Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận Thích Yếu
大乘廣五蘊論釋要
Thích Tịnh Chiếu biên soạn
11 tháng Tám năm 2015
釋淨照編寫
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong

 

1.1.2.4.2.1.5. Tùy Phiền Não Tâm Sở (chia thành ba phần)

1.1.2.4.2.1.5.1. Tiểu Tùy Phiền Não Tâm Sở (chia thành mười phần)

1.1.2.4.2.1.5.1.1. Phẫn

          (Luận) Vân hà Phẫn? Vị y hiện tiền bất nhiêu ích sự, tâm phẫn vi tánh, năng dữ bạo ác, chấp trì tiên trượng sở y vi nghiệp.

          ()云何忿謂依現前不饒益事。心憤為性。能與暴惡。執持鞭杖。所依為業

          (Luận: Phẫn là như thế nào? Chính là do vì chuyện chẳng lợi ích trong hiện tiền mà tâm  tánh chất giận dữ. Nghiệp dụng của nó là làm chỗ nương tựa cho hành vi gây tạo bạo ác [đối với người khác], cầm nắm roi gậy).

          Tùy Phiền Não là phần vị sai biệt của Căn Bản Phiền Não, hoặc là Đẳng Lưu Tánh1 của Căn Bản Phiền Não, tùy thuộc Căn Bản Phiền Não mà sanh khởi. Phần vị2 sai biệt của Căn Bản Phiền Não, tức là mười Tiểu Tùy Tâm Sở như Phẫn v.v… cùng với Thất Niệm, Bất Chánh Tri, và Phóng Dật, tổng cộng là mười ba Tâm Sở. Đẳng Lưu Tánh của Căn Bản Phiền Não là Vô Tàm, Vô Quý, Điệu Cử, Hôn Trầm, Tán Loạn, Bất Tín, và Giải Đãi, bao gồm bảy món Tâm Sở. Tuy mỗi món có thể tánh sai khác, nhưng đều là Đẳng Lưu Tánh của Căn Bản Phiền Não.

          Tùy Phiền Não chia thành ba loại:

          – Tiểu Tùy Phiền Não, gồm mười Tâm Sở như Phẫn v.v… Mỗi món sanh khởi khác nhau. Hễ có một món trong số ấy, sẽ chẳng có món thứ hai nào khác [đồng thời sanh khởi]. Phạm vi hoạt động của chúng rất nhỏ hẹp.

          – Trung Tùy Phiền Não, gồm hai Tâm Sở là Vô Tàm và Vô Quý, chúng đồng thời sanh khởi (luôn sanh khởi cùng lúc), trọn khắp các Tâm Sở có tánh chất bất thiện (Tâm Sở mang tánh chất ác). Phạm vi hoạt động của chúng khá rộng lớn.

          – Đại Tùy Phiền Não, gồm tám món Tâm Sở như Hôn Trầm v.v… Chúng có thể cùng lúc sanh khởi, trọn khắp các tâm ô nhiễm (tức là Tâm và Tâm Sở có tánh chất ác, hoặc có tánh chất hữu phú vô ký), phạm vi hoạt động càng rộng lớn hơn.

          Thể tánh của Phẫn dùng một phần Sân làm thể tánh, “y hiện tiền bất nhiêu ích sự, tâm phẫn vi tánh”, tức là đối với chuyện chẳng lợi ích trong hiện tiền, nội tâm sẽ tức tối, nổi giận đùng đùng. “Chuyện chẳng lợi ích” là như bị kẻ khác chửi mắng hoặc đánh đập v.v… Nghiệp dụng của Phẫn là “năng dữ bạo ác, chấp trì tiên trượng sở y vi nghiệp”, tức là nó có thể dẫn khởi sự bạo ác, bèn cầm nắm roi, gậy để làm chuyện bạo hành đối phương. Nếu nói theo hiện thời thì càng tàn bạo hơn nữa, hoặc là dùng đao chém giết, hoặc dùng súng bắn giết. Kẻ ôm lòng Phẫn, đại đa số sẽ phát sanh hành vi biểu lộ sự bạo ác nơi thân nghiệp. Đấy là nói theo điều chủ yếu, đương nhiên là cũng có thể phát khởi lời nói bạo ác. Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Phẫn đại để tương đồng với luận này.

1.1.2.4.2.1.5.1.2. Hận        

          (Luận) Vân hà Hận? Vị Phẫn vi tiên, kết oán bất xả vi tánh, năng dữ bất nhẫn sở y vi nghiệp.

          ()云何恨謂忿為先。結怨不捨為性。能與不忍。所依為業

          (Luận: Hận là như thế nào? Chính là do trước đó đã có Phẫn, bèn có tánh chất kết oán chẳng bỏ được, nghiệp dụng của nó là làm chỗ y cứ cho chẳng nhẫn nại). 

          Thể tánh của Hận là dùng một phần Sân làm thể tánh, “Phẫn vi tiên, kết oán bất xả vi tánh”, tức Hận [sẽ sanh khởi] sau khi đã có Phẫn, tâm ôm lòng hận, chẳng thể buông bỏ, kết thành oán cừu. Nghiệp dụng của Hận là “dữ bất nhẫn sở y vi nghiệp” (có nghiệp dụng làm chỗ y cứ cho Bất Nhẫn), tức là nó sẽ tạo thành cơ sở khiến cho [đương sự] chẳng thể chịu đựng chuyện chẳng lợi ích một lần nữa! Nếu lần sau gặp phải chuyện chẳng lợi ích, sẽ dẫn khởi tác dụng tâm lý bạo ác càng mạnh mẽ hơn, càng bạo hành đối phương tàn khốc hơn!

          Thành Duy Thức Luận đã thuyết minh thể tánh của Hận giống như luận này, còn nghiệp dụng [của Hận theo luận ấy] thì là có thể chướng ngại Bất Hận: Do ôm lòng Hận, sẽ sanh ra sự nhiệt não. Tuy Phẫn cũng có thể sanh ra nhiệt não, nhưng nhẹ ít hơn. Vì thế, chỉ nói “do ôm lòng Hận mà sanh ra nhiệt não”.

          Dùng thí dụ để nói về sự sai khác giữa Hận và Phẫn, thì Phẫn như lửa đốt vỏ cây. Dẫu ngọn lửa thoạt nhìn rất dữ dội, nhưng nhiệt độ chẳng cao. Khi ngọn lửa đã tắt, chẳng còn hơi nóng sót lại. Hận là oán khí nồng đậm, như lửa hầm than. Tuy thoạt nhìn ngọn lửa liu riu, nhưng nhiệt độ rất cao. Ngọn lửa tắt rồi, nhiệt lượng sót lại vẫn rất cao!

1.1.2.4.2.1.5.1.3. Phú

          (Luận) Vân hà Phú? Vị ư quá thất, ẩn tàng vi tánh. Vị tàng ẩn tội cố, tha chánh giáo hối thời, bất năng phát lộ, thị Si chi phần, năng dữ truy hối, bất an ổn trụ sở y vi nghiệp.

          ()云何覆謂於過失。隱藏為性謂藏隱罪故。他正教誨時。不能發露。是癡之分。能與追悔。不安隱住。所依為業

          (Luận: Phú là như thế nào? Chính là có tánh chất giấu diếm tội lỗi. Tức là vì giấu diếm tội, cho nên trong khi được người khác dạy sám hối, sẽ chẳng thể tỏ lộ. Nó là một phần của Si, có nghiệp dụng làm chỗ y cứ cho chuyện nghĩ lại bèn hối hận, ở trong trạng thái chẳng an ổn).

          Thể tánh của Phú là “ư quá thất, ẩn tàng vi tánh”, tức là che giấu lỗi lầm của chính mình. Nghiệp dụng của nó là “năng dữ truy hối, bất an ổn trụ sở y vi nghiệp”, tức là có thể khiến cho [người ấy] nhớ lại [những chuyện đã trót làm] mà áo não, hối hận, chẳng thể an ổn được!

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Phú như sau: “Vân hà vi Phú? Ư tự tác tội, khủng thất lợi dự, ẩn tàng vi tánh. Năng chướng Bất Phú, hối não vi nghiệp” (Phú là như thế nào? Có tánh chất đối với tội do chính mình đã làm, vì sợ bị mất lợi lạc, tiếng tăm, cho nên giấu diếm. Nghiệp dụng của nó là có thể chướng ngại Bất Phú (không che giấu tội lỗi), [khiến cho kẻ giấu tội] hối hận, áo não). Thể tánh của Phú là đối với tội nghiệp do chính mình đã tạo tác, sợ hãi [những tội nghiệp ấy bị phơi bày ra], sẽ mất đi lợi dưỡng và danh dự, cho nên giấu nhẹm tội lỗi của chính mình. Nghiệp dụng của nó là có thể chướng ngại Bất Phú, [gây nên] bứt rứt, áo não, hối hận. Bất Phú là chẳng giấu diếm, chẳng che đậy, mà đem tội lỗi đối trước Phật, hoặc đối trước một người, hoặc là đối trước đại chúng phơi bày sám hối, thỉnh cầu khoan thứ, chấp thuận cho [kẻ trót phạm tội] hối cải.

          Quy chế trong Phật pháp là đã phạm giới khinh hoặc giới trọng, phải do chính mình chọn lựa, thừa nhận bản thân đã làm sai, chân thành sám hối. Sám hối là tự mình nói ra tội lỗi của chính mình, thỉnh cầu tha thứ; sau đấy, chẳng còn tạo tội nghiệp nữa! “Hữu tội đương sám hối, sám hối tắc thanh tịnh” (Có tội hãy nên sám hối, sám hối bèn thanh tịnh). Có tội nghiệp, hãy nên sám hối, sám hối bèn thanh tịnh. Giống như y phục đã bị bẩn, giặt sạch rồi, sẽ lại sạch sẽ. Sau khi tự mình sám hối, người khác sẽ chẳng được phép nói tội lỗi của chính mình nữa. Nếu không, người khác sẽ phạm giới.

          Ngược lại, giấu diếm tội lỗi của chính mình, chẳng phát lộ sám hối, tức là chẳng nghiêm túc phản tỉnh sửa lỗi, tội lỗi sẽ càng ngày càng nặng nề, sẽ chẳng có cách nào phục hồi sự thanh tịnh. Có lúc nghĩ lại, sẽ áo não, hối hận chẳng ngơi, thân tâm khổ não, chẳng thể an ổn. Giống như đem phân bỏ trong thùng, đậy nắp lại, mấy ngày sau lại mở nắp ra, mùi hôi thối sẽ khó lòng chịu nổi!

          “Ẩn tàng tội cố, tha chánh giáo hối thời, bất năng phát lộ”, [nghĩa là] vì giấu diếm tội lỗi của chính mình, cho nên người khác thật sự muốn dạy bảo, chỉ dạy kẻ đó hòng kẻ đó khi sám hối sẽ được thanh tịnh, nhưng kẻ đó chẳng chịu phát lộ sám hối.

          Luận này nói Phú là một phần của Si, tức là dùng một phần Si làm thể tánh. Vì chẳng hiểu rõ đạo lý của nghiệp quả, chẳng sợ hãi khổ quả trong vị lai, cho nên mới giấu diếm tội lỗi của chính mình. Có giáo nghĩa cho rằng: Phú dùng một phần Tham và Si làm thể tánh. Ngoài Si ra, có lúc cũng vì tham đắm lợi dưỡng và danh dự, sợ chúng sẽ bị mất đi, cho nên mới giấu diếm tội lỗi của chính mình.

1.1.2.4.2.1.5.1.4. Não

          (Luận) Vân hà Não? Vị phát bạo ác ngôn, lăng phạm vi tánh. Phẫn, Hận vi tiên, tâm khởi tổn hại. Bạo ác ngôn giả, vị thiết hại thô quánh, năng dữ ưu khổ, bất an ổn trụ sở y vi nghiệp. Hựu năng phát sanh phi phước vi nghiệp, khởi ác danh xưng vi nghiệp.

          ()云何惱謂發暴惡言。陵犯為性。忿恨為先。心起損害。暴惡言者。謂切害麁獷。能與憂苦。不安隱住。所依為業。又能發生非福為業。起惡名稱為業

          (Luận: Não là như thế nào? Tức là có tánh chất thốt ra lời bạo ác, lăng nhục, xúc phạm. Do trước đó đã có Phẫn và Hận, tâm bèn dấy lòng tổn hại. “Lời bạo ác” là nói lời tổn thương, thô lỗ, hung bạo. Nghiệp dụng là nó làm chỗ y cứ để tạo ra sự ưu sầu, khổ sở, chẳng thể an ổn. Nó còn có nghiệp dụng phát sanh chuyện chẳng phải là phước, có nghiệp dụng tạo nên tiếng tăm xấu xa).

          Thể tánh của Não là lấy một phần Sân làm thể tánh. “Phát bạo ác ngôn, lăng phạm vi tánh”, tức là phát khởi ngữ nghiệp rất thô bạo, rất hung hăng, độc địa, khinh miệt, xâm phạm người khác. Đấy là nói nhấn mạnh, đương nhiên cũng có thể là thân nghiệp rất hung hãn, bạo tàn, dữ dội, khinh miệt, xâm phạm người khác. Nghiệp dụng của Não là “năng dữ ưu khổ, bất năng an ổn trụ sở y vi nghiệp. Hựu năng phát sanh phi phước vi nghiệp, khởi ác danh xưng vi nghiệp”, [có nghĩa là] khiến cho thân tâm của người khác và chính mình ưu bi, khổ não, chẳng được an ổn, có thể phát sanh tội ác nơi thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp, có thể dẫn đến tiếng tăm xấu xa.

          “Phẫn, Hận vi tiên, tâm khởi tổn hại” [nghĩa là] Não dùng Phẫn và Hận làm điều kiện tiên khởi, dẫn khởi tác dụng tâm lý muốn tổn hại đối phương. Biểu hiện ra hành vi bên ngoài sẽ là ngữ nghiệp hoặc thân nghiệp thô bạo, độc ác. Tác dụng của Não càng mạnh hơn so với Phẫn và Hận. Vì tình tự phẫn nộ và oán hận tích lũy, ấp ủ, cho nên nếu gặp phải cảnh trái nghịch, sẽ bùng nổ mạnh mẽ nhất, tạo thành sự tổn thương, tai hại nghiêm trọng.

          “Bạo ác ngôn giả, vị thiết hại thô quánh” [có nghĩa là] ngữ nghiệp thô bạo, hung ác, chính là lời lẽ gây đau đớn, thô lỗ. “Thiết hại” (切害) là lời lẽ tàn độc hết sức gây tổn thương người khác, giống như dùng đao bén cắt xẻ, tổn thương người khác. Ngữ nghiệp “thô quánh” là chửi bới hung bạo, chẳng màng lý lẽ, trọn chẳng có mảy may hợp lý nào.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Não như sau: “Vân hà vi Não? Phẫn, Hận vi tiên, truy xúc bạo nhiệt, ngận lệ vi tánh; năng chướng Bất Não, thư thích vi nghiệp” (Não là như thế nào? Nó có tánh chất là: Do trước đó đã có Phẫn và Hận, nay nhớ lại chuyện cũ, đụng phải chuyện trái nghịch [trong hiện thời], bèn hung bạo, nóng nảy. Nghiệp dụng của nó là có thể chướng ngại Bất Não, ăn nói hung hãn, tàn độc, gây tổn thương). “Truy xúc bạo nhiệt, ngận lệ” là nhớ lại những chuyện chẳng vui sướng trong quá khứ (tức là cảnh được duyên bởi Phẫn và Hận), lại va chạm nghịch duyên trong hiện tiền; do vậy, như lửa đốt tâm, sanh khởi một thứ nhiệt não hung bạo, tâm thái độc ác, ngang ngược, hung tợn. “Thư (蛆, giòi) là ấu trùng của ruồi nhặng, ở đây dùng để tỷ dụ lời thô tiếng ác. “Thích” (螫) là các loại rắn, ong, bọ cạp có nọc độc dùng răng hoặc kim, móc [ở đuôi] để cắn, chích nhân loại hoặc động vật. “Thư thích” là tỷ dụ ngôn ngữ hung bạo, tàn độc, hủy báng, hãm hại, tổn thương người khác.

          So sánh giữa Não với Phẫn và Hận:

          1) Điểm tương đồng là Phẫn, Hận, và Não đều dùng một phần Sân làm thể tánh, đều là pháp giả hữu.

          2) Điểm dị biệt: Nói theo phương diện khởi Hoặc, thì Phẫn duyên theo cảnh trái nghịch trong hiện tiền mà đột ngột bộc phát sự tức giận dữ dội. Hận thì duyên theo cảnh trái nghịch trong quá khứ, nhiều lượt tìm tòi, suy nghĩ, kết oán chẳng bỏ. Não là nhớ lại những cảnh trái nghịch trong quá khứ, lại do va chạm cảnh trái nghịch trong hiện tiền, oán cũ cừu mới chồng chất vào nhau, thân tâm nóng nảy, bức bối. Nói theo phương diện phát khởi thành nghiệp thì Phẫn chủ yếu là phát khởi thân nghiệp, Hận chủ yếu là phát khởi ý nghiệp, còn Não chủ yếu là phát khởi ngữ nghiệp.

1.1.2.4.2.1.5.1.5. Tật

          (Luận) Vân hà Tật? Vị ư tha thịnh sự, tâm đố vi tánh, vị danh lợi cố, ư tha thịnh sự, bất kham nhẫn nại, đố kỵ tâm sanh, tự trụ ưu khổ sở y vi nghiệp.

          ()云何嫉謂於他盛事。心妬為性。為名利故。於他盛事。不堪忍耐。妬忌心生。自住憂苦。所依為業。

          (Luận: Tật là như thế nào? Tức là có tánh chất đối với chuyện tốt đẹp của người khác, tâm bèn đố kỵ. Vì danh lợi mà đối với chuyện tốt đẹp của người khác, chẳng thể chịu đựng được, sanh tâm ganh ghét. Nghiệp dụng của nó là làm chỗ y cứ để tự mình ở trong sự ưu tư, khổ não).

          Thể tánh của Tật là dùng một phần Sân làm thể tánh. “Ư tha thịnh sự, tâm đố vi tánh”, tức là đối với chuyện ưu thắng (trỗi vượt, cao trỗi) của người khác, hoặc là [thấy kẻ khác] tài sản rất dư dật, hoặc tiếng tăm rất cao, hoặc dung mạo trang nghiêm v.v… bèn sanh khởi lòng ganh ghét. Nghiệp dụng của Tật là “tự trụ ưu khổ sở y vi nghiệp”, [tức là] khiến cho thân tâm của chính mình ưu sầu, khổ não, vì cảm thấy người khác cướp đoạt hoặc trở ngại sự vinh diệu của chính mình, cho nên tức tối, căm phẫn, ưu sầu, khổ não.

          Vì sao sanh tâm ghen ghét đối với chuyện ưu thắng của kẻ khác? “Vị danh lợi cố, ư tha thịnh sự, bất kham nhẫn nại, tật đố tâm sanh”, [tức là] vì tham đắm danh dự, lợi dưỡng, cho nên đối với chuyện ưu thắng của người khác, chẳng thể chịu nổi sự vinh diệu của người khác, bèn sanh lòng ghen ghét. Người khác đạt được tiếng tăm, lợi dưỡng, cung kính v.v…, kẻ đó bèn cho là vì người khác chiếm đoạt hoặc gây trở ngại cho tiếng tăm, lợi dưỡng, sự cung kính v.v… của chính mình. Vì thế, từ sự tham đắm danh lợi v.v… mà chuyển biến thành sanh khởi lòng ghen ghét khi người khác đạt được danh lợi v.v… Thật ra, kẻ ngạo mạn trông thấy học thức, sự nghiệp v.v… của người khác cao trỗi hơn mình, cũng rất dễ từ lòng ngạo mạn chuyển biến thành sanh khởi lòng ghen ghét.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Tật như sau: “Vân hà vi Tật? Tuẫn tự danh lợi, bất nại tha vinh, đố kỵ vi tánh, năng chướng Bất Tật, ưu thích vi nghiệp” (Tật là như thế nào? Mù quáng theo đuổi danh lợi cho chính mình, chẳng chịu nổi người khác vinh hiển, có tánh chất ghen ghét. Nghiệp dụng là có thể chướng ngại Bất Tật, gây nên ưu sầu, lo lắng). “Tuẫn” (殉) là dùng người hoặc vật dụng bồi táng (陪葬, chôn theo người chết), [dùng chữ này] để tỷ dụ [kẻ đó] vì đạt đến một mục đích nào đó mà hy sinh tánh mạng, mà cũng có ý nghĩa là “tham cầu”. “Tuẫn tự danh lợi” là tham cầu tiếng tăm, lợi dưỡng của chính mình, cho đến sẵn lòng vì tiếng tăm, lợi dưỡng mà chết. “Bất nại tha vinh”: Đối với chuyện người khác đạt được vinh diệu tốt đẹp, trong tâm chẳng thể chịu đựng nổi, đúng như câu nói: “Kiến tha vinh quý, nguyện tha lưu biếm” (Thấy kẻ khác vinh hiển, sang quý, mong cho kẻ đó bị lưu đày, biếm trích). Trông thấy kẻ khác vinh hoa, phú quý, mong mỏi người khác bị biếm trích, tổn hại, bị giáng chức, hoặc bị đuổi về vườn! “Kiến tha phú hữu, nguyện tha phá tán”, tức là trông thấy kẻ khác có tiền, mong mỏi họ bị khuynh gia bại sản.

          Nghiệp dụng của Tật là có thể chướng ngại Bất Tật. Bất Tật là trông thấy người khác đạt được chuyện vinh diệu, tốt đẹp, không chỉ là sẽ chẳng ghen ghét, mà còn vui vẻ theo, tức là tùy hỷ công đức và phước báo của họ. Thật ra, trông thấy công đức và phước báo của người khác, càng phải nên hăng hái phát khởi chí nguyện phỏng theo họ, nỗ lực học tập để thành tựu công đức và phước báo càng thù thắng hơn. Nói theo nguyện Vô Thượng Bồ Đề, chúng sanh đạt được công đức và phước báo thù thắng, há chẳng khế hợp nguyện Vô Thượng Bồ Đề ư? “Ưu thích” (憂慼, ưu sầu, lo lắng), là vì tâm lượng hẹp hòi, ích kỷ, cho nên trông thấy người khác có chuyện tốt đẹp, vinh diệu, sẽ giống như dao bén cắm vào tim, trong tâm thường bị ưu bi, khổ não, nhăn nhó, cau có.

1.1.2.4.2.1.5.1.6. Xan

          (Luận) Vân hà Xan? Vị Thí tương vi, tâm lận vi tánh, vị ư tài đẳng, sanh lận tích cố, bất năng huệ thí, như thị vi Xan. Tâm thiên chấp trước lợi dưỡng, chúng cụ, thị Tham chi phần, dữ Vô Yếm Túc sở y vi nghiệp. Vô Yếm Túc giả, do xan lận cố, phi sở dụng vật, do hằng tích tụ.

          ()云何慳謂施相違。心悋為性。謂於財等。生悋惜故。不能惠施。如是為慳。心偏執著利養眾具。是貪之分。與無厭足。所依為業。無厭足者。由慳悋故。非所用物。猶恒積聚。

          (Luận: Xan là như thế nào? Chính là có tánh chất trái nghịch Thí. Tâm keo kiệt nghĩa là đối với những thứ như tài v.v… do sanh lòng keo tiếc, chẳng thể bố thí rộng rãi. Như thế thì là Xan. Tâm khăng khăng chấp trước lợi dưỡng và các vật dụng. Xan là một phần của Tham, có nghiệp dụng làm chỗ y cứ của Vô Yếm Túc (không chán đủ). Vô Yếm Túc là do tham tiếc, đối với những vật chẳng dùng mà vẫn luôn chất chứa).

          Thể tánh của Xan là dùng một phần Tham làm thể tánh. “Thí tương vi, tâm lận vi tánh” tức là tương phản với Bố Thí, nội tâm keo kiệt, tiếc nuối. Vì sao như thế? “Ư tài đẳng, sanh lận tích cố, bất năng huệ thí, như thị vi Xan” (Vì đối với những thứ như tài v.v… sanh lòng keo tiếc, chẳng thể bố thí rộng rãi. Như thế là Xan): Vì tham luyến tài vật, học vấn v.v… của chính mình, cho nên nội tâm keo tiếc, chẳng chịu bố thí rộng rãi tài vật cho người khác, mà cũng chẳng chịu dạy bảo người khác. Lại vì sao chẳng thể bố thí rộng rãi tài vật v.v…? “Tâm thiên chấp trước lợi dưỡng, chúng cụ”, [tức là] trong tâm khăng khăng chấp trước tham luyến lợi dưỡng và các thứ cần dùng cho cuộc sống, cho nên chẳng thể bố thí rộng rãi tài vật v.v… “Lợi dưỡng” là nói đến những thứ vật chất có lợi ích. Những vật chất ấy có thể bồi bổ hoặc duy trì sanh mạng. “Chúng cụ” (眾具, các vật dụng): Thọ dụng lợi dưỡng, cần đến các thứ vật dụng giúp đỡ, như để ăn các thực phẩm, trước hết cần phải chế biến thức ăn, tức là cần đến các vật dụng như nồi v.v…

          Nghiệp dụng của Xan là “dữ Vô Yếm Túc sở y vi nghiệp” (có nghiệp dụng làm chỗ nương tựa cho Chẳng Chán Đủ). Vì keo tiếc, cho nên muốn đạt được của cải v.v… càng nhiều hơn, trong tâm chẳng thỏa mãn. “Vô Yếm Túc giả, do xan lận cố, phi sở dụng vật, do hằng tích tụ” (Chẳng chán đủ là vì do keo tiếc, đối với những vật chẳng dùng đến, vẫn cứ luôn chất chứa): Kẻ Vô Yếm Túc vì tham lam, keo kiệt, cho nên đối với những món tài vật v.v… chẳng bỏ được để bố thí rộng rãi cho người khác. Dẫu là những vật dụng chẳng cần đến, vẫn cứ vĩnh viễn chất chứa trong nhà hoặc trong kho.

          Thành Duy Thức Luận đã thuyết minh về Xan như sau: “Vân hà vi Xan? Đam trước tài, pháp, bất năng huệ xả. Bí lận vi tánh, năng chướng Bất Xan, bỉ súc vi nghiệp” (Xan là như thế nào? Đắm chấp tài, pháp, chẳng thể bố thí rộng rãi, có tánh chất giấu diếm, keo tiếc. Nó có nghiệp dụng ngăn chướng Bất Xan, tích cóp tệ hại). Thể tánh của Xan là đắm chấp tiền tài (bao gồm y phục, thực phẩm, đồ trải nằm, thuốc men v.v… những thứ cần dùng cho cuộc sống), giáo pháp (bao gồm Phật pháp lẫn học vấn thế gian), chẳng chịu thực hiện Tài Thí và Pháp Thí, giấu kín tiền tài và giáo pháp, keo tiếc chẳng thể hoan hỷ xả được. Nghiệp dụng của Xan có thể chướng ngại Bất Xan, tích cóp riết róng. “Bất Xan” thì không chỉ chẳng tham đắm tiền tài và giáo pháp, lại còn khẳng khái bố thí cho người khác. “Bỉ súc” (鄙畜) là hạng người ấy dẫu tiền tài dư dật, học thức uyên bác, đáng tiếc là tâm lượng hẹp hòi, chua chát, keo tham, riết róng, chẳng chịu thí xả cho người khác.

          Dựa trên [các yếu tố] chính mình cần thiết hay không, cũng như có bố thí cho người khác hay không, có thể chia đại lược mọi người thành bốn loại:

          1) Chính mình cần thiết, bố thí cho người khác: Có những người tuy bần cùng, nhưng chuộng thiện thích thí.

          2) Chính mình cần thiết, chẳng bố thí cho người khác: Người ta thường là đối với những vật cần dùng cơ bản cho cuộc sống, sẽ không chịu bố thí cho người khác. Đấy là lẽ thường tình. Hoặc là sách vở mà chính mình thường xem đọc, có thể là chẳng bố thí cho người khác, nhưng tài lực cho phép thì sẽ mua sách vở mới bố thí cho người ta.

          3) Chính mình chẳng cần dùng, bố thí cho người khác: Những vật mình chẳng cần dùng, để đó vô ích, bố thí cho người khác thì có thể đạt được phước lạc, lẽ nào chẳng vui vẻ làm ư?

          4) Chính mình chẳng cần dùng, chẳng bố thí cho người khác: Đấy là kẻ keo kiệt thành tánh. Chẳng hạn như có rất nhiều thực phẩm, chính mình chẳng ăn, thà để cho chúng nó hư nát, cũng chẳng chịu thí cho người khác.

1.1.2.4.2.1.5.1.7. Cuống

          (Luận) Vân hà Cuống? Vị kiểu vọng ư tha, trá hiện bất thật công đức vi tánh; thị Tham chi phần, năng dữ tà mạng sở y vi nghiệp.

          ()云何誑謂矯妄於他。詐現不實功德為性。是貪之分。能與邪命。所依為業。

          (Luận: Cuống là như thế nào? Tức là có tánh giả dối, hư vọng đối với người khác, giả vờ phô bày công đức chẳng thật. Cuống là một phần của Tham, nghiệp dụng là có thể làm chỗ y cứ cho tà mạng).

          Thể tánh của Cuống là “kiểu vọng ư tha, trá hiện bất thật công đức vi tánh”, tức là đối với người khác bèn dối gạt, hư ngụy, phô trương ra vẻ, hư ngụy biểu hiện có công đức thù thắng, thật ra chẳng có công đức. Nghiệp dụng của Cuống là “năng dữ tà mạng sở y vi nghiệp”, tức là có thể làm chỗ y cứ cho cuộc sống kinh tế chẳng chánh đáng!

          Luận này nói: Cuống thuộc về một phần Tham, vì tham đắm lợi danh, cho nên dối gạt người khác. Có một nghĩa lý khác là Cuống dùng một phần của Tham và Si làm thể tánh, vì sao vậy? Dối hiện có đức là vì tham đắm danh dự, lợi dưỡng, và ngu muội đối với Đế Lý.

          Tà Mạng là dùng sinh hoạt kinh tế không chánh đáng để duy trì sanh mạng. Đệ tử Phật tại gia làm những chuyện chẳng chánh đáng để duy trì sanh mạng như làm đồ tể, lường gạt, bán rượu v.v… thì là Tà Mạng. Ngược lại, dùng những nghề nghiệp chánh đáng để duy trì sanh mạng thì là Chánh Mạng. Đệ tử Phật xuất gia, giả vờ có công đức, dối gạt kẻ khác, mưu chiếm danh lợi để duy trì cuộc sống kinh tế thì là Tà Mạng. Tu hành đúng pháp, tiếp nhận sự cúng dường của tín thí để duy trì cuộc sống kinh tế thì là Chánh Mạng.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Cuống như sau: “Vân hà vi Cuống? Vị hoạch lợi dự, ngụy trá vi tánh, năng chướng Bất Cuống, tà mạng vi nghiệp” (Cuống là như thế nào? Vì đạt được lợi lộc, tiếng tăm, bèn giả vờ làm ra vẻ có đức, mang tánh chất trá ngụy. Nghiệp dụng của Cuống là có thể chướng ngại Bất Cuống, tà mạng). Ý nghĩa đại để tương đồng với bộ luận này (Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận). Trong ấy, Ngụy Trá là dùng những dáng vẻ lạ lùng, đặc biệt, quái dị, hoặc ngôn hạnh dối trá, bịa đặt để mê hoặc, gạt gẫm kẻ khác. Bất Cuống là chú trọng sự thật, căn cứ trên sự thật, thật thà, chẳng dối gạt, chẳng có hành vi giả trá.

1.1.2.4.2.1.5.1.8. Siểm

          (Luận) Vân hà Siểm? Vị kiểu thiết phương tiện, ẩn kỷ quá ác, tâm khúc vi tánh. Vị ư danh lợi, hữu sở kế trước, thị Tham, Si phần, chướng chánh giáo hối vi nghiệp. Phục do hữu tội, bất tự như thật phát lộ quy sám, bất nhậm giáo thọ.

          ()云何諂謂矯設方便。隱己過惡。心曲為性。謂於名利。有所計著。是貪癡分。障正教誨為業。復由有罪。不自如實發露歸懺。不任教授。

          (Luận: Siểm là như thế nào? Chính là giả vờ bày ra phương tiện hòng ẩn giấu lỗi ác của chính mình, tâm có tánh chất cong vạy. Vì danh lợi mà có so đo, tính toán. Siểm thuộc một phần của Tham và Si, có nghiệp dụng chướng ngại sự răn dạy chánh đáng. Lại do có tội, mà chẳng tự mình như thật phơi bày sám hối, chẳng tiếp nhận dạy dỗ).

          Thể tánh của Siểm là “kiểu thiết phương tiện, ẩn kỷ quá ác, tâm khúc vi tánh” (giả dối bày phương tiện, ẩn giấu lỗi ác của chính mình, tâm có tánh chất cong vạy), tức là sau khi kẻ đó phạm sai lầm, bèn hư ngụy lập bày đủ mọi phương pháp để giấu diếm, che đậy tội lỗi, ác hạnh của chính mình, trong tâm cong vạy, chẳng ngay thẳng. Vì sao nội tâm siểm khúc? “Ư danh lợi, hữu sở kế trước” [nghĩa là] vì chấp trước, so đo, tham đắm tiếng tăm, lợi dưỡng, cho nên che đậy lỗi lầm của chính mình. Do đó, Siểm dùng một phần Tham và Si làm thể tánh giống như Cuống. Nghiệp dụng của Siểm là “chướng ngại chánh giáo hối vi nghiệp”, tức là chướng ngại sự chỉ dạy, răn bảo chánh đáng của sư trưởng. “Phục do hữu tội, bất tự như thật phát lộ quy sám, bất nhậm giáo thọ”, [ý nói] vì kẻ đó có tội lỗi, không chỉ là chẳng chịu thành thật phơi bày, quy y sám hối, mà còn dùng các thứ phương pháp để che đậy, cho nên chẳng thể bằng lòng tiếp nhận sự dạy bảo của trưởng.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Siểm như sau: “Vân hà vi Siểm? Vị võng tha cố, kiểu thiết dị nghi, hiểm khúc vi tánh; năng chướng Bất Siểm, giáo hối vi nghiệp” (Siểm là như thế nào? Vì lừa gạt người khác mà vờ vĩnh bày ra nghi thái khác lạ, có tánh chất nham hiểm, quanh co. Siểm có nghiệp dụng có thể chướng ngại Bất Siểm và giáo huấn). Ý nghĩa của lời giảng ấy đại để giống như luận này. Trong ấy, “võng tha” (罔他) là dối trá, gạt gẫm người khác. “Hiểm khúc” (險曲) là âm hiểm, tà vạy (chẳng chân thật, chẳng chánh trực). Do vậy, Siểm là vì mưu cầu tư lợi và danh dự cho chính mình, nội tâm chẳng chân thật, chẳng chánh trực. Do vậy, bịa chuyện hay [bày vẽ] hình dạng hư giả để gạt gẫm đối phương, lại còn biểu lộ một đống nghi thái lễ tiết lạ lùng, đặc biệt, hoặc kề vai cười mơn (ôm vai cúi đầu, bày ra vẻ cười cợt lấy lòng), hoặc là điệu bộ của kẻ tôi đòi (hành vi khúm núm như phường tôi tớ) để đón ý, bợ đỡ đối phương.

          So sánh giữa Phú và Siểm, Phú thuần túy là đối với chính mình, ẩn giấu tội lỗi của chính mình, chẳng chịu sám hối. Siểm thì không chỉ là ẩn giấu tội lỗi của chính mình, mà còn nghĩ đủ mọi biện pháp để che đậy tội lỗi, lừa gạt người khác.

1.1.2.4.2.1.5.1.9. Kiêu

          (Luận) Vân hà Kiêu? Vị ư thịnh sự, nhiễm trước cứ ngạo, năng tận vi tánh. Thịnh sự giả, vị hữu lậu thịnh sự. Nhiễm trước cứ ngạo giả, vị ư nhiễm ái, duyệt dự căng thị, thị Tham chi phần. Năng tận giả, vị thử năng tận chư thiện căn cố.

          ()云何憍謂於盛事。染著倨傲。能盡為性。盛事者。謂有漏盛事。染著倨傲者。謂於染愛。悅豫矜恃。是貪之分。能盡者。謂此能盡諸善根故。

          (Luận: Kiêu là như thế nào? Chính là có tánh chất đối với chuyện tốt lành bèn đắm nhiễm, ngạo nghễ, có thể chấm dứt [các thiện căn]. “Chuyện tốt lành” là nói đến chuyện tốt lành thuộc loại hữu lậu, “Đắm nhiễm, ngạo nghễ” nghĩa là đối với sự nhiễm ái bèn vui thích, phách lối, hợm mình. Kiêu là một phần của Tham. “Có thể chấm dứt” là nói món phiền não này có thể chấm dứt các thiện căn).

          Thể tánh của Kiêu là “ư thịnh sự, nhiễm trước cứ ngạo, năng tận vi tánh”, tức là đối với chuyện tốt đẹp thuộc loại hữu lậu, như thân thể khỏe mạnh, dung mạo xinh đẹp, học thức rộng rãi, giàu có, quyền uy cao tột v.v… bèn sanh khởi tâm lý nhiễm đắm, cao ngạo. Điều này có thể khiến cho các thứ thiện căn, công đức của chính mình sẽ dần dần tiêu mất, diệt sạch. “Nhiễm trước cứ ngạo giả, vị ư nhiễm ái, duyệt dự, căng thị”, [nghĩa là] đối với chuyện tốt lành của chính mình bèn sanh khởi lòng tham ái, đắm chấp, nội tâm vui sướng, kiêu ngạo, tự cao, tự đại. Do vậy, Kiêu là một phần của Tham.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Kiêu như sau: “Vân hà vi Kiêu? Ư tự thịnh sự, thâm sanh nhiễm trước, túy ngạo vi tánh; năng chướng Bất Kiêu, nhiễm y vi nghiệp” (Kiêu là như thế nào? Đối với chuyện tốt lành của chính mình, sanh lòng đắm nhiễm sâu xa, có tánh chất say sưa ngạo mạn. Nghiệp dụng của nó là có thể chướng ngại Bất Kiêu, gây nhiễm đắm). Thể tánh của Kiêu là đối với chuyện tốt lành thuộc về hữu lậu của chính mình mà sanh khởi lòng đắm nhiễm sâu đậm, bèn ngu muội, mê loạn, kiêu ngạo, tự đại. Nghiệp dụng của Kiêu là có thể chướng ngại Bất Kiêu, có thể sanh trưởng hết thảy các pháp tạp nhiễm.

          Do chủng loại của các chuyện tốt lành hữu lậu hết sức nhiều, Du Già Sư Địa Luận chủ yếu đối với bảy chuyện tốt lành hữu lậu, mà lập ra “bảy loại Kiêu”“Vô bệnh Kiêu, thiếu niên Kiêu, trường thọ Kiêu, tộc tánh Kiêu, sắc lực Kiêu, phú quý Kiêu, đa văn Kiêu” (kiêu ngạo vì không bị bệnh tật, kiêu ngạo vì trẻ tuổi, kiêu ngạo vì sống lâu, kiêu ngạo vì giòng họ cao quý, kiêu ngạo vì có sức mạnh, kiêu ngạo vì giàu có, kiêu ngạo vì học rộng nghe nhiều). Trong ấy, tộc tánh Kiêu là chẳng hạn như tại Ấn Độ có bốn chủng tánh (Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá, và Thủ-đà-la) sai biệt. Vì xuất sanh thuộc chủng tánh cao quý như Bà-la-môn và Sát-đế-lợi mà sanh khởi Kiêu. Đó gọi là “tộc tánh Kiêu”.

          So sánh giữa Mạn và Kiêu, Mạn là so sánh chuyện tốt lành hữu lậu của chính mình với người khác, do vì vượt trỗi kẻ khác mà nội tâm cao ngạo. Kiêu là nhiễm đắm chuyện tốt lành hữu lậu của chính mình, nội tâm vui sướng, chẳng so đo với người khác.

1.1.2.4.2.1.5.1.10. Hại

          (Luận) Vân hà Hại? Vị ư chúng sanh, tổn não vi tánh. Thị Sân chi phần. Tổn não giả, vị gia tiên, trượng đẳng, tức thử sở y vi nghiệp.

          ()云何害謂於眾生。損惱為性。是瞋之分。損惱者。謂加鞭杖等。即此所依為業。

          (Luận: Hại là như thế nào? Chính là có tánh chất tổn thương, gây phiền não cho chúng sanh. Nó là một phần của Sân. “Tổn não” là dùng roi, gậy v.v… đánh đập, đấy là chỗ y cứ cho nghiệp dụng của nó).

          Thể tánh của Hại là tổn hại, bức bách, gây khổ não cho chúng sanh; nó là một phần của Sân. Phương pháp gây tổn hại, khiến chúng sanh khổ não là dùng roi, côn gỗ, đao gươm, súng v.v… Nghiệp dụng của Hại là làm chỗ y cứ cho việc dùng các phương pháp như roi v.v… bức bách não hại chúng sanh, Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Hại đại để giống như luận này.

          Tiểu Tùy Phiền Não là phần vị sai biệt của Căn Bản Phiền Não. Nói theo chánh nghĩa của Thành Duy Thức Luận, Phẫn, Hận, Não, Tật, và Hại là nương theo một phần của Sân mà giả lập, Phú, Cuống, và Siểm là nương theo phần vị của hai pháp Tham và Si mà giả lập, Xan và Kiêu là nương theo phần vị của Tham mà giả lập.

1.1.2.4.2.1.5.2. Trung Tùy Phiền Não Tâm Sở (chia thành hai đoạn)

1.1.2.4.2.1.5.2.1. Vô Tàm

          (Luận) Vân hà Vô Tàm? Vị sở tác tội, bất tự tu sỉ vi tánh. Nhất thiết phiền não cập tùy phiền não trợ bạn vi nghiệp.

          ()云何無慚謂所作罪。不自羞恥為性。一切煩惱。及隨煩惱。助伴為業。

          (Luận: Vô Tàm là như thế nào? Nghĩa là đối với tội đã tạo, có tánh chất chẳng tự hổ thẹn. Nghiệp dụng của nó là phụ trợ hết thảy các phiền não và tùy phiền não).

          Thể tánh của Vô Tàm là “sở tác tội, bất tự tu sỉ vi tánh”, tức là đối với tội nghiệp đã tạo, đối diện với chính mình, sẽ chẳng cảm thấy xấu hổ. Nghiệp dụng của Vô Tàm là “nhất thiết phiền não cập tùy phiền não trợ bạn vi nghiệp”, [nghĩa là] nó sẽ phụ trợ hết thảy Căn Bản Phiền Não và Tùy Phiền Não.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh Vô Tàm như sau: “Vân hà Vô Tàm? Bất cố tự, pháp, khinh cự hiền thiện vi tánh; năng chướng ngại Tàm, sanh trưởng ác hạnh vi nghiệp” (Vô Tàm là như thế nào? Có tánh chất chẳng đoái hoài chính mình và pháp, coi thường, cự tuyệt bậc hiền thiện. Nghiệp dụng của Vô Tàm là có thể chướng ngại Tàm, sanh trưởng ác hạnh). Thể tánh của Vô Tàm là chẳng tôn trọng, chẳng đoái hoài phẩm cách của chính mình lẫn chân lý thế gian và xuất thế gian, khinh rẻ người hiền lương, cự tuyệt thiện pháp. Nghiệp dụng của Vô Tàm là có thể chướng ngại Tàm, sanh trưởng ác hạnh.

1.1.2.4.2.1.5.2.2. Vô Quý

          (Luận) Vân hà Vô Quý? Vị sở tác tội, bất tu tha vi tánh, nghiệp như Vô Tàm thuyết.

          ()云何無愧謂所作罪。不羞他為性。業如無慚

          (Luận: Vô Quý là như thế nào? Chính là có tánh chất đối với tội đã làm, chẳng xấu hổ với người khác, nghiệp dụng như đã nói trong phần Vô Tàm).

          Thể tánh của Vô Quý là “sở tác tội, bất tu tha vi tánh”, nghĩa là đối với tội nghiệp đã làm, đối diện với kẻ khác, sẽ chẳng cảm thấy xấu hổ. Nghiệp dụng của Vô Quý giống như Vô Tàm.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Vô Quý như sau: “Vân hà Vô Quý? Bất cố thế gian, sùng trọng bạo ác vi tánh, năng chướng ngại Quý, sanh trưởng ác hạnh vi nghiệp” (Vô Quý là như thế nào? Có tánh chất chẳng đoái hoài thế gian, coi trọng, đề cao bạo ác. Nghiệp dụng là có thể chướng ngại Quý, sanh trưởng ác hạnh). Thể tánh của Vô Quý là chẳng tôn trọng, chẳng đoái hoài hay lo lắng bị dư luận thế gian phê bình, chỉ trích. [Kẻ Vô Quý] là kẻ sùng kính sự bạo ác, tôn trọng ác pháp. Nghiệp dụng của Vô Quý là có thể chướng ngại Quý, sanh trưởng ác hạnh.

          Nói theo kinh Tạp A Hàm, có hai thứ pháp thanh tịnh là Tàm và Quý, có thể thủ hộ thế gian. Giả sử thế gian chẳng có Tàm và Quý, ở đây là nói hai thứ pháp tạp nhiễm Vô Tàm và Vô Quý, thế gian sẽ chẳng biết cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, họ hàng, sư trưởng, trật tự tôn ty, điên đảo, hỗn loạn, giống như súc sanh vậy!

1.1.2.4.2.1.5.3. Đại Tùy Phiền Não Tâm Sở (chia làm tám đoạn)

1.1.2.4.2.1.5.3.1. Hôn Trầm

          (Luận) Vân hà Hôn Trầm? Vị tâm bất điều sướng, vô sở kham nhậm, mông muội vi tánh; thị Si chi phần, dữ nhất thiết phiền não cập tùy phiền não sở y vi nghiệp.

          ()云何昏沈謂心不調暢。無所堪任。蒙昧為性。是癡之分。與一切煩惱。及隨煩惱。所依為業。

          (Luận: Hôn Trầm là như thế nào? Chính là tâm chẳng điều hòa, thoải mái, có tánh chất chẳng thể đảm đương tu thiện đoạn ác, tối tăm. Nó là một phần của Si. Nghiệp dụng là làm chỗ y cứ cho hết thảy phiền não và tùy phiền não).

          Thể tánh của Hôn Trầm là “tâm bất điều sướng, vô sở kham nhậm, mông muội vi tánh”, [nghĩa là] trong tâm chẳng điều hòa, thoải mái, chẳng có năng lực đảm đương tu thiện, đoạn ác (lời Luận nói là “chẳng thể kham nhậm”), tối tăm ngu muội, mê mờ, hồ đồ, chẳng hiểu rõ Sự Lý. Nghiệp dụng của Hôn Trầm là “dữ nhất thiết phiền não cập tùy phiền não sở y vi nghiệp”, [tức là Hôn Trầm] dẫn khởi hết thảy Căn Bản Phiền Não và Tùy Phiền Não.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Hôn Trầm như sau: “Vân hà Hôn Trầm? Linh tâm ư cảnh, vô kham nhậm vi tánh, năng chướng Khinh An, Tỳ-bát-xá-na vi nghiệp” (Hôn Trầm là như thế nào? Có tánh chất khiến cho tâm đối với cảnh sẽ chẳng thể đảm đương tu thiện, đoạn ác, có nghiệp dụng là chướng ngại Khinh An và Tỳ-bát-xá-na). Thể tánh của Hôn Trầm là đối với cảnh được quán, nội tâm mơ hồ, vô tri, chẳng thể đảm đương tác dụng quán chiếu hoặc đoạn ác tu thiện được! Như khi tu học Trì Danh Niệm Phật, nội tâm hôn trầm, chẳng có cách nào chuyên chú nơi phẩm đức của Phật. Nghiệp dụng của Hôn Trầm là có thể chướng ngại Khinh An và Tỳ-bát-xá-na (tiếng Phạn là Vipaśyanā, dịch nghĩa là Quán). Như khi tu học Vô Thường Quán, do vì Hôn Trầm, cho nên nội tâm chẳng có cách nào chọn lựa dứt khoát nghĩa lý vô thường. Đấy là nói nhấn mạnh, chứ thật ra, Hôn Trầm cũng có thể chướng ngại Xa-ma-tha (tiếng Phạn là Śamatha, dịch nghĩa là Chỉ). Vì Hôn Trầm, tâm lực yếu đuối, mỏng manh, cho nên nội tâm tất nhiên chẳng thể kham chuyên chú một cảnh được!

          Luận này nói: Hôn Trầm thuộc về một phần Si, có nghĩa là: Hôn Trầm có thể tánh của riêng mình. Hôn Trầm và Si có gì khác biệt? Thành Duy Thức Luận nói: “Thử dữ Si tướng hữu sai biệt giả, vị Si ư cảnh mê ám vi tướng, chánh chướng Vô Si, nhi phi mông trọng. Hôn Trầm ư cảnh mông trọng vi tướng, chánh chướng Khinh An, nhi phi mê ám” (Pháp này và Si tướng có sai biệt như sau: Si có tướng trạng là mê ám đối với cảnh, thật sự chướng ngại Vô Si, chẳng phải gây ra mờ mịt, trầm trệ. Hôn Trầm có tướng trạng đối với cảnh bèn mờ mịt, trầm trệ, thật sự chướng ngại Khinh An, chẳng phải là mê muội, tối tăm). “Mông trọng” (瞢重) là khiến cho thân lẫn tâm chẳng thể điều hòa, thoải mái, chẳng thể đảm nhiệm công năng đoạn trừ ác pháp, tu tập thiện pháp. Do vậy có thể biết rằng: Hôn Trầm và Si có sai biệt, như vị cư sĩ nọ lúc thông thường hiểu rõ đạo lý “các Hành vô thường”; đấy là Vô Si. Hiện thời, vì mệt mỏi mà hôn trầm, cho nên mới chẳng hiểu rõ đạo lý “các Hành vô thường”. Hàng phàm phu thường chẳng hiểu rõ đạo lý “các Hành vô thường”. Đấy là Si, dẫu hiện thời tinh thần rất tốt, chẳng hôn trầm, vẫn chẳng hiểu rõ đạo lý “các Hành vô thường”.

          Du Già Sư Địa Luận nói: “Trong quá trình tu Chỉ để chứng đắc các môn Tĩnh Lự, Đẳng Chí v.v… có năm loại pháp chướng ngại. Vì năm loại pháp chướng ngại ấy sẽ che lấp thiện tâm, cho nên lại gọi là Ngũ Cái (五蓋, năm thứ che đậy): Một là Tham Dục Cái; hai là Sân Khuể Cái; ba là Hôn Trầm Thùy Miên Cái; bốn là Điệu Cử Ác Tác Cái; năm là Nghi Cái”. Những món phiền não khác cũng có thể che lấp thiện tâm, vì sao đức Như Lai chỉ nói năm thứ pháp chướng ngại ấy là Ngũ Cái? Vì sức che đậy của năm thứ pháp chướng ngại ấy đặc biệt mạnh mẽ, có thể chướng ngại Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, và Giải Thoát Tri Kiến. Do đó, đức Như Lai chỉ nói năm thứ pháp chướng ngại ấy là Ngũ Cái. Như trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận có nói: “Các thứ phiền não đều có nghĩa Cái (che đậy), cớ sao đức Như Lai chỉ nói năm món này? Chỉ có năm món này là có thể ngăn chướng Ngũ Uẩn mạnh mẽ nhất, tức là Tham Khuể Cái có thể chướng Giới Uẩn, Hôn Trầm Thùy Miên Cái có thể chướng ngại Huệ Uẩn, Điệu Cử Ác Tác Cái có thể chướng ngại Định Uẩn. Do chẳng có Định và Huệ, cho nên nghi ngờ Tứ Đế. Do nghi nên khiến cho Giải Thoát và Giải Thoát Tri Kiến đều chẳng thể dấy lên. Vì thế, chỉ có năm món này được xếp thành Cái”.

          Hôn Trầm cùng với Thùy Miên (ngủ mê) đều có thể tánh khác biệt. Vì sao hai món ấy được gộp chung thành một Cái? Du Già Sư Địa Luận nói: Sanh khởi phiền não, làm hư hoại, đoạn dứt các gia hạnh; đấy là tánh chất của Hôn Trầm. Tâm tột bậc tối tăm, qua loa; đấy là tánh chất của Thùy Miên. Vì vậy, hai món này được gộp chung lại, gọi là một Cái. Hơn nữa, hôn muội (mờ mịt, tối tăm) có tánh chất chẳng thể đảm đương công năng [quán chiếu, đoạn ác, tu thiện], thì gọi là Hôn Trầm. Cái tâm Hôn Trầm tột bậc qua quýt thì gọi là Thùy Miên. Do vậy, khi Hôn Trầm sanh ra các thứ phiền não và Tùy Phiền Não, chẳng có các cận duyên khác, giống như kẻ đang ngủ vậy. Các phiền não và tùy phiền não khác hoặc là đáng nên sanh ra, hoặc chẳng nên sanh ra. Nếu sanh ra hôn trầm, mờ mịt, Thùy Miên nhất định sẽ sanh khởi”. Nếu thật sự có Hôn Trầm nhẹ, ít, mà chẳng đối trị, sẽ có thể chuyển biến thành Hôn Trầm cực nặng, nhất định sẽ tiến thêm bước nữa là sanh ra Thùy Miên (ngủ gục), cho đến ngủ say, Ý Thức tạm thời chẳng có tác dụng. Do vậy, gộp chung Hôn Trầm và Thùy Miên, lập ra một món Cái. Thể tánh và nghiệp dụng của Thùy Miên sẽ lại được nói tường tận, rõ ràng trong phần Bất Định Tâm Sở.

          A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận lại nói: “Vì sao trong hai món Cái là Hôn Miên (Hôn Trầm và Thùy Miên) và Điệu Hối (Điệu Cử và Hậu Hối tức Ác Tác), mỗi món trong đó có thể tánh khác nhau, lại gộp chung thành một? Do Thực, Trị, và Dụng giống nhau, cho nên gộp lại, lập thành một món. Thực là nói tới cái để ăn, còn gọi là Tư Lương. Trị là có thể đối trị, cũng gọi là Phi Thực (chẳng ăn). Dụng là nói tới Sự Dụng (tác dụng về mặt Sự), còn gọi là Công Năng. Do trong kinh này nói như thế đó. Hôn (Hôn Trầm) và Miên (Thùy Miên) tuy là hai, nhưng Thực và Phi Thực giống nhau. Những gì gọi là Hôn Miên Cái Thực? Tức là năm loại pháp: Một là mơ màng, hai là chẳng vui sướng, ba là tần thân, bốn là thực bất bình tánh, năm là tâm muội liệt tánh3. Những gì là Phi Thực của món Cái này? Chính là nói đến quang minh tưởng. Hai loại như thế, Sự và Dụng cũng như nhau, có nghĩa là đều khiến cho tâm tánh chìm xuống, tối tăm”.

          Vì nguyên nhân khiến cho Hôn Trầm và Thùy Miên sanh khởi, phương pháp đối trị và công dụng của chúng giống nhau, cho nên gộp chung Hôn Trầm và Thùy Miên, lập thành một món Cái. Trong ấy, nói đến nguyên nhân khiến cho Hôn Trầm và Thùy Miên sanh khởi thì có nhiều thứ, hoặc là tướng hắc ám tư duy chẳng đúng lý, hoặc tâm chẳng ưa thích pháp môn tu hành, hoặc do ngủ nghê chẳng đủ mà ngủ gục, hoặc là ăn quá no, hoặc ăn những món ăn chẳng thích hợp do chiên xào quá nhiều dầu mỡ v.v…, hoặc ăn quá ít, chẳng đủ dinh dưỡng, hoặc gầy mòn, mệt mỏi, hoặc tâm lực yếu ớt v.v… Thân thể quá mệt mỏi, hoặc ngủ chẳng đủ, cũng sẽ bị Hôn Trầm. Tuy chẳng phải là ác pháp, nhưng Hôn Trầm có thể chướng ngại Định, Huệ, hãy nên đối trị ổn thỏa. Trong ấy (trong đoạn trích dẫn trên đây), phương pháp đối trị chỉ nói đến “quang minh tưởng”, chủ yếu là đối trị “tướng hắc ám do tư duy chẳng đúng lý”. Nói rộng rãi, còn có những phương pháp đối trị khác, hoặc là tư duy công đức của pháp môn tu hành mà sanh khởi tâm vui thích, hoặc điều tiết sự ăn uống, hoặc nghỉ ngơi thích đáng hòng tiêu trừ mệt mỏi, khiến cho tinh thần no đủ, hoặc rèn luyện thân thể, tăng cường tâm lực, khiến cho thân tâm mạnh mẽ v.v…

          Vì Hôn Trầm Thùy Miên Cái hết sức khó nhận biết, rất khó đối trị, cho nên có thể tham khảo phẩm Trường Thọ Vương trong kinh Trưởng Lão Thượng Tôn Thùy Miên thuộc Trung A Hàm Kinh.

1.1.2.4.2.1.5.3.2. Điệu Cử

          (Luận) Vân hà Điệu Cử? Vị tùy ức niệm hỷ lạc đẳng sự, tâm bất tịch tĩnh vi tánh. Ưng tri ức niệm tiên sở du hý, hoan tiếu đẳng sự, tâm bất tịch tĩnh, thị Tham chi phần, chướng Xa-ma-tha vi nghiệp.

          ()云何掉舉謂隨憶念喜樂等事。心不寂靜為性。應知憶念先所遊戲歡笑等事。心不寂靜。是貪之分。障奢摩他為業。

          (Luận: Điệu Cử là như thế nào? Nghĩa là có tánh chất do nghĩ nhớ các chuyện vui sướng v.v… mà tâm chẳng tịch tĩnh. Hãy nên biết nghĩ nhớ những chuyện như vui chơi, vui cười trước đó v.v… mà tâm chẳng tịch tĩnh. Nó có một phần của Tham, có nghiệp dụng chướng ngại Xa-ma-tha).

          Thể tánh của Điệu Cử, “tùy ức niệm hỷ lạc đẳng sự, tâm bất tịch tĩnh vi tánh”, [ý nói] thuận theo sự nghĩ nhớ những chuyện như hoan hỷ, vui sướng v.v… Chẳng hạn như nghĩ nhớ những chốn đã từng đến vui chơi, những chuyện vui cười trong quá khứ v.v… suy nghĩ lung tung, tâm chẳng bình lặng. Nghiệp dụng của Điệu Cử là chướng ngại Xa-ma-tha. Luận này nói Điệu Cử có một phần thuộc về Tham, có nghĩa là: Điệu Cử có thể tánh riêng biệt của chính mình, trọn khắp các tâm ô nhiễm, là thật pháp, chẳng phải là giả pháp, chẳng phải là một phần của Tham! Biệt tướng của Điệu Cử là “hiêu động” (囂動, bắng nhắng, nhặng xị), tức là làm duyên chẳng tĩnh lặng cho các pháp cùng sanh khởi. Nói theo chỗ chánh yếu, Điệu Cử chướng ngại tu Chỉ, nhưng trên thực tế, Điệu Cử cũng chướng ngại tu Quán. Nội tâm trồi hụp, lăng xăng, chẳng thể tĩnh lặng, sẽ không thể phân định Sự Lý của sở duyên rõ ràng, chánh xác được. Thành Duy Thức Luận thuyết minh Điệu Cử đại để giống như luận này.

          Điệu Cử và Ác Tác mỗi món có thể tánh riêng biệt, vì sao gộp chung hai món để lập thành một món Cái? Du Già Sư Địa Luận nói: Vì Điệu Cử và Ác Tác có cảnh giới được duyên giống nhau, đều là “thân thuộc tầm tư, quốc độ tầm tư, hoặc tùy ức niệm tích sở kinh lịch hỷ tiếu hoan ngu sở hành chi sự” (nghĩ ngợi về thân thuộc, nghĩ ngợi về cõi nước, hoặc nghĩ nhớ đến những chuyện vui cười, sướng vui đã từng trải qua khi xưa). Do vậy, gộp chung hai món ấy, lập thành một Cái. Hơn nữa, dẫu cho cảnh giới được duyên chẳng tương đồng, nhưng vì Điệu Cử khiến cho nội tâm xáo động, trồi hụp, Ác Tác khiến cho nội tâm lo âu, tham luyến, nhớ lại rồi áo não, hối hận, đều là những thứ suy nghĩ, tìm tòi xáo động, chẳng bình lặng trong nội tâm. Nghiệp dụng của hai món ấy tương tự, cho nên gọi gộp chung thành một Cái. Thể tánh và nghiệp dụng của Ác Tác sẽ lại được nói cặn kẽ trong phần Bất Định Tâm Sở.

          A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận lại nói: “Điệu và Hối tuy là hai [pháp khác nhau], nhưng Thực (những duyên khiến cho nó tăng trưởng) và Phi Thực (phương pháp để đối trị) giống nhau. Những gì gọi là Điệu Hối Cái Thực (những pháp khiến cho Điệu Hối Cái sanh khởi, tăng trưởng)? Chính là bốn thứ pháp. Một là thân lý tư (nghĩ đến người thân), hai là quốc độ tư, ba là bất tử tầm (tìm tòi lẽ bất tử), bốn là thuận theo ý niệm, dựa theo các chuyện giỡn cười, vui sướng, phụng sự v.v… đã từng trải qua khi trước. Những gì gọi Phi Thực (cách đối trị) của món Cái này? Chính là Xa-ma-tha. Sự Dụng (tác dụng) của hai pháp này cũng giống nhau, tức là đều có thể khiến cho tâm chẳng tịch tĩnh”. Vì nguyên nhân sanh khởi của Điệu Cử và Ác Tác (luận Câu Xá gọi [nguyên nhân sanh khởi ấy] là Thực), phương pháp đối trị ([luận Câu Xá gọi cách đối trị là] Phi Thực), cũng như công dụng [của hai món Tâm Sở này] đều tương đồng, cho nên gộp chung Điệu Cử và Ác Tác hợp thành một Cái. Đối với nguyên nhân sanh khởi Điệu Cử, ở đây chú trọng nói tới cảnh được duyên, [tức là] hoặc là nghĩ tới thân hữu, hoặc nghĩ ngợi về quê nhà, hoặc nghĩ ngợi chính mình còn trẻ trung, chẳng nên xuất gia, hoặc nhớ nghĩ những chuyện vui sướng trong quá khứ v.v…

          Phương pháp để đối trị Điệu Cử là tu Chỉ. Tâm giữ sao cho liên tục chuyên chú nơi cảnh giới tương đồng. Chẳng hạn như khi tu học niệm Phật, nếu Điệu Cử yếu mỏng sanh khởi, tâm hãy đặc biệt tác ý chuyên chú nơi tượng Phật hoặc Phật đức (công đức, đức hạnh của Phật), Điệu Cử sẽ bị tiêu mất. Nếu sức của Điệu Cử lớn mạnh, chẳng thể niệm Phật, có thể tạm thời thay đổi cảnh được duyên, như tư duy những lỗi hại của những vọng tưởng hoặc những điều nghĩ ngợi ấy rồi sanh tâm nhàm lìa, hoặc tu Tử Tưởng, Bất Tịnh Quán v.v… Sau khi đã hàng phục Điệu Cử, sẽ lại tiếp tục niệm Phật. Tuy nghĩ đến thân hữu v.v… chẳng phải là ác pháp, nhưng những thứ nghĩ ngợi ấy có thể khiến cho nội tâm lao chao, chướng ngại tu học Chỉ, Quán. Do vậy, phải nên đối trị thỏa đáng món phiền não này!

1.1.2.4.2.1.5.3.3. Bất Tín

          (Luận) Vân hà Bất Tín? Vị Tín sở trị. Ư nghiệp, quả đẳng, bất chánh tín thuận, tâm bất thanh tịnh vi tánh. Năng dữ Giải Đãi sở y vi nghiệp.

          ()云何不信謂信所治。於業果等。不正信順。心不清淨為性。能與懈怠。所依為業。

          (Luận: Bất Tín là như thế nào? Chính là pháp được đối trị bởi Tín. Đối với nghiệp, quả v.v… [Bất Tín] lại có tánh chất chẳng tín thuận đúng lẽ, tâm chẳng thanh tịnh. Nghiệp dụng là có thể làm chỗ y cứ cho Giải Đãi).

          Thể tánh của Bất Tín, “Tín sở trị, ư nghiệp, quả đẳng, bất chánh tín thuận, tâm bất thanh tịnh vi tánh”, nghĩa là: [Bất Tín] chính là điều được đối trị bởi Tín. Đối với nghiệp, quả, Tứ Đế, Tam Bảo v.v… do chẳng liễu giải chánh xác, phù hợp, thuận tùng, trong tâm có đủ mọi nỗi hoài nghi, cho nên chẳng thanh tịnh. Nghiệp dụng của Bất Tín là “năng dữ Giải Đãi sở y vi nghiệp” (có nghiệp dụng làm chỗ y cứ cho Giải Đãi), [tức là] có thể sanh khởi Giải Đãi. Ý nghĩa của “nghiệp, quả, Tứ Đế, Tam Bảo” như đã nói rõ trong phần Tín Thiện Tâm Sở. Tín có thể đối trị Bất Tín; ngược lại, Bất Tín có thể chướng ngại Tín. Tuy do Bất Tín chẳng nhất định sẽ làm chuyện ác, có thể chỉ là hữu phú vô ký tánh, nhưng nó có thể chướng ngại các thiện pháp như Tín v.v… sanh khởi. Do điều này, hãy nên tăng cường đối trị [Bất Tín] hòng hàng phục, diệt trừ nó.

          Bất Tín tức là chẳng thể lý giải chánh xác sâu đậm Sự Lý “tạo tác cái nhân bất thiện, khi nghiệp lực chín muồi, sẽ cảm lạc quả; tạo tác nghiệp nhân ác, khi nghiệp lực chín muồi, sẽ cảm khổ quả”, Sự Lý của bậc thánh nhân Tứ Quả, Sự Lý của Tứ Thánh Đế, và Sự Lý của Tam Bảo. Đối với những Sự Lý ấy, chẳng thể thuận tùng, phù hợp, có rất nhiều hoài nghi, nội tâm sẽ chẳng thanh tịnh, đục ngòm, ô uế.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh Bất Tín như sau: “Vân hà Bất Tín? Ư Thật, Đức, Năng, bất nhẫn, lạc, dục, tâm uế vi tánh, năng chướng tịnh tín, nọa y vi nghiệp” [có nghĩa là] thể tánh của Bất Tín là đối với Thật, Đức, Năng, chẳng thể chịu đựng được, do các phiền não như ưa thích, mong muốn, ôm lòng hoài nghi v.v… khiến cho cái tâm đục ngòm, ô uế. Ý nghĩa của Thật, Đức, Năng đã được nói rõ trong phần luận về Tín Thiện Tâm Sở. Nghiệp dụng của Bất Tín là có thể chướng ngại Tịnh Tín, làm chỗ y cứ cho lười nhác, tức là có thể sanh khởi Giải Đãi.

          Trong phần Tín của Thiện Tâm Sở có nói: “Nhẫn” là Thắng Giải tâm sở, là cái nhân của Tín. “Lạc, Dục” là Dục Tâm Sở, là cái quả của Tín. Nội tâm thanh tịnh chính là thể tánh của Tín. Vì Thắng Giải và Dục Tâm Sở bao gồm tánh thiện, tánh ác, và tánh vô ký, cho nên Thắng Giải Tâm Sở có tánh ác và tánh vô ký chính là cái nhân của Bất Tín. Dục Tâm Sở có tánh ác và tánh vô ký là cái quả của Bất Tín. Nội tâm đục ngòm, ô uế chính là thể tánh của Bất Tín. Chẳng hạn như nếu Thắng Giải đối với Sự Lý của các tôn giáo tà ác mà chẳng hoài nghi, sẽ tín thuận những loại tôn giáo ấy (“tín thuận” ở đây có cả ba tánh), nhưng đối với Phật pháp, sẽ nẩy sanh rất nhiều hoài nghi. Vì thế, nội tâm đục ngòm, ô uế. Nương cậy Bất Tín có tánh ác thì sẽ sanh khởi Dục nguyện có tánh ác. Nương cậy Dục nguyện có tánh ác, sẽ sanh khởi Giải Đãi có tánh ác, sẽ nỗ lực dứt thiện, làm ác, cho đến tạo tác ác nghiệp cực nặng, bèn đọa lạc vào địa ngục Vô Gián.

1.1.2.4.2.1.5.3.4. Giải Đãi

          (Luận) Vân hà Giải Đãi? Vị Tinh Tấn sở trị, ư chư thiện phẩm, tâm bất dũng tấn vi tánh, năng chướng cần tu chúng thiện vi nghiệp.

          ()云何懈怠謂精進所治。於諸善品。心不勇進為性。能障勤修眾善為業。

          (Luận: Giải Đãi là như thế nào? Chính là điều bị đối trị bởi Tinh Tấn. Nó có tánh chất chẳng dũng mãnh, chẳng tinh tấn đối với các điều thiện. Nghiệp dụng là có thể chướng ngại việc siêng tu các điều thiện).

          Thể tánh của Giải Đãi là “Tinh Tấn sở trị, ư chư thiện phẩm, tâm bất dũng tấn vi tánh”, nghĩa là nó chính là pháp bị đối trị bởi Tinh Tấn. Đối với các thiện pháp, tâm chẳng siêng năng, chẳng phấn chấn dũng mãnh, chẳng thăng tấn. Nghiệp dụng của Giải Đãi là “năng chướng cần tu chúng thiện vi nghiệp”, [nghĩa là nó] có thể chướng ngại việc siêng năng, dũng mãnh tu học các thứ thiện pháp.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Giải Đãi như sau: “Vân hà Giải Đãi? Ư thiện ác phẩm, tu đoạn sự trung, lãn nọa vi tánh, năng chướng Tinh Tấn, tăng nhiễm vi nghiệp” (Giải Đãi là như thế nào? Đối với các thiện phẩm và ác phẩm, trong chuyện tu chứng và đoạn trừ, nó có tánh chất lười nhác. Nghiệp dụng là có thể chướng ngại Tinh Tấn, tăng trưởng pháp tạp nhiễm). Thể tánh của Giải Đãi là đối với việc đoạn trừ ác pháp và tu học thiện pháp, bèn lười nhác, tán loạn, biếng trễ. Nghiệp dụng của Giải Đãi là có thể chướng ngại Tinh Tấn, tăng trưởng pháp tạp nhiễm. Tinh Tấn có thể đối trị Giải Đãi; ngược lại, Giải Đãi có thể chướng ngại Tinh Tấn. Giải Đãi có cả tánh ác lẫn tánh hữu phú vô ký. Tuy Giải Đãi có tánh hữu phú vô ký chẳng phải là làm chuyện ác, nhưng nó có thể chướng ngại các thiện pháp như Tinh Tấn v.v… sanh khởi. Do vậy, phải nên ra sức đối trị thứ này, hàng phục, diệt trừ nó. Như Hiển Dương Thánh Giáo Luận đã nói: Vì tham cầu sự vui sướng do dựa, nằm, mà tham đắm ngủ nghê. Hoặc vì khinh miệt chính mình mà sợ hãi sự thăng tấn. Vì thế, đối với chuyện “đoạn ác, tu thiện”, tâm chẳng siêng gắng, hăng hái, như thế chính là Giải Đãi. Tinh Tấn chỉ có tánh thiện; vì thế, dẫu siêng năng, phấn chấn làm chuyện có tánh chất vô phú vô ký, sẽ chẳng phải là Tinh Tấn, mà đâm ra còn chướng ngại chuyện tu học thiện pháp. Như tốn quá nhiều thời gian để luyện tập kỹ xảo điêu khắc, cũng sẽ chướng ngại tu tập Chỉ, Quán. Vì thế, khi tinh tấn tu học Chỉ, Quán, cũng nên tạm thời lìa bỏ [những chuyện không liên quan đến việc tu học].

1.1.2.4.2.1.5.3.5. Phóng Dật

          (Luận) Vân hà Phóng Dật? Vị y Tham, Sân, Si, Giải Đãi cố, ư chư phiền não, tâm bất phòng hộ. Ư chư thiện phẩm, bất năng tu tập vi tánh. Bất thiện tăng trưởng, thiện pháp thoái thất sở y vi nghiệp.

          ()云何放逸謂依貪瞋癡懈怠故。於諸煩惱。心不防護。於諸善品。不能修習為性。不善增長。善法退失。所依為業。

          (Luận: Phóng Dật là như thế nào? Tức là thể tánh của nó là do nương vào Tham, Sân, Si, và Giải Đãi, cho nên đối với các phiền não, tâm chẳng ngăn ngừa, đối với các thiện phẩm, chẳng thể tu tập. Nghiệp dụng là làm chỗ nương tựa để tăng trưởng điều bất thiện, thoái thất thiện pháp).

          Thể tánh của Phóng Dật, “ư chư phiền não, tâm bất phòng hộ. Ư chư thiện phẩm, bất năng tu tập vi tánh”, [nghĩa là] chẳng thể cẩn thận ngăn ngừa các ác pháp do phiền não sanh khởi, mà cũng chẳng thể nỗ lực tu hành các thứ thiện pháp. Phóng Dật do nương vào phần vị của bốn pháp Tham, Sân, Si, và Giải Đãi mà giả lập. Nó là giả pháp. Nghiệp dụng của Phóng Dật là “bất thiện tăng trưởng, thiện pháp thoái thất sở y vi nghiệp”, [tức là] nó khiến cho pháp bất thiện tăng trưởng, khiến cho thiện pháp thoái thất, thậm chí khiến cho hết thảy các thiện pháp đều diệt sạch.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Phóng Dật đại để giống như luận này4. Trong ấy, “túng đãng” (縱蕩) tức là khiến cho thân tâm phóng túng, buông thả, giống như kẻ chăn trâu bỏ mặc cho trâu chạy lung tung, nó sẽ xâm phạm nông sản trong ruộng.

          Các phiền não như Mạn, Nghi v.v… cũng chẳng phải là pháp ô nhiễm không thể ngăn ngừa. Tu học pháp thanh tịnh, vì sao chẳng căn cứ trên Mạn, Nghi v.v… [để ngăn ngừa, đối trị] mà lập ra Phóng Dật? Vì so sánh giữa Mạn, Nghi với bốn pháp Tham, Sân, Si, Giải Đãi thì thế lực và tác dụng [của Mạn, Nghi] nhỏ nhoi, kém cỏi, bốn pháp Tham, Sân, Si, và Giải Đãi có thể chướng ngại Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Tinh Tấn. Thế lực và tác dụng của chúng mạnh mẽ, vượt trỗi. Vì thế, dựa theo bốn pháp ấy mà lập ra Phóng Dật.

1.1.2.4.2.1.5.3.6. Thất Niệm

          (Luận) Vân hà Thất Niệm? Vị nhiễm ô niệm, ư chư thiện pháp, bất năng minh ký vi tánh. Nhiễm ô niệm giả, vị phiền não câu. Ư thiện bất minh ký giả, vị ư chánh giáo thọ, bất năng ức trì nghĩa, năng dữ tán loạn sở y vi nghiệp.

          ()云何失念謂染污念。於諸善法。不能明記為性。染污念者。謂煩惱俱。於善不明記者。謂於正教授。不能憶持義能與散亂所依為業。

          (Luận: Thất Niệm là như thế nào? Chính là ý niệm ô nhiễm, đối với các thiện pháp, có tánh chất chẳng thể nhớ rõ. “Ý niệm ô nhiễm” nghĩa là nó đồng thời sanh khởi với phiền não. “Chẳng nhớ rõ điều thiện” nghĩa là đối với sự dạy bảo chánh đáng, chẳng thể nhớ, giữ. Nghiệp dụng của nó làm chỗ y cứ cho Tán Loạn).

          Thể tánh của Thất Niệm “ư chư thiện pháp, bất năng minh ký vi tánh”, [nghĩa là] đối với các thứ thiện pháp, chẳng thể ghi nhớ rõ ràng, như đối với những dạy bảo chánh đáng của thiện tri thức bèn chẳng thể nhớ, giữ. Nghiệp dụng của Thất Niệm là “năng dữ Tán Loạn sở y vi nghiệp”, [tức là] có thể làm chỗ y cứ cho Tán Loạn. Ý nghĩa của Tán Loạn sẽ được thuyết minh tường tận trong phần sau. Thành Duy Thức Luận thuyết minh Thất Niệm đại để tương đồng với luận này.

          Luận này nói: Thất Niệm là “nhiễm ô niệm”, tức là Niệm sanh khởi đồng thời với phiền não, tức là Niệm thuộc ác tánh, hoặc hữu phú vô ký tánh, tức là dựa theo phần vị của Niệm để giả lập, cho nên là giả pháp. Dựa theo chánh nghĩa trong Thành Duy Thức Luận: Thất Niệm dựa trên phần vị của hai pháp Niệm và Si mà giả lập. Như đối với chuyện ác hoặc chuyện ô nhiễm, bèn ghi nhớ rất rõ rệt, nhưng đối với chuyện thiện thì ghi nhớ rất mơ hồ. Tuy có sức ký ức, nhưng chẳng hiểu rõ ràng Sự Lý. Thất Niệm có tánh chất hữu phú vô ký thì tuy chẳng phải là ác pháp, nhưng nó có thể chướng ngại thiện pháp sanh khởi. Do vậy, phải nên ra sức đối trị để hàng phục, diệt trừ nó. Như khi niệm Phật, chẳng nghĩ nhớ công đức của Phật, mà lại bị vọng tưởng gián đoạn, nghĩ nhớ những chuyện hoan lạc ô nhiễm trong quá khứ, cho nên chẳng thể thành tựu các công đức nơi Định, Huệ v.v… Tu học Phật pháp, phải nên hàng phục, diệt trừ Thất Niệm, luôn luôn gìn giữ chánh niệm hiện tiền, cho đến khi lâm chung, vẫn có thể gìn giữ chánh niệm hiện tiền.

1.1.2.4.2.1.5.3.7. Tán Loạn

          (Luận) Vân hà Tán Loạn? Vị Tham, Sân, Si phần, linh tâm, tâm pháp lưu tán vi tánh, năng chướng ly dục vi nghiệp.

          ()云何散亂謂貪瞋癡分。令心心法流散為性。能障離欲為業。

          (Luận: Tán Loạn là như thế nào? Tức là một phần thuộc về Tham, Sân, Si, có tánh chất khiến cho tâm và tâm pháp rã rời, tan tác, nghiệp dụng là có thể chướng ngại Ly Dục).

          Thể tánh của Tán Loạn “linh tâm, tâm pháp lưu tán vi tánh”, [tức là] khiến cho Tâm Thức và Tâm Sở Pháp tương ứng [với những Tâm Sở ấy] bị dời đổi, tan tác, suy nghĩ loạn xạ, chẳng thể chuyên chú nơi cảnh được quán. Nghiệp dụng của Tán Loạn là “năng chướng Ly Dục vi nghiệp”, tức là có thể chướng ngại Ly Dục.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh Tán Loạn như sau: “Vân hà Tán Loạn? Ư chư sở duyên, linh tâm lưu đãng vi tánh, năng chướng Chánh Định, ác huệ sở y vi nghiệp” (Tán Loạn là như thế nào? Đối với các điều được duyên, nó có tánh chất khiến cho cái tâm trôi nổi, nghiệp dụng là có thể chướng ngại Chánh Định, làm chỗ y cứ cho Ác Huệ). Thể tánh của Tán Loạn là nội tâm đối với các thứ cảnh giới được duyên nơi Lục Trần bèn rong ruổi, buông lung. Nghiệp dụng của Tán Loạn là nó có thể chướng ngại Chánh Định, làm chỗ y cứ để sanh khởi Ác Huệ. Do vậy, có thể biết: Ly Dục là Chánh Định, tu Chỉ để lìa Ngũ Dục, lìa Ngũ Cái, có thể chứng đắc các món Định căn bản như Vị Chí Định cho đến Sơ Thiền trở lên. Như trong kinh Phân Biệt Quán Pháp của kinh Trung A Hàm có nói đến “tâm trụ nội” (tâm trụ vào trong), tức là Chánh Định, mà cũng là thành tựu Tứ Sắc Giới Định (Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, và Tứ Thiền) và Tứ Vô Sắc Giới Định (Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định). Chứng đắc Sơ Thiền tức là “lìa dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, thành tựu Sơ Thiền”. Tu Chỉ thì tâm liên tục chuyên chú nơi một cảnh, tức là sức chuyên chú càng ngày càng mạnh, lìa bỏ Ngũ Dục của Dục Giới và các thứ pháp bất thiện, tức là: Do lìa Ngũ Dục mà sanh hỷ lạc, đắc Sơ Thiền, bèn có năm Thiền Chi là Tầm (Giác), Tứ (Quán), Hỷ, Lạc, và tâm nhất cảnh tánh, cho đến chứng đắc “độ Nhất Thiết Vô Sở Hữu Xứ, chẳng phải là có tưởng mà cũng chẳng phải là không có tưởng, thành tựu Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ Định”. Chánh Kiến nương vào Chánh Định, nhưng Tán Loạn chướng ngại Chánh Định, nghĩa là chẳng có Chánh Định; do vậy, [hễ tán loạn] thì sẽ chẳng có Chánh Kiến, dễ sanh khởi Tà Kiến. Vì vậy, nói: Tán Loạn là chỗ y cứ của Ác Huệ (Tà Kiến).

          Luận này nói: Tán Loạn dựa vào phần vị của ba pháp Tham, Sân, Si mà giả lập, tức [Tán Loạn] là giả pháp. Theo chánh nghĩa của Thành Duy Thức Luận thì Tán Loạn có thể tánh riêng biệt của chính nó. Biệt tướng của Tán Loạn là “táo nhiễu” (躁擾, xáo động, nhiễu loạn), vì trong nội tâm duyên theo các thứ cảnh giới sáu trần mà rong ruổi, khuấy động. Bởi lẽ đó, [nội tâm] lăng xăng, chẳng tịch tĩnh, nhiễu loạn, chẳng an định. Vì thế mà nói cách khác là “chướng ngại Chánh Định”. Tán Loạn rất khó đối trị, chỉ có tu Chỉ mà đắc Định thì mới có thể hàng phục, diệt trừ nó. Đối với Tán Loạn, Đại Trí Độ Luận lại có thí dụ hay khéo như sau: “Nếu cầu những chuyện gần gũi trong thế gian mà chẳng thể chuyên tâm thì sự nghiệp chẳng thành, huống hồ Phật đạo rất sâu mà chẳng dùng Thiền Định ư? Thiền Định gọi là nhiếp các loạn tâm. Loạn tâm nhẹ bẫng, bồng bềnh, còn nhẹ hơn lông hồng, phiêu giạt không ngừng, bay nhanh hơn gió mạnh, chẳng thể ngăn dứt. Nó lăng xăng hơn khỉ, vừa tạm hiện bèn diệt mất còn nhanh hơn tia chớp xẹt. Tâm tướng như thế chẳng thể ngăn cấm. Nếu muốn chế phục chẳng dùng Thiền, sẽ chẳng thể Định được”. Tán Loạn khiến cho cái tâm phập phều, xáo động, giống như chiếc lông hồng cực nhẹ, chao đảo rất nhanh theo gió. Tán Loạn khiến cho cái tâm lao chao chẳng ngừng, tốc độ lao chao nhanh hơn gió mạnh. Tán Loạn khiến cho cái tâm hết sức xáo động, nhiễu loạn, chẳng thể ngăn cấm, còn khó hơn ngăn cấm con khỉ đừng loi choi. Tán Loạn khiến cho cái tâm đối với cảnh giới chuyển biến nhanh chóng, còn nhanh chóng hơn tia chớp [xuất hiện] trong thoáng chốc.

          Tác dụng của Điệu Cử và Tán Loạn có gì khác biệt? Điệu Cử là khiến cho cái tâm dễ thấu hiểu, dẫu cho cái tâm thay đổi nghĩa tướng (tướng trạng của nghĩa lý) đang được liễu giải. Tán Loạn khiến cho cái tâm dễ ghi nhớ [hình bóng của sáu trần] dẫu cho cái tâm thay đổi cảnh tướng được ghi nhớ. Tuy là trong cùng một sát-na, nghĩa tướng được liễu giải và cảnh giới được ghi nhớ chẳng thay đổi, nhưng nói theo sự liên tục của cái tâm, trong sát-na kế tiếp, nếu tâm thay đổi nghĩa tướng được liễu giải thì gọi là Điệu Cử, còn nếu tâm thay đổi cảnh được ghi nhớ thì gọi là Tán Loạn.

          Dùng ngay thí dụ [trong Trí Độ Luận] vừa được trích dẫn trên đây để thuyết minh thì con khỉ đang ở trên cùng một cái cây, nó trèo lên, tuột xuống thì ví như Điệu Cử. Con khỉ từ cây này chuyền sang cây khác thì ví như Tán Loạn. Lại như lúc ngắm nghía, thưởng thức tranh sơn dầu. Đối với cùng một bức tranh sơn dầu, lúc trước là suy tưởng màu sắc, lúc sau bèn suy xét hình thái [của bức tranh], điều này ví như Điệu Cử. Lúc trước thì xem bức tranh A, lúc sau xem bức tranh B, điều này ví như Tán Loạn. Do vậy có thể biết, Tán Loạn càng lăng xăng, nhiễu loạn hơn Điệu Cử.

1.1.2.4.2.1.5.3.8. Bất Chánh Tri

          (Luận) Vân hà Bất Chánh Tri? Vị phiền não tương ứng Huệ, năng khởi bất chánh thân, ngữ, ý hạnh vi tánh. Vi phạm luật hạnh sở y vi nghiệp. Vị ư khứ, lai đẳng, bất chánh quan sát cố, nhi bất năng tri ưng tác, bất ưng tác, trí phạm luật nghi.

          ()云何不正知謂煩惱相應慧。能起不正身語意行為性。違犯律行所依為業。謂於去來等。不正觀察故。而不能知應作不應作。致犯律儀。

          (Luận: Bất Chánh Tri là như thế nào? Chính là do Huệ tương ứng với phiền não, cho nên nó có tánh chất có thể dấy lên các hạnh bất chánh nơi thân, ngữ, ý. Nó có nghiệp dụng làm chỗ y cứ để trái phạm luật hạnh. Tức là đối với đi, đến v.v… do chẳng quan sát chánh đáng, cho nên chẳng biết điều gì nên làm, điều gì chẳng nên làm, đến nỗi vi phạm luật nghi).

          Thể tánh của Bất Chánh Tri là “năng khởi bất chánh thân, ngữ, ý hạnh vi tánh”, [tức là] có thể sanh khởi thân nghiệp, ngữ nghiệp, và ý nghiệp không chánh đáng. Nghiệp dụng của Bất Chánh Tri là “vi phạm luật hạnh sở y vi nghiệp”, [nghĩa là] Bất Chánh Tri là chỗ y cứ của các hành vi trái phạm giới luật. Luật hạnh còn gọi là Luật Nghi, hoặc Giới Luật. Vì “ư khứ, lai đẳng, bất chánh quan sát cố, nhi bất năng tri ưng tác, bất ưng tác” (đối với đến, đi v.v… do chẳng quan sát chánh đáng, cho nên chẳng thể biết điều đáng nên làm, điều chẳng nên làm). Do vậy dẫn đến chuyện vi phạm Luật Nghi. Trái lại, đối với đi, đến v.v… nếu quan sát chánh xác, sẽ có thể biết chánh xác chuyện gì đáng nên làm, chuyện gì đừng nên làm, sẽ chẳng vi phạm Luật Nghi.

          Đối với “khứ, lai đẳng” (đi, đến v..v…), Du Già Sư Địa Luận đã giải thích trong phần “chánh tri nhi trụ” (trụ nơi thấy biết chánh đáng) như sau: “Hoặc đi khỏi, hoặc trở lại, hoặc nhìn, hoặc ngắm, hoặc co, hoặc duỗi, cầm nắm y tăng-già-chi (áo ca-sa)5 và y bát, hoặc ăn, hoặc uống, hoặc nuốt, hoặc nếm, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm. Trong khi tỉnh ngủ, hoặc nói năng, hoặc im lặng, khi giải lao, ngủ nghê”, chín loại tình huống phải trụ trong chánh tri. [Chánh tri được] biểu lộ trong bất cứ hoạt động hằng ngày nào cũng đều phải quan sát chánh xác, hòng có thể biết “điều gì nên làm, điều gì chớ nên làm”. Đối với chuyện đáng nên làm, lại còn là chuyện thích đáng để làm, bèn sốt sắng làm. Đối với chuyện chớ nên làm, hoặc là chuyện chẳng thích hợp để làm, bèn đừng làm. Đấy là phụng trì tịnh giới.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Bất Chánh Tri như sau: “Vân hà Bất Chánh Tri? Ư sở quán cảnh, mậu giải vi tánh, năng chướng Chánh Tri, hủy phạm vi nghiệp” (Bất Chánh Tri là như thế nào? Đối với cảnh được quán, có tánh chất hiểu biết sai lầm. Nghiệp dụng là có thể chướng ngại Chánh Tri và hủy phạm). Thể tánh của Bất Chánh Tri là đối với cảnh được quan sát, hiểu biết sai lầm, tà vạy. Nghiệp dụng của Bất Chánh Tri là có thể chướng ngại Chánh Tri, tạo tác ác nghiệp, hủy phạm Luật Nghi.

          Luận này nói: Bất Chánh Tri là Huệ bị nhiễm ô, là Huệ tương ứng với phiền não. Đấy là dựa theo phần vị của Huệ mà giả lập, nó là giả pháp. Căn cứ theo chánh nghĩa trong Thành Duy Thức Luận thì Bất Chánh Tri dựa trên phần vị của hai pháp Huệ và Si để giả lập. Chữ Mậu (謬) trong Mậu Giải (謬解) có nghĩa là “sai lầm”, biểu thị tác dụng của Si. Chữ Giải (解) [ở đây phải hiểu] là tà giải, biểu thị tác dụng của “Huệ bị nhiễm ô”.

          Sau khi đã thuyết minh đại lược những điều trọng yếu về thể tánh và nghiệp dụng của tám Đại Tùy Phiền Não, lại tổng kết để biện minh về giả pháp và thật pháp: Năm pháp Hôn Trầm, Điệu Cử, Bất Tín, Giải Đãi, và Tán Loạn thuộc về thật pháp, mỗi pháp đều có thể tánh riêng biệt của chính nó. Phóng Dật là dựa trên phần vị của bốn pháp Tham, Sân, Si, và Giải Đãi mà giả lập. Thất Niệm dựa trên phần vị của hai pháp Niệm và Si để giả lập. Bất Chánh Tri là dựa trên phần vị của hai pháp Huệ và Si để giả lập. Ba món này đều là giả pháp.

 1.1.2.4.2.1.6. Bất Định Tâm Sở (chia thành bốn phần)

1.1.2.4.2.1.6.1. Ác Tác

          (Luận) Vân hà Ác Tác? Vị tâm biến hối vi tánh, vị ố sở tác, cố danh Ác Tác. Thử Ác Tác thể, phi tức biến hối, do tiên ố sở tác, hậu khởi truy hối cố. Thử tức dĩ quả tùng nhân vi mục, cố danh Ác Tác. Thí như lục xúc xứ, thuyết vi tiên nghiệp. Thử hữu nhị vị, vị thiện, bất thiện. Ư nhị vị trung, phục các hữu nhị. Nhược thiện vị trung, tiên bất tác thiện, hậu khởi hối tâm. Bỉ nhân thị thiện, hối diệc thị thiện. Nhược tiên tác ác, hậu khởi hối tâm, nhân bỉ bất thiện, hối tức thị thiện. Nhược bất thiện vị, tiên bất tác ác, hậu khởi hối tâm, bỉ nhân bất thiện, hối diệc bất thiện. Nhược tiên tác thiện, hậu khởi hối tâm, bỉ nhân thị thiện, hối thị bất thiện.    

          ()云何惡作謂心變悔為性。謂惡所作故名惡作。此惡作體非即變悔。由先惡所作。後起追悔故。此即以果從因為目。故名惡作。譬如六觸處為先業。此有二位。謂善不善。於二位中。復各有二。若善位中。先不作善。後起悔心。彼因是善。悔亦是善。若先作惡。後起悔心。彼因不善。悔即是善。若不善位。先不作惡。後起悔心。彼因不善。悔亦不善。若先作善。後起悔心。彼因是善。悔是不善。

          (Luận: Ác Tác6 là như thế nào? Tức là có tánh chất do cái tâm biến đổi hối hận, nghĩa là do ghét những điều đã làm nên gọi là Ác Tác. Xét theo thể tánh của Ác Tác, chẳng phải là ngay lập tức [cái tâm] biến đổi mà hối hận, mà là do trước đó ghét những điều đã làm, sau đấy bèn nghĩ lại, hối hận. Tâm Sở này được đặt tên bằng cách từ quả mà truy ngược lại cái nhân, cho nên gọi là Ác Tác. Ví như từ sáu căn (Lục Xúc Xứ) mà gọi là “tiên nghiệp” (nghiệp trước). Trong ấy (trong Ác Tác), có hai loại, tức là thiện và bất thiện. Trong hai loại ấy, mỗi loại lại có hai loại. Nếu thuộc loại thiện mà trước đó chẳng làm lành, sau đấy, dấy lòng hối hận, thì điều ấy có cái nhân là thiện, mà tâm hối hận cũng là thiện. Nếu trước đó làm ác, sau đấy khởi tâm hối hận thì cái nhân là bất thiện, hối hận chính là thiện. Nếu thuộc loại bất thiện, trước hết chẳng làm ác, sau đấy khởi tâm hối hận [vì sao chính mình lại chẳng làm chuyện ác đó], cái nhân là bất thiện, hối hận cũng là bất thiện. Nếu trước hết làm lành, sau đấy khởi tâm hối hận, thì cái nhân là thiện, hối hận là bất thiện).

          Bất Định Tâm Sở gồm có bốn món. Do đối với ba tánh, tức tánh thiện, tánh ác, và tánh vô ký, [bốn món Tâm Sở này] chẳng có quyết định (tức là chẳng thể nói dứt khoát là thiện, ác, hay vô ký, mà phải xét theo tùy trường hợp). Chúng chỉ tương ứng với Ý Thức, chẳng trọn khắp tám Thức. Ác Tác và Thùy Miên chỉ có trong Dục Giới, Tầm thì chỉ có từ Dục Giới cho đến Sơ Thiền của Sắc Giới, Tứ thì chỉ trong Dục Giới cho đến các tầng Thiền trung gian của Sắc Giới mới có, chẳng trọn khắp tam giới cửu địa, cho nên gọi là Bất Định Tâm Sở.

          Thể tánh của Ác Tác, “tâm biến hối vi tánh”, [ý nói] do nhớ lại những chuyện chính mình đã làm, hoặc chưa làm trong quá khứ, bất luận là chuyện lành hay chuyện ác, do chính mình chán ghét, gớm tởm nó, nội tâm biến thành áo não, hối hận. Luận này chẳng nói rõ nghiệp dụng của Ác Tác.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Ác Tác như sau: “Hối, vị Ác Tác, ố sở tác nghiệp, truy hối vi tánh, chướng Chỉ vi nghiệp” (Hối hận là Ác Tác, ghét những nghiệp đã làm, có tánh chất nghĩ lại mà hối hận, có nghiệp dụng chướng ngại Chỉ). Thể tánh của Ác Tác là chán ghét những hành vi đã làm hoặc chưa làm trong quá khứ, do nhớ lại mà áo não, hối hận. Nghiệp dụng của Ác Tác là chướng ngại việc tu Chỉ. Thật ra, nó cũng có thể chướng ngại tu Quán. Do vì nhớ lại rồi áo não, hối hận khuấy động, trở ngại sự an bình trong nội tâm, dẫn đến chuyện chẳng thể nhập Định, mà cũng chẳng thể hiểu rõ, chọn lựa quán cảnh. Nó có nghiệp dụng giống như Điệu Cử. Do vậy, Ác Tác và Điệu Cử hợp thành một Cái, là một món trong Ngũ Cái (tức Điệu Cử Ác Tác Cái). Nguyên nhân sanh khởi Ác Tác, phương pháp đối trị và công dụng giống như đã nói trong phần Điệu Cử.

          “Vị ố sở tác, cố danh Ác Tác. Thử Ác Tác thể, phi tức biến hối, do tiên ố sở tác, hậu khởi truy hối cố” (Ý nói ghét những việc đã làm. Thể của pháp Ác Tác này chẳng phải là ngay lập tức biến đổi, hối hận, mà là do trước đó đã chán ghét những chuyện đã làm, sau đấy dấy lòng nhớ lại, hối hận), [nghĩa là] do chính mình đã chán ghét những chuyện đã làm, hoặc chưa làm trước kia, cho nên gọi là Ác Tác. Tuy chán ghét những chuyện đã làm hoặc chưa làm trước kia (Ác Tác), đấy vẫn chưa phải là cái tâm biến đổi rồi hối hận, mà là vì trước đó đã chán ghét những chuyện đã làm hay chưa làm, sau đấy dẫn khởi nội tâm biến thành áo não, hối hận.

          Thật ra, nếu đã nói về tác dụng tâm lý của cái tâm biến thành hối hận, vì sao chẳng gọi nó là Biến Hối, mà gọi là Ác Tác? “Thử tức dĩ quả tùng nhân vi mục, cố danh Ác Tác. Thí như lục xúc xứ, thuyết vi tiên nghiệp”, [ý nói]: Đặt ra danh xưng Ác Tác, chính là vì từ cái quả truy ngược về cái nhân mà đặt tên. Do Ác Tác dẫn khởi sự nhớ lại rồi hối hận, Ác Tác là nhân, Biến Hối là quả. Ví như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu căn (Lục Căn còn gọi là Lục Xứ. Do vì nương vào Căn mà sanh khởi Lục Xúc (sáu sự tiếp xúc giữa Căn và Trần), nên Lục Căn còn gọi là Lục Xúc Xứ), tức là từ nghiệp lực trong quá khứ mà cảm thành quả báo, như sanh trong nhân gian thì có Lục Căn của con người. Nghiệp lực trong quá khứ là nhân, sáu căn là quả. Vì thế, gọi Lục Xúc Xứ là “tiên nghiệp”, đấy là “từ cái quả truy về cái nhân mà đặt tên”.

          Ác Tác có đủ cả ba tánh, tức tánh thiện, tánh ác (tánh bất thiện), và tánh vô ký. Nói theo Ác Tác có tánh thiện thì có hai loại:

          1) “Nhược thiện vị trung, tiên bất tác thiện, hậu khởi hối tâm, bỉ nhân thị thiện, hối diệc thị thiện” (Nếu thuộc loại thiện, trước đó đã chẳng làm lành, sau dấy lòng hối hận, cái nhân lành, hối hận cũng là lành): Ý nói, chẳng hạn như trong quá khứ đáng nên làm thiện sự Bố Thí, nhưng chẳng làm, do sau đó, ghét bỏ mà áo não, hối hận: “Vì sao trước kia chẳng làm chuyện bố thí?” Cái nhân của sự áo não, hối hận là thiện sự bố thí, mà áo não, hối hận cũng có tánh chất thiện.

          2) “Nhược tiên tác ác, hậu khởi hối tâm, bỉ nhân bất thiện, hối tức thị thiện” (Nếu trước kia đã làm ác, sau dấy lòng hối hận, cái nhân là bất thiện, hối hận chính là thiện): Chẳng hạn như trong quá khứ làm chuyện ác vọng ngữ, do đã làm rồi bèn chán ghét, sanh lòng áo não, hối hận: “Vì sao trước kia lại nói dối cơ chứ?” Cái nhân của sự áo não, hối hận là nói chuyện ác vọng ngữ, nhưng áo não, hối hận có tánh thiện. Do vậy, trong quá khứ đã chẳng làm chuyện thiện mà sau đó lại áo não, hối hận thì là tánh thiện. Trong quá khứ đã làm chuyện ác, sau đó lại áo não, hối hận thì cũng là tánh thiện.

          Nói theo Ác Tác có tánh ác (tánh bất thiện) thì cũng có hai loại:

          1) “Nhược bất thiện vị, tiên bất tác ác, hậu khởi hối tâm, bỉ nhân bất thiện, hối diệc bất thiện” (Nếu xét theo loại bất thiện, trước đó chẳng làm ác, sau dấy tâm hối hận, cái nhân là bất thiện, mà hối hận cũng là bất thiện): Chẳng hạn như trong quá khứ chớ nên làm chuyện ác trộm cắp, chẳng làm, nhưng sau đó, chán ghét, bèn áo não, hối hận: “Vì sao thuở trước chẳng trộm cắp cơ chứ?” Cái nhân của sự áo não, hối hận là chuyện ác trộm cắp; áo não, hối hận cũng mang tánh ác.

          2) “Nhược tiên tác thiện, hậu khởi hối tâm, bỉ nhân thị thiện, hối thị bất thiện” (Nếu trước đó đã làm lành, sau dấy lòng hối hận, cái nhân là thiện, hối hận là bất thiện): Chẳng hạn như trong quá khứ thọ giới; sau đó, lại chán ghét, sanh lòng áo não, hối hận: “Vì sao mà trước kia lại thọ giới cơ chứ?” Cái nhân của lòng áo não, hối hận là thiện sự thọ giới, nhưng áo não, hối hận là ác tánh. Vì thế, quá khứ chẳng làm chuyện ác, sau đấy, áo não, hối hận thì là tánh ác. Quá khứ đã làm thiện sự, nhưng sau đó lại áo não, hối hận thì áo não, hối hận cũng là tánh ác.

          Xét theo Ác Tác có tánh vô ký để nói thì quá khứ đã làm, hoặc chưa làm chuyện vô ký; sau đấy, áo não, hối hận thì là tánh vô ký. Chẳng hạn như áo não, hối hận: “Vì sao buổi sáng chẳng uống một tách cà phê cho tỉnh táo nhỉ?” Hoặc áo não, hối hận: “Vì sao tốn nhiều thời gian ngần ấy để chơi video game cơ chứ?”

          Pháp hữu vi thì nhân duyên tụ hợp bèn sanh khởi, nhân duyên ly tán bèn diệt mất. Pháp quá khứ, pháp hiện tại, và pháp vị lai đều chẳng có một thật thể độc nhất, thường hằng để có thể bị chấp thủ (nắm giữ). Vì thế, kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật nói: “Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được”. Do vậy, chuyện quá khứ bất luận đã làm, hay chưa làm, đều chẳng có thật thể. Chuyện đã qua rồi bèn uổng công tự nhiễu loạn, áo não, hối hận, lại có ích gì hay không? Vì sao chẳng nắm vững hiện tại, phấn chấn tinh thần, chỉnh đốn sức lực, tinh tấn tu hành, thoát khỏi thế giới tối tăm của sự tự trách, áo não, hối hận, tiến hướng theo tương lai quang minh?

1.1.2.4.2.1.6.2. Thùy Miên

          (Luận) Vân hà Thùy Miên? Vị bất tự tại chuyển, muội lược vi tánh. Bất tự tại giả, vị linh tâm đẳng bất tự tại chuyển, thị Si chi phần. Hựu thử tự tánh bất tự tại cố, linh tâm, tâm pháp cực thành muội lược. Thử thiện, bất thiện, cập vô ký tánh, năng dữ quá thất sở y vi nghiệp.

          ()云何睡眠謂不自在轉。昧略為性。不自在者。謂令心等不自在轉。是癡之分。又此自性不自在故。令心心法極成昧略。此善不善。及無記性。能與過失。所依為業

           (Luận: Thùy Miên là như thế nào? Chính là chẳng hoạt động tự tại, có tánh chất tăm tối, qua loa. “Chẳng tự tại” là khiến cho tâm v.v… chẳng hoạt động tự tại. Thùy Miên là một phần của Si. Hơn nữa, do tự tánh của Tâm Sở này là chẳng tự tại, khiến cho tâm và tâm pháp tột bậc tối tăm, sơ sài. Món Tâm Sở này có tánh chất thiện, bất thiện, và vô ký, có nghiệp dụng làm chỗ y cứ cho lầm lỗi).

          Thể tánh của Thùy Miên là “bất tự tại chuyển, muội lược vi tánh”, nghĩa là khiến cho thân tâm của chính mình chẳng thể làm chủ hòng hoạt động tự tại, nội tâm và Tâm Sở hết sức tối tăm, qua loa. Nghiệp dụng của Thùy Miên là “năng dữ quá thất sở y vi nghiệp” (nghiệp dụng là có thể làm chỗ y cứ cho lầm lỗi), tức là có thể dẫn khởi các thứ lầm lỗi. Dẫu là Thùy Miên có tánh chất thiện hay tánh chất vô ký, cũng sẽ dẫn khởi lầm lỗi. Chẳng hạn như vì Thùy Miên mà thức dậy quá trễ, bỏ lỡ công khóa tu hành, hoặc là sáu giờ ngày mai phải đáp xe lửa, vì ngủ say, thức dậy quá trễ, trễ giờ, chẳng lên xe lửa được.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Thùy Miên như sau: “Miên vị thùy miên, linh thân bất tự tại, muội lược vi tánh; chướng Quán vi nghiệp” (Miên là ngủ nghê, khiến cho thân chẳng tự tại, có tánh chất tối tăm, qua quít, có nghiệp dụng gây chướng ngại cho Quán). Thể tánh của Thùy Miên là như luận này đã nói, nghiệp dụng của Thùy Miên là chướng ngại tu Quán. Thật ra, nó cũng có thể chướng ngại tu Chỉ. Vì nội tâm tối tăm, qua quít, lực dụng yếu ớt, chẳng thể hiểu rõ hòng chọn lựa quyết đoán đối với cảnh được quán, mà cũng chẳng thể chuyên chú nơi cảnh được quán. Nó có nghiệp dụng giống như Hôn Trầm. Do vậy, Hôn Trầm và Thùy Miên được gộp chung thành một Cái, là một món trong Ngũ Cái. Nguyên nhân sanh khởi Thùy Miên, phương pháp đối trị và công dụng như trong phần thuyết minh về Hôn Trầm.

          Liên quan đến nguyên nhân sanh khởi Thùy Miên, ngoài ba thứ nguyên nhân7 được nói trong Di Giáo Kinh Luận, Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận nói: “Thùy nhân duyên giả, vị luy sấu bì quyện thân phần trầm trọng, tư duy ám tướng, xả chư sở tác, tằng số thử thời quán tập Thùy Miên; hoặc tha chú thuật thần lực sở dẫn; hoặc nhân động phiến, lương phong xuy đẳng” nghĩa là: Vì thân thể quá gầy yếu, quá mệt mỏi, hoặc vì suy nghĩ những thứ tối tăm, hoặc là do vứt bỏ những thiện pháp đáng nên làm, hoặc là do đã từng có thói quen ngủ gật khi tĩnh tọa, hoặc là do người khác dùng thần lực của chú thuật lôi dẫn, hoặc là do gió mát nhè nhẹ thổi qua, quá thoải mái, cho nên sanh khởi Thùy Miên.

          Thùy Miên ở đây là Tâm Sở tương ứng với Ý Thức, hoàn toàn chẳng phải là Thùy Miên (ngủ say) trong Ngũ Vô Tâm Vị8. Do vì nội tâm hết sức tối tăm, yếu ớt, cho nên thân thể chẳng thể hoạt động tự tại; Ý Thức chỉ hướng theo Pháp Trần được duyên trong tâm mà hoạt động (thường gọi là Nhất Môn Chuyển, hoặc Nội Môn Chuyển). Chẳng hướng ra ngoài duyên theo Ngũ Trần Sắc, Thanh v.v… để chuyển khởi (tâm thức hoạt động), nhưng nhận biết rất rõ cảnh giới được duyên. “Muội” (昧) nhằm vạch rõ không phải đang ở trong Định, tuy Ý Thức trong Định cũng chỉ hướng theo nội duyên Pháp Trần mà chuyển khởi, nhưng [Ý Thức trong Định] nhận biết cảnh giới được duyên rõ ràng. “Lược” (畧) nhằm vạch rõ không phải là đang trong lúc tỉnh táo, vì lực dụng của ý thức trong khi tỉnh ngủ hết sức mạnh mẽ, vượt trỗi, có thể duyên theo Lục Trần rành rẽ. “Vạch rõ” có nghĩa là chọn ra để loại bỏ, phân biệt rạch ròi.

          Luận này nói Thùy Miên dựa trên phần vị của Si để giả lập, nó là giả pháp, Có giáo nghĩa cho rằng: Ác Tác cũng nương theo phần vị của Si mà giả lập, là giả pháp. Căn cứ theo chánh nghĩa của Thành Duy Thức Luận thì Ác Tác và Thùy Miên mỗi món có thể tánh khác biệt. Chẳng hạn như khi tỉnh táo, có thể hiểu rõ Sự Lý Tứ Đế (Vô Si), nhưng khi nằm mộng (Thùy Miên Tâm Sở), do tâm lực yếu ớt, cho nên chẳng hiểu rõ Sự Lý Tứ Đế. Do vậy, có thể biết: Thùy Miên Tâm Sở chẳng phải là nương theo phần vị của Si để giả lập!

          Thùy Miên bao gồm tánh thiện, tánh ác, và tánh vô ký. Thùy Miên thuộc tánh thiện là như nằm mộng thấy chính mình cung kính lễ Phật. Thùy Miên có tánh ác là như mộng thấy chính mình tức giận, chửi mắng người khác. Thùy Miên có tánh vô ký là như mộng thấy chính mình đang tập luyện tại thao trường.

          Liên quan đến chủng loại của Mộng, Đại Trí Độ Luận nói: “Mộng hữu ngũ chủng, nhược thân trung bất điều, nhược nhiệt khí đa, tắc đa mộng kiến hỏa, kiến hoàng, kiến xích. Nhược lãnh khí đa, tắc đa kiến thủy, kiến bạch. Nhược phong khí đa, tắc đa kiến phi, kiến hắc. Nhược phục sở văn kiến sự, đa tư duy niệm cố, tắc mộng kiến. Hoặc thiên dữ mộng, dục linh tri vị lai sự cố”. Nghĩa là [mộng có năm loại], có lúc sinh lý chẳng điều hòa, không thông thuận, cho nên mới nằm mộng, nếu là Hỏa Đại tăng mạnh, sẽ mộng thấy lửa, [thấy màu vàng, màu đỏ] v.v… Thủy Đại tăng mạnh, sẽ mộng thấy nước, [thấy màu trắng] v.v… Như trẻ nhỏ do Thủy Đại tăng mạnh, sẽ mộng thấy đến bờ biển vọc nước; tỉnh giấc thì đã đái dầm. Phong Đại tăng mạnh, sẽ mộng thấy bay lượn trên không, [thấy màu đen]. Hoặc có lúc trong tâm suy nghĩ rất nhiều, cho nên mới nằm mộng, như ban ngày nghĩ gì, đêm mộng thấy điều đó. Có lúc do chúng hữu tình trên cõi trời muốn cho người nằm mộng biết chuyện vị lai, cho nên khiến cho người nằm mộng mơ thấy.

1.1.2.4.2.1.6.3. Tầm

          (Luận) Vân hà Tầm? Vị Tư, Huệ sai biệt, ý ngôn tầm cầu, linh tâm thô tướng phân biệt vi tánh. Ý ngôn giả, vị thị Ý Thức. Thị trung hoặc y Tư, hoặc y Huệ nhi khởi. Phân biệt thô tướng giả, vị tầm cầu bình, y, xa thặng đẳng chi thô tướng. Lạc xúc, khổ xúc đẳng sở y vi nghiệp.

          ()云何尋謂思慧差別。意言尋求。令心麁相分別為性。意言者。謂是意識。是中或依思。或依慧而起。分別麁相者。謂尋求瓶衣車乘等之麁相。樂觸苦觸等所依為業。

          (Luận: Tầm là như thế nào? Tức là đối với Tư và Huệ sai khác, ý ngôn tìm cầu, có tánh chất khiến cho cái tâm phân biệt thô tướng. “Ý ngôn” là nói đến Ý Thức. Trong ấy, hoặc dựa theo Tư hay dựa theo Huệ mà sanh khởi. “Phân biệt thô tướng” là tìm cầu những thô tướng của bình, áo, xe cộ v.v… Nghiệp dụng của nó là chỗ nương tựa cho lạc xúc, khổ xúc v.v…).

1.1.2.4.2.1.6.4. Tứ

          (Luận) Vân hà Tứ? Vị Tư, Huệ sai biệt, ý ngôn tứ sát, linh tâm tế tướng phân biệt vi tánh. Tế tướng giả, vị ư bình, y đẳng, phân biệt tế tướng thành bất thành đẳng sai biệt chi nghĩa.

          ()云何伺謂思慧差別。意言伺察。令心細相分別為性。細相者。謂於瓶衣等。分別細相成不成等差別之義。

          (Luận: Tứ là như thế nào? Chính là Ý Thức xét nét sự khác biệt giữa Tư và Huệ, khiến cho cái tâm có tánh chất phân biệt tướng vi tế. “Tế tướng” là đối với bình, áo v.v… mà phân biệt ý nghĩa sai biệt nơi tế tướng thành tựu hay chẳng thành tựu).

          Thể tánh của Tầm, “Tư, Huệ sai biệt, ý ngôn tầm cầu, linh tâm thô tướng phân biệt vi tánh” (đối với sự sai biệt giữa Tư và Huệ, ý thức tìm cầu, khiến cho cái tâm có tánh phân biệt thô tướng), tức là [Tầm được] giả lập trên phần vị của Huệ và Tư. Đối với cảnh giới được duyên, Ý Thức bèn suy nghĩ tìm tòi, suy cầu, phân biệt… nơi thô tướng (tướng trạng hoặc đặc trưng thô tháp, dễ thấy). Nghiệp dụng của Tầm là “lạc xúc, khổ xúc đẳng sở y vi nghiệp”, tức là làm chỗ nương tựa cho lạc xúc, khổ xúc, bất khổ bất lạc xúc (xả xúc). Chẳng hạn như khi chúng ta tìm tòi suy nghĩ, suy xét Sự Lý thì do sự hoạt động của Tư và Huệ khá gấp rút, nhanh chóng, sẽ sanh khởi Khổ Xúc chẳng thoải mái. Hoặc do hoạt động của Tư và Huệ khá thong thả, sẽ sanh khởi Lạc Xúc thoải mái, hoặc hoạt động của Tư và Huệ chẳng thong thả, chẳng gấp rút, sẽ sanh khởi Xả Xúc.

          Thể tánh của Tứ, “Tư, Huệ sai biệt, ý ngôn tứ sát, linh tâm tế tướng phân biệt vi tánh”, [nghĩa là Tứ] cũng là giả lập từ phần vị của Tư và Huệ, Ý Thức bèn tìm tòi, tra xét, phân biệt tế tướng (tướng trạng hoặc đặc trưng vi tế) của cảnh giới được duyên. Nghiệp dụng của Tứ giống như Tầm.

          “Ý ngôn” có nghĩa là gì? Ý Ngôn chính là Ý Thức. Do vì cảnh giới được duyên bởi Ý Thức phần lớn là danh tự, hoặc những khái niệm được diễn tả bằng ngôn ngữ; cho nên gọi Ý Thức là Ý Ngôn. Sách Thành Duy Thức Luận Thuật Ký còn dựa trên ba phương diện là Dụ (thí dụ), Cảnh, và Quả để giải thích “Ý Ngôn tức Ý Thức”.

          Năm Thức là Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức, chính là sự biết rõ, phân biệt bằng trực giác, là sự nhận biết chẳng dựa theo danh tướng, ngôn từ, khái niệm. Vì thế, Tầm và Tứ chẳng tương ứng với năm Thức trước, chỉ tương ứng với Thức thứ sáu, tức Ý Thức.

          Vì hành tướng của Tầm và Tứ rất tương tự, bởi lẽ, chúng dựa trên sự phân biệt thô tướng và phân biệt tế tướng để kiến lập. Phân biệt thô tướng và phân biệt tế tướng có gì khác biệt? Chẳng hạn như tìm cầu phân biệt kích thước, hình dạng, chất liệu v.v… là những tướng trạng thô rõ của cái bình hoa thì gọi là “phân biệt thô tướng”. Tỉ mỉ xem xét hoa văn, độ sáng v.v… là những tướng trạng vi tế nơi bình hoa thì gọi là “tế tướng phân biệt”. Suy luận tương tự như vậy, đối với Sự Lý nơi y phục, xe cộ v.v… [sẽ thấy chúng] đều có sự sai biệt giữa phân biệt về tế tướng và phân biệt về thô tướng. Trong ấy, “phân biệt tế tướng thành, bất thành đẳng sai biệt” có nghĩa là: Chẳng hạn như tỉ mỉ xem xét coi độ sáng nơi tướng trạng vi tế của cái bình hoa là thành tựu hay không thành tựu v.v…

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Tầm và Tứ như sau: “Tầm, vị tầm cầu, linh tâm thông cứ, ư ý ngôn cảnh, thô chuyển vi tánh. Tứ, vị tứ sát, linh tâm thông cứ, ư ý ngôn cảnh, tế chuyển vi tánh. Thử nhị, câu dĩ an, bất an trụ thân tâm phần vị sở y vi nghiệp” (Tầm là tìm cầu, khiến cho cái tâm bận bịu, đối với cảnh của Ý Thức thì có tánh chất hướng đến thô tướng. Tứ là xem xét tỉ mỉ, khiến cho cái tâm bận bịu, đối với cảnh của Ý Thức thì chú trọng tế tướng. Hai món này đều có nghiệp dụng là làm chỗ y cứ cho sự an trụ hay chẳng an trụ của thân tâm). Thể tánh của Tầm là khiến cho Ý Thức và Tâm Sở cấp bách, bận bịu đối với cảnh của Ý Ngôn (cảnh sở duyên của Ý Thức), tạo thành sự tìm tòi suy nghĩ, suy cầu v.v… nơi thô tướng. Thể tánh của Tứ là khiến cho Ý Thức và Tâm Sở cấp bách, bận bịu đối với “ý ngôn cảnh” (cảnh sở duyên của Ý Thức) mà tìm tòi tỉ mỉ, xem xét v.v… nơi tế tướng. Nghiệp dụng của Tầm và Tứ đều là làm chỗ y cứ cho phần vị an trụ hoặc chẳng an trụ thân tâm. “Dĩ an, bất an trụ thân tâm phần vị sở y” (làm chỗ y cứ cho phần vị an trụ hoặc chẳng an trụ của thân tâm) tức là như luận này đã nói: “Lạc xúc, khổ xúc đẳng sở y vi nghiệp” (Có nghiệp dụng làm chỗ y cứ cho Lạc Xúc, Khổ Xúc v.v…) Theo cách giải nói của Hàn Thanh Tịnh9, Tầm và Tứ trong Dục Giới (chẳng phải là địa vị Tam Ma Hý Đa) khiến cho thân tâm chẳng an trụ. Tầm và Tứ của Sơ Thiền trong Sắc Giới (Tam Ma Hý Đa, tiếng Phạn là Samahita, dịch nghĩa là Đẳng Dẫn, có nghĩa là nương theo Định lực dẫn khởi mà sanh ra sự an hòa, bình đẳng v.v…) khiến cho thân tâm an trụ. Ngoài ra, theo như Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Giải đã giải thích, tác dụng của Huệ là chọn lựa rạch ròi, phân biệt, có tánh gấp rút. Tác dụng của Tư (思) là suy lường, tạo tác, có tác dụng thong thả, từ từ. Nếu lấy Tư làm chủ đạo, Huệ có tánh chất gấp rút sẽ thuận theo Tư có tánh chất thong thả, nên khiến cho thân tâm an trụ. Nếu lấy Huệ làm chủ đạo, Tư có tánh chất thong thả phải thuận theo Huệ có tánh chất gấp rút, sẽ khiến cho thân tâm chẳng an trụ.

          Tầm và Tứ dịch theo lối cũ (lối dịch trước thời ngài Huyền Trang) là Giác và Quán. Tầm và Tứ có mối quan hệ đặc biệt với tu Định. Do Tầm và Tứ tồn tại hoặc chẳng tồn tại mà có thể chia thành ba giai đoạn:

          1) Từ Dục Giới đến Sơ Thiền, có tác dụng tìm cầu của Tầm, mà cũng có tác dụng tỉ mỉ xem xét của Tứ, nên gọi là Hữu Tầm Hữu Tứ địa (địa vị có cả Tầm lẫn Tứ).

          2) Ở trong Trung Gian Thiền (tức là trong khoảng từ Sơ Thiền đến Nhị Thiền), chẳng có tác dụng tìm cầu của Tầm, nhưng có tác dụng suy xét tỉ mỉ của Tứ, nên gọi là Vô Tầm Hữu Tứ địa.

          3) Từ Nhị Thiền trở lên, chẳng có tác dụng tìm cầu của Tầm, mà cũng chẳng có tác dụng xem xét tỉ mỉ của Tứ, nên gọi là Vô Tầm Vô Tứ địa.

          Từ Nhị Thiền trở lên, chẳng có Tầm, Tứ, tức là nói dựa theo Tâm Sở Tư và Huệ thô tháp, rõ rệt, hoàn toàn chẳng phải là nói từ Nhị Thiền trở lên sẽ không có các Tâm Sở Tư và Huệ. Bởi lẽ, Tâm Sở Tư và Huệ tồn tại trọn khắp tam giới chín địa.

          Tầm và Tứ bao gồm tánh thiện, ác, và vô ký. Chẳng hạn như Tham Tầm, Sân Tầm, Hại Tầm đều là Tầm có tánh ác. Xuất Ly Tầm, Vô Sân Tầm, Bất Hại Tầm, đều là Tầm có tánh thiện. Thân Lý Tầm (tìm tòi nghĩ ngợi về thân thuộc), Quốc Độ Tầm v.v… đều là những thứ Tầm có tánh chất vô ký. Tuy chẳng phải là tánh ác, nhưng chúng có thể chướng ngại chuyện tu hành Chỉ Quán.

          Kinh Tạp A Hàm nói: Có Giác, có Quán, thì gọi là Khẩu Hành, biểu thị mối quan hệ giữa Tầm, Tứ, và ngôn ngữ. Trước hết là có Tầm và Tứ trong Ý Thức, sau đấy mới phát ra thành ngôn ngữ. Ăn nói rất nhanh lẹ là vì Tầm và Tứ rất gấp rút.

          Đối với sự sai biệt giữa Tầm và Tứ, ngoại trừ sự phân biệt thô tướng và phân biệt tế tướng, Đại Trí Độ Luận còn nói: “Sơ duyên trung tâm phát tướng, danh Giác. Hậu phân biệt trù lượng hảo xú, danh Quán” (Thoạt đầu là duyên theo tướng phát khởi bởi tâm thì gọi là Giác. Sau đó, phân biệt tính toán tốt xấu thì gọi là Quán). Sách A Tỳ Đạt Ma Khái Yếu Tinh Giải lại nói: “Tầm (Vitakka): Tầm là dốc tâm vào mục tiêu. Tướng trạng đặc trưng của nó là dốc tâm vào, hoặc hướng dẫn đến mục tiêu. Tác dụng của nó là nắm vững mục tiêu toàn diện. Nó dấy lên hiện hành thì sẽ chú tâm hướng đến mục tiêu. Tuy trong phần chú thích chẳng đề cập cái nhân gần của nó, nhưng có thể biết: Mục tiêu chính là cái nhân gần của nó… Tứ (Vicara) có tướng trạng đặc trưng là suy đi xét lại mục tiêu. Tác dụng của nó là nhiều lượt đem danh pháp tương ứng gán cho mục tiêu. Khi nó dấy lên hiện hành, sẽ bám chặt vào mục tiêu, [do đó] cái nhân gần [của Tứ] chính là mục tiêu”.

          Trong Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận Giảng Ký, Ấn Thuận đạo sư đã có thí dụ thuyết minh: Như con mèo ban đêm chạy ra, nó chỉ muốn bắt chuột. Mắt nó liếc Đông ngó Tây tìm kiếm chuột, chuyện này ví như Tầm. Nó dần dần biết phương pháp xảo diệu để tìm được hang chuột, bèn ngồi bên cửa hang chuột, mắt ngó miệng hang. Khi ấy, mèo chẳng nhìn Đông ngó Tây, liếc khắp nơi tìm chuột, mà chuyên chú ngó miệng hang. Điều này ví như Tứ. Ngoài ra, trong bộ A Tỳ Đạt Ma Giảng Yếu, tôn giả Mã Hân Đức (Venerable Mahinda) cũng nói ra ba thứ thí dụ về Tầm và Tứ.

1.1.2.4.2.2. Tâm Bất Tương Ứng Hành (chia làm hai đoạn)

1.1.2.4.2.2.1. Nêu chung

          (Luận) Vân hà Tâm Bất Tương Ứng Hành? Vị y Sắc, Tâm đẳng phần vị giả lập, vị thử dữ bỉ bất khả thi thiết dị, bất dị tánh. Thử phục vân hà? Vị Đắc, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Thiên, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Sanh, Lão, Trụ, Vô Thường, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Dị Sanh Tánh, như thị đẳng.

          ()云何心不相應行謂依色心等。分位假立。謂此與彼不可施設。異不異性。此復云何謂得.無想定.滅盡定.無想天.命根.眾同分.生.老.住.無常.名身.句身.文身.異生性。如是等。

          (Luận: Tâm Bất Tương Ứng Hành là như thế nào? Chính là [những pháp] dựa trên phần vị của Sắc, Tâm v.v… mà giả lập, do điều này và điều kia chẳng thể phân định là có tánh chất khác biệt hay chẳng khác biệt. Điều này lại như thế nào? Chính là Đắc, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Thiên, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Sanh, Lão, Trụ, Vô Thường, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Sanh Dị Tánh, những pháp như thế đó).

          Trong Hành Uẩn có hai loại: Một là Tâm Tương Ứng Hành, hai là Tâm Bất Tương Ứng Hành. “Tương ứng” có nghĩa là giữa đôi bên có sự hài hòa, thuận tùng, hô ứng lẫn nhau, chẳng trái nghịch nhau. Chẳng hạn như Giáp và Ất đồng thời làm một chuyện, giữa đôi bên hợp tác với nhau. “Hành” có nghĩa là đổi dời, biến hóa, sanh diệt vô thường. Tâm Tương Ứng Hành là Tâm Sở Pháp và Tâm Vương, và những Tâm Sở Pháp tương ứng khác. Tâm Bất Tương Ứng Hành là ví như Giáp và Ất tuy đồng thời sanh khởi, nhưng chuyện hai người đã làm chẳng nhất định giống nhau. Giữa đôi bên cũng chẳng hợp tác với nhau.

          Lại vì Tâm Bất Tương Ứng Hành do có ba thứ nguyên nhân mà lập ra danh xưng khác biệt:

          1) Vì chẳng có tác dụng duyên lự, cho nên chẳng phải là Tâm Pháp hay Tâm Sở Pháp.

          2) Vì chẳng có tác dụng chất ngại10, nên chẳng phải là Sắc Pháp.

          3) Vì có hiện tượng sanh diệt, nên chẳng phải là pháp Vô Vi.

          Trên thực tế, đức Phật vốn nói ra Ngũ Uẩn, trọn chẳng nói Tâm Tương Ứng Hành và Tâm Bất Tương Ứng Hành. Về sau, các vị luận sư nghiên cứu, phân tích, cho rằng Hành Uẩn có hai loại lớn khác nhau, đã chia Hành Uẩn thành Tâm Tương Ứng Hành và Tâm Bất Tương Ứng Hành. Chẳng hạn như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Kinh Bộ11, và học phái Duy Thức của Đại Thừa, đều nói tới Tâm Bất Tương Ứng Hành.

          Tâm Bất Tương Ứng Hành là “y Sắc, Tâm đẳng phần vị giả lập”, tức là nương vào phần vị của Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp, Sắc Pháp mà giả lập (“Phần vị” là một phần, “giả lập” là lập bày xếp đặt), như Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận khi giảng về Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp đã nói “tam vị sai biệt cố”, nghĩa là do nó khác biệt với ba phần vị Sắc Pháp, Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp mà giả lập [một loại riêng biệt là Bất Tương Ứng Hành Pháp].

          “Thử dữ bỉ bất khả thi thiết dị, bất dị tánh”“Thử” chính là Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp, “bỉ” là Sắc Pháp, Tâm Pháp, Tâm Sở Pháp. “Bỉ” là pháp để “thử” nương tựa vào. Do giữa pháp này và pháp kia hoàn toàn chẳng phải không có quan hệ, “pháp này” chẳng tách rời “pháp kia” để có riêng một thật thể độc nhất, tồn tại thường hằng. Do vậy, chẳng thể lập bày giữa pháp này và pháp kia là “dị tánh” (có tánh chất khác nhau). Lại do vì giữa pháp này và pháp kia, thể tánh và tác dụng chẳng phải là tương đồng, cho nên chẳng thể lập bày là pháp này và pháp kia “bất dị tánh (nhất tánh)” (tánh chẳng khác nhau, có cùng một tánh).

          Nội dung của Tâm Bất Tương Ứng Hành là gì? Chính là “Đắc, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Thiên, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Sanh, Lão, Trụ, Vô Thường, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Sanh Dị Tánh, như thị đẳng”. Luận này nói ra mười thứ danh xưng, “đẳng” là như Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận nói ra hai mươi bốn thứ danh xưng, tức là có thêm mười thứ nữa: Lưu Chuyển, Định Dị, Tương Ứng, Thế Tốc, Thứ Đệ, Phương, Thời, Số, Hòa Hợp Tánh, và Bất Hòa Hợp Tánh.

1.1.2.4.2.2.2. Biệt Thích (giải thích từng điều riêng biệt, chia thành mười bốn đoạn)

1.1.2.4.2.2.2.1. Đắc

          (Luận) Vân hà Đắc? Vị nhược hoạch, nhược thành tựu. Thử phục tam chủng, vị chủng tử thành tựu, tự tại thành tựu, hiện khởi thành tựu, như kỳ sở ứng.

          ()云何得謂若獲。若成就。此復三種。謂種子成就。自在成就。現起成就。如其所應。

          (Luận: Đắc là như thế nào? Chính là hoặc đạt được, hoặc thành tựu. Pháp này lại có ba loại, tức là chủng tử thành tựu, tự tại thành tựu, và hiện khởi thành tựu, tương ứng với chỗ y cứ của chúng).

          “Đắc” là có nghĩa là “đạt được”, hoặc “thành tựu, chẳng mất đi”, còn gọi là Hoạch, hoặc Thành Tựu. Hoặc là thoạt đầu có được thì gọi là Đắc. Sau khi đã có, liên tục đạt được thì gọi là Thành Tựu. Chẳng hạn như thương nhân kinh doanh, kiếm được rất nhiều tiền (tiền bạc là Sắc pháp), bèn nói “có tiền”. “Đạt được tiền” và “nắm giữ tiền” khác nhau, “đạt được tiền” thì không nhất định là hiện tiền đã trông thấy tiền. “Đạt được tiền” đã dựa trên phần vị của Sắc pháp mà giả lập, chẳng lìa khỏi Sắc pháp mà có riêng một cái thật thể tồn tại độc nhất, thường hằng! Lại như “đắc nhân thân” (được làm thân người) là dựa theo phần vị của ba pháp, tức Sắc Pháp, Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp mà giả lập, cũng chẳng lìa khỏi ba pháp như Sắc Pháp v.v… mà có một thật thể riêng biệt.

          Đắc và Thành Tựu phần lớn là nói theo ý nghĩa tu hành. Chẳng hạn như tu Chỉ mà đạt được Sơ Thiền, bèn nói là “đắc Sơ Thiền”. Nếu đạt được Sơ Thiền, tu tới địa vị vượt khỏi sự Tác Ý, sau đấy, xuất Định, đứng dậy làm việc nhà, tuy chẳng phải là Tâm Sở trong Sắc Giới Định, nhưng khi muốn nhập Định, tâm chuyên chú nơi cảnh được duyên, sẽ có thể rất nhanh chóng đạt đến Sơ Thiền. Vì vậy, khi xuất Định, cũng có thể nói là “đắc Sơ Thiền” (nói theo sự tự tại thành tựu). “Đắc Sơ Thiền” thì pháp ấy tuy chẳng phải Định Tâm Sở trong Sắc Giới, nhưng nó cũng chẳng lìa khỏi Định Tâm Sở của Sắc Giới mà có riêng một thật thể được.

          “Đắc” chính là Thành Tựu, có thể nương vào phần vị của Nhân, Tự Tại và Hiện Hành, mà lập ra ba thứ thành tựu: Chủng Tử Thành Tựu, Tự Tại Thành Tựu, và Hiện Khởi Thành Tựu. Nương theo phần vị của Nhân (chủng tử) mà kiến lập Chủng Tử Thành Tựu. Nương theo phần vị của Tự Tại mà kiến lập Tự Tại Thành Tựu. Nương theo phần vị của Hiện Hành mà kiến lập Hiện Khởi Thành Tựu. Do vậy nói “như kỳ sở ứng” (tương ứng với [chỗ y cứ của] chúng).

          Chủng Tử Thành Tựu là gì? Nói theo Duy Thức Học, chủng tử là sự hiện hành (hiển hiện trong hiện tại) của pháp hữu vi được huân tập trong A Lại Da Thức, hình thành một thứ tập tánh đặc thù (tập khí, có công năng tiềm ẩn). Trong tương lai, khi nhân duyên tụ hợp, nó có thể sanh khởi pháp hữu vi. Nói đơn giản thì Chủng Tử Thành Tựu chính là pháp hữu vi đã được huân tập trong A Lại Da Thức bèn thành tựu. Chẳng hạn như người học Phật mong mỏi “tinh tấn tu hành, giải thoát sanh tử”, Dục Tâm Sở huân tập trong A Lại Da Thức sẽ thành tựu “Dục chủng tử”. Tuy còn chưa giải thoát, nhưng thiện căn giải thoát (Dục chủng tử) đã thành tựu. Đó gọi là Dục Chủng Tử Thành Tựu.

          Tự Tại Thành Tựu là gì? Do pháp hữu vi liên tục huân tập trong A Lại Da Thức, chủng tử sẽ lần lượt tăng thượng, chủng tử được tăng trưởng mạnh mẽ, thì gọi là Tự Tại Thành Tựu. Chẳng hạn như tu Chỉ, sau khi đã đắc Định, bèn liên tục tu Định, trong tương lai có thể dẫn đến phát khởi thần thông. Chủng tử đã được tăng thượng ấy được gọi là Tự Tại Thành Tựu. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận Lược Giải, trưởng lão Ấn Hải đã nói: “Tự Tại Thành Tựu là nói tới các thiện pháp được sanh bởi gia hạnh, nghề khéo, biến hóa, oai nghi là những chủng tử tăng trưởng mạnh mẽ có tánh chất vô ký. Vì sao vậy? Nương vào sức tu tập của gia hạnh mà đạt được tự tại, cho nên gọi là Tự Tại”.

          Hiện Khởi Thành Tựu là gì? Pháp hữu vi đang hiển hiện trong hiện tại. Chẳng hạn như quan niệm truyền thống của Trung Hoa là khi bé trai được sanh ra, nó bèn có quyền lợi kế thừa gia sản, gia sản trong tương lai sẽ là của nó. Vì thế, có thể nói “bé trai đạt được gia sản”; đó là Chủng Tử Thành Tựu. Đến khi nó trưởng thành, cha bèn giao gia sản cho, đó gọi là Hiện Khởi Thành Tựu.

          Mọi người đều mong đạt được những thành quả tương đối ưu thắng trong thế gian, như học vấn ưu việt, sự nghiệp thành công, gia đình mỹ mãn, thân thể mạnh khỏe, tâm tình thoải mái v.v… Do vậy, ngàn muôn cay đắng truy cầu những thứ “thành tựu” (Đắc). Đạt được những thành quả ấy, sẽ vui sướng, mừng rỡ. Chẳng đạt được, sẽ ưu sầu, bi thương. Hơn nữa, dẫu đạt được, cũng sẽ lo âu “cái đã đạt được sẽ bị mất đi”. Giả sử Đắc có một thật thể, vậy thì chúng ta có thể biết Đắc ở chỗ nào hay không? Có thể biết hình dạng, màu sắc, và tác dụng của Đắc hay chăng? Thật Thể có ý nghĩa “tồn tại thường hằng” thì Đắc có sẽ bị mất đi hay không? Thật ra, chẳng có thật thể của Đắc! Đắc chỉ là sự hiện hành của pháp hữu vi hay chủng tử mà lập ra. Nó là pháp sanh diệt, là giả pháp, chẳng phải là một thật thể độc nhất, thường hằng, nó có thể làm khái niệm hay quan niệm cho Ý Thức phân biệt mà thôi.

          Hết thảy các pháp hữu vi là pháp được sanh bởi nhân duyên, là sanh diệt, vô thường, cho nên chẳng có một cái Đặc độc nhất, thường hằng. Chỉ là do sự hiện hành hoặc chủng tử của pháp hữu vi, nên phương tiện giả lập thành Đắc (Hiện Khởi Thành Tựu). Ngược lại, khi nhân duyên ly tán, pháp hữu vi sẽ diệt mất, Đắc cũng bị mất đi. Do vậy, cũng có thể phương tiện giả lập thành Thất (mất mát). Như Đại Trí Độ Luận đã nói: “Chư pháp tất cánh không, bất khả đắc” (Các pháp rốt ráo là không, chẳng thể đạt được). Mọi người “có được thuận cảnh” bèn tham đắm, hoan hỷ. “Mất đi thuận cảnh” bèn tức giận, ưu sầu, đau thương. Ngược lại “gặp phải nghịch cảnh” bèn buồn bã than van, lo rầu, bi thương. “Nghịch cảnh mất đi” bèn cảm thấy may mắn, hoan hỷ. Thật ra, chẳng có thật thể của Đắc và Thất, nhưng mọi người vẫn rất chấp trước Đắc và Thất có thật thể, cho nên mới lo sầu sao cho Đắc, lại lo sầu sẽ bị Thất (mất đi), hết sức khổ não!

          Hy vọng sẽ đạt được thành quả tương đối ưu thắng trong thế gian, là thiện tánh hướng thượng, hoặc là ước mong có tánh chất vô ký, chính là động cơ (motivation) để học tập hoặc tu hành, có thể khích lệ chúng ta phấn chấn tinh tấn. Nhưng phải biết rõ ràng: Ước nguyện là pháp duyên sanh, chẳng có thật thể. Hy vọng đạt được điều lý tưởng, [thì điều lý tưởng ấy] chỉ là đối tượng được duyên bởi ước nguyện, cũng chẳng có thật thể. Dẫu đã “đạt được lý tưởng”, đấy cũng chỉ là dựa theo sự hiển hiện của pháp duyên sanh mà giả lập, cũng chẳng có thật thể. Do vậy, nếu chúng ta chấp trước Đắc có thật thể, hy vọng đạt được nó, đấy là chuyện vĩnh viễn chẳng thể nào có! Sau khi đã liễu giải Đắc chỉ là khái niệm hoặc quan niệm do Ý Thức phân biệt, trong cuộc sống thường ngày, sẽ chẳng còn chấp trì Đắc Thất (được, mất) cho mấy, sẽ khá tự do tự tại. Do đã từng tu đạo, chứng ngộ Vô Đắc, sẽ chứng ngộ Đắc chẳng có thật thể, mà cũng chứng ngộ tánh Không. Như Tâm Kinh đã nói: “Vô trí, diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Không trí, mà cũng chẳng đắc. Do chẳng có gì để được, Bồ Tát vì nương theo Bát Nhã Ba La Mật, mà tâm không vướng mắc. Do không vướng mắc, xa lìa mộng tưởng điên đảo, chứng Niết Bàn rốt ráo. Ba đời chư Phật, do nương theo Bát Nhã Ba La Mật mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Chứng ngộ tánh Không, tức là trừ bỏ chấp trước đối với thật thể của “chánh trí có thể chứng, lý Chân Như được chứng, hoặc thánh quả để đắc”, tức là đắc Sơ Quả của Thanh Văn Thừa, hay Sơ Địa của Bồ Tát Thừa. Tu hành tiến cao hơn bước nữa, có thể đạt đến giải thoát sanh tử, cho đến thành tựu viên mãn Phật quả.

1.1.2.4.2.2.2.2. Vô Tưởng Định

          (Luận) Vân hà Vô Tưởng Định? Vị ly Biến Tịnh nhiễm, vị ly thượng nhiễm. Dĩ xuất ly tưởng, tác ý vi tiên, sở hữu bất hằng hành tâm, tâm pháp diệt vi tánh.

          ()云何無想定謂離遍淨染未離上染。以出離想作意為先所有不恒行心心法滅為性。

      (Luận: Vô Tưởng Định là như thế nào? Chính là lìa sự đắm nhiễm đối với cõi trời Biến Tịnh, nhưng chưa lìa sự đắm nhiễm đối với những cõi trời cao hơn. [Vô Tưởng Định] lấy xuất ly tưởng, tác ý làm đầu, có tánh chất là tất cả các tâm và tâm pháp chẳng thường hằng đều bị diệt mất).

          Thể tánh của Vô Tưởng Định là “ly Biến Tịnh nhiễm, vị ly thượng nhiễm”. Đấy là nói Vô Tưởng Định tuy có thể lìa bỏ Biến Tịnh Nhiễm, nhưng vẫn chẳng lìa bỏ Thượng Nhiễm. Biến Tịnh Nhiễm là nói tới sự tham đắm trong Tịnh Cư Thiên của Tam Thiền Thiên, tức là sự tham đắm đối với Đệ Tam Thiền (Tĩnh Lự). Thượng Nhiễm là sự tham đắm đối với Đệ Tứ Thiền trở lên.

          Tu Vô Tưởng Định như thế nào? “Dĩ xuất ly tưởng, tác ý vi tiên, sở hữu bất hằng hành tâm, tâm pháp diệt vi tánh”, [ý nói]: Phương pháp tu Vô Tưởng Định thì trước hết là tác ý tư duy, tưởng xuất ly, huân tu thuần thục. Khi đã đắc Vô Tưởng Định, “sở hữu bất hằng hành tâm, tâm pháp diệt”, tức là những pháp Tâm Sở như Tưởng v.v… tương ứng với sáu Thức trước đều bị diệt trừ. Vì sáu Thức trước và những Tâm Sở tương ứng với chúng bị gián đoạn, cho nên gọi là “bất hằng hành tâm, tâm pháp” (tâm và tâm pháp chẳng phải là tồn tại thường hằng).

          Đối với “xuất ly tưởng tác ý” (dấy lên ý niệm để lìa khỏi tưởng), Du Già Sư Địa Luận đã thuyết minh khá tường tận: “Nhược chư dị sanh tác như thị niệm: Chư tưởng như bệnh, chư tưởng như ung, chư tưởng như tiễn, duy hữu vô tưởng, tịch tĩnh vi diệu nhiếp thọ. Như thị bối tưởng tác ý, ư sở sanh khởi nhất thiết tưởng trung, tinh cần tu tập bất niệm tác ý. Do thử tu tập vi nhân duyên cố, gia hạnh đạo trung, thị hữu tâm vị, nhập Định vô gián, tâm bất phục chuyển. Như thị xuất ly tưởng tác ý vi tiên, dĩ ly Biến Tịnh tham, vị ly Quảng Quả tham, chư tâm, tâm pháp diệt, thị danh Vô Tưởng Định. Do thị phương tiện, chứng đắc thử Định” (Nếu các dị sanh12 nghĩ như thế này: “Các tưởng như bệnh, các tưởng như ung nhọt, các tưởng như mũi tên, chỉ có vô tưởng là nhiếp thọ tịch tĩnh vi diệu”. Phát khởi tâm niệm chống trái với Tưởng như thế, bèn đối với hết thảy các thứ Tưởng dấy lên sẽ siêng năng chuyên ròng tu tập sao cho chẳng dấy lên ý nghĩ suy niệm. Do sự tu tập ấy làm nhân duyên, trong gia hạnh đạo, [hành giả] sẽ là địa vị hữu tâm, nhập Định chẳng gián đoạn, tâm chẳng còn xoay chuyển nữa. Trước hết, khởi lên ý niệm lìa khỏi Tưởng như thế, đã lìa khỏi sự tham đắm đối với cõi trời Biến Tịnh, nhưng chưa lìa khỏi sự tham đắm đối với cõi trời Quảng Quả. Do các tâm và tâm pháp (Tâm Sở) đã diệt, nên gọi là Vô Tưởng Định. Do phương tiện này mà chứng đắc Định này).

          Có một loại ngoại đạo cho rằng: “Tưởng là cội nguồn của sanh tử. Hễ có thể diệt hết Tưởng thì sẽ liền chứng nhập Niết Bàn, thoát lìa sanh tử”. Do vậy, bậc thánh nhân chẳng tu Vô Tưởng Định. Ngoại đạo tu Vô Tưởng Định, ắt cần phải lìa bỏ sự tham đắm đối với Tĩnh Lự bậc thứ ba thuộc thượng phẩm (nghiệp lực của nó chín muồi, sẽ cảm được Biến Tịnh Thiên). Sau đấy, sẽ dựa vào môn Tĩnh Lự thứ tư thuộc thượng phẩm (hễ nghiệp lực của nó chín muồi, sẽ cảm được Quảng Quả Thiên). Trước hết, phải tác ý chống trái Tưởng, dấy lên sự suy niệm “các Tưởng như bệnh, như ung nhọt, như mũi tên, chẳng có Tưởng thì mới là tịch tĩnh vi diệu (Niết Bàn)”. Gia công dụng hạnh như thế, dần dần lìa bỏ các Tưởng, nhập Vô Tưởng Định (nhập địa vị vô tâm), sáu Thức trước và các Tâm Sở như Tưởng v.v… tương ứng với chúng sẽ tạm thời diệt mất. Nhưng sau khi ra khỏi Vô Tưởng Định, Ý Thức và những Tâm Sở tương ứng sẽ lại sanh khởi.

          Vì sao bậc thánh nhân hữu học và vô học chẳng tu Vô Tưởng Định? Du Già Sư Địa Luận giải thích: “Tiền Vô Tưởng Định, phi học sở nhập; diệc phi vô học. Hà dĩ cố? Thử trung vô hữu Huệ hiện hành cố. Thử thượng hữu thắng tịch tĩnh trụ cập sanh cố. Hựu phục thử Định, bất năng chứng đắc sở vị chứng đắc chư thắng thiện pháp, do thị khể lưu cuống huyễn xứ cố” (Món Vô Tưởng Định trên đây, bậc thánh nhân hữu học chẳng tu, mà thánh nhân vô học cũng chẳng tu. Vì sao vậy? Do trong ấy chẳng có Huệ hiện hành, hãy còn có tịch tĩnh trụ và chỗ để sanh về vượt trỗi Định này. Do tu môn Định đối với những thiện pháp thù thắng hơn mà hành nhân chưa chứng đắc, nếu tu môn Định này, sẽ chẳng thể chứng đắc. Do vậy, [nếu khăng khăng tu môn Định này, hành nhân sẽ] lẩn quẩn nơi dối trá, hư huyễn). Do vì ba thứ lý do:

          1) Trong Vô Tưởng Định không có Vô Lậu Huệ hiện hành.

          2) Trên Vô Tưởng Định, còn có trụ xứ tịch tĩnh càng thù thắng hơn, và phía trên Vô Tưởng Thiên còn có chỗ sanh về càng thù thắng hơn nữa.

          3) Dùng Vô Tưởng Định sẽ chẳng thể chứng đắc các thiện pháp vượt trỗi hơn mà hành nhân chưa thể chứng đắc, sẽ lẩn quẩn nơi chỗ dối trá, hư huyễn.

          Do vậy, thánh nhân hữu học và vô học chẳng tu Vô Tưởng Định.

          Thành Duy Thức Luận thuyết minh Gia Hạnh Đạo càng tường tận hơn như sau: “Tu Định thời, ư Định gia hạnh, yếm hoạn thô động tâm, tâm sở cố, phát thắng kỳ nguyện giá tâm, tâm sở, linh tâm, tâm sở tiệm tế, tiệm vi, vi vi tâm thời, huân Dị Thục Thức, thành cực tăng thượng yếm tâm đẳng chủng. Do thử tổn phục tâm đẳng chủng cố, thô động tâm đẳng tạm bất hiện hành. Y thử phần vị, giả lập nhị Định (Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định)” (Khi tu Định, đối với các môn gia hạnh của Định, do chán ghét những tâm và Tâm Sở thô tháp, xáo động, bèn phát ước nguyện thù thắng để ngăn chặn những tâm và Tâm Sở [thô tháp, xáo động ấy], khiến cho tâm và Tâm Sở dần dần vi tế. Khi đạt đến vi vi tâm, huân tập Dị Thục Thức (A Lại Da Thức), trở thành những cái tâm như Yếm (chán ghét) v.v… tột bậc tăng thượng. Do sự tổn giảm, chế phục những loại tâm như vậy, tâm thô tháp xáo động tạm thời chẳng hiện hành. Dựa trên phần vị ấy, giả lập hai món Định là Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định). Ngoại đạo tu Vô Tưởng Định, khi tu gia hạnh đạo, do chán ngán tâm và Tâm Sở thô động, cho nên phát khởi nguyện vọng mạnh mẽ, vượt trỗi, nhằm ngăn chặn tâm và Tâm Sở (tương ứng với Tác Ý), dần dần khiến cho Tưởng càng ngày càng vi tế cho đến khi tu đạt đến vi tâm, vi vi tâm (vi tâm và vi vi tâm chính là ý thức trong sát-na áp chót và sát-na cuối cùng trước khi nhập Vô Tưởng Định). Vi vi tâm tương ứng với Yếm Tâm Sở, huân tập A Lại Da Thức, thành tựu Ý Thức và chủng tử như Yếm v.v… tột bậc tăng thượng. Chủng tử Yếm có tiềm năng tổn phục (tổn giảm, chế phục) Ý Thức và chủng tử của Tâm Sở tương ứng [với Ý Thức]; vì thế, Ý Thức và Tâm Sở tương ứng với nó sẽ tạm thời chẳng dấy lên hiện hành. Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định dựa trên phần vị của chủng tử Yếm tột bậc tăng thượng mà giả lập. Do vậy, nếu Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định lìa ngoài chủng tử Yếm, sẽ chẳng có một thật thể riêng biệt.

          Sắc Giới có mười tám chỗ, tức là “Phạm Chúng Thiên, Phạm Tiền Ích Thiên (Phạm Phụ Thiên), và Đại Phạm Thiên. Ba cõi này là do huân tu nhuyễn, trung, thượng phẩm của môn Tĩnh Lự đầu tiên [mà được sanh về đó]. Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, và Cực Tịnh Quang Thiên (Quang Âm Thiên), ba cõi này là do huân tu nhuyễn, trung, thượng phẩm của môn Tĩnh Lự thứ hai mà thành. Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, và Biến Tịnh Thiên, ba cõi này là do huân tu nhuyễn, trung, thượng phẩm của môn Tĩnh Lự thứ ba mà thành. Vô Vân Thiên, Phước Sanh Thiên, và Quảng Quả Thiên, ba cõi này là do huân nhuyễn, trung, thượng phẩm của môn Tĩnh Lự thứ tư. Vô Tưởng Thiên được gộp trong Quảng Quả, chẳng có nơi chốn khác. Lại còn có năm chỗ Tịnh Cư Cung là nơi chư thánh ở (Ngũ Tịnh Cư Thiên), tức là Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Hiện, Thiện Kiến và Sắc Cứu Cánh, do huân tu xen lẫn nhuyễn, trung, thượng, thượng thắng, thượng cực phẩm của môn Tĩnh Lự thứ tư”. Huân tu thượng phẩm của môn Tĩnh Lự thứ tư, khi nghiệp lực chín muồi, sẽ cảm được Quảng Quả Thiên thuộc Đệ Tứ Thiền Thiên. Tu Vô Tưởng Định, nghiệp lực chín muồi, cảm được Vô Tưởng Thiên. Vô Tưởng Thiên được gồm thâu trong Quảng Quả Thiên.

          Tu Vô Tưởng Định, chia đại lược thành ba loại là “hạ phẩm tu, trung phẩm tu, thượng phẩm tu”, nghiệp lực chín muồi sẽ cảm được Vô Tưởng Thiên, cũng chia thành ba loại. Như Du Già Sư Địa Luận nói: “Hãy nên biết sự sai khác, đại lược có ba loại: Một là hạ phẩm tu, hai là trung phẩm tu, ba là thượng phẩm tu. Nếu là hạ phẩm tu, đối với hiện pháp (pháp đã chứng nhập trong hiện tiền) mà bị thoái thất, sẽ chẳng thể mau chóng khôi phục khiến cho nó hiện tiền. Nếu sanh vào Vô Tưởng Hữu Tình Thiên, đạt được y thân (cái thân để tâm thức nương vào) chẳng thanh tịnh cho lắm, oai quang rực rỡ, hình sắc rộng lớn, như các thiên chúng khác, chắc chắn sẽ chết yểu. Nếu tu trung phẩm, tuy hiện pháp thoái thất, vẫn có thể mau chóng khôi phục khiến cho nó hiện tiền. Nếu sanh vào Vô Tưởng Hữu Tình Thiên, cảm được y thân, tuy rất thanh tịnh, quang minh chói lọi, hình sắc rộng lớn, nhưng chẳng rốt ráo tối cực thanh tịnh. Tuy có trường hợp bị chết yểu, nhưng chẳng quyết định (chẳng phải là vị trời nào trong Vô Tưởng Định Thiên cũng sẽ chết yểu). Nếu tu thượng phẩm thì ắt chẳng có thoái thất. Nếu sanh vào Vô Tưởng Hữu Tình Thiên, cảm được y thân hết sức thanh tịnh, oai quang chói lọi, hình sắc rộng lớn, lại là rốt ráo thanh tịnh, ắt chẳng bị chết yểu, thọ lượng viên mãn đến tột cùng, sau đó mới mất đi (hết thọ mạng)”.

Nguồn: Di Đà Nguyện Hải

Trang: 1 2 3 4