GIẢNG GIẢI LỤC TỰ ĐẠI MINH CHÂN NGÔN NGHĨA
Trích Những Bài Giảng Của Hòa thượng Tuyên Hóa

 

I. (TRÍCH) ĐỊA TẠNG BỔN NGUYỆN KINH THIỂN THÍCH

Chủ yếu của việc nghiên cứu Phật Pháp là gì? Ðó là cắt đứt vọng tưởng, thâu nhiếp thân tâm. Nếu chúng ta không mơ tưởng về quá khứ, hiện tại hoặc vị lai, mà chỉ một lòng một dạ nghiên cứu Phật Pháp, thì chúng ta sẽ không còn phiền não, khổ đau. Tại sao chúng ta có phiền não ? Bởi vì chúng ta không có được cái nhìn thấu suốt, không nỡ buông bỏ, cứ cho rằng việc này quan trọng, việc kia cần thiết, do vậy mà sanh lòng chấp trước. Một khi đã có tâm chấp trước thì phiền não sẽ theo đó mà nảy sinh. Cho nên, chúng ta nghiên cứu Phật Pháp thì cần phải dẹp bỏ tâm chấp trước.

Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi giảng Kinh ở đây. Sau này, khi quý vị vào chỗ ngồi thì người hàng sau nên ngồi xen kẽ đối với người hàng trước, để người trước người sau đều có thể thấy rõ, khỏi cản trở tầm nhìn của nhau. Ðó là cách ngồi; còn đứng thì như thế nào ? Cứ hai người đứng một hàng, hàng này cách hàng kia một khoảng vừa đủ để có thể cúi lạy được.

Vừa rồi chúng ta có niệm Lục Tự Ðại Minh Chú (Án Ma Ni Bát Di Hồng). Bồ Tát Ðịa Tạng rất thích mọi người niệm chú Lục Tự Ðại Minh này. Nếu quý vị trì niệm Lục Tự Ðại Minh Chú thì quý vị cầu xin bất cứ điều gì, Bồ Tát Ðịa Tạng cũng sẽ giúp cho qúy vị được toại nguyện. Sự cảm ứng linh thiêng của Ngài Ðịa Tạng không thể nào nói hết được, điều này trong Kinh cũng có đề cập đến. Vì thế, trong các buổi giảng Kinh, chúng ta đều nên luôn luôn niệm Lục Tự Ðại Minh Chú. Ðây là một Thần Chú tối nhiệm mầu; công năng của Thần Chú này thật không thể nghĩ bàn!

II. GIẢNG GIẢI LỤC TỰ ĐẠI MINH CHÂN NGÔN NGHĨA

Nếu quý vị có thể thường xuyên trì tụng Chú Lục Tự Đại Minh thì sẽ chiêu cảm được sáu đạo ánh sáng có công năng biến đổi sự tối tăm của sáu nẻo luân hồi trở nên sáng rạng

Sáu chữ nầy gọi là “Chú Lục Tự Đại Minh”, mỗi chữ đều có thể phóng ra một luồng ánh sáng.

Mật tông chuyên nghiên cứu về lời và ý nghĩa của thần chú. Phật giáo phân thành năm tông phái là: Thiền tông, Giáo tông, Luật tông, Mật tông và Tịnh Độ tông. Thiền tông chuyên về tham thiền tĩnh tọa; Giáo tông chuyên về giảng kinh thuyết pháp; Luật tông thì tu trì, nghiêm tịnh giới luật, làm mô phạm trong ba cõi. Về Mật tông, thì “mật” là bí mật, là “không biết lẫn nhau” (hỗ bất tương tri). Tịnh Độ tông thì chuyên trì danh hiệu, niệm sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Trong năm tông phái nầy, có người cho rằng Thiền tông là hơn hết; có người lại cho Giáo tông hay nhất; lại có người cho Luật tông là đứng đầu; người tu theo Mật tông thì nói Mật tông của mình là cao siêu nhất; người tu theo pháp môn Tịnh Độ thì nói pháp môn Tịnh Độ là số một, không gì sánh bằng. Trên thực tế, các pháp đều bình đẳng, không có cao thấp—“thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ”. Cho rằng một pháp nào đó tối thắng, chẳng qua chỉ là cái thấy của cá nhân, mình thích tông nào thì cho tông đó là nhất.

Bây giờ chúng ta đang nói về Mật tông. Theo cách hiểu thông thường của mọi người thì Mật tông là Lạt Ma giáo. Kỳ thực, Mật tông không phải là cái gì bí mật. Trong Hiển giáo thì Hiển-Mật viên thông—trong Hiển giáo cũng có Mật giáo; như Chú Đại Bi, Chú Lục Tự Đại Minh đều là “mật” cả. Chú Lăng Nghiêm lại càng “mật” hơn nữa. Nên nói “mật” chính là không biết lẫn nhau.

Người không hiểu thì cho rằng cái gì bí mật mới tốt nhất, vì nó không được truyền bá công khai. Có một số người không hiểu Phật Pháp, lại càng làm ra vẻ thần bí, bảo: “Cái nầy không thể giảng cho ông nghe được. Mật tông của tôi ấy à, không thể giảng cho ông nghe được đâu!” Quý vị không thể giảng cho người khác nghe, thì tại sao quý vị lại đề cập đến nó chứ? Tại sao quý vị lại nói: “Tôi không thể giảng cho ông nghe”? Nếu thật sự là Mật tông thì phải không nói gì cả mới đúng, tại sao quý vị còn nói: “Tôi không thể giảng cho ông nghe”? Quý vị nói rằng mình không thể giảng, song, như thế có phải là quý vị đã giảng rồi không? Đó chính là quý vị đã giảng rồi đấy! Thế tại sao còn nói là không thể giảng được? Là vì không hiểu rõ Phật Pháp, căn bản không hiểu được cái gì gọi là “Mật Tông”!

Bây giờ tôi sẽ nói cho quý vị nghe về Mật tông. Lời chú, thật ra không có gì bí mật cả. Sở dĩ được gọi là Mật tông, vì khi quý vị trì tụng lời chú, bản thân quý vị sẽ nhận được sự linh cảm mà tôi không thể biết được; khi tôi trì tụng lời chú, thì bản thân tôi sẽ có được sự linh cảm mà quý vị không thể biết được. Vì chúng ta không thể biết được công năng và sức mạnh của lời chú đối với mỗi người, cho nên gọi là Mật tông; chứ bản thân bài chú tuyệt đối không phải là Mật tông. Chính năng lực của chú mới là “mật”. Đó là ý nghĩa của Mật tông vậy.

Nếu lời chú là bí mật, thì quý vị không nên truyền cho người khác; một khi quý vị đem truyền cho người khác thì nó không còn là bí mật nữa. Cũng thế, Lục Tổ và Huệ Minh có một đoạn đối đáp như sau:

Huệ Minh hỏi: “Ngoài mật ngữ mật ý Ngài vừa giảng, còn mật ý nào nữa chăng?”

Lục Tổ đáp: “Ðiều tôi nói với ông đó chẳng phải là mật. Nếu ông phản chiếu, thì mật ấy ở ngay nơi ông.”

Quý vị thấy không, đoạn đối đáp trên đã nói rất rõ ràng: Điều mà quý vị có thể nói ra thì chẳng còn là bí mật nữa. Những gì có thể trao truyền cho quý vị cũng giống như thế. Nếu là bí mật thì không nên truyền. Sự bí mật vốn ở ngay nơi quý vị, sát bên cạnh quý vị. Đây mới chính là cái được gọi là bí mật.

Tôi tin rằng ngay cả các Pháp sư của Mật tông cũng không biết cách giải thích về “mật tông” như thế nào; họ chỉ cho rằng bài chú là bí mật. Nhưng bài chú nào cũng đều có thể trao truyền cho mọi người, lời chú nào cũng đều có thể nói ra; không có bài chú nào là không thể nói ra cả! Nếu không được nói ra thì họ sẽ không có cách nào để truyền cho quý vị, có đúng vậy không nào? Chúng ta giảng chân lý nầy là vì nó có thể được truyền đạt cho quý vị, không phải là bí mật—đây không phải là Mật tông!

“Mật,” thì không có cách gì để truyền đạt. Điều bí mật chính là năng lực của bài chú. Không ai có thể nói cho quý vị biết chú nầy có năng lực gì, hoặc quý vị trì tụng thì sẽ như thế nào, như thế nào; mà “như người uống nước, nóng lạnh tự biết”—chỉ có quý vị tự mình biết mình mà thôi, người khác không thể nào biết được, do đó gọi là “mật”. Năng lực là bí mật, sự cảm ứng là bí mật, diệu dụng là bí mật, chứ không phải bài chú là bí mật! Bây giờ quý vị đều hiểu rõ rồi chứ?

Những người không hiểu rõ Phật Pháp ắt hẳn cho rằng tôi giảng không đúng. Cho dù là không đúng, tôi cũng vẫn muốn nói như vậy. Quý vị cho là tôi đúng ư? Quý vị không thể nào nói như vậy được! Bởi vì quý vị vốn hoàn toàn không hiểu gì cả, thì làm thế nào quý vị biết được là tôi hiểu!!! Tôi thì càng không hiểu gì cả; tôi còn hồ đồ hơn nữa! Có điều, trước kia sư phụ tôi đã chỉ dạy cho tôi rất rõ ràng, cho nên mới biến đổi kẻ hồ đồ này thành một người biết giảng Chú Lục Tự Đại Minh của Mật tông!

Mật tông được chia thành năm bộ—Đông, Tây , Nam , Bắc, và Trung ương. Phương Đông là bộ Kim Cang, chuyên hộ trì chánh pháp; bộ Bảo Sanh ở phương Nam; bộ Liên Hoa ở phương Tây; bộ Yết Ma ở phương Bắc và bộ Phật ở chính giữa. Nếu có thời gian quý vị hãy nghiên cứu Chú Lăng Nghiêm, trong đó có giảng về năm bộ này một cách tường tận.

Trên thế gian, nếu có một người trì niệm Chú Lăng Nghiêm thì ma vương không dám xuất hiện; nếu không có người biết trì niệm Chú Lăng Nghiêm thì ma vương trong ba ngàn đại thiên thế giới sẽ lũ lượt kéo đến thế gian. Tại sao ư? Vì không có người quản thúc chúng, năm bộ đều không hoạt động, cho nên ma vương mới dám xâm nhập thế gian. Bởi nếu có một người biết tụng Chú Lăng Nghiêm thì ma vương sẽ không dám xuất hiện, cho nên chúng tôi mong muốn có thêm nhiều người trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Trong khoá tu học hè đầu tiên của chúng ta, trước hết, tôi đã khảo hạch xem ai có khả năng học thuộc Chú Lăng Nghiêm. Kết quả là có hai người đạt tiêu chuẩn, sau đó lại có thêm rất nhiều người có thể tụng chú được. Bây giờ tôi sẽ giảng về Chú Lục Tự Đại Minh.

Đầu tiên là chữ “Án”. Khi quý vị tụng chữ “Án” nầy, tất cả quỷ thần đều phải chắp tay lại. Vì sao phải chắp tay lại? Đó là giữ gìn pháp tắc, tuân theo khuôn phép. Quý vị tụng một chữ nầy, thì tất cả quỷ thần đều không dám gây rối, không dám không tuân theo mệnh lệnh. Chữ nầy có nghĩa là “tiếng dẫn” (dẫn thanh), là tiếng mở đầu dẫn tới những lời chú tiếp theo, cho nên khi đọc chú, đầu tiên đều đọc chữ nầy.

Ma Ni” chính là “mâu ni”. “Mâu ni” là tiếng Phạn, dịch là “trí tịch,” tức là dùng trí huệ để làm sáng tỏ tất cả các đạo lý, và do đó đạt đến trạng thái tịch diệt vô sanh. Lại có thể dịch là “ly cấu,” nghĩa là rời xa tất cả bụi bặm dơ bẩn, ví như viên ngọc “như ý,” rất toàn hảo, không có chút tỳ vết. Viên bảo châu “như ý” nầy có công năng sanh trưởng tất cả công đức, có thể đáp ứng mọi sở nguyện của con người.

Bát Di” vốn nên đọc là “Bát Đặc Di,” dịch là “quang minh viên giác”; cũng dịch là “liên hoa khai,” tức là diệu tâm của Bồ tát Quán Thế Âm, diệu tâm ấy viên mãn đầy đủ, vô ngại. Đó là chữ “bát di.”

Chữ “Hồng” có nghĩa là “xuất sanh” —tất cả mọi thứ đều có thể được sanh ra từ chữ “Hồng” nầy. Lại có nghĩa là “ủng hộ” —niệm chữ nầy thì liền cảm ứng chư hộ pháp thiện thần đến trợ giúp, che chở cho quý vị. Lại còn có nghĩa là “tiêu tai” —quý vị có tai nạn gì, tụng chữ nầy liền được tai qua nạn khỏi. Lại cũng có nghĩa là “thành tựu” —bất luận quý vị cầu nguyện điều gì, đều có thể được thành tựu như ý.

Một khi quý vị niệm Chú Lục Tự Đại Minh, thì sẽ có vô lượng chư Phật, vô lượng Bồ tát và vô số hộ pháp Kim Cang thường xuyên đến ủng hộ quý vị. Cho nên, Bồ tát Quán Thế Âm sau khi nói xong Chú Lục Tự Đại Minh nầy, liền có bảy ức đức Phật đến vây quanh, ủng hộ. Năng lực và diệu dụng của Chú Lục Tự Đại Minh không thể nghĩ bàn, sự cảm ứng đạo giao cũng không thể nghĩ bàn. Do vậy nên gọi là Mật tông. Nếu giảng chi tiết hơn thì ý nghĩa nhiều đến vô lượng vô biên, không thể nào nói cho hết được; thế nên tối nay tôi chỉ giảng sơ lược cho đại chúng nghe mà thôi.

Tôi có thể cho quý vị biết một chút về thứ thần lực bí mật không thể nói ra được. Tại sao tôi bảo là “thần lực bí mật không thể nói ra được”? Bởi vì những điều tôi nói thì chưa được một phần vạn của sự việc. Thế là thế nào? Nếu quý vị có thể thường xuyên trì tụng Chú Lục Tự Đại Minh thì sẽ chiêu cảm được sáu đạo ánh sáng có công năng biến đổi sự tối tăm u ám của sáu nẻo luân hồi trở nên sáng rạng. Điều cần thiết là quý vị phải chuyên tâm trì tụng mới có thể đạt được thứ Tam-muội này. Bấy giờ, ánh sáng không chỉ chiếu khắp trong sáu nẻo luân hồi, mà cả mười Pháp giới cũng biến thành “quang minh tạng”. Tôi hy vọng mọi người dù bận rộn đến đâu cũng nên nhín chút thì giờ để trì tụng Chú Lục Tự Đại Minh nầy.

III. THẤT LỤC TỰ ĐẠI MINH CHÂN NGÔN ( GIẢNG TRONG PHÁP HỘI HOA NGHIÊM PHẦN PHẨM HIỀN THỦ) (

Hiện tại, chúng ta lại bắt đầu mở Thất, niệm Án ma ni bát di ngưu[1]niệm ngưu nhưng không được giống ngưu. Nếu quý vị giống ngưu, có sức mạnh như thế, thì chỉ có thể đi cày ruộng, hoặc kéo xe, hoặc để người lấy thịt ăn, chứ chẳng còn dùng vào việc gì nữa. Lần này, chúng ta không niệm ngưu mà niệm hồng, Án ma ni bát di hồng, nhưng hồng cũng không được niệm hồng thật lớn, cũng không được niệm hồng thật nhỏ, cũng không được chậm, cũng không được nhanh. Cho nên nói:

緊了繃 慢了鬆
不緊不慢才成功

Gấp thì căng, chậm thì dùn
Không gấp không chậm mới thành công.
Khẩn liễu banh mạn liễu tùng
Bất khẩn bất mạn tài thành công

Quý vị niệm nhanh quá thì sẽ vướng vào ma; niệm chậm quá cũng sẽ sinh ra ma lười biếng. Ma nói: “Đừng niệm nữa, niệm nó làm gì!”. Niệm nhanh quá thì ma lười biếng chạy mất, song ma vội vã lại xuất hiện. Giống y như uống Speed (một loại thuốc kích thích, a psychostimulant drug) vừa uống vào thì thần kinh liền bộc phát, rồi cho là hay lắm, công hiệu lắm! Thật sai lầm, chớ có mắc phải tình trạng như ông Squarsh trước kia, từ sáng đến tối cứ muốn chóng khai ngộ. Trong khi mọi người đều niệm Án ma ni bát di hồng thì ông ta chỉ niệm hồng, hồng, hồng, chỉ một chữ hồng; cả ngày chạy vòng vòng, đứng không yên, ngồi cũng không yên, dáng vẻ giống như người bị đánh mất vật gì. Cho nên, chúng ta đừng giống như thế, mà phải niệm vừa chừng, không nhanh, cũng không chậm, thuận theo mọi người. Dị khẩu đồng âm, khẩu tuy không đồng, nhưng âm thanh đồng nhau, đừng chạy trước, cũng đừng tụt đằng sau.

Quý vị có thể niệm được như vậy thì ngay nơi mỗi niệm đều đạt được tam-muội Lục Tự Đại Minh; nhưng khi đang niệm, quý vị cũng đừng nghĩ tôi phải đạt được tam-muội. Nếu quý vị nghĩ muốn đạt được tam-muội thì sẽ đạt tứ muội. Ha! sẽ là thêm hơn một muội, “tứ muội” chính là ngủ khò!

Bây giờ niệm sáu chữ Án ma ni bát di hồng, chúng ta có thể đặt cho tuần thất này một cái tên gọi là thất “Đại Minh”, vì chú Lục Tự Đại Minh gọi là chú Đại Minh, cho nên chúng ta gọi kỳ tu thất này là đả “Đại Minh thất.”

Niệm chú thì tinh thần phải phấn khởi để niệm, chứ không phải niệm y như ngủ gục; phải phấn khởi tinh thần để Án ma ni bát di hồng (âm thanh cao vút), âm thanh cao vút nghĩa là không phải niệm to mà niệm sao cho âm tiếng nghe được rõ ràng, tự mình nghe rất rõ ràng mà người khác nghe cũng rất rõ ràng.

Ai cũng niệm đều đều như nhau thì sẽ hợp nhất thành một âm thanh, chứ không phải quý vị niệm âm thanh cao lên thì tôi lại niệm âm thanh hạ thấp xuống; hoặc quý vị niệm âm thanh kéo dài ra thì tôi lại niệm âm thanh ngắn lại để biểu thị không đồng với quý vị. Nếu trong tâm có ý niệm như vậy thì quý vị vĩnh viễn tối tăm, không thể sáng ra được. Sáng chính là khai mở trí tuệ, đạt được cảm ứng; còn tối tăm thì không có cảm ứng, không có ánh sáng trí tuệ. Điều này mỗi vị phải nên tự biết.

Niệm chú Đại Minh tức là niệm sao cho tâm được được quang minh, tâm giống như một chiếc gương. Gương hay chiếu soi vật, tuy chiếu vật nhưng lại vô tâm, tuy vô tâm nhưng lại chiếu vật, đây chính là trí. Như vậy chúng ta đi đả thất Đại Minh chứ đừng đi đả thất Đại Hắc. Thất Đại Hắc chính là quý vị nổi nóng, tôi phiền não: “Hừ! Anh niệm như vậy là sai rồi, không hợp với ý của tôi.” Hoặc: “Anh ngồi cứ đụng vào tôi, tôi ngồi chỗ này mới vừa thiu thiu ngủ thì anh lại đi tụng to, làm tôi bừng tỉnh…” đâm ra nổi giận.

Khi ngồi, phải ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, nhưng cũng đừng gượng ngồi cho thật thẳng, như vậy thì rất dễ mệt mỏi. Phải ngồi thẳng tự nhiên chứ đừng dùng sức cố gượng ngồi cho thẳng. Đầu và thân phải thẳng như một sợi dây, giống y như đồ nghề mà người thợ mộc sử dụng, phải có khuôn tròn, thước vuông (quy củ), không nhờ khuôn thước (quy củ) thì không thể thành vuông, tròn. Quý vị ngồi, cũng đừng ngồi theo kiểu này (mọi người cười). Quý vị ngồi như thế thì cũng là tối tăm (hắc ám), cũng không thấy được ánh sáng. Phải ngồi cho ngay thẳng, đi phải đoan nghiêm, đi đứng ngồi nằm đều phải đoan nghiêm.

Khi chắp tay, đừng dùng đầu ngón tay chọc vào trong lỗ mũi, giống như khi đóng cửa cài then vào. Chắp tay phải hiệp mười ngón tay lại ngay thẳng, không được có dáng vẻ trêu cợt, đừng dòm ngó người bên cạnh. Quý vị xem Quả Du, hễ chắp tay lên là anh ta cứ muốn chọc tay vào lỗ mũi, có lẽ anh ta sợ nước mũi chảy ra, cho nên phải dùng hai đầu ngón tay chặn lại, không để nước mũi chảy ra. Có lẽ là vậy, hoặc anh ta  nghĩ: “Tôi bịt kín “hơi” (“hơi” hay không khí, nhưng ở đây hàm ý là “tỳ khí” tức nộ khí, sân khí) lại thì sẽ không còn nổi nóng.”

Khi thả tay ra thì tay phải để ngang trước ngực, để ngay trước ngực, đừng để tay thỏng xuống rốn, ôm bụng, giống như muốn đi nhà xí, trông rất khó coi.

Tất cả mọi cử chỉ đều phải đúng pháp (như Pháp). Nói đến đúng pháp thì việc gì cũng phải đúng pháp, ngồi phải đúng pháp, đứng cũng phải đúng pháp, đi cũng phải đúng pháp, đi đứng ngồi nằm đều phải có oai nghi. Không được ngồi đâu có chỗ dựa thì ngả đầu ra sau vách ngủ một giấc, quý vị thì “đại minh” (Lục Tự Đại Minh Thần Chú) còn tôi thì “đại giác” (“giác” này là “thùy giác” nghĩa là ngủ khò, chớ không là giác của giác ngộ hay tỉnh thức), “đại giác” này của tôi thì hơn hẳn “đại minh” của quý vị, quý vị xem có nhiệm mầu không? Đừng như vậy! Cũng đừng cúi đầu về phía trước, ngay như lúc đi đường cũng đừng cúi đầu xuống, chúng ta ở Kim Sơn Tự này mỗi mỗi đều là thân kim cương bất hoại, đều là những người ngay thẳng cứng cỏi, không cúi đầu, giống như vẻ xấu hổ, sợ sệt hay hổ thẹn. Phải thân kim cang bất hoại.

Còn một điều nữa tôi muốn nói cho quý vị biết là niệm chú Lục Tự Đại Minh rốt ráo được lợi ích gì? Niệm chú Đại Minh chẳng có lợi ích gì cả, nhưng có thể làm cho những con trùng trên thân quý vị trở thành Bồ-tát. Nếu niệm chú Đại Minh thì năm trăm năm sau, trùng trên thân quý vị đều làm Bồ-tát, chứ không phải làm ngay bây giờ. Quý vị thấy có nhiệm mầu không? Tất cả trùng (vi khuẩn) trên thân quý vị cũng chính là những tà tri tà kiến, tham, sân, si; năm trăm năm sau chúng đều thành Bồ-tát. Quý vị xem, niệm chú có sức mạnh như thế đó! Như vậy, quý vị thấy có cần phải niệm không? Quý vị cũng đừng niệm quá lớn tiếng, giống như gầm vậy, đừng làm ra vẻ đặc biệt mà phải luôn hài hòa với mọi người. Nói chung, hễ người bên cạnh thế nào thì ta thế ấy, nếu quý vị tỏ vẻ bộ dạng hết sức đặc biệt, thế thì sai rồi. Chúng ta cùng hợp tác với nhau chứ đừng gây bất hòa. Đả thất Đại Minh này, mỗi người đều khiến trí tuệ quang minh hiện xuất, không nên tật đố chướng ngại, suốt ngày ngồi đấy tính sổ rau đậu. “Ồ! Tôi bán cho người ta mấy cân giá đậu, phải thâu khoản tiền kia mới được.”

Đừng lo tính sổ sách, mà phải phát tâm Bồ-đề, chí ít là độ cho được những chúng sinh trên thân quý vị cũng phát tâm Bồ-đề. Quý vị xem, niệm chú Lục Tự Đại Minh có công hiệu lớn như thế! Quý vị có biết trên thân người có bao nhiêu chúng sinh chăng? Chúng sinh trên thân người thì nhiều vô số, vô lượng vô biên, còn vi khuẩn thì không biết là bao nhiêu mà kể, quý vị niệm chú Đại Minh thì năm trăm năm sau, những chúng sinh kia đều phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát. Quý vị thấy có nhiệm mầu không!

Tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện. Cách đây vài năm, có một câu chuyện về niệm chú Đại Minh xảy ra ở Phi Luật Tân ( Philippines ). Những đứa bé ở nước này có lẽ không hề biết về chuyện này, song, trong Phật giáo thì hầu như ai cũng biết. Mấy năm trước, phong trào “Bài trừ người Hoa” ở Phi Luật Tân là phải giết hết những Hoa kiều, thế là họ đã giết đi không biết bao nhiêu người Hoa.

Một hôm, có vài người Trung Hoa chạy đến xin lánh nạn ở nhà của một người Phi Luật Tân nọ. Người này cũng rất từ bi, liền chỉ cho họ trốn trong hậu hoa viên. Hậu hoa viên có thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, nên những người Hoa kiều này vốn hay niệm chú Lục Tự Đại Minh, nhân đó họ luôn miệng niệm để cầu được cảm ứng.

Ồ! Không thể tưởng được việc này. Khi mười mấy quân nhân Phi Luật Tân, người nào cũng cầm dao lớn dài năm thước đến, người Phi Luật Tân này biết chắc là họ đi tìm người Trung Hoa để giết, nên liền nói: “Trong đây có mấy người Trung Hoa nhưng họ là người tốt, tuân thủ luật lệ, các ông đừng giết họ”.

Những quân nhân Phi Luật Tân này liền nói: “Chúng tôi không màng họ có giữ luật lệ hay không, tóm lại, hễ là người Trung Hoa thì nhất định phải giết!”. Thế là, mỗi người cầm một con dao lớn dài năm thước (1.7m) tiến vào. Quý vị biết lúc ấy mấy người Trung Hoa này làm thế nào không? Họ ở xung quanh tòa của Bồ-tát Quán Âm cầu Bồ-tát Quán Âm bảo hộ họ.

Khi những quân nhân Phi Luật Tân vừa tiến đến, mấy người Trung Hoa này nói: “Xin mấy ông tha cho chúng tôi đi! Chúng tôi hoàn toàn không có hoạt động chính trị gì cả, đừng giết chúng tôi!”. Những người này nói: “Bất luận là quý vị có hoạt động chính trị hay không, tóm lại, hễ là người Hoa thì giết hết không tha”. Bọn họ thấy nói vậy không thay đổi được gì, bèn nhắm mắt lại niệm chú Lục Tự Đại Minh chờ chết.

Thế là, mười mấy quân nhân cầm dao tiến đến chém mấy người này, nhưng không thể nào chém được. Họ chặt ghế, cửa sổ ra tan nát. Họ đứng kề bên khám thờ Bồ-tát Quán Âm nhưng khám thờ cũng không bị gì cả, những người Trung Hoa cũng không thọ thương chút nào. Mười mấy quân nhân này chặt túi bụi một hồi, rồi bỏ đi. Đây là câu chuyện trong Phật giáo Phi Luật Tân mà hầu hết người Hoa đều biết.

Qua việc này, chúng ta thấy sự cảm ứng của niệm chú Lục Tự Đại Minh thật không thể nghĩ bàn. Nhưng vì sao hiện tại chúng ta niệm mà chẳng thấy có cảm ứng gì? Đó là vì chưa đến giây phút sinh tử, cho nên chúng ta không xem trọng việc sinh tử. Nếu quý vị nghĩ: “Ồ! Còn một phút nữa là tôi chết, tôi phải mau niệm chú Lục Tự Đại Minh để cầu cảm ứng, được thoát chết”. Hoặc: “Có người sắp cắt đầu tôi, tôi nhất định phải nghĩ ra cách để ông ta không cắt đầu tôi, tôi niệm chú Lục Tự Đại Minh”. Gặp tình huống này, quý vị phải niệm với tâm chí thành khẩn thiết đến cực điểm thì mới có cảm ứng.

Song, hiện giờ chúng ta tụ hội cùng nhau tại đây để tu hành, mọi người đều phải niệm cho có tinh thần, âm thanh vừa chừng không lớn, cũng không nhỏ. Tôi và quý vị cùng niệm chú Đại Minh trong một môi trường tốt như thế này, xem thử ai trong chúng ta niệm được cho cái “Minh” này lớn (Đại) hơn một chút. Chúng ta thi thử xem, ai thấy được cái “Minh” này tức là người đó có cảm ứng.

Nếu ai có cảnh giới gì đặc biệt, thì đến gặp tôi, báo cho tôi nghe về cảnh giới của quý vị; nếu không có cảnh giới gì đặc biệt thì không cần hỏi; phải có cảnh giới đặc biệt, cảm thấy không hiểu thì chừng đó hãy đến hỏi.

Có người có thể có, có người thì không. Năm nay tôi mở cửa phương tiện, quý vị ai có cảnh giới gì hoặc là vấn đề gì không giải quyết được thì cứ đến hỏi tôi, sau khi giải quyết xong vấn đề thì tranh thủ trở về chỗ mà tiếp tục niệm chú Đại Minh.

 GHI CHÚ

[1Án ma ni bát di ngưu「唵 嘛 呢 叭 咪 Án ma ni bát di hồng「唵 嘛 呢 叭 咪 」: Bởi chữ “Hồng” () và “Ngưu” () tương tợ nên có người đọc là “ngưu”.

Nếu vậy thì lúc trì Chú mà phát âm không hoàn toàn chính xác thì có sao không? Có người đặt câu hỏi như vậy với Hòa Thượng.

Hòa Thượng: Ngày xưa có một ông lão tu hành rất chân thật, nên lúc nào ông cũng không rảnh rỗi. Ông lão làm gì? Ông lão trì chú, tức là trì “Lục Tự Đại Minh Chú.” Nhưng ông lão tu hành này niệm không đúng. Bởi vì ông đã không hỏi cho rõ ràng cách đọc như thế nào, mà lại tự ý đặt ra. Hoặc là ông có hỏi qua, nhưng vì trí nhớ không mấy gì tốt, cho nên người ta dạy: khi chữ khẩu ( ) bên cạnh chữ Án ( ) thì có âm đọc là Án (). Vì thế mà ông nghĩ rằng khi chữ khẩu có thêm chữ Ngưu ( ), thì chắc chắn cũng đọc là Ngưu. Thật ra chữ đó không phải phát âm là Ngưu ( ) mà có âm đọc là Hồng ( ). Thế là ông lão niệm câu chú Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu. Ông lão cứ như vậy mà niệm rất thành tâm, rất hứng thú. Với lòng nhiệt tâm và nghị lực trì niệm của ông, thì thật là bao nhiêu sức mạnh của chữ ngưu ( trâu ) đó như phát xuất ra vậy.

Ông lão không những chỉ niệm lấy có, mà mỗi ngày ông đều niệm đến cả trăm ngàn lần câu “Án Ma Ni Bát Di Ngưu” này. Sau khi niệm cả trăm ngàn lần như thế, ông cho rằng quá phiền phức nếu niệm mà dùng chuỗi để tính đếm. Cho nên ông bắt đầu dùng trăm ngàn hột đậu để đếm khi niệm chú. Thế rồi mỗi lần niệm xong một câu, ông dời một hột đậu qua một bên. Vì làm như vậy thì sẽ không bị sai sót chi. Niệm một câu thì dời một hột đậu qua một bên. Ông cứ như vậy mà niệm. Niệm tới niệm lui và quả là đã có linh nghiệm thật. Ông niệm cho đến khi các hạt đậu tự động nhảy qua mà không cần dùng tay dời chúng. Ông niệm một câu Án Ma Ni Bát Di Ngưu (trâu), thì ngưu này nhảy qua. Niệm thêm một câu Án Ma Ni Bát Di Ngưu, thì thêm một ngưu nữa lại nhảy qua. Cứ như thế mà tiếp tục niệm tới niệm lui, niệm cho tới khi hào quang xanh sắc xanh, hào quang vàng sắc vàng, hào quang hồng sắc hồng- gồm cả năm hào quang và mười màu sắc đó bao phủ quanh ông. Lúc đó, ông càng niệm lại càng hân hoan hơn: Thật là vui quá! Thử tưởng tượng xem! Các hột đậu mà lại có thể tự động nhảy từ bên đây qua bên kia. Chính ông cũng không ngờ rằng sự linh nghiệm của câu chú, đã khiến các hột đậu trở nên linh hoạt đến nỗi có thể tự động di chuyển được.

Rồi vào một ngày nọ, lại có một lão đạo sĩ khác, nhận thấy bầu trời trên đỉnh núi có một luồng khí sắc tía. Sự hiển hiện của luồng khí sắc tím cuộn xoáy là nhất định phải có một vị chân tu đang tu tập trên đó. Cho nên lão đạo sĩ này bèn đi đến đó xem thử. Đến nơi thì thấy chỗ ở rất đơn sơ, chỉ là một túp lều tranh nhỏ. Lúc ông nhìn vào bên trong thì thấy có một ông già đang niệm Án Ma Ni Bát Di Ngưu và cũng thấy các hạt đậu tự động nhảy qua. Ông lắng nghe, lắng nghe. Và khi ông già đó đã xong khóa trì niệm trăm ngàn biến Án Ma Ni Bát Di Ngưu, đến chữ “Ngưu” cuối cùng, ông khách bèn hỏi: Ông đang làm gì vậy?

– Tôi niệm Lục Tự Đại Minh Chú.

– Ông niệm như thế nào?

– Thì niệm – Án Ma Ni Bát Di Ngưu.

– Ông niệm sai rồi! Không phải là Án Ma Ni Bát Di Ngưu đâu!

– Vậy thì là gì?

– Là Án Ma Ni Bát Di Hồng.

– Ồ!

Rồi sau đó ông lão niệm Án Ma Ni Bát Di Hồng. Nhưng khi niệm chữ “Hồng”, các hạt đậu chẳng động đậy chút nào. “Ủa! HỒNG không làm chúng di động.” Ông lão nói:

“Thấy chưa? Khi tôi niệm Án Ma Ni Bát Di Ngưu, thì đậu của tôi tự động di chuyển. Nhưng khi tôi niệm Án Ma Ni Bát Di Hồng thì các đậu này làm lơ với tôi, chẳng thèm nhúc nhích chi hết. Vậy thì tôi sẽ tiếp tục niệm theo cách của tôi – Án Ma Ni Bát Di Ngưu cho rồi!”

Thật ra ông lão này vốn là không biết chữ, tuy niệm Án Ma Ni Bát Di Ngưu, mà ông cũng đắc được tam-muội. Từ đó chúng ta thấy rằng: Nhất thiết duy tâm tạo – Tất cả đều do tâm tạo. Nếu quý vị niệm không đúng, nhưng không phải là vì quý vị cố ý, thì đó không phải lỗi của quý vị. Bởi vậy không có sao đâu. Chỉ cần quý vị thành tâm thôi. Cho dù như quý vị có niệm sai đi nữa, thì vẫn được cảm ứng như thường. Đó là bởi các vị Thần Chú biết quý vị không phải cẩu thả. Trong trường hợp này, cho dù nếu có trì niệm không đúng hoàn toàn, nhưng cũng vẫn được cảm ứng như nhau. Quý vị hiểu chưa? Tôi nói nhiều đạo lý như vậy đều là để trả lời câu hỏi này cho quý vị đó.

(trích từ “Pháp Nhũ Thâm Ân”)