Duyên khởi của Hỗ Tây Niệm Phật Xã

Đức Đại Giác Thế Tôn điều ngự chúng sanh tùy cơ thuyết pháp, tuy Đại, Tiểu, Thiên, Viên bất đồng, dẫu Quyền, Thật, Đốn, Tiệm mỗi pháp mỗi khác, nhưng đều là muốn làm cho chúng sanh đích thân chứng được Chân Như Phật Tánh sẵn có ngay trong tự tâm mà thôi. Nhưng Phật tánh ấy sẵn có trong cái tâm, chứ chẳng phải là vật từ bên ngoài đến, như lấy của báu trong nhà sẽ được thụ dụng ngay trong hiện tại. Do vậy, chứng Phật Tánh ấy là chuyện cực dễ dàng! Hiềm rằng chúng sanh ở trong sanh tử đã lâu, mê hoặc rất sâu. Ví như gương báu bị bụi phủ cả kiếp, muốn khôi phục bản thể quang minh chiếu trời soi đất của nó cố nhiên chẳng thể đổ công lau chùi một hai ngày sẽ liền đạt ngay được! Đức Như Lai bi tâm chân thật, thiết tha, biết chúng sanh đích thân chứng đắc bằng tự lực sẽ khó khăn; dẫu có tu trì nhưng vì chưa đoạn Phiền Hoặc, hễ thọ sanh lần nữa sẽ chẳng khỏi lại mê! Từ đấy kẻ đọa lạc thì đông, người siêu thăng ít ỏi. Do vậy, đặc biệt mở ra pháp môn Tín Nguyện Niệm Phật để những vị đã chứng Pháp Thân sẽ mau thành Phật đạo, kẻ chưa đoạn Phiền Hoặc cũng thoát khỏi luân hồi.

So với những kẻ chỉ cậy vào tự lực tu Giới – Định – Huệ hòng liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, thì sự khó – dễ khác biệt vời vợi một trời một vực! Bởi lẽ, một đằng chuyên cậy vào tự lực, một đằng kiêm nhờ vào Phật lực. Ví như gã teo chân suốt ngày chỉ đi được mấy dặm, nhưng nếu cưỡi luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương trong một ngày sẽ đến khắp bốn châu. Vì thế, pháp này được chín giới cùng hướng về, mười phương chung xưng tán, ngàn kinh cùng xiển dương, muôn luận đều tuyên nói. Do vậy, pháp này là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Xét từ khi đại giáo truyền sang phương Đông, Viễn công sáng lập Liên Xã đầu tiên, đương thời có đến một trăm hai mươi ba vị cao tăng, đại nho tham dự. Từ đấy trở đi, tất cả Luật, Giáo, Thiền, Mật, không ai chẳng lấy cầu sanh Tịnh Độ để làm bước cuối cùng nhằm trở về cội, quay lại nguồn. Bởi thế, gió sen thổi khắp trong ngoài nước, pháp lợi trọn khắp xưa – nay!

Gần đây lòng người kém xưa, vứt bỏ gốc, đuổi theo ngọn, gió Âu dần dần thổi sang phương Đông, đua nhau đề cao duy tân, phế kinh điển, phế luân thường, phế bỏ lòng hiếu, vứt bỏ lòng thẹn, hùa nhau đề xướng những ác hạnh giết cha, giết mẹ v.v… Người có lòng lo cho thế đạo nhân tâm trông thấy hiện tượng ấy, sợ đạo làm người gần như bị diệt mất, đua nhau lập cách cứu vãn. Do vậy, các xứ lập Tịnh Nghiệp Xã, Cư Sĩ Lâm, Niệm Phật Xã hòng đề xướng Phật pháp, tỏ rõ nhân quả ba đời, chỉ ra luân hồi trong lục đạo, nêu bày Phật tánh chân thường, khen ngợi Tịnh Độ cao siêu, thù thắng, khiến cho hết thảy mọi người giữ gìn tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, hành tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ắt sẽ ngăn giận, chặn dục, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành để thành hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, phát Bồ Đề tâm, tự hành, dạy người, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, để đến khi lâm chung, Phật và thánh chúng đích thân rủ lòng tiếp dẫn hòng được vãng sanh, trở thành bậc thượng thiện nhân xuất thế gian. Đấy chính là ý nghĩa lớn lao của việc các nơi lập xã, dựng lâm vậy.

Vùng Hỗ Độc (Thượng Hải) là vùng đất Phật giáo hưng thịnh từ thời cổ, nay trở thành bến cảng thông thương lớn nhất. Trong năm Dân Quốc thứ mười (1921), đã do các vị cư sĩ như Vương Nhất Đình v.v… sáng lập Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã, Phật Giáo Cư Sĩ Lâm, ước định chương trình quy củ, chú trọng tu trì thực tiễn, nhưng một giải phía tây đất Hỗ vẫn còn thiếu khuyết. Nhờ các vị cư sĩ như Kiều Tuân Như, Kim Thiện Sanh v.v… sáng lập Niệm Phật Xã tại miếu Điện Tử thuộc trấn Tào Hành. Ngày Mồng Một mỗi tháng, suất lãnh những người cùng chí hướng kiền thành trì niệm thánh hiệu, hồi hướng Tây Phương, còn kèm thêm diễn thuyết lợi ích tu trì. Họ sợ người thấy nghe và những người tham dự liên xã chưa biết nguyên do, bèn cậy Quang soạn lời duyên khởi, do vậy tôi bèn thuật đại ý.

Cần biết rằng: Những hạnh như vừa nói trên đây chính là do niệm Phật mà hộ quốc, tuy ngầm tu mà phù tá cõi đời. Những kẻ câu nệ hẹp hòi do không có trí nhãn, cho là Phật giáo diệt luân lý, vô ích cho con người, cho đất nước! Như vậy thì có khác gì kẻ mù từ lúc mới lọt lòng, tuy được hưởng ân che chở, chiếu soi của mặt trời, được làm người, nhưng vì chẳng thấy bèn bảo là không có! Há chẳng đáng buồn quá đỗi ư? (Đầu Đông năm Bính Tý, tức năm Dân Quốc 25 – 1936)