TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
HỒI IX
Kể chuyện gẫu hạc vàng tiếp tục
Ra công Thiền, Cuồng Huệ chăm tu
Con thuyền vẫn đi về hướng nam. Mặt biển ngày càng xanh biếc, đôi khi xám lại như màu chì. Mặt trời ngày càng chói chang, và tuy đã gần cuối năm, khí hậu biển nam ngày càng nóng bức oi ả… Vào những buổi trưa, ánh mặt trời như thiêu như đốt, như có thể chảy đá tan vàng…
Thạch Sanh vẫn ngồi trong khoang thuyền, chú tâm niệm Phật, mặc dầu đôi khi mồ hôi vã ra từng giọt lớn. Chàng thầm nghĩ: “Lửa của địa ngục chắc còn nóng gấp trăm lần…” Rồi chàng vẫn chú tâm niệm Phật, quên bẵng cả nóng nực.
Càn Thát Bà thì khó chịu về cái nóng của mặt trời hơn cả. Hắn vốn quen ở trời Dao Lợi, nơi đó không có mặt trời, vì các tầng trời thường được chiếu sáng do chính hào quang từ nơi thân các Chư thiên tỏa ra. Nên hắn chưa làm quen với sức nóng oi ả của mặt nhật… Vào những buổi trưa, hắn không còn dám nằm khểnh trên mạn thuyền được nữa, đành phải chịu tạm xuống khoang thuyền. Nhưng xế chiều, thì hắn lại bò lên, nằm ngắm trời đất… Hắn cũng thầm nhận thấy rằng từ khi xuống ngao du ở nhân gian, sắc thân của hắn có vẻ nặng nề hơn trước, thỉnh thoảng tiết ra mồ hôi, lại bắt đầu ngứa ngáy nữa. Hắn nghĩ thầm: “Chắc bây giờ, mình bay cũng nặng nề và chậm hơn trước…” Tuy nghĩ vậy, nhưng hắn cũng không nói ra, và vốn vô tâm, hắn cũng chẳng thắc mắc gì mấy nỗi. Có điều là hắn bỏ cả, không ngửi hương rượu cùng dạ lý hương nữa, mà chỉ sống bằng ngửi hương trầm thôi.
Còn Cuồng Huệ thì hình như quên hết ngoại vật, tối ngày y thường ở trong khoang thuyền, ngồi riết trên chiếc bồ đoàn để thiền quán. Y say mê thiền quán triền miên. Chắc là trong vụ này, trong việc xăm soi cái tâm của y, y đã đạt tới nhiều cảnh giới kỳ dị, nên y quên hết ngoại vật. Y cũng ít khi bước ra ngoài để gặp gỡ hai người kia. Tánh y lại điềm đạm ít nói, nên y cũng chẳng thổ lộ điều gì… Thạch Sanh rất tôn trọng, gần như kính ngưỡng niềm thầm lặng của người sư đệ. Nhưng Càn Thát Bà thì có vẻ sốt ruột, hắn chỉ rình cơ hội để hỏi han tra vấn Cuồng Huệ.
Một buổi hơi xế chiều, trời đương oi ả nóng gay gắt, thì nhiều đám mây đen bỗng ùn ùn kéo đến, chóp giựt sấm động ì ùm một hồi, rồi một trận mưa lớn rào rào đổ xuống. Những hạt mưa to nặng reo bồm bộp xuống mạn thuyền… Càn Thát Bà vội chui tọt xuống khoang thuyền, ngồi cạnh Thạch Sanh, lên giọng xuýt xoa:
– Chà, chà… trận mưa to dữ… tưởng chừng như sắp đến ngày kiếp hoại…
Thạch sanh cũng ngưng niệm Phật, rồi cả hai cùng ngồi lặng nghe những giọt mưa rơi lộp bộp trên mạn thuyền cùng rào rào rơi xuống biển cả… Thạch Sanh bỗng chạnh lòng nhớ tới căn nhà tranh cũ kỹ, với âm thanh những giọt mưa thánh thót trên những tàu lá chuối to rộng mọc ở ngay đầu hiên. Chàng hơi nao nao nhớ nhung cuộc sống bình dị ở nơi xóm nhỏ, lúc đó chàng chẳng bận tâm gì hết, chỉ biết đi kiếm củi, rồi chiều đến đánh mấy cút rượu say ngà ngà, rồi nằm lâng lâng trên chiếc võng rách, thỉnh thoảng được lắng nghe giọt mưa thánh thót.. Nghĩ đến thôn xóm nơi quê cũ, chàng bất giác thở dài. Nhưng chàng biết ngay là như thế, chàng đã thả cho tâm mình trôi nổi vọng động, nên vội tự nhủ: “Quê hương là cái gì vậy? Nó cũng chỉ là những tập quán sanh hoạt của một thời niên thiếu. Có gì đâu mà gọi là quê hương? Tưởng nhớ đến cũng là một lỗi lầm rồi, cũng phạm giới rồi… Cảnh nào cũng vậy, cũng bình đẳng cả thôi. Trải qua vô lượng kiếp, chỗ nào mình cũng đầu thai cả rồi, thì chỗ nào chả là quê hương?! Ngay như biển cả này cũng từng là quê hương, vì đã từng có vô vàn kiếp mình từng trải lận đận làm thân cá và rùa chứ sao!… Vậy mình đâu có phải là một kẻ khách lạ mà chạnh lòng nhớ quê?…”
Càn Thát Bà thấy chàng ngồi thần ra và thở dài, hắn lầm cho rằng chàng tư lự lo lắng về vụ đi thỉnh kinh. Hắn bỗng thấy thương tình anh chàng sa môn quê mùa thật thà này, nên hắn gợi chuyện:
– Này, này… ta đố ngươi cái này nhá. Ta đố ngươi biết mây mưa sấm chóp là để làm gì nào? Ngươi tuy là sa môn hơn ta, nhưng ta đố ngươi biết đấy…
Thấy chàng ngồi ngẩn ra, hắn khoái chí nói tiếp:
– Chắc là ngươi không biết. Mà biết sao được. Ta thì biết rõ lắm, tuy ta không dám xuống tóc làm sa môn.. Này nhé, mây mưa sấm chóp cũng đều là sự cân phước cân nghiệp cả đấy, chứ không phải là mấy bố Long vương muốn tự ý hoành hành tác oai tác quái thế nào cũng được đâu… (Hắn lắc lư cái đầu có chỏm tóc lởm chởm) Ngẫm cho kỹ, thì mọi sự đều lạ lùng kỳ dị, và tùy theo các cõi, mọi sự đều sai biệt cả, không giống nhau đâu. Mà sai biệt là do phước nghiệp sai biệt. Có quy luật phân minh cả đấy, chứ không tào lao đâu… Này nhé, như mưa chẳng hạn, phước nghiệp của cõi nhân thế này chỉ đáng được hưởng mưa nước trong, nên mấy bố thường chỉ mưa nước trong. Ở cõi trời của ta thì khác, phước lớn và nghiệp nhẹ hơn, thì thường có mưa nước thơm và mưa hoa… Ôi thôi, ôi thôi, mỗi trận mưa như thế thì hoa lạc mãn thiên, thơm ngát cả trời. Hoa lạc mãn thiên, đấy ngươi xem, ta dùng chữ của người cũng thông đấy chứ… Ở mấy tầng trời khác, thì lại có mưa châu báu ngọc ngà, hoặc mưa thiên y, những tràng áo của trời rơi phấp phới như những áng mây nhiều màu. Đấy, sai biệt là như vậy đó… sấm chóp cũng vậy, cũng sai biệt. Ở cõi nhân thế này, thì sấm nổ ì ùm nghe điếc con ráy, tương tự như tiếng hai trái núi đi trật đường mà đụng phải nhau. Ở trời Dao Lợi, không có thế, mà sấm thường phát ra những âm thanh êm ái nghe như tiếng nhạc, và kẻ nghe thấy như muốn phát đạo tâm… Chớp cũng vậy, mỗi nơi đều có màu khác nhau, tỷ dụ như ở đây thì là màu huỳnh kim, nhưng ở các tầng trời thì là màu đế thanh, hoặc màu mã não, hoặc là màu xích trân châu… Đấy, đấy, nó là như thế đấy…
Thạch Sanh cười:
– Kể ra đại sư huynh là người đi nhiều, nên biết nhiều hiểu rộng…
– Ấy, Ắy, ta nói chưa hết mà… Kể ra những điều ta biết thì nhiều lắm, nhưng không nói được mấy nỗi, vì không có mấy đứa chịu nghe và chịu tin. Có đứa lại dám bảo là ta nói láo. Thực ra, thì đôi khi ta cũng thích vọng ngôn cho vui, nhưng còn những chuyện trời đất đứng đắn, thì ta ăn nói đàng hoàng đúng như sự thực vậy… về cái mây mưa sấm chớp, thì đôi khi cũng còn một tác dụng khác nữa. Cân tội cân phước của chúng sanh là một, nhưng đôi khi, nếu cần cúng dường tán thán một bậc thần linh lớn, tỷ dụ như Bồ Tát lớn, thì các bố cũng nổi mây mưa sấm chóp ì ùm để tán thán cúng dường bậc đó, nhưng người nghe mà không hiểu lại đâm sợ hãi vỡ mật… Thực là kỳ cục, kỳ cục…
Trận mưa kéo dài mãi đến trời tối sẫm mới ngưng. Mưa ngưng rồi thì bầu trời lại lung linh thăm thẳm, không thấy bóng dáng những áng mây nữa. Các vì sao lại lấp lánh đầy trời… Càn Thát Bà lại leo lên mạn thuyền, và kêu réo hối thúc Thạch Sanh cùng lên. Hắn bảo:
– Trời đẹp lắm, hãy lên đây ngồi chơi với ta một lát… Ngươi niệm Phật nhiều quá, có lẽ Phật cũng đến phải sốt ruột thôi…
Thạch Sanh đành phải leo lên, ngồi ngắm nhìn sao cùng với hắn… Càn Thát Bà nằm ngửa tênh hênh trên mạn thuyền, ngắm nhìn các vì sao một hồi lâu, rồi bỗng ngồi nhổm dậy. Hắn nói, giọng cao hứng:
– Ở cõi nhân thế này, một trong những quang cảnh mà ta thích ngắm nghía là cảnh trời đầy sao. Một cảnh nữa mà ta thích là ngắm nhìn những đàn đom đóm chập chờn trong lùm cây… Tiếc rằng ở đây, không có đom đóm…
Vừa lúc đó, Cuồng Huệ cũng trèo lên, và lặng lẽ ngồi cạnh Thạch Sanh. Càn Thát Bà thấy y lên, trong bụng thích lắm, nhưng vẫn ra vẻ lờ đi. Hắn nghĩ bụng: “Không hiểu sao y lại chịu rời chiếc bồ đoàn mà lên nghe chuyện mình?” Hắn tiếp:
– Mỗi vì sao là một châu, một cõi đó… Có những vì sao còn nóng quá, nên không có người ở, cũng có những vì sao gần như sắp chết vì lạnh quá, nên cũng không có người. Nhưng tuy không có người, mà vẫn có những loài chúng sanh khác ở đấy… Ở trong lửa nóng cũng như ở trong băng giá.
Không thấy ai góp thêm câu nào cả, nhưng hắn bất cần, lại nói tiếp:
– Ta đôi khi cũng hay suy ngẫm mông lung như chú Cuồng Huệ… Nhưng ta vẫn chưa hiểu nổi những vì sao ấy vì đâu mà có cội nguồn của cái vũ trụ này từ đâu mà ra?… Hồi ta cỏn ở trời Dao Lọi, ta có nghe nói rằng ở mãi trên tầng trời Đại Tự Tại, xa tít mù tắp, có một vị vua trời là Đại Tự Tại Vương. Vị này thần thông ghê gớm lắm, có nhiều tự tại lực lắm, vượt xa hàng trăm bực lão Đe Thích và A Tu La Vương. Nghe nói ông ta có một cái lưới gọi là Thiên đà la võng, kết bằng tơ trời và nhiều hạt trân châu… Khi ông ta cao hứng tung cái lưới ấy ra, thì những hạt châu ở mắt lưới biến thành những vì sao và các cõi. Khi ông ta thu lưới lại, thì các cõi mờ đi và rụng như những chiếc lá… (Hắn tặc lưỡi:) Nghe thì hay hay đấy, nhưng ta không tin. Chưa chắc đã là như thế thật… Thôi ta cũng đành phải đi theo hai chú mày vậy. Vì rất có thể rằng trong bộ kinh mà hai chú mày hăm hở đi tìm kiếm, có lẽ có lời giải đáp… Ke cũng nhất cử nhị tiện, vừa coi Phật khảy móng tay, lại vừa có thể coi cọp mấy trang kinh…
Hắn mới học tiếng và chữ của người, nhưng lại ưa dùng chữ văn hoa, tuy chưa được đúng lắm… Thạch Sanh nghe hắn nói thì hoan hỷ ra mặt, yên chí là vị đại sư huynh này sẽ không bỏ dở cuộc hành trình… Cuồng Huệ bỗng mở miệng:
– Đại sư huynh đã đi nhiều, nên biết nhiều hiểu rộng. Nên tiểu đệ muốn thỉnh ý đại sư huynh việc này…
Càn Thát Bà lầu bầu:
– ừa, muốn thỉnh gì thì cứ việc thỉnh, không phải rào đón mất công rắc rối..
– Đại sư huynh hiện giờ ngồi trên mạn thuyền, đưa mắt nhìn trời biển. Vậy thì đại sư huynh nhìn thấy những cái gì?
Càn Thát Bà bực dọc:
– Nhìn thấy cái gì à? Ngươi ngồi thiền riết không hiểu tâm trí có mê loạn không mà hỏi ta một câu như vậy? Thì ta cũng nhìn thấy như hai chú mày nhìn thấy,… ta nhìn thấy hai chú mày, ta nhìn thấy cái thuyền, thấy biển. Thấy trời đầy sao, và nếu hôm nào không có sao, thì thấy bầu trời thăm thẳm hoặc sương mờ lãng đãng chứ sao?
– Thế khi đại sự huynh nhắm mắt lại, thì đại sư huynh nhìn thấy cái gì?
– A, a… tên này lại có thâm ý đây. Khi ta nhắm mắt thì ta thấy tối đen chứ còn gì nữa… À, mà không đúng hẳn như thế. Trước kia, khi ở trời Dao Lợi, ta cũng từng có ngồi thiền đôi chút, nhưng sau nản quá vì tính ta hay cựa quậy nên ta đành bỏ. Lúc đó, ta cũng từng thấy cảnh giới chứ. Đôi khi thấy trong mắt sáng lên như có ánh trăng, hoặc thấy một vài cảnh giới mông lung khác…
– Đại sư huynh nói như vậy là đúng đấy… Tiểu đệ nghĩ rằng con mắt và cái thấy của chúng ta thật là lạ lùng kỳ dị. Hình như con mắt không bao giờ hết thấy vật cả, hết vật này lại có vật khác. Hình như vật không bao giờ hết cả, nó vô tận, nó trùng trùng điệp điệp, nó bao vây con mắt và cái thấy của ta. Không hiểu…
Càn Thát Bà vội cắt ngang:
– Có chứ, có chứ, có lúc mình không thấy vật chứ. Tỷ dụ như lúc một người ngủ say, hoặc bị bịnh té lăn bất tỉnh. Những lúc đó, chắc là cái thấy của chú mày không thấy gì cả…
– Cũng chưa chắc đâu, đại sư huynh. Người ngủ vẫn thường thấy mộng mơ, thấy cảnh giới trong đó… Người ngủ say nói là không mộng mị, nhưng tiểu đệ ngờ rằng vẫn có những cảnh giới lãng đãng mà y không ý thức được mấy nỗi, hoặc lúc tỉnh dậy không nhớ nổi mà thôi, nên nghĩ rằng không có… Người té lăn bất tỉnh cũng rất có thể như vậy… Tiểu đệ trộm nghĩ rằng không hiểu có thể có một cõi nào mà con mắt hoặc cái thấy không phải nhìn thấy vật không nhỉ?… Đại sự huynh từng ở cõi trời, nên tiểu đệ muốn thỉnh ý là như vậy…
Càn Thát Bà gãi đầu:
– Ờ nhỉ, ờ nhỉ, nay ngươi nhắc đến thì ta mới để ý đến vụ lạ lùng kỳ dị đó… Lúc nào cũng thấy, cóc lúc nào là lúc không thấy vật, không thấy cảnh giới. Muốn không thấy cũng cóc được, thực là oái oăm, oái oăm… (Hắn bỗng vỗ đùi) À, ngươi nhắc tới khiến ta sực nhớ điều này. Hình như ở một cõi trời xa tít mù tắp, cỏn xa hơn cõi trời của ông Đại Phạm Thiên Vương nhiều, ta có nghe nói là cõi trời đó tên là trời Vô tưởng… Đã là Vô tưởng, thì chắc là cóc phải thấy cảnh giới gì cả rồi. Nhưng không biết có đúng như vậy không? Chú mày nghĩ sao, có khi đó là cái cõi mà chú mày thắc mắc đấy…
Cuồng Huệ trầm ngâm:
– Vô tưởng, vô tưởng!… Có thể là như vậy, có thể có cõi trời ấy lắm… Ở tầng trời đó, có thể có những chúng sanh, hoặc những bậc đã đạt tới mức thiền định cao, nên trút bỏ được sắc tướng, chỉ còn sinh hoạt bằng tâm tưởng. Rồi lại cố diệt luôn những tâm tưởng, để tới chỗ vô tưởng… (Y ngẫm nghĩ giây lâu) Nhưng tiểu đệ e rằng cái thấy chưa phải là hoàn toàn diệt mất, mà vẫn còn âm thầm thấy cái vô tưởng… Không hiểu nhị vị sư huynh nghĩ sao?
Càn Thát Bà nói:
– Ta cũng chẳng biết nghĩ sao nữa… Nhưng này, ta hỏi thực, bấy lâu nay, ngươi ngồi riết thiền quán, thì ngươi thấy những gì? Ngươi nói ta nghe, có khi ta có thể góp ý soi sáng cho ngươi không chừng.
Cuồng Huệ chậm rãi:
– Lâu nay, đệ theo lời của nhị sư huynh và ngồi riết thiền quán. Đệ say mê, vì thấy nhiều cái thực là kỳ dị, càng ngày càng lạ lùng… Nhưng đệ chưa dám chắc ý ra sao, có thể là ma cảnh nó huyễn dụ mình cũng nên. Nên chưa dám bộc lộ với hai sư huynh… Xin cho tiểu đệ một thời gian nữa, khi nào chắc ý tiểu đệ sẽ xin trình bày để nhị vị sư huynh ấn chứng cho…
Càn Thát Bà cụt hứng, tặc lưỡi:
– Cũng được, cũng được. Nếu ngươi muốn làm con cóc không chịu mở miệng thì cũng được. Ta cũng chẳng cần nghe mấy đâu…
Thực ra, thì trong hơn ba tháng nay, công phu thiền quán của Cuồng Huệ đã tiến mau lẹ một cách phi thường hy hữu. Cội nguồn của y vốn là kỳ đặc tối thắng, vì xuất sanh từ một giọt nước mắt của Bồ Tát lớn, nên căn cơ của y cũng kỳ đặc tối thắng, và sự tiến triển của y là đương nhiên…
Thạch Sanh, trong những kiếp trước, đã từng làm tỳ kheo đạt tới đệ tam thiền, nhưng cũng không thể so sánh với căn cơ siêu xuất của Cuồng Huệ được. Vả lại, trong kiếp này, Thạch Sanh tuy cũng ngồi thiền quán mỗi đêm, nhưng chàng lại xoay ra chỉ coi thiền như công phu phụ. Chàng được thấm hào quang của ngài Địa Tạng, nên nẩy nở rầm rộ tâm đại từ bi, chỉ muốn chăm chăm chú chú vào hạnh nguyện cứu độ, chứ không tha thiết đến thân mình hoặc sự hiểu biết mấy nỗi. Và trong hạnh nguyện cứu độ này, chàng không mấy tin tưởng ở tự lực mình thấy rằng tự lực của mình quá nhỏ nhoi giới hạn so với cái biển cả của chúng sanh vô tận, và chỉ muốn nương nhờ hoàn toàn vào thần lực cùng nguyện lực của chư Phật cùng Bồ Tát thôi. Do đó, chàng ôm khư khư lấy câu niệm Phật, và muốn xóa bỏ hết tự ngã. Chàng vẫn ngồi thiền nhưng là ngồi để lắng cái tâm lại mà thôi, chứ không tha thiết gì mấy đến định lực cùng việc quán soi. Chàng chỉ tha thiết đến những đại nguyện, đến nguyện lực, và ôm câu niệm Phật để nương nhờ thần lực thể hiện những hạnh nguyện độ sanh thôi. Bởi vậy, chàng không tiến mấy nỗi trong việc thiền quán.
Cuồng Huệ lại khác. Thực ra, trong lúc này, cũng chẳng có ai giảng giải cho y về thiền quán hoặc đường đi nước bước gì hết. Nhưng y cứ lần theo kinh nghiệm cùng sự suy luận của chính y để lần lần tiến bước… Nhưng căn cơ kỳ đặc của y khiến y lần lần nẩy nở vô sự trí. Chẳng cần có ai dạy dỗ, mà y đã tiến những bước thực mau lẹ kỳ diệu.
Lúc bắt đầu ngồi thiền quán trong chùa, thì y cũng chẳng hiểu bắt đầu ra sao hết. Nhung y cứ ngồi kiết già, thân thẳng nhu cái cọc, rồi nhắm hờ mắt lại, lặng lẽ săm soi tâm mình, để xem có những tâm tưởng gì hoặc cảnh giới gì hiện ra. Y nhận thấy là công việc đó y làm rất dễ dàng, bất cứ có tâm tưởng gì khởi lên là y giác được ngay, và y liền thu ngay tâm lại để cắt luôn động niệm đó. Y cũng nhận thấy rằng, y chú tâm để quán những cảnh giới thật là dễ dàng. Tỷ dụ như y muốn quán cảnh tượng y tắm ở giếng nước sau chùa, thì trong mắt y, y nhìn thấy rõ ràng thân hình y ở trần đương xối những gầu nước giếng. Quán lực của y mạnh đến mức y trông thấy rõ mồn một từng chi tiết nhỏ như dưới ánh sáng ban ngày, tỷ dụ như nhìn thấy cả những giọt nước nhỏ lăn tăn đậu trên thân y. Y càng tăng chú tâm ngần nào, thì cảnh càng hiện rõ ngần ấy… Chỉ độ vài đêm là y đã nhận thấy ngay như vậy. Y thử quán rất nhiều cảnh giới khác, tỷ dụ như quán cảnh mặt trời lặn trên sông, hoặc quán Thạch Sanh hay Càn Thát Bà, thì y chỉ cần chú tâm độ một hồi lâu là thấy cảnh hiện ra rõ mồn một. Neu y gắng tăng thêm chú tâm, thì cảnh lại càng hiện rõ hơn. Mà hình như sức chú tâm của y có vẻ như không bờ bến. Neu y chú tâm thực nhiều thì y nhìn thấy cả những chi tiết thực vi tế, mà ngay ban ngày đôi mắt của y cũng không nhìn thấy…
Y lẩm bẩm tự hỏi: “Quái lạ! Như thế thì ra sao nhỉ? Không biết người khác ngồi thiền quán thì có thấy dễ dàng như vậy không? Hay là mình lại bị một thứ yêu ma nào nó huyễn dụ để trêu chọc mình?” Tuy nghĩ thầm như vậy, nhưng y cũng chẳng hỏi Thạch Sanh, và cũng chẳng thấy e ngại gì hết.
Rồi y nảy ra ý muốn quán không cảnh giới, muốn quán hư không thôi. Thì y liền thấy trong mắt y sáng lên vàng vặc, tựa hồ như ánh trăng thanh một đêm rằm, rất là êm ái thích thú. Vì y thích cái cảnh trăng thanh vằng vặc đó, nên y cứ ngưng tâm ở đó, và càng ngưng tâm bao nhiêu, thì ánh trăng lại càng vằng vặc bấy nhiêu…
Đó là trong những ngày còn ở chùa Hóa Độ… Lần lần, y nhận thấy rằng ngay lúc ban ngày, trong khi đi đứng hoặc ngồi làm những công việc lặt vặt, y vẫn có thể tập trung định lực một cách khá dễ dàng. Tỷ dụ như một buổi sáng, y đương ngồi ăn một tô canh rau ở bàn. Ăn hết rau rồi, thì trong bát chỉ còn một vũng nước xanh 1Ơ…Y bỗng chợt nhớ tới miền Hương Thủy Hải cũ, rồi giương mắt nhìn lỏm lỏm vào vũng nước trong bát, thì thấy trong đó lần lần hiện ra rõ mồn một cảnh tượng ở miền Hương Thủy: Nào là núi Tu Di long lanh đá lưu ly, nào mặt biển sóng nước lô xô, với cửa hang đá Cửu Khúc bàng hoàng động, với đám cỏ linh chi mọc um tùm nơi cửa hang. Y thấy rõ từng chi tiết nhỏ những gân lá, màu sắc như ở trước mắt… Y càng ngày càng thấy ngạc nhiên về định lực của y.
Tới khi xuống thuyền đi Tây Trúc, y lại càng miên man thiền quán. Nhưng lần này, y đổi ý kiến. Y nghĩ rằng nếu mình cứ thiền quán đủ các thứ cảnh giới, thì rồi cứ miên man lãng đãng mãi, chẳng biết đi tới đâu cả. cần phải lựa chọn một cảnh giới nhất định, rồi cứ chuyên tâm quán dài dài một cảnh giới đó thôi, để xem sức quán tuởng sẽ đi tới đâu.
Y bèn lựa chọn quán về nước. Quán về nước thôi, chứ không quán đất hay lửa, hay một cảnh giới nào khác. Quán về nước đon thuần… Tại sao y lại lựa chọn nước? Y không hiểu tại sao, nhưng có lẽ trong vô thức của y vốn là loài rồng thuộc về thủy tánh, nên y đã mặc nhiên nghiêng về nước. Khi bắt đầu ngồi, thì y quán tưởng về nước ở miền Hương Thủy Hải, rồi y quán về nước ở các sông các biển của miền nhân thế, rồi quán đến nước ở khắp các cõi trong Đại thiên thế giới. Rồi y quán đến nước trong thân y, từ nước miếng đến mồ hôi, tinh huyết, đến nước tiểu tiện, mọi thứ xoay vần trong thân y mà vẫn đồng một tánh nước… Y lần lần nhận thấy rằng hình như nước bao la thẩm thấu khắp nơi, khắp các cõi, khắp hư không. Y cũng nhận thấy là nước trong thân y, hoặc nước ở nhân thế, hoặc nước ở Hương Thủy Hải, hoặc nước ở khắp các cõi, đều bình đẳng không sai khác, đều hiệp thành một tánh, không hai không khác… Nhưng đó là tánh gì, thì hình như y chưa thấy rõ.
Y quán niệm miên man như vậy, ngày đêm trong hai tháng trời trên thuyền, đôi khi bỏ cả ăn ngủ. Thân y ngồi bất động, thẳng tắp như một gốc cây, như chiếc cọc chống trời… Lần lần, trong những đêm khuya thanh vắng, y nghe hình như thấy có tiếng nước vỗ nhè nhẹ chung quanh y. Không phải tiếng nước của biển vỗ ỳ ào vào thân thuyền, mà là tiếng nước vỗ nhẹ ở ngay trong thuyền, trong khoang của y, chung quanh y… Y bèn hé hờ mắt nhìn, thì thấy chung quanh y toàn là nước. Nhưng y chẳng bận tâm gì về chuyện đó, vẫn tiếp tục miên man quán riết.
Tưởng cũng cần giải thích ít nhiều về hiện tượng thiền quán này. Vì đây chính là điểm then chốt của triết lý nhận thức, cũng như của Phật giáo… Thực ra, thì mọi sự vật ở đời này đều là do quang minh của tâm tưởng, quang minh của nghiệp lực kết tập nên. Tâm tưởng tạo ra nghiệp lực, và nghiệp lực chính là tâm tưởng đã tích lũy từ vô vàn kiếp. Bởi vậy nên mọi chúng sanh hay mọi loài chúng sanh đều tùy theo nghiệp lực của mình. Nhìn thấy vũ trụ thành những ảnh tượng, những cảnh giới, những sự vật sai biệt. Tỷ dụ như một con sông kia, thì loài người nhìn thấy là sông nước, nhưng loài quỷ lại nhìn thấy là một dòng lửa vì do ác nghiệp chiêu cảm, trong khi các Chư thiên lại nhìn thấy toàn những châu báu lưu ly… Sự chiêu cảm của nghiệp lực sai biệt như vậy.
Tóm lại, cảnh vật là do tâm tưởng tích lũy kết tập nên. Nhưng một người thường thì chưa thể dùng tâm tưởng của mình để tạo nên cảnh vật được. Vì sao? Vì tâm tưởng còn tán loạn, chưa tập trung, chưa miên man, chưa có định lực. Tâm tưởng là một sức mạnh vô biên, bất tư nghị, nhưng vì thiếu tập trung, thiếu miên man, nên không có lực… Nhưng trong trường họp của một hành giả đã tu tập thiền quán lâu dài rồi thì lại khác. Khi bắt đầu quán một cảnh giới, thì hành giả chỉ thấy cảnh giới đó hiện ra trước mắt mình một cách lờ mờ chập chờn không rõ ràng: Cảnh giới lờ mờ đó được gọi là cực hánh sắc, hay cực lược sắc. Nhưng khi hành giả tu tập miên man lâu dài rồi, thì cảnh giới ngày càng hiện rõ, và được gọi là định quả sắc. Định quả sắc này, kẻ hành giả nhìn thấy rõ ràng lắm, y như kẻ đó nhìn một cảnh vật ngoài đời vậy, nhưng chỉ có một mình kẻ đó nhìn thấy thôi, còn những người chung quanh thì chưa nhìn thấy được… Tu tập cao hơn nữa, thì hành giả có thể chuyển cảnh giới định quả sắc đó thành cảnh giới nghiệp quả sắc. Cảnh giới này, thì không những hành giả nhìn thấy, mà một số người chung quanh cũng có thể nhìn thấy được… Nay nếu lấy tỷ dụ một hành giả ngồi quán tưởng một hình tượng của một vị thần linh: Do định lực của hành giả, vị thần linh đó ngày ngày sẽ hiện rõ ra, và có thể linh hoạt như một người sống, và vị đó sẽ dùng thần lực hộ trì cho hành giả…
Trường họp Cuồng Huệ thì là một kẻ tự tu học, nhưng lần lần, y cũng suy đoán ra một phần những điều đó… Ngay lúc đó, thì y đã vượt qua giai đoạn định quả sắc rồi, và đã chuyển sang nghiệp quả sắc. Nên những người chung quanh y cũng có thể nhìn thấy nước được. Do đó, đã xảy ra một câu chuyện ngộ nghĩnh tức cười.
Chả là trong những đêm y ngồi mải miết thiền quán như vậy, thì Càn Thát Bà động tính tò mò. Tai của hắn thính lắm, và hắn nghe thấy hình như có điều gì khác lạ trong khoang thuyền của Cuồng Huệ. Dằn lòng hiếu kỳ không nổi, nên hắn đã nhẹ nhàng tụt từ mạn thuyền xuống, mon men tới gần khoang thuyền của Cuồng Huệ, và ghé mắt nhìn vào. Hắn kinh ngạc suýt kêu thành tiếng, vì hắn thấy trong khoang đầy những nước. Hắn lại nghe thấy tiếng nước vỗ nhè nhẹ nữa. Nước ngập đến bụng Cuồng Huệ, nhưng y vẫn ngồi điềm nhiên bất động, tựa hồ như không hay biết gì hết…
Hắn vừa nhìn, vừa lẩm bẩm: “Chú em nhỏ này ghê gớm thực… Đến nước này, mà vẫn im như thóc, lại định giấu cả mình…” Nhưng hắn cũng lờ mờ hiểu rằng Cuồng Huệ đã đạt tới một cơn định khá cao. Hắn đứng coi hồi lâu, bỗng nảy ra một ý kiến. Hắn vươn cánh tay dài nghêu ngoao, thỏ vào trong khoang thuyền, định sờ mó vào khoảng nước. Nhưng lạ thay, tay hắn bỗng sờ không thấy nước!… Thì ra định lực của Cuồng Huệ mới đạt tới mức chỉ khiến cho người chung quanh nhìn thấy, nghe thấy nước mà thôi, chứ chưa sờ mó thấy nước. Nhưng Càn Thát Bà cũng chưa đoán ra được điều đó.
Hắn đứng tần ngần ngắm nhìn Cuồng Huệ một hồi lâu, rồi bỗng động lòng tinh nghịch trẻ nít. Hắn cúi nhặt một mảnh gỗ nhỏ trên sàn thuyền, rồi vứt mảnh đó vào khoảng nước của Cuồng Huệ, rồi hắn lại leo lên mạn thuyền nằm ngủ.
Sáng hôm sau, hắn tỉnh dậy thật sớm, nhưng vẫn nằm ghé mắt nhìn về phía khoang thuyền Cuồng Huệ, chờ đợi xem có gì lạ không? Nhưng không thấy động tĩnh gì hết…
Một lát sau, chỉ thấy Thạch Sanh leo lên mạn thuyền, hướng về phía Tây quỳ lạy ba lạy… Mãi đến gần trưa, mới thấy Cuồng Huệ từ trong khoang thuyền bước ra. Nét mặt y có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, không được bình thản như mọi ngày, và y vẫn im lặng như mọi ngày. Thạch Sanh vội hỏi:
– Hiền đệ tu tập thiền quán, thâm tâm vẫn bình an chứ? Không có điều gì trắc trở cả chứ? Cuồng Huệ tần ngần:
– Đêm vừa rồi, chắc là tiểu đệ đã vấp phải sự trắc trở. Tiểu lệ suy nghĩ từ sáng đến giờ, nhưng vẫn chưa hiểu duyên cớ ra sao?
Rồi y chậm rãi kể sơ lược cho hai người nghe về việc thiền quán của y, về lý do tại sao y chuyên niệm để quán nước. Nhưng sáng nay, khi y xuất định, y cứ thấy ở bụng dưới ngâm ngẩm đau, và y chưa hiểu tại sao? Không hiểu có sự lỗi lầm gì? Hay ma chướng gì?… Thạch Sanh nói:
– Nếu như vậy, thì đêm nay, hiền đệ cứ tiếp tục quán nước đi. Tiểu huynh sẽ theo dõi, may ra có thể phát giác được điều sai lệch gì chăng?… Nhưng quả thực, hiền đệ chắc đã tiến khá xa rồi đó, và sự tiến tu của hiền đệ có thể khiến các loài yêu ma ghen ghét…
Chàng chưa nói dứt lời, thì Càn Thát Bà đã phá lên cười hăng hắc… Thì ra hắn đã cố nhịn cơn cười mãi không được, đành phải phá ra cười. Hắn cười lăn lóc một hồi, rồi mới nói được:
– Cung hỷ! Cung hỷ! Chú mày bản lãnh khá lắm, khá lắm. Nhưng chẳng có yêu ma nào đâu! Chỉ có ta thôi!…Chỉ là tại chú mày tâm ngẩm tầm ngầm cứ muốn giấu cả ta…
Rồi hắn kể lại những việc hắn làm đêm qua, và vụ bỏ mảnh gỗ vào khoảng nước. Hắn tiu nghỉu kết luận:
– Ta đâu có ngờ là chú mày bị đau bụng. Bây giờ thì làm sao nhỉ?
Cả ba đầu ngẩn người ra suy nghĩ… Cuồng Huệ chỉ sửng sốt giây lát về lời thú tội của Càn Thát Bà, rồi tự nhủ: “Có khi cái trò tinh nghịch của đại sư huynh cũng là một điều hay cho mình…” Rồi y đề nghị:
– Tiểu đệ đã có được một chút định lực, nên trong cơn định, khoảng nước mà đại sư huynh nhìn thấy cũng là thân của tiểu đệ. Nước với thân là một, nên mảnh gỗ đã nhập vào thân đệ… Đệ thấy đau bụng, vì định lực còn kém, chưa tới được mức vong thân. Sự thể như vậy, bây giờ có lẽ nên làm thế này. Tối nay, đệ lại sẽ nhập cơn định đó. Đại sự huynh chờ cho đệ nhập sâu rồi, thì khẽ tới nhặt mảnh gỗ ấy ra…
Đêm đó, Càn Thát Bà làm như lời. Sáng hôm sau, Cuồng Huệ hết đau bụng. Từ đó, y càng tinh tiến tu tập…
Càn Thát Bà vẻ mặt vẫn nhàng nhâng nháo nháo, nhưng bụng hắn cũng thấy ngượng ngùng, và từ đó, hắn cũng kính nể Cuồng Huệ hơn trước…
Cuộc hành trình cứ tiếp tục miên man như vậy trên mặt biển, và cũng không có sự việc gì khác lạ xảy ra cả.
Lúc này, chiếc thuyền đã đi xuống rất sâu phía nam rồi, nên Cuồng Huệ đã đổi hướng cho thuyền trực chỉ phía tây để thẳng tới miền đất Tây Trúc… Thạch Sanh vẫn ôm câu niệm Phật, còn Cuồng Huệ vẫn say sưa thiền quán.
Một hôm, vào buổi chiều tà, Càn Thát Bà ngồi ngắm nhìn vầng mặt trời đỏ ửng như một trái dưa hồng đương chìm nửa chừng vào mặt biển ở phía chân trời. Ngắm chán rồi, hắn lại bật tiếng cười hăng hắc:
– Cứ đi hoài mãi thế này cũng thấy chán. Vô sự quá cũng chán. Chẳng có trò gì xảy ra cả. Chắc là bọn chúng cũng sợ oai lực của bọn mình nên đâu có dám trêu chọc tụi mình?… Ha… ha… ha…
Rồi hắn cất tiếng cười dài, tỏ ra rất đắc chí. Tiếng cười của hắn vang lên trong gió chiều… Ngờ đâu lời nói của hắn chính là sự nảy tâm kiêu mạn buông lung, một sự thách đố đối với cõi u minh. Nên chỉ qua một đêm là thấy yêu ma xuất đầu lộ diện ngay…