Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận Thích Yếu
大乘廣五蘊論釋要
Thích Tịnh Chiếu biên soạn
11 tháng Tám năm 2015
釋淨照編寫
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong

Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận do An Huệ Bồ Tát1 đã dịch bộ luận này sang tiếng Hán. Phần chánh văn của bộ luận này được trích từ tập ba mươi mốt của Đại Chánh Tạng, từ cột2 cuối của trang 850 đến cột giữa trang 855 (Đại Chánh 31, 850c-855b).

          Trước hết là sẽ “khoa phán” bộ luận này, tức là chia nội dung của bộ luận thành các tiểu đoạn, sau mỗi phần sẽ giải thích những ý nghĩa đơn giản, cốt yếu.

Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận khoa phán (chia thành ba phần)

1. Ngũ Uẩn(chia thành hai đoạn)

1.1. Nội dung bao hàm trong Ngũ Uẩn (chia thành hai đoạn)

1.1.1. Nêu chung danh xưng Ngũ Uẩn

          (Luận) Phật Thuyết Ngũ Uẩn, vị Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, Thức Uẩn.

          ()佛說五蘊。謂色蘊。受蘊。想蘊。行蘊。識蘊。

          (Luận: Đức Phật nói Ngũ Uẩn là Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, và Thức Uẩn).

          Ngũ Uẩn là một pháp tướng cơ bản nhất trong Phật pháp. Ngũ Uẩn bao gồm Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, và Thức Uẩn. Cách phân loại và thứ tự trong Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận không giống bộ luận này. Thứ tự trong [Bách Pháp Minh Môn Luận] là Tâm Pháp, Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp, và Vô Vi Pháp.

1.1.2. Giải thích riêng biệt từng điều trong Ngũ Uẩn (chia thành năm đoạn)

1.1.2.1. Sắc Uẩn (chia thành ba đoạn)

          (Luận) Vân hà Sắc Uẩn? Vị tứ đại chủngcập đại chủng sở tạo Sắc.

          ()云何色蘊?謂四大種及大種所造色。

            (Luận: Như thế nào là Sắc Uẩn? Tức là bốn đại chủng và những Sắc được tạo bởi các đại chủng). 

          Sắc Uẩn có thể chia thành hai loại lớn:

          (1) Năng Tạo Sắc (cái có thể tạo ra Sắc), tức là tứ đại chủng (Địa, Thủy, Hỏa, Phong).

          (2) Sở Tạo Sắc, tức là những sắc chất được tạo thành bởi tứ đại chủng.

1.1.2.1.1. Tứ đại chủng

          (Luận) Vân hà tứ đại chủng? Vị địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới. Thử phục vân hà? Vị Địa, kiên tánh, Thủy, thấp tánh, Hỏa, noãn tánh, Phong, khinh tánh. Giới giả, năng trì tự tánh, sở tạo Sắc cố.

          ()云何四大種謂地界。水界。火界。風界。此復云何謂地堅性。水濕性。火煖性。風輕性。界者。能持自性所造色故。

          (Luận: Như thế nào là tứ đại chủng? Chính là địa giới, thủy giới, hỏa giới, và phong giới. Những thứ ấy lại như thế nào? Tức là Địa có tánh cứng, Thủy có tánh ướt, Hỏa có tánh nóng, Phong có tánh nhẹ. “Giới” là có thể gìn giữ tự tánh vả gìn giữ những Sắc được tạo bởi chúng).

          Tứ đại chủng là gì? Chính là bốn giới, tức “địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới”, cũng chính là Tứ Đại: Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, và Phong Đại.

          Vì sao gọi là “Đại”? Vì Tứ Đại tồn tại phổ biến, không đâu chẳng có. Chỉ cần có vật chất, sẽ có Tứ Đại. Rời khỏi Tứ Đại, sẽ chẳng có vật chất; do vậy gọi là Đại.

          “Giới” (界) có nghĩa là “đặc tánh, tức tánh chất đặc biệt”, cũng có nghĩa là “nguyên nhân, nhân duyên”. Vì nương vào Tứ Đại, tức Địa, Thủy, Hỏa, Phong, sẽ có thể tạo thành Sắc. Vì thế, Tứ Đại cũng gọi là Tứ Giới.

          Chữ Chủng (種) trong Tứ Đại Chủng cũng có nghĩa là Nhân, như chủng tử (hạt giống) trong thế giới. Nương theo chủng tử, sẽ có thể sanh khởi quả hạt v.v… Vì thế, Tứ Đại còn gọi là Tứ Đại Chủng.

          Tứ Đại chẳng phải là “đất đai, nước trong, lửa cháy, gió mát” như chúng ta thường thấy, mà là nhân tố cơ sở vi tế nhất trong vật chất; hết thảy vật chất đều phải nương vào Tứ Đại để tồn tại. Vì sao Tứ Đại được gọi là Địa, Thủy, Hỏa, Phong? Đấy chính là từ ý nghĩa của thông thường của Địa, Thủy, Hỏa, Phong mà dẫn đến [cách gọi như thế].

          “Thử phục vân hà? Vị Địa, kiên tánh, Thủy, thấp tánh, Hỏa, noãn tánh, Phong, khinh tánh” (Những thứ ấy lại như thế nào? Tức là Địa có tánh cứng, Thủy tánh ướt, Hỏa tánh nóng, Phong tánh nhẹ). Chữ Noãn (煖) là dạng viết khác của chữ Noãn (暖, nóng). “Tánh” (性) là đặc tánh, tức tánh chất đặc thù. Do có đặc tánh của một loại pháp, cho nên chứng tỏ loại pháp ấy tồn tại. Chẳng hạn như một vật thể có tánh cứng chắc thì có thể biết vật thể ấy có Địa Giới.

          Đặc tánh của Địa Giới là tánh cứng. Vật chất có “tánh cứng”, thường được thể hiện dưới hình thái cố thể” (chất rắn), như sắt, đồng v.v… Tuy đều có đủ cả bốn giới, nhưng Địa Giới rõ rệt nhất.

          Đặc tánh của Thủy Giới là tánh ướt. Vật thể có tánh ướt, thường thể hiện dưới hình thái “dịch thể” (chất lỏng), như nước, máu v.v… Tuy đều có đủ bốn giới, nhưng Thủy Giới rõ rệt nhất.

          Tánh chất của Hỏa Giới là tánh nóng. Vật thể có tánh nóng thường thể hiện thành nhiệt độ của vật chất, như nhiệt độ cao của lò lửa. Tuy có đủ bốn giới, nhưng Hỏa Giới rõ rệt nhất. Ngược lại, băng có nhiệt độ thấp, tuy có đủ bốn giới, nhưng Hỏa Giới chẳng rõ rệt.

          Tánh chất của Phong Giới là tánh chuyển động nhẹ nhàng. Vật chất có tánh chuyển động nhẹ nhàng, thường thể hiện thành hình thái “chất khí”. Như khinh khí (hydrogen), không khí v.v… tuy đều có đủ bốn giới, nhưng Phong Giới rõ rệt nhất.

          Hơn nữa, Địa Giới có đặc tánh kiên cố, có tác dụng gánh vác, chịu đựng, chống đỡ. Nó có thể nâng đỡ vật nặng, như cái bàn có thể đặt sách lên đó.

          Thủy Giới có đặc tánh thấm ướt, có tác dụng ngưng tụ, như một khối đất cát, nhào trộn với nước, nó sẽ kết dính lại.

          Hỏa Giới có đặc tánh tỏa nhiệt. Hỏa Giới càng rõ rệt, sẽ càng có tác dụng gây ra biến đổi vì nhiệt (như tiêu hóa, phân hóa). Chẳng hạn như bao tử có thể tiêu hóa thức ăn chính là tác dụng của sự biến đổi vì nhiệt. Nếu Hỏa Giới của bao tử quá yếu, sẽ tiêu hóa không tốt.

          Đặc tánh của Phong Giới là tánh chất chuyển động nhẹ nhàng, nó có tác dụng thúc đẩy. Như là do có tác dụng thúc đẩy của Phong Giới, huyết dịch của chúng ta mới có thể tuần hoàn, và cũng mới có tác dụng bài tiết của đại tiểu tiện.

          “Giới giả, năng trì tự tánh, sở tạo Sắc cố” (Giới là có thể gìn giữ tự tánh và Sắc được tạo bởi [tứ đại chủng]). Giới có hai thứ ý nghĩa:

1- Năng trì tự tánh, [nghĩa là] có thể duy trì đặc tánh của một tự pháp. Chẳng hạn như Địa Giới có thể duy trì đặc tánh kiên cố.

2- Năng trì sở tạoSắc (có thể duy trì các Sắc được tạo ra): Các Sắc do nương vào Tứ Đại mà sanh khởi, tạo thành. Tứ Đại lại còn duy trì các Sắc đã được tạo ra.

1.1.2.1.2. Sắc do Tứ Đại tạo ra (chia thành bốn đoạn)

1.1.2.1.2.1. Luận định tổng quát

          (Luận) Vân hà Tứ Đại sở tạo Sắc? Vị Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn, Sắc, Thanh, Hương, Vị, cập Xúc nhất phần, Vô Biểu Sắc đẳng. Tạo giả, nhân nghĩa. Căn giả, tối thắng tự tại nghĩa, chủ nghĩa, tăng thượng nghĩa. Thị vi Căn nghĩa. Sở ngôn chủ nghĩa, dữ thùy vi chủ? Vị tức Nhãn Căn dữ Nhãn Thức vi chủ, sanh Nhãn Thức cố. Như thị nãi chí Thân Căn dữ Thân Thức vi chủ, sanh Thân Thức cố.

          ()云何四大所造色謂眼根。耳根。鼻根。舌根。身根。色聲香味。及觸一分。無表色等。造者因義。根者最勝自在義。主義。增上義。是爲根義。所言主義。與誰爲主謂即眼根。與眼識爲主。生眼識故。如是乃至身根。與身識爲主。生身識故。

          (Luận: Những gì là Sắc được tạo bởi Tứ Đại? Chính là Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn, Sắc, Thanh, Hương, Vị, và một phần Xúc, Vô Biểu Sắc v.v… “Tạo” có nghĩa là làm cái nhân. “Căn” có nghĩa là tối thắng tự tại, làm chủ, tăng thượng. Đấy là ý nghĩa của Căn. Nói Căn có nghĩa là Chủ, thì là Chủ của ai? Chính là Nhãn Căn là chủ của Nhãn Thức, vì nó sanh ra Nhãn Thức. Như thế cho đến Thân Căn là chủ của Thân Thức, vì nó sanh ra Thân Thức).

          “Vân hà Tứ Đại sở tạo Sắc?” (Những gì là Sắc do Tứ Đại tạo ra?): Sở Tạo Sắc bao gồm mười một loại, chính là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân (Ngũ Căn), và Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc tức Ngũ Trần (Ngũ Cảnh), lại còn có Vô Biểu Sắc v.v…

          Xúc gồm hai phần: Một phần là Sở Tạo Sắc, phần kia là Tứ Đại. Do Tứ Đại là Năng Tạo Sắc, nên “một phần Xúc” trong đoạn văn trên đây là nói tới Xúc thuộc về Sở Tạo Sắc.

          “Vô Biểu Sắc đẳng” là nói về Vô Biểu Sắc, và Sắc được sanh bởi Tam-ma-địa.

          “Tạo giả, nhân nghĩa” [tức là] Tạo có ý nghĩa là [làm cái] Nhân. Có Tứ Đại thì mới có Sắc được tạo ra bởi chúng. Sở Tạo Sắc phải nương theo Tứ Đại thì mới hiện hữu. Do vậy, Tứ Đại được gọi là Năng Tạo Sắc (cái có thể tạo ra Sắc).

          “Căn giả, tối thắng tự tại nghĩa, chủ nghĩa, tăng thượng nghĩa” (Căn có nghĩa là tự tại tối thắng nhất, là chủ, là tăng thượng). “Tối thắng tự tại nghĩa”: Có ý nghĩa thù thắng, tự tại nhất. Ngũ Căn trong Sắc Pháp là Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, và Thân Căn. Những thứ được nhận biết bởi Ngũ Thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận) là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, chúng được gọi là Ngũ Cảnh. Ngũ Căn và Ngũ Cảnh hòa hợp, sanh ra Ngũ Thức. Tác dụng của Thức là tác dụng nhận biết, phân biệt. Nếu Nhãn Căn và Sắc Cảnh hòa hợp, sẽ có Nhãn Thức sanh khởi. Giả sử mắt (Nhãn Căn) có bệnh, Nhãn Thức sẽ chẳng thể sanh khởi, tức là chẳng thể thấy hình dạng và màu sắc của vật thể bên ngoài. Cũng giống như vậy, chẳng có Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân Căn thì Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân Thức chẳng thể sanh khởi. Nếu có những loài côn trùng không có mắt (Nhãn Căn), chúng sẽ chẳng thể nhận biết màu sắc đỏ, trắng v.v… Vì Căn có địa vị và ý nghĩa trọng yếu, nên Căn là “tối thắng tự tại nghĩa”.

“Chủ nghĩa” tức là “có ý nghĩa chủ yếu”. Trong sự nhận biết, Căn giữ điều kiện chủ yếu. “Sở ngôn chủ nghĩa, dữ thùy vi chủ? Vị tức Nhãn Căn dữ Nhãn Thức vi chủ, sanh Nhãn Thức cố. Như thị nãi chí Thân Căn dữ Thân Thức vi chủ, sanh Thân Thức cố” (Nói đến ý nghĩa Chủ thì nó làm chủ với ai? Chính là Nhãn Căn là chủ của Nhãn Thức, do nó sanh ra Nhãn Thức. Như thế cho đến Thân Căn là chủ của Thân Thức, vì nó sanh ra Thân Thức): Nếu có Nhãn Căn thì mới có thể sanh khởi Nhãn Thức. Nhãn Căn là điều kiện chủ yếu để sanh khởi Nhãn Thức. Cho đến có Thân Căn thì mới có thể sanh khởi Thân Thức. Thân Căn là điều kiện chủ yếu để sanh khởi Thân Thức.

          “Tăng thượng nghĩa”“Tăng thượng là có thể giúp đỡ pháp khác. Vì trong sự nhận thức, Căn có thể giúp đỡ tác dụng nhận biết. Vì thế, Căn có ý nghĩa tăng thượng.

          Vì sao sáu Thức nương theo Căn để đặt tên, bèn gọi là Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức, mà chẳng dựa theo Cảnh để đặt tên thành Sắc Thức, Thanh Thức, Hương Thức, Vị Thức, Xúc Thức, và Pháp Thức? Vì Căn có năm thứ ý nghĩa, cho nên sáu Thức được đặt tên dựa theo Căn, mà gọi là Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức. Năm thứ ý nghĩa là như Thành Duy Thức Luận đã nói: “Tùy căn lập danh, cụ ngũ nghĩa cố. Ngũ vị y, phát, thuộc, trợ, như căn” (Dựa theo Căn để đặt tên là vì có năm ý nghĩa. Năm ý nghĩa là nương cậy, phát khởi, phụ thuộc, giúp đỡ, giống như Căn). Trong bộ Thành Duy Thức Luận Thuật Ký, đệ tử của Huyền Trang đại sư là ngài Khuy Cơ đã giải thích tường tận. Pháp sư Tông Mật đời Đường có giải thích ý nghĩa giản yếu3

          Nói chung, sáu căn giữ lấy sáu cảnh, sanh ra sáu Thức như sau:

          – Nhãn Căn tiếp nhận Sắc Cảnh, sanh ra Nhãn Thức (Nhãn Thức thấy Sắc Cảnh).

          – Nhĩ Căn tiếp nhận Thanh Cảnh, sanh ra Nhĩ Thức (Nhĩ Thức nghe Thanh Cảnh).

          – Tỵ Căn tiếp nhận Hương Cảnh, sanh ra Tỵ Thức (Tỵ Thức ngửi Hương Cảnh).

          – Thiệt Căn tiếp nhận Vị Cảnh, sanh ra Thiệt Thức (Thiệt Thức nếm Vị Cảnh).

          – Thân Căn tiếp nhận Xúc Cảnh, sanh ra Thân Thức (Thân Thức cảm nhận Xúc Cảnh).

          – Ý Căn tiếp nhận Pháp Cảnh, sanh ra Nhãn Thức (Nhãn Thức thấy Sắc Cảnh).

1.1.2.1.2.2. Giải thích riêng biệt từng điều (chia thành ba đoạn)

1.1.2.1.2.2.1. Ngũ Căn (chia thành năm đoạn)

1.1.2.1.2.2.1.1. Nhãn Căn

          (Luận) Vân hà Nhãn Căn? Vị dĩ Sắc vi cảnh, tịnh sắc vi tánh, vị ư nhãn trung, nhất phần tịnh sắc, như tịnh đề hồ. Thử tánh hữu cố, Nhãn Thức đắc sanh, vô tức bất sanh.

          ()云何眼根謂以色爲境。淨色爲性。謂於眼中。一分淨色如淨醍醐。此性有故。眼識得生。無即不生。

          (Luận: Nhãn Căn là như thế nào? Chính là lấy Sắc làm Cảnh, tịnh sắc làm tánh. Tức là một phần tịnh sắc trong mắt [thì gọi là Nhãn Căn] như đề hồ tinh sạch. Hễ có tánh ấy thì Nhãn Thức sẽ được sanh ra. Nếu không, [Nhãn Thức] sẽ chẳng sanh).

          Nhãn Căn là gì? Cảnh giới được tiếp nhận bởi Nhãn Căn thì gọi là Sắc Cảnh, tức là xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn v.v… Nhãn Căn là “tịnh sắc vi tánh” (lấy tịnh sắc làm tánh), là một thứ sắc pháp thanh tịnh (trong suốt), là một phần sắc thanh tịnh nơi tròng mắt.

          “Như tịnh đề hồ”: Nhãn Căn được sánh ví như đề hồ (醍醐). Người Ấn Độ dùng sữa bò chưng luyện thành Lạc, Lạc lại được chưng luyện thành Sanh Tô, Sanh Tô lại chưng luyện thành Thục Tô, Thục Tô lại chưng luyện, sẽ luyện thành Đề Hồ, sạch sẽ nhất, trở thành loại chất dầu chẳng có tí tạp chất nào, thì gọi là “tịnh đề hồ”.

          “Thử tánh hữu cố, Nhãn Thức đắc sanh, vô tức bất sanh” (Do có tánh ấy mà Nhãn Thức được sanh ra. Nếu không có, nó sẽ chẳng sanh): Nhãn Căn có sắc thanh tịnh thì Nhãn Thức mới có thể sanh khởi. Chẳng có Nhãn Căn, dẫu có tròng mắt ([danh từ Duy Thức gọi nó là] Phù Căn Trần), nhưng Nhãn Thức chẳng thể sanh khởi. Như Du Già Sư Địa Luận quyển một nói: “Nhãn là do Tứ Đại Chủng tạo ra, Nhãn Thức nương tựa tịnh sắc”. Cũng giống như vậy, chẳng có Nhĩ Căn, tuy có tai, nhưng chẳng nghe được âm thanh. Chẳng có Tỵ Căn, tuy có mũi, nhưng chẳng ngửi thấy mùi thơm. Chẳng có Thiệt Căn, tuy có lưỡi, nhưng chẳng nếm được mùi vị. Có người do một bộ vị nào đó trên thân thể bị hư hoại, đói mà chẳng có cảm giác đói; lạnh, nóng, đau đớn cũng chẳng có cảm giác. Bốn căn trước như Nhãn Căn v.v… có thể hư hoại toàn bộ, nhưng Thân Căn chẳng thể hư hoại toàn bộ. Nếu Thân Căn hư hoại toàn bộ, người ta sẽ chết.

1.1.2.1.2.2.1.2. Nhĩ Căn

          (Luận) Vân hà Nhĩ Căn? Vị dĩ Thanh vi cảnh, tịnh sắc vi tánh. Vị ư nhĩ trung, nhất phần tịnh sắc. Thử tánh hữu cố, Nhĩ Thức đắc sanh, vô tức bất sanh.

          ()云何耳根謂以聲爲境。淨色爲性。謂於耳中。一分淨色。此性有故。耳識得生。無即不生。

          (Luận: Nhĩ Căn là như thế nào? Chính là dùng Thanh làm cảnh, tịnh sắc làm tánh. Nghĩa là trong tai có một phần tịnh sắc. Do có tánh ấy, Nhĩ Thức được sanh ra; nếu không có, sẽ chẳng sanh).

1.1.2.1.2.2.1.3. Tỵ Căn

          (Luận) Vân hà Tỵ Căn? Vị dĩ Hương vi cảnh, tịnh sắc vi tánh. Vị ư tỵ trung, nhất phần tịnh sắc. Thử tánh hữu cố, Tỵ Thức đắc sanh, vô tức bất sanh.

          ()云何鼻根謂以香爲境。淨色爲性。謂於鼻中。一分淨色。此性有故。鼻識得生。無即不生。

          (Luận: Tỵ Căn là như thế nào? Chính là dùng Hương làm cảnh, tịnh sắc làm tánh. Nghĩa là trong mũi có một phần tịnh sắc. Do có tánh ấy, Tỵ Thức được sanh ra; nếu không có, sẽ chẳng sanh).

1.1.2.1.2.2.1.4. Thiệt Căn

          (Luận) Vân hà Thiệt Căn? Vị dĩ Vị vi cảnh, tịnh sắc vi tánh. Vị ư thiệt thượng, châu biến tịnh sắc. Hữu thuyết, thử ư thiệt thượng, hữu thiếu bất biến, như nhất mao đoan. Thử tánh hữu cố, Thiệt Thức đắc sanh, vô tức bất sanh.

          ()云何舌根謂以味爲境。淨色爲性。謂於舌上。周遍淨色。有說。此於舌上。有少不遍。如一毛端。此性有故。舌識得生。無即不生。

          (Luận: Thiệt Căn là như thế nào? Chính là dùng Vị làm cảnh, tịnh sắc làm tánh. Nghĩa là trên lưỡi, tịnh sắc trọn khắp. Có thuyết nói: Ở trên lưỡi, có khuyết một chỗ [tịnh sắc] chẳng trọn khắp, [chỗ ấy to bằng] một đầu lông. Do có tánh ấy, Thiệt Thức được sanh ra; nếu không có, sẽ chẳng sanh).

1.1.2.1.2.2.1.5. Thân Căn

          (Luận) Vân hà Thân Căn? Vị dĩ Xúc vi cảnh, tịnh sắc vi tánh. Vị ư thân trung, châu biến tịnh sắc. Thử tánh hữu cố, Thân Thức đắc sanh, vô tức bất sanh.

          ()云何身根謂以觸爲境。淨色爲性。謂於身中。周遍淨色。此性有故。身識得生。無即不生。

          (Luận: Thân Căn là như thế nào? Chính là dùng Xúc làm cảnh, tịnh sắc làm tánh. Nghĩa là trong thân, tịnh sắc trọn khắp. Do có tánh ấy, Thân Thức được sanh ra; nếu không có, sẽ chẳng sanh).

          Nhĩ Căn lấy Thanh làm cảnh, Tỵ Căn lấy Hương làm cảnh, Thiệt Căn lấy Vị làm cảnh, Thân Căn lấy Xúc làm cảnh, đạo lý đều giống như Nhãn Căn. Trong ấy, Thiệt Căn khác biệt đôi chút.

          “Vân hà Thiệt Căn? Vị dĩ Vị vi cảnh, tịnh sắc vi tánh. Vị ư thiệt thượng, châu biến tịnh sắc” (Thiệt Căn là như thế nào? Chính là lấy Vị làm cảnh, tịnh sắc làm tánh. Tức là ở trên lưỡi, tịnh sắc trọn khắp): Theo học thuyết Duy Thức, Thiệt Căn trọn khắp nơi cái lưỡi. Vì thế nói là “châu biến tịnh sắc” (tịnh sắc trọn khắp).

          “Hữu thuyết, thử ư thiệt thượng, hữu thiếu bất biến, như nhất mao đoan”: [Ý nói] có một số nhà y học Ấn Độ vào thời cổ đã cho rằng nơi lưỡi có một chỗ rất nhỏ, giống như bằng đầu sợi lông, chẳng có Thiệt Căn. Nếu chỗ ấy tiếp xúc Vị cảnh, cũng chẳng thể sanh khởi Thiệt Thức để nhận biết chua, ngọt v.v…

          Vì Căn quá quan trọng, cho nên kinh Phật thường nói “thủ hộ lục căn (mật hộ căn môn)”. Không chỉ là chẳng thể tổn hoại năm Căn trước, mà khi sáu Căn tiếp xúc sáu cảnh, sẽ sanh khởi sáu Thức, còn phải gìn giữ chánh niệm, chánh tri, thì mới có thể chẳng đồng thời sanh khởi phiền não. Nếu không, khi sáu Căn tiếp xúc sáu cảnh, sanh ra sáu Thức, sẽ đánh mất ý niệm, chẳng chánh tri, sẽ đồng thời sanh khởi phiền não.

          Nói chung, sáu căn là điều kiện chủ yếu để sanh khởi sáu Thức. Trong tu hành, “mật hộ môn căn” (bảo vệ nghiêm mật sáu căn), chẳng để phiền não sanh khởi, có thể là do hai ý nghĩa:

          1) Sáu căn chẳng tiếp xúc sáu cảnh [nếu những cảnh ấy] có thể dẫn khởi phiền não sanh ra, [do chẳng tiếp xúc] nên sẽ chẳng sanh khởi sáu Thức tương ứng với phiền não.

          2) Khi sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh [mà sáu cảnh ấy] dễ dàng dẫn khởi phiền não nẩy sanh, [hành giả] bèn có thể gìn giữ chánh niệm, chánh tri, sẽ sanh khởi sáu Thức chẳng tương ứng với phiền não

1.1.2.1.2.2.2. Ngũ Cảnh (chia làm năm đoạn)

1.1.2.1.2.2.2.1. Sắc

          (Luận) Vân hà Sắc? Vị Nhãn chi cảnh, hiển sắc, hình sắc, cập biểu sắc đẳng. Hiển sắc hữu tứ chủng, vị thanh, hoàng, xích, bạch. Hình sắc vị trường, đoản đẳng.

          ()云何色謂眼之境。顯色。形色。及表色等。顯色有四種。謂青黃赤白。形色。謂長短等。

          (Luận: Sắc là như thế nào? Sắc chính là cảnh của Nhãn, [bao gồm các loại] hiển sắc, hình sắc, và biểu sắc v.v… Hiển sắc có bốn loại là xanh, vàng, đỏ, trắng. Hình sắc là dài, ngắn v.v…)

          Cái được thấy bởi Nhãn Thức là Sắc, chia đại lược thì gồm ba loại: Hiển Sắc, Hình Sắc, và Biểu Sắc.

          1) Hiển Sắc (顯色) tức là sắc xanh, vàng, đỏ, trắng; đấy là những sắc rất rõ rệt. Màu đen thật ra chẳng phải là một màu. Đó là do vật thể hấp thụ ánh sáng chiếu đến, nhưng không phản chiếu ánh sáng, cho nên thấy không có màu sắc gì. Màu trắng là màu do phản chiếu các tia sáng đỏ, xanh lá cây, xanh dương hỗn hợp lại. Tham khảo Vật Lý Học, vật thể phản chiếu tia sáng, sóng ánh sáng phản chiếu [từ các vật thể] chạm vào Nhãn Căn, sẽ sanh ra Nhãn Thức. Do vì độ dài của sóng (tần suất) [ánh sáng] khác nhau, kết hợp với Ý Thức đồng thời sanh khởi bởi Nhãn Thức mà [chúng ta] nhận biết khái niệm màu sắc khác nhau. Phạm vi có thể nhận biết độ dài của sóng ánh sáng nơi Nhãn Thức của chúng ta đại khái là từ 390nm (nanometer) tức tử ngoại tuyến cho đến 770nm (hồng ngoại tuyến). Một namometer bằng 10-9 mét.

          2) Hình Sắc (形色) là hình thái có thể thấy bởi Nhãn Thức, như dài, ngắn, cao, thấp, vuông, tròn v.v… đều là những hình thái mà Nhãn Thức trông thấy. Do Nhãn Thức cùng sanh khởi với Ý Thức, cho nên mới phân biệt rõ ràng những khái niệm dài, ngắn v.v…

          3) Biểu Sắc (表色) như tay duỗi, co v.v… Biểu (表) có nghĩa là “biểu hiện”. Thân nghiệp là hành vi nơi thân thể, đó là Biểu Sắc nơi thân. Ngữ nghiệp là hành vi ngôn ngữ, đó là Biểu Sắc của Ngữ. Chủ yếu là do sự tạo tác vì cái tâm suy nghĩ tương ứng với Ý Thức. Ở đây [lời luận] nhằm nói đến Sắc Cảnh, tức là nói đến Biểu Sắc nơi Thân.

1.1.2.1.2.2.2.2. Thanh

          (Luận) Vân hà Thanh? Vị nhĩ chi cảnh, chấp thọ đại chủng nhân thanh, phi chấp thọ đại chủng nhân thanh, câu đại chủng nhân thanh. Chư tâm, tâm pháp, thị năng chấp thọ. Xuẩn động chi loại, thị sở chấp thọ. Chấp thọ đại chủng nhân thanh giả như thủ tương kích, ngữ ngôn đẳng thanh. Phi chấp thọ đại chủng nhân thanh giả, như phong lâm, sử thủy đẳng thanh. Câu đại chủng nhân thanh giả, như thủ kích cổ đẳng thanh.

          ()云何聲?謂耳之境,執受大種因聲、非執受大種因聲、俱大種因聲。諸心、心法,是能執受;蠢動之類,是所執受。執受大種因聲者,如手相擊、語言等聲。非執受大種因聲者,如風林、駛水等聲。俱大種因聲者,如手擊鼓等聲。

          (Luận: Thanh là như thế nào? Chính là nói đến cái cảnh của tai. [Thanh được chia thành ba loại] là chấp thọ đại chủng nhân thanh (tiếng do sự cảm nhận chấp giữ, nhận lấy các nội đại chủng), phi chấp thọ đại chủng nhân thanh (tiếng do chẳng chấp giữ, nhận lấy các ngoại đại chủng), và câu đại chủng nhân thanh (tiếng do chấp giữ nội và ngoại Tứ Đại). Các tâm và tâm pháp (tác dụng tâm lý của tâm) là chủ thể chấp giữ, tiếp nhận. Các loài ngọ ngoạy, cử động là đối tượng tiếp nhận. Chấp thọ đại chủng nhân thanh là âm thanh như tay đập vào nhau, hoặc tiếng nói năng v.v… Phi chấp thọ đại chủng nhân thanh là âm thanh như gió thổi qua rừng cây, tiếng nước chảy xiết v.v… Câu đại chủng nhân thanh là như tiếng phát ra do tay đánh vào trống v.v…)

          Âm thanh là cảnh giới được tiếp nhận bởi Nhĩ Căn, tức là cảnh giới được nghe thấy bởi Nhĩ Thức. Âm thanh chia thành ba loại lớn: Một là chấp thọ đại chủng nhân thanh, hai là phi chấp thọ đại chủng nhân thanh, ba là câu đại chủng nhân thanh.

          1) Chấp thọ đại chủng nhân thanh“Chấp thọ” (執受) là sự cảm nhận sanh ra do chấp giữ nội Tứ Đại. “Đại chủng” chính là Tứ Đại, [Tứ Đại] có thể chia thành nội Tứ Đại và ngoại Tứ Đại. Những vật chất ở bên ngoài như núi, sông, đại địa v.v… chính là những Sắc được tạo thành bởi ngoại Tứ Đại. Những vật chất như xương xẩu, máu, dịch thể v.v… trong thân là Sắc được tạo thành bởi nội Tứ Đại. “Chấp thọ đại chủng” là nói đến nội Tứ Đại. Âm thanh do đâu mà có? Hễ có hai vật thể chạm vào nhau thì mới phát ra âm thanh. Nếu cả hai vật thể ấy đều là Sắc được tạo ra bởi hữu tình nội Tứ Đại thì gọi là “chấp thọ đại chủng nhân thanh”.

          Chư tâm, tâm pháp, thị năng chấp thọ. Xuẩn động chi loại, thị sở chấp thọ” (Các tâm và tâm pháp (tác dụng tâm lý của tâm) là chủ thể chấp giữ, tiếp nhận. Các loài ngọ ngoạy, cử động là đối tượng tiếp nhận): Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức, sáu Thức ấy được gọi là Tâm (trong Duy Thức Học, [ngoài sáu Thức], còn có Mạt Na Thức và A Lại Da Thức). “Tâm pháp” hoặc còn gọi là Tâm Sở Pháp chính là các thứ hoạt động tâm lý tương ứng với Tâm, như Tham, Sân, Si, Tín, Tàm (hổ thẹn) v.v… Tâm và Tâm Sở Pháp được gọi là Năng Chấp Thọ (chủ thể chấp lấy, tiếp nhận), chúng có thể chấp giữ, tiếp nhận hoạt động thuộc về phương diện sinh lý của hữu tình (các hoạt động vật lý của sinh vật), nẩy sanh sự cảm nhận. Loài ngọ ngoạy, cử động (xuẩn động chi loại) chính là hữu tình, như người, trâu, kiến v.v… Thân thể của hữu tình (sắc được tạo bởi Nội Tứ Đại) là Sở Chấp Thọ (đối tượng bị chấp thọ). Vì do có Tâm và Tâm Sở Pháp chấp thọ nó, cho nên mới có sự cảm nhận.

          “Chấp thọ đại chủng nhân thanh giả, như thủ tương kích, ngữ ngôn đẳng thanh” (Chấp thọ đại chủng nhân thanh là như tiếng do tay vỗ vào nhau, hoặc tiếng nói năng v.v…): Âm thanh do hai tay đập vào nhau, hoặc do nói năng phát ra, chính là những âm thanh dựa trên thân thể của hữu tình mà phát ra. Đấy là “chấp thọ đại chủng nhân thanh”.

          2) Phi chấp thọ đại chủng nhân thanh: Tức là những âm thanh phát ra mà không có Tâm và Tâm Sở Pháp chấp thọ, “như phong lâm, sử thủy đẳng thanh”, [tức là] âm thanh do gió lùa qua rừng cây, hoặc nước chảy xiết cũng chính là âm thanh do vật chất (vật vô tình) phát ra.

          3) Câu đại chủng nhân thanh“Như thủ kích cổ đẳng thanh”, ý nói âm thanh do tay thúc trống phát ra. Tay là sở chấp thọ (cái được Tâm và Tâm Sở chấp nhận, giữ lấy), trống là phi chấp thọ (chẳng được tâm và Tâm Sở chấp giữ, tiếp nhận). Đấy chính là “câu đại chủng nhân thanh”.

1.1.2.1.2.2.2.3. Hương

          (Luận) Vân hà hương? Vị tỵ chi cảnh, hảo hương, ác hương, bình đẳng hương. Hảo hương giả, vị dữ tỵ hợp thời, ư Uẩn tương tục, hữu sở thuận ích. Ác hương giả, vị dữ tỵ hợp thời, ư Uẩn tương tục, hữu sở vi tổn. Bình đẳng hương giả, vị dữ tỵ hợp thời, vô sở tổn ích.

          ()云何香?謂鼻之境,好香、惡香、平等香。好香者,謂與鼻合時,於蘊相續,有所順益;惡香者,謂與鼻合時,於蘊相續,有所違損;平等香者,謂與鼻合時,無所損益。

          (Luận: Hương là như thế nào? Chính là cảnh của mũi, [chia thành ba loại] là hảo hương, ác hương, và bình đẳng hương. Hảo hương là khi nó tiếp xúc với mũi, sẽ tùy thuận, tăng ích cho sự liên tục của Uẩn. Ác hương là khi nó tiếp xúc với mũi, sẽ gây tổn hại cho sự liên tục của Uẩn. Bình đẳng hương là khi nó tiếp xúc với mũi, chẳng có tổn hại hay tăng ích).

          Hương là cảnh giới được tiếp nhận bởi Tỵ Căn (mũi), tức là cảnh giới được ngửi bởi Tỵ Thức. Hương chia thành ba loại, một là hảo hương, hai là ác hương, ba là bình đẳng hương.

          1) Hảo hương: “Dữ tỵ hợp thời, ư Uẩn tương tục, hữu sở thuận ích” [nghĩa là] Tỵ Căn tiếp xúc mùi hương, sẽ sanh ra Tỵ Thức. Nó có lợi ích phù hợp với thân tâm Ngũ Uẩn thì là “hảo hương”. Như khi có người sanh bệnh, cho hít dưỡng khí (oxygen) từ bình oxygen, bệnh trạng chuyển biến tốt hơn. Dưỡng khí chính là hảo hương.

          “Ư Uẩn tương tục”: Thân tâm Ngũ Uẩn sanh diệt biến hóa trong từng sát-na, liên tục chẳng dứt. “Tương tục” có khi là tên gọi khác của Hữu Tình (chúng sanh), vì tiền Ngũ Uẩn của hữu tình đã diệt mất thì Ngũ Uẩn sau đó lại nối tiếp sanh khởi.

          2) Ác hương: “Dữ tỵ hợp thời, ư Uẩn tương tục, hữu sở vi tổn”, [ý nói] những chất khí trái nghịch, gây tổn hại cho Ngũ Uẩn thì là “ác khí”. Như Tỵ Thức ngửi phải chất khí thải từ xe hơi thoát ra sẽ có hại cho thân thể. Khí thải ấy được gọi là ác khí.

          3) Bình đẳng hương: Tỵ Thức ngửi không khí, đối với thân thể, chẳng có tổn hại, mà cũng chẳng lợi ích. Không khí chính là bình đẳng hương.

1.1.2.1.2.2.2.4. Vị

          (Luận) Vân hà Vị? Vị thiệt chi cảnh. Cam, thố, hàm, tân, khổ, đạm đẳng.

          ()云何味?謂舌之境,甘、醋、鹹、辛、苦、淡等。

     (Luận: Vị là như thế nào? Chính là cảnh của lưỡi: Ngọt, chua, mặn, cay, đắng, nhạt v.v…)

          Vị là cảnh giới được chấp giữ bởi Thiệt Căn, tức là cảnh giới được nếm bởi Thiệt Thức. Vị có thể chia thành sáu loại (lục vị): Ngọt, chua, mặn, cay, đắng, nhạt.

1.1.2.1.2.2.2.5. Một phần Xúc

          (Luận) Vân hà Xúc nhất phần? Vị thân chi cảnh, trừ đại chủng, vị hoạt tánh, sáp tánh, trọng tánh, khinh tánh, lãnh, cơ, khát đẳng. Hoạt vị tế nhuyễn, sáp vị thô cường, trọng vị khả xứng, khinh vị phản thị. Noãn dục vi lãnh, Xúc thị lãnh nhân. Thử tức ư nhân, lập kỳ quả xưng. Như thuyết chư Phật xuất thế lạc, diễn thuyết chánh pháp lạc, chúng Tăng hòa hợp lạc, đồng tu tinh tấn lạc, tinh tấn cần khổ, tuy thị lạc nhân, tức thuyết vi lạc. Thử diệc như thị, dục thực vi cơ, dục ẩm vi khát, thuyết diệc như thị. Dĩ thuyết thất chủng tạo Xúc, cập tiền Tứ Đại, thập nhất chủng đẳng.

          ()云何觸一分?謂身之境,除大種。謂滑性、澀性、重性、輕性、冷、飢、渴等。滑謂細軟。澀謂麤強。重謂可稱,輕謂反是。煖欲為冷;觸是冷因,此即於因立其果稱;如說諸佛出世樂,演說正法樂,眾僧和合樂,同修精進樂,精進勤苦,雖是樂因,即說為樂,此亦如是。欲食為飢,欲飲為渴,說亦如是。已說七種造觸,及前四大,十一種等

          (LuậnXúc một phần là như thế nào? Chính là cảnh của thân, trừ đại chủng ra. Tức là tánh trơn, tánh rít, tánh nặng, tánh nhẹ, lạnh, đói, khát v.v… Trơn là nói mềm mịn, “rít” là thô ráp. Nặng là có thể cân, nhẹ thì trái lại. Ấm là [khi tiếp xúc nó] sẽ mong lạnh, tức sự tiếp xúc ấy là cái nhân gây ra lạnh. Đấy chính là từ nơi cái nhân mà dùng danh xưng của cái quả để gọi. Như nói niềm vui do chư Phật xuất thế, niềm vui do diễn thuyết chánh pháp, niềm vui do chúng Tăng hòa hợp, niềm vui đồng tu tinh tấn. Tinh tấn siêng khổ, tuy là cái nhân gây ra lạc, liền gọi nó là lạc. Điều này (một phần Xúc) cũng giống như thế. Muốn ăn thì là đói, muốn uống thì là khát, cũng nói giống như vậy. Bảy thứ tạo ra Xúc đã nói ấy cùng với Tứ Đại trong phần trước hợp thành mười một thứ).          “Xúc nhất phần”: Xúc bao gồm hai loại, một là Năng Tạo Xúc (chủ thể tạo ra Xúc), hai là Sở Tạo Xúc (Xúc được tạo thành). Năng Tạo Xúc là Tứ Đại. Sở Tạo Xúc, tức là cảnh nơi thân. Ở đây chỉ nói tới Sở Tạo Xúc, cho nên gọi là “Xúc nhất phần” (một phần Xúc). Xúc là cảnh giới được chấp giữ bởi Thân Căn, tức là cảnh giới được cảm nhận bởi Thân Thức. Đối với Sở Tạo Xúc, luận này chỉ nói tới bảy loại, “vị hoạt tánh, sáp tánh, trọng tánh, khinh tánh, lãnh, cơ, khát đẳng” (tức là tánh trơn, tánh rít, tánh nặng, tánh nhẹ, lạnh, đói, khát v.v…) Nơi sự thật, còn có rất nhiều; vì thế, thêm vào chữ Đẳng (等,vân vân), như cứng, mềm v.v…

          “Hoạt” (滑) là trơn tru. Khi chúng ta chạm vào nó, cảm thấy mềm mại, trơn tru, vì trong ấy có Xúc Trần khiến cho ta có cảm giác mềm mại, trơn tru. Xúc Trần ấy được gọi là Hoạt.

          “Sáp” (澀) là thô ráp. Khi chúng ta chạm vào nó, sẽ cảm thấy thô ráp, vì trong ấy có Xúc Trần khiến cho ta có cảm giác thô ráp. Xúc Trần ấy được gọi là Sáp.

          “Trọng vị khả xứng, khinh vị phản thị” (Nặng là có thể cân, nhẹ thì ngược lại): “Khả xứng” (可稱) tức là có thể đo lường. Khi cân đo nó thì là nặng. Vì trong ấy có Xúc Trần khiến cho ta có cảm giác có thể cân đo trọng lượng của nó được, Xúc Trần ấy được gọi là Trọng. [Cảm giác] ngược lại khi cân đong nó là thì Khinh (nhẹ). Vì trong ấy có Xúc Trần khiến cho ta có cảm giác nó có trọng lượng nhẹ bẫng, Xúc Trần ấy được gọi là Khinh (nhẹ).

          Thân Thức chỉ phân biệt Xúc Trần “trơn, rít, nặng, nhẹ”, nhưng những danh từ khái niệm “trơn, rít, nặng, nhẹ” là do Ý Thức biện định.

          “Noãn dục vi lãnh, Xúc thị lãnh nhân, thử tức ư nhân lập kỳ quả xưng” (Ấm là chạm vào cảm thấy muốn được lạnh. Xúc là cái nhân gây ra cảm giác lạnh; đấy chính là từ nơi nhân mà đặt cho nó danh xưng của cái quả), “noãn dục vi lãnh” (ấm là [chạm vào] bèn muốn được lạnh): Khi tiếp xúc vật chi đó, bèn có ý tưởng muốn được hưởng sự ấm áp, thì gọi là cảm giác lạnh. Vì trong ấy có Xúc Trần khiến cho ta cảm thấy lạnh, Xúc Trần ấy được gọi là Lãnh (冷). “Noãn” (煖, ấm) là đặc tánh nói theo Hỏa Đại, Hỏa Đại rõ rệt thì nhiệt độ khá cao. “Lãnh” cũng là dựa theo đặc tánh của Hỏa Đại mà nói. Hỏa Đại chẳng rõ rệt thì nhiệt độ khá thấp.

          “Ư nhân lập kỳ quả xưng” (Đối với cái nhân mà đặt cho nó danh xưng từ cái quả): Cảm giác lạnh là một kết quả, Xúc Trần gây nên cảm giác lạnh chính là cái nhân của cảm giác lạnh. Do vì chúng ta chạm vào Xúc Trần (là cái nhân), mới cảm thấy lạnh (đó là quả). Gọi Xúc Trần ấy là lạnh, chính là “ư nhân lập kỳ quả danh” [nghĩa là] ở nơi cái nhân mà đặt cho nó tên gọi của cái quả.

          Ngôn ngữ thế gian cũng có trường hợp đối với cái quả mà nói đến danh xưng của cái nhân. Chẳng hạn như chúng ta vào tiệm ăn dùng cơm, nói “ăn hết ba trăm đồng”. Những thứ ta ăn là thức ăn, cớ sao nói là ăn hết ba trăm đồng? Chính là do ta dùng ba trăm đồng (cái nhân) để mua đồ ăn, cho nên đối với những món đã ăn (quả) mà nói là “ăn hết ba trăm đồng” (nhân). Đấy là từ nơi cái quả mà dùng danh xưng của cái nhân.

          “Chư Phật xuất thế lạc, diễn thuyết chánh pháp lạc, chúng Tăng hòa hợp lạc, đồng tu tinh tấn lạc, tinh tấn cần khổ, tuy thị lạc nhân, tức thuyết vi lạc, thử diệc như thị”, [ý nói] chư Phật xuất thế là chuyện vui sướng, diễn thuyết chánh pháp là chuyện vui sướng, chúng Tăng hòa hợp là chuyện vui sướng, điều này có thể lý giải. Thật ra, tinh tấn tu hành chưa chắc đã là vui sướng. Có lúc cảm thấy rất khổ não, mệt mỏi. Vì sao nói là “đồng tu tinh tấn lạc”? Vì tinh tấn tu hành (đó là cái nhân) có thể đoạn trừ phiền não, chứng đắc tịch diệt lạc (quả). Vì thế nói tinh tấn tu hành là vui sướng, cũng là “ở nơi cái nhân mà đặt cho danh xưng của cái quả”.

          “Thử diệc như thị” (Đối với điều này, cũng giống như thế): “Thử” chính là nói tới “Xúc nhất phần”, vì Xúc Trần gây nên cảm giác lạnh là nhân, cảm giác lạnh là quả. Vì thế, gọi Xúc Trần ấy là lạnh, cũng là “ở nơi cái nhân mà đặt cho danh xưng của cái quả”.

          “Dục thực vi cơ, dục ẩm vi khát, thuyết diệc như thị”, [ý nói] về mặt sinh lý, có cảm giác muốn ăn hoặc muốn uống là do tiếp xúc Xúc Trần, gây nên cảm giác đói hoặc khát, cho nên gọi Xúc Trần ấy là Đói hoặc Khát, cũng chính là “ở nơi nhân mà dùng danh xưng của cái quả để đặt tên”.

          Thân Thức chỉ nhận biết rõ ràng cảm giác “lạnh, đói, khát” do Xúc Trần gây nên, nhưng những khái niệm danh từ như “lạnh, đói, khát” là do Ý Thức nhận biết.

          “Dĩ thuyết thất chủng tạo Xúc, cập tiền Tứ Đại, thập nhất chủng đẳng” [ý nói] Xúc chia thành hai loại, một là Năng Tạo Xúc, tức Tứ Đại, và hai là Sở Tạo Xúc bao gồm bảy loại. Gộp chung hai thứ ấy (Tứ Đại và bảy loại Xúc), sẽ là mười một loại.

1.1.2.1.2.2.3. Vô Biểu Sắc đẳng

          (Luận) Vân hà Vô Biểu Sắc đẳng? Vị hữu biểu nghiệp, Tam-ma-địa sở sanh vô kiến vô đối Sắc đẳng. Hữu biểu nghiệp giả, vị thân, ngữ biểu, thử thông thiện, bất thiện, vô ký tánh. Sở sanh Sắc giả, vị tức tùng bỉ thiện, bất thiện biểu sở sanh chi Sắc, thử bất khả hiển thị. Cố danh Vô Biểu. Tam-ma-địa sở sanh Sắc giả, vị tứ Tĩnh Lự sở sanh Sắc đẳng. Thử Vô Biểu Sắc, thị sở tạo tánh, danh Thiện Luật Nghi, Bất Thiện Luật Nghi đẳng, diệc danh Nghiệp, diệc danh Chủng Tử. Như thị chư Sắc, lược vi tam chủng: Nhất giả, khả kiến hữu đối; nhị giả, bất khả kiến hữu đối; tam giả, bất khả kiến vô đối. Thị trung, khả kiến hữu đối giả, vị Hiển Sắc đẳng. Bất khả kiến hữu đối giả, vị Nhãn Căn đẳng. Bất khả kiến vô đối giả, vị Vô Biểu Sắc đẳng.

          ()云何無表色等?謂有表業、三摩地所生無見無對色等。有表業者,謂身、語表,此通善、不善、無記性。所生色者,謂即從彼善、不善表所生之色。此不可顯示,故名無表。三摩地所生色者,謂四靜慮所生色等。此無表色是所造性,名善律儀、不善律儀等,亦名業,亦名種子。如是諸色,略為三種:一者,可見有對。二者,不可見有對。三者,不可見無對。是中,可見有對者,謂顯色等;不可見有對者,謂眼根等;不可見無對者,謂無表色等。   (Luận: Vô Biểu Sắc là như thế nào? Chính là nói đến vô kiến vô đối Sắc (Sắc chẳng thể thấy, chẳng bị ngăn ngại) được sanh bởi hữu biểu nghiệp, hoặc được sanh bởi Tam-ma-địa. Hữu biểu nghiệp là nói tới nghiệp biểu hiện nơi thân và ngữ, nghiệp này bao gồm tánh thiện, bất thiện, và tánh vô ký (không thiện, không ác). “Sắc được sanh” (sở sanh Sắc) chính là Sắc được sanh bởi các [nghiệp] biểu hiện thiện và bất thiện đó. Loại Sắc này chẳng thể hiển thị. Vì thế, gọi là Vô Biểu. Sắc được sanh bởi Tam-ma-địa chính là các Sắc được sanh từ bốn thứ Tĩnh Lự. Vô Biểu Sắc tùy theo tánh chất [của chủ thể như nghiệp hoặc tam-ma-địa] sanh ra nó mà gọi là Thiện Luật Nghi, hoặc Bất Thiện Luật Nghi v.v… còn gọi là Nghiệp, cũng gọi là Chủng Tử. Các Sắc như thế, chia đại lược thành ba loại: Một là có thể thấy, có ngăn ngại; hai là chẳng thể thấy, có ngăn ngại, ba là chẳng thể thấy, chẳng ngăn ngại. Trong ấy, cái có thể có thấy, có ngăn ngại thì là Hiển Sắc v.v… Chẳng thể thấy và có ngăn ngại thì là Nhãn Căn v.v… Chẳng thể thấy và chẳng bị ngăn ngại thì là Vô Biểu Sắc v.v…)

          “Vân hà Vô Biểu Sắc đẳng? Vị hữu biểu nghiệp, Tam-ma-địa sở sanh vô kiến vô đối Sắc đẳng” (Vô Biểu Sắc là như thế nào? Chính là những Sắc có thể thấy và bị ngăn ngại, những Sắc ấy được sanh bởi các nghiệp thể hiện qua thân và ngữ nghiệp, hoặc được sanh bởi Chánh Định), [nghĩa là] ở đây, nói đại lược thì có hai loại: Một là Vô Kiến Vô Đối Sắc được sanh bởi Hữu Biểu Nghiệp (Vô Biểu Sắc), hai là Vô Kiến Vô Đối Sắc sanh bởi Tam-ma địa (tức Định Cảnh Sắc, Sắc ở trong cảnh giới của Định). Đấy là Sắc được sanh bởi cảnh giới trong tu Định.

          Thật ra, còn có những thứ khác nữa, như Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận, quyển một, chép: Các Sắc được gộp trong Pháp Xứ thì đại lược có năm thứ, tức là Cực Lược Sắc, Cực Huýnh Sắc, Thọ Sở Dẫn Sắc, Biến Kế Sở Khởi Sắc, và Tự Tánh Sở Sanh Sắc. Cực Lược Sắc chính là Cực Vi Sắc. Cực Huýnh Sắc là do bởi loại Sắc này mà lìa khỏi các Sắc gây nên những chướng ngại về Xúc khác. Thọ Sở Dẫn Sắc chính là Vô Biểu Sắc. Biến Kế Sở Chấp Sắc là Ảnh Tượng Sắc. Tự Tại Sở Sanh Sắc là Sắc nơi cảnh giới do hành Giải Thoát Tĩnh Lự (tu Thiền Định của Phật giáo) [mà hành nhân có thể trông thấy].

          Sắc pháp có thể chia thành hai loại: Một là Hữu Kiến Sắc, hai là Vô Kiến Sắc. Xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… là những thứ trông thấy bởi Nhãn Thức, nên gọi là Hữu Kiến Sắc (Sắc có thể trông thấy). Nhĩ Thức nghe âm thanh, Tỵ Thức ngửi mùi thơm, Thiệt Thức nếm ngọt, chua, đắng, cay v.v… Thân Thức cảm nhận trơn, rít, nặng, nhẹ v.v… Do Nhãn Thức chẳng trông thấy những thứ ấy, nên gọi là Vô Kiến Sắc.

          Sắc pháp lại có thể chia thành hai loại: Một là Hữu Đối Sắc, hai là Vô Đối Sắc. Đối là đối ngại” (對礙, ngăn ngại). Hai món vật chất đụng nhau, sanh ra một thứ chướng ngại. Âm thanh là có đối ngại; nó đụng phải tường vách, bèn có chướng ngại; sóng âm thanh chẳng thể xuyên qua. Phía sau tường vách sẽ chẳng nghe được âm thanh. Mùi thơm là có đối ngại, đụng phải tường vách bèn có chướng ngại, mùi thơm chẳng thể xuyên qua. Mùi vị và xúc cảnh càng rõ rệt hơn! Gặp phải chướng ngại, Thiệt Thức sẽ chẳng nếm được mùi vị, Thân Thức sẽ chẳng cảm nhận Xúc cảnh.

          “Hữu biểu nghiệp sở sanh vô kiến vô đối Sắc” [ý nói] Sắc sanh bởi Hữu Biểu Nghiệp (nghiệp biểu hiện qua thân và ngữ) thì gọi là Vô Biểu Sắc (Vô Biểu Nghiệp), tức là Sắc pháp mà Nhãn Thức chẳng trông thấy; do nó chẳng bị ngăn ngại, cho nên gọi là Vô Kiến Vô Đối Sắc.

          Nói theo Duy Thức Học, nghiệp có thể hiển hiện ra ngoài thì gọi là Hữu Biểu Nghiệp, như thân biểu nghiệp, ngữ biểu nghiệp (nghiệp biểu hiện nơi thân thể, nghiệp biểu hiện nơi lời nói). Hữu Biểu Nghiệp diệt mất trong từng sát-na, bèn sanh ra một thứ sức mạnh ngấm ngầm, tiềm tàng trong A Lại Da Thức (Thức thứ tám), gọi là Nghiệp Lực (chủng tử của nghiệp), còn gọi là Vô Biểu Nghiệp. Vì Vô Biểu Nghiệp được dẫn dắt, sanh khởi từ các nghiệp biểu hiện nơi thân và ngữ, nó sẽ sanh khởi từ Sắc pháp; cho nên Vô Biểu Nghiệp còn gọi là Vô Biểu Sắc.

          Hữu Biểu Nghiệp là Thân Biểu Nghiệp (nghiệp biểu hiện nơi thân) và Ngữ Biểu Nghiệp (nghiệp biểu hiện nơi lời ăn tiếng nói), tức là các hành vi nơi thân thể và ngôn ngữ, biểu hiện ra ngoài. Thật ra, Thân Biểu Nghiệp và Ngữ Biểu Nghiệp đều được dẫn khởi, phát xuất từ hành vi nơi tâm thức (ý nghiệp). Vì ý nghiệp bao gồm tánh thiện, tánh ác, tánh vô ký (không thiện, không ác), cho nên Thân Biểu Nghiệp và Ngữ Biểu Nghiệp cũng bao gồm tánh thiện, tánh ác, tánh vô ký. Ví như đối với Thân Biểu Nghiệp, tâm cung kính lễ Phật là tánh thiện, sân tâm đánh người khác là tánh ác, tâm bình đẳng vô ký đi đường là tánh vô ký.

          “Sở sanh Sắc giả, vị tức tùng bỉ thiện, bất thiện biểu sở sanh chi Sắc”: [Nghĩa là] Vô Biểu Sắc được sanh bởi Hữu Biểu Nghiệp, tức là sanh từ Hữu Biểu Nghiệp có tánh thiện hay tánh ác, chứ không sanh từ Hữu Biểu Nghiệp có tánh vô ký. Vô Biểu Nghiệp được huân tập bởi Thân Biểu Nghiệp và Ngữ Biểu Nghiệp mang tánh thiện thì trong tương lai, nó cũng sẽ sanh khởi hiện hành thành một pháp có tánh thiện. Ngược lại, Vô Biểu Nghiệp được huân tập bởi Thân Biểu Nghiệp và Ngữ Biểu Nghiệp mang tánh ác, trong tương lai, nó sẽ sanh khởi hiện hành thành một pháp cũng mang tánh ác. Nghiệp lực được huân tập bởi thân nghiệp và ngữ nghiệp thiện hay ác, trong tương lai, khi nhân duyên đã chín muồi, sẽ chiêu cảm quả báo sanh tử. Thiện nghiệp chiêu cảm lạc báo, ác nghiệp chiêu cảm khổ báo. Tuy chẳng trông thấy nghiệp lực, nhưng nó tồn tại. Trước khi chiêu cảm quả báo sanh tử, nó sẽ chẳng diệt mất, như kinh Đại Bảo Tích đã dạy: “Giả sử kinh bách kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (Giả sử trải trăm kiếp, nghiệp đã làm chẳng mất, khi nhân duyên hội ngộ, vẫn tự thọ quả báo).

          “Thử bất khả hiển thị, cố danh Vô Biểu”, [nghĩa là] do loại sắc này chẳng thể hiển thị được, cho nên gọi là Vô Biểu Sắc.

          “Tam-ma-địa sở sanh Sắc giả, vị tứ Tĩnh Lự sở sanh Sắc đẳng” (Sắc được sanh bởi Tam-ma-địa là nói đến những Sắc được sanh bởi bốn thứ Tĩnh Lự): Tam-ma-địa (tiếng Phạn là Samādhi) chính là Đẳng Trì, tức là giữ cho cái tâm bình đẳng, tâm chẳng hôn trầm, chẳng lao chao, chuyên chú nơi một cảnh, cũng gọi là Định. Nói thông thường, Định bao gồm Sắc Giới Định và Vô Sắc Giới Định. Sắc Giới Định là Tứ Tĩnh Lự (Tứ Thiền). Vô Sắc Giới Định là Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Sắc sanh bởi Tam-ma-địa chính là Sắc sanh bởi Tứ Tĩnh Lự và Sắc sanh bởi Vô Sắc Giới Định. Nhãn Thức chẳng thể trông thấy [các Sắc ấy] mà chúng cũng chẳng bị ngăn ngại, cho nên gọi là Vô Kiến Vô Đối Sắc.

          “Thử Vô Biểu Sắc, thị sở tạo tánh, danh Thiện Luật Nghi, Bất Thiện Luật Nghi đẳng, diệc danh nghiệp, diệc danh chủng tử”, [ý nói] Vô Biểu Sắc là do Thân và Ngữ Biểu Nghiệp tạo ra, [do tánh chất của nghiệp ấy là thiện hay ác] mà còn gọi là Thiện Luật Nghi, hay Bất Thiện Luật Nghi v.v… [Vô Biểu Sắc] còn gọi là Nghiệp (nghiệp lực), Chủng Tử (nghiệp chủng tử). Nghiệp chủng tử ở trong A Lại Da Thức, trong tương lai, khi nhân duyên chín muồi, sẽ có thể chiêu cảm quả báo.

          “Thiện Luật Nghi” chính là khi nội tâm thanh tịnh, thành khẩn thọ giới, sẽ đạt được giới thể thanh tịnh (Thiện Luật Nghi), có sức mạnh tiềm tàng ngăn ngừa sai trái, dứt điều ác. Giả sử khi thọ giới, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng thành khẩn, sẽ chẳng đạt được giới thể thanh tịnh, cũng chẳng có sức mạnh tiềm tàng ngăn ngừa sai trái, dứt trừ điều ác.

          “Bất Thiện Luật Nghi” là sức mạnh tiềm tàng nẩy sanh bởi ác nghiệp do thói quen. Có những kẻ lấy việc giết lợn làm nghề nghiệp suốt đời, đó chính là Bất Thiện Luật Nghi. Cũng giống như vậy, coi sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v… là nghề nghiệp, đều là Bất Thiện Luật Nghi. Nếu chỉ đôi khi làm chuyện sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối v.v… thì đấy chỉ là ác nghiệp, chẳng phải là Bất Thiện Luật Nghi.

          Nói chung, Sắc pháp chia thành ba loại:

          1) Khả Kiến Hữu Đối Sắc: Như Sắc cảnh thuộc loại Hiển Sắc v.v… tức là mắt có thể trông thấy, nó lại còn bị ngăn ngại.

          2) Bất Khả Kiến Hữu Đối Sắc: Như Tứ Đại, Ngũ Căn (Nhãn Căn v.v…), Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp thì Nhãn Thức đều chẳng thể trông thấy, nhưng chúng có ngăn ngại.

          3) Bất Khả Kiến Đối Sắc: Như Vô Biểu Sắc, hoặc Sắc sanh bởi Tam-ma-địa thì Nhãn Thức chẳng thể trông thấy, lại còn chẳng bị chướng ngại.

1.1.2.2. Thọ Uẩn

          (Luận) Vân hà Thọ Uẩn? Thọ hữu tam chủng, vị Lạc Thọ, Khổ Thọ, Bất Khổ Bất Lạc Thọ. Lạc Thọ giả, vị thử diệt thời, hữu hòa hợp dục. Khổ Thọ giả, vị thử sanh thời, hữu quai ly dục. Bất Khổ Bất Lạc Thọ giả, vị vô nhị dục. Vô nhị dục giả, vị vô hòa hợp cập quai ly dục. Thọ, vị Thức chi lãnh nạp.

          ()云何受蘊?受有三種,謂樂受、苦受、不苦不樂受。樂受者,謂此滅時,有和合欲。苦受者,謂此生時,有乖離欲。不苦不樂受者,謂無二欲。無二欲者,謂無和合及乖離欲。受,謂識之領納。

     (Luận: Thọ Uẩn là như thế nào? Thọ có ba loại, tức là Lạc Thọ, Khổ Thọ, và Bất Khổ Bất Lạc Thọ. Lạc Thọ là khi nó diệt, sẽ có mong muốn được hòa hợp. Khổ Thọ là khi nó sanh ra, sẽ có mong muốn xa lìa, chống đối nó. Bất Khổ Bất Lạc Thọ là [những cảm thọ] không có hai loại dục ấy. Không có hai loại dục ấy chính là mong muốn hòa hợp và chống trái. Thọ là nói về sự tiếp nhận, dung nạp của Thức).

          Thọ Uẩn, “Thọ có ba loại: Khổ Thọ, Lạc Thọ, Bất Khổ Bất Lạc Thọ (Xả Thọ)”.

          “Lạc Thọ giả, vị thử diệt thời, hữu hòa hợp dục”, [ý nói] giả sử có một loại cảm nhận bị diệt mất, ta bèn mong mỏi vẫn có thể hòa hợp với sự cảm nhận ấy, thì sự cảm nhận ấy được gọi là Lạc Thọ.

          “Khổ Thọ giả, vị thử sanh thời, hữu quai ly dục”, [nghĩa là] giả sử có một loại cảm nhận vừa sanh khởi, ta bèn mong mỏi sẽ nhanh chóng rời lìa nó. Sự cảm nhận ấy được gọi là Khổ Thọ.

          “Bất Khổ Bất Lạc Thọ giả, vị vô nhị dục. Vô nhị dục giả, vị vô hòa hợp cập quai ly dục”, [nghĩa là] giả sử có một loại cảm nhận khi nó bị diệt mất hay sanh khởi, ta chẳng có ham muốn được hòa hợp, hay ham muốn chống trái, xa lìa nó, thì sự cảm nhận ấy được gọi là Bất Khổ Bất Lạc Thọ.

          “Thọ, vị Thức chi lãnh nạp”: Sự cảm nhận (Thọ) chính là tác dụng tiếp nhận cảnh giới của tâm thức.

          Thọ Tâm Sở chẳng có hình tượng cụ thể, chẳng thể nhận biết bởi năm Thức trước, chỉ có Ý Thức là có thể hiểu rành, nhận rõ. Thể tánh của Tâm Sở vi tế; do vậy, dùng tác dụng trực tiếp để hiển thị thể tánh ([thường nói là] dùng Dụng để hiển Thể). Hễ có tác dụng nhận lãnh cảnh giới thì có thể biết là có Thọ Tâm Sở. Tâm Sở, ngoại trừ tác dụng trực tiếp (Thân Tác Dụng), còn có tác dụng gián tiếp (Sơ Tác Dụng), tức là nó có thể ảnh hưởng hay dẫn đến sự sanh khởi những tác dụng khác. Chẳng hạn như Thành Duy Thức Luận có nói: Thọ, vị lãnh nạp thuận, nghịch, câu phi cảnh tướng vi tánh; khởi ái vị nghiệp” (Thọ có tánh chất là nhận lãnh cảnh tướng thuận, nghịch, hoặc chẳng thuận chẳng nghịch; nghiệp dụng của nó là sanh khởi Ái). [Có nghĩa là] thể tánh của Thọ là nhận lãnh cảnh thuận thảo, cảnh trái nghịch, cảnh chẳng thuận thảo mà cũng chẳng trái nghịch (cảnh trung dung). [Nói tới] nghiệp dụng của Thọ là nói tới tác dụng gián tiếp của Thọ. Nói theo phía phàm phu, thì Thọ có thể sanh khởi các phiền não tham ái, sân hận, ngu si v.v…

          Hơn nữa, Thọ lại có thể chia hai loại là Thân Thọ và Tâm Thọ. Thân Thọ chính là Thọ tương ứng với năm Thức trước, chia thành ba loại là Khổ Thọ, Lạc Thọ, và Bất Khổ Bất Lạc Thọ (Xả Thọ). Tâm Thọ là Thọ tương ứng với Ý Thức, chia thành ba loại: Ưu Thọ, Hỷ Thọ, và Bất Ưu Bất Hỷ Thọ (Xả Thọ).

          Năm thức trước, tức Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức, chỉ nhận biết cảnh giới Ngũ Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc) trong hiện tại. Ý Thức có thể nhận biết cảnh giới sáu trần trong quá khứ, hiện tại, vị lai, bao gồm pháp hữu vi và pháp vô vi.

          Thân Thọ và sinh lý (Ngũ Căn) có mối quan hệ, như tay chạm vào lửa, chẳng cần phân biệt là lửa hay không, ngay lập tức sẽ cảm thấy đau đớn. Tâm Thọ có mối quan hệ với sự nghĩ nhớ, phân biệt của Ý Thức. Như nghĩ nhớ tai nạn trong quá khứ, hoặc lo âu tai nạn trong tương lai, sẽ sanh ra Ưu Thọ (cảm giác lo buồn). Nếu nghĩ nhớ chuyện vui sướng trong quá khứ, hoặc yêu thích ngưỡng mộ sự vui sướng trong vị lai, sẽ sanh ra Hỷ Thọ (cảm giác vui sướng).

          Thọ Tâm Sở bao gồm các tánh thiện, ác, và vô ký. Ba thứ Thọ (Khổ Thọ, Lạc Thọ, Bất Khổ Bất Lạc Thọ) của Thân Thọ tương ứng với Thiện Tâm Sở, hoặc Hỷ Thọ, Xả Thọ của Tâm Thọ là những Thọ có tánh thiện, còn ba thứ Thọ tương ứng với các Tâm Sở phiền não thì là Thọ có tánh ác. Ba thứ Thọ nếu chẳng thể quy kết rạch ròi là tánh thiện hay ác thì là Thọ có tánh chất vô ký.

          Do cảm nhận thông thường của con người tương ứng với phiền não, cho nên là Thọ có tánh ác. Chẳng hạn như do có Lạc Thọ và Hỷ Thọ, bèn sanh khởi lòng tham ái; do có Khổ Thọ và Ưu Thọ, bèn sanh lòng sân hận.

          Học tập Phật pháp thì Ý Thức phải quán chiếu sự cảm nhận (Thọ) là vô thường, vô ngã, chẳng chấp trước cảm nhận là thật thể thường hằng, tồn tại duy nhất. Khi nẩy sanh Lạc Thọ và Hỷ Thọ, hãy ngay lập tức biết nó là vô thường, vô ngã, ngay lập tức chẳng sanh khởi tham đắm. Khi nẩy sanh Khổ Thọ, hãy ngay lập tức biết đấy là vô thường, vô ngã, ngay lập tức chẳng sanh khởi lòng sân hận. Lạc Thọ, Hỷ Thọ và Khổ Thọ tương ứng với chánh kiến đều là Thọ có đặc tánh thiện. Ưu Thọ tương ứng với phiền não, cho nên nó là Thọ mang tánh ác.

          Người tu Định dần dần lìa Ưu, lìa Khổ, lìa Hỷ, lìa Lạc, cuối cùng là Xả Thọ bình lặng nhất. Nhập Diệt Thọ Tưởng Định, Ý Thức chẳng sanh khởi, Thọ Tâm Sở cũng chẳng sanh khởi. Nương theo Thiền chi trong Tứ Thiền, sẽ có thể biết rõ mối quan hệ giữa Thiền Định và sự cảm nhận.

          Thiền chi của Sơ Thiền gồm Tầm, Tư, Hỷ, Lạc, tâm nhất cảnh tánh (tâm có tánh chất duyên theo một cảnh).

          Thiền chi của Đệ Nhị Thiền gồm Nội Đẳng Tịnh, Hỷ, Lạc, tâm nhất cảnh tánh.

          Thiền chi của Đệ Tam Thiền gồm chánh niệm, chánh tri, hành xả, lạc, tâm nhất cảnh tánh.

          Thiền chi của Đệ Tứ Thiền gồm hành xả thanh tịnh, niệm thanh tịnh, thọ xả, tâm nhất cảnh tánh.

1.1.2.3. Tưởng Uẩn

          (Luận) Vân hà Tưởng Uẩn? Vị năng tăng thắng thủ chư cảnh tướng. “Tăng thắng thủ” giả, vị thắng lực năng thủ, như đại lực giả, thuyết danh thắng lực.

          ()云何想蘊?謂能增勝取諸境相。增勝取者,謂勝力能取。如大力者,說名勝力

          (Luận: Tưởng Uẩn là như thế nào? Chính là có thể tăng thêm sự chấp giữ vượt trỗi các cảnh tướng thù thắng. “Tăng thêm sự chấp giữ vượt trỗi” có nghĩa là do có sức mạnh mẽ bèn có thể giữ lấy, như người có sức rất mạnh thì gọi là “thắng lực”).

          Tưởng Uẩn là Tưởng Tâm Sở, “năng tăng thắng, thủ chư cảnh tướng”, [nghĩa là] có một loại sức lực rất mạnh mẽ để duyên theo, giữ lấy các cảnh tướng, giống như kẻ rất khỏe, có sức to lớn có thể nắm giữ thứ gì đó.

          Tưởng Tâm Sở có tác dụng duyên theo, giữ lấy cảnh tướng; đấy là tác dụng trực tiếp của Tưởng, chính là khởi đầu cho tác dụng nhận thức chánh xác hoặc sai lầm. Cảnh tướng [được Tưởng] duyên theo, chấp lấy cũng gọi là Ảnh Tượng (ấn tượng), tức là hết thảy những thứ được gọi là “khái niệm”. Chúng có thể chia thành khái niệm cụ thể và khái niệm trừu tượng. Như khái niệm về “nhà cửa” là khái niệm cụ thể, khái niệm “từ bi” là khái niệm trừu tượng. Tiến thêm bước nữa, nhằm biểu lộ, diễn đạt khái niệm cảm tình và tư tưởng, bèn lập ra văn tự và ngôn ngữ để diễn tả, giải thích. Đấy là tác dụng gián tiếp của Tưởng. Như Thành Duy Thức Luận có nói: “Tưởng là đối với cảnh bèn có tánh chất giữ lấy hình tượng, lập bày các thứ danh tự, ngôn ngữ; đấy là nghiệp”.

          Khi sáu Thức nhận biết cảnh giới, Tưởng tương ứng với sáu Thức sẽ duyên theo, giữ lấy hình bóng của cảnh giới. Như Nhãn Thức thấy quả cầu đỏ, Tưởng sẽ duyên theo, giữ lấy hình ảnh của quả cầu đỏ, giống như máy chụp hình, Ý Thức mới có khái niệm đỏ, trắng v.v… hoặc khái niệm “tốt, xấu” v.v…

          Trên phương diện tu hành, Tưởng rất quan trọng. Rất nhiều phương pháp tu hành được gọi là Tưởng, như Bất Tịnh Quán cũng gọi là Bất Tịnh Tưởng, có Thanh Ứ Tưởng (tưởng [xác chết] xanh bầm, sưng phù), Nùng Lạn Tưởng (tưởng [xác chết] tươm mủ, nứt nẻ)… Tu học Bất Tịnh Quán, trước hết phải thấy hình dạng của xác chết (Biến Tác Tưởng), giữ lấy hình ảnh đó (Thủ Tướng, nắm giữ tướng), liên tục chuyên chú nơi hình ảnh khiến cho hình ảnh được hiện tiền rõ ràng (Tự Tướng). Tiến thêm bước nữa là thành tựu Sơ Thiền. Trong quá trình “tu Chỉ để thành tựu Thiền Định”, tác dụng của Tưởng Tâm Sở là duyên theo, giữ lấy hình ảnh. Tác dụng của Định Tâm Sở là chuyên chú nơi hình tượng. Sức chuyên chú của Định càng mạnh, sức mạnh của Tưởng cũng càng mạnh, hình ảnh sẽ càng hiển hiện rõ ràng.

          Như tu các phép Địa, Thủy, Hỏa, Phong trọn khắp, bèn duyên theo, giữ lấy Địa tướng thanh tịnh v.v… cũng đều là khởi đầu từ Tưởng duyên theo, giữ lấy hình ảnh. Cao hơn bước nữa là thành tựu từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền.

          Vì sao đức Phật nói Ngũ Uẩn, đặc biệt lập ra Thọ Uẩn và Tưởng Uẩn? Vì trong sự nhận thức hoặc tu hành, Thọ và Tưởng đều có ý nghĩa trọng yếu đặc thù. Chúng cũng là căn bản của Ái Tránh (tranh chấp do yêu thích, đắm trước) và Kiến Tránh (tranh chấp do chấp vào kiến giải). Vì thế, đặc biệt lập ra Thọ Uẩn và Tưởng Uẩn.

1.1.2.4. Hành Uẩn (chia làm hai đoạn)

1.1.2.4.1. Luận định chung

          (Luận) Vân hà Hành Uẩn? Vị trừ Thọ, Tưởng, chư dư tâm pháp, cập tâm bất tương ứng hành. Vân hà dư tâm pháp? Vị dữ tâm tương ứng chư hành, xúc, tác ý, tư, dục, thắng giải, niệm, tam-ma-địa, huệ, tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, xả, bất hại, tham, sân, mạn, vô minh, kiến, nghi (phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, kiêu, hại), vô tàm, vô quý, hôn trầm, điệu cử, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri, ác tác, thùy miên, tầm, tứ. Thị chư tâm pháp, ngũ thị Biến Hành, thử biến nhất thiết thiện, bất thiện, vô ký tâm, cố danh Biến Hành. Ngũ thị Biệt Cảnh, thử ngũ, nhất nhất ư sai biệt cảnh, triển chuyển quyết định, tánh bất tương ly. Thị trung hữu nhất, tất hữu nhất thiết. Thập nhất vi thiện, lục vi phiền não. Dư thị tùy phiền não. Tứ vi bất định. Thử bất định tứ, phi chánh, tùy phiền não, dĩ thông thiện cập vô ký tánh cố. Xúc đẳng thể tánh cập nghiệp, ưng đương giải thích.

          ()云何行蘊?謂除受想。諸餘心法。及心不相應行。云何餘心法?謂與心相應諸行。觸.作意.思.欲.勝解.念.三摩地.慧.信.慚.愧.無貪.無瞋.無癡.精進.輕安.不放逸.捨.不害.貪.瞋.慢.無明.見.疑.(忿.恨.覆.惱.嫉.慳.誑.諂.憍.害)無慚.無愧.昏沈.掉舉.不信.懈怠.放逸.失念.散亂.不正知.惡作.睡眠.尋伺是諸心法。五是遍行。此遍一切善不善無記心故名遍行。五是別境。此五一一。於差別境。展轉決定。性不相離。是中有一。必有一切。十一為善。六為煩惱。餘是隨煩惱。四為不定。此不定四。非正隨煩惱以通善及無記性故。觸等體性及業。應當解釋。

          (Luận: Hành Uẩn là như thế nào? Nghĩa là ngoại trừ Thọ và Tưởng, các tâm pháp khác và tâm bất tương ứng hành [sẽ thuộc về Hành Uẩn]Các tâm pháp khác là như thế nào? Chính là các Hành tương ứng với tâm: Xúc, tác ý, tư, dục, thắng giải, niệm, tam-ma-địa, huệ, tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, xả, bất hại, tham, sân, mạn, vô minh, kiến, nghi (phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, kiêu, hại), vô tàm, vô quý, hôn trầm, điệu cử, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri, ác tác, thùy miên, tầm, tứTrong các tâm pháp ấy, năm món là Biến Hành. Các tâm pháp [thuộc Biến Hành] trọn khắp hết thảy các tâm thiện, bất thiện, và vô ký, cho nên gọi là Biến Hành. Năm món là Biệt Cảnh. Năm món ấy, mỗi món có cảnh sai biệt, lần lượt quyết định, tánh chẳng rời lìa. Trong ấy, hễ có một thứ, ắt sẽ có hết thảy. Mười một món là thiện, sáu món là phiền não. Những món còn lại là tùy phiền não, bốn món là bất định. Bốn món bất định ấy, chẳng phải là chánh hay tùy phiền não, vì tánh của chúng bao gồm cả thiện và vô ký. Thể tánh và nghiệp của các món như Xúc v.v… hãy nên giải thích [như sau đây).

          Đối chiếu với Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, phần luận văn trong Đại Chánh Tạng thiếu mười món Tiểu Tùy Phiền Não từ Phẫn cho tới Hại; do vậy, ghi bổ khuyết vào phần trong ngoặc. Hành Uẩn có hai loại lớn: Một là Tương Ứng Hành (tương ứng với tâm), hai là Bất Tương Ứng Hành (chẳng tương ứng với tâm). Hành có hai loại ý nghĩa:

          1) Tạo tác, tức là các hoạt động do tâm lý dẫn khởi mà làm các thứ sự nghiệp.

          2) Lưu động: Biểu thị sự sanh diệt, biến hóa, có đổi dời.

          Hành trong Phật pháp hiểu theo nghĩa rộng nhất sẽ là hết thảy các pháp hữu vi, như Hành trong câu “chư hành vô thường”. Hành trong Hành Uẩn có phạm vi khá hẹp nhỏ. Trong hết thảy các pháp hữu vi, ngoại trừ Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, và Thức Uẩn, thì các pháp hữu vi còn lại đều gộp trong Hành Uẩn.

1. Tương Ứng Hành là Tâm Sở Pháp. Chữ Tâm Pháp được dùng trong bộ luận này sẽ được gọi là Tâm Sở, hoặc Tâm Sở Pháp, hoặc Tâm Sở Hữu Pháp trong các bộ luận khác. Chúng chính là các thứ tác dụng tâm lý do nương vào Tâm Vương mà sanh khởi. Trong Hành Uẩn của bộ luận này, có bốn mươi chín món Tâm Sở Pháp, cộng thêm Thọ và Tưởng, tổng cộng là năm mươi mốt món Tâm Sở Pháp. Chúng lại được chia thành sáu loại: Biến Hành gồm năm món, Biệt Cảnh gồm năm món, Thiện gồm mười một món, Phiền Não gồm sáu món, Tùy Phiền Não có hai mươi món, Bất Định có bốn món. Cách phân loại và số lượng [các Tâm Sở trong mỗi loại] giống như Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận.

          Tâm Sở và Tâm Vương4 có mối quan hệ mật thiết. Do ba nghĩa mà lập ra danh xưng Tâm Sở:

          1) Luôn dựa vào tâm để sanh khởi: Tâm Sở trọn chẳng thể riêng một mình nó sanh khởi, nhất định phải nương vào Tâm Vương thì mới có thể sanh khởi.

          2) Tương ứng với tâm: [Tâm Sở] đồng thời sanh khởi và diệt mất với Tâm Vương, lại còn duyên theo cảnh giới giống nhau v.v…

          3) Dính líu, phụ thuộc cái tâm: Tâm Sở phụ thuộc Tâm Vương. Tâm Vương ví như quốc vương, Tâm Sở ví như bầy tôi của quốc vương.

          A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận cho rằng Tâm Sở tương ứng với cái Tâm do có năm nghĩa:

          1) Cái để nương vào giống nhau: Tâm Sở và Tâm Vương cùng dựa vào một Căn. Như Tâm Sở và Nhãn Thức cùng nương vào Nhãn Căn.

          2) Cái để duyên theo giống nhau: Tâm Sở và Tâm Vương cùng duyên một cảnh.

          3) Hành tướng giống nhau: Hành tướng của Tâm Sở và Tâm Vương giống nhau. Vì Duy Thức Học cho rằng Tâm Sở và Tâm Vương mỗi món tự biến hiện hình ảnh thuộc về Tướng Phần5. Do vậy, chủ trương: Hành tướng của Tâm Sở và Tâm Vương là “tương tự”, như khi Nhãn Thức và Tâm Sở cùng duyên theo một bức tranh sơn dầu, Tâm Vương chỉ duyên theo, giữ lấy Tổng Tướng, còn Tâm Sở thì duyên theo, giữ lấy cả Tổng Tướng lẫn Biệt Tướng.

          4) Thời giống nhau: Tâm Vương và Tâm Sở sanh diệt cùng một lúc, chẳng có trước hay sau.

          5) Sự giống nhau: Sự có nghĩa là thể tánh. Khá nhiều Tâm Sở và Tâm Vương tương ứng [với mỗi Tâm Sở ấy], thể tánh của Tâm Vương là một cái, còn khá nhiều Tâm Sở mỗi món cũng có một thể tánh riêng. Như các Tâm Sở tương ứng với Nhãn Thức thì thể tánh của Nhãn Thức là một cái, thể tánh của các Tâm Sở như Xúc, Tác Ý v.v… cũng là mỗi thứ có một cái [thể tánh riêng biệt].

2. Bất Tương Ứng Hành: Có những pháp hữu vi chẳng tương ứng với Tâm, lại còn chẳng nhất định dựa theo Tâm Pháp và Tâm Sở Pháp để giả lập ([các bộ sớ luận thường dùng từ ngữ] “thi thiết an lập (施設安立) [để diễn tả điều này]), cũng có pháp nương theo Sắc pháp để giả lập thì gọi Bất Tương Ứng Hành. Chẳng hạn như danh tự (thường gọi là Danh Thân). Pháp hữu vi đều có thể có danh tự, những vật chất như cái bàn v.v… có danh tự, con người cũng có danh tự, tác dụng tâm lý cũng có danh tự. Sắc Pháp và Tâm Pháp diệt mất, danh tự vẫn tồn tại. Do nó (danh tự) chẳng tương ứng với cái tâm, bèn thuộc loại Bất Tương Ứng Hành.

          Luận này nói Tâm Bất Tương Ứng Hành gồm mười bốn loại, còn Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận nói thành hai mươi bốn loại.

          “Vân hà dư tâm pháp? Vị dữ tâm tương ứng chư Hành” (Những tâm pháp khác là gì? Chính là các Hành tương ứng với tâm): Các tâm pháp khác, trừ Thọ và Tưởng ra, bốn mươi chín món Tâm Sở kia tương ứng với cái tâm, đều thuộc về Hành Uẩn.

          Năm mươi mốt món Tâm Sở, chia thành sáu loại:

          1) Biến Hành Tâm Sở: Biến Hành (遍行) là dấy lên hiện hữu trọn khắp. “Thị chư tâm pháp, ngũ thị Biến Hành” (Trong các tâm pháp ấy, có năm món là Biến Hành): Có năm Tâm Sở thuộc loại Biến Hành Tâm Sở, chính là Thọ, Tưởng, Xúc, Tác Ý và Tư. “Thử biến nhất thiết thiện, bất thiện, vô ký tâm, cố danh Biến Hành” (Các món ấy trọn khắp hết thảy các tâm thiện, bất thiện, vô ký, nên gọi là Biến Hành). Năm món Tâm Sở ấy trọn khắp “tứ nhất thiết”, cho nên gọi là Biến Hành. “Tứ nhất thiết” tức là:

a) Nhất thiết tánh (hết thảy tánh):Bao gồm ba tánh thiện, ác, và vô ký.

b) Nhất thiết địa (hết thảy địa vị):Trọn khắp tam giới, cửu địa. Tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Cửu địa là Ngũ Thú Tạp Cư Địa, Ly Sanh Hỷ Lạc Địa, Định Sanh Hỷ Lạc Địa, Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, Không Vô Biên Xứ Địa, Thức Vô Biên Xứ Địa, Vô Sở Hữu Xứ Địa, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Địa6.

c) Nhất thiết thời (hết thảy thời):Chung khắp các địa vị hữu lậu, và địa vị vô lậu, [sẽ dều là] sáu Thức sanh, sáu Thức diệt bất luận thời gian nào.

d) Nhất thiết tâm:[Biến Hành Tâm Sở tồn tại] nơi tám thức, và cũng tương ứng với các Tâm Sở.

          2) Biệt Cảnh Tâm Sở“Ngũ thị Biệt Cảnh. Thử ngũ, nhất nhất ư sai biệt cảnh, triển chuyển quyết định, tánh bất tương ly. Thị trung hữu nhất, tất hữu nhất thiết” (Năm món là Biệt Cảnh. Năm món ấy, mỗi món trong cảnh sai khác, lần lượt quyết định, tánh chẳng trái lìa. Hễ trong ấy có một món, ắt có hết thảy các món): Dục, Thắng Giải, Niệm, Tam-ma-địa, Huệ, năm món Tâm Sở ấy là Biệt Cảnh Tâm Sở, do chúng duyên theo các cảnh giới khác biệt. Cảnh được duyên của Dục chính là chuyện đáng yêu thích (cảnh được yêu thích). Cảnh được duyên bởi Thắng Giải là cảnh quyết định. Cảnh được duyên bởi Niệm là cảnh đã từng quen thuộc (tằng tập cảnh). Cảnh để duyên của Tam-ma-địa và Huệ là sự được quán (Sở Quán Cảnh). Theo như luận này nói: Hễ có một Tâm Sở [thuộc Biệt Cảnh], sẽ có bốn món Tâm Sở khác [của Biệt Cảnh Tâm Sở], món này và món kia chẳng tách lìa. Nói theo Thành Duy Thức Luận, năm món Tâm Sở ấy có lúc sanh khởi toàn bộ, có lúc sanh khởi hoặc bốn món, hoặc ba món, hoặc hai món, hoặc một món. Có khi toàn bộ chẳng sanh khởi.

          3) Thiện Tâm Sở“Thập nhất vi thiện” (Mười một món là Thiện Tâm Sở). Mười một món Tâm Sở như Tín, Tàm, Quý v.v… là Thiện Tâm Sở. “Thiện” tức là pháp phù hợp chánh lý, có thể thuận thảo, lợi ích cả ta lẫn người, đời này và đời khác.

          4) Căn Bản Phiền Não Tâm Sở“Lục vi phiền não” (Sáu món là phiền não). Sáu món Tâm Sở như Tham, Sân v.v… là Căn Bản Phiền Não. Phiền Não là tác dụng tâm lý gây nên phiền phức, não loạn thân tâm, khiến cho thân tâm chẳng tịch tĩnh, như đứng ngồi chẳng yên, ăn chẳng nổi, ngủ chẳng được!

          5) Tùy Phiền Não Tâm Sở“Dư thị Tùy Phiền Não” (Những món còn lại là Tùy Phiền Não). Hai mươi Tâm Sở như Phẫn, Hận v.v… là Tùy Phiền Não, tức là những phiền não thuận theo Căn Bản Phiền Não mà sanh khởi,

          6) Bất Định Tâm Sở“Tứ vi Bất Định” (Bốn món là Bất Định). Bốn món Tâm Sở như Ác Tác, Thùy Miên, Tầm, và Tứ là Bất Định Tâm Sở. “Thử Bất Định tứ, phi chánh, tùy phiền não, dĩ thông thiện cập vô ký tánh cố” (Bốn món Bất Định ấy chẳng phải là chánh phiền não, hay tùy phiền não, do có tánh thiện lẫn tánh vô ký): Bất Định Tâm Sở chỉ bao gồm hết thảy các tánh. Do vậy, chúng chẳng phải là Biến Hành Tâm Sở, chẳng phải là Biệt Cảnh Tâm Sở, chẳng phải là Thiện Tâm Sở, chẳng phải là Căn Bản Phiền Não (chánh phiền não), cũng chẳng phải là Tùy Phiền Não. Vì thế, lập riêng [một danh xưng] là Bất Định Tâm Sở.

          “Xúc đẳng thể tánh cập nghiệp, ưng đương giải thích” (Thể tánh và nghiệp của những món Tâm Sở như Xúc v.v… hãy nên giải thích): Thể tánh và nghiệp dụng của bốn mươi chín Tâm Sở từ Xúc cho đến Tứ hãy nên giải thích. Vì sao cần phải biết thể tánh và nghiệp dụng của những Tâm Sở ấy? Hiểu rõ thể tánh và nghiệp dụng của Tâm Sở, sẽ có thể nhận biết Tâm Sở của chính mình. Tiến hơn buớc nữa là chế phục, diệt trừ những Tâm Sở bất thiện, tăng trưởng Thiện Tâm Sở.

1.1.2.4.2. Giải thích riêng biệt từng điều một (chia làm hai phần)

1.1.2.4.2.1. Tâm Sở Pháp (chia thành sáu phần)

1.1.2.4.2.1.1. Biến Hành Tâm Sở (chia thành ba phần)

1.1.2.4.2.1.1.1. Xúc                 

          (Luận) Vân hà Xúc? Vị tam hòa hợp, phân biệt vi tánh. Tam hòa, vị Nhãn, Sắc, Thức như thị đẳng. Thử chư hòa hợp, tâm, tâm pháp sanh, cố danh vi Xúc, dữ Thọ sở y vi nghiệp.

          ()云何觸謂三和合。分別為性。三和。謂眼色識。如是等。此諸和合心心法生故名為觸。與受所依為業。

          (Luận: Xúc là như thế nào? Chính là ba thứ hòa hợp, có tánh chất phân biệtBa thứ hòa hợp chính là Nhãn, Sắc và Thức như thế đó. Các thứ ấy hòa hợp, tâm và tâm pháp bèn sanh, nên gọi là Xúc, có nghiệp dụng là làm chỗ nương tựa cho Thọ).

          “Vân hà Xúc? Vị tam hòa hợp, phân biệt vi tánh”, [nghĩa là] Xúc dùng ba thứ hòa hợp, có thể tánh phân biệt. “Tam hòa, vị Nhãn, Sắc, Thức như thị đẳng. Thử chư hòa hợp, tâm, tâm pháp sanh, cố danh vi Xúc” [ý nói]: Như Nhãn Căn giữ lấy Sắc cảnh, Nhãn Thức bèn sanh khởi. Ba thứ Nhãn Căn, Sắc cảnh và Nhãn Thức hòa hợp, cũng có những Tâm Sở tương ứng với Nhãn Thức. Cũng giống như vậy Nhĩ Căn giữ lấy Thanh cảnh, sanh khởi Nhĩ Thức… Ý Căn giữ lấy Pháp cảnh, sanh khởi Ý Thức. Ý Căn, Pháp cảnh và Ý Thức ba thứ hòa hợp, cũng có những Tâm Sở tương ứng với Ý Thức.

          “Phân biệt vi tánh” (Có thể tánh phân biệt): “Phân biệt” là tiếp nhận từ ba thứ Căn, Cảnh và Thức hòa hợp mà sanh khởi công dụng của Tâm và Tâm Sở. Thành Duy Thức Luận đã thuyết minh về Xúc Tâm Sở như sau: Xúc, vị tam hòa, phân biệt, biến dị, linh tâm, tâm sở xúc cảnh vi tánh. Thọ, Tưởng, Tư đẳng, sở y vi nghiệp” (Xúc là ba thứ hòa hợp, phân biệt, đổi khác. Nó có tánh chất khiến cho tâm và Tâm Sở tiếp xúc cảnh. Nghiệp dụng của nó là làm chỗ nương tựa cho Thọ, Tưởng, Tư v.v…) “Biến dị” (Đổi khác) tức là ba thứ hòa hợp sanh ra tâm và Tâm Sở, so với khi chúng chưa hòa hợp thì có sự đổi khác, chẳng giống nhau.

          Sáu căn tiếp nhận sáu cảnh, sanh ra sáu Thức (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức). Do vậy, Xúc cũng có thể chia thành sáu loại: Xúc tương ứng với Nhãn Thức, Xúc tương ứng với Nhĩ Thức, Xúc tương ứng với Tỵ Thức, Xúc tương ứng với Thiệt Thức, Xúc tương ứng với Thân Thức, và Xúc tương ứng với Ý Thức.

          “Dữ Thọ sở y vi nghiệp” (Có nghiệp dụng làm chỗ nương tựa cho Thọ): Nghiệp dụng của Xúc là làm chỗ nương tựa cho sự hoạt động của Thọ, tức là Thọ nương vào Xúc mà sanh khởi. Đấy là nói theo mối quan hệ chủ yếu, như trong Thập Nhị Duyên Khởi đã có nói: “Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ”. Thật ra, còn có những Tâm Sở khác nương vào Xúc để sanh khởi. Vì thế, Thành Duy Thức Luận nói: Có nghiệp dụng làm chỗ nương dựa cho Thọ, Tưởng, Tư v.v…

          Xúc lại có thể chia thành ba loại lớn: Một là hợp ý Xúc, hai là chẳng hợp ý Xúc, ba là chẳng hợp ý, chẳng không hợp ý Xúc. “Hợp ý Xúc” là Xúc thuận hợp với sinh lý (Ngũ Căn) và Ý Thức. Thọ nương vào hợp ý Xúc mà sanh khởi sẽ là Lạc Thọ và Hỷ Thọ. Cũng giống như vậy, Thọ do nương vào “chẳng hợp ý Xúc” mà sanh khởi Khổ Thọ và Ưu Thọ. Thọ do nương vào “chẳng hợp ý, chẳng không hợp ý Xúc” mà sanh khởi thì là Xả Thọ.

          Có những người trong lúc Khổ Thọ và Ưu Thọ sanh khởi, bèn sanh khởi lòng chán ghét, sân hận; nếu tăng mạnh hơn, sẽ trở thành phá hoại, hủy diệt chính mình, cũng như những hữu tình hoặc vật dụng khác. Trong lúc Lạc Thọ và Hỷ Thọ sanh khởi, bèn sanh khởi cái tâm tham đắm, lại tăng mạnh sâu đậm hơn sự đắm nhiễm đối với chính mình, các hữu tình, hoặc vật phẩm khác.

          Xúc và Thọ là Biến Hành Tâm Sở, đồng thời sanh diệt. Tu học Phật pháp, có lúc chú trọng nói: Quán chiếu Thọ là vô thường, vô ngã, có chánh niệm, chánh tri, sẽ chẳng chấp trước Lạc Thọ, Khổ Thọ mà sanh khởi các phiền não như tham ái hay sân hận v.v… Có lúc chú trọng nói: Quán chiếu Xúc là vô thường, vô ngã. Hễ có chánh niệm, chánh tri, cũng sẽ chẳng chấp trước hợp ý Xúc, chẳng hợp ý Xúc để rồi sanh khởi các phiền não tham ái, sân hận v.v… Xúc sanh khởi đồng thời với trí huệ thì gọi là “minh tương ứng Xúc” (Xúc tương ứng với sự sáng suốt). Trong cuộc sống thường ngày, bậc thánh giả A La Hán do trong lúc sáu món Xúc sanh khởi, bèn có vô lậu trí huệ, cho nên chẳng sanh khởi các phiền não tham ái, sân hận v.v… Ngược lại, phàm phu là “Xúc tương ứng với vô minh”, duyên theo hữu lậu Thọ, hữu lậu Thọ duyên các phiền não như Ái v.v… [Vì thế], tiếp tục luân hồi trong sanh tử.

1.1.2.4.2.1.1.2. Tác Ý

          (Luận) Vân hà Tác Ý? Vị linh tâm phát ngộ vi tánh, linh tâm, tâm pháp hiện hành cảnh động, thị ức niệm nghĩa, nhậm trì phan duyên tâm vi nghiệp.

          ()云何作意謂令心發悟為性。令心心法現前警動。是憶念義任持攀緣心為業。

          (Luận: Tác Ý là như thế nào? Chính là có tánh chất khiến cho tâm phát khởi sự giác ngộ, khiến cho tâm và tâm pháp hiện tiền cảnh giác, phát động. Đó là ý nghĩa “ức niệm”. [Tác Ý] có nghiệp dụng duy trì cái tâm phan duyên).

          Thể tánh của Tác Ý là “linh tâm phát ngộ”, tức là cảnh giác, phát động Tâm và Tâm Sở, khiến cho Tâm và Tâm Sở giác ngộ, buộc chặt ý niệm nơi cảnh giới. “Ức niệm” ở đây không phải là nhớ lại những chuyện trước kia, mà là buộc chặt ý niệm nơi cảnh giới.

          Có thể nói Tác Ý là “chú ý”, nhưng chẳng phải là chuyên chú nhất tâm. Như ưa thích một vật phẩm nào đó, sẽ đặc biệt chú ý nó, tâm sẽ bị nó thu hút, hấp dẫn. Như tiếng pháo nổ quá to, cảnh giới rất rõ rệt, tâm sẽ bị tiếng pháo nổ lôi cuốn. Thiên Đại Học trong sách Lễ Ký có nói: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn” (Tâm chẳng chú ý thì nhìn mà chẳng thấy, nghe mà chẳng hiểu). Chẳng chú ý tới Sắc cảnh hiện tiền hoặc Thanh cảnh hiện tiền, sẽ chẳng sanh khởi Nhãn Thức hoặc Nhĩ Thức, mà cũng chẳng thấy Sắc cảnh, hoặc nghe thấy Thanh cảnh. Như khi nhà khoa học chuyên tâm làm thí nghiệm, sẽ chẳng chú ý chuyện bên cạnh mình, cũng chẳng biết bên cạnh mình đã phát sanh chuyện gì. Như khi dùng bữa, quá chuyên tâm vào TV, sẽ là “ăn mà chẳng biết vị”.

          Nghiệp dụng của Tác Ý là “nhậm trì phan duyên tâm” (duy trì cái tâm phan duyên), có thể nhiếp trì cảnh giới được phan duyên (nắm níu) bởi tâm và Tâm Sở. “Nhậm trì” (任持) có nghĩa là có thể đảm nhận sự nhiếp trì. “Phan duyên” (攀緣) là tác dụng nắm níu cảnh giới (đối tượng) của Tâm và Tâm Sở. Tâm và Tâm Sở là năng duyên (chủ thể để duyên)7, cảnh giới được phan duyên thì là sở duyên (đối tướng được duyên).

          Thành Duy Thức Luận đã thuyết minh về Tác Ý Tâm Sở như sau: “Tác Ý, vị năng cảnh tâm vi tánh, ư sở duyên cảnh dẫn tâm vi nghiệp” (Tác Ý có nghĩa lấy cái tâm có thể cảnh giác làm tánh, có nghiệp dụng đối với cảnh được duyên bèn dẫn khởi cái tâm). [Ý nói] Tác Ý có thể có thể đánh động, thúc đẩy Tâm và Tâm Sở. Tiến hơn bước nữa, Tác Ý có thể lôi kéo Tâm và Tâm Sở phan duyên cái cảnh được duyên. Tác Ý giống như người đặc biệt dễ đánh thức. Đang ngủ vào ban đêm, hễ có chút xao động gì đó, người ấy ngay lập tức tỉnh giấc, lại còn đánh thức người khác để cùng nhau xử lý tình huống.

          Nói theo phía tu hành, Tác Ý mang tánh chất thiện mà sanh khởi thì cũng có thể dẫn dắt những thiện Tâm Sở khác sanh khởi. Như thế nào thì mới có thể khiến cho Tác Ý mang tánh chất thiện sanh khởi? Du Già Sư Địa Luận đã nói bốn thứ lực khiến cho Tác Ý sanh khởi:

  1. Do dục lực: Đối với cảnh được duyên, tâm có sự yêu chuộng (ước mong). Đối với điều ấy, cái tâm thường dễ sanh khởi Tác Ý.
  2. Do niệm lực: Đối với cảnh được duyên, đã từng ghi nhớ sâu đậm. Khi duyên lấy cảnh tượng hết sức quen thuộc, đối với điều ấy, cái tâm thường dễ sanh khởi sự Tác Ý.
  3. Do cảnh giới lực: Cảnh giới hết sức rộng lớn, đặc biệt rõ rệt. Đối với cảnh giới ấy,tột bậc yêu chuộng. Khi cảnh giới ấy hiển hiện trước mặt, tâm sẽ hết sức dễ sanh khởi sự Tác Ý đối với cảnh giới ấy.
  4. Do sổ tập lực (sức mạnh của sự quen thuộc do đã từng làm nhiều lần): Đối với cảnh được duyên,do đã từng huân tập hết sức nhiều lần, [cảnh ấy] đã trở thành hết sức quen thuộc. Đối với chuyện ấy, tâm thường dễ dàng sanh khởi Tác Ý.

          Vì thế, tu hành mà nếu nắm vững bốn thứ lực ấy, Tác Ý mang tánh chất thiện sẽ thường sanh khởi rất dễ dàng.

1.1.2.4.2.1.1.3. Tư

          (Luận) Vân hà Tư? Vị ư công đức, quá thất, cập dĩ câu phi, linh tâm tạo tác ý nghiệp vi tánh. Thử tánh nhược hữu, thức phan duyên dụng, tức hiện tại tiền, do như từ thạch dẫn thiết linh động, năng thôi thiện, bất thiện, vô ký tâm vi nghiệp.

          ()云何思謂於功德過失。及以俱非。令心造作意業為性。此性若有。識攀緣用。即現在前。猶如磁石引鐵令動。能推善不善無記心為業。

          (Luận: Tư là như thế nào? Chính là đối với công đức, lầm lỗi, hay đều chẳng phải (tức là chẳng phải là công đức, mà cũng chẳng phải lầm lỗi), nó có tánh chất khiến cho cái tâm tạo tác ý nghiệp. Nếu có tánh ấy, Thức nắm níu Dụng, sẽ bèn hiện tiền, giống như đá nam châm hút sắt khiến cho sắt chuyển động, có nghiệp dụng có thể phát động cái tâm thiện, bất thiện, và vô ký).

          Thể tánh của Tư Tâm Sở là “ư công đức, quá thất, cập dĩ câu phi, linh tâm tạo tác ý nghiệp” [nghĩa là] khiến cho Tâm và Tâm Sở đối ứng với cảnh giới công đức hay lỗi lầm, cũng như đối với “câu phi” (đều là Không, tức là chẳng có công đức, mà cũng chẳng có lầm lỗi) bèn sanh khởi hành vi Ý Thức (ý nghiệp) có tánh chất thiện, ác, hay vô ký. Nghiệp có nghĩa là “tạo tác, thực hiện”. Nghiệp có thể chia thành ba loại: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp (hành vi nơi thân thể, ngôn ngữ, và ý thức). Đã có ý nghiệp thì mới thúc đẩy thân nghiệp và khẩu nghiệp. Chẳng có ý nghiệp, thân và khẩu sẽ chẳng chủ động tạo nghiệp.

          Khi Tư Tâm Sở tiếp xúc cảnh giới, nó sẽ chủ động chọn lựa hành động thích ứng với cảnh giới. Chẳng hạn như có người tán thán hoặc phê bình kẻ nào đó, kẻ đó sẽ chủ động chọn lựa hành động để đáp trả, hoặc là cảm tạ đối phương, hoặc là khinh thường đối phương, hoặc chẳng thèm quan tâm đối phương.

          Tư Tâm Sở có cả ba tánh:

          1) Tư mang tánh chất thiện, sẽ tạo tác thiện pháp công đức.

          2) Tư mang tánh chất ác, sẽ tạo tác ác pháp lầm lỗi.

          3) Tư mang tánh chất vô ký, sẽ tạo tác pháp vô ký câu phi (chẳng phải là công đức mà cũng chẳng phải là lầm lỗi).

          “Thử tánh nhược hữu, Thức phan duyên Dụng, tức hiện tại tiền, do như từ thạch dẫn thiết linh động” [nghĩa là] hễ có Tư Tâm Sở, tác dụng tâm thức duyên theo cảnh giới sẽ ngay lập tức hiện tiền, giống như đá nam châm hút sắt, khiến cho sắt bị lay động.

          “Năng thôi thiện, bất thiện, vô ký tâm vi nghiệp” (Có nghiệp dụng thúc đẩy cái tâm thiện, bất thiện, hay vô ký): Nghiệp dụng của Tư Tâm Sở có thể thúc đẩy thiện tâm tạo tác thiện nghiệp, hoặc thúc đẩy cái tâm bất thiện tạo tác nghiệp bất thiện, hoặc thúc đẩy cái tâm vô ký tạo tác nghiệp vô ký.

          Thành Duy Thức Luận đã nói rõ về Tư Tâm Sở như sau: Tư vị linh tâm tạo tác vi tánh, ư thiện phẩm đẳng dịch tâm vi nghiệp” (Tư có tánh chất khiến cho cái tâm tạo tác, có nghiệp dụng sai sử cái tâm tạo tác nơi các điều thiện v.v…), [ý nói]: Thể tánh của Tư Tâm Sở là khiến cho cái tâm và Tâm Sở tạo tác. Nghiệp dụng của nó là sai khiến tâm và Tâm Sở tạo tác thân, ngữ, ý nghiệp thuộc ba tánh (thiện, ác, vô ký). Tư Tâm Sở là Biến Hành Tâm Sở, bất cứ lúc nào có tâm thức thì sẽ có Tư. Dựa theo các tình huống khác nhau, sẽ đặt ra ba loại danh xưng khác nhau:

          1) Thẩm Lự Tư (審慮思): Tức là Tư khi nội tâm trù tính, cân nhắc chuyện này nên làm, hay không nên làm.

          2) Quyết Định Tư (決定思): Tức là Tư sau khi đã suy tính kỹ càng, bèn đạt được một quyết định.

          3) Động Phát Thắng Tư (動發滕思): Tức là Tư sau khi quyết định, bèn đồng thời phát khởi thân nghiệp và ngữ nghiệp.

1.1.2.4.2.1.2. Biệt Cảnh Tâm Sở (chia làm năm phần)

1.1.2.4.2.1.2.1. Dục

          (Luận) Vân hà Dục? Vị ư khả ái nhạo sự, hy vọng vi tánh. Ái nhạo sự giả, sở vị khả ái kiến, văn đẳng sự. Thị nguyện nhạo hy cầu chi nghĩa, năng dữ Tinh Tấn sở y vi nghiệp.

          ()云何欲謂於可愛樂事。希望為性。愛樂事者。所謂可愛見聞等事。是願樂希求之義能與精進所依為業。

      (Luận: Dục là như thế nào? Có nghĩa là đối với sự đáng yêu mến, bèn có tánh chất mong mỏi. “Sự đáng yêu mến” là nói tới những chuyện thấy nghe đáng yêu mến v.v… mang ý nghĩa “vui thích, mong cầu”. Nghiệp dụng của nó là làm chỗ y cứ cho Tinh Tấn).

          Thể tánh của Dục là “ư khả ái nhạo sự, hy vọng vi tánh”, tức là đối với chuyện đáng yêu, đáng ưa, bèn hy vọng sẽ đạt được.

          “Ái nhạo sự giả, sở vị khả ái kiến, văn đẳng sự” (“Sự đáng yêu thích” chính là nói những chuyện thấy nghe bèn [cảm thấy] đáng yêu). Chuyện đáng yêu thích là những thứ lục trần (sáu thứ cảnh giới) tốt đẹp như cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, vị, chất liệu, quan niệm tốt đẹp v.v… Vì sao thêm chữ Đẳng (等)? Tác dụng nhận biết rành rẽ của Nhãn Thức gọi là Kiến (thấy), tác dụng nhận biết rành rẽ của Nhĩ Thức được gọi là Văn (nghe). Do vậy chữ Đẳng là nói đến “(ngửi, nếm) hay, biết”, tức là tác dụng nhận biết rành rẽ của Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức.

          “Thị nguyện nhạo hy cầu chi nghĩa” (Có nghĩa là vui thích, mong muốn): Đây là giải thích chữ “hy vọng”. Đối với cảnh giới đáng yêu, bèn sanh khởi nguyện vọng yêu thích, hy vọng trong tương lai sẽ có thể đạt được [nguyện ấy].

          Dục Tâm Sở bao gồm tánh thiện, tánh ác, và tánh vô ký. Chẳng hạn như hy vọng trong tương lai sẽ liễu sanh thoát tử, hoặc viên thành Phật đạo. Đấy là Dục có tánh chất thiện (thiện pháp dục, chánh nguyện). Hy vọng trong tương lai sẽ trở thành vua cờ bạc, đấy là Dục mang tánh chất ác, tương ứng với phiền não. Hy vọng trong tương lai sẽ trở thành nghệ sĩ dương cầm mà nếu chẳng thể phân định rành rẽ là tánh thiện hay tánh ác, đấy là Dục mang tánh chất vô ký. “Dục vi nhất thiết pháp bổn” (Dục là cái gốc của hết thảy các pháp). Dục tâm đối ứng với thiện sự, ác sự, và vô ký sự đều rất quan trọng. Vì có Dục Tâm Sở thì mới có thể nỗ lực đạt thành nguyện vọng.

          Nghiệp dụng của Dục là “năng dữ tinh tấn sở y vi nghiệp”, [ý nói] nó có thể dẫn khởi sự tinh tấn. Vì tinh tấn là thiện pháp, cho nên điều này là nói về nghiệp dụng của thiện pháp Dục.

          Thành Duy Thức Luận đã nói về Dục Tâm Sở như sau: Vân hà vi Dục? Ư sở nhạo cảnh, hy vọng vi tánh, cần y vi nghiệp” (Dục là như thế nào? Đối với cảnh vui thích thì có tánh chất mong mỏi, nghiệp dụng [của Dục] là làm chỗ nương dựa cho sự siêng năng). Thể tánh của Dục là đối với các cảnh giới yêu thích, sẽ mong mỏi đạt được trong tương lai. Nghiệp dụng của Dục là làm chỗ nương tựa cho sự siêng gắng, phấn chấn.

          “Tín vi Dục y, Dục vi Cần (tinh tấn) y” (Dục nương tựa vào Tín, Cần (Tinh Tấn) nương tựa Dục). Nói theo nghĩa rộng, tín thuận và siêng năng phấn chấn có cả ba tánh. Tín thuận là cái để dục nguyện (mong mỏi, ước ao) nương vào. Dục nguyện là cái để sự siêng năng phấn chấn nương vào. Nói theo thiện tánh, Tịnh Tín là chỗ nương tựa của Chánh Nguyện, Chánh Nguyện là chỗ nương tựa của Tinh Tấn. Tinh Tấn nương cậy Chánh Nguyện thì mới có thể sanh khởi. Chánh Nguyện nương vào Tịnh Tín thì mới có thể sanh khởi. Nói theo tánh ác, thì chẳng hạn có người tín thuận, cho rằng “làm vua cờ bạc rất vĩ đại”, sẽ phát nguyện trong tương lai trở thành vua cờ bạc, sẽ siêng năng mạnh mẽ luyện tập kỹ xảo cờ bạc. Siêng năng mạnh mẽ làm chuyện ác thì chẳng phải là tinh tấn, mà là giải đãi. Nói theo tánh vô ký, thì có người tín thuận, cho rằng “nghệ sĩ dương cầm rất vĩ đại”, sẽ phát nguyện trong tương lai trở thành nghệ sĩ dương cầm, sẽ siêng năng mạnh mẽ luyện tập ngón đàn dương cầm.

          Nếu nghiên cứu sâu hơn nữa, [sẽ thấy] Thắng Giải là chỗ nương tựa của Tín Thuận. Thắng Giải cũng có cả ba tánh. Lại dùng pháp môn Tịnh Độ để làm thí dụ. Đối với Sự và Lý của pháp môn Tịnh Độ mà có sự thấu hiểu sâu đậm (thiện tánh thắng giải), chẳng hoài nghi, sẽ dẫn đến sanh khởi tín tâm chân thật (Tín), sẽ dẫn khởi chánh nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc (đó là Dục (ham muốn, mong ước) mang tánh chất thiện, chán nhàm Sa Bà, ưa cầu Cực Lạc). Vì để thỏa mãn chánh nguyện, sẽ siêng năng, sốt sắng tu hành pháp môn Tịnh Độ (đấy là Tinh Tấn). Do điều này có thể suy luận: Chẳng tinh tấn tu hành pháp môn Tịnh Độ, tức là biểu thị [kẻ ấy] chẳng có chánh nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc! Vì sao chẳng có chánh nguyện? Vì chẳng có tịnh tín (lòng tin thanh tịnh) đối với pháp môn Tịnh Độ. Vì sao chẳng có tịnh tín? Vì chẳng có thắng giải đối với pháp môn Tịnh Độ.

          Lại nêu lên một thí dụ để mọi người có thể lãnh hội sâu đậm: Người nào đó mắc bệnh nghiêm trọng, nghe nói bác sĩ nọ chuyên môn chữa trị chứng bệnh ấy. Nếu kẻ đó lý giải sâu xa y thuật của vị bác sĩ đó, chẳng hoài nghi, hết sức tin tưởng (tức là thắng giải, tín thuận), kẻ ấy sẽ hy vọng được vị bác sĩ đó trị bệnh (Dục), mà cũng sẽ ngay lập tức tìm kiếm vị bác sĩ ấy, thật thà uống thuốc theo đúng sự chỉ dạy của viên bác sĩ (đấy là siêng năng, sốt sắng).

1.1.2.4.2.1.2.2. Thắng Giải

          (Luận) Vân hà Thắng Giải? Vị ư quyết định cảnh, như sở liễu tri, ấn khả vi tánh. Quyết định cảnh giả, vị ư Ngũ Uẩn đẳng, như Nhật Thân thuyết: Sắc như tụ mạt, Thọ như thủy bào, Tưởng như dương viêm, Hành như ba tiêu, Thức như huyễn cảnh. Như thị quyết định, hoặc như chư pháp sở trụ tự tướng, vị tức như thị nhi sanh quyết định. Ngôn quyết định giả, tức ấn trì nghĩa. Dư vô dẫn chuyển vi nghiệp, thử tăng thắng cố, dư sở bất năng dẫn.

          ()云何勝解謂於決定境。如所了知。印可為性。決定境者。謂於五蘊等。如日親說。色如聚沫。受如水泡。想如陽炎。行如芭蕉。識如幻境。如是決定。或如諸法所住自相。謂即如是而生決定。言決定者即印持義。餘無引轉為業。此增勝故。餘所不能引。

          (Luận: Thắng Giải là như thế nào? Chính là có tánh chất đối với cảnh quyết định, bèn hiểu biết đúng mực mà chấp thuận. “Cảnh quyết định” là nói tới Ngũ Uẩn v.v… như Phật Thích Ca đã nói: “Sắc như bọt nước đọng, Thọ như bong bóng nước, Tưởng như ảo ảnh khi trời nắng gắt, Hành như cây chuối, Thức như huyễn cảnh. Quyết định như thế, hoặc là đối với tự tướng mà các pháp đang an trụ bèn do như vậy mà sanh lòng quyết định. Nói “quyết định” tức là theo ý nghĩa “ấn khả, kiên trì”, chẳng bị những nghiệp khác lôi kéo, xoay chuyển. Do [Thắng Giải] là tăng thắng, những pháp khác chẳng thể dẫn dụ nó được).

          Thể tánh của Thắng Giải “ư quyết định cảnh, như sở liễu tri, ấn khả vi tánh”

[tức là] đối với cảnh được duyên, đối với sự việc và đạo lý mà người ấy đã lý giải, bèn thông hiểu kiên quyết, xác định, ấn chứng, chấp nhận, chẳng hoài nghi, chẳng mê hoặc. Nghiệp dụng của Thắng Giải “dư vô dẫn chuyển vi nghiệp”, [tức là] những thứ kiến giải khác chẳng thể lôi kéo, chuyển biến nó. Thành Duy Thức Luận đã thuyết minh Thắng Giải Tâm Sở cũng giống như thế.

          “Ngôn quyết định giả, tức ấn trì nghĩa” [ý nói] quyết định là ấn khả (dứt khoát chấp nhận), kiên trì. “Quyết định cảnh” chính là cảnh giới đã ấn chứng, chấp nhận bởi sự thấu hiểu kiên quyết, xác định.

          Thắng Giải có cả ba tánh chất thiện, ác, và vô ký. Đối với Sự và Lý chánh xác, bèn có sự lý giải sâu đậm, chẳng có nghi hoặc, thì là Thắng Giải có tánh chất thiện. Đối với sự lý điên đảo, bèn lý giải sâu đậm, chẳng có nghi hoặc, thì là Thắng Giải mang tánh chất ác. Đối với hết thảy những đạo lý chẳng dính dáng đến đạo đức bèn lý giải sâu đậm, chẳng có nghi hoặc, thì là Thắng Giải có tánh chất vô ký.

          “Ư Ngũ Uẩn đẳng, như Nhật Thân thuyết” (Đối với các thứ như Ngũ Uẩn v.v… thì như Phật Thích Ca đã nói): Tức là [nói đến] sự thuyết minh của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, và Thập Bát Giới. “Nhật Thân” tức là thân thuộc của Nhật tộc (giòng họ mặt trời), ở đây là nói tới Thích Ca Mâu Ni Phật. Theo truyền thuyết, thị tộc Thích Ca thuộc về Nhật tộc.

          “Sắc như tụ mạt, Thọ như thủy bào, Tưởng như dương viêm, Hành như ba tiêu, Thức như huyễn cảnh” là như kinh Tạp A Hàm đã nói [các tỷ dụ]. “Sắc như tụ mạt”: Sắc Uẩn như bọt nước tích tụ lại, phá hoại dễ dàng, biểu thị Sắc Uẩn là vô thường. “Thọ như thủy bào”: Thọ Uẩn như bong bóng nước. Khi trời mưa, trên mặt đất nổi bong bóng, cũng dễ bị phá hoại, biểu thị Thọ Uẩn là vô thường. “Tưởng như dương viêm (diệm)”“Dương viêm” (陽炎, có khi viết là dương diệm, 陽燄) là hơi nước từ trên đường sá bốc lên, nhìn từ xa giống như hồ nước gợn sóng lăn tăn, thật ra chẳng có nước. Dương Viêm còn được dịch là Lộc Ái (鹿愛, nai yêu mến): Nai khát nước, trông thấy Dương Viêm tưởng là nước, nó chạy tới muốn uống nước, nhưng chẳng có nước. Điều này biểu thị Tưởng Uẩn chẳng chân thật, vô ngã. “Hành như ba tiêu”: Lột cây chuối từng tầng một, chính giữa rỗng tuếch, chẳng có cái lõi thật sự. Điều này biểu thị Hành Uẩn chẳng chân thật, vô ngã. “Thức như huyễn cảnh”: Huyễn cảnh là như nhà ảo thuật cầm một chiếc khăn tay, biến nó thành một con bồ câu, đại chúng cho rằng bồ câu thật sự từ không mà thành có. Thật ra, trước đó, họ đã ẩn giấu chim bồ câu, dùng cách thức “mà mắt” khiến cho khán giả ngỡ bồ câu thật sự được biến ra. Điều này biểu thị Thức Uẩn chẳng chân thật, vô ngã. “Như thị quyết định” (Quyết định như thế): Giống như đức Phật đã giảng rõ về Ngũ Uẩn, phải kiên quyết thông hiểu, xác định Ngũ Uẩn sanh diệt trong từng sát-na, là hư vọng, chẳng chân thật, là vô thường, là vô ngã.

          “Hoặc như chư pháp sở trụ tự tướng, vị tức như thị nhi sanh quyết định”: (Hoặc là đối với tự tướng mà các pháp đang an trụ, bèn do như vậy mà sanh quyết định): [Ý nói] hoặc là giống như đối với tự tướng mà các pháp đang an trụ, bèn sanh khởi sự thông hiểu kiên quyết, xác định. Như tự tướng của Địa Đại (đặc tánh của tự pháp) là tánh cứng, chẳng giống các pháp khác. Mỗi pháp đều có tự tướng riêng của nó, chẳng thể lẫn lộn được!

          Vì sao có Thắng Giải thì những kiến giải khác chẳng thể lôi kéo, chuyển biến? “Dĩ tăng thắng cố, dư sở bất năng dẫn” (Do nó tăng mạnh, những thứ khác chẳng thể dẫn dắt nó): Vì sức của Thắng Giải rất mạnh, cho nên những kiến giải khác chẳng thể lôi kéo, chuyển biến. Học tập Phật pháp, hễ đã có Thắng Giải chánh xác, đối với bất luận đạo lý nào do người khác hay ngoại đạo nói, hoặc họ dùng nhiều cách uy hiếp, hay dùng lợi lộc để dẫn dụ, vẫn chẳng thể chuyển biến kiến giải xác định của chính mình.

1.1.2.4.2.1.2.3. Niệm

          (Luận) Vân hà Niệm? Vị ư quán tập sự, tâm bất vong thất, minh ký vi tánh. Quán tập sự giả, vị tằng sở tập hành, dữ bất tán loạn sở y vi nghiệp.

          ()云何念謂於慣習事。心不忘失。明記為性。慣習事者。謂曾所習行。與不散亂所依為業。
      (Luận: Niệm là như thế nào? Tánh của nó là đối với chuyện đã quen thực hiện, tâm chẳng quên mất, ghi nhớ rõ ràng. “Chuyện đã quen thực hiện” là chuyện đã từng quen làm. [Niệm Tâm Sở] có nghiệp dụng làm chỗ nương tựa cho Bất Tán Loạn).

          Thể tánh của Niệm “ư quán tập sự, tâm bất vong thất, minh ký vi tánh”, [tức là] đối với những chuyện đã từng trải trước kia, sẽ có thể nhớ rõ ràng, chẳng quên mất. Nghiệp dụng của Niệm là “dữ Bất Tán Loạn sở y vi nghiệp”, [tức là] làm chỗ nương cậy cho Bất Tán Loạn.

          “Quán tập sự giả, vị tằng sở tập hành” (“Chuyện đã từng tập quen” là những gì đã từng quen làm): Tức là chuyện đã từng được huân tập, trải qua, như đã thấy, đã nói, đã nghe, đã nghĩ, đã từng làm.

          Thành Duy Thức Luận nói: Vân hà vi Niệm? Ư tằng tập cảnh, linh tâm minh ký bất vong vi tánh, Định y vi nghiệp” (Thế nào là Niệm? Nó có tánh chất dối với cảnh đã từng tập quen, sẽ khiến cho tâm ‘nhớ rõ chẳng thể quên’. Nghiệp dụng là làm chỗ y cứ cho Định). “Tằng tập cảnh” là chuyện đã từng quen thuộc. Định là tâm chuyên chú nơi một cảnh, cũng chính là chẳng tán loạn. Giữ cho Niệm liên tục chẳng ngưng dứt nơi một cảnh, niệm lực càng mạnh, tâm sẽ chẳng bị tán loạn, sẽ đạt được Dục Giới Định, Vị Chí Định8, cho tới Sắc Giới Định, Vô Sắc Giới Định.

          Khi lần đầu tiên trông thấy một sản phẩm mới, sẽ chẳng có Niệm. Chuyện đã từng có kinh nghiệm thì mới ghi nhớ nó, sẽ có Niệm. Sức của Niệm Tâm mạnh thì sức ký ức (trí nhớ) sẽ mạnh, có thể nhớ lại rõ ràng những chuyện đã từng trải rất lâu trước kia. Ngược lại, sức của Niệm Tâm Sở yếu ớt thì sức ký ức yếu ớt, chẳng thể nhớ lại rõ ràng chuyện đã từng trải qua rất lâu trước kia, thậm chí chẳng nhớ chuyện đã từng trải vào ngày hôm qua.

          Theo Duy Thức Học, chuyện đã trải qua lần đầu sẽ huân tập thành chủng tử (Niệm chủng tử), chứa đựng trong Thức thứ tám. Nhân duyên chín muồi, Niệm chủng tử sẽ sanh khởi, hiện hành, sẽ có thể nhớ lại chuyện ấy.

          Niệm Tâm Sở có cả ba tánh thiện, ác, và vô ký. Niệm tương ứng với các thiện Tâm Sở như Tín v.v… thì là Niệm có tánh thiện. Niệm tương ứng với các phiền não Tâm Sở như Tham v.v… thì là Niệm có tánh ác. Những niệm khác thì là Niệm có tánh chất vô ký.

          Tu học Phật pháp, chủ yếu là tu học Giới, Định, Huệ. Đã từng thọ trì giới pháp, phải liễu giải chánh xác (chánh tri), phải luôn ghi nhớ (chánh niệm). Nếu chẳng ghi nhớ (thất niệm), sẽ dễ dàng hồ đồ vi phạm giới pháp (vì chẳng chánh tri mà phạm giới). Tu Định và tu Huệ, càng cần phải có chánh niệm. Đối với cảnh được duyên trong tu Định, giữ cho sự ức niệm liên tục thì tâm mới chẳng bị tán loạn, có sức chuyên chú mạnh mẽ. Tiến hơn bước nữa là xuất Định tu Quán, quan sát Ngũ Uẩn là “vô thường, khổ, vô ngã”, thành tựu vô lậu huệ, chứng đắc chân lý.

1.1.2.4.2.1.2.4. Tam-ma-địa

          (Luận) Vân hà Tam-ma-địa? Vị ư sở quán Sự, tâm nhất cảnh tánh. Sở quán Sự giả, vị Ngũ Uẩn đẳng, cập vô thường, khổ, không, vô ngã đẳng. Tâm nhất cảnh giả, thị chuyên chú nghĩa. Dữ trí sở y vi nghiệp, do tâm định cố, như thật liễu tri.

          ()云何三摩地謂於所觀事。心一境性。所觀事者。謂五蘊等。及無常苦空無我等。心一境者。是專注義。與智所依為業。由心定故。如實了知。

          (Luận: Tam-ma-địa là như thế nào? Chính là đối với Sự được quán, tâm có tánh chất một cảnh. Những Sự được quán là như Ngũ Uẩn v.v… và vô thường, khổ, không, vô ngã v.v… “Tâm nhất cảnh” có nghĩa là chuyên chú. Nghiệp dụng của [Tam-ma-địa] là làm chỗ nương tựa cho trí, vì tâm đã định thì sẽ biết rành rẽ, đúng như thật).

          Tam-ma-địa còn gọi là Chánh Định. Thể tánh của Định “ư sở quán Sự, tâm nhất cảnh tánh” nghĩa là đối với Sự được quán, tâm chuyên chú nơi cảnh giới tương đồng (tương tự). Nghiệp dụng của Định “dữ trí sở y vi nghiệp”, tức là nó có tác dụng làm chỗ nương tựa cho trí huệ. Thành Duy Thức Luận đối với Định Tâm Sở cũng nói giống như vậy.

          Định nương vào Niệm, Huệ nương vào Định. Có trí huệ thật sự thì mới có thể đoạn phiền não, liễu thoát sanh tử (giải thoát). Như Ngũ Căn, tức là Tín Căn, Tinh Tấn Căn, Niệm Căn, Định Căn và Huệ Căn [trong ba mươi bảy phẩm thánh đạo] cũng tuân theo thứ tự như thế. Có Định sẽ có thể giúp cho Huệ, giống như một ngọn đèn dầu, chẳng bị gió thổi chập chờn (Định), độ sáng của ánh đèn sẽ sáng tỏ, trông thấy sự vật rõ ràng (Huệ). Ngược lại, [đèn dầu] bị gió thổi chập chờn (tán loạn), độ sáng sẽ yếu ớt, chẳng thấy rõ sự vật (vô minh).

          Tam-ma-địa (tiếng Phạn là Samādhi, tiếng Pali cũng giống như vậy), hoặc còn dịch là Tam-muội, có nghĩa là Đẳng Trì, tức là tâm bình đẳng, chẳng lao chao, chẳng hôn trầm, liên tục gìn giữ trạng thái cân bằng ấy.

          Kẻ sơ học tu Định, chẳng phải là tâm trồi hụp lao xao, suy Đông nghĩ Tây, suy nghĩ lung tung (điệu cử, ác tác), thì cũng là tâm trầm trệ, yếu ớt, chẳng thể duyên trụ rõ ràng nơi cảnh giới được duyên (tức là hôn trầm nhẹ), cho đến tâm cảnh là một bầu tăm tối (hôn trầm nặng nề, ngủ mê). Để thành tựu Thiền Định, cần phải tu pháp đối trị. Khi điệu cử (vọng niệm lao xao), có thể quan sát, nhận biết mà tu Chỉ tướng, ngưng dứt vọng tưởng, an trụ nơi cảnh được duyên, hòng hàng phục, diệt trừ điệu cử, như tu An Na Bát Na Niệm (tiếng Phạn là Ānāpānasmṛti, dịch nghĩa là Xuất Nhập Tức Niệm)9. Khi hôn trầm, có thể quan sát, tu Cử tướng10, khiến cho tâm lực tăng cường, hàng phục, diệt trừ hôn trầm, như tu Lục Tùy Niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên). Khi chẳng điệu cử, chẳng hôn trầm, hãy tu Xả tướng (hành Xả), chẳng còn gia công dụng hạnh, duy trì liên tục trạng thái cân bằng ấy.

          Ở đây, Định Tâm Sở áp dụng chung cho Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Sắc Giới Định là từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền. Vô Sắc Giới Định là Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Những loại Định này là các loại Định có sức chuyên chú rất mạnh. Dục Giới Định chỉ là muốn an trụ nơi cảnh được duyên thì sẽ có thể an trụ, hoàn toàn chẳng phải là một mực an trụ nơi cảnh giới tương đồng (tương tự). Chẳng hạn như khi tu Quán, hoặc là [đã đạt tới địa vị] Kiến Đạo, quán chiếu hành tướng của Tứ Đế, tuy cảnh được duyên biến hóa vô thường, cảnh được duyên trong sát-na trước chẳng giống cảnh được duyên trong sát-na sau, nhưng [hành nhân] có thể an trụ mà quán sát cảnh được duyên hiện tiền. Do vậy, cũng là có Định Tâm Sở; đấy là Dục Giới Định.

          Loại Định Tâm Sở này có cả ba tánh, như kẻ trộm vặt chuyên chú mở két sắt thì là Định có tánh ác. Người tu hành chuyên chú tụng kinh, hoặc tu Bất Tịnh Quán v.v… thì là Định có tánh chất thiện. Nhân viên ngân hàng chuyên chú đếm tiền là Định có tánh chất vô ký.

          “Sở quán Sự” là gì? Tức là những sự được quan sát, duyên chấp theo, bao gồm “Ngũ Uẩn đẳng, cập vô thường, khổ, không, vô ngã đẳng”, tức là Ngũ Uẩn, hoặc là Thập Nhị Xứ (nội lục xứ, ngoại lục xứ)11, hoặc là Thập Bát Giới (nội lục xứ, ngoại lục xứ, lục thức), cùng với pháp hữu vi, hoặc đạo lý cộng tướng (tướng trạng chung) của hết thảy các pháp như vô thường, khổ, không, vô ngã v.v…

          Vì sao đối với Định Tâm Sở phải quan sát những đạo lý ấy? Chú trọng chuyên chú quan sát cảnh được duyên là tác dụng của Định Tâm Sở. Chú trọng chọn lựa quan sát cảnh được duyên là tác dụng của Huệ Tâm Sở. Như trong phần trên đã nói, năm món Biệt Cảnh Tâm Sở có lúc toàn bộ sanh khởi, có lúc sanh khởi bốn, ba, hai, hoặc một món, có lúc toàn bộ chẳng sanh khởi. Do vậy, Định và Huệ thì có lúc Định và Huệ cùng khởi, có lúc có Định mà chẳng có Huệ, có lúc chẳng có Định mà có Huệ, có lúc Định và Huệ đều chẳng sanh khởi.

          Tự tướng và cộng tướng là gì? “Tự tướng” cũng có thể gọi là “tự tánh”, là đặc tánh cá biệt, [hay còn gọi] là đặc tánh của tự pháp. Chẳng hạn như tự tướng của Địa là tánh cứng, tự tướng của Thức là nhận biết rõ rệt. “Cộng tướng” là đặc tánh chung, là nguyên tắc phổ biến, như “các hành vô thường”“hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường”. Sách, bàn là vô thường, người, dê v.v… cũng là vô thường.

          Học tập Phật pháp phải liễu giải tự tướng và cộng tướng của mỗi pháp. Chẳng hạn như liễu giải tự tướng và cộng tướng của Ngũ Uẩn. Đối với tự tướng của Ngũ Uẩn như luận này đã thuyết minh về Ngũ Uẩn, sau khi đã liễu giải nghĩa lý, phải quan sát trong cuộc sống hằng ngày, Giải và Hành cùng vận dụng. Chỉ liễu giải tự tướng của Ngũ Uẩn, sẽ chẳng thể đoạn trừ phiền não, liễu thoát sanh tử! Lại còn phải liễu giải cộng tướng của Ngũ Uẩn thì mới có thể đoạn trừ phiền não, liễu thoát sanh tử. Từ quan sát sự tướng mà chứng đắc cộng tướng “vô thường, khổ, không, vô ng㔓Sự đãi Lý thành, Lý do Sự hiển”, tức là sự tướng nương vào đạo lý mà thành tựu, đạo lý do quan sát sự tướng mà hiển hiện.

          Giải thích ý nghĩa đại lược, trọng yếu của Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã như sau:

          1) Các Hành vô thường: Các pháp hữu vi đều sanh diệt trong từng sát-na, biến hóa vô thường. Vô thường là cộng tướng (tướng trạng chung) của pháp hữu vi, như các thí dụ bọt, sương, chớp trong kinh Kim Cang và Sắc như bọt nước đọng, Thọ như bong bóng nước” [trong kinh Tạp A Hàm] đều là những tỷ dụ về ý nghĩa vô thường.

          2) Hữu lậu đều là khổ: Các pháp hữu lậu đều có tánh chất bức bách, như thân tâm của phàm phu là pháp hữu lậu vì cảm nhận sự bức bách của già, bệnh, chết v.v… mà sanh khởi rất nhiều ưu bi khổ não. Khổ có thể chia thành ba loại là Khổ Khổ, Hoại Khổ, và Hành Khổ.

a) Khổ Khổ: Các sự thống khổ, có tánh chất bức bách.

b) Hoại Khổ: Chuyện vui sướng sẽ biến đổi, hư hoại, tiêu diệt. Do vậy, nó cũng có tánh chất bức bách. Chuyện vui sướng như thân thể khỏe mạnh, giàu có, cao quý, dung mạo xinh đẹp, gia đình hòa hợp v.v… Phật pháp chẳng phủ nhận chuyện vui sướng, nhưng những chuyện ấy chẳng vĩnh cửu, sẽ biến đổi, hư hoại, tiêu diệt.

c) Hành Khổ: Cảnh giới Xả Thọ chẳng khổ chẳng lạc cũng sẽ bị biến hóa; do vậy, nó cũng có tánh chất bức bách. Như tu đến Đệ Tứ Thiền cho đến tu được Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Định, chỉ có Xả Thọ. Tuy rất tĩnh lặng, nhưng vẫn là biến hóa vô thường. Nếu chẳng giải thoát sanh tử,sẽ có thể sẽ bị đọa trong các đường khổ như địa ngục v.v… Khổ là cộng tướng của các pháp hữu lậu. A La Hán đoạn hết phiền não trong tam giới, thành tựu pháp vô lậu, trong đời hiện tại, Ngài có thể có Khổ Thọ về mặt thân xác, nhưng trong tâm chẳng có Ưu Thọ. Do vậy, [Khổ Thọ] chẳng có tánh chất bức bách [đối với bậc A La Hán].

          3) Các pháp đều là Không, các pháp đều vô ngã: “Không” có khá nhiều ý nghĩa, ở đây chỉ nói đến ý nghĩa “vô ngã sở”, là vì đã gộp chung Không và Vô Ngã để nói. Ngoại đạo ở Ấn Độ chủ trương Ngã là một thứ vĩnh viễn bất biến: Sau khi con người chết đi, Ngã lại chuyển sang đời sau, vĩnh viễn tồn tại. Ngã còn có các tên gọi khác như “nhân, chúng sanh, thọ giả” v.v… Lại như Cơ Đốc Giáo nói Thượng Đế ban linh hồn cho mỗi người, linh hồn bất diệt. Con người chết đi, linh hồn ấy sẽ đọa vào địa ngục, hay lên thiên đường. Các tín ngưỡng dân gian cũng cho rằng con người sau khi chết, linh hồn bất diệt.

          Ngã có ý nghĩa “độc nhất, tồn tại thường hằng”, nơi ý chí thì có ý nghĩa “chủ tể”, [tức là] tự mình làm chủ, có thể tự do chi phối người, sự, vật khác. Thật ra, khi quan sát Ngũ Uẩn, sẽ chẳng tìm được Ngã, chẳng có một chủ tể độc nhất, tồn tại thường hằng. Vì thế, “Ngũ Uẩn vô ngã”.

          Phật pháp chủ trương Ngũ Uẩn vô ngã, tuy chủ trương trong Ngũ Uẩn chẳng có một chủ thể sanh mạng bất biến (vô ngã), nhưng thừa nhận thể tánh, tác dụng v.v… của Ngũ Uẩn, và mối quan hệ nhân quả đời trước, đời sau, nghiệp thiện ác trong đời trước, đời sau, sẽ ảnh hưởng đến quả báo trong đời sau.

          Ngã Sở như tay của ta. Cái tay ấy thuộc về ta. Phàm phu dẫu chẳng hiểu Ngã rốt cuộc là gì, luôn cho rằng “tay là của ta”. Hễ có Ngã, bèn có Ngã Sở (cái thuộc về ta); chẳng có Ngã, sẽ không có Ngã Sở (vô ngã sở, Không).

          Hết thảy các pháp vô ngã, hết thảy các pháp bao gồm pháp hữu vi và pháp vô vi. Không chỉ pháp hữu vi là vô ngã, mà pháp vô vi (Niết Bàn) cũng là vô ngã, vì pháp vô vi chẳng lìa khỏi pháp hữu vi để tồn tại độc nhất được! Không và Vô Ngã là cộng tướng (tướng trạng chung) của hết thảy các pháp.

          Liễu giải thấu triệt thân, tâm, thế giới là “vô thường, khổ, vô ngã” (đó là thấy thấu suốt), sẽ chẳng chấp trước thân, tâm, thế giới là “có thật, có tánh” (đấy là buông xuống), sẽ được tự tại. Thấy thấu suốt, sẽ có thể buông xuống; buông xuống, sẽ chẳng vướng mắc, tự do tự tại. Buông xuống chẳng phải là thiện sự gì cũng đều không làm, mà là không chấp trước tự ngã, danh lợi v.v… là có thật, có tánh. Do vậy, chẳng bị bất cứ pháp nào ràng buộc, sẽ có thể tích cực nỗ lực đoạn hết thảy các ác pháp, tu hết thảy các thiện pháp, như kinh Kim Cang dạy: “Do vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, mà tu hết thảy các thiện pháp, bèn đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

          “Tâm nhất cảnh giả, thị chuyên chú nghĩa” (Tâm nhất cảnh có nghĩa là “chuyên chú”): Tâm sanh diệt trong từng sát-na, liên tục duyên theo, chấp lấy cảnh giới tương đồng (tương tự), tức là ý nghĩa “chuyên chú”, giống như giọt nước rơi xuống, mỗi giọt đều rơi xuống cùng một chỗ như nhau.

          “Do tâm định cố, như thật liễu tri” (Do tâm đã Định, bèn biết rõ đúng như thật): Tâm đắc Định, lại xuất Định tu Quán, có thể dẫn khởi Chánh Trí, như thật liễu tri Chân Đế. Tuy chỉ có Thiền Định, chẳng tấn tu Quán, sẽ chẳng thể phát khởi Chánh Trí, như ngoại đạo có Định nhưng chẳng có Chánh Trí. Thế nhưng, Thiền Định giúp đỡ tu Quán, phát khởi Chánh Trí, đoạn Hoặc, chứng Chân, liễu thoát sanh tử.

1.1.2.4.2.1.2.5. Huệ

          (Luận) Vân hà Huệ? Vị tức ư bỉ, trạch pháp vi tánh. Hoặc như Lý sở dẫn, hoặc bất như Lý sở dẫn, hoặc câu phi sở dẫn. Tức ư bỉ giả, vị sở quán sự. Trạch pháp giả, vị ư chư pháp tự tướng, cộng tướng, do Huệ giản trạch, đắc quyết định cố. Như Lý sở dẫn giả, vị Phật đệ tử. Bất như Lý sở dẫn giả, vị chư ngoại đạo. Câu phi sở dẫn giả, vị dư chúng sanh. Đoạn nghi vi nghiệp, Huệ năng giản trạch, ư chư pháp trung, đắc quyết định cố.

          ()云何慧謂即於彼擇法為性。或如理所引。或不如理所引。或俱非所引。即於彼者。謂所觀事。擇法者。謂於諸法自相共相由慧簡擇。得決定故。如理所引者。謂佛弟子。不如理所引者。謂諸外道。俱非所引者。謂餘眾生。斷疑為業。慧能簡擇。於諸法中。得決定故。

          (Luận: Huệ là như thế nào? Chính là ở trong ấy, nó có tánh chất chọn lựa pháp. Hoặc là dẫn khởi đúng Lý, hoặc dẫn khởi chẳng đúng Lý, hoặc là đều chẳng phải dẫn khởi (chẳng phải là dẫn khởi đúng Lý, mà cũng chẳng phải là dẫn khởi không đúng ). “Chính là ở trong ấy” là nói đến s ự đang được quán. “Chọn lựa pháp” nghĩa là đối với tự tướng và cộng tướng của các pháp, bèn dùng Huệ để chọn lựa, phân biệt, hòng đạt được quyết định. Dẫn khởi đúng như Lý thì là đệ tử Phật. Dẫn khởi chẳng đúng Lý là các ngoại đạo. “Đều chẳng dẫn khởi” chính là các chúng sanh khác. Nghiệp dụng của Huệ là đoạn nghi, vì Huệ có thể chọn lựa, tách biệt, để từ trong các pháp mà đạt được quyết định)      

          Thể tánh của Huệ “tức ư bỉ, trạch pháp vi tánh”, [nghĩa là] đối với chuyện được quán, nó bèn chọn lựa dứt khoát. Nghiệp dụng của Huệ là “đoạn nghi vi nghiệp”, tức là nó có thể đoạn trừ nghi hoặc. Thành Duy Thức Luận thuyết minh về Huệ Tâm Sở cũng giống như thế.

          Sự được quán đã giải thích trong phần nói về Tam-ma-địa, “trạch pháp” là chọn lựa pháp. Nội dung để chọn lựa là “chư pháp tự tướng, cộng tướng” (tự tướng và cộng tướng của các pháp), như chọn lựa tự tướng của Ngũ Uẩn và “vô thường, khổ, không, vô ngã”. Chọn lựa vô thường, không chỉ là quan sát hiện tượng vô thường nơi Ngũ Uẩn, mà còn phải quan sát vì sao Ngũ Uẩn là vô thường để kiến lập Vô Thường Quán, nhằm phủ định sự sai lầm của Thường Kiến.

          Phàm phu chẳng thể liễu giải Ngũ Uẩn là “vô thường, khổ, không, vô ngã”, vì những thứ ấy ô nhiễm Ngũ Uẩn, cho nên họ sanh khởi phiền não, tạo tác nghiệp hữu lậu, lưu chuyển sanh tử. Ngược lại, liễu giải Ngũ Uẩn là “vô thường, khổ, không, vô ngã”, sẽ có thể đoạn trừ phiền não, giải thoát sanh tử.

          Ở đây, Huệ Tâm Sở có cả ba tánh:

          1) Huệ “như Lý dẫn khởi” là trí huệ được dẫn khởi từ cách tư duy và quan sát hợp lý (phù hợp đạo lý), sẽ là Huệ có tánh chất thiện, như Huệ của phàm phu hoặc các vị thánh nhân đệ tử của đức Phật. Trong Thất Bồ Đề Phần, cũng có Trạch Pháp Giác Chi, tức là Huệ có tánh chất thiện. Bát Nhã (Prajñā) dịch nghĩa là Huệ, cũng nhằm nói đến Huệ có tánh chất thiện.

          2) Bất như lý sở dẫn Huệ là Huệ dẫn khởi từ sự tư duy chẳng hợp lý, là Huệ có tánh chất ác, như Huệ của các loại ngoại đạo.

          3) Câu phi sở dẫn Huệ là Huệ dẫn khởi chẳng phải từ như lý, mà cũng chẳng phải từ sự chẳng đúng lý, là Huệ có tánh chất vô ký, như Huệ của các chúng sanh. Ở đây, hợp lý hay chẳng hợp lý là nói dựa theo đạo lý “vô thường, khổ, không, vô ngã” để nói. Những loại Huệ chẳng liên quan đến những đạo lý ấy thì gọi là câu phi sở dẫn Huệ.

          Nói theo Huệ có tánh thiện thì thứ tự tu học Huệ sẽ là: Huệ do Văn tạo thành, Huệ do Tư tạo thành, Huệ do Tu tạo thành, và chứng Huệ. Vì sao trí huệ có thể đoạn trừ nghi hoặc? Là vì đối với Sự và Lý, Huệ chọn lựa, phán đoán, đạt được quyết định, đương nhiên là đối với Sự và Lý bèn chẳng nghi hoặc. Dùng Huệ có tánh chất thiện để làm thí dụ, khi hành giả chứng Sơ Quả (Chánh Trí), sẽ đoạn trừ ba loại phiền não chủ yếu (Tam Kết) tức Ngã Kiến, Nghi, và Giới Cấm Thủ. Trong Tam Kết có Nghi. Kinh Tạp A Hàm đã nói rõ chứng Sơ Quả là “kiến pháp, đắc pháp, tri pháp, nhập pháp, độ các nghi hoặc, chẳng do ai khác độ, đạt được vô sở úy (chẳng sợ hãi) nơi chánh pháp”“Độ các nghi hoặc” là đối với sanh tử luân hồi và đạo lý vô ngã, có sự liễu ngộ thâm nhập, trọn chẳng nghi hoặc mảy may.

1.1.2.4.2.1.3. Thiện Tâm Sở (chia thành mười một đoạn)

1.1.2.4.2.1.3.1. Tín

          (Luận) Vân hà Tín? Vị ư nghiệp, quả, chư Đế, bảo đẳng, thâm chánh phù thuận, tâm tịnh vi tánh. Ư nghiệp giả, vị phước, phi phước, bất động nghiệp. Ư quả giả, vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán quả. Ư Đế giả, vị Khổ, Tập, Diệt, Đạo Đế. Ư bảo giả, vị Phật, Pháp, Tăng Bảo. Ư như thị nghiệp, quả đẳng, cực tương phù thuận, diệc danh thanh tịnh, cập hy cầu nghĩa. Dữ Dục sở y vi nghiệp.

          ()云何信謂於業果諸諦寶等。深正符順。心淨為性。於業者。謂福。非福。不動業。於果者。謂須陀洹。斯陀含。阿那含。阿羅漢果。於諦者。謂苦集滅道諦。於寶者。謂佛法僧寶。於如是業果等。極相符順。亦名清淨。及希求義。與欲所依為業。

          (Luận: Tín là như thế nào? Nghĩa là đối với nghiệp, quả, các Đế, Bảo v.v… có tánh chất phù hợp, thuận tùng sâu xa, tâm thanh tịnh. “Đối với nghiệp” là nói đến các nghiệp phước, chẳng phải là phước, bất động. “Đối với quả” là nói đến các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán. “Đối với Đế” là Khổ, Tập, Diệt, Đạo Đế. “Đối với Bảo” là nói đến Phật, Pháp, Tăng Bảo. Trong các nghiệp, quả v.v… như thế, tột bậc phù hợp, thuận tùng, cũng gọi là nghĩa lý thanh tịnh và mong cầu. Tín có nghiệp dụng làm chỗ nương tựa cho Dục).

          Thể tánh của Tín, “ư nghiệp, quả, chư Đế, Bảo đẳng, thâm chánh phù thuận, tâm tịnh vi tánh” (đối với nghiệp, quả, các Đế, Bảo v.v… có tánh chất phù hợp, thuận tùng sâu xa, tâm thanh tịnh). Đối với nghiệp, quả, Tứ Đế, Tam Bảo v.v… bèn lý giải sâu xa chánh xác, phù hợp, thuận tùng, chẳng hoài nghi, nội tâm sẽ thanh tịnh. Nghiệp dụng của Tín là “dữ dục sở y vi nghiệp”, tức là nó là chỗ nương tựa cho “chánh pháp Dục”.

          Lại giải thích ý nghĩa đại lược, cốt yếu về “nghiệp, quả, Tứ Đế, Tam Bảo”:

          1) Nghiệp: Nghiệp chia thành ba loại, “phước, phi phước, bất động nghiệp”“Phước nghiệp” là thiện nghiệp, như chẳng sát sanh, bố thí, từ bi v.v… Trong tương lai, nghiệp lực chín muồi, sẽ có thể chiêu cảm quả báo trong loài người hoặc Dục Giới Thiên. “Phi phước nghiệp” là tội nghiệp (ác nghiệp), như sát sanh, trộm cắp, sân khuể v.v… mười bất thiện nghiệp. Trong tương lai, khi nghiệp lực chín muồi, sẽ có thể chiêu cảm quả báo địa ngục, súc sanh, và ngạ quỷ. “Bất động nghiệp” là nghiệp từ Sơ Thiền Định trở lên, vì sức nó mạnh mẽ, chẳng dễ biến đổi, cho nên gọi là “bất động nghiệp”. Nếu đắc Sơ Thiền Định, trong tương lai, nghiệp lực chín muồi, có thể sanh lên Sơ Thiền Thiên, cho đến đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Định. Trong tương lai, nghiệp lực chín muồi, có thể sanh vào cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

          Tin vào nghiệp là lý giải chánh xác sâu đậm Sự và Lý của nghiệp, tin hiểu “tạo tác cái nhân của thiện nghiệp, trong tương lai nghiệp lực chín muồi, sẽ cảm lạc quả. Tạo tác cái nhân của ác nghiệp, trong tương lai nghiệp lực chín muồi, sẽ cảm khổ quả”, phù hợp thuận theo, chẳng hoài nghi, nội tâm sẽ thanh tịnh.

          2) Quả tức là bốn thứ quả vị của thánh giả Thanh Văn Thừa: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán. Tu hành Bát Chánh Đạo, đoạn Hoặc, chứng Chân, thì là bậc thánh. Do đoạn Hoặc khác nhau mà chia thành bốn thứ quả vị.

a) Tu Đà Hoàn quả: Tu Đà Hoàn là phiên âm của chữ Phạn Śrotāpanna, dịch nghĩa là Dự Lưu. Người mới chứng thánh quả, dự vào pháp lưu(giòng pháp) của thánh đạo. Nếu chẳng thể tinh tấn tu thánh đạo thêm nữa, tối đa là bảy lần qua lại sanh tử trong đường trời người của Dục Giới, sẽ có thể chứng đắc quả A La Hán. Phiền não chủ yếu phải đoạn là Tam Kết, tức Ngã Kiến, Giới Cấm Thủ, và

b) Tư Đà Hàm quả: Tư Đà Hàm là phiên âm của chữ Phạn Sakṛdāgāmin, dịch nghĩa là Nhất Lai. Nếu chẳng thể tinh tấn tu thánh đạo hơn nữa, tối đa là sanh tử một lần nữa trong cõi người hay trời thuộc Dục Giới, sẽcó thể chứng đắc quả A La Hán. Phiền não chủ yếu phải đoạn là Tam Kết, cũng như khiến cho sức mạnh của tham, sân, si rất mỏng yếu.

c) A Na Hàm quả: A Na Hàm là phiên âm Anāgāmin, dịch nghĩa là Bất Hoàn,hay Bất Lai. Đã đoạn hết chín phẩm Hoặc trong Dục Giới. Nếu trong đời hiện tại chẳng chứng đắc quả A La Hán, cũng chẳng còn thọ sanh trong Dục Giới, mà sẽ có thể sanh trong Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới, chứng đắc quả A La Hán. Phiền não chủ yếu phải đoạn là năm phần Kết (Kết Sử) thuộc loại Hạ, tức Thân Kiến, Giới Cấm Thủ Kiến, Nghi, Dục Tham, và Sân.

d) A La Hán quả: A La Hán là phiên âm của chữ Phạn Arhat, dịch nghĩa là Ứng Cúng, Sát Tặc, Bất Sanh v.v…Do chứng đắc quả vị tối cao, đáng được trời người cúng dường, cho nên gọi là Ứng Cúng. Đoạn hết giặc phiền não Kiến Tư (Kiến Hoặc và Tư Hoặc), cho nên gọi là Sát Tặc (giết giặc). Đời này, sau khi chết, sẽ triệt để giải thoát sự sanh tử trong tam giới, chẳng còn sanh trong tam giới. Do vậy, gọi là Bất Sanh. Phiền não chủ yếu phải đoạn là năm Kết thuộc phần Thượng, tức Sắc Tham, Vô Sắc Tham, Điệu Cử, Mạn, và Vô Minh.

          Tin vào quả là lý giải chánh xác sâu xa sự lý của “Tứ Quả thánh giả”: Phàm phu tinh tấn tu hành Bát Chánh Đạo, có thể trở thành bậc thánh, phù hợp, thuận tùng, chẳng có hoài nghi, nội tâm sẽ thanh tịnh. Ngược lại, có kẻ hoài nghi, chẳng tin tưởng là đích xác có bốn thánh quả. Thật ra, thánh nhân thuộc Tứ Quả chính là Tăng Bảo, cho nên kẻ chẳng tin xác thực là có thánh nhân thuộc Tứ Quả thì cũng chẳng thể tin tưởng xác thực có Tăng Bảo.

          3) Tứ Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế. Đây là đạo lý chân thật được chứng tri bởi bậc thánh, còn gọi là Tứ Thánh Đế.

a) Khổ Đế: Khổ là có tánh chất bức bách. Pháp thế gian chẳng triệt để, chẳng có tánh chất vĩnh cữu,mà có tánh chất bức bách. Đấy mới là ý nghĩa chân thật của Khổ. Phân loại Khổ thì trong Phật pháp nói đến Tam Khổ, Bát Khổ, vô lượng các khổ v.v… Tam Khổ là Khổ Khổ, Hoại Khổ, và Hành Khổ như trong phần trên đã nói. Bát Khổ là sanh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội (oán ghét mà cứ phải gặp gỡ), ái biệt ly (yêu thương mà phải chia lìa), cầu bất đắc (mong cầu mà chẳng đạt được), và ngũ ấm xí thịnh khổ. Giải thích đơn giản, cốt yếu về tám khổ thì Sanh Khổ là nói về thai sanh. Khi ở trong thai mẹ, hoặc lúc lọt lòng, đều cảm nhận rất nhiều nỗi đau khổ. Lại nữa, Sanh Khổ là những nỗi khổ khác trong cư trụ. Lão Khổ là khi già cả, tóc bạc, mặt nhăn, thở phì phò, tinh thần suy nhược, răng lung lay, ăn uống chẳng biết mùi vị v.v… Sự cảm nhận những nỗi đau khổ ấy chẳng thể nói trọn hết trong một lời được! Bệnh Khổ: Nguyên nhân sanh bệnh có rất nhiều thứ, nói thông thường sẽ là “Tứ Đại chẳng điều hòa”. Nỗi đau khổ do bệnh nhẹ còn dễ chịu đựng được, chứ nỗi đau khổ do bệnh nặng hoặc bệnh lâu ngày, sẽ rất khó chịu đựng. Vì thế, tục ngữ có câu: “Anh hùng cũng sợ bệnh gây phiền”. Như đau răng hoặc nỗi đau khổ vì sỏi thận chỉ có người đã từng trải qua mới có thể thấu hiểu mùi vị của nỗi đau khổ ấy. Tử Khổ: Vì cái tâm tử vong chỉ trong một sát-na, người bình phàm chẳng thể hay biết. Do vậy, nói về nỗi đau khổ phải hứng chịu khi cận kề cái chết, cổ đức đã tỷ dụ: “Phong đao giải thể, sanh quy thoát xác” (Đao gió xẻ thân, rùa bị bóc mai trong khi còn sống), hoặc là nỗi đau khổ vì hoảng sợ thân sau sẽ đọa lạc trong đường ác. Oán Tắng Hội Khổ là nỗi khổ não khi oán địch, cừu gia gặp gỡ, trong tâm phẫn nộ, ưu não. Ái Biệt Ly Khổ là nỗi khổ não do thân thuộc, bạn bè yêu mến bị sanh ly tử biệt, nội tâm bi thương, ưu sầu. Cầu Bất Đắc Khổ là nỗi khổ não do chúng sanh mong mỏi đạt được lạc quả, nhưng chẳng thể vừa lòng thỏa ý, trong tâm bị tham đắm trói buộc. Ngũ Ấm Xí Thịnh Khổ là nỗi khổ não do chúng sanh chấp giữ Ngũ Ấm (Ngũ Uẩn), nội tâm nhiệt não, giống như lửa mạnh cháy hừng hực nung đốt thân tâm.

b) Tập Đế, còn gọi là Khổ Tập Đế, Tậplà có tánh chất chiêu cảm. Do các phiền não tham, sân, si v.v… sai khiến mà xằng bậy tạo nghiệp hữu lậu; nương theo nghiệp hữu lậu bèn chiêu cảm quả báo trong tam giới. Nói cách khác, cái nhân xa của khổ quả sanh tử là các phiền não như tham v.v… Cái nhân gần là nghiệp hữu lậu. Nói theo nghĩa rộng, nhân duyên của sanh tử là nghiệp và phiền não, nhưng nghiệp hữu lậu chiêu cảm quả báo trong tam giới phải có phiền não làm trợ duyên. Phiền não có tác dụng tạo tác nghiệp hữu lậu và nhuận sanh12. Nếu diệt hết phiền não, nghiệp hữu lậu sẽ chẳng thể chiêu cảm quả báo trong tam giới. Lại suy xét cội nguồn sâu xa, [sẽ thấy]: Do vô minh sanh khởi Ngã Kiến, lại sanh khởi các phiền não tham, sân v.v… Do vậy, vô minh và Ngã Kiến là căn bản của sanh tử. Đoạn trừ vô minh và Ngã Kiến, sẽ giải thoát sanh tử. Có thuyết cho rằng Tập Đế là Ái, Ái là sức mạnh trọng yếu gây nên sự trói buộc của sanh tử. Ái không chỉ là sự yêu mến dâm dục nam nữ, mà còn có sự yêu mến, chấp trước chính mình như Ngã Ái, Tự Thể Ái, và yêu mến mê mệt những thứ mình sở hữu như Ngã Sở Ái, Cảnh Giới Ái. Triệt để đoạn trừ Tự Thể Ái, Cảnh Giới Ái, sẽ giải thoát sanh tử.

c) Diệt Đế: Còn gọi là Khổ Diệt Đế.“Diệt” là có đặc tánh có thể chứng, tức là cảnh giới do chính mình đích thân chứng nghiệm, đoạn hết các phiền não như vô minh v.v… Nghiệp hữu lậu trong đời trước chẳng thể chiêu cảm quả báo trong tam giới thì chính là giải thoát sanh tử.

d) Đạo Đế: Còn gọi là Khổ Diệt Đạo Đế. Đạo có đặc tánh “có thể tu”, tức là phương pháp tu hành hòng đạt tới Diệt Đế. Diệt trừ phiền não như thế nào? Phiền não là duyên sanh pháp (pháp sanh bởi các duyên). Tu Bát Chánh Đạo v.v… hòng ly tán các duyên của phiền não, phiền não sẽ diệt mất. Phương pháp tu hành nói rộng thì là ba mươi bảy đạo phẩm, nói đại lược thì là Bát Chánh Đạo, hoặc Tam Học. Ba mươi bảy đạo phẩm chính là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Đoạn, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, và Bát Chánh Đạo, gồm bảy loại đức mục. Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Tam Học tức là Giới Học, Định Học, và Huệ Học.

          Liễu giải Sự và Lý của Tứ Đế, nói theo sự tu chứng, phải “biết Khổ, đoạn Tập, (hâm mộ Diệt) tu Đạo, chứng Diệt”, thấu hiểu sâu đậm sự khổ não bức bách của khổ quả sanh tử (biết Khổ) thì mới có thể mong cầu lý tưởng diệt trừ khổ quả (hâm mộ Diệt), sanh khởi chí nguyện chán lìa khổ quả (tâm chán lìa). Vì để diệt trừ khổ quả bèn tìm hiểu sâu xa nguyên nhân của khổ quả. Liễu giải nguyên nhân căn bản của khổ quả là sau khi đã có các phiền não như vô minh v.v… thì phải nên đoạn trừ phiền não (đoạn Tập). Vì để đoạn trừ phiền não, phải nên tu Bát Chánh Đạo (tu Đạo). Thật sự đoạn trừ phiền não, sẽ chứng đắc chân lý (chứng Diệt), giải thoát sanh tử.

          Tứ Đế có hai tầng nhân quả: Khổ Đế là quả thế gian, Tập Đế là nhân thế gian; Diệt Đế là quả xuất thế gian, Đạo Đế là nhân xuất thế gian.

          Tin tưởng Tứ Đế chính là lý giải chánh xác sâu xa Sự và Lý Tứ Đế, phù hợp thuận tùng, chẳng có hoài nghi, nội tâm sẽ thanh tịnh.

          3) Bảo chính là Tam Bảo, tức Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo. Nói theo Hóa Thế Tam Bảo (Tam Bảo hóa độ thế gian) thì lấy Pháp Bảo làm cốt lõi. Nói theo nghĩa rộng, các sự lý Tứ Đế, Thập Nhị Duyên Khởi (Thập Nhị Nhân Duyên) v.v… chính là Pháp Bảo. Nói theo nghĩa rốt ráo, Diệt Đế chính là chánh pháp căn bản nhất. Người giác ngộ tu hành Phật pháp mà thấu hiểu rốt ráo viên mãn thì là Phật Bảo. Còn bậc thánh Sơ Quả theo đức Phật xuất gia, nương theo pháp tu hành, chứng ngộ chân lý rốt ráo cho đến bậc A La Hán, hoặc hàng thánh vị Bồ Tát chính là Tăng Bảo.

          Tin vào Tam Bảo là lý giải chánh xác sâu sắc ý nghĩa của Tam Bảo, phù hợp, thuận tùng, chẳng có hoài nghi, nội tâm sẽ thanh tịnh.

          “Ư như thị nghiệp, quả đẳng, cực đương phù thuận, diệc danh thanh tịnh cập hy cầu nghĩa”: [Ý nói] đối với sự lý “nghiệp, quả, Tứ Đế, Tam Bảo”, lý giải chánh giác sâu sắc, phù hợp thuận tùng, chẳng có hoài nghi, nội tâm sẽ thanh tịnh. Đã có chánh tín, sẽ tiến cao hơn bước nữa là hy vọng đạt được lý tưởng (Dục (lòng mong muốn ấy) mang tánh chất thiện, chánh nguyện). Nếu đã có chánh tín đối với Tứ Đế, tiến thêm bước nữa là sanh khởi Chánh Nguyện, mong cầu chứng đắc Diệt Đế, giải thoát sanh tử. Chánh Nguyện chính là Dục Tâm Sở có tánh chất thiện, là động cơ để tu hành. Dùng Diệt Đế làm cảnh sở duyên cho Chánh Nguyện. Đấy chính là mục tiêu tu hành.

          Như kinh Hoa Nghiêm nói, Chánh Tín là cội nguồn của hết thảy tu hành, là mẹ gốc của hết thảy công đức. Đại Trí Độ Luận lại nói: “Tín như tay. Như người có tay, vào trong núi báu, tự tại nhặt lấy của báu. Có Tín thì cũng giống như thế, vào trong núi báu vô lậu căn, lực, giác, đạo, Thiền Định của Phật pháp mà tự tại nhặt lấy”. Có tay chánh tín thì mới có thể lấy được công đức quý báu. Vì thế, tu học Phật pháp, kiến lập chánh tín là chuyện hết sức quan trọng.

          Đối với Tín, Thành Duy Thức Luận đã thuyết minh như sau: “Vân hà vi Tín? Ư Thật, Đức, Năng, thâm nhẫnnhạo, dục, tâm tịnh vi tánh, đối trị bất tín, nhạo thiện vi nghiệp” (Những gì là Tín? Nó có tánh chất đối với Thật, Đức, Năng, nhẫn sâu xa, ưa thích, mong muốn, cái tâm thanh tịnh. Nghiệp dụng là đối trị Bất Tín, ưa thích điều thiện). Thể tánh của Tín là đối với Thật, Đức, Năng, bèn có thể tiếp nhận sâu xa, ưa thích, mong cầu, chẳng có phiền não hoài nghi nào, khiến cho cái tâm thanh tịnh. Nghiệp dụng của Tín là có thể đối trị bất tín, ưa chuộng tu thiện. Bất Tín có nghĩa là tùy thuận phiền não. Lại dựa theo Thành Duy Thức Luận để giải thích cặn kẽ: Đối với sự lý chân thật của các pháp (tức “Thật” trong Thành Duy Thức Luận), liễu giải chánh xác sâu đậm, điều này có ý nghĩa giống như sự tin hiểu “nghiệp, quả, Tứ Đế” trong luận này. Đối với công đức thanh tịnh chân thật của Tam Bảo, hết sức hâm mộ, ưa chuộng. Điều này có ý nghĩa tương đồng với tín giải Tam Bảo được nói trong luận này. Đối với hết thảy các thiện pháp thế gian và xuất thế gian, tin tưởng sâu sắc có năng lực [các thiện pháp ấy sẽ] khiến cho hành giả đạt được lạc quả, cho đến thành tựu thánh đạo. Lại cũng tin tưởng sâu sắc chính mình có thể thành tựu, sanh khởi Chánh Nguyện, nỗ lực tu thiện pháp thế gian và xuất thế gian. “Nhẫn” là Thắng Giải Tâm Sở, là cái nhân của Tín, “lạc, dục” là Dục Tâm Sở, là cái quả của Tín. Ước theo thiện pháp để nói, [sẽ là]: Nương theo Thắng Giải chánh xác để sanh khởi chánh tín; nương theo chánh tín để sanh khởi thiện pháp dục; nương theo thiện pháp dục để sanh khởi tinh tấn; nương theo tinh tấn mà tu hành Định Huệ chẳng buông lung, nương theo Định Huệ để thành tựu viên mãn hết thảy công đức.

 

Nguồn: Di Đà Nguyện Hải

Trang: 1 2 3 4