TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI VIII

Tu La giơ tay che mặt trời
Càn Thát Bà kể truyện trời biến

Nay trở lại bọn ba người Thạch Sanh, ngồi trên thuyền, buồm cũng lộng gió, ngày đêm không ngừng nghỉ, băng băng vượt trùng dương, hướng về phía nam. Con đường biển tới Tây Trúc cần phải đi sâu xuống hướng nam để tránh các eo biển, rồi sau mới trực chỉ phía tây được.

Chiếc thuyền có ba khoang rộng, xếp đặt tươm tất, mỗi người cứ việc chiếm ngụ một khoang. Tháng ấy đã bắt đầu có gió bấc thổi khá mạnh, nhưng mặt biển vẫn yên tĩnh không có sóng lớn, nên kẻ ngồi thuyền rất thảnh thơi… Thạch Sanh thường lầm lũi ít nói, và chỉ trừ bữa trai vào giờ ngọ, chàng thường ngồi trong khoang lầm rầm niệm Phật. Đôi khi chàng lại cất tiếng niệm lớn. Những buổi sáng tinh mơ, và về khuya, chàng thường lên mạn thuyền, hướng về phía tây đảnh lễ ba lễ, thầm khấn ngài Bồ Tát Long Thọ cho được gặp mặt, hoặc nếu không được gặp, cũng xin ứng điềm mộng để biết nơi chỗ thỉnh kinh…

Chàng cũng luôn luôn nhớ tưởng đến Ca Lặc Ca Tôn Giả và cầu xin được gặp lại… Chiếc thuyền đi giữa trùng dương chẳng cần coi sóc, nên Cuồng Huệ cũng ngồi riết trong khoang của mình, ngày đêm gần như không rời chiếc bồ đoàn để tu thiền quán… Chắc rằng mức thiền quán của y tấn bộ hết sức mau chóng, nên y say mê ngồi riết, nhiều khi quên cả ăn… Vì ít có ai góp chuyện, nên Càn Thát Bà buồn tình, thường nằm khoèo trên mạn thuyền, ngửi hương phì phèo, nhìn trời mây, nhìn mặt trời mặt trăng cùng các vì sao lấp lánh, hoặc đôi khi cười hăng hắc hay nói lảm nhảm một mình…

Một buổi trưa, ánh mặt trời đương rạng rỡ chói chang, thì bỗng trời tối sầm lại, như có cái gì che khuất mất mặt trời. Mặt biển cũng lắng hẳn đi, đượm một màu xám xám như chì.. Càn Thát Bà đương nằm khểnh trên mạn thuyền, bỗng nhổm dậy kêu ầm lên: “Thôi chết rồi, đúng rồi. Đúng là lão già điên ấy rồi!…” Thạch Sanh vội vàng chui ra, rồi đến Cuồng Huệ, cả hai đều trèo lên mạn thuyền đứng nhìn trời biển… Đôi mắt thịt của Thạch Sanh thì chẳng nhìn thấy gì mấy nỗi, chỉ thấy xa xa trên mặt biển, bốc lên ùn ùn hai luồng lớn, như mây như khói, màu hơi xanh xám có ẩn hiện màu mã não, hai luồng mây đó bốc thẳng lên thinh không, rồi đứng sừng sững, to lớn dị thường, như hai cái cột trời trồng vậy… Chàng rất kinh dị, nhưng Càn Thát Bà đã nhìn thấy rõ. Hắn cười hắc hắc một hồi lâu, rồi cất tiếng Ồm Ồm:

– Chú mày sợ lắm hả?… Nhưng không sao đâu, lão già khùng hóa hiện đấy mà. Lão chính là A Tu La Vương vua của loài A tu la đấy. Hai cái cột chống trời kia là hai chân của lão đấy.

Mắt của Cuồng Huệ cũng nhìn thấy khá rõ, nhưng y chưa hiểu được lai lịch A Tu La Vương. Y hỏi:

– A Tu La Vương là ai vậy?

Càn Thát Bà vẫn cười ngặt nghẽo. Hắn không trả lời thẳng, chỉ vỗ đùi bành bạch:

– Cụ tôn giả nhà mình thâm thật! Cái gì cũng biết trước hết nhưng cứ thích nói ỡm ờ. “Hãy dũng mãnh lên đường, có Tu La tiễn chân,” cụ đã dặn như thế mà lại. Đấy, lão A Tu La Vương biến hình để tiễn chân bọn mình đấy, nhưng lão lại chơi khăm. Lão vừa tiễn chân, vừa dọa chú Thạch Sanh chơi. Lão lại giơ một bàn tay che lấp mặt trời, khiến trời đất tối mù mịt…

Hắn nhìn bộ mặt ngơ ngác của Thạch Sanh, nói tiếp:

– Hai chú mày yếu quá, chẳng hiểu biết gì hết, thế mà cũng đòi vùng vẫy giang hồ, đòi đi hết sông này biển nọ… Chả là ở nơi gần trời Dao Lợi, có một cõi, một giang san của A Tu La Vương. Lão này cũng gàn gàn dở dở, dở hơi giống lão Đe Thích. Nói cho ngay, thì lão Đe Thích khá hơn, hiền lành hơn, chỉ hơi thiếu công bình thôi. Như lão đã vu oan giá họa cho ta chẳng hạn… Chứ lão kia thì không hiền lành tý nào, hung hãn lắm, như một tên đại khùng. Bản lãnh lão khá kinh người, mà lão lại hay nhiều sự, tánh tình kỳ cục lắm… Thực ra, thì bọn Chư thiên ở trời Dao Lợi của ta vừa sợ lão lại vừa chán lão. Nên bọn ta đặt cho lão cái tên hài hước là Phi thiên, có nghĩa là không đoan chánh. Đấy cũng là một cách chửi xỏ lão cho bỏ tức…

Cuồng Huệ hỏi:

– Sao lại không đoan chánh?

– Ối, ối, nhiêu khê, nhiêu khê lắm… Kể chuyện lão đại khùng thì đến mấy tháng cũng không hết. Tốn nhiều nước bọt lắm… Này nhé, không đoan chánh là vì lão bê bối lắm, hung hăng sân hận. Bê bối thứ nhất là tuy tu hành khá cao làm đến như một ông vua trời con, mà lão còn ham rượu lắm. Cũng y như chú Thạch Sanh đây. Bởi ham rượu, nên tuy thọ sanh làm vua Tu la, mà chỉ: thích loanh quanh muốn tìm cách nấu rượu. Nhưng trớ trêu một nỗi là muốn uống rượu ngon cho vừa lưỡi lão, thì cần phải có nước mưa trong. Mà nước mưa trong thì ở cõi của lão lại hoàn toàn không có. Cõi lão có mưa, nhưng lại mưa nhiều thứ khác, không mưa nước trong, thế mới đau chứ. Có lần, lão hỏi xin nước ở trời Dao Lợi, nhưng nước ở đấy toàn là nước có hương thơm, nên nấu rượu chẳng ngon, vì lạc mất vị. Lão có lấy nước biển để nấu, nhưng nước mặn chát… Không hiểu sao lão không chịu lấy nước mưa nhân thế, có lễ lão chê là dục quá chăng?… Rồi bởi vì cứ phải uống một thứ rượu chưa vừa ý nên lão hay nổi quạu lắm, chuyên môn gây sự, bọn trời Dao Lợi của ta thực khổ về những cơn quạu của lão, nhiều khi đưa Bàn Đào Tửu biếu lão, mà lão vẫn cứ lắc cứ chê. Thế mới biết cái khẩu vị của mỗi người thật là kỳ cục. Hay là tại lão sanh ra, chỉ thích lắc với chê thôi…

Thấy Cuồng Huệ cười tủm tỉm, hắn vội nói tiếp:

– Đừng cười vội, chưa hết đâu. Bê bối thứ hai của lão lại chính là si gái. (Hắn vò đầu:) Cũng lại giống như chú Thạch Sanh này. Ta thật không thể nào hiểu nổi, đàn bà thì họ có cái gì đâu mà vẫn có đứa si lên si xuống, vẫn là cái trò trớ trêu. Chả là trong cõi Tu la, không hiểu duyên cớ vì đâu mà bọn đàn ông lại cứ thường xấu xí thô kệch, mà bọn đàn bà con gái lại thật đẹp. Còn đẹp hơn bọn thiên nữ nữa, tuy ta chẳng thèm nhìn bao giờ… Thế rồi, thế rồi, đố các ngươi biết sự tình sẽ ra sao nào? Sự tình là bọn con gái Tu la cứ thích đi lấy chồng Chư thiên ở Dao Lợi, nên bọn đàn ông Tu la đâm ra ế vợ… Lão khùng thì tướng mạo oai phong nhưng cũng thô kệch, lão dĩ nhiên là có rất nhiều vợ rồi. Nhưng nhiều lần, lão cũng cứ thích của chua, cứ đòi lấy bọn thiên nữ. Không may mà gặp đứa thiên nữ nó không chịu, thì lão lại nổi quạu, lại gây sự… Trăm điều vạn sự chỉ do đó mà ra…

Nghe hắn nói, Cuồng Huệ không khỏi bật cười. Y hỏi:

– Nhưng ông ta gây sự ra làm sao?

– Gây sự tức là gây sự, chứ còn ra làm sao nữa. Gây sự tức là muốn đánh nhau… Mỗi lần nổi quạu, là lão lại mang cơ man nào binh tướng lên cửa trời Dao Lợi đòi đánh nhau. Lạ một điều là không hiểu sao lão không gây sự với trời Tứ Thiên Vương, mà chỉ chuyên gây sự với lão Đe Thích? Hay là tại cả hai lão cùng gàn gàn khùng khùng, hay là tại bọn thiên nữ Dao Lợi đẹp hơn?… Nhưng mỗi lần như thế, là bọn trời Dao Lợi của ta lo buồn lắm. Cứ cuống quít cả lên…

– Thế đại sư huynh có bị ông ta đánh bao giờ chưa?

Càn Thát Bà vỗ vào hai đùi:

– Đánh thế nào nổi ta. Ta có đôi cẳng dài nên chạy nhanh lắm. Vả lại, ta là nhạc thần đâu có phải lo chuyện đánh nhau. Nhưng nói cho đúng, lão chỉ hay hung hăng hăm dọa thế thôi, chứ cũng ít khi xảy ra đánh nhau thật sự… Ta ở trên đó sáu mươi bảy năm, mà chỉ xảy ra có một trận đánh… ôi chao, ối chao, trận đánh nhau này làm ta cười muốn nẻ ruột…

– Có gì mà cười?

– Người biết sao được. Ta cứ nghĩ đến bộ mặt của hai lão, vừa nhăn nhăn nhó nhó vừa hớt hơ hớt hải là lại không nhịn được cười… Nói cho đúng ra, thì lão Đe Thích bản lãnh chưa bằng lão khùng, lại kém hung hăng, nên có vẻ lo sợ ra mặt. Nghe nói rằng trước khi có mặt ta tại đó, thì lão đã bị thua mấy canh liểng xiểng rồi. Nên lần ấy, lão sợ lắm. Vô kế khả thi, lão bèn lần mò lên cung trời Đâu Xuất, kể lể ta thán với đức Bồ Tát Di Lặc. Đức Di Lặc thấy lão khổ sở quá, mới mách kế rằng: “Vụ này cũng là một hạn nghiệp duyên cũ của nhà vua. Nhưng loài A Tu La thường chỉ sợ nhất là những thần chú Ma ha Bát nhã. Vậy nhà vua cứ trở về, lập đàn tụng kinh Đại Bát Nhã, rồi khi lâm trận, quân tướng cứ hô: “Ma Ha Bát Nhã,” là sẽ đẩy lui được cường địch…” Quả nhiên đúng boong như vậy. Lần ấy, lão khùng bị đánh chạy có cờ, binh tướng bị đánh đập bắt trói nhiều lắm. Trên trời đánh nhau khác với nhân thế này, chỉ bắt trói chứ ít giết chóc lắm. Hình như trên đó toàn là những kẻ có nhiều phước cả, nên ít chết chóc. Không như dưới này, cứ lăn cổ ra chết như ruồi…

– Thế còn ông A Tu La Vương thì sao?

– Ấy, ấy, vui lắm. Lão khùng dắt đám tàn quân chạy có cờ. Nhưng lão kia đuổi riết quá, vừa đuổi vừa hô: Ma Ha Bát Nhã. Lão khùng túng kế quá, bèn thi triển thần thông. Chả là ngay sát đấy có một cái hồ sen, hoa lá mọc xanh um. Lão bèn thu đám tàn quân, hóa hiện hình nhỏ xíu như cái đầu tăm, rồi chui tọt vào lỗ những cọng sen mất dạng… Lão kia đuổi đến đó thấy mất tiêu, tìm hoài không thấy, lão có thiên nhãn mà không hiểu sao tìm chẳng đặng nên đành ca khúc khải hoàn trở về vậy… Nhưng ta thì ta biết, ta hiểu tại sao. Ta nghĩ là cũng tại cái ông Di Lặc hay cười toe toét hết. Chả là ông ta đi hàng hai mà. Này nhé, một mặt thì ông ta bảo lão Đe Thích hô Ma Ha Bát Nhã để dạy lão khùng kia một bài học thấm thìa về sự hung hăng ở đời. Nhưng đến khi lão kia chạy có cờ, thì ông lại thi triển thần lực làm mờ mắt lão Đế Thích không cho bắt lão khùng. Thật là rõ như ban ngày… (Hắn lắc đầu) Ôi thôi, các bố lớn đầu mà làm ăn như vậy, thì bố ai biết đâu mà mỏ… Nhưng quả thật, phải nhận rằng thần chú MMa Ha Bát Nhã thật là kỳ cục…

Hắn ngừng lời, thở dài thườn thượt… Thạch Sanh bỗng xen vào:

– Nếu ông vua A Tu Ta hung hăng dữ tợn như vậy, tại sao lại còn chịu cất công lặn lội tiễn chân người thỉnh kinh nhỉ? Không biết có đúng là ông ta tiễn chân bọn mình không?

Càn Thát Bà giẫy nẩy:

– Lại còn không đúng nữa. Chú mày tuy là sa môn mà còn kém cỏi quá, hay hỏi ngớ ngẩn. Chú mày không biết tại sao lão lại hạ cố đi tiễn chú mày hả?… Chỉ là tại kinh hết… Không hiểu tại sao các bố, dù ngông nghênh ngang dọc thế nào nhưng cứ nói đến kinh là các bố líu ríu cả lại, không dám lếu láo nữa. Ta nghĩ có lẽ là tại kinh chứa đựng cái chân lý lớn, cái đạo nghĩa lớn của các cõi, nên Kinh cũng tương tự như thần chú… Có lẽ kinh cũng có một thứ thần lực riêng biệt, có khi cỏn lớn hơn thần lực của chư Phật nữa, vì kinh là mẹ đẻ ra chư Phật mà. Bởi thế nên lão khùng muốn giả đò diễn ra cái trò đi tiễn chân để kiếm chác chút ít công đức… Coi kìa, lão đứng lù lù, râu ria vểnh ngược, ta trông rõ lắm. Đầu lão thì cao đụng tới đảnh núi Tu Di, còn đôi chân lão thì thọc sâu xuống đáy biển, chạm tới tận vỏ kim cang tế ở dưới đáy biển… Chả là ở dưới đáy biển, xuống đến tột cùng sâu mấy trăm dặm nữa, thường có một lớp vỏ bao bọc gọi là kim cang tế, vì nó rắn chắc như kim cương vậy…

Cuồng Huệ gật đầu:

– Đúng như vậy. Đệ sống ở Hương Thủy Hải nên biết điều đó. Cái lớp kim cang tế ấy nó kỳ dị lắm. Chính nó thường làm nảy nở những châu báu ngọc ngà ở dưới đáy biển, và chính sức hút của nó đã làm cho nước biển không bao giờ đầy, không bao giờ vơi. Đấy, hai sư huynh thử nghĩ xem, biển có bao giờ đầy vơi đâu…?

Càn Thát Bà gật gù:

– Hay, hay… chú mày nói điều đó mà ta chưa biết đấy. Ta chỉ biết là có lớp kim cang tế ấy thôi…

Hắn vừa dứt lời, bèn thấy mặt trời lại lần lần tỏ rạng, và mặt biển lại sáng sủa như trước. Hai cái cột mây chống trời cũng lần lần mất dạng… Chắc là A Tu La Vương cho rằng cuộc tiễn biệt như vậy là đủ lễ nghi rồi, nên lại ẩn hình đi. Càn Thát Bà nói:.

– Lão chơi khăm một chút, nhưng thật là điềm tốt… Trời đất tuy có vẻ tù mù thế này, nhưng chắc cũng náo loạn cả lên về vụ ra đi của bọn mình đấy…

Rồi hắn cười khang khặc, ra chiều rất đắc ý…