TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XVII

Ven đường gặp gỡ Trảm Tứ Cú
Gánh đôi lồng đi kiếm tri âm

Sau khi từ giã lão già cùng tên quỷ Tật Hành, bọn bốn người lại lên đường.

Đi chừng bốn, năm ngày đường nữa thì ra khỏi được miền đầm lầy hoang vu và tới một con đường lộ, thỉnh thoảng đã thấy có người lơ thơ qua lại… Càn Thát Bà ra vẻ thích thú vì được nhìn thấy người, vì có lẽ hắn đã gặp mãi những loài yêu quỷ cùng phi nhơn rồi.

Lần lần, gặp một con sông nhỏ uốn khúc lững lờ gần ven đường. Và trên bờ sông, lác đác những làng mạc nhỏ, gồm vài ngôi nhà tường vách đắp bằng đất, phủ mái tranh, nhưng mái tranh nào cũng thường có một dàn cây leo có hoa vàng che phủ. Lúc này, là khoảng trung tuần tháng chạp, đã gần Tet rồi, khí trời hơi lạnh, nhưng nơi đây vẫn có hoa vàng… Xen lẫn có những tiếng gà, chó cùng tiếng lợn ủn ỉn, nghe cũng vui tai. Trước sân mỗi nhà, thường có một đống phân bò, ngoài sân phơi la liệt những cụm cải xanh lớn… Gã đồng tử vừa chỉ vừa nói:

– Họ phơi cải xanh cho héo bớt đi, rồi muối dưa cà ry ăn Tet đó…

Càn Thát Bà cũng chỉ chỏ:

– Lạ chưa! Ở đây họ nuôi lợn, mà lại nuôi lợn trên mái nhà mới kỳ chứ… Kia kìa… có hai con lợn con nằm phủ phục trên mái nhà…

Gã đồng tử cười như nắc nẻ:

– Đại sư phụ bé cái lầm rồi!… Không phải lợn đâu, mà là bí ngô đó. Bí ngô lâu năm nên to lắm, họ cắt cuống rồi để nằm luôn trên mái đó, lúc nào thiếu gạo mới lấy xuống ăn…

Gã ra chiều rất hớn hở, như kẻ sắp được về tới quê nhà. Càn Thát Bà bắt bẻ:

– Này, mi bảo rằng… mi sắp chết đến nơi rồi, chẳng còn sống được mấy ngày nữa, mà sao nay mi có vẻ vui thế?

Gã kia phụng phịu:

– Đại sư phụ còn nhắc đến vụ đó làm gì nữa? Phải để cho tôi vui chứ! Chính vì tôi sắp chết rồi, nên lại càng phải vui… Tôi còn ăn một cái Tet nữa, rồi đốt pháo nữa… rồi có chết thì mới chết…

– ừa, ừa.. mi nói cũng có lý… (khoát tay) Chà chà! Sao ở cái xứ của mi, lại lắm hoa vàng thế nhỉ!? Này, ta đố mi nhé… Đố mi biết được cái này…

– Đại sư phụ cứ đố đi… Nhưng nếu tôi nói được, thì đại sư phụ phải thổi tiêu cho tôi nghe nhé…

– Không được… Mi bắt chẹt ta quá… Vả lại, ta chắc rằng câu đố này, mi không tài nào trả lời được… Chính ta nghĩ mãi mà cũng chưa thấy ổn… Này nhé… ta đố mi biết được những bông hoa vàng này chúng nó chui ở đâu ra thế nhỉ?? Chui ở đâu ra… ?

Gã kia ôm bụng cười lăn lộn:

– Ôi chao… Đại sư phụ làm tôi cười sắp đứt ruột đây này… Có thế thôi mà cũng đố…

– Vậy mi trả lời đi…

– .. hi… Tôi cũng bé cái lầm rồi… Trước kia, tôi kêu đại sư phụ là lão tiên sinh, nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng chắc đại sư phụ có kiến văn quảng bác lắm, nên tôi mới tôn lên là đại sư phụ… Không ngờ… không ngờ rằng đại sư phụ lại đố một câu ngây ngô đến thế… hi… hi…

Càn Thát Bà tức tối:

– Mi cho là ngây ngô hả?… Vậy trả lời đi….

– Thì… những bông hoa vàng đó là hoa bí ngô… thì dĩ nhiên là chúng phải chui ra từ thân cây bí ngô chứ gì…

– .. a… mi lại nói cù cưa rồi… Mi cũng nói như mọi người, cũng cho là như vậy…

Nhưng ta, ta cho là không phải vậy… (lắc đầu quầy quậy) Nó không phải chui ra từ đó đâu…

– Sao đại sư phụ lại bảo rằng nó không chui ra từ đó?

– Này nhé… nó là hoa, nó màu vàng, cánh hoa của nó mềm và mịn màng, nó lại có một chút hương thơm nữa… Còn cái thân dây leo kia, thì mi có đem chặt nhỏ làm trăm mảnh, mi cũng không thấy có màu vàng; không thấy mịn màng, và chỉ có mùi hăng hắc… Bởi vậy, đâu có thể từ đó chui ra được, đâu có được?

– Thế đại sư phụ trả lời ra sao?

Càn Thát Bà tần ngần:

– Nếu ta trả lời được, thì đã không đố mi làm gì… Ta nghĩ mà vẫn chưa thấy ổn… Có lẽ… phải nói rằng những bông hoa đó… cũng chui ra từ trong khoảng trời đất này mà thôi… hoặc từ… hư không cũng nên…

Bỗng có tiếng nói oang oang vang lên: “Không được… Cũng vẫn là không được…” … Mấy người đều sửng sốt nhìn quanh. Lúc đó, họ đương đi ven bờ sông, và tiếng nói phát ra từ một bụi cây ven bờ… Gã đồng tử nhanh chân chạy tới bụi cây, Càn Thát Bà chạy theo, rồi cả hai đều ngẩn người ra nhìn.

Thấy một gã hán tử, vóc người to lớn, quần áo rách bươm, ngồi dựa lưng vào bụi cây, thò hai chân xuống nước sông, lấy chân đập đập nước như là đứa trẻ. Càn Thát Bà vội hỏi:

– Này, ngươi nói với ai thế? Nói một mình hay nói với ta đấy…?

Hán tử ngẩng đầu lên, dáng điệu uể oải buồn thiu:

– Cũng vẫn là không được… vẫn chưa được. Khổ chưa?

– Ngươi bảo cái gì là không được… là chưa được?

– Thì lời nói của lão vừa rồi đó… Lão bảo rằng những bông hoa ngây ngô này chui ra từ khoảng trời đất hoặc từ không khí đó… Ta thấy lời nói ấy cũng không được, cũng chưa được… (Gã gục gặc đầu, vẫn buồn thiu) Vả lại, hình như lời nói nào cũng vậy… hình như vẫn không được… chưa được…

Càn Thát Bà nhìn gã một hồi lâu, rồi bỗng vỗ đùi phá lên cười hăng hắc. Hắn thấy gã kỳ dị ngộ nghĩnh, và hắn thì vốn thích những thứ gì quái dị… Nhìn kỹ thấy gã có bộ mặt trắng bệch và tròn như cái đĩa, vào trạc tráng niên, nhưng vẻ mặt buồn thiu vì hai lông mày đều chúc xuống phía thái dưong… Đầu tóc lởm chởm bù xù, nhưng trên đầu lại cột một ngọn đèn nhỏ, nhưng không thắp lửa. Phía sau y ngồi, đặt hai chiếc lồng chim lớn, to gần bằng cái bồ, đan bằng trúc rất đẹp. Nhưng trong lòng rỗng tuếch, chả có chim hay vật gì hết. Càn Thát Bà không nhịn nổi:

– Nhà ngươi đi buôn chim hả?

– Đâu có. Ta đâu có nghề ngỗng gì…

Càn Thát Bà chỉ hai cái lồng:

– Nếu nhà ngươi không đi buôn chim, sao lại gánh hai cái lồng chim?

Gã kia xua tay:

– Khổ chưa? Hai cái này mà gọi là lồng chim hả?

– Nếu không phải lồng chim, thì nhà người dùng nó để làm cái gì?

Gã kia xua tay lia lia:

– Cái này… khó lắm… khó nói lắm. Không nói được…

– Có gì mà khó… có gì mà không nói được? Nó chỉ là một cái lồng chim đan bằng trúc rất đẹp, nhưng lại rỗng tuếch không có chim…

Gã kia giơ hai tay lên trời, ra chiều thất vọng:

– Khổ chưa! Không phải một, mà là hai cái lồng… Nếu là một, thì đã không có chuyện…

– ừa… thì hai cái lồng… Nhưng tại sao nhà ngươi lại chỉ đan hai cái lồng? Tại sao không đan ba cái?

Gã kia trợn tròn đôi mắt ti hí, có vẻ ngạc nhiên:

– À, à… thế ra lão… cũng là một tay thâm sâu đây, một tay giang hồ lạc thảo rách trời rớt xuống, có đôi chút trí huệ đây… (nháy mắt ra vẻ đồng lõa) Này, thế lão hiểu được chứ?

Càn Thát Bà chu chéo:

– Sai toét… Nhà ngươi nói sai toét. Ta rách trời rớt xuống thì đúng, nhưng giang hồ lạc thảo thì sai toét… Nhà ngươi phải cẩn thận khi dùng chữ nghĩa văn tự, vì nhà ngươi dùng sai toét…

Gã kia phác một cử chỉ bất cần:

– Thì ta đâu có cần chữ nghĩa văn tự làm gì… Nhưng này, lão cũng hiểu cái… cao siêu đôi chút chứ?

– Cao siêu? Nhà ngươi bảo hai cái lồng này là cao siêu hả?

Gã kia than:

– Ôi thôi, thì ra lão cũng chẳng hiểu gì… (đấm ngực) Khổ chưa, chết chưa! Thì ra lão cũng chỉ là một tên mù lòa như tất cả bọn người mù lỏa kia thôi… thật là toi công, công toi… Ta khổ công gần suốt hai mươi năm trời mới đan được cái lồng này, mà xem chừng chẳng có một đứa nào hiểu nổi cả… Có đứa dám bảo rằng ta mang lồng đi buôn lợn con… Khổ chưa! Chết chưa!

Càn Thát Bà đã toan nổi nóng, nhưng nhìn thấy gã kia buồn bã quá, nên cố nén cơn tức giận… Cuồng Huệ bỗng tiến lên hỏi:

– Không biết tôn huynh có thể mở lòng… giải thích nói rõ hơn cho bọn đệ được nghe không?

Gã kia ngước mắt nhìn Cuồng Huệ, thấy y đẹp đẽ oai phong, nên từ từ đứng dậy. Nhưng vẫn cười gằn:

– Nói rõ ư?… (gã khoát tay) Nhưng trời đất mù mịt như thế này, làm sao mà nói rõ được? Vả lại… cái mà ta suy nghĩ hai mươi năm trời mới nhận thấy được lờ mờ, thì khổ chưa, làm sao mà nói rõ… ?

– ?!

– Khổ chưa? VỊ đài huynh này có ý khẩn cầu ta nói rõ về hai cái lồng này… nhưng làm sao mà nói rõ?! Ta gánh hai chiếc lồng này trên vai, đi lang thang suốt ba năm trời, mà cũng chẳng có ai đáp giải được gì cả… Là vì chính nó là một cái công án lưu động đấy…

Càn Thát Bà bực tức:

– Này nhà ngươi đừng có dùng văn tự chữ nghĩa nữa, có được không? Chữ nghĩa của nhà ngươi dùng trật lất cả… Huynh đài thì lại nói là đài huynh… Không biết ngày xưa, nhà ngươi có cắp sách đi học không đây?

– Cũng có chứ… ít nhất ta cũng đi học bằng một người khác. Nhưng ta không thích học chữ mấy, mà chỉ thích học nghĩa thôi…

– Khổ lắm! Nhưng nếu nhà ngươi không học chữ không nhớ được chữ thì làm sao hiểu được nghĩa…?

– Ấy thế mà ta vẫn tóm được nghĩa đấy! Này nhé… tỷ dụ như ta gọi vị này là đài huynh thì nó cũng có một chút ý nghĩa tôn trọng như là kêu huynh đài vậy….

– ừa… thì cũng tạm được đi… Nhưng cỏn công án là cái gì vậy? Lại còn lưu động nữa!

Gã kia chưa kịp trả lời thi gã đồng tử xen vào:

– Cái này… cái này thì tôi biết. Hừm… Công án là một cái gì… khó đáp… khó giải… Này đại sư phụ, nó tương tự… như một câu đố rất khó ấy mà…

– Câu đố hả?… Nếu vậy, sao không nói toẹt là câu đố ngay không?

Hơ… hơ.. Nếu nó chỉ là câu đố phải dễ hiểu… đố, thì ta đây cũng có nhiều công án lắm…

Gã kia vẫn nói giọng buồn thiu:

– Khổ chưa! Nhưng chẳng có công án nào cao siêu hơn hai cái lồng của ta được…

– Thúi lắm, ngươi nói thúi không ngửi được…

– Ta đâu có cần lão ngửi. Ta chỉ cần có người nhận thấy cái cao siêu… to lớn tôn quý…

Càn Thát Bà đương toan cãi lại, thì Cuồng Huệ đã xem vào:

– Công án của tôn huynh quả là dị kỳ khó hiểu. Nên lai lịch của tôn huynh chắc phải khác thường. Bọn đệ vốn còn thấp thỏi, nên mong tôn huynh cho biết đôi chút lai lịch thì may ra bọn đệ mới lãnh hội nổi chút ý nghĩa về hai cái lồng rỗng này chăng?

Gã kia ý chừng ưa ngọt, nên có vẻ xiêu lòng. Gã bần thần hồi lâu, rồi nói như miễn cưỡng:

– Khổ chưa, chết chưa!… Lại lai lịch… phải khai lai lịch… Nhưng thực tình, công án của ta to lớn tôn quý quá, nếu ta không chịu khai một chút lý lịch, thì e rằng đài huynh có khổ công nghĩ tới ba năm cũng không nhận ra nổi ý nghĩa… Ta trong hồi còn trai trẻ, vốn xuất thân trong bọn Ni Kiền Tử. Đài huynh ở xa tới, chắc chưa nghe nói tới bọn này. Khổ chưa! Họ thường chuyên ở trần trường ngồi xổm, hoặc nằm trên những đống phân gà lợn, ăn đủ các thứ rác rưởi, có khi ăn chuột chết, ăn cả phân, rồi ăn bã rượu đế đưa cay mùi hôi tanh. Họ cũng từng tuyên xướng là chẳng có nhân quả gì hết, tự nhận mình là A La Hán hiện thân, nên có nhiều người đến lễ lạy cúng dường lắm.. Ta ở với chúng được hai năm, chán nản quá, vì thấy chúng chẳng đi tới đâu cả… Ta đành bỏ đi, về ở nhờ nhà người anh ruột. Nhưng chết chưa! Ông anh ta thì hiền lành tốt bụng, nhưng ta vấp phải bà chị dâu, một mụ giặc cái…

Càn Thát Bà khoái chí cười ha hả:

– Đúng rồi, giặc cái là đúng lắm… Bọn nữ nhân nào cũng là giặc cái cả… Vậy thế hai cái lồng này là nhà ngươi làm ra để cốt nhốt…

Nhưng gã kia đã cắt ngang:

– Tuy ta gọi là giặc cái, nhưng thực ra mụ ấy cũng chẳng độc ác gì đâu, có khi cũng tốt bụng nữa… Chỉ phải mỗi cái là mồm loa mép giải, và hay cãi lý lắm…

Càn Thát Bà lại xen vào:

– Hơ, hơ… mồm loa mép giải…! Hay đấy, lần này nhà ngươi dùng chữ khá đúng đấy… Ta phải ghi lấy chữ này mới được… Thế nhưng mụ cãi lý ra sao?

– Khổ chưa! Cãi lý là cãi lý chứ cỏn ra sao nữa? Này nhé, thí dụ như ta nói xuôi thì mụ nhất định nói ngược. Thí dụ ta nói về phía hữu, thì mụ lại nhất định nói về phía tả. Thí dụ ta cho là đẹp, thì mụ lại chê là xấu… ta cho là thom thì mụ lại chê là thúi ngòm… Ầy cứ như vậy thôi, nhưng mụ mồm loa mép giải quá, nên ta cãi không kịp… Nhất là lúc nào mụ cũng viện dẫn lời kinh, nào là kinh Vệ Đà, nào là u Bà Ni Sát… không hiểu mụ nghe lỏm ở đâu mà thuộc cứ vanh vách… Lúc đó, ta chưa đọc kinh, nên nhiều lúc tức hộc máu, mà không cãi nổi mụ…

– Không cãi nổi, sao không phang cho mụ một gậy?

– Lão này hồ đồ quá! Không phang được, vì nếu phang thì chắc là mụ không cho ăn cơm nữa…

– Ờ nhỉ! Ta quên khuấy đi mất là nhà ngươi phải ăn cơm… Thì ta vẫn nói rằng hễ có cái thân máu thịt phải ăn cơm là mọi sự đều hỏng… Vậy thế ngươi đối cách nào?

– Chả cỏn cách nào nữa, nên ta đành bỏ đi thôi. Chỉ vì mình kém cỏi về kinh kệ, nên thua cả một mụ đàn bà… Bởi vậy nên ta quyết tâm đi học kinh kệ đạo lý. Ta lặn lội tìm tới một ngôi đền của một ông thầy sãi Vệ Đà Giáo và xin làm môn đệ. Ta khổ công hầu hạ cơm nước cùng rửa chân cho ông ta suốt năm năm trời… Nhưng lần lần, ta nhận thấy lão cũng chỉ thuộc có mỗi bộ kinh Vệ Đà dạy về cúng kiếng thôi, còn về các kinh khác, thì lão cũng mù tịt, có khi còn kém cả mụ giặc cái kia… Thế rồi… khổ chưa chết chưa…

Càn Thát Bà sốt ruột:

– Thế rồi sao nữa? Nhà ngươi có thể bớt cái khổ chưa, chết chưa được không?

Gã kia lắc đầu:

– Không bớt được… Lão chắc chưa hiểu được đâu… Vì rằng cuộc đời này đâu có gì đâu?! Chỉ có khổ chưa hoặc chết chưa mà thôi… Vì rằng cái ông thầy sãi Vệ Đà của ta đó, bỗng nhiên lăn đùng ra chết nốt… Thế rồi bỗng dưng ta trở thành một ông thầy sãi chủ một ngôi đền…

– Thế nhà ngươi có thấy khoái chí không?

– Cũng chẳng khoái gì mấy, vẫn là khổ chưa chết chưa mà thôi… Chỉ được cái rảnh rang nhẹ nhàng hơn trước. Nhưng ta vốn không thích cúng kiếng, nên ta nuôi luôn một chú sãi khác để lo việc cúng kiếng… Thế là ta được rảnh rang, chỉ việc vùi đầu vào kinh sách… Đọc ngốn đọc nghiến suốt mười mấy năm trời. Nào là kinh Vệ Đà, nào là u Ba Ni Sát, và cả những sách vở của các trường phái… Ta đọc riết đến gần như thuộc lòng…

Càn Thát Bà suýt xoa:

– Chà, chà…. ghê quá đi! Chỗ này, thì ta phải nhận rằng nhà ngươi ghê gớm hơn ta… Bình sinh, ta thỉnh thoảng cũng có sờ mó đến cuốn kinh, nhưng hễ cứ đọc chừng một hồi, là mắt cứ ríu lại rồi ngủ khì… (chỉ tay lên đầu gã kia) À này, ta muốn hỏi có phải vì nhà người đọc kinh kệ nhiều quá, nên lúc nào cũng treo sẵn trên đầu một chiếc đèn phải không?

Gã kia giơ tay lên đầu:

– Cái đèn này hả?… Cái này cũng là một công án đấy, nhưng không được cao siêu bằng hai cái lồng kia…

Càn Thát Bà trố mắt:

– Cái đèn cũng công án?

– Ờ… cũng là công án. Nhưng công án xoàng thôi, nên ta có thể nói cho lão biết được… Chiếc đèn đó, chính là đèn trí huệ ấy mà…

– Đèn trí huệ ?… Ôi thôi, thế ra nhà ngươi to gan thật, lớn mật thật. Dám tự nhận mình là có đèn trí huệ…!

– Lão vẫn hồ đồ quá… Ta đâu có nói là gan mật ta to, cũng không có nói là gan mật nhỏ. Ta cũng không có nói là ta có đèn trí huệ, cũng không nói là ta không trí huệ… Ta chỉ đeo chiếc đèn thôi…

– À… à… Nhà ngươi cũng nhiều giọng lưỡi lắm… Nhưng thế tại sao ngươi lại không thắp đèn lên, mà chỉ đeo một cây đèn tắt ngủm?

Gã kia gật gù cái đầu bù xù:

– Thì là như vậy đó… Ta phải để nó tắt ngủm là vì nếu ta thắp nó lên, thì thế gian này sáng trưng, nếu hết mờ mịt, thì đâu còn là thế gian nữa?

Càn Thát Bà có vẻ rất khoái trá về câu nói của gã kia. Hắn vỗ đùi cười hăng hắc:

– Ha, ha… cha nội này có vẻ cao siêu đấy, có khi gã cao siêu ghê gớm đấy… Gã lại thuộc lòng nhiều kinh, thì giống nhu một bộ kinh sống rồi còn gì! (đẩy tay Thạch Sanh) Có khi bọn mình cũng chẳng cần đi thỉnh kinh nữa. Cứ thỉnh ngay gã, rồi lôi gã về Phong Châu là được, về đó rồi bắt gã đọc thuộc lỏng lại những bộ kinh rồi mình chép lại là được rồi…

Thạch Sanh bỗng lên tiếng hỏi:

– Bần tăng muốn thỉnh giáo tôn huynh… không biết tôn huynh đã tụng đọc bộ kinh tên là: “Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh” chưa?… Bọn bần tăng nay đi sang miền Tây Trúc này là chỉ có tâm nguyện muốn thỉnh được bộ kinh đó đem về xứ Phong Châu.

Lần đầu tiên, gã kia lộ vẻ lúng túng:

– Sao?… Lại có một bộ kinh tên là Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh sao?…

Không, không… ta chưa hề nghe thấy tên bộ kinh này…

Cuồng Huệ bỗng hỏi:

– Không biết tôn huynh có nghe nói một vị sa môn tên là Đức cồ Đàm Mâu Ni không? Và có từng đọc những bộ kinh của vị đó không?

– Dĩ nhiên rồi… Ở đất Tây Trúc này, ai mà chẳng nghe nói tới vị Mâu Ni đó. Ta lại còn đọc đến non chục bộ kinh do vị đó nói nữa… Nhưng ta không thấy có gì cao siêu mịt mùng, nên không hấp dẫn mấy…

Càn Thát Bà xen vào:

– Sao ngươi dám bảo là không cao siêu mịt mùng?

– Lão quả thực là một kẻ hồ đồ… Này nhé lão giương mắt ra mà nhìn cái vũ trụ bao la này, lão có thấy là nó lạ lùng mờ mịt khó hiểu không?… Nó cứ mờ mịt như vậy đó, mà mình cóc có thể hiểu được là nó ở đâu mà ra? Nó cứ lừng lững như vậy đó, mà mình không sao hiểu được là nó cùng tận hay không cùng tận?! Bởi vậy, nên đã gọi là kinh, thì cần phải nói về cái mờ mịt ấy… Đằng này không, trong mấy bộ kinh ta đọc, chỉ thấy nói những chuyện chán phè nhu thở ra hít vô, hoặc nói mấy thứ giới cấm khó giữ thấy mẹ…

Càn Thát Bà gật gù:

– ừa… ừa… nhà ngươi nói cũng có lý. Nhưng cũng có thể là có nhiều bộ kinh khác mà ngươi chưa đủ diễm phúc để đọc…

– Cũng có thể là vậy… Nhưng có một điều phải công nhận là tuy ta xuất thân là sãi Vệ Đà, ta lại mang ơn khá nặng của một ông thầy chùa của phái Mâu Ni ấy…

– Vậy hả? Khổ chưa! Chết chưa! Vậy ơn nghĩa ra sao?

– Ơn nghĩa này kỳ cục lắm… Lão chỉ đánh ta có mấy gậy, mà ta phải mang ơn lão.

* ì mấy gậy của lão đã mở hé cho ta con mắt trí huệ… Này nhé, lúc đó, ta ngồi cặm cụi đọc nghiến các thứ kinh. Cả kinh Vệ Đà cùng mọi trường phái. Các kinh này có điểm hấp dẫn là nói về cái cỗi nguồn mờ mịt nhiều lắm. Đọc thì lâm ly say mê nhưng lần lần lại thấy rối bét. Họ lập ngôn ghê gớm, đưa ra nhiều ý tưởng kỳ lạ, rồi lập thuyết tạo thành những thứ trận đồ mê hồn, khiến kẻ đọc nhiều khi chẳng biết đường nào mà mò… Này nhé, nhiều phái thì cho rằng vũ trụ này là do một đấng thượng đế tạo ra, hoặc một thần ngã tạo ra. Nhưng có phái thì lại cho rằng đó là do vi trần tạo ra, hoặc do đất tạo ra, hoặc do nước tạo ra, hoặc do lửa hay gió… Có phái lại cho rằng do thời gian tạo ra. Có phái lại cho là tự nhiên mà có, hoặc là do một sự hỗn độn ngẫu nhiên mà thành… Mà phái nào cũng viện dẫn nhiều lý lẽ, nhiều thứ ngôn từ to lớn lắm… Ta đọc riết rồi thấy đầu mình như một mớ bòng bong, chẳng hiểu thế nào là đúng hay sai, là phải hay quấy, chẳng biết đâu là đầu và chỗ nào là đuôi nữa… Vì ta đã lạc vào cái mê hồn trận của ngôn từ, của ý tưởng rồi… Chẳng biết đằng nào mà tin… Ta chán nản ngẩn ngơ như vậy đến gần một năm trời, thì bỗng một hôm, ta vừa đi ra khỏi đền, bèn gặp ông thầy chùa thuộc phái Mâu Ni…

Gã ngừng lại giây lâu, như hồi tưởng:

– Lúc đó là vào gần giữa trưa. Lão ngồi gần một bụi cây để tránh nắng… Trông lão chỉ hơn ta chừng chục tuổi, vẻ mặt phong sương đen cháy, nhưng có bộ răng trắng bóng… Lão đương ngồi chậm rãi bốc từng miếng cơm từ chiếc bình bát đưa lên miệng ăn. Vừa ăn vừa nói một mình: “Ngon chăng? Không ngon chăng?” Vừa nói lẩm bẩm 148 như vậy, vừa đưa mắt nhìn ta, tròng mắt thoảng như có ý tinh nghịch. Lúc đó, không hiểu sao ta lại ngồi xuống cỏ, và ngồi nhìn lão ăn… Lão vừa nhai vừa lẩm bẩm: “Vui chăng? Buồn chăng?… Im lặng chăng? Muốn nói chăng?…” Lão như có ý đùa cọt ta, nhưng lúc đó ta buồn thiu nên cũng chẳng trả lời. Lão cứ vẫn từ tốn nhai đến hết bát com to tướng, lấy tay áo gio lên chùi mép, rồi bỗng hỏi ta:

– Ông bạn chắc là sãi chủ đền này, nổi tiếng là giỏi kinh sách, nên bần đạo muốn thỉnh giáo vài câu được chăng?

Ta cũng chẳng buồn trả lời, chỉ im lặng gật đầu… Lão bỗng đột ngột lớn tiếng hỏi:

– Có Thượng Đế chăng?

Ta đờ người ra vì ngạc nhiên, không ngờ lão hỏi vậy. Nhưng ta vội bình tĩnh lại, gượng gạo trả lời:

– Dĩ nhiên là có…

Chưa kịp dứt lời, thì lão đã nhanh như chớp, quơ tay nắm chiếc gậy trúc, quất cho ta một gậy vào đúng chỗ gần ở vai, rồi bật tiếng cười lớn ha hả… Ta đau điếng người, toan nổi quạu đánh lại lão, nhưng nghe tiếng cười của lão hình như có một cái gì… như không hề có ác ý, nên ta lại dừng tay không động thủ… Lão ngồi nhìn ta một hồi, rồi lại hỏi lớn;

– Không có Thượng Đe chăng?

Không hiểu sao, ta đâm lúng túng, nên lẩm bẩm:

– Có lẽ… là không có.

Nhưng lão lại quất cho ta một gậy nữa. Lần này, lão không bật cười nữa, lại hỏi dồn luôn:

– Thế gian này là vĩnh cửu chăng? Hay thế gian là sát-na chăng?… Thế nào, ông bạn trả lời đi chứ!

Ánh mắt lão đầy vẻ tinh nghịch nhưng tuyệt nhiên không ác ý. Ta cảm thấy cả thân thể đau điếng. Cây gậy trước, lão quất vào vai phải, cây gậy sau vào vai trái. Hai vai ta đau nhừ… nhưng không hiểu sao, ta lại thấy nỗi buồn bực chán nản… như vơi đi. Nhất là khi nghe hai câu hỏi sau, ta cảm rõ rệt thấy là lão có một cái gì… thâm sâu khôn lường… Nên ta chỉ biết ngồi đờ ra một hồi khá lâu, chẳng biết nên trả lời ra sao nữa…

Thế rồi… thế rồi…

Cả bọn đều chăm chú theo dõi câu chuyện Càn Thát Bà sốt ruột:

– Thế rồi sao nữa? Lão có quất thêm mấy gậy nữa không?

Gã kia lắc đầu:

– Không, không quất nữa… Lão chỉ chăm chú nhìn vào trỏng mắt ta một hồi, rồi từ từ đứng dậy, lấy hai tay bẻ gãy cây gậy trúc quăng đi rất xa… Rồi lão bỏ đi, chẳng nói một lời…

Càn Thát Bà reo lên:

– Hơ… hơ… Lão thầy chùa này quả là kỳ bí. Toàn thân lão đều là câu đố cả, đều là công án. Ăn cũng công án, nói cũng công án, đánh cũng công án, bỏ đi cũng công án. Nhưng không hiểu lão định chỉ giáo…

Nhưng gã kia chỉ đứng im lặng, không nói tiếp nữa… Cả bọn cùng trầm ngâm không lên tiếng, ý chừng đều suy nghĩ về thái độ quái dị của vị tăng kia… Chỉ có Thạch Sanh khe khẽ lên tiếng niệm mấy câu: “Nam mô Ngã Phật từ bi… Ngã Phật từ bi…”

Hồi lâu, gã đồng tử Phi Ly lên tiếng hỏi:

– Bây giờ, tôn huynh định đi đâu?

Gã kia khoát tay vu vơ:

– Cũng chẳng biết đi đâu nữa… Có lẽ ta đi về phương Bắc…

Đồng tử sốt sắng:

– Bọn tôi cũng đi về phương Bắc… Nhưng tôi rẽ vào Quế Châu đã, vì đó là quê của tôi. Hay là bọn mình cùng đi một đoạn đường nhé?

– Đi thì đi..

– Vậy thì nên đi ngay đi. Mặt trời đứng bóng rồi… Và từ đây đến Quế Châu, cũng còn đến hơn mười ngày đường nữa…

Gã kia liền cầm chiếc đòn gánh, đeo hai chiếc lồng ở hai đầu, rồi lững thững đi theo cả bọn.

Họ đi miệt mài đến chiều tối, khi có mảnh trăng tà ló dạng, họ dừng chân nơi một ven đồi để nghỉ chân. Gã kia rút từ trong bọc ra một gói lương khô, và ăn mấy miếng. Càn Thát Bà ngồi nhìn gã ăn, bỗng nhớ đến ông thầy chùa, nên hắn cười như nắc nẻ, rồi nhại giọng hỏi:

– Nhà ngươi ăn cơm hả? Ngon chăng? Không ngon chăng…?

Thấy gã im lặng không đáp, hắn sực nhớ một điều:

– Ờ… Ta quên khuấy một điều quan trọng. Ta tên là Càn Thát Bà, chú sa môn là

Thạch Sanh, chú đẹp trai là Cuồng Huệ, thằng lỏi này là Phi Ly. Vậy còn nhà ngươi tên gì?

Gã kia ngần ngừ:

– Tên hả? Nhưng tên chỉ là một danh xưng…

– Ờ thì vẫn là danh xưng, nhưng vẫn phải xưng danh chớ…

– Tên ta hơi dài… Ta tên là Ma Ha Bát Đầu Ma Trảm Tứ Cú…

Càn Thát Bà ngớ người ra:

– Tên gì kỳ vậy ? Và dài lòng thòng như con giun. Khó nhớ quá!… Ma… Ha… Bát… Đầu… Ma… Trảm… Đại… Cú…

– Trảm Tứ Cú, chứ không phải đại cú…

– ừa… thì Tứ Cú. Nhưng tứ cú là cái gì vậy ? Ta chưa từng nghe một cái tên nào khó như vậy. Ngươi phải giải thích nghĩa cho ta nghe chứ… Hay nó cũng là một công án?

– Không, không phải công án… mà khổ chưa? Đâu có cần giải thích! Vì nghĩa nó rõ như ban ngày rồi mà… Này nhé, Ma Ha là lớn, Bát Đầu Ma là tên một loài hoa ở xứ này, nó màu vàng và rất quý, thường nở xòe ra to như cái đĩa và luôn hướng về mặt trời…

Càn Thát Bà vỗ đùi:

– Ờ, ờ… ta hiểu rồi. Đó tức là như cái hoa trí huệ chứ gì?… Nhưng Trảm Tứ Cú là gì? Trảm có nghĩa là cắt đầu mà. Sao lại đi cắt đầu tứ cú?

Gã kia bực dọc:

– Lão chậm hiểu quá! Khiến ta phải nói nhiều quá. Ta đã khai lý lịch như vậy, mà vẫn chưa hiểu… Thì Trảm Tứ Cú… là mấy cây gậy đó…

– ?!

– Này nhé, tứ cú tức là những lời nói, những ý tưởng, những luận thuyết hay lập thuyết của người về cái mờ mịt đó, về cái vũ trụ hồ đồ và mờ mịt này… cần phải trảm, phải chặt đầu tất cả những lập thuyết đó. Vì sao? Vì nói thế nào cũng không trúng cả, cũng vẫn là không được,…. chưa được… Nói là có Thượng Đe cũng không được, mà nói là không cũng không xong. Nói thế gian này là vĩnh cửu cũng không được, mà nói nó là sát-na cũng vẫn không trúng. Bảo là nó vô cùng tận cũng không được, mà bảo nó có cùng tận cũng sai… Bảo nó là được tạo tác hay không được tạo tác ra… thì cũng vậy… cũng vẫn là không được… Hai cây gậy của ông thầy chùa đã dạy ta cái đạo lý đó mở cho ta con mắt trí huệ. Và càng suy nghĩ, ta càng thấy cái đạo lý đó thực là cao siêu thấm thìa… Từ đó, ta thấy lời nói nào cũng không được, cũng đáng bị sổ toẹt, cũng rỗng tuếch… Và ta không muốn chấp nhận một lập thuyết nào nữa, một giáo lý nào nữa. Và đành phải chấp nhận rằng cái mờ mịt ấy muôn đời vẫn là mờ…

Càn Thát Bà nhảy cẫng lên:

– A ha… thôi ta hiểu rồi. Hiểu nhà nguơi tại sao lại gánh hai cái lồng rỗng tuếch rồi. Thì ra mỗi chiếc lồng ở mỗi đầu là một lập thuyết. Lồng kia ở đầu kia cũng là một lập thuyết ngược lại… Ha… ha… và cả hai đều rỗng tuếch…

Nhưng hắn bỗng dừng chân, đứng tần ngần suy nghĩ, rồi lắc đầu quầy quậy:

– Không được… chưa được. Không ổn, không ổn… Ta thấy cái công án của nhà ngươi, tuy thoạt nghe thì có vẻ cao siêu đấy, nhưng nghĩ kỹ, thì không được… chưa được…. Lệch lạc nhiều thứ lắm…

– ?!

– Lệch lạc nhiều thứ… Này nhé, trước hết là phải chính danh đã, vì nhà ngươi dùng chữ sai toét. Không nên gọi là tứ cú, vì đâu có phải là chỉ có bốn lập thuyết, mà là rất nhiều lập thuyết… Vậy thì phải gọi là Bách Cú, hoặc nếu nhà ngươi lười biếng muốn đơn giản đi, thì phải gọi là Nhị Cú thôi… Chịu chưa?

Gã kia vừa nhai cơm nhom nhoàm vừa cãi:

– Không được… chưa được. Ta không muốn dùng danh xưng Bách Cú là vì nó nhiều quá, ngộ lỡ có đứa hỏi thì kể mãi không hết. Còn dùng Nhị Cú thì lại ít quá, kể lể một tí là hết tiệt. Bởi vậy, nên phải là tứ cú, vì nó vừa vặn… Và lại, như trời đất chẳng hạn, cũng có bốn phương mà

– Ờ… ờ… cũng cho là tạm được đi. Nhưng vẫn còn khập khểnh lắm. Là vì nếu ngươi gọi là tứ cú, thì ngươi phải đeo bốn cái lồng rỗng tuếch chứ? Sao lại chỉ đeo hai? – Khổ chưa… nhưng đeo bốn cái thì nó lồng cồng quá, che hết cả mặt mày còn đứa nào nhìn thấy mình nữa?

– Nhưng đã gọi là danh xưng, là chính danh, thì dù có lồng cồng hơn thế nữa, cũng phải ráng chịu chứ!

Thấy gã im lặng, hắn liền làm tới:

– Ôi thôi… khổ chưa, chết chưa (hắn bắt chước gã lúc nào không biết)… Hồi hôm, ta cứ tưởng ngươi là cao siêu, và ngươi cứ bảo ta là hồ đồ. Nhưng nay nghĩ lại, thì ngươi mới đúng là hồ đồ chính cống. Hồ đồ mà lại không biết mình hồ đồ, thì quả thực là hồ đồ…

Gã kia bỗng thấy cục cơm ngưng lại giữa cổ họng. Gã vươn dài cần cổ nuốt ực, rồi cãi:

– .. hồ đồ ở chỗ nào?

Càn Thát Bà cười khoái chí:

– Đầu óc ngươi chậm chạp, thế mà cũng gọi là mang đèn trí huệ. Hèn chi ăn gậy cũng phải… Này nhé, ngươi vừa mới tuyên bố long trọng rằng ngươi không thèm chấp nhận một chủ thuyết nào cả, một giáo lý nào cả. Đúng không?… Ha ha… tuy vậy, mà ngươi vẫn chấp nhận một chủ thuyết mà không hề hay biết đó… Ngươi biết không?

– ?!

– Ha, ha… cái chỗ này cao đẳng lắm, phải cao đẳng như ta mới nhìn ra nổi… Này nhé, ngươi không chấp nhận một chủ thuyết nào hết, coi tất cả chủ thuyết đều rỗng tuếch, như thế tức là ngươi đã chấp nhận một chủ thuyết cho rằng mọi lời nói, mọi lập thuyết đều rỗng tuếch gì! Ha ha… chủ thuyết của ngươi là chủ thuyết rỗng tuếch, hai cái lồng rỗng tuếch…

Hắn cười ngặt nghẽo một hồi, rồi bảo:

– Này, bọn ta đã có cơ duyên gặp nhau ở đây, nên ta cũng rộng lòng nói cho nhà ngươi biết cái cao ý của ta… Cũng như ngươi, ta cũng thấy cái vũ trụ này mờ mịt, và đôi khi hồ đồ. Nhưng ta không tin rằng tất cả những lập thuyết nói về cái mờ mịt đó, đều toàn là rỗng tuếch cả. Cũng phải có những giáo lý cao siêu vi vút chứ… Giáo lý cao siêu thường khi cũng phải dùng đến ngôn từ để lại cho đời sau, và ngôn từ cũng là âm thanh… Rất có thể rằng những ngôn từ hay âm thanh tầm thường thì đều là rỗng tuếch… Nhưng ở trên, ở tít trên, còn có những âm thanh vi diệu, những Diệu Âm. Và ngươi biết không, ta tin rằng vũ trụ mờ mịt này lại chính là do những diệu âm tạo dựng nên… Không có rỗng tuếch đâu…

Gã kia không hiểu gì, nhưng ngồi thừ ra, không trả lời… Bỗng nghe Thạch Sanh lên tiếng:

– Tôn huynh… cho rằng tất cả những lập thuyết, những ngôn từ, những lời nói đều là rỗng tuếch, và tôn huynh không muốn chấp nhận một chủ thuyết, một giáo lý nào nữa…

Nhưng bần tăng trộm nghĩ có lẽ điều quan yếu nhất là phải xét tới cái tâm của người lập ngôn hay lập thuyết. Neu người nói mà còn mang cái tâm cống cao ngã mạn hoặc nhiều kiến chấp, thì dù lời nói có hay ho đến mấy, cũng không có giá trị gì nhiều. Nhưng nếu lời nói lại khởi lên từ một tâm từ bi chỉ mong ích lợi cho người, thì dù lời nói có vẻ không cao thâm chăng nữa, nhưng nó vẫn là một lời chân lý… Bần tăng thiển nghĩ như vậy, không biết có đúng không…?

Nhưng gã kia vẫn ngồi thừ ra, không trả lời… Trong một khoảnh khắc, gã cảm thấy như có một mảng trời sụp đổ, và vũ trụ như mờ mịt thêm lên…