TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI VI

Khoác tăng bào, Thạch Sanh cắt tóc
Hội hoa đăng muôn dặm tiễn người

Càn Thát Bà vốn có giấc ngủ rất nhẹ nhàng, nên khi nghe tiếng ú ớ liên hồi trong quan tài, đã vội ngồi nhổm lên và chạy lại. Trời đã mờ mờ sáng, hắn nhìn vô quan tài thấy Thạch Sanh cựa quậy chân tay, nên kêu ầm lên:

– Hắn đã sống lại rồi… A ha, hắn đã sống lại rồi… Phen này, ta phải hỏi hắn đầu đuôi câu chuyện…

Hắn vừa reo vừa nhảy chân sáo. Cuồng Huệ cũng đã nhỏm dậy và chạy đến bên cạnh. Y đua hai cánh tay lực sĩ nhẹ nhàng bồng Thạch Sanh ra khỏi quan tài, và đặt chàng ngồi dựa vào đó. Y lại xoa bóp nhẹ hai bả vai, nơi ở gần ót… Thạch Sanh từ từ mở mắt, nói:

– Ô hay, hai vị là ai vậy? Không phải phán quan chứ?

Càn Thát Bà cười hắc hắc:

– Cha nội vẫn còn mê ngủ, mê chuyện âm cung. Het phán quan rồi, bọn ta là người chính cống. Đây là Kim Đình Quán, bên cạnh con sông Kinh, ở trên dương thế.

Thạch Sanh ngơ ngác nhìn quanh, rồi hốt hoảng:

– Thế… thế Ca Lặc Ca tôn giả đâu rồi?

Càn Thát Bà vỗ đùi:

– Té ra lão già… đó tên là Ca Lặc Ca tôn giả… (Hắn định nói là lão già dở hơi, nhưng trong bụng cũng e sợ nên không thốt ra. Hắn cũng đưa mắt nhìn quanh:) ừ nhỉ, lão đi đâu mất tiêu rồi? Lão cũng ngủ ở đây mà…

Trong khi đó, Cuồng Huệ cũng đã bước lại nơi góc quán, chỗ ngồi chiều hôm của tôn giả. Y nhìn thấy một mảnh giấy để dưới sàn, bên trên có đặt viên ngọc của y và mấy cục lưu ly. Y vội cúi xuống cầm lên. Nhưng Thạch Sanh đã đứng dậy, vùng chạy ù té ra ngoài quán, vừa chạy vừa kêu:

– Thôi chết rồi, tôn giả đi mất rồi, tôn giả đi mất rồi

Vừa kêu vừa chạy miết vào trong thành phố, về phía chợ. Tiếng kêu của chàng khua động bầu không khí yên tịnh của buổi ban mai. Càn Thát Bà nhìn theo, rồi bảo Cuồng Huệ:

– Chắc là hắn đi kiếm ông lão kia. Có khi hắn là đệ tử của lão, nhờ lão mà hắn sống lại được, nên bây giờ cuống cuồng lên sợ mất thầy. Nhưng lát nữa, chắc hắn sẽ trở lại đây.

Cuồng Huệ trầm ngâm:

– Tôn giả có bảo bọn mình… chờ một người thứ ba sáng nay sẽ tới đây… Có lễ là anh chàng tiều phu này.

– Còn có lẽ với không lẽ gì nữa. Chắc chắn là hắn rồi, chứ ở đây, còn khỉ khô nào tới nữa. Đúng là lão đã hý lộng bọn mình, lão biết chắc chắn là hắn sẽ trở về dương thế.

Cuồng Huệ buồn rầu:

– Thôi, thế là mình đã lỡ dịp rồi. Có thể tôn giả là một Bồ Tát lớn mà mình không đoán ra, cứ nửa tin nửa ngờ… Giá mình cứ nằng nặc đeo đẳng níu kéo lấy, thì có phải đã được điểm hóa ít nhiều rồi không. Bây giờ thì còn biết đi tìm ở đâu nữa?

– Chú mày còn ngu lắm, chưa từng trải thế sự gì hết. Bồ Tát lớn hay nhỏ thì chưa biết, nhưng chắc chắn là lão có bản lãnh cao cường. Phải cái lão hay chửi mắng ta quá, nên ta không ưa. Đối với lão, thì níu kéo cũng chẳng được. Đấy, hồi chiều hôm đó, lão có chịu rỉ răng điểm hóa gì đâu!… Nhưng này, ngươi đừng có lo…

– ?!

– Đừng có lo mất lão. Cứ bám lấy cha tiều phu này, thì ngươi sẽ lại có thể túm được lão.

Cuồng Huệ hớn hở:

– Ừ nhỉ, nếu vậy thì phen này phải bám sát, nhất định không buông nữa. Càn Thát Bà hin hin mũi:

– Đấy là ngươi nói cho ngươi thôi. Chứ ta thì thực tình không muốn bám cha này. Ta có đi cùng, cũng chẳng qua là thương tình ngươi, mà không muốn chia tay thôi… (Hắn lại lậu bậu:) Ngươi thử nghĩ xem, đi cùng với hắn thì chắc là khổ thấy mẹ, có gì mà ham. Hắn là người phàm, thân xác thì nặng như núi Tu Di, mình có muốn xả thân cõng hắn để bay cho nhanh cũng cóc được… Còn theo hắn, thì hắn bước như rùa, lết như sên, có khi hắn lại nhất bộ nhất bái nữa, thì biết đến đời kiếp nào mới tới chùa Lôi Âm Tự? Biết đến bao giờ mới nghe thấy Phật khảy móng tay?… Đấy, ngươi thử nghĩ xem. Có khi trái đất này tan thành cát bụi rồi cũng chưa tới nơi… (Hắn thở dài:) Nhưng thôi, ta cũng chiều theo ý ngươi mà cùng đi với hắn…

Chợt thấy tờ giấy Cuồng Huệ cầm trên tay, hắn nói:

– Không hiểu lão dặn dò gì đây? Ta cũng chưa thuộc lối chữ này… Chờ cha kia vậy…

Bỗng thấy Thạch Sanh từ đàng xa đương lững thững chở về quán, nét mặt buồn rười rượi. Chàng đã chạy khắp trong chợ, và trong mấy dẫy phố gần đó, mà chẳng thấy bóng dáng ông thày bói đâu. Chỉ thấy máy người bán hàng lơ thơ tới chợ sớm để bày mấy thứ rau cỏ hoa quả thôi… Chàng thấy lòng như chìm xuống, thấy thế gian như trống rỗng, chẳng còn gì nữa: Ôi thôi, tôn giả đi rồi, thế là hết, còn gì nữa đâu, còn gì nữa mà hỏi han nương tựa, thế gian này lại tối tăm mù mịt!… Chàng muốn đập mình xuống đường, lăn lóc dãy dụa than khóc kêu gào, nhưng cố dằn lòng lại. Chàng thấy trong lòng chán nản vô chừng, như không muốn bước nữa. Nghĩ tới việc đi thỉnh kinh, thấy thực là xa vời, ngại ngùng. Thực chẳng khác chi một kẻ muốn nắm bắt hư không, biết mình tìm ở đâu bây giờ? Nhưng dần dần chàng lại tự nhủ: “Sao cái tâm mình nó yếu đuối đốn mạt đến thế? Nó hay thay đổi, hay thối thất cứ như trời mưa nắng. Neu tôn giả trông thấy lòng mình thế này, chắc là người không bằng lòng đâu!… Người đã đẩy mình xuống âm cung rồi lại kéo mình lên, như vậy thì dù có mặt hay không có mặt, người cũng vẫn hộ trì cho mình…” Chàng bất giác giơ tay áo chùi một giọt lệ hoen ở đuôi mắt, và thấy lòng vơi đi… Chợt nhớ lại mảnh giấy đặt ở góc quán, chàng vội vã quay trở về…

Vừa bước vào quán, chẳng nói chẳng rằng chàng vội cầm lấy tờ giấy trong tay Cuồng Huệ. Đúng là bút tích của tôn giả, nét chữ cũng viết bằng than. Chàng lẩm nhẩm đọc giây lâu, đọc đi đọc lại, rồi bỗng phủ phục ngay xuống sàn, đập ngực khóc rống lên, khóc hơn khóc cha chết, chân tay mặt mũi đỏ ửng lên như ứa máu… Thấy chàng bi ai quá, nên Cuồng Huệ cứ đứng im thin thít, chẳng dám hỏi han khuyên nhủ gì. Càn Thát Bà thì muốn hỏi han về tờ giấy lắm, nhưng hắn lặng thinh, hấp háy đôi mắt, ngồi phệt xuống bực gỗ, rút chiếc lư hương ra đưa lên mũi phì phèo.

Khóc được một lát, Thạch Sanh bỗng ngồi dậy, xếp bằng, giơ hai tay gỡ chiếc đèn cùng mũ mão trên đầu xuống. Chàng đặt mảnh giấy trước mặt, vái lạy tờ giấy, rồi bỗng dưng rút trong bọc ra một chiếc kéo nhỏ xíu, một tay giơ lên nắm mảng tóc, tay kia cầm kéo cắt tóc… Chiếc kéo thì cùn, nên cắt lai nhai mãi mới rớt mảng tóc. Mái tóc còn ngắn lởm chởm, chàng cứ lấy kéo cắt lần lần những ngọn tóc, trước sau vẫn chẳng nói năng… Càn Thát Bà không nhịn nổi nữa:

– Này, ngươi làm gì vậy?

Thạch Sanh vẫn không ngừng cắt xén:

– Tôi xuống tóc… để làm một sa môn…

– Hừ, muốn làm sa môn, làm thày tăng hả? Nhưng ngươi làm thế không đúng cách mấy đâu…

Kể ra thì trong bọn ba người, Càn Thát Bà là kẻ từng trải, lịch duyệt và biết nhiều trò đời hơn cả. Hắn đã thọ sanh được sống trên trời Dao Lợi sáu, bảy chục năm trời, đã trông thấy, nghe thấy nhiều thứ, rồi lại qua miền Hương Thủy Hải ở trung giới, nay lại xuống lang thanh nơi nhân thế ở hạ giới. Nên dù lưu tâm hay không lưu tâm, hắn cũng biết nhiều thứ chuyện… Thực ra, thì hắn thuộc loại Càn Thát Bà, tức là một loại trong Thiên Long Bát Bộ được nói trong kinh Phật… Thiên long bát bộ gồm tám bộ loại như: Thiên, Long, A tu la, Khẩn na la, Càn thát bà, Ma hầu la già, Ca lâu la, Dạ xoa… Quá nửa đều là kỳ hình dị dạng, ít khi giống người nên thường được gọi là phi nhân, hoặc nghi nhân. Tỷ dụ như Khẩn na la, loại này thì giống người lắm, nhưng trên đầu lại có một cái sừng. Khẩn na la cùng Càn thát bà đều là hai loại nhạc thần, chuyên tấu nhạc tại từng trời của vua Đe Thích… Càn Thát Bà chuyên ăn bằng cách ngửi hương, chứ không ăn như người. Ma hầu la già là một loại mình người, đầu rắn, tức là những đại mãng xà… Những bộ loại này, mỗi khi đi nghe giảng kinh, thường hay hóa làm hình người. Song những kẻ được đi nghe kinh lớn phần đông là những bậc vua chúa, như Khẩn Na La Vương, Ma Hầu La Già Vương cùng các quyến thuộc của họ, chứ không phải bất cứ kẻ nào cũng được đi nghe kinh lớn.

Thiên Long Bát Bộ cũng thường được gọi là tám bộ loại Hộ pháp. Vì sao? Là vì họ tu hành thì không được tinh tiến mấy, không giỏi mấy, chưa được giải thoát, nhưng họ cũng là kẻ biết pháp ít nhiều, có thể hộ trì Pháp bảo cùng Tam Bảo… Ke ra thì trong loài nào cũng có kẻ hộ pháp và có kẻ phá pháp như trong loài người. Neu một người góp một viên gạch, một đồng tiền để xây chùa, in kinh thì là kẻ hộ pháp. Ngược lại, nếu lấy một bát gạo của nhà chùa hoặc xé một tờ kinh để đùm cơm nắm thì là phá pháp… Trong các quỷ thần cũng vậy, có những quỷ thần ưa hộ trì cho kẻ tu hành, lại có những quỷ thần chỉ thích gây trở ngại cho kẻ tu hành… Nhưng trong kinh, Thiên long bát bộ thường được gọi là tám loại hộ pháp. Tuy gọi là thế, nhưng vẫn có kẻ ăn ngang nói dọc, trái với lời kinh.

Trên bản địa tu hành, những kẻ được thọ sanh vào Thiên long bát bộ phần lớn đều đã có tu hành dăm bảy kiếp, hay hơn nữa. Họ có từng đọc kinh luận, hiểu được ít nhiều ý thú song chưa hiểu đến chỗ liễu nghĩa rốt ráo. Họ có nhiều thiền quán, song định lực chưa sâu. Họ lại không mấy ưa thích trì giới, không chịu trì giới hoặc ít trì giới. Do đó, thọ sinh làm Thiên long bát bộ. Vì có hiểu biết ít nhiều kinh luận, có ít nhiều thiền quán nên được ít nhiều thần thông. Nhưng vì không trì giới, hoặc kém trì giới, nên ít phước báo và thường chịu kỳ hình dị dạng… Trái lại, nếu một kẻ trì giới tinh nghiêm, nhưng không chịu đọc kinh và thiền quán, thì có thể thọ sinh làm người hoặc làm chư thiên, sẽ có thân thể đẹp đẽ, phước báo giàu sang, nhimg trí huệ lại đần độn kém sút… Cái vòng triển chuyển của nhân-nhân-quả-quả đại khái là như vậy.

Nói về thần thông, thì loại Long vương hay Càn Thát Bà Vương có được ít nhiều thần thông. Tỷ dụ như có thể biến thân lớn cũng được, thân nhỏ cũng được, hóa làm một vài loài thủy tộc nhỏ cũng được, hóa làm người cũng được, làm phép tàng hình cũng được… Hoặc cưỡi mây đạp gió. Nhưng chỉ được như vậy thôi, khó làm hơn được. Các phép thần thông đại tự tại, đại du hý, tỷ dụ như biến thân to lớn vô biên trùm khắp các cõi, hoặc biến thân nhỏ ẩn vào trong một vi trần, hoặc tạo lập hủy hoại các cõi, phân thân vô lượng trong các cõi… thì đối với Thiên long bát bộ còn xa lắc xa lơ, chưa mơ màng đến được. Những vụ đó, thì chỉ có Chư Phật và Đại Bồ Tát mới làm nổi. Vì phải thấu suốt lẽ Chân không lẽ Duy tâm sở hiện, phải đạt được tâm vô ngã bình-đẳng-đại- từ-bi mới có đủ tự tại lực mà làm… Thần thông của bọn ngoại đạo cũng vậy, còn thiếu tự tại lực: Chỉ có thể làm những vụ như chỉ đá hóa vàng, hô phong hoán vũ, hoặc biến hóa thân hình… nhưng không thể phân thân thành vô lượng được…

Ngày xưa, những loài như rồng, kỳ lân, phượng hoàng… thường hay xuất hiện cho người trông thấy. Vì sao? Vì người xưa thường có căn cơ tốt lành, tính tình thuần phác, ít làm ác. Ngày nay, căn cơ của người kém đi, thích làm ác, thích giết chóc và ăn thịt nên thân thể nhiều mùi hôi, những rung động của tâm thức lại đục ngầu, nên các loại trên cùng chư thiên đều hay xa lánh và ít xuất hiện… Trong lịch sử, dưới thời Nghiêu Thuấn hay ở ngay đời đức Khổng, kỳ lân và phượng hoàng vẫn hay xuất hiện. Và khi ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thị hiện thọ sinh tại Ngũ Đài Sơn, các giống loại đó xuất hiện rất nhiều chung quanh năm ngọn núi… Càn Thát Bà ở trong chuyện này cũng thuộc loại bản địa tu hành như trên đã nói: Đã từng có đọc ít nhiều kinh luận, có ít nhiều thiền quán, nhưng hắn rất chán nản về vụ trì giới… Hắn rất ngán lối tu Thập thiện của vua Đe Thích, và tuy có am hiểu khá nhiều về việc các cõi, hắn vẫn còn thích nói ngang nói dọc. Hắn cũng là kẻ thông tuệ khác thường, có nhiều ý nghĩ rất sâu sắc, nhưng còn nhiều chấp, chấp ngã và chấp pháp, như lời tôn giả nói. Và cái thông tuệ của hắn cũng chưa phải là trí huệ tối thắng rốt ráo… Trong khi Cuồng Huệ vốn hóa sinh từ một giọt nước mắt của Bồ Tát, nên tự nhiên đã nảy ra lòng mong, cầu trí huệ rốt ráo…

Hắn nói:

– Nếu ngươi ưa xuống tóc làm thày tăng thì cứ việc xuống. Nhưng nếu xuống tóc thì phải thọ giới, mà thọ giới thì phải có hòa thượng yết ma truyền giới cho… Ở đây, có hòa thượng yết ma hay bực tôn chứng nào đâu?

Thạch Sanh nói:

– Bây giờ, tìm đâu cho được hòa thượng yết ma?… Nhưng tôi thọ giới… với Ca Lặc Ca Tôn Giả. Tôn giả cũng như là thầy tôi…

– Ừa, thôi cũng tạm được đi. Thế gọi là thọ giới theo tâm tưởng. Ta nghe nói là nếu ông thày chỉ được gặp ở trong mộng, cũng vẫn có thể thọ giới được… Nhưng này, hồi hôm ta trông ngươi tu rượu ừng ực, tu cạn sạch cả rượu mà chẳng chợp mắt, như thế thì ngươi giữ giới sao được?…

Thạch Sanh ngập ngừng:

– Từ nay trở đi, tôi không uống rượu nữa.

Càn Thát Bà cười ha hả:

– Ngươi phải cẩn trọng mới được, chứ cái tâm mình nó ngất ngưởng lắm, nó hay đi ngang đi dọc mà nó cũng hay chơi xỏ mình nữa… Giữ giới tinh nghiêm thì còn khó hơn là tìm đường lên trời. Bảo ta đọc tụng kinh sách thì còn tạm được, chứ cái vụ giữ giới thì ta ngán lắm… Nhưng này, thế ngươi định giữ bao nhiêu giới?

– Thực tình, tôi chẳng biết có bao nhiêu giới nữa.

Càn Thát Bà vỗ đùi:

– Hay, hay, thế mới thiệt là ngộ. Thọ giới mà cũng chẳng biết là có bao nhiêu giới nữa. Thôi để ta nói cho mà nghe, về vụ này, chính ta cũng mờ mịt nhưng còn biết đôi chút hơn nhà ngươi… Này nhé, giới thì đại khái có ngũ giới, có thập giới, có có cụ túc giới của sa môn, món này hình như có đến hai trăm năm chục giới, rồi lại có Bồ Tátgiới, món này gọi là Bồ Tát tâm địa giới gồm ba trăm giới, rồi lại còn ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh… Ôi chao, ôi chao, nhiều thứ nhiêu khê lắm, kể không kể xiết! Thế rồi đến mức mình nhấc chân cất tay, nháy mắt, nháy mũi cũng có thể là phạm giới được. Ôi chao, thiệt tình ta không hiểu vì duyên cớ gì mà Chư Phật lại chế ra lắm giới đến như vậy. Nên ta trông thấy ngươi thọ giới mà bất giác đâm lo hộ cho ngươi.

– Thực vậy sao, huynh?

– Lại còn không thực nữa, ta cứ nghe nói đến giới là muốn ôm đầu chạy trốn… Thế trong số các giới đó, ngươi định giữ bao nhiêu giới?

– Không biết có nên giữ cái vụ Bồ Tát tâm địa giới đó không?

Càn Thát Bà giãy nảy:

– Ngươi đúng là một con cóc tía, chẳng biết trời đất là gì, chỉ mỗi cái lớn mật làm liều… uống thuốc độc cũng uống, xuống âm cung cũng xuống, rồi bây giờ lại đòi giữ ba trăm giới… Nhưng này, cái vụ giữ giới khổ lắm, vì nó miên miên đằng đẵng hoài hoài, chứ không làm đánh rộp một cái như uống thuốc độc đâu… ta thành thực khuyên ngươi chỉ nên thọ thập giới mà thôi…

Thạch Sanh thở dài:

– Kể như huynh nói cũng đúng một phần, nhưng cũng không đúng một phần… Đệ thực ra cũng chẳng hiểu rõ giới luật là gì, nhưng đệ chỉ tâm niệm muốn nghĩ rằng: Thôi thì mình cứ cố ráng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện làm việc tốt lành cho kẻ khác, chứ đừng bao giờ khởi một ý nghĩ nào lo lắng cho chính mình nữa. Làm được việc gì thì làm, nhưng chớ có nghĩ đến mình… Thực tình, đệ lắm lúc thấy mình như kẻ đã chết rồi. Đấy, trước sau đệ chỉ muốn nghĩ như vậy…

Càn Thát Bà chặc lưỡi:

– Chà, chà, nếu nhà ngươi rắp tâm như vậy thì là nhất rồi… Nhưng này, tuy ta ưa nói ngang, dọc như vậy, nhưng chính ta cũng vẫn giữ chút ít giới đấy nhá… Cuồng Huệ mỉm cười, xen vào:

– Huynh giữ thứ giới gì mà bí mật vậy?

– Thứ giới mà ta giữ thì kỳ bí lắm. Chư Phật không có nói rõ ra thứ giới này, nhưng ta nghĩ là giới này mới chính là then chốt nguồn gốc của mọi giới. Giữ được giới này thì cũng như là giữ được mọi giới. Bởi thế nên ta lựa chọn giữ giới này… Mà đúng ra thì cũng chẳng phải là ta giữ giới, mà tại chính trong lòng ta rất không ưa thích cái vụ này…

Cuồng Huệ giục:

– Vụ gì vậy? Huynh nói rõ ra, đừng vòng vo nữa…

– Còn vụ gì nữa. Cái vụ đàn bà ấy mà… Không hiểu sao ta rất chán ngán không muốn nhìn mặt bọn nữ nhân. Gặp những đứa xấu xí hay già cả, thì ta còn tạm nhìn tý chút, nhưng gặp những đứa có nhan sắc hay nhõng nhẽo uốn éo, thì ta thực tình chẳng muốn ngó một tý ty nào. Ta cứ tưởng chừng bọn chúng là lũ yêu quái, một bày nữ quái, một lũ hồ ly mặt phấn, không hiểu sao vậy?… Bởi thế, nên ta bỗng nhiên đâm ra giữ cái giới là không nhìn mặt bọn nữ nhân…

Cuồng Huệ cười:

– Thế là huynh lại có tâm thiên vị rồi đấy! Hà cớ gì bỗng nhiên lại chán ghét họ? Chắc là trong tâm khảm huynh có điều gì sợ hãi đối với họ…

– Không hiểu sao, nhung nó là như vậy đấy. Hay là tại kiếp trước, ta sống ở một cõi không có nữ nhân chăng?… (Hắn quay ra khỏi Thạch Sanh:) Nhưng này, ngươi tên chi nhỉ, và tại sao bỗng nhiên sống lại rồi lại xuống tóc? Ngươi phải kể rõ ta nghe mới được.

Thạch Sanh nói:

– Đệ chính tên là Lý Liễu Quán, nhưng người trong xóm cứ vui miệng gọi là Thạch Sanh. Đệ được sống lại là để xuống tóc và đi thỉnh kinh…

Chàng nhìn hai người thấy vui vui trong bụng, nên nhởn nha kể hết cả câu chuyện Ca Lặc Ca tôn giả, chuyện nàng công chúa cùng chuyện xuống âm cung, chẳng dấu diếm tý nào. Cả chuyện thấm hào quang của đức Bồ Tát cũng như chuyện gặp hán tử ôm kinh… Càn Thát Bà cứ há hốc miệng mà nghe. Khi nghe hết đầu đuôi, hắn nói:

– Ta biết ngay mà. Đúng là lão tôn giả bày trò ra hết. Lão hý lộng quỷ thần, lại hý lộng cả ngươi nữa… Nhưng thực tình, ta với ngươi có điều này không hợp… là ngươi tận tụy với bọn đàn bà quá… Nhưng thôi, bây giờ ngươi đã làm sa môn rồi, thì phải bớt cái vụ đó đi…

Cuồng Huệ thì chỉ hỏi săn hỏi đón về việc đức Địa Tạng xuất hiện. Y hỏi rất kỹ về vụ đó, cũng như lai lịch ngài Long Thọ và bộ kinh Du Hý Thần Thông. Y thấy lòng bồng bột hy vọng có thể tìm được Bồ Tát lớn… Càn Thát Bà lại hỏi:

– Thế còn tờ giấy này thì lão tôn giả dặn dò gì đây? (Hắn đã đổi giọng kêu là lão tôn giả.) Ngươi đọc ta nghe thử, và rồi đây ngươi cũng phải dạy ta lối chữ này mới được…

Thạch Sanh cầm tờ giấy lên đọc:

Ngươi vốn là chất sáng
Lại quanh quẩn tìm đèn
Thắp được ngọn đèn lên
Lại vướng phải ánh sáng.
Hoa đèn nở bảy cánh
Bảy cánh che mịt mùng.
Thương ôi, thật thương ôi
Chỉ tại tưởng điên đảo
Chỉ tại tưởng đảo điên!
Nay ngươi sánh một rồng
Lại nắm tay một hạc
Nhưng rồng chẳng phải rồng
Hạc cũng không là hạc.
Rồng này cầu trí huệ
Ngươi lại mong từ bi.
Từ bi cùng trí huệ
Như hai mặt đồng tiền
Không thể chẻ đôi được…
Hãy dũng mãnh lên đường
Có Tu la tiễn chân
Có Ma kiệt chỉ lối…
Hồ công, bớ Hồ công
Quay tròn con ổi lúy…
Thấy biển chớ sợ hãi
Gặp núi đừng ngại ngùng
Lặng lẽ và khoát nhiên
Mặc vũ trụ biến hiện.
Dù ma chướng đầy đường
Vẫn dung thông vô ngại…
Tam tinh tà nguyệt động
Chính là nơi ước mong…

Nghe xong, Càn Thát Bà lẩm nhẩm đọc lại rồi tấm tắc:

– Chà, chà, bài vè hay tuyệt, nhưng bí hiểm quá, bí hiểm quá!…

Cuồng Huệ nói:

– Huynh đừng nên tác ngôn như vậy. Đây chắc là bài kệ, chứ không phải là vè.

– Biết rồi, khổ lắm! Ta thừa biết là kệ nhưng ta cứ thích gọi là vè… Chà, có mấy câu bí hiểm quá. Này nhé, thắp được ngọn đèn lên, lại vướng phải ánh sáng, đã là ánh sáng rồi thì sao lại cỏn vướng?… Lại Hồ công, bớ Hồ công, quay tròn con ổi lúy, là nghĩa gì? Chắc lão tôn giả quay tròn chúng mình như những con ổi lúy chứ gì?… Lại còn tam tinh tà nguyệt động là cái quái gì… mà lại là chỗ ước mong?…

Cuồng Huệ nói:

– Nếu huynh hiểu được ngay, thì huynh đã đắc đạo rồi, cần gì phải ta bà nữa… Thôi, cứ để đây suy ngẫm dần, rồi bọn mình cứ dũng mãnh đi như lời tôn giả dạy rồi thì sẽ hiểu…

Lúc bấy giờ, Thạch Sanh mới đưa mắt nhìn kỹ Cuồng Huệ, thấy mặt y đẹp như ngọc, mày tầm chênh chếch, mắt sáng và tròn như mắt kỳ lân, vóc người tráng kiện vừa thanh kỳ. Ây là chàng chưa biết y còn có đôi tay có sức mạnh như huyễn thuật, có thể xô núi bạt sông. Chàng không biết, chính Cuồng Huệ cũng chưa ý thức rõ ràng… Thạch Sanh thầm nghĩ: “Ke ra người này mà mặc pháp phục rồi đi thỉnh kinh thì đủ oai nghi hơn, chứ mình thì mặt mũi huếch hoách. Nhưng cái việc duyên nghiệp thì biết sao mà nói được? Nhưng có hai anh này đi cùng thì đỡ cho mình lắm. Chắc là tôn giả thấy có hai người này rồi, nên mới bỏ mình mà biến đi mất.” Chàng thầm nghĩ có khi hai người này là người của tôn giả, nên bỗng cảm thấy tình chan chứa. Nhìn thấy hai người này, cũng như nhìn thấy tôn giả… Chàng đưa tay khều Cuồng Huệ, rồi mỉm cười hỏi:

– Vậy thì huynh chắc là … rồng?

Cuồng Huệ cũng cười:

– Địch thị, đệ là rồng ở Hương Thủy Hải, đệ đâu có qua mắt được tôn giả. Tên đệ là Long Cuồng Huệ, còn vị huynh đài đây là Càn Thát Bà. Tôn giả hồi hôm có khuyên bọn đệ nên chờ huynh cùng đi thì dễ tìm kiếm hơn…

Y nói năng điềm đạm, vui vẻ, nhưng hình như y vẫn còn giữ ánh mắt rất xa vời. Y kể rõ câu chuyện của y cho Thạch Sanh nghe, ở Hương Thủy Hải thế nào, có ông bạn rồng già ra sao, rồi đọc câu kinh trên vách đá, rồi gặp Càn Thát Bà, rồi lang thang xuống đây. Y kể cả điềm mộng của y… Thạch Sanh cứ tấm tắc khen điềm mộng ấy. Khi kể hết, y nói:

– Bây giờ, bọn mình đã có cơ duyên cùng đi, thì cũng như bạn kết nghĩa. Đệ nghĩ có lẽ nên định đoạt tôn ti cho tiện việc xưng hô.

Càn Thát Bà bỗng nói:

– Tôn ti hả? Nhưng vụ này có vẻ khó đấy. Chú rồng này thì là em út của ta rồi, nhưng còn chú này thì từ nãy ta vẫn băn khoăn không biết nhét chú ấy vào đâu được…

Thạch Sanh nói:

– Tùy hai huynh định đoạt, thế nào thì đệ cũng đồng ý trước, được hai huynh đi cùng là đệ vui rồi.

Càn Thát Bà hỏi:

– Thế ngươi bao nhiêu tuổi?

– Đệ tuổi kỷ mùi, hai mươi sáu tuổi.

Càn Thát Bà vò đầu:

– Chà, khó nghĩ quá! Thực ra, ta có mấy điểm phục ngươi. Thứ nhất là ngươi có gan cóc tía, bất cần sống chết dám uống thuốc độc. Thứ nhì là uống mà không chớp mắt, như thế là ngươi có nhiều định lực hơn ta. Thứ ba là ngươi dám xuống tóc làm sa môn, lại thọ giới nữa. Nhưng ngươi lại có ba điểm kém ta. Thứ nhất là ngươi tận tụy với đàn bà quá, đó là một điều kém lớn lao. Thứ nhì là kiến thức của nhà ngươi về trò đời ở các cõi chắc là kém ta, đó cũng là một sự kém lớn lao. Thứ ba là tuổi tác. Ta sống ở trời Dao Lợi sáu mươi bảy năm, nhưng sáu mươi năm ở cõi trời thì so với miền Hương Thủy Hải lại bằng thời gian mấy ngàn năm, và so với thời gian nhân thế thì lại bằng mấy vạn năm. Như thế, thì ta cũng tương tự như ông Bành Tổ rồi còn gì? Với ba điều kém hơn ấy, nên ta khó nghĩ, vì ta là kẻ ưa sự công bình lắm, chứ không làm điều oan ức như lão Đe Thích…

Thạch Sanh nói:

– Thì đệ vẫn tình nguyện xin làm em của su huynh mà….

– ừa, nhung phải công bình mới được. Ta vốn ưa sự công bình… Song nghĩ đi nghĩ lại, nếu ngươi làm em thì thuận tình hơn. Vì ta vốn không thích lễ nghi, và từ trước chẳng xưng ai là sư huynh cả. Thôi, vậy thì ta làm đại sư huynh, ta phong cho ngươi làm nhị đệ, còn chú kia vẫn là tam đệ.

Cuồng Huệ chẳng nói gì hết, y chỉ đứng cười. Thạch Sanh nói:

– Đệ chỉ xin làm tam đệ thôi…

Càn Thát Bà xua tay:

– Không được, ngươi phải làm nhị đệ. Ngươi làm sa môn mà. Vả lại, ta đã quyết định như thế rồi. Nhưng này, ta vốn tính thẳng thắn và công bình, nên ta muốn giao hẹn trước. Chú mày thì muốn đi thỉnh kinh, chú kia muốn kiếm Bồ Tát lớn, còn ta lại muốn coi Phật khẩy móng tay. Hai chú mày chắc là quyết tâm lắm, nhưng ta thì thực tình không quyết tâm lắm đâu. Ta cũng hay nổi những cơn hứng bất tử. Vậy giữa đường, nếu ta nổi cơn hứng bất tử muốn bỏ đi nơi khác, thì các ngươi cũng đừng nên trách ta, và cũng đừng níu kéo mới được. Đồng ý chứ?

Thạch Sanh nói:

– Vâng, cái đó thì xin tùy ý sư huynh. Đệ chỉ mong sư huynh rủ lỏng thương bọn đệ mà cùng đi đến nơi đến chốn. Bọn mình cũng như anh em kết nghĩa, vụ này lại xảy ra ở quán này, có lẽ nên gọi là Kim Đình kết nghĩa… (Chàng ngẫm nghĩ:) Trước sau, đệ chỉ có một điều này muốn thỉnh cầu sư huynh:

– ?!

– Đệ chỉ xin sư huynh mỗi khi nhắc đến Ca Lặc Ca Tôn Giả, thì xin gọi là Tôn Giả, đừng gọi là lão nữa… Tuy tôn giả chưa thèm nhận đệ là học trỏ, nhưng trong tâm đệ vẫn tự coi là đệ tử.

– Hừ, hừ… chú mày bắt chẹt ta quá. Nhưng thôi, cũng được đi. Như thế thì ta không nhắc tới ông tôn giả ấy nữa là xong… Bây giờ, có việc này cần kíp hơn…

Hắn liền lục trong bọc ra, chọn lấy một mảnh đá lưu ly dài và sắc, rồi vít cổ Thạch Sanh xuống, và cạo những bờ tóc còn lởm chởm trên đầu chàng. Đá lưu ly vốn rắn và sắc như kim cương, bàn tay hắn lại nhanh nhẹn dị thường, nên chỉ một thoáng là đầu Thạch Sanh đã nhẵn thín và bóng loáng. Hắn nói:

– Chờ ta một tí…

Rồi hắn thoăn thoắt chạy về phía chợ, đôi cẳng vừa nhanh vừa dài. Một lát sau, hắn mang về một tấm vải vàng lớn. Hắn cắt đôi tấm vải, rồi lấy một phần khéo léo quấn lên người Thạch Sanh thành như chiếc áo cà sa, chỉ chừa cánh tay để trần ra. Mặt chàng tuy xấu xí, nhưng khoác áo vào trông cũng rất chững chạc oai nghiêm. Hắn nheo mắt ngắm nghía một hồi, rồi lẩm bẩm:

– Được lắm… được lắm…

Bỗng có tiếng vó ngựa từ đàng xa vang lên lộp cộp… Lúc bấy giờ, mặt trời đã đứng bóng, vào khoảng giữa giờ ngọ. Ba người nhìn ra, thấy một chiếc xe song mã đương phi nước đại chạy tới, bên trên có một viên quan mặc áo bào xanh, và một tên thị vệ cầm dây cương. Phía xa sau chiếc xe, thấy lố nhố có một số dân chúng hiếu kỳ đương đổ lại phía Kim Đình quán… Thì ra lúc Thạch Sanh chạy ra chợ, đã có một vài người bán hàng trông thấy chàng, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, dân chúng nơi đế kinh đã loan ầm lên cái tin quái dị: chàng tiều phu Thạch Sanh đã sống lại rồi!

Ở trong cung vua, thì nàng công chúa cũng tỉnh lại rồi… Không hiểu hai tên quỷ sứ dẫn hồn nàng đi quanh co trên những nẻo đường nào, mà mãi đến cuối giờ Thìn, xác nàng mới tỉnh lại. Vua và hoàng hậu mừng rỡ rối rít, nhưng phải phục thuốc cho nàng một hồi mới khỏe lại được. Nàng bèn kể lại cho vua cha nghe những chuyện đã xảy ra nơi âm cung, nhưng cũng giấu bớt một vài đoạn, như việc nàng đã trộn son phấn vào sữa… Hình như nàng nóng lòng muốn gặp Thạch Sanh, nên vừa kể xong, nàng đã giục vua cha phái người đi xem tin tức chàng và mời chàng vào nơi triều nội… Nàng cũng ngỏ ý muốn gặp mặt chàng để tạ ơn cứu tử. Nhưng vua gạt đi: “Thôi, nam nữ thọ thọ bất thân, để ta thay ngươi tạ ơn anh ta là được rồi…” Rồi vua ra triều phái một viên quan đi mời Thạch Sanh… Nàng công chúa cũng sai một thị nữ lén đi dò la xem tin tức nơi Kim Đình quán ra sao?

Viên quan bước xuống xe. Tuy ông ta đã biết mặt Thạch Sanh rồi, nhưng nay thấy chàng bỗng nhiên cạo trọc đầu mặc áo thày tăng, nên cũng bỡ ngỡ giây lâu, nhưng rồi cũng nhận ra. Ông đạo đạt lời triệu thỉnh của nhà vua. Thạch Sanh nói:

– Đức vua đã triệu, thì tiểu tăng xin đi…

Chàng chỉ hai người kia:

– Hai vị này đều là bạn kết nghĩa với tiểu tăng, và sẽ cùng đi thỉnh kinh, nên cũng muốn được vào bệ kiến…

Cả bốn người đều lên xe vào triều. Lúc đó, dân chúng cũng đã bu nghẹt trên đường phố, có phần còn đông hơn ngày hôm trước. Đường xá nơi đế kinh lại chật chội, người coi thì đông, nên hai con ngựa không chạy nhanh được, đành đi bước một… Dân chúng đều trố mắt kiễng chân mà nhìn mấy người trên xe. Một số chạy theo ngay sau xe. Rất nhiều kẻ xì xào bàn tán:

– Lạ quá, thế mà còn sống lại được! Chắc là chàng ta có phép thuật! Hay có khi là quỷ nhập tràng?

– Không phải đâu, không phải đâu! Phép thuật chắc là ở ông thày bói…

– ừ nhỉ, không hiểu ông ta đâu rồi, không thấy cùng đi…

– ơ hay, bây giờ lại hóa thành ông thày chùa đầu trọc…

– Chắc là anh chàng tương tư công chúa, nhưng nàng lại chê xí trai, nên bất phẫn mà xuống tóc…-

– Có khi đức vua cho triệu vào để gả nàng công chúa cũng nên.

– Đâu có được, ai lại gả con cho thày chùa bao giờ!

– Trời ơi, nhìn kia kìa, nhìn anh chàng ngồi bên cạnh ấy. Sao lại có người đẹp trai the!… Tôi cá hai quan tiền là lát nữa, công chúa sẽ gieo cầu kén chồng, và trái cầu sẽ rớt đúng boong vào chàng trai đó…

– Bậy nà, bậy nà… Những vị này nghe nói đều sẽ đi thỉnh kinh cả đấy, đâu có cưới vợ um sùm được…

– Thỉnh kinh vẫn có thể cưới vợ được chứ! Cưới xong xuôi rồi thì đi thỉnh kinh…

– Bậy nào, cha nội chỉ được cái giỏi nói nhảm…

– Thử nhìn cái ông mũi dài kia xem… Mũi đâu mà dài như cái mỏ, mà người cũng dài nghêu dài ngao, trông cứ y như con cò mổ ruồi ở nhà mình ấy…

– Hoan hô, hoan hô, Thạch Sanh vạn tuế! uống thuốc độc vạn tuế!… Có một vài tiếng kêu hoan hô như vậy…

– Chỉ được cái kêu bậy nà, lính bắt bây giờ, vạn tuế là để riêng cho nhà vua chứ…

– ừ nhỉ, ừ nhỉ, nhưng tôi muốn hoan hô cổ vũ thì kêu sao bây giờ?

Những tiếng xì xào kêu réo ấy, những người ngồi xe đều nghe rõ mồn một, nhất là Càn Thát Bà và Cuồng Huệ đều có đôi tai rất thính, thính hơn nhiều người… Nhưng Thạch Sanh vẫn ngồi im lặng, cúi đầu lâm râm niệm Phật. Cuồng Huệ tủm tỉm cười. Càn Thát Bà thì tức giận lắm, nhưng hắn đành chỉ lậu bậu rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất…

Khi cả bọn vào tới triều nội, đức vua từ trên ngai đứng dậy, bước xuống mấy bệ thềm để tỏ lòng trọng vọng… Thạch Sanh vội phục xuống lễ, Cuồng Huệ cũng làm theo. Càn Thát Bà cũng đành phục xuống lễ, nhưng hắn lậu bậu thầm: “Chán quá, chán quá, lão vua này sợ cũng giống lão Đế Thích. Rặt những lễ nghi lẩm cẩm. số mình đúng là có nhiều yêu nghiệt, đi đâu cũng chẳng thoát…” Thi lễ xong, hắn đứng thẳng người lên, mắt khép lại như bị chói ánh mặt trời. Kỳ thực, hắn ra vẻ như chẳng muốn nhìn gì nữa, cho rằng nơi cung điện này, so với cung điện ở trời Dao Lợi, thì thực chẳng đi đến đâu…

Vua cầm tay Thạch Sanh, nói mấy lời cảm tạ, rồi bảo:

– Công chúa đã kể đầu đuôi mọi chuyện cho trẫm nghe rồi. Thực trẫm không ngờ hiền giả lại phát tâm thệ nguyện rộng lớn đến thế khiến trăm họ đều được chỗ nương nhờ… (Nguyên nhà vua cũng lúng túng chưa biết xưng hô ra sao, kêu là thánh tăng e lớn quá, kêu là đại đức e nhẹ quá, nên đành kêu là hiền giả, bắt chước vua Diêm La…)

Thạch Sanh chắp tay từ tạ:

– Tiểu tăng thực không dám lãnh những lời đó…

– Thực vậy, nhờ có hiền giả, trẫm mới được nghe câu chuyện và hiểu rằng âm cung là có thực. Và Trời Phật cũng có thực… Bây giờ trẫm không còn hồ nghi gì nữa… Từ nay, sẽ cố ăn năn chừa lỗi, và khuyên răn dân chúng ăn năn chữa lỗi. Hôm nay, trẫm đã xuống chỉ truyền ân xá cho ba ngàn tội nhân tội nhẹ. Ngày mai sẽ mở đàn bố thí tại chợ, mở cửa thí phát một số lúa gạo cho những kẻ nghèo đói…

Thạch Sanh thưa:

– Được vậy, tiểu tăng rất đỗi vui mừng hoan hỷ. về số một trăm lượng vàng thưởng cho tiểu tăng, tiểu tăng cũng xin gởi lại quan coi kho mua thêm lúa gạo cho đàn bố thí…

Đoạn chàng kể lại sơ lược cho vua nghe về việc chàng thấy biển nghiệp lực cùng cầu Nại Hà, và việc gặp uổng Tử thành… Rồi chàng nói:

– Kính xin bệ hạ gia ơn mua thóc cho thần dân ở xứ này… Những người nghèo đói còn quá nhiều… Ở cõi nhân gian này, trời chỉ làm những trận mưa nước trong thôi. Phải chi thỉnh thoảng trời làm một trận mưa lương thực lúa gạo có phải đỡ khổ biết bao nhiêu không?

Ý kiến thực thà của chàng khiến có mấy vị quan che miệng cười khúc khích… Nên nhớ rằng ở triều đình Lạc Âu xứ Phong Châu này, vào thời bấy giờ những lễ nghi nơi triều nội chưa đến nỗi nghiêm nhặt phiền toái như ở triều đình Trung Quốc, nên các quan mới dám cười. Vua cũng mỉm cười… Càn Thát Bà bỗng đưa khuỷu tay huých Cuồng Huệ rồi xen vào:

– Mưa nước trong hay là mưa gì gì đi nữa, cũng là do mấy bố Long vương đấy. Khốn một nỗi là mấy bố pháp lực chỉ đến thế, chỉ có thể biến hóa thành nước thôi, chưa biến thành lúa gạo được..

Giọng Ồm Ồm quang quác của hắn lại khiến các quan cười nhiều hơn. Vua cũng quay lại nhìn Càn Thát Bà.

Thạch Sanh vội nói:

– Vị này là đại sư huynh của tiểu tăng, và sẽ cùng đi thỉnh kinh.

Vua gật đầu tán thán, rồi nói:

– Trẫm đã cho người tới sửa sang chùa Hóa Độ ở gần đế kinh đây, để hiền giả cùng chư quý hữu tạm trú trước khi lên đường. Ngày mai, trẫm sẽ cho đi triệu tập một số vị tăng về chùa Hóa Độ này. Ngày rằm tháng chín tới, sẽ mở một đàn chay tại chùa để hiền giả cùng chư tăng tụng kinh an bang và siêu độ vong hồn. Đêm hôm đó, sẽ mở hội hoa đăng tại bến Hương Bình để mừng công chúa sống lại, và tiễn đưa hiền giả… (Ngưng giây lát, vua hỏi:) Hiền giả đã định ngày lên đường chưa?

– Tâu bệ hạ chưa.

Thế rồi triều thần lao xao bàn tán về việc lên đường. Sau cùng, ngã ngũ ngày lên đường là sáng hôm mười sáu tháng chín, giữa giờ Thìn, vì ngày đó là ngày nhơn duyên, rất tốt cho sự xuất hành. Rồi lại bàn về vụ đi đường biển hay đường bộ. Có người nói thỉnh kinh mà đi đường bộ sẽ phải băng qua nhiều núi hiểm, và sẽ gặp nhiều yêu ma. Càn Thát Bà bỗng nói:

– Yêu ma thì cũng chẳng ngại lắm, chỉ ngại nhất là đụng mặt phải bọn hồ ly mặt phấn. Nhưng thôi, cứ đi đường biển rồi sau lên bộ, thế là đi cả hai…

Triều thần lại được dịp cười. Nhưng cũng quyết định xong được vụ đi…

Những tin tức ấy đồn đại ra ngoài rất nhanh. Nào là xá tội phạm nhân, nào là mở đàn bố thí, nào là lập đàn chay tại chùa Hóa Độ, nào là hội hoa đăng tại bến Hương Bình… Có mấy khi lại có nhiều vụ liên tiếp như vậy!? Cho nên, từ hôm đó trở đi, chốn đế kinh khoác bầu không khí tưng bừng, ồn ào, náo nhiệt hơn ngày hội. Có người gật gù nói: “Thế là cái vụ leo cây nhãn rồi té ngã đâm ra lại hay…” Nhưng cũng có một số hơi cụt hứng, vì không thấy cái màn gieo cầu kén phò mã. Nhưng thôi, thế này cũng vui chán rồi.

Các gia đình phạm nhân thì rối rít tiếp đón những kẻ được thả về. Những người nghèo túng sắm nắm đi lãnh lúa gạo cùng vải vóc. Những gia đình có miếng ăn lo sửa soạn quần áo đi coi đàn chay cùng hội hoa đăng. Phố xá lại càng chen chúc người đi lại, có chỗ chen lấn phải vạch người mới nhìn thấy đường. Có nhiều nhà lại cao hứng bất chấp cả luật lệ, làm những chiếc pháo ống lệnh, treo cao rồi đốt nổ đi đùng. Càn Thát Bà vốn thích âm thanh cùng những tiếng động om xòm nhiệt náo, nên bất cứ chỗ nào có pháo ống lệnh là hắn cũng muốn đi coi cho kỳ được. Rồi hắn cũng mua tre và thuốc pháo đem về chùa Hóa Độ, ngồi kỳ cạch làm pháo ống lệnh đem đốt đì đùng khiến cảnh chùa mất cả sự yên tĩnh. Cuồng Huệ phải năn nỉ đến mấy ngày hắn mới chịu ngưng tay không làm pháo nữa.

Ba người hiện nay tạm trú lại chùa Hóa Độ, được ở hai căn phòng bài trí đơn sơ, nhưng sạch sẽ sáng sủa. Trụ trì chùa này là thày tăng Minh Tạng, chừng ngoài năm mươi tuổi, chất phác hiền lành, có tín tâm nhưng cũng không biết nhiều về kinh kệ. Ngoài ra, có một chú sa di, một chú điệu và một bà già ở chùa làm công quả. Thày Minh Tạng tiếp đãi ba người rất ân cần trân trọng, vì thày có được nghe sơ lược câu chuyện của Thạch Sanh. Thày thầm nghĩ: “Vị này… vị này chắc là một cơ duyên lớn cho chùa này…” Lại thấy Thạch Sanh tánh tình dễ dãi xuề xỏa thỉnh thoảng thày cũng chỉ bảo thêm cho chàng về giới luật cùng oai nghi của nhà chùa. Chàng đều nhất nhất ghi tâm.

Chùa Hóa Độ chỉ là một ngôi chùa nhỏ, vì xứ Phong Châu hồi đó chưa có chùa lớn. Nhưng trước chánh điện, có chiếc sân gạch rộng lớn. Sau nhà hậu, có một thửa vườn trồng ít cây hoa, cuối vườn có giếng mát. Cảnh chùa khá u tĩnh vì nhiều cây tòng bách khá lớn, và ngay sát chùa là một chiếc hồ hình bán nguyệt. Hồ này dài đến non một dặm, nước trong vắt, bên này hồ là rặng liễu loi thoi, và bên kia hồ có một cây liễu rất lớn, bóng mát phủ kính cả một góc hồ. Thạch Sanh thường hay thẩn thơ dưới rặng liễu ấy, ít khi ra khỏi chùa. Trong mấy ngày đầu, Cuồng Huệ và Càn Thát Bà hay đi coi phố xá lắm, hoặc đi coi bến Hương Bình, vì bến này chỉ cách chùa chừng hai dặm đường. Nhưng phải cái phố xá đều đông đàn bà con gái quá, nên dần dần cả hai người này cũng chỉ co ro ở trong chùa. Càn Thát Bà thường nhởn nhơ đi lại trong vườn, hin hít mũi ngửi mấy cây hoa. Hắn lắc đầu, chê: “Mấy thứ này, mùi hương kém quá. Trên cõi trời Dao

Lợi, nhiều thứ hoa lắm, nào là hoa mạn đà la, hoa đại mạn đà la, hoa mạn thù la, đại mạn thù la… hương thơm tỏa ngát đến ba, bốn chục dặm. Hoa trời lại không héo nữa, cứ sắp héo là tự nhiên biến đi mà không rụng xuống đất. Hoa ở cõi nhân gian này chán quá, chóng héo quá!” Rồi hắn thở dài thườn thượt… Nhưng một đêm khuya, hơi còn chút ánh trăng tà, hắn cao hứng đi theo Cuồng Huệ ra tắm mát ở giếng nước sau vườn, hắn bỗng bắt gặp một bụi dạ lý hương có mùi hương thoang thoảng. Hắn thích chí nói: “Hương này tạm được đây, hơi giống hương mạn đà la…” Từ đó, ngoài hương trầm và hương rượu, hắn ăn thêm hương dạ lý. Riêng Cuồng Huệ thì thích tắm nước giếng lắm. Có lẽ tại y là rồng, thuộc thủy tánh. Cứ đêm khuya, y hay trở dậy rồi ra bờ giếng tắm. Y kéo những gầu nước thật lớn, rồi thong thả xối lên người. Có khi y xối nước thật lâu, vừa xối vừa ngẫm nghĩ: “Nước này có thể tẩy sạch được bụi trần. Cũng như pháp thủy của Bồ Tát lớn có thể tẩy sạch những mối nghi ngờ của mình… Tiếc thay, tiếc thay, Ca Lặc Ca Tôn Giả!”… Tuy không nói ra, nhưng y ân hận thật nhiều về vụ đã lỡ dịp với tôn giả.

Nơi chánh điện của chùa, có bày một bức tượng đức Phật Đại Phù Đồ Mâu Ni, ngồi trên tòa sen, cao đến sáu thước. Bức tượng có nửa thân ở trần, để lộ mấy giẻ xương sườn gầy hóp, trông lại rất linh động. Cuồng Huệ thường hay tới ngắm nghía chiêm ngưỡng bức tượng, nhưng y ưa thích ngắm nghía hơn một bức tranh vẽ đặt bên cạnh. Bức tranh này vẽ một bậc Đại Bồ Tát, chắc là ngài Quan Thế Âm, đứng trên cụm mây ngũ sắc hình hoa sen, trên mặt biển cả, một tay cầm nhành dương liễu, một tay cầm tịnh bình đựng nước cam lồ thủy. Dưới chân ngài, sóng lượn nhấp nhô, lại có vẽ một con rồng, một con cá và một con rùa đương hướng lên như muốn lễ lạy. Lại có vẽ hai người nhỏ xíu, đương chắp tay vái, ý chừng là thần tiên hay hải thần gì đó… Phía dưới lại có đề hai câu thơ. Cuồng Huệ nhìn kỹ hai câu thơ, thì thấy lối chữ của người cũng hơi giống những mẫu tự của loài rồng, nhưng y đọc cũng lõm bõm chưa thông được. Y đành nhờ chú sa di đọc hộ. Hai câu thơ thực ngô nghê mộc mạc nhưng thấm thìa:

Rất đỗi cá rùa còn lạy Phật
Huống chi người thế chẳng tu hành.

Càng ngắm nghía bức tranh, Cuồng Huệ càng cảm thấy bức đó diễn đạt trúng cuộc sống của y nơi Hương Thủy Hải, và nói trúng tâm nguyện của mình. Đôi khi, vừa ngắm y vừa lẩm bẩm: “Tâm nguyện của kẻ tiểu sinh này chỉ có bấy nhiêu. Xin cho con một giọt cam lồ thủy, một giọt pháp thủy, một giọt thôi, để soi sáng cái cỗi nguồn của chính mình, soi sáng cái bí ẩn của chính mình và của vũ trụ. Vì chính con cũng chẳng hiểu mình từ đâu mà tới…”

Trong những ngày ấy, tâm trạng của Thạch Sanh bình thản ít sôi nổi mong cầu hơn hai người kia. Từ khi được thấm hào quang của ngài Địa Tạng cùng lập lời nguyện đi thỉnh kinh, chàng thấy trong lòng thanh thản lắng dịu hẳn xuống, không còn háo hức mong cầu mấy. Chàng hình như không còn mong cầu điều gì cho chính mình nữa, coi mình như chết với chén thuốc độc kia rồi. Ngay cả đến sự hiểu biết về các cõi, về vũ trụ, về chính bản thân mình, chàng cũng không tha thiết suy tư mấy nữa. Chàng chỉ nghĩ một điều: “Thân phận của mỗi chúng sanh thực chẳng khác chi bèo bọt, nhưng những khổ não của họ lại rất thực và mênh mông. Làm sao giảm thiểu đi được? Nó cứ rào rạt vô tận như những lóp sóng biển, làm sao mà giảm thiểu?” Có lẽ bộ kinh Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh sẽ có đủ sức mầu để giảm thiểu chăng? Chàng mong mỏi sẽ hái được cụm mây giải thoát đó về cho nhân gian. Còn chính chàng khi đó sẽ ra sao, thì chàng không muốn nghĩ tới.

Mỗi khi nghĩ tới hai câu: “Dù ma chướng đầy rẫy, vẫn dung thông vô ngại” của tôn giả, thì chàng thấy rất yên tâm. Vả lại, đã có hai người kia nữa. Chàng coi hai người này nửa như bạn đồng hành, nửa như thiện trí thức tức là một thứ thày của mình, gần như tôn giả. Chàng chỉ hơi thắc mắc một điều: không hiểu bộ kinh ấy dạy những gì, vua Diêm La nói là mình đã từng có túc duyên đọc tụng, mà sao nay chẳng còn nhớ được gì hết? Nghĩ đến đó, chàng thấy mình cần phải xem xét lại các kinh sách hiện có tại xứ Phong Châu này.

Chừng mươi ngày sau, đã có một số đến hơi mười vị tăng ở các nơi về tụ hội tại chùa Hóa Độ theo lệnh vua. Các vị này có đem về một ít kinh sách. Có một vị cao niên nhất, chín mươi tám tuổi, già lụ khụ, hai bờ mi sụp xuống mắt như hai tấm rèm rủ. Các vị tăng này đều đã nhận được lệnh của nhà vua, lại thấy Thạch Sanh tuy trẻ tuổi nhưng rất chân thành bình dị, nên cũng hết lỏng trọng vọng. Trong những ngày rảnh rỗi, Thạch Sanh đàm đạo với chư tăng, và mượn những kinh sách ấy để đọc miết. Song hết thảy những kinh ấy đều là kinh ngắn, nói về nhơn quả, về an bang, về siêu độ vong hồn, chưa có kinh nào nói về Diệu tâm. Chàng đọc miết đến mấy lượt, và tuy chàng không giỏi về chữ nghĩa mấy, nhưng chàng cũng thấy thông suốt ý thú của lời kinh. Khi đã lãnh hội ý thú rồi, chàng thường đem kinh lên trước chánh điện, làm lễ rồi tụng lớn tiếng. Nhưng khi tụng lớn tiếng này, chàng thường cố gắng giữ tâm bình thản, không khởi lên những niệm phân biệt về ý kinh, mà chỉ chăm chú nương theo âm thanh của lời kinh, và nghe âm thanh đó vang dội trong tâm khảm mình… Mỗi khi chàng tụng, Càn Thát Bà cùng Cuồng Huệ đều hay ngồi cạnh chàng, vừa nghe kinh, vừa theo dõi mặt chữ. Hai người này vốn thông tuệ dị thường, nên chỉ mươi hôm sau, họ cũng lõm bõm đọc nổi chữ của nhân thế.

Một lần, sau khi nghe Thạch Sanh tụng kinh nhơn quả, Cuồng Huệ buồn rầu nghĩ thầm: “Trong kinh này, chư Phật ân cần dặn dò, dặn đi dặn lại rằng nhơn quả là có thực, ngay những bậc đạo lực cao cũng chưa lọt khỏi nhơn quả, và những ai ngu muội phỉ báng nhơn quả chắc chắn sẽ rớt địa ngục A Tỳ. Như thế, nhơn quả là có thực rồi. Nhơn quả đã có thực, vũ trụ này cũng thực rồi. Còn gì nữa mà bảo là ảo? Vậy tại sao lời viết trên vách đá lại nêu lên điểm nghi tình như vậy? Không lẽ chỉ là trò hý lộng?” Nghĩ vậy, y lại thấy trong lòng ùn ùn những nỗi thắc mắc khắc khoải, nhưng y vẫn lặng thinh chẳng nói ra. Y nhớ lại tiếng cười của tôn giả nơi Kim Đình quán, cùng lời dặn dò của tôn giả là phải suy nghĩ miết về điều đó, thì y lại tự nhủ rằng đây chắc là điểm then chốt và bí ẩn của đạo lý lớn.

Một hôm, Thạch Sanh bỗng nhớ tới câu chuyện duới âm cung, về anh chàng đóng khố, hái trộm hoa để lẻn đi cúng Phật. Anh đóng khố này, lúc còn sống cũng ở gần chùa Hóa Độ. Chàng liền hỏi thăm chú điệu về nhà cửa của anh ta, định tâm tìm đến để báo cho người thân thích rõ về sự thọ sanh tốt đẹp của anh ta. Nhưng khi tìm tới nơi, thì thấy anh ta chẳng còn thân thích nào cả, chỉ để lại một túp lều nhỏ như lều coi vịt, và lều cũng đổ nát. Chàng đành ngậm ngùi ra về.

Chàng cũng nhớ lại câu chuyện đậm đà của anh hán tử ôm kinh, nói về Quỳnh Nhi. Chùa đây cũng gần bến Hương Bình, nên chàng nhờ Cuồng Huệ tới bến đò, hỏi thăm Quỳnh Nhi, kể lại cho nàng nghe việc gặp hán tử, và nếu tiện xin nàng cho sao lại mấy tờ kinh vì chàng muốn đọc thêm về bộ kinh Hóa Thân Vô Lượng Nghĩa Xứ ấy… Cuồng Huệ ra đi, đến xế chiều trở về, cho biết rằng Quỳnh Nhi không còn ở bến Hương Bình nữa. Vì chỉ cách đây mươi hôm, không hiểu sao nàng đã thu xếp được đủ tiền nong trả nợ cho mụ đầu, rồi thuê một chiếc thuyền nhỏ, giã từ chốn yên hoa khăn gói ra đi, nói rằng về quê cũ. Nghe tin đó, Thạch Sanh tự nhiên thấy buồn. Nhưng rồi chàng tự nhủ:

“Chốn nhân thế này là vậy, lúc nào cũng có kẻ ở người đi. Khổ não của con người một phần là ở chỗ nhớ tưởng hay dự tưởng những vụ chia ly… Mình là người tu hành, mà ngã vào nỗi buồn đó, thì tức là giữ tâm chưa được vững chãi vậy. Nên luôn luôn nhớ rằng mọi việc ở cõi đời này đều là nhân duyên hết…”

Cuồng Huệ nói thêm:

– Sư huynh chớ nên buồn. Đệ cũng dỏ được một tin vui. Người lái đò có mách đệ rằng độ mấy ngày trước khi Quỳnh Nhi ra đi, hắn có thấy một người hình dáng giống như Ca Lặc Ca Tôn Giả lảng vảng trên chiếc cầu đá gần đó. Nhưng hắn bận việc nên không kịp lun ý rõ ràng. Đệ được tin vội chạy nháo đi tìm kiếm tại bến đò, nhưng không thấy tung tích…

Thạch Sanh trầm ngâm:

– Đa tạ hiền đệ đã nghĩ đến huynh. Nhưng huynh nghĩ rằng nếu tôn giả chưa muốn cho bọn mình gặp mặt, thì kiếm cũng chẳng được…

Một buổi trưa, chàng cùng Cuồng Huệ thơ thẩn dưới rặng liễu. Mấy con bướm vàng bay thấp thoáng nơi ven hồ, và ánh nắng thu vàng nhẹ khiến cho rặng liễu và nước hồ tăng thêm vẻ diễm ảo. Hai người ngồi xuống nệm cỏ ven nước. Cuồng Huệ với tay bứt mấy nhành dương liễu rồi nói: “Nhành dương liễu của đức Quán Thế Âm đây. Tiếc thay nước hồ này lại chẳng phải là cam lồ thủy để rửa sạch những phiền não cùng mối hoài nghi của trần thế…” Rồi chàng vừa cười, vừa bứt những chiếc lá liễu thả dần xuống nước hồ. Làn gió nhẹ đẩy những chiếc lá lênh đênh tỏa dần ra trên mặt nước, tương tự như những chiếc thuyền số mệnh lắt lay… Lại thoảng nghe có tiếng sáo diều vi vu trên thinh không, do một kẻ mục đồng nào thả từ nơi xa tắp… Vừa lúc đó, thì Càn Thát Bà cũng ở phía chùa rảo bước ra. Hắn đi tới chỗ gần hai người, ngồi phịch xuống cỏ, rồi nằm lăn ra, đôi mắt hấp háy nhìn lên trời tìm chiếc sáo diều. Hắn nằm yên lặng lắng nghe giây lâu, rồi tự nhủ: “Ke ra chốn nhân gian cũng có những giờ khắc này là êm ả. Coi là tạm đuọc đi… Nhớ lại trước kia, ở trên trời Đao Lợi, mình cũng hay tới nằm dưới cây Ba lọi chất đa. Nơi đó không có cỏ, nhưng đất thì bằng phẳng, sạch và mát rượi như ngọc lưu lý. Nơi đây có tiếng sáo diều cùng tiếng gió rì rào qua kẽ lá. Nhưng trên kia, những lá của cây Ba lợi chất đa luôn luôn phát ra những âm thanh hợp tấu thành một khúc nhạc tự nhiên…” Nghĩ vậy rồi hắn thấy bâng khuâng nuối tiếc cảnh trời xưa, nên đưa tay che mặt nằm im bất động…

Thạch Sanh bỗng bảo Cuồng Huệ:

– Hồi đêm, tiểu huynh có được một cơn mộng đẹp… Mộng thấy chiếc hồ này nở kín những hoa sen, rồi một chiếc cầu vồng màu vàng chói xuất hiện nối liền rặng liễu bên này sang cây…

Càn Thát Bà bỗng xen vào:

– ơ hơ, cơn mộng ấy khá đẹp ấy… Nhưng ta nghĩ nó chưa được dị kỳ lạ lùng như cơn mộng của chú ba…

Cuồng Huệ bỗng hỏi:

– Không hiểu mộng là do tâm khảm của mình ứng hiện, hay là thần nhân nào ứng hiện nhỉ?

Thạch Sanh nói:

– Tiểu huynh cũng chưa biết rõ ra sao. Có khi là do cả hai. Có lẽ mỗi khi tâm khảm mình chín mùi để ứng hiện một cảnh gì, thì sẽ có thần nhân giúp cho ứng hiện.

Cuồng Huệ trầm ngâm;

– Từ lâu nay, đệ cứ băn khoăn suy nghĩ về chuyện mộng và tỉnh… Mộng và tỉnh có gì chắc chắn là khác nhau không? Tại sao người đời lại cứ nhất định cho cảnh mộng là hư ảo, và nhất định coi cảnh đời lúc mở mắt là thực?

Càn Thát Bà vội nói:

– Cái vụ đó dễ hiểu quá mà!… Tại vì… tại vì cái cảnh đời trước mắt này, thì ai ai cũng trông thấy là như vậy, cái này là cây liễu xanh rờn, cái kia là hồ nước thu trong vắt. Còn như cảnh mộng của ngươi hay của nhị đệ, thì có ai thấy được đâu, chỉ có ngươi hay nhị đệ thấy mà thôi. Bởi vậy, nó là hư… Vả lại… vả lại, trong cảnh mộng, có lẽ người nằm mộng chỉ trông thấy cảnh, nghe thấy cảnh, đôi khi ngửi thấy, nhưng hình như không sờ mó được cảnh, không có xúc giác… (Hắn ngồi nhổm dậy, giọng cao hứng:) Đấy, đấy, thiếu mất xúc giác, bởi vậy nó là hư… Sao, ta giải như vậy nghe được chứ?

Cuồng Huệ chậm rãi:

– Đại sư huynh giải như vậy thì cũng nhằm lý lắm. Tiểu đệ đôi khi cũng thoáng nghĩ như vậy. Nhưng không hiểu sao đệ vẫn thấy mang mang không hài lòng với lời giải ấy.

– Tại sao không hài lỏng?

– Tại vì nhiều duyên cớ lắm. Neu nói rằng một là hoàn toàn hu giả, thì tại sao lại có những điều mộng ứng đúng vào hoàn cảnh đời sẽ xẩy ra?… Còn nói rằng cảnh đời là thực vì có nhiều người trông thấy, thì tiểu đệ trộm nghĩ ngược lại. Giả thiết ở chốn đế kinh này có chừng hai chục vạn người, lại giả thiết rằng trong số người đó, chỉ có một người thức thôi, còn tất cả những người khác đều ngủ mê cả. Ngủ mê và mộng thấy cùng một cảnh giới: tỷ dụ như thấy một con cá thực lớn, mình dài hàng mấy trăm trượng, và quấn mình quanh một trái núi lớn… Giả thiết như vậy thì sẽ ra sao? Thì lúc đó, cảnh giới con cá sẽ trở thành thực chăng, và cảnh giới nơi đế kinh của kẻ duy nhất còn thức kia sẽ trở thành mộng chăng?

Càn Thát Bà vỗ đùi:

– Ờ nhỉ, ờ nhỉ, chú này tâm ngẩm tầm ngầm mà lý luận kinh người. Thực ta chưa nghĩ tới chỗ đó… Nhưng này, không được, không được. Ai đời lại giả thiết như thế bao giờ? Làm gì có thể giả thiết được như thế? Làm gì mà có hai chục vạn người cùng ngủ mơ thấy con cá? Ngươi lại định hý lộng ta rồi…

Cuồng Huệ mỉm cười:

– Xin nhị vị sư huynh thứ lỗi cho. Không hiểu sao đệ cứ hay loanh quanh luẩn quẩn với những ý nghĩ lan man như vậy. Đệ cứ mang mang nghĩ rằng cái vũ trụ này là một pho sách lớn, chẳng biết ai viết ra, pho sách lúc nào cũng để sờ sờ trước mặt mình nhưng lại ẩn dấu một hạt bụi, mà mình không có cách nào mà khui cuốn sách ra được. Mà dù có khui ra, thì mình lại cũng không nhận được mặt chữ… Dù ai nói gì thì nói, đệ vẫn mang mang nghĩ rằng cái vũ trụ này là ảo, và lời ghi trên vách đá nhắc nhở mình về điểm nghi tình ấy là đúng… Đôi khi… đôi khi đệ lại trộm nghĩ rằng có khi vũ trụ này chỉ là do một bậc Đại yêu huyễn nào hóa hiện ra để làm trò hý lộng chơi. Neu như thế, thì bọn mình đều trở thành những con ổi lúy cả, nhảy múa lăng nhăng như lời tôn giả nói… (ổi lúy là những người hay chúng sanh tạo nên do huyễn thuật…)

Càn Thát Bà vội xua tay:

– Không được, không được. Mình đâu có phải là con ổi lúy! Chắc là ông tôn giả nói ai đó, chứ đâu có chỉ bọn mình… Ta có ý niệm rõ ràng đích thực về ta mà. Ta đi, ta đứng, ta nói, ta gắt, ta ngửi, ta nhớ tưởng, ta suy nghĩ… cái gì cũng rõ ràng minh bạch cả, chứ đâu có hồ đồ như chú mày nói…

Cuồng Huệ vẫn chậm rãi:

– Thường khi thì đệ cũng nghĩ như đại sư huynh vậy… Nhưng chợt một cái, đệ lại thấy như là không phải thế… Đây nhé, tỷ dụ như bây giờ, mặt trời lại sắp ngả bóng rồi, và người đời thường cho rằng ngày sắp tàn và đêm sắp tới. Rồi lại cho rằng hôm nay là ngày mùng sáu tháng chín, thì ngày mai là mùng bảy. Nhưng đệ lại chợt nghĩ rằng không biết có thực như vậy không, có ngày có đêm thực không, và thời gian là cái gì vậy?… Có khi thời gian vẫn chỉ là một cái gì an nhiên bất động, rồi lòng người vì quá chờ đợi háo hức mong mỏi, đã nương vào ánh nắng của mặt trời để chia thành ngày đêm, năm tháng mà thôi…

– Ờ nhỉ, ở nhỉ, chú mày nói cũng không phải là vô lý hoàn toàn… Thì ta cũng nói thế mà lỵ. Ta vẫn bảo rằng một ngày trên cõi trời Dao Lợi dài bằng năm, bảy chục năm ở cõi nhân thế này… Nhưng về thời gian thì ta tạm chấp nhận được, còn như chú mày nói rằng cái Ta của ta đây mà cũng là ảo, thì ta nhất định không chịu. Ta biết cái Ta của ta quá mà!

– Có khi đệ cũng là một tên cuồng, ông bạn rồng già của đệ đã chê như vậy cũng phải. Nhưng bình sinh, đệ hay khắc khoải phiền muộn về chính cỗi nguồn của mình. Đệ thực không hiểu là mình ở đâu mà tới. Không lẽ chỉ một lá cỏ linh chi lại hóa thành đệ được sao? Hay là một bậc Đại yêu huyễn nào đã mượn lá cỏ đó để đẩy đệ ra đời như một trò huyễn thuật… Đôi khi, ngay ở đây này, đệ đi lang bang dưới tia nắng quái của buổi chiều tà, đệ cứ nhìn cái bóng lêu nghêu của mình, rồi lại nghĩ đến thân mình, đệ quả thực không hiểu cái nào là thực, cái nào là giả nữa…

Càn Thát Bà gật gù:

– Có khi là tại chú mày hóa sanh từ một lá cỏ, nên chú mày buồn bực nghĩ lan man như vậy. Như ta đây, ta cũng hơi hóa sanh đấy chứ, nhưng ta lại gá vào mẹ ta để hóa sanh. Mẹ ta thấy một cái bướu nhỏ mọc ở nách mình rồi hóa sanh ra ta. Bởi vậy, nếu chú mày nói ta là ảo thì ta không chịu…

Cuồng Huệ nói:

– Đệ xin mạn phép hỏi đại sư huynh lời này. Tên của sư huynh là Càn Thát Bà, và sư huynh cũng tự nhận như vậy. Vậy thì cái gì đích thực là Càn Thát Bà, xin sư huynh chỉ cho. Phải chăng là cái mũi của sư huynh, hay là chỏm tóc?

Càn Thát Bà giãy nảy:

– Này, này, đừng có nói động đến cái mũi cùng chỏm tóc của ta…

– Hay phải chăng là những lóng xương, những thớ thịt của sư huynh? Mỗi ngày, huynh thường ngửi hương trầm và hương rượu, vậy thì những thứ hương đó khi nhập vào mũi sư huynh, nó có trở thành Càn Thát Bà hay không Càn Thát Bà? Nó có phải là cái Ta của sư huynh không?… Đôi khi, người sư huynh cũng tiết ra một chút mồ hôi, vậy nước mồ hôi chảy ra đó có còn là Càn Thát Bà hay không còn?… Dạo này, khi sư huynh ngủ, sư huynh lại đâm ra hay ngáy nữa, và ngáy to là đằng khác…

– Bậy nà, bậy nà, ta đâu có ngáy bao giờ…

Cuồng Huệ cười:

– Thì có nhị sư huynh đây làm chứng…

Càn Thát Bà vỗ đùi:

– Thôi chết rồi, đúng rồi. Xưa kia, ta có ngáy bao giờ. Chắc là tại từ khi xuống đây, ta bắt ngửi hương rượu. Cái thứ rượu trần thế này, nó nồng nàn cay xè khiến ta bắt ngáy… Nhưng đó là rượu ngáy, không phải ta ngáy…

– Vậy thì cái đó không phải là sư huynh. Vậy cái gì mới đích thực là sư huynh đây?

Càn Thát Bà gãi gãi chỏm tóc:

– ơ hơ, ta nghĩ ra rồi. Có thế thôi mà chú mày cũng không nghĩ ra, cứ đi hỏi vặn hỏi vẹo ta mãi., thì tất cả những thứ đó tập hợp lại, ăn khớp với nhau thì thành ra cái Ta là Càn Thát Bà chứ gì?!

– Đại sư huynh nói vậy cũng không trúng. Neu tất cả những cái đó tập hợp lại, ăn khớp với nhau rồi kết thành cái Ta của sư huynh, thì cái Ta đó cũng chẳng hay ho gì… Vì sao? Là vì đã có tập hợp thì rồi cũng có ly tan, làm sao tránh được? Và một khi những cái đó ly tan, thì cái Ta của sư huynh lúc đó núp ở đâu, và sẽ thành cái gì?

– Ờ, ờ… nhưng còn những tâm tưởng của ta nữa chứ. Ta suy nghĩ, ta khen mùi hương này, mùi hương kia kém cỏi… lúc đó, cái Ta của ta sẽ núp vào những cái đó…

– Nhưng cái đó tiểu đệ e rằng nó cũng biến hiện, cũng ly tan… Tỷ dụ như trước kia, đại sự huynh trầm trồ khen hương rượu, nhưng đến nay lại chê nó đã làm sư huynh bắt ngáy…

– Hừ, miệng lưỡi của chú mày cũng sắc bén lắm, chỉ thích nói móc họng ta thôi… Nhưng trong tâm tư của ta, còn có cái ức niệm, nó chuyên nhớ về những việc cũ, rồi nó lại dự tưởng những vụ về sau này nữa, nó kết tất cả những vụ đó lại thành một chuỗi dài lê thê… Vậy thì cái đó phải miên tục, và có thể vĩnh cửu chứ?

– Cũng chưa chắc đâu đại sư huynh. Vì cái ức niệm đó nó cũng thảng thốt, có việc hôm nay nó nhớ nhưng mấy hôm sau nó lại quên bẵng… Như đệ chẳng hạn, có những việc ở miền Hương Thủy Hải mà đệ cũng quên mất rồi..

Càn Thát Bà lắc lư cái đầu giây lát, rồi nói:

– Thế còn cái ý chí của ta nữa chứ. Cái ý chí nó còn ở trên, ở trong cái ức niệm, nó ngấm ngầm dấy động và khiến cho ta tồn tại và khiến cho ta biết ta là ta… Cái đó thì ngươi không thể bác khước được… Tuy ta chẳng chịu tu hành gì mấy nỗi, nhưng ta cũng có được chút ít thần thông hơn kẻ khác. Ta bay được, ta biến hóa thân hình chút ít cũng được… Vậy thì cái gì làm cho ta có thể biến hóa được, nếu không phải là cái ý chí?… Neu quả thực không có cái Ta Càn Thát Bà, thì tại sao lại có vô số những kẻ khác chưa có nổi những thần thông biến hóa như ta?

Giọng nói của hắn như sắp nổi cơn quạo. Cuồng Huệ vội đấu dịu:

– Tiểu đệ thực tâm có dám tranh cãi với đại sư huynh đâu! Chẳng qua là trong lòng tiểu đệ có lễ có nhiều ám chướng nghi ngờ, nên muốn thỉnh giáo sư huynh thôi… Nhưng thực tình thì ngay đến cả cái ý chí đó, kể cả cái ý chí đơn bạc nhỏ nhoi của tiểu đệ nữa, tiểu đệ cũng nghi ngờ nó chưa chắc đã là thực… (Y chỉ ngón tay xuống cỏ:) Đại sư huynh thử nhìn xem, con kiến nó đương bò đây, nó cũng có ý chí của nó chứ, khiến nó bò liên hồi, bò ngày bò đêm, chẳng kể trời đất là gì nữa… Sư huynh cùng đệ sanh ra đã có chút ít thần thông nhưng cái đó chẳng qua là một thứ sanh đắc thông, tự nhiên mà có. Huynh cùng đệ đều bay được, nhưng đệ trộm nghĩ có khi cái bay của mình cũng chỉ tương tự như cái bò của con kiến mà thôi… Còn như chuyện biến hóa thân hình, thì lại càng rõ ràng rằng chính thân mình là ảo, nên mình mới biến hóa nổi. Còn nếu nó là thực, thì nó đã trơ trơ bất động, làm sao mà biến hóa? Thực tình đệ trộm nghĩ như vậy, không biết có đúng không?

Càn Thát Bà thở dài:

– Thôi, thôi, làm sao trước kia ngươi có vẻ hiền lành lầm lầm lỳ lỳ như vậy, mà chỉ đi với ta có ít lâu đã đâm ra nhiều ý rắc rối như vậy… Ta đâu có làm đại sư huynh để các ngươi cứ đem ta ra truy vấn…

Cuồng Huệ bật buồn cười:

– Thì một phần cũng chính là tại đại sư huynh đấy. Sư huynh đã mớm những niềm nghi ngờ cho tiểu đệ

– ?!

– Khi tiểu đệ được gặp huynh ở nơi đầu non Hương Thủy Hải, chính huynh đã nói với tiểu đệ rằng có lẽ vũ trụ này là một thứ diệu âm tạo nên, rồi nhân diệu âm nên có động, nhân động rồi có quang minh, nhân quang minh có hình sắc, nhân hình sắc có mùi hương, nhân mùi hương mà có vị… Huynh đã chẳng nói như vậy là gì? Neu vũ trụ này là một tuồng biến hiện như vậy, thì nó chắc phải là ảo chứ?

– Ờ nhỉ, ờ nhỉ… Thế mà ta quên khuấy đi mất, nhưng ta chỉ hồ nghi như vậy thôi, chứ đâu có chắc. Vả lại, dù nó có biến hiện như vậy, cũng chưa chắc đã là ảo. Có khi nó vẫn thực thì sao…

Hắn quay lại hỏi Thạch Sanh:

– Này, thế ngươi nghĩ sao, ai phải, ai trái?

Từ lúc nãy, Thạch Sanh vẫn ngồi im nghe hai người tranh cãi tuy miệng chàng vẫn lâm râm niệm Phật. Nghe những lời của Cuồng Huệ, chàng bất giác nhớ lại những lời cãi đã tuôn ra nơi cửa miệng chàng lúc ngồi trước điện Diêm La. Chàng thầm nghĩ những lời ấy chắc do sức hộ trì của giọt hào quang hay của tôn giả. Chàng cũng nhớ lại lúc đó, chàng như kẻ xuất thần, tự nhiên muốn ngồi tĩnh tọa như lặng lẽ nhập định… Từ khi được sống lại, chàng vẫn noi theo nếp ấy, cứ nửa đêm thì trở dậy, ngồi thiền quán một hồi lâu để săm soi tâm mình. Tuy nhiên, chàng vẫn coi công phu đó là phụ, và chỉ

muốn tha thiết nhất với câu niệm Phật. Vì chàng thầm nghĩ chỉ có thần lực của Ngã Phật từ bi mới cứu nổi chúng sanh, còn nhu tự lực của chàng thì chàng lại chẳng tin mấy nỗi. Chàng nhất tâm đặt tin tưởng vào thần lực của Đại Phù Đồ Phật, vào thần lực của tôn giả, và chỉ coi mình như một con cờ thôi. Nên chàng không mấy hăm hở về những vụ tranh luận… Nhưng nay, chàng bỗng nghe vang lên ở cửa miệng sư đệ những luận điệu như vô thường, vô ngã, nên chàng liền nói:

– Đệ thực tình cũng chưa biết quyết nghĩ ra sao. Trong những niềm nghi ngờ của tam đệ, có thể có những chi tiết còn lệch lạc. Nhưng rất có thể là y có một cỗi nguồn khác chúng, nên y có những mầm vô sư trí. Không cần có thày, không cần kinh sách mà vẫn hiểu ra được… (Chàng bảo Cuồng Huệ:) Tiểu huynh thiển nghĩ có lẽ tam đệ nên tĩnh tọa thiền quán. Lâu rồi, tâm lực của hiền đệ có thể phát sáng và tìm được lời giải.

Chàng nói thế rồi, thì cả ba cùng ngẩn ngơ im lặng. Nhưng cũng từ hôm đó, cứ mỗi đêm, Cuồng Huệ đều trở dậy, ngồi trên chiếc bồ đoàn để tĩnh tọa thiền quán.

Riêng Càn Thát Bà thì chưa chịu tập tành gì hết. Hắn lầu bầu:

– Chưa cần tĩnh tọa, động tọa gì hết. Cứ chờ coi Phật khẩy móng tay ra sao, rồi hậu xét.

Thời gian như thoi đưa, không ai cầm lại được, nên thấm thoát đã tới ngày rằm tháng chín… Từ nhiều ngày trước, nơi chùa Hóa Độ đã nhộn nhịp sửa soạn thiết lập đàn chay, còn bến Hương Bình thì sửa soạn hội hoa đăng…

Từ trước đến nay, mặc dầu đã có ít ngôi chùa, nhưng thực ra dân gian xứ Phong Châu chưa mấy ai lưu tâm nhiều đến đạo Phật. Nay do cơ duyên run rủi, do việc té ngã bất tỉnh của công chúa và sự hồi tâm của nhà vua, nên từ non tháng nay, tại chốn đế kinh, nhà nào cũng vậy, từ nơi hang cùng ngõ hẻm, cứ mỗi tối khi lên đèn, là dân chúng thường hay quây quần xì xào bàn tán về vụ Thạch Sanh xuống địa phủ. Câu chuyện được kể đi kể lại, thường được thêm bớt nên đôi khi trở thành quá ghê gớm hoang đường. Thực ra thì chưa có mấy ai được nghe đích xác đầu đuôi câu chuyện, trừ một số người trong cung vua cùng bọn anh em Thạch Sanh. Rồi cứ thế mà được đồn đại tới những địa phương khác. Có một số người ở xa cũng cơm đùm cơm nắm trảy kinh đô để dò hỏi cùng coi vụ đó.. .Nhưng thêu dệt hay không thêu dệt, ai nấy đều phải công nhận những sự kiện đích xác: là chàng tiều phu đã uống chén thuốc độc, đã ngã xuống chết rồi, nay lại sống lại và trở thành sư, và nàng công chúa cũng sống lại. Rồi lại đi thỉnh kinh nữa. Cho nên, họ không thiếu gì đề tài cùng sự ngẫu hứng để bàn tán… Có kẻ lại rất tiếc ông thày bói, nên cứ đi tìm quanh tìm quẩn. Nhiều gia đình bắt đầu thiết lập những bàn thờ tại nhà. Một vài người có khiếu hội họa, liền xoay ra vẽ những bức tranh về vụ Thạch Sanh xuống địa phủ, hoặc vẽ hình tượng đức Đại Phù Đồ Phật, để chính mình thờ hoặc bán lại cho hàng xóm. Và nhất là họ chờ đợi để rủ nhau đi coi đàn chay cùng hội hoa đăng. Ai nấy đều chắc mẩm là Thạch Sanh cùng nàng công chúa không đi đâu thoát khỏi, và thế nào cũng có mặt ở đó. Và họ muốn đi coi thật mục sở thị xem hai bên ra sao, để dò đoán những ẩn tình…

Đàn chay sẽ được khai đàn vào cuối giờ mùi, buổi trưa ngày rằm. Từ hôm trước, trong thành nhà nào nhà ấy đều giăng đèn kết hoa. Sáng ngày rằm, ngay từ giờ tỵ, phần đông dân chúng đã đổ xô đến các đường phố cùng ngõ ngách rải rác từ chùa Hóa Độ đến bến Hưong Bình. Họ đi như nêm cối, trai thanh gái lịch dập dìu. Người già cả thì cao hứng vui mừng về vụ đi xem đàn chay và thầm mong việc độ thoát, trẻ nhỏ thì xúng xính áo quần lại trong túi có bánh kẹo, những thanh niên thanh nữ thì khấp khởi hồi hộp vì câu chuyện tình lâm ly, như hư như thực. Tiếng cười, tiếng nói xôn xao. Khoảng năm trăm tên lính thị vệ của nhà vua cũng phải chạy đông chạy tây, hò hét khản cổ, vất vả lắm mới giữ tạm được trật tự. Cũng may là tại vùng đó, có con sông Kinh uốn khúc vòng quanh, nên mới có đủ chỗ khoảng khoát cho ngần ấy người chen chúc… Trên không những cây tùng, cây bách đã lác đác nhuốm màu rừng phong vàng đỏ…

Ngay trước cửa chùa, có thiết lập một trái ngao sơn già, được làm bằng giấy màu xanh đen, to lớn và cao gần bằng ngọn cây bách mọc trước cổng chùa. Trái núi có gắn nhiều ngọn đèn hình hoa sen nở, đã được thắp sáng. Hai bên vách tường của chùa đã được quét vôi lại trắng tinh, bên trên có được vẽ hai bức họa lớn, vẽ bằng vôi nhiều màu: một bên vẽ cảnh biển nghiệp lực cùng chiếc cầu Nại Hà trong rặng núi Thiết Vi Luân Sơn, một bên vẽ cảnh uổng Tử thành với những oan hồn ngồi đứng lố nhố… Dưới bức họa, có đề hàng chữ: “Vẽ theo lời thuật của sa môn Lý Liễu Quán, người được trở về dương thế.”

Trong chùa, những cửa nơi chánh điện đều mở rộng để hiển lộ hình tượng đức Đại Phù Đồ và bức tranh đức Quán Thế Âm, cùng đèn nến hương khói nghi ngút. Trước điện, trên chiếc sân gạch rộng, có thiết lập đàn tràng, gồm một chiếc bục gỗ thực lớn, trải lụa vàng, cao đến bốn thước ta. Trên bục đặt hình tượng đức Địa Tạng Bồ Tát cao đến tám thước, đan bằng tre và mây cùng nhiều thứ lụa ngũ sắc, tay phải cầm gậy long tích trượng, tay trái cầm viên ngọc châu, chân ngài đặt trên chiếc hoa sen đứng trên một chiếc cầu vồng ngắn. Chung quanh có cắm rất nhiều cây phướn cùng lọng. Trên mấy cây phướn lớn, có đề mấy chữ: “Thầm Hào Quang Đại Từ Bi”. Dưới sân gạch, chung quanh chiếc bục gỗ, có để ba chiếc lồng lớn, chứa tới mấy ngàn con chim sẻ, cùng ba chiếc vại sành lớn chứa tới mấy trăm con cá. Nào là chim sẻ, chim yến, chim bạc má… tất cả đều ríu rít xôn xao bay nhảy. Còn cá thì phần đông là cá chày, lửng lơ bơi lội, nhưng im thin thít. Ở một phía sân đối diện ngay với đàn tràng, có đặt một chiếc ngai vàng nhỏ, cùng mấy chiếc ghế cũng sơn đỏ thếp vàng, ý chừng dành cho gia quyến nhà vua. Đằng sau có mấy dãy ghế dành cho các quan đại thần, còn tất cả đều phải đứng cả…

Khoảng giữa giờ mùi, một hồi trống lớn vang lên, rồi mười mấy chiếc xe tứ mã đưa gia quyến nhà vua cùng đại thần tới, hai bên có lính thị vệ theo hầu. Đám đông dân chúng đều im lặng, nghen cổ nhón gót mà nhìn. Nhưng đa số đều ở xa tắp, chẳng nhìn được mấy đỗi. Vua bước xuống xe rồi đến hoàng hậu, theo sau là công chúa. Những tiếng xì xào lại nổi lên: hôm đó, công chúa mặc một chiếc áo lụa trắng rất giản dị, vẫn quấn chiếc khăn lụa xanh nhạt, cũng đeo nửa mạng mặt, nhưng nét mặt lại hơi rầu rĩ bâng khuâng, không thấy tươi tỉnh vui cười như một người vừa được sống lại. Nàng vốn tinh nghịch lại hay cười, nhưng từ khi tỉnh lại, nàng bỗng trở thành rầu rĩ đăm chiêu, không hay nói cười như trước. Lúc này, nàng thẫn thờ bước theo chân hoàng hậu, chẳng ngước mắt nhìn ai cả, dáng điệu xa vắng tưởng chừng như mọi việc chung quanh đều không can hệ gì đến nàng cả. Trong dân chúng, đã có tiếng xì xào:

– Đúng rồi, đúng là nàng bị đòn tương tư phản ngược lại rồi…

– Sai, sai bét, chàng trai là một nhà sư xí trai thì tương tư sao đặng? Hỡi ôi, bố ai hiểu được lòng người ra sao nữa?

– Cứ gieo cầu kén chồng luôn đi thì hết cả rầu rĩ… Kìa, hãy nhìn các vương tôn công tử đi theo kia thì thiếu gì kẻ đẹp trai…

– Nhưng ai cũng thua xa cái anh chàng đi theo bố Thạch Sanh. Chà, chà… người đâu mà trông cứ như thiên thần vậy!

Lúc đó, thì một đoàn chư tăng, dẫn đầu bởi vị sư già niên trưởng, rồi thày Minh Tạng, rồi đến Thạch Sanh cùng các vị khác đều ra đón quỳ lạy nhà vua… Thạch Sanh đã được vua gởi đến ban cho hai bộ cà sa mới, nhưng chàng vẫn mặc bộ áo vải vàng của Càn Thát Bà may cho, rồi mặc chiếc cà sa mới trùm ra ngoài. Dáng điệu chàng vẫn còn vẻ thô kệch ngây ngô quê mùa, nhưng không hiểu sao chính cái vẻ quê ấy lại toát ra một vẻ chiêu dụ kỳ lạ. Sự xuất hiện của chàng lại khiến những tiếng xì xào nổi lên. Nhưng chàng vẫn vừa thi lễ vừa lâm râm niệm Phât… Càn Thát Bà cùng Cuồng Huệ đều theo sau, mỗi người mặc một chiếc áo tràng phá nạp màu xanh nhạt. Càn Thát Bà đưa mắt hấp háy nhìn công chúa một hồi, nhưng chợt nghĩ rằng đó là một nữ nhân, nên y lại khép mắt lại rồi nhìn ra chỗ khác…

Nhà vua mặc đại trào, đeo đai ngọc, bước vào sân chùa, cúi đầu xá dài trước hình ngài Địa Tạng, rồi ngồi vào ngai. Triều thần lục tục làm theo… Hoàng hậu cùng công chúa cũng vái lễ rồi ngồi gần vua. Tuy đã nhiều lần tự nhủ lỏng là không nên nhìn ai nữa, nhưng Mỵ Ê vẫn phải đưa mắt nhìn nét mặt Thạch Sanh, rồi lại nhìn hai người đi theo. Nàng nghĩ thầm: “Nghe nói hai người này cũng đi thỉnh kinh đây. Không hiểu đã đào đâu ra ngay được hai kẻ đồng hành mà mặt mũi lại chẳng giống ai hết cả…”

Một hồi chuông trống vang lên, dài và ngân nga, rồi chư tăng thong thả bước lên đàn. Họ đều quỳ lễ, rồi phân thứ tự ngồi xuống, hai chân xếp bằng, vị sư già ngồi giữa, còn hai bên là thày Minh Tạng và Thạch Sanh. Càn Thát Bà và Cuồng Huệ ngồi sau lưng Thạch Sanh. Thày Minh Tạng khai đàn, lớn tiếng tụng biến kinh ngắn về an bang và siêu độ vong hồn, các chư tăng đều tụng theo. Ke sau là Thạch Sanh tụng bổn kinh nhơn quả. Giọng chàng vang lên giữa hội trường, trầm đều, nghiêm chỉnh, man mác và xót xa, khiến cho ai nấy đều lắng nghe và đều cảm thấy bâng khuâng:

“Lũ chúng ta cùng các loài chúng sanh khác, trôi lăn trong các cõi từ thời vô thủy đến nay, trải qua những cõi nghiêng, cõi ngửa, cõi úp, cõi mở, cõi uế, cõi tịnh, có những cõi nhẹ nhu mây khói, có những cõi nặng nhu đồng chì… nhưng tâm tư chúng ta thảy đều bị vô minh ngăn ngại che lấp, nên đã tạo nên không biết bao nhiêu nghiệt chướng… Cũng may là những nghiệt chướng ấy nó vô hình tướng, giả thử nó có hình tướng thì đem cả cõi hư không này mà chứa đựng cũng không chứa hết được…”

Khi chàng tụng đến câu này, trong cử tọa có nhiều người rùng mình bàng hoàng sợ hãi… Giọng của chàng như xuyên vào tâm tư người nghe kinh. Càn Thát Bà cũng lẩm bẩm: “Không ngờ chú này lại tốt giọng thế… Nhưng giọng trầm thì tốt, còn giọng kim thì kém ta…” Khi tụng xong biến kinh, chàng quỳ lễ ba lễ, rồi ngồi xuống, xoay mặt lại để nói một thời pháp, vì đó là lời yêu cầu từ trước của nhà vua. Mọi người đều lắng tai nghe để xem nhà sư mới xuống tóc và có vẻ tình si này nói những gì…

Chàng vẫn cất tiếng nói đều đều, chậm rãi như người tự vấn mình, nói giữa thinh không, đôi mắt vẫn nửa hờ nửa khép. Thỉnh thoảng chàng ngừng lại, nét mặt như người hồi tưởng một giấc chiêm bao… Chàng nói khá lâu, nhưng cũng không giảng giải mấy nỗi. Chàng chỉ kể lại những đoạn đường xuống âm cung, nào là núi Thiết Vi Luân Sơn, nào là biển nghiệp lực cùng cầu Nại Hà, nào là sự xuất hiện của ngài Địa Tạng… nào là gặp chàng hán tử ôm kinh, gặp anh đóng khố ăn trộm hoa cúng Phật. Chàng kể rất kỹ lai lịch cùng xuất xứ bộ kinh Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh. Chàng cũng kể đoạn đường ra về, gặp uổng Tử thành cùng hai cây cầu vàng cầu bạc… Nhưng riêng về vụ nàng công chúa, thì chàng chỉ nói lướt qua, coi đó như một cơ duyên xếp đặt từ cõi u minh để khiến chàng phải đi thỉnh bộ kinh quý báu. Rồi chàng kết luận:

“Kẻ tiểu tăng này, từ một kiếp trước đã phạm tội buông lung phóng dật say rượu lỡ tay đánh cháy một phẩm kinh này, nên ngày nay mong đền bù tội lỗi và đi thỉnh kinh. Tiểu tăng thực ra cũng chưa hiểu kinh kệ là gì, nay ra đi trong tâm cũng chỉ biết có mỗi câu niệm Phật, muốn nương vào đó để tìm đến bộ kinh pháp bảo của Chư Phật mà thôi…”

Nói xong, chàng từ từ đứng dậy, chắp tay bước xuống đàn, vừa đi vừa lớn tiếng niệm: “Nam Mô Đại Phù Đồ Phật, Ngã Phật Từ Bi…” Chư tăng cùng bước theo, và lớn tiếng niệm Phật. Nhà vua, hoàng hậu cùng triều thần đều đứng dậy, đa số dân chúng cũng lớn tiếng niệm theo, khiến cho cả một vùng cây cỏ ấy cùng vang lên hồng danh của đức Mâu Ni… Nàng công chúa cũng ngập ngừng rồi đứng lên theo hoàng hậu. Riêng Càn Thát Bà thì nghĩ thầm: “Anh chàng sa môn này, vừa mới thọ giới xong, nhưng xét ra vẫn còn chưa được thật ngữ lắm. vẫn còn luận điệu gượng nhẹ, o bế đàn bà. Đe rồi ta phải chỉnh mới được…” Còn trong dân chúng, cùng có nhiều người cụt hứng dè bỉu vì không thấy Thạch Sanh nói rõ về vụ công chúa. Có người lại thắc mắc vì không thấy nói tới tôn giả ông thày bói…

Khi xuống tới sân, vị sư già mời nhà vua mở lồng chim để phóng sanh. Nhà vua phóng sanh một số, rồi đến hoàng hậu, công chúa, các quan. Các nhà sư vừa phóng sanh vừa tụng chú để cầu cho đàn chim được chuyển thân súc sanh… Đàn chim bay xào xạc lên vòm cây rồi mất hút vào trời xanh… Còn Cuồng Huệ cùng chú sa di thì vác ngay mấy chậu cá đi ra bờ sông Kinh để thả cá. Khá nhiều người được dịp liền đi theo Cuồng Huệ để ngắm y thả cá. Y cầm những con cá trên tay, thận trọng và trìu mến như những kẻ thân thuộc, lấy tay xoa nhẹ vào mắt cá, miệng lẩm bẩm: “Chúng mày xin chuyển thân đi, đừng làm thân cá nữa…” rồi nhẹ thả chúng xuống giòng nước… Thả rồi, y còn đứng ngây ra một hồi nhìn sông nước, rồi mới quay về chùa…

Thày Minh Tạng cũng đương làm lễ đàn Mông Sơn thí thực. Thày vừa đánh mõ, miệng tụng chú thí thực, vừa bốc mấy hạt cơm đựng trong một chiếc bát có nước trong, rồi tung những hạt cơm đó lên thinh không nơi vườn cỏ cạnh chùa… Đó là phép lập đàn Mông sơn thí thực do đức Phật chế ra, để bố thí nuôi sống những cô hồn, ngã quỷ cùng các loài quỷ đói khác… Kinh sách chép lại rằng một lần, đức Phật đi độ duyên qua một vùng núi non, gặp một con quỷ Khoáng dã, Ngài bèn dùng thần thông thu phục con quỷ ấy. Con quỷ chịu phục rồi, nhưng kêu ca rằng: “Xưa nay tôi chỉ sống bằng cách ăn thịt người, nay Ngài lại bắt tôi giữ giới, thì tôi biết lấy gì mà ăn cho sống lâu bây giờ.” Giữa lúc đó, cùng có một đám ngã quỷ cùng cô hồn kéo tới, cũng kêu ca rằng: “Chúng tôi đói khát quá, mà chẳng có gì ăn uống. Cơm hay nước đều thường biến thành lửa cả, không sao nuốt nổi…” Đức Phật dạy: “Đã như vậy, thì ta sẽ bảo các đệ tử của ta, mỗi khi dùng trai, sẽ bố thì cho các ngươi một thứ cơm nước có thể ăn uống được…” Khi trở về, Ngài truyền cho chư tăng một câu châm ngôn thí thực (Nam mô bộ bộ đế lỵ già rị đa lỵ đác đa nga đa đa) cùng phép lập đàn Mông sơn. Trước khi dùng trai chư tăng chỉ việc lấy độ nửa bát cơm, ngâm vào nước trong, tụng câu chân ngôn bảy biến, rồi tung cơm lên thinh không. Do thần lực của châm ngôn, nửa bát cơm đó sẽ biến hóa thành đủ cơm nước để nuôi sống bọn ngã quỷ, cô hồn, Khoáng dã ở vùng đó. Nên các chùa vẫn theo tục lệ bố thí đó…

Phóng sanh cùng thí thực xong, thì chư tăng xếp hàng một để chạy đàn, hữu nhiễu chung quanh đàn đức Địa Tạng, vừa đi vừa chuông mõ vừa niệm Phật. Dần đầu bởi vị sư già. Nhà vua cùng hoàng hậu cũng nhập vào để chạy đàn, hầu hết các đại thần cùng theo chân. Riêng công chúa nại cớ hơi chóng mặt, nên cứ ngồi lỳ trên ghế…

Chạy đàn hồi lâu, thì mặt trời đã ngả sau rặng núi. Tuy đám người xào xạc đông đúc như vậy, nhưng cảnh vật của buổi chiều cuối thu vẫn đượm vẻ hiu hắt man mác. Mặt trăng rằm đã lấp ló ven trời, và gió đã ngả lạnh… Nhà vua và hoàng hậu đều bước ra khỏi đàn, cất tiếng mời một số chư tăng cùng bọn Thạch Sanh để tới Hương Bình dự hội hoa đăng tiễn biệt… Ngày hôm sau thì sa môn Lý Liễu Quán đã ra đi rồi, nhưng chư tăng vẫn sẽ tiếp tục đàn chay trong bảy lần tức bốn mươi chín ngày…

Ben Hương Bình tối hôm đó, đã biến dạng thành một rừng đèn: đèn trên bờ, đèn trên thuyền, đèn dưới mặt sông. Vì trên mặt nước có thả nhiều khúc cầu nổi, làm bằng những ống nước nối lại liền nhau, và bên trên có gắn những cây đèn… Trên trời lại có đèn trăng vằng vặc, và lác đác có những đàn đom đóm cuối mùa bay xen lẫn vào những lùm cây hoặc rặng đèn. Các thuyền cũng đều giăng đèn kết hoa, và đàn sáo dập dìu, lượn lờ khắp trên mặt sông… Thôi thì đủ các thứ đèn: nào là đèn kéo quân, đèn con cá, đèn con rồng, đèn vẽ chuyện cổ tích, đèn hoa sen, hoa phù dung, hoa mẫu đơn, đèn con hạc, đèn con rùa, đèn con cóc, đèn bánh hoa bèo, đèn hình bánh chưng, thậm chí lại có cả một số đèn vẽ hình nàng công chúa, cùng vẽ Thạch Sanh đội cây đèn đi theo hai quỷ xuống âm cung… Lại có những đám múa rồng, múa lân, lượn lờ khắp chốn, trống đánh thì thùng… Càn Thát Bà cứ đứng ngẩn người ra nhìn, hắn thích chí lắm, bảo Cuồng Huệ: “Trên trời thì nhiều cảnh đẹp thực, nhưng không có cảnh tung tăng rước đèn này… Kìa, kìa… nó vẽ cả chú mày, lại dám vẽ cả ta nữa…”

Ngay trên bến, có dựng một ngôi nhà thủy tạ, làm toàn bằng tre và trúc, làm nơi để nhà vua cùng chư tăng dùng bữa cơm chay buổi tối. Ngay kế đó, trên mặt nước, có túc trực một chiếc thuyền rồng cùng mấy chiếc nữa, để lát nữa nhà vua đi thả đèn trên sông… Khi bước vào nhà thủy tạ, nhà vua dừng lại, ngắm nhìn bốn phía rất lâu, vuốt chòm râu lơ thơ ra chiều cao hứng lắm, rồi bật lên tiếng cười ha hả. Nhiều người cũng cười theo. Ngồi vào bàn tiệc, nhà vua đứng dậy, giơ cao chiếc chén màu men xanh biếc, nói lớn:

– Khá tiếc thay là hôm nay, trong chén này lại không có rượu mà chỉ có pha trà với nước giếng trong. Nhưng thôi, hôm nay là ngày của các thần linh, và có lẽ vận mệnh của dân gian xứ này đều nằm trong tay các thần linh cả. Trẫm đây có lẽ cũng chỉ là người thừa hành thôi… Được một ngày như hôm nay cũng là một sự khoan dung lạ lùng của thần linh… Nhưng trẫm thầm mong rằng rồi đây, xứ Phong Châu này sẽ luôn luôn có những ngày âu ca an lạc như vậy, và rồi đây, sa môn Lý Liễu Quán cùng hai quý hữu sẽ thỉnh được bộ kinh pháp bảo mang về làm bóng mát nương nhờ cho toàn thể dân gian xứ này…

Dứt lời, vua liền cạn chén. Mọi người đều ùa vào hoan hô chúc tụng. Tuy vậy, nhưng trong lòng nhiều kẻ, chắc cũng cụt hứng vì thiếu rượu. Nhất là bọn vương tôn công tử, vì các đấng này đều biết rằng chỉ cỏn một năm nữa là công chúa tới tuổi gieo cầu kén chồng mà đức vua lại chưa có hoàng tử, nên hội hoa đăng này chính là dịp hy hữu để họ phô bày các thứ tài năng và duyên dáng… Lại thấy vua là người bình dị, dễ dãi về lễ nghi, nên bọn vương tôn đều nhao nhao huênh hoang cười nói, nhiều kẻ phô trương khoe khoang lố bịch, nhưng cũng có kẻ chỉ lặng lẽ rình dịp để liếc mắt đưa tình… cũng có kẻ chín chắn hơn, thì thầm nghĩ: “Cũng may mà tên kia thì làm sư rồi, còn tên kia (chỉ Cuồng Huệ) lại đi theo thỉnh kinh. Thực là kinh vạn tuế, tuy ta chẳng biết kinh là cái chi chi… Thỉnh kinh thì biết bao giờ về? Chắc là bọn yêu ma nuốt chửng mất thôi…”

Trong khi ấy, giữa chốn náo nhiệt như vậy, công chúa vẫn ngồi ơ thờ bất động. Nàng ngồi riêng nơi một chiếc bàn đặt ở góc lầu, nhìn ngay xuống mặt sông, cùng với hoàng hậu và mươi vị mệnh phụ vợ các đại thần, bọn thị tỳ xúm xít xung quanh hầu hạ. Nàng thỉnh thoảng chỉ nhắp một ngụm trà, hoặc nhón ăn một hai miếng như chim ăn…

Đôi lúc, nàng đưa mắt lơ đãng nhìn mấy cây đèn lắt lay trước mắt, ngoài ra chẳng buồn nhìn ai hết, cũng chẳng thèm nhìn về phía bọn Thạch Sanh đương ngồi ở góc lầu đàng kia cùng với chư tăng. Nhưng đôi tai nàng hình như vẫn cố lắng nghe những lời nói của bọn họ. Song bọn họ cũng chẳng nói gì nhiều, chỉ thỉnh thoảng có tiếng cất lên của Càn Thát Bà hay Cuồng Huệ mà thôi. Nàng thở dài tự nhủ thầm: “Còn một đêm nay nữa thôi. Nhtmg đêm nay, thì cũng có gì đâu? Đêm nay, giữa cảnh náo nhiệt này, thì mình cũng chỉ ngồi trơ ra thôi, trơ ra với đôi má phấn vô tích sự… Cái bọn vương tôn công tử này thì thực nhạt phèo và rỗng tuếch, chỉ được cái giỏi đi hia đội mão. Còn bọn kia, thì ngày mai họ đi rồi… Họ đi rồi, thì mình biết làm gì đây?… Ờ nhỉ, tại sao mình không nghĩ tới chuyện trốn đi cùng nhỉ? (Nàng chợt nghĩ rất lung về vụ này.) Mình chỉ việc sáng mai dậy thực sớm, cải trang thành con trai, bắc chiếc thang trèo qua tường rồi lẻn ra đấy núp dưới thuyền là xong chứ gì? Nhưng chắc là không được. Nghe nói chiếc thuyền này cũng chẳng to lớn gì mấy nỗi, biết chui vào đâu cho kín được. Và chắc là vua cha sẽ cho người đi khắp các ngả để tìm kiếm để bắt mình lại… Vả lại, cái bọn ba anh chàng này chưa chắc đã ưng chịu cho mình đi cùng đâu! (Nàng bỗng buồn cười một mình.) Ai đời lại có một nhà sư đi thỉnh kinh cùng với một cô gái giả trai bao giờ? Như thế, thì chắc là ông vua Diêm La kia giận lắm, có khi lại sai tụi quỷ sứ bắt lại mình cũng nên… Còn hai anh chàng kia thì mặt mũi cũng khó chịu lắm, người nào cũng lầm lầm lỳ lỳ như một hòn đảo, cứ ơ thờ lạnh nhạt có chịu chào hỏi ai lấy một câu nào đâu?… Thôi, thôi, chắc là không được rồi… Phải chi mình là thân con trai, thì đỡ biết mấy…”

Nàng nghĩ đến đây, thì ở góc lầu bên kia, bỗng có tiếng của Cuồng Huệ vang lên:

– Thôi, tôi ăn ba chén thế này là đủ rồi… Kể ra thì tôi ăn một chục chén hay hai chục chén cũng được, nhưng ăn nhiều chỉ tổ nặng cái xác thân ra thôi, chẳng ích lợi gì…

Bỗng có tiếng khàn khàn run rẩy của vị sư già:

– Ngày mai hiền giả ra đi, không biết chừng nào mới trở về được?… Chừng đó, không biết bần tăng này có còn sống được không để nhìn thấy bộ kinh?

Công chúa không nhịn được nữa, đành đưa mắt nhìn sang. Nàng thấy vị sư già run rẩy cảm động, vừa nói vừa đưa ngón tay gầy khô vén mi mắt lên để nhìn Thạch Sanh. Anh chàng này cũng cảm động không kém, thẫn thờ nói:

– Tiểu tăng ngày đêm không ngừng cầu nguyện, chỉ xin sớm thỉnh được bộ kinh để trở về Phong Châu thôi. Ngay trong giấc ngủ, có lẽ tiểu tăng cũng không ngừng cầu nguyện… Còn việc hẹn ngày về… thì… thì tiểu tăng trộm nghĩ có lẽ khi nào chư vị ở chùa Hóa Độ thấy điềm xuất hiện một chiếc cầu vàng trên trời nối liền hai rặng liễu nơi hai ven bờ chiếc hồ Tiểu Kính Tâm ở sau chùa, thì có lễ ngày đó tiểu tăng sẽ được về đến nơi… (Chàng ngừng lại, rồi nói với vị sư già:) Xin người cứ yên tâm. Chắc là đức Phật sẽ độ trì cho người được còn tại thế cho đến ngày đó. Dù bề nào đi nữa, tiểu tăng cũng xin tụng bộ kinh pháp bảo, cầu nguyện cho người được siêu linh nơi tịnh thổ…

– Nếu được vậy, được vậy… bần tăng cảm ơn, cảm ơn lắm…

Vừa lúc đó, không hiểu sao bỗng nhiên có một đám mây nhỏ xuất hiện trên trời, che lấp một phần mặt trăng, rồi một cơn mưa nhẹ lào rào lất phất đổ xuống. Những giọt mưa rơi rì rào thánh thót vào những lùm cây cùng nóc quán… Đám đông đi coi hội đương tính chuyện lánh mưa, thì cơn mưa lại tạnh, và vầng trăng lại sáng như cũ… Nhà vua đứng dậy, nổi tiếng cười ha hả:

– Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Những lời của hiền giả chắc là linh ứng lắm…

Thôi, bây giờ đã đến lúc đi thả đèn…

Vua bước xuống đi ra phía thuyền rồng. Mọi người lục tục đi theo…

Chiếc thuyền rồng cùng bốn thuyền lớn nữa, theo nhịp chèo cùng tiếng đàn sáo dập dìu, tiến dần tới chỗ ngã ba sông. Nơi đây, con sông Kinh tẽ ra, một mặt đổ về lượn lờ bao quanh nơi đế đô, một mặt cuồn cuộn chảy về phía đông nam đổ ra biển cả. Nơi ngã ba sông này, cảnh vật thực bao la, sông nước trùng trùng, gió thổi lộng đã mang nhiều khí lạnh của miền bắc đưa về, nhưng ánh trăng thì vẫn hiền dịu biến mặt sông thành một vùng ánh sáng. Mấy con quạ đi ăn trong đêm trăng, bay xào xạc trên thinh không, thỉnh thoảng cất tiếng kêu nghe quạnh quẽ heo hút… Một làn sương nhẹ thấp thoáng phủ trên mặt sông…

Thạch Sanh cùng chư tăng xuống một chiếc thuyền sau ngay cạnh thuyền rồng. Chàng đứng dựa vào mạn thuyền, ngẩn người ngắm nhìn trời mây sông nước bao la. Càng lúc chàng càng cảm thấy cái vẻ lặng lẽ tịch nhiên của trời đất, nhưng nghe tiếng quạ kêu, chàng nhận thấy rõ rệt niềm cô tịch mênh mang của mọi kiếp sống chúng sanh. Chàng tự nhủ: “Chỉ có ánh trăng là hiền dịu, có thể xóa bớt những nét xấu xí của nhân thế. Ngày mai, ta đã ra đi rồi, đi theo giòng nước cuồn cuộn kia… Ta mong rằng ánh trăng sẽ đừng bao giờ lìa bỏ những mái lầu nhân thế, và dù có phải xả thân chăng nữa, ta cũng cố công mang được bộ kinh pháp bảo kia về, để biến cõi nhân gia này thành một cõi thanh tịnh lưu ly vằng vặc ánh trăng xanh…”

Bỗng có tiếng cười to của nhà vua bên thuyền rồng. Thì ra vua ngắm nhìn sông nước, thấy giang san thực là cẩm tú như hoa như gấm, nên sảng khoái bật tiếng cười to… Nhưng rồi nhà vua lại chợt thấy ngậm ngùi, cất tiếng nói: “Trẫm nhìn cảnh giang san này mà thấy giựt mình kinh sợ. Biết bao nhiêu công lao của các đấng Tiên đế đã đổ vào bờ cõi này. Ngã ba sông này trông thì an bình trầm lặng, nhưng biết bao nhiêu trận chiến như vũ bão đã xẩy ra nơi đây? Moi dưới lòng sông này thì chắc còn biết bao nhiêu kiếm kích bị chém gãy… Hỡi ôi, thế mà vẫn cứ thoảng qua như một làn gió thoảng… (Vua thở dài:) Trẫm chỉ cầu mong rằng đất nước này đừng có binh đao nữa… Nhưng lòng cầu mong của trẫm chắc là không đủ, còn phải cần sự khoan dung của thần linh nữa…” Nói rồi, nhà vua tần ngần cầm luôn mấy chiếc đèn hoa, chậm rãi đặt nhẹ xuống mặt sông… Những làn sóng nhẹ lần lần đẩy xa những đèn hoa, rồi theo đà rút của thủy triều, trôi dần ra phía biển cả. Vua đứng yên lặng nhìn theo, rồi nói: “Cầu mong cho các cây đèn này đều trôi ra biển cả, để mọi loài thủy tộc cùng kình ngư đều được nhìn thấy ánh sáng của thần linh…”

Vua thả đèn rồi, mọi người đều nhao nhao thả theo. Chỉ giây lát, đèn hoa đã nhấp nhô chi chít trên mặt sông… Người thả nhiều nhất lại chính là Càn Thát Bà, hắn thả liền tay, miệng lẩm bẩm; “Trời Dao Lợi kể ra cũng còn kém, chưa biết chơi cái vụ thả đèn này… Cũng không biết uống thuốc độc để chết thay cho người khác… Hơi kém đấy nhá, hơi kém đấy nhá…” Hắn thả chưa hết đèn đã lớn tiếng giục giã mấy tên lính đi lấy thêm đèn. Thành thử chư tăng, Cuồng Huệ và Thạch Sanh chỉ được thả rất ít. Cuồng Huệ chỉ được thả hai cái, vừa thả vừa nguyện rằng: “Xin cho hai chiếc đèn này biến thành đôi mắt trí huệ để soi sáng cho con…”

Hoàng hậu cũng thả đến hơn một chục cây đèn, riêng công chúa vẫn đứng dựa mạn thuyền, thẫn thờ như một pho tượng bất động. Hoàng hậu giục giã mãi, nàng mới chịu với tay thả một cây đèn, rồi kêu là cúi xuống thì bị chóng mặt. Nhưng vẫn không chịu vào trong khoang thuyền nằm nghỉ. Nàng cứ đứng, đăm đăm nhìn những lượn sóng nhấp nhô, trong lòng ùn ùn nổi lên một niềm tủi giận. Hờn giận ai, hay hờn giận cho số kiếp của mình?… Nghe những tiếng lao xao của Càn Thát Bà và Cuồng Huệ, nàng bĩu môi nghĩ thầm: “Chỉ thấy tiếng hai người kia thôi, còn con cóc tía vẫn không chịu mở miệng… Uổng thay cho mình phải làm thân con gái, không được nghênh ngang như họ. Họ vui là phải, ngày mai họ được dắt tay nhau ra đi rồi. Đi theo trời rộng sông dài… Họ đi rồi, thì mình làm cái gì đây? Chẳng lẽ cứ ngồi đây mà chờ sang năm gieo cầu kén phò mã? Hừ, phò mã với chẳng phò mã! Có những kẻ mà mình có thể ưa được, thì họ lại rủ rê nhau cút ra đi mất cả. Một người thì vẻ mặt ngơ ngác, khiến mình vừa muốn phì cười lại vừa muốn ứa lệ. Còn một kẻ thì mặt đẹp như ngọc, nhưng xa vời lạnh lùng như băng… về đi thôi, về đi thôi, vô vọng… Đại Phù Đồ Phật Du Hý Thần Thông Biến Hóa Kinh… Kinh ơi là kinh… Những trang kinh nhầu nát màu giấy vàng khè, mà sao lại có sức chiêu dụ đến thế, khiến họ chỉ nghĩ đến đuổi theo kinh… Đe lại ta trơ ra với đôi má phấn vô tích sự…” Bất giác, nàng thở dài não nuột. Một ý nghĩ thoảng đến khiến nàng lại bồng bột: “Kinh đâu phải là dễ thỉnh. Vùng Tây Trúc mịt mùng, yêu ma cũng không ít. Có khi họ đành thúc thủ trở về chăng?”… Trong lúc ấy, thì không hiểu giọt hào quang của đức Bồ Tát tác động ra sao, mà lòng của Thạch Sanh hầu như vắng lặng, không khởi lên ý nghĩ gì về nàng công chúa nữa. Bao nhiêu chủng tử duyên nghiệp cũ của chàng đối với bộ kinh pháp bảo, đều nổi lên bời bời trong tâm thức chàng, và đánh bạt những duyên nghiệp khác…

Hội hoa đăng đến nửa khuya mới mãn.

Đêm hôm ấy, nơi chốn đế kinh, người vui mừng thỏa mãn nhất có lẽ là nhà vua, nhưng người tủi hờn khắc khoải nhất lại là nàng công chúa… Trở về căn phòng loan trong hoàng cung, nàng không sao dỗ được giấc ngủ. Nhiều lần, mặc dù sương lạnh thấm vai, nàng mở cửa ra đứng nơi lan can, nhìn nước sông Kinh lấp loáng dưới ánh trăng… Ngay cạnh lan can, mọc một cây liễu lớn, cành lá vẫn còn xanh um. Không hiểu nghĩ sao, nàng với tay ngắt một nhành liễu nhỏ, trở vào phỏng, lấy giấy bút viết nguệch ngoạc mấy hàng, gói kỹ lá thu cùng nhành liễu vào trong một bọc giấy nhỏ. Rồi nàng gieo mình xuống chiếc giường rộng, tương tự như một kẻ hồng nhan bạc phận gieo mình xuống ngã ba sông Kinh vậy…