TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI I

Chớm tương tư, Thạch Sanh tìm bóng
Chốn non xa rồng sóng hạc vàng

Từ đó, Thạch Sanh bỏ bê mất mươi hôm không tới chợ, cũng như ít nghĩ tới chuyện kiếm củi. Ngày nào, chàng cũng lang thang thơ thẩn trở lại con đường rừng mơ, ven hồ nước, ngồi dưới bóng cây đại, thầm mong cỗ kiệu sẽ trở lại. Nhưng ôi thôi, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm. Chàng ngơ ngẩn rút chiếc gương trong bọc ra, ngắm nghía giờ lâu, thì lạ lùng thay, nét mặt công chúa lần lần hiện ra trong gương, vẫn những nét ngọc lồ lộ, cùng đôi môi đỏ thắm như vết thương. Chàng lắc đầu, dụi mắt, nhưng khi ngắm lại tấm gương, vẫn thấy mặt nàng trong đó. Trở về nhà, đem ra ngắm nghía lại, vẫn thấy như vậy. Chàng thấy nửa như vui mừng, nửa buồn tủi. Chàng hiểu rằng cuộc kỳ ngộ của mình là vô hy vọng nên đành tìm sự nguôi ngoai trong tấm gương mà thôi.

Một bữa, chàng gánh củi tới chợ, rồi ghé thăm thày bói. Vừa thấy bóng chàng, thày bói cười hì hì, bảo:

– Ngươi bị quỷ dạ xoa bắt hay sao, mặt trông ngơ ngẩn như bị hớp hồn vậy?

Thấy chàng ngồi làm thinh, chẳng nói chẳng rằng, ông lại nói:

– Hình bóng trong gương chỉ là hư ảnh, nhưng người thực ở ngoài cũng vẫn chỉ là hư ảnh, có khác gì đâu? Chẳng qua là nhân hư ảnh này thì có hư ảnh kia, chỉ có những đứa ngu mới cắm cổ loanh quanh tìm kiếm.

Chàng nghĩ bụng chắc ông này đã biết chuyện của mình rồi, nhưng chàng cũng chẳng thổ lộ gì hết. Ngay chuyện tấm gương, chàng cũng dấu bặt.

Ngày qua tháng lại, thấm thoát đã tới giữa tiết thu. Tiết trời thật đẹp, làn gió nhẹ và trong, khí trời say say và ngọt như mật. Nhân ngày hội trăng tròn, công chúa cùng lũ thị tỳ dạo chơi ngoài huê viên, nhân thấy cây nhãn có trái lúc lỉu, bèn nổi tính tinh nghịch trèo lên hái, chẳng may bị té ngã bất tỉnh. Khi vực vào trong cung, thì vẫn phách quế hồn mai, tim đã ngừng đập và hơi thở cũng bặt. Vua và hoàng hậu đều than khóc, các ngự y bốc thuốc mãi vẫn không chuyển. Tới ngày thứ ba, vì thấy xác công chúa vẫn còn chút hơi ấm, nên đức vua chưa chịu cho khâm liệm. Có người đề nghị yết bảng cầu danh y, đức vua cũng vô kế thi, nên truyền viết bảng như vầy:

“Trẫm vốn đức mỏng nên chậm sanh hoàng tử, chỉ mới có một mụn con gái. Cách đây ba bữa, công chúa bị té ngã bất tỉnh, tim đã ngừng đập, hơi thở cũng bặt, nhưng vẫn còn chút hơi ấm trong người. Các ngự y cũng bó tay.

Trẫm viết bảng này, cầu vị cao nhân nào có phương thuốc lạ hoặc phương cách gì hay cứu nổi con gái Trẫm, Trẫm xin hậu tạ một trăm lượng vàng ròng cùng phong quan chức.”

Tấm bảng được dán giữa cánh cửa ngọ môn, và ngoài chợ, nhưng mãi tới sáng hôm sau vẫn chưa thấy ai gỡ bảng xin chữa.

Gần trưa hôm đó, Thạch Sanh lóp ngóp tới chợ, lại ghé thăm thày bói. Vừa thấy mặt, Tôn Giả đã bảo:

Này, ngươi lại có dịp tấn quan và đại phát tài đó, biết không?

Thấy chàng ngơ ngác không hiểu, ông bèn kể đầu đuôi vụ tấm bảng treo giữa chợ. Nghe xong, chàng hỏi:

– Nhưng tôi có biết thuốc men là gì đâu mà chữa? Thày có biết cách nào không?

– Ta có biết một cách, nhưng ta không làm được. Phải ngươi mới làm được.

– Thầy phải chỉ rõ thì tôi mới hiểu được.

– Nạn của công chúa là do một chút nghiệp còn vương vất nơi cõi u minh. Nàng chưa chết hẳn, vì sự định luận tội báo chưa minh bạch. Ta cũng có ít nhiều liên lạc với cõi ấy, nên ta biết việc đó. Cách chữa thì dễ lắm, chỉ cần có một người xuống cõi u minh, tạ lỗi cho nàng thì nàng sẽ sống lại.

– Nhưng làm sao xuống được chốn u minh?

– Dễ ợt à. Ngươi chỉ việc đội một cây đèn để làm lễ ra mắt, rồi uống một chén thuốc độc, là hồn ngươi sẽ xuống đó ngay. Ngươi sẽ được dẫn tới trước Thập Điện Diêm La, và lúc đó, ngươi phải lựa lời tạ lỗi cho nàng.

Thạch Sanh kêu lên:

– Nếu thế thì tôi phải chết hay sao?

– Đã đành là chết. Nếu ngươi không chịu chết thì cứu nàng sao được? Thế mà ta cứ tưởng là ngươi thương xót nàng lắm

– Thương thì tôi cũng thương. Kể ra tôi chết cũng được, chẳng có gì luyến tiếc cả. Nhưng thày có cách gì làm cho hồn tôi trở lại thì vẫn hơn. Tôi vẫn còn thích uống rượu với thày.

– Ha! Ha! Ha! Cái thằng này vẫn thích rượu, vẫn còn ham sống sợ chết. Nhưng thôi, ta đùa chơi cho vui; thực ra, ta có cách khiến hồn ngươi sẽ trở lại. Ngươi hãy xòe tay phải ra.

Ông nhặt một cục than, viết vào lòng tay chàng một chữ: Miễn, rồi dặn:

– Khi tới trước mặt Diêm La, ngươi lựa lời đối đáp. Trong khi đối đáp, ngươi cần nhớ xòe tay này ra, là hồn ngươi sẽ được trở về. Nhớ chứ. Ta ở trên này sẽ canh giữ xác cho ngươi.

Thạch Sanh còn đang tần ngần, thì ông đã giục:

– Thôi đi đi, cho kịp.

– Đi đâu bây giờ?

– Đi gỡ tấm bảng chứ còn đi đâu nữa. Gỡ bảng rồi đi thẳng đến ngọ môn, cầm dùi đánh ba tiếng trống lớn, xin vào chầu vua. Khi vào chầu, cứ quả quyết xin làm như ta đã dặn.

Tuy còn bâng khuâng, ngơ ngẩn, nhung phần vì thuơng xót công chúa, phần không thể cưỡng lại lời nói của ông thày bói, nên Thạch Sanh đã y lời làm theo. Hình như mọi sự đã có nếp an bài, nên xế chiều hôm đó, có bốn tên lính thị vệ hộ tống chàng tới nơi Kim Đình quán, gần ven sông. Trên đầu chàng đội một cây đèn dầu tô, và chàng sẽ lập tức uống chén thuốc độc để xuống Diêm cung tạ lỗi cho công chúa.

Khi chàng tới quán Kim Đình, dân chúng đã bu đông nghẹt để xem chàng tiều phu xấu xí chịu chết thay cho công chúa. Nhưng trong đám đông này, nếu có người nào tinh mắt sẽ nhận thấy có hai kẻ lạ mặt, dáng dấp bỡ ngỡ cũng ngơ ngác đứng coi.

Lại nói tới con rồng Long Cuồng Huệ, sau khi đọc câu khắc trên vách đá, ngồi gục mặt xuống, dáng điệu ưu tư như kẻ xuất thần.

Lúc đó, trời đã xế chiều, mấy đám mây vàng lãng đãng trên phía cao đỉnh núi. Chợt nhìn từ phía xa trên triền núi, có bóng người thong thả đi lại. Người này tay cầm một cây gậy trúc nhỏ, tóc bỏ xõa, râu ba chòm, mặc một chiếc áo mỏng bện bằng cỏ, cốt hạc xương mai, trông phiêu phiêu thoát tục: Chính là tiểu thần tiên Lăng Tiêu Tử.

Khi tới gần, thấy con rồng cũng không ngẩng đầu lên. Lăng Tiêu Tử cất tiếng:

– Chắc ngươi là con dị long trong động đá dưới chân núi. Ta đã được coi trận đọ sức giữa ngươi cùng mấy con chim cánh vàng Kim Súy.

Rồng yên lặng gật đầu. Lăng Tiêu Tử lại hỏi:

– Có điều gì băn khoăn mà suy nghĩ lung thế?

Rồng chỉ lên vách đá. Lăng Tiêu Tử lẩm nhẩm đọc lại, đôi mày nhíu lại ra chiều suy nghĩ. Rồng bèn nói:

– Tôi không hiểu ý nghĩa mấy câu này ra sao, và không biết ai khắc lên đá. Cũng phải dầy công phu lắm mới khắc được sâu thế này. Tiên ông có thể mở lòng giải cho tôi được không?

Lăng Tiêu Tử chậm rãi nói:

– Thực ra, đọc mấy câu này, ta cũng ngạc nhiên như ngươi. Vũ trụ lung linh này, là thực hay là ảo? Ta sống đã lâu, nhưng quả chưa từng nghe ai đặt lên câu hỏi kỳ quặc như vậy. Và ngay trong tâm tư ta cũng chưa hề chớm nở ý nghĩ là vũ trụ đầy hình sắc này lại có thể ảo được. Vũ trụ này cũng như thân ta, thân ngươi, như tâm tưởng ta, tâm tưởng ngươi, nó chắc chắn là thực, chứ sao lại ảo được? Vì ta với ngươi đều nhìn thấy cả mà. Ta hồ nghi lắm, có khi chỉ là một thứ đại quái nào viết ra để hý lộng quỷ thần.

Rồng lắc đầu:

– Chắc không phải yêu quái đâu, và những lời này, tôi linh cảm không phải là lộng ngôn. Dám hỏi phép tắc tu luyện của tiên ông ra sao?

– Xưa kia, ta cũng hay thắc mắc tìm kiếm như ngươi, nhưng từ lâu, ta cũng đành yên phận rồi. Khoảng trời đất mênh mang mù mịt lắm, và trong một kiếp sống cũng không làm được gì nhiều. Vả lại, đường lối tu luyện thì có nhiều thứ bậc, và cũng rất nhiều đường ngang ngõ dọc rất dễ lạc nẻo. Ta cũng chỉ biết ở

trong phép tu của ta thôi. Ta chuyên tuyệt lỏng dâm dục cùng luyện đơn để ngung tinh, hô hấp tinh hoa trời đất để nuôi khí, giữ tâm tưởng vắng lặng để dưỡng thân rồi đem ba luồng chân khí đó tụ hội nơi khí hải ở đan điền, như thế, ta có thể kiên cố hình hài và kết nên thành thai được. Thành thai kết rồi, thì hình hài sẽ nhẹ nhàng khinh an vô chừng. Ta cũng chẳng biến hóa được gì nhiều, nhưng có thể cưỡi mây đạp gió ngao du giữa những nơi tuyệt vô nhân ảnh, giữa cõi nhân gian và trời Dao Lợi, tiêu diêu phơi phới, sảng khoái vô cùng. Đối với một kiếp sống, ta thiết nghĩ cũng đủ lắm rồi.

Rồng gục gặc cái đầu, bồi hồi suy nghĩ. Rồi lại hỏi:

– Nhưng tiên ông có được trường sinh bất lão không?

– Ta có bí quyết trụ nhan, giữ cho dung mạo ko già. Nhưng nói thực cho ngươi, cũng không được hoài hoài đâu. Được chừng năm bảy ngàn năm thôi. Nhưng năm, bảy ngàn năm cũng quá tốt rồi.

– Nếu thế, thì rồi tiên ông cũng phải chết. Mà chết rồi, thì đi đâu đây? Lúc đó, hồn mình rơi tõm giữa chốn u minh, lãng đãng ngơ ngẩn không biết đi chốn nào, có khi lại rớt vào một thứ bào thai xấu xa yêu nghiệt cũng nên.

Rồi rồng thở dài:

– Thực là cái vòng luẩn quẩn. Làm sao có thể mỗi khi chết, tùy theo ý lực của mình mà chọn chỗ đầu thai được?

– Ngươi còn quá trẻ nên đòi hỏi ngông cuồng quá!

Cả tiên lẫn rồng đều im lặng giây lâu. Rồng bỗng nói:

– Tôi mới có một điềm mộng lạ, không hiểu ra sao. Mộng thấy từ nơi rốn mọc lên một đám cỏ Linh Chi, to lớn dị thường bao trùm cả triền núi. Rồi lại thấy một đàn chim lạ bay tới chui cả vào thân tôi.

Lăng Tiêu Tử ra chiều kinh dị:

– Ngươi mộng thấy thế thực sao?

– Tôi nói gạt ông làm chi.

– Nếu vậy thì ngươi chắc phải có thứ huệ mạng đặc biệt khác chúng, về điềm mộng đám cỏ Linh Chi thì ta không rõ. Còn về điểm sau, có một lần ta từng nghe thày ta nói rằng khi một người mộng thấy có một loài chúng sinh chui vào thân mình, thì người đó có thể là một Bồ tát lớn.

– Bồ Tát lớn là gì vậy?

– Ngươi không biết gì cả thực sao? Ta đôi khi cũng mong cầu gặp được một vị như vậy, nhưng hình như ta không đủ túc duyên. Các vị ấy lại thường ẩn ẩn hiện hiện, khó thể mò ra tông tích. Bồ Tát lớn thường có sắc thân hào quang, dưới chân có đám mây ngũ sắc hình hoa sen, và bay đi nhanh lắm. Bay quá nhanh, nên mình khó lòng theo kịp nổi mà chào hỏi. Như ta bay từ sáng tới chiều chừng hai vạn dặm, nhưng hai vạn dặm, Bồ Tát lớn bay không đến một khoảnh khắc. Ta còn nhớ cách đây chừng hai ngàn năm, có một đám mây như vậy lảng vảng ở triền núi này, ta cũng có mặt ở đây mà bay lên không kịp.

– Như thế làm sao mà gặp được?

– Ta nghe nói phải đủ túc duyên mới được. Khi đủ duyên, tự nhiên sẽ gặp. Nhưng có khi, ngươi sẽ may mắn hơn ta. Thôi, đêm xuống rồi, ta phải đi đây. À quên, ta là Lăng Tiêu Tử.

Rồng hối hả trở về động, mong kể chuyện cho rồng già nghe. Nhưng vừa chui đầu vào hang thì ôi thôi, cảnh tượng đau xót bày ngay ra trước mặt: Rồng già đã chết rồi, xác thân nằm phủ phục một đống trên thềm đá, hòn ngọc biếc lăn lóc trước mặt và màu ngọc tối hẳn đi. Rồng ôm lấy xác, vật mình kêu khóc suốt đêm.

Tang tảng sáng, y gượng dậy. Không muốn cho các loài thủy tộc cắn xé hình hài của ông bạn già, y kéo xác vào giữa hang rồi bốc đá phủ kín.

Y buồn bã chán nản đến một tháng trời. Sau cùng, y nghĩ: Khóc than lắm cũng vậy thôi, đâu có làm sống lại được. Những chuyện này, ta phải quyết mới được… Hừ! Lăng Tiêu Tử bảo ta rằng vũ trụ này là có thực, trơ trơ vững vàng như phiến đá lưu ly. Ông ta nói cũng có lý. Nhưng ta lại mang máng thấy rằng cuộc sống này như bào như ảnh. Sống ở đời mà không tìm hiểu nổi cái bí ẩn của kiếp sống, thì sống làm quái gì? Chuyến này, dù phải lên trời hay xuống địa ngục, ta cũng quyết đi tìm một Bồ Tát lớn, để hỏi cho ra lễ. Không lễ Bồ Tát lớn cũng chết ngay dơ như bạn già của ta hay sao?

Hắn có cảm giác như không muốn trở lại động nữa, nên lấy đá bịt kín cửa động xụp lạy ba lạy, rồi rùng mình bay lên mây. Lần này, y bay thẳng lên phía trên đỉnh núi, có ý định dò hỏi về Bồ Tát lớn ở trên cõi trời. Khi y vượt qua lưng chừng núi, bỗng có tiếng quát hỏi:

– Này con rồng kia, đi đâu vậy?

Y quay đầu lại, thấy một thiên thần đứng trên triền núi:

– Ông là ai, sao lại ngăn tôi?

– Ta là thiên thần Trí Hoa Mang canh giữ nơi lưng chừng núi này. Ta mở lòng thương xót báo cho ngươi biết rằng ngươi không sao qua nổi đỉnh núi kia đâu.

– Tại sao vậy?

– Ngươi là loài rồng, thuộc nghiệp lực nơi trung giới. Neu ngươi nghênh ngang bay qua đỉnh núi để đột nhập cõi trời Dao Lợi, thì thân ngươi sẽ hóa ra hào quang mà biến thành hư không. Ta làm phúc nói cho ngươi biết. Ngươi bay xuống là hơn.

Rồng trong bụng nghi ngờ, nên vẫn bay thử lên đỉnh núi. Trí Hoa Mang không ngăn cản gì hết, nghếch đầu nhìn lên. Nhưng khi gần tới đỉnh núi, rồng bứt một sợi râu dài, rồi thổi mạnh lên phía trên. Quả nhiên, sợi râu hóa thành hào quang, rồi biến mất dạng, mắt rồng tìm kiếm mãi không thấy tăm hơi. Y lẩm bẩm: “Chà! Cũng may là mình mới bỏ một sợi râu.” Y bèn bay trở xuống, đáp gần chỗ Trí Hoa Mang:

– Thì ra tôn ông nói đúng. Tôi xin tạ lỗi. Dám hỏi thăm tôn ông mấy câu.

– Ngươi muốn hỏi gì thì hỏi.

– Tôn ông ở trên triền núi này lâu ngày, không biết có nhìn thấy một vị Bồ Tát lớn nào không? Vị ấy thường cưỡi một đám mây ngũ sắc có hình hoa sen.

Thiên thần ngẫm nghĩ:

– Cha! Ta luôn có mặt ở đây, nhưng hơn một ngàn năm nay rồi, chưa hề thấy đám mây có hình hoa sen. Ngươi định tìm vị đó làm gì?

– Thế tôn ông có bao giờ lên cõi trời Dao Lợi không?

– Ta chỉ có nhiệm vụ canh gác nơi này. Thực ra, ta chưa được lên đó bao giờ.

Rồng thất vọng, biết là không hỏi thêm được gì. Y chậm rãi bay xuống, rồi bay vòng quanh triền núi, vì y cũng chưa biết đi đâu.

Y đương bay lòng vòng, thì chợt thấy ở dưới chân núi, trên một mỏm đá lớn, có điều gì khác lạ. Động tính hiếu kỳ, y vừa bay lởn vởn vừa dòm xuống.

Dưới chân núi, sóng biển đánh rào rạt. Trên mỏm đá, một bóng người có tầm vóc gầy và cao, tay chân dài lêu khêu, dáng điệu lom khom như một con hạc lớn. Người này đứng giữa mỏm đá, hai tay giơ ngang như kiểu hai chiếc cánh, một chân co lên, còn chân kia lúc thì như nhảy lò cò, lúc lại xoay mình quay tít. Trông người lêu khêu, nhưng cử động nhanh nhẹn dị thường.

Rồng bay sát xuống, nhưng người kia hình như tuyệt nhiên không để ý gì tới cảnh vật bên ngoài. Hắn vẫn tiếp tục nhảy lò cò hoặc xoay tít. Tóc hắn mọc từ trán ra tới sau ót trông như một cái mào, mũi thì dài quá miệng và cái mồm thì rộng nguếch. Vừa nhảy, vừa nhắm mắt lại, cái mồm thì lẩm bẩm. Thỉnh thoảng, hắn ngừng chân, cúi xuống, lấy bàn tay có móng dài vẽ nhằng nhịt trên rêu đá. Bàn tay linh động dị thường và những nét vẽ tinh vi rời rạc khắp mặt đá, trông lấm tấm như hoa nở. Vẽ một lát, lại tiếp tục nhảy lỏ cò.

Rồng thấy kinh dị, bèn đáp xuống gần mỏm đá, hỏi to:

– Này, chơi trò gì lạ vậy?

Người kia hé mắt một giây, rồi nhắm mắt lại, quát to:

– Đồ phá đám! Câm miệng đi.

Rồng bỗng sùng sùng nổi giận, co đuôi quật mạnh vào góc tảng đá. Mỏm đá vỡ vụn ra mất một nửa. Người kia bỗng dừng chân, mở mắt ra nhìn, rồi bỗng nhiên hai tay ôm mặt khóc òa lên, vừa khóc vừa gào:

– Đồ khốn nạn! Mày cậy mày khỏe, mày chuyên đi bắt nạt người.

Hắn gào to, tiếng nghe oang oác. Rồng đã thấy ân hận về cơn nổi sùng của mình. Nhìn ánh mắt người kia, y thấy thực là kỳ cục: Tuy kêu khóc thế mà chẳng thấy giọt nước mắt nào. Ánh mắt vừa trào lộng, vừa tinh nghịch trẻ tho như con nít. Y thấy có cảm tình, bèn tới gần dịu giọng:

– Thôi mà, huynh cho tiểu đệ xin lỗi. Một tảng đá thì có ăn thua gì. Noi đây thiếu gì đá tốt. Huynh sang tảng đá bên kia, rồi vẽ lại vậy.

Người kia vùng vằng:

– Vẽ lại cái con khỉ. Vẽ thế đếch nào được. Ta chẳng vẽ lại bao giờ cả, ta chỉ vẽ có một lần. Ngươi đúng là yêu nghiệt của ta, ta chuyên bị bọn yêu nghiệt phá đám.

– Tại tiểu đệ kinh nghi không hiểu huynh chơi trò gì. Huynh vẽ gì vậy, và nhảy lò cò làm gì?

– Ngươi hiểu cóc gì được. Ngươi đã làm cụt mất cơn cảm hứng của ta.

Tuy vẫn còn gắt gỏng, nhưng hắn có vẻ dịu cơn hờn giận. Hình như hắn lại có vẻ thích thú, vì thấy rồng ân cần hỏi han về trò chơi của hắn. Hắn bằng lòng giảng giải:

– Ta ngồi đây mấy ngày, nghe sóng biển vỗ rào rạt. Ta thích nghe sóng vỗ, nên nổi cơn hứng bất tử. Ở nơi ta trước, không có biển nên không có tiếng sóng. Bởi thế, ta nhảy lò cò để tìm âm điệu của sóng, và vẽ lên đá để phổ vào cung bậc. Hắn lại òa lên khóc:

– Nhưng ôi thôi! Cũng là tại ta có quá nhiều yêu nghiệt, nên mới có ngươi tới phá đám. Ta cũng chẳng thèm quở trách ngươi đâu.

– Vậy thế huynh là ai, mà ở đâu lạc loài đến đây?

– Thôi, ngươi đừng hỏi làm gì cho thêm rầu thúi ruột. Ta là một kẻ lưu đày.

– Ai lại nỡ lưu đày huynh vậy?

– Còn ai nữa, lão Đe Thích già ấy chứ ai. Ta chẳng làm gì nên tội, mà lão cũng lưu đày ta, lại còn sai tên thiết tào dẫn độ ta ngay, và đẩy rớt xuống đây.

– Thế ra trước kia huynh ở trên trời Dao Lợi. Thế thì thực may quá.

– Ngươi ăn nói vô duyên. Bị lưu đày còn may gì nữa. Ôi chao! Ở trên đó, ta mỗi ngày đều phải đến nơi Thiên pháp đường nghe lão Đế Thích giảng dạy đạo lý. Ta vốn là Càn Thát Bà, nên vừa nghe giảng lại vừa phải tấu nhạc khiến người nghe vui niềm đạo lý. Nói vậy thôi, chứ ta nghe không thấy đạo lý vui mấy. Lão chỉ giảng toàn về tu Thập thiện thôi, ta nghe mãi bắt ngán. Ta chẳng thấy gì mầu nhiệm trong phép tu ấy hết.

– Thập thiện là những gì?

– Ngươi ngu quá cỡ. Thập thiện đại khái như: không sát sinh, không tà dâm, không trộm cưóp, không nói dối, không nói lời thêu dệt… đại khái như vậy. Ta nghe hoài, nhưng không hiểu sao, không thấy ham.

– Có khi mình trì lâu rồi, mới thấy cái hay, cái mầu nhiệm chăng.

– Hừ, ngươi nói cũng có lý, nhưng ta vẫn không ham.

– Vậy huynh ham cái gì?

– Ta tưởng ngươi đã đoán ra rồi. Có thế mà cũng không đoán ra được, khiến ta mất công kể lể.

Tính hắn thích làu bàu gắt gỏng, nhưng nếu có ai chịu nổi sự làu bàu ấy, thì hắn ra chiều thích thú. Hắn kể lể:

– Trong phép tu Thập thiện, ta không ưa nhất là cái khoản không cho vọng ngôn. Mà ta thì thích vọng ngôn. Đời mà không có vọng ngôn thì buồn quá cỡ, ngươi có thấy vậy không? Chân ngôn thì có khác gì lộng ngôn đâu? Vọng cũng vậy mà chân cũng rứa. Nhưng ta còn các ưa khác hơn. Quả thực, ta chỉ ham có âm thanh, ta chỉ thấy có sự mầu nhiệm ở trong đó. Trong âm thanh, thì không có chân có vọng, chỉ có một cái gì đơn thuần thôi. Ảy cũng là tại âm thanh mà ta bị lưu đày đấy, chứ ta có lợi gì đâu? Chả là lúc ta ngồi tấu nhạc cho lão Đe Thích giảng đạo lý, ta chợt bắt được một cung bậc rất lâm ly, ta bất giác nhắm mắt lại để miên man theo cung bậc ấy, thì lão cất tiếng: “ Này Càn Thát Bà, ngươi ngủ gật hay sao mà nhắm tít mắt thế?” Ta nói: “Tôi có nhắm mắt, nhưng không có ngủ.” Nhưng lão không nghe, cứ nhất định đầy ta ra khỏi cõi trời. Ngươi tính thế có oan ức cho ta không?

– Kể ra thì cũng có phần oan cho huynh thực.

– Oan hẳn đi rồi chứ còn một phần, hai phần gì nữa! Này, ngươi có thấy cái mầu nhiệm của âm thanh không?

Hắn rút trong bọc ra một ống tiêu bằng chất gì đen nhánh, nhỏ và ngắn chừng hơn một gang tay. Hắn loay hoay mân mê ống tiêu trong tay, như ngứa ngáy muốn đưa lên miệng thổi. Rồng nói:

– Đệ không biết tấu nhạc như huynh nên chưa thấy.

Càn Thát Bà nói tiếp giọng trầm ngâm:

– Mầu nhiệm của âm thanh là ở chỗ nó phảng phất, như có như không. Ngươi thấy không? Bảo là nó có cũng không đúng, nhưng bảo nó là không có cũng sai. Mà nó lại biến hóa nữa. Khi ta lên một cung giốc hay cung thương tới chỗ cao vút, thì nó lại biến hóa thành trầm nhất. Lạ lùng thay! Ta nghi ngờ rằng cái vũ trụ này chỉ được tạo nên do một số những diệu âm, rồi nhân diệu âm nó có quang minh, nhân quang minh mà có hình sắc, nhân hình sắc mà có mùi hương… Chắc là ngươi không biết, nhưng như ta đây, Càn Thát Bà, ta có ăn uống gì đâu, ta chỉ ăn bằng cách ngửi mùi hương. Ha, ha, ta ăn hương nhưng say mê âm thanh.

Rồng nghĩ thầm: “Cha này trông mặt thì gàn gàn dở dở, nhưng có những ý nghĩ sâu sắc lạ lùng.” Y chợt nhận thấy trong lòng như vui tươi hớn hở. Nói chuyện với Càn Thát Bà, y thấy vơi đi niềm cô tịch, quên bẵng cả nỗi buồn chia ly với rồng già. Y thầm mong rằng Càn Thát Bà sẽ ở đây, để y có kẻ bầu bạn. Y hỏi:

– Này huynh, huynh nói rằng âm thanh như có như không, thế còn hình sắc thì sao, có phảng phất mơ hồ vậy không?

– Ha! Ha! Chú mày thông minh đấy. Nhưng nói thực mà nghe, ta suy ngẫm về âm thanh cũng đủ mệt rồi, nên chưa thể suy ngẫm đến hình sắc.

Hắn thở dài não ruột:

– Đã có lần ta đem những điều nghi ngờ của ta ra hỏi lão Đế Thích, nhưng lão cũng chẳng biết nói gì hơn. Ngươi nghĩ thế có chán không?

Ngừng giây lát, hắn tiếp:

– Ngươi còn quá trẻ, nên không biết có ước nguyện gì không? Nhưng ta, ước nguyện bình sinh của ta là muốn kiếm được trong những thứ diệu âm đó, thứ diệu âm làm rung động các cõi, có thể tạo nên các cõi. Ngươi hiểu ta muốn nói gì chứ? Ước nguyện của ta chỉ có vậy.

– Nếu được thế, thì còn nói gì nữa. Nhưng huynh có chắc có thứ âm điệu ấy không?

– Trời đất! Nếu ta biết chắc chắn thì ta đâu đến nỗi khổ sở như thế này. Nhưng một lần, ta nghe nói xưa kia, có một vị Bồ tát chỉ tu bằng lối quán âm thanh không thôi mà cũng đắc đạo. Như thế tức là vị ấy đã tìm thấy diệu âm rồi chứ gì. Hừ, nếu ta định tu, ta cũng tu lối ấy, không tu phép Thập thiện của lão Đe Thích.

Rồng reo lên:

– Cha cha! thế ra huynh… Thế huynh đã gặp vị Bồ Tát đó chưa? Có phải vị đó cưỡi một đám mây ngũ sắc có hình hoa sen không?

– Khốn nạn, nếu gặp thì đã khỏi phải nói. Ta ở cung trời suốt sáu mươi năm, mà chẳng thấy bóng một Bồ Tát nào hết, mây hoa sen hay mây hoa gì gì nữa cũng không. Nhưng ta từng nghe chính lão Đe Thích nói rằng có một lần, lâu lắm rồi, chính Đức Phật có tới cung Dao Lợi giảng kinh. Nhưng Phật lại không nói gì hết, chỉ ngồi im phóng quang minh soi sáng các cõi, rồi lại khẩy móng tay, và âm thanh của khẩy móng tay đã làm rung động các cõi. Đấy! Ngươi thấy không? Những điều nghi ngờ của ta chắc là đúng, và đó chính là thứ diệu âm mà ta tìm kiếm.

Hai bên đều ngẩn ngơ im lặng. Giây lâu rồng hỏi:

– Bây giờ huynh tính sao? Có định ngồi đây cho đến khi Đế Thích gọi về không?

Càn Thát Bà giãy nảy:

– Ta đã thề không thèm trở về nữa, dù lão có cho kiệu xuống rước ta cũng không về. Đã lưu đày, thì cho lưu đày luôn.

Hắn chỉ tay xuống dưới:

– Ta định đi xuống dưới kia. Xuống nhân gian. Đã xuống thì cho xuống luôn. Vả lại, ta cũng nghĩ lão chẳng bao giờ muốn nhìn mặt ta nữa.

– Huynh xuống đó có ý định gì không?

– Chẳng có ý định gì hết. Đi ta bà thôi. Tức lão Đế Thích thì ta bà cho bõ. Nhưng thực ra ta nghe nói ở dưới nhân gian có nhiều cái quái dị lắm, mà ta thì thích quái dị.

– Có gì quái dị?

– Này nhé, những âm thanh của chúng nó phát ra cũng ô trọc quái dị lắm. Chúng nó còn tranh giành, chửi bới, chém giết nhau hăng lắm. Ở cõi trời, thỉnh thoảng có đánh nhau với A Tu La, nhưng chỉ đánh một, hai trận thôi, còn chửi bới thì tuyệt nhiên không có. Ke đi ta bà mà coi cũng thú, ta muốn nghe âm thanh chúng chửi bới nhau ra sao.

– Dưới ấy, không biết có Bồ tát không?

– Có thể lắm, nhưng tìm được các Bồ tát cũng bở hơi tai. Nhưng kinh sách thì chắc nhiều hơn trên trời. Các Chư Phật khôn lắm, chỗ nào nhiều kẻ giết nhau, chửi nhau, thì Phật cho lưu bố nhiều kinh. Vả lại ta nghe nói dưới ấy, còn có chùa Lôi Âm. Ta muốn đến coi, may ra còn nghe thấy Phật gảy móng tay chăng?

Rồng hớn hở:

– Nếu vậy thì huynh cho đệ đi theo cùng ta bà với

– Đi thì đi, ta sợ cóc gì mà không cho ngươi đi.