TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI VII

Lênh đênh qua cửa thần phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm?

Ngày hôm sau là ngày mười sáu tháng chín, năm Lạc Âu thứ mười hai. Đó là một ngày nhơn nguyên, rất thuận lợi cho việc xuất hành đi xa.

Vào đầu giờ Thìn, dân chúng đã tụ tập đông như kiến quanh chùa Hóa Độ, trên bờ sông Kinh. Nơi đây, từ mấy ngày trước, thợ nhà vua đã hạ thủy một con thuyền mới tinh, đầu mũi thuyền có đặt một chiếc bánh xe bằng gỗ lớn, sơn son thếp vàng, tượng trưng cho bánh xe pháp luân. Trên có ghi mấy chữ: “Thuyền thỉnh kinh của sa môn Lý Liễu Quán.” Thuyền cỡ trung bình, dài chừng một trăm năm mươi thước ta, rộng chừng ba mươi năm thước, nhưng đóng bằng thứ gỗ lim rất cứng, lấy từ trên núi về. Lương thực sẵn đủ, cho mười người ăn trong một năm. Nhà vua có đề nghị cho bốn thủy thủ tình nguyện đi theo, nhưng Càn Thát Bà khăng khăng từ chối. Hắn lầu bầu: “Chỉ tổ vướng cẳng, chẳng được tích sự gì…” Hấn đã bỏ trước xuống thuyền một tay nãi nhỏ, đựng hai chai rượu đế, một cục trầm lớn và một bọc lớn hoa dạ lý phơi khô. Lương thực của hắn.

Chư tăng cùng bọn Thạch Sanh đã tề tựu đầy đủ từ sớm… Thạch Sanh vẫn luôn luôn lầm rầm niệm Phật, Cuồng Huệ thì vẫn thản nhiên. Cuối giờ Thìn, nhà vua cùng các đại thần mới tới, nhưng không có mặt hoàng hậu cùng công chúa… Trong dân chúng, nhiều kẻ thất vọng về việc nàng vắng mặt… Vừa bước xuống xe, vua đã đi thẳng tới phía Thạch Sanh. Chàng vội quỳ lễ. Vua đỡ dậy, nắm lấy tay chàng, quay lại cầm một chén nước của tên quân hầu bưng theo: đó là một chén nước giếng trong. Vua cúi xuống, bốc một chút bụi đất bỏ vào chén, rồi đưa chén cho Thạch Sanh:

– Hiền giả ra đi muôn dặm, chắc có thần linh hộ trì. Trẫm chỉ xin hiền giả uống cạn chén nước này, và đừng quên đất nước của xứ Phong Châu nhỏ bé này.

Thạch Sanh xúc động, cung kính đỡ chén, uống một hơi cạn sạch, với dáng điệu tương tự như uống chén thuốc độc. Chàng tần ngần giây lát, rồi bỗng ứng khẩu đáp bằng mấy câu thơ:

Đạo tuy không nhan sắc
Nhưng ngày càng thêm hoa
Ba ngàn thế giới ấy
Đâu chẳng phải là nhà…

Cử tọa đều ngẩn người ra, vì không ngờ chàng ứng khẩu đáp bằng thơ, nhưng đều thầm khen ngợi lời thơ.. .Vua suy nghĩ giây lâu, rồi chậm rãi nói:

Trẫm có lẽ cũng lãnh hội được đôi chút lời thơ của hiền giả… Trộm nghĩ nếu mình đã sống vô lượng kiếp, thì ba ngàn thế giới ấy, có lẽ chỗ nào mình cũng đi qua cả rồi. Nhưng riêng trong kiếp này, hiền giả đã có cơ duyên sanh trưởng nơi đây, nên… nên trẫm nghĩ và mong hiền giả nhớ cho… cái duyên gần sanh dưỡng ở đây…

Thạch Sanh cung kính xin vâng mệnh… Quân hầu lại bưng tới một hộp gỗ dài. Vua mở ra, lấy tặng Thạch Sanh một cổ tràng làm bằng hạt bồ đề, lại tặng Càn Thát Bà một chiếc lư hương nhỏ, có khắc mấy chữ: “Khoái Hoạt Xứ,” cùng tặng Cuồng Huệ một thanh kiếm dài chừng hơn thước, làm bằng gỗ trầm có khắc chữ: “Hàng Ma Kiếm.”

Cả ba người đều cung kính đỡ lấy, nói lời cảm tạ… Rồi Thạch Sanh sụp xuống lạy nhà vua; lạy chư tăng, cùng hướng về phía dân chúng lạy một lạy, rồi quay mình khoan thai bước xuống thuyền… Đám đông đều im lặng. Bỗng có tiếng kêu to từ phía chùa:

– Đại sư phụ, đại sư phụ… còn vật này nữa.

Thạch Sanh quay lại, thì thấy chú sa di hộc tốc chạy tới, đưa vào tay chàng một bọc giấy nhỏ, và nói hổn hển:

– Có người vừa tới… bảo vật này cần thiết lắm… phải đưa ngay tận tay cho đại sư phụ…

Chàng cầm lấy, đưa mắt liếc nhìn, thấy ngoài đề mấy chữ nguệch ngoạc: “Kính gửi Đại Sư Lý Liễu Quán, nguyên tiều phu Thạch Sanh. Tối cần.”… Chàng có linh tính không nên mở ra, nên chỉ cầm lấy rồi bước xuống cầu thuyền. Hai người kia xuống theo. Riêng Càn Thát Bà cứ chăm chăm nhìn chiếc bọc giấy, miệng lầu bầu: “Chắc là của nữ quái. Không đi đâu chệch được.”

Bọn ba người bước qua miếng ván cầu, xuống thuyền rồi, thì một bọn bảy tên thủy thủ của nhà vua định bước xuống theo để nhổ neo cùng kéo buồm… Nhưng Cuồng Huệ đã lẹ làng bước tới mạn thuyền, một tay kéo chiếc neo lên đặt xuống mạn thuyền. Đám đông trên bờ bỗng nổi lên tiếng hò reo vang trời, vừa kinh ngạc vừa tán thán sức mạnh của y. Chiếc neo nặng tới bảy, tám trăm cân, mà một tay chàng nhắc lên nhẹ bỗng như một cành cây khô… Thực ra, sức mạnh như huyễn thuật của y gần được tương đương với sức thần của các vị Kim Cang Na La Diên Lực Sĩ thường bay theo hộ giá chư Phật, và trong những trang sau đây sẽ có dịp lý giải tường tận hơn nữa về cội nguồn của sức mạnh ấy… Càn Thát Bà, Thạch Sanh cũng kinh ngạc không kém, tuy Càn Thát Bà đã biết sơ qua rồi… Cuồng Huệ lại bước tới cột buồm, lấy tay nhẹ nhàng kéo buồm lên. Cây buồm cũng nặng hơn cây neo. Tiếng hò reo lại càng vang động: lúc đó, ai ai cũng tin rằng người thanh niên khôi vỹ ấy chắc là một thiên thần… Chiếc buồm căng phồng dưới làn gió thu, Cuồng Huệ rút cầu lên, và thuyền băng băng trôi về phía ngã ba sông, giữa tiếng hò reo không ngớt của dân chúng…

Tưởng cần nhắc Cuồng Huệ vốn là loài rồng, thuộc thủy tánh, nên những gì thuộc về sông biển, y chỉ nhìn qua là thông thạo ngay. Y lại có thể chỉ dùng mắt hoặc sự tư duy cũng biết rõ ngay được sự sâu nông của nước, nên y điều khiển chiếc thuyền dễ dàng. Y điều khiển một cách thần sầu là đằng khác: Chỉ cần ngồi đó, thỉnh thoảng làm một tác động nhẹ nhàng là thuyền vẫn băng băng theo ý muốn… Thạch Sanh mừng rỡ lắm, càng yên chí rằng y là người của tôn giả sai đến… Càn Thát Bà ngồi phệt ở mạn thuyền, ngửi khói phì phèo, mắt không chịu rời khỏi chiếc bọc giấy cùng hàng chữ nguệch ngoạc. Khi thuyền tới ngã ba sông gió thổi lồng lộng, hắn không nhịn nổi nữa, hất hàm nói với Thạch Sanh:

– Này, mở ra thôi chứ!

Vừa nói, hắn vừa lấy tay chỉ chiếc bọc trong tay Thạch Sanh. Chàng ngập ngừng.

– Chắc là… của nàng công chúa đây. Đệ nghĩ… có lẽ nên liệng nó xuống sông… đừng coi là hơn.

– Vẻ mặt chàng khiến Càn Thát Bà cười hắc hắc. Hắn chồm tới nắm lấy chiếc bọc:

– Chớ, chớ. Uổng mà, uổng mà. Đừng có chạy trốn những duyên ngoài cửa. Cứ đàng hoàng mở ra coi. Sợ gì, sợ gì. Ngộ lỡ là một bức thư tình lén lút của chú mày thì sao?

Vừa nói, vừa thoăn thoắt mở chiếc bọc. Chỉ thấy một nhành liễu xanh, cùng một tờ giấy có chữ nguệch ngoạc. Hắn nheo mắt, lẩm bẩm đọc thành tiếng:

“Người xưa thường tiễn nhau trên một bến nước, thường ngắt một nhành dương để tặng nhau, và cũng thường sa lệ… Ngâm câu triết liễu còn sa lệ… Nhưng ta thì không như vậy đâu. Ta cũng tiễn các ngươi một nhành dương, nhưng ta không hề sa lệ. Vì chưa chắc ngươi đã trả hết nợ ta đâu.”

Hắn vò đầu, quác miệng:

– Đúng là nữ quái rồi. Mà lại giọng hỗn quá ta. Ta thì có nợ gì nó đâu, mà nó dám gọi là các ngươi, lại định đòi nợ nữa.

Cuồng Huệ mỉm cười:

– Nàng định chọc tức nhị sư huynh, chọc tức bọn mình đấy mà… Mình động tâm, nổi đóa làm gì…

Càn Thát Bà còn đang bần thần cầm mảnh giấy, chưa biết tính sao, thì bỗng một ngọn quái phong nổi dậy, cuốn phứt mảnh giấy vút lên thinh không, rồi bay xa tắp… Hắn bị bất ngờ, nên ngồi ngớ ra nhìn theo. Nhưng nhãn căn và tỷ căn của hắn lợi hại lắm, vì vốn ở trời Dao Lợi. Hắn ngửi thấy trong ngọn gió có mùi yêu khí tanh tanh lạnh lạnh, và khi nhìn theo, thấy có yêu khí ẩn hiện chập chùng… Hắn vỗ trán:

– Cha, cha. Biết ngay mà. Lại sẽ có rắc rối rồi… Có yêu quái trong ngọn quái phong này… Ta đã tính bay đuổi theo, nhưng chắc không kịp nổi nó…

Thạch Sanh cảm thấy lo ngại, nhưng chẳng biết làm sao, đành cứ lầm rầm niệm Phật. Cuồng Huệ cùng nhìn theo mảnh giấy. Lúc này, nhãn lực của y còn kém Càn Thát Bà, nhưng y cũng nhìn thấy yêu khí. Hào quang của yêu khí thường hay làm cho xót xót những con mắt người trần… Nhìn một hồi thì thấy mảnh giấy bay về phía một ngọn núi cao lừng lững ở phía đông… Y tặc lưỡi:

– Đúng là có yêu khí… Nhưng thôi thây kệ. Tới đâu thì tới đâu… vẫn dung thông vô ngại mà, tôn giả đã bảo thế…

Nghe lời y nói, Thạch Sanh lại nhẹ người. Chàng càng ngày càng cảm thấy mến người sư đệ này, vừa điềm đạm vừa có tình nghĩa.

Thực ra mảnh giấy đó đã lọt vào tay một loài đại yêu mị, từ lâu vẫn hùng cứ tu luyện trên ngọn núi Yên Hà Lãnh, ở phía đông, cách kinh đô chừng bảy mươi dặm. Một phần những khó khăn trong cuộc hành trình sau này cũng là do yêu mị này gây nên… Âu cũng là những rớt tập khí nghiệt chướng của người thỉnh kinh…

Thuyền vẫn băng băng lướt về phía đông nam phía biển cả… Tuy khởi đầu đã thấy lấp lửng bóng yêu quái, nhưng ba người vốn đều là vô tâm, nên cũng chóng quên ngay. Càn Thát Bà tuy hay nói móc máy, nhưng hắn cũng chẳng muốn để tâm lâu vào một chuyện gì.

Trời đã ngả chiều. Cửa sông mỗi lúc một mở rộng và trời nước càng mênh mang. Cũng có một số thuyền bè qua lại, và mỗi khi hai thuyền gặp nhau, người hai bên thuyền thường reo hò rầm rĩ, để chào đón cùng chúc phước nhau. Các thuyền kia đều lấy làm kinh dị về hình thù của chiếc thuyền Thạch Sanh, nhưng chưa kịp nhìn thì thuyền đã vụt qua mất rồi… Ngồi nhìn trời mây cùng bâng khuâng một hồi lâu, Càn Thát Bà bỗng lần mần rút trong bọc ra chiếc lư hương nhỏ của nhà vua ban cho. Hắn hấp háy, lẩm nhẩm đọc mấy chữ khắc nhỏ xíu: “Khoái hoạt xứ,” rồi cười há, há:

– Khoái hoạt xứ, khoái hoạt xứ! Đây là cái xứ sở, cái lò khoái hoạt, phì phèo của ta đây… Ke ra lão vua này cũng tạm được, còn hơn lão Đe Thích, còn biết đến tri âm, tri kỷ… Mình cũng nên đi thỉnh bộ kinh mang về cho hắn… Phải mỗi cái là đứa con gái lão thì hỗn quá…

Hắn lại đòi coi thanh kiếm bằng gỗ trầm của Cuồng Huệ, ngắm mấy chữ: “Hàng ma kiếm,” rồi bắt Cuồng Huệ đeo kiếm vào thắt lưng ở bên hông. Hắn ngắm nghía:

– Chà, chú mày đeo kiếm coi bảnh chọe quá!… Này, ta nghĩ chú mày cứ phải luôn luôn đeo kiếm để đóng vai một tay kiếm khách đường đường ra chốn hải tần được đấy. Đẻ hàng giặc và hàng ma mà…

Cuồng Huệ lắc đầu, cười:

– Ý kiến của đại sư huynh cũng hay đó. Chỉ tiếc rằng có lẽ tiểu đệ không đóng nổi vai đó.

Can Thát Bà xua tay:

– Thôi đi, thôi đi, đừng vờ khiêm nhượng nữa. Ta bảo thực đấy mà. Chú mày có đủ điều kiện để làm vụ đó… Này, này… nói thực mà nghe, ta nghĩ rằng cái nàng công chúa kia… có lẽ là mê chú mày, chứ không phải mê chú Thạch Sanh đâu….

Cuồng Huệ lạnh lùng:

– Đại sư huynh ngồi rồi lại tác ngôn rồi… Tiểu đệ không hề bận tâm về vụ đó đâu, và chắc không có lý nào như thế.

– ừa, thì thôi không nói tới vụ đó nữa… Nhưng ta vẫn nghĩ rằng chú mày nên học lấy vài thế kiếm để làm cho thiên hạ khiếp đảm vỡ mật… Này nhé, về khí lực thì chú mày có thừa rồi, chỉ cần vài ba thế kiếm thực biến ảo nữa, là cũng thừa dương danh vô địch rồi…

Cuồng Huệ trầm ngâm:

– Thực tình thì dưới mắt đệ, không phải đệ muốn cao ngạo gì, nhưng mấy cái trò múa may lăng nhăng đó, đệ quả thực không thiết gì đâu. Múa may đối với người thì còn tạm được, nhưng đối với yêu quái thì chẳng ăn thua gì… Vả lại, trước sau, đệ chẳng có ý định đánh nhau với ai cả. Nên kiếm gỗ hay kiếm vàng kiếm bạc, đệ cũng chẳng thiết… Ngay đến ý kiếm cũng vậy. Trước sau, đệ chỉ cầu mong luyện nổi được Tuệ kiếm, được thanh gươm Trí huệ để cắt cái vũ trụ này thành từng mảnh thành vi trần, lẫn hư trần, để thấy rõ nó là ảo thôi…

Càn Thát Bà rụt cổ:

– Nếu ngươi nghĩ như vậy, thì ta hết nói rồi… Nhưng dù là chú mày chỉ muốn rèn luyện Tuệ kiếm chăng nữa, thì chú mày vẫn phải đóng vai một tay kiếm khách đường đường ra chốn hải tần…

Thuyền đi nhanh vùn vụt, nên chỉ đến trưa hôm sau là đã tới cửa biển. Cửa biển này nổi tiếng là sóng gió, nên được gọi là cửa Thần Phù… Chiếc thuyền sở dĩ đi nhanh, một phần là vì hình thù gọn ghẽ vững chãi của nó, nhưng phần lớn cũng là nhờ oai đức của ba người. Vì người có oai đức, thì thường thường đi đâu, hoặc làm gì, nhất là lại đi thỉnh kinh, đều thường có một số quỷ thần đi theo hộ trì, khiến được thuận buồm xuôi gió… Nếu nghiệp báo buộc phải gặp một hoạn nạn lớn, thì hoạn nạn ấy sẽ được giảm thiểu đi, và nếu phải gặp một hoạn nạn nhỏ, thì hoạn nạn nhỏ được giải trừ trở thành không có. Đó là sức hộ trì của quỷ thần đi theo… Cho nên, người có oai đức lớn thường chỉ gặp trở ngại, nếu có loài yêu ma lớn xen vào để gàn quải, và nếu quỷ thần đi theo không đủ pháp lực để hộ trì.

Tưởng cần biết rằng mỗi người nhân thế này thường đều có ít hay nhiều oai đức. Oai đức tức là những căn lành tích lũy từ nhiều kiếp, và mức độ luyện tâm của mình. Loại người thường có chút ít oai đức, vì nếu không có chút nào, thì đã không được sanh làm người, mà phải đọa tam đồ rồi tức là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… Người thế gian thường không biết, nhưng ai ai cũng có một số quỷ thần theo sau, hoặc tốt hoặc xấu… Người có rất ít oai đức, thì nhiều quỷ thần xấu đi theo. Bọn quỷ này thường lăng xăng tác động vào tâm thức kẻ đó, xúi giục làm nhiều điều nhiễu hại, để chồng chất thêm nghiệp ác. Những tâm tưởng xấu thường vụt nảy ra trong tâm thức kẻ ấy, phần do sự bừng nở của chủng tử cũ, phần do sự xúi giục của bọn quỷ đi theo mà chính kẻ đó vẫn không hay biết.

Trái lại, người có oai đức nhiều và có thiện tâm, thường có nhiều quỷ thần tốt đi theo. Đi theo để hòa mình vào những ba động tâm thức của người đó, cũng như để hộ trì… Cho nên, lời kinh xưa thường nói: “Neu có người oai đức, hoặc siêng năng trì kinh đại thừa, các quỷ thần lớn đều hay phát nguyện rằng: tôi xin dùng thần lực của tôi để gìn giữ người này cũng như gìn giữ tròng mắt của tôi, khiến các tai nạn đều lánh xa người này, khiến các quỷ thần xấu không dám lai vãng đến ngưỡng cửa nhà người này ở, cũng như không dám giương mắt nhìn người này, chứ đừng nói là dám làm hại…” Lại tỷ dụ như có một người đương hấp hối sắp chết, hai quỷ vô thường đang chực ở đầu giường để bắt hồn đi, nhưng giữa lúc đó, nếu có một vị có đạo lực cùng oai đức cao tới thăm kẻ hấp hối, thì hai quỷ phải che mặt ôm mặt và tránh ra xa, chờ vị đó đi khỏi rồi mới dám trở lại. Và như thế, kẻ hấp hối có thể sống thêm vài giờ, hoặc một, hai ngày nữa.

Còn nói tới các bậc có oai đức rất lớn, tỷ dụ những Bồ Tát lớn, thì thường có vô lượng quỷ thần đi theo, cùng vô lượng Chư thiên. Khi bậc đó bước một bước, thì quỷ thần cùng Chư thiên đều phải hóa hiện thành những bông sen để lót dưới bước chân của bậc đó. Có điều là mắt thịt của người thế nhân không nhìn thấy những bông sen đó mà thôi…

Bọn ba người Thạch Sanh đều có oai đức khá lớn, tuy chưa lớn lắm, nhưng cũng có nhiều sức hộ trì..

Khi thuyền tới cửa Thần Phù, thì sóng gió đương lao xao dữ dội. Có những ngọn sóng bạc đầu nổi lên cao như tòa nhà. Con thuyền lắc lư mạnh… Thạch Sanh nói:

– Nơi đây, chắc là cửa Thần Phù. Tôi vẫn thường nghe nói: Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm. Chắc đúng là đây rồi…

Vừa dứt lời, một ngọn sóng đánh tạt lên thuyền, hất tung chàng lên không, suýt văng xuống nước. May mà Cuồng Huệ lanh tay túm lại được… Y đặt Thạch Sanh ngồi phệt xuống đáy thuyền, rồi lặng lễ ngẩng nhìn một hồi lâu biển nước cùng những ngọn sóng. Bỗng y cúi xuống mặt biển, dùng một thứ âm thanh riêng nói vọng xuống nước mấy câu bằng từ ngữ loài rồng…

Quả nhiên là chỉ trong giây lâu, tuy ngọn gió còn lồng lộng, song những ngọn sóng cứ lắng dần, và mặt biển trở thành yên tĩnh như một tấm gương… Cuồng Huệ lại cúi xuống, nói mấy từ ngữ nữa, chắc là lời cảm tạ.

Thì ra y là loài vua rồng. Lại là vua rồng ở miền Hương Thủy Hải nữa… Theo như đạo nghĩa lớn, mà chư Phật đã mô tả rất rõ ràng chi tiết trong các kinh, thì có những cõi trên và những cõi dưới. Cõi trên hay cõi dưới đều tùy thuộc sự biến hiện của nghiệp báo chiêu cảm… Cõi dưới tỷ dụ như nhân thế, vì cõi này được kết tập nên do một thứ quang minh thô kệch nhất, và chuyển động chậm nhất, và con người, vì còn nhiều tình dục cùng tâm tưởng dâm dục, nên cứ phải thường chịu thai sanh, tức là phôi thai ra trong máu mủ. Ngay đến lối ăn của loài người cũng vậy, nếu nghĩ sâu xa ra, thì thấy là rất loạn xà ngầu và bất tịnh. Ai đời lại cứ ngày nào cũng vậy, cứ phải há cái lỗ miệng thực to tương tự như lỗ cống, rồi nhét vào đó nào là thịt, nào là cá, cơm, tỏi, mắm, hành, ớt, lại thêm mấy ly rượu… tất cả loạn xà ngầu chộn rộn trong cái túi da mà ai nấy đều lo lắng nâng niu. Mỗi ngày, nếu đủ ngần ấy thứ thì vui lắm. Neu thiếu một thứ, thì buồn thiu… Lối ăn đó gọi là đoạn thực, tức là từng miếng, từng đoạn, từng khúc, rồi chộn rộn lẫn nhau. Đó là lối ăn thô kệch, nó cũng là nghiệp dị của những kẻ phôi thai trong máu mủ… Ở những cõi trên, không có lối ăn đó… Ở cõi nhân thế, các sự vật cũng rất là thô kệch có vẻ ù lỳ nặng nề cố định, và có thể dùng xúc giác (tức là thứ giác quan thô kệch nhất) để sờ mó đuợc… Ở những cõi trên, xúc giác này thuờng không hiện hành, nghĩa là ít khi dùng đến. Vì kết tập bởi quang minh thô kệch, nên con người cũng khó có thần thông như nhiều loài khác. Tuy nhiên, mỗi khi chư Phật xuất hiện nơi đời để thị hiện thành chánh giác, thì các ngài lại thường xuất hiện ở các cõi nhân thế. Vì sao? Chỉ là vì ở cõi nhân, thiện ác thường xung đột mãnh liệt nhất, và chư Phật cần xuất hiện nơi đó để làm gương khích lệ… Cõi nhân thế cũng được gọi là nơi hạ giới… Cũng cần ghi rằng trong vô lượng thế giới hoặc Phật sát hải của vũ trụ, cũng có nhiều cõi nhân thế thanh tịnh tốt đẹp hơn cõi nhân thế này rất nhiều. Tỷ dụ cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, cõi Hoan Hỷ của Phật A Xúc, cõi Lưu Ly của đức Dược Sư…, và ở đó, loài người thường không bị thai sanh trong máu mủ, chỉ hóa sanh từ hoa sen. Đó cũng là do nghiệp lực cùng nguyện lực chiêu cảm nên…

Phía trên hạ giới là miền trung giới. Miền này trải rộng từ miền nhân thế lên tới gần đảnh núi Tu Di Sơn, tức núi Diệu Cao… Tu Di Sơn tương tự như cái trục của tiểu thiên thế giới, núi này được tạo bằng một thứ quang minh vi diệu hơn, nên đá lưu ly lấp lánh rất đẹp mắt, nhưng mắt thịt của người thường không trông thấy được. Vùng trung giới này thường là xứ sở cư ngụ của các quỷ thần, các tiểu thần tiên, các loài rồng v.v… Các chúng sanh nơi đây đôi khi cũng còn ăn theo lối đoạn thực, song phần đông các quỷ thần có ít nhiều oai đức, thường chỉ ăn theo lối xúc thực, tức là ngửi những mùi để no mà thôi. Như lối ăn hương của Càn Thát Bà… Nên những thức ăn ở đây cũng ít bất tịnh hơn thức ăn của cõi nhân thế, ít máu huyết cùng vị tanh hôi hơn. Xúc giác nơi đây cũng ít hiện hành hơn. Và các sự vật cũng đượm một màu sắc diễm ảo hơn, vì dệt bằng quang minh vi tế hơn. Sự sanh ra cũng nhiều hóa sanh hơn là thai sanh hay noãn sanh… Nói sơ lược thì là như vậy.

Từ đảnh núi Tu Di Sơn trở lên là những tầng trời. Các tầng trời này đều ở xa tầm ánh sáng mặt trời, mặt trăng cùng tinh tú, nhưng lại thường được chiếu sáng một cách rất kỳ diệu bằng những hào quang từ nơi thân của các Chư thiên phát ra. Hào quang này rất là diễm ảo. Vì thân thể Chư thiên đều được kết tập bằng một thứ quang minh vi diệu hơn nữa. Quang minh càng vi diệu bao nhiêu thì sắc tướng lại càng biến ảo bấy nhiêu, chứ không ù lỳ thô kệch nặng nề như sắc tướng người nhân thế… Xúc giác rất ít hiện hành, tình dục hoặc tâm tưởng dâm dục còn rất ít. Cuộc tình nam nữ thường không còn là việc gối chăn tinh huyết, mà chỉ còn là cười hoặc liếc mắt tống tình, cũng đủ thọ thai rồi. Mà thai cũng không phải thai máu huyết, chỉ là một cái bướu mọc ở nách hay ở đầu gối người thiếu nữ.

Đến hạn kỳ, bướu ấy tách ra thành một Chư thiên. Nên thọ mạng rất dài lâu, chỉ khi nào thấy mấy tướng suy hiện ra, như hào quang mờ đi, hoặc mồ hôi vã ra, thì vị đó chết… Lối ăn cũng không còn đoạn thực nữa, hầu hết là xúc thực. Những vị Chư thiên ở mức cao thì lại lấy tư thực làm đồ ăn, vì họ thường ngồi thiền định, lấy sự tập trung tâm ý làm thiền duyệt vị dùng cái đó làm đồ ăn để nuôi sống sắc thân… Cho nên, so với nhân thế, họ rất là thanh tịnh. Đó thường là do nghiệp lực tu thập thiện mà chiêu cảm nên. Thế mà Càn Thát Bà vẫn chê bai lối tu thập thiện, vì có lẽ tánh tình hắn rất ưa thích những vụ khích bác chê bai.

Ngay đảnh núi Tu Di là tầng trời Tứ Thiên Vương. Nơi đây có bốn vị thiên vương cai quan, đồng thời trông nom luôn cả việc nhân thế nữa, nên gọi là bốn Hộ Thế Thiên Vương. Các vị này cùng Chư thiên thường hay bay ở trên không và nhòm xuống nhân thế. Nếu ở nhân gian có nhiều người ăn chay, hoặc trì chú hay tụng kinh lớn tiếng, thì họ đều khởi tâm hoan hỷ vui mừng, và hay dừng lại để nghe kinh… Bởi vậy, trong kinh thường nói: nếu người nào trì kinh, tụng kinh lớn tiếng ở chỗ vắng vẻ, thì Chư thiên thường đến nghe kinh, cùng hộ trì cho người đó. Người trì kinh lâu ngày cũng dễ phát ra hào quang, khiến Chư thiên dễ nhìn thấy… Trái lại, nếu chẳng thấy ai tu hành cả, thì họ buồn lắm. Vì sao? Vì nếu ít người tu hành, thì sẽ ít người thọ sanh lên cõi trời, và cõi trời sẽ lần lần vắng vẻ… Cõi trời Tứ Thiên Vương này chính là tầng trời, mà anh ăn trộm hoa cúng Phật đã được thọ sanh lên.

Phía trên tầng trời Tứ Thiên Vương, là tầng trời Dao Lợi của vua Đe Thích hay Thích Đe Hoàn Nhân, người mà Càn Thát Bà vẫn còn căm giận. Chư thiên ở Dao Lợi cũng rất hay nhìn ngó tới việc nhân gian… Trên nữa, là trời Dạ Ma. Càng lên cao, quang minh càng vi diệu, cảnh vật càng diễm ảo, Chư thiên càng thanh tịnh và càng nhiều thần biến thần thông… Trên nữa là trời Đâu Xuất, nơi đây đức Di Lặc cư ngụ để chờ ngày xuống nhân thế thị hiện thành Phật và mở hội Long Hoa. Nhiều người, vì quá mong ước, nên cứ cho rằng hội Long Hoa sắp tới rồi, nhưng theo lời kinh thì còn khá xa… Tại cung Đâu Xuất, đức Di Lặc thường hay giảng kinh Đại Bát Nhã. Những người có đạo lực, tu thiền cao, có thể xuất thần thức lên chơi cõi đó, và nghe ngài giảng kinh… Trên nữa, là trời Lạc Biến Hóa, rồi đến trời Tha Hóa Tự Tại. Ở tầng trời Tha Hóa này, Ma vương cùng Thiên ma thường cư ngụ ở đây. Loài Thiên ma thường hay đánh cắp hào quang cùng tự tại lực của những vị trời khác để lấy làm của mình. Họ cũng hay nhỏm ngó cõi nhân thế để gây trở ngại cho kẻ tu hành. Nhưng thông thường, chỉ những người tu hành khá cao mới được loài Thiên ma chiếu cố tới, để thử thách cùng gàn quải…

Trên đây là sơ lược về sáu tầng trời của cõi Dục giới.

Trên cõi Dục giới là cõi sắc giới, rồi đến cõi Vô sắc giới. Tất cả là ba cõi, cũng gọi là tam giới. Mục đích của mọi pháp môn tu hành đều là cốt đưa thần thức của người tu ra khỏi luân hồi sanh tử, ra khỏi tam giới, thể nhập vào Niết Bàn Pháp Thân, rốt ráo thường hằng, rốt ráo an lạc vắng lặng, rốt ráo thanh tịnh, rốt ráo vô ngã. Nhưng tuy vô ngã và vắng lặng, vẫn vô cùng biến hóa theo nguyện lực độ duyên… Cõi sắc gồm mười tám tầng trời, ngày càng sáng lạn biến ảo, vì được dệt bởi quang minh vi diệu hơn.

Biến ảo đen mức khiến mắt kẻ thế nhân, nếu chưa có thiên nhãn, đều không thể nhìn thấy được… Ở đây, tâm tưởng dâm dục tuyệt hẳn, toàn là hóa sanh theo tâm tưởng. Xúc giác không hiện hành. Lối ăn toàn là tư thực hoặc thiền duyệt thực, vì Chư thiên này luôn luôn ngồi thiền. Cõi này cũng là cõi của các vị đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… Trong những tầng trời này, có năm tầng trời gọi là Bất hoàn thiên mà những vị đắc quả Bất lai (như là vị tăng bị nàng Mỵ Ê xúc phạm) thường cư ngụ hoặc tiêu dao ở đó. Bất lai có nghĩa là không trở lại cõi Dục giới nữa… Trong cõi này, cũng có một tầng trời mà vị vua được gọi là Đại Phạm Thiên Vương Đại Tự Tại. Vị vua này khá đặc biệt mà những hồi sau sẽ có dịp nói tới kỹ càng hơn.

Cõi Vô sắc thì quả là mông lung mịt mùng, vi diệu, Quang minh dĩ nhiên vi diệu hơn. Cõi này gồm bốn tầng trời. Các chúng sanh hoặc Chư thiên nơi đây đã thăng hoa đến mức độ không còn hình hài nữa, vì quá vi diệu, mà chỉ còn tâm tưởng thôi. Quanh năm ngày tháng suốt kiếp nhập thiền định, chỉ lấy cái tưởng hoặc cái thức của mình để duy trì sanh mạng. Vì tuy không hình hài, vẫn còn sanh mạng do cái thức dệt nên. Thức cũng chính là quang minh rất vi diệu… Nên lối ăn này được gọi là thức thực… Xưa kia, khi đức Đại Phù Đồ Mâu Ni thị hiện việc xuất gia học đạo, ngài có đến học đạo ở một vị Bà La Môn tên là uất Đầu Lam Phất. Gọi là học, nhưng chính ra chỉ là thị hiện như vậy để điểm hóa cho hàng ngoại đạo… Ông Bà La Môn này đã đắc một thứ định gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định ở cõi Vô sắc, có thể xuất thần thức lên đó được. Ông dạy ngài Mâu Ni. Ngài liền nhập định đó, rồi xuất định, nói rằng: “Thưa đại Bà La Môn, định này là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nó chưa ra khỏi tam giới, nên chưa phải là giải thoát, chưa phải Niết Bàn rốt ráo tịch diệt. Rồi ngài bỏ đi vào trong rừng sâu để thực hiện đạo quả vô thượng Bồ Đe. Đại khái cõi trên, cõi dưới là như vậy…

Nay trở lại Cuồng Huệ.

Y vốn là loài vua rồng ở Hương Thủy Hải, ấy là chưa kể đến vụ y lại cỏn được hóa sanh từ một giọt nước mắt của Bồ Tát lớn… So yới miền nhân thế, miền Hương Thủy Hải là cõi trên vì sắc tướng vi diệu hơn, trong khi sắc tướng của nhân thế đều thô kệch nặng nề. Theo đạo lý lớn, thì những loài hoặc cõi nào có sắc tướng vi diệu hơn, thì cái diệu dụng của nó cao vì có thể biến hóa dễ dàng hơn. Còn cõi nào có sắc tướng thô kệch thì diệu dụng kém sút. Tỷ dụ như trong trời đất, có tứ đại tức là địa thủy hỏa phong. Đất thì nặng nề thô kệch nhất, nên diệu dụng yếu kém, chỉ có thể ngăn ngại thôi, không tiến thoái được. Nước thì linh động hơn đất, nên diệu dụng cao hơn, có thể chảy chỗ này chỗ khác hoặc thẩm thấu vào đất. Hỏa lại vi diệu hơn nữa, có thể tác oai tác quái hơn nữa. Phong là gió lại càng vi diệu ghê gớm hơn nữa, vì nó thẩm thấu chu biến khắp nơi…

Trong cơ thể người, phong là hơi thở, nếu nó ngưng lại là sanh mạng tuyệt. Diễn trình thành hoại của một thế giới cũng đều được tạo nên từ những cơn đại phong luân… Nhưng ở trên phong còn có hư không là ghê gớm hơn nữa, vì hư không thẩm thấu và đựng mọi sự vật cùng tứ đại. Cho nên, tuy vô hình tướng, nhưng diệu dụng của nó thực là khủng khiếp. Ở trên hư không lại là Thức, vì hư không là do Thức tạo nên… Dần dà rồi Thức vào đến Tâm, nghĩa là từ cái tâm hư vọng tương tự như mặt trăng đáy nước rồi đi lần đến cái Diệu tâm biến hóa khôn lường… Cuộc hành trình lang bang và cắc cớ của bọn Thạch Sanh cũng chỉ là cuộc khởi hành đi tìm cái Tâm này…

Do đó, các cõi trên thường chi phối cõi dưới. Các chúng Sanh cõi trên thường nhìn thấy cõi dưới, nhưng cõi dưới khó nhìn thấy cõi trên trừ phi chịu tu luyện. Các chúng sanh cõi trên thường cũng có thể nhìn thấy trước những sự việc sắp xảy ra Ở cõi dưới… Bởi thế, nên âm thanh cùng lời nói Cuồng Huệ có rất nhiều uy lực đối với các loài rồng cùng thủy tộc ở nơi hạ giới. Nên mặt biển ở cửa Thần Phù đã lắng yên…

Thạch Sanh vội đứng lên, nhìn mặt biển, rồi trầm trồ:

– Oai đức của tam đệ thực là lớn lao…

Chàng tự nhủ thầm: “Chỉ có mình là chẳng có được oai đức gì hết. May mà có hai người này… Thôi thì mình cứ ôm lấy câu niệm Phật vậy…” Rồi chàng lại lầm rầm niệm Đại Phù Đồ Phật. Lúc đó, chàng thầm tin rằng câu niệm hồng danh Phật có thể giải được mọi nỗi oan khiên, nhưng chưa ngờ rằng chính câu niệm Phật đó cũng là chìa khóa mở đường vào hết thảy mọi oai lực cùng quyền lực…