào ạt, khiến cát bụi bay mù, nhưng làm mát rượi hẳn bầu không khí đang chói chang nóng bức. Rồi trên không trung những đám mây ùn ùn kéo tới kết lại đen kịt trên thinh không, và những tia chóp giật nổi lên đùng đùng…

Đám người dưới đất đều ngước mắt nhìn lên, hồi hộp chờ đợi những hạt mưa rơi xuống. Càn Thát Bà khoái trá khoa chân múa tay, nhưng không dám làm kinh động, nên chỉ ra hiệu và nói khẽ:

– Đó… Bọn Long Thần đã đến cả rồi… đến rồi đó…

Chưa dứt lời, thì liền có mưa xuống, những hạt nước thấm vào cổ vào tóc mỗi người… Chao ôi! Chao ôi! Giọt nước mới mát mẻ khoan khoái làm sao, khiến tất cả đều nổi lên tiếng kêu la mừng rỡ… Nhung lạ thay! Trận mua chỉ rớt xuống nhu một trận mua rào nhẹ nhàng, và chỉ được chừng giây lát, lại tạnh…

Càn Thát Bà lần đầu tiên bật tiếng kêu:

– Ơ hay! Sao lại thế này? Sao các bố Long Thần này lại hà tiện nước rãi quá vậy?

Bỗng thấy Cuồng Huệ từ từ đứng dậy, bước từ lễ đài xuống, miệng lẩm bẩm:

– Chắc có điều gì không ổn…

Rồi y lắc mình, vọt bay lên không trung, về phía đám mây… Đám dân chúng, đưong ngơ ngác não nề về vụ mưa ngưng lại, nay lại ồ lên một tiếng kinh ngạc. Viên huyện quan vội sụp xuống lễ Thạch Sanh:

– Các vị quả thực là người nhà trời…

Chàng vội vã đỡ lên:

– Đại quan chớ làm vậy, và xin đứng lên… Chỉ có tam đệ là người có quyền phép, nên có thể bay được…

Càn Thát Bà xen vào:

– ơ hơ… chú sa môn này ăn nói thiên vị quá! Như ta đây, ta cũng bay được chứ…

Hắn chưa dứt lời, thì Cuồng Huệ đã bay trở xuống, nét mặt buồn rầu, nói:

– Các vị Long Thần chỉ có thể làm như vậy được thôi. Làm một trận mưa rào… để chào mừng thân hữu… Không làm mưa lớn được… Muốn làm mưa lớn, phải có chiếu chỉ của đức Thiên Đe hoặc lệnh của Tứ Thiên Vương…

Thạch Sanh kêu:

– Chao ôi! Nếu thế, thì biết làm sao bây giờ?

Càn Thát Bà nói:

– Thiên Đế chính là lão Đế Thích đó… Hơ… hơ… Lão này bây giờ già, chắc là khó tính lẩm cẩm hay gắt gỏng… nên khó lắm đó… Có khi lại thù dai nữa…

Cuồng Huệ trầm ngâm:

– Bây giờ, phải có người lên cõi trời Dao Lợi xin chiếu chỉ thì mới cứu được dân chúng vùng này… Tiểu đệ muốn đi lắm, nhưng nghiệp lực của tiểu đệ là thuộc nơi trung giới, không bay lên đó được… Hay là… đại sư huynh ra công đi một chuyến…

Càn Thát Bà giẫy nẩy:

– Ấy, không được… một trăm lần không được. Lão đã trục xuất ta rồi, nay lại lò mò vác mặt về, có khi lão nổi quạu, lại còn làm hạn hán hơn nữa…

Cuồng Huệ phân vân, chưa biết tính sao, đưa mắt nhìn Thạch Sanh. Y kinh ngạc vì thấy mặt chàng đầm đìa nước mắt, nhưng nét mặt trang nghiêm xa vắng như một kẻ đã hạ quyết tâm. Chàng đưa mắt nhìn một lượt những bộ mặt hốc hác chung quanh, và chậm rãi lên tiếng:

– Tiểu tăng trộm nghĩ rằng đạo Từ Bi bao giờ cũng là thiên kinh địa nghĩa của vòm trời này cũng như của tất cả vòm trời khác… Nam mô Ngã Phật từ bi… Không lẽ dân chúng vùng này lại bắt buộc phải chết đói cả sao? Không lẽ chư Phật lại bỏ những kẻ có lòng thành khẩn hay sao?

Rồi chàng khoan thai từ từ bước lên lễ đài, cầm lấy chiếc mõ cùng chiếc dùi, ngước mặt lên thinh không, lớn tiếng khấn rằng:

– Kẻ tiểu tăng này, vốn dĩ ngu muội và nặng nghiệp, nhưng do nghiệp duyên đưa đẩy nên phải lãnh trọng trách đi thỉnh bộ kinh Pháp Bảo Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh. Nay đi qua đây, gặp cảnh cơ cực, không thể không động lòng trắc ẩn… Tiểu tăng cũng không biết là họ đã tạo những nghiệp chướng gì, khiến gặp phải hạn hán. Nhưng trước mắt chư Thiên Vương cùng Quỷ Thần Vương, tiểu tăng xin thệ nguyện gánh hết những nghiệp chướng này cho họ, có bao nhiêu cũng xin nguyện gánh vác… Tiểu tăng chỉ xin một kỳ hạn ân huệ để đi thỉnh bộ kinh pháp bảo mà thôi…

Khấn xong, chàng bước xuống đài, thong thả đi ra phía những bờ ruộng khô nứt nẻ. Vừa đi vừa lớn tiếng niệm Phật, tay thì gõ mõ, nước mắt lã chã tuôn rơi… Nhìn thấy chàng thất thểu đi, Cuồng Huệ lẽo đẽo đi theo, vì sợ chàng té ngã. Rồi huyện quan cùng đám đông cũng đi theo…

Lạ thay cho tâm lực của một người thành khẩn! Vì tất cả pháp giới này đều chỉ được tạo dựng nên do sức của cái Tâm ấy thôi, nên khi Thạch Sanh bước tới những thửa ruộng khô nứt nẻ, men theo bờ ruộng, không ngừng niệm Phật và gõ mõ… thì những tia chóp lại nổi lên đùng đùng, rồi những giọt mưa “cửu hạn” to và nặng rớt xuống lộp bộp, mỗi lúc một lớn… Hễ Thạch Sanh đi tới đâu, là mưa rớt xuống đó…

Chàng cứ đi như vậy suốt ba tiếng đồng hồ, khiến mưa đổ xuống như thác lũ, bao phủ khắp cả miền… Cuối cùng, chàng gần như kiệt lực, trượt chân té nhào xuống một hố nước… Cuồng Huệ đỡ chàng dậy, và mọi người xúm xít đưa chàng về nghỉ ngơi ở nơi quán xá. Tuy chàng đã về, nhưng trận mưa vẫn tiếp tục chừng hai khắc đồng hồ nữa rồi mới tạnh… Tính ra, thì được vừa vặn ba thước bảy tấc nước…

Thì ra trong lúc đó, vị Tỳ Sa Môn Thiên Vương (tức là một trong bốn vị thiên vương ngự trị ở lưng núi Tu Di) đương đi tuần trên không trung xem xét việc nhân thế. Đó là công việc các Ngài thường làm hằng ngày. Và nếu các Ngài không đích thân đi tuần tiễu, thì lại sai những vị thái tử hoặc các thiên thần đi tuần thay thế.

Vị Thiên Vương này đương bay là đà, bỗng nhìn thấy một làn bạch khí bốc lên cuồn cuộn từ miền Quế Châu đương bị hạn hán. Ngài liền bay tới, thấy lố nhố nhiều vị Long Thần đứng giữa những đám mây đen kịt. Ngài nhìn xuống dưới, thấy Thạch Sanh mặc cà sa đương đi men theo những bờ ruộng khô cằn, vừa đi vừa lớn tiếng niệm Phật, vừa gõ mõ lốc cốc, lại vừa lã chã rơi lệ. Vì có thiên nhãn, nên ngài nhìn rất rõ. Lại có tha tâm thông cùng một ít túc mạng thông, nên không cần nhiều lời nói, đã hiểu ngay cơ sự. Hiểu đó là một vị tăng đang bước vào con đường Bồ Tát Đạo, thành khẩn muốn xả thân để cứu độ kẻ khác…

Đồng thời, vua Đe Thích lúc đó cũng đương ngồi ở Thiện Pháp Đường, giảng nói cho chư thiên tử nghe về pháp Thập Thiện, trong lòng an vui hoan hỷ… Nhưng đương giảng tới đoạn khuyên chư thiên tử phải xa lánh tâm buông lung tham dục, xa lánh tham dục như tránh xa một con độc xà ghê gớm nhất của pháp giới này, mới mong vượt được qua cõi Dục giới, thì ngài bỗng thấy lòng dạ bồn chồn nóng nảy… Ngài nhìn xuống thì thấy Thạch Sanh… Vua Đế Thích vốn là một vị Bồ Tát vào khoảng đệ tam hay đệ tứ địa, nên có khá nhiều thần thông lực, bèn hiểu ngay cơ sự. Ngài cảm thấy một niềm vui rộn ràng, vì nhận thấy những luồng hào quang tâm Từ của Thạch Sanh khá mãnh liệt, và biết rằng chàng đã hạ quyết tâm… Ngài tự nhủ: “Lại thêm một người nữa bước vào con đường Bồ Tát Đạo, và như thế, bạn lữ trên con đường hạnh nguyện mỗi lúc mỗi đông, và chắc rằng chư Phật rất hoan hỷ…” Ngài muốn đích thân đi xuống để xem xét cơ sự rõ rệt hơn, nhưng vì đương bận giảng pháp, nên sai một vị thiên tào xuống chỗ có nhiều đám mây đen… Sự việc kể ra có lòng dòng, nhưng thực chỉ diễn ra trong mấy cái nháy mắt…

Và trận mưa “cửu hạn” đã rào rào đổ xuống, chuyển tất cả gánh nặng nghiệp chướng của dân chúng miền đó, sang đôi vai gầy guộc của Thạch Sanh…

Huyện quan Quế Châu là một viên quan hiếm có, biết thương dân. Nên ông ta vui mừng khôn xiết, ở giữa đám ruộng lõng bõng nước, thụp xuống lạy bọn Càn Thát Bà, và theo tục lệ Tây Trúc, cứ lấy đầu mình đập vào chân Càn Thát Bà cùng Cuồng Huệ. Càn Thát Bà lại có dịp khoái chí, vừa cười hăng hắc, vừa giẫy đành đạch vì hắn rất sợ bị nhột vì sự đụng chạm với thân thể người khác, dù huyện quan là đàn ông…

Còn dân chúng thì khỏi nói. Họ như người đã chết, nay được sống, nên cứ thi nhau lăn như bong bóng dầm mình trong nước ruộng, vừa tắm rửa kỳ cọ, vừa hỏ reo vừa lớn tiếng ca hát… Rồi họ xúm nhau cồng kềnh ba người kia cùng huyện quan, lội bì bõm về nơi quán xá… Tới nơi, Thạch Sanh đã được nghỉ ngơi tỉnh táo rồi… Huyện quan thấy trời đã xế chiều, nên ngỏ lời mời bọn Thạch Sanh về huyện xá để dùng tiệc trai… Rồi ông lật đật cáo từ về huyện trước, sửa soạn cỗ bàn…

Bọn Thạch Sanh thay đổi quần áo, có mấy người lính phục dịch. Càn Thát Bà vừa thay áo, vừa cười nói liên miên không dứt… Họ bước lên bốn cỗ kiệu, được sắp đặt để về huyện xá. Được ngồi kiệu cũng là một niềm vui mới lạ của Càn Thát Bà. Dân chúng xúm xít đi theo kiệu… Nhưng lần lần, họ cũng bỏ ra về vì đói bụng quá… Chỉ cỏn một ít vẫn lẽo đẽo theo… Bốn người ngồi co ro trong kiệu, khó nhìn ra ngoài vì có những rèm che… Nhưng vừa đi qua một khúc đường rẽ, bỗng có tiếng cười rồi tiếng người nói lanh lảnh nghe rõ mồn một:

– .. ha… tiếng mõ cũng khá đấy! Nhưng cũng còn đục lắm, chưa đi đến đâu…

Càn Thát Bà vội vén rèm, nhớn nhác nhìn ra ngoài. Thấy ở phía xa ven đường, dưới gốc cây, có đôi trai gái, bận áo trắng, đương cùng ngồi trên lưng con ngựa lớn đen tuyền… Thiếu nữ đeo mạng ngồi trên yên ngựa, còn thiếu niên ngồi phía sau yên, nhưng đưa cánh tay luồn qua nách thiếu nữ giữ chặt cương ngựa… Gã đương há miệng cười ha… hả… Càn Thát Bà kêu:

– Đúng là nó đó… nó đó…

Cuồng Huệ cũng thò đầu ra hỏi:

– Đại sư huynh nói ai vậy?

– Thì là cái thằng đó thằng có hai cơ quan…

Vừa nói, hắn vừa lật đật chui ra khỏi kiệu… Nhưng gã công tử phong lưu kia, bật tiếng cười lớn, đã vỗ mạnh vào mông ngựa, khiến con ngựa vụt phi nước đại, chạy theo con đường nhỏ về phía Tây, có rặng núi đá dài… Tiếng cười lanh lảnh còn vọng lại…

Càn Thát Bà đương định quẩy cẳng, bay lên đuổi theo, nhưng Cuồng Huệ đã nắm chặt cánh tay hắn:

– Thôi bỏ đi đại sư huynh, không nên theo gã…

Càn Thát Bà hậm hực, tần ngần một lát, nhưng cũng đành nghe theo… Rồi cả bọn, giữa lúc hoàng hôn đỏ nhạt, kéo nhau về huyện nha dự tiệc chay…

*

Buổi tối hôm đó, giữa buổi tiệc chay tại huyện nha một sự việc kỳ diệu đã đến với Thạch Sanh, khiến chàng ngẩn ngơ không ít, và rồi cứ ngẩn ngơ hoài hoài, số là từ khi được mang viên ngọc Như Ý Biến Chiếu trong người, chàng rất ít khi cảm thấy đói khát. Nên lúc rời đảo Qua Oa, chàng chỉ mang theo một ít lương thực khô làm bằng hột bắp, thứ hột bắp do bọn nữ quái trồng trên đảo để lấy chất liệu nấu rượu bắp. Rồi trong khi vượt biển cả cùng đi trên miền cát sỏi, chỉ khi nào cần lắm chàng mới lấy ra một nắm nhỏ để ăn cho đỡ đói. Nên tới nay, ở trong bọc chàng, vẫn còn một gói lương khô ấy.

Rồi tới khi ngồi vào bàn tiệc, nhìn bát cơm nóng hổi đặt trước mặt, sau lời mời của huyện quan, chàng làm theo tục lệ người Tây Trúc, lấy tay bốc một nắm cơm nhỏ bỏ vào miệng. Nhưng kỳ dị thay! Miếng cơm đó vừa lọt vào miệng đặt trên lưỡi chàng, thì chưa kịp nhai, cơm đó đã như tan loãng ra, biến thành một thứ cam lồ thơm ngon ngào ngạt như chưa bao giờ chàng từng được nếm. Chàng giật mình sợ hãi, thầm nghĩ có lẽ tại mình lâu quá không được ăn cơm nóng chăng, nên nay mới thấy ngon ngọt như vậy… Sợ hãi hơn nữa, vì chàng hiểu rằng một vị sa môn cần phải nghiêm trì giới luật, và trong khi ăn, nếu mình khởi lên tâm niệm tà vậy thấy là ngon, thì cũng là phạm giới rồi…!

Chàng ngồi ngẩn ra một lát. Rồi lại bốc một miếng nữa bỏ miệng. Cảm giác cam lồ vị cũng vẫn y như vậy… Chàng nghĩ thầm có lẽ trên các cung trời, những thức ăn trân bửu cam lồ của chư thiên chắc cũng chỉ ngon ngọt như vậy thôi… Chàng lại ngẩn người ra, vì thấy chất cam lồ ấy thấm vào toàn thân, cả thân đều lâng lâng nhẹ nhàng khoái lạc. Ăn thêm mấy miếng cơm nữa, vẫn như vậy… Bỗng chàng bẻ một miếng bánh khô làm bằng bột mì, rồi bỏ vào miệng, nhưng vẫn thấy như vậy…

Sực nghĩ tới gói lương khô hột bắp, chàng liền móc ra một chút, rồi lén bỏ vào miệng. Cảm giác cam lồ vị vẫn y hệt… Một ý nghĩ thoảng trong đầu, khiến chàng vui mừng rộn rã, vì nghĩ rằng có lẽ mình đã đắc được một khả kỳ diệu nào đó mà chưa biết rõ…

Thì ra chàng đã đắc được thiệt căn thanh tịnh, tức là chiếc lưỡi thanh tịnh. Do công phu niệm Phật lâu dài, cũng như do sức từ bi nở ra trong khi chàng thành khẩn niệm Phật để cầu mưa… Theo lời kinh, thì những người trì tụng kinh lâu dài, hoặc niệm Phật thuần thục, thường có thể đắc được một, hai thứ căn thanh tịnh. Nếu được nhãn thanh tịnh, thì có thể nhìn nhiều thứ rất nhỏ, hoặc nhìn thấy những tầng trời. Tai thanh tịnh có thể nghe rất xa và nghe nhiều thứ tiếng chúng sanh… Nếu được thân thanh tịnh, thì thân lần lần trong sáng như ngọc lưu ly, và nhiều sự việc xảy ra ở rất xa, đều có thể ảnh hiện trong tấm thân thanh tịnh ấy, tương tự như trong chiếc gương lớn bảo vật của vua trời Phạm Thiên vậy. Nếu được chiếc lưỡi thanh tịnh, thì mỗi thứ thức ăn lọt vào trong miệng, dù là thứ xấu dở, cũng tự trở thành thơm tho ngọt ngào như trân bửu cam lồ… Ngoài ra, trong khi nói chuyện hoặc thuyết giảng đạo lý, chiếc lưỡi thanh tịnh sẽ làm phát ra những âm thanh dịu dàng hỏa ái, âm thanh này lại biến hóa nhiều cách để xoáy sâu vào tâm thức của nhiều loại chúng sanh. Khiến người nghe thường vui vẻ tin theo… Cũng tương tự như thiên nữ Biện Âm trên cõi trời Dao Lợi…

Lúc này, Thạch Sanh đã đắc được thiệt căn thanh tịnh, nhưng chưa ý thức được rõ ràng. Sau này, những quyền năng nói trên sẽ lần lần nảy nở, khiến chàng cứ ngẩn ngơ hoài hoài..