TRANG TÔN KINH
HUYỀN HOẶC
TẬP I
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

HỒI II

Chốn Loa Thành chú tiều hay rượu
Bầu bạn cùng thầy bói dở hơi

Nay trở lại cõi Diêm Phù Đề, tức cõi nhân gian hạ giới.

Tại cõi này, có một châu tên là Nam Thiềm Bộ Châu. Phía Đông Nam Châu này, có một xứ tên Phong Châu, nơi kinh đô gọi là Loa Thành, nơi đây có sông Kinh uốn khúc lượn quanh, khí hậu hiền hòa, phong cảnh xinh tươi.

Bấy giờ là một thời đại thái bình, không có giặc giã, dân gian sống trong cảnh thanh bình, âu lạc. Trong thành, phố xá chen chúc, người qua lại mua bán tấp nập dập dìu. Cảnh tượng thật thực là ồn ào vui vẻ. Dân cư thường hay bận áo quần nhuộm chàm màu xanh đục, nhưng áo quần đàn bà có thêu thêm những đường chỉ nhiều màu.

Ngay giữa kinh đô, có một ngôi chợ. Ở góc tây chợ, có một gian hàng thầy bói. Gọi là gian hàng, nhưng thực ra chẳng có gì cả. Ông thầy bói ngồi xổm trên đất, trước mặt chỉ đặt một chiếc chậu sành to; nơi thành chậu dán giấy đề mấy chữ: “Ca Lặc Ca Tôn Giả, thần toán”. Ke ra thì ông cũng đáng tự xưng là thần toán được, nhưng cửa hàng của ông vẫn rất thưa thớt, không có người tới coi bói. Vì sao? Chỉ vì ông có mấy thứ tật kỳ cục. Thứ nhất là ông hay gắt gỏng và chửi tục. Thứ nhì là khi ông nhận đoán quẻ, ông hay thốt ra những lời hàm hồ, khó hiểu, nên khách coi bói chẳng biết đàng nào mà rờ. Cho mãi tới khi vận xui hay hên đã xảy ra rồi, khách coi bói mới hiểu lời đoán của ông là đúng, nhưng đã chậm mất rồi, và tiền coi bói vẫn mất uổng. Thứ ba là ông hình như mắc bệnh cùi, ghẻ lác đầy mình, có khi thành dòi, và ông hay lấy tay gãi những chỗ ghẻ lác, nhiều khi lấy ngón tay nhón những con dòi, búng vứt lung tung, nên khách coi bói cũng phát khiếp.

Ông cũng có tật hay nhậu rượu. Ngày nào có tiền coi quẻ, ông mua đồ ăn và rượu để nhậu rồi ngủ ngay tại chợ. Ngày nào không có tiền, ông đẩy chiếc chậu ra giữa lối đi lại, rồi co chân ngủ khì. Những người đi chợ đều sợ hãi ông ta, và thường bố thí bỏ vào chậu, hoặc nắm cơm, hoặc củ khoai. Do đó, ông cũng sống qua ngày, nửa là thày bói, nửa ăn xin. Tuy ông có lối sống nghênh ngang như vậy, nhưng ngay đến lính nhà vua đi qua chợ cũng không dám ngăn cấm ông, vì họ cũng đều nghi ngại ông có pháp thuật.

Một bữa, có một thiếu phụ tới móc trong hầu bao ra đặt một tiền xin coi quẻ. Tôn Giả liền cầm tiền cất vào bọc rồi không đoán gì hết, cứ ngồi to tiếng chửi lên chửi xuống người đàn bà. Mụ này vừa tức vừa sợ, muốn đòi tiền lại để đi, nhưng không dám, nên ngồi khóc tức tưởi. Mắng chửi mỏi miệng, thày bói bảo:

– Mồ cha ngươi! Ngươi ngu hơn con lợn. Ngươi định đỏi tiền lại phải không? Ngươi biết đâu rằng mỗi câu chửi của ta còn quý hơn vàng. Nó làm vơi

nghiệp của ngươi đến mấy chục cân. Mẹ kiếp! Chỉ có ta là chịu lỗ. Được có một tiền uống rượu thì phải gánh đủ thức cho các ngươi. Chẳng trách ta cứ lác hoài…

Rồi ông hầm hầm nhón ngay một con dòi trong mụn lở, lấy ngón tay búng văng vào trán người đàn bà:

– Ngươi có khôn hồn thì nhắm mắt nuốt con dòi ấy đi. Nó sẽ gánh cho ngươi một đại nạn.

Nhưng người thiếu phụ ghê tởm không dám ăn. về tới nhà, chỉ ít lâu sau bỗng lâm trọng bệnh, liệt giường liệt chiếu lay lắt mãi đến sáu tháng mới thoát chết. Thiên hạ xì xào về chuyện này. Có kẻ cho rằng chính ông thày cùi đã cứu người đàn bà, nhưng cũng có kẻ quả quyết rằng ông đã dùng pháp thuật trị người kia về tội có ý định đòi lại tiền.

Xa xa nơi kinh đô đó, có một xóm nhỏ, nơi có có một anh tiều phu. Anh này tuổi trẻ, vóc người khỏe mạnh tráng kiện lắm, nhưng phải cái mặt mũi xấu xí. Lúc còn nhỏ cũng theo đòi sách vở được mươi năm. Nhưng không may cha mẹ đều lần lần theo nhau mất, nên cửa nhà sa sút, một thân mồ côi đành phải làm nghề kiếm củi độ nhật. Mỗi ngày thường gánh củi xuống chợ bán. Tính tình hiền lành, chất phác, nhưng phải cái cũng ham uống rượu. Anh có thói quen hay dắt cái búa đằng sau lưng, nên người trong xóm vui miệng thường gọi anh là Thạch Sanh. Anh họ Lý, nhưng không biết tên thật là gì-

Vì ham rượu nên hay lân la giao du với ông thày bói. Có lẽ chỉ có mình anh là dám giao tình thân thiết với thày bói. Anh không xin coi bói, và hình như cũng không sợ ông ta mắng chửi. Mỗi lần bán củi được nặng nặng tiền, anh lại mua một chai rượu lớn mang đến góc chợ, cùng ngồi uống với Ca Lặc Ca Tôn Giả. Tôn Giả thì chỉ biết uống rượu của người; chưa bao giờ thấy ông ta mua rượu thết lại anh tiều phu.

Một buổi chiều, chợ đã vắng vẻ, Thạch Sanh thấy ông thầy bói mình mảy hôi hám quá và đương say rượu ngủ khì, anh liền bồng ông xuống con Kinh gần đó để tắm rửa cho ông. Anh đương kỳ cọ những vết ghẻ lác, thì bỗng thấy ông cười khì khì, nói lớn:

– Thằng cha này kỳ cục quá, kỳ kỳ cọ cọ hoài khiến ta nhột muốn chết! Mi tưởng kỳ cọ thế, thì ta khỏi ghẻ lác hả? Ghẻ lác này không khỏi được đâu, nó cũng nặng như nghiệp của mi vậy. Khi nào mi sạch nghiệp thì ta cũng sạch ghẻ lác.

Nhưng Thạch Sanh không để ý gì đến lời nói, cứ tiếp tục kỳ cọ những vết ghẻ đến khi hết máu mủ mới ngưng tay.

Nguyên Ca Lặc Ca Tôn Giả chính là ngài Thiện Tài Đồng Tử, một trong những đại đệ tử của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, trước kia vẫn tu hành thanh tịnh tại núi Phổ Đà, biển Nam Hải. Ngài được giao trụ trì một chiếc am nhỏ nơi chân núi. Cùng ở với ngài, có một vị sư đệ rất trẻ tuổi, pháp danh là Mạn Thù Đắc Thất Đồng Tử. Người sư đệ này thiên tư rất đĩnh ngộ, nhưng vì tuổi quá trẻ nên tính tình cỏn thích luông tuồng phóng túng. Tuy vẫn chăm đọc tụng kinh sách cùng ngồi thiền quán về lý Như huyễn, nhưng chàng vẫn thường trộm nghĩ: “Chà, đi đâu mà vội vã! Ta đã có túc duyên với thày rồi, có sư huynh rồi, thì trước sau ta cũng chứng ngộ”.

Vào buổi ấy, ngài Thiện Tài giao cho chàng quyển đầu của bộ kinh Đại Phù Đồ Du Hí Thần Thông Biến Hóa Kinh, để chàng đọc phẩm Hoa Tạng Thế Giới, và tư duy về cái lý các cõi trùng trùng duyên khởi, cùng lý các cõi thẩm thấu lẫn nhau mà vẫn viên dung vô ngại. Ngài Thiện Tài dặn: “Đây là cuốn kinh lớn của Chư Phật. Chư Phật cũng ở đây mà ra, nên ý nghĩa của kinh rất u trầm. Mỗi khi mở ra đọc tụng, sư đệ phải thành tâm vái lễ kinh, thì mới chóng tỏ ngộ.” Chàng vâng lời lãnh quyển kinh.

Chàng kính cẩn đội cuốn kinh lên đầu, rồi đi tìm một nơi u tĩnh để nhất tâm đọc tụng. Chàng chọn một phiến đá lớn, bên cạnh là ao sen, mặt đá phẳng lỳ và bóng như gương, mở kinh ra, vái lễ kinh, rồi bắt đầu đọc tụng. Lần này chàng quyết tâm ngồi lỳ nơi này, cho đến khi liễu ngộ được diệu nghĩa mới chịu rời tảng đá. Chàng đọc đi đọc lại suốt hai tháng trời, nhưng vẫn chưa thấy tỏ ngộ. Tâm tưởng của chàng vẫn có cái gì vướng vất, chưa nhập được lời kinh. Mỗi khi thấy có cơn buồn ngủ như muốn chợt đến, chàng cất tiếng đọc to lời kinh, nhưng vẫn giữ giọng đều đều trầm… Trong ao sen, có thả con cá vàng, và mỗi khi chàng tụng lớn tiếng, nó thường nổi lên, lội đến gần chỗ phiến đá, đôi mắt tròn trầm ngâm như có ý nghe kinh.

Bấy giờ vào mùa cuối hạ. Một buổi chiều, trời chạng vạng tối, cảnh vật u tĩnh đượm một vẻ miên man lạ lùng. Sư huynh Thiện Tài thì vẫn bế môn tỏa thất trên một căn gác nhỏ trong am. Vì miên man theo đuổi ý kinh, nên chàng đã thắp một cây đèn dầu tô, đặt trên phiến đá để trực tiếp đọc kinh. Bỗng đọc đến câu: “Vô lượng vô số các cõi nước này, có cõi có Phật, có cõi vắng Phật, nhưng tất cả đều kết hợp lại thành hình một bông Đại liên hoa chói lòa quang minh, mọc lên giữa biển Hương Thủy Hải.” Chàng thấy tâm trí băn khoăn day dứt.

Chàng thầm nghĩ: “Không hiểu câu này là ý ra sao đây? Mình cũng đã từng đắc được một, hai môn tam muội, và trong cơn tam muội, cũng từng nhìn thấy một vài cõi nước, cũng nhìn thấy Hương Thủy Hải, cũng thấy quang minh. Nhưng quả thực, về cái bông Đại liên hoa này, thì ngay cái bóng mờ của nó đến trong giấc mộng mình cũng chưa hề thấy… Hay câu kinh này chỉ nói nghĩa bóng mà thôi? Nhưng không! Sư huynh ta chẳng đã có lần nói rằng tất cả lời kinh đều có nghĩa bóng và nghĩa thật, và nghĩa nào cũng đều trọn vẹn chân xác cả… Hay là tại những cơn tam muội của mình còn nông cạn quá chăng?”

Chàng bất giác từ từ đứng dậy rồi chậm rãi đi kinh hành cho thoải mái tâm trí. Đi được mấy vòng quanh am, bỗng thấy khô cổ, chàng bước vào căn nhà trù cạnh am để kiếm miếng nước uống. Âu cũng là tiền duyên nghiệt chướng đến lúc hiển lộ, nên trong khi múc nước uống, chàng ngẩng đầu lên nhìn thấy trên nóc tủ có một chiếc vò bằng sành màu biếc, ngoài vò có đề mấy chữ: “Quỳnh dịch luân hồi tửu”. Chàng thầm nghĩ:

“Quái lạ! Không biết vò rượu này ở đâu ra, mà ta chưa hề thấy… À, phải rồi, cách đây mấy bữa, có một vị thần tiên tới thăm sư huynh chắc là họ mang tới biếu… Không lẽ uống rượu này lại đi vào luân hồi hay sao?” Chàng với tay cầm vò rượu, để vào mũi ngửi thì thấy hương thơm ngào ngạt. Đương lúc khát, chàng định tu một hớp, nhưng dằn lòng lại kịp, và tự trách:

– Mình thực là bậy bạ! Giữa lúc đang tư duy về kinh thì lại nẩy ra tâm viên ý mãn, đem trụ cái tâm mình vào một hóp rượu. Rượu thơm thì thơm thật, nhưng uống một tợp chẳng qua chỉ là thọ lãnh một cảm giác mà thôi. Mà cảm giác nào thì cũng như mây, như khói, như huyễn cả.

Đặt vò rượu xuống, chàng bước ra trở lại phiến đá, khêu cao ngọn đèn, rồi tiếp tục đọc kinh.

Song những nghiệt chướng từ vô lượng quá khứ nổi lên quá mạnh, nên lãng đãng qua lời kinh, tâm trí chàng vẫn phảng phất ngửi thấy hương thơm của rượu. Không đè nén nổi vọng tâm; chàng đâm ra bực mình, rồi nổi lên tính trẻ nít bướng bỉnh cao ngạo: “Hừ, một tọp rượu thì ăn nhằm gì, đã làm gì nổi ta, dù là luân hồi tửu chăng nữa. Thôi uống phứt đi cho đỡ bận trí.” Chàng đi thẳng tới nhà trù, uống một tợp dài, rồi trở lại phiến đá.

Nhưng chất rượu say lạ lùng. Chàng đã cố gắng chống đỡ, đọc kinh một hồi, rồi gục xuống phiến đá ngủ. Chàng ngủ một giấc dài mãi tới canh ba, mộng thấy mình phiêu phiêu như bay lượn trên một miền bể bát ngát. Bỗng nhiên, từ đáy bể mọc lên một loài hoa dị thảo, chiếc hoa đó sáu cánh dài vùng vẫy như những lá phướn. Bông hoa to lớn nhanh chóng một cách dị thường, và mỗi cánh hoa đều đầy những ngọn lửa đương hừng hực cháy. Hoa lần lần che lấp cả bầu trời, và những cánh lửa dần khép kín lại chung quanh chàng. Chàng thét lên một tiếng rồi tỉnh giấc. Nhưng trong cơn mơ màng, chàng đã quơ tay lật đổ cây đèn dầu. Dầu tô đổ ra lênh láng ướt thấm vào cuốn kinh, và ngọn lửa đã bốc cháy bừng bừng. Chàng vội lấy tay gạt mạnh cây đèn văng xuống hồ sen, rồi hai tay ôm lấy cuốn kinh đã cháy gần hết, chỉ còn một phần nằm trong tay chàng. Chàng sững sờ ôm lấy mảnh kinh, ngây người ra như tượng, đôi mắt tràn lệ. Niềm sợ hãi cùng ân hận tràn lên trong người chàng tương tự như một lần uất khí khiến tim chàng thôi đập. Và ngay khoảnh khắc ấy, bản thân của chàng tại Nam Hải liền bặt hơi thở.

Thần thức của Mạn Thù Đồng Tử thoát khỏi xác rồi liền bị đọa xuống nhân thế, lãng đãng đầu thai thành ra anh tiều phu Lý Thạch Sanh. Vì xót thương người sư đệ chịu kiếp nạn, nên ngài Thiện Tài cũng phải hóa thân xuống nhân gian, làm ông thày bói tại chợ Loa Thành, để gây nhân duyên độ thoát cho Mạn Thù.

Tưởng cũng cần biết rằng mỗi khi bậc Đại Bồ Tát muốn đi độ duyên ở các cõi hay ở nhân gian, thì ngài thường có hai cách: Một là tạo một hay nhiều hóa thân, hai là giáng thai để rồi thai sinh hơi tương tự như người, về hóa thân thì có thể hóa thân làm người, làm loài vật, hoặc một thân cây, một tảng đá, một trái núi, một hồ nước… Vì hóa thân của các ngài vô lượng, và rất khó lường. Neu có một người rớt xuống nước và có đủ túc duyên, Bồ Tát có thể hóa thành một khúc gỗ trồi lên. Người phàm thường không hiểu và dễ hồ nghi những khả năng biến hóa đó, vì không hiểu rằng tất cả vật đều do quang minh và tâm tưởng kết tập nên.

Nhưng dù là hóa thân hay là giáng thai, thì hình hài của Đại Bồ Tát vẫn hoàn toàn là huyễn hóa, nghĩa là không có nghiệp lực và không bị chi phối của nghiệp lực vì Bồ Tát hành động với tâm hoàn toàn vô ngã. Tỷ dụ như muốn ăn uống cũng được mà không ăn cũng vẫn sống, hoặc muốn chết cũng chết ngay, hay muốn sống bao lâu cũng được. Trong lịch sử nhiều vị thiền sư Trung Quốc nói rằng: “Ta chết đây,” rồi ngồi mà chết hoặc đứng mà chết, hoặc trồng cây chuối mà chết. Còn đối với các vị Bồ Tát mới nhập địa thì khi các vị tạo hóa thân, có lẽ hóa thân này chỉ một phần là huyễn, và một phần là nghiệp lực. Nếu trong khi độ duyên, các vị có động niệm về chấp ngã hay chấp pháp, thì vẫn bị luật tắc của nghiệp chi phối.

Trở lại cây đèn khi văng xuống ao sen, lại rớt trúng đầu con cá vàng đang rình nghe kinh. Vì bị chết giữa lúc có tâm tưởng muốn nghe kinh, nên cá được đầu thai lên làm người, thác sinh thành nàng công chúa Mỵ Ê, con đức vua xứ Phong Châu.

Thời bấy giờ, đạo Phật chỉ mới bắt đầu ở xứ Phong Châu. Tăng sĩ còn thưa thớt, trên toàn xứ chỉ có chừng hơn một trăm vị, và chùa chiền chỉ độ mươi ngôi. Dân xứ sống gần ven bể, nên nhiều đền miếu thờ Long thần. Các kinh sách đều là những kinh ngắn, nói về việc siêu độ vong hồn. Nhưng thỉnh thoảng, cũng có một, hai vị du tăng từ xứ Tây Trúc tới, đi lang thang ta bà khắp mọi miền Phong Châu để giảng dạy.

Một hôm, Thạch Sanh ghé thăm thày bói, nét mặt có vẻ ưu tư hơn mọi ngày, uống được vài chén, anh bỗng nói:

– Thưa thày, cách đây hai bữa có một vị tăng người Tây Trúc đi qua xóm tôi. Ông ta trông lạ lắm, không giống người mình, có đôi mắt màu biếc. Ông họp mấy người lối xóm lại rồi giảng kinh. Ông lại dạy tôi niệm câu: “Nam Mô Đại Phù Đồ Phật”. Tôi làm như vậy, không biết được không, thưa thày?”

Tôn Giả liền nhặt chiếc que củi rớt gần đó, gõ nhẹ vào đầu anh mấy cái, rồi nói:

– Đêm mới tới canh ba thôi. Trời chưa sáng.

Thạch Sanh bồi hồi suy nghĩ, chưa hiểu ý tứ ra sao. Một lúc lâu lại hỏi:

– Ông ta còn nói người ta không chết thực đâu, chỉ có hóa thân thôi, và lại có kiếp trước kiếp sau nữa. Không biết có đúng không?

Tôn giả lim dim đôi mắt, rồi nói như nói một mình:

– Nhập thai rồi thì quên hết, khó lòng mà nhớ gì nữa.

Rồi lấy chiếc que đập vào tay phải của Thạch Sanh, bảo xòe tay ra. Anh nhìn thấy trong lòng bàn tay bỗng hiện lên mấy nét màu hồng, tương tự như hình chữ Mê. Rồi mấy nét đó lại lần lần biến đi, khiến anh không hiểu là mình có quáng gà hay không.

Tôn Giả bỗng nói:

– Lâu nay ta uống rượu của ngươi. Nay ta muốn chỉ cho ngươi đến một chỗ này có dịp phát tài, thì ngươi có chịu đi không?

– Nếu thày chỉ, thì tôi đi

Tôn Giả liền dặn Thạch Sanh nếu ngày mai đi kiếm củi trên núi, thì đừng đi con đường mòn phía Nam như mọi lần, và cứ đi con đường hướng Bắc.

Hôm sau, anh đi theo con đường hướng Bắc, tới một khu rừng già, quanh quẩn kiếm ngay được một tảng trầm to bằng, đem ra chợ bán được ba chục quan tiền. Lại dùng tiền ấy mua rượu tới uống với tôn giả.

Mấy tháng sau, số tiền cạn sạch, chàng lại ngứa chân đi theo con đường ấy nữa, hy vọng kiếm được một tảng trầm khác. Khi tới khu rừng già, tìm quanh quẩn mãi không có gì. Chàng đành xoay ra kiếm lấy ít củi, định bó lại làm hai bó gánh về. Bấy giờ vào một buổi trưa mùa hạ, hơi nắng hừng hực, chàng thấy mồ hôi nhễ nhại và trong người mệt mỏi. Bỗng chàng nghe thấy đàng xa có tiếng nước chảy róc rách, chàng liền lần mò đi tới. Đi một quãng, gặp một khoảng rừng mơ tươi tốt, cành lá xanh um. Ngay cạnh rừng mơ, có con thác nhỏ, giòng nước đổ xuống một chiếc vũng đã khá lớn. Chàng mừng quá, nằm sát xuống đất, vục đầu vào vũng nước, uống một hơi dài. Nước trong và mát lạnh thấm đến tận cùng người chàng. Rồi chàng vốc nước rửa mặt và chân tay. Bỗng nhiên, chàng thấy buồn ngủ lạ thường. Chàng lững thững vào rừng mơ, nằm xuống cỏ, úp cái nón trên mặt rồi ngủ thiếp đi một lúc lâu. Đang lúc mơ màng giấc điệp, chợt nghe văng vẳng có tiếng cười nói trong trẻo. Chàng kinh ngạc, vội cất đầu nhìn, thì thấy từ đằng xa có hai người con gái đi tới, ăn bận như kiểu tỳ nữ của một nhà quyền quý. Một người xách mấy cái gậy tre sơn đỏ, còn người kia lễ mễ đội trên đầu một chiếc hòm gỗ sơn đen. Chàng vội nằm sát vào đám cỏ rậm. Hai đứa vừa đi vừa cười nói rộn rã. Khi tới ven vũng nước, dưới bóng mấy cây đại lớn, một đứa nói:

– Thôi, cười vừa chứ, giăng màn nhanh lên kẻo lại ăn mấy roi. Công chúa sắp tới rồi đó.

Đứa kia bảo:

– Chị được cái khéo lo. Tụi nó khiêng kiệu chắc là đi chậm lắm. úi chao, nước mát quá!

Rồi nàng vội đặt cái hòm xuống, chạy tới ven hồ, lấy hai tay vục nước lên miệng. Trong khi đó, thị tỳ kia đã lấy mấy cây gậy đào lỗ cắm xuống đất, bốn góc bốn cây. Đứa kia vừa chùi miệng vừa nói:

– Cắm sâu sâu đấy nhá, kẻo gió thổi lại đổ kềnh như lần trước thì chết đòn.

Rồi nàng mở hòm, lôi ra một chiếc màn lớn màu lục, giăng lên đầu mấy cây gậy. Thạch Sanh mỗi lúc một kinh nghi, nên nằm im thin thít, nhưng vẫn hé mắt nhìn ra. Lát sau, có một cỗ kiệu xuất hiện ở đầu đường mòn, chung quanh xum xít có đến mươi thị tỳ khác, vừa khiêng kiệu, vừa che lọng. Khi kiệu tới nơi, chàng nghe tiếng ngọc khua leng keng ở những rèm của kiệu.

Kiệu hạ xuống, hai thị tỳ vội vén rèm, và một người con gái bước xuống.

Nguyên nàng là công chúa yêu của đức vua. Tóc nàng bịt một chiếc khăn lụa màu xanh nhạt, mặt đeo chiếc mạng che mất nửa mặt. Nhưng chiếc mạng thì mỏng nên nét mặt lồ lộ như ngọc, và đôi môi đỏ thắm như một vết thương. Thạch Sanh giật mình như hoảng hốt, vì chưa bao giờ chàng nhìn thấy một khuôn mặt đẹp như thế.

Nàng bước thoăn thoắt tới chỗ giăng màn, bỗng với tay ngắt một chùm hoa dại, giắt vào mái tóc, rồi chui vào màn để thay xiêm y. Khi trở ra, nàng mặc tấm áo tắm để lộ hai cánh tay. Nàng bước xuống nước, xuống sâu mấy bục đá, rồi ngồi thụp xuống, hai tay đập nhẹ trên làn nước. Hai đứa thị tỳ cũng xuống theo nàng, đứng ngâm chân trong nước, rồi lấy gáo múc nước dội vào cổ nàng. Chiếc cổ trắng nõn và thanh tao vươn lên như một bông huệ. Tắm được giây lâu, thì cả thày lẫn tớ cười nói rúc rích, và nàng cũng lấy tay té nước lên hai thị tỳ khiến người chúng cũng ướt đẫm. Thạch Sanh nghĩ thầm:

– Nàng công chúa này có vẻ thích tinh nghịch, không được đường bệ mấy.

Rồi chàng nhắm mắt lại, nhất định không nhìn nữa.

Sau một hồi rất lâu, chàng thấy tiếng cười đùa thưa thớt đi, rồi như im lặng hẳn. Chàng mở mắt nhìn, thì chiếc kiệu đã đi xa rồi. Chàng thấy lòng mang mang chua xót như kẻ bị dứt một cơn mộng đẹp. Chàng bước xuống ven cây đại, tìm quanh quẩn như tìm những vết chân, bỗng nhìn thấy một chiếc gương tròn nhỏ rớt ở gốc cây. Chàng cúi xuống nhặt, cất kỹ lưỡng vào trong bọc, trở lại đường cũ, gánh củi rồi về.