đại tần tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(大秦寺) Nhà thờ của Cảnh giáo ở đời Đường, Trung quốc. Cũng gọi Ba tư tự, Cảnh tự. Năm Trinh quán thứ 9 (635) đời Đường, những người Cảnh giáo Nestorians – một chi phái thuộc Cơ đốc giáo – sai Olopon mang kinh tượng đến truyền đạo ở Trung quốc. Năm Trinh quán 12 (638), vua Đường Thái tông cho phép xây dựng nhà thờ Đại tần ở phường Nghĩa ninh tại Trường an. Các vua kế tiếp cũng cho phép làm nhà thờ Cảnh giáo ở mỗi châu. Lúc đầu, người ta lầm tưởng trung tâm truyền bá Cảnh giáo là nước Ba tư nên gọi là Ba tư tự. Sau mới biết cảnh giáo bắt nguồn từ Đại tần (Đế quốc La mã) nên vào năm Thiên bảo thứ 4 (745) đời Đường huyền tông mới đổi tên là Đại tần tự. Năm Kiến trung thứ 2 (781), vua Đức tông cho dựng bia Đại tần Cảnh giáo lưu hành Trung quốc ghi lại những hoạt động truyền bá Cảnh giáo ở nước Tàu. Đầu năm Trinh nguyên đời Đức tông, giáo sĩ người Ba tư tên là Cảnh tịnh đến Trường an, ở tại nhà thờ Đại tần và cùng với ngài Tam tạng Bát nhã dịch kinh Lục ba la mật ở nhà thờ này. Khi Đường Vũ tông diệt Phật, nhà thờ Đại tần cũng bị phá hủy, sau được xây dựng lại thành Sùng thánh Phật tự. Năm Thiên khải thứ 5 (1625) đời vua Hi tông nhà Minh, ở chỗ nền cũ của nhà thờ Đại tần tại Tây an, người ta đã đào được tấm bia Đại tần Cảnh giáo lưu hành Trung quốc, đây là tư liệu duy nhất cho việc nghiên cứu về lịch sử Cảnh giáo ở đời Đường tại Trung quốc. [X. Đường hội yếu Q.49 mục Đại tần tự; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.17 truyện Bát nhã tam tạng; Đại tần Cảnh giáo lưu hành Trung quốc bi tụng tinh tự (Đại chính tạng tập 54). (xt. Đại Tần Cảnh Giáo Lưu Hành Trung Quốc Bi).