đệ nhất nghĩa không

Phật Quang Đại Từ Điển

(第一義空) Phạm: Paramàrtha-zùnyatà. Cũng gọi Thắng nghĩa không, Chân thực không. Một trong 18 không. Niết bàn Đại thừa và thực tướng các pháp là đệ nhất nghĩa cùng tột, chẳng thường chẳng diệt, không nhận không chấp, tính nó tự nhiên, xưa không nay có, có rồi lại không, cho nên là không và được gọi là Đệ nhất nghĩa không. Niết bàn của Tiểu thừa tuy cũng nói là không, nhưng là Niết bàn Thiên chân đãn không. Niết bàn của Đại thừa là cái Không của Thực tướng trung đạo, là cái Không của Đệ nhất nghĩa, cũng là thực nghĩa của chân ngôn chữ A vốn chẳng sinh. Diệu lí của Đệ nhất nghĩa này được gọi là Đệ nhất không pháp. Kinh Tạp a hàm quyển 13 (Đại 2, 93 hạ), nói: Nay ta sẽ nói pháp cho các ông, đầu, giữa, cuối đều cùng tột, thiện nghĩa thiện vị, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh thanh tịnh: Đó là Đệ nhất nghĩa không. Luận Đại trí độ quyển 31 (Đại 25, 288 trung) nói: Trong Niết bàn cũng không có tướng Niết bàn, ấy là Đệ nhất nghĩa không (…) hay khiến thực tướng các pháp đều không, đó là Đệ nhất nghĩa không. Ngoài ra, khi đối với Thế đế cho các pháp là có, thì cũng nói Đệ nhất nghĩa đế tức là không. [X. kinh Đại phẩm bát nhã Q.5; kinh Đại bát niết bàn Q.16 (bản Bắc); phẩm Quán tứ đế trong Trung luận Q.4; phẩm Diệt pháp tâm trong luận Thành thực Q.12; luận Thập bát không; Đại thừa nghĩa chương Q.2]. (xt. Thập Bát Không).