Duyên khởi của Nam Kinh Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã
Đức Đại Giác Thế Tôn… (cho đến) Đấy là đại ý vì sao các xứ lập Tịnh Nghiệp Xã (Hoàn toàn giống với bài duyên khởi của Lạc Thanh Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã). Nam Kinh là cuộc đất Phật giáo hưng thịnh từ thời cổ, nay lại được lập làm Thủ Đô. Phàm những bậc vĩ nhân, kiệt sĩ, học rộng, trí sâu đều tụ họp về đây. Không có tịnh xã sẽ chẳng dễ tu thật hạnh hòng chứng tịnh quả. Hơn nữa, năm phương cùng tụ lại một chỗ, rắn – rồng hỗn tạp, nếu không có tịnh xã thì làm sao thoát khỏi hang tối để vượt lên cây cao chót vót.
Do vậy, các vị cư sĩ Dương Tiên Phân, Ngụy Ngưỡng Sơn v.v… vào những lúc công việc rảnh rỗi đã suất lãnh những người cùng chí hướng tu trì Tịnh nghiệp. Do những người nghe tiếng liền tùy hỷ đông đảo, nên tạm thời thuê Diệu Phong Am để làm cơ sở. Lại sợ những người thấy nghe và xã hữu chẳng biết lợi ích của pháp môn bèn cậy Quang viết duyên khởi nhằm nêu rõ cái đạo sẵn có ngay trong cái tâm này, pháp tu chân ngay trong cõi tục, cũng như lợi ích do dùng chính niệm Phật để bảo vệ đất nước, do ngầm tu mà giúp đỡ cõi đời [khiến cho những ai thấy nghe] đều được biết rõ! (Cuối Hạ năm Ất Hợi, tức năm Dân Quốc 24 – 1935)