Hẹn với Xuân sau
Ni sư Như Đức

 

Năm nay tôi đã có một chuyến đi dài, ở một miền có một nền văn minh đỉnh cao của nhân loại. Kỷ niệm về chuyến đi này cũng giống như khi người ta đi lạc vào khu rừng nhiều hương sắc, khi ra về muốn diễn tả lại cho người thân quen, không có gì chứng cứ, chỉ còn phảng phất vài mảnh vụn ký ức.

Mọi thứ đều trôi nhanh, đó là điều ghi nhận đầu tiên. Xứ sở đó rất yêu chuộng tốc độ. Càng lúc càng phát minh những thứ máy móc siêu nhanh, tiết kiệm thời gian. Những con bọ điện tử phải chính xác và thần tốc. Luôn luôn có máy mới, nhất là về computer chỉ cần nhanh hơn năm phút là được thị trường yêu chuộng. Mọi người đi làm hối hả để có đủ tiền sắm những tiện nghi tiết kiệm cho mình năm – mười phút. Năm – mười phút dư đó để có thể làm thêm việc hái ra tiền. Và tiền để sắm máy mới… Tôi được nghe kể câu chuyện:

Một người Mỹ gặp một người Mễ đang đánh cá. Ông Mỹ hỏi:

– Anh đánh bắt một ngày được bao nhiêu?

Trả lời:

– Khoảng vài chục ký.

Với óc thực dụng, ông Mỹ đề nghị:

– Anh còn nhiều thì giờ sao không làm thêm?

Ông Mễ hỏi:

– Để làm gì?

– Bán được nhiều tiền hơn.

– Có tiền nhiều để làm gì?

– Sắm một chiếc tàu lớn, đi xa hơn, nhiều cá hơn.

– Nhưng rốt cuộc để làm gì?

– Thì về già anh được nghỉ ngơi.

– Như vậy ngay bây giờ tôi đã được nghỉ rồi.

Câu chuyện vui đó cho thấy tư duy khác nhau của hai dân tộc, và đất nước Mỹ luôn tiến về phía trước, còn dân Mễ thì chui sang nước Mỹ để hưởng ké.

Ở đó chúng ta có thể gặp đủ mọi sắc dân trên thế giới, chỉ cần đến sân bay, ga xe bus hoặc các nơi mua sắm. Một người Ấn áo choàng lướt thướt, hoặc vài cô Châu Phi sắc màu sặc sỡ từ đầu đến chân, Á Châu mình thì không biết đó là Thái, Hàn (Đại Hàn), Hoa, Tạng (Tây Tạng) hay Mông Cổ, Phi Luật Tân… nhiều sắc dân sống chung và mỗi sắc dân trang trí cho khu vực mình nét văn hóa riêng. Cũng một không gian đó, nhà cửa xây một kiểu, nhưng đi ngang qua sân thấy cây chuối là biết nhà người Việt. Tôi còn gặp ở Florida, một khu vườn trồng toàn cam, bưởi, mãng cầu, đu đủ, cô Bảy chủ nhà nói toàn chuyện về núi Ông Cấm, núi Bà Đội Om ở Châu Đốc, đọc thơ vè của Sư vãi bán khoai, hệt như chưa từng rời xa quê hương nửa bước.

Vậy thì, cảnh có đổi nhưng tâm không đổi. Càng xa cách càng nhớ nhung, càng cần thiết một khung cảnh quen thuộc để an ủi tâm hồn. Một ngôi chùa, một tinh xá, thiền viện để ngày cuối tuần trở về. Gặp nhau gây lộn cũng được, ít ra là gây bằng tiếng Việt. Các chùa có khuynh hướng mở lớp dạy tiếng Việt cho các cháu thuộc thế hệ thứ ba – thứ tư của người Việt mình bên ấy. Cô giáo chịu khó nói hai thứ tiếng, kể chuyện cổ tích, bày trò chơi Việt Nam, đẩy bớt làn sóng chơi game, trò chơi điện tử mà các bé nói tiếng Mỹ như gió, còn tiếng Việt thì bỏ dấu trời ơi. Dù gì đi nữa, lớn lên trong khung trời sao nhân tạo – Nói thế vì chẳng ai có thì giờ ngắm trăng sao, nên sơn phòng phủ bằng một màn sao nhân tạo để mở mắt tưởng mình ngủ giữa trời – Có ngày người ta sẽ nhớ câu mẹ nói:

Một ông sao sáng
Hai ông sáng sao…

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, ai sang đây cũng có một nỗi niềm riêng. Trên một đất nước xa lạ và đầy máy móc, mình cũng phải làm như máy. Nhiều người nói: Tụi con sang đây đều đổi tuổi con trâu, đi cày suốt. Thục nói với tôi: Nhà Phật nói có bốn cái khổ là sanh, già, bệnh, chết, nhưng theo con phải thêm cái khổ thứ năm là job (việc làm). Vì thế không ai có cái nhà riêng để khắc ghi vào đó kỷ niệm. Tất cả phải theo việc làm mà đổi chỗ, kể cả tình cảm. Dù thề non hẹn biển gì mà việc làm thay đổi, thì người đi theo việc, gọi điện thoại được vài lần, nếu không gắn bó thì… “Mai xa quá trên miền biên giới, còn một chút gì để nhớ để thương…” Một chút gì đó cũng phôi pha.

Để có khái niệm về khoảng cách không gian, xin giới thiệu. Ngay trong một tiểu bang Cali thôi, mà thiền viện Diệu Nhân ở miền Bắc thì cũng như ở Hà Nội, xuống Nam Cali thăm Ngọc Chiếu như là đi về Cần Thơ. Rộng mênh mông như thế, không phải kêu một tiếng là có người quen liền. Nên ở đây gặp biến cố gì của đời sống, đều cảm thấy cô đơn và buồn gấp bội. Đường phố xa hoa, tiện nghi sang trọng nhưng vẫn thấy lạ lùng. Lý do chính là không phải chỗ của mình. Có thể tôi đã già khó có thể thích nghi. Những người lớn tuổi đều ước ao, sau khi nghỉ hưu có một ngôi chùa để đến đó làm công quả, để thấy mình tồn tại.

Tôi mong ước thiền viện Diệu Nhân trước nhất là nơi tu tập, một mảnh hồn Á Đông, nụ cười thiền của tâm hồn dân Việt. Ít ra có một khung cảnh hoa vàng trúc biếc để thư giãn tâm hồn. Quý thầy đều cười là: Cây Bồ-đề trồng trên đất xi-măng. Thiệt tình không phải dễ. Nhưng tiếng gọi tha thiết của những tâm hồn xa quê. Vì thế hệ tương lai, đâu thể rũ bỏ như bấm máy xóa chương trình. Thế hệ trẻ Việt Nam ở Mỹ phần lớn đều giỏi, thành đạt, học được nhiều điều mới lạ để giúp ích đất nước mình. Vì những chồi non đó, gốc cây già phải nuôi dưỡng, phải như là bóng mát trú ngụ trên đoạn đường đời. Có một thân tình tiếp nối, có một nền đạo đức dân tộc, một nội tâm an lạc để người ta có thể bước đi. Hẹn ước mùa Xuân còn trước mặt.