HÃY BẮT ĐẦU VỚI
BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

LET’S START WITH
ALMSGIVINGS & OFFERINGS

Thiện Phúc

 

Lời Đầu Sách

Trong Phật giáo, bố thí là hạnh tu hàng đầu trong sáu Ba La Mật. Theo Phạn ngữ, Ba La Mật có nghĩa là đáo bỉ ngạn. Sáu Ba La Mật làmsáu thứ đưa chúng sanh qua biển sanh tử để đi đến Niết Bàn. Sáu giai đoạn hoàn thiện tinh thần của chư Bồ Tát trong tiến trình thành Phật. Chẳng những Lục độ Ba La Mật là đặc trưng cho Phật Giáo Đại Thừa trong nhiều phương diện, mà chúng còn gồm những cơ bản đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo. Lục độ Ba La Mật bao gồm sự thực tập và sự phát triển khả dĩ cao nhất. Vì vậy, thực hành sáu Ba La Mật sẽ giúp hành giả vượt bờ mê qua đến bến giác. Người Phật tử luôn biết Lục Độ Ba La Mật là sáu pháp tu hành căn bản của một người con Phật, nhưng có lắm lúc nhiều người trong chúng ta lại không chịu nỗ lực thực hành. Gặp ai và ở đâu mình cũng nói pháp “Lục Độ”, nhưng đến lúc gặp thử thách thì bố thí cũng không, trì giới cũng chẳng có, nhẫn nhục cũng tránh xa, tinh tấn đâu chẳng thấy chỉ thấy giải đãi, thiền định đâu không thấy chỉ thấy tán tâm loạn ý, kết quả là chúng ta không thể xử dụng được chân trí tuệ không trong hành xử hằng ngày.

Như vậy thì hình tướng tu hành có lợi ích gì? Có người chẳng những không chịu bố thí, mà còn kêu người khác phải bố thí cho mình càng nhiều càng tốt. Những người nầy luôn tìm cách đạt được tiện nghi, chứ không chịu thua thiệt. Chúng ta ai cũng biết trì giới là giữ gìn giới luật Phật, nhưng đến lúc gặp thử thách, chẳng những mình không giữ giới mà còn phá giới nữa là khác. Mặc dù ai trong chúng ta cũng đều biết rằng nhẫn nhục có thể giúp đưa chúng ta sang bờ bên kia, nhưng khi gặp chuyện thì chúng ta chẳng bao giờ nhẫn nhục được. Ai cũng muốn tinh tấn, nhưng mà tinh tấn làm việc trần tục, chứ không phải tinh tấn tu hành. Ai cũng biết thực tập thiền định nhằm tập trung tư tưởng để phát sanh trí huệ, nhưng chỉ biết nói mà không chịu làm. Vì những lý do nầy mà Đức Phật nói pháp Ba La Mật. Bố thí tức là dùng tài sản vật chất hoặc Phật pháp để bố thí cho người khác, trì giới là tuân giữ giới luật Phật và thúc liễm thân tâm trong mọi hoàn cảnh, nhẫn nhục là thọ nhẫn những gì không như ý, tinh tấn là tinh tấn tu tập, thiền định là tập trung tư tưởng cho đến khi không còn một vọng tưởng nào, và trí tuệ là trí có khả năng đưa mình đến bờ bên kia và liễu sanh thoát tử.

Bố thí theo tiếng Phạn là “Dana” Nói chung từ “dana” chỉ một thái độ khoản đại. Đàn na quan hệ với việc phát triển một thái độ sẵn sàng cho ra những gì mà mình có để làm lợi lạc chúng sanh. Trong Phật giáo Đại thừa, Bố thí là một trong sáu hạnh Ba La Mật của người tu Phật, là hành vi tự phát tặng cho tha nhân tài vật, năng lượng hay trí năng của mình, cũng là tác động quan trọng nhất làm tăng công đức tu hành mà một vị Bồ Tát tu tập trên đường đi đến Phật quả. Theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 10, Đức Phật dạy: “Thấy người thực hành bố thí,
hoan hỷ giúp đở thì được phước rất lớn. Có vị Sa môn hỏi Phật, “Phước nầy có hết không?” Phật đáp, “Thí như lửa của ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đem đuốc đến mồi lửa về để nấu ăn hay thắp sáng, lửa của ngọn đuốc nầy vẫn như cũ. Phước của người hoan hỷ hỗ trợ người thực hành bố thí cũng vậy”.” Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng tài sản sẽ ở lại khi bạn ra đi. Bạn bè người thân sẽ đưa tiễn bạn ra nghĩa trang. Chỉ có nghiệp lành nghiệp dữ mà bạn đã tạo ra sẽ phải đi theo với bạn vào chung huyệt mộ mà thôi. Vì thế, tài sản chỉ có thể được dùng để trang hoàng căn nhà, chứ không thể tô điểm được cho công đức của mình. Y phục có thể được dùng để trang hoàng thân thể của bạn, chứ không phải cho chính bạn.

Như trên đã nói, theo Phật giáo, Bố Thí là cho một cách rộng lớn, cho không giới hạn. Để có thể cho không giới hạn, người bố thí chắc chắn phải có từ tâm vô lượng. Từ vô lượng tâm là lòng thương yêu vô cùng rộng lớn đối với toàn thể chúng sanh mọi loài, và gây tạo cho chúng sanh cái vui chân thật. Khi chúng ta nói bố thí khởi nguồn từ Vô Lượng Từ Tâm vì lòng Từ là lòng thương yêu vô cùng rộng lớn trong Phật giáo. Thực hành bố thí trong tu tập Phật giáo là tu tập loại trừ lòng ganh ghét, thù hận và vị kỷ, để phát triển lòng từ bi lân mẫn đến với mọi loài. Thực tình mà nói, khi chúng ta nói tu tập bố thí cũng là tu tập Từ Vô Lượng Tâm vì bố thí là vì lòng từ thiện vô tư đối với tất cả mọi người mà không bị vướng mắc bất cứ thứ gì; và vô lượng Từ Tâm cũng là vì lòng Từ, là lòng thương yêu vô cùng rộng lớn đối với mọi người.

Đã nói Bố Thí là cho một cách rộng lớn, cho không giới hạn. Để có thể cho không giới hạn, người bố thí chắc chắn phải có bi tâm vô lượng. Khi chúng ta nói bố thí khởi nguồn từ Vô Lượng Bi Tâm vì khi chúng ta bố thí với Bi Vô Lượng Tâm là chúng ta bố thí với cái tâm hay tấm lòng bi mẫn thương xót cứu vớt người khác thoát khỏi khổ đau phiền não. Lòng bi là lòng vị tha, không vì bản ngã, mà dựa trên nguyên tắc bình đẳng. Bố thí khởi nguồn từ Vô Lượng Bi Tâm là bố thí không vị kỷ, thấy ai đau khổ bèn thương xót mà bố thí, ấy là bố thí với bi tâm.

Như vậy, khi chúng ta nói tu tập bố thí cũng là tu tập Bi Vô Lượng Tâm vì trong tu tập Phật giáo, tu tập bố thí là vì bi mẫn thương xót cứu vớt giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần để họ có thể thoát khỏi khổ đau phiền não của sự thiếu thốn. Bi vô lượng tâm cũng là cái tâm hay tấm lòng bi mẫn thương xót cứu vớt người khác thoát khỏi khổ đau phiền não. Tu tập bố thí cũng là tu tập Hỷ Vô Lượng Tâm vì trong tu tập Phật giáo, tu tập bố thí là vì muốn giúp người khác được vui và thoát khổ khi thấy họ khổ đau phiền não. Hỷ vô lượng tâm lại cũng như vậy, là cái tâm vui mừng khi thấy người khác thoát khổ được vui.

Nói cách khác, trong lúc tu tập hay thực tập thiền định, hành giả tu Phật phải tu tập thế nào mà khi chứng kiến sự thành công của người khác mình phải khởi tâm tùy hỷ. Cuối cùng, khi chúng ta nói tu tập bố thícũng là tu tập Xả Vô Lượng Tâm vì trong tu tập Phật giáo, tu tập bố thí là vì lòng muốn xả bỏ một cách vô tư đối với tất cả mọi người. Xả Vô Lượng Tâm lại cũng như vậy, là nội tâm bình đẳng và không có chấp trước, một trong những đức tính chính của Phật giáo, xả bỏ sẽ đưa đến trạng thái hửng hờ trước những vui khổ hay độc lập với cả hai thứ nầy.

Vào khoảng năm 2009, Thiện Phúc đã biên soạn bộ Phật Pháp Căn Bản, gồm 8 tập. Tuy nhiên, thật là khó khăn cho việc tìm đọc hết những chương trong bộ sách này, đặc biệt là đối với người tại gia với nhiều gia vụ thì việc đọc hay nghiên cứu một bộ sách với khoảng 6184 trang giấy khổ lớn là hầu như rất khó khăn. Vì vậy mà Thiện Phúc đã trích chương 27 trong tập II ra, cố gắng biên soạn gọn lại và in thành tập sách nhỏ có nhan đề là “Hãy Bắt Đầu Với Bố Thí Cúng Dường.” Quyển sách nhỏ có tựa đề “Hãy Bắt Đầu Với Bố Thí Cúng Dường” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về Phật giáo, mà nó chỉ đơn thuần trình bày ý nghĩa cốt lõi và tầm quan trọng của Bố Thí và Cúng Dường, pháp tu hàng đầu trong sáu pháp Ba La Mật của đức Phật. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng tu Phật không hẳn là phải xuất gia vào chùa làm Tăng hay Ni, mà nó có nghĩa là hãy bắt đầu bước vào việc thực tập những bài tập được liên kết để thiết lập những mẫu mực sống hằng ngày của mình, làm cho đời sống của chúng ta trở nên yên bình hơn. Đức Như Lai đã giải thích rõ về con đường diệt khổ mà Ngài đã tìm ra và trên con đường đó Ngài đã tiến tới quả vị Phật. Cuộc hành trình “Tiến tới quả vị Phật” còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Hãy Bắt Đầu Với Bố Thí Cúng Dường” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình và hạnh phúc. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng hạnh phúc bình thường là thỏa mãn sự khao khát. Tuy nhiên, ngay khi điều mong muốn vừa được thực hiện thì chúng ta lại mong muốn một thứ hạnh phúc khác, vì lòng thèm muốn ích kỷ của chúng ta không cùng tận. Cuối cùng, bí mật của hạnh phúc nằm ở chỗ chúng ta biết những gì cần làm. Đối với người Phật tử, nhất là những người tại gia, nếu chưa có khả năng tu được cùng một lúc sáu Ba La Mật, trước tiên hãy thử bắt đầu tu tập với bố thí cúng dường trước khi làm quen với những Ba La Mật khác. Mong cho ai nấy đều phát tâm Bố Thí Ba La Mật ngay bây giờ và ở đây.

Thiện Phúc