Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận Thích Yếu
大乘廣五蘊論釋要
Thích Tịnh Chiếu biên soạn
11 tháng Tám năm 2015
釋淨照編寫
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong

 

1.1.2.4.2.2.2.3. Diệt Tận Định

          (Luận) Vân hà Diệt Tận Định? Vị dĩ ly Vô Sở Hữu Xứ nhiễm, tùng đệ nhất Hữu, cánh khởi thắng tấn, tạm chỉ tức tưởng tác ý vi tiên, sở hữu bất hằng hành, cập hằng hành nhất phần tâm, tâm pháp diệt vi tánh. Bất hằng hành, vị Lục Chuyển Thức. Hằng hành, vị Nhiếp Tạng Thức, cập Nhiễm Ô Ý. Thị trung, Lục Chuyển Thức phẩm, cập Nhiễm Ô Ý diệt, giai Diệt Tận Định.

          ()云何滅盡定謂已離無所有處染。從第一有更起勝進。暫止息想作意為先。所有不恒行。及恒行一分心。心法滅為性。不恒行。謂六轉識。恒行。謂攝藏識。及染污意。是中六轉識品。及染污意滅。皆滅盡定。

          (Luận: Diệt Tận Định là như thế nào? Chính là đã lìa đắm nhiễm đối với Vô Sở Hữu Xứ Định, từ cõi Hữu bậc nhất (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Hữu), lại khởi tâm tiến cao hơn, trước hết tác ý: Tạm ngưng dứt suy tưởng, có tánh chất đoạn diệt tất cả các bất hằng hành cùng với một phần của tâm và tâm pháp (Tâm Sở) hằng hành [tương ứng với tâm ấy]. “Bất hằng hành” chính là sáu Chuyển Thức (sáu Thức trước). “Hằng hành” là Nhiếp Tạng Thức (A Lại Da Thức) và Nhiễm Ô Ý (Mạt Na Thức), Trong ấy, khi sáu Chuyển Thức và Nhiễm Ô Ý bị diệt mất thì đều là Diệt Tận Định).

          Diệt Tận Định còn gọi là Diệt Thọ Tưởng Định, hoặc Đệ Cửu Thứ Đệ Định. Diệt Tận Định là tạm thời diệt hết sáu Thức trước và Thức thứ bảy ô nhiễm. Vì vậy gọi là Diệt Tận Định. Lại vì Thọ và Tưởng là nhân tố quan trọng nhất khiến cho hữu tình sanh tử lưu chuyển; vì thế, diệt trừ Thọ và Tưởng là chủ yếu. Do điều này, lại gọi là Diệt Thọ Tưởng Định. Lại vì [môn Định này] thuộc vào chín món Định theo thứ tự (Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, và Diệt Tận Định); do vậy, còn gọi là Đệ Cửu Thứ Đệ Định (môn Định thứ chín theo thứ tự).

          Diệt Tận Định là “dĩ ly Vô Sở Hữu Xứ nhiễm, tùng đệ nhất Hữu, cánh khởi thắng tấn, tạm chỉ hưu tưởng tác ý vi tiên, sở hữu bất hằng hành cập hằng hành nhất phần tâm, tâm pháp diệt vi tánh” (đã lìa đắm nhiễm đối với Vô Sở Hữu Xứ Định, từ cõi Hữu bậc nhất, lại khởi tâm tiến cao hơn, trước hết tác ý: Tạm ngưng dứt suy tưởng, có tánh chất diệt trừ tất cả các bất hằng hành cùng với một phần tâm và tâm pháp hằng hành [tương ứng với nó]): Đã lìa bỏ sự tham nhiễm đối với Vô Sở Hữu Xứ Định, từ “đệ nhất Hữu” (có nghĩa là hữu tình thù thắng nhất trong tam giới, tức là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên), sanh khởi sự tăng tấn thù thắng hơn nữa. Phương pháp để tu Diệt Tận Định là trước hết tác ý (khởi tâm động niệm) “tạm thời ngưng dứt Tưởng”. Khi đắc Diệt Tận Định, sẽ khiến cho sáu Thức trước và Nhiễm Ô Ý (tức là Thức thứ bảy có tánh chất ô nhiễm) và các món Tâm Sở tương ứng như Thọ, Tưởng v.v… tạm thời chẳng sanh khởi, chẳng sanh khởi hiện hành.

          “Bất hằng hành, vị lục Chuyển Thức” (“Bất hằng hành” là nói đến sáu Thức trước): Sáu Thức trước nương theo A Lại Da Thức mà chuyển khởi (dấy lên hoạt động); do vậy, chúng được gọi là Lục Chuyển Thức. Sáu Thức trước có thể bị gián đoạn, cho nên gọi là “bất hằng hành”.

          “Hằng hành, vị Nhiếp Tạng Thức cập Nhiễm Ô Ý” (“Hằng hành” là Nhiếp Tạng Thức và Nhiễm Ô Ý): Nhiếp Tạng Thức là A Lại Da Thức. Nó liên tục, chẳng gián đoạn; do vậy gọi là Hằng Hành. Nhiễm Ô Ý chính là Mạt Na Thức cùng sanh khởi, tương ứng với Ngã Chấp. Nhiễm Ô Ý của phàm phu cũng là liên tục chẳng gián đoạn. Vì thế, cũng gọi là Hằng Hành. Diệt Tận Định chỉ là tạm thời diệt trừ Nhiễm Ô Ý và các Tâm Sở tương ứng với nó, chẳng tạm thời diệt mất A Lại Da Thức và Tâm Sở tương ứng với nó. Vì thế nói là “hằng hành nhất phần tâm, tâm pháp diệt” (một phần hằng hành tâm và tâm pháp bị diệt).

          Diệt Tận Định và Vô Tưởng Định được gọi gộp chung là Nhị Vô Tâm Định, đều là dựa trên phần vị của chủng tử Yếm tăng thượng tột bậc mà giả lập. Do vậy, Diệt Tận Định lìa ngoài chủng tử Yếm, sẽ chẳng có một thật thể riêng biệt. Nếu chủng tử của cái tâm Yếm (chán ghét) chỉ tạm thời chế phục sáu Thức trước và chủng tử của Tâm Sở, khiến cho chúng nó chẳng sanh khởi hiện hành, thì gọi là Vô Tưởng Định. Nếu tam thời chế phục sáu Thức trước, Nhiễm Ô Ý, và chủng tử của các Tâm Sở tương ứng, khiến cho chúng nó chẳng sanh khởi hiện hành thì gọi là Diệt Tận Định.

          Du Già Sư Địa Luận đã thuyết minh về Diệt Tận Định như sau: “Nhược chư thánh giả, dĩ đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, phục dục tạm thời trụ Tịch Tĩnh Trụ, tùng Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ, tâm cầu thượng tấn. Tâm thượng tấn thời, cầu thượng sở duyên cánh vô sở đắc. Vô sở đắc cố, diệt nhi bất chuyển. Như thị hữu học, dĩ ly Vô Sở Hữu Xứ Tham, hoặc A La Hán, cầu tạm trụ tưởng tác ý vi tiên, chư tâm, tâm pháp diệt. Thị danh Diệt Tận Định, do thị phương tiện, chứng đắc thử Định” (Nếu các thánh giả đã đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, lại muốn tạm thời trụ trong Tĩnh Tịch Trụ, từ Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ, tâm cầu tăng tấn cao hơn. Khi tâm đã tăng tấn, đối với những điều được duyên khi cầu tăng tấn, sẽ không có gì để đạt được. Do không có gì để đạt được, sẽ là diệt, chứ không chuyển. Như vậy thì bậc thánh nhân Hữu Học đã lìa sự tham nhiễm đối với Vô Sở Hữu Xứ Định, hoặc A La Hán trước hết sẽ khởi ý niệm cầu tạm trụ, các tâm và tâm pháp diệt mất. Đó gọi là Diệt Tận Định. Do phương tiện ấy, chứng đắc Định này). Do vậy có thể biết: Mục đích của Diệt Tận Định là để tạm thời khiến cho sáu Thức trước, Nhiễm Ô Ý, và các Tâm Sở tương ứng bị dứt diệt, hòng có thể an trụ Tịch Tĩnh, chẳng bị nhiễu động.

          Người nào mới có thể đắc Diệt Tận Định? Nói theo Thanh Văn Thừa, “hữu học thánh giả, năng nhập thử Định, vị Bất Hoàn thân chứng. Vô học thánh giả, diệc phục năng nhập, vị Câu Phần Giải Thoát” (bậc thánh nhân hữu học có thể nhập Định này, tức là những vị đã đích thân chứng quả Bất Hoàn. Bậc thánh nhân vô học cũng có thể nhập, tức là những vị A La Hán tâm lẫn huệ đều được giải thoát). Bậc thánh nhân hữu học và vô học mới có thể đắc Diệt Tận Định. Bậc thánh nhân hữu học Thanh Văn Thừa bao gồm Dự Lưu Quả, Nhất Lai Quả, và Bất Hoàn Quả. “Bất Hoàn thân chứng” được nói ở đây chính là [những vị thánh nhân đã chứng] quả Bất Hoàn (Tam Quả), lại còn có kinh nghiệm về Tứ Thiền Bát Định. “Vô học thánh giả” (Bậc thánh nhân vô học) là A La Hán. Ở đây nói “câu phần giải thoát” A La Hán, tức là bậc A La Hán đã đạt đến tâm giải thoát và huệ giải thoát, chẳng phải là bậc A La Hán chỉ có huệ giải thoát.

          Tu Diệt Tận Định cũng chia đại lược thành ba loại:

  1. Tu Hạ Phẩm, nếu đối với hiện pháp (pháp đã chứng đắc) mà thoái thất (lui sụt, mất đi), sẽ chẳng thể nhanh chóng khôi phục khiến cho pháp ấy hiện tiền.
  2. Tu Trung Phẩm, tuy hiện pháp thoái thất, nhưng có thể nhanh chóng khôi phục khiến cho pháp ấy hiện tiền.
  3. Tu Thượng Phẩm sẽ rốt ráo chẳngbị thoái thất.

          Sách A Tỳ Đạt Ma Khái Yếu Tinh Giải đã thuyết minh cặn kẽ về Diệt Tận Định như sau: “Trong Diệt Tận Định, giòng chảy hiện hành tâm và các Tâm Sở hoàn toàn bị tạm thời ngưng dứt. Chỉ có bậc A Na Hàm đã chứng đắc hết thảy Sắc Thiền và Vô Sắc Thiền (tức Bát Định) và bậc A La Hán mới có thể chứng đắc Diệt Tận Định. Đã thế, chỉ có chúng sanh sống trong Dục Giới và Sắc Giới mới có thể chứng đắc Định này. Trong Vô Sắc Giới, hoàn toàn chẳng thể chứng đắc Định này, vì ở trong cõi ấy trọn chẳng thể chứng đắc Tứ Sắc Thiền là điều kiện tiên quyết để chứng nhập Diệt Tận Định.

          Nếu muốn chứng nhập Diệt Tận Định, người tu Thiền ắt cần phải theo thứ tự chứng nhập mỗi môn Thiền Na. Khi xuất Định từ mỗi môn Thiền Na, người ấy sẽ quán chiếu danh pháp của môn Thiền ấy là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Người ấy sẽ tu tập như thế mãi cho đến khi đạt được Vô Sở Hữu Xứ Thiền. Sau khi xuất Định từ Vô Sở Hữu Xứ Thiền, người tu Thiền sẽ lập ra ba món quyết tâm như sau:

          1) Quyết tâm giữ cho những phẩm vị cần thiết mà người ấy đã đạt được sẽ chẳng bị hủy hoại.

          2) Quyết tâm nếu Tăng đoàn cần người ấy phục vụ, người ấy sẽ xuất Định.

          3) (Trong thời đức Phật còn tại thế), quyết định nếu đức Phật muốn thấy người ấy, người ấy sẽ xuất Định. Ngoài ra (nếu người ấy muốn nhập Diệt Tận Định bảy ngày), người ấy ắt cần quan sát thọ mạng còn lại của chính mình chẳng ít hơn bảy ngày.

          Sau khi đã thực hiện xong những nhiệm vụ trước tiên ấy, người đó sẽ chứng nhập Đệ Tứ Vô Sắc Thiền, nhưng Thiền tâm của môn Thiền này chỉ sanh diệt hai lần. Sau đó, người ấy sẽ chứng nhập Diệt Tận Định với giòng tâm tạm thời bị gián đoạn”.

1.1.2.4.2.2.2.4. Vô Tưởng Thiên

          (Luận) Vân hà Vô Tưởng Thiên? Vị Vô Tưởng Định sở đắc chi quả, sanh bỉ thiên dĩ, sở hữu bất hằng hành tâm, tâm pháp diệt vi tánh.

          ()云何無想天謂無想定所得之果。生彼天已。所有不恒行。心心法滅為性。

          (Luận: Vô Tưởng Thiên là như thế nào? Chính là cái quả đạt được do tu Vô Tưởng Định. Nó có tánh chất là: Đã sanh lên cung trời ấy, tất cả tâm và tâm pháp (Tâm Sở) thuộc loại bất hằng hành sẽ bị diệt mất).

          Vô Tưởng Thiên còn gọi là Vô Tưởng Báo, hoặc Vô Tưởng Dị Thục, là “Vô Tưởng Định sở đắc chi quả, sanh bỉ thiên dĩ, sở hữu bất hằng hành tâm, tâm pháp diệt vi tánh”, nghĩa là: [Vô Tưởng Thiên] là quả báo đạt được do tu Vô Tưởng Định, được bao gồm trong Quảng Quả Thiên thuộc Đệ Tứ Thiền Thiên. Thọ mạng [trong cõi trời ấy] là năm trăm đại kiếp. Sanh về Vô Tưởng Thiên, tất cả những tâm và Tâm Sở Pháp tương ứng với sáu Thức trước đều tạm thời dứt diệt.

          Vì sao Vô Tưởng Thiên thuộc về Đệ Tứ Thiền Thiên? Theo như Thành Duy Thức Luận đã nói, Tưởng trong ba tầng trời phía dưới Tứ Thiền Thiên, tức Sơ Thiền, Nhị Thiền và Tam Thiền Thiên, đều là thô thiển, xáo động, khó thể đoạn trừ. Từ Quảng Quả Thiên thuộc Đệ Tứ Thiền Thiên trở lên, chính là Ngũ Tịnh Cư Thiên, tức là chỗ ở dành riêng cho bậc thánh nhân, chẳng phải là chỗ ngoại đạo sanh về. Vô Sắc Giới Thiên có Ý Thức, nhưng không có Sắc Thân, cũng chẳng phải là chỗ ở của Vô Tưởng Thiên. Do vậy có thể biết, Vô Tưởng Thiên ắt phải ở chỗ Quảng Quả Thiên thuộc Đệ Tứ Thiền Thiên. Tức là do chủng tử được huân tập bởi cái tâm lúc suy nghĩ tu Vô Tưởng Định mà có thể chiêu cảm quả báo dị thục[note]

Dị Thục Quả (Vipāka) là cái quả do nương vào nghiệp thiện hay ác trong quá khứ mà chiêu cảm thành. Do cái quả ấy có tánh chất khác với cái nhân nên gọi là Dị Thục (異熟, khác biệt khi cái nhân đã chín muồi). Theo Thành Duy Thức Luận Thuật Ký, chữ Dị Thục có ba nghĩa:

1) Dị Thời Thục (quả chín muồi khác thời): Cái quả sẽ chín muồi khác thời hoặc khác đời với cái nhân.

2) Biến Dị Thục (chín muồi sẽ đổi khác): Quả chín muồi có tánh chất khác với cái nhân.

3) Dị Loại Thục (chín muồi bèn khác loại).[/note]

là Vô Tưởng Thiên. “Vi vi tâm, chiêu biệt báo” (Do vi vi tâm[note] Trong phần trước đã có nói “vi vi tâm” là tâm niệm trong sát-na áp chót trước khi đắc Vô Tưởng Định.[/note] mà chiêu cảm quả báo riêng biệt). Do vậy có thể biết, Vô Tưởng Thiên cũng là nương vào phần vị của chủng tử Yếm mà giả lập. Lìa ngoài chủng tử Yếm, sẽ chẳng có một thật thể riêng biệt.

          Vô Tưởng Thiên từ khi sanh ra cho đến lúc tử vong đều là chẳng có Tưởng ư? Có ba trường phái chủ trương khác nhau. Như Thành Duy Thức Luận có nói: “Hữu nghĩa: Bỉ thiên thường vô Lục Thức. Thánh giáo thuyết: ‘Bỉ vô Chuyển Thức cố, thuyết bỉ duy hữu Sắc chi’ cố. Hựu thuyết bỉ vi vô tâm địa cố. Hữu nghĩa: Bỉ thiên tương mạng chung vị, yếu khởi Chuyển Thức. Nhiên hậu mạng chung, bỉ tất khởi hạ nhuận sanh ái cố. Du Già Luận thuyết: ‘Hậu tưởng sanh dĩ, thị chư hữu tình tùng bỉ một cố’. Nhiên thuyết: Bỉ vô Chuyển Thức đẳng giả, y trường thời thuyết, phi vị toàn vô. Hữu nghĩa: Sanh thời, diệc hữu Chuyển Thức, bỉ trung hữu tất khởi nhuận sanh phiền não cố, như dư bổn hữu sơ tất hữu Chuyển Thức cố. Du Già Luận thuyết: ‘Nhược sanh ư bỉ, duy nhập bất khởi, kỳ tưởng nhược sanh, tùng bỉ một cố’. Bỉ Bổn Hữu sơ nhược vô, Chuyển Thức như hà danh Nhập? Tiên hữu, hậu vô, nãi danh Nhập cố. Quyết trạch phân ngôn: Sở hữu sanh đắc tâm, tâm sở diệt, danh Vô Tưởng cố. Thử ngôn ý hiển bỉ Bổn Hữu sơ hữu dị thục sanh, Chuyển Thức tạm khởi, túc nhân duyên lực, hậu bất phục sanh. Do tư dẫn khởi dị thục vô ký phần vị sai biệt, thuyết danh Vô Tưởng. Như thiện dẫn sanh nhị Định, danh Thiện. Bất nhĩ, Chuyển Thức nhất thiết bất hành, như hà khả ngôn duy sanh đắc diệt? Cố bỉ sơ vị, Chuyển Thức tạm khởi” (Có giáo nghĩa chủ trương: Cõi trời ấy thường chẳng có sáu Thức, vì như thánh giáo đã dạy ‘trong cõi ấy chẳng có Chuyển Thức’. Hoặc nói họ chỉ có Sắc. Lại nói họ thuộc địa vị vô tâm. Có giáo nghĩa chủ trương: Khi chư thiên trong cõi trời ấy sắp mạng chung, sẽ dấy lên Chuyển Thức rồi sau đấy sẽ mạng chung, do họ ắt sẽ dấy lên Nhuận Sanh Ái[note] Nhuận Sanh Ái (潤生愛) là nói khi chúng sanh sắp lâm chung, đối với tự thể, cảnh giới và chỗ sẽ sanh về đều dấy lòng tham ái. Do lòng tham ái ấy, sẽ chiêu cảm thêm những trợ duyên khiến cho cái quả trong tương lai tăng trưởng mạnh hơn, nhiều phiền não hơn.[/note] cho đời sau. Du Già Sư Địa Luận nói: “Các thứ Tưởng cho đời sau đã sanh khởi rồi, các hữu tình ấy bèn từ cõi trời ấy chết đi”. Nhưng nói cõi trời ấy không có Chuyển Thức là nói theo thời gian dài, chẳng phải là nói hoàn toàn không có. Có giáo nghĩa chủ trương: Khi sanh [vào cõi trời ấy], cũng có Chuyển Thức, cái thân Trung Hữu (Trung Ấm Thân) ắt sẽ dấy lên Nhuận Sanh Phiền Não. Như trong các nơi khác, Bổn Hữu[note] Du Già Sư Địa Luận thường gọi một giai đoạn tồn tại của thọ mạng là Hữu. Chẳng hạn như con người khi chết thì sự tồn tại trước khi chết sẽ gọi là Tiền Hữu, giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết và trước khi đầu thai là Trung Hữu. Thân sau khi đầu thai sẽ được là Hậu Hữu. Nếu nói theo đời hiện tại thì đời hiện tại được gọi là Bổn Hữu.[/note] thoạt đầu ắt cũng có Chuyển Thức. Du Già Sư Địa Luận nói: “Nếu sanh về đó (Vô Tưởng Thiên), chỉ nhập chẳng khởi. Nếu Tưởng sanh ra, sẽ từ cõi trời đó mà chết đi”. [Từ đó mà suy], nếu thoạt đầu Bổn Hữu [chẳng có Chuyển Thức], làm sao có thể nói là ‘nhập Chuyển Thức’ cho được? Trước có, sau không có, thì mới gọi là Nhập. [Do vậy] phán định rằng: Sanh vào cõi trời đó thì Tâm và Tâm Sở diệt mất, nên gọi là Vô Tưởng. Lời ấy có ý nghĩa rõ ràng là Bổn Hữu thoạt đầu có Dị Thục Sanh, Chuyển Thức tạm thời dấy lên, do sức của túc nhân duyên, sau đó [Chuyển Thức] lại chẳng sanh nữa. Do điều này, dẫn đến phần vị Dị Thục Vô Ký sai khác, nên nói là Vô Tưởng. Như do điều thiện mà dẫn đến hai môn Định (Diệt Tận Định và Vô Tưởng Định) được sanh ra thì gọi là thiện. Nếu không, hết thảy Chuyển Thức chẳng hiện hành, làm sao có thể nói là chỉ sanh [vào cõi trời đó] liền diệt [các tâm và Tâm Sở]? Vì thế, lúc mới sanh vào cõi trời đó, Chuyển Thức tạm thời dấy lên).

          Nói theo trường phái thứ nhất thì [chư thiên trong] Vô Tưởng Thiên từ lúc sanh ra cho đến khi tử vong, đều chẳng có sáu Thức trước, như thánh giáo đã nói: “Vô Tưởng Thiên chẳng có Chuyển Thức, chỉ có một chi là Sắc, là địa vị vô tâm”.

          Nói theo trường phái thứ hai, Vô Tưởng Thiên từ lúc sanh ra cho đến trước khi tử vong, không có sáu Thức trước, nhưng khi sắp mạng chung, vào lúc chết, sẽ sanh khởi Chuyển Thức. Sau đấy mới tử vong. Bởi lẽ, từ Vô Tưởng Thiên tử vong, ắt sẽ sanh vào Dục Giới. Do vậy, sanh khởi Nhuận Sanh Ái thuộc các địa vị thấp hơn để thọ sanh [trong các cõi ấy]. Như Du Già Sư Địa Luận nói: Các hữu tình sau khi đã sanh Hậu Tưởng (các Tưởng thuộc Hậu Hữu) rồi mới tử vong. Nhưng nói “Vô Tưởng Thiên không có Chuyển Thức” v.v… là do nói theo một thời gian dài, chẳng phải là nói “từ khi sanh ra cho đến khi tử vong, hoàn toàn chẳng có [Chuyển Thức]”.

          Nói theo trường phái thứ ba, khi [chư thiên] xuất sanh trong Vô Tưởng Thiên, họ cũng có Chuyển Thức. Trung Hữu (Trung Ấm Thân) của họ ắt cũng sanh khởi Nhuận Sanh Phiền Não. Như trời, người thuộc các chốn khác, khi thọ sanh, nơi sơ vị của Bổn Hữu (tức là lúc xuất sanh), ắt có Chuyển Thức. Như Du Già Sư Địa Luận nói: “Như lúc mới sanh vào Vô Tưởng Thiên [ắt có Chuyển Thức], chỉ đến khi thật sự đã sống trong Vô Tưởng Thiên thì mới chẳng sanh khởi Chuyển Thức”, tức là nói rõ: Lúc thoạt đầu sanh vào Vô Tưởng Thiên, bèn có Chuyển Thức. Trước khi tử vong, Tưởng sẽ sanh khởi rồi từ Vô Tưởng Thiên mà tử vong. Nếu muốn liễu giải kỹ hơn, có thể tham khảo quyển bốn, từ trang 85 đến trang 91 trong bộ Thành Duy Thức Luận Giảng Ký của pháp sư Diễn Bồi. Trong tác phẩm Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Nghiên Cứu, ông Giản Kim Vũ đã cho rằng chủ trương của trường phái thứ ba là chánh nghĩa (ý nghĩa đúng đắn), như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Sơ bán kiếp diệt, hậu bán kiếp sanh, như thị nhất loại, danh Vô Tưởng Thiên” (Nửa kiếp trước diệt, nửa kiếp sau sanh, cùng một loại như thế, gọi là Vô Tưởng Thiên), [tức là] nửa kiếp trước khi tử vong, [chư thiên trong Vô Tưởng Thiên] lại sanh khởi Tưởng!

          Sau khi đã tử vong trong Vô Tưởng Thiên, sẽ chuyển sanh đến chỗ nào? Nói theo Đại Tỳ Bà Sa Luận: Sau khi từ Vô Tưởng Thiên tử vong, sẽ hoặc là chuyển sanh vào Dục Giới, hoặc đọa nhập đường ác trong Dục Giới. Như [luận ấy đã] nói: “Có thuyết cho rằng: Hữu tình vô tưởng trải qua năm trăm kiếp, trụ trong Vô Tưởng, như kẻ ngủ say, đã tỉnh giấc thì chẳng thể giữ lấy các [cái quả] Dị Thục khác, liền đọa vào Dục Giới. Như người ở trên ngọn cây, dựa vào cành mà ngủ, phần nhiều do say ngủ, tay quên vịn nắm, liền rơi xuống đất, kẻ đó cũng giống như vậy. Có thuyết cho rằng: Kẻ cầu Vô Tưởng là do chấp Vô Tưởng Định là chân đạo, cho cái quả Dị Thục của [Vô Tưởng Định] là Niết Bàn, cho đến khi sanh vào cõi trời ấy, cứ chấp mãi điều ấy. Về sau, kẻ ấy ra khỏi Vô Tưởng Định, khi sắp mạng chung, trông thấy tướng sắp sanh [vào cõi thấp hơn], bèn nghĩ như thế này: ‘Chắc chắn chẳng có Niết Bàn! Nếu thật sự có, ta đã chứng đắc, cớ sao bây giờ tướng Sanh lại hiện tiền?’ Do báng bổ Niết Bàn và thánh đạo, cho nên từ cõi trời ấy chết đi, sanh trong đường ác. Tôn giả Diệu Âm cũng nói như vậy: Kẻ ấy do báng bổ Niết Bàn và thánh nhân, từ cõi ấy mạng chung, chắc chắn sanh trong đường ác”.

1.1.2.4.2.2.2.5. Mạng Căn

          (Luận) Vân hà Mạng Căn? Vị ư Chúng Đồng Phận, tiên nghiệp sở dẫn trụ thời phần hạn vi tánh.

          ()云何命根謂於眾同分。先業所引住時分限為性。

          (Luận: Mạng Căn là như thế nào? Chính là có tánh chất ở trong Chúng Đồng Phận, do nghiệp trước dẫn dắt, nên sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định).

          Mạng Căn (Thọ Mạng) là căn bản của hữu tình, là “ư Chúng Đồng Phận, tiên nghiệp sở dẫn trụ thời phần hạn vi tánh” (có tánh chất ở trong Chúng Đồng Phận, do nghiệp trước dẫn dắt, nên sẽ tồn tại một khoảng thời gian nhất định). Ý nghĩa của “Chúng Đồng Phận” sẽ được thuyết minh trong phần luận kế tiếp, ở đây, chỉ nói đơn giản, [danh xưng Chúng Đồng Phận] chỉ các loại hữu tình. Do nghiệp lực trong quá khứ (chủng tử của nghiệp) làm trợ duyên mà chiêu cảm quả báo trong đời này (đấy là Dị Thục, sanh khởi Thức thứ tám trong đời này), tức là dựa theo công năng tồn tại ngấm ngầm “duy trì Thức, sanh khởi Thức thứ tám” của danh ngôn chủng tử[note] Danh ngôn chủng tử (名言種子) còn gọi là Danh Ngôn Tập Khí, Danh Ngôn Huân Tập, hoặc Đẳng Lưu Tập Khí, là một trong ba loại chủng tử. Đây là chủng tử được huân tập do danh từ và ngôn thuyết. Nó được hình thành do nghe các danh tự và ngôn thuyết mà in dấu trong A Lại Da Thức. Theo Nhiếp Đại Thừa Luận, các pháp hữu vi như Nhãn Căn, Nhĩ Căn v.v… đều do ngôn thuyết huân tập mà sanh khởi. Ngôn thuyết lấy Danh làm Thể. Danh lấy âm thanh làm gốc, tức là dùng âm thanh để kêu gọi các pháp. Sau đó, tâm sẽ duyên theo các âm thanh ấy, mà phân biệt, gán cho nó một ý nghĩa riêng biệt. Thức thứ sáu sẽ tùy theo danh tự, ngôn thuyết mà chuyển biến các pháp. Do huân tập như thế lâu ngày, sẽ in dấu ấn tượng trong A Lại Da Thức, nên gọi là “danh ngôn chủng tử”.[/note], khiến cho hữu tình an trụ trong một khoảng thời gian, chẳng bị tử vong, mà giả lập [một pháp] là Mạng Căn, chứ không phải là dựa theo Thức thứ tám để giả lập Mạng Căn! Ví như hạt giống của một cái cây mới là căn bản của cây ấy. Rễ cây, thân cây, hoa quả, chẳng phải là căn bản của cây. Hơn nữa, danh ngôn chủng tử của Thức thứ tám do dựa vào sự trợ giúp của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp trong đời quá khứ mà huân tập trong Thức thứ tám. Thiện nghiệp hoặc ác nghiệp trong đời quá khứ có sức mạnh mẽ, sẽ khiến cho Thức thứ tám trong đời hiện tại duy trì căn thân khá lâu dài, [cho nên] thọ mạng cũng khá lâu dài! Ngược lại, sức lực của thiện nghiệp hay ác nghiệp trong đời quá khứ yếu ớt, thì Thức thứ tám trong đời hiện tại duy trì căn thân khá ngắn ngủi, tạm bợ, thọ mạng cũng khá ngắn ngủi, tạm bợ! Nếu công năng của Thức thứ tám tận diệt, sẽ chẳng thể duy trì căn thân trong đời hiện tại, sẽ liền tử vong, sẽ thuận theo một nghiệp lực khác để lại chiêu cảm quả báo hữu tình trong đời sau.

          Nói theo Duy Thức Học, Thức thứ tám có thể liên tục sanh khởi, chẳng bị gián đoạn. Danh ngôn chủng tử của Thức thứ tám chính là nhân duyên sanh khởi Thức thứ tám, nhưng chủng tử danh ngôn ấy chính là chủng tử vô ký yếu ớt, chẳng có công năng đích thân sanh ra tự quả, ắt cần phải cậy vào sự giúp đỡ của nghiệp chủng tử do nghiệp thiện hay ác trong đời quá khứ huân tập thành thì mới có thể sanh khởi cái quả hiện hành của Thức thứ tám để chiêu cảm quả báo hữu tình.

          Danh ngôn chủng tử của Thức thứ tám có hai loại công dụng:

          1) Công dụng “sanh Thức”, tức là tác dụng có thể đích thân sanh ra Thức thứ tám.

          2) Công dụng “trụ Thức”, tức là tác dụng khiến cho Thức thứ tám duy trì, gìn giữ sắc thân chẳng hư nát.

          Ở đây, [Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận] đã dựa trên công dụng “trụ Thức” nơi danh ngôn chủng tử của Thức thứ tám mà giả lập Mạng Căn. Công dụng “trụ Thức” của danh ngôn chủng tử trong Thức thứ tám không phải là tuyệt đối chẳng biến đổi. Nó sẽ chịu sự huân tập của thiện nghiệp hay ác nghiệp trong đời hiện tại mà tăng mạnh hoặc giảm yếu. Chẳng hạn như loài người do ác nghiệp sát sanh trong đời hiện tại, sẽ làm suy yếu công dụng trụ Thức, khiến cho thọ mạng bị giảm thiểu. Ngược lại, thiện nghiệp từ bi thương xót hữu tình sẽ tăng cường công dụng trụ Thức, khiến cho thọ mạng tăng thêm.

          Lại vì Mạng Căn được giả lập từ danh ngôn chủng tử trong đời quá khứ của Thức thứ tám, cho nên sự huân tập của thiện nghiệp hay ác nghiệp trong đời hiện tại sẽ chẳng thể khiến cho thọ mạng giảm thiểu quá nhiều, hay tăng thêm quá nhiều.

          Hữu tình trong tam giới từ lúc sanh ra (kết sanh tâm) cho tới khi tử vong (tử vong tâm), Thức thứ tám liên tục chẳng gián đoạn, thâu nhiếp, gìn giữ hết thảy các chủng tử, cho nên Mạng Căn liên tục tồn tại, Thọ Mạng có thể tiếp nối. Chẳng hạn như [chư thiên trong] Vô Tưởng Thiên tuy chẳng sanh khởi sáu Thức, nhưng Thức thứ tám chẳng gián đoạn, [cho nên] có thể duy trì sắc thân, khiến cho nó chẳng tán hoại. Vì thế, thọ mạng của Vô Tưởng Thiên còn kéo dài năm trăm đại kiếp. Chẳng hạn như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên thì Thức thứ tám của họ cũng liên tục, chẳng gián đoạn. Do vậy, thọ mạng của hữu tình trong Vô Tưởng Thiên cũng còn liên tục đến tám vạn đại kiếp.

          Mạng Căn là giả pháp được lập ra dựa trên danh ngôn chủng tử của Thức thứ tám, chẳng có một thật thể tồn tại độc nhất, thường hằng, nó chỉ là một khái niệm được phân biệt bởi Ý Thức. Chúng ta biết thọ mạng chẳng có thật thể, hãy nên đừng chấp trước thọ mạng dài hay ngắn cho lắm, mà cũng đừng nên sợ hãi nỗi tử vong cho mấy. Đối diện với sự tử vong của thân hữu, cũng đừng nên bi thương cho lắm, mà cũng đừng nên tiêu phí cả đống tiền mua sắm các thứ thuốc bổ hòng giữ gìn sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, cho đến vọng tưởng nuốt tiên đan hòng đạt được sống mãi chẳng chết, cũng đừng nên chấp trước luyện tập khá nhiều môn Khí Công để kéo dài tuổi thọ, hoặc là chấp trước các thứ pháp môn kéo dài tuổi thọ.

1.1.2.4.2.2.2.6. Chúng Đồng Phận

          (Luận) Vân hà Chúng Đồng Phận? Vị chư quần sanh các các tự loại tương tự vi tánh.

          ()云何眾同分謂諸群生各各自類相似為性。

          (Luận: Chúng Đồng Phận là như thế nào? Chính là các loài quần sanh mỗi loài tự có tánh chất tương tự [nên mới nhóm thành từng loại]).

          Chúng Đồng Phận, gọi đơn giản là Đồng Phận, chính là “chư quần sanh các các tự loại tương tự vi tánh”, tức là dựa trên các loài, các dạng hữu tình cùng loài có những đặc tánh tương tự (đồng loại tương tự) mà giả lập Đồng Phận. “Quần sanh” là chúng sanh, hữu tình. Hữu tình được chia đại lược thành năm loại lớn (ngũ thú): Trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, và địa ngục; hoặc còn thêm A Tu La vào đó gọi là Lục Đạo.

          Chúng Đồng Phận có thể chia thành Hữu Tình Đồng Phận và Pháp Đồng Phận; nhưng phần lớn là nói đến Hữu Tình Đồng Phận. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận đã thuyết minh Chúng Đồng Phận như sau: “Chúng Đồng Phận là đối với các hữu tình như thế đó, tức là đối với các loài, [do chúng hữu tình trong mỗi loài] có tự thể tương tự mà giả lập Chúng Đồng Phận. ‘Đối với các loài’ là đối với các loài khác nhau như trời, người v.v… ‘Có tự thể tương tự’ chính là đặc tánh của mỗi loài”. Quả báo của hữu tình là do nghiệp lực chiêu cảm mà sanh làm hữu tình trong cùng một đường; tuy nghiệp báo của mỗi cá nhân mỗi khác, nhưng có những đặc tánh rất tương tự. Dựa theo tánh tương tự của cùng một loài mà giả lập [khái niệm] Đồng Phận. Chẳng hạn như người nam và người nữ, cùng thuộc vào loài người như nhau, rất tương tự, đó là Nhân Đồng Phận. Lại như nhân loại trên thế giới trong hiện thời, dựa theo những thuộc tánh như chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và phong tục tập quán v.v… mà phân loại thành dân da vàng, dân da trắng, dân da đen, và dân da đỏ v.v… tức là Hoàng Chủng Nhân Đồng Phận v.v… Hoặc phân loại thành người Á Châu, người Âu Châu, người Phi Châu, và người Mỹ Châu v.v… tức là Á Châu Nhân Đồng Phận v.v… Cũng giống như vậy, Dục Giới Thiên A và Dục Giới Thiên B cùng thuộc vào thiên đạo như nhau, rất tương tự, nên gọi là Thiên Đồng Phận. Lại có Pháp Đồng Phận, tức là “tùy thuận Uẩn, Xứ, Giới là những chỗ y cứ cho Chúng Đồng Phận”. Như Sắc Trần và Hương Trần cùng thuộc loại Sắc Uẩn như nhau, rất tương tự, nên gọi là Sắc Uẩn Đồng Phận cho đến Thức Uẩn Đồng Phận.

          Nói rộng rãi, Chúng Đồng Phận có thể dựa theo đặc tánh tương tự của đồng loại nơi hữu tình, tâm pháp, Tâm Sở pháp, và Sắc Pháp mà giả lập. Nhưng trong các luận điển tương quan của Duy Thức Học, đại đa số chỉ dựa trên tánh chất tương tự của hữu tình đồng loại mà giả lập.

          Do vậy, có thể biết, Chúng Đồng Phận là khái niệm được phân biệt bởi Ý Thức, chẳng có một thật thể độc nhất, tồn tại thường hằng. Chúng ta biết Chúng Đồng Phận chẳng phải là một thật thể, hãy nên đừng chấp trước sự khác biệt về chủng tộc, màu da, tín ngưỡng v.v… để rồi đối địch, tranh đấu với nhau.

1.1.2.4.2.2.2.7. Sanh

          (Luận) Vân hà Sanh? Vị ư Chúng Đồng Phận, sở hữu chư hành, bổn vô kim hữu vi tánh.

          ()云何生謂於眾同分。所有諸行。本無今有為性。

          (Luận: Sanh là như thế nào? Chính là trong Chúng Đồng Phận, tất cả các hành có tánh chất vốn chẳng có mà nay lại có).

1.1.2.4.2.2.2.8. Lão

          (Luận) Vân hà Lão? Vị bỉ chư hành tương tục biến hoại vi tánh.

          ()云何老謂彼諸行相續。變壞為性。

          (Luận: Lão là như thế nào? Chính là có tánh chất các hành liên tục biến đổi hư hoại).

1.1.2.4.2.2.2.9. Trụ

          (Luận) Vân hà Trụ? Vị bỉ chư hành tương tục tùy chuyển vi tánh.

          ()云何住謂彼諸行相續。隨轉為性。

          (Luận: Trụ là như thế nào? Chính là các hành liên tục chuyển biến).

1.1.2.4.2.2.2.10. Vô Thường

          (Luận) Vân hà Vô Thường? Vị bỉ chư hành tương tục tạ diệt vi tánh.

          ()云何無常謂彼諸行相續。謝滅為性。

          (Luận: Vô Thường là như thế nào? Chính là có tánh chất các hành liên tục diệt mất).

          Hết thảy pháp hữu vi trong thế gian đều vô thường, chẳng thường hằng, là không ngừng biến hóa, tất nhiên phải trải qua quá trình “sanh, trụ, dị, diệt”. Đấy là bốn tướng của pháp hữu vi. Hoặc nói là ba tướng “sanh, dị, diệt”, vì sợ [phàm phu] sẽ sanh khởi tham ái, chấp trước Trụ, cho nên chẳng lập ra tướng Trụ. Hoặc nói ba tướng “sanh, trụ dị, diệt” để hiển thị Trụ ắt có Dị. Vì thế, nói gộp chung thành Trụ Dị, khiến cho mọi người cảnh giác: Hễ an trụ, ắt sẽ có biến dị (đổi khác), chẳng tham đắm tướng Trụ.

          Bốn tướng của pháp hữu vi, nói theo vô tình sẽ là thành, trụ, hoại, không”. Chẳng hạn như địa cầu dần dần hình thành (đó là Thành). Nó có thể duy trì an định một khoảng thời gian (Trụ), rồi sẽ dần dần bị hư hoại (Hoại), đến cuối cùng bị hủy diệt (Không). Nói theo phía hữu tình, thì là “sanh, lão, trụ, vô thường”. Đấy là nói theo “nhất kỳ vô thường” (vô thường do tồn tại trong một khoảng thời gian) trong hai loại vô thường, chẳng phải là nói theo “sát-na vô thường”.

          Sanh là “ư Chúng Đồng Phận sở hữu chư hành, bổn vô kim hữu vi tánh” (trong Chúng Đồng Phận, có tánh chất tất cả các hành vốn là không mà nay là có), ý nói: Đối với tất cả Ngũ Uẩn của các loại chúng sanh vốn chẳng tồn tại, nay do các duyên hòa hợp mà tồn tại, tức là Sanh. Nói theo phía nhân loại, trong đời này, trong sát-na mà Thức thứ tám của người nào đó chấp giữ tinh và trứng đã tiếp nhận từ cha mẹ, sẽ là Sanh trong đời này. “Hành” có nghĩa là “lưu động, biến hóa không ngừng”“Chư hành” là nói đến hết thảy các pháp sanh diệt biến hóa. Nói theo phía hữu tình, “chư hành” tức là Ngũ Uẩn, tức Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức.

          Lão là “bỉ chư hành tương tục biến hoại vi tánh” (các hành ấy có tánh chất liên tục biến đổi, hư hoại): Ngũ Uẩn của các loài chúng sanh liên tục sanh diệt, dần dần biến hóa, tổn hoại thì gọi là Lão, cũng có thể gọi là Dị, tức là có sự biến hóa rõ rệt.

          Trụ là “bỉ chư hành tương tục tùy chuyển vi tánh” (các hành ấy có tánh chất liên lục chuyển biến): Ngũ Uẩn của các loại chúng sanh liên tục sanh diệt; trước sau đại để tương đồng, chẳng có sự biến hóa rõ rệt, mà liên tục duy trì an trụ. Đó gọi là Trụ. “Tùy chuyển”: Chẳng hạn như trạng huống của thân tâm trong ngày hôm nay là như thế này, ngày mai, ngày mốt vẫn đại để tương đồng, chẳng có biến hóa rõ rệt.

          “Vô thường” là “bỉ chư hành tương tục tạ diệt vi tánh” (các hành ấy có tánh chất liên tục rơi rụng, diệt mất). Ngũ Uẩn của các loại chúng sanh liên tục sanh diệt, đến cuối cùng, chúng bị diệt mất, chẳng còn tiếp tục nữa, sẽ liền tử vong.

          Người sống trong cõi đời này, nhất định phải trải qua bốn quá trình “sanh, lão, trụ, vô thường”, ai cũng không trốn khỏi được. “Sanh, lão, trụ, vô thường” do dựa vào [sự kiện] “Ngũ Uẩn của chúng sanh sanh khởi trong thuở ban đầu, liên tục sanh diệt, cuối cùng bị diệt mất” mà giả lập [các khái niệm sanh, lão, trụ, vô thường], tức là những khái niệm được phân biệt bởi Ý Thức, chẳng có một thật thể tồn tại độc nhất, thường hằng, hãy đừng nên chấp trước. Nếu có kẻ nào vọng tưởng vĩnh viễn giữ mãi tuổi thanh xuân, hay sống mãi chẳng chết thì đều là mộng tưởng điên đảo.

1.1.2.4.2.2.2.11. Danh Thân

          (Luận) Vân hà Danh Thân? Vị ư chư pháp tự tánh tăng ngữ vi tánh, như thuyết Nhãn đẳng.

          ()云何名身謂於諸法自性。增語為性。如眼等

          (Luận: Danh Thân là như thế nào? Chính là có tánh chất đối với tự tánh của các pháp bèn gán cho nó một từ ngữ nhằm thể hiện một ý nghĩa nào đó, như nói đến Nhãn v.v…)

1.1.2.4.2.2.2.12. Cú Thân

          (Luận) Vân hà Cú Thân? Vị ư chư pháp sai biệt tăng ngữ vi tánh, như thuyết chư hành vô thường đẳng.

          ()云何句身謂於諸法差別增語為性。如諸行無常等

          (Luận: Cú Thân là như thế nào? Chính là có tánh chất đối với sự sai biệt của các pháp, bèn gán cho nó một từ ngữ nhằm thể hiện một ý nghĩa nào đó, như nói “các hành vô thường” v.v…)

1.1.2.4.2.2.2.13. Văn Thân

          (Luận) Vân hà Văn Thân? Vị tức chư tự, thử năng biểu liễu tiền nhị tánh cố, diệc danh Hiển, vị danh, cú sở y, hiển liễu nghĩa cố. Diệc danh Tự, vị vô dị chuyển cố. Tiền nhị tánh giả, vị thuyên tự tánh cập dĩ sai biệt. Hiển, vị hiển liễu.

          ()云何文身謂即諸字。此能表了前二性故。亦名顯。謂名句所依。顯了義故。亦名字。謂無異轉故。前二性者。謂詮自性及以差別。顯謂顯了 

          (Luận: Văn Thân là như thế nào? Chính là đối với các chữ, pháp này có thể biểu đạt hai tánh trước. [Văn Thân] cũng gọi là Hiển, ý nói Cú (câu) dựa vào Danh mà hiển lộ nghĩa rốt ráo. Còn gọi là Tự, ý nói chẳng thể đổi khác được. “Hai tánh trước” là nói đến tự tánh (tức là nói đến Danh) và sai biệt (sự sai biệt của các pháp được diễn tả bằng Cú). “Hiển” là nêu rõ).

          Danh Thân, “ư chư pháp tự tánh tăng ngữ vi tánh”, [nghĩa là] đối với mỗi pháp, dùng một từ ngữ để biểu thị tự tánh của pháp ấy (tự tánh là tánh chất của chính pháp ấy). “Tăng ngữ” (增語) chính là từ ngữ, ý nói liên quan đến những ý nào đó, dùng để biểu thị tự tánh của pháp ấy, [hàm ý] chúng ta tăng thêm, đặt bày cho nó. Chẳng hạn như “trời, người, mắt, tai” v.v… “Thân” (身) là dịch nghĩa của chữ Ca Da (Kāya) trong tiếng Phạn, có ý nghĩa “tích tụ, tụ hợp”. Nói theo Đại Tỳ Bà Sa Luận, đơn danh (một chữ riêng lẻ) thì gọi là Danh. Hai Danh ghép lại thì gọi là Danh Thân, nhiều danh tụ hợp thì gọi là Đa Danh Thân. Cú, Cú Thân, Đa Cú Thân, và Văn, Văn Thân, Đa Văn Thân cũng giống như vậy. Chẳng hạn như trong tiếng Hán, Oản (碗, cái chén) là Danh, Thiết Oản (鐵碗, chén bằng sắt) là Danh Thân, Viên Thiết Oản (圓鐵碗, cái chén tròn bằng sắt) là Đa Danh Thân.

          Nói thông thường, nhân loại trước hết là có ngôn ngữ, sau đấy mới có văn tự. Thích Ca Mâu Ni Phật hoằng dương chánh pháp dùng ngôn ngữ, cho nên Phật pháp nói Danh Thân, Cú Thân, và Văn Thân là dựa trên ngôn ngữ để nói. Thế nhưng ngôn ngữ, văn tự, và những ý nghĩa được diễn tả bởi chúng có tánh chất liên quan, cho nên cũng có thể dựa theo văn tự để nói đến Danh Thân, Cú Thân, và Văn Thân. Mối liên quan giữa ngôn ngữ, văn tự, và những ý nghĩa được diễn đạt bởi chúng là do con người bày ra, đặt ra (giả lập), là ước định mà trở thành tập quán, sẽ thuận theo thời đại và khu vực mà khác biệt, có sự biến đổi, chẳng có một thật thể tồn tại độc nhất, thường hằng. Chẳng hạn như chữ Nhãn (眼, mắt) trong tiếng Hán là chữ Eye trong tiếng Anh, hình dạng chữ viết khác nhau, âm đọc khác nhau. Ý nghĩa được biểu đạt bởi chúng cũng có những điều khác nhau. Hiện thời, nhân loại lại lập ra khá nhiều Danh Thân chẳng có trong thời cổ để biểu thị những ý nghĩa nào đó, chẳng hạn như “điện não, thủ cơ” (computer, cell phone) v.v…

          Cú Thân, “ư chư pháp sai biệt tăng ngữ vi tánh, như thuyết chư hành vô thường đẳng”, nghĩa là đối với tánh sai biệt của mỗi một pháp, dùng câu nói để biểu thị tánh sai biệt của một pháp. Các thứ từ ngữ (danh từ, động từ v.v…) dựa theo kết cấu ngữ pháp thì là một ngữ cú (câu nói) dùng để biểu thị ý nghĩa sai biệt của một pháp. Chẳng hạn như một câu “chư hành vô thường”, biểu thị ý nghĩa “các hành là sai biệt vô thường”. Hợp hai câu lại thì gọi là Cú Thân. Ba câu trở lên được ghép lại thì gọi là Đa Cú Thân. Chẳng hạn như “chư hành vô thường” là Cú, “chư hành vô thường, là pháp sanh diệt” thì là Cú Thân. “Chư hành vô thường, là pháp sanh diệt, sanh diệt đã diệt rồi, tịch diệt là vui” thì là Đa Cú Thân.

          Văn Thân, “tức chư tự, thử năng biểu liễu tiền nhị tánh cố, diệc danh Hiển, vị Danh, Cú sở y, hiển liễu nghĩa cố. Diệc danh Tự, vị vô dị chuyển cố”, tức là các chữ có thể biểu thị, diễn tả rõ rệt “tự tánh của pháp” (Danh) và “sự sai biệt của các pháp” (Cú) trong phần trước (đó là ý nghĩa của câu “tiền nhị tánh giả, vị thuyên tự tánh cập dĩ sai biệt” – hai tánh trước là [hai đặc tánh] “diễn tả tự tánh” và “sai biệt”). Nó còn được gọi là Hiển, vì Danh và Cú đều là dựa theo Văn để biểu đạt rõ ràng. Mỗi Tự (chữ) đều sai biệt, giữa chữ này và chữ kia chẳng thể chuyển đổi được.

          Văn chính là Tự, hiện thời gọi nó là Tự Mẫu (chữ cái, alphabet). Trong Hán văn, đại đa số là mỗi chữ đều có ý nghĩa, chẳng thuận tiện để thuyết minh; do vậy, dùng Anh văn làm thí dụ để thuyết minh. Anh văn có hai mươi sáu chữ cái là A, B, C… B và C khác biệt, chẳng thể chuyển đổi cho nhau. Chữ cái thì có chữ có ý nghĩa, có chữ chẳng có ý nghĩa, như trong tiếng Anh thì A có ý nghĩa, chứ B chẳng có ý nghĩa. Một chữ cái đơn lẻ, gọi là Văn. Hai chữ cái hợp lại, chẳng diễn đạt ý nghĩa gì thì gọi là Văn Thân, ba chữ cái hợp lại mà chẳng có ý nghĩa gì thì gọi là Đa Văn Thân. Như chữ P là Văn, Pr là Văn Thân, Pra là Đa Văn Thân.

          Danh Thân, Cú Thân, và Văn Thân dựa theo ngôn ngữ để nói. Những thứ này dựa trên phần vị của Thanh Trần mà giả lập. Nói theo văn tự, những thứ này đã dựa trên phần vị của Sắc Trần để giả lập. Sắc Trần hay Thanh Trần đều thuộc vào Sắc Pháp; do vậy, những thứ này đều dựa theo phần vị của Sắc Pháp để giả lập. Mọi người chấp trước văn tự, ngôn ngữ, hoặc ý nghĩa được biểu thị bởi chúng là thật thể. Nếu chúng ta liễu giải Danh Thân, Cú Thân và Văn Thân là những thứ được đặt ra, là vô thường, là vô ngã, chẳng có thật thể để có thể đạt được, thì sẽ có thể lìa bỏ tướng văn tự, lìa bỏ tướng ngôn ngữ, lìa bỏ tướng tâm duyên kha khá.

1.1.2.4.2.2.2.14. Dị Sanh Tánh

          (Luận) Vân hà Dị Sanh Tánh? Vị ư thánh pháp bất đắc vi tánh.

          ()云何異生性謂於聖法。不得為性

          (Luận: Dị Sanh Tánh là như thế nào? Chính là có tánh chất chẳng đạt được thánh pháp).

          Dị Sanh Tánh tức là tánh của Dị Sanh, Dị Sanh nhằm tách biệt với Đồng Sanh. Sách Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Khai Tông Nghĩa Ký viết: “Chư thánh đều gọi là Đồng Sanh, còn các phàm phu thì gọi là Dị Sanh”. Hết thảy thánh nhân đều đã thấy lý Chân Không, chẳng dấy lên Ngã Kiến; vì thế gọi là Đồng Sanh. Nhưng các phàm phu đều ngu si, tối tăm, sanh khởi Ngã Kiến, có đủ dạng đủ vẻ phiền não, nghiệp lực, quả báo. Vì thế, gọi là Dị Sanh. Dị Sanh “ư thánh pháp bất đắc vi tánh” (có tánh chất chẳng đạt được thánh pháp), tức là dựa trên [sự kiện bọn họ] chẳng đạt được thánh pháp mà giả lập [một pháp là Dị Sanh]. “Tánh” là nói đến tập tánh, tức là chủng tử của Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Dị Sanh có tập tánh bất đồng, sẽ dẫn khởi phiền não bất đồng phát sanh; do vậy, tạo tác nghiệp bất đồng. Nghiệp lực chín muồi, sẽ đạt đến cảnh giới bất đồng, đi đến chỗ thọ sanh [khác nhau]. Do vậy, Dị Sanh Tánh là do nương vào phần vị của Tâm Sở Pháp mà giả lập, chẳng có thật thể. Ngược lại, kẻ tu hành chứng ngộ Chân Như Pháp Tánh, sẽ ngay lập tức chẳng có Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, cho nên gọi là “thánh giả” (bậc thánh).

          Ngoại trừ mười bốn thứ Tâm Sở thuộc loại Bất Tương Ứng Hành Pháp được nhắc đến trong luận này, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận nói hai mươi bốn thứ, nhiều hơn [luận này] mười thứ. Ở đây, chẳng giải thích tường tận, chỉ trích dẫn những câu văn trong Hiển Dương Thánh Giáo Luận: “Lưu Chuyển (流轉) là nhân quả của các Hành có tánh chất liên tục, chẳng ngừng. Định Dị (定異) là do nhân quả của các Hành mỗi thứ có tánh khác nhau. Tương Ứng (相應) là nhân quả của các Hành có tánh chất tương xứng. Thế Tốc (勢速) là các Hành có tánh chất lưu chuyển nhanh chóng. Thứ Đệ (次第) là các Hành mỗi món đều có tánh chất lưu chuyển theo thứ tự. Thời (時) là nhân quả của các Hành có tánh chất lần lượt đổi mới, sanh diệt. Phương (方) là nói các Sắc Hành có tánh chất trọn khắp các nơi phân chia. Số (數) là nói các Hành v.v… mỗi món khác nhau [nhưng đều] có tánh chất là thể tướng lưu chuyển liên tục. Hòa Hợp (和合) là các Hành có tánh chất do các duyên tụ hội. Bất Hòa Hợp (不和合) là nói các Hành có tánh chất các duyên trái nghịch”.

          Lại kết luận giản yếu như Tạp Tập Luận đã nói: “Các pháp Tâm Bất Tương Ứng Hành là như thế đó chỉ dựa trên phần vị sai biệt mà kiến lập. Hãy nên biết chúng đều là giả hữu. Tức là dựa trên sự sai biệt do phần vị tăng giảm nơi thiện, bất thiện v.v… mà kiến lập một thứ (Đắc). Đối với sự sai biệt nơi phần vị của tâm và tâm pháp, lập ra ba thứ (Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, và Vô Tưởng Báo). Đối với sự sai biệt nơi phần vị của Trụ, lập ra một thứ (tức Mạng Căn). Do sự sai biệt nơi phần vị tương tự, lập ra một thứ (Chúng Đồng Phận). Do sự sai biệt nơi phần vị của Tướng, mà lập ra bốn thứ (Sanh, Trụ, Lão, Vô Thường). Đối với sự sai biệt nơi phần vị của ngôn thuyết mà kiến lập ba món (Danh Thân, Cú Thân, và Văn Thân). Đối với sự sai biệt nơi phần vị của bất đắc, lập ra một món (Dị Sanh Tánh). Đối với sự sai biệt nơi phần vị của nhân quả, đã kiến lập những món khác (gồm mười thứ từ Lưu Chuyển cho đến Bất Hòa Hợp Tánh). Nhân quả là nói hết thảy các pháp hữu vi có thể sanh ra những pháp khác thì gọi là Nhân, do từ thứ khác mà sanh ra thì gọi là Quả”.

          Nói tổng hợp, hai mươi bốn pháp Tâm Bất Tương Ứng là dựa trên phần vị của ba món là Tâm, Tâm Sở Pháp và Sắc Pháp mà giả lập. Nói phân biệt, Mạng Căn là dựa trên sự sai biệt nơi phần vị của Tâm Pháp mà giả lập, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, và Vô Tưởng Báo là dựa trên phần vị của Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp mà giả lập. Dị Sanh Tánh là dựa trên phần vị của Tâm Sở Pháp mà giả lập. Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, và Phương là dựa theo phần vị của Sắc Pháp mà giả lập. Mười lăm pháp khác là dựa trên phần vị của Tâm Pháp, Tâm Sở Pháp và Sắc Pháp mà giả lập.

1.2.5. Thức Uẩn

          (Luận) Vân hà Thức Uẩn? Vị ư sở duyên, liễu biệt vi tánh, diệc danh Tâm, năng thải tập cố. Diệc danh Ý, ý sở nhiếp cố. Nhược tối thắng tâm, tức A Lại Da Thức, thử năng thải tập chư hành chủng tử cố. Hựu thử hành tướng bất khả phân biệt, tiền hậu nhất loại tương tục chuyển cố. Hựu do thử Thức tùng Diệt Tận Định, Vô Tưởng Định, Vô Tưởng Thiên khởi giả, liễu biệt cảnh giới chuyển thức phục sanh, đãi Sở Duyên Duyên sai biệt chuyển cố, số số gián đoạn, hoàn phục sanh khởi. Hựu linh sanh tử lưu chuyển hồi hoàn cố. A Lại Da Thức giả, vị năng nhiếp tàng nhất thiết chủng tử, hựu năng nhiếp tàng Ngã Mạn tướng cố, hựu phục duyên thân vi cảnh giới cố. Hựu thử diệc danh A Đà Na Thức, chấp trì thân cố. Tối Thắng Ý giả, vị duyên Tạng Thức vi cảnh chi Thức, hằng dữ Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, Ngã Ái tương ứng, tiền hậu nhất loại tương tục tùy chuyển, trừ A La Hán, thánh đạo, Diệt Định hiện tại tiền vị. Như thị Lục Chuyển Thức, cập Nhiễm Ô Ý, A Lại Da Thức, thử bát, danh Thức Uẩn.

          ()云何識蘊謂於所緣。了別為性。亦名心。能採集故。亦名意。意所攝故。若最勝心。即阿賴耶識。此能採集諸行種子故。又此行相不可分別。前後一類相續轉故。又由此識從滅盡定。無想定。無想天起者。了別境界轉識。復生待所緣緣差別轉故。數數間斷還復生起。又令生死流轉迴還故。阿賴耶識者。謂能攝藏一切種子。又能攝藏我慢相故。又復緣身為境界故。又此亦名阿陀那識。執持身故。最勝意者。謂緣藏識為境之識。恒與我癡.我見.我慢.我愛相應。前後一類相續隨轉。除阿羅漢聖道。滅定現在前位。如是六轉識。及染污意。阿賴耶識。此八名識蘊

          (Luận: Thức Uẩn là như thế nào? Tức là đối với những pháp được duyên, nó có tánh chất nhận biết rõ ràng. Nó còn được gọi là Tâm vì có thể thâu thập. Còn gọi là Ý, vì thuộc vào phạm vi của Ý, hoặc là Tối Thắng Tâm, tức là A Lại Da Thức, vì nó thể thâu thập chủng tử của các hành. Hơn nữa, hành tướng của pháp này chẳng thể phân biệt, vì trước sau nó là cùng một loại, liên tục lưu chuyển. Lại vì Thức này khi ra khỏi Diệt Tận Định, Vô Tưởng Định, và Vô Tưởng Thiên, các Chuyển Thức có công năng nhận biết cảnh giới rõ ràng sẽ lại sanh khởi. Do nhờ vào các Sở Duyên Duyên khác biệt mà sanh khởi. [Tuy chúng] nhiều lượt bị gián đoạn, nhưng sẽ lại sanh khởi. Nó còn khiến cho [chúng sanh] xoay vần lưu chuyển trong sanh tử. [Gọi nó là] A Lại Da Thức là có ý nói: Nó có thể thâu nhiếp, cất chứa hết thảy chủng tử. Nó lại có thể thâu nhiếp, cất chứa tướng Ngã Mạn. Nó lại còn duyên theo cái thân để làm cảnh giới. Pháp này cũng được gọi là A Đà Na Thức, do nó chấp trì cái thân. Tối Thắng Ý là cái Thức do duyên theo Tạng Thức làm cảnh, luôn tương ứng với Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, và Ngã Ái. Loại trước và loại sau liên tục chuyển theo nhau, trừ [những người] đang thuộc trong địa vị A La Hán, thánh đạo, và Diệt Định. Tám món gồm sáu Chuyển Thức, Nhiễm Ô Ý, và A Lại Da Thức, được gọi là Thức Uẩn).

          Thức là “ư sở duyên, liễu biệt vi tánh”, tức là đối với cảnh giới được duyên lự, nó sẽ có tác dụng hiểu rõ, phân biệt. Nó cũng có thể gọi là Tâm, “năng thải tập cố”, tức là nó có thể chọn lấy, giữ lấy. Nó cũng có thể gọi là Ý vì “ý sở nhiếp cố”, tức là thuộc vào sự suy lường.

          Trong Duy Thức Học, Thức Uẩn bao gồm tám loại thức: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Mạt Na Thức (tiếng Phạn là Mānas-vijñāna), và A Lại Da Thức (tiếng Phạn là Ālaya-vijñāna). Chúng được chia đại lược thành ba loại lớn: Sáu Thức đầu hợp thành một loại, Thức thứ bảy là Mạt Na Thức, và thức thứ tám là A Lại Da Thức, mỗi thứ là một loại. Thật ra, tám Thức đều có tác dụng “nhận biết rõ ràng, suy lường, và chọn lựa thâu thập”. Nhưng do dựa theo ý nghĩa đặc thù để nói thì Tâm (tiếng Phạn là Citta) nhằm chỉ A Lại Da Thức, Ý (tiếng Phạn là Manas) nhằm chỉ Mạt Na Thức, và Thức (tiếng Phạn là Vijñāna) nhằm chỉ sáu Chuyển Thức trước. Dưới đây, trước hết sẽ thuyết minh về A Lại Da Thức, sau đấy thuyết minh Mạt Na Thức, cuối cùng là thuyết minh về sáu Thức trước.

          Vì sao A Lại Da Thức là Tối Thắng Tâm? Vì dựa theo ý nghĩa đặc thù: Thức thứ tám có thể thâu thập các chủng tử được huân tập bởi các pháp hữu vi chứa đựng trong Thức thức tám. Chẳng hạn như ong mật tom góp phấn hoa, mang về tích trữ trong tổ ong. “Chủng tử” (種子) có nghĩa là gì? Nói theo Thành Duy Thức Luận: “Thử trung hà pháp danh vi chủng tử? Vị bổn thức trung thân sanh tự quả công năng sai biệt” (Trong ấy, pháp nào được gọi là chủng tử? Chính là nói đến công năng sai biệt của Bổn Thức đích thân sanh ra cái quả). “Bổn Thức” chính là A Lại Da Thức, còn gọi là Căn Bản Thức, hoặc là Nhất Thiết Chủng Tử Thức. “Thân sanh tự quả” là dựa theo chủng tử của chính nó làm nhân duyên, tụ tập khá nhiều duyên, sanh khởi các món tự hiện hành. “Công năng” nghĩa là có sức mạnh, có công dụng. “Sai biệt”, tiếng Phạn là Viśita, có ý nghĩa là “thù thắng, biệt dị” (thù thắng, sai khác). Do vậy, chủng tử là do các pháp hữu vi hiện hành (tức là các pháp hữu vi đang hoạt động hiển hiện trong hiện thời) huân tập trong A Lại Da Thức, hình thành một công năng tiềm tàng đặc thù (tập khí), đợi cho tới khi các duyên tụ hợp, sẽ có thể sanh khởi các pháp hữu vi. Chủng tử là một loại thí dụ, ví như lúa mạ xuất sanh từ hạt thóc giống, trong tương lai sẽ kết quả, lại gọi là “hạt thóc giống”. Chẳng hạn như Nhãn Thức sanh khởi tác dụng thì gọi là Nhãn Thức “hiện hành”. Sau khi Nhãn Thức diệt mất trong sát-na, đồng thời huân tập thành chủng tử, chứa đựng trong A Lại Da Thức, trong tương lai khi các duyên tụ hợp, đợi cho tới khi các duyên tụ hợp, sẽ sanh khởi thành một Nhãn Thức khác.

          Hành tướng của A Lại Da Thức là gì? “Hựu thử hành tướng bất khả phân biệt” (Lại nữa, hành tướng của nó chẳng thể phân biệt), tức là: Hành tướng của sáu Thức trước thô rõ, mọi người đều có thể nhận biết, phân biệt. Ngược lại, hành tướng của A Lại Da Thức hết sức vi tế, mọi người chẳng thể nhận biết, phân biệt. Trong Duy Thức Tam Thập Tụng, “bất khả tri” là nói đến ý nghĩa “thử hành tướng bất khả phân biệt” (hành tướng của pháp này chẳng thể phân biệt) ở đây. Vì sao? “Tiền hậu nhất loại tương tục chuyển cố” (Do niệm trước và niệm sau cùng một loại liên tục lưu chuyển), nghĩa là: Vì A Lại Da Thức sanh diệt, biến hóa trong từng sát-na. [Sự sanh diệt biến hóa ấy] liên tục, chẳng gián đoạn, niệm trước và niệm sau tương tự. Kẻ bình phàm sẽ chẳng thể liễu giải, lầm tưởng niệm trước và niệm sau hoàn toàn như nhau. Ví như nước từ thác ồ ạt đổ xuống, chẳng gián đoạn, thoạt nhìn [sẽ lầm tưởng] là trước sau như một, giống như toàn thể là một tấm vải. Thật ra, nước một mực lưu động, biến hóa, nước lúc sau chẳng phải là nước lúc trước. Do vậy, đức Thế Tôn nhằm tránh cho ngu phu chấp trước A Lại Da Thức là một thật thể bất biến, cho nên Ngài chẳng khai diễn sự tướng và nghĩa lý của A Lại Da Thức. Như kinh Giải Thâm Mật có đoạn chép: “A Đà Na Thức thậm thâm tế, ngã ư phàm ngu bất khai diễn, nhất thiết chủng tử như bộc lưu, khủng bỉ phân biệt chấp vi Ngã” (A Đà Na Thức rất sâu nhiệm, ta chẳng khai diễn cho phàm ngu, hết thảy chủng tử như thác nước, sợ họ phân biệt chấp là Ngã). Trong đoạn ấy, A Đà Na Thức (tiếng Phạn là Ādāna-vijñāna) chính là A Lại Da Thức.

          Trong từng sát-na, A Lại Da Thức sanh diệt biến hóa liên tục, chẳng gián đoạn. Ngược lại, bảy Thức trước có gián đoạn (trong các địa vị trước khi A La Hán, thánh đạo và Diệt Định hiện tiền thì Nhiễm Ô Mạt Na Thức sẽ bị gián đoạn). “Hựu do thử Thức tùng Diệt Tận Định, Vô Tưởng Định, Vô Tưởng Báo khởi giả, liễu biệt cảnh giới Chuyển Thức phục sanh, đãi Sở Duyên Duyên sai biệt chuyển cố, số số gián đoạn, hoàn phục sanh khởi” (Lại vì Thức này khi ra khỏi Diệt Tận Định, Vô Tưởng Định, và Vô Tưởng Thiên, các Chuyển Thức có công năng nhận biết cảnh giới rõ ràng sẽ lại sanh khởi. Do nhờ vào các Sở Duyên Duyên sai khác mà chuyển khởi. [Tuy chúng] nhiều lượt bị gián đoạn, nhưng vẫn lại sanh khởi). Đấy là nói rõ sáu Thức trước (tiền Lục Thức) khi thuộc vào Diệt Tận Định, Vô Tưởng Định, và Vô Tưởng Báo, chúng sẽ bị gián đoạn. Vì Thức thứ tám chẳng gián đoạn, lại thâu giữ chủng tử của sáu Thức trước, cho nên khi ra khỏi Diệt Tận Định, Vô Tưởng Định, Vô Tưởng Thiên, do các duyên tụ hợp, sẽ lại sanh khởi sáu Thức trước. Điều kiện để năm Thức trước nương vào đó mà sanh khởi rất nhiều, cho nên chúng thường bị gián đoạn [vì không hội đủ điều kiện để sanh khởi]. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, phần nhiều có thể sanh khởi, nhưng trong năm thứ tình huống, tức là khi [thuộc trong] Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Thiên, hay hôn trầm, và bất tỉnh”, nó sẽ bị gián đoạn. Thức thứ bảy của phàm phu, tức là Nhiễm Ô Mạt Na Thức, khi là A La Hán, thuộc vào Thánh Đạo, hoặc lúc trụ trong Diệt Định (Diệt Tận Định), [Nhiễm Ô Mạt Na Thức] sẽ bị gián đoạn. Nhưng trong ấy, “liễu biệt cảnh giới Chuyển Thức phục sanh” (các Chuyển Thức (sáu Thức trước từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức) có công năng nhận biết cảnh giới rõ rệt lại sanh khởi), chủ yếu là nói sáu Thức trước lại sanh khởi. “Chuyển” có nghĩa là nương vào đấy mà sanh khởi.

          Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức có thể nhận biết rành rẽ sáu cảnh, chính là do dựa trên chủng tử của Nhãn Thức v.v… trong A Lại Da Thức làm nhân duyên mà sanh khởi. Do vậy, các Thức ấy được gọi là “liễu biệt cảnh giới Chuyển Thức” (các Chuyển Thức có thể nhận biết rõ ràng cảnh giới). Lại nữa, do sáu căn duyên theo, giữ lấy những Sở Duyên Duyên khác nhau, cho nên sẽ sanh khởi các Thức khác nhau. Như Nhãn Căn duyên theo, giữ lấy Sắc cảnh, bèn sanh khởi Nhãn Thức. Nhĩ Căn duyên theo, giữ lấy Thanh cảnh, bèn sanh khởi Nhĩ Thức. Cho đến Ý Căn duyên theo, giữ lấy Pháp cảnh, bèn sanh khởi Ý Thức. Do vậy nói “đãi Sở Duyên Duyên sai biệt chuyển cố” (do nương cậy vào các Sở Duyên Duyên sai khác mà sanh khởi). Sở Duyên Duyên là dùng cảnh giới phan duyên [mà tâm thức] đang nương vào để làm điều kiện. Nó là một trong bốn duyên sanh khởi (Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên, Tăng Thượng Duyên, và Đẳng Vô Gián Duyên) của Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp.

          “Hựu linh sanh tử lưu chuyển hồi hoàn cố” (Lại khiến cho luân hồi lưu chuyển trong sanh tử), [tức là] sự lưu chuyển trong sanh tử của hữu tình (sanh tử luân hồi), [điều này] do dựa trên A Lại Da Thức mà kiến lập. “Hồi hoàn” (迴還) chính là luân hồi. “Sanh tử lưu chuyển hồi hoàn” chính là trôi lăn trong sanh tử, hoặc là sanh tử luân hồi, biểu thị hữu tình trong tam giới sanh ra rồi lại chết, chết rồi lại sanh, lưu chuyển chẳng ngớt. Hữu tình lưu chuyển trong sanh tử như thế nào? Nói theo Thai Sanh, khi cha mẹ giao hợp, trong sát-na A Lại Da Thức chấp giữ, nhận lấy tinh và trứng [của cha mẹ] thì hữu tình “sanh” trong đời này. Sau đấy, A Lại Da Thức sanh diệt liên tục, chẳng gián đoạn, lại còn liên tục chấp giữ sắc thân, khiến cho sắc thân chẳng bị mục nát. Trong sát-na cuối cùng của đời này, A Lại Da Thức diệt mất, chẳng còn chấp giữ sắc thân nữa. Đấy chính là “chết” trong đời này. Chủng tử nghiệp có sức mạnh mẽ trong A Lại Da Thức sẽ kích phát danh ngôn chủng tử của A Lại Da Thức để sanh khởi một A Lại Da Thức mới. Ngay lập tức, [cái A Lại Da Thức mới ấy] lại chấp giữ, tiếp nhận tinh và trứng mới. Đấy chính là “sanh” trong quả báo của đời kế tiếp.

          Nói đơn giản, trọng yếu, A Lại Da Thức có ba thứ tác dụng, tức là “năng nhiếp tàng nhất thiết chủng tử, hựu năng nhiếp tàng Ngã Mạn tướng cố, hựu phục duyên thân vi cảnh giới cố. Hựu thử diệc danh A Đà Na Thức, chấp trì thân cố” (có thể thâu nhiếp, cất giữ hết thảy chủng tử. Lại có thể thâu nhiếp, cất giữ tướng Ngã Mạn. Lại có thể duyên theo thân làm cảnh giới. Nó lại còn gọi là A Dà Na Thức, vì chấp giữ cái thân):

          1) A Lại Da Thức có thể thâu nhiếp, chứa giữ hết thảy chủng tử: A Lại Da (tiếng Phạn là Ālaya), có ý nghĩa là “mê đắm, xứ sở”. Các vị dịch sư thời cổ dịch thành Trạch (宅, nhà) hoặc Quật (窟, hang ổ), còn ngài Huyền Trang dịch thành Tạng (藏). Hết thảy pháp hữu vi (Sắc Pháp, Tâm Sở Pháp, và Tâm Pháp) huân tập thành chủng tử, chứa đựng, cất giữ trong A Lại Da Thức, đợi cho đến khi các duyên tụ hợp, sẽ sanh khởi pháp hữu vi mới. Chẳng hạn như hữu tình tạo ba nghiệp thân, khẩu, ý, huân tập thành chủng tử của nghiệp, [những chủng tử ấy] sẽ được chứa đựng, cất giữ trong A Lại Da Thức.

          2) A Lại Da Thức có thể thâu nhiếp, chứa đựng tướng Ngã Mạn. A Lại Da Thức của phàm phu chứa đựng chủng tử của Mạt Na Thức, sanh khởi đồng thời với Nhiễm Ô Mạt Na Thức, nhưng Thức thứ bảy luôn luôn chấp trước Kiến Phần của Thức thứ tám là Ngã. Đấy chính là Ngã Kiến căn bản nhất, cũng tương ứng với Ngã Mạn. Do vậy, phàm phu có Nhân Ngã Kiến (Chúng Sanh Ngã Chấp) và Pháp Ngã Kiến (Pháp Ngã Chấp), liền chấp trước chúng sanh và pháp là một thật thể độc nhất, tồn tại thường hằng. Đấy là nguyên nhân trọng yếu khiến cho hữu tình lưu chuyển trong sanh tử.

          3) A Lại Da Thức duyên theo cái thân làm cảnh giới. Như kinh Giải Thâm Mật có nói: “Thức ư thân nhiếp thọ, tàng ẩn, đồng an nguy nghĩa cố” (Thức được nhiếp thọ, cất giấu nơi thân, có ý nghĩa “cùng chia sẻ nỗi an nguy”). Nói theo hữu tình trong Dục Giới và Sắc Giới, A Lại Da Thức duyên theo, giữ lấy thân thể của hữu tình. Tác dụng ấy rất vi tế. Nếu A Lại Da Thức chẳng duyên theo, giữ lấy thân thể, hữu tình sẽ tử vong, thân thể sẽ hoàn toàn hư nát. Ngược lại, thân thể bị hư nát, A Lại Da Thức sẽ chẳng thể an trụ. Vì thế, A Lại Da Thức và thân thể cùng tồn tại, cùng mất đi, cùng chia sẻ nỗi an nguy. Do vậy, A Lại Da Thức còn gọi là A Đà Na Thức (tiếng Phạn là Ādāna) tức là có ý nghĩa “chấp trì”.

          Kế đó, nói về Thức thứ bảy là Mạt Na Thức, “Tối Thắng Ý giả, vị duyên Tạng Thức vi cảnh chi Thức, hằng dữ Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, Ngã Ái tương ứng” (Tối Thắng Ý tức là cái Thức duyên theo cảnh của Tạng Thức (A Lại Da Thức), nó luôn tương ứng với Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, và Ngã Ái). Nói theo ý nghĩa đặc thù, Tối Thắng Ý chính là Mạt Na Thức. Mạt Na (tiếng Phạn là Manas), dịch nghĩa là Ý. Nhằm tránh lẫn lộn với Thức thứ sáu, tức Ý Thức, cho nên [các vị dịch sư đã] chọn lựa cách [gọi tên Thức này] theo kiểu phiên âm. Là vì Thức thứ bảy “vị Chuyển Y vị, hằng thẩm tư lượng sở chấp Ngã Tướng, dĩ chuyển y vị, diệc hằng thẩm tư lượng Vô Ngã tướng” (chưa đạt đến địa vị Chuyển Y, luôn suy xét, so lường chấp trước Ngã tướng, Đã thuộc vào địa vị Chuyển Y, vẫn luôn suy xét, so lường tướng Vô Ngã)[note] Chuyển Y (āśraya-parivrtti) có khi dịch là Biến Trụ, hàm nghĩa đã chuyển biến, bỏ pháp kém cỏi đã nương tựa trước đó để chứng đắc pháp thù thắng hơn, thanh tịnh hơn. Chẳng hạn như Duy Thức Tông nói: Do tu thánh đạo, đoạn diệt Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, chứng đắc Niết Bàn, Bồ Đề, thì hai cái quả ấy được gọi là Nhị Chuyển Y Quả. Sách Thành Duy Thức Luận Thuật Ký Tân Biên của Vương Mục Đề còn giảng hai câu này nghiêm ngặt hơn: “Trước khi chứng Sơ Địa, hàng Nhị Thừa hữu học luôn suy xét, so lường Ngã tướng, bèn có Hữu Lậu Mạt Na. Khi dự vào địa vị Chuyển Y, do vẫn suy xét, so lường tướng Vô Ngã, nên vẫn gọi là Mạt Na”.[/note]. Do vậy, chữ Ý chỉ Thức thứ bảy. Lại vì Thức thứ bảy của phàm phu luôn chấp trước Kiến Phần của Thức thứ tám là Ngã, cho nên Thức thứ bảy thường luôn tương ứng với Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, và Ngã Ái.

          Thức thứ bảy của phàm phu (Nhiễm Ô Ý), “tiền hậu nhất loại tương tục tùy chuyển”, [nghĩa là] niệm trước và niệm sau của Mạt Na Thức tương tự sanh diệt, thường xuyên liên tục chuyển khởi. Nhiễm Ô Ý có bị gián đoạn hay không? “Trừ A La Hán, thánh đạo, Diệt Định hiện tại tiền vị” [nghĩa là] trong ba thứ tình huống sau đây, Nhiễm Ô Ý sẽ bị gián đoạn, chuyển thành Mạt Na Thức thanh tịnh:

          1) Thuộc địa vị A La Hán: A La Hán của Thanh Văn Thừa đã triệt để đoạn hết các phiền não Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn, Ngã Ái v.v… Nhiễm Ô Mạt Na Thức cũng bị đoạn trừ, chuyển thành Thanh Tịnh Mạt Na Thức. Đấy là rốt ráo đoạn.

          2) Thuộc địa vị thánh đạo: Tu hành giải thoát đạo, hoặc Bồ Tát đạo, sanh khởi trí huệ vô lậu. Khi thánh đạo hiện tiền, Nhiễm Ô Mạt Na Thức tạm thời chẳng dấy lên tác dụng. Đây vẫn là chưa đoạn trừ triệt để, [cho nên] cho đến khi ra khỏi thánh đạo, Nhiễm Ô Mạt Na Thức sẽ lại sanh khởi.

          3) Diệt Tận Định hiện tại tiền vị (đang thuộc địa vị nhập Diệt Tận Định): Bậc thánh nhân tu hành giải thoát đạo, chứng đắc từ Tam Quả trở lên, lại còn có kinh nghiệm về Bát Định, có thể nhập Diệt Tận Định. Khi nhập Diệt Tận Định, Nhiễm Ô Mạt Na Thức chẳng khởi tác dụng. Nếu là thánh nhân Tam Quả, sau khi ra khỏi Diệt Tận Định, Nhiễm Ô Mạt Na Thức vẫn có thể lại sanh khởi.

          Sau cùng, thuyết minh đơn giản, trọng yếu về điều kiện sanh khởi của sáu Thức trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức), cũng như thuyết minh kèm thêm về điều kiện sanh khởi của Thức thứ bảy và Thức thứ tám.

          Nhãn Thức sanh khởi, cần đến chín điều kiện (cửu duyên). Cửu duyên là Không Duyên (không gian), Minh Duyên (ánh sáng), Căn Duyên (Nhãn Căn), Cảnh Duyên (Sắc cảnh), Tác Ý Duyên (Tác Ý Tâm Sở), Phân Biệt Y Duyên (Thức thứ sáu), Nhiễm Tịnh Y Duyên (Thức thứ bảy), Căn Bản Y Duyên (Thức thứ tám), và Chủng Tử Y Duyên (chủng tử của Nhãn Thức).

          Nhĩ Thức sanh khởi cần đến tám điều kiện (bát duyên). Bát duyên là Không Duyên (không gian), Căn Duyên (Nhĩ Căn), Cảnh Duyên (Thanh cảnh), Tác Ý Duyên, Phân Biệt Y Duyên, Nhiễm Tịnh Y Duyên, Căn Bản Y Duyên, và Chủng Tử Y Duyên (chủng tử của Nhĩ Thức).

          Tỵ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức sanh khởi cần bảy điều kiện (thất duyên). Thất duyên là Căn Duyên (Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn), Cảnh Duyên (Hương cảnh, Vị cảnh, Xúc cảnh), Tác Ý Duyên, Phân Biệt Y Duyên, Nhiễm Tịnh Y Duyên, Căn Bản Y Duyên, và Chủng Tử Y Duyên (chủng tử của Tỵ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức).

          Ý Thức sanh khởi cần năm điều kiện (ngũ duyên). Ngũ duyên là Căn Duyên (Ý Căn, tức Thức thứ bảy), Cảnh Duyên (Pháp cảnh), Tác Ý Duyên, Căn Bản Y Duyên, và Chủng Tử Y Duyên (chủng tử của Ý Thức).

          Lại nữa, Thức thứ bảy sanh khởi cần bốn điều kiện (tứ duyên). Tứ duyên là Căn Duyên (Thức thứ tám), Cảnh Duyên (Kiến Phần của Thức thứ tám, chấp trước là Nhân Ngã Tướng và Pháp Ngã Tướng), Tác Ý Duyên, và Chủng Tử Y Duyên (chủng tử của Thức thứ bảy).

          Thức thứ tám sanh khởi cần bốn điều kiện (tứ duyên). Tứ duyên là Căn Duyên (Thức thứ bảy), Cảnh Duyên (căn thân, khí giới[note] Khí giới (器界) là khí thế gian, tức quốc độ, địa cầu, các hành tinh, vũ trụ v.v…[/note], chủng tử), Tác Ý Duyên, và Chủng Tử Y Duyên (chủng tử của Thức thứ tám).

1.2. Ý nghĩa của Uẩn

          (Luận) Vấn: Uẩn vi hà nghĩa? Đáp: – Tích tụ thị Uẩn nghĩa, vị thế gian tương tục, phẩm loại, thú xứ, sai biệt Sắc đẳng, tổng lược nhiếp cố. Như Thế Tôn thuyết: “Tỳ kheo! Sở hữu Sắc, nhược quá khứ, nhược vị lai, nhược hiện tại, nhược nội, nhược ngoại, nhược thô, nhược tế, nhược thắng, nhược liệt, nhược cận, nhược viễn, như thị tổng nhiếp vi nhất Sắc Uẩn”.

          ()問蘊為何義答積聚是蘊義。謂世間相續品類趣處差別色等總略攝故。如世尊說。比丘所有色。若過去。若未來。若現在。若內若外。若麁若細。若勝若劣。若近若遠。如是總攝為一色蘊。

          (Luận: Hỏi: “Uẩn có nghĩa là gì?” Đáp: – Tích tụ là ý nghĩa của Uẩn, tức là các thứ Sắc như Tương Tục, Phẩm Loại, Thú Xứ, Sai Biệt v.v… trong thế gian đều được thâu nhiếp tổng quát. Như đức Thế Tôn đã nói: “Này tỳ-kheo! Tất cả các Sắc, hoặc là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại, hoặc là trong, hoặc là ngoài, hoặc là thô, hoặc là tế, hoặc là vượt trỗi, hoặc là kém cỏi, hoặc là gần, hoặc là xa, nhiếp chung lại thành một Sắc Uẩn”).

          Uẩn (tiếng Phạn là Skandha) có nghĩa là gì? “Tích tụ thị Uẩn nghĩa”: Uẩn có nghĩa là “tích tụ”. Các thứ tụ tập, hợp thành một loại thì gọi là Uẩn. Ngũ Uẩn dịch theo lối cũ là Ngũ Ấm, ngài Cưu Ma La Thập dịch là Ngũ Chúng (五衆).
Sắc Uẩn có những ý nghĩa nào được tích tụ? “Thế gian tương tục, phẩm loại, thú xứ, sai biệt sắc đẳng, tổng lược nhiếp cố”: Tương Tục Sắc, Phẩm Loại Sắc, Thú Xứ Sắc, Sai Biệt Sắc v.v… đủ dạng đủ vẻ Sắc, nói chung là được thâu nhiếp tổng quát thì gọi là Sắc Uẩn. Tương Tục Sắc, Phẩm Loại Sắc, Thú Xứ Sắc, Sai Biệt Sắc là gì? [An Huệ Bồ Tát] trích dẫn kinh để giải nói: “Như Thế Tôn thuyết: “Tỳ kheo! Sở hữu Sắc, nhược quá khứ, nhược vị lai, nhược hiện tại, nhược nội, nhược ngoại, nhược thô, nhược tế, nhược thắng, nhược liệt, nhược cận, nhược viễn, như thị tổng nhiếp vi nhất Sắc Uẩn” (Như đức Thế Tôn đã nói: “Này tỳ-kheo! Tất cả các Sắc, hoặc là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại, hoặc là trong, hoặc là ngoài, hoặc là thô, hoặc là tế, hoặc là vượt trỗi, hoặc là kém cỏi, hoặc là gần, hoặc là xa, nhiếp chung lại thành một Sắc Uẩn”).

          1) Tương Tục Sắc: Vì pháp hữu vi trong thế gian trước sau tiếp nối, cho nên chia thành ba loại “hoặc là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại”. Sắc pháp cũng là liên tục sanh diệt, chia thành ba loại: Sắc đã diệt trong quá khứ thì gọi là Quá Khứ Sắc; Sắc đang hiển hiện trong hiện tại thì gọi là Hiện Tại Sắc; Sắc sẽ sanh khởi trong tương lai thì gọi là Vị Lai Sắc. Như A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận đã nói chi tiết: “Nếu là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại: Quá khứ Sắc là như thế nào? Nếu Sắc đã khởi, đã đẳng khởi[note] Đẳng khởi (Samutthānaj) có nghĩa là do pháp này dấy lên mà pháp khác cũng dấy lên. Chẳng hạn như do tâm thiện thì ngôn ngữ và hành vi cũng tương ứng thiện theo, thì những điều thiện ấy được gọi là Đẳng Khởi Thiện.[/note], đã sanh, đã đẳng sanh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã hư mất, tận diệt, lìa khỏi, biến đổi, có tánh quá khứ, thuộc loại quá khứ, thuộc vào đời quá khứ, thì gọi là Quá Khứ Sắc. Vị Lai Sắc là như thế nào? Đáp: Nếu Sắc chưa sanh khởi, chưa đẳng khởi, chưa sanh, chưa đẳng sanh, chưa chuyển, chưa hiện chuyển, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, có tánh chất vị lai, thuộc loại vị lai, thuộc vào đời vị lai, thì gọi là Vị Lai Sắc. Hiện Tại Sắc là như thế nào? Đáp: Nếu Sắc đã khởi, đã sanh, đã đẳng sanh, đã chuyển, đã hiện chuyển, tụ tập, xuất hiện, hãy còn tồn tại chưa mất đi, chưa tận diệt, chưa biến đổi, chia lìa, hòa hợp hiện tiền, có tánh chất hiện tại, thuộc loại hiện tại, thuộc vào đời hiện tại, thì gọi là Hiện Tại Sắc”.

          2) Phẩm Loại Sắc: Phẩm loại tức là pháp hữu vi được chia thành hai loại “hoặc là trong, hoặc là ngoài”, [ý nói] Sắc pháp lại chia thành hai loại là Nội Sắc và Ngoại Sắc. Chẳng hạn như thân thể của chính mình thì gọi là Nội Sắc, thân thể của những hữu tình khác, hoặc núi, sông, đại địa, đều gọi là Ngoại Sắc. Như A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận đã nói: “Sắc hoặc ở trong hay Sắc ở ngoài. Nội Sắc là như thế nào? Đáp: Nếu Sắc liên tục tại đây, đã đạt được, chẳng mất, thì gọi là Nội Sắc. Ngoại Sắc là như thế nào? Đáp: Nếu Sắc liên tục tại đây, hoặc vốn chưa đạt được, hoặc đạt được rồi mất đi, hoặc là nó liên tục, hoặc chẳng phải thuộc loại tình tự, thì gọi là Ngoại Sắc”.

          3) Thú Xứ Sắc: Hữu tình sanh tử luân hồi trong tam giới và ngũ thú (năm đường), Ngũ Uẩn của họ được chia thành bốn loại: “Hoặc là thô, hoặc là tế, hoặc là vượt trỗi, hoặc là kém cỏi”, [ý nói] Sắc pháp trong Dục Giới và Sắc Giới chia thành bốn loại: Thô sắc, tế sắc, thắng sắc, và liệt sắc. “Tam giới” là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. “Ngũ thú” là thiên thú, nhân thú, súc sanh thú, ngạ quỷ thú, và địa ngục thú. Hoặc thêm vào A Tu La Thú, gọi là Lục Thú (Lục Đạo). Chẳng hạn như nói đối đãi thì Sắc của loài người thô tháp, Sắc của Dục Giới Thiên vi tế hơn, Sắc của Sắc Giới Thiên càng vi tế hơn nữa. Hữu lậu thiện sắc là Sắc thô thiển, kém cỏi. Vô lậu thiện sắc là Sắc thù thắng. Như A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận đã nói: “Hoặc thô, hoặc tế: Lập bày Thô Sắc và Tế Sắc là như thế nào? Đáp: Do quan sát so sánh mà đặt ra Thô Sắc và Tế Sắc. Những thứ ấy lại như thế nào? Đáp: Nếu quan sát so sánh với vô kiến hữu đối[note] Hữu kiến hữu đối: Kiến là có thể thấy được, nhận biết bằng giác quan. Đối là bị ngăn ngại. Hữu kiến hữu đối là có thể thấy được, có ngăn ngại. Chẳng hạn quyển sách là hữu kiến hữu đối sắc, vì ta có thể thấy được nó, nhưng nếu bỏ sách vào hộp đóng nắp lại, ta sẽ không thấy sách nữa.[/note] sắc thì hữu kiến hữu đối sắc được gọi là Thô. Nếu quan sát so sánh với hữu kiến hữu đối sắc thì vô kiến hữu đối sắc được gọi là Tế. Nếu quan sát so sánh với vô kiến vô đối sắc thì vô kiến hữu đối sắc được gọi là Thô. Nếu quan sát so sánh với vô kiến hữu đối sắc thì vô kiến vô đối sắc được gọi là Tế. Nếu quan sát so sánh với Sắc của Sắc Giới thì Sắc của Dục Giới là Thô. Nếu quan sát so sánh với Sắc của Dục Giới thì Sắc của Sắc Giới là Tế. Nếu quan sát so sánh với Bất Hệ Sắc (Sắc chẳng dẫn đến phiền não sanh khởi) thì Sắc của Sắc Giới là Thô. Nếu quan sát so sánh với Sắc của Sắc Giới thì Bất Hệ Sắc là Tế. Lập bày Thô Sắc và Tế Sắc như thế đó. Như thế thì gọi là ‘hoặc Thô, hoặc Tế’. ‘Hoặc là kém cỏi (liệt), hoặc là vượt trỗi (thắng)’: Lập bày Liệt Sắc và Thắng Sắc lại là như thế nào? Đáp: Nếu quan sát so sánh với hữu phú vô ký sắc[note] Hữu Phú Vô Ký Sắc, tức là Sắc không có tánh thiện hay ác (Vô Ký), nhưng nó có thể gây nên chướng ngại, sanh khởi phiền não thì gọi là Hữu Phú.[/note] thì bất thiện sắc gọi là Liệt. Nếu quan sát so sánh với bất thiện sắc thì hữu phú vô ký sắc là Thắng. Nếu quan sát so sánh với vô phú vô ký sắc thì hữu phú vô ký sắc là Liệt. Nếu quan sát so sánh với hữu phú vô ký sắc thì vô phú vô ký sắc là Thắng. Nếu quan sát so sánh với hữu lậu thiện sắc thì vô phú vô ký sắc là Liệt. Nếu quan sát so sánh với vô phú vô ký sắc thì hữu lậu thiện sắc là Thắng. Nếu quan sát so sánh với vô lậu thiện sắc thì hữu lậu thiện sắc là Liệt. Nếu quan sát so sánh với hữu lậu thiện sắc thì vô lậu thiện sắc là Thắng. Nếu quan sát so sánh với Sắc của Sắc Giới thì Sắc của Dục Giới là Liệt. Nếu quan sát so sánh với Sắc của Dục Giới thì Sắc của Sắc Giới là Thắng. Nếu quan sát so sánh với Bất Hệ Sắc thì Sắc của Sắc Giới là Liệt. Nếu quan sát so sánh với Sắc của Sắc Giới thì Bất Hệ Sắc là Thắng. Lập bày Liệt Sắc và Thắng Sắc như thế đó. Như thế thì gọi là ‘hoặc kém cỏi, hoặc vượt trỗi”.

          4) Sai Biệt Sắc: Sai Biệt là nói pháp hữu vi chia thành hai loại, “hoặc gần, hoặc xa”. Nói theo Sắc pháp, có thể chia thành hai loại là Cận Sắc và Viễn Sắc. Chẳng hạn như nói theo sự sai biệt của thời gian thì Hiện Tại Sắc là Cận Sắc, Quá Khứ Sắc và Vị Lai Sắc là Viễn Sắc. Như A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận đã nói: “Hoặc xa, hoặc gần: Viễn Sắc là như thế nào? Đáp: Quá khứ, vị lai Sắc. Cận Sắc là như thế nào? Đáp: Hiện Tại Sắc. Lại nữa, Viễn Sắc là như thế nào? Đáp: Nếu Sắc trong quá khứ chẳng phải vô gián diệt, hoặc là Sắc trong vị lai chẳng phải là dấy lên trong hiện tiền thì gọi là Viễn Sắc. Cận Sắc là như thế nào? Đáp: Nếu Sắc đã diệt chẳng gián đoạn trong quá khứ, hoặc Sắc thuộc vị lai sđang khởi lên trong hiện tiền thì gọi là Cận Sắc. Như thế gọi là hoặc xa, hoặc gần”.

          Sắc Uẩn có thể chia thành mười một loại, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn và Thức Uẩn cũng đều như thế.

  1. Thập Nhị Xứ(chia thành ba đoạn)

2.1. Nội dung của Thập Nhị Xứ

          (Luận) Phục hữu Thập Nhị Xứ, vị Nhãn Xứ, Sắc Xứ, Nhĩ Xứ, Thanh Xứ, Tỵ Xứ, Hương Xứ, Thiệt Xứ, Vị Xứ, Thân Xứ, Xúc Xứ, Ý Xứ, Pháp Xứ. Nhãn đẳng ngũ xứ, cập Sắc, Thanh, Hương, Vị Xứ, như tiền dĩ thích. Xúc Xứ vị chư đại chủng cập nhất phần Xúc. Ý Xứ tức thị Thức Uẩn. Pháp Xứ vị Thọ, Tưởng, Hành Uẩn, tịnh Vô Biểu Sắc đẳng, cập chư vô vi.

          ()復有十二處。謂眼處.色處.耳處.聲處.鼻處.香處.舌處.味處.身處.觸處.意處.法處。眼等五處。及色聲香味處。如前已釋。觸處謂諸大種及一分觸。意處即是識蘊。法處謂受想行蘊。并無表色等。及諸無為

          (Luận: Lại có mười hai Xứ, là Nhãn Xứ, Sắc Xứ, Nhĩ Xứ, Thanh Xứ, Tỵ Xứ, Hương Xứ, Thiệt Xứ, Vị Xứ, Thân Xứ, Xúc Xứ, Ý Xứ, Pháp Xứ. Năm Xứ như Nhãn v.v… và Sắc, Thanh, Hương, Vị Xứ như đã giải thích trong phần trước. Xúc Xứ là các đại chủng và một phần Xúc. Ý Xứ chính là Thức Uẩn. Pháp Xứ là Thọ, Tưởng, Hành Uẩn cùng với Vô Biểu Sắc v.v… và các món vô vi).

          Luận này sau khi giải thích Ngũ Uẩn, lại nói đại lược về Thập Nhị Xứ và Thập Bát Giới. Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, và Thập Bát Giới được gọi là “tam khoa”. Thập Nhị Xứ là Nhãn Xứ, Sắc Xứ, Nhĩ Xứ, Thanh Xứ, Tỵ Xứ, Hương Xứ, Thiệt Xứ, Vị Xứ, Thân Xứ, Xúc Xứ, Ý Xứ, Pháp Xứ, tức là sáu căn (Lục Xứ, hay Lục Nhập) cùng với sáu cảnh (Lục Trần). Sắc cảnh là cảnh giới được tiếp nhận, lưu giữ bởi Nhãn Căn. Thanh cảnh là cảnh giới được tiếp nhận, lưu giữ bởi Nhĩ Căn. Hương cảnh là cảnh giới được tiếp nhận, lưu giữ bởi Tỵ Căn. Vị cảnh là cảnh giới được tiếp nhận, lưu giữ bởi Thiệt Căn. Xúc cảnh là cảnh giới được tiếp nhận, lưu giữ bởi Thân Căn. Pháp cảnh là cảnh giới được tiếp nhận, lưu giữ bởi Ý Căn.

          “Nhãn đẳng ngũ xứ, cập Sắc, Thanh, Hương, Vị Xứ như tiền dĩ thích”: Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn, và Sắc cảnh, Thanh cảnh, Hương cảnh, Vị cảnh đã được giải thích trong phần luận trước đó.

          “Xúc Xứ, vị chư đại chủng cập nhất phần Xúc”, [nghĩa là] Xúc cảnh có thể chia thành hai loại lớn: Một là Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại là bốn đại chủng; hai là trơn, rít, nặng, nhẹ, lạnh, đói, khát v.v… bảy loại Xúc cũng đã được giải thích trong phần trước.

           “Ý Xứ tức thị Thức Uẩn”: Ý Căn, nói chung, sẽ là Thức Uẩn. “Pháp Xứ, vị Thọ, Tưởng, Hành Uẩn, tịnh Vô Biểu Sắc đẳng, cập chư vô vi”: Pháp cảnh chính là Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, Vô Biểu Sắc v.v… và các pháp vô vi. Khi giải nói Ngũ Uẩn, Vô Biểu Sắc được gộp trong Sắc Uẩn, nhưng khi giải nói về Thập Nhị Xứ, Vô Biểu Sắc được gộp trong Pháp Xứ, gọi là “Pháp Xứ sở nhiếp Sắc” (Sắc được thâu nhiếp trong Pháp Xứ), chẳng được thâu nhiếp trong Sắc Xứ. Hơn nữa, giải nói Ngũ Uẩn, chỉ gồm thâu pháp hữu vi, còn giải nói Thập Nhị Xứ thì pháp vô vi cũng được bao hàm.

2.2. Giải thích riêng về pháp Vô Vi (chia làm hai đoạn)

2.2.1. Nêu chung

          (Luận) Vân hà Vô Vi? Vị Hư Không Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, cập Chân Như đẳng.

          ()云何無為謂虛空無為.非擇滅無為.擇滅無為。及真如等。

          (Luận: Vô Vi là như thế nào? Chính là Hư Không Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, và Chân Như v.v…) 

          Pháp hữu vi đều dựa trên nhân duyên tạo tác mà sanh diệt vô thường. Nhân duyên hòa hợp bèn sanh, nhân duyên ly tán bèn diệt. Pháp vô vi là pháp chẳng do nhân duyên tạo tác, là pháp bất sanh bất diệt. Mối quan hệ giữa pháp vô vi và pháp hữu vi là “phi nhất, phi dị” (chẳng phải một, chẳng phải khác). Tác dụng và tướng trạng của pháp vô vi và pháp hữu vi chẳng giống nhau, cho nên là “phi nhất”. Nhưng pháp vô vi có lý tánh của pháp hữu vi, hoàn toàn chẳng rời lìa pháp hữu vi để tồn tại độc nhất riêng biệt, cho nên là “phi dị” (chẳng phải khác). Do vậy, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận nói: “Pháp vô vi được hiển thị bởi bốn điều”, tức là pháp vô vi phải do bốn pháp hữu vi là Tâm, Tâm Sở, Sắc, và Bất Tương Ứng Hành hiển thị; đấy chính là “Lý do Sự hiển”.

          Pháp vô vi chính là Hư Không Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, và Chân Như v.v… Luận này nói pháp vô vi đại lược có bốn loại, nhưng Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận thì nói pháp vô vi đại lược có sáu loại. Trong Hiển Dương Thánh Giáo Luận thì nói pháp vô vi đại lược có tám loại, chia Chân Như thành ba loại: Thiện pháp Chân Như, bất thiện pháp Chân Như, và vô ký pháp Chân Như.

          Pháp vô vi là pháp chẳng sanh bởi nhân duyên, vốn chẳng thể nói, còn chẳng thể gọi tên một món được, vì sao lại nói thành bốn loại, sáu loại, hoặc tám loại? Nói theo thế tục, chẳng ngại tùy thuận pháp hữu vi có thể nêu bày rõ ràng, bèn nói đại lược rõ rệt pháp vô vi có bốn loại, sáu loại, hoặc tám loại sai khác.

2.2.2. Giải thích riêng biệt (chia thành bốn đoạn)

2.2.2.1. Hư Không Vô Vi

          (Luận) Hư không giả, vị dung thọ chư Sắc.

          ()虛空者。謂容受諸色。

          (Luận: Hư không là có thể dung nạp, chứa đựng các Sắc).

          “Hư không” có nghĩa là “dung thọ chư Sắc”, tức là có thể dung nạp, chứa đựng hết thảy các Sắc pháp, nhưng chẳng chướng ngại hết thảy các Sắc pháp sanh khởi. Hư Không Vô Vi do vì pháp vô vi xa lìa Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, lại chẳng chướng ngại pháp hữu vi sanh khởi. Do vậy dùng hư không để tỷ dụ pháp vô vi, như Thành Duy Thức Luận đã nói: “Ly chư chướng ngại, cố danh hư không” (Do lìa các chướng ngại, nên gọi là hư không).

2.2.2.2. Phi Trạch Diệt Vô Vi

          (Luận) Phi trạch diệt giả, vị nhược diệt, phi ly hệ. Vân hà phi ly hệ? Vị ly phiền não đối trị, chư Uẩn tất cánh bất sanh.

          ()非擇滅者。謂若滅非離繫云何非離繫謂離煩惱對治諸蘊畢竟不生

          (Luận: Phi Trạch Diệt là nếu đã diệt thì chẳng phải là ly hệ. “Chẳng phải là ly hệ” là như thế nào? Chính là lìa khỏi [công năng] đối trị phiền não, các Uẩn rốt ráo chẳng sanh).

          Phi Trạch Diệt là “nhược diệt, phi ly hệ”, “diệt” có nghĩa là pháp ấy sau khi đã diệt mất, sẽ chẳng còn sanh khởi nữa. “Diệt” ở đây chẳng phải là “ly hệ diệt”, cho nên nói là “phi ly hệ”“Hệ” là hệ phược (繫縛, trói buộc), tức là nói phiền não có thể trói buộc chúng sanh trong tam giới. “Trạch” (擇) là quyết trạch (chọn lựa dứt khoát), tức là tác dụng của trí huệ. Ở đây là nói đến trí huệ vô lậu. “Ly hệ” (离繫) là nói trí huệ vô lậu có thể đối trị phiền não, lại còn có thể đoạn trừ phiền não rốt ráo. Nếu có thể rốt ráo đoạn trừ phiền não, sẽ chẳng còn sanh tử luân hồi nữa. Vì thế nói “chư Uẩn tất cánh bất sanh”, tức là Ngũ Uẩn trong tam giới sẽ rốt ráo chẳng sanh khởi nữa.

          Thành Duy Thức Luận nói: “Bất do trạch lực, bản tánh thanh tịnh, hoặc duyên khuyết sở hiển cố, danh Phi Trạch Diệt” (Chẳng do sức chọn lựa, bản tánh thanh tịnh, hoặc do thiếu duyên để hiển hiện thì gọi là Phi Trạch Diệt), ý nói: Phi Trạch Diệt Vô Vi là nương vào chân lý được hiển lộ bởi bản tánh thanh tịnh của pháp hữu vi, hoặc nương vào chân lý được hiển lộ bởi pháp hữu vi “có nhân mà thiếu duyên” để lập bày, đặt ra.

2.2.2.3. Trạch Diệt Vô Vi

          (Luận) Vân hà Trạch Diệt? Vị nhược diệt, thị ly hệ. Vân hà ly hệ? Vị phiền não đối trị, chư Uẩn tất cánh bất sanh.

          ()云何擇滅謂若滅是離繫云何離繫謂煩惱對治諸蘊畢竟不生

          (Luận: Trạch Diệt là như thế nào? Có nghĩa là nếu diệt thì sẽ lìa trói buộc. “Lìa trói buộc” là như thế nào? Chính là đối trị phiền não, các Uẩn rốt ráo chẳng sanh).

          Trạch Diệt là “nhược diệt, thị ly hệ” (nếu là diệt thì là Ly Hệ). Diệt ấy chính là “ly hệ” diệt, tức là nói đến trí huệ vô lậu có thể đối trị phiền não, lại còn có thể rốt ráo đoạn trừ phiền não, khiến cho Ngũ Uẩn trong tam giới rốt ráo chẳng còn sanh khởi nữa. Chẳng hạn như khi trí huệ vô lậu của thánh nhân Sơ Quả hiện tiền, sau khi đã diệt trừ ba món Kết là Tát Ca Da Kiến, Giới Cấm Thủ Kiến và Nghi, chúng sẽ chẳng còn sanh khởi nữa. Lại như A La Hán sau khi diệt trừ hết thảy phiền não, cuối cùng là diệt trừ Ngũ Uẩn, cũng chẳng còn sanh khởi phiền não và có Thủ Uẩn. Hai loại diệt này đều được gọi là Trạch Diệt.

          Trạch Diệt Vô Vi được đặt bày, kiến lập dựa trên chân lý được hiển lộ do trí huệ vô lậu diệt trừ phiền não.

2.2.2.4. Chân Như

          (Luận) Vân hà Chân Như? Vị chư pháp pháp tánh, pháp vô ngã tánh.

          ()云何真如謂諸法法性。法無我性

          (Luận: Chân Như là như thế nào? Chính là pháp tánh của các pháp, là tánh vô ngã của pháp).

          Chân Như là “chư pháp pháp tánh, pháp vô ngã tánh”, tức là pháp tánh (bản tánh) của hết thảy các pháp, là tánh vô ngã của hết thảy các pháp.

          Thành Duy Thức Luận nói: “Chân vị chân thật, hiển phi hư vọng. Như vị như thường, biểu vô biến dị. Vị thử chân thật, ư nhất thiết vị, thường như kỳ tánh, cố viết Chân Như. Tức thị trạm nhiên, bất hư vọng nghĩa” (Chân là chân thật, tỏ lộ “chẳng phải là hư vọng”. Như là “như thường”, biểu thị “chẳng đổi khác”. Ý nói: Sự chân thật này trong hết thảy các địa vị luôn giữ đúng như tánh của nó, nên nói là Chân Như, tức là có ý nghĩa lắng trong, chẳng hư vọng). Ý nói: Chân là chân thật, hiển thị “chẳng phải là hư vọng”. Như là “như thường”, biểu thị chẳng có biến đổi, là bất sanh bất diệt. “Nhất thiết vị” là nói đến nhân quả của thánh nhân và phàm phu, các phần vị thế gian và xuất thế gian. [Chân Như] là nói đến chân lý rốt ráo, nơi địa vị phàm phu, nó chẳng giảm thiểu, nơi địa vị thánh nhân, nó chẳng tăng thêm. Ở trong sanh tử, nó chẳng bị ô nhiễm. Chứng đắc Niết Bàn, hoàn toàn chẳng phải là một sự thanh tịnh mới mẻ!

          Chân lý rốt ráo lìa tướng ngôn ngữ, lìa tướng văn tự, lìa tướng tâm duyên. Do vậy, Chân Như là do dựa trên thế tục mà đặt bày, tạo lập. Như Thành Duy Thức Luận đã nói: “Chân Như, diệc thị giả thi thiết danh, giá bát vi Vô, cố thuyết vi Hữu. Giá chấp vi Hữu, cố thuyết vi Không. Vật vị hư huyễn, cố thuyết vi Thật, lý phi vọng đảo, cố danh Chân Như” (Chân Như cũng là danh từ được đặt bày, giả lập. Nhằm ngăn ngừa chuyện bài bác chẳng có [chân lý], nên nói là Có. Nhằm ngăn ngừa sự chấp trước nó là Có, nên nói là Không. Đừng bảo nó là hư huyễn, nên nói là Thật. Lý chẳng phải là hư vọng, điên đảo, nên gọi là Chân Như).

          Ngoài bốn thứ pháp vô vi được luận này nói ra, Hiển Dương Thánh Giáo Luận nói tám thứ. Trong ấy, ba pháp tánh Thiện Pháp Chân Như, Bất Thiện Pháp Chân Như, và Vô Ký Pháp Chân Như chính là dựa theo trên ba tánh (thiện, bất thiện, vô ký), có thể nói gộp chung là một Chân Như. Bất Động Vô Vi và Tưởng Thọ Diệt Vô Vi có ý nghĩa như Hiển Dương Thánh Giáo Luận đã nói: “Bất Động là lìa khỏi sự ham muốn đối với cõi trời Biến Tịnh, đắc đệ tứ Tĩnh Lự (Tứ Thiền). Trong khoảng giữa ấy, có tánh chất lìa khỏi sự trói buộc của khổ và lạc. Tưởng Thọ Diệt là lìa khỏi sự ham muốn đối với Vô Sở Hữu Xứ, nhập Diệt Tận Định. Trong khoảng giữa ấy, các tâm và tâm pháp chẳng thường hằng hiện hành và một phần của các tâm, tâm pháp luôn thường hằng hiện hành đều bị diệt mất. Lại còn có tánh chất lìa khỏi sự trói buộc”. Pháp vô vi chủ yếu là nương vào trí huệ vô lậu diệt trừ phiền não mà hiển hiện. Do vậy, nói theo chân lý được hiển lộ do lìa bỏ sự trói buộc, thì do dựa trên sự tạm thời lìa khỏi sự trói buộc của khổ lạc, cũng như lìa khỏi sự trói buộc của tâm, tâm pháp mà đặt bày, kiến lập Bất Động Vô Vi và Tưởng Thọ Diệt Vô Vi.

2.3. Ý nghĩa của Xứ  

          (Luận) Vấn: Xứ vi hà nghĩa? Đáp: Chư Thức sanh trưởng môn thị Xứ nghĩa.

          ()問。處為何義答。諸識生長門是處義

          (Luận: Hỏi: Xứ có nghĩa là gì? Đáp: Sự sanh trưởng của các Thức chính là ý nghĩa của Xứ).

          Hỏi: Xứ có nghĩa là gì? Đáp: Môn sanh trưởng của các Thức chính là ý nghĩa của Xứ. “Môn” có nghĩa là nương vào đó mà sanh khởi. Lục Thức nương theo Lục Căn và Lục Cảnh để sanh khởi. Do vậy, Lục Căn và Lục Cảnh được gọi là Thập Nhị Xứ. Chẳng hạn như có đủ chín duyên để sanh khởi Nhãn Thức, trong ấy có hai điều kiện: Một là Nhãn Căn bất hoại, hai là có Sắc cảnh. Nhãn Căn và Sắc Cảnh chính là chỗ nương tựa (y xứ) cho Nhãn Thức sanh khởi. Vì thế, chúng được gọi là Xứ. Cho đến Ý Căn và Pháp cảnh đều là y xứ cho Ý Thức sanh khởi, cho nên cũng gọi là Xứ.

  1. Thập Bát Giới(chia thành bốn đoạn)

3.1. Nội dung của Thập Bát Giới

          (Luận) Phục hữu Thập Bát Giới, vị Nhãn Giới, Sắc Giới, Nhãn Thức Giới, Nhĩ Giới, Thanh Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỵ Giới, Hương Giới, Tỵ Thức Giới, Thiệt Giới, Vị Giới, Tỵ Thức Giới, Thân Giới, Xúc Giới, Thân Thức Giới, Ý Giới, Pháp Giới, Ý Thức Giới. Nhãn đẳng chư Giới cập Sắc đẳng chư Giới như Xứ trung thuyết. Lục Thức Giới giả, vị y Nhãn đẳng căn, duyên Sắc đẳng cảnh, liễu biệt vi tánh. Ý Giới giả, tức bỉ vô gián diệt đẳng, vị hiển đệ lục Thức y chỉ, cập quảng kiến lập Thập Bát Giới cố. Như thị, Sắc Uẩn tức Thập Xứ, Thập Giới, cập Pháp Xứ, Pháp Giới nhất phần. Thức Uẩn tức Ý Xứ, cập thất Tâm Giới. Dư tam Uẩn cập Sắc Uẩn nhất phần, tịnh chư Vô Vi, tức Pháp Xứ, Pháp Giới.         ()復有十八界。謂眼界.色界.眼識界.耳界.聲界.耳識界.鼻界.香界.鼻識界.舌界.味界.舌識界.身界.觸界.身識界.意界.法界.意識界。眼等諸界。及色等諸界。如處中說。六識界者。謂依眼等根。緣色等境。了別為性。意界者。即彼無間滅等。為顯第六識依止。及廣建立十八界故。如是色蘊即十處十界及法處法界一分。識蘊即意處及七心界。餘三蘊及色蘊一分。并諸無為。即法處法界

          (Luận: Lại có mười tám Giới, tức là Nhãn Giới, Sắc Giới, Nhãn Thức Giới, Nhĩ Giới, Thanh Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỵ Giới, Hương Giới, Tỵ Thức Giới, Thiệt Giới, Vị Giới, Tỵ Thức Giới, Thân Giới, Xúc Giới, Thân Thức Giới, Ý Giới, Pháp Giới, Ý Thức Giới. Các Giới [thuộc về các Căn] như Nhãn Giới v.v… và các Giới [thuộc về Trần] như Sắc Giới v.v… đã nói trong phần [luận định về] Xứ. Sáu Thức Giới do nương vào các Căn như Nhãn v.v… duyên theo các cảnh như Sắc v.v… có tánh nhận biết rõ ràng. Ý Giới chính là Vô Gián Diệt Ý, [Mạt Na Thức, A Lại Da Thức] v.v… nhằm hiển lộ chỗ y chỉ của Thức thứ sáu, và vì kiến lập rộng rãi mười tám Giới. Như thế thì Sắc Uẩn chính là mười Xứ, mười Giới, và một phần của Pháp Xứ cùng Pháp Giới. Thức Uẩn chính là Ý Xứ và bảy Tâm Giới. Ba Uẩn còn lại và một phần của Sắc Uẩn, cùng với các pháp vô vi chính là Pháp Xứ và Pháp Giới).

          Thập Bát Giới chính là Nhãn Giới, Sắc Giới, Nhãn Thức Giới, Nhĩ Giới, Thanh Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỵ Giới, Hương Giới, Tỵ Thức Giới, Thiệt Giới, Vị Giới, Tỵ Thức Giới, Thân Giới, Xúc Giới, Thân Thức Giới, Ý Giới, Pháp Giới, Ý Thức Giới. [Tức là] sáu Căn, sáu Cảnh và sáu Thức gộp chung lại thành Thập Bát Giới.

          “Nhãn đẳng chư Giới cập Sắc đẳng chư Giới, như Xứ trung thuyết”: Năm Giới đầu tiên, tức Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, và Thân Giới, cùng với Sắc Giới, Thanh Giới, Hương Giới, Vị Giới, Xúc Giới và Pháp Giới, sáu Giới ấy, giống như đã nói trong phần Thập Nhị Xứ.

          “Lục Thức Giới giả, vị y Nhãn đẳng căn, duyên Sắc đẳng cảnh, liễu biệt vi tánh” (Sáu Thức Giới chính là dựa theo các căn như Nhãn v.v… duyên theo các cảnh như Sắc v.v… để nhận biết rõ ràng Sắc cảnh): Sáu Thức nương theo sáu căn và sáu cảnh mà sanh khởi, có tác dụng nhận biết rõ ràng sáu cảnh.

          “Ý Giới giả, tức bỉ Vô Gián Diệt đẳng, vị hiển đệ lục Thức y chỉ, cập quảng kiến lập Thập Bát Giới cố” (Ý Giới chính là Vô Gián Diệt, Mạt Na v.v… nhằm hiển lộ chỗ y chỉ của Thức thứ sáu và kiến lập rộng rãi mười tám Giới): Nói theo Duy Thức Học, Ý Giới chính là “Vô Gián Diệt Ý, Mạt Na Thức, A Lại Da Thức”“Vị hiển đệ lục Thức y chỉ” [nghĩa là] lập ra Ý Giới để hiển lộ chỗ y chỉ của Thức thứ sáu. Sát-na trước, Ý Thức diệt; sát-na sau, Ý Thức lại nương khởi vào đấy (chỗ y chỉ của Ý Thức) để sanh khởi. Do vậy, Ý Thức trong sát-na trước được gọi là Vô Gián Diệt Ý. Lại nữa, Thức thứ sáu sanh khởi cần phải nương cậy Mạt Na Thức và A Lại Da Thức. “Quảng kiến lập Thập Bát Giới cố”, [nghĩa là] lập ra Ý Giới nhằm kiến lập rộng rãi mười tám Giới. Nương theo Ý Giới mà sanh khởi sáu Thức Giới như Nhãn Thức Giới v.v… cộng thêm mười hai Giới như Nhãn Giới v.v… sẽ tạo thành mười tám Giới.

          Đối chiếu Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, và Thập Bát Giới, “như thị, Sắc Uẩn tức Thập Xứ, Thập Giới, cập Pháp Xứ, Pháp Giới nhất phần”: Sắc Uẩn trong Ngũ Uẩn chính là mười Xứ (Nhãn Xứ, Nhĩ Xứ, Tỵ Xứ, Thiệt Xứ, Thân Xứ, Sắc Xứ, Thanh Xứ, Hương Xứ, Vị Xứ, Xúc Xứ) trong Thập Nhị Xứ và một phần của Pháp Xứ (đấy là Sắc được nhiếp bởi Pháp Xứ, tức là Vô Biểu Sắc, và Sắc được sanh bởi Tam-ma-địa), cũng tức là mười Giới (Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới, Sắc Giới, Thanh Giới, Hương Giới, Vị Giới, Xúc Giới) trong Thập Bát Giới, và một phần của Pháp Giới (Vô Biểu Sắc và Sắc được sanh bởi Tam-ma-địa).

          “Thức Uẩn tức Ý Xứ cập thất Tâm Giới”: Thức Uẩn trong Ngũ Uẩn chính là Ý Xứ trong Thập Nhị Xứ, mà cũng chính là bảy Tâm Giới (Ý Giới và sáu Thức Giới) trong Thập Bát Giới.

          “Dư tam Uẩn cập Sắc Uẩn nhất phần tịnh chư vô vi, tức Pháp Xứ, Pháp Giới”: Ba Uẩn là Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Hành Uẩn trong Ngũ Uẩn, cùng với một phần của Sắc Uẩn (Vô Biểu Sắc và Sắc sanh bởi Tam-ma-địa), cùng với pháp vô vi, chính là Pháp Xứ trong Thập Nhị Xứ. Chúng cũng là Pháp Giới trong Thập Bát Giới.

3.2. Ý nghĩa của Giới

          (Luận) Vấn: Giới vi hà nghĩa? Đáp: Nhậm trì vô tác dụng tánh tự tướng, thị Giới nghĩa.

          ()問。界為何義答。任持無作用性自相是界義。

          (Luận: Hỏi: Giới có nghĩa là gì? Đáp: Giới có nghĩa là duy trì tự tướng mang tánh chất không có tác dụng).

          Hỏi: Giới có nghĩa là gì? Đáp: “Nhậm trì tự tướng” (Duy trì tự tướng) chính là ý nghĩa của Giới. Mỗi pháp đều có đặc tánh (tánh chất đặc thù). Có thể gìn giữ loại đặc tánh ấy thì gọi “nhậm trì tự tướng”. Như Địa Đại có đặc tánh cứng chắc; có thể gìn giữ đặc tánh cứng chắc thì mới gọi là Địa Đại. Giả sử chẳng có đặc tánh cứng chắc, sẽ chẳng gọi là Địa Đại.

          “Tác dụng” là đối với các pháp khác, nó sẽ có một loại sức mạnh ảnh hưởng. Vì sao nói là “vô tác dụng”? Nói theo Duy Thức Học, nhân duyên hòa hợp thì pháp nào đó mới sanh khởi, sẽ có một loại tác dụng nào đó. Thật ra, tác dụng ấy là do duyên sanh mà có, chẳng có thật thể. Cho nên nói là “vô tác dụng”. Tạm thời lược bớt câu “vô tác dụng tánh” trong lời Luận thì có thể nói “duy trì tự tướng chính là ý nghĩa của Giới”.

3.3. Nói đến Uẩn, Xứ, Giới nhằm nêu lên ba cách đối trị Ngã Chấp

          (Luận) Vấn: Dĩ hà nghĩa cố thuyết Uẩn, Giới, Xứ đẳng? Đáp: Đối trị tam chủng Ngã Chấp cố, sở vị nhất tánh Ngã Chấp, thọ giả Ngã Chấp, tác giả Ngã Chấp, như kỳ thứ đệ.

          ()以何義故說蘊界處等答。對治三種我執故。所謂一性我執。受者我執。作者我執。如其次第

          (Luận: Hỏi: Do nghĩa nào mà nói những thứ như Uẩn, Xứ, Giới? Đáp: Vì để đối trị ba thứ Ngã Chấp, tức là nhất tánh Ngã Chấp, thọ giả Ngã Chấp, và tác giả Ngã Chấp, theo thứ tự ấy).

          Hỏi: Vì sao đức Thế Tôn nói ba thứ pháp môn là Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới? Đáp: Đại lược thì do chúng sanh có ba thứ Ngã Chấp, cho nên đức Phật nói ra ba thứ pháp môn Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, và Thập Bát Giới để đối trị ba thứ Ngã Chấp.

          1) Nhất tánh Ngã Chấp“Nhất tánh” là một tánh toàn vẹn. Phàm phu chấp trước cái tánh toàn vẹn ấy là một cái Ngã thật thể độc nhất, thường luôn tồn tại. Hữu tình là một sanh mạng thể do Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, tức Ngũ Uẩn hòa hợp, nhưng phàm phu chấp trước cái sanh mạng thể do Ngũ Uẩn hòa hợp ấy chính là một cái Ngã thật thể độc nhất, thường hằng tồn tại. Đó gọi là Nhất Tánh Ngã Chấp. Vì để đối trị Nhất Tánh Ngã Chấp của phàm phu, đức Thế Tôn bèn nói pháp môn Ngũ Uẩn, chỉ rõ sanh mạng thể của hữu tình chỉ là Ngũ Uẩn, tức Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hòa hợp mà thôi, trọn chẳng có Ngã.

          2) Thọ giả Ngã Chấp: Có những phàm phu chấp trước Ngã là thọ giả, tức là một thật thể nhận lãnh khổ, lạc, đó gọi là Thọ Giả Ngã Chấp. Để đối trị Thọ Giả Ngã Chấp của phàm phu, đức Thế Tôn nói ra pháp môn Thập Nhị Xứ nhằm chỉ rõ: Trong hết thảy các pháp, chỉ là sáu căn và sáu cảnh, chẳng có “thọ giả” (受者, chủ thể lãnh nhận) để tiếp nhận khổ hay lạc.

          3) Tác giả Ngã Chấp: Có những phàm phu chấp trước Ngã là tác giả, tức là một thật thể tạo tác thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp, đó gọi là Tác Giả Ngã Chấp. Nhằm đối trị Tác Giả Ngã Chấp của phàm phu, đức Thế Tôn nói ra pháp môn Thập Bát Giới, nhằm chỉ rõ hết thảy các pháp chẳng vượt ngoài mười tám Giới, mỗi pháp có tác dụng duy trì tự tánh, là do duyên sanh mà có, chẳng có tác giả để tạo tác thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp.

3.4. Phân biệt các môn trong Thập Bát Giới (chia làm mười hai đoạn)

3.4.1. Phân biệt Hữu Sắc và Vô Sắc

          (Luận) Phục thứ, thử Thập Bát Giới, kỷ hữu Sắc? Vị thập Giới, nhất thiểu phần, tức Sắc Uẩn tự tánh. Kỷ vô Sắc? Vị sở dư Giới.

          ()復次此十八界幾有色謂十界一少分。即色蘊自性。幾無色謂所餘界

          (Luận: Lại nữa, trong mười tám Giới ấy, mấy giới là Hữu Sắc? Chính là mười Giới và [một loại nữa là] có chút phần, tức là tự tánh của Sắc Uẩn. Mấy Giới là Vô Sắc? Chính là các Giới còn lại).

          “Chư môn phân biệt” (Phân biệt thành các loại), tức là dựa theo các thứ tiêu chuẩn để phân loại hết thảy các pháp. Liễu giải sự phân loại các môn, sẽ có thể càng hiểu rõ hơn đặc tánh khác nhau của mỗi pháp trong hết thảy các pháp. Giống như điều tra dân số vậy, dựa theo tiêu chuẩn tên họ, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, đảng phái chánh trị, độ tuổi, nghề nghiệp v.v… để phân loại nhân dân trong cả nước, chẳng hạn như Trương Tam là nam giới, tín ngưỡng là Phật giáo, không đảng phái, năm mươi tuổi, làm luật sư v.v… Qua sự phân loại, có thể hiểu rõ, biện định đặc tánh khác biệt của mỗi người.

          Luận này đã dựa theo mười hai tiêu chuẩn để phân loại Thập Bát Giới. Môn thứ nhất là môn Sắc và Vô Sắc. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là Hữu Sắc? Mấy loại là Vô Sắc?

          Đáp: Thập Giới và một chút phần là Hữu Sắc, tức Sắc Uẩn tự tánh, tức là Sắc Uẩn trong Ngũ Uẩn. Thập Giới là Nhãn (Căn) Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới, Sắc Giới, Thanh Giới, Hương Giới, Vị Giới, và Xúc Giới. “Nhất thiểu phần” là một chút phần của một Giới, tức là chút phần của Pháp Giới, chính là Vô Biểu Sắc v.v… (Sắc thuộc vào Pháp Xứ). Ngoại trừ Sắc Uẩn, bảy Giới kia và chút phần của Pháp Giới đều là Vô Sắc.

3.4.2. Phân biệt Hữu Kiến và Vô Kiến

          (Luận) Kỷ Hữu Kiến? Vị nhất Sắc Giới. Kỷ Vô Kiến? Vị sở dư Giới.

          ()幾有見謂一色界。幾無見謂所餘界

          (Luận: Mấy Giới là Hữu Kiến? Chính là một mình Sắc Giới. Mấy Giới Vô Kiến? Chính là những Giới còn lại).

          Môn thứ hai là Hữu Kiến Vô Kiến môn. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là Hữu Kiến? Có mấy loại là Vô Kiến?

          Đáp: Hữu Kiến Giới chính là cảnh giới được nhận biết rõ ràng bởi Nhãn Thức thì chỉ có Sắc Giới, như xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v… Vô Kiến Giới là mười bảy Giới kia, tức là những cảnh giới mà Nhãn Thức chẳng thể nhận biết rõ ràng được.

3.4.3. Phân biệt Hữu Đối và Vô Đối

          (Luận) Kỷ Hữu Đối? Vị thập Sắc Giới, nhược bỉ ư thử hữu sở ngại cố. Kỷ Vô Đối? Vị sở dư Giới.

          ()幾有對謂十色界。若彼於此有所礙故。幾無對謂所餘界

          (Luận: Có mấy Giới là Hữu Đối? Chính là mười Sắc Giới, [gọi là Hữu Đối] nếu pháp kia đối với pháp này bị chướng ngại. Mấy Giới là Vô Đối? Chính là những Giới còn lại).

          Môn thứ ba là môn Hữu Đối, Vô Đối. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là Hữu Đối? Có mấy loại là Vô Đối?

          Đáp: Hữu Đối là có chất ngại (質礙, bị ngăn ngại bởi sắc chất). “Nhược bỉ ư thử hữu sở ngại cố”, tức là pháp kia đối với pháp này có chướng ngại. Như lấy tay đụng vào cái bàn, tay bị chướng ngại nơi cái bàn. Đó gọi là Hữu Đối. Trong Thập Bát Giới, Hữu Đối Giới chính là Thập Sắc Giới, tức Nhãn (Căn) Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới, Sắc Giới, Thanh Giới, Hương Giới, Vị Giới, và Xúc Giới. Tám Giới còn lại là Vô Đối. Tám Giới ấy chính là Nhãn Thức Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỵ Thức Giới, Thiệt Thức Giới, Thân Thức Giới, Ý Thức Giới, Ý Căn Giới, và Pháp Giới. Tâm pháp và Tâm Sở pháp là tác dụng tinh thần, chẳng có chướng ngại, như trong một giây nghĩ đến thân nhân trong nhà, giây kế tiếp nghĩ đến bạn bè ở phương xa. Pháp vô vi và Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp cũng chẳng có chướng ngại.

3.4.4. Phân biệt Hữu Lậu và Vô Lậu

          (Luận) Kỷ Hữu Lậu? Vị Thập Ngũ Giới, cập hậu tam thiểu phần; vị ư thị xứ phiền não khởi cố, hiện sở hành xứ cố. Kỷ Vô Lậu? Vị hậu tam thiểu phần.

          ()幾有漏謂十五界。及後三少分。謂於是處煩惱起故。現所行處故。幾無漏謂後三少分

          (Luận: Mấy Giới Hữu Lậu? Chính là mười lăm Giới và chút phần của ba Giới sau đó, [gọi là Hữu Lậu] vì những xứ ấy là chỗ để phiền não dấy lên và hiện hành. Mấy Giới Vô Lậu? Chính là chút phần của ba Giới sau cùng).

          Môn thứ tư là môn Hữu Lậu Vô Lậu. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là Hữu Lậu? Có mấy loại là Vô Lậu? Đáp: Trong mười tám Giới, Hữu Lậu Giới là “thập ngũ Giới cập hậu tam thiểu phần”: Mười lăm Giới chính là mười Sắc Giới (như trong phần Hữu Đối trên đây) cùng với Nhãn Thức Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỵ Thức Giới, Thiệt Thức Giới, và Thân Thức Giới. “Hậu tam thiểu phần” là chút phần của ba giới sau đó, tức là [chút phần của] Ý Giới, Pháp Giới, và Ý Thức Giới. Vô Lậu Giới chính là chút phần của Ý Giới, Pháp Giới, và Ý Thức Giới.

          Định nghĩa của Hữu Lậu là “ư thị xứ khởi phiền não cố, hiện sở hành xứ cố”, tức là vì từ Xứ ấy (pháp ấy) sẽ có thể sanh khởi phiền não, làm cảnh giới để phiền não hoạt động trong hiện tại.

          Ý Giới, Pháp Giới, và Ý Thức Giới có một phần là Hữu Lậu, một phần là Vô Lậu. Như trong Ý Thức Giới, Ý Thức của phàm phu là Hữu Lậu, Ý Thức của A La Hán là Vô Lậu. Trong Pháp Giới, Bất Tương Ứng Hành Pháp của phàm phu và Tâm Sở pháp tương ứng với phiền não đều là Hữu Lậu. Pháp vô vi là Vô Lậu.

3.4.5. Phân biệt Dục Giới Hệ, Sắc Giới Hệ, Vô Sắc Giới Hệ, và Bất Hệ

          (Luận) Kỷ Dục Giới Hệ? Vị nhất thiết. Kỷ Sắc Giới Hệ? Vị thập tứ, trừ Hương, Vị cập Tỵ, Thiệt Thức. Kỷ Vô Sắc Giới Hệ? Vị hậu tam. Kỷ bất hệ? Vị tức bỉ vô lậu.

          ()幾欲界繫謂一切。幾色界繫謂十四。除香味及鼻舌識。幾無色界繫謂後三。幾不繫謂即彼無漏

          (Luận: Mấy Giới bị trói buộc trong Dục Giới? Hết thảy. Mấy Giới bị trói buộc trong Sắc Giới? Mười bốn Giới, trừ Hương, Vị và Tỵ, Thiệt Thức. Mấy Giới bị trói buộc trong Vô Sắc Giới? Ba Giới sau cùng. Mấy Giới chẳng bị trói buộc? Chính là những Giới vô lậu).

          Môn thứ năm là môn Dục Giới Hệ, Sắc Giới Hệ, Vô Sắc Giới Hệ, và Bất Hệ. Hỏi: Trong Thập Bát Giới có mấy loại là Dục Giới Hệ? Có mấy loại là Sắc Giới Hệ? Có mấy loại là Vô Sắc Giới Hệ? Có mấy loại là Bất Hệ?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Giới thuộc loại Dục Giới Hệ (bị ràng buộc, sanh khởi phiền não trong Dục Giới) chính là hết thảy mười tám Giới thuộc loại Hữu Lậu. Giới thuộc loại Sắc Giới Hệ là mười bốn Giới ngoại trừ Hương Giới, Vị Giới, Tỵ Giới, và Thiệt Thức Giới. Giới thuộc loại Vô Sắc Giới Hệ là Ý Giới, Pháp Giới, và Ý Thức Giới thuộc loại Hữu Lậu. Giới thuộc loại Bất Hệ là Ý Giới, Pháp Giới, và Ý Thức Giới Vô Lậu.

          Hệ là hệ phược (繫縛, trói buộc), trước khi đạt được giải thoát thì gọi là Hệ. Tam giới là pháp sanh tử, cho nên gọi là Dục Giới Hệ, Sắc Giới Hệ, và Vô Sắc Giới Hệ, đều là pháp Hữu Lậu.

          Bất Hệ (chẳng bị trói buộc, đã giải thoát) là pháp vô vi. Như Niết Bàn, vô lậu Giới, Định, Huệ. Giả sử hữu tình trong Dục Giới tu hành thánh đạo, chứng đắc Sơ Quả, chánh trí vô lậu là pháp vô lậu, chẳng thuộc vào Tam Giới Hệ.

          Sắc Giới tức là Sơ Thiền Thiên, Nhị Thiền Thiên, Tam Thiền Thiên, và Tứ Thiền Thiên. Hữu tình trong các cõi ấy không có Tỵ Thức, Thiệt Thức, chẳng có Tỵ Thức Giới, Thiệt Thức Giới, cũng chẳng có Hương Giới, Vị Giới.

          Vô Sắc Giới chẳng có Sắc, Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc Giới, cũng chẳng có Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức, chỉ có Ý Thức, Pháp Giới và Ý Thức Giới.

3.4.6. Phân biệt Uẩn Sở Nhiếp và Thủ Uẩn Sở Nhiếp

          (Luận) Kỷ Uẩn Sở Nhiếp? Vị trừ vô vi. Kỷ Thủ Uẩn Sở Nhiếp? Vị hữu lậu.

          ()幾蘊所攝謂除無為。幾取蘊所攝謂有漏

          (Luận: Mấy Giới là Uẩn Sở Nhiếp? Trừ vô vi. Mấy Giới thuộc Thủ Uẩn Sở Nhiếp? Chính là các Giới hữu lậu).

          Môn thứ sáu là môn Uẩn Sở Nhiếp và Thủ Uẩn Sở Nhiếp. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là Uẩn Sở Nhiếp? Có mấy loại là Thủ Uẩn Sở Nhiếp?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Giới thuộc loại Uẩn Sở Nhiếp là những Giới ngoài những Giới thuộc loại pháp vô vi ra. Giới thuộc loại Thủ Uẩn Sở Nhiếp là các Giới thuộc loại hữu lậu, tức là mười lăm Giới và chút phần của ba Giới sau cùng.

          Uẩn là Ngũ Uẩn, Thủ Uẩn là Ngũ Thủ Uẩn, thuần túy là pháp hữu lậu. “Thủ” (取) chính là phiền não. Vì [phiền não xuất phát] từ Ngũ Uẩn của chúng sanh nên gọi là Ngũ Thủ Uẩn. Thủ Uẩn là pháp hữu lậu. Uẩn có thể là hữu lậu, mà cũng có thể là vô lậu. Như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cho rằng A La Hán sẽ chẳng sanh khởi Thủ nữa, cho nên Ngũ Uẩn của các vị A La Hán chẳng thể gọi là Ngũ Thủ Uẩn.

3.4.7. Phân biệt tánh thiện, tánh bất thiện và tánh vô ký

          (Luận) Kỷ thiện? Kỷ bất thiện? Kỷ vô ký? Vị thập thông tam tánh, thất Tâm Giới, Sắc, Thanh cập Pháp Giới nhất phần, bát, vô ký tánh.

          ()幾善幾不善幾無記謂十通三性。七心界色聲。及法界一分。八無記性。

          (Luận: Mấy Giới là thiện? Mấy Giới là bất thiện? Mấy Giới là vô ký? Tức là mười Giới có cả ba tánh, [tức là] bảy Tâm Giới, Sắc, Thanh, và một phần của Pháp Giới [có cả ba tánh], tám [Giới còn lại là] vô ký tánh).

          Môn thứ bảy là môn tánh thiện, tánh bất thiện, và tánh vô ký. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là tánh thiện? Có mấy loại là tánh bất thiện? Có mấy loại là tánh vô ký?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, mười Giới đều có cả ba tánh. “Mười Giới” tức là bảy Tâm Giới (Ý Giới và sáu Thức Giới), Sắc Giới, Thanh Giới, và một phần Pháp Giới. Ngoại trừ mười Giới ấy, tám Giới kia (Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới, Hương Giới, Vị Giới, và Xúc Giới) có tánh vô ký. Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, và Thân Căn của hữu tình đều được chiêu cảm bởi nghiệp lực của đời trước, đều là pháp vô ký thuộc loại vô phú vô ký.

          Vì sao Sắc Giới và Thanh Giới có cả tánh thiện lẫn tánh ác? Thân thể là Sắc Giới. Nếu như hành vi là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, thì Sắc Giới ấy có tánh ác. Nếu hành vi là bố thí v.v… thì Sắc Giới ấy là tánh thiện. Ngôn ngữ là Thanh Giới. Nếu hành vi [nơi ngữ nghiệp] là nói dối, nói đôi chiều, nói lời thô ác, nói thêu dệt thì Thanh Giới ấy có tánh ác. Nếu hành vi là lời chân thật, lời mềm mỏng v.v… thì Thanh Giới ấy có tánh thiện. Thân nghiệp thuộc về Sắc Giới, ngữ nghiệp thuộc về Thanh Giới, biểu lộ, diễn đạt những tình cảm hoặc tư tưởng trong nội tâm. Do đó, Sắc Giới và Thanh Giới (tức là thân nghiệp và ngữ nghiệp) có cả tánh thiện lẫn tánh ác.

          “Một phần của Pháp Giới” có cả ba tánh. Như Niệm Tâm Sở có cả ba tánh. Nếu tương ứng với phiền não thì là tánh ác. Nếu tương ứng với thiện Tâm Sở thì là tánh thiện. Nếu chẳng thể vạch rõ là tánh thiện hay tánh ác thì là tánh vô ký.

3.4.8. Phân biệt nội ngoại

          (Luận) Kỷ thị nội? Vị thập nhị, trừ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc cập Pháp Giới. Kỷ thị ngoại? Vị sở dư lục.

          ()幾是謂十二。除色聲香味觸及法界。幾是外謂所餘六

          (Luận: Mấy Giới là trong? Chính là mười hai Giới, trừ Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, và Pháp Giới. Mấy Giới là ngoài? Chính là sáu Giới kia).

          Môn thứ tám là môn nội ngoại. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là trong? Có mấy loại là ngoài?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Nội Giới là mười hai Giới, tức Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới, Ý Giới, Nhãn Thức Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỵ Thức Giới, Thiệt Thức Giới, Thân Thức Giới, Ý Thức Giới. Ngoại Giới là Sắc Giới, Thanh Giới, Hương Giới, Vị Giới, Xúc Giới, và Pháp Giới.

          Sáu Căn là cái Thể nơi quả báo của hữu tình, cho nên thuộc về Nội. Sáu Thức là tác dụng tâm lý, do vậy thuộc về Nội. Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp Giới là cảnh giới được duyên bởi sáu Thức, nên thuộc về Ngoại.

3.4.9. Phân biệt hữu duyên lự và vô duyên lự

          (Luận) Kỷ hữu duyên? Vị thất Tâm Giới, cập Pháp Giới thiểu phần Tâm Sở Pháp Tánh. Kỷ vô duyên? Vị dư thập cập Pháp Giới thiểu phần.

          ()幾有緣謂七心界及法界少分。心所法性。幾無緣謂餘十及法界少分

          (Luận: Mấy Giới là hữu duyên? Chính là bảy Tâm Giới và chút phần của Pháp Giới tức Tâm Sở Pháp Tánh. Mấy Giới là vô duyên? Chính là mười Giới kia và chút phần của Pháp Giới).

          Môn thứ chín là hữu duyên lự và vô duyên lự. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là hữu duyên lự? Có mấy loại là vô duyên lự?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Giới thuộc loại hữu duyên lự[note] Duyên lự là cái tâm chạy theo cảnh giới, nắm níu cảnh giới (thường gọi là “tâm viên, ý mã”, tức là tâm như khỉ nhảy nhót, leo trèo, thay đổi vùn vụt như ngựa chạy), đối với mỗi cảnh bèn suy nghĩ (tư lự) sự vật rồi nẩy sanh chấp trước, phiền não.[/note] là bảy Tâm Giới và chút phần Tâm Sở Pháp Tánh thuộc Pháp Giới. Giới thuộc loại vô duyên lự là mười giới kia và chút phần của Pháp Giới.

          “Duyên” là duyên lự. Tâm pháp, Tâm Sở pháp có thể nhận biết rõ ràng cảnh giới, có thể duyên lự cảnh giới, nên gọi là Hữu Duyên. Chẳng thể duyên lự cảnh giới thì gọi là Vô Duyên. Như năm Căn là Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, năm trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, cùng với chút phần của Pháp Giới, tức pháp vô vi, Bất Tương Ứng Hành, những thứ ấy đều chẳng có tác dụng duyên lự!

3.4.10. Phân biệt hữu phân biệt và vô phân biệt

          (Luận) Kỷ hữu phân biệt? Vị Ý Thức Giới, Ý Giới, cập Pháp Giới thiểu phần.

          ()幾有分別謂意識界。意界。及法界少分

          (Luận: Mấy Giới là có phân biệt? Chính là Ý Thức Giới, Ý Giới và chút phần của Pháp Giới).

          Môn thứ mười là môn hữu phân biệt và vô phân biệt. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là hữu phân biệt? Có mấy loại là vô phân biệt?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Giới thuộc loại hữu phân biệt là Ý Thức Giới, Ý Giới, và chút phần của Pháp Giới (tâm sở hữu pháp). Tuy lời Luận không nói tới các Giới thuộc loại vô phân biệt, nhưng có thể suy ra mà biết mười lăm Giới kia và chút phần của Pháp Giới là vô phân biệt.

          Ở đây, “phân biệt” là phân biệt đối với các phương diện Sự và Lý. Như Ý Thức phân biệt sách, người, vải đỏ, tiếng xe cộ, thường, vô thường, ngã, vô ngã v.v… Hoặc là Mạt Na Thức trong Ý Giới có phân biệt chấp Ngã.

          Tác dụng nhận biết rõ ràng của năm Thức trước chỉ là phân biệt bằng trực giác, nên gọi là “tự tánh phân biệt”, chẳng có phân biệt khái niệm. Do vậy, gọi là “vô phân biệt”.

          Tâm Sở Pháp trong Pháp Giới nếu có thể tương ứng với năm Thức trước thì là tự tánh phân biệt, tức là “vô phân biệt”. Nếu tương ứng với Ý Thức thì là “hữu phân biệt”.

3.4.11. Phân biệt hữu chấp thọ và phi chấp thọ

          (Luận) Kỷ hữu chấp thọ? Vị ngũ Nội Giới, cập tứ Giới thiểu phần, vị Sắc, Hương, Vị, Xúc. Kỷ phi chấp thọ? Vị dư cửu, cập tứ thiểu phần.

          ()幾有執受謂五內界。及四界少分。謂色香味觸。幾非執受謂餘九及四少分

          (Luận: Mấy Giới là hữu chấp thọ? Chính là năm Nội Giới và chút phần của bốn Giới, tức Sắc, Hương, Vị, Xúc. Mấy Giới là phi chấp thọ? Chính là chín Giới kia và chút phần của bốn Giới).

          Môn thứ mười một là hữu chấp thọ và phi chấp thọ. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là hữu chấp thọ? Có mấy loại là phi chấp thọ?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Giới thuộc loại hữu chấp thọ là năm Nội Giới (Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, và Thân Giới), và chút phần của bốn Giới (Sắc Giới, Hương Giới, Vị Giới, và Xúc Giới). Những Giới thuộc loại phi chấp thọ là chín Giới kia và chút phần của bốn Giới.

          Thân thể của hữu tình là do A Lại Da Thức chấp thọ (tiếp nhận và nắm giữ). Cho nên Nhãn Giới v.v… của hữu tình thuộc loại hữu chấp thọ. Núi, sông, đại địa, cỏ cây v.v… là những vật vô tình, thuộc loại phi chấp thọ.

          Vì sao âm thanh do hữu tình phát ra thuộc loại phi chấp thọ? Vì âm thanh do hữu tình phát ra chẳng thuộc trong thân thể của hữu tình, cho nên thuộc loại phi chấp thọ.

3.4.12. Phân biệt đồng phận và bỉ đồng phận

          (Luận) Kỷ đồng phận? Vị ngũ Nội Hữu Sắc Giới, dữ bỉ tự Thức đẳng cảnh giới cố. Kỷ bỉ đồng phận? Vị bỉ tự Thức không thời, dữ tự loại đẳng cố.
()幾同分謂五內有色界。與彼自識等境界故幾彼同分謂彼自識空時。與自類等故

          (Luận: Mấy Giới là đồng phận? Chính là năm Nội Hữu Sắc Giới và cảnh giới nơi các tự thức của chúng v.v… Mấy Giới là bỉ đồng phận? Khi tự thức là không, và các các pháp giống như nó).

          Môn thứ mười hai là đồng phận và bỉ đồng phận. Hỏi: Trong Thập Bát Giới, có mấy loại là đồng phận? Có mấy loại là bỉ đồng phận?

          Đáp: Trong Thập Bát Giới, Giới thuộc loại đồng phận là năm Nội Hữu Sắc Giới (Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, và Thân Giới). “Đồng phận” có nghĩa là cùng loại. “Dữ bỉ tự thức đẳng cảnh giới cố”: Như Nhãn Căn chấp lấy Sắc cảnh, sanh khởi Nhãn Thức, tức là sanh ra [tác dụng] nhận biết rõ ràng Sắc cảnh, cho nên Nhãn Thức là “tự thức” của Nhãn Căn. Vì Sắc cảnh do Nhãn Căn chấp giữ và cảnh giới được nhận biết rõ ràng bởi Nhãn Thức là tương đồng, cho nên Nhãn Giới (Nhãn Căn) được gọi là Đồng Phận. Do cùng một lý, ta có thể biết, những thứ khác như Thanh cảnh, Hương cảnh, Vị cảnh, Xúc cảnh do Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn chấp giữ và cảnh giới được nhận biết rõ ràng bởi Nhĩ Thức v.v… là tương đồng cho, nên Nhĩ Giới (Nhĩ Căn) v.v… cũng gọi là Đồng Phận.

          Trong Thập Bát Giới, những Giới thuộc loại bỉ đồng phận là “bỉ tự thức không thời, dữ tự loại đẳng cố” (khi tự thức là không (chẳng sanh khởi) thì những pháp có cùng loại với nó): Nếu như Nhãn Căn chẳng giữ lấy Sắc cảnh, Nhãn Thức sẽ chẳng thể sanh khởi, khi ấy chỉ có Nhãn Căn. Nhãn Căn [tiếp nhận Sắc cảnh] và Nhãn Căn [không tiếp nhận Sắc cảnh] sẽ tương tự như nhau, tuy chẳng có ý nghĩa tương đồng với cảnh giới được nhận biết rõ ràng bởi Nhãn Thức, nhưng vẫn là có ý nghĩa Đồng Phận. Điều này được gọi là Bỉ Đồng Phận. Do vậy, khi Nhãn Căn chẳng giữ lấy Sắc cảnh thì gọi là Bỉ Đồng Phận. Cùng một lý có thể biết, khi những Giới khác như Nhĩ Giới, Tỵ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới chẳng giữ lấy Sắc, Thanh, Hương, Vị thì cũng gọi là Bỉ Đồng Phận.

Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận Thích Yếu hết

Nguồn: Di Đà Nguyện Hải

Pages: 1 2 3 4