Duy thức

Từ điển Đạo Uyển


唯識; C: wéishì; J: yuishiki; S: vijñāptimātratā; E: mind only; đồng nghĩa với danh từ Duy tâm (唯心; s: cittamātra); Nghĩa là chỉ có thức, các pháp đều từ Thức mà sinh ra, không có gì nằm ngoài thức; danh từ này đồng nghĩa với Duy tâm (cittamātra, cittamātratā). Giáo lí chủ trương tất cả mọi sự hiện hữu đều do tâm, và do vậy, không một hiện tượng nào tồn tại ngoài tâm. Duy thức là một tư tưởng chủ đạo của Du-già hành phái (瑜伽行派, s: yogācāra). Các học giả Duy thức giải thích quy luật và sự liên kết của các giác quan nhờ vào thức ẩn tàng A-lại-da (阿頼耶識, s: ālaya-vijñāna) và từ tập hợp của năm giác quan trước (tiền ngũ thức). Chúng hoạt động, tạo nên chủng tử (種子) tương ưng với chúng, theo quy luật thông thường như hạt giống phát triển thành cây. Mỗi chúng sinh đều có chỗ chứa những cảm nhận và những chúng sinh giống nhau sẽ tạo ra những nghiệp thức giống nhau phát xuất từ tàng thức vào cùng một thời gian như nhau. Giáo lí Duy thức quy gọn các hiện tượng trong 100 pháp (法; s: dharma) thành 5 nhóm: sắc pháp, tâm pháp, tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành pháp và vô vi pháp. Theo tông Duy thức, thế giới bên ngoài sẽ tạo nên khi tàng thức huân tập bởi “chủng tử”, hay là kết quả của các việc làm tốt xấu trong quá khứ. Một đóng góp quan trọng khác của các nhà tư tưởng Duy thức là ba tính chất ảo, giả tạm, và hiện thực của các hiện tượng. Xem chi tiết ở Tam tính (三性). Nền tảng của giáo lí Duy thức được phát triển bởi Di-lặc (彌勒) và hai anh em Thế Thân Vô Trước, trong những luận giải như Câu-xá luận (倶舎論, s: abhidharma-kośa-bhāṣya), Duy thức tam thập tụng (唯識三十頌, s: triṃśikā vijñaptimātratāsiddhiḥ), Nhiếp đại thừa luận (攝大乘論, s: mahāyā-nasaṃgraha), Du-già sư địa luận (瑜伽師地論, s: yogācārabhūmi-śāstra). Giáo lí Duy thức cũng được trình bày rõ trong kinh Giải thâm mật (s: saṃdhinirmocana-sūtra) và kinh Thắng Man (s: śrīmālā-sūtra). Nhiếp đại thừa luận ghi: “Các (đối tượng của) thức ấy đều do (ý) thức tạo nên vì vốn (ngoài tâm) không có cảnh trần nào cả. Chúng chỉ như mộng”. (如此衆識唯識以無塵等故譬如夢等).