TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP II
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI XII

Cửa Tần Mã thuyền không vượt nổi
Cá Ma Kiệt nhỏ lệ dẫn đường

Chiếc bè nhằm phía Tây trực chỉ, dưới ánh mặt trời ngày một gay gắt chát chúa. Mặt biển im lìm xám sậm như biển dầu, nhưng không khí đầy hơi nước ẩm thấp khiến oi bức lạ thường… Bè tuy lớn, nhưng đóng vội vã, nên Cuồng Huệ quên không làm mui, khiến cho cả bốn người đều không có chỗ nào trú ẩn…

Càn Thát Bà là người thứ nhất không chịu nổi sức nóng. Hắn lúc đầu cởi cả áo, vén cao quần lên đến tận đùi, đôi cẳng khẳng khiu như hai cây tre, đi đi lại lại trên bè, lầu bầu: “Chỉ tại lão tặc này nó làm cho nóng quá! Chịu không thấu! số mình thực nhiều yêu nghiệt! Trên kia bị lão Đe Thích, xuống đây lại gặp lão mặt trời!…” Hắn cảm thấy xác thân ngày càng kém cỏi, tinh thần ngày một sa sút. Đôi khi, hắn nảy ý nghĩ, muốn bỏ bọn này, còn hắn cất cánh bay trước, rồi sẽ tìm gặp lại một nơi nào đó trên đất liền, hắn hy vọng trên đất sẽ có cây cối che bóng mát. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hắn vẫn không thể mở miệng ngỏ lời được, vì tuy hắn là người nóng nảy, nhưng nhiều tự ái, và đã trót làm đại sư huynh rồi, không lẽ bỏ đàn em chạy trước hay sao.

Thạch Sanh mang thân xác thai phàm, đáng lẽ cũng khổ vì nóng lắm. Nhưng may là chàng mang trong người viên ngọc Biến Chiếu Như Y, nên sức nóng chung quanh được hóa giải nhiều. Chàng cứ thản nhiên ngồi xếp bằng trên bè, luôn luôn nhiếp tâm niệm Phật, hoặc suy nghĩ về cái tâm vô lượng… Chàng thường nghĩ rằng: “Cái nóng này cũng chỉ khởi lên từ hằng hà những nhiệt não tích tụ ở trong tâm mình thôi. Không riêng gì cái nóng, có lẽ cả mặt trời kia, cùng vòm trời biển mênh mang này, cũng khởi lên từ tâm mình thôi… Vả lại, chúng sanh nào cũng bị lửa nhiệt não thiêu đốt. Mình tập tễnh đi trên con đường Bồ Tát đạo, mà tâm hành của các vị Bồ Tát thì mênh mang lắm! Nay chỉ có một cơn nóng, không lẽ không chịu nổi sao?…”

Thấy chàng an nhiên ngồi lỳ, Càn Thát Bà bực tức lắm. Hắn khua đôi cẳng đi lại rất mạnh gần chàng. Lần lần, hắn khám phá ra rằng hình như người chàng tỏa ra một làn 40 hơi mát… Hắn hiểu ngay là do viên ngọc. Hắn mở miệng định hỏi mượn, nhưng nhìn Thạch Sanh tiều tụy gầy còm, hắn cảm thấy không tiện, nên khép miệng lại. Nhưng hắn nghĩ ra một giải pháp rất trung đạo, tới ngay cạnh Thạch Sanh, ngồi xẹp xuống, để lưng mình sát ngay lưng Thạch Sanh. Quả nhiên có đỡ nóng thật!… Từ đó, hắn không dám rời chỗ Thạch Sanh. Nhưng ngồi lâu quá, hắn cứ ngủ gà ngủ gật, hoặc ngáy pho pho dưới trời gay gắt. Đôi khi, cũng chán ngủ, hắn muốn tiêu thời giờ, cũng bắt chước Thạch Sanh niệm Phật… vốn tính thiếu kiên nhẫn và mau chán, nên chỉ làm những việc đó được hồi lâu, lại lăn quay ra ngủ… Hắn nghĩ thầm rằng, có lẽ chỉ suy nghĩ về âm thanh, là hắn có kiên nhẫn mà thôi…

Cuồng Huệ vẫn điềm nhiên tọa thị. Y ít cảm thấy sự nóng lạnh, y cũng ngồi miết trên bè, thỉnh thoảng đứng lên đi đi lại lại. Lúc này, y ít lưu tâm tới hai vị sư huynh, cũng như chẳng để ý gì mấy tới việc điều khiển chiếc bè. Y bận tâm suy nghĩ chuyện khác. Nghĩ tới cái vế chân lý: “Sắc bất dị không,” y thấy như hiểu như không hiểu. Cũng như nghĩ về lai lịch của gã đồng tử. Y linh cảm thấy đấy là một cơ duyên có thể nhiều tốt lành, nhưng y cũng không vội vã khơi chuyện. Đôi khi, y đưa mắt ngắm nhìn gã đồng tử, song vẫn điềm tĩnh chờ đợi… Y thầm cảm thấy rằng hình như mọi việc trên đời đều do cơ duyên cả, nên cũng chẳng cần gấp gáp. Nếu mình có đủ túc duyên, mọi sự sẽ như ý… Cũng như lời tôn giả nói. Y bất giác nghĩ tới Ca Lặc Ca tôn giả.

Gã đồng tử có vẻ vui sướng lắm, đi lại tung tăng từ đầu bè này đến đầu bè kia, chân tay mau lẹ linh động, uyển chuyển nhịp nhàng như đứa con hát đương nhảy múa trên sân khấu… Nhìn kỹ, Cuồng Huệ giật mình. Gã ăn mặc theo nam trang, nhưng khó thể quyết định gã là một hài đồng hay là một ông già? Chiếc đầu tròn có trái đào tóc đen nhánh, đôi mắt tinh anh có mục quang long lanh như hai giọt mực. Nhưng hai tai thì nhô ra, miệng cũng nhọn, hai hàm răng không đều, và quai hàm già khan, khiến cho phần dưới khuôn mặt giống như ông cụ già… Nhưng lúc này, cũng chẳng có việc gì khiến cho Cuồng Huệ ngạc nhiên được lâu cả. Y thản nhiên chờ đợi những cơ duyên nở ra.

Gã đồng tử tuy đi lại tung tăng, nhưng hình như tính nết cũng cô tịch ít nói, như có nhiều nỗi niềm tâm sự… Từ khi xuống bè, gã chẳng thốt ra mấy lời. Gã chỉ hay đưa mắt nhìn loáng ba người, rồi lại quay đi chỗ khác. Nhưng gã có vẻ lưu tâm đến Cuồng Huệ nhất.

Chiếc bè cứ đi trên mặt biển im lìm như vậy được chừng sáu, bảy ngày, bỗng có những cơn gió dữ nổi lên… Gió thổi vùn vụt suốt ngày đêm không ngừng, trong nhiều ngày liền, khiến chiếc bè trôi giạt khá xa chắc là về phương Nam… Rồi bỗng tới một nơi, trông thấy nước biển cả đều biến thành sắc vàng, coi như là vàng chảy… Và cả một vòm trời cũng nháng lên toàn một ánh sắc vàng… Gã đồng tử ngắm nghía hồi lâu, bỗng nói:

– Chúng ta đã trôi tới vùng biển có nhiều hoàng kim. Dưới đáy biển, chắc có nhiều vàng bạc châu báu…

Cuồng Huệ hỏi:

– Sao huynh đài biết?

Đệ tử từng có lần đi tới vùng biển tương tự thế này. Dưới biển, có nhiều hoàng kim, ánh sáng dội lên, giao hòa lẫn nhau, khiến cả vùng trời biển đều óng ánh sắc vàng chảy…

– Huynh đài đi hồi nào ?

Gã đồng tử buông tiếng thở dài:

– Chẳng giấu gì sư phụ, đệ tử quả tình có đi vùng biển này… Nhưng đó là chuyện của kiếp trước. Nói ra thì có người hoài nghi, nhưng sự thực là như vậy. Sở dĩ đệ tử có một chút kiến văn, vì còn nhớ được những chuyện kiếp trước… Lúc đó, đệ tử đã cùng thầy của đệ tử, hai lần vượt biển đi tìm châu báu…

– Vị thầy của huynh đài ?!

– Vâng, trong kiếp trước đây, đệ tử đã từng bái một vị ẩn sĩ làm thầy… VỊ thầy của đệ tử, tuy ẩn cư tu hành, nhưng đôi khi, người cũng thích hạ sơn ra tìm châu báu… (Gã lại thở dài:) Hồi đó… cách đây hơn một trăm năm… lúc đó, đệ tử sanh sống trên đất Tây Trúc…

Nghe thấy nói chuyện lao xao, nhất là hai tiếng Tây Trúc, thì hai người kia cũng bắt đầu chú tâm lắng nghe. Thạch Sanh vẫn ngồi yên, nhưng Càn Thát Bà đã lò dò tới gần gã đồng tử… Nhưng gã không để ý, tiếp tục trò chuyện với Cuồng Huệ:

– Trong kiếp trước, đệ tử cũng là một kẻ tu hành… Theo thầy học đạo được chừng hai chục năm… Thầy của đệ tử là một vị cao nhân, vốn tu theo Vệ Đà Giáo, nhưng sau đó, vân du nhiều noi, nên kiến văn rất quảng bác. Hình như người có tham cứu nhiều về giáo lý của bậc đại sa môn tên cồ Đàm Mâu Ni, xuất hiện nơi đời cách đây chừng sáu trăm năm…

Cuồng Huệ vội hỏi:

– Đại sa môn cồ Đàm Mâu Ni? Không biết… có phải là Đức Đại Phù Đồ Mâu Ni Phật không?

– Chính vậy, những đệ tử của vị sa môn đó thường gọi như vậy… Song những người Vệ Đà Giáo chúng tôi lại nghĩ khác… Tôi chỉ nghe nói vị đó tướng mạo rất đẹp đẽ oai nghiêm, có sức mạnh ghê gớm như huyễn hóa, một sức mạnh bằng đến hàng ngàn con bạch tượng họp lại… (chỉ Cuồng Huệ)… có lẽ cũng như vị sư phụ đây… Lại có pháp thuật cao cường… Nhưng không biết có đúng là bậc biết hết các pháp không? Nên người Vệ Đà Giáo thường cho là một đại yêu huyễn… Hồi đó, hồi đó… không khí đấu tranh giáo lý thực là sôi nổi… (Gã bỗng đập ngực thùm thụp.) Nhưng hỡi ơi !… Thực là… thương tâm, thương tâm…

Càn Thát Bà nóng nảy, xen vào:

– Này, này… ngươi nói lăng nhăng gì vậy? Mà ngươi tên là gì?

Gã đồng tử như không để ý tới lời sừng sộ của Càn Thát Bà, chỉ nhìn Cuồng Huệ… Thạch Sanh khập khiểng tới gần, buột miệng hỏi:

– Thế ra… huynh đài đã từng sống ở Tây Trúc, và đã nghe nói về Đức Mâu Ni… Thật là may mắn… Xin huynh đài cứ thực tình chỉ giáo…

Gã đồng tử tiếp tục:

– Tôi kiếp trước tên uất Đầu Lam… nhưng bây giờ, cứ gọi là Phi Ly cũng được (Gã nhìn Càn Thát Bà như thách đố) Phi Ly là con chồn có cánh… Nói về vị Mâu Ni đó, thực tình phải nhận rằng pháp thuật rất cao cường người Vệ Đà Giáo chúng tôi chẳng ai địch nổi… Nhưng pháp thuật cao cường chưa chắc đã là Phật Thế Tôn, là bậc biết tất cả pháp… Theo kinh Vệ Đà của chúng tôi, một bậc như vậy hy hữu lắm, có khi đến mấy thạch kiếp cũng chưa thấy… (Gã trầm ngâm) Bởi vậy, chúng tôi nghĩ rằng vị Mâu Ni đó chỉ đon thuần là một đại yêu huyễn… (Gã lại đập ngực, lần này, như muốn khóc ròng) Hỡi oi! Thật là đau đớn…

Cuồng Huệ khuyên giải:

– Huynh đài chớ nên xúc cảm quá độ…

Gã đồng tử lau nước mắt:

– Tôi thương cảm… vì nghĩ đến thầy tôi… Thầy tôi viên tịch sớm, mới năm mươi chín tuổi, trông người còn trẻ măng… Sở dĩ viên tịch sớm, có lẽ là vì cái giáo lý của vị Mâu Ni đó…

Gã ngưng giây lát như để hồi tưởng. Rồi thấy ba người chăm chú, gã chậm rãi tiếp:

– Tôi hồ nghi như vậy… và có thể là đúng… Chả là thầy tôi tên là Ca La Lã, một vị đại tiên, có thể nói là đệ nhất cao nhân của Vệ Đà Giáo. Danh tiếng vang lừng khắp miền Tây Trúc, không ai không nể sợ… Vì thầy tôi tu hành, đã vào được cơn định gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định…

Càn Thát Bà xen vào:

– Cái gì, ngươi nói cái gì? Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định hả? Cái gì nghe lạ hoắc vậy? Đã phi tưởng rồi lại phi phi tưởng? (Hắn xua tay loạn lên)… Ta ở cung Dao Lợi gần bảy mươi năm, chưa nghe thấy ai nhắc đến cái tên này… Cả lão Đế Thích cũng chẳng nói tới… Đầu óc ngươi có hồ đồ không vậy??!

Chiếc bè bỗng chòng chành dữ dội, rồi quay tít… như đi vào một làn nước xoáy ngầm… Càn Thát Bà chu chéo bảo Cuồng Huệ:

– Này, này chú mày phải nghĩ tới việc lèo lái chiếc bè đi chứ! Cứ ngồi đấy nghe mãi câu chuyện dang ca của gã chồn hoang này…………………………………… thì rồi mọi sự đều hỏng bét, đều mờ mịt hồ đồ cả…

Gã đồng tử nói:

– Đây là vùng nước xoáy… Miền này có nhiều vùng nước xoáy, có những chỗ dữ dội lắm, thuyền bè đi tìm châu báu khó thoát được… Chả là có những vị Long Thần ở đây họ giữ gìn kho tàng hoàng kim. Những vị này cũng có nhiều tật đố, họ không muốn cho những người đi biển dễ kiếm được châu báu, nên họ thường che mắt khiến không nhìn thấy… Chỉ những người có túc duyên lắm mới nhìn thấy và lấy được ít nhiều mà thôi…

Càn Thát Bà lầu bầu:

– Nhưng bọn ta có định kiếm chác châu báu cóc gì đâu, tật đố với không tật đố…

Cuồng Huệ đã đứng dậy, đi về phía tay lái… Y nghĩ bụng rằng: “Những vùng biển miền nhân thế thực là quái quắc, nhiều điều quái dị, khác với miền Hương Thủy thong dong hiền lành… chắc tại nghiệp chướng nơi đây sâu nặng…” Y cầm tay lái, cúi xuống mặt biển, nói mấy câu mật ngữ của loài rồng. Quả nhiên, giây lát luồng nước xoáy yên lặng, chiếc bè hết chòng chành dữ dội… Y lại bẻ tay lái, hướng bè về phía Tây Bắc… Y điều chỉnh chiếc buồm cho hợp với chiều gió, rồi trở lại chỗ ngồi.

Gã đồng tử theo dõi từng cử chỉ của y. Gã toét miệng cười, trầm trồ:

– Hay! Hay… Oai đức của sư phụ lớn lắm đó, có thể ra lệnh cho các Long Thần được… (Gã vỗ hai bàn tay nhỏ nhắn có móng dài, ra chiều thích chí) Đệ tử nghĩ rằng… có lẽ sư phụ đi tìm ngọc như ý được đó…

Càn Thát Bà lại xen vào:

– Ờ, ờ… Ngọc như ý hả? Cái vùng biển khỉ khô nóng cháy này mà cũng có ngọc như ý hả? (Hắn lắc đầu quầy quậy) Ta không tin, không tin… Trên cõi trời Dao Lợi, lão Đe Thích cũng có một viên ngọc đó, lão cài ở búi tóc cho đẹp, nhưng lão cũng chẳng cho ai coi…. Mà ta cũng chẳng thấy lão dùng viên ngọc đó làm được việc gì cả… Này, thế ngươi có biết viên ngọc ấy dùng làm gì không?

Gã đồng tử cười nhạo:

– Việc gì à?… Thiếu gì việc… Có thể làm mưa được này, mưa nước trong cũng được, mưa lúa gạo cũng được, mưa quần áo, mưa châu báu, mưa các thứ mùi hương nữa này…

– Thế có thể mưa âm thanh được không? Mưa các thứ kỷ nhạc ấy mà…

Đồng tử gật gù:

– Cũng có thể lắm chứ! Có thể làm phát ra những thứ âm thanh kỳ diệu…

Càn Thát Bà nhảy cẩng, nắm cánh tay đồng tử:

– Thật hả? Thật hả? Ngươi không nói nhăng đấy chứ? Nhưng ngươi có biết chỗ nào có ngọc đó không?

Đồng tử khoa tay chỉ vùng biển:

– Thì cũng ở trong những vùng biển như thế này thôi. Chỗ nào có nhiều ánh hoàng kim, có thể có ngọc như ý. Nhưng thường thường, vị Long Vương có viên ngọc đó, cũng cất giữ cài trong búi tóc…

Càn Thát Bà vội vã xoa đầu. Chỏm tóc của hắn lúc đó đã mọc khá dài. Hắn xuýt xoa tiếc nuối:

– Chà, chà… thế ra mấy lão đó cùng với lão Đe Thích đều có búi tóc cả… Còn như tóc ta, tuy cũng đẹp như vậy, nhưng không đủ để búi thành búi… Nhưng này, tại sao ngươi lại biết rõ vậy, biết cả lão Long Vương có búi tóc?

– Thì tôi đã nói rồi mà… Kiếp trước, tôi đã đi ra biển với thầy tôi hai lần… Thầy tôi cũng muốn kiếm viên ngọc như ý…

– Thế thầy ngươi có kiếm được không?

– Đâu có được!… Nếu kiếm được thì đâu đến nỗi…

– Nhưng ngươi vừa bảo rằng thầy ngươi là cao nhân ghê gớm lắm mà! Đã được cái định gì… phi rồi lại phi phi cơ mà…

Đồng tử lộ vẻ buồn rầu:

– Thì tôi đã nói rằng lúc đó, thầy tôi còn trai trẻ, tu hành chua cao, nên nảy ý muốn giang hồ tìm ngọc nhu ý… Vả lại, tu hành cao chưa chắc đã đủ để tìm được. Phải là người có nhiều túc duyên và oai đức lắm mới được… Mới khiến cho vị Long Vương nể vì thân thiết trao ngọc… Này nhé! Có khi điện đài của Long Vương vẫn sờ sờ lộng lẫy nguy nga trên mặt biển này, mà người đi biển đâu có nhìn thấy được. Nhưng nếu vị Long Vương nể vì kính trọng, thì mình sẽ thấy…

– Hừm hừm… ngươi nói cũng có lý… Như ta đây, ta cũng có ít nhiều thiên nhãn, có thể nhìn thấy cung điện lão được. Và chắc lão cũng nể vì ta ít nhiều, nhưng phải cái ta lạ hoắc không quen, nên lão chắc không thấy thân thiết mấy… Chắc vậy…

Đồng tử giọng trầm ngâm:

– Phải có oai đức lắm mới được… Là vì… tôi nghe nói, khi một người được thấy điện đài, thì chung quanh toàn là rắn độc canh gác. Vì Long Vương là chúa tể của loài rắn biển mà… Vậy phải đi qua nổi các hàng rào rắn ấy, lại phải thuyết phục vị Long Vương vui lòng trao ngọc… Nên phải có nhiều oai đức lắm mới được… Lúc đó, thầy tôi… có lẽ chưa đủ oai đức… Vả lại… vả lại… tôi có nghe các vị trưởng thượng trong Vệ Đà Giáo chúng tôi… truyền ngôn rằng hình như các Long Vương không ưa thích nể vì nhiều những người Vệ Đà Giáo…

– Sao vậy? Thế Long Vương hay nể vì những người giáo phái nào?…

– Đấy là tôi thực tâm mà nói… nhưng nói ra cũng sợ mắc lỗi với thầy tôi… Tôi nghe truyền ngôn rằng hình như Long Vương hay nể vì những người thuộc giáo phái của vị Mâu Ni đó…

Càn Thát Bà khoái chí, cười ha hả:

– Ha, ha… thật hả? Người nói thật chứ? Ha, ha… nếu thế thì bọn ta có thể đi được rồi… Bọn ta chính cống mà lị, chính thị là đệ tử của vị Mâu Ni đó, tuy hơi xa lắc xa lơ một chút… Neu thế thì đi được rồi… Gã đồng tử nói giọng tinh nghịch:

– Chắc lão tiên sinh đi không được đâu…

– Sao vậy? Sao lại không được?

– Là vì… là vì… tôi nghe nói là Long Vương chỉ hay ưa nể những vị nào oai nghiêm đẹp đễ…

– A, a… ngươi dám bảo là ta không oai nghiêm đẹp đẽ sao?… Xưa kia, xưa kia… trên trời Dao Lợi, có nhiều đứa thiên nữ, cả A tu la nữ nữa, cũng hay khen ta là có phong tư đẹp đẽ hơn người… Nhưng phải cái chúng vừa khen vừa che miệng cười hinh hích, nên ta cũng hơi hồ nghi… (hắn ngẫm nghĩ:) Nói cho công bình, có lẽ ta cũng không được đẹp đẽ lắm, nhưng oai nghiêm thì chắc chắn là oai nghiêm…

Gã đồng tử cũng phải mỉm cười… Gã chỉ Cuồng Huệ:

– Nếu có đi thì… có lẽ vị sư phụ này đi được…

– Ờ phải đấy, phải đấy… Y đẹp đẽ, còn ta oai nghiêm, cỏn chú kia lại là sa môn, đệ tử chính cống của vị Mâu Ni đó… Ha, ha… ta nghĩ ra rồi, ta chắc mấy lão Long Vương lẩm cẩm đều e sợ pháp thuật cao cường của vị Mâu Ni đó, nên tuy ruột đứt bừn bựt, vẫn phải làm ra vẻ vui mừng mà dâng ngọc… (bảo Cuồng Huệ) Này, này… chú mày lại có thêm sức khỏe vô địch của một tay kiếm khách đường đường ra chốn hải tần nữa, chắc lão sợ hãi toát mồ hôi hột. Chú mày nghĩ sao? Hay là nhân tiện đây, ta đi một chuyến… Kiếm được ngọc rồi đi thỉnh kinh… (Hắn càng nghĩ càng thấy khoái trá) Ha, ha… ta có thể lấy viên ngọc đó đổi lấy kinh… Hoặc ta có thể cài viên ngọc đó vào chỏm tóc, rồi trở về thăm viếng lão Đế Thích, để cho lão coi viên ngọc… như thế lão sẽ hiểu rằng ta cũng chẳng kém gì…

Cuồng Huệ bỗng hỏi:

– Thế viên ngọc đó có làm phát sanh được trí huệ siêu xuất không?

Gã đồng tử chậm rãi:

– Đệ tử thực tình cũng chưa hiểu rõ trí huệ siêu xuất như thế nào… Nhưng có lẽ là không, không làm phát sanh được… vì đệ tử chưa nghe thấy ai nói cả… Vả lại, ngọc ấy của quý của Long Vương. Nhưng Long Vương vẫn còn là loài bàng sanh, dù tu luyện lâu năm, có lẽ chỉ có nhiều phước lực thôi, không chắc có nhiều trí huệ… Cũng tỷ dụ như chính đệ tử đây…

Càn Thát Bà lại xen vào:

– Thằng nhỏ lỏi tỳ này kể cũng gớm ghiếc đấy, và cái miệng cũng leo lẻo… Cũng dám nhìn người bằng nửa con mắt…

Cuồng Huệ nói:

– Huynh đài có lẽ nói đúng… Tôi cũng thầm nghĩ như vậy… Vì viên ngọc cũng chỉ là một vật kỳ lạ của nhân gian hay của một cõi nào đó thôi… đâu có thể mang so sánh với trí huệ bao la và vô ngại của các Bồ Tát lớn được…

Càn Thát Bà bỗng vỗ trán đôm đốp, chu chéo:

– Hỏng quá !… Thực là lú lẫn… ? cần gì đi tìm lão Long Vương nào nữa?… Vì chính chú mày cũng là Long Vương rồi còn gì… Ha, ha… tuy là Long Vương chưa lên ngôi… Và chính chú mày cũng có ngọc… hơ, hơ… nhưng không biết có như ý không?

Gã đồng tử sáng mắt lên, gã chăm chăm nhìn Cuồng Huệ:

– Vậy hả? Vậy chính sư phụ cũng là… Thảo nào, thảo nào… (Gã bỗng ôm mặt) Ôi thôi! Nhưng nếu như thế thì hỏng mất rồi…

Càn Thát Bà gắt:

– Ngươi om xòm quá, điếc cả con ráy!… Cái gì mà hỏng với chẳng hỏng? Cái bọn Vệ Đà Giáo các ngươi thiệt là cắc cớ…

Gã đồng tử không lưu tâm gì đến câu hỏi, vẫn chăm chú nhìn Cuồng Huệ:

– Nhưng có lẽ cũng không đến nỗi hỏng đâu… (Gã toét miệng cười, giơ mấy cái răng khểnh)… Thảo nào… nghi biểu của sư phụ thật là oai phong… Chả trách Ba Văn Mật Đa mê mệt sư phụ cũng phải…

Càn Thát Bà lại quát:

– Ngươi lại nói lăng nhăng gì rồi? Đừng nhắc tới con nữ quái ấy nữa? Hay là ngươi…

Gã đồng tử, giọng ngần ngại:

– Sư phụ…… có thể… cho đệ tử coi viên ngọc được không?

– Có gì mà không được?

– Y lặng lẽ rút viên ngọc trong bọc ra. Viên ngọc xanh biêng biếc và sáng quắc, chói sáng một vùng nhỏ thinh không, khiến ánh mặt trời gay gắt cũng chuyển thành xanh biêng biếc noi viên ngọc… Càn Thát Bà hấp háy đôi mắt:

– Cũng sáng đấy chứ, sáng đấy… Nhưng không biết có được như ý không?…

Cuồng Huệ tần ngần:

– Viên ngọc này có lẽ là bản mệnh của tiểu đệ… mà tự hồi nào… tiểu đệ cũng quên khuấy… là mình cũng có một viên ngọc…

Càn Thát Bà giục giã:

– Vậy ngươi thử đi thử nói chuyện với viên ngọc… rồi chú tâm ra lệnh cho nó… À, mà ra lệnh cái gì đây… ra lệnh cho nó làm mưa đi… cho mát mẻ và để ta tắm chơi một cái… Ra lệnh đi… Thử xem có được không nào…

Cuồng Huệ mân mê viên ngọc:

– Tiểu đệ… từ xưa chưa hề nghĩ đến việc này, nên chắc không được…

– Sao lại không được? Ngươi cũng là rồng chúa mà! Hay là… tại ngươi cứ cất giữ nó trong bọc, không cài nó ở búi tóc. Phải cài nó ở búi tóc như lão Đe Thích mới được… – Đại sư huynh nhắc nhở như vậy cũng có lẽ. Nhưng nhiều phần chắc tại tiểu đệ quên khuấy, không nghĩ tới việc dùng tâm lực phổ một ít huyền lực vào cho nó… Nhưng vật này, tuy gọi là báu vật song vẫn là vô tri, nên chắc phải nhờ nhiều sức tâm mới trở thành linh động được…

Từ lúc nhìn thấy viên ngọc, gã đồng tử nhìn đăm đăm, đôi mắt không rời viên ngọc… Gã bỗng chìa tay:

– Sư phụ… sư phụ… có thể cho đệ tử cầm coi một chút được không?

Càn Thát Bà vội ngăn:

– Ắy, ấy… không được đâu… Đừng có đưa cho gã…

Nhưng Cuồng Huệ chẳng chút do dự, đã trao ngọc cho gã:

– Huynh đài cứ xem đi… Nó cũng chẳng lạ lùng gì lắm đâu… Cũng là vật vô tri thôi…

Gã đồng tử đỡ lấy viên ngọc, say mê ngắm nghía. Rồi lấy tay vuốt ve, đưa lên miệng thổi phù phù, và áp viên ngọc vào má… Nhưng Càn Thát Bà đã lẹ tay giựt lại và đưa trả Cuồng Huệ… Gã đồng tử nói:

– Tôi ở hoang đảo Qua Oa lâu ngày, nên được dịp ngắm nhìn nhiều thứ ngọc. Nhất là Ba Văn Mật Đa cũng dam mê sưu tầm các thứ ngọc… Viên ngọc của sư phụ chắc là như ý đấy… (chỉ Thạch Sanh) Nhưng… chưa bằng viên ngọc của vị sư phụ kia…

Càn Thát Bà sừng sộ:

– A, a… Thế ra ngươi cũng biết cả viên ngọc kia sao?… Thì ra người đã lén lút rình mỏ coi hết cả mọi chuyện của bọn ta sao?… Và bây giờ, chắc ngươi cố tình đi theo sát, để định đánh cắp viên ngọc kia chứ gì ?

Đồng tử xua tay loạn lên:

– Không đâu!… Không phải vậy đâu… Lão tiên sinh đừng nghi ngờ bậy bạ… Tôi không có ý định đánh cắp đâu, mà tôi đánh cắp sao nổi… Trong những ngày qua, tôi có lén lút rình mò thật, nhưng rình mò để coi chơi thôi… (thở dài) Tôi ở nơi này cô quạnh quá, nên muốn coi chơi… Cũng như trước kia, tôi vẫn lén lút rình mò Ba Văn Mật Đa… Và cái vụ rình mò cũng đem lại nhiều cái hay, nhiều thứ tiêu khiển…

Càn Thát Bà chu chéo, giơ hai tay lên trời:

– Lão tặc trời ơi! Thế ra người chuyên môn đi rình rập coi lén nữ quái, bọn đàn bà… Này, thế ngươi thấy chúng có gì lạ không?

Nhưng tôi có định tâm coi lén rình rập gì đâu… chẳng qua là sự việc nó cứ diễn ra sờ sờ trước mắt, nên chẳng lẽ lại nhắm mắt không coi… Hoang đảo đó chính ra của tôi, vì tôi thọ sanh ra ở vùng biển này mà… nhưng con nữ quái Ba Văn Mật Đa tới chiếm cứ mất của tôi… Bản lãnh nó cao cường, nên tôi đành nhịn, chịu cuộc sống trốn chui trốn nhủi… Hi… hi… Cũng may nó lại bắt được các vị mang về đây, nên tôi lại được cơ hội thoát khỏi bàn tay nó… Rồi lại được đi rong chơi nữa… Tôi mơ ước từ lâu, muốn trở về miền Tây Trúc….

Cuồng Huệ bỗng hỏi:

– Này… thế huynh đài có nhìn thấy Ba Văn sử dụng viên ngọc kia ra sao không? Có nhìn thấy một vòm trời lung linh hiện ra từ viên ngọc không?.

Đồng tử cười toét miệng:

– .. hi… Đệ tử biết ngay mà… biết thế nào rồi sư phụ cũng hỏi đến vụ này… Đệ tử cũng định tâm nói cho sư phụ biết… Không hiểu sao, nhưng mới chỉ nhìn thấy sư phụ, là đệ tử đã nảy cái tâm thành thực không muốn giấu sư phụ điều gì, lại muốn nương tựa vào sư phụ nữa…

Càn Thát Bà:

– Này… đừng có nói bậy… Mà ngươi định cầu cạnh cái gì đây… Đừng lẻo mép nữa… Hãy trả lời câu hỏi Ba Văn với viên ngọc đi…

– Tôi sẽ nói hết mà… Nhưng trước nhất, sư phụ hãy nói với vị sư phụ kia… cho tôi coi viên ngọc chút đã… Tôi muốn coi từ lâu rồi…

Lúc này, Thạch Sanh đã bước tới gần, chàng xòe bàn tay có nắm viên ngọc sáng quắc. Nhưng Càn Thát Bà đã lẹ tay cầm viên ngọc, hắn chỉ giơ viên ngọc vào mũi đồng tử cho ngắm một hồi, rồi lại đưa trả Thạch Sanh. Hắn giục:

– Coi rồi đó. Bây giờ thì nói đi…

Lúc được ngắm nhìn viên ngọc Biến Chiếu Như Ý, nét mặt đồng tử thực là kỳ dị. Đôi mắt sáng ngời nhìn hau háu, nhưng nét mặt co rúm, như vừa thích thú vừa khiếp sợ… Gã thẫn thờ hồi lâu, rồi chậm rãi:

– Chắc là tại trong người tôi còn nhiều phần yêu khí. Tôi mang tấm hình hài nửa cầm nửa thú, thọ sanh nơi đây một trăm năm rồi, đã cô quạnh lại ngồi tu luyện không ai hướng dẫn, nên có lẽ chẳng tránh khỏi điều đó… Rồi đến buổi chiều hôm ấy, giữa lúc tôi đang buồn tủi về thân phận cắc cớ chìm nổi, thì nữ quái Ba Văn bỗng ở đâu về, mặt mày tươi rói, căn dặn bọn nữ tỳ một hồi, rồi tất tưởi chui vào động bí mật, lòn ra cửa phía sau, leo lên một mỏm núi cao. Tôi chỉ ở đằng xa nhòm ngó y thị, không dám tới gần, sợ bị phát giác. Thấy y thị đứng thẳng người, lôi trong bọc ra viên ngọc đó. Tôi bất giác thấy rùng mình, vì viên ngọc chắc là toát ra một thứ huyền lực khu trục yêu khí… Tuy vậy, nhưng tính hiếu kỳ vẫn mạnh, nên vẫn cố rình xem… Thấy y thị bỗng lấy giọng trang nghiêm niệm khẽ mấy lần một câu thần chú, rồi tung mạnh viên ngọc lên không trung…

Cuồng Huệ vội hỏi:

– Thế huynh đài có nghe rõ được câu thần chú ấy không…………. ?

Gã sịu mặt:

– Công phu tu luyện của đệ tử còn kém cỏi, nên sức nghe không xa. Y thị lại niệm nhanh và khẽ, nên đệ tử chỉ loáng thoáng nghe được chữ ÚM ở đầu mà thôi. Nhưng câu thần chú này ngắn lắm, chỉ chừng ba, bốn chữ thôi…

– Thế rồi sao nữa?

Gã đồng tử như vẫn còn khiếp sợ, giơ tay áo chậm mấy giọt mồ hôi trán:

– Ôi chao! Chỉ có vậy thôi, mà thực lạ lùng. Viên ngọc bay vút lên không trung, rồi tỏa ra như một vòm trời đầy sao che phủ cả một vùng bể, còn dưới mặt đất thì lại hiện điện đài lâu các tráng lệ… Đấy, chính cái vòm trời hào quang ấy đã xà xuống và sư phụ cùng hai vị đây lọt vô đó… Cha, cha… lúc đó, đệ tử vừa thấy khoái trí, vừa thấy khiếp sợ… Nhưng muốn cho màng hào quang chụp xuống, nữ quái cũng có niệm một cậu thần chú nữa, cũng ngắn nhưng dài hơn câu kia… mà khốn nỗi là đệ tử cũng chỉ nghe được có một chữ ÚM…Lần đầu tiên, lúc màng hào quang chụp xuống, đệ tử thấy khiếp sợ quá, nghĩ mình chắc sẽ lọt và đó, nên vội chui vào hộc đá.. .Nhưng chẳng sao cả… lần lần, đệ tử mới hiểu rằng chắc tại nữ quái, lúc niệm thần chú hạ xuống, không hề có tác ý muốn chụp bắt ai cả, ngoại trừ mấy vị thôi… Và khi chụp xuống rồi, lại thấy viên ngọc nằm gọn trong lòng tay y thị….

– Thế rồi… những việc xảy ra về sau…

– Dĩ nhiên là đệ tử đã rình mò coi hết… (cười khúc khích) Đệ tử chỉ tức cười nhất là lúc sư phụ bị ép uống chén rượu gì đó… chén rượu họp… họp…

– Thế còn lúc nổi lên những tiếng đàn…

– Ôi, ôi… lần này, thì nỗi khiếp sợ còn gấp bội… Nhưng đệ tử bị cái tật là càng sợ lại càng thích coi…

– Huynh đài có nhìn thấy ai, thấy vị nào đã khảy tiếng đàn không?

– Thấy chứ,… thấy rõ ràng mà… Chỉ là một ông lão già với một cô gái thôi. Ông lão chống gậy, bước đi khập khiễng, đội một chiếc nón che hết cả mặt, vừa đi vừa thở phì phò, thỉnh thoảng nổi tiếng ho khúc khắc… Còn cô gái trẻ lắm, yểu điệu xinh đẹp, bước đi nhỏ nhẹ thong dong, mặc bộ áo lụa màu sặc sỡ nhưng nhàu nát, tay cầm một chiếc đàn nhỏ màu đen… Hai người đi tới một gốc cây tùng lớn thì ngồi xuống… Cô gái đem đàn ra, so dây lặng lẽ nhìn ông già. Ông này chỉ gật đầu là tiếng đàn nổi lên…

Gã bỗng giơ hai tay ôm chiếc đầu nhỏ:

– Ôi chao, tiếng đàn… Bàn tay thì mềm mại đẹp đẽ, mà tiếng đàn quá ghê gớm… Không biết sư phụ nghe ra sao, nhưng đệ tử vừa thoáng nghe đã phải nhảy vọt ra xa, vỗ cánh bay miết ra biển khơi. Vì nghe đinh tai nhức óc, như bị đả thương ngay trong não tủy… Đệ tử cứ bay miết như vậy, đâu có dám trở về… Nhưng sức của đệ tử không bay xa được, chỉ chừng bảy, tám chục dặm thôi… Sau một hồi lâu, đệ tử mới lò mò bay trở lại… Thấy Ba Văn lững thững trên đường mòn, nét mặt rầu rĩ già cằn, rồi y thị bước xuống chiếc thuyền của sư phụ, kéo buồm dông tuốt…

Càn Thát Bà xen vào:

– Thế còn ông lão và… Ngươi có thấy nữa không?

– Lúc đó, không còn nghe tiếng đàn nữa, tôi trở lại núp nơi ghềnh núi… Thấy ông lão vẫn khập khiễng phì phò đi xuống bãi biển, cô gái vẫn thong dong bước nhỏ đi theo sau, mặt cúi xuống… Rồi thì… rồi thì… tới ven nước, ông lão quăng chiếc nón xuống nước, và cả hai leo lên, và chiếc nón cứ băng băng rẽ sóng mà đi mất… Thiệt là… hết chỗ nói… Chắc rằng… thầy tôi xưa kia… cũng chẳng ăn thua gì với hai người này…

Thạch Sanh vụt hỏi:

– Không biết dung mạo vị lão trượng đó ra sao? Huynh đài có nhìn được rõ không? Không biết có ghẻ lác nhiều không?…

Chàng hỏi xong đứng tần ngần…

Gã đồng tử lắc đầu:

– Tôi cũng không nhìn được rõ… vì chiếc nón lớn che cả mặt. Chỉ thấy người già lắm, thở phì phò cứ như muốn đứt hoi… Cũng không biết có ghẻ lác hay không nữa…

Gã nói vậy rồi, thì hầu như ba người đều miên man yên lặng… Câu chuyện tàn dần, và chiều đã xế bóng… Ánh tà dương của miền nhiệt đới nhuộm đỏ rực cả một vùng biển, làm nhạt nhòa mọi hình bóng, mọi thứ tâm tư…

*

Chiếc bè đi về phía Tây Bắc được chừng nửa tháng nữa… Thời gian này rơi vào tuần trăng. Tuy ban ngày cực kỳ oi bức, nhưng khi màn đêm tỏa xuống, có trăng lên, trời cũng bớt oi bức…

Thạch Sanh vẫn ngồi lỳ, nhiếp tâm niệm Phật. Cuồng Huệ cũng gia công thiền quán, nhưng thỉnh thoảng, y ngưng công phu để trò chuyện thầm thì với gã đồng tử, y nhận thấy gã này cũng là một cơ duyên tốt lành, có thể giúp y nhiều kiến văn, vì gã còn nhớ được những chuyện kiếp trước… Càn Thát Bà tuy lúc đầu không có thiện cảm với gã, nhưng hắn vốn thích nghe mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, nên cũng đứng nghênh nghênh bên cạnh, vểnh tai nghe, thỉnh thoảng cũng xen vô câu chuyện… Lần lần, hắn cũng nhận thấy rằng dù sao, gã có một điểm giống hắn là ham nghe chuyện và ham kể những chuyện khác đời, nên hắn cũng nảy tình thân thiện…

Qua câu chuyện lai rai dưới những đêm trăng sáng, hai người được biết rằng: Trong kiếp trước, gã thọ sanh ở xứ Tây Trúc, đi theo một vị thầy Vệ Đà Giáo học đạo. Thầy gã là cao nhân ẩn sĩ, đã từng vào được cơn định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Nhưng tới ngoài năm mươi tuổi, nghe nhiều tin đồn đãi về sự lan tràn ghê gớm của một giáo phái được thành lập bởi vị tên là cồ Đàm Mâu Ni. Sự lan tràn này khiến Vệ Đà Giáo mất rất nhiều tín đồ cùng ảnh hưởng, nên ông ta đã hạ sơn, đi vân du khắp miền Tây Trúc… về vụ vân du này, gã tiếc rằng đã không được theo chân thầy…

Lần đó, gã kể rằng:

– Thầy tôi vân du trong sáu năm liền. Chắc người muốn tìm hiểu thêm về giáo lý giảng dạy bởi vị Mâu Ni… Hồi đó, không khí đấu tranh giáo lý trên miền đất Tây Trúc sôi nổi, hào hứng lắm. Không những chỉ tu sĩ, ngay cả dân chúng, cả đàn bà con gái nữa, mặt vẫn đeo chiếc mạng để tới nghe đấu tranh giáo lý… Nhiều tu sĩ Mâu Ni Giáo cũng từng chống gậy lang thang, mỗi khi tới trước một ngôi đền của Vệ Đà Giáo chúng tôi, là dừng lại, đắp một mô đất nhỏ trước đền, rồi cắm cây gậy vào đó, kiên nhẫn ngồi chờ ở một gốc cây nào cho đỡ nắng… Các tu sĩ Vệ Đà Giáo chúng tôi vân du cũng vậy, cứ hay tới trước những ngôi chùa lớn của Mâu Ni Giáo, đắp một mô cát nhỏ, rồi cắm một cành cây trên đó, rồi ngồi đợi…

Càn Thát Bà sốt ruột:

– Cắm thế để làm gì?

– Để thách thức đấu tranh giáo lý đó… Đôi khi, cũng có nữ nhân nữa, là nữ tu sĩ Vệ Đà Giáo cũng lớn gan vân du và thách thức như vậy. Song mấy vị nữ này, họ lại cắm một cành hoa, hoặc hoa mận trắng, hoa bưởi hay hoa cam… Thế là chỉ một lúc, dân chúng bu đến đông nghẹt… Không hiểu sao dân chúng xứ Tây Trúc họ ham mê giáo lý the! Không những người ngay cả quạ đen nữa, chúng cũng bu đến đông nghẹt, hoặc bay lượn lửng lơ, hoặc đậu nhan nhản trên cây nhìn…

Càn Thát Bà vỗ đùi:

– Hay, hay… có cả quạ nữa, mà sao nhiều như vậy? Ở xứ Phong Châu kia, ta chỉ nhìn thấy có vài con.

– Nhiều lắm, chỗ nào cũng thấy chúng… (đập ngực) Ôi thôi! Cái bọn này, chính là dây oan nghiệt của tôi… chúng cứ luôn miệng kêu: Quạ, quạ… điếc tai lắm… À mà lạ thiệt., ở những nơi đền thờ Vệ Đà Giáo, chúng thường đến đông lắm, lại thêm cả khỉ nữa… Nhưng ở những ngôi chùa hay thánh địa của Mâu Ni Giáo, hình như chúng lại đến ít, nhưng có nhiều loại chim khác đầy màu sắc… Có lẽ cũng do pháp thuật cao cường của vị Mâu Ni đó… Thế rồi… thế rồi… chỉ một lúc sau, ở trong ngôi chùa hoặc ngôi đền, có một, hai vị tu sĩ đi ra. Có khi chỉ một vị, cũng có khi nhiều. Nhưng khi đấu tranh giáo lý, chỉ một vị nói thôi… Cũng có khi chẳng có ai đi ra cả, như thế hoặc là không chấp nhận sự thách thức, hoặc là sợ muốn né tránh…

– Thế họ đấu tranh giáo lý về những điểm gì vậy?

– Ôi chao… thiếu gì điểm… Có khi cãi đến mấy ngày, đến cả tháng cũng chưa xong… Này nhé, về những cách thức cùng mức độ thiền định này, về các thứ giới luật của đôi bên này, về đấng Phạm Thiên này, về Phật Thế Tôn này… về thế nào là giải thoát này… về nguyên nhân của cái vũ trụ này từ đâu sanh ra? Từ đất chăng? Từ nước chăng? Từ lửa chăng? Từ gió chăng? Từ vi trần chăng? Từ thời gian chăng? Từ Phạm Thiên chăng?

– ơ… ơ… hay đấy nhá! Khó đấy nhá! Nhưng về vụ này, ta cho ngươi nói sai bét… Ta cho rằng do âm thanh mà sanh ra… Thế ngươi… có nghe nói về vị Mâu Ni đó… có lần nào tằng hắng hay khảy móng tay không?

Gã đồng tử cười:

– Cái này… cái này… tôi không nghe nói… Nhưng tôi nghe có lần, vị Mâu Ni đó thè lưỡi ra cho người Vệ Đà Giáo coi… Chả là theo tướng pháp xứ Tây Trúc, thì người nào có chiếc lưỡi dài và rộng, tức đã tu hành không ăn gian nói dối, tu nhiều đời rồi. Người Vệ Đà Giáo chúng tôi vốn hoài nghi những lời giảng dạy của vị Mâu Ni ấy, đã có lần kéo tới, nằng nặc đòi vị đó phải thè lưỡi cho coi. Ày thế mà vị đó thè lưỡi ra thật. Tôi nghe nói rằng chiếc lưỡi dài và rộng lắm, lúc thè ra che kín cả mặt cùng vầng trán, nhưng khi rút vào trong miệng thì vẫn lọt thỏm, không vướng víu trong miệng, và vị Mâu Ni vẫn ăn nói như thường, ăn nói như nước chảy mây trôi… Như thế có tức cười không?… Nhưng cái vụ đó vẫn chưa kỳ lạ. Kỳ cục hơn nữa là vị đó có lần giơ cả gan bàn chân cho người Vệ Đà Giáo coi…

Càn Thát Bà cười hô hố:

– Lại cả gan bàn chân nữa? Đe coi cái gì?

Gã kia cũng cười:

– Đố lão tiên sinh đoán được đấy…? Chả là dưới gan bàn chân của vị đó, chân trái cũng như chân phải… mỗi chân đều có một ngàn vết xoáy cong, xoay theo chiều hữu nhiểu, trông rất đẹp mắt như một bức tranh kỳ bí vậy… Lão tiên sinh đã thấy ai như vậy chưa? Cái vụ này… nó làm cho người Vệ Đà Giáo chúng tôi hoang mang không ít. Mà Vệ Đà Giáo cũng có nhiều tay chiêm tinh gia cùng tướng sự kinh khủng lắm. Ảy thế mà cũng đều tịt mít cả… Chả là cái bàn chân ấy giống như một giải ngân hà, có những vết mây xoáy cong và lốm đốm đầy sao nữa… Kỳ chưa?… Nhưng chưa hết… Người ta lại đồn rằng khi vị đó đi, bước chân rất ung dung, đôi gan bàn chân lúc nào cũng cách mặt đất chừng một tấc, ấy thế mà ngàn cái xoáy đó vẫn in vết rõ mồn một trên mặt đất. Đúng là dùng pháp thuật rồi còn gì nữa? Và người nào chỉ cần được nhìn vết chân đó cũng đủ tăng cường phép thuật…

– Thật vậy sao? Ngươi không bịa ra đấy chứ?

– Tôi bịa ra thì ăn cái giải gì? Mà bịa làm sao được chứ? Muốn bịa cũng khó bịa được như vậy… (Gã giơ tay) Nhưng chưa hết đâu…

Càn Thát Bà nói:

– Thằng nhóc lỏi tỳ này, quả thực biết được lắm chuyện kỳ cục…

Hắn nói vậy là ra điều tôn trọng… Gã đồng tử cũng lên giọng khách khí:

– Lão tiên sinh cứ nói vậy, chứ kẻ tiểu tử này đâu dám…

– ơ, ơ… Nhưng thôi kể tiếp đi…

– Nghe nói trong đám đệ tử của vị Mâu Ni ấy, có một tay hành tung kỳ cục lắm… Mỗi buổi sáng, vị Mâu Ni ôm bình bát ung dung đi vào thành khất thực, gã đệ tử kia hay đi theo bén gót… Rồi gã lại cứ cúi xuống lấy tay xóa những dấu vết chân in của vị Mâu Ni… Không hiểu gã làm vậy để làm gì… Có lễ gã là người chuyên tu phép thuật, nên gã chỉ muốn riêng mình nhìn ngắm vết chân, không muốn kẻ khác nhìn… Phải vậy chăng?…

Ba người tần ngần im lặng một hồi… Nhưng gã đồng tử lại bồng bột tiếp:

– Còn nữa, còn nữa… Ôi chao! Nói đến vị Mâu Ni này thì nói hoài cũng chẳng hết chuyện… (hạ giọng với Cuồng Huệ) Người Vệ Đà Giáo thường cho rằng vị đó là đại yêu huyễn, nhưng suy đi nghĩ lại, đôi khi đệ tử nghi ngờ rằng có lẽ vị đó chính là một Bậc biết-tất-cả-các-pháp, một vị Phật Thế Tôn cũng nên…

Cuồng Huệ hỏi:

– Sao huynh đài kết luận như vậy?

– Là vì… đệ tử cảm thấy như vậy… Này nhé, vị đó hòa nhã từ ái, chịu khó thè cả lưỡi, giơ cả chân cho người coi. Tuy pháp thuật cực kỳ cao cường nhưng tựu trung có đánh giết một người nào đâu?… Nhưng khốn nỗi,… tuy vị đó chẳng giết ai cả, nhưng chính thầy tôi có lẽ đã viên tịch sớm vì vị đó, vì giáo lý của vị đó….

Càn Thát Bà giục giã:

– Sao vậy ? Nói rõ ra chứ!

Đang có vẻ buồn rầu, gã bỗng che miệng cười hinh hích:

– Còn vụ này nữa, nói ra lại muốn cười nẻ ruột… Mà tôi cũng thấy mắc cỡ cho người Vệ Đà Giáo chúng tôi… Ai đời vốn đường đường là một giáo phái lớn, lại cứ đòi nằng nặc muốn coi “cái đó” của người ta… Chắc cũng chỉ tại mấy bố tướng sư thích coi tướng thôi…

– Cái đó là cái gì, nói mau lên, đừng vòng vo nữa

– Thì cái đó là cái đó đó. Cũng như của lão tiên sinh ấy mà… Là cái nam căn ấy mà… Chả là các tướng sư cứ khăng khăng nói rằng một Bậc biết-tất-cả-pháp thường có ẩn tướng gọi là âm tượng tàng, tức là nam căn ẩn, thụt sâu vào phía bụng dưới… Nên nằng nặc đỏi coi… Thực là khó xử… Nhưng vị Mâu Ni đã mỉm cười nói: “Tôi không tiện làm như vậy, e rằng khiếm lễ. Nhưng tôi xin dùng chút phương tiện nhỏ, chỉ bày khiến quý vị thấy rõ…” Rồi vị đó chỉ ngón tay, hóa hiện một con hương tượng lớn đứng lù lù trước mặt mọi người. Con tượng này có âm mã tàng và vị ấy nói: “Âm mã tàng của một bậc đại trượng phu, biết-tất-cả-pháp, cũng tương tự như vậy”… Lão tiên sinh nghĩ có tức cười không?…

Càn Thát Bà giãy nảy:

– Không được, không được… cái này, ta không chấp nhận… Bọn Vệ Đà Giáo các ngươi thực là bọn chỉ thích rình mò coi lén… Ai đời lại nằng nặc đòi thế bao giờ? Thế ngộ các ngươi gặp một nữ nhân pháp thuật cao cường, các ngươi cũng đòi coi của người ta hay sao?… Mà vị Mâu Ni đó, cũng chỉ nên đằng hắng hay khảy móng tay làm chấn động các cõi là đủ rồi. Không nên chỉ bày như vậy…

Cuồng Huệ cười:

– Chắc là Ngài khởi lòng từ ái, muốn tiêu trừ lòng nghi ngờ của người Vệ Đà Giáo thôi…

Ba người say mê trỏ chuyện như vậy vào một đêm trăng tà của hạ tuần… Khi nghe tới vụ Đức Phù Đồ Mâu Ni thè lưỡi cùng giơ gan bàn chân cho những người Vệ Đà Giáo coi, Thạch Sanh cũng xán lại, miệng lâm râm niệm Phật, đứng nghe.

Giữa lúc trăng tà đứng bóng giữa vỏm trời, bỗng có những luồng gió dữ nổi lên, thổi giật từng cơn. Chiếc bè lao vùn vụt trên mặt biển nhanh hơn trước. Sức gió cũng không mạnh lắm, nhưng bè lại lao rất nhanh. Hình như phía dưới biển, có những làn sóng ngầm nổi lên cuồn cuộn, đẩy mạnh chiếc bè lao về phía trước… Rồi ở phía Tây xa xa trước mặt, dưới ánh trăng mờ, xuất hiện nhiều hình thù đen xì to lớn, lừng lững trên mặt biển, như những hòn đảo…

Ba người ngưng câu chuyện, nghểnh cổ nhìn về phía trước. Càn Thát Bà nóng nảy hơn cả, buột miệng:

– Này, này… có nhiều hòn đảo lắm, lớn có nhỏ có… Hay là sắp tới đất Tây Trúc rồi đấy?!… (Hắn hin hỉn mũi). Chà,… chắc không phải, làm gì có thể tới nơi sớm vậy? Cái chỗ này, ta thấy khả nghi lắm, các ngươi nghĩ sao? Ta thấy trong những đợt gió thổi giật giọng, có mùi hôi tanh và nóng nữa…

Quả thật, chiếc bè mỗi lúc lao đi nhanh hơn, tuy giữa đêm trăng, khí trời mỗi lúc một bốc nóng… Xa xa, trên những hòn đảo, đã thấy lác đác những đám lửa sáng. Càn Thát Bà lại lầu bầu:

– Chà… Có khi đây chẳng phải đuờng đi Tây Trúc, mà là đường xuống địa ngục cũng nên. Khí nóng ở địa ngục nó bốc lên mà…

Gã đồng tử lẹ chân tới mép bè, vốc nước lên mũi ngửi, rồi lớn tiếng thất thanh:

– Lôi thôi to… Nước biển đã biến thành màu đen ngỏm và tanh lắm. Chúng ta đã lạc vào biển Tân Mã rồi, nơi đây, có cá Ma Kiệt đó…

Càn Thát Bà vội hỏi:

– Này, này, cá Ma Kiệt gì vậy?

– Ma Kiệt ngư đó…

– Hừ… Cá Ma Kiệt hả? Ta chưa hề nghe nói đến bao giờ, ta đâu có để ý đến bọn cá rùa làm gì!… (hỏi Cuồng Huệ:) Này, nhà ngươi có biết con cá đó không?

Cuồng Huệ lắc đầu:

– Tiểu đệ cũng chưa nghe nói. Ở miền Hương Thủy Hải của đệ, không hề có thứ cá này… Nhưng đại sư huynh chẳng nên lo ngại, từ từ xem sao…

Càn Thát Bà rứt chỏm tóc:

– Ta đâu có lo ngại! Cá gì thì cá, ta sợ gì. Miễn không phải nữ quái thì đâu có sợ? (Hỏi gã đồng tử:) Nhưng tại sao ngươi lại biết là ở đây, có con cá đó?

Gã đồng tử nói:

– Tôi không nói bịa ra đâu… Thực tình thì tôi cũng chưa thấy cá ấy bao giờ. Khi tôi cùng đi với thầy tôi ra biển, tôi thường nghe nói tới cá Ma Kiệt. Họ nói rằng phía Nam xứ Tây Trúc, có một hòn đảo lớn tên Lăng Già, đảo đó vách đá dựng thẳng trông ra biển khơi, không ai trèo lên được. Đó chính là cung điện của vua Dạ Xoa và loài quỷ

Dạ Xoa… Và hình như xưa kia, vị Mâu Ni có ra đảo Lăng Già để thuyết pháp cho loài

Dạ Xoa nghe…

Càn Thát Bà cắt ngang:

– Biết rồi, khổ lắm… Bọn Dạ Xoa ta biết rồi, ở trên trời cũng có bọn đó… Ngươi nói lẹ đi, đừng vòng vo nữa…

Gã đồng tử dềnh dàng:

– Thế lão tiên sinh thấy bọn Dạ Xoa như thế nào? Hình thù ra sao, và bọn nữ Dạ Xoa có đẹp không?

– Ôi chao! Bọn đó thì xấu xí lắm, hay ăn thịt người, dữ tợn ghê gớm… Nhưng này, ta đương hỏi ngươi về cá Ma Kiệt, chứ đâu phải là ngươi hỏi ta về bọn Dạ Xoa?

Gã đồng tử cười xỏa:

– .. hi… về cá Ma Kiệt này, ghê gớm lắm, từ xưa tới nay, chẳng ai có thể đối đầu với cá cả… Ở phía Nam đảo Lăng Già, cách chừng năm trăm dặm, có một vùng biển rộng, nhiều núi đá lởm chởm, người đi biển thường gọi là biển Tân Mã… Vì những núi đá ấy lởm chởm như một đàn ngựa chạy vậy… Kia, kìa… những núi đá… chúng ta đương lạc vào đó, nơi đây chính là sắp tới sào huyệt, hang 0 của cá Ma Kiệt…

Càn Thát Bà hỏi:

– Thế hình thù nó ra sao, có to lớn làm không?

Gã đồng tử trầm ngâm:

– Nếu nhìn rõ hình thù thì đã khá! Từ xưa đến hình như chưa có ai nhìn được hình thù của thần ngư ấy!… Chắc phải có thiên nhãn cao mới thấy được… mắt thịt làm sao thấy được!? Chỉ biết rằng sắc thân của cá thần lớn lắm, cá thường hay ngủ những giấc dài, chừng mấy chục năm, hoặc một trăm năm. Tới khi thức giấc, bụng đói meo: cá liền vươn mình, quẫy đuôi một cái, khiến cho nước biển đen ngòm như mực. Cá há miệng lớn thở phào, nổi luồng gió dữ rát bỏng. Cây cỏ mọc ven núi cũng bốc cháy. Những luồng sóng ngầm, lôi cuốn tất cả thuyền bè trong vòng mấy trăm dặm, trôi băng băng để chui tọt vào miệng cá… Người đi biển chẳng có cách gì thoát khỏi, trừ phi co chân vỗ cánh bay lên không trung….

Càn Thát Bà vỗ đùi, cười ha ha:

– Ha, ha… thật thế hả? Đâu có gì đáng lo. Bọn ta đều bay được cả mà. Ta sẽ bay để ngắm nhìn nó nuốt thuyền ra sao… (chợt nhớ đến Thạch Sanh) A, mà không ổn… còn chú sa môn này, sa môn này nặng chình chịch, lại không bay được. Bọn ta không đủ sức để cõng ông thầy chùa… Hay là thế này…, lúc đó, bọn ta ba người họp lại, mỗi người nắm một cẳng chú thầy chùa, rồi nhắc bổng bay quăng lên một mỏm đá là thoát khỏi… Nhưng mà hình thù cá ra sao? Ngươi vẫn chưa nói mà…

– Tôi cũng không biết rõ… Họ chỉ nói rằng khi chiếc thuyền đương trôi, nhìn thấy trên mặt biển có hai mặt trời nổi lên, đó là cá Ma Kiệt mở hai con mắt ra. Hai cái mặt trời là hai mắt cá, cộng với mặt trời trên nền trời là ba cái… Lúc đó, các thứ thuyền bè đều trôi nhanh như tên bắn, chui tọt vào miệng cá. Miệng này rộng như hang núi lớn, răng cá mọc tua tủa như một rặng núi nhỏ vậy…

Càn Thát Bà gật gù:

– Hừm… ngươi nói cũng có lý… Nhưng thầy ngươi là đệ nhất cao nhân của Vệ Đà Giáo. Vậy người Vệ Đà Giáo của ngươi cũng không dám đối đầu với cá Ma Kiệt sao?

– Khi thầy tôi đi biển là hồi còn trẻ, chưa có nhiều bản lãnh, nên cũng tránh không dám qua vùng biển này. Còn về sau, khi bản lãnh đã cao siêu, thì lại không đi ra biển nữa. Thầy tôi bận tâm về giáo lý của vị Mâu Ni kia…

– Hừ… ngươi ăn nói cũng có đầu có đuôi… Nhưng theo ngươi, hình như Đức Phù

Đồ Mâu Ni có tới đảo Lăng Già thuyết kinh, vậy sao Ngài không thu phục cải tà quy chmh con Ma Kiệt, cứ để nó hoành hành đến bây giờ?

– Cái đó… làm sao tôi biết được…

Thạch Sanh bỗng giơ tay khều áo Cuồng Huệ:

– Này hiền đệ, trong bài kệ của tôn giả để lại, người có dặn rằng: “Hãy dũng mãnh lên đường, có Tu La tiễn chân, có Ma Kiệt chỉ lối”… vụ này… có khi là một túc duyên…

Càn Thát Bà nhảy cẫng:

– Ờ nhỉ… ờ nhỉ… tôn giả đã nói trước… Như vậy, có cá Ma Kiệt thật. Nhưng chẳng có gì đáng lo cả… Ha ha! Ca Lặc Ca tôn giả vạn tuế, vạn tuế…

Hắn vừa hô to vừa nhảy cẫng. Bỗng nhiên, hắn lại chu chéo, rồi ôm chầm lấy Thạch Sanh:

– Ôi chao!… Nóng quá… gió thổi cháy xém một mảng tóc ta rồi…

Hắn vừa ôm Thạch Sanh, vừa nắm lấy bàn tay có viên ngọc của chàng đặt lên đầu hắn, để nhờ sức mát của viên ngọc… Trời bắt đầu sáng. Mặt trời gay gắt đã nhô đầu trên biển như trái cầu lửa, những luồng gió rát bỏng da thịt… Chiếc bè vẫn lao nhanh, lọt vào một vùng đá lởm chởm. Nước biển đen như màu mực tàu. Càn Thát Bà cười méo mó:

– Con cá Ma Kiệt này chắc văn hay chữ tốt. Nó mài nước biển thành mực, rồi lấy cái đuôi làm bút để viết chữ đó… Ha… ha… Nó viết chữ để đố lão tặc mặt trời đọc đó. Ta muốn coi cái mặt nó có vẻ thư sinh tí nào không?!…

Tuy la lối, hắn vẫn níu chặt lấy tay Thạch Sanh… Bè lao nhanh vun vút, thỉnh thoảng vấp phải những tảng đá ngầm, bị hất tung lên cao, rồi rơi tỏm xuống mặt biển, như sắp tan vỡ… Cuồng Huệ đã phải đứng lên, tay nắm lấy cột buồm, tay nắm Thạch Sanh vì sợ chàng rớt xuống nước. Càn Thát Bà đeo lấy tay chàng, như một chùm quả lúc lỉu. Gã đồng tử cũng líu ríu bám theo. Gã là loài chồn hoang, nửa cầm nửa thú, tuy không sợ nước mấy, nhưng cũng sợ lửa nóng… Trông chừng mấy người đã bám víu vững vàng rồi, Cuồng Huệ liền cúi xuống mặt nước, lớn tiếng nói một hồi những mật ngữ của loài rồng… Nhưng lần này, lời nói của y không có hiệu lực. Tình trạng mặt biển mỗi lúc một dữ dội hơn trước… Càn Thát Bà ngoác miệng:

– Chẳng ăn thua cả… Nó không nể mặt chú mày rồi… Con Ma Kiệt này chắc là một đại lão tặc lì lợm đây! úi chao… nóng quá rồi.. .nóng quá rồi…

Chiếc bè đã lọt vào giữa những rặng núi đá lởm chởm. Trên núi, cây cỏ lơ thơ, phần nhiều chỉ có những cụm tre già. Những cụm tre đôi khi bắt cháy hừng hực, và những đốt tre cháy nổ đôm đốp như tiếng pháo vậy… Càn Thát Bà lại lớn tiếng bình luận:

– Chà… nghe như tiếng pháo mừng vậy! Đúng như tiếng pháo ở bến Hương Bình, hôm có hội hoa đăng vậy… Trên trời không có tiếng pháo… Ta xuống nơi trần thế ô trọc này, được nghe pháo nổ hai lần rồi… Nhưng không khéo rồi chính mình cũng nổ giòn như chiếc pháo (Hắn nhớn nhác nhìn về phía trước)… Nhưng không biết đã thấy ba cái mặt trời chưa? vẫn chưa có ba mặt trời. Chỉ đơn thuần có một mặt trời lừng lững trên thinh không… Bốn người đành cứ đứng vậy, chịu đựng những cơn tung lên rớt xuống của chiếc bè…

Cho đến chiều tà hôm đó, thì bè đã vỡ mất một nửa… Còn chừng mười thân cây thôi. Từ lúc trước, Cuồng Huệ đã bẻ chiếc cột buồm, lấy dây buồm cột chặt thêm những thân cây bè còn lại… Rồi y thản nhiên chờ đợi, coi xem cảnh giới của Ma Kiệt ngư này xuất hiện ra sao?

Bỗng xa xa, có một hòn núi lớn đen xì xuất hiện trên nền trời, và giữa đám khói sóng đen kịt…. Khi chiếc mặt trời đỏ khé trên thinh không sa xuống gần chấm đầu hòn núi đó, thì đột nhiên, mặt biển bỗng chói chang xuất hiện hai mặt trời nữa… (Cần ghi rằng trong các kinh nhà Phật, nhất là Kinh Hiền Ngu, thường có nói tới loài thần vật Ma Kiệt ngư này. Những lời kể lể của gã đồng tử cũng tương tự lời mô tả trong kinh)… Hai mặt trời này chiếu sáng cả một vùng bể, cũng chói chang như mặt trời… Càn Thát Bà la lớn:

– Nó mở mắt đấy… cẩn thận nhé… cẩn thận nhé… sắp phải bay, phải bay… Giữ chặt viên ngọc…

Chưa dứt lời, một luồng khói sóng hôi tanh nồng nặc bỗng thổi phào bao trùm cả miền biển. Lúc này, nước biển đã trở thành nửa đen xì, nửa đỏ ngầu như nhuộm máu… Đồng thời, một luồng sóng ngầm rào rạt nổi lên, đẩy mạnh chiếc bè như chiếc lá, bay vùn vụt về phía hòn núi… Dưới chân núi, loáng thoáng có một miệng hang mở rộng, rộng đến mấy dặm, và nơi cửa hang, mọc nhiều hàng rào đá lởm chởm nhọn hoắc… Mùi tanh tưởi nồng nặc khiến Càn Thát Bà chu chéo:

– Tanh quá, thối quá… chịu không nổi…

Hắn vội vã co cẳng, vẫy tay bay vọt lên thinh không, quên cả lời giao hẹn trước. Gã đồng tử, cũng đập cánh bay vọt theo… Chỉ còn Cuồng Huệ đứng trơ với Thạch Sanh. Y nói:

– Nhị sư huynh, hãy bám chặt lấy vai tiểu đệ. Đệ cõng sư huynh lên mỏm núi kia.

Rồi y thấp bờ vai xuống… Nhưng Thạch Sanh bỗng nói:

– Đa tạ hiền đệ… Tiểu huynh biết cách xử lý…

Rồi chàng đứng thẳng người lại, một tay ôm chiếc cột buồm gãy, một tay chắp để trước ngực, nhắm hờ đôi mắt, lớn tiếng niệm câu hồng danh:

– Nam Mô Đại Phù Đồ Mâu Ni Phật, Ngã Phật Từ Bi …

Tiếng chàng vang lớn, tưởng như bạt cả tiếng sóng gió, khiến Cuồng Huệ cũng ngẩn người ra nhìn. Nhưng y hiểu ngay dụng tâm của chàng. Trong lúc mọi người bàn tán lao xao, Thạch Sanh đã hạ quyết tâm… Chàng nghĩ thầm: “Cá Ma Kiệt này, tuy là thần vật có sức lực quảng đại, cũng chỉ là một chúng sanh chìm nổi trong biển nghiệp. Mình đã khởi tâm đi vào Bồ Tát Đạo, thì chúng sanh nào cũng phải độ, và ý muốn của chúng sanh nào Bồ Tát cũng chẳng thể khước từ. Nếu có phải xả bỏ thân mạng cũng không thể khước từ cơ duyên này… Vả lại, nếu mình có nợ mạng, thì thần ngư mới có thể ăn nổi mình… Vả lại, vả lại… cá này, chìm nổi lâu đời, có khi quên cả hồng danh Phật cũng nên…” Nên chàng đã quyết tâm sẽ niệm lớn câu hồng danh để nhắc nhở cho thần ngư…

Lạ thay cho câu hồng danh, một khi được niệm bởi một tâm lực thành khẩn… Quả nhiên, chàng chỉ niệm mới có mấy câu, bỗng hai mặt trời biến đi… Chắc cá đã khép mắt lại. Và sóng biển chảy như thác đổ cũng lần lần chậm lại, chắc cá thần đã ngừng làn hơi thở phì phò… Song sức rớt lại của luồng lực nước vẫn khiến bè trôi đập vào một mỏm đá vỡ tan tành. Thạch Sanh rớt bắn xuống nước, nhưng tay víu được mỏm đá nhọn dưới chân núi đá… Cuồng Huệ vội bay tới, vớt Thạch Sanh lên, đặt trên mép núi… Rồi y dìu vị sư huynh trèo lần lên đỉnh núi đá cao vút…

Hai người vừa tới đỉnh núi, Càn Thát Bà cùng gã đồng tử cũng bay đáp xuống… Càn Thát Bà cười hăng hắc:

– Hú vía, được một phen hú vía nhé… Ta không thể chịu nổi mùi hôi tanh nên đành phải co cẳng bay lên vậy. Nhưng ta vẫn yên tâm, vì biết rằng chú mày sẽ không việc gì… Dung thông vô ngại mà tôn giả đã bảo thế… (Lúc này, lòng tin của hắn đối với ông thầy bói đã tăng lên khá nhiều) nhưng ho… ho… ngay cả ở trên đỉnh núi này, vẫn còn mùi tanh…

Hắn hin hin cái mũi, bỗng hắt hơi đến bảy, tám cái liền… Hắn ngơ ngác nhìn quanh trên đỉnh núi…

Lúc này, mặt trời đã khuất sau những hòn núi xa xa, trăng còn lâu mới lên.

Đỉnh núi rộng lớn lắm, bề ngang đến bảy, tám dặm, bề dài hun hút thoai thoải chúc dần xuống mặt biển, có lẽ đến năm bảy chục dặm. Cây cối ít ỏi, song có nhiều mỏm đá lởm chởm. Khắp đỉnh núi được bao phủ bởi màng rêu mọc xanh mướt. Nhìn kỹ, thấy những tảng đá trên đỉnh núi thường nhẵn thín, bóng loáng và hình thù hơi cong cong, tương tự như những chiếc vây cá khổng lồ… Càn Thát Bà lắc đầu le lưỡi:

– Này này… chưa xong đâu!… Bọn mình chắc đứng trên đầu cá Ma Kiệt đấy… Ta nên đi về phía xa kia thì hơn… kẻo nó thè lưỡi lên táp một cái là chui vào bụng nó hết…

Bỗng có tiếng vọng lớn trong gió: Không đâu. không đâu… Tôi không táp nữa đâu.. .Ma Kiệt này đã chuyển đổi tâm niệm rồi mà…

Giọng nói gầm gừ đầy âm vang, nghe như sóng vỗ vào hang đá sâu hút… Bốn người ngơ ngác nhìn quanh, loáng thoáng nơi một hang đá gần đó, như có bóng người đi ra. Trong ánh sáng nhá nhem, bóng này to lớn sừng sững, gấp rưỡi người thường… Nhưng lạ thay, bóng không bước như người thường, mà vừa đi vừa nhảy dài. Bóng người đến gần nhìn kỹ mới thấy: Thân như thân người, mặc một thứ áo thùng thình không biết dệt bằng thứ gì, xanh xám màu rêu biển lốm đốm óng ánh vàng, nhưng đầu là đầu cá to lớn luôn luôn lắc lư. Cũng có hai chân và hai tay, nhưng chân tay chưa thành ngón, vẫn còn tương tự như chiếc vây cá lớn. Đầu cá để trần, trên đỉnh cài hạt châu lớn màu đen láy… Y nhảy tới gần, đứng lại, dương đôi mắt cá lờ đờ, chăm chú nhìn đám người. Đôi mắt như ánh ra một nỗi thê thiết buồn rầu vô hạn. Rồi y bỗng xòe cái miệng cá lớn như chiếc ống nhổ, gầm gừ:

– …Thật là hội ngộ… hội ngộ. Dưới vòm trời nước này, lâu lắm rồi, lâu lắm rồi, Ma Kiệt này mới được một cuộc hội ngộ.

Bốn người cùng trố mắt nhìn, chưa biết nói gì… Thạch Sanh quần áo còn ướt sũng, cũng vội vã đứng lên… Người cá nhảy tới trước mặt Thạch Sanh, 0 ề:

– Chắc là vị này đây, vị sư phụ này đây…

Chắp hai cánh tay đầy vẩy cá, y xá dài. Thạch Sanh vội tránh sang một bên, xua tay:

– Đại vương, đại vương đừng làm vậy… Tiểu tăng này… không đủ phước đức đâu!

Ma Kiệt bỗng nổi lên một tiếng cười gằn, nghe thê lương như tiếng giông bão:

– Ha, ha… sư phụ nói gì? Đại vương, đại vương hả?… Đừng kêu là đại vương… Ha ha… Trước kia cơ, lâu lắm rồi, thì có là đại vương, nhưng nay hết rồi… Chỉ còn là một con cá lớn, đói khát và cô quạnh… Lại thêm suốt ngày đêm, bị cái đám sâu trùng đục khoét nhão da thịt… Ha, ha… Đại vương, đại vương…

Y bỗng thở dài não nuột, làm ào ào cây cỏ… Còn Thát Bà không nhịn nổi:

– Này, này… Thôi đừng có thở dài nữa… Nhà người nói không thôi, nghe cũng đã buồn thúi ruột rồi…

Ma Kiệt bỗng hất đầu cá lên:

– Làm sao không thở dài được?! Ở đây, có ai mà thơ thẩn tâm sự đâu?… Hùng cứ nơi đây, có gì vui thú đâu!… Tuy gọi là hùng cứ, nhưng tôi vẫn thấy tôi như một kẻ quang côn thê lương tịch mịch, bị đời bỏ quên… Như thế, làm sao không thở dài? Từ ngàn năm nay, tôi chỉ còn biết thở dài tiêu sầu giải muộn thôi… Hết thở dài, lại ngủ…

Càn Thát Bà thấy ngứa miệng lưỡi, hắn muốn hỏi câu: “Thế nhà ngươi có bắt ngáy không? Và ngáy có to lắm không?” Nhung hắn cố nhịn, nuốt câu hỏi đó, vì thấy Ma Kiệt buồn quá… Hắn thầm nghĩ: “Cái trần thế này có nhiều sự buồn rầu quá, như gắn liền với buồn rầu…!” Hắn liền hỏi:

– Nếu nhà ngươi cảm thấy thê lương cô quạnh, tại sao không đi đây đi đó, dạo chơi cho bớt cô tịch?

Ma Kiệt gục gặc đầu, hai mắt bỗng đỏ hoe:

– Đi đây đi đó sao được!… Không đi được. Thân hình tôi to lớn nặng chình chịch, chỉ làm mồi cho bọn sâu trùng thôi… Bị dính liền với vùng đáy biển này… không di động được. Nghiệp dĩ như thế, nghiệp báo như vậy… không di động được, chỉ có cựa quậy được cái đuôi thôi…

Càn Thát Bà cũng thấy bùi ngùi thương cảm. Hắn nghĩ thầm: “Không cứ là mình, kể ra kẻ nào cũng có nỗi khổ tâm cả. Như cá mắc lưới vậy…” Hắn hỏi:

– Vậy nghiệp báo của nhà người ra sao, mà đến nông nỗi này?

Ma Kiệt bỗng nhảy vọt tới một phiến đá gần đấy, đặt đít ngồi xuống. Y nghếch đôi mắt nhìn vòm trời có mảnh trăng úa mới ló lên, rồi chậm rãi 0 ề:

– Đấy, quý vị thấy không? Nơi đây cô tịch quá, đến như mặt trăng kia cũng như không vui… Tôi tuy thác sanh làm thân cá ngu độn, nhưng cũng còn nhớ được những việc kiếp trước. Song cái nhớ này cũng chẳng hay ho gì, chỉ làm tăng thêm phiền muộn… Vị sư phụ này gọi tôi là đại vương, lại khiến tôi thêm tủi phận… Ha ha… kiếp trước thì tôi là đại vương thật, dưới trướng có một trăm vạn hùng binh, một ngàn viên đại thần, cai trị nhiều nước nhỏ. Ở ngay miền Tây Trúc này. Thuở đó thanh bình thịnh trị lắm, bốn phương đều yên lặng vững vàng, không đao binh, công việc đều do các quan đại thần xử lý, tôi ngồi trên ngai vàng chỉ việc nhàn du hưởng thọ khoái lạc… Nhưng rồi, nhưng rồi… (nước mắt y rơi long tong), hình như ma chướng lại nổi lên, làm điên đảo mọi sự… Chắc là ma chướng. Tôi bị thứ ma chướng Phiền Muộn. Thanh bình mãi cũng chán. Yên ổn quá cũng buồn… Hưởng thọ dục lạc mãi cũng nhàm ngấy… không hiểu quý vị có thấy vậy không? Hay là tại ma chướng của tôi? Tôi muốn tìm một thứ trò chơi khác cho thú vị hơn… Tôi cũng thường đi săn bắn, nhưng bọn cầm thú chúng ngu si quá, bắn giết chúng mãi cũng chẳng thấy hứng thú gì! Nên ma chướng của tôi đã nổi lên, và bọn quỷ đã xúi giục tôi… Tôi bèn nảy ý muốn săn những con mồi khôn ngoan hơn, đáng sợ hơn… Tôi muốn chơi trò săn bắn người, để xem những con mồi đó chống trả tôi bằng cách nào? !…

Tôi bèn ra lệnh cô lập một vùng núi non hiểm trở rộng lớn. Rồi thả những bọn tử tù vào trong đó. Và giao ước với chúng rằng: Chúng có quyền tha hồ trốn chạy, tha hồ tìm mọi cách chống trả tôi… Riêng tôi chỉ một mình một ngựa không cần chó, không cần chim cắt, sẽ lên đường để truy kích chúng và giết đến tận mạng mới thôi… Nếu chúng trốn thoát được, chúng là người tự do, không còn là tội phạm nữa… Quý vị nghĩ sao? Tôi giao ước như vậy công bằng lắm chứ gì? Có gì ức hiếp đâu?… Tôi còn để cho chúng ra đi một ngày trước, tôi mới lên ngựa và mang lương thực đuổi theo… Lúc đó, tôi thấy cuộc chơi này kỳ thú vô chừng, nhiều bất ngờ nguy hiểm rình rập… Cũng cần phải nói rằng lúc đó, tuy ngồi trên ngai vàng, nhưng tôi là một dũng sĩ có sức mạnh ít người địch nổi, có thể leo núi như vượn, và tôi thường dùng những mũi tên đồng bắn ngập sâu vào vách đá…

Thế rồi tôi đã lên đường, nghiêm lệnh không cho một tên quân hầu nào đi theo cả. Tôi đã thả ba trăm tử tù, và trong sáu tháng trời liền, tôi truy kích chúng không ngừng trong vùng núi ấy… Chúng chống trả cũng ghê gớm hiểm độc lắm, nhưng vẫn không hại nổi tôi… Mỗi lần tôi bắn hạ một tên, tôi lại cắt chiếc tai đeo vào cổ ngựa… Lần lữa, tôi đã hạ được hai trăm chín mươi chín tên rồi… Chỉ còn một đứa… Đúng lúc đó, đúng lúc tôi nghĩ là sắp toàn thắng trở về, thì ôi thôi! Tôi đụng đầu với tiền oan nghiệt chướng của tôi… (Y giơ hai tay vây cá ôm lấy chiếc đầu) Ôi thôi! Bây giờ nghĩ lại… đúng là nghiệt chướng…

Y lớn tiếng khóc ròng, nước mắt rơi long tong như mưa… Càn Thát Bà nghĩ bụng: “À, vậy ra y cũng có nghiệt chướng, không phải chỉ riêng mình có yêu nghiệt mà thôi.. .Mà chắc nghiệt chướng của y lớn hơn…” Hắn tỏ mỏ khích tướng:

– Thôi, đừng có khóc nhiều quá nữa… Nhà ngươi nghĩ như vậy, nhưng cũng chưa chắc đã là nghiệt chướng đâu!

Nhưng Ma Kiệt hình như cũng chẳng để ý gì tới lời khích tướng, y đương chú tâm hồi tưởng cảnh giới cũ:

– Phải chi… phải chi… hôm đó, tôi đừng lẹ chân nhảy lên mỏm đá đó… phải chi tôi cứ nhảy tuốt lên lưng ngựa, rồi vòng theo chân núi đi đường khác, có lẽ đã tránh được thân đầy đọa này… Nhưng lúc đó, chắc ma quỷ đưa đường… chúng tác động vào tâm thức tôi, khiến tôi khởi tâm cao hứng nhảy lên mỏm núi đó… Nhảy lên rồi dang tay đứng cười hăng hắc… Nghĩ rằng trong vòm trời đất này, chẳng có gì cả, chỉ có mình mình là đáng kể thôi. Ấy, ấy… chính lúc đó, chính cái khe hở ấy, nó khiến cho ma quỷ chui vào đó… Nên đúng lúc đó, tôi đã nhìn thấy… một cái ổ quạ rất lớn…

Mọi người đều kinh ngạc. Nhưng gã đồng tử có vẻ khích động hơn cả. Gã xán lại gần:

– Thế ra… yêu nghiệt của lão… thần ngư… cũng là loài quạ?

Ma Kiệt trừng đôi mắt đỏ khạch:

– Không phải quạ, không phải quạ… nếu là quạ, thì ăn thua gì!… Chỉ là cái 0 quạ lớn thôi, nhưng trong đó, không có quạ… Nếu là quạ, thì ta trông thấy ngay, vì quạ nó đen mà… Chiếc ổ này cất trên một chạc cây lớn, cành lá um tùm… Ta nhìn mãi thấy một hình thù như người, mặc áo da thú, râu tóc lởm chởm che phủ cả mặt. Đương ngồi trong 0,… như ngồi xếp bằng nữa… Chắc là nghiệt chướng nó khiến thần hồn ta hôn ám. Ta lập tức nghĩ đó là tên tử tù cuối cùng… Ha, ha, thằng này khôn ngoan thiệt! Trèo lên ngồi trong một 0 quạ, trên cây cao um tùm… Ta bèn giương cung, nạp tên, phóng mũi tên vùn vụt cắm phập vào người ngồi trong ổ, và bật tràng cười ha hả… Rồi lững thững đi tới gốc cây và leo lên. Cành cây cao lắm, ta phải vận sức mới lên tới chiếc 0… Nhưng khi nhìn vào, ôi thôi, ta sững sờ suýt té lăn xuống đất…

Là vì… người ngồi trong 0 bị mũi tên cắm xuyên qua không phải là tên tử tù, không có vết chữ chàm khắc sâu trên trán. Một người mình gầy như hạc, để lộ cả xương sườn, râu tóc bạc phơ che trùm cả mặt, đôi mắt khép kín, hai hàng mi dài rủ xuống như hai tấm rèm, nét mặt như siêu phàm thoát tục… Lúc bấy giờ, ta có hiểu gì đâu!… Mãi về sau này, ta mới hiểu đó là một vị tiên nhơn, có thể là một vị Bích Chi Phật…

Thạch Sanh bỗng ôm mặt, kêu lên:

– Chao ôi! Một vị Bích Chi… Phật!… Nhưng Bích Chi Phật là thế nào vậy?

Mấy người kia cũng trố mắt kinh ngạc, vì họ đều chưa nghe nói tới vị Phật này… Ma Kiệt há mồm cười méo mó, chưa kịp trả lời, thì gã đồng tử đã xen vào:

– Bích Chi Phật hả?… Cái này thì tôi đã nghe nói… Cũng là trong những hạng đệ tử của vị Mâu Ni đó thôi… Nhưng cũng chưa chắc đã phải là Phật đâu! Đen ngay như vị Mâu Ni kia, thần thông quảng đại, oai danh lẫy lừng, cũng chưa chắc đã là một vị Phật Thế Tôn biết tất cả pháp mà… Tôi nghe nói rằng vị Bích Chi Phật này cũng được gọi là Độc Giác nữa. Nghĩa là thường chỉ chăm chú giác ngộ cho chính mình thôi, chứ không muốn giác ngộ cho người khác… Thường thường đó là những ông vua, ngồi ở ngai vàng lâu quá rồi, chán đời, chán mọi cảnh ngũ dục, ngán ngẩm mùi tục lụy, đâm ra không thiết gì nữa, nhàm chán cả ngai vàng, chán cả một vạn bà phu nhân, thầm nghĩ rằng mấy thứ đó không đi đến đâu hết… Thế rồi một hôm, vị đó truyền ngôi lại cho con hoặc cho một vị đại thần nào đó, rồi mặc cho các bà phu nhân vật mình kêu khóc thảm thiết, vị đó cứ lừng lững ra đi, vào nơi hang sâu núi thẳm, xuống tóc làm sa môn như vị sa môn đấy…

Càn Thát Bà vỗ đùi đen đét:

– Ngộ quá ha? Đã làm vua rồi còn bỏ đi xuống tóc! A… Ta biết rồi… Chắc vị này cũng giống ta, chắc vị này nhìn bọn phu nhân lâu quá nên chán ngấy, muốn bỏ đi cho khuất mắt chứ gì??

Cuồng Huệ bỗng lên tiếng:

– Không biết vị đó tu hành ra sao mà đắc được quả Bích Chi, lại được gọi là Phật nữa?

Gã đồng tử trầm ngâm giây lát:

– Vụ này… thực ra, tôi cũng chưa được biết rõ lắm… Chỉ biết rằng vị đó vào ngồi tu nơi hang sâu núi thẳm, quanh năm ngồi nhìn hoa rơi cỏ rụng, bốn mùa thay đổi… nên hiểu thấu được lễ vô thường của vạn vật… Vị đó cũng tu thiền định nữa, cũng đắc thần thông, và có thể rằng vị đó cũng vào những cơn thiền định rất thâm sâu tương tự những cơn thiền định của vị thầy Vệ Đà Giáo của tôi… Nhưng hình như vị đó, trong những cơn thiền định, thường chú trọng tới một điểm khác, khác biệt với thầy tôi… Là chú trọng tới những phiền não khổ lụy của cái thân này. Vì vị ấy vốn chán đời, vốn rất nhàm chán cái thân này, đến mức như muốn vất bỏ nó đi vậy…

Ma Kiệt bỗng dang chiếc vây nhọn, nắm đồng tử:

– Ngươi nói thật vậy sao? Nếu quả thật vị đó nhàm chán sắc thân đến như vậy… thì dù ta có lỡ tay giết lầm, ta cũng có tội gì lắm đến nỗi phải đọa đày như thế này?!

Gã đồng tử gỡ tay Ma Kiệt, giọng nghiêm trang hơn:

– Những biến chuyển của nghiệp báo trong cõi u minh khó biết rõ lắm… Có thể rằng vụ giết lầm đó chỉ là cái nút mở đầu cho một chuỗi oan khiên dằng dặc mà thôi… Tôi chỉ muốn nói lại những điều tôi nghe về vị Bích Chi đó… Thế là vị đó vào những cơn thiền định, chuyên ngồi săm soi những phiền não. Xem chúng ở đâu ra? Căn rễ của chúng ở đâu?… Cũng thấy rằng các thứ đó có thể do những tập khí từ vô thủy tích lũy nên… Còn những tập khí ấy ở đâu khởi lên, chỗ này, tôi chưa nghe nói đến… Có thể vị Bích Chi đã săm soi được đến chỗ này. Săm soi được rồi, phiền não tự rụng… Phiền não rụng rồi, nên được quả Bích Chi. Có thể là như vậy…

Thạch Sanh bỗng cất tiếng:

– Không biết vị đó… có khởi tâm từ bi… để độ sanh không?

Đồng tử lúc lắc cái đầu:

– Cái này,… tôi cũng chưa nghĩ đến… Nhưng có lễ không có, vì vị đó gọi là Độc Giác mà… vả lại, ở nơi hang sâu núi thẳm, có chúng sanh đâu mà độ, có ai đâu mà độ?… Hình như vị đó cũng ít khi nói năng lắm…

Thạch Sanh chậm rãi nói:

– Bần tăng trộm nghĩ rằng… pháp giới mênh mang lắm… chẳng biết đâu là bờ bến

cả. Pháp giới đã mênh mang như vậy, có thể rằng chúng sanh giới cũng mênh mang. Nơi hang sâu núi thẳm tuy ít người qua lại, nhưng cũng có nhiều cầm thú, có những cô hồn vất vưởng như bần tăng đã từng thấy ở chốn u minh, có những loài tinh mị, những chúng sanh phi nhơn… kể không xiết… Bởi vậy nên… hình như chư Phật đều phải rải từ tâm khắp mọi nơi…

Ma Kiệt bỗng kêu lên:

– Phải lắm! Từ tâm… Từ tâm… Sư phụ đây dạy rất đúng… (đập ngực bình bịch) Chính tôi đây… phải trải qua bao nhiêu nỗi đày đọa… mới hiểu rằng trong vòm trời nước này, hình như chẳng có cái gì đáng kể cả, ngoại trừ cái TỪ TÂM!… Và câu hồng danh của sư phụ niệm lớn tiếng đã làm khởi trong đầu tôi một niệm tâm Từ… Khiến tôi vội khép miệng lại,… không muốn nuốt thuyền bè nữa… Chao ôi, nếu xưa kia… tôi biết khởi lên một niệm tâm từ, dù nhỏ bằng hạt cát thôi… thì đâu có đến nỗi này…

Trong khi đó, Thạch Sanh lẩm bẩm như mất hồn:

– Tâm Từ, tâm Từ… Dù có bỏ thân này, cũng không muốn làm não hại một chúng sanh…!

Càn Thát Bà hỏi Ma Kiệt:

– Thế sau khi đó, nhà ngươi làm thế nào? Ke nốt đi…

Ma Kiệt bèn chậm rãi kể rằng:

Mãi về sau, nghe người nói, y mới biết rằng đó là một vị tiên nhơn, một vị Bích Chi Phật… Vị này đã trèo lên ở trong chiếc ổ quạ bỏ trống, ngồi nhập những cơn thiền định sâu, để tránh bọn dã thú quấy rầy hoặc ăn mất xác. Khi nhận thấy mình bắn lầm người, y vừa thấy ân hận sợ hãi, lại vừa tức giận khôn tả. Y tức giận tưởng chừng như mình đã bị lường gạt. Tưởng chừng như vị kia đã leo lên ngồi trong chiếc ổ để cố tình lường gạt y… Nên lửa giận đã nổi lên phừng phừng! Cho hay lòng sân hận quả là một mầm móng đọa lạc lớn lao!

Y sững sờ tụt xuống ngồi dưới gốc cây, chưa biết tính sao… Bỗng nhiên nghe tí tách! Có hai giọt máu lớn và đỏ thắm, chảy ra từ nơi vết thương của vị tiên nhơn, rồi rớt xuống đất ngay gần chỗ y ngồi… Hai giọt máu đỏ thấm xuống đất nâu, rồi mắt y hoa lên. Y thấy từ đó, bỗng mọc lên hai đọt cây nhỏ xanh rờn, khiến y ngồi trơ như tượng, trố mắt nhìn. Hai đọt cây lớn nhanh như thổi, chỉ trong mấy khắc, đã lớn lừng lửng, cao bằng đầu người… Đó là hai cây Cam Giá, hai cây mía có chòm lá xanh rờn, và những gióng mía bóng loáng, màu xanh biếc điểm vân, trông đẹp như làm bằng ngọc vậy… Y chưa kịp trấn tĩnh, hai khúc mía đã nứt ra, rồi… một đồng nam và một đồng nữ lặng lẽ bước ra, diện mạo xinh đẹp lạ thường. Cả hai đều ngồi xếp bằng nơi gốc cây mía, yên lặng giương mắt nhìn y. Cặp mắt trong như nước hồ thu, xanh biếc như màu lá cây mía.

Y tưởng chừng như hết chịu đựng nổi những tia nhìn đó, cảm thấy có một sức mạnh vô hình, muốn đẩy mạnh bàn tay của y móc sâu vào lồng ngực mình để moi trái tim ra khỏi ngực… Y vốn là một người bản tính cương cường, không chịu khuất phục. Nên bỗng nhiên, lửa giận bốc lên phừng phừng, y bèn cúi mặt, nâng cây cung lên, bắn luôn hai phát tên vào hai cặp mắt đó… Rồi như bị ma đuổi, y vội vã chạy ra nơi mỏm đá có buộc con ngựa, không dám quay đầu lại…

Y đã về được tới hoàng cung . Nhưng cũng từ đó, trong mười mấy năm trời, oan khiên đã nổi lên dồn dập… Bắt đầu là thần hồn y bị điên đảo, ác mộng hiện ra trong giấc ngủ. Y thường mộng thấy nơi hoàng cung trở nên vắng ngắt, không một bóng người, nhưng có tiếng nước chảy róc rách nơi thâm cung, lẫn với tiếng khóc tỉ tê của cung nữ trong đêm vắng, như tiếng than van kể lể của những oan hồn… Rồi các nước chư hầu, từ trước vẫn thần phục y, nay lần lượt nổi dậy như bầy nhặng xanh, khiến bốn bề đều dấy động đạo binh.

Y phải cầm quân đi đánh dẹp suốt mười hai năm trời, sinh linh đồ thán chết chóc không biết bao nhiêu, mà vẫn không dẹp yên được… Cho đến cuối cùng, thì chính y cũng chết giữa sa trường, bởi làn tên vô danh của đám loạn quân. Những mũi tên cắm vào người y chi chít như lông nhím…

Thế rồi thần hồn y lãng đãng bay tới vùng biển này, thác sanh làm cá Ma Kiệt… Dưới những lớp vẩy của cá, có những con sâu trùng lúc nhúc, ngày đêm đục khoét thịt cá để ăn. Đó là nghiệp báo của một thứ bạo chúa đã tàn hại quá nhiều sinh linh. Y đã phải chịu đựng niềm khổ cực đó suốt mấy ngàn năm. Nhiều khi đau quá, y cũng chẳng có cách nào hon là quẫy mạnh chiếc đuôi dài sáu mươi dặm, khiến cho nước biển đỏ lòm máu cá, hoặc đen ngòm màu bùn… Đôi khi, y cũng nghĩ tới chuyện tự tử, để chấm dứt báo thân này và chuyển sang một báo thân khác tốt lành hơn. Nhưng khốn nỗi là y chẳng có cách gì cả, vì cái đuôi của y quá nặng và dài, nên y cũng không thể nâng cong cái đuôi lên để tự đập vào đầu mình được…

Y sống triền miên như vậy, thường hay đánh những giấc ngủ dài… Thức dậy, thấy bụng đói meo, lại há miệng thở phào trên mặt biển, để cuốn các thuyền bè cá rùa chui vào bụng… Y đã dụng công nhiều, để tập trung tâm tưởng, và cố gắng tu luyện. Nhưng tâm thức loài cá vốn thấp kém, lại nghiệp dĩ cô quả, y chẳng có túc duyên gặp gỡ một vị nào có đạo lực cao, giúp y đẩy mạnh tâm thức lên những bình diện cao hơn. Nên suốt mấy ngàn năm, sự tu luyện chẳng tiến được bao nhiêu. Chỉ có thể kết tụ tâm thức thành một hình hài tinh mị nửa người nửa cá. Y chưa thể kết tụ được thành đầu người và chân tay người, có lẽ vì khi làm bạo chúa, y đã chặt quá nhiều đầu người và chân tay người. Và mảnh hình hài tinh mị ấy cũng chỉ có thể dạo chơi lãng đãng trên cái báo thân của Ma Kiệt, không thể bay đi xa được…

Tới nay, nhờ túc duyên gặp bọn Thạch Sanh, y trải qua thời gian đằng đẳng mới được nghe lại câu hồng danh Phật hiệu qua cửa miệng Thạch Sanh. Câu hồng danh đã làm nở trong tâm thức y một niệm Từ Bi… Y bị xúc động mãnh liệt, như người bừng tỉnh, và bắt đầu hiểu rằng: có lẽ tâm Từ là chìa khóa nhiệm mầu để thay đổi và CHUYÊN THÂN. Chuyển cái thân xác nặng nề và khổ lụy của y…

Kể tới đây, y ngước mắt cá lờ đờ nhìn Thạch Sanh:

– Sư phụ chắc có túc duyên với tôi… Xin sư phụ mở lòng chỉ cho tôi cách thức chuyển hóa cái thân nặng nề thô kệch này… Thân này… chỉ mang lại khổ lụy mà thôi…

Thạch Sanh tần ngần:

– Tôi thiển nghĩ… cũng chẳng có cách nào khác…Muốn chuyển thân… chỉ có cách là chuyển tâm niệm của mình mà thôi. Tâm niệm chuyển rồi, thì nghiệp chướng cũng chuyển, và rồi báo thân cũng sẽ chuyển. Tôi nghĩ đại vương… nên trì miên man câu hồng danh, rồi khởi tâm Từ khép miệng lại, nhất định không làm não hại một sinh linh cá rùa hay người nào nữa… quyết tâm nhịn ăn để chờ chết, và chuyển cái xác thân này thành một xác thân vi diệu hơn… Chỉ có cách như vậy, không còn cách nào khác… Chúng tôi đi thỉnh kinh qua đây, có túc duyên gặp gỡ đại vương… nên tôi cũng không dám quên đại vương trong lời cầu nguyện thường ngày đâu… Ma Kiệt gục gặc chiếc đầu giây lâu:

– Tôi nguyện xin làm theo lời chỉ dạy…

Rồi cả bọn bàn chuyện lên đường… Bè đã vỡ rồi, nay cần đóng chiếc bè khác, nơi đây ít có cây lớn, nhưng cũng đủ cây đóng một chiếc bè vững chãi. Ma Kiệt bèn chỉ lối:

– Có con đường thẳng tắt nhất để đi miền Tây Trúc… Qua khỏi rặng núi xa kia, quý vị nên rẽ quặt thẳng hướng Bắc. Đi ngang qua đảo Lăng Già. Đảo này là một núi đá rất lớn, vách núi dựng đứng. Qua đảo rồi, quý vị theo hướng Tây Bắc, chỉ chừng hơn một ngàn dặm sẽ tới đất Tây Túc… (ngập ngừng giây lát) Tôi không theo tiễn chân sự phụ một đoạn đường được… nhưng tôi sẽ lấy đuôi khuấy nước biển, để đẩy mạnh chiếc bè đi nhanh hơn…

Thạch Sanh vội nói:

– Đa tạ đại vương, nhưng xin chớ làm như vậy. Vì các loài cá rùa sẽ bị kinh động và thiệt mạng… Chúng tôi nương sức gió cũng được rồi…

Thế là mọi việc được tiến hành như bàn định… Lúc giã từ, Ma Kiệt nắm lấy tà áo Thạch Sanh, nước mắt ròng ròng ướt đẫm cả vạt áo…

Từ đó, cá Ma Kiệt như tuyệt tích tại vùng biển này. Chắc là cá đã nhịn đói để chuyển hóa thân hình rồi… Và cửa Tần Mã không còn khét tiếng dữ dội nữa.. .Âu cũng là một đại hảo sự, và nghiệp duyên tốt lành của bọn Thạch Sanh trên đường đi thỉnh kinh.