TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XIII

Đảo Lăng Giầ, Dạ Xoa ngồi khóc
Rồi cả cười kể chuyện thuyết kinh.

Theo lời Ma Kiệt dặn dò, Cuồng Huệ lái chiếc bè ra khỏi rặng núi, rồi trực chỉ huớng Bắc… Lúc này, mặt biển xanh và êm đềm lặng sóng. Mặt trời vẫn thiêu đốt, nhưng khí biển đã giảm sức nóng khá nhiều. Chắc Ma Kiệt đã ngậm miệng lại, không còn thở phì phò và quẫy đuôi nữa…

Y đứng trên bè, nghĩ tới Ma Kiệt bất giác mỉm cười… Y đã kết một tấm buồm bằng những mảng lá tranh lấy trên đảo, nay chiếc buồm nương gió nhẹ nhàng rẽ sóng. Y thầm nghĩ: “Chắc bây giờ, Ma Kiệt cũng đương chuyển hóa hình hài như vậy…” Y vui mừng hộ cho cá thần đã gặp túc duyên… Lúc chứng kiến vụ Ma Kiệt, tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm, y bồi hồi không ít.

Vốn là người chuyên tu thiền định, nên lần này, y bị ấn tượng mạnh mẽ khi thấy sức mạnh mầu nhiệm của câu hồng danh đã khiến con cá thần động lòng khởi được từ tâm… Thì ra con đường tu có nhiều lối thực! Và âm thanh cũng là một thứ thiệt kỳ lạ! Đại sư huynh đã nói đúng: Vũ trụ này có những diệu âm, sức tác động thần kỳ… Và hồng danh chư Phật chắc đều là diệu âm cả, có rất nhiều thần lực mà trí người không hiểu nổi, vì các ngài đã phổ thần lực của tâm nguyện vào hồng danh.. Ngay đến Ba Văn Mật Đa, khi tung hạt châu Thiên La Biến Chiếu, hoặc khi muốn hạ xuống, cũng đều phải tụng câu thần chú. Mà thần chú chắc chắn chỉ có thể là diệu âm của pháp giới này…

Y bèn quyết tâm cần theo dõi việc tiến triển tu hành của nhị sư huynh, phần y vẫn theo đuổi con đường thiền định, nhưng muốn tham bác thêm sự tụng niệm thần chú… Y muốn chọn việc niệm thần chú, và chưa muốn thử niệm câu hồng danh, vì y muốn coi xem kết quả có khác biệt gì không?

Khổ một nỗi là y chưa biết câu thần chú nào cả… Nhưng theo lời Phi Ly kể lại, Ba Văn Mật Đa đã tụng hai câu thần chú trên đầu đều có chữ úm cả. Như vậy, chữ úm này có thể tin tưởng được… Nghĩ vậy, y quyết định cứ tụng chữ úm một thời gian xem kết quả ra sao?

Y chợt thấy lòng khấp khởi, vì sắp kinh qua một thí nghiệm mới, một cảnh giới mới… Y vốn ham muốn Biết, nên đam mê mọi thứ cảnh giới, dù là cảnh giới ma hay là cảnh giới Phật, y đều muốn trải qua cả… Y để ý tới gã đồng tử, đang đứng ở góc bè, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn Thạch Sanh ngồi xếp bằng lâm râm niệm Phật… Nét mặt gã lộ vẻ bần thần! Gã cũng băn khoăn không kém về vụ Ma Kiệt, và đương nghĩ thầm: “Câu hồng danh quả thật ghê gớm! Và có thể rằng người Vệ Đà Giáo nghĩ lầm rồi… Rất có thể vị Mâu Ni đó quả là một vị Phật Thế Tôn biết-tất cả-các-pháp! Nếu không, tại sao câu hồng danh có oai lực đến như vậy, khiến cho cá Ma Kiệt cũng phải khởi từ tâm và ngậm miệng lại… Thầy mình xưa kia… hình như không có trì niệm một hồng danh nào cả, chỉ niệm có câu thần chú nhứt tự là: Ram, Ram, Ram… thôi. Nay mới nhận thấy rằng giáo lý của vị Mâu Ni đó có nhiều chuyện kỳ đặc lạ lùng…”

Suy nghĩ như vậy, nên gã khởi lòng kính ngưỡng thêm cả với Thạch Sanh.

Bỗng Cuồng Huệ cất tiếng hỏi:

– Này huynh đài… xưa kia… xưa kia huynh đài đã từng sống ở miền Tây Trúc, không biết có còn nhớ được những chữ Phạn không?

Đồng tử hớn hở:

– Có chứ, có chứ… tôi còn nhớ mà

– Huynh đài làm ơn viết cho tôi chữ úm…

Đồng tử nhìn quanh quẩn, rồi lục trong bọc, lấy ra một viên đá dài có đầu nhọn hoắc và sắc, thoăn thoắt vạch ngang dọc trên thân cột buồm chữ úm… Vừa vạch, vừa giải thích: “Đây nhé…. đây là chữ úm… Người Vệ Đà Giáo chúng tôi thường nói rằng: Ở trên đầu chữ này, có cái vòng tròn tức là mặt trời, ngay dưới lại có một đường hình cong lưỡi liềm tức là mặt trăng… Còn ở dưới nữa, có cái móc ngoặc này, đó tức là chữ Lam đó…”

Rồi gã cứ nói thao thao bất tuyệt… Càn Thát Bà cũng đã xán lại gần, vừa nhìn vừa gật gù:

– Chú chồn hoang này… cũng có chữ nghĩa đấy…

Từ đó, nhân những ngày rỗi rãi trên biển, gã đồng tử thỉnh thoảng lại khoa chân múa tay giảng giải về chữ Phạn cho hai người nghe. Giảng giải cả đến thứ thổ ngữ phổ thông tại miền Tây Trúc. Gã diễn nói hăng hái và linh động khiến chẳng bao lâu, hai người kia vốn sẵn có trí nhớ và thông minh, nên đã nhập tâm được khá nhiều… Càn Thát Bà có lần lôi kéo Thạch Sanh đến gần nghe gã nói, nhưng chàng cũng chẳng lưu tâm gì mấy tới chữ nghĩa cùng thổ ngữ…

Có lần, Cuồng Huệ vừa cười vừa hỏi gã:

– Tại sao huynh đài… lại nảy ý trêu chọc… gọi tôi là sư phụ?

Gã đồng tử trang nghiêm:

– Tôi đâu dám có ý trêu chọc… Đó là thực tâm của tôi đấy… Chả là… vẻ ngoài của sư phụ trông oai nghiêm lắm, tôi nghĩ không phải là người thường đâu!… (Gã thở dài) Và chắc sư phụ cũng đoán ra, tôi bị thác sanh mang một hình hài nửa cầm nửa thú, nên dù có muốn chăng nữa sự tu luyện cũng lâu lắc chậm chạp lắm. Dụng công thì nhiều, nhưng chẳng tiến được bao nhiêu. Đấy, sư phụ coi, như lão thần ngư Ma Kiệt đó… Có lẽ người Vệ Đà Giáo chúng tôi đã có một khuyết điểm lớn. Là nghĩ rằng một khi đã được lên làm người rồi, khó có thể bị đọa lạc xuống làm loài bàng sanh được. Nên không có nói tới phương pháp tu luyện cho những kẻ bị đọa như tôi đây… Suốt thời gian dài ở đảo có lẽ những loài dị sanh như tôi hay cá Ma Kiệt, cần phải nương nhờ vào một vị nào, hoặc là người hoặc là thần linh nhưng có đạo lực khá cao, nương nhờ vào những luồng sóng tâm thức thanh tịnh của vị ấy, mới tiến bước nhanh được… Bây giờ, tôi lại càng chắc tâm nữa, sau khi chứng kiến vị sư phụ kia đã độ duyên cho cá Ma Kiệt ra sao… Bởi thế, trước kia, khi thấy sư phụ đập tan hoang cửa động của nữ quái, tôi đã nảy ý muốn đi theo sư phụ rồi..

Gã đứng im nhìn Cuồng Huệ… Nhưng y vẫn cười hỏi gã:

– Vậy sao huynh đài lại viết trên đất, bảo là tôi chưa đạt lý ?

Gã đồng tử cười hi hi

– Tôi nói ra… sư phụ đừng tức giận nhé…

– Tôi không tức giận đâu…

– .. hi… Một phần có lễ là tôi đã nổi tính trẻ nít. Nhưng một phần là tôi thầm nghĩ rằng: Vị sư phụ này thực là đam mê và nhiều tính hiếu kỳ, thấy bất cứ pháp môn nào cũng muốn học… Hi… hi… VỊ này chắc có một căn cơ thiên bẩm ghê gớm thôi, nhưng về kiến văn, chưa có nhiều…

Cuồng Huệ trầm ngâm:

– Huynh đài đã nhận xét đúng đó… Chính tôi cũng nghĩ như vậy… Huynh đài muốn kêu tôi là sư phụ hoặc muốn đi theo tôi thì cứ việc. Nhưng chính tôi lại có những điều muốn cần huynh đài chỉ giáo…

Rồi mặc dầu đồng tử xua tay loạn lên, y vẫn từ tốn chậm rãi kể cho gã những giai đoạn tiến trình trong việc thiền quán của y. Sau cùng, y hỏi về ý nghĩa của câu: “Sắc bất dị không.”

– Huynh đài đã có lòng tốt mách bảo cho tôi về cái vế chân lý đó. Nhưng thực tình, tôi cũng chưa biết quyết nghĩ ra sao…

Lúc này, Càn Thát Bà và Thạch Sanh cũng xán lại gần, thấy hai người nói chuyện trang nghiêm, nên chỉ vểnh tai nghe ngóng… Gã đồng tử đỏ mặt tía tai, tần ngần giây lát:

– Tôi cũng cần nói thật với sư phụ rằng câu nói đó, không phải là do tôi tìm ra, cũng không phải thầy tôi truyền lại. Mà là do tôi nghe được từ cửa miệng một người khác… Không hiểu sao, những lời nói đó đã ấn tượng mạnh mẽ vào tâm trí tôi, đến nỗi trải qua một kiếp thọ sanh, tôi chẳng sao quên nổi… Tôi cũng không quên nổi nét mặt người nói câu đó…, không quên nổi buổi đấu lý này… Chả là, hồi đó thầy tôi đương bế quan tại một căn nhà cỏ ở miền núi để tu thiền định, bỗng nhiên có một người tới xin bái kiến. Thông thường thầy tôi từ chối không muốn gặp người nào cả, không hiểu sao đối với vị này, thầy tôi phá lệ, ra gặp… Người này trông còn trẻ, chưa tới bốn mươi tuổi, nét mặt cũng không đẹp đẽ lắm, nhưng khoác chiếc áo quấn vải vàng, một vai để trần, cử chỉ khoan thai và oai nghi đĩnh đạc, đôi mắt thường nhìn xuống… Thì ra cũng là một vị đệ tử của vị Mâu Ni đó… Thế rồi hai người ngồi xuống hai phiến đá ở góc vườn để luận đạo lý, tôi cũng không được phép đứng gần hầu hạ, đành đứng ở xa, vểnh tai nghe loáng thoáng… Và chính giữa câu chuyện đó, tôi đã nghe vị kia nói câu: “Sắc bất dị không” …Nhưng tới khi hai người đứng dậy, thầy tôi tiễn chân vị kia ra tới chiếc cổng tre, thì vị kia dừng lại, nói rành mạch rằng: “Thưa Đại Bà La Môn! Bần tăng có cơ duyên đi qua đây chẳng qua chỉ mong góp ý cùng hội với quý phái. Chúng tôi trộm nghĩ rằng các vị tu sĩ bên quý phái đã dừng chân quá sớm. Các vị thực ra chỉ mới đạt tới những cơn định của Không Xứ và Thức Xứ, chứ chưa diệt được hết những thức tâm thô kệch, chưa tiêu dung được những vọng tưởng điêu linh cùng phiền não, chưa vào được nơi Không Hải vi diệu. Nên chưa ra khỏi được ba cõi, chưa phải là giải thoát Niết Bàn tịch diệt… Hỡi ơi! Cái hư không ấy, cái Không Hải vi diệu ấy, thực là khó nói… nhiều khi nói không được. Hư không ấy cũng chẳng khác sắc tướng đâu, vì Tối-Sáng chẳng rời nhau mà. Hư không ấy chỉ là do những mê muội vi tế kết thành, còn những sắc tướng kia chỉ là những khu vực bóng tối và do những vọng tưởng thô kệch kết thành mà thôi… Đức Mâu Ni của chúng tôi sở dĩ xuất hiện nơi đời ở miền Tây Trúc này, cũng một phần chỉ là vì muốn mách bảo quý phái những điều đó… Bởi thế nên bần tăng xin đem mấy lời đó cống hiến để mong Đại Bà La Môn xét lại…” Thế rồi, ông ta cung kính vái chào, đoạn quay gót đi thẳng…

Mấy người đứng nghe đều rất đỗi kinh ngạc. Riêng Cuồng Huệ đứng sững như trời trồng, đôi mắt như dán vào miệng đồng tử, như uống từng lời nói… Càn Thát Bà bỗng nắm cánh tay đồng tử:

– Sao, chỉ có vậy thôi sao?… Chỉ có… hư không… với Tối với Sáng thôi sao?… Thế vị đó có nói gì về những âm thanh không?… Phải nói về âm thanh chứ!…

– Không… chỉ có nói vậy thôi… không nói gì về âm thanh hết…

Càn Thát Bà bực dọc, lầu bầu:

– Vô lý… Thật là tối thậm vô lý!… Không nói đến âm thanh thì quả thật vô lý…

Cuồng Huệ như người vừa bừng tỉnh một cơn mơ, nhìn thấy những tia sáng le lói chiếu qua một màn sương mù vần vũ. Y lẩm bẩm:

– Thì ra… là như vậy… Tối Sáng chẳng rời nhau… Hư Không… mê muội vi tế… mê muội vi tế thì quang minh cũng vi tế, khó thể nhìn thấy… sắc tướng là khu vực bóng tối… do vọng tưởng thô kệch… Vọng tưởng thô kệch… nên quang minh thô kệch, mắt thịt có thể nhìn thấy… nhìn thấy những hình sắc… Không những chỉ hình sắc… mà cũng có thể làm phát xuất những thứ khác… như âm thanh… mùi hương… Ha, ha, ha, ha…

Y giơ hai tay lên trời, bật tiếng cười dài và thật lớn, tiếng cười vang lên một góc biển… Thạch Sanh cũng trố mắt nhìn y, rồi mỉm cười theo, vì đây là lần đầu tiên chàng thấy người sư đệ lạnh lùng trầm mặc cười lớn như vậy… Càn Thát Bà vẫn còn bực dọc, nên nước bọt đã ứa ra đầy miệng hắn. Hắn muốn nhổ toẹt một cục nước bọt lớn cho vơi niềm bực tức, nhưng vì nể tình Cuồng Huệ, hắn đành cố gắng nuốt ực. Hắn kéo dài cái cổ hạc, rồi gập cổ xuống ngực, để nuốt nước bọt, khiến cho nước bọt thấm vào huyệt đan điền dưới rốn, chứ không rơi tỏm vào bao tử…

Sau một hồi cười ngất, Cuồng Huệ đến gần gã đồng tử, bắt chước lối chào Tây Trúc mà Phi Ly đã dạy y, y cúi gập người xuống, lấy tay sờ chân Phi Ly, rồi đặt tay lên đầu mình:

– Đa tạ… huynh đài. Huynh đài thực là một cơ duyên tốt lành để mở tầm mắt cho tôi…

Đồng tử lại xua tay:

– Sư phụ… sư phụ đừng nói vậy…

Càn Thát Bà xen vào:

– Thế còn… vị thầy Vệ Đà Giáo của ngươi thì sao? Có trả lời gì không? Hay là tịt mít…

Đồng tử giọng bần thần:

– Ôi chao! Suốt đời tôi cũng không quên được cuộc hội kiến này… Lúc đó, thầy tôi cũng đứng sững, không trả lời câu nào, nét mặt rầu rầu, cũng quên cả vái chào đáp lễ… Rồi cũng bỏ dở cả việc bế quan, thầy tôi trèo lên núi cao, lang thang trong núi mấy ngày liền, quên cả uống ăn… Chắc là người suy nghĩ lung lắm về mấy lời nói đó… Rồi tới ngày thứ tư, thì người trở về, nhưng là để xách khăn gói đi xuống núi vân du… Như tôi đã nói, trong sáu năm liền, thầy tôi vân du để tìm hiểu thêm về giáo lý của vị Mâu Ni kia…

Càn Thát Bà hỏi:

– Rồi sau thì sao ?… Sao ngươi nói rằng thầy ngươi đã chết sớm là do giáo lý của Đức Mâu Ni?

Đồng tử gục gặc đầu:

– Thì tôi đoán là như vậy… Tôi chỉ biết rằng khi người trở về núi, trông già xọm hẳn đi, nét mặt buồn rầu rầu. Thầy trò xa cách nhau sáu năm trời, nhưng khi gặp lại, cũng chẳng trò chuyện gì mấy nỗi, cũng không thổ lộ điều chi. Chỉ thấy người hay thở dài não nuột, khiến tôi nghe thấy nhói buốt cả ruột gan… Thế rồi người bảo cho tôi biết là người sẽ bế quan một thời gian dài chừng bốn, năm tháng để tu luyện, và bảo tôi tích trữ lương khô và nước ở trong động đá… Nhưng tôi ở ngoài chờ hoài đến hết tháng thứ sáu, vẫn không thấy người ra khỏi thạch thất… Tôi đành phải rỡ mấy phiến đá bít nơi cửa động để vào xem sự thể. Thì ôi thôi, thầy tôi đã viên tịch từ lúc nào rồi, sắc thân vẫn ngồi xếp bằng ngay thẳng, da thịt không rữa nhưng lạnh ngắt, quần áo đã bợt ra từng mảng… Trước mặt, để một cuốn kinh Vệ Đà lớn, trang kinh được mở ra, và nơi mép trang có ghi mấy dòng chữ nhỏ, tôi còn nhớ mồn một như ở trước mặt vậy…

Gã kể đến đây thì động lòng thương cảm, ôm mặt khóc sụt sùi… Ba người nghe, kể cả Càn Thát Bà, cũng bị xúc động, không dám mở miệng… Sau một giây lâu, Càn Thát Bà không nín nổi:

– Hàng chữ nói gì vậy?

Đồng tử vẫn nức nở:

– Hàng chữ cũng có nói gì đâu… Mỗi khi nghĩ, tôi lại thấy tủi thân quá! Có lễ thầy tôi cũng coi tôi là một đứa đệ tử hèn kém, nên người cũng chẳng muốn thổ lộ tâm can… Hàng chữ chỉ như vầy: “Một kiếp người cũng chẳng làm được gì nhiều, và có những chướng ngại khó thể vượt. Nên ta quyết định chấm dứt cái báo thân người này, và thọ sanh nơi những tầng trời Thức Xứ. Để được thọ mạng dài hơn, và chờ đợi những cơ duyên tốt lành hơn… Ngươi hãy cẩn trọng trên đường tu hành…” Chỉ vỏn vẹn có vậy thôi… Thế là tôi đành khâm liệm cho thầy tôi theo nghi lễ Vệ Đà Giáo, rồi hỏa thiêu. Thầy tôi tuy là cao nhân, nhưng vốn tính cô quả, và không muốn thu nhận đệ tử… Nên rốt cuộc, chỉ còn một mình tôi lủi thủi tu hành trên miền rừng núi đó…

Càn Thát Bà bỗng vỗ đùi cười hăng hắc:

– Chẳng cần suy nghĩ gì hết. Thật rõ mồn một như giữa ban ngày… Thầy ngươi bị một cú sét đạo lý đấy, nên tức uất lên mà chết đó. Thầy ngươi đi ta bà nghiên cứu giáo lý của Đức Mâu Ni, rồi chắc thấy mình đã lóc cóc suốt một đời mà vẫn bé cái lầm… Thầy ngươi đã đạt được cái định Phi Phi gì đó, nay muốn vượt lên vào cái Không Hải gì gì ấy, nhưng không vượt nổi, nên uất lên mà chết, chứ nào có gì đâu? !… Nhưng chà, chà…. thầy ngươi cũng là một tay cừ khôi đấy! Ta thực tình cũng chưa hiểu cái tầng trời Thức Xứ nó ra sao, xanh đỏ trắng tím vàng ra sao nữa… Chà,… con đường tu khó quá! Ngán quá!… (bứt tóc và đầu) Ta đôi khi chẳng muốn nghĩ gì tới nữa, chỉ đành tâm đi lang thang lẩn thẩn, may ra tới một lúc nào đó, Đức Mâu Ni thò một ngón tay ra lôi mình lên thì mới được… Ha, ha… cũng y như con chim Kim Súy điểu thò chiếc vuốt thần nhón con rồng con đã quy y rồi đặt gọn lên bờ giải thoát… Nhưng ta lại chẳng phải là rồng, lại chỉ là hạc… và hạc này cũng chỉ mới quy y lơ mơ thôi… Như vậy, ta đoán trúng phóc về thầy ngươi rồi…

Nhưng đồng tử lặng thinh không nói gì…

Chiếc bè vẫn lẹ làng băng băng về hướng Bắc, phía đảo Lăng Già… Mặc cho chiếc bè trôi, Cuồng Huệ ngồi xếp bằng trên bè, và suy nghĩ miên man. Trong ba người, y là người bị ấn tượng mạnh mẽ nhất về vụ này…

Những lời kể lại của gã chồn, về hư không về sắc tướng, và không xứ về thức xứ, về nơi không hải vi diệu bí ẩn kia… và cả những lời nhắc nhở của Càn Thát Bà về âm thanh cùng diệu âm… hình như đều bấu chặt vào tâm não y, không chịu rời ra nữa, tưởng

chừng như những cung đàn đã nghe từ lâu xa rồi, nhưng nay tìm lại được. Y gần như chấp nhận ngay, chẳng thấy nghi ngờ gì mấy… Y bần thần tự nhủ: “Chẳng biết cỗi nguồn của mình ra sao, nhưng hình như những màn đạo lý ấy đã trôi nổi lềnh bềnh từ lâu trong đáy từng tâm thức mình rồi…”

Y bất giác nhìn về phía gã đồng tử, và thấy lòng dâng lên một niềm ân tình rộn ràng…………………………… Y nghĩ thực là co duyên run rủi, gã này quả là một cơ duyên tốt lành, đã thay mặt một vị Bồ Tát lớn để dạy mình những điều đáng kể… Nhưng bàn tay nào đã run rủi cho cơ duyên này đến gần? Ca Lặc Ca tôn giả chăng? Hay một vị đại thần linh nào khác? Hay là do nhiều thứ bàn tay vô hình run rủi?… Cũng khó mà nói rõ được… Nhưng y linh cảm thấy rõ ràng rằng khi tâm thức một người đã chín mùi để tiếp nhận một huyền cơ nào, sẽ có những cơ duyên đưa đẩy tới. Gần như một chuyện đương nhiên… “Vì thế, nên cần phải điềm tĩnh suy ngẫm. Để tiếp nhận những cơ duyên. Chẳng nên vui mừng rộn ràng làm gì… Hãy nhìn vị nhị sư huynh sa môn kia. Nhị sư huynh thực là điềm tĩnh và nhất tâm, vì có lẽ đã quên mình rồi… Con đường tu hình như phải trải qua những giai đoạn để tiêu dung. Tiêu dung trước hết là những sắc tướng vì đó chỉ là những khu vực bóng tối. Rồi bước vào hư không xứ, rồi lại phải tiêu dung hư không, vì đó chỉ là những mê muội vi tế. Rồi bước vào Thức Xứ, chắc là vi tế hơn nữa. Rồi lại vượt bước vào Không Hải… Nơi này chắc khó nói, nhưng có điều chắc nơi Không Hải này không phải là hư không kia đâu. Vì hư không còn có hình tướng, còn có thể chất, còn trông thấy bằng mắt thịt được… Như vậy, như vậy… người tu giống như một kẻ thợ lặn, ngày càng lặn sâu xuống đáy biển tâm thức… Để mò cái gì đây? (Y muốn bật cười) Hay là để mò mặt trăng?… Ấy thế, ấy thế mà nhị sư huynh hình như chẳng thèm lưu ý đến cuộc hành trình lặn sâu đó!! Chỉ nhất tâm ôm một câu hồng danh. Phải chăng câu này có đủ huyền lực để đẩy tâm thức người tu đi qua sắc Xứ, rồi Không Xứ, rồi Thức Xứ, rồi vào Không Hải chăng? Phải chăng là như vậy!?…

Y ngồi lặng người suy nghĩ miên man, thấy lòng lâng lâng hỷ lạc, tưởng chừng như đang uống một thứ nước cam lồ vô căn thủy… Nhưng một ý nghĩ chợt đến, khiến y giựt mình bâng khuâng… “Neu tất cả cái vũ trụ này sau cùng cũng đều tiêu chìm vào nơi Không Hải cả, thì pháp giới này cũng chỉ là một tuồng ảo hóa, một trò hý lộng thôi! Neu đã là ảo hóa cả, thì còn tu hành làm gì nữa? ! Và không lễ chu Phật cùng Đại Bồ Tát cũng chỉ là một trò hý lộng thôi u?!…”

Nghĩ như vậy, lại thấy lòng phiền muộn ùn ùn… Sau cùng, y đành tự nhủ: “Thôi, thôi… Hãy đành tạm gác câu hỏi đó lại. Chắc mình cũng còn nhiều chặng đường phải học hỏi… Nay mình hãy thử thêm sự trắc nghiệm thiền quán đồng thời với chữ úm xem sao?”

Y bèn ngồi xếp hàng ngay thẳng trên bè, ngồi lâm râm niệm liên miên chữ úm… Y niệm suốt từ buổi trưa hôm đó, cho tới quá nửa đêm. Rồi bỗng nảy ý muốn quán chữ úm viết theo Phạn tự, quán chiếu chữ đó như viết bằng lửa sáng, và đặt trên đảnh đầu của y… Sức quán tưởng của y rất mạnh, nên chỉ chừng nửa khắc đồng hồ, y đã nhìn rõ mồn một chữ Úm với những nét lửa sáng, đương tỏa hào quang trên đảnh đầu mình…

Y ngồi lặng lẽ xả quán một hồi lâu, rồi bỗng nảy ý muốn quán chiếu lại viên ngọc Thiên La Biến Chiếu… Y lại thấy viên ngọc tương tự như vầng trăng chui vào lỗ mũi y, rồi rớt xuống đậu ở nơi tâm nguyệt luân… Mảnh trăng đứng chiếu vằng vặc nơi đó, y bèn khởi ý quán tưởng chữ úm viết bằng lửa sáng nổi lên giữa vầng trăng… Quả nhiên, y vừa quán tưởng vừa thầm niệm chữ úm, chỉ một hồi sau chữ úm đã hiện lên với những nét lửa đỏ giữa vầng trăng xanh dịu…

Y tiếp tục hồi lâu nữa, bỗng thấy cả chữ úm và vầng trăng đều chuyển động, xoay tít ở nơi tâm nguyệt luân, mỗi lúc mỗi nóng như muốn thiêu rụi cả lồng ngực cùng thân căn của y… Y cảm thấy bàng hoàng, nên đành tạm ngưng sự quán tưởng và từ từ xả định…

Giữa lúc đó, có tiếng Càn Thát Bà la lối:

– Này… các ngươi coi kìa!… sắp tới đảo Lăng Già rồi đó…

Lúc này, trời đã bắt đầu sáng, ánh mặt trời đã chiếu đỏ rực trên mặt biển đục lờ… Cả bọn đều nhìn về phía Bắc. Xa xa, đã phảng phất bóng dáng một hòn núi lớn đứng sừng sững, dựng thẳng trên mặt biển…

Chiếc bè mỗi lúc một gần. Thấy vách núi đứng dựng thẳng, nguy nga đồ sộ giữa biển khơi, tưởng khó có cách mà leo lên được tới đỉnh núi… Nhưng ở phía trên đảnh, có nhiều cây cối um tùm…

Cuồng Huệ đang định lái chiếc bè ra xa để tránh hòn đảo và trực chỉ phía Tây Bắc như lời cá Ma Kiệt đã căn dặn, Càn Thát Bà lại chỉ trỏ, lớn tiếng:

– Kìa… kia… Có bóng người trên núi…

– Cuồng Huệ ngước mắt nhìn lên, thấy trên một mỏm đá lớn nhô ra phía biển, quả có một bóng người thật. Người này to lớn dị thường, đương ngồi xổm chồm hổm giữa hai gốc thông già, chiếc đầu bù xù lại to hơn nữa, và giữa đầu, có chiếc sừng đen lớn như chiếc sừng trâu. Y còn đương phân vân… bỗng thấy người kia vươn cổ há miệng lớn, hú lên ba tiếng dài não nuột như tiếng than khóc, tiếng kêu than vang lên một góc biển… Hồi lâu, lại vang lên ba tràng cười ha hả… tiếng cười dài cũng vang lên trên mặt nước… Rồi lại thấy ngồi im. Càn Thát Bà ngơ ngác:

– Hơ… hơ… cái vụ này… cha nội này không biết có phải điên khùng không?… Hơ… hơ… chắc là phải đi coi qua…

Hắn vẫy cẳng bay vọt lên phía đỉnh núi, nhưng chưa đáp, chỉ bay lượn vòng vòng trên ngọn thông và nhìn xuống… Người kia hình như cũng chẳng để ý gì đến việc ngoài, gã ngồi im được một hồi lâu lại bật lên ba tiếng khóc, tiếp theo là ba tiếng cười… Thạch Sanh liền cất tiếng bảo Cuồng Huệ:

– Nơi đảo Lăng Già này, vị huynh đài đây có nói là xưa kia, đức Mâu Ni có tới thuyết kinh…

Cuồng Huệ hiểu ý chàng, nên từ từ hạ chiếc buồm xuống. Y lấy một sợi dây thừng dài, cột một đầu thừng vào chiếc bè, rồi bay lên đáp vào chân núi, y kéo chiếc bè vào sát ven núi, và đỡ Thạch Sanh lên bờ… Y cẩn thận lôi bè lên triền đá, cầm dây bay vọt lên đỉnh núi. Y thả sợi dây thừng xuống, lẹ làng kéo Thạch Sanh lên núi, nhẹ nhàng như không vậy… Lúc này, gã đồng tử cũng đã theo chân bay lên, Càn Thát Bà cũng đáp xuống… Và cả bọn đi lần tới phía người kia.

Đến gần, thấy người kia thật quái dị. Gã to lớn xấu xí như một thứ dã nhân, mình trần trùng trục nước da bóng đen loáng, chỉ khoác một tấm da thú dưới bụng. Gã ngồi chồm hổm giữa hai gốc thông, một bàn tay to lớn lông lá che kín đôi mắt, còn tay kia bịt một lỗ tai. Chiếc mũi hình như đã bị cắt vứt đi, chỉ còn hai lỗ mũi đen ngòm sâu hoắm ngay giữa mặt… Mấy người đứng ngẩn ra nhìn… Gã đồng tử bỗng khẽ giọng nói:

– Chắc là loài Dạ Xoa. Nơi đảo này, có nhiều loài đó lai vãng…

Dạ Xoa bỗng nói, như gầm lên:

– Này… các ngươi hãy đi đi… Hãy cút đi cho khuất mắt ta… Đừng có phá hoại công trình của ta… Nếu các ngươi cứ đứng đấy… ngửi thấy mùi thịt người… thì ta không nhịn nổi nữa đâu…

Gã vừa hét vừa đập chân bình bịch, nhưng hai tay vẫn che mắt và bịt một lỗ tai… Bốn người hơi ngơ ngác, nhưng Cuồng Huệ đã kéo cả bọn đứng dang ra một quãng xa. Thạch Sanh bỗng nói:

– Không biết… tôn thần có điều gì buồn bực mà ngồi nơi đây… Chúng tôi chỉ là người phương xa đi thỉnh kinh qua đây…

Gã hét:

– Cái gì? Cái gì?… Ngươi nói là đi thỉnh kinh, thỉnh kinh bên Tây Trúc hả?

– Vâng, chúng tôi là người tu hành đi thỉnh kinh…

Dạ Xoa đập chiếc đầu bôm bốp vào cây thông:

– Thật hả ?… Khổ lắm! Lại kinh nữa… Cũng chỉ vì tại kinh với kệ mà ta phải khổ cực ngồi nơi đây… Suốt sáu trăm năm nay rồi… Thôi, cút đi, cút đi…

Càn Thát Bà sốt tiết:

– Này, ta bảo thật cho ngươi biết, ngươi điên khùng vừa vừa thôi đấy… Bọn ta không sợ ngươi đâu, và ngươi cũng chẳng ăn thịt nổi bọn ta đâu…!

Dạ Xoa dậm chân:

– Thì bởi vậy, bởi vậy… ta mới bảo các ngươi hãy cút đi cho xa… Ta đâu có muốn ăn thịt… Nhưng hễ ngửi thấy mùi thịt người, ta khó nhịn lắm, khó nhịn lắm… Ôi thôi! Cũng tại ta đã nổi hứng bất tử đi nghe lỏm bỏm được mấy câu kinh, nên đến nỗi mua chuộc lấy phiền não khổ cực như thế này…

Thạch Sanh tiến lên mấy bước:

– Thế ra… tôn thần đã được đi nghe kinh. Bần tăng không hiểu kinh gì vậy, có phải là Kinh Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh không?… Mà tại sao đi nghe kinh lại mua chuốc lấy phiền não khổ cực ?…

Nghe tiếng nói, Dạ Xoa bèn nhấc tay, hở ra một mắt lấm lét nhìn. Rồi khịt khịt hai lỗ mũi:

– Cha cha… chắc ngươi tu hành cũng khá đấy… Cũng có đôi chút hạnh thanh tịnh đấy… Vì thịt thà ngươi ngửi ngon lành và thơm phức, ít uế tạp… Thôi, dang ra xa đi… Đừng phá hoại công trình của ta…

Thạch Sanh lùi ra xa, nhưng kiên nhẫn nhắc lại:

– Không biết có phải là bộ Kinh Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh không?

Dạ Xoa bật cười hăng hắc:

– Sao, ngươi nói sao? Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh hả?… Ngươi định đi thỉnh bộ kinh này hả ?… ơ… ơ…. cái bộ kinh mà ta được nghe, ta cũng quên mất tên rồi, có thể là bộ Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh… Này, này… không biết nhà ngươi có nhận thấy không? Ta thì ta thấy rằng…. hình như đức Phật Ngài thích trò du hý lắm… lúc nào cũng hay hiển lộ biến hóa thần thông để du hý, và cũng hay giảng dạy cái trò đó lắm… Này nhé,… lúc ta tới nghe lỏm kinh, ta đứng ở xa xa vểnh tai nghe, nhưng ta thấy rõ rằng Ngài chưa diễn nói kinh gì hết mà đã bật lên một tràng cười dài và lớn làm rung động cả trời đất… Như thế, chẳng phải là Ngài thích cười rỡn và làm trò du hý sao?…

– Vậy thế ra… trước khi giảng kinh, Đức Phù Đồ Mâu Ni có bật tiếng cười lớn hay sao?

– Chứ còn gì? Ta đâu có nói dối ngươi! Đen như muốn ăn thịt ngươi mà ta còn cố nhịn, vậy thì nói dối ngươi làm gì!… Này này nhé, lúc đó, loài Dạ Xoa chúng ta đến đông lắm, vì ở chỗ núi biển hẻo lánh này, làm gì có người bén mảng tới được, lại có mấy vị Vua Dạ Xoa của bọn ta nữa, các Ngài tuy ngồi dưới đất nhưng trang nghiêm lắm, ấy thế mà Đức Phật lại bật tiếng cười dài, khiến cho mấy ông vua cũng ngơ ngác, không hiểu ra sao cả…

Càn Thát Bà không nín nổi nữa:

– Có gì đâu mà không hiểu… Chắc là tại Ngài thấy bọn Dạ Xoa các ngươi đều xấu xí lông lá lại ngồi chồm hổm nên Ngài mới bật cười…

Hắn chưa nói hết câu, thì Cuồng Huệ đã kéo áo:

– Đại sư huynh chớ nên nói vậy…

Dạ Xoa bỗng gầm lên một tiếng, bàn tay che mắt tuột ra, đôi mắt đầy hung quang nhìn chằm chằm Càn Thát Bà như muốn vồ lấy… Nhưng gã cố nhịn, giơ tay đập đôm đốp vào mặt, gào lớn:

– Không phải đâu! Không phải đâu!

Cuồng Huệ bỗng nói:

– Có khi tiếng cười… cũng là một cách thức độ sanh của Ngài cũng nên… Nhưng không biết trong khi Ngài cười, tôn thần có thấy điều gì khác lạ chăng?

Dạ Xoa một tay vỗ đùi đen đét:

– A phải rồi… chắc là đúng đấy !… Ta nhớ lại rồi… Vì lúc Ngài cười, hình như hai hàm răng của Ngài phóng ra nhiều tia sáng lắm, cả những lỗ chân lông cũng vậy… Thế rồi… bọn ta tuy chưng hửng, nhưng lại thấy cả mình mẩy như rợn gai ốc, lông lá cứ như muốn lả tả rơi rụng hết sạch… Phải rồi, đúng rồi… Có thể thôi mà cũng không nghĩ ra…

Rồi gã cao hứng, cứ tiếp tục vỗ đùi… Cuồng Huệ tiếp:

– Vậy tôn thần có nhớ được những lời kinh nào không?

– Nhớ chứ,… Ta nhớ rành mạch lắm… Này nhé, khởi đầu, sau khi Phật cuời xong, có một vị phương phi đẹp đễ, mặt tròn nhu trăng rằm, đôi mắt xanh biếc nhu hai chiếc lá sen. Không phải là người đâu, chắc là một vị Bồ Tát nào đó, từ phương xa đến… Vị này đứng ra đảnh lễ Phật, rồi tự nói rằng mình là người thông đạt Đại Thừa, nhưng sau đó lại đặt ra rất nhiều câu hỏi để thưa hỏi Phật… Các vị thấy thế có tức cười không, tự nói là mình thông đạt, rồi lại vẫn cứ thưa hỏi… Câu hỏi nêu ra nhiều quá, ta không nhớ nổi. Chỉ nhớ có mấy câu nghe ngộ nghĩnh lắm… Như là: “Bạch Phật, trong một thân chúng sanh, có bao nhiêu vi trần? Trong biển đại hải này, có bao nhiêu giọt nước? Trong núi Lăng Già này, có bao nhiêu hạt bụi đá? Trong một cõi Đại Thiên, có bao nhiêu vi trần…” Này, này thế có tức cười không? Hỏi thế thì bố ai trả lời được… Ắy thế… mà Phật cũng trả lời đấy… Nhưng Ngài trả lời dài dỏng quá, khó quá, lỏng thòng vòng vo quá, khiến ta chả hiểu gì hết trọi… Nhưng ta còn nhớ được mấy chữ… Như chữ Phi chẳng hạn. Ngài dạy thế này: “Ta đưa ra chữ Phi này, để các ông nhớ lấy. Chúng sanh là phi chúng sanh, phi chúng sanh chính là chúng sanh. Vi trần là phi vi trần, phi vì trần là vi trần. Cõi là phi cõi, và Bồ Tát là phi Bồ Tát, cũng như Dạ Xoa là phi Dạ Xoa…” Ngài dạy như vậy, thì có tức cười không…? Cũng còn một chữ nữa mà ta nhớ được, là chữ “Tâm lượng biến hiện” vì Ngài cứ nhắc đi nhắc lại… Nhưng rốt cuộc, Ngài diễn nói dài quá, khiến lần lần, ta thiu thiu ngủ khì… Cũng chỉ là vì ta thường sống ở dưới đất, ngửi các thứ hơi đồng hơi sắt nóng lắm nên quen rồi, nay lên núi này nghe kinh, gặp gió biển mát rười rượi, nên quay ra ngủ khì…

Gã đồng tử hỏi:

– Thế thường khi… tôn thần sống ở trong lòng đất? Không biết cuộc sống…

– Thì dĩ nhiên là ta sống ở trong lòng đất. Vì ta là Địa Hành Dạ Xoa mà… Ta đi qua đất, qua núi đá như đi qua hư không vậy. Chỉ trừ có một lóp là ta không đi qua được, đó là lóp kim cang tế. Ở trong lòng đất, có một lóp gọi là kim cang tế, lóp đó rắn lắm, khiến ta không sao đi qua được… Ta thường ngày cứ đi qua đi lại, nhởn nhơ rong chơi trong lòng đất, lúc đói thì bốc lấy một ít hơi đồng hơi sắt nóng mà ngửi, hoặc tìm bắt bọn chúng sanh phi nhân để ăn thịt. Nhưng phải cái bọn phi nhân này, chúng ngu xuẩn lắm, nên thịt chúng ăn tanh ngòm, dai ngoách và vô vị. Ăn hoài thịt của chúng thì mặt cứ xanh lè ra… Thế nên thỉnh thoảng, ta lại trỗi lên mặt đất, lùng kiếm người để ăn thịt.

Thịt người ngon lành béo bổ lắm, ăn vào thiệt là khoái khẩu… Chỉ phải mỗi cái phiền phức là trên mặt đất này, khí trời mát quá, ta không quen, nên lúc đầu, hay bị bắt hơi nhảy mũi hoặc lăn ra ngủ khì… Nhưng rồi riết cũng quen…

– Thế không biết… ở dưới lòng đất, có địa ngục không?

– Có chứ… Nhưng ở mãi thật sâu trong lòng đất, nơi gần lóp kim cang tế, có một vùng lớn rộng, đó chính là vương quốc của cái ông Thập Điện Diêm Vương. Nhưng thật tình, ta ít lai vãng nơi đó lắm. Vì sao? Này nhé, cái ông Diêm Vương đó nhiều quân lính, nhiều thứ quỷ dữ thường hay qua lại, và trông dáng điệu lạ hoắc, nên ta không thích. Thứ nhì là nơi đó, nhiều lúc thì nóng quá nên ta không ưa… Thứ ba là… ha ha, cái bọn người và cô hồn hay lảng vảng nơi đó, cũng chẳng phải là một thứ mồi ngon. Máu chúng thì loảng, lại có màu xanh lè hoặc tím, nên uống vào chẳng ra cái mùi vị gì hết. Còn thịt thì ăn vào như ăn giấy hoặc ăn sáp vậy, nên ta không ham. Không ham… Rút cuộc, chỉ có thịt người là ngon lành hơn cả, ha… ha… đúng là cam lồ vị, cam lồ vị… Nhưng khốn nỗi… khốn nỗi…

Đồng tử gạn:

– Thế sao…bây giờ, tôn thần lại nhịn… không muốn ăn nữa?

Dạ Xoa gắt:

– Thôi đừng hỏi nữa… Thằng lỏi này tò mò quá! Hơ, hơ… nhưng ta ngửi thấy mùi thịt của ngươi cũng khá ngon dư rồi. Ta phải ngồi bịt hai mắt lại, vì cái mắt này hỏng lắm, nó hay nhìn thấy người và hay gợi sự thèm muốn. Ta cũng cắt cái mũi đi, vì nó đánh hơi người tài lắm. Cũng bịt một lỗ tai lại, chỉ để một thôi, vì cái tai cũng không đến nỗi tệ hại lắm!… Ấy thế mà thỉnh thoảng vẫn cứ thấy thèm… Ta phải ngồi giữa hai cây thông này. Khi ta cựa quậy đụng phải cây thông bên phải, thì ta tâm niệm cố nhớ rằng: “Thịt người cũng chẳng ngon lắm đâu, không ngon bằng các thứ bửu trân cam lồ trên trời…” Rồi đụng phải cây thông bên trái, thì ta cố nhớ rằng: “Được làm Phi Hành Dạ Xoa thì sướng lắm! Thân thể nhẹ nhàng hơn, rong chơi góc biển chân trời. Không bị nóng lạnh hắt hơi nhảy mũi, không phải ngửi nước đồng nước sắt nóng nữa. Không phải nhìn bọn phi nhân xấu xí ngu xuẩn nữa, chỉ nhìn bọn A Tu La nữ đẹp như tiên. Ăn những trân bửu cam lồ nhật nguyệt, lại nhiều thần thông hơn…” Đây, đây, ngồi nơi đây… ngày nào, ta cũng cố gắng suy nghĩ nhu vậy, mà thỉnh thoảng vẫn còn thấy thèm, nước bọt nước dãi cứ chảy ra. Và cái sừng của ta vẫn cứ chưa chịu rụng… Nhưng mà… trong bọn Dạ Xoa ta quen biết, có nhiều đứa đã được rụng sừng rồi… Không hiểu sao sừng của ta lại lâu rụng thế?! Không biết tại sao?

Cuồng Huệ thấy lòng bồi hồi, nên bước tới xá dài một xá:

– Đa tạ tôn thần đã thổ lộ tâm can… và nhắc lại những lời Đức Phật nói… Nhưng không biết… tôn thần có còn nhớ được lời nào khác không?

Dạ Xoa lấy tay vỗ bôm bốp vào đầu; gục gặc:

– Chỉ có vậy thôi… chẳng nhớ được gì hon nữa… À, à… còn mấy câu này nữa, nhưng không phải của Đức Phật nói ra…

– !?

– Mấy câu này… là do một vị khác nói… nhưng nghe cũng thấm thìa lắm. vẫn cái ông mặt mũi phương phi đó, mặt tròn và sáng như trăng rằm… Vị đó nói mấy câu có vần có điệu, nên ta nhớ…

Cuồng Huệ bồn chồn:

– Xin tôn thần nhớ kỹ lại cho…

– Câu này nghe kỳ cục lắm, nhưng thấm thìa… Là như vầy:

Thế giới như không hoa
Thế gian hằng như mộng…
Tuy biết rằng tịch diệt
Vẫn khởi tâm Đại Bi…

Đấy, như vậy đó… Nghe thấy mang máng khó hiểu quá, nhưng chắc rằng vẫn có ý nghĩa…

Cuồng Huệ đang lẩm nhẩm nhớ kỹ lời kệ, thì Thạch Sanh đã tiến lên, xá dài Dạ Xoa:

– Đa tạ tôn thần đã mở lòng chỉ giáo… Nơi đây có lẽ đã gần đất Tây Trúc rồi, bọn bần tăng xin lên đường để mau được tới chùa Lôi Âm Tự…

Dạ Xoa bỗng khoát tay:

– Này, này… nếu các vị tới được chùa Lôi Âm và yết kiến Đức Phật… thì xin hỏi hộ ta rằng… đến chừng nào, cái sừng trên đầu ta mới rụng?

Thạch Sanh bần thần:

– Bần tăng nghe nói rằng Đức Phật Ngài đã vào Niết Bàn từ lâu rồi, từ sáu trăm năm nay rồi. Bọn bần tăng có tới được chùa Lôi Âm, chắc cũng không được nhìn thấy Ngài đâu…

Dạ Xoa buồn bã:

– Nếu quả như thế, thì biết đến bao giờ đây…! Biết làm sao đây??

Cuồng Huệ bỗng nói:

– Tiểu sinh nghĩ rằng chiếc sừng của tôn thần chưa rụng được, vì nghiệp chướng chưa tiêu tan… Có lẽ… từ nay, tôn thần nên làm theo… như lời kệ nói, bài kệ mà tôn thần vừa đọc lại đó… “Thế giới như không hoa, thế gian hằng như mộng….” Nếu cả thế gian này chỉ là một cơn mộng, một hoa đốm nở giữa hư không, thì chắc rằng chiếc sừng của tôn thần cũng không thể hơn được… Nên tiểu sinh trộm nghĩ tôn thần nên quán tưởng chiếc sừng đó như một thứ không hoa, thì có lẽ sớm tiêu dung nghiệp chướng ăn thịt người hơn…

Y buột miệng nói ra lời ấy, bỗng thấy trong lòng rung động kinh nghi, không hiểu sao mình lại nghĩ ra điều ấy… Dạ Xoa cũng trố mắt ngạc nhiên:

– Thiệt vậy sao?… Cứ ngồi nghĩ như vậy, thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ và sừng sẽ rụng sao?

– Thì lời kệ nói như vậy mà… Tiểu sinh nghĩ chắc không sai trật đầu…

Rồi y một lần nữa, lại xá dài Dạ Xoa. Và cả bọn đều quay gót…