DI LẶC THƯỢNG SANH KINH TÔNG YẾU
MỘT QUYỂN
Thích Nguyên Hiểu soạn.
Nói về kinh này sẽ phân biệt rõ mười phần sau:
- Trình bày đại ý.
- Luận về tông chỉ.
- Hai tạng phải trái.
- Ba kinh dị đồng.
- Nơi chốn sinh thân.
- Thời gian ra đời.
- Hai đời có không.
- Ba hội thêm bớt.
- Phát tâm mới cũ.
- Chứng quả trước sau.
1. TRÌNH BÀY ĐẠI Ý:
Bồ-tát Di-lặc chính là một bậc xa gần khó đoán, sâu cạn khôn lường, vô thỉ, vô chung, chẳng phải tâm cũng không phải sắc, trời đất không ghi hết công, vũ trụ không dung hết đức. Tám bậc Thánh chưa hề nhìn thấy lỗi lầm, cả bảy lần luận bàn cũng không nói hết chỗ cùng tột, mờ mờ mịt mịt không thể nói mà cũng chẳng phải lặng im. Thế nhưng không một chốn non cao nào chẳng bước đến, không một ao thẳm nào sớm chiều chẳng lội qua. Thế mới biết bậc Chí nhân dù u huyền vẫn tìm thấy dấu, chốn đức mầu xa xôi đâu không thể tới nơi. Nay theo dấu chân gần gũi, luận về nẽo tới thỉ chung. Nói về cái trước thì cảm nhận ánh sáng rực rỡ của từ định mà phát đạo tâm rộng độ. Gội nhuần giòng mát bát giải, ngơi nghỉ rừng uyển thất giác chi. Dùng tứ đẳng tâm nhuận khắp bốn loài, tuệ tam minh dắt dìu ba cõi. Nói về điều sau cùng thì vượt biển khổ với pháp vân, phát đẳng giác nơi trường mộng, hai chướng tối tăm dứt trừ, gương sáng bốn trí chiếu tỏ. Ngồi xe báu lục thông, dạo đồng hoang bát cực. Thuật sự thiên biến vạn hóa há chỉ ở trăm ức cõi ư!
Nay kinh này riêng tóm tắt ngợi khen bậc Chí nhân tạm ứng hiện ở cõi trời, là kinh báu để khuyên người tu quán. Di-lặc Bồ-tát, Hán dịch là Từ Thị Giác sĩ, là vị Phật thứ năm trong ngàn Phật ở hiền kiếp. Ở thời Phật Phất-sa đã tu Từ định, huân tập tâm mình bèn thành thường tánh. Từ đó trở đi mỗi kiếp đều xưng là Từ Thị đến khi thành Phật vẫn lấy tên ấy. Đâu-suất-đà Hán dịch là Tri túc, là cõi thứ tư trong sáu tầng trời Dục giới, ba cõi trời dưới thì trầm vì nặng về tình dục, hai cõi trên thì phù vì nhiều tâm phóng dật. Còn cõi trời thứ tư này dục nhẹ phóng dật ít, không trầm không phù, không buông lung theo trần cảnh, nên gọi là Tri túc. Các thứ cần dùng đều đầy đủ, không cần phải làm lụng mà tùy ý có tự nhiên nên gọi là trời. Bồ-tát từ cõi người lên trời nên gọi là thượng sinh. Hành giả suy xét tĩnh lự nên gọi là quán, mở miệng vàng giảng câu ngọc, tưới mưa pháp mầu mỡ, kết hoa trái giống Phật sum xuê nên bảo là Phật nói. Nếu ai thọ trì đọc tụng kinh này quán sát cõi trời ấy thì có thể sinh vào cõi tịnh an vui. Nương nhờ Bồ-tát Từ thị bước lên bậc Bất thoái, giủ sạch sinh tử trần lao. Nêu ra đại ý này để làm đề kinh, nên gọi là Phật nói kinh Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sinh Đâu-suất-đà Thiên…
2. NÓI RÕ VỀ TÔNG CHỈ CỦA KINH
Kinh này chính thức lấy quán hạnh nhân quả làm tông chỉ, khiến người sinh lên cung trời vĩnh viễn không còn lui sụt để làm ý chính. Nói về quán có hai thứ: Một là, quán về y báo trang nghiêm ở cõi trời ấy; hai là, quán về chánh báo thù thắng của Bồ-tát, chuyên niệm quán sát nên gọi là Tam-muội, mà nếu không phải tu tuệ, chỉ cốt ở nghe và nghĩ (văn tư) thì đó chỉ gọi là Điện quang tam-muội, không có khinh an thì đó chỉ là cái nhân ở cõi Dục.
Nói về hạnh tóm tắt có ba thứ:
- Nghe tên đại từ, tâm cung kính ăn năn các tội đã làm từ trước.
- Nghe tên Từ Thị ngưỡng mộ cái đức tiêu biểu của tên.
- Làm các việc quét tháp, đắp đường, dâng hương hoa cúng dường…
Như đoạn văn sau có nói quán này hạnh này hợp lại thành gốc rễ mà sinh ra trái, tóm tắt có bốn thứ:
- Trái của chồi nhánh cách đất: tức chế ngự tiêu diệt các tội ác đã làm từ trước đến nay, đó là quả của hạnh thứ nhất.
- Trái của hoa lá rậm mát tức không rơi vào tà kiến của tam đồ biên địa, đó là quả của hạnh thứ hai.
- Trái của hoa báu nở ra tức là được y và chánh báo mầu ở Đâusuất-đà thiên, đó là quả của hạnh thứ ba.
- Trái của quả thơm thành tựu tức không lui sụt ở vô Thượng đạo do tu hai quán trước mà được.
Sỡ dĩ như thế là do quán sát y và chánh báo của Bồ-tát có được, khi sinh lên cõi trời kia, đích thân nương nhờ Thánh đạo, vĩnh viễn không lui sụt nơi đạo Bồ-đề, cho nên nói là nương vào hai quán mà được quả thứ tư.
Do nghe được tên Từ thị, tin vào đức nhân hiền của Ngài mà xa lìa những nơi chốn không hề được nghe tên các hiền thánh, luôn sống trong chánh kiến mà được bạn bè quyến thuộc, cho nên nương vào nghe tên mà được quả thứ hai. Về hai nhân quả kia thì cũng giống với đây. Biết quán hạnh nhân quả này thành tựu thì quả Vô thượng Bồ-đề sẽ tự nhiên đến. Đó gọi là chỗ tột cùng của quả thượng sinh vậy.
3. NÓI RÕ VỀ HAI TẠNG PHẢI TRÁI
Các thuyết không giống nhau, hoặc có thuyết nói kinh Thượng Sinh này là Tiểu thừa giáo thuộc tạng Thanh văn. Sở dĩ như vậy là nói A-dật-đa là phàm phu chưa dứt hết các lậu. Lại nói quả ấy là báo thập thiện, do đó biết nó không phải là Đại thừa giáo. Có thuyết nói kinh này là Đại thừa giáo thuộc tạng Bồ-tát. Tóm tắt có bốn bản văn làm chứng cho nghĩa này:
a) Luận Trí Độ có nói: Trong tạng Thanh văn thì không có chúng Bồ-tát cũng như sông ngòi không thể chứa được biển lớn. Trong tạng Bồ-tát, thì có cả chúng Bồ-tát và chúng Thanh văn, cũng như biển cả chứa cả mọi dòng sông khác. Nay trong kinh này có cả chúng Thanh văn và Bồ-tát, cho nên biết là Đại thừa chứ không phải Tiểu thừa. Trong bài tựa Kim cang Bát-nhã ở phần đầu không có chúng Bồ-tát, nhưng ở phần lưu thông sau này thì có liệt kê chúng Bồ-tát. Thế nên không cần thắc mắc.
b) Trong đoạn văn sau của kinh có nói việc đại thần Lao Độ lạy mười phương Phật mà phát thệ nguyện lớn. Thế nên biết kinh này là Đại thừa mà không phải là Tiểu thừa, vì trong Tiểu thừa giáo không có mười phương Phật.
c) Trong đoạn văn dưới đây có nói: Ngày đêm suốt cả sáu thời đều luôn nói về hạnh bất thoái chuyển địa pháp luân, chỉ trong chốc lát đã thành tựu được năm trăm ức Thiên tử khiến không lui sụt đạo Bồ-đề. Lời nói này Tiểu thừa giáo không thể nào chấp nhận được, thế nên đó là Đại thừa chứ không phải là Tiểu thừa.
d) Nghe nói kinh ấy thì có đến mười vạn Bồ-tát từ các phương khác tập hợp về đều được Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội, có tám vạn ức chư thiên phát tâm Bồ-đề, nhờ đó được thêm hạnh nguyện của Bồ-tát cho nên biết pháp được nghe là Đại thừa giáo.
Lời bình rằng: Giáo pháp này bao trùm cả căn tánh Đại và Tiểu thừa. Như nói kính mến tâm Vô thượng Bồ-đề, muốn làm đệ tử Đức Di-lặc. Cho nên chỉ có Tiểu thừa không dung nạp được Đại, chứ Đại thì luôn bao gồm cả Tiểu. Vì vậy theo tông chỉ mà cho là thuộc tạng Bồ-tát. Đó là lý do lập thuyết của các sư sau này.
Hỏi: Nếu đúng như điều nói sau thì các đoạn văn đã dẫn trên làm sao hòa hợp được?
Giải rằng: Nói “là thân phàm phu” là nêu lên sự giải thích của Tiểu thừa để làm câu hỏi, còn lời đáp thì nói trong thân Viên quang có Thủ-lăng-nghiêm tam-muội, Bát-nhã ba-la-mật, chữ nghĩa rõ ràng đó là biểu thị Bồ-tát đã ở ngôi Thập địa, vì ngôi vị ấy mới có tam-muội này.
Lại nói về báo ứng của Thập thiện, là muốn chỉ rõ về báo thập thiện của Bồ-tát thật đã biến khắp cả mười phương, không phải chỉ riêng ở chỗ ấy. Chỉ vì ứng cơ mà thị hiện riêng ở cõi trời ấy, do đó mà nói Báo ứng thập thiện. Vì lẽ ấy nên càng hợp với Đại thừa giáo.
Như đoạn văn sau có nói: “Như ta trụ thế suốt trong một tiểu kiếp nói về báo ứng của Nhất sinh bổ xứ Bồ-tát và quả thập thiện cũng không thể cùng tận.” Thế nên biết không phải chỉ ngay ở quả thập thiện mà nói Báo ứng. Cũng là thị hiện dùng quả báo thanh tịnh ứng hợp cơ duyên. Căn cứ vào nghĩa đó mà nói là báo ứng chứ không phải là ngay ở quả báo thiệt mà nói quả thập thiện. Do đó không trái với đạo lý của Đại thừa.
Hỏi: Y báo và chánh báo trang nghiêm của Bồ-tát là thật báo của vạn hạnh chiêu cảm hay chỉ là cái tướng tùy cơ mà biến hóa ra? Nếu đúng là thật báo của vạn hạnh thì phàm phu đâu thấy được, thế nên đó là báo mà không phải ứng. Còn nếu như là tùy cơ ứng hóa thì nó không khắp được mười phương. Vậy nó mà ứng là không phải báo. Làm sao nói được đó là Báo ứng của Bồ-tát?
Giải rằng: Mỗi mỗi tướng đều có giới hạn. Không hủy hoại giới hạn nên các thứ đều khắp mười phương. Đã khắp mười phương thì phàm phu đâu không thấy được, chỉ có bờ cõi giới hạn mới là chỗ thấy của phàm phu. Song giới hạn tức là biến khắp mà biến khắp tức là giới hạn không hề chướng ngại, không hai không khác. Công đức như thế không phải là thật báo mà tùy theo sự thấy biết thì đều là ứng hóa. Do lẽ đó nên nói là báo ứng. Kỳ thật mà nói nhân đủ vạn hạnh, quả tròn muôn đức, nay chỉ hạn cục bảo đó là báo ứng ở cõi trời, nên nói nó là nhân của thập thiện.
4. NÓI RÕ VỀ DỊ ĐỒNG CỦA BA KINH:
Ba kinh Thượng sinh, Hạ sinh và Thành Phật so sánh tóm tắt có ba thứ giống và khác nhau:
Chỗ làm giống và khác.
- Pháp nói ra sở thuyên giống và khác.
- Nhiếp thuộc giống và khác.
- Chỗ làm giống và khác nhau là người tu quán có ba hạng:
Người hạng bậc cao (thượng phẩm) như người hoặc tu quán Phật tam-muội hoặc nhân sám hối hành pháp thì ở hiện đời sẽ thấy được Đức Di-lặc và tùy tâm hơn kém mà thấy được hình lớn hay nhỏ. Việc này như kinh Quán Phật tam-muội Hải và kinh Đại Phương Đẳng Đà-la-ni có nói.
Người hạng bậc trung thì hoặc tu quán Phật tam-muội hoặc nhân gây tạo các tịnh nhiệp thì sau khi bỏ thân này sẽ sinh lên cõi trời Đâusuất gặp được Đức Di-lặc cho đến lúc không còn lui sụt, như kinh Thượng Sinh đã nói.
Người hạng bậc thấp (hạ phẩm) thì tu bố thí, trì giới… các thứ nghiệp lành. Y theo đây mà phát nguyện mong cầu được nhìn thấy Đức Di-lặc nên sau khi chết sẽ tùy nghiệp mà thọ sinh. Cho đến khi Đức Dilặc thành đạo thì chỉ cần nhìn thấy Thế Tôn Di-lặc trong ba hội là liền được độ. Như kinh Hạ Sinh và kinh Thành Phật đã nói. Đó là việc làm của người hạng bậc trung mà kinh Thượng Sinh nói, còn hai kinh kia là nói cho người bậc thấp.
– Pháp nói ra giống và khác nhau: theo sở thuyên (pháp được nói ra) của kinh Thượng Sinh thì là công đức báo ứng của Bồ-tát ở cõi trời.
Còn hai kinh kia là nói các tướng thành Phật là báo ở cõi người. Cả hai kinh sau này tuy cùng có chỗ rộng rãi hay tóm tắt nhưng về lý thì đại ý giống nhau.
– Chỗ nhiếp thuộc có giống và khác: Kinh Thượng Sinh thì thuộc về tạng Bồ-tát, nghĩa như trước đã nói. Còn hai kinh kia thuộc tạng Thanh văn. Sỡ dĩ như thế là kinh Thành Phật rút từ kinh Trường A-hàm, so với kinh Hạ Sinh thì ý văn sâu cạn đều không khác. Lại nói thành đạo, việc ứng hiện chưa rõ ràng, chỉ cần y theo kinh là được lợi ích, chứng quả Tiểu thừa. Do đó nên biết kinh ấy không thuộc tạng Bồ-tát. Song khi may áo thì cần kim ngắn, dầu kích dài cũng vô ích. Tránh mưa thì dù nhỏ đủ che, cần chi phải trùm kín cả bầu trời. Thế nên thấy nhỏ chớ khinh, tùy theo căn tánh thì lớn bé đều quý.
5. NÓI RÕ VỀ CHỖ SINH THÂN:
Các thuyết nói không đồng nhau. Như kinh Hoa Nghiêm trong phẩm Nhập Pháp Giới có nói Di-lặc Bồ-tát bảo Thiện Tài đồng tử rằng: “Ta sinh ra tại nhà giòng dõi Bà-la-môn, ở xóm Câu-đề, nước Ma-ly, ở phía Nam cõi Diêm-phù-đề. Vì muốn diệt bỏ tâm kiêu mạn của dòng họ ấy nên ta đã hóa độ cha mẹ và cả bà con quyến thuộc. Sau khi chết thì sinh lên cõi trời Đâu-suất vì muốn hóa độ cho chúng trời vậy.”
Kinh Hiền Ngu quyển thứ mười hai nói: “Khi ấy vua nước Ba-lanại tên là Ba-la-độ-đạt, vua có quan phụ tướng sinh một con trai đầy đủ ba mươi hai tướng và các vẻ đẹp. Quan phụ tướng rất đỗi vui mừng liền cho mời thầy tướng đến xem tướng con, nhân đó mà đặt tên. Thầy tướng hỏi: Từ khi sinh ra có điềm gì lạ chăng? Quan phụ tướng đáp bà mẹ nó vốn tánh khí không hiền lành nhưng từ khi mang thai thì lại thương xót kẻ khốn khổ, lòng từ thấm đượm khắp chốn. Thầy tướng mừng bảo: Cậu bé này tất có chí khí, nhân đó đặt tên là Di-lặc. Đứa bé càng được ngợi khen tiếng đồn vang khắp. Nhà vua nghe được liền lo sợ tự bảo: “Nay đứa bé này có tướng đẹp nổi tiếng nếu có đức cao nữa thì tất sẽ đoạt ngôi của ta, chi bằng lúc nó chưa lớn hãy giết quách nó đi.” Nghĩ kế rồi liền ra lệnh cho quan phụ tướng rằng: “Ta nghe ông có cậu con trai dung mạo khác thường, nay ta muốn xem, ông hãy đem nó đến đây!” Cậu bé này có người cậu tên là Ba-bà-lê đang làm quốc sư ở nước Ba-lê-phúla. Quan phụ tướng lúc ấy quá thương con nên sợ sệt lấy khăn bao kín cậu bé, bí mật sai người mang đi gởi cho người cậu nhờ nuôi dùm…
Hỏi: Nay kinh này lại nói là sinh ở nhà một đại Bà-la-môn dòng họ Ba-bà-lê ở thôn Kiếp-ba-lê trong nước Ba-la-nại. Như thế cả ba thuyết nói làm sao hợp nhau được?
Giải rằng: Ở hai kinh sau thì lời văn tuy khác nhưng có ý giống nhau. Sở dĩ như thế vì ý của kinh Hiền Ngu nói chỗ sinh là cha nuôi, cho nên nói quan phụ tướng có sinh một cậu con trai. Đây không phải nói ngay chỗ sinh ra. Còn văn của kinh Thượng Sinh thì đích xác nói rõ chỗ sinh, tức theo luật pháp của nước ấy thì khi người vợ mang thai phải trở về nhà cha mẹ ruột mà sinh, nhà này ở tại thôn Kiếp-ba-lê. Thế nên biết lời văn của hai kinh này không trái nhau. Còn ý của kinh Hoa Nghiêm thì chỉ rõ chỗ khác khi Bồ-tát phân thân thì tùy cơ mà thấy có khác. Sinh nhiều chỗ khác nhau thì không có gì phải lạ, do đó nên không có gì trái nhau.
6. NÓI RÕ VỀ THỜI GIAN LÚC RA ĐỜI:
Đây là muốn trình bày rõ Đức Thế Tôn Di-lặc ra đời vào kiếp nào, thời gian nào.
Nói kiếp nào tức là trong mười kiếp. Theo như Luận tạng nói: Trong hai mươi kiếp trụ có năm vị Phật ra đời. Suốt năm kiếp đầu không có Phật ra đời, đến kiếp thứ sáu thì có Đức Phật Câu-lưu-tôn-đà ra đời, kiếp thứ bảy có Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni ra đời, kiếp thứ tám có Đức Phật Ca-diếp ra đời, kiếp thứ chín có Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời và kiếp thứ mười có Đức Phật Di-lặc ra đời. Rồi suốt mười kiếp sau đó thì không có Phật ra đời…
Nói thời gian nào tức là nói ra đời ở kiếp giảm, như Luận thuyết nói: Chư Phật ra đời vào kiếp tăng hay kiếp giảm. Kệ nói rằng thành Phật vào kiếp giảm lúc tuổi thọ giảm từ tám muôn xuống còn một trăm tuổi.
Vì sao lại không ra đời vào kiếp tăng? Là vì lúc đó chúng sinh rất khó dạy dỗ về pháp nhàm chán và lìa bỏ. Còn từ một trăm tuổi giảm xuống mười tuổi thì tâm nhàm chán lìa bỏ rất mạnh dễ được sinh ra. Tại sao lại không ra đời vào thời gian này? Là vì khi đó năm trược quá mạnh mẽ, nên không ra đời. Lại bảo rằng: Lúc tuổi thọ của loài người từ vô lượng tuổi xuống đến tám vạn tuổi thì vua Chuyển luân ra đời không phải là lúc giảm xuống tám muôn tuổi. Bởi vì sao? là vì khi giảm xuống tám muôn tuổi thì không còn là bậc phước lạc tốt đẹp nữa.
Hỏi: Nếu căn cứ vào luận văn này thì thời gian Luân vương và Phật ra đời khác nhau. Vậy tại sao Luân vương cùng thời với Đức Phật?
Đáp: Là vì khi Luân vương sinh ra thì chưa có việc giảm xuống
tám muôn tuổi, cuối thời kỳ này thì mới bắt đầu giảm, nên được gặp Phật. Như kinh Hiền Kiếp nói: Khi giảm dần dần xuống đến sáu muôn tuổi thì có vua Chuyển luân. Các Luân vương nối tiếp nhau đến đời vua thứ bảy thì tuổi thọ loài người lên đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Lúc đó Đức Di-lặc ra đời. Kinh Đại Di-lặc Thành Phật cũng nói là tám vạn bốn ngàn tuổi, còn kinh A-hàm và kinh Hiền Ngu thì nói chỉ có tám vạn. Luận Câu-xá thì bảo dài nhất là tám vạn tuổi, ngắn nhất là mười tuổi.
Xét rằng: Nói tám vạn là nêu số lớn nhất không đến chín vạn, nên nói tám vạn là dài nhất. Lại khi Phật ra đời thì mới giảm xuống vài mươi đối với số lớn không thiếu bao nhiêu, do đó cũng nói là tám vạn bốn ngàn. Nếu dựa vào kinh này thì lúc sáu vạn tuổi cũng có vua Chuyển luân. Như vậy vì sao luận kia lại nói không phải lúc giảm xuống tám vạn? Ấy là vì kinh nói lúc tuổi tăng lên còn luận nói thì lúc giảm xuống. Do lẽ đó nên không trái nhau.
Nói về lúc nào thì kinh và luận không giống nhau. Như kinh Hiền Kiếp nói khi tuổi thọ loài người còn hai vạn thì Đức Phật Ca-diếp thứ sáu ra đời. Khi tuổi thọ loài người tăng rồi giảm còn một ngàn hai trăm tuổi thì Đức Thích-ca mới lên cung trời Đâu-suất và sống bốn ngàn tuổi trời tương đương với năm mươi sáu ức bảy ngàn bảy vạn năm (56.700. 070.000) ở nhân gian. Khi tuổi thọ loài người là một trăm năm thì hạ sinh xuống cõi Diêm-phù-đề.
Luận Tạp Tâm có nói: Bồ-tát Di-lặc khi lâm chung thì sinh lên cõi trời thứ tư sống bốn ngàn năm, một ngày một đêm ở đây bằng bốn trăm năm ở cõi người, tính ra bốn ngàn năm ấy bằng năm mươi bảy ức sáu trăm vạn năm ở cõi người. Sau đó Bồ-tát mới hạ sinh xuống cõi Diêmphù-đề mà thành Đẳng chánh giác. Kinh Hiền Ngu thì nói năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm. Kinh Bồ-tát Xử Thai cũng nói như thế. Kinh Nhất Thiết Trí Quang Tiên Nhân nói là năm mươi sáu ức vạn năm. Nay kinh Thượng Sinh cũng nói như thế. Còn kinh Định Ý thì nói Đức Di-lặc làm Phật trong năm ức bảy mươi sáu vạn năm.
Xét rằng bốn ngàn năm ở cõi trời đó thì bằng năm vạn bảy ngàn sáu trăm vạn năm. Đây vì lấy vạn làm chuẩn mà tính là năm vạn bảy ngàn sáu trăm. Trong đó nếu lấy một ngàn vạn là một ức thì tức là năm mươi bảy ức sáu trăm vạn năm, thì hợp với văn của luận Tạp tâm.
Nếu căn cứ vào một ức bằng một vạn vạn thì tức là năm ức bảy ngàn sáu trăm vạn năm gần đúng số của kinh Định Ý nói. Còn nói bảy mươi sáu vạn tuổi là tính lầm, tức bảy ngàn thành bảy mươi, sáu trăm thành sáu. Ngoài ba kinh này ra thì đều nói là hơn năm mươi ức năm.
Tất cả đều căn cứ vào số tính một ức bằng một ngàn vạn, nhưng tùy theo nhà phiên dịch mà số có thêm bớt khác nhau.
Tính đếm số tuổi của trời và người phối hợp nhau như vậy mà trong đó có nhiều thắc mắc là tại sao? Luận Câu-xá nói tuổi thọ này lâu nhất, cùng cực nhất là tám mươi ngàn năm, trong thời gian này người ta chỉ cần ngồi yên mà hưởng thụ các vui sướng, không cần phải kiếm tìm. Với tuổi thọ tám vạn tuổi thì sống trong một a-tăng-kỳ năm, cho đến khi chúng sinh chưa tạo mười nghiệp ác. Từ lúc chúng sinh khởi mười nghiệp ác thì tuổi thọ nhân đó mà cứ mười năm thì giảm một tuổi, qua một trăm năm thì giảm mười tuổi… Nay với số bốn ngàn tuổi ở cõi trời ấy thì không ngang bằng một a-tăng-kỳ năm ở cõi người, huống là từ một trăm tuổi mà giảm dần dần xuống còn mười tuổi, và từ mười tuổi lại tăng dần lên đến tám vạn tuổi cho đến lúc giảm. Nếu căn cứ theo lời này mà nói thì nó không tương đương, đây là một vấn nạn thứ nhất.
Lại còn căn cứ vào Đức Di-lặc từ một trăm tuổi cho đến tám vạn tuổi và Ngài hạ sinh vào lúc giảm xuống ngay khi mới vừa quá nửa kiếp này. Còn luận về Đức Thích-ca thì tuổi thọ của người từ một ngàn hai trăm tuổi giảm dần xuống đến mười tuổi rồi tăng dần lên đến tám vạn và lại giảm xuống còn một trăm tuổi thì Ngài mới hạ sinh. Thời gian này hơn một kiếp dài gấp đôi thời gian trước mà ở hai nơi khác nhau, đều cùng nói là tuổi thọ ở cõi trời là bốn ngàn tuổi và so với cõi người là hơn năm mươi ức năm… như thế là trái nhau. Đó là vấn nạn thứ hai.
Nếu nói về Đức Thích-ca phải trải qua nhiều sinh tử còn Đức Dilặc lại ít sinh tử hơn thì đâu phải là hai Ngài chỉ thọ sinh có một kiếp sống bốn ngàn năm trên cõi trời ấy, cho nên việc một kiếp hay nửa kiếp không hề trái nhau, mà chỉ trái với lời kinh nói là Nhất sinh bổ xứ và cũng trái với số tuổi hơn năm mươi ức… Đây là điều vấn nạn thứ ba.
Nếu trái nhau như thế thì làm sao hòa hợp được? Việc đó ngài Chân Đế Tam tạng giải thích rằng: Bồ-tát Bổ xứ sinh vào cõi trời ấy không bị chết yểu giữa chừng mà phải chịu nhiều sinh tử. Sở dĩ như thế thì như số lượng hạt cải bé nhỏ chứa đầy trong thành chu vi dài một dotuần, và cứ mỗi một trăm năm thì bỏ đi một hạt, cho đến khi hết số hạt cải này. Đó là số lượng kéo dài của một kiếp đao binh. Đây tức là bốn trăm năm ở cõi nhân gian thì bằng với một ngày đêm ở cõi trời ấy. Vậy cứ mỗi ngày đêm ở cõi ấy thì bỏ đi bốn hạt cải, một tháng bỏ đi một trăm hai mươi hạt, cho đến bốn ngàn năm thì bỏ đi hết năm mươi bảy ức sáu vạn hạt cải, không đong đầy hai đến ba thăng. Song khi đức Bồ-tát Thích-ca hạ sinh thì số hạt cải trong thành một do-tuần kia đã hết, còn lúc ngài Di-lặc hạ sinh thì số hạt cải trong thành ấy còn lại phân nửa, cho nên biết phải trải qua nhiều sinh tử, nhưng ở cõi Diêm-phù thì chỉ có một đời, nên nói là Nhất sinh bổ xứ. Ngài Tam tạng Pháp sư nói như thế là thông suốt.
Nếu dựa vào nghĩa này mà luận chung về các kinh khác thì các thuyết nói số hơn năm mươi ức, tương đương một đời ở cõi trời ấy, không nói khoảng hơn kém thì chỉ bằng ấy năm thôi. Do lẽ đó nên không trái nhau. Nếu căn cứ vào luận văn thì ở cõi trời ấy trải qua nhiều sinh tử là rất đúng lẽ. Như kinh Du-già ở quyển bốn có nói: Tuổi thọ đầy đủ nhất của chúng trời Tứ đại vương thì bằng một ngày đêm ở đại địa ngục Đẳng hoạt, lấy ba mươi ngày này là một tháng, mười hai tháng là một năm thì là năm trăm tuổi. Như thế thì lấy tuổi thọ của trời Đao-lợi mà suy ra tuổi thọ của địa ngục Hắc thằng, do tuổi thọ của cõi trời Thời phần mà biết được tuổi thọ Chúng hợp, do tuổi thọ của trời Tri túc mà biết được tuổi thọ ở địa ngục Hào khiếu. Do tuổi thọ của trời Hóa lạc mà biết được tuổi thọ của địa ngục Đại hào khiếu. Do tuổi thọ của trời Tha hóa tự tại mà suy ra tuổi thọ ở địa ngục Thiêu nhiệt… Loài hữu tình ở đại địa ngục Cực thiêu nhiệt có tuổi thọ là nửa trung kiếp, tuổi thọ ở đại địa ngục Vô gián là một trung kiếp. Nếu căn cứ theo đây mà nói thì tuổi thọ ở cõi trời Tri túc bằng một ngày đêm ở đại địa ngục Hào khiếu, tức lấy ba mươi ngày này làm một tháng, mười hai tháng làm một năm tuổi thì tuổi thọ ở cõi đó là bốn ngàn tuổi. Như thế thì tuổi thọ ở địa ngục Đại hào khiếu và Thiêu nhiệt càng gấp bội số tuổi trước. Tuổi thọ nửa kiếp ở địa ngục Cực nhiệt và một kiếp ở địa ngục Vô gián thì cũng tăng gấp bội. Song nay Bồ-tát Di-lặc ở cõi trời Tri túc trải hơn nửa kiếp, còn đức Bồ-tát Thích-ca cũng trải qua cõi trời ấy hơn một kiếp. Vả lại khi sống hết đời ở địa ngục Hào khiếu thì ở cõi trời ấy có vô số lần sống chết huống là trải qua nửa kiếp hay một kiếp ư!
7. NÓI RÕ VỀ HAI ĐỜI CÓ VÀ KHÔNG:
Ngài Từ thị ra đời ở vào hiền kiếp . Ở hiền kiếp có một ngàn Đức Phật thì các kinh đều nói giống nhau, nhưng ở hai kiếp quá khứ và vị lai không có ngàn Đức Phật hay không thì các kinh nói không đồng nhất. Như trong kinh Quán Dược Vương Dược Thượng thì Đức Thích-ca nói: Thuở xưa ta xuất gia ở thời mạt pháp của Đức Phật Diệu Quang nghe được tên năm mươi ba Đức Phật và do tâm hoan hỷ mà sau đó đem truyền dạy mọi người, có đến ba ngàn người đồng thanh khen ngợi, một lòng kính lạy, tức thì được thoát khỏi tội khổ của vô số ức kiếp sinh tử.
Trong một ngàn người đầu thì đứng đầu là Phật Hoa Quang và cuối cùng là Phật Tỳ-xá được thành Phật ở kiếp Trang nghiêm. Đó là một ngàn Đức Phật ở thời quá khứ. Còn một ngàn người kế tiếp thì đứng đầu là Phật Câu-lưu-tôn và cuối cùng là Lâu Chí thì sẽ lần lượt thành Phật ở hiền kiếp, và một ngàn người sau thì đứng đầu là Đức Như Lai Nhật Quang, sau rốt là Phật Tu-di Tướng sẽ thành Phật trong kiếp Tinh tú. Căn cứ vào kinh này thì cả ba đời đều có một ngàn Đức Phật.
Trong quyển thứ chín của Trí Độ Luận có nói chín mươi kiếp trước có ba Đức Phật, một kiếp sau có một ngàn Đức Phật. Về chín mươi kiếp thì kiếp đầu có Đức Phật Tỳ-bà-thi. Ở kiếp thứ ba mươi có hai Đức Phật, một tên là Thi Khí và một tên là Bệ-nộ-bà-phụ. Kiếp thứ chín mươi mốt thì đầu tiên có bốn Phật là Phật Ca-la Cưu-san-đà, Phật Ca-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni.
Kinh Hiền kiếp nói từ Đức Phật Câu Lưu Tần cho đến chín trăm chín mươi chín Phật đều cùng ra đời ở nửa kiếp trước. Sau có Phật Lâuchí riêng một mình ở nửa kiếp sau. Sau khi Phật Lâu-chí diệt độ rồi thì suốt sáu mươi hai kiếp không có Phật ra đời. Qua thời gian đó thì có một Đức Phật ra đời hiệu là Tịnh Quang Xưng Vương có tuổi thọ mười tiểu kiếp. Sau Đức Phật này thì suốt ba trăm kiếp cũng không có Phật ra đời. Nếu theo lời luận của kinh này thì cả hai kiếp quá khứ và vị lai không đủ một ngàn Đức Phật thì làm sao hòa hợp được?
Giải rằng:
– Cả hai cách nói có và không đều là đúng cả. Bởi vì sao? Là do căn cơ trình độ nghe thấy mà có hay không không nhất định. Nên nói có hay không thì đều không có ngại nhau.
Hỏi: Mức dài ngắn của hiền kiếp lấy gì làm hạn lượng? Đức Lâu Chí Như Lai riêng một mình ở suốt cả nửa kiếp mà chỉ có một đời là tuổi thọ quá nhiều hay là quá khứ có tuổi thọ nhiều như thế?
Giải rằng:
– Trong kinh Kim Cang Lực Sĩ có nói thuở xưa có vua Chuyển luân thánh vương có một ngàn đứa con cùng phát tâm mong sau này được làm Phật. Nhà vua muốn thử xem ai sẽ làm Phật trước, bèn lấy một ngàn cái thẻ rửa sạch bằng nước thơm rồi bảo các con lấy thẻ, ai được số một thì sẽ làm Phật trước tiên, như thế cho đến chín trăm chín mươi chín Phật. Vị hoàng tử cuối cùng là vị Phật thứ một ngàn. Các người anh nói dèm rằng: Bọn ta làm Phật hóa độ hết cả người rồi, em làm Phật sau còn ai đâu mà độ nữa? Người em nghe nói thế liền buồn khóc, sau lại suy nghĩ rằng: Thế giới không bờ bến, chúng sinh thì vô tận, con nay xin phát nguyện mong sau này khi con thành Phật sẽ có tuổi thọ bằng chung của cả các anh và số chúng sinh mà con hóa độ cũng sẽ bằng số của cả các anh chung lại. Khi đó đất đai rung động, chư Phật đã thọ ký cho lời nguyện ấy. Do lẽ đó mà Đức Phật này một mình ở suốt cả nửa kiếp, và do khóc lóc nên có hiệu là Phật Đề-khấp. Bấy giờ, toàn thể các người anh đều nguyện làm thần Kim cang để bảo vệ Phật Lâu-chí. Kinh Hiền Kiếp cũng nói như thế. Căn cứ vào kinh này thì số lượng tuổi thọ sẽ bằng chung của các anh. Nói tuổi thọ số lượng tuy nhiều nhưng chỉ là một người.
Số lượng của hiền kiếp thì tương truyền rằng: Có sáu mươi bốn kiếp là một đại kiếp mà gọi là hiền kiếp. Sở dĩ gọi hiền kiếp là vì một chu kỳ thủy hỏa phong hợp thành sáu mươi bốn kiếp, lấy đó làm hạn lượng.
8. NÓI VỀ SỰ THÊM BỚT CỦA BA HỘI:
Luận chung về một đời giáo hóa với các hội thuyết pháp thì có vô số hội. Vì sao chỉ nói có ba hội? Những kẻ được độ này là căn cứ vào số đệ tử đã độ của các Phật trước. Nếu luận chung về các đệ tử còn lại của các Phật trước thì chưa chắc chỉ có ba hội mà có thể là hai hội hoặc bốn, năm hội cho đến mười hội. Nhưng nay hai Đức Phật Thích-ca và Di-lặc đều có ba hội độ các đệ tử của Phật trước, nhưng số được độ ấy có nhiều ít khác nhau. Như trong kinh Bồ-tát Xử Thai, Đức Phật Thíchca bảo ngài Di-lặc rằng: “Ông sinh vào cõi nước khoái lạc không như ta rất cực khổ. Ông nói pháp dễ dàng còn ta nói pháp rất khó khăn. Hội đầu ông độ cho chín mươi sáu ức người, hội thứ hai chín mươi bốn ức người, và hội ba chín mươi hai ức người. Còn ta hội đầu độ cho mười hai người, hội hai hai mươi bốn người, hội ba ba mươi sáu người. Ông độ cho ba người mà trước đây ta đã độ, có chín mươi sáu ức người thọ trì năm giới, chín mươi bốn ức người thọ trì tam quy và chín mươi hai ức người chỉ biết một câu Nam-mô Phật. Cha của ông là Phạm chí Ma-tịnh dẫn dắt tám mươi bốn ngàn người không phải do ta đã hóa độ trước đây mà là do ông hóa độ…
Xét rằng ba hội chỉ là hóa độ cho các đệ tử thuộc Tiểu thừa, vì đều được chứng quả A-la-hán. Nếu luận về người có căn tánh Đại thừa thì đều khiến được quả vô sinh nhẫn… mà không phải là số người được hóa độ của các Phật trước nên không giới hạn là ba hay bốn hội, trong đó đều thể theo văn kinh mà nói.
9. NÓI RÕ VỀ VIỆC PHÁT TÂM XA HAY GẦN:
Trong kinh Phật Bổn Hạnh ở quyển một có nói: Thuở xưa có Đức Như Lai hiệu là Thiện Tư, lúc đó Bồ-tát ở trước Phật ấy phát tâm đầu tiên. Bồ-tát Di-lặc đã phát tâm Bồ-đề trước ta đến hơn bốn mươi kiếp, còn ta phát đạo tâm sau.
Thuở xưa có Đức Phật tên là Thị Hải Tràng Như Lai, ta làm vua Chuyển luân ở trong nước Phật ấy, tên là Lao Cung mới phát đạo tâm đầu tiên.
Luận Trí Độ quyển hai mươi bốn có nói: Đức Phật Thích-ca Mâuni cùng ngài Di-lặc và các Bồ-tát đồng thời phát tâm, vì hết sức tinh tấn nên vượt hơn chín kiếp. Xét rằng hai vị Thích-ca và Di-lặc mỗi người đều có chúng rất đông hoặc đồng thời hoặc trước hay sau đều không có hại chi.
Hỏi: Luận nói Đức Thích-ca vượt hơn chín kiếp thì đó là đại kiếp hay tiểu kiếp. Nếu là đại kiếp thì đồng với kiếp thành Phật, sao nói được là vượt bỏ. Còn nếu là tiểu kiếp thì chỉ có một kiếp ở trước sao nói là vượt chín kiếp. Nếu nói Đức Thích-ca phải thành Phật sau ngài Dilặc chín kiếp mà nay lại cùng thành đạo trong một kiếp nên được nói là vượt bỏ chín kiếp. Vì sao lại nói là đồng thời phát tâm?
Giải rằng:
– Việc vượt bỏ ở đây là căn cứ vào đại kiếp. Sở dĩ như thế vì nói sự vượt bỏ đó không phải là thực sự mà chỉ căn cứ vào sự chứng đắc để nói lên sự vượt bỏ mà thôi. Tức là sau cả ba tăng-kỳ đã trọn đủ rồi, thì tu nghiệp tướng hảo phải trải qua cả một trăm kiếp, nhưng chỉ mới chín mươi mốt kiếp thì đã tu xong, nên nói là vượt bỏ chín kiếp.
Luận nói ở kiếp thứ chín mươi mốt thì có một ngàn Phật ra đời, nên biết được chín kiếp này cũng là đại kiếp. Còn hai vị Bồ-tát đồng thời phát tâm thì chỉ là tâm bất định. Nếu luận về lúc phát tâm quyết định thì ngài Di-lặc phát tâm trước chín kiếp sau đó Đức Thích-ca mới phát tâm quyết định nên phải sau chín kiếp mới thành đạo mà nay vượt bỏ chín kiếp cùng ở trong một kiếp. Luận này cho đó là lần đầu tiên phát tâm, nên nói là đồng thời phát tâm. Do lẽ đó nên không hề trái nhau. Các nơi khác nói vượt bỏ mười hai kiếp thì chuẩn theo đây mà biết.
10. NÓI RÕ VỀ VIỆC CHỨNG QUẢ TRƯỚC VÀ SAU:
Như kinh Thập Trụ Đoạn Kết có nói: “Ngài Bồ-tát Di-lặc mới tu tập hạnh Bồ-tát đấy ư? Chớ nên quán như thế. Vì sao? Vì ngài Từ thị đã chứa nhóm các hạnh từ hằng sa số kiếp, trước khi thệ nguyện thành bậc Chánh đẳng giác. Còn ta thì mới tu tập các hạnh sau Ngài ấy.”
Xét đây mà nói thì từ xưa ngài Di-lặc đã chứng quả trước còn Đức Thích-ca chứng quả thì kinh nói không giống nhau. Như kinh Nhân Quả nói: Ngài Thiện Tuệ Bồ-tát khi công hạnh đã tròn đủ thì chứng được quả vị Thập địa và ở Nhất sinh bổ xứ thì sinh lên cõi trời Đâu-suất tên là Thánh Thiện Bạch. Còn kinh Phạm Võng thì nói: Nay ta là Lô-xá-na đang ngồi đài liên hoa, trên một ngàn hoa sen bao quanh lại hiện cả ngàn Phật Thích-ca. Trên một hoa có cả trăm ức nước, mỗi nước lại có một Thích-ca ngồi dưới cội Bồ-đề và cùng thành Phật vào một lúc…
Xét đây mà nói thì tích lạ biểu hiện bản xưa. Ngài Thiện Tuệ Bồtát khi sinh lên cung trời Đâu-suất thì gốc tích xưa là ở Thập địa. Khi Đức Thích-ca ngồi dưới gốc Bồ-đề thì gốc tích là mới chứng quả. Lại như ở kinh Pháp Hoa phẩm Thọ Lượng có nói rằng: Ta thật sự thành Phật đến nay đã trải vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp rồi…
Xét đây mà nói thì Đức Thích-ca chứng quả có lâu có mới, còn ngài Di-lặc thành đạo cũng thế. Bởi nhiều bản cùng hiện một tích, nên nói có mà đều đúng cả. Do lẽ đó nên không trái nhau.
Ba-la-nại, Hán dịch là Giang nhiễu.
Kiếp-ba-lợi, Hán dịch là Quỷ nhặt đầu lâu.
Ba-ba-lợi, Hán dịch là Giữ gìn.
Kỳ-đà, Hán dịch là Chiến thắng.
Tu-đạt, Hán dịch là Thiện uẩn.
Năm Nguyên Khánh thứ hai, ngày 10 tháng 7 Định Tâm viện.